Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ công chức Việt Nam
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ công chức Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, nhân cách của người cán bộ, công chức Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu xây dựng bộ máy chính quyền của dân, do dân, vì dân hay trong các bài nói, bài viết trong khoảng thời gian khá dài Người lãnh đạo đất nước cho đến hôm nay vẫn mang tính thực tiễn cao.
Trong bối cảnh xã hội chúng ta hiện nay, để chống quốc nạn tham nhũng có hiệu quả, điều đầu tiên chúng ta phải thực hiện cho được những điều mang tính di huấn của Bác về công tác cán bộ công chức Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi để xây dựng ngày càng hoàn thiện bộ máy chính quyền nhân dân - của dân, do dân và vì dân - một công cụ đắc lực của nhân dân ta trên con đường tiến đến Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng vừa chuyên là điều kiện cơ bản bảo đảm cho bộ máy Nhà nước hoạt động tốt, có hiệu quả và ít "bệnh tật". Những điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Những quan điểm của Người về cán bộ công chức của chế độ mới nằm rải rác ở nhiều bài nói, bài viết trong khoảng thời gian khá dài nhưng có thể tóm tắt những điểm chính sau:
1. Công chức phải phục vụ nhân dân, nhân dân có quyền giám sát, kiểm tra, phê bình các cơ quan và công chức nhà nước.
Chính quyền nhân dân mà nhân dân ta đã tốn nhiều công sức và xương máu để xây dựng nên là Nhà nước của dân, do dân, vì dân - trong đó dân là chủ; "Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. "Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm"; "Việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh..._; ...Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi..._ - lỗi ở đây không chỉ nên hiểu là lỗi trong công tác mà còn là lỗi về mặt đạo lý. Tất cả những điều đó khẳng định tính ưu việt của chế độ mới. Những công việc mà Chính phủ làm cho nhân dân - mà công chức là những người trực tiếp thi hành - đáp ứng ước mong của toàn xã hội cũng như của từng người dân. Điều đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào Chính phủ, là động lực để nhân dân làm theo những chủ trương, chính sách của Chính phủ. Mỗi cán bộ công chức là đại diện của Chính phủ trên cương vị công tác của mình không được phụ lòng tin đó. Mỗi công việc của từng người cán bộ công chức là một công tác cách mạng trong sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bản thân mỗi người cán bộ cũng là con em của nhân dân, sống giữa quần chúng nhân dân nên lợi ích của từng cá nhân họ cũng nằm trong và phục tùng lợi ích của toàn thể nhân dân. Cán bộ công chức là những người làm công ăn lương nhưng là người làm chủ chứ không phải là người làm thuê - đó là điểm khác biệt về bản chất của chế độ dân chủ nhân dân. Mỗi người cán bộ công chức cũng là người chủ xã hội cần phát huy quyền dân chủ và năng lực sáng tạo của mình để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Nhân dân có ngàn tai vạn mắt, có thể đánh gíá chính xác những ưu điểm, khuyết điểm của bộ máy chính quyền cũng như của từng cán bộ. Vớí tinh thần thực sự cầu thị, từ tháng10/1947, trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chủ tịch đã viết: "Tin vào dân chúng. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta"_. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất, là người có ý kiến tối hậu về hiệu quả mọi công tác của Chính phủ, phẩm chất của mọi cán bộ công chức - thậm chí "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ"_.
Mối liên hệ giữa nhân dân và Nhà nước là mối quan hệ hai chiều biện chứng. Mối liên hệ này càng chặt chẽ, khăng khít càng bảo đảm tính nhân dân của Chính quyền cách mạng và nhân dân càng khẳng định quyền làm chủ của mình. Muốn thực hiện được mối liên hệ này cần phải tạo ra và bảo đảm một cơ chế dân chủ thực sự và toàn diện để nhân dân có thể thực hiện được quyền dân chủ của mình, dám nói dám làm. Điều này chúng ta đã, đang và sẽ còn tíếp tục làm dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
2. Công chức là những người có phẩm chất cách mạng cao đẹp, đạo đức trong sáng, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ.
Ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 76/SL ban hành "Quy chế công chức Việt Nam". Đây là văn bản chính thức đầu tiên quy định chế độ công chức của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Điều 2 của bản Quy chế này ghi rõ về nghĩa vụ của người công chức: "Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những điều có hại đến thanh danh công chức, hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư..._. Những điều này tuy vắn tắt nhưng đã nêu khá đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất của người cán bộ công chức nước Việt Nam mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm và tư cách đạo đức của công chức.
Đối với cán bộ, đảng viên, Bác đặc biệt nhấn mạnh những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người nhiều lần nhắc lại cụm từ này ở nhiều bài viết, bài nói của mình. Trước khi bản Quy chế công chức Việt Nam ra đời, Hồ Chủ tịch đã viết liên tiếp bốn bài (ký tên Lê Quyết Thắng) đăng trên báo Cứu quốc (số ra các ngày 30/5; 31/5; 1/6; 2/6 năm 1949) giải thích rõ Thế nào là Cần? Thế nào là Kiệm? Thế nào là Liêm? Thế nào là Chính?. Những khái niệm của người xưa nằm trong Nho học được Người gắn với những nhiệm vụ của công cuộc kháng chiến kiến quốc đã mang một nội dung hiện đại và cách mạng. Những tiêu chí cần. kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những tiêu chí đạo đức, là mục tiêu phấn đấu thi đua tu dưỡng của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi cán bộ - đặc biệt là cán bộ đảng viên - là những người cần gương mẫu thực hiện trước. Với các cán bộ, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh "Chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm là chí công vô tư....
Trong thời kỳ xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cho rằng: Mọi người phải thấm nhuần tinh thần "Mình vì mọi người, mọi người vì mình... Mỗi người cần phải biết đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình vì nghĩa lớn.
Nền văn hoá truyền thống Việt Nam xây dựng trên nền văn minh nông nghiệp lâu đời, còn mang nhiều thiếu hụt, hạn chế. Lại thêm những di hại của văn hoá thực dân còn rất nặng nề. Trình độ khoa học và kỹ thuật của chúng ta còn thấp kém, lề lối sản xuất chưa được cải tiến, năng suất lao động còn thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu chưa được khắc phục. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức, việc học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ đóng vai trò rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ. Rèn đức luôn đi đôi với luyện tài. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc cần phải hoàn thiện cả phẩm chất và năng lực đối với người cán bộ cách mạng. Trong Sửa đổi lối làm việc, Người đã nhắc nhở: "...bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và chính trị của mình..._. Trình độ mọi mặt được nâng cao sẽ nâng cao được hiệu quả công tác, sẽ tránh được những sai lầm khuyết điểm không đáng có do ấu trĩ trong nhận thức, do tri thức khoa học thấp kém. Học tập là nhiệm vụ thường xuyên đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của mỗi người. Học tập là một chặng đường dài không có điểm kết thúc, là cái thang không có bậc cuối cùng. Việc học tập tiếp thu những tri thức mới, những kinh nghiệm mới để làm chủ khoa học và kỹ thuật, tiến kịp với trình độ văn minh của nhân loại là điều rất cần thiết và quan trọng. Người cán bộ công chức Nhà nước tốt phải là một người có văn hoá - hiểu theo nghĩa rộng.
Với Hồ Chí Minh, học tập nâng cao trình độ của bản thân là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Việc học tập phải mang ý nghĩa "mọi người vì mình - mình vì mọi người... và có nội dung cách mạng chứ không phải học tập vì những động cơ cá nhân. Việc rèn luyện mọi mặt để có đủ đức đủ tài, để trở thành người cán bộ "vừa hồng vừa chuyên" là điều phải làm hàng ngày..
Người luôn nhấn mạnh những diều này với mọi ngành, mọi giới và với cả từng người. Người cán bộ phải đầy đủ cả đức cả tài, không thể khiếm khuyết mặt nào vì "có tài mà không có đức là người vô dụng" nhưng "có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".
3. Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong". Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vị trí rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Trong bài nói về công tác huấn luyện và học tập tại Hội nghị lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6/5/1950, Hồ Chí Minh cho rằng nội dung công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện, bao gồm các mặt không tách rời nhau: Huấn luyện nghề nghiệp (chuyên môn), huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hoá, huấn luyện lý luận. Phương châm huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ có thể tóm lược như sau: "Thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều"; "Huấn luyện từ dưới lên trên"; "Phải gắn lý luận với công tác thực tế"; "Huấn luyện phải nhằm đúng yêu cầu"; "Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng";"Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học" _.
Đào tạo huấn luyện luôn đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đánh giá lựa chọn, sử dụng, chăm sóc đội ngũ cán bộ. Muốn vậy "phải biết rõ cán bộ", "phải cất nhắc cán bộ cho đúng"; "phải khéo dùng cán bộ"; "phải giúp cán bộ cho đúng"; "phải giữ gìn cán bộ"_ Muốn lựa chọn cán bộ đúng cần phải căn cứ vào: "Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Những người luôn giữ đúng kỷ luật.... Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ"_.
Để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kêt những cách làm việc với đội ngũ cán bộ như sau:
- Chỉ đạo những phương hướng đường lối công tác cho cán bộ, để họ phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo trong những công việc cụ thể.
- Nâng cao trình độ cho cán bộ bằng cách tạo điều kiện để họ học thêm lý luận và chuyên môn.
- Thường xuyên kiểm tra rút kinh nghiệm, sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong quá trình công tác.
- Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục, cải tạo, giúp họ sửa chữa.
- Giúp đỡ họ bảo đảm những điều kiện sinh hoạt, chăm sóc họ khi đau ốm. Tuỳ theo điều kiện có thể giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề gia đình._
Những điều Người viết cách đây hơn 50 năm đến nay vẫn chưa hề tỏ ra đã cũ mà vẫn gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ
4. Thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy Nhà nước, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất.
Ngay từ những ngày đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu tranh chống lại những bệnh tật dễ mắc trong bộ máy Nhà nước - càng dễ mắc hơn khi cán bộ và nhân dân ta mới giành được chính quyền, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý Nhà nước - đó là bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, tệ "quan cách mạng" nhũng nhiễu nhân dân ở các địa phương. Người kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ như làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hoá,. Tháng 11/1946, Hồ Chủ tịch trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: "Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết. "_. Theo Hồ Chủ tịch: "Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên. Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân"_.
Tham nhũng là một bệnh khó chữa. Nó xuất hiện cùng và gắn chặt với những người nắm giữ quyền lực, lợi dụng những quyền lực đó để chiếm đoạt của cải xã hội cho riêng bản thân mình. Một nền pháp quyền chân chính, tiến bộ phải bảo đảm được tính công bằng, khách quan, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thi hành được điều này không phải dễ dàng bởi vì từ xưa, tội của quan vẫn được xử theo lễ còn tội của dân được xử theo luật .(!). Những kẻ bất liêm vẫn tồn tại trong xã hội, thậm chí ở tại ngay những cơ quan thi hành pháp luật, những cơ quan được giao trọng trách đấu tranh chống lại quốc nạn tham nhũng, buôn lậu và gian lận; những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật.... Tình trạng này một phần do hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở để những kẻ bất liêm lợi dụng, phần khác do việc thi hành luật chưa nghiêm minh, pháp luật chưa đảm bảo tác dụng giáo dục và răn đe. Vẫn còn tình trạng pháp luật chỉ dành để thi hành với dân chúng, vẫn còn cảnh nén bạc đâm toạc tờ giấy khiến lòng dân không còn tin tưởng vào hệ thống pháp chế. Trong bối cảnh dó, việc thực hiện lời Hồ Chủ tịch "Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì" đang đặt ra trước các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như một yêu cầu bức xúc của xã hội. Làm được như vậy, chúng ta mới bảo vệ được kỷ cương phép nước, giữ được lòng tin của nhân dân.
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ là một hệ thống phong phú, toàn diện. Những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ rất sớm khi chăm lo nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức của chính quyền mới cho đến nay vẫn mang nhiều giá trị thực tiễn. Công tác cán bộ của chúng ta hôm nay vẫn định hướng theo những tư tưởng của Người Những văn bản pháp quy về cán bộ công chức Nhà nước đã kế thừa và cụ thể hoá nhiều quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức từ khâu lựa chọn, tuyển dụng đến việc huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
"Độ bền của chuỗi xích phụ thuộc vào độ bền của mắt xích yếu nhất". Từng chi tiết hoạt động tốt là điều kiện quan trọng bảo đảm cho cả hệ thống bộ máy hoạt động tốt. Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức cả về phẩm chất và năng lực là một công tác quan trọng bên cạnh việc tạo ra những cơ chế hoạt động hiệu quả để nâng cao được chất lượng của bộ máy chính quyền trong vai trò quản lý và điều hành hoạt động của cả xã hội, giữ vững sự nghiêm minh của luật pháp, trật tự kỷ cương, công bằng xã hội.
Biên tập: Nguyễn Hương Giang
:"PRC E91Lo
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top