quan điểm
Quan điểm Hồ Chí Minh về lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc
Wednesday, March 21, 2012 2:26:46 PM
Quan điểm Hồ Chí Minh lực lượng cách
a) Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng bị áp bức
Theo Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng bị áp bức. Điều này thể hiện trong các nội dung: Một cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng; cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp chung của toàn dân tộc; dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi.
- Một cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng
Năm 1924, Hồ Chí Minh đã nhận thức về “Khả năng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương”, Người cho rằng, “Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương: Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng”. Từ thực tiễn phong trào cách mạng trong nước và thế giới, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, Đảng chỉ có thể thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của mình khi có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của họ.
Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán việc lấy ám sát cá nhân và bạo động non làm phương thức hành động. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ cách làm không đúng: “làm một cách rất hồ đồ; hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen ỷ lại, mà quên tính tự cường”. Người khẳng định “cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”.
Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22–12–1944), Người viết: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, phải động viên, vũ trang toàn dân”.
Trong Cách mạng tháng Tám (1945), cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Hồ Chí Minh lấy nhân dân làm nguồn sức mạnh. Người chủ trương phát động chiến tranh nhân dân. Hồ Chí Minh nói: “Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”.
Quan điểm “lấy dân làm gọi” xuyên suốt quá trình chỉ đạo chiến tranh của Người. “Có dân là có tất cả”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khi còn hoạt động ở nước ngoài, năm 1923 trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh đã nói: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò quần chúng nhân dân trong khởi nghĩa vũ trang, Người coi sức mạnh vĩ đại sáng tạo vô tận của quần chúng làm then chốt bảo đảm thắng lợi. Người khẳng định: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”. “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”, “Chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc”.
b) Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc
Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, theo Hồ Chí Minh là lực lượng toàn dân tộc; động lực dân tộc là liên minh công nông; bạn đồng minh của cách mạng là tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một bộ phận giai cấp địa chủ.
Dưới chế độ của chủ nghĩa tư bản Pháp, từ một xã hội phong kiến thuần túy, Việt Nam biến thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Mặc dầu thực dân Pháp còn duy trì một phần quan hệ kinh tế và giai cấp địa chủ phong kiến, song khi đã thành một chế độ thuộc địa thì tất cả mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và giai cấp ở Việt Nam đều bị đặt trong quỹ đạo chuyển động của xã hội đó. Ngoài các giai cấp công nhân và nông dân, giai cấp tư sản dân tộc và một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ mặc dù vẫn có mặt hạn chế trong quan hệ với quần chúng lao động, nhưng trong quan hệ với đế quốc Pháp thì họ cũng là những người Việt Nam chịu nỗi nhục mất nước. Đó không phải là những giai cấp thống trị, mà trái lại, họ có thể tham gia phong trào giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh phân tích: “Dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người xác định lực lượng cách mạng bao gồm cả dân tộc, Đảng chủ trương tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, phải dựa vững vào dân cày nghèo, lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất… “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến v.v…) thì phải đánh đổ”; “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”.
Việc xác định lực lượng cách mạng như trên, bao gồm các giai cấp tầng lớp xã hội, thể hiện rõ chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, của Đảng được khẳng định ngay từ những ngày đầu khi mới ra đời.
Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh lại trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân. Người phân tích: các giai cấp công nhân và nông dân có số lượng đông nhất, nên có sức mạnh lớn nhất. Họ lại bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, nên “lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết”. “Công nông tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì dược cả thế giới, cho nên họ gan góc”. Từ đó Người khẳng định: “công nông là gốc cách mệnh”. Khẳng định vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân là một vấn đề hết sức mới mẻ so với nhận thức của những nhà yêu nước trước đó.
Trong khi hết sức nhấn mạnh vai trò của công nông, Hồ Chí Minh không coi nhẹ khả năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc của các giai cấp và tầng lớp khác. Người coi tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một bộ phận giai cấp địa chủ là bạn đồng minh của cách mạng. Người chỉ rõ: “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top