LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG BỐI CẢNH (1)

LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG BỐI CẢNH (1)

Bối cảnh là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành một câu chuyện hay và hấp dẫn, nói một cách nôm na thì bối cảnh là không gian nơi mà bạn đặt các nhân vật của mình vào và để họ tác động qua lại với nhau. Bối cảnh là một sợi dây kết nối các nhân vật lại với nhau và tác động - lý giải cho mọi suy nghĩ/quan điểm và hành động của nhân vật. Một truyện có bối cảnh và miêu tả bối cảnh tốt cũng giúp người đọc dễ theo dõi các tình tiết truyện hơn và hiểu rõ về thế giới của bạn hơn. Nói tóm lại, bối cảnh truyện cũng giống như không khí vậy, thiếu nó thì câu chuyện của bạn sẽ sớm bị chết yểu. Tuy nhiên bối cảnh cũng là thứ mà các bạn tác giả trẻ miêu tả yếu nhất (có khi còn không miêu tả được bối cảnh), một điểm yếu chung của những bạn mới bắt đầu viết là thường hay nhầm lẫn về thế giới của bạn với sức tưởng tượng của người đọc, và từ đó, các bạn chỉ viết ra với sự mặc định rằng bất cứ ai cũng đã hiểu được bối cảnh và thế giới trong trí tưởng tượng của mình. Do vậy câu chuyện của những bạn này thường thiếu chiều sâu, dư thoại và tình tiết biến chuyển quá nhanh gây ra sự kém hấp dẫn và không níu kéo được người đọc.

Vậy thì làm thế nào để có thể xây dựng được một bối cảnh tốt? Một bối cảnh tốt bao gồm những điều gì bên trong nó? - Dưới đây là câu trả lời dựa trên quan điểm cá nhân cùng kinh nghiệm xây dựng cốt truyện của mình để các bạn có thể tham khảo thêm.

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT BỐI CẢNH HOÀN HẢO
Bất cứ yếu tố nào trong một câu chuyện cũng đều được xây dựng bằng nhiều chi tiết nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng, và bối cảnh cũng như thế. Với khái niệm đã được giải thích sơ qua bên trên, các bạn có thể hình dung ra bối cảnh như một quả cầu tuyết lớn bao trùm thế giới tưởng tượng của bạn ở bên trong nó, và một thế giới thì được cấu thành từ nhiều đặc điểm lớn và nhỏ dưới đây.

THỜI GIAN: Xác định thời gian bối cảnh rất quan trọng. Nó tác động tới các đặc điểm khác và ảnh hưởng tởi toàn bộ mạch truyện. Ví như nếu bạn muốn miêu tả một người ăn vận áo dài khăn đóng, thì bạn cũng phải xác định thời gian mà đa số người dân (nhân vật) đều phải ăn vận tương tự như thế là thời điểm nào trong lịch sử trải dài suốt vài trăm triệu năm qua. Các giai đoạn lịch sử cũng ảnh hưởng trực tiếp với quan điểm và lý tưởng của nhân vật bất kể thế giới của bạn có là giả tưởng hay không: một nhân vật sống trong thời gian chiến tranh sẽ có quan điểm khác biệt với kẻ tồn tại ở thời bình, một người sống qua thời điểm nạn đói kém sẽ có lý tưởng và cách sống trái ngược với kẻ được sống trong thời gian thế giới đã trở nên sung túc, no đủ. Nói cách khác, thời gian của bối cảnh trong truyện tác động mạnh mẽ đến văn hoá, quan điểm, cách sống và hành động của toàn bộ nhân vật bên trong bối cảnh đó.

ĐỊA LÝ - ĐỊA DANH - THỜI TIẾT: Đặc điểm địa hình/địa lý của một bối cảnh giúp người đọc có thể nhanh chóng tưởng tượng được không gian xung quanh nhân vật và thế giới mà các nhân vật của bạn đang sinh sống bên trong đó. Sự phân chia địa hình trong bối cảnh cũng tác động mạnh mẽ đến phong tục tập quán và văn hoá của từng nhóm người sống trên nó (hãy nhớ về việc những tộc người đã phát triển và khác biệt nhau như thế nào giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, bạn sẽ dễ dàng hiểu hơn vì sao địa lý lại tác động mạnh mẽ đến con người sinh sống trên nó đến vậy). Trong phân mục địa lý, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng chúng cần có một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh tương tự như thế giới thực hoăc dựa trên thế giới thực mà bạn đang sống, hãy tự đặt câu hỏi cho mình để có thể tạo ra một vùng đất hoặc thế giới giả tưởng của chính mình một cách hoàn chỉnh: Thế giới của bạn phân chia như thế nào? Có bao nhiêu vùng địa lý trên đó? Thời tiết ở từng nơi như thế nào (mùa hè có tuyết rơi hay mùa thu có mưa phùn không, mùa đông có nắng gắt với cái nóng cháy da khét thịt hay mùa xuân có phủ đầy lá rụng hay không...chẳng hạn.)? Người dân ở từng vùng địa hình có phong tục, văn hoá và quan điểm sống ra sao (người ở miền Tây thì khác gì so với người ở miền Đông? Người sống đồng bằng ăn mặc hay sinh sống có trái ngược với vùng núi hay không?)? Phương pháp tốt nhất để định hình từng vùng địa lý là vẽ hoặc viết chúng ra giấy, với tờ atlat địa lý thế giới ở bên cạnh. Và đừng quên xem xét tới địa danh cho từng vùng đất trong thế giới của bạn.

LỊCH SỬ: lịch sử là một phần cực kì quan trọng và không thể thay thế được nếu bạn sáng tạo ra một thế giới mới hay dựa trên nền tảng của thế giới cũ. Lịch sử là một yếu tố bất biến luôn gắn liền với dòng thời gian và địa lý của bối cảnh, từ những trường đoạn lịch sử, câu chuyện của bạn sẽ trở nên chân thật và sâu sắc hơn đối với người đọc. Việc xây dựng lịch sử của một thế giới giả tưởng có thể khiến bạn hiểu hơn về bối cảnh tác động tới những nhân vật của mình ra sao, đồng thời khiến thế giới của bạn mở rộng hơn về chiều sâu lẫn chiều rộng. Lịch sử bối cảnh tác động mạnh mẽ đến con người và văn hoá tại nơi diễn ra các tình tiết có bên trong truyện. Nếu câu chuyện được viết dựa trên các dữ kiện có thật, thì bạn cần chắc chắn rằng mình không đưa vào các tình tiết tác động trực tiếp đến các sự kiện lịch sử đã được công nhận.

VĂN HOÁ - TÔN GIÁO - CHÍNH TRỊ: được liên kết chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau với các yếu tố đã nêu trên, văn hoá ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển các phong tục, tập quán, niềm tin tôn giáo và hình thành thể chế chính trị tại nơi mà bạn đặt nhân vật của mình vào đó. Nền văn hoá được xây dựng và biến thiên qua nhiều giai đoạn của lịch sử cho tới hiện tại - thế giới mà nhân vật của bạn đang tồn tại, và thông qua văn hoá của vùng đất đó mà nhân vật của bạn sẽ có cách hành xử, nhìn nhận và thể hiện quan điểm của mình khác nhau. Tôn giáo và chính trị cũng được hình thành từ văn hoá thông qua quá trình biến chuyển của lịch sử, ví như việc người dân ở một vùng đất gần biển sẽ có phong tục cúng vỏ sò, thờ thần Biển cả và hình thành một thể chế chính trị phong kiến trong thời gian vào cận - trung đại chẳng hạn. Tất cả những yếu tố này hoà quyện lại với nhau hình thành ra một đặc điểm nổi bật giúp người đọc có thể hiểu hơn về các tình tiết trong truyện cũng như thấu hiểu được lý do vì sao nhân vật của bạn lại hành động như thế trong truyện.

CON NGƯỜI: một yếu tố không thể thay thế và không thể thiếu trong bối cảnh truyện, con người là một nhân tố tác động tới các yếu tố còn lại và cũng chịu tác động ngược lại. Con người hoặc nhóm người/dân tộc mà bạn đặt vào câu chuyện cần phải phù hợp với các yếu tố Thời gian, Địa lý, Lịch sử, Văn hoá, Tôn giáo và Chính trị. Có như thế thì nhân vật của bạn mới có thể tương tác, giao tiếp và đặt ra các mối quan hệ thuận lợi dẫn tới các tình tiết xuyên suốt, liên kết và mạch lạc. Các dòng tộc được xây dựng có thể được phân chia ra dựa trên đặc điểm địa hình và văn hoá, nếu là một bối cảnh giả tưởng, bạn có thể xây dựng các chủng loại khác nhau ngoài con người miễn là chúng thoả mãn được điều kiện hình thành và các mối quan hệ phát triển tương tự như xã hội loài người (có thể kết hợp với các đặc điểm giống loài tưởng tượng hoặc dựa trên đặc điểm xã hội của giống loài đó. Vd như bạn viết về một chủng tộc Người Kiến, thì bạn có thể sử dụng các đặc điểm của loài kiến và xã hội loài kiến để kiến tạo ra vùng văn hoá, chính trị và tôn giáo của chủng tộc Người Kiến chẳng hạn.).

Tựu chung, một bối cảnh hoàn chỉnh bao gồm tất cả các yếu tố hình thành một xã hội/thế giới tương tự như thế giới mà bạn đang sống. Càng xây dựng bối cảnh chi tiết, thế giới của bạn càng trở nên chân thật và gần gũi hơn đối với người đọc. Các đặc điểm này phù hợp và tối cần thiết với bất cứ bối cảnh nào trong bất cứ câu chuyện nào - kể cả chúng có thuộc thể loại kỳ ảo/giả tưởng hay không.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top