QM

chương 4 Họ lại trói và trùm đầu tôi rồi bỏ tôi ở đó. Một lúc lâu sau, chiếc xe tải bắt đầu chuyển động, lăn xuống dốc và tôi bị lôi mạnh. Lập tức tôi ngã lăn ra. Chân tôi tê dại tới mức tôi thấy cả hai chân như những tảng băng, ngoại trừ cái đầu gối sưng phồng và mềm nhũn sau hàng giờ phải quỳ. Những bàn tay tóm lấy vai và chân tôi, tôi bị nhấc lên như một bao khoai tây. Quanh tôi là những giọng nói mơ hồ. Kẻ khóc lóc. Người chửi rủa. Tôi bị khiêng đi một quãng đường ngắn rồi được đặt xuống, trói vào một rào chắn khác. Đầu gối không thể đỡ nổi tôi nữa, tôi chúi đầu về phía trước, kết cục là ngã xoắn xuống đất như một cái bánh quy, làm sợi dây trói quanh cổ tay căng ra. Rồi chúng tôi lại chuyển động, lần này không giống như đi trên một chiếc xe tải. Sàn nhà dưới chân tôi rung lên nhè nhẹ và lắc lư vì những động cơ diesel nặng nề, tôi nhận ra mình đang ở trên một con tàu! Dạ dày tôi đông cứng. Tôi đang bị tống khỏi nước Mỹ để tới một nơi khác, và có Chúa mới biết đó là nơi nào? Trước đây tôi đã từng sợ hãi, nhưng ý nghĩ này khiến tôi kinh hoàng, đờ người ra, không nói lên lời vì sợ. Tôi chợt nhận ra có thể mình sẽ không bao giờ được gặp lại bố mẹ nữa và tôi thực sự cảm thấy buồn nôn. Cái túi bọc quanh đầu tôi thít chặt lại khiến tôi khó thở, thêm vào đó là cái tư thế kỳ cục mà tôi đang bị xoắn vào. Nhưng ơn Chúa chúng tôi không phải ở trên nước lâu lắm. Cảm giác như một tiếng đồng hồ, nhưng đến nay thì tôi biết rằng chỉ có mười lăm phút, rồi tôi cảm thấy tàu cập bến, cảm thấy những bước chân trên boong, các tù nhân khác được cởi trói, khiêng đi hoặc dẫn đi quanh tôi. Khi họ tiến về phía tôi, tôi cố gắng đứng dậy một lần nữa nhưng không thể, thế là họ lại khiêng tôi đi, vô cảm và thô bạo. Khi họ tháo bao trùm đầu ra, tôi đã ở trong xà lim. Xà lim cũ và đổ nát, đượm mùi không khí biển. Có một cửa sổ ở trên cao với những song sắt gỉ sét. Bên ngoài trời vẫn tối. Có một tấm chăn trên sàn nhà và một bồn cầu bằng kim loại không có chỗ ngồi, gắn vào tường. Tên cai ngục vừa tháo bao trùm đầu cho tôi đang cười nhăn nhở và đóng cánh cửa bằng thép đặc lại. Tôi nhẹ nhàng xoa bóp hai chân, rên rỉ khi máu lưu thông trở lại chân và bàn tay. Cuối cùng tôi cũng có thể đứng dậy và đi lại. Tôi nghe thấy những người khác đang nói, khóc, gào thét. Tôi cũng gào lên: “Jolu! Darryl! Vanessa!” Những giọng nói khác trong cả tòa nhà đang khóc lóc, hét gọi tên nhau, chửi bới tục tĩu. Những giọng nói gần nhất nghe như của mấy gã say xỉn mất trí trên đường. Có lẽ giọng tôi nghe cũng giống như vậy. Đám cai ngục quát nạt bắt chúng tôi im lặng nhưng điều đó chỉ khiến mọi người la hét to hơn. Cuối cùng chúng tôi cứ tru tréo, gào lên đến nổ tung đầu, gào lên đến khô cả họng. Sao không chứ? Chúng tôi còn gì để mất nào? Lần tiếp theo họ tới tra hỏi tôi, tôi đã bẩn thỉu mệt mỏi và đói khát. Người phụ nữ có mái tóc cắt bằng có mặt trong nhóm tra hỏi mới, cùng với ba gã đàn ông to con xoay tôi như một miếng thịt. Một gã da đen và hai gã da trắng, có vẻ một gã là người gốc Nam Mỹ. Họ đều mang súng. Cứ như thể quảng cáo quần áo của Benneton trộn với trò Counter-Strike. Họ đưa tôi ra khỏi xà lim, xích cổ tay cổ chân tôi lại. Vừa đi tôi vừa để ý xung quanh. Tôi nghe thấy tiếng nước bên ngoài và nghĩ có lẽ chúng tôi đang ở Alcatraz - nó vẫn chỉ là một nhà ngục dù luôn được nói đến như một địa điểm du lịch hấp dẫn bao nhiêu thế hệ, nơi bạn đến để xem Al Capone và băng đảng của hắn đã làm gì trong thời đại của chúng. Tôi đã tới Alcatraz trong một chuyến dã ngoại ở trường. Nó cũ kỹ, mục nát và đậm chất trung cổ. Đứng ở đây, người ta có cảm giác như đang quay lại thời Thế chiến thứ II chứ không phải thời thuộc địa. Trên mỗi cánh cửa phòng giam đều có miếng dán in mã vạch và số phòng, nhưng ngoài những thứ đó ra thì không có cách nào để biết ai hoặc cái gì ở đằng sau chúng. Phòng tra hỏi khá hiện đại với đèn huỳnh quang, ghế công thái - nhưng tất nhiên là không dành cho tôi, tôi được ngồi trên một chiếc ghế nhựa gấp loại dùng trong các khu vườn - và một chiếc bàn gỗ lớn cho phòng họp. Trên tường là một tấm gương giống trong những chương trình về cảnh sát, và tôi đồ rằng hẳn có ai đó đang quan sát từ phía sau nó. Người phụ nữ với mái tóc cắt bằng và bạn của cô ta lấy cà phê từ bình hãm trên cái bàn nhỏ (lúc ấy, đáng ra tôi có thể dùng răng cắn toạc cổ họng cô ta và giằng lấy cà phê) rồi đặt tách nước đầy bọt xuống cạnh tôi - mà không mở còng tay ở sau lưng cho tôi nên tôi không thể với được. Ha ha ha. “Chào Marcus,” người phụ nữ có mái tóc cắt bằng nói. “Thái độ của cậu hôm nay ra sao?” Tôi không nói gì cả. “Chuyện không đến nỗi quá tệ đâu, cậu biết đấy,” cô ta nói. “Từ giờ trở đi, nó sẽ không thể nào tốt hơn được nữa. Thậm chí một khi cậu nói cho chúng tôi những gì chúng tôi muốn biết, thậm chí nếu điều đó thuyết phục được chúng tôi rằng cậu chỉ ở đó không đúng lúc đúng chỗ, thì cậu cũng đã bị đánh dấu. Chúng tôi sẽ theo dõi mọi nơi cậu đến và mọi việc cậu làm. Cậu đã hành động như thể muốn giấu giếm điều gì đó, và chúng tôi không thích điều này.” Thật thảm hại, nhưng tất cả những gì não tôi có thể nghĩ tới là cụm từ đó, “thuyết phục chúng tôi rằng cậu đã ở đó không đúng lúc đúng chỗ.” Đây là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với tôi. Trước đây tôi chưa bao giờ cảm thấy tồi tệ hay sợ hãi thế này. Những chữ này, “không đúng lúc đúng chỗ”, năm chữ này, chúng như sợi dây cứu sinh đung đưa trước mắt tôi khi mà tôi đang quẫy đạp trên mặt nước. “Này, Marcus?” cô ta bật ngón tay trước mặt tôi. “Nhìn đây, Marcus.” Cô ta khẽ cười và tôi ghét bản thân mình vì để cô ta thấy nỗi sợ của mình. “Marcus, mọi việc có thể xấu hơn thế này rất nhiều. Đây không phải là nơi tệ nhất chúng tôi có thể giữ cậu, hoàn toàn không.” Cô ta đưa tay xuống dưới cái bàn, kéo ra một chiếc va li rồi mở nó ra. Từ đó, cô ta rút ra điện thoại, máy bắn/làm nhái thẻ RFID, bộ dò WiFi và mấy cái USB của tôi. Cô ta đặt từng thứ một xuống bàn. “Đây là những việc chúng tôi muốn cậu làm. Cậu phải mở khóa điện thoại cho chúng tôi hôm nay. Nếu cậu làm thế, cậu sẽ được hưởng đặc quyền ra ngoài trời và đi tắm. Cậu sẽ được tắm rửa và được phép đi lại trong sân thể dục. Ngày mai, chúng tôi sẽ đưa cậu quay lại và yêu cầu cậu giải mã những dữ liệu trong các thẻ nhớ này. Làm thế, cậu sẽ được ăn ở phòng chung. Ngày tiếp theo, chúng tôi muốn mật mã e-mail của cậu, và nó sẽ cho cậu đặc quyền được sử dụng thư viện.” Từ “không” đã ở ngay trên môi tôi, giống như tiếng ợ muốn phụt ra ngoài, nhưng nó không chịu ra. Thay vào đó, tôi nói: “Tại sao?” “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng cậu đúng như chúng tôi phán đoán. Đây là vì sự an toàn của chính cậu, Marcus. Cứ nói rằng cậu vô tội đi. Có thể cậu vô tội, tuy nhiên tại sao một người vô tội lại hành động như thể anh ta có quá nhiều điều để che giấu tôi. Nhưng cứ cho rằng cậu vô tội đi: cậu có thể đã ở trên cây cầu đó khi nó bị nổ tung. Bố mẹ cậu cũng có thể đã ở đó. Bạn bè cậu. Cậu không muốn chúng tôi bắt được những kẻ đã tấn công gia đình mình sao?” Thật buồn cười, nhưng khi cô ta nói chuyện về việc tôi sẽ được nhận những “đặc quyền”, tôi cảm thấy sợ phát khiếp. Tôi cảm tưởng như mình đã làm điều gì đó để giờ phải chịu kết cục như thế này, như thể một phần sự việc là do lỗi của tôi, như thể tôi đã có thể làm gì đó để thay đổi nó vậy. Nhưng ngay khi cô ta chuyển sang những thứ về “sự an toàn” và “an ninh”, dũng khí của tôi quay lại. “Thưa cô,” tôi nói, “cô đang nói về việc tấn công gia đình tôi, nhưng cho đến bây giờ tôi có thể nói rằng cô là người duy nhất đã tấn công tôi. Tôi cứ nghĩ rằng tôi sống ở một đất nước có hiến pháp. Tôi cứ nghĩ rằng tôi sống ở một đất nước nơi tôi có quyền. Cô đang nói về việc bảo vệ sự tự do của tôi bằng cách xé tan tành Bản tuyên ngôn nhân quyền.” Một nét khó chịu thoáng qua mặt cô ta rồi biến mất. “Thật thống thiết, Marcus. Không ai tấn công cậu. Cậu chỉ bị giam giữ bởi chính phủ của đất nước cậu trong khi chúng tôi tìm kiếm những chi tiết về vụ khủng bố tệ hại nhất từng xảy ra trên lãnh thổ của chúng ta. Cậu có trong tay sức mạnh để giúp chúng tôi chiến đấu trong cuộc chiến chống lại kẻ thù quốc gia này. Cậu muốn giữ gìn Bản tuyên ngôn nhân quyền phải không? Hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những kẻ xấu đã thổi bay thành phố của cậu. Giờ thì cậu có chính xác ba mươi giây để mở khóa cái điện thoại này trước khi tôi đưa cậu quay lại xà lim. Chúng tôi phải phỏng vấn rất nhiều người khác nữa trong hôm nay.” Cô ta nhìn vào đồng hồ. Tôi khua cổ tay mình, khua đám dây xích đang ngăn tôi không thể với ra xung quanh và mở khóa điện thoại. Đúng thế, tôi định làm thế đấy. Cô ta đã chỉ cho tôi con đường tới tự do - tới thế giới, tới cha mẹ tôi - và điều này đã cho tôi hy vọng. Giờ cô ta lại dọa sẽ đưa tôi đi, bắt tôi ra khỏi con đường đó, hy vọng của tôi đã sụp đổ và tất cả những gì tôi có thể nghĩ là làm sao để giành lại cơ hội. Thế nên tôi khua cổ tay, muốn lấy điện thoại để mở khóa cho cô ta, và cô ta chỉ lạnh lùng nhìn tôi, kiểm tra đồng hồ. “Mật mã,” tôi nói, cuối cùng cũng hiểu cô ta muốn gì ở tôi. Cô ta muốn tôi nói to lên, ở đây, nơi cô ta có thể thu lại, nơi đồng sự của cô ta có thể nghe thấy. Cô ta không muốn tôi chỉ mở khóa điện thoại không thôi. Cô ta muốn tôi phải tuân lệnh cô ta. Để cô ta toàn quyền kiểm soát tôi. Đưa cho cô ta toàn bộ bí mật, toàn bộ sự riêng tư của tôi. “Mật mã,” tôi nhắc lại, và rồi nói cho cô ta biết. Xin Chúa giúp con, con đã phục tùng ý muốn của cô ta. Cô ta nở một nụ cười ra vẻ nghiêm nghị, nụ cười chắc chắn phải tương đương như điệu nhảy chiến thắng của nữ hoàng băng giá, rồi mấy gã quản ngục dẫn tôi đi. Khi cửa đóng lại, tôi nhìn thấy cô ta cúi xuống cái điện thoại để nhập mật mã vào. Ước gì tôi có thể nói rằng tôi đã dự tính trước khả năng này để tạo ra một mật mã giả chỉ có thể mở được phần hoàn toàn vô hại trong điện thoại của mình, nhưng tôi cũng chưa hoang tưởng/tinh ranh tới mức ấy. Đến đây có thể bạn sẽ tự hỏi tôi giấu những bí mật đen tối gì trong điện thoại, thẻ nhớ và e-mail. Dù sao thì tôi vẫn chỉ là một đứa nhóc thôi mà. Sự thật là tôi có tất cả mọi thứ để giấu, và không có gì cả. Xem điện thoại và thẻ nhớ của tôi, bạn có thể có khái niệm về chuyện bạn bè tôi là ai, tôi nghĩ gì về họ, tất cả những việc ngớ ngẩn chúng tôi đã làm. Bạn có thể đọc được phiên bản điện tử của những lần cãi vã giữa chúng tôi, và những cuộc dàn hòa chúng tôi đã đạt được. Như bạn thấy đó, tôi không xóa mọi thứ đi. Tại sao phải xóa chứ? Việc lưu trữ thì rẻ, và bạn không bao giờ biết khi nào bạn muốn xem lại những thứ đó. Nhất là những thứ ngốc nghếch. Bạn biết cảm giác đôi khi bạn phải ngồi đợi ở bến tàu điện ngầm và không có ai để nói chuyện, rồi đột nhiên bạn nhớ ra một cuộc tranh cãi gay gắt nào đó mà mình đã dính vào hay một điều khủng khiếp nào đó mà mình đã nói? Chà, thường thì nó không tệ như bạn nhớ đâu. Việc có thể quay lại và xem lại là một cách tuyệt vời để tự nhắc nhở rằng bạn không tệ như bạn vẫn nghĩ về bản thân. Những cuộc tranh cãi như thế giữa Darryl và tôi nhiều đến mức tôi không thể đếm được. Mà thậm chí đấy cũng không phải là vấn đề. Tôi biết điện thoại của tôi là riêng tư. Tôi biết thẻ nhớ của tôi là riêng tư. Đó là nhờ thuật mã hóa - mã hóa tin nhắn. Thuật toán của quá trình mã hóa khá tốt và chắc chắn, mặt khác, bạn và tôi đều có thể tiếp cận tới cùng một hệ mã hóa mà các ngân hàng và Cơ quan An ninh Quốc gia sử dụng. Tất cả mọi người đều áp dụng một dạng mã hóa duy nhất: dạng mã hóa công cộng, mở và có thể được triển khai bởi bất kỳ ai. Đó là cách để bạn biết rằng nó hoạt động. Có điều gì đó thật phóng khoáng trong việc có một góc nào đó trong cuộc sống của bạn chỉ thuộc về bạn, nơi không ai có thể thấy ngoài bạn. Nó hơi giống như việc khỏa thân hay đi vệ sinh. Ai cũng phải trần truồng một lúc nào đó. Ai cũng phải đi vệ sinh trong bồn cầu. Chẳng có gì đáng xấu hổ, khác thường hay kỳ cục về những việc này cả. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi ra sắc lệnh từ bây giờ, mỗi khi muốn bài tiết những chất thải rắn, bạn phải làm việc này ở trong một phòng kính đặt giữa Quảng trường Thời Đại, và bạn buộc phải trần như nhộng? Dù cho cơ thể bạn không có gì khiếm khuyết hay dị thường - mà bao nhiêu người trong số chúng ta có thể như thế? - thì nhất định bạn phải khá kỳ quặc mới thích ý tưởng trên. Hầu hết chúng ta sẽ chạy trốn và gào thét. Hầu hết chúng ta sẽ nhịn cho đến khi bị nổ tung. Vấn đề không phải là bạn làm điều gì đáng xấu hổ. Vấn đề là bạn đang làm một việc riêng tư. Vấn đề là cuộc sống của bạn thuộc về bạn. Họ đang dần tước điều đó khỏi tôi, từng mảnh một. Khi đi lại xà lim, cảm giác về việc đang bị tống giam lại quay trở lại với tôi. Trong đời mình, tôi đã phá vỡ rất nhiều luật lệ và hầu như vụ nào cũng trót lọt. Có lẽ đây là sự công bằng. Có lẽ đây là quá khứ quay lại hỏi thăm tôi. Rốt cuộc, tôi đã có mặt ở cái nơi mà lẽ ra tôi phải có mặt vì tội trốn học. Tôi được phép tắm. Tôi được phép đi lại trong sân. Tôi thấy một khoảng trời trên đầu, và ngửi thấy mùi giống như khu Vịnh, ngoài ra thì tôi không có manh mối nào về việc tôi bị giam giữ ở đâu. Tôi không thấy tù nhân nào khác trong suốt thời gian đi dạo, và tôi chán đi vòng quanh rồi. Tôi căng tai ra nghe ngóng bất kỳ tiếng động nào có thể giúp tôi biết được đây là đâu, nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là những âm thanh đứt quãng của xe cộ, một vài cuộc nói chuyện xa xăm, một máy bay đang hạ cánh ở nơi nào đó gần đây. Họ mang tôi trở lại xà lim và cho tôi ăn, một nửa miếng bánh xúc xích bò heo rắc hạt tiêu từ cửa hàng Goat Hill Pizza, nơi mà tôi biết rất rõ, ở trên đồi Potrero. Cái hộp các tông với hình vẽ quen thuộc và số điện thoại 415 càng gợi tôi nhớ rằng chỉ một ngày trước đây, tôi còn là một con người tự do trong một một đất nước tự do, và giờ thì tôi đã là một tù nhân. Tôi không ngớt lo lắng cho Darryl và những người bạn khác. Có thể họ đã chịu khó hợp tác hơn và được thả ra rồi. Có thể họ đã nói với cha mẹ tôi và giờ mọi người đang điên cuồng tìm kiếm khắp nơi cũng nên. Mà cũng có thể không. Xà lim trống trải một cách khủng khiếp, rỗng không như tâm hồn tôi. Tôi tưởng tượng bức tường đối diện giường tôi là một màn hình để ngay lúc này tôi có thể đột nhập hệ thống và mở cửa xà lim. Tôi mơ màng về bàn làm việc của mình và những kế hoạch ở đó - những chiếc can cũ mà tôi đã biến thành thiết bị âm thanh nổi hạng bét, máy chụp ảnh trên không bằng diều mà tôi đang làm và cái laptop tôi tự ráp lấy. Tôi muốn ra khỏi đây. Tôi muốn về nhà, gặp lại bạn bè, trường học, cha mẹ và sống cuộc sống của mình. Tôi muốn được đi bất kỳ nơi đâu tôi muốn chứ không phải là cứ đi đi lại lại ở đây mãi. Kế tiếp, họ lấy mật khẩu USB của tôi. Trong đó chứa một số thông điệp thú vị mà tôi tải về được từ dăm ba nhóm thảo luận trực tuyến, vài đoạn chat, những chỗ mà tôi đã tìm ra kiến thức cần có để làm những việc tôi đã làm. Chẳng có gì trong đó mà mà bạn không thể tìm được bằng Google, tất nhiên, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ giúp được gì cho mình. Tôi lại được ra tập thể dục vào chiều hôm ấy, và lần này có những người khác trong sân khi tôi tới, bốn anh chàng khác và hai người phụ nữ, ở mọi lứa tuổi và chủng tộc khác nhau. Tôi đồ rằng rất nhiều người đang làm nhiều việc để giành được “đặc quyền”. Họ cho tôi nửa giờ đồng hồ, và tôi cố gắng bắt chuyện với người trông có vẻ bình thường nhất trong đám tù nhân, một anh chàng da đen trạc tuổi tôi, có mái tóc xoăn ngắn. Nhưng khi tôi tự giới thiệu và giơ tay ra, cậu ta liếc về hướng những máy quay được gắn một cách đáng ngại trên các góc sân và cứ tiếp tục đi, không hề thay đổi nét mặt dù chỉ một chút. Nhưng rồi, ngay trước khi họ gọi tên tôi và mang tôi quay lại tòa nhà, cửa mở ra và một người bước ra - Vanessa! Chưa bao giờ tôi hạnh phúc hơn thế khi được nhìn thấy một khuôn mặt thân thiện. Trông cô có vẻ mệt mỏi và cau có nhưng không bị thương, và khi nhìn thấy tôi, cô gào tên tôi và chạy về phía tôi. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau và tôi nhận ra mình đang run lẩy bẩy. Rồi tôi nhận ra Van cũng đang run không kém. “Cậu ổn chứ?” cô hỏi, vẫn giữ tôi trong tầm tay. “Mình ổn,” tôi trả lời. “Họ nói rằng họ sẽ thả mình nếu mình đưa cho họ các mật mã của mình.” “Họ cứ liên tục hỏi mình những câu hỏi về cậu và Darryl.” Một giọng nói phát ra từ loa phóng thanh, quát chúng tôi hãy ngừng nói chuyện và tiếp tục đi bộ, nhưng chúng tôi lờ nó đi. “Trả lời họ đi,” tôi nói ngay. “Bất cứ điều gì họ hỏi, hãy trả lời họ. Nếu điều đó giúp cậu được tự do.” “Còn Darryl và Jolu thì sao?” “Mình không thấy bọn họ.” Cánh cửa mở tung và bốn tên lính gác khổng lồ xông ra. Hai gã túm lấy tôi, hai gã giữ Vanessa. Chúng đè tôi xuống đất và xoay đầu tôi khỏi Vanessa, dù vậy tôi vẫn nghe thấy cô ấy cũng đang bị đối xử y như vậy. Chiếc còng bằng nhựa dẻo bập vào hai cổ tay tôi, rồi tôi bị giật chúi đầu xuống chân và bị đưa trở lại xà lim. Tối hôm đó không có bữa tối. Sáng hôm sau không có bữa sáng. Không ai tới mang tôi đến phòng xét hỏi để moi thêm bí mật. Cái còng tay bằng nhựa dẻo không được tháo ra, và vai tôi nóng ran, đau nhức, tê liệt, rồi lại nóng ran lên. Tay tôi hoàn toàn mất cảm giác. Tôi phải đi tiểu. Tôi không thể tự tụt quần. Tôi thực sự, thực sự phải đi tiểu. Tôi tè hết ra người. Sau đó, họ tới kiểm tra tôi, khi mà nước tiểu nóng đã nguội và trở nên ẩm ướt, khiến cho cái quần đã sẵn bẩn thỉu dính chặt vào chân tôi. Họ giải tôi tới đại sảnh dài có nhiều cánh cửa, mỗi cánh cửa có mã vạch riêng, mỗi mã vạch ứng với một tù nhân giống tôi. Họ giải tôi xuống hành lang và đưa tôi đến phòng xét hỏi, cứ như thể tôi đang bước vào một hành tinh khác vậy, một thế giới nơi tất cả đều bình thường, nơi mọi thứ không hôi thối và nồng nặc mùi nước tiểu. Tôi cảm thấy mình thật bẩn thỉu và đáng xấu hổ, tất cả cảm giác về việc tôi đáng phải chịu những điều này lại quay về. Người phụ nữ với mái tóc cắt bằng đã ngồi sẵn đó. Cô ta thật hoàn hảo: đội mũ và chỉ trang điểm nhẹ. Tôi ngửi thấy mùi tóc cô ta. Cô ta nhăn mũi với tôi. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy sự xấu hổ lại trỗi dậy. “Chà, cậu là một đứa bé hư, phải không? Tên bẩn thỉu kia?” Tủi thẹn. Tôi cúi xuống bàn. Tôi không thể chịu được khi phải nhìn lên. Tôi chỉ muốn nói cho cô ta mật khẩu e-mail của mình và biến khỏi đây. “Cậu và bạn cậu đã nói gì với nhau trong sân?” Tôi cười phá lên với cái bàn. “Tôi bảo cô ấy hãy trả lời những câu hỏi của cô. Tôi bảo cô ấy phải hợp tác.” “Vậy là cậu đưa ra mệnh lệnh?” Tôi thấy máu réo rắt trong tai. “Ồi thôi nào,” tôi nói. “Chúng tôi chỉ cùng nhau tham gia một trò chơi, gọi là trò Harajuku Fun Madness. Tôi là trưởng nhóm. Chúng tôi không phải những kẻ khủng bố, chúng tôi chỉ là những học sinh cấp ba. Tôi không ra lệnh cho cô ấy. Tôi nói với cô ấy rằng chúng tôi cần phải thành thật với cô để có thể xóa bỏ hết mọi nghi ngờ và ra khỏi đây.” Cô ta không nói gì trong một lúc. “Darryl sao rồi?” tôi nói. “Ai cơ?” “Darryl. Các người đã bắt chúng tôi cùng lúc. Bạn tôi. Ai đó đã đâm cậu ấy ở ga BART, phố Powell. Chính vì thế chúng tôi mới phải ở trên mặt đường. Để tìm ai đó giúp cậu ấy.” “Vậy thì tôi chắc là cậu ta ổn,” cô ta đáp. Dạ dày tôi thắt lại và suýt chút nữa tôi đã nôn ra. “Cô không biết? Các người vẫn chưa đưa cậu ấy đến đây sao?” “Những người chúng tôi đưa đến hay không đưa đến đây không phải việc chúng tôi định bàn với cậu, không bao giờ. Cậu không được biết những điều đó. Marcus, cậu đã thấy điều gì xảy ra khi cậu không hợp tác với chúng tôi. Cậu đã thấy điều gì xảy ra khi cậu không tuân theo mệnh lệnh của chúng tôi. Cậu đã hợp tác một chút, và nó đã giúp cậu gần tới điểm cậu có thể được tự do. Nếu cậu muốn biến khả năng này trở thành hiện thực, cậu phải trả lời những câu hỏi của tôi.” Tôi không nói gì. “Cậu đang tiếp thu đấy, vậy là tốt. Giờ thì vui lòng cho tôi mật khẩu e-mail của cậu.” Tôi đã sẵn sàng. Tôi cung cấp cho họ mọi thứ: địa chỉ máy chủ, tên đăng nhập, mật khẩu. Điều này không thành vấn đề. Tôi chẳng giữ e-mail nào trong máy chủ của mình. Tôi đã tải hết về và để trong lap- top ở nhà, cứ sáu mươi giây cái laptop này lại tự động tải xuống và xóa tất cả thư của tôi trên máy chủ. Họ sẽ không thể tìm thấy gì trong hộp thư của tôi - mọi thứ đều đã được dọn sạch khỏi máy chủ và lưu trong laptop ở nhà. Họ đưa tôi về xà lim nhưng tôi được nới lỏng dây trói tay, tắm và mặc một cái quần của tù nhân màu da cam. Nó quá rộng so với tôi và bị tụt xuống hông, như một thằng nhóc Mexico ở khu Mission. Đó là nơi sinh ra cái trò quần-tụt-xuống-mông, bạn biết chứ? Từ trong tù. Đúng thế đấy, thật là kém vui khi biết rằng nó chả phải một tuyên ngôn thời trang gì hết. Họ mang quần bò của tôi đi, và tôi ở thêm một ngày nữa trong tù. Sau một tấm lưới thép là những bức tường bong tróc xi măng. Bạn có thể nói tấm lưới bằng thép vì không khí đang mằn mặn đầy mùi thép gỉ, và dưới ánh sáng màu cam đỏ, tấm lưới ánh lên qua lớp sơn màu xanh. Bố mẹ tôi đang ở đâu đó bên ngoài cái cửa sổ ấy. Ngày hôm sau họ lại tới. “Chúng tôi đã đọc thư của cậu được một ngày. Chúng tôi đã đổi mật khẩu để máy tính ở nhà cậu không thể tiếp nhận thông tin nữa.” Chà, tất nhiên họ đã làm thế. Đáng ra tôi cũng phải làm vậy chứ nhỉ, giờ tôi mới nghĩ tới điều này. “Chúng tôi đã có đủ thông tin để tống giam cậu trong một thời gian dài, Marcus. Việc cậu sở hữu những bài viết đó” - cô ta chỉ vào đống đồ nho nhỏ của tôi - “và dữ liệu chúng tôi tìm lại được từ điện thoại và thẻ nhớ, cũng như những tài liệu mang tính phá hoại mà chúng tôi chắc chắn sẽ tìm ra nếu đột nhập nhà cậu và lấy máy tính của cậu. Nó đủ để tống giam cậu cho đến khi cậu già khụ. Cậu hiểu điều này chứ?” Trong một giây, tôi đã không tin. Không đời nào một tòa án lại tuyên bố rằng tất cả những thứ này cấu thành nên bất cứ loại tội ác nào. Đó là tự do ngôn luận, đó là niềm đam mê công nghệ. Nó không phải tội ác. Nhưng ai nói là những người này sẽ đưa tôi ra trước một phiên tòa nào chứ. “Chúng tôi biết cậu sống ở đâu, chúng tôi biết bạn bè cậu là ai. Chúng tôi biết cách cậu hoạt động và tư duy.” Rồi ý nghĩ đó lóe lên trong đầu tôi. Họ chuẩn bị thả tôi. Căn phòng như bừng sáng. Tôi nghe thấy mình đang thở, những hơi thở ngắn ngủn. “Chúng tôi chỉ muốn biết một điều nữa: máy móc để vận chuyển bom lên cầu là loại máy gì?” Tôi ngừng thở. Căn phòng tối sầm lại. “Cái gì?” “Có mười điểm đặt bom trên cầu, dọc chiều dài cây cầu. Chúng không ở trong thùng xe. Chúng đã được đặt ở đó. Ai đã đặt chúng ở đó và làm thế nào để chuyển chúng lên đó?” “Cái gì?” tôi lặp lại. “Đây là cơ hội cuối cùng của cậu, Marcus,” cô ta nói. Cô ta có vẻ buồn bã. “Cho đến giờ cậu đã làm rất tốt. Nói cho chúng tôi điều này là cậu có thể về nhà. Cậu có thể thuê một luật sư bào chữa cho mình trước tòa. Chắc chắn là có những trường hợp giảm nhẹ tội mà cậu có thể sử dụng để giải thích cho hành động của mình. Chỉ cần nói cho chúng tôi điều này, cậu sẽ được thả.” “Tôi không biết cô đang nói về cái gì!” Tôi đang khóc và thậm chí không thèm quan tâm đến điều đó. Khóc nức nở đến sưng cả mắt. “Tôi không hiểu cô đang nói về cái gì!” Cô ta lắc đầu. “Marcus, làm ơn. Hãy để chúng tôi giúp cậu. Đến giờ cậu đã biết rằng chúng tôi luôn đạt được thứ chúng tôi theo đuổi.” Có một âm thanh lắp bắp phía trong trí óc tôi. Họ điên rồi. Tôi lấy lại bình tĩnh, cố gắng hết sức để ngừng khóc. “Nghe đây, thưa bà, điều này thật điên rồ. Bà đã xem hết đồ đạc của tôi, đã xem hết rồi. Tôi là một thằng nhóc mười bảy tuổi học cấp ba, không phải kẻ khủng bố! Bà không thể nào nghĩ một cách nghiêm túc...” “Marcus, vậy là cậu vẫn chưa thấy rằng chúng tôi đang nghiêm túc sao?” Cô ta lắc đầu. “Cậu được điểm số khá cao ở trường. Tôi tưởng cậu phải thông minh hơn thế.” Cô ta búng nhẹ tay và những tên lính gác nhấc nách tôi dậy. Quay trở lại xà lim, hàng trăm từ ngữ xuất hiện trong tôi. Người Pháp gọi điều này là esprit d’escalier - tinh thần bậc thang, những lời bác bỏ mạnh mẽ đến với bạn sau khi bạn rời khỏi phòng và bước xuống cầu thang. Trong đầu mình, tôi đang đứng dậy và giãi bày, nói cho cô ta rằng tôi là một công dân yêu tự do, điều này khiến tôi là một người ái quốc và biến cô ta thành kẻ phản bội. Trong đầu mình, tôi đang khiến cô ta hổ thẹn vì đã biến đất nước tôi thành một trại vũ trang. Trong đầu mình, tôi đang ăn nói hùng hồn và xuất sắc, làm cô ta phải bật khóc. Nhưng bạn cũng biết đấy, không điều gì trong những lời lẽ hay ho đó quay lại với tôi khi họ kéo tôi đi vào ngày hôm sau. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là tự do. Bố mẹ tôi. “Xin chào, Marcus,” cô ta nói. “Cậu thấy thế nào?” Tôi nhìn xuống bàn. Cô ta đặt một chồng tài liệu ngăn nắp trước mặt, bên cạnh là tách cà phê Starbucks loại mua về. Mơ hồ nó khiến tôi thấy thật dễ chịu, như nhắc tôi rằng có một thế giới thực ở đâu đó ngoài kia, bên ngoài những bức tường. “Đến giờ chúng tôi đã hoàn tất việc điều tra cậu.” Cô ta dừng lại ở đó. Hẳn điều này có nghĩa là cô ta sẽ thả tôi ra. Cũng có thể nó có nghĩa là cô ta sẽ ném tôi vào một cái hố và quên luôn rằng có tôi trên đời. “Và?” cuối cùng tôi nói. “Và tôi muốn cậu nhớ rằng chúng tôi rất nghiêm túc trong việc này. Đất nước chúng ta đã trải qua một vụ tấn công tệ nhất trong lịch sử. Cậu muốn chúng ta phải chịu đựng bao nhiêu vụ Mười một tháng Chín thì cậu mới sẵn sàng hợp tác? Chi tiết về những cuộc điều tra của chúng tôi là tuyệt mật. Chúng tôi sẽ không ngừng lại vì bất cứ lý do gì với nỗ lực đưa thủ phạm của những tội ác ghê tởm này ra trước công lý. Cậu hiểu chứ?” “Có,” tôi lầm bầm. “Hôm nay chúng tôi sẽ cho cậu về nhà, nhưng cậu đã bị đánh dấu. Cậu thuộc diện bị tình nghi - chúng tôi chỉ thả cậu vì lúc này chúng tôi đã hoàn tất việc xét hỏi cậu. Nhưng từ giờ trở đi, cậu thuộc về chúng tôi. Chúng tôi sẽ theo dõi cậu. Chúng tôi sẽ đợi cậu phạm sai lầm. Cậu hiểu rằng chúng tôi có thể theo dõi cậu mọi lúc chứ?” “Có,” tôi lầm bầm. “Tốt. Cậu sẽ không bao giờ nói chuyện với bất cứ ai về những gì đã xảy ra ở đây, không bao giờ. Đây là vấn đề về an ninh quốc gia. Cậu biết rằng hình phạt tử hình vẫn được áp dụng cho tội mưu phản trong thời kỳ chiến tranh chứ?” “Có,” tôi lầm bầm. “Cậu bé ngoan,”cô ta gầm gừ. “Ở đây chúng tôi có vài giấy tờ để cậu ký.” Cô ta đẩy đống giấy tờ trên bàn sang phía tôi. Những mẩu giấy ghi chú in dòng chữ KÝ Ở ĐÂY dính đầy các tài liệu. Một lính gác mở còng tay cho tôi. Tôi lật qua đống giấy tờ và mắt tôi chảy nước còn đầu thì choáng váng. Tôi không thể hiểu chúng viết gì. Tôi cố giải mã thứ ngôn ngữ pháp lý này. Có vẻ như tôi đang ký vào một tờ khai rằng tôi tự nguyện được giam giữ và tự nguyện trả lời các câu hỏi, tất cả hoàn toàn do tôi tự quyết định. “Sẽ thế nào nếu tôi không ký?” tôi nói. Cô ta giật đống giấy tờ lại và búng tay lần nữa. Mấy tay lính gác ấn tôi xuống. “Đợi đã!” tôi hét lên. “Làm ơn đi! Tôi sẽ ký!” Họ lôi tôi ra cửa. Tất cả những gì tôi có thể thấy là cánh cửa đó, tất cả những gì tôi có thể nghĩ là nó đang đóng lại phía sau tôi. Tôi đã đánh mất nó. Tôi òa khóc. Tôi cầu xin để được phép ký vào những giấy tờ. Đã quá gần tự do rồi lại để tuột mất, điều ấy khiến tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Tôi không thể đếm được những lần tôi đã nghe ai đó nói: “Ôi, tôi thà chết còn hơn làm việc này- hoặc-việc-kia” - chính tôi cũng đã nhiều lần tự nhủ như thế. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi hiểu ý nghĩa thực sự của nó. Tôi thà chết còn hơn quay trở lại xà lim. Tôi cầu xin khi họ đưa tôi ra hành lang. Tôi nói với họ tôi sẽ ký bất cứ thứ gì. Cô ta gọi những tay lính gác, họ liền dừng lại. Họ mang tôi quay lại. Họ để tôi ngồi xuống. Một người đặt bút vào tay tôi. Tất nhiên, tôi ký, ký và ký. Người ta để quần jean và áo phông của tôi trong xà lim, đã được giặt sạch và gấp gọn gàng. Chúng có mùi thuốc tẩy. Tôi mặc đồ, rửa mặt, ngồi xuống giường và nhìn chằm chằm vào bức tường. Họ đã cướp đi mọi thứ của tôi. Đầu tiên là sự riêng tư của tôi, rồi đến lòng tự trọng của tôi. Tôi đã sẵn sàng ký bất kỳ thứ gì. Có khi tôi đã ký một bản thú nhận rằng mình đã ám sát tổng thống Abraham Lincoln cũng nên. Tôi cố gắng khóc, nhưng dường như mắt tôi đã khô kiệt, cạn nước mắt. Họ lại mang tôi đi. Một lính gác tóm lấy tôi với một cái bao trùm đầu, như cái bao tôi bị nhét vào khi họ bắt chúng tôi, mà sự kiện đó diễn ra cách đây bao lâu không biết, mấy ngày trước hay mấy tuần trước. Cái mũ trùm kín đầu tôi và thít chặt lại ở cổ. Quanh tôi tối thui, không khí ngột ngạt và khó chịu. Họ kéo tôi đứng thẳng lên, dẫn xuống hành lang, lên cầu thang, đi trên con đường rải sỏi. Lên một ván cầu. Đứng trên boong tàu bằng thép. Tay vẫn bị xích sau lưng, tôi đi tới rào chắn. Tôi quỳ xuống boong tàu và lắng nghe âm thanh đều đều của động cơ diesel. Con tàu chuyển động. Một thoáng không khí mằn mặn len vào trong mũ trùm. Trời mưa phùn và quần áo tôi nặng trĩu nước. Tôi đang ở ngoài trời, dù cho đầu tôi có bị bịt trong một cái bao. Tôi đang ở ngoài trời, giữa thế giới này, những giây phút tự do của tôi. Họ đến dắt tôi xuống tàu và bước trên mặt đất gồ ghề. Lên ba bậc thang kim loại. Cổ tay tôi được giải thoát. Cái bao trùm được tháo ra. Tôi quay trở lại xe tải. Người phụ nữ với mái tóc cắt bằng đã ở đó, chỗ chiếc bàn nhỏ mà cô ta đã ngồi trước đó. Cô ta cầm một chiếc túi ni lông có khóa, bên trong là điện thoại, mấy thứ máy móc lặt vặt, ví và tiền lẻ trong túi quần tôi. Cô ta lẳng lặng đưa chúng cho tôi. Tôi cho đồ vào túi quần. Cảm giác thật kỳ cục khi mọi thứ quay về vị trí quen thuộc của nó, khi mặc bộ quần áo quen thuộc của mình. Bên ngoài cửa sau xe tải, tôi nghe thấy âm thanh quen thuộc của thành phố thân yêu. Một lính gác trả tôi cái ba lô. Người phụ nữ chìa tay ra phía tôi. Tôi chỉ nhìn nó. Cô ta đặt xuống và cười gượng với tôi. Rồi cô ta làm bộ mím môi lại và chỉ vào tôi rồi mở cửa ra. Bên ngoài là ánh sáng ban ngày, xám xịt và mưa phùn. Tôi nhìn xuống con hẻm, về phía những chiếc ô tô, xe tải và xe đạp đang lao trên đường. Tôi đứng sững trên bậc thang cao nhất của xe tải, nhìn chằm chằm vào tự do. Đầu gối tôi run rẩy. Giờ thì tôi biết rằng họ lại đang đùa giỡn với tôi. Trong nháy mắt, những tay lính gác sẽ tóm lấy tôi và kéo tôi vào trong, cái bao sẽ trùm quanh đầu tôi, và tôi sẽ bị tống lên chiếc thuyền quay lại nhà tù, quay lại với vô số câu hỏi không thể trả lời. Tôi gần như không thể ngăn mình tự tọng cả nắm tay vào miệng. Rồi tôi bắt mình bước xuống một bậc thang. Thêm một bậc nữa. Bậc cuối cùng. Giày của tôi nghiến lên đống rác ở con hẻm, kính vỡ, kim tiêm, sỏi. Tôi bước một bước. Một bước nữa. Tôi đi tới đầu hẻm và bước ra vỉa hè. Không ai tóm tôi lại. Tôi đã tự do. Rồi những cánh tay mạnh mẽ ôm chầm lấy tôi. Suýt nữa thì tôi bật khóc. chương 5 hưng đó chính là Van, cô cũng đang khóc và ôm tôi chặt đến mức ngạt thở. Tôi không quan tâm. Tôi ôm cô, vùi mặt trong tóc cô. “Cậu ổn rồi!” cô nói. “Mình ổn,” tôi gắng bật nên lời. Cuối cùng cô cũng bỏ tôi ra và một vòng tay khác bao bọc lấy tôi. Đó là Jolu! Họ đều ở đây. Nó thì thào vào tai tôi, “Người anh em, cậu an toàn rồi,” và ôm tôi chặt hơn cả Vanessa. Khi nó buông tay ra, tôi nhìn quanh. “Darryl đâu?” tôi hỏi. Họ nhìn nhau. “Có lẽ nó vẫn ở trong xe,” Jolu nói. Chúng tôi quay lại và nhìn cái xe ở cuối ngõ. Đó là một chiếc xe mười tám bánh màu trắng, khó xác định hãng nào sản xuất. Ai đó đã mang cái thang gấp vào trong. Đèn hậu màu đỏ bật sáng, chiếc xe lăn bánh về phía chúng tôi, phát ra âm thanh píp píp đều đều. “Đợi đã!” Tôi hét lên khi chiếc xe tăng tốc về phía chúng tôi. “Đợi đã! Còn Darryl thì sao?” Chiếc xe tiến đến gần hơn. Tôi vẫn gào lên. “Thế còn Darryl thì sao?” Jolu và Vanessa mỗi người một tay kéo tôi lại. Tôi chống cự, miệng vẫn gào lên. Chiếc xe lùi tới đầu ngõ, quay ra đường, hướng xuống dốc và phóng đi. Tôi cố đuổi theo, nhưng Van và Jolu giữ tôi lại. Tôi ngồi xuống vỉa hè, bó gối và khóc. Tôi khóc và khóc và khóc, những tiếng khóc nức nở mà tôi đã không còn khóc từ hồi bé tí. Chúng không ngừng tuôn ra. Tôi không thể thôi run rẩy. Vanessa và Jolu giúp tôi đứng dậy và dìu tôi đi từng bước lên phố. Có một trạm xe buýt, họ để tôi ngồi xuống đó. Cả hai cũng khóc, cả đám ôm nhau một lúc, và tôi biết chúng tôi đều khóc cho Darryl, người mà không đứa nào dám hy vọng sẽ được gặp lại nữa. Chúng tôi đang ở phía Bắc của khu phố Tàu, chỗ ngay sát khu North Beach, nơi có rất nhiều hộp đêm và hiệu sách phản văn hóa Ánh Sáng Đô Thị huyền thoại, phong trào thơ Beat đã được sáng lập tại đây vào những năm 1950. Tôi biết rất rõ khu vực này. Nhà hàng Ý yêu thích của bố mẹ tôi nằm ở đây và họ thích đưa tôi tới đây để thưởng thức những đĩa mì ống lớn, những núi kem Ý khổng lồ với trái vả tẩm đường, tiếp đến là cốc espresso ngon chết người. Giờ nó như một nơi khác, một nơi mà tôi được nếm mùi tự do lần đầu tiên sau một khoảng thời gian tưởng chừng như vô tận. Chúng tôi kiểm tra túi và tìm thấy đủ tiền để đặt một bàn tại một trong những quán ăn Ý, trên vỉa hè, dưới một mái hiên. Cô bồi bàn xinh đẹp đốt lò sưởi gas lên bằng bật lửa lò nướng, ghi lại yêu cầu của chúng tôi rồi đi vào. Cảm giác được chọn và gọi món ăn, được kiểm soát số phận của mình là điều kỳ diệu nhất mà tôi từng cảm thấy. “Chúng ta đã ở đó bao lâu?” tôi hỏi. “Sáu ngày,” Vanessa nói. “Tớ nghĩ là năm,” Jolu nói. “Tớ không đếm.” “Họ đã làm gì cậu?” Vanessa hỏi. Tôi không muốn nói về việc này, nhưng cả hai đều nhìn tôi. Và khi đã bắt đầu thì tôi không thể ngừng lại. Tôi kể cho họ mọi thứ, ngay cả lúc tôi bị ép phải tè ra người, và họ im lặng lắng nghe. Tôi ngừng lại khi người bồi bàn mang sô đa cho chúng tôi và đợi đến khi cô ta ra khỏi tầm nghe, tôi mới kể nốt câu chuyện. Qua lời kể của tôi, mọi chuyện nghe có vẻ thản nhiên. Cuối cùng, tôi không biết mình đang thêu dệt nên sự thật hay đang cố làm mọi chuyện bớt tồi tệ hơn. Những ký ức của tôi bơi như những con cá nhỏ mà tôi đang cố bắt, đôi lúc chúng vuột khỏi tay tôi. Jolu lắc đầu. “Họ thật khắc nghiệt với cậu, chiến hữu,” nó nói. Nó kể cho chúng tôi câu chuyện của mình. Họ tra hỏi nó, phần lớn là về tôi, và nó luôn nói sự thật cho họ, trung thành với sự thật về ngày hôm đó và về tình bạn của chúng tôi. Họ đã bắt nó phải lặp đi lặp lại, nhưng họ không dùng những trò cân não với nó như cách họ làm với tôi. Nó được ăn trong phòng ăn tập thể cùng với những người khác, được ở trong phòng có ti vi chiếu băng video những bộ phim ăn khách năm ngoái. Câu chuyện của Vanessa chỉ hơi khác một chút. Sau khi cô khiến họ tức điên vì nói chuyện với tôi, họ đã lấy hết quần áo của cô và bắt cô phải mặc một bộ đồ liền màu cam cho tù nhân. Cô bị bỏ trong xà lim suốt hai ngày mà không cho liên lạc với ai, dù hàng ngày cô vẫn được ăn. Nhưng phần lớn thì cũng giống Jolu: vẫn những câu hỏi ấy, lặp đi lặp lại. “Họ thực sự ghét cậu,” Jolu nói. “Thực sự muốn hành hạ cậu. Tại sao?” Tôi không thể tưởng tượng ra tại sao. Rồi tôi chợt nhớ. Cậu có thể hợp tác, hoặc là cậu sẽ vô cùng, vô cùng hối tiếc. “Đó là vì mình đã không mở khóa điện thoại cho họ, vào đêm đầu tiên. Thế nên họ đã chọn riêng mình.” Tôi không thể tin điều đó, nhưng không còn cách giải thích nào nữa. Đó là sự tuyệt đối không khoan dung. Tâm trí tôi xoay theo ý nghĩ này. Họ thực hiện tất cả những điều đó chỉ để trừng phạt tội không tuân thủ các nhà chức trách. Tôi đã sợ hãi. Giờ thì tôi tức giận. “Lũ khốn,” tôi nói nhỏ. “Chúng làm thế để trừng phạt tớ vì tớ không hé nửa lời.” Jolu chửi thề còn Vanessa thì hét lên bằng tiếng Hàn Quốc, điều mà cô chỉ làm khi vô cùng giận dữ. “Mình sẽ đánh bại họ,” tôi vừa thì thầm vừa nhìn chòng chọc vào cốc sô đa. “Mình sẽ đánh bại họ.” Jolu lắc đầu. “Cậu không thể, cậu biết mà. Cậu không thể chống lại họ.” Không ai trong chúng tôi muốn nói về việc trả thù. Thay vào đó, chúng tôi nói về việc sẽ làm gì tiếp theo. Chúng tôi phải về nhà. Pin điện thoại của chúng tôi đã cạn và khu này đã bỏ dịch vụ điện thoại trả tiền từ mấy năm trước. Chúng tôi chỉ cần về nhà. Thậm chí tôi còn nghĩ tới việc đi taxi, nhưng cả bọn không còn đủ tiền để làm như thế. Vì vậy chúng tôi cuốc bộ. Ở một góc phố, chúng tôi bỏ vài xu vào hộp báo San Francisco Chronicle và dừng lại để đọc trang bìa. Đã năm ngày kể từ khi xảy ra vụ đánh bom nhưng nó vẫn tràn ngập trang nhất. Người phụ nữ có mái tóc cắt bằng đã nói về “cây cầu” bị nổ tung, và tôi đã đoán cô ta nói về cầu Cổng Vàng, nhưng tôi đã nhầm. Bọn khủng bố đã làm nổ tung Cầu Vịnh(1). “Thế quái nào mà chúng lại làm nổ Cầu Vịnh nhỉ?” tôi hỏi. “Cổng Vàng mới là cây cầu xuất hiện trên mọi tấm bưu thiếp.” Dù chưa bao giờ tới San Franciso nhưng bạn vẫn có thể biết cầu Cổng Vàng trông ra sao: nó là một cái cầu treo lớn màu da cam võng xuống đầy ấn tượng, nối liên căn cứ quân sự cũ tên là Presidio tới Sausalito, nơi tập trung tất cả những thị trấn sản xuất rượu tuyệt hảo cùng những cửa hàng nến thơm và các phòng tranh nghệ thuật. Cây cầu đẹp như tranh vẽ và là biểu tượng của bang California. Nếu bạn tới công viên Disneyland ở California thì ngay khi đi qua cổng, bạn sẽ thấy một mô hình của nó, với một đường ray xe lửa chạy xung quanh. Vậy nên, lẽ tất nhiên tôi nghĩ rằng nếu bạn định cho nổ một cái cầu ở San Francisco, bạn sẽ chọn Cổng Vàng. “Có lẽ chúng sợ các máy quay và vài thứ khác,” Jolu nói. “Cảnh vệ Quốc gia luôn kiểm tra ô tô ở cả hai đầu, lại còn những tấm rào cản người tự vẫn và những thứ linh tinh khác dọc đó nữa.” Từ khi được thông xe năm 1957, người ta cứ lên cầu Cổng Vàng mà nhảy xuống - họ đã ngừng đếm sau vụ tự tử thứ một nghìn vào năm 1995. “Đúng thế,” Vanessa nói. “Hơn nữa Cầu Vịnh thực sự dẫn tới một nơi nào đó.” Cầu Vịnh dẫn từ trung tâm San Francisco tới Oakland rồi từ đó đi tới Berkeley, vùng ngoại ô ở Vịnh Đông là nơi ở của rất nhiều người đang sống và làm việc trong thành phố. Nó là một trong số ít những nơi ở khu Vịnh mà một người bình thường có thể mua một căn nhà đủ rộng để thực sự duỗi hết chân tay ra bên trong, rồi còn có trường đại học và hàng tá các nhà máy công nghiệp nhẹ bên đó. BART nằm bên dưới Vịnh và cũng nối liền hai thành phố, nhưng Cầu Vịnh mới là nơi diễn ra phần lớn hoạt động giao thông. Cầu Cổng Vàng là một cây cầu đẹp đối với khách du lịch và những người giàu có đã về hưu sống ở vùng đồng quê sản xuất rượu, nhưng nó gần như chỉ để trang trí. Cầu Vịnh mới thực sự là cây cầu huyết mạch của San Francisco. Tôi nghĩ về điều đó trong một phút. “Các cậu nói đúng,” tôi nói. “Nhưng tớ không nghĩ tất cả chỉ có thế. Chúng ta cứ nghĩ rằng bọn khủng bố muốn tấn công các điểm mốc bởi vì chúng ghét những điểm mốc. Bọn khủng bố không ghét những điểm mốc hay cầu hay máy bay. Chúng chỉ muốn làm loạn và khiến mọi người hoảng sợ. Để khủng bố. Vì vậy tất nhiên chúng đã nhằm vào Cầu Vịnh khi mà cầu Cổng Vàng có đầy rẫy máy quay như thế - khi mà máy bay nào cũng bị dò kim loại và quét tia X-quang.” Tôi nghĩ thêm một lúc nữa, mắt đờ đẫn dõi theo những chiếc ô tô đang chạy trên đường, những người đang đi bộ trên vỉa hè, thành phố xung quanh tôi. “Những kẻ khủng bố không ghét máy bay hay cầu cống. Chúng yêu sự khủng bố.” Điều đó quá rõ ràng, đến mức tôi không thể nào tin là trước đây mình lại chưa từng nghĩ đến nó. Tôi đoán việc bị đối xử như một tên khủng bố trong vài ngày qua đã đủ để soi rọi lối tư duy của tôi. Hai đứa bạn nhìn tôi chằm chằm. “Mình đúng phải không? Tất cả những thứ rác rưởi này, tia (X-quang) và máy nhận dạng này, chúng đều vô ích phải không?” Họ gật đầu chậm rãi. “Còn tệ hơn là vô dụng,” tôi nói, giọng tôi cao dần và vỡ ra. “Bởi vì cuối cùng chúng cũng ở trong tù với chúng ta, với Darryl...” Tôi đã không nghĩ về Darryl từ lúc chúng tôi ngồi xuống và giờ thì tất cả quay trở lại, bạn của tôi, mất tích, biến mất. Tôi ngừng nói và nghiến quai hàm. “Chúng ta phải nói với bố mẹ,” Jolu nói. “Chúng ta nên tìm một luật sư,” Vanessa nói. Tôi nghĩ về việc kể lại câu chuyện của mình. Về việc kể cho cả thế giới biết tôi đã trở thành cái gì. Về những đoạn video không còn nghi ngờ gì nữa sẽ được tung lên, trong đó tôi đang khóc, khiến tôi chỉ còn là một con vật hèn hạ. “Chúng ta không thể nói với họ bất cứ điều gì,” tôi nói không cần suy nghĩ. “Ý cậu là sao?” Van hỏi. “Chúng ta không thể được nói bất cứ điều gì,” tôi lặp lại. “Cậu đã nghe cô ta nói rồi đấy. Nếu chúng ta nói, họ sẽ đến tìm chúng ta. Họ sẽ đối xử với chúng ta như họ đã làm với Darryl.” “Cậu đùa à?” Jolu nói. “Cậu muốn chúng ta...” “Tớ muốn chúng ta chiến đấu,” tôi nói. “Tớ muốn được tự do cốt để có thể làm điều đó. Nếu chúng ta ra ngoài và bô lô ba la, người ta sẽ bảo chúng ta là những đứa nhóc dựng chuyện. Chúng ta thậm chí còn không biết mình bị giam giữ ở đâu! Sẽ không ai tin chúng ta. Rồi, một ngày, họ sẽ tìm tới chúng ta. “Tớ sẽ nói với bố mẹ rằng tớ ở một trong những trại ở phía bên kia Vịnh. Tớ tới đó để gặp các cậu và chúng ta bị mắc kẹt, hôm nay mới thoát ra được. Báo chí đã nói vẫn còn người lang thang về nhà từ những trại này.” “Tớ không thể làm thế,” Vanessa nói. “Sau tất cả những gì họ làm với cậu, làm sao cậu vẫn còn có thể nghĩ đến việc làm vậy chứ?” “Nó đã xảy ra với tớ, đó chính là mấu chốt. Giờ thì đây là việc giữa tớ và bọn họ. Tớ sẽ đánh bại họ, tớ sẽ đưa Darryl trở về. Tớ sẽ không để lời nói dối này trở nên vô ích. Một khi bố mẹ chúng ta liên quan đến vụ này, chuyện thế là kết thúc. Sẽ không ai tin và không ai quan tâm. Nếu chúng ta làm theo cách của tớ, mọi người sẽ để ý.” “Cách của cậu là sao?” Jolu hỏi. “Kế hoạch của cậu là gì?” “Tớ cũng chưa biết nữa,” tôi thú nhận. “Hãy cho tớ thời gian đến sáng mai, ít nhất hãy cho tớ chừng ấy thời gian.” Tôi thừa biết một khi họ đã giữ bí mật đó trong một ngày thì nó sẽ vĩnh viễn là bí mật. Bố mẹ chúng tôi thậm chí còn nghi ngờ hơn nếu chúng tôi đột nhiên “nhớ ra” rằng mình đã bị giữ ở một nhà tù bí mật thay vì ở trong một trại tị nạn. Van và Jolu nhìn nhau. “Tớ chỉ xin một cơ hội thôi mà,” tôi nói. “Chúng ta sẽ tìm hiểu câu chuyện trên đường về, làm sáng tỏ nó. Hãy cho tớ một ngày, chỉ một ngày thôi.” Hai bạn tôi gật đầu rầu rĩ và cả bọn lại đi xuống đồi và về nhà. Tôi ở đồi Potrero, Vanessa ở khu Bắc Mission và Jolu sống ở thung lũng Noe - ba khu hoàn toàn khác nhau nhưng chỉ cách nhau vài phút đi bộ. Chúng tôi hướng vào phố Chợ và dừng lại. Con phố bị chặn lại ở mọi góc, những ngã tư giờ chỉ còn là làn đường đơn, và đậu san sát dọc phố Chợ là những chiếc xe mười tám bánh khổng lồ khó xác định nguồn gốc như chiếc xe đã chở chúng tôi, phần mui bị che lại, đậu từ bến tàu tới khu phố Tàu. Mỗi xe có cầu thang thép ba bậc dẫn xuống từ phía sau và rì rầm những âm thanh hoạt động của quân lính, những người mặc đồ vest và cảnh sát đi ra đi vào. Đám người mặc đồ vest đều đeo phù hiệu trên ve áo và bị quân lính kiểm tra kỹ lưỡng khi ra vào - những phù hiệu điện tử không dây. Khi chúng tôi đi qua một trong số họ, tôi nhìn vào và thấy cái logo quen thuộc: Cục An ninh Nội địa. Một người lính thấy tôi nhìn chằm chằm bèn trừng mắt lại với tôi. Tôi tiếp nhận thông điệp, đi tiếp và chia tay đám bạn ở Van Ness. Cả bọn níu lấy nhau, khóc và hứa sẽ gọi cho nhau. Đường về đồi Potrero có một lối dễ đi và một lối khó đi, đường khó đưa bạn qua một trong những đỉnh đồi dốc nhất ở thành phố, như kiểu bạn hay thấy trong phim hành động, những cảnh ô tô rượt đuổi nhau rồi bay vút lên không trung khi vượt tới đỉnh cao nhất. Tôi luôn chọn đường này để về nhà. Nó có nhiều con phố đông dân cư, những ngôi nhà cổ thời Victoria mà họ gọi là “các quý cô đỏm dáng(2)” vì được sơn cầu kỳ công phu, với những khu vườn trước nhà đầy hoa thơm ngát và cỏ cao ngút ngàn. Bọn mèo nhà sẽ nhòm bạn qua hàng rào, và hiếm khi nào thấy mèo hoang. Những con phố này yên tĩnh tới mức tôi ước mình đã chọn đường kia, qua khu Mission, nơi mà... náo nhiệt có lẽ là từ đúng nhất để mô tả nó. Ồn ào và sôi nổi. Đầy rẫy những kẻ say xỉn ầm ĩ, con nghiện cocaine cáu kỉnh và bọn sốc ma túy bất tỉnh, cũng không thiếu những gia đình đẩy xe nôi đi dạo, những bà cụ ngồi nói chuyện bên hiên nhà, những người lái xe ô tô cỡ lớn kéo theo âm thanh rầm rầm xuống phố. Có những tay hippie, đám sinh viên mỹ thuật theo phong cách emo(3) sầu thảm và cả hai tay chơi rock punk truyền thống, những lão già bụng phệ lòi ra khỏi cái áo phông in hình ngài Kennedy Quá cố. Rồi cả những gã mặc đồ phụ nữ(4), các băng nhóm thanh thiếu niên hung dữ, những nghệ sĩ graffiti và kẻ ngụy trưởng giả luống cuống cố để không bị giết trong khi chờ mối đầu tư nhà đất mãn hạn. Tôi đi lên đồi Goat và rảo qua quán Pizza Goat Hill, nơi này làm tôi nhớ lại nhà tù mà mình đã bị giam giữ, và tôi phải ngồi xuống cái ghế dài bên ngoài nhà hàng cho đến khi những cơn run rẩy kết thúc. Rồi tôi nhìn thấy chiếc xe tải trên đồi, một chiếc mười tám bánh với cầu thang ba bậc kim loại phía sau. Tôi đứng dậy và di chuyển. Tôi cảm thấy những ánh mắt đang dõi theo mình từ mọi hướng. Tôi lao nhanh trên đoạn đường còn lại. Tôi không nhìn ngắm “các quý cô đỏm dáng”, mấy khu vườn hay bọn mèo nhà nữa. Tôi chỉ nhìn xuống đất. Cả hai xe của bố mẹ tôi đều ở lối vào ga ra, dù bây giờ là giữa ngày. Tất nhiên, bố tôi làm việc ở Vịnh Đông nên chắc ông bị mắc kẹt ở nhà trong khi người ta sửa cầu. Còn mẹ, ờ, ai mà biết tại sao mẹ lại ở nhà. Họ ở nhà vì tôi. Tôi còn chưa kịp mở khóa cửa thì cánh cửa đã tuột khỏi tay tôi và mở tung ra. Cả bố và mẹ tôi, trông đều buồn bã và phờ phạc, đang mở to mắt nhìn chằm chằm vào tôi. Chúng tôi cứ đứng đó như bị đóng băng mất một lúc, rồi họ lao ra kéo tôi vào nhà, suýt nữa làm tôi vấp ngã. Cả hai người nói quá to và nhanh khiến tất cả những gì tôi nghe thấy là những lời lắp bắp ồn ào, không từ nào ra từ nào và họ ôm lấy tôi mà khóc, tôi cũng khóc, chúng tôi cứ đứng như vậy trong gian tiền sảnh nhỏ, khóc lóc và thốt ra những âm thanh gần giống lời nói cho đến lúc hết cả hơi và vào trong bếp. Tôi làm việc mà tôi luôn làm khi về nhà: lấy cho mình một cốc nước từ máy lọc trong tủ lạnh và bới lấy vài chiếc bánh quy từ “thùng bánh quy” mà chị gái của mẹ đã gửi cho chúng tôi từ Anh. Sự bình thường của việc này khiến tim tôi thôi không đập thình thịch nữa, nó bắt kịp trí óc tôi, và cả gia đình nhanh chóng ngồi vào bàn. “Con đã ở đâu?” bố mẹ gần như đồng thanh hỏi tôi. Tôi đã suy nghĩ về việc này trên đường về. “Con bị mắc kẹt,” tôi nói. “Ở Oakland. Con đến đó cùng mấy người bạn, cùng làm một việc này, rồi bọn con đều bị cách ly.” “Trong năm ngày?” “Vâng,” tôi nói. “Vâng. Thật tệ.” Tôi đã đọc về những vụ cách ly trên tờ Chronicle và không ngại ngùng chôm luôn những gì họ viết. “Vâng. Tất cả những ai bị bắt gặp trong đám mây đó. Họ nghĩ rằng bọn con bị tấn công bởi một loại siêu sâu bọ nào đó và tống bọn con vào những công ten nơ vận chuyển ở khu xưởng đóng tàu, như cá mòi ấy. Ở đó cực kỳ nóng và nhớp nháp. Cũng không có nhiều đồ ăn nữa.” “Chúa ơi,” bố tôi đấm tay xuống bàn. Bố tôi đi dạy ở Berkeley ba ngày một tuần, làm việc với vài sinh viên cao học về chương trình khoa học thư viện. Thời gian còn lại ông tư vấn cho khách hàng trong thành phố và dưới Peninsula, các công ty trực tuyến trong Làn sóng thứ ba(5) đang tiến hành nhiều hoạt động khác nhau về lưu trữ tài liệu. Hiện là một thủ thư hòa nhã nhưng ông từng là một người theo chủ nghĩa cấp tiến chính cống vào những năm sáu mươi và chơi đấu vật hồi cấp ba. Thỉnh thoảng tôi thấy ông tức giận phát điên - ngay cả tôi đây cũng thi thoảng làm ông nổi giận như thế - và những lúc như thế ông có thể mất kiểm soát nghiêm trọng. Có lần bố tôi đã ném cả cái xích đu của hãng Ikea qua cả bãi cỏ của ông nội khi nó cứ đổ lên đổ xuống đến lần thứ năm mươi khi ông đang lắp ráp nó. “Lũ người man rợ,” mẹ tôi nói. Bà đã sống ở Mỹ từ khi mới là thiếu nữ nhưng vẫn luôn thể hiện bản sắc Anh mỗi khi bà gặp cảnh sát, nhân viên chăm sóc sức khỏe, an ninh sân bay hay những người vô gia cư. Giờ thì bà dùng từ “lũ người man rợ”, ngữ âm Anh của bà lại rõ nét như xưa. Chúng tôi đã tới Luân Đôn hai lần để thăm gia đình bà và tôi không thể nói rằng ở đó văn minh hơn San Francisco được, nó chỉ tù túng hơn thôi. “Nhưng họ đã thả bọn con ra, và chở bọn con về đây hôm nay.” Tôi ứng biến. “Con có bị đau không?” mẹ hỏi. “Có đói không?” “ Có buồn ngủ không?” “Dạ, mỗi thứ một ít. Và cũng Ngốc Nghếch, Thông Thái, Hắt Xì và Xấu Hổ nữa.” Chúng tôi có một trò đùa gia đình truyền thống về bảy chú lùn. Bố mẹ tôi đều khẽ cười, nhưng mắt họ vẫn ướt. Tôi cảm thấy rất tệ. Hẳn là họ đã lo lắng đến phát điên. Tôi mừng như bắt được vàng vì có cơ hội để đổi chủ đề. “Con rất muốn được ăn.” “Bố sẽ gọi pizza ở Goat Hill,” bố nói. “Không, không phải thứ đó,” tôi nói. Cả hai nhìn tôi như thể tôi bị đột biến vậy. Thường thì tôi rất thích pizza của Goat Hill - mọi khi tôi có thể ngấu nghiến món đó đến lúc nó hết sạch hoặc tôi nổ bùm mới thôi. Tôi gượng cười. “Chỉ là con thấy không thích pizza,” tôi nói một cách không thỏa đáng. “Chúng ta gọi ít cà ri được chứ ạ?” Ơn Chúa, San Francisco là trung tâm của đồ ăn mang về. Mẹ tôi tới chỗ ngăn kéo để thực đơn các món ăn mang về (thêm một sự bình thường nữa, cảm giác như thể được uống một cốc nước khi họng đã khô rã rời) và lật nhanh. Chúng tôi tạm thời thư giãn vài phút để xem thực đơn của quán thịt Pakistan ở Valencia. Tôi chọn món chả trộn nướng kiểu Ấn Độ và rau cải trộn kem với pho mát nông trang, cùng món lassi xoài muối (ngon hơn nhiều so với tên gọi của nó) và một ít bánh nướng nhúng nước đường. Sau khi đặt món xong xuôi, một tràng câu hỏi lại bắt đầu tuôn ra. Họ đều đã nghe tin từ gia đình Van, Jolu và Darryl (tất nhiên) và đã cố gắng để báo cáo về sự mất tích của chúng tôi. Cảnh sát đã lấy tên, nhưng có nhiều “người di tản” đến nỗi họ không lập hồ sơ tìm kiếm ai hết trừ phi sau bảy ngày người đó vẫn mất tích. Cùng lúc đó, hàng triệu các trang web đăng tin tìm người thất lạc mọc lên như nấm sau mưa. Vài ba trang ăn theo MySpace cũ đang cạn tiền lại tìm thấy nguồn thu mới từ việc đăng thông báo về những vụ mất tích. Xét cho cùng, một số nhà đầu tư mạo hiểm cũng có gia đình bị thất lạc ở khu Vịnh. Nếu những người này được tìm thấy thì có thể trang web sẽ thu hút thêm nhiều mối đầu tư mới. Tôi lấy laptop của bố và xem qua các trang mạng. Trên đó toàn là quảng cáo, tất nhiên, và ảnh của những người bị mất tích, hầu hết là những bức ảnh chụp ở lễ tốt nghiệp, đám cưới và những chỗ tương tự. Khá là kinh khủng. Tôi tìm ra ảnh của mình và thấy nó được kết nối tới ảnh của Van, Jolu và Darryl. Có một mẫu đơn nhỏ để đánh dấu những người đã tìm thấy và một mẫu nữa để ghi chú về những người đang mất tích khác. Tôi điền vào ô của tôi, Jolu và Van, để trống ô của Darryl. “Con quên Darryl rồi,” bố tôi nói. Ông không thích Darryl lắm - cứ khi nào ông phát hiện ra một chai trong tủ rượu của mình bị vơi đi vài phân, tôi lại đổ cho Darryl, mặc dù tôi vô cùng xấu hổ vì việc này. Tất nhiên, sự thật là cả hai đứa đều có lỗi, bọn tôi thường lượn lờ quanh quẩn, nếm thử vodka pha Coke sau mỗi lần chơi game thâu đêm. “Nó không đi cùng chúng con,” tôi nói. Lời nói dối đắng ngắt trong miệng tôi. “Lạy Chúa tôi,” mẹ tôi thốt lên. Bà siết chặt hai tay vào nhau. “Bố mẹ cứ tưởng khi về nhà các con sẽ đi cùng nhau.” “Không,” tôi tiếp tục nói dối. “Không, đáng lẽ bọn con phải gặp nó nhưng rốt cuộc thì không thấy đâu. Có lẽ nó vẫn đang mắc kẹt ở Berkeley. Nó định đi tàu điện ngầm tới gặp bọn con.” Mẹ tôi thút thít. Bố tôi lắc đầu và nhắm mắt lại. “Con không biết chuyện gì xảy ra với ga tàu điện ngầm sao?” ông nói. Tôi lắc đầu. Tôi có thể thấy điều này sẽ dẫn tới đâu. Có cảm giác như mặt đất đang rung chuyển dưới chân tôi. “Chúng đã cho nổ tung nó,” bố nói. “Lũ khốn ấy đã cho nổ tung ga tàu điện ngầm và cây cầu.” Tin này vẫn chưa lên trang nhất của tờ Chronicle, tuy nhiên một ga tàu điện ngầm bị nổ tung dưới nước sẽ không sinh động bằng hình ảnh chiếc cầu treo bị xé toạc thành nhiều mảnh văng đi khắp Vịnh. Đường hầm tàu điện ngầm từ Embarcadero ở San Francisco tới ga West Oakland đã bị nhấn chìm. Tôi quay lại với cái máy tính của bố để lướt qua các tít báo. Không ai chắc chắn, nhưng số thi thể được tìm thấy đã lên tới con số hàng nghìn. Giữa những chiếc ô tô lao thẳng từ độ cao 57 mét xuống biển và những người bị chìm trong tàu, số người chết vẫn đang tăng lên. Một phóng viên tuyên bố mình đã phỏng vấn một “tay chuyên làm giả giấy tờ tùy thân”, kẻ đã giúp “hàng tá” người giũ bỏ cuộc sống cũ của mình chỉ bằng cách biến mất sau vụ tấn công, có chứng minh thư mới, thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, những khoản nợ nần chồng chất và cuộc sống tồi tệ. Nước mắt chảy dài trên gương mặt bố tôi còn mẹ tôi khóc nức nở. Họ lại lần lượt ôm lấy tôi, vỗ về tôi như để tự trấn an mình rằng tôi đang ở đây. Họ liên tục nói với tôi rằng họ yêu tôi. Tôi nói tôi cũng rất yêu họ. Chúng tôi có một bữa tối đầy nước mắt, rồi bố và mẹ mỗi người đều uống vài ly rượu, bình thường như vậy là quá nhiều đối với họ. Tôi nói mình buồn ngủ, lần này thì tôi nói thật, và lẻn lên phòng. Tuy nhiên tôi không đi ngủ ngay. Tôi cần lên mạng và tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Tôi cần nói chuyện với Jolu và Vanessa. Tôi cần bắt tay vào việc tìm kiếm Darryl. Tôi lén đi lên phòng và mở cửa. Tôi tưởng như đã không nhìn cái giường cũ của mình cả nghìn năm nay rồi. Tôi nằm xuống đó và với tay về phía cái tủ đầu giường để lấy laptop. Hẳn là tôi đã cắm lỏng phích điện - nó cần được chỉnh lại cho đúng - vậy nên cái laptop dần dần hết pin khi tôi đi vắng. Tôi cắm lại và đợi vài phút để sạc pin trước khi thử khởi động lại máy. Trong lúc đó, tôi cởi quần áo và ném vào sọt rác - tôi không bao giờ muốn nhìn lại chúng nữa - rồi mặc quần lót sạch và áo phông mới. Những bộ quần áo thẳng thớm, thơm tho nằm ngăn nắp trong các ngăn kéo khiến tôi thấy thật thân quen và dễ chịu, như vòng tay của bố mẹ vậy. Tôi bật nguồn laptop, xếp một đống gối ở đầu giường rồi tựa lưng vào đó, dịch người lại, mở máy tính và đặt nó lên đùi. Nó vẫn đang khởi động, trời ơi, những biểu tượng vụt qua trên màn hình trông thật tuyệt. Nó hoạt động, nhưng rồi bắt đầu cảnh báo pin yếu. Tôi kiểm tra lại dây điện, lắc lắc nó và laptop tắt phụt. Phích điện đã chính thức bị hỏng. Thật sự là tình hình tệ đến mức tôi không thể làm gì được. Mỗi lần tôi bỏ tay ra khỏi dây điện là điện lại không vào máy và thông báo pin yếu lại hiện lên. Tôi xem xét cái laptop kỹ hơn. Toàn bộ vỏ laptop của tôi hơi bị lệch tâm, đường nối chia rẽ ở một góc rộng rồi thu hẹp và mở rộng ở phía sau. Đôi khi bạn nhìn thiết bị nào đó và phát hiện ra một chi tiết tương tự như vậy, rồi bạn tự hỏi, “Có phải nó luôn như thế này không?” Có lẽ do bạn không để ý thôi. Nhưng với laptop của tôi, điều này là không thể. Bạn thấy đấy, tôi đã tự lắp nó. Sau khi bộ giáo dục phát SchoolBook cho tất cả bọn tôi, không đời nào bố mẹ tôi lại đi mua cho tôi một cái máy tính riêng, mặc dù về mặt lý thuyết thì SchoolBook không thuộc về tôi, tôi không được phép cài đặt phần mềm hay điều khiển nó. Tôi có chút tiền tiết kiệm - từ những công việc vặt, Giáng sinh và sinh nhật, một chút tiền nhờ buôn bán trên eBay. Gom tất cả lại cũng chỉ đủ để mua một cái máy xập xệ có tuổi thọ năm năm. Vậy là Darryl và tôi đã tự lắp một cái. Bạn có thể mua vỏ laptop giống như mua vỏ PC, dù chúng hơi đặc biệt hơn một chút so với một chiếc PC cũ đơn thuần. Trước đó tôi và Darryl đã lắp hai cái PC, gom các bộ phận từ trang Craigslist, những buổi bán đồ cũ tại gia và đặt từ mấy người bán hàng Đài Loan giá rẻ mà chúng tôi tìm thấy trên mạng. Tôi phát hiện ra rằng tự lắp ráp một cái laptop sẽ là cách tốt nhất để có được sức mạnh mà tôi muốn ở mức giá tôi kham được. Để lắp ráp một cái laptop, ta bắt đầu bằng việc đặt mua một “barebook”, tức một cỗ máy chỉ có một ít phần cứng và những khe cắm cần thiết. Tin mừng là, một khi tôi hoàn thiện nó thì tôi sẽ có một cỗ máy nhẹ hơn nửa ký so với con Dell mà tôi vẫn mê mẩn, chạy nhanh hơn mà giá chỉ bằng một phần ba số tiền đáng ra tôi phải trả nếu mua Dell. Tin xấu là, lắp ráp một cái laptop cũng giống như làm một con tàu nhỏ trong chai vậy. Đó là một công việc rất tỉ mỉ, với nhíp và kính lúp, cố gắng lắp cho vừa mọi thứ vào cái vỏ nhỏ xíu. Không giống như một cái PC nguyên cỡ - bên trong chủ yếu là không khí - bạn cần tận dụng từng milimét khối không gian trong laptop. Cứ lần nào tôi nghĩ mình đã hoàn thành là lại xuất hiện cái gì đó khiến cái máy không thể đóng khít hoàn toàn, và nó lại quay về bàn làm việc. Vì thế, tôi biết chính xác khớp nối laptop của tôi trông như thế nào khi nó đóng lại, và nó không giống thế này. Tôi cứ lắc lắc phích cắm nhưng hoàn toàn vô vọng. Không có cách nào để khởi động máy mà không tháo nó ra. Tôi rên rỉ và đặt nó cạnh giường. Tôi sẽ giải quyết nó vào sáng mai. Tuy nhiên, tôi chỉ nói thế thôi. Hai giờ sau, tôi vẫn đang chòng chọc ngó lên trần nhà, trong đầu chiếu lại những thước phim về những gì họ đã làm với tôi, đáng ra tôi nên làm gì, về tất cả sự hối tiếc và esprit d’escalier. Tôi bò ra khỏi giường. Đã là nửa đêm và tôi nghe thấy bố mẹ đã đi ngủ từ 11 giờ. Tôi dọn vài khoảng trống trên bàn, gài mấy bóng đèn LED nhỏ lên tấm đỡ kính lúp và kéo ra một bộ tua vít nhỏ có độ chính xác cao. Một phút sau, tôi đã mở vỏ máy và tháo bàn phím ra, nhìn chằm chằm vào ruột máy. Tôi lấy một bình khí nén và thổi đám bụi mà quạt làm mát hút vào rồi xem xét mọi thứ. Có gì đó không ổn. Tôi không thể nói đó là gì, nhưng cũng phải vài tháng nay tôi không tháo tung cái laptop ra thế này. Thật may là đến lần thứ ba phải tháo máy ra và tìm cách đóng lại, tôi đã thông minh hơn: tôi chụp ảnh ruột máy và mọi thứ bên trong. Nhưng vẫn chưa thông minh tuyệt đối: ban đầu, tôi lưu bức ảnh đó trên ổ cứng, và đương nhiên, tôi không thể xem nó khi laptop đã bị tháo tung. Nhưng sau đó tôi đã in ảnh ra mà đính lên ngăn kéo lộn xộn giấy tờ của tôi, cái nghĩa địa nơi tôi lưu giữ tất cả thẻ bảo hiểm và các sơ đồ chân chip điện. Tôi lục tung lên - chúng có vẻ bừa bộn hơn tôi nhớ - và mang bức ảnh ra. Tôi đặt nó cạnh máy tính và nhìn bao quát, cố gắng tìm ra chi tiết nằm không đúng vị trí. Rồi tôi phát hiện ra nó. Băng cáp nối bàn phím với mainboard không chuẩn lắm. Nó thật kỳ cục. Không có mômen quay trên đó, không có gì để đẩy nó ra trong quá trình hoạt động bình thường. Tôi thử ấn nó lại và phát hiện ra dây cắm không chỉ bị đặt sai - còn cái gì đó nữa giữa nó và bảng mạch. Tôi gắp thứ đó ra và chiếu đèn lên. Trong bàn phím của tôi có gì đó mới. Nó là một mẩu kim loại cứng, chỉ dày chừng một li, không có nhãn mác gì. Bàn phím được gắn vào nó, và nó được gắn vào bảng mạch. Nói cách khác, nó đã được đặt một cách hoàn hảo để chụp lại tất cả những phím bấm mà tôi gõ. Nó là một con bọ. Tim tôi nện thình thịch. Ngôi nhà đang chìm trong bóng tối và tĩnh lặng, nhưng đó không phải một thứ bóng tối dễ chịu. Ngoài kia có những đôi mắt, mắt và tai, chúng đang theo dõi tôi. Giám sát tôi. Sự giám sát mà tôi đã phải đối mặt ở trường giờ đang theo tôi về nhà, nhưng lần này, không chỉ có Phòng Giáo dục theo dõi tôi: Cục An ninh Nội địa (DHS) cũng góp mặt vào trò này. Suýt nữa thì tôi lấy con bọ ra. Rồi tôi hiểu ra rằng ai đặt nó ở đây sẽ biết ngay nếu nó biến mất. Tôi để nó nằm yên đấy. Tôi phát ốm khi phải làm như thế. Tôi tìm xem họ còn bỏ thêm gì nữa không. Tôi không tìm thấy gì, nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc không còn gì khác? Ai đó đã đột nhập vào phòng tôi và gài thứ này - đã tháo rời laptop của tôi rồi ráp lại. Có rất nhiều cách để nghe trộm một cái máy tính. Tôi không đời nào tìm ra hết được. Tôi dùng hai ngón trỏ ráp mọi thứ lại. Lần này, khung máy không chỉ đóng khít vào ngay mà cáp điện cũng đâu vào đó. Tôi khởi động lại máy tính và đặt ngón tay lên bàn phím, định cho chạy vài công cụ chẩn đoán để xem nó là thứ gì. Nhưng tôi không thể làm vậy. Khốn khiếp, có lẽ phòng tôi cũng bị nghe trộm. Có lẽ lúc này có một cái camera đang theo dõi tôi cũng nên. Khi về nhà, tôi cảm thấy mình bị hoang tưởng. Nhưng giờ thì tôi sởn hết cả gai ốc rồi. Tôi cảm giác như đang quay trở lại nhà tù, quay trở lại phòng xét hỏi, bị theo dõi bởi các thực thể, những kẻ dùng quyền lực của họ để điều khiển tôi như con rối. Ý nghĩ này thật khiến tôi muốn khóc. Chỉ một thứ dành cho nó. Tôi vào phòng tắm, lấy cuộn giấy vệ sinh ra và thay bằng một cuộn mới. May thay nó đã gần hết. Tôi mở phần còn lại của cuộn giấy và bới trong hộp phụ tùng cho tới khi tìm thấy một phong bì plastic nhỏ đựng đầy đèn LED trắng siêu sáng tôi đã lượm lặt được từ một chiếc đèn xe máy hỏng. Tôi cẩn thận xuyên dây dẫn qua ống bìa, dùng một cái đinh ghim để đục lỗ rồi lấy dây điện xâu chúng thành chuỗi bằng những chiếc kẹp kim loại nhỏ. Tôi xoắn các dây điện vào các dây dẫn cho pin chín vôn và nối vào pin. Giờ tôi đã có một ống đèn LED định hướng siêu sáng, tôi có thể đưa nó lên mắt và nhìn xuyên qua. Năm ngoái, tôi làm một cái như thế này để đem đến hội chợ khoa học và đã bị tống khỏi hội chợ khi tôi chỉ ra một nửa số phòng học ở trường Chavez có giấu camera. Ngày nay, những chiếc camera nhỏ xíu còn rẻ hơn một bữa tối ở một nhà hàng loại ngon nên chúng xuất hiện khắp nơi. Nhân viên của các cửa hàng lén lút đặt chúng trong phòng thử đồ hay các salon tắm nắng và bán những cảnh phim mà họ quay trộm khách hàng cho những gã bệnh hoạn - cũng có khi họ chỉ tung nó lên mạng. Biết cách biến một cuộn giấy vệ sinh và những thứ trị giá ba đô thành một thiết bị phát hiện camera quả là một điều cực kỳ hữu dụng. Đây là cách đơn giản nhất để tóm một camera theo dõi. Chúng có ống kính nhỏ, nhưng chúng phản chiếu ánh sáng như quỷ. Cách này hiệu quả nhất trong phòng tối lờ mờ: bạn cứ nhìn chằm chằm qua cái ống, nhẹ nhàng quét ống qua các bức tường và những nơi mà người ta có thể đã đặt một máy camera đến khi nào bạn thấy một tia sáng phản chiếu lóe lên. Nếu ánh sáng phản chiếu vẫn giữ nguyên khi bạn di chuyển, đó là một ống kính. Không có camera trong phòng tôi - dù sao thì tôi không thể dò ra cái nào. Tất nhiên bọn họ có thể gài những con bọ ghi âm. Hoặc loại camera hiện đại hơn. Hoặc không gì cả. Theo bạn thì tôi có bị hoang tưởng không? Tôi yêu cái laptop này. Tôi gọi nó là Salmagundi, từ dùng để chỉ bất cứ cái gì được làm từ đồ thay thế. Một khi bạn đặt tên cho laptop của mình, bạn biết rằng giữa mình và nó có một mối liên hệ sâu sắc. Nhưng giờ thì tôi có cảm giác không bao giờ muốn chạm vào nó nữa. Tôi muốn ném nó khỏi cửa số. Ai mà biết họ đã làm gì với nó. Ai mà biết nó đã bị chỉnh sửa như thế nào để theo dõi tôi? Tôi cất cái laptop đã đóng vào ngăn kéo và nhìn lên trần nhà. Đã muộn rồi và tôi nên đi ngủ. Mà dù sao thì lúc này tôi cũng chẳng thể nào ngủ được. Tôi bị nghe lén. Tất cả mọi người có thể cũng bị nghe lén. Thế giới đã thay đổi vĩnh viễn. “Mình sẽ tìm cách trả thù họ,” tôi nói. Đó là một lời thề, tôi biết được vì nghe người ta nói thế, dù tôi chưa bao giờ thề nguyện gì trước đây. Tôi không thể ngủ được nữa. Vả lại, tôi đã có một ý tưởng. Đâu đó trong tủ tôi có một chiếc hộp được bọc kín, bên trong là cái Xbox Universal vẫn còn nguyên đai nguyên kiện. Mỗi Xbox đều được bán dưới giá trung bình - Microsoft kiếm tiền phần lớn từ việc bắt các công ty trò chơi trả tiền để mua quyền sản xuất các trò chơi Xbox - nhưng Universal là Xbox đầu tiên mà Microsoft quyết định cho miễn phí hoàn toàn. Mùa Giáng sinh năm ngoái, trên khắp các góc phố xuất hiện những kẻ thua cuộc thảm hại, ăn mặc như chiến binh trong series trò chơi Halo, ráng hết sức để trao những túi máy trò chơi này cho mọi người thật nhanh. Tôi đồ rằng cách này cũng khá hiệu quả - người ta nói rằng họ đã bán được một số lượng lớn các trò chơi. Lẽ tự nhiên, cũng có những biện pháp đối phó để đảm bảo rằng bạn chỉ chơi trò chơi của những công ty đã mua giấy phép sản xuất từ Microsoft. Các hacker đã bỏ qua những biện pháp đối phó này. Xbox đã bị bẻ khóa bởi một thằng nhóc ở học viện MIT, người đã viết một cuốn sách bán rất chạy về Xbox, sau đó Xbox 360 hết thời rồi đến Xbox xách tay (nhưng tất cả chúng tôi đều gọi là “Xbox phải vác theo” - nó nặng những hơn một kilôgam!) cũng không tồn tại được bao lâu. Hãng Universal được xem là bất khả xâm phạm. Những đứa nhóc cấp ba phá vỡ nó chính là những hacker dùng hệ điều hành Linux người Brazil. Chúng sống trong một favela - một dạng khu ổ chuột. Đừng bao giờ coi thường quyết tâm của một đứa trẻ giàu thời gian và nghèo tiền bạc. Sau khi những đứa trẻ Brazil công bố bản đã bẻ khóa, tất cả bọn tôi đều phát điên vì nó. Chẳng bao lâu sau, có đến hàng tá hệ điều hành thay thế cho Xbox Universal. Chương trình yêu thích của tôi là ParanoidXbox, nhang nhác ParanoidLinux. ParanoidLinux giả định người điều hành nó đang bị tấn công bởi chính phủ (chương trình này dùng cho những người chống đối ở Trung Quốc và Syria), và nó làm mọi việc có thể để giữ bí mật cho các thông tin và tài liệu của bạn. Thậm chí nó còn thêm vào một đống kết nối “giả” để ngụy trang cho bất cứ việc vụng trộm nào mà bạn làm. Vậy nên, mỗi khi bạn nhận được một chữ trong thông điệp mang tính chính trị, ParanoidLinux sẽ vờ như bạn đang lướt web, điền các bảng khảo sát và tán tỉnh trong các phòng chat. Lúc đó, chỉ có một trong số năm trăm chữ mà bạn nhận được mới là thông điệp thực sự, một cái kim chôn trong một đống cỏ khô khổng lồ. Tôi đã in ra một DVD ParanoidXbox ngay khi chúng mới xuất hiện, nhưng tôi chưa bao giờ mở cái Xbox trong tủ, tìm một ti vi để nối vào và làm những việc khác. Không cần đến crashware của Microsoft ngốn thêm một milimét diện tích làm việc quý giá nào thì phòng tôi cũng đủ chật chội rồi. Đêm nay, tôi sẽ hy sinh. Mất khoảng hai mươi phút để ra khỏi giường và chạy đi chạy lại. Phần khó nhất là không có ti vi, nhưng cuối cùng thì tôi nhớ rằng mình có một máy chiếu LCD nhỏ, nó có đầu nối ti vi RCA(6) chuẩn ở phía sau. Tôi nối nó với Xbox và chiếu lên mặt sau cửa ra vào rồi cài đặt ParanoidLinux. Giờ tôi đã dậy và vận động, còn ParanoidLinux đang tìm các Xbox Universal khác để nói chuyện. Mỗi Xbox Universal đều có thiết bị điều khiển không dây cho nhiều người chơi cùng lúc. Bạn có thể kết nối với hàng xóm của bạn bằng đường dẫn không dây và vào mạng Internet, nếu bạn có liên kết Internet không dây. Tôi tìm thấy ba tín hiệu khác nhau của hàng xóm trong khu vực. Hai trong số đó có Xbox Universal cũng kết nối với Internet. ParanoidXbox chuộng loại cấu hình này: nó có thể đi qua các liên kết Internet của hàng xóm và sử dụng chúng để lên mạng qua mạng game này. Hàng xóm cũng chẳng thiệt thòi gì: họ đã trả tiền thuê bao trọn gói, và vào lúc hai giờ sáng thì họ chẳng làm gì nhiều trên mạng. Phần hay nhất trong toàn bộ chuyện này là cảm giác mà nó đem lại: mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Công nghệ của tôi đang làm việc cho tôi, phục vụ tôi, bảo vệ tôi. Nó không theo dõi tôi. Đây là lý do tại sao tôi yêu công nghệ: nếu bạn sử dụng nó đúng cách, nó có thể cho bạn sức mạnh và sự riêng tư. Lúc này, não tôi đã thực sự vào guồng. Có rất nhiều lý do để chạy ParanoidXbox - lý do hay nhất là ai cũng có thể viết chương trình game cho nó. Đã có sẵn một cổng của MAME dành cho các ứng dụng giả lập game thùng, vậy nên thực tế là bạn có thể chơi bất kỳ trò chơi nào đã từng được viết ra, từ trò Pong cổ lỗ đến các trò viết cho Apple ][+, Colecovision, NES và Dreamcast, vân vân. Thậm chí còn tuyệt hơn khi mà tất cả những trò chơi hay ho dành cho nhiều người được thiết kế riêng cho ParanoidXbox - những trò chơi theo sở thích miễn phí mà ai cũng có thể chơi. Khi kết hợp tất cả những điều này lại, bạn sẽ có một giả lập miễn phí với đầy đủ các trò chơi miễn phí và có thể giúp bạn truy cập Internet miễn phí. Và phần thú vị nhất - theo như tôi nghĩ - là ParanoidXbox bị hoang tưởng. Mỗi bit xuất hiện trong không gian mạng đều được đảo tung lên. Bạn có thể nghe trộm nó nếu muốn, nhưng bạn không đời nào phát hiện ra ai đang nói, nói cái gì hay nói với ai. Những trang web, e-mail và tin nhắn trực tuyến ẩn danh. Chính là những thứ tôi cần. Tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là thuyết phục những người tôi biết cùng sử dụng nó. Chú thích: 1. Oakland Bay Bridge. 2. Painted ladies: từ dùng để chỉ những ngôi nhà theo kiểu thời Victoria hay Edward được sơn hai đến ba màu tô điểm cho các chi tiết kiến trúc. 3. Một loại nhạc rock đặc trưng phong cách âm nhạc và sự thể hiện du dương, lời bài hát thường mang tính tâm sự, kể lể. 4. Drag queen: Những người đàn ông ăn mặc và cư xử như một người phụ nữ với mục đích để giải trí hay biểu diễn. 5. Chỉ kỷ nguyên công nghệ thông tin. 6. Tên thông dụng ở Việt Nam là giắc cắm bông sen. chương 6 ạn tin hay không thì tùy, nhưng ngày hôm sau, bố mẹ tôi bắt tôi đi học. Tôi chỉ vừa mới chợp mắt lúc ba giờ sáng, nhưng bảy giờ sáng, bố đã đứng ở cuối giường tôi, dọa sẽ nắm cổ chân tôi lôi ra khỏi giường. Tôi xoay xở để ngồi dậy - có cái gì đó đã chết trong miệng tôi sau khi dính chặt mí mắt tôi lại - rồi bước vào nhà tắm. Tôi để mẹ ấn một miếng bánh mì và một quả chuối vào miệng, lòng khao khát rằng bố mẹ sẽ cho tôi uống cà phê ở nhà. Tôi có thể kiếm một cốc trên đường tới trường, nhưng thật khủng khiếp khi nhìn họ nhấm nháp từng chút chất lỏng vàng đen trong khi tôi thì lết mông quanh nhà, mặc quần áo và cho sách vở vào túi. Tôi đã đi bộ tới trường hàng nghìn lần, nhưng hôm nay thật khác. Tôi đi qua các ngọn đồi để tới khu Mission, đâu đâu cũng có xe tải. Tôi thấy camera kiểm duyệt và camera giao thông mới được lắp đặt ở rất nhiều biển báo dừng. Ai đó đã trữ rất nhiều thiết bị giám sát, chỉ chờ có cơ hội là lắp đặt ngay. Vụ tấn công ở Cầu Vịnh chính là điều họ cần. Thành phố dường như khẽ khàng hơn, như thể đang ở trong thang máy, ngượng ngùng bởi sự xét nét của hàng xóm láng giềng và mấy chiếc camera nhan nhản khắp nơi. Quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ trên phố 24 luôn dành cho tôi một tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vời để mang đi. Về cơ bản, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ là bùn giả cà phê. Nó đủ dày để cắm một chiếc thìa vào và có nhiều caf- feine hơn những đồ uống trẻ con như Red Bull. Hãy xem Wikipedia viết gì: đây chính là cách Đế quốc Ottoman đã giành chiến thắng: những kỵ sĩ điên cuồng được nạp đầy thứ bùn cà phê đen huyền chết người. Tôi rút thẻ ghi nợ ra để thanh toán và anh chàng nhăn mặt nói. “Không nhận thẻ ghi nợ nữa.” “Hử? Tại sao không?” Tôi đã trả tiền cho thói quen uống cà phê của mình bằng thẻ ở quán Thổ Nhĩ Kỳ này hàng mấy năm nay. Anh ta lúc nào cũng xua tôi đi, nói rằng tôi còn quá trẻ để uống thứ này, và anh ta vẫn từ chối bán hàng cho tôi trong giờ học, khăng khăng rằng tôi đang trốn học. Nhưng sau nhiều năm, anh chàng người Thổ và tôi đã hình thành một mối cảm thông nhất định. Anh ta lắc đầu buồn bã. “Cậu không hiểu được đâu. Đi học đi, nhóc.” Không có cách nào khiến tôi muốn hiểu hơn là bảo tôi sẽ không hiểu được. Tôi nài nỉ anh ta nói cho tôi. Trông có vẻ như anh ta sẽ tống cổ tôi đi, nhưng khi tôi hỏi chẳng lẽ tôi không đủ tốt để mua hàng ở đây sao, anh ta cởi mở hơn. “Vấn đề an ninh,” anh nói, nhìn xung quanh cửa hàng nhỏ với những bình đựng hạt cà phê khô và giá để đồ tạp phẩm Thổ Nhĩ Kỳ. “Chính phủ. Báo chí nói giờ họ giám sát tất cả mọi thứ. Đạo luật YÊU NƯỚC số II, Quốc hội đã thông qua hôm qua. Giờ họ có thể giám sát mỗi khi cậu dùng thẻ của mình. Tôi không đồng ý. Tôi không để cửa hàng của tôi giúp họ theo dõi khách hàng của mình.” Tôi há hốc miệng. “Có lẽ cậu cho rằng chuyện này chả có nghĩa lý gì? Có vấn đề gì đâu khi chính phủ biết cậu mua cà phê lúc nào? Bởi vì đó là một cách để họ biết cậu đang ở đâu, cậu đã ở đâu. Cậu nghĩ vì sao mà tôi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỳ nào? Nơi nào chính phủ luôn theo dõi người dân, nơi đó không hề tốt đẹp. Tôi đã chuyển đến đây hai mươi năm trước để được tự do - tôi sẽ không giúp họ lấy mất tự do đâu.” “Thế thì doanh thu của anh sẽ bị giảm đi nhiều đấy,” tôi thốt lên. Tôi muốn nói rằng anh là một người hùng và bắt tay anh, nhưng rốt cuộc tôi lại nói như vậy. “Mọi người đều dùng thẻ ghi nợ.” “Có lẽ không còn nhiều nữa. Có lẽ khách hàng của tôi tới đây vì họ biết tôi cũng yêu tự do. Tôi đang làm biển thông báo treo lên cửa sổ. Có lẽ các cửa hàng khác cũng làm như vậy. Tôi nghe nói ACLU(1) sẽ kiện họ vì điều này.” “Từ giờ trở đi em sẽ luôn mua đồ của anh,” tôi nói. Thực sự tôi muốn vậy. Tôi cho tay vào túi. “Ừm, nhưng em không có đồng nào cả.” Anh mím môi và gật đầu. “Nhiều người cũng nói như vậy. Không sao. Cậu hãy dành tiền hôm nay cho ACLU.” Trong hai phút, số từ mà anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ và tôi trao đổi với nhau nhiều hơn từ trước đến nay gộp lại. Tôi đã đến cửa hàng của anh cả nghìn lần. Tôi không hề biết anh lại có nhiệt huyết nhường ấy. Vốn dĩ tôi chỉ nghĩ về anh như một chủ quán cà phê gần nhà thân thiện. Tôi bắt tay anh và khi rời cửa hàng, tôi có cảm giác như anh và tôi đã gia nhập một đội quân. Một đội quân bí mật. Mặc dù đã nghỉ học hai ngày nhưng dường như tôi không bỏ lỡ quá nhiều tiết học. Họ đã đóng cửa trường học một ngày khi thành phố đang cố gắng hồi phục. Có vẻ như ngày kế tiếp đã được dành để thương tiếc những người mất tích và bị cho là thiệt mạng. Báo chí công bố lý lịch của những vật tưởng niệm cá nhân và bị thất lạc. Các trang web tràn ngập cáo phó, có tới hàng nghìn cáo phó. Trớ trêu thay, tôi cũng là một trong số những người nói trên. Tôi bước vào sân trường mà không hề biết điều đó, ai đó hét lên, rồi một lát sau có hàng trăm người vây lấy tôi, vỗ vai tôi, bắt tay tôi. Vài cô gái mà tôi thậm chí không biết còn hôn tôi nữa, và chúng còn hơn là những nụ hôn bạn bè. Tôi cảm thấy mình như một siêu sao nhạc rock. Các thầy cô của tôi cũng phấn khởi không kém. Cô Galvez đã khóc nhiều như mẹ tôi và ôm tôi ba lần trước khi để tôi về chỗ ngồi. Có gì đó mới trước lớp học. Một máy quay. Cô Galvez bắt gặp tôi đang nhìn nó chằm chằm và đưa cho tôi một giấy phép có in tên trường bị vấy bẩn. Ban quản lý Học khu thống nhất San Francisco đã mở phiên họp khẩn cấp vào cuối tuần và nhất trí bỏ phiếu thông qua việc đề nghị phụ huynh của từng đứa trẻ trong thành phố đồng ý đặt camera vô tuyến truyền trực tiếp trong mọi lớp học và hành lang. Luật pháp quy định rằng họ không thể bắt chúng tôi tới trường khi có camera ở khắp nơi, nhưng nó không nói gì về việc chúng tôi tình nguyện từ bỏ quyền hiến pháp của mình. Lá thư nói rằng Ban quản lý đảm bảo có được sự ưng thuận tuyệt đối của tất cả phụ huynh trong thành phố, nhưng họ sẽ sắp xếp để dạy những đứa trẻ mà cha mẹ chúng phản đối việc này tại một trong những lớp học “không được bảo vệ” riêng biệt. Tại sao giờ chúng ta lại có camera trong phòng học? Bọn khủng bố. Tất nhiên. Bởi vì với việc cho nổ tung cây cầu, chúng đã ám chỉ trường học sẽ là mục tiêu kế tiếp. Dù sao thì bằng cách nào đó, Ban quản lý đã đưa ra kết luận như vậy. Tôi đọc lá thư này ba lần rồi giơ tay lên. “Gì vậy, Marcus?” “Thưa cô Galvez, về lá thư này?” “Sao vậy, Marcus?” “Có phải mục đích của việc khủng bố là khiến chúng ta sợ hãi không ạ? Vậy nên người ta mới gọi nó là sự-gây-kinh-hoàng(2), đúng không ạ? “Cô đoán là vậy.” Cả lớp nhìn tôi chằm chằm. Tôi không phải là học sinh giỏi nhất trường, nhưng tôi tranh luận khá tốt trong phạm vi lớp học. Họ đang đợi xem tôi sẽ nói cái gì tiếp theo. “Vậy chẳng phải chúng ta đang làm điều mà bọn khủng bố muốn ở chúng ta sao? Có phải chúng đang chiến thắng không khi mà tất cả chúng ta đều hành động trong sợ hãi rồi đặt camera trong lớp học và tất cả những việc tương tự?” Có những tiếng xôn xao bồn chồn. Một người giơ tay lên. Đó là Charles. Cô Galves gọi tên nó. “Đặt camera sẽ giúp chúng ta an toàn, và khiến chúng ta bớt sợ hãi.” “An toàn trước điều gì?” tôi nói, không đợi được gọi tên. “Khủng bố,” Charles đáp. Những đứa khác cũng gật đầu. “Làm sao mấy cái máy đó làm được hay vậy? Nếu một kẻ đánh bom tự sát lao vào đây và cho nổ tung tất cả chúng ta...” “Thưa cô Galvez, Marcus đang vi phạm quy chế của trường. Chúng ta không được phép nói đùa về việc bọn khủng bố tấn công...” “Ai đang đùa cơ?” “Cảm ơn, cả hai em,” cô Galvez nói. Cô trông có vẻ rất không vui. Tôi cảm thấy tệ vì đã gây rối trong buổi học của cô. “Cô nghĩ rằng đây là một cuộc tranh luận rất thú vị, nhưng cô muốn dành nó lại cho một buổi học trong tương lai. Cô nghĩ hôm nay mà bàn luận về vấn đề này thì sẽ rất dễ gây kích động. Giờ, chúng ta sẽ cùng quay lại việc tán thành mở rộng quyền bầu cử, được chứ?” Vậy là chúng tôi dành thời gian còn lại để nói về những người tán thành mở rộng quyền bầu cử và những chiến lược vận động hành lang mà họ đã nghĩ ra để đưa vào văn phòng của mỗi nghị sĩ bốn phụ nữ, gây sức ép và cho ông ta thấy tương lai chính trị của ông ta sẽ ra sao nếu như ông ta cứ tiếp tục từ chối quyền bầu cử của phụ nữ. Thường thì đây là đề tài mà tôi rất thích - những người thấp cổ bé họng khiến những người to lớn và đầy quyền lực phải sống trung thực hơn. Nhưng hôm nay tôi không thể nào tập trung nổi. Chắc hẳn do sự vắng mặt của Darryl. Cả hai đứa đều thích môn Nghiên cứu Xã hội và đáng ra lúc này, sau khi yên vị được vài giây, chúng tôi đang mở SchoolBook và bật chương trình chat, một kênh khác để bàn luận về bài học. Đêm trước đó, tôi đã in ra hai mươi đĩa ParanoidXbox và để trong túi. Tôi đã đưa cho những người mà tôi biết là vô cùng đam mê chơi game. Họ đều có một hoặc hai Xbox Universal từ năm ngoái, nhưng phần lớn không dùng nữa. Các trò chơi rất đắt và không vui lắm. Tôi kéo họ ra giữa các tiết học, giờ ăn trưa, giờ tự học và ca ngợi các trò chơi của ParanoidXbox lên tận trời xanh. Miễn phí và vui - những trò chơi xã hội có khả năng gây nghiện mà những người hay ho, thú vị trên thế giới đều ưa thích. Cho không một thứ để bán một thứ khác được gọi là “kinh doanh kiểu lưỡi lam” - những công ty giống như Gillette tặng cán dao cạo râu miễn phí cho bạn rồi lừa bạn phải trả một số tiền nhỏ để mua lưỡi lam. Tệ nhất là những hộp mực in - loại sâm banh đắt nhất thế giới còn rẻ hơn khi đem so với mực in, thứ chỉ đáng một xu mỗi galông nếu bán buôn. Kinh doanh kiểu lưỡi lam phụ thuộc vào việc bạn không thể kiếm được “lưỡi lam” từ ai khác nữa. Nói cho cùng, nếu Gillette có thể kiếm được chín đô la từ mỗi lưỡi lam thay thế giá mười đô la thì chả có lý do gì một đối thủ cạnh tranh của họ lại không kiếm bốn đô la từ việc bán một lưỡi dao y hệt: lợi nhuận biên tám mươi phần trăm là con số khiến một người kinh doanh trung bình phải nhỏ dãi. Vậy là những công ty kinh doanh lưỡi lam như Gillette đổ rất nhiều công sức để làm cho việc cạnh tranh với họ về sản phẩm lưỡi lam trở nên khó khăn và/hoặc bất hợp pháp. Trong trường hợp của Microsoft, mỗi Xbox đều có biện pháp đối phó để ngăn không cho bạn chạy các phần mềm được phát hành bởi những người không trả tiền mua quyền bán chương trình của Xbox. Những người tôi đã gặp không nghĩ nhiều về việc này. Họ phấn khởi hơn hẳn khi nghe tôi nói rằng những trò chơi này không bị giám sát. Ngày nay, bất cứ trò chơi trực tuyến nào bạn chơi cũng toàn những thứ khó chịu. Đầu tiên, có những thằng khốn cố gắng dụ bạn tới những vị trí hẻo lánh, rồi chúng trở nên kỳ cục và giở trò bệnh hoạn với bạn. Rồi cảnh sát đóng giả những đứa nhóc khờ khạo để có thể bắt giữ bọn hư hỏng đó. Nhưng dù sao thì tệ nhất vẫn là những kẻ giám sát, họ dành toàn bộ thời gian để do thám những cuộc tranh luận và chỉ điểm chúng ta vì tội chống lại Các điều khoản dịch vụ, ấy là không tán tỉnh, không chửi rủa, và không “sử dụng ngôn ngữ rõ ràng hoặc mập mờ để đề cập một cách xúc phạm tới bất kỳ khía cạnh nào của tình dục hay thiên hướng tình dục.” Không phải lúc nào tôi cũng nghĩ đến tình dục, nhưng tôi là một thằng con trai mười bảy tuổi. Tình dục đôi lúc cũng xuất hiện trong những cuộc nói chuyện. Nhưng cầu Chúa phù hộ bạn nếu nó xuất hiện khi bạn chat lúc chơi game. Nó thực sự là quả bom nổ chậm. Không ai giám sát các trò chơi của ParanoidXbox vì chúng không do công ty nào điều hành: chúng chỉ là những trò chơi mà các hacker viết cho vui thế thôi. Các tín đồ game thích câu chuyện của tôi. Chúng vồ vập lấy những chiếc đĩa và hứa sẽ chép ra nhiều bản cho tất cả bạn bè - dù sao, game vui nhất khi bạn chơi cùng chiến hữu. Về đến nhà, tôi đọc thấy một nhóm phụ huynh đã kiện hội đồng nhà trường vì những chiếc camera giám sát trong lớp học, nhưng họ đã mất ưu thế khi lệnh sơ bộ của tòa chống lại họ. Tôi không biết ai đã nghĩ ra cái tên Xnet, nhưng nó gây lúng túng. Bạn có thể nghe thấy mọi người nói về nó trên các phương tiện di chuyển công cộng. Van gọi tôi để hỏi xem tôi có nghe được gì về nó không và tôi suýt nghẹt thở khi hiểu ra cô đang nói về điều gì: những chiếc đĩa mà tôi phát tán tuần trước đã được truyền đi khắp nơi trên mạng và sao chép lại rồi lan tới tận Oakland chỉ trong hai tuần. Điều này khiến tôi chột dạ - như thể tôi đã phá luật và giờ thì DHS sẽ đến mang tôi đi mãi mãi. Những tuần sau vụ khủng bố thật khó khăn. Giờ đây, BART đã hoàn toàn từ chối việc thanh toán bằng tiền mặt, đổi sang thẻ RFID “không tiếp xúc” mà bạn sẽ vẫy trước cửa xoay để đi qua. Đúng là chúng tốt và tiện lợi thật, nhưng mỗi lần sử dụng chúng, tôi lại nghĩ đến việc mình đang bị theo dõi như thế nào. Ai đó trên Xnet đã đăng một đường dẫn tới sách trắng của Quỹ Biên Giới Điện Tử nơi cho ta biết các cách mà những thứ này có thể được dùng để theo dõi mọi người. Sách trắng này cũng có các mẩu chuyện về những nhóm đã phản kháng ở BART. Giờ tôi sử dụng Xnet để làm hầu hết mọi việc. Tôi lập một địa chỉ e-mail giả qua Pirate Party, một đảng phái chính trị Thụy Điển ghét việc giám sát Internet và hứa sẽ giữ các tài khoản e-mail của họ bí mật tuyệt đối với mọi người, kể cả cảnh sát. Tôi truy cập qua Xnet một cách hết sức thận trọng, nhảy từ kết nối Internet của hàng xóm này tới kết nối của hàng xóm khác, luôn ẩn danh - hy vọng là thế - tới tận Thụy Điển. Tôi không sử dụng nick w1n5ton nữa. Nếu thầy Benson có thể đoán ra thì ai cũng có thể đoán ra. Trong một giây xuất thần, tôi đã chọn nick mới là M1k3y, và tôi nhận được rất nhiều e-mail từ những người đã nghe các phòng chat và diễn đàn online kháo nhau rằng tôi có thể giúp họ khắc phục cấu hình và kết nối Xnet. Tôi nhớ Harajuku Fun Madness. Công ty đã hoãn trò chơi vô thời hạn. Họ cho biết vì “lý do an ninh” nên họ không nghĩ rằng việc giấu các đồ vật để mọi người đi tìm là một ý hay. Điều gì xảy ra nếu ai đó nghĩ rằng nó là một quả bom? Điều gì xảy ra nếu ai đó đặt bom vào cùng vị trí đó? Điều gì xảy ra nếu tôi bị sét đánh khi đang đi bộ với một cái ô? Cấm tất cả các loại ô! Chống lại mối đe dọa sét đánh! Tôi vẫn sử dụng laptop của mình, dù mỗi lần đụng vào nó tôi lại sởn gai ốc. Người nào đã nghe lén tôi sẽ thắc mắc tại sao tôi không dùng máy. Thế là hàng ngày tôi chỉ lướt qua vài trang web bất kỳ, mỗi ngày giảm thời gian ngồi máy đi một chút để những kẻ đang rình rập tôi sẽ thấy rằng tôi đang từ từ thay đổi thói quen của mình chứ không đảo lộn đột ngột. Chủ yếu tôi đọc về những lễ tưởng niệm đáng sợ - hàng nghìn bạn bè và hàng xóm của tôi đã chết dưới đáy Vịnh. Thú thực là tôi ngày càng ít làm bài tập về nhà hơn. Tôi bận công việc ở nơi khác. Mỗi ngày tôi lại in thêm hàng chồng đĩa ParanoidXbox mới, năm mươi hay sáu mươi cái gì đấy, và mang chúng đi quanh thành phố, đưa cho những người mà tôi nghe nói là sẵn sàng chép ra sáu mươi đĩa khác và phân phát cho bạn bè họ. Tôi không quá lo lắng về việc bị bắt gặp làm việc này, vì tôi có mật mã vững chắc. Thuật mã hóa còn được gọi là “cách viết bí mật”, và nó đã xuất hiện từ thời La Mã (thật vậy, Augustus Caesar rất thích thú với trò này và luôn phát minh ra mật mã của riêng mình, một vài trong số đó còn được sử dụng ngày nay để chèn thêm những câu đùa trong e-mail). Thuật mã hóa là toán. Toán khó. Tôi không định cố giải thích chi tiết vì tôi cũng chẳng có đủ kiến thức toán học để giải thích - hãy đọc trên Wikipedia nếu bạn thực sự muốn biết. Nhưng đây là cách giải thích trong sách: Có những hàm số toán học rất dễ thực hiện theo hướng này nhưng lại rất khó thực hiện theo hướng ngược lại. Thật đơn giản khi nhân hai số nguyên tố lớn để có một con số khổng lồ. Nhưng cực kỳ khó nếu chọn một số khổng lồ bất kỳ và đoán xem nó là tích của hai số nguyên tố nào. Điều này có nghĩa là nếu bạn có thể nghĩ ra cách làm lộn xộn cái gì đó dựa trên việc nhân các số nguyên tố lớn thì việc lần ra đầu mối của đám hỗn độn mà không biết các số nguyên tố đó sẽ rất khó. Khó tới mức không tưởng. Tất cả máy tính trên thế giới có hoạt động hết công suất trong cả tỉ năm thì cũng không thể nào giải quyết nổi vụ này. Một tin nhắn mã hóa luôn có bốn phần: tin nhắn gốc, hay còn gọi là “văn bản thuần túy”. Tin nhắn đã bị xáo trộn, gọi là “văn bản mật”. Quy luật được sử dụng để xáo trộn tin nhắn, gọi là “thuật toán”. Và cuối cùng là chìa khóa: một bí mật mà bạn đưa vào mật mã cùng với văn bản thuần túy để tạo thành văn bản mật. Thường thì những người tạo mật mã cố gắng giữ bí mật tất cả mọi thứ. Mỗi cơ quan và chính phủ có thuật toán riêng và chìa khóa riêng. Phát xít Đức và các nước đồng minh còn không muốn cho những nước khác biết cách thức đảo các thông điệp của mình, nói gì đến chìa khóa họ có thể sử dụng để giải mã chúng. Nghe có vẻ là một ý tưởng hay ho, đúng không? Sai. Lần đầu tiên ai đó nói với tôi về trò phân tích thừa số nguyên tố này phân tích mọi thứ, tôi lập tức nói, “Không thể nào, thật vớ vẩn! Ý tớ là, chắc chắn cái việc phân tích thừa số nguyên tố này rất khó, dù cậu có nói gì đi nữa. Nhưng trước đây, con người từng không thể bay lượn, lên mặt trăng hoặc chế tạo ra ổ cứng có dung lượng nhiều hơn vài kilobyte. Hẳn là ai đó phải phát minh ra cách giải mã những tin nhắn này chứ.” Tôi tưởng tượng ra một ngọn núi rỗng, bên trong chật ních những nhà toán học của Cơ quan An ninh Quốc gia đang đọc mọi e-mail trên thế giới này và cười khẩy. Thực tế thì điều này khá giống với những gì đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai. Đấy là lý do vì sao cuộc sống không như trò Castle Wolfenstein(3), nơi tôi đã dành nhiều ngày săn đuổi bọn phát xít. Vấn đề là khó mà đảm bảo được bí mật cho thuật toán. Một thuật toán bao gồm rất nhiều yếu tố toán học, nếu nó được sử dụng rộng rãi thì tất cả những người sử dụng cũng phải giữ bí mật, và khi ai đó trở mặt, bạn sẽ phải tìm ra một thuật toán mới. Thuật toán của phát xít Đức được gọi là Enigma, và họ sử dụng một máy tính cơ nhỏ tên là Enigma Machine để xáo trộn và phục hồi trật tự của những thông điệp mà họ thu được. Mỗi tàu ngầm, thuyền và trạm đều cần có một cái máy như vậy nên hiển nhiên là cuối cùng quân Đồng minh cũng chiếm được một cái. Khi có chiếc máy, họ phá vỡ Enigma. Việc này được chỉ huy bởi Alan Turing, vị anh hùng của mọi thời đại mà tôi tôn sùng, người được xem là cha đẻ của những chiếc máy tính mà chúng ta biết ngày nay. Thật không may, ông là người đồng tính nên sau khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Anh ngu ngốc đã ép ông phải tiêm hoóc môn để “điều trị” bệnh đồng tính luyến ái, và ông đã tự tử. Darryl đã tặng tôi một cuốn tiểu sử Turing vào sinh nhật thứ mười bốn - bọc trong hai mươi lớp giấy và đặt trong một chiếc ô tô người dơi đồ chơi được tái chế, nó lúc nào cũng làm thế với những món quà - và tôi trở thành tín đồ của Turing từ đó đến giờ. Nhưng việc quân Đồng minh sở hữu một Enigma Machine và có thể chặn rất nhiều thông điệp vô tuyến của Phát xít Đức cũng không phải là vấn đề to tát lắm, vì mỗi chỉ huy có một chìa khóa riêng. Phe Đồng minh không có chìa khóa nên cỗ máy cũng không thể giúp được gì. Đây chính là lúc sự bí mật làm hại tới việc mã hóa. Thuật toán Enigma có khiếm khuyết. Sau khi đã nghiên cứu nó kỹ lưỡng, Turing phát hiện những người viết mật mã của Phát xít Đức đã phạm một lỗi toán học. Bằng việc xem xét cỗ máy Enigma Machine, Turing đã có thể tìm ra cách giải mã bất kỳ thông điệp nào của Phát xít Đức, bất kể chìa khóa là gì. Phát xít Đức đã phải trả giá bằng cả một cuộc chiến. Đừng hiểu lầm tôi. Đó là tin tốt. Cứ thử là một cựu chiến binh trong Castle Wolfenstein xem. Bạn sẽ không muốn quân Phát xít cai trị nước Mỹ đâu. Sau chiến tranh, những người viết mật mã đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ về việc này. Vấn đề là Turing thông minh hơn người đã phát minh ra Enigma. Bất kể thuật toán của bạn là gì, một ai đó thông minh hơn luôn có thể nghĩ ra cách để phá vỡ nó. Và càng nghĩ nhiều về điều này thì họ càng nhận ra rằng bất cứ ai cũng có thể phát minh ra một hệ thống an ninh mà chính anh ta còn không biết cách phá. Nhưng không ai biết một người thông minh hơn mình có thể làm những gì. Bạn phải công khai một thuật toán để biết liệu nó có hoạt động không. Bạn phải nói cho càng nhiều người càng tốt biết nó hoạt động ra sao, để họ thử nó bằng mọi thứ họ có, kiểm tra độ bảo mật của nó. Càng tồn tại được lâu mà không bị ai phát hiện ra lỗi, bạn càng được an toàn. Đó chính là cách để sống sót trong thời đại này. Muốn an toàn, bạn không được sử dụng phương thức mã hóa mà một thiên tài nào đó đã nghiên cứu tuần trước. Bạn phải sử dụng những thuật toán đã được mọi người sử dụng càng lâu càng tốt mà không ai biết cách phá. Dù bạn là một ngân hàng, một kẻ khủng bố, một chính phủ hay một thằng nhóc, bạn cũng sử dụng những thuật toán như nhau. Nếu bạn thử sử dụng thuật toán riêng, rất có khả năng ai đó ngoài kia sẽ tìm ra lỗi mà bạn bỏ qua và sẽ trở thành một Turing đá đít bạn, giải mã được hết những tin nhắn “bí mật” của bạn và khoái trá cười vào những chuyện tầm phào ngớ ngẩn, những giao dịch tài chính và bí mật quân sự của bạn. Vậy nên tôi biết mật mã sẽ đảm bảo an toàn cho tôi trước những kẻ nghe trộm, nhưng tôi chưa sẵn sàng để giải quyết các biểu đồ. Tôi ra khỏi BART, quẹt thẻ của mình qua cửa xoay rồi đi về phía nhà ga phố 24. Như thường lệ, có rất nhiều người lập dị đi lại trong ga, những gã say xỉn, những kẻ tín Chúa, những người đàn ông Mexico nhìn chằm chằm xuống sân ga và vài đứa nhóc tụ tập thành băng nhóm. Tôi nhìn thẳng qua họ khi lên cầu thang và chậm rãi bước ra đường. Túi tôi giờ đã rỗng, không còn phồng lên bởi những đĩa ParanoidXbox mà tôi đã phân phát hết, nhờ thế nên hai vai được nhẹ nhõm và tôi nhún nhảy trên phố. Những người thuyết giáo vẫn đang làm việc, hô hào bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha về Chúa Jesus và mọi thứ. Mấy tay bán kính mắt giả đã đi, nhưng thế chỗ vào đó lại là những gã bán chó robot có thể sủa quốc ca và nhấc chân lên nếu bạn chỉ cho chúng một bức ảnh của Osama bin Laden. Chắc là có cái gì đấy hay ho trong bộ não bé nhỏ của chúng và tôi tự nhủ sau này sẽ nhặt vài con về rồi tháo tung ra xem. Tính năng nhận dạng gương mặt còn khá mới đối với đồ chơi, chỉ đến gần đây nó mới được đưa từ lĩnh vực quân sự sang áp dụng ở các sòng bạc để phát hiện những kẻ gian lận phạm pháp. Tôi bắt đầu xuống phố 24, hướng đồi Potrero để về nhà, xoay vai, hít hà mùi burrito thoang thoảng từ các nhà hàng và nghĩ về bữa tối. Tôi không biết tại sao đột nhiên tôi lại liếc qua vai về phía đằng sau, nhưng tôi đã làm vậy. Có thể là dính dáng một chút đến giác quan thứ sáu. Tôi biết mình đang bị theo dõi. Có hai gã da trắng lực lưỡng, ria mép lún phún khiến tôi nghĩ tới cảnh sát hoặc mấy tay chạy xe mô tô đồng tính vẫn lượn quanh Castro, nhưng dân đồng tính thường có kiểu tóc đẹp hơn. Họ mặc áo gió màu xi măng cũ và quần jean xanh da trời, cạp quần bị che khuất. Tôi nghĩ về những thứ mà một cảnh sát có thể đeo quanh cạp quần, về cái thắt lưng đa năng mà gã ở DHS trong xe tải đã mang. Cả hai gã đều có bộ điện đàm bluetooth. Tôi vẫn đi bình thường, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi đã dự tính điều này từ khi bắt đầu. Tôi đã tính rằng DHS phát hiện ra những gì tôi đang làm. Tôi đã đề phòng mọi hướng, nhưng người phụ nữ tóc cắt bằng đã nói rằng cô ta sẽ để mắt tới tôi. Cô ta nói tôi đã bị đánh dấu. Tôi nhận ra lâu nay mình vẫn chờ bị bắt trở lại nhà tù. Sao lại không chứ? Sao Darryl phải ở trong tù mà tôi thì không? Tôi đang trả giá cho những gì tôi đã làm? Thậm chí tôi còn không đủ dũng cảm để nói với bố mẹ mình - hay bố mẹ Darryl - những gì đã thực sự xảy ra với chúng tôi. Tôi bước nhanh hơn và điểm lại tình hình. Tôi không có gì phạm pháp trong túi. Dù sao thì không quá phạm pháp. SchoolBook của tôi đang chạy bản crack để tôi có thể chat và làm vài việc khác, nhưng nửa số học sinh trong trường cũng như vậy. Tôi đã đổi cách mã hóa mọi thứ trong điện thoại - giờ tôi đã dựng một bức ngăn giả để có thể mở văn bản thuần túy bằng một mật khẩu, nhưng tất cả những thứ quan trọng đã được giấu kín và cần một mật khẩu khác để mở. Phần bị giấu này trông như tin rác ngẫu nhiên - khi bạn mã hóa dữ liệu, người khác sẽ không thể phân biệt được chúng với những thứ hỗn tạp ngẫu nhiên - thậm chí họ sẽ không bao giờ biết chúng tồn tại ở đó. Túi tôi chẳng có cái đĩa nào. Laptop của tôi hoàn toàn không có dấu vết phạm pháp. Tất nhiên, nếu họ nghĩ tới việc xem xét kỹ Xbox của tôi thì trò chơi sẽ kết thúc. Miễn bàn. Tôi dừng lại. Tôi đã giấu mình khá tốt. Giờ đến lúc tôi phải đối mặt với số mệnh. Tôi bước vào quán burrito gần nhất và gọi một suất kèm thịt - thịt lợn xắt miếng - và thêm chút salsa. Có lẽ tôi sẽ đi ra sau khi đã ních căng bụng. Tôi cũng uống một tách horchata, đồ uống lạnh từ gạo, giống như bánh pudding gạo nhưng hơi ngọt và loãng (khi uống vào thì ngon hơn tôi tả nhiều). Tôi ngồi xuống để ăn và cảm thấy hết sức bình tĩnh. Tôi sắp vào tù vì “tội lỗi” của mình, mà cũng có thể không. Sự tự do mà tôi có từ khi họ bắt tôi đến giờ chỉ là một kỳ nghỉ tạm thời. Đất nước này không còn là bạn tôi nữa: giờ chúng tôi ở hai phía khác nhau và tôi đã biết mình không thể nào chiến thắng. Hai gã đàn ông bước vào cửa hàng khi tôi vừa ăn xong món burrito và đang chuẩn bị gọi ít churro - bột nhào chiên đường đỏ - để tráng miệng. Tôi đoán họ đã đợi bên ngoài và phát mệt vì sự ề à của tôi. Họ đứng sau tôi tại quầy thu ngân, vây lấy tôi. Tôi lấy churro từ bà cụ đáng mến và trả tiền, cắn vài miếng bánh rồi mới quay lại. Tôi muốn ít nhất cũng phải được nếm bữa tráng miệng của mình. Nó có thể là bữa tráng miệng cuối cùng tôi được ăn trong một thời gian rất dài sắp tới. Rồi tôi quay lại. Họ ở gần tôi đến mức tôi có thể thấy một cái mụn trên má của gã bên trái và gỉ mũi của gã còn sót lại. “Xin lỗi,” tôi nói, cố chen qua họ. Gã có gỉ mũi liền di chuyển để chặn tôi lại. “Thưa cậu,” gã nói, “cậu có thể ra ngoài cùng chúng tôi được không?” Gã chỉ về phía cửa. “Xin lỗi, tôi đang ăn,” tôi nói và bước tiếp. Lần này gã đặt tay lên ngực tôi. Gã thở nhanh bằng đường mũi khiến cho gỉ mũi rung rinh. Tôi nghĩ mình cũng thở mạnh, nhưng khó mà nói được qua tiếng đập dồn dập của tim. Gã còn lại hất nhẹ vạt áo gió trước, để lộ phù hiệu của Sở Cảnh sát San Francisco. “Cảnh sát đây,” gã nói. “Mời đi theo chúng tôi.” “Để tôi lấy đồ của mình đã,” tôi nói. “Chúng tôi sẽ lo việc đó,” gã nói. Gã có gỉ mũi bước tới gần tôi, chân gã đặt bên trong chân tôi. Trong võ thuật người ta cũng làm thế này. Nó giúp ta cảm nhận được nếu đối phương thay đổi trọng tâm, chuẩn bị chuyển động. Dù sao tôi cũng không định chạy. Tôi biết mình không thể chạy thoát khỏi số mệnh. Chú thích: 1. Hiệp hội Quyền tự do Dân sự Hoa Kỳ. 2. Trong tiếng Anh, “sự khủng bố” là “terrorism”, trong đó, “terror” nghĩa là “sự kinh hoàng”. 3. Lâu đài Wolfenstein: là một trò chơi máy tính lấy bối cảnh là Thế chiến thứ 2 chương 7 ọ kéo tôi ra ngoài và đi tới góc phố, nơi một chiếc xe cảnh sát không gắn phù hiệu đang đợi sẵn. Dù sao thì nhiều người ở trong khu vực này có thể nhận ngay ra đó là một xe cảnh sát. Chỉ có cảnh sát mới lái những chiếc Crown Victoria khổng lồ vào lúc này, khi mà giá xăng đã tăng đến bảy đô một galông. Thêm nữa, chỉ có cảnh sát mới có thể đỗ xe cạnh một xe khác giữa phố Van Ness mà không bị bầy xe kéo hung tợn vây kín và luôn sẵn sàng bắt bạn tuân thủ luật đỗ xe không thể hiểu nổi của San Francisco, hòng kiếm được chút tiền thưởng vì đã bắt được xe bạn. Gỉ Mũi hỉ mũi. Tôi đang ngồi ở ghế sau và anh ta cũng vậy. Đồng nghiệp của anh ta ngồi ghế trước, nhịp ngón tay lên một chiếc laptop xù xì, cổ kính, trông như thể chủ nhân thực sự của nó phải là Fred Flintstone(1) từ thời Đồ Đá vậy. Gỉ Mũi xem xét kỹ chứng minh thư của tôi một lần nữa. “Chúng tôi chỉ muốn hỏi cậu vài câu hỏi theo thủ tục.” “Tôi có thể xem phù hiệu cảnh sát của anh được không?” tôi hỏi. Những gã này rõ ràng là cảnh sát, nhưng cũng chẳng hại ai nếu tôi cho họ thấy tôi cũng am hiểu quyền của mình. Gỉ Mũi giơ cái phù hiệu trước mặt tôi nhanh đến mức tôi chưa kịp nhìn gì, nhưng Zit, người ngồi ghế trước lại cho tôi nhìn kỹ phù hiệu của anh ta. Tôi có số hiệu khu vực của họ và nhớ bốn con số trên phù hiệu. Rất đơn giản: 1337 cũng là cách mà các hacker viết từ “leet”(2) hoặc “elite”(3). Cả hai đều rất lịch sự và không ai tỏ ý đe dọa tôi như cái cách mà Cục An ninh Nội địa đã làm khi bắt giữ tôi. “Tôi có bị bắt giữ không?” “Cậu bị tạm giữ một lúc để chúng tôi có thể đảm bảo sự an toàn của cậu và của cả cộng đồng,” Gỉ Mũi đáp. Anh ta đưa giấy phép lái xe của tôi cho Zit, Zit chậm chạp mổ cò nhập dữ liệu của nó vào máy tính. Tôi thấy anh ta gõ nhầm chữ và suýt nữa đã chỉnh lại, nhưng rồi tôi hiểu rằng tốt hơn hết là nên im mồm. “Có gì mà cậu muốn nói với tôi không, Marcus? Mọi người có gọi cậu là Marc không?” “Marcus được rồi,” tôi nói. Gỉ Mũi trông có vẻ là người tốt. Tất nhiên trừ việc anh ta vừa bắt cóc tôi vào trong xe. “Marcus. Cậu có muốn kể gì cho tôi không?” “Kể gì cơ? Tôi đang bị bắt giữ à?” “Hiện tại cậu không bị bắt giữ,” Gỉ Mũi nói. “Cậu muốn thế sao?” “Không,” tôi đáp. “Tốt. Chúng tôi đã theo dõi cậu từ khi cậu rời khỏi BART. Thẻ đi tàu của cậu thông báo rằng cậu đã đến rất nhiều nơi kỳ lạ vào những thời điểm khác nhau.” Tôi nhẹ cả người. Việc này không liên quan gì tới Xnet cả, không hẳn là vậy. Họ đã giám sát việc sử dụng tàu điện ngầm của tôi và chỉ muốn biết tại sao gần đây nó lại kỳ quặc như vậy. Thật là ngu ngốc. “Vậy là các anh theo dõi bất cứ ai ra khỏi ga BART mà có lịch trình đi lại buồn cười à? Hẳn các anh phải bận rộn lắm nhỉ.” “Không phải tất cả mọi người, Marcus. Chúng tôi được báo động khi có ai đó với hồ sơ di chuyển bất thường đi ra, điều đó giúp chúng tôi đánh giá xem có nên tra hỏi hay không. Trong trường hợp của cậu, chúng tôi tiếp cận cậu vì muốn biết tại sao một anh chàng sáng sủa thông minh như cậu mà lại có hồ sơ di chuyển buồn cười như vậy?” Giờ đây, khi biết mình sẽ không phải vào tù, tôi cảm thấy bực bội. Những gã này không có quyền theo dõi tôi - Chúa ơi, BART không có quyền giúp họ theo dõi tôi. Điểm dừng quái quỷ nào đã tố giác tôi “di chuyển không đúng chuẩn mực” vậy? “Tôi nghĩ là tôi muốn bị bắt giữ bây giờ,” tôi nói. Gỉ Mũi ngồi xuống và nhướn mày nhìn tôi. “Thật à? Vì tội gì?” “Ồ, vậy ý anh là việc di chuyển bằng phương tiện công cộng không theo lịch trình thông thường không phải là một tội ác à?” Zit nhắm mắt lại và dụi mắt bằng ngón tay cái. Gỉ Mũi thở dài một tiếng đầy dụng ý. “Nghe này, Marcus, ở đây chúng tôi đứng về phía cậu. Chúng tôi sử dụng hệ thống này để bắt giữ những kẻ xấu. Bọn khủng bố và buôn ma túy. Có thể chính cậu là một tay buôn ma túy. Thật thông minh khi đi quanh thành phố, bằng hệ thống tàu nhanh. Vô danh.” “Vô danh thì sao? Thomas Jefferson(4) sẽ thấy chẳng sao. Mà rốt cuộc tôi có đang bị bắt giữ không?” “Đưa cậu ta về nhà đi,” Zit nói. “Chúng ta có thể nói chuyện với bố mẹ cậu ta.” “Tôi cho đó là một ý rất hay,” tôi nói. “Tôi chắc là bố mẹ tôi sẽ rất tức giận khi biết tiền thuế hàng tháng của họ đã được sử dụng như thế nào...” Tôi đã đưa mọi chuyện đi quá xa. Gỉ Mũi đã với lấy tay nắm cửa nhưng giờ thì gã phát điên với tôi, mặt gã tái xanh và tĩnh mạch phập phồng. “Sao mày không câm mồm ngay bây giờ trong khi mày vẫn được quyền lựa chọn? Sau tất cả những gì đã xảy ra suốt hai tuần vừa rồi, mày thiệt cái gì nếu chịu hợp tác với bọn tao? Mày biết không, có lẽ bọn tao nên bắt giữ mày. Mày có thể ở một đến hai ngày trong tù trong khi luật sư của mày tìm tới. Rất nhiều việc có thể xảy ra trong thời gian đó. Rất nhiều. Mày thích thế phải không?” Tôi không nói gì. Trước đó tôi choáng váng và tức giận. Giờ thì tôi sợ đến đần người. “Tôi xin lỗi,” tôi kiềm chế, nói xong lại thấy căm ghét bản thân. Gỉ Mũi ngồi lên ghế trước và Zit khởi động máy, phóng lên phố 24 và vượt qua đồi Potrero. Họ đã có địa chỉ của tôi từ chứng minh thư. Mẹ tôi ra mở cửa sau khi họ rung chuông, bà mở hé cửa và vẫn để khóa xích bên trong. Bà nhìn thấy tôi và hỏi, “Marcus? Những người này là ai?” “Cảnh sát,” Gỉ Mũi nói. Gã đưa phù hiệu cho mẹ tôi xem thật kỹ - không giằng ngay lại như khi cho tôi xem. “Chúng tôi có thể vào được chứ?” Mẹ tôi đóng cửa lại, mở khóa xích ra và cho họ vào. Họ đưa tôi vào và bà nhìn cả ba bằng ánh mắt rất đặc trưng của mình. “Chuyện này là sao?” Gỉ Mũi chỉ vào tôi. “Chúng tôi muốn hỏi con trai bà vài câu hỏi theo thông lệ về việc di chuyển của cậu ấy, nhưng cậu ấy từ chối trả lời. Chúng tôi cảm thấy có lẽ tốt nhất là đưa cậu ấy về đây.” “Nó có bị bắt không?” giọng mẹ tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Mẹ tôi thật tuyệt. “Thưa bà, bà có phải là công dân Hoa Kỳ không?” Zit hỏi. Mẹ tôi ném cho gã một ánh mắt lạnh lẽo. “Tôi chắc chắn là công dân Mỹ,” bà trả lời bằng giọng miền Nam đặc sệt. “Tôi có bị bắt không?” Hai gã cảnh sát nhìn nhau. Zit nói trước. “Có vẻ như chúng ta đã bắt đầu không được hay ho cho lắm. Chúng tôi xác định được việc di chuyển bằng phương tiện công cộng của con trai bà khá bất thường, đây là một phần chương trình tăng cường bảo vệ mới. Khi chúng tôi phát hiện ra những người có quá trình di chuyển bất thường, hoặc khớp với hồ sơ khả nghi nào đó, chúng tôi sẽ điều tra kỹ hơn.” “Đợi đã,” mẹ tôi nói. “Làm thế nào mà các anh biết con trai tôi sử dụng phương tiện công cộng?” “Thẻ đi tàu,” gã đáp. “Nó ghi lại các chuyến đi.” “Tôi hiểu rồi,” mẹ tôi khoanh tay lại. Hành động khoanh tay lại của bà là một dấu hiệu xấu. Việc bà không thèm mời họ uống một tách trà cũng đã đủ tệ rồi - trong lãnh địa của mẹ tôi, điều đó cũng gần giống như việc bắt khách phải nói chuyện qua khe bỏ thư mà không mở cửa cho vào nhà - nhưng một khi bà khoanh tay lại, còn tồi tệ nữa. Lúc ấy, tôi thật muốn chạy đi mua tặng mẹ một bó hoa to. “Marcus đã từ chối nói cho chúng tôi biết tại sao cậu ấy lại di chuyển như vậy.” “Ý các anh là các anh nghĩ con trai tôi là một tên khủng bố vì cách nó đi xe buýt à?” “Chúng tôi không chỉ bắt những kẻ khủng bố theo cách này,” Zit nói. “Những tay buôn ma túy. Các băng nhóm thanh thiếu niên. Thậm chí cả bọn ăn cắp vặt cũng đủ thông minh để mỗi lần dừng lại ở một khu vực khác nhau.” “Các anh nghĩ con trai tôi buôn bán ma túy?” “Chúng tôi không nói như vậy...” Zit mở miệng. Mẹ tôi vỗ tay về phía gã để bắt gã im. “Marcus, con đưa ba lô của con cho mẹ.” Tôi làm theo. Mẹ tôi kéo khóa ra và xem xét bên trong, quay lưng lại với chúng tôi. “Thưa ngài, giờ tôi có thể xác nhận rằng không có ma túy, chất gây nổ hay những đồ lặt vặt ăn cắp từ các cửa hàng trong túi con trai tôi. Tôi nghĩ chúng ta đã xong việc ở đây. Vui lòng cho tôi xin số hiệu phù hiệu cảnh sát của các anh trước khi các anh đi.” Gỉ Mũi nhếch mép với bà. “Thưa bà, Hiệp hội Quyền Tự do Dân sự Mỹ đang kiện ba trăm cảnh sát của Sở Cảnh sát San Francisco, bà sẽ phải xếp hàng đấy.” Mẹ pha cho tôi một tách trà rồi mắng tôi một trận vì ăn tối ở ngoài dù đã biết bà sẽ làm món viên đậu xanh rán ở nhà. Bố tôi về nhà khi hai mẹ con vẫn đang ngồi ở bàn, rồi mẹ và tôi lần lượt kể cho ông nghe chuyện đã xảy ra. Ông lắc đầu. “Lilian, họ chỉ đang làm công việc của mình thôi.” Ông vẫn mặc áo cộc tay màu xanh và bộ đồ kaki mà ông đã mặc hồi còn làm tư vấn viên ở thung lũng Silicon. “Thế giới không còn như tuần trước nữa.” Mẹ tôi đặt tách trà xuống. “Drew, anh thật là buồn cười. Con trai anh đâu phải là một kẻ khủng bố. Việc nó sử dụng phương tiện giao thông công cộng ra sao không phải là lý do để cảnh sát điều tra.” Bố tôi cởi áo ra. “Bọn anh thường xuyên làm như vậy ở chỗ làm. Máy tính được sử dụng theo cách ấy để tìm thấy lỗi sai, sự dị thường và các kết quả đầu ra khác. Người ta yêu cầu máy tính tạo ra một hồ sơ bao gồm các số liệu trung bình trong kho dữ liệu, sau đó tìm ra những số liệu nào trong kho dữ liệu chênh lệch nhiều nhất so với mức trung bình. Nó là một phần của thứ gọi là phân tích Bayes và đã có từ hàng mấy thế kỷ nay rồi. Không có nó, chúng ta không thể lọc được thư rác...” “Vậy ý bố là bố nghĩ cảnh sát nên kiểm soát chặt chẽ như bộ phận lọc thư rác của con à?” tôi nói. Bố chưa bao giờ tức giận vì việc tôi tranh cãi với ông, nhưng tối nay tôi có thể thấy ông căng thẳng tột độ. Dù sao, tôi không thể nhịn được. Bố của tôi mà lại đứng về phía cảnh sát! “Ý bố là hoàn toàn hợp lý khi cảnh sát bắt đầu công việc điều tra của mình bằng việc khai thác dữ liệu, sau đó thực hiện công việc chân tay ở công đoạn cần đến sự can thiệp của con người để xác định xem tại sao lại tồn tại sự bất thường này. Bố không nghĩ rằng máy tính có thể chỉ cho cảnh sát là họ nên bắt giữ ai, chúng chỉ nên giúp họ phân loại đống cỏ khô để tìm ra cây kim thôi.” “Nhưng bằng cách khai thác tất cả các dữ liệu từ hệ thống chuyên chở, họ đang tạo ra một đống cỏ khô,” tôi nói. “Nó là một núi dữ liệu khổng lồ và nhìn từ quan điểm của cảnh sát thì dường như không có gì đáng tìm trong đó. Hoàn toàn lãng phí.” “Bố hiểu rằng con không thích việc hệ thống này gây ra cho con một chút bất tiện, Marcus. Nhưng tất cả mọi người nên coi trọng mức độ nghiêm túc của tình hình. Không hại đến ai, phải không? Thậm chí họ còn đưa con về nhà còn gì.” Họ đã dọa sẽ tống con vào tù, tôi nghĩ, nhưng tôi có thể thấy rằng nói điều này ra cũng chả ích gì. “Hơn nữa, con vẫn chưa nói cho chúng ta con đã đi những chỗ quái quỷ nào để đến nỗi tạo nên cả một lịch trình di chuyển bất thường như thế.” Câu này chợt khiến tôi chột dạ. “Con cứ nghĩ bố tin tưởng vào sự đánh giá của con, rằng bố không muốn theo dõi con.” Ông vẫn thường nói vậy. “Bố có thực sự muốn con giải trình tất cả từng chặng đường mà con đã đi không?” Tôi cắm Xbox của mình ngay khi vừa lên đến phòng. Tôi bắt vít máy chiếu lên trần nhà để nó có thể chiếu lên bức tường phía đầu giường (tôi đã phải gỡ mấy tấm poster rock punk đẹp tuyệt vời, các đầu nối điện thoại và dán lên đó những tờ giấy trắng lớn). Tôi bật Xbox và nhìn màn hình từ từ hiện lên. Tôi định e-mail cho Van và Jolu để kể cho họ nghe về rắc rối với cảnh sát, nhưng vừa đặt tay xuống bàn phím thì đột nhiên tôi ngừng lại. Một cảm giác râm ran thoáng qua, giống như khi tôi nhận ra họ đã biến cái Salmagundi già nua tội nghiệp thành kẻ phản bội vậy. Lần này, tôi có cảm giác Xnet yêu quý của tôi có thể đang phát thông tin về địa điểm của từng người sử dụng cho DHS. Chính bố đã nói: Người ta yêu cầu máy tính tạo ra một hồ sơ bao gồm các số liệu trung bình trong kho dữ liệu, sau đó tìm ra những số liệu trong kho dữ liệu chênh lệch nhiều nhất so với mức trung bình. Xnet được bảo mật vì người sử dụng không kết nối trực tiếp vào Internet. Họ nhảy từ Xbox này sang Xbox khác cho đến khi tìm thấy một máy đã kết nối Internet, rồi họ cài các tài liệu của mình vào dưới dạng dữ liệu được mã hóa không thể giải. Không ai biết được gói thông tin Internet nào là của Xnet, gói nào chỉ là những thông tin trao đổi được mã hóa của các ngân hàng và các dịch vụ thương mại điện tử. Bạn còn không thể phát hiện ra ai đang gõ phím trên Xnet chứ đừng nói tới ai đang sử dụng Xnet. Nhưng thế còn “những con số thống kê Bayes” của bố tôi thì sao? Trước đây tôi đã nghịch vài trò với thuật toán Bayes. Có lần Darryl và tôi đã thử tự viết một chương trình lọc thư rác tốt hơn và khi bạn lọc thư rác, bạn cần đến thuật toán của Bayes. Thomas Bayes là một nhà toán học người Anh sống ở thế kỷ mười tám và không ai quan tâm đến ông cho đến vài trăm năm sau khi ông mất, khi các nhà khoa học máy tính nhận ra rằng những kỹ thuật phân tích thống kê của ông cho hàng núi dữ liệu cực kỳ hữu ích đối với khối lượng thông tin cao như núi Himalaya của thế giới hiện đại. Thuật toán thống kê Bayes hoạt động như sau: Giả sử bạn có hàng đống thư rác (spam). Bạn xem từng từ trong thư rác đó và đếm số lần xuất hiện của nó. Đây gọi là “biểu đồ tần suất của từ ngữ” và nó cho bạn biết xác suất mà một cụm từ bất kỳ có khả năng là thư rác. Giờ thì hãy xem một đống e-mail không phải thư rác - trong nghề, người ta gọi nó là các tập “ham” và cũng làm tương tự. Khi một e-mail mới đến, hãy đếm các từ xuất hiện trong đó. Tiếp theo, áp dụng biểu đồ tần suất các từ cho e-mail này để tính toán xác suất nó thuộc vào tập “spam” hay tập “ham”. Nếu nó là thư rác, bạn sẽ theo đó mà điều chỉnh lại biểu đồ “spam”. Có rất nhiều cách để cải tiến kỹ thuật này - xem xét từng cặp từ, bỏ các dữ liệu cũ đi - nhưng đây là cách hoạt động cốt lõi của nó. Nó là một trong những ý tưởng đơn giản nhưng rất tuyệt vời mà ngay sau khi nghe giải thích, bạn có thể hiểu được ngay. Nó có rất nhiều ứng dụng - bạn có thể yêu cầu một máy tính đếm đường nét trong một bức tranh và xem nó khớp với biểu đồ tần suất đường nét “con chó” hơn hay biểu đồ tần suất đường nét “con mèo” hơn. Nó có thể tìm thấy những thứ khiêu dâm, gian lận ngân hàng và những cuộc tranh luận nóng trên Internet. Thật là một thứ hữu ích. Và nó là tin xấu cho Xnet. Giả sử bạn có thể theo dõi toàn bộ hệ thống Internet - điều mà tất nhiên là Cục An ninh Nội địa đang làm. Nhờ kỹ thuật mã hóa, bạn không thể xác định được ai đang đi qua các gói Xnet bằng cách xem xét nội dung của những gói thông tin này. Điều mà bạn có thể làm là tìm ra ai đang có lưu lượng thông tin gửi đi được mã hóa cao hơn so với tất cả những người khác. Đối với một người lướt Internet bình thường, một lượt trao đổi trực tuyến có khoảng 95 phần trăm là văn bản thuần túy, 5 phần trăm là văn bản mã hóa. Nếu ai đó gửi đi 95 phần trăm văn bản mã hóa, bạn có thể phái những người hiểu biết về máy tính cỡ Gỉ Mũi và Zit đến đó để tra hỏi xem liệu hắn ta có phải là một tay sử dụng Xnet khủng bố và buôn bán ma túy không. Điều này thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc, vài kẻ chống đối thông minh sẽ có cách để đi lại trên Vạn Lý Tường Lửa của Trung Quốc, hệ thống được sử dụng để kiểm duyệt mạng Internet trên toàn đất nước, bằng việc sử dụng các đường kết nối được mã hóa tới một máy tính ở quốc gia khác. Giờ đây, đảng cầm quyền ở Trung Quốc không thể phát hiện ra kẻ chống đối đang xem thông tin gì: có thể là những thứ khiêu dâm, hướng dẫn sử dụng bom, những bức thư nghịch ngợm từ bạn gái anh ta ở Philippine, tài liệu chính trị, hay thông tin khoa học. Họ không cần phải biết. Tất cả những gì họ cần biết là anh chàng này có lưu lượng thông tin được mã hóa cao hơn hàng xóm. Dựa vào điểm này, họ sẽ gửi anh ta tới một trại lao động cưỡng ép chỉ để làm ví dụ cho mọi người thấy điều gì sẽ xảy ra với những gã thông minh. Đến giờ, tôi có thể quả quyết Xnet không nằm trong tầm ra đa của DHS, nhưng sẽ không như vậy mãi mãi. Và sau tối nay, tôi không chắc rằng liệu mình có ở vị trí thuận lợi hơn một kẻ chống đối ở Trung Quốc hay không. Tôi đang đặt tất cả những người tham gia Xnet vào vòng nguy hiểm. Luật pháp không quan tâm đến việc bạn có thực sự làm gì xấu xa hay không; họ sẵn sàng đặt bạn dưới kính hiển vi chỉ vì bạn bất thường về mặt thống kê. Mà tôi thì không thể ngừng nó lại được nữa - giờ đây, khi Xnet đã hoạt động, nó đã có một cuộc đời riêng. Bằng cách nào đó, tôi sẽ sửa chữa điều này. Ước gì tôi có thể nói với Jolu về việc này. Nó làm việc cho hãng cung cấp dịch vụ Internet tên là Pigspleen Net, nơi này đã thuê nó khi nó mới mười hai tuổi, và nó biết nhiều về Internet hơn tôi. Nếu một ai đó biết cách để giữ chúng tôi tránh khỏi ngục tù, đó chính là nó. May mắn thay, Van, Jolu và tôi đã lên kế hoạch gặp nhau uống cà phê vào tối hôm sau ở cửa hàng yêu thích của cả đám tại Mission sau giờ học. Chính thức thì nó là buổi họp nhóm hàng tuần về Harajuku Fun Madness của chúng tôi, nhưng giờ, khi trò chơi đã bị hủy và Darryl mất tích, nó khá giống một buổi tưởng niệm hàng tuần, bổ sung thêm khoảng sáu cuộc điện thoại và tin nhắn một ngày, “Cậu có ổn không? Có phải điều đó đã thực sự xảy ra không?” Sẽ tốt hơn nếu có điều gì khác để bàn luận. “Cậu mất trí rồi,” Vanessa nói. “Cậu thực sự, hoàn toàn, thực chất phát điên hay sao vậy?” Cô xuất hiện trong bộ đồng phục trường nữ sinh vì không thể đi cả quãng đường dài về nhà, xuống hết cầu San Mateo rồi quay trở lại thành phố trên chiếc xe buýt của trường. Cô ghét khi bị nhìn thấy ở nơi công cộng trong bộ đồ này, bộ đồ y chang Thủy Thủ Mặt Trăng - váy xếp nếp và tất đồng phục ngang đầu gối. Tâm trạng của Van càng tệ hơn bao giờ hết khi bước vào quán cà phê, nơi đầy những sinh viên mỹ thuật lớn hơn, hay ho hơn với vẻ buồn bã đầy lãng mạn đang cười khúc khích sau những tách latte khi cô xuất hiện. "Cậu muốn tớ phải làm gì, Van?” tôi nói. Cả tôi cũng đang phát cáu. Trường học giờ trở nên không thể chịu đựng nổi, trò chơi không còn nữa, Darryl thì mất tích. Cả ngày dài trong lớp học, tôi tự an ủi bằng cách nghĩ về việc được gặp đội của mình, những gì còn lại của nó. Và giờ thì chúng tôi đang cãi nhau. “Tớ muốn cậu ngừng việc tự mạo hiểm với bản thân, M1k3y.” Tóc gáy tôi dựng đứng. Đúng là chúng tôi luôn dùng biệt danh trong những buổi họp nhóm, nhưng bây giờ, khi biệt danh này gắn liền với việc sử dụng Xnet của tôi, tôi thất kinh khi nghe thấy nó được nói to ở nơi công cộng. “Đừng dùng tên đó ở nơi công cộng nữa,” tôi ngắt lời. Van lắc đầu. “Đó chính là điều tớ muốn nói đấy. Cậu có thể đi tù vì việc này, Marcus, và không chỉ mình cậu. Rất nhiều người. Sau tất cả những gì đã xảy ra với Darryl...” “Tớ làm điều này vì Darryl!” Đám sinh viên mỹ thuật xoay người lại nhìn bọn tôi và tôi hạ thấp giọng. “Tớ làm điều này vì nếu không thì chỉ còn nước để họ thoát.” “Cậu nghĩ cậu sẽ ngăn được họ sao? Cậu mất trí rồi. Họ là chính phủ đấy.” “Đây vẫn là đất nước của chúng ta,” tôi nói. “Chúng ta vẫn có quyền làm việc này.” Van trông như thể sắp khóc đến nơi. Cô hít một hơi thật sâu và đứng dậy. “Tớ không thể làm được, tớ xin lỗi. Tớ không thể nhìn các cậu làm việc này. Nó như thể việc chứng kiến một chiếc ô tô bị tàn phá trong cảnh phim quay chậm vậy. Cậu đang tự làm hại mình, và tớ yêu cậu nhiều đến mức không thể chứng kiến điều này xảy ra.” Cô cúi xuống, ôm tôi thật mãnh liệt và hôn thật mạnh vào má tôi, chạm đến cả khóe miệng tôi. “Hãy bảo trọng, Marcus,” cô nói. Miệng tôi nóng ran nơi môi cô chạm vào. Cô cũng làm như thế với Jolu, nhưng chỉ lướt qua trên má. Rồi cô đi. Sau khi cô đi, Jolu và tôi nhìn nhau chằm chằm. Tôi vùi mặt vào hai bàn tay. “Khốn khiếp,” cuối cùng tôi nói. Jolu vỗ nhẹ vào lưng tôi và gọi thêm cho tôi một cốc latte nữa. “Mọi việc sẽ ổn thôi,” nó an ủi. “Cậu nghĩ rằng người như Van mà chịu hiểu sao.” Bố mẹ Van là dân tị nạn đến từ Bắc Triều Tiên. Họ đã sống dưới bàn tay cai trị của một kẻ độc tài điên loạn hàng mấy chục năm trước khi bỏ trốn sang Mỹ để đem “Thế tại sao tối qua cậu không ở trên Xnet?” Tôi rất biết ơn Jolu vì đã chuyển đề tài. Tôi giải thích tất cả cho nó, về lý thuyết Bayes và việc tôi sợ rằng bọn tôi không thể sử dụng Xnet như trước giờ mà không bị tóm cổ. Nó chăm chú lắng nghe. “Tớ hiểu điều cậu nói. Vấn đề ở đây là nếu có quá nhiều văn bản mã hóa trong một kết nối Internet của ai đó, chúng sẽ bị xem là bất thường. Nhưng nếu không mã hóa, cậu sẽ tạo điều kiện cho bọn xấu theo dõi cậu.” “Đúng thế,” tôi nói. “Tớ đã nghĩ điều này cả ngày hôm nay. Có lẽ chúng ta có thể làm kết nối chậm lại, mở rộng nó đến đến nhiều tài khoản nữa...” “Không ổn đâu,” nó phản bác. “Muốn làm nó chậm lại đủ để biến mất trong đống tạp nham, về cơ bản cậu sẽ phải đóng toàn bộ mạng lưới, và đây không phải là một lựa chọn.” “Cậu nói đúng,” tôi nói. “Nhưng chúng ta có thể làm gì nữa đây?” “Sẽ thế nào nếu chúng ta thay đổi định nghĩa của sự bình thường?” Và đó là lý do tại sao Jolu được mời đến làm ở Pigspleen khi nó mới mười hai tuổi. Đưa cho nó một vấn đề với hai giải pháp tồi tệ và nó sẽ tìm ra giải pháp thứ ba hoàn toàn khác dựa vào việc dẹp bỏ tất cả những giả định của bạn. Tôi gật đầu khí thế. “Nói cho tớ đi.” “Điều gì sẽ xảy ra nếu tỉ lệ văn bản mã hóa trung bình một ngày của một người sử dụng Internet trung bình ở San Francisco cao hơn nhiều so với bây giờ? Nếu chúng ta có thể thay đổi tỉ lệ văn bản thuần túy và văn bản mã hóa gần với năm mươi - năm mươi, những người sử dụng qua Xnet sẽ có vẻ bình thường.” “Nhưng chúng ta sẽ làm như thế nào? Mọi người không quan tâm đến quyền riêng tư của họ đủ để lướt net qua đường dẫn được mã hóa. Họ không hiểu được tại sao lại có vấn đề khi những kẻ nghe trộm biết họ đang google cái gì.” “Đúng thế, nhưng các trang web chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lưu lượng. Nếu chúng ta khiến mọi người hàng ngày đều đặn tải xuống vài tệp tin được mã hóa có dung lượng lớn thì điều đó sẽ tạo nên nhiều văn bản mã hóa tương đương với hàng nghìn trang web.” “Cậu đang nói về indienet(5),” tôi nói. “Cậu hiểu vấn đề rồi đó,” nó tán thành. indienet - tất cả đều viết chữ thường, luôn luôn là như vậy - là thứ đã biến Pigspleen Net trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet độc lập thành công nhất thế giới. Khi các hãng thu âm tên tuổi bắt đầu kiện các fan hâm mộ vì đã tải nhạc của họ, rất nhiều công ty độc lập và nghệ sĩ của họ đã kinh ngạc. Làm thế nào bạn có thể kiếm tiền bằng việc kiện chính khách hàng của mình cơ chứ? Người sáng lập ra Pigspleen đã có câu trả lời: bà ta đưa ra một thỏa thuận dành cho bất cứ nghệ sĩ nào muốn hợp tác với người hâm mộ thay vì đấu tranh với họ. Hãy cấp cho Pigspleen một giấy phép phân phối nhạc của bạn tới khách hàng, đổi lại hãng sẽ chia cho bạn một phần phí thuê bao dựa vào việc âm nhạc của bạn được ưa chuộng đến mức nào. Đối với một nghệ sĩ độc lập, vấn đề quan trọng không phải là việc vi phạm bản quyền mà là việc ít được biết đến: thậm chí không ai thèm quan tâm đến âm nhạc của bạn đủ để ăn cắp chúng. Nó rất hiệu quả. Hàng trăm nghệ sĩ và hãng thu âm độc lập đã đăng ký với Pigspleen, và càng có nhiều nhạc thì càng nhiều người hâm mộ chuyển sang dùng dịch vụ Internet của Pigspleen, và sẽ càng có nhiều tiền cho nghệ sĩ. Trong một năm, nhà cung cấp dịch vụ Internet độc lập này đã có một trăm nghìn khách hàng mới và hiện nay là một triệu - nhiều hơn một nửa số thuê bao kết nối băng thông rộng trong thành phố. “Một đợt rà soát và sửa chữa mã indienet đã choán hết thời gian của tớ hàng mấy tháng nay rồi,” Jolu nói. “Những chương trình gốc đã được viết rất vội và lộn xộn, nhưng chỉ cần thêm chút công sức nữa là có thể đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Nhưng tớ không có thời gian. Một trong những việc phải làm trước tiên là mã hóa kết nối, chỉ bởi vì Trudy thích thế.” Trudy Doo là người sáng lập Pigspleen. Bà là một huyền thoại nhạc punk của San Francisco ở thế hệ trước, ca sĩ/trưởng nhóm nhạc ủng hộ phong trào chống chế độ phụ hệ Speedwhores, và bà phát điên vì vấn đề bảo mật. Tôi tuyệt đối tin rằng về cơ bản thì bà muốn dịch vụ âm nhạc của mình được mã hóa. “Liệu có khó không? Ý tớ là sẽ mất bao lâu?” “Chà, tất nhiên là có hàng triệu mã miễn phí trên mạng,” Jolu nói. Cứ mỗi khi nó mải mê suy nghĩ về một vấn đề quan trọng về mã hóa, nó lại như thế - nhìn xa xăm, gõ ngón tay trên bàn làm những giọt cà phê bắn tung tóe xuống đĩa. Tôi muốn bật cười - có thể mọi thứ sẽ bị phá hủy và hỗn độn và đáng sợ, nhưng Jolu sẽ viết mã đó. “Tớ có thể giúp cậu không?” Nó nhìn tôi. “Gì cơ, cậu nghĩ là tớ không tự làm được sao?” “Cái gì?” “Ý tớ là, cậu làm toàn bộ cái Xnet này mà không thèm kể cho tớ. Không thèm nói chuyện với tớ. Tớ tưởng cậu không cần tớ giúp cơ đấy.” Tôi sững sờ. “Cái gì?” tôi hỏi lại. Giờ trông Jolu rất tức giận. Rõ ràng điều này đã ăn mòn nó trong một thời gian dài. “Jolu...” Nó nhìn tôi và tôi có thể thấy là nó đang giận điên lên. Làm sao tôi lại bỏ qua chuyện này được nhỉ? Chúa ơi, nhiều khi tôi thật đúng là một thằng ngốc. “Này bạn hiền, không có gì to tát hết” - với câu nói đó, rõ ràng ý nó là vấn đề này rất nghiêm trọng - “chỉ là, cậu biết đấy, cậu thậm chí còn chưa bao giờ thèm hỏi tớ. Tớ ghét Cục An ninh Nội địa. Darryl cũng là bạn tớ. Lẽ ra tớ đã có thể giúp cậu.” Tôi muốn úp mặt vào đầu gối. “Nghe này Jolu, tớ thật ngu. Tớ làm nó vào khoảng hai giờ sáng hôm đó. Lúc mọi việc diễn ra tớ đang bị điên. Tớ...” Tôi không thể giải thích được. OK, nó đã đúng, và đó là vấn đề. Lúc ấy đã hai giờ sáng nhưng tôi hoàn toàn có thể nói với nó vào ngày hôm sau hoặc hôm sau nữa. Tôi đã không kể vì tôi biết nó sẽ nói gì - rằng đấy là một vụ hack tồi tệ, rằng tôi phải suy nghĩ thấu đáo hơn. Jolu luôn luôn tìm ra cách để biến những ý tưởng xuất hiện lúc hai giờ sáng của tôi thành các đoạn mã, nhưng những thứ mà nó nghĩ ra lúc nào cũng hơi khác với ý tưởng của tôi. Tôi muốn giữ dự án này cho riêng mình. Tôi đã hoàn toàn biến thành M1k3y. “Tớ xin lỗi,” cuối cùng tôi lên tiếng. “Tớ thực sự, thực sự xin lỗi. Cậu hoàn toàn đúng. Tớ đã hoảng loạn và làm những điều ngu ngốc. Tớ thực sự cần cậu giúp. Tớ không thể làm việc này mà không có cậu.” “Cậu nói thật chứ?” “Tất nhiên là thật,” tôi nói. “Cậu là người viết mã giỏi nhất mà tớ biết. Cậu là thiên tài kiệt xuất, Jolu. Tớ sẽ rất vinh dự nếu cậu giúp tớ việc này.” Nó gõ gõ ngón tay thêm lúc nữa. “Chỉ là - cậu biết đấy. Cậu là thủ lĩnh. Van rất thông minh. Darryl là... cậu ấy là phó chỉ huy, người luôn biết cách tổ chức mọi việc, trông nom từng chi tiết. Làm lập trình viên, đó là những gì mà tớ có. Cảm giác như thể cậu đang nói cậu không cần tớ vậy.” “Trời ơi, tớ thật là một thằng ngu. Jolu, cậu là người có khả năng nhất mà tớ biết để làm việc này. Tớ thực sự, thực sự, thực sự...” “Được rồi. Ngừng đi. Ổn rồi. Tớ tin cậu. Giờ chúng ta đã làm mọi thứ rối tinh rối mù rồi. Vậy thì tất nhiên cậu có thể giúp tớ. Chúng tớ thậm chí có thể trả tiền cho cậu - Tớ có một chút ngân sách cho những lập trình viên theo hợp đồng.” “Thật không?” Chưa ai từng trả tiền theo tôi để viết mã cả. “Chắc chắn rồi. Cậu đủ giỏi để xứng đáng với điều này mà.” Nó cười toe toét và vỗ vai tôi. Thường thì Jolu rất dễ tính, vì thế nên khi nãy nó mới làm tôi phát hoảng. Tôi trả tiền cà phê và cả hai rời đi. Tôi gọi cho bố mẹ để họ biết tôi đang làm gì. Mẹ của Jolu nhất quyết đòi làm sandwich cho chúng tôi. Chúng tôi tự nhốt mình trong phòng nó cùng với máy tính và các đoạn mã cho indienet, dấn thân vào một trong những phiên lập trình marathon vĩ đại nhất mọi thời đại. Sau khi gia đình Jolu đi ngủ vào khoảng 11 giờ 30, chúng tôi có thể bắt cóc máy pha cà phê lên phòng và say sưa với nguồn cung cấp hạt cà phê kỳ diệu của mình. Nếu bạn chưa bao giờ lập trình cho một cái máy tính thì bạn nên thử. Trên đời này không có gì giống như thế. Khi bạn lập trình một máy tính, nó thực hiện chính xác những gì mà bạn muốn nó làm. Giống việc thiết kế một cỗ máy - một cỗ máy bất kỳ, như ô tô, vòi nước, bản lề cho cửa - sử dụng toán học và các hướng dẫn. Nó tuyệt vời theo nghĩa chân thật nhất: nó có thể khiến bạn tràn đầy hứng thú. Máy tính là cỗ máy phức tạp nhất mà bạn đã từng sử dụng. Nó được cấu thành từ hàng tỉ điện trở vi hóa, có thể được định dạng để chạy bất cứ chương trình nào mà bạn tưởng tượng ra. Nhưng khi bạn ngồi xuống bàn phím và viết một dòng mã, những điện trở này sẽ làm những gì mà bạn bảo chúng làm. Hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ làm nổi một chiếc ô tô. Và gần như không ai trong chúng ta có thể tạo ra hệ thống hàng không. Thiết kế một tòa nhà. Quy hoạch một thành phố. Chúng là các cỗ máy phức tạp, những thứ đó, và chúng vượt quá giới hạn với những người như bạn và tôi. Nhưng một máy tính cũng giống như vậy, thậm chí còn phức tạp hơn gấp mười lần, vậy mà nó sẽ nhảy theo bất cứ điệu nào bạn mở. Chỉ cần một buổi chiều là bạn có thể học được cách viết các đoạn mã đơn giản. hãy bắt đầu với một ngôn ngữ như Python, nó được viết ra nhằm giúp những người không phải lập trình viên tìm ra cách dễ hơn để khiến cỗ máy nhảy múa theo giai điệu họ muốn. Ngay cả khi bạn chỉ viết mã trong một ngày hay một buổi chiều thì bạn cũng phải làm điều này. Máy tính có thể điều khiển bạn hoặc giúp công việc đạt kết quả tốt nhất - nếu bạn muốn làm chủ máy móc của mình, bạn phải học cách viết mã. Tối đó, chúng tôi đã viết rất nhiều mã. Chú thích: 1. Nhân vật trong series hoạt hình The Flintstones - Gia Đình Flintstones. 2. Cách viết khác của từ“elite” theo bảng chữ cái thay thế trong tiếng Anh thường được dùng trên Internet. 3. Thành phần tinh túy. 4. Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành nhất thời cận đại. 5. Viết tắt của “independent Internet” - Internet độc lập. chương 8 Tôi không phải người duy nhất gặp rắc rối với biểu đồ tần suất. Rất nhiều người cũng có đồ thị lưu lượng sử dụng bất thường. Sự bất thường trở nên quá phổ biến đến nỗi trên thực tế đấy mới chính là bình thường. Trên Xnet đầy rẫy những câu chuyện như thế, trên báo chí và bản tin truyền hình cũng vậy. Chồng bị bắt quả tang đang lừa dối vợ, vợ bị bắt quả tang đang cắm sừng chồng, bọn trẻ bị bắt quả tang trốn ra ngoài với bạn trai, bạn gái bị cấm đoán của chúng. Một đứa nhóc không nói với bố mẹ rằng nó bị AIDS đã bị bắt quả tang đang đến trạm xá để mua thuốc. Đó là những người có điều gì đó cần che giấu - không phải kẻ phạm pháp, chỉ là họ có bí mật. Thậm chí nhiều người không có gì để giấu giếm cả, nhưng ai lại không bực bội khi bị bắt gặp và tra hỏi chứ? Thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu ai đó nhốt bạn ở sau xe cảnh sát và yêu cầu bạn chứng minh mình không phải một kẻ khủng bố. Không chỉ có hoạt động vận chuyển công cộng. Phần lớn các tài xế ở khu Vịnh đều có một thẻ FasTrak(1) kẹp vào tấm che nắng của họ. Đây là một cái “ví” sử dụng sóng vô tuyến, nó trả lệ phí cho bạn khi đi qua cầu, tránh được rắc rối phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ ở trạm thu phí. Họ tăng lệ phí lên ba lần nếu bạn trả bằng tiền mặt nếu đi qua cầu (dù họ luôn né tránh điều này, nói rằng FasTrak rẻ hơn chứ không phải vì số tiền không ai biết kia đắt hơn). Bất cứ người nào còn trì hoãn trả phí qua thẻ đều sẽ rút lui khi số làn đường cho phép trả phí bằng tiền mặt bị giảm xuống chỉ còn một làn mỗi cầu, thế nên hàng xe đợi trả tiền dài hơn nhiều. Vậy nên nếu bạn là dân địa phương, hoặc bạn đang lái một chiếc xe thuê từ một hãng địa phương, bạn sẽ có một thẻ FasTrak. Và hóa ra các trạm thu phí giao thông không phải là nơi duy nhất đọc những chiếc thẻ FasTrak này. DHS đã đặt máy đọc FasTrak ở khắp thành phố - khi bạn lái xe ngang qua chúng, chúng sẽ tự nhập thời gian và số chứng minh thư của bạn, xây dựng nên một bức tranh hoàn hảo hơn bao giờ hết về việc bạn đã đi đâu, lúc nào, trong một dữ liệu được bổ sung bởi “camera đo tốc độ”, “camera tại cột đèn giao thông” và tất cả các camera kiểm soát biển số xe khác cứ thình lình xuất hiện như nấm ở khắp nơi. Trước đây, chẳng mấy ai nghĩ nhiều về việc này. Nhưng giờ, khi mọi người quan tâm nhiều hơn, tất cả chúng tôi bắt đầu săm soi từng li từng tí, giống như chi tiết FasTrak không hề có nút tắt. Nên nếu bạn lái ô tô, rất có thể bạn sẽ bị xe của Sở Cảnh sát San Francisco chặn lại để tra hỏi xem tại sao gần đây bạn lại đến Home Depot(2) quá nhiều, và chuyến đi tới Sonoma tuần trước là để làm gì? Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình nhỏ diễn ra khắp thành phố vào những ngày cuối tuần. Chỉ một tuần sau khi sự kiểm soát này được áp đặt, năm mươi nghìn người đã diễu hành xuống phố Chợ. Tôi cũng không thể thờ ơ hơn được. Những người đang chiếm đóng thành phố của tôi không quan tâm dân chúng muốn gì. Họ là đội quân chinh phạt. Họ biết chúng tôi cảm thấy thế nào về điều này. Một sáng, tôi xuống ăn vừa đúng lúc để nghe bố kể với mẹ rằng hai công ty taxi lớn nhất sẽ “giảm giá” cho những người thanh toán bằng loại thẻ đặc biệt với lý do đảm bảo an toàn cao hơn cho các tài xế bằng cách giảm bớt lượng tiền mặt mà họ phải mang theo. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những thông tin ai đã đi xe nào tới đâu. Tôi nhận ra mình đã tiến gần vấn đề tới mức nào. Khách hàng mới của indienet sẽ được đẩy ra ngoài như một dữ liệu cập nhật tự động ngay khi chuyện này trở nên tồi tệ, và Jolu nói với tôi rằng 80 phần trăm lưu lượng mạng mà nó thấy ở Pigspleen giờ đã được mã hóa. Xnet có lẽ đã được cứu thoát. Dù sao thì bố tôi cũng khiến tôi phát điên. “Con bị hoang tưởng rồi, Marcus,” một hôm, ông nói với tôi trong bữa sáng khi tôi kể cho ông nghe việc cảnh sát lục soát BART ngày hôm trước. “Bố à, thật nực cười. Họ không bắt được kẻ khủng bố nào hết, phải không? Họ chỉ khiến mọi người khiếp sợ.” “Có thể họ chưa bắt được tên khủng bố nào, nhưng họ đã tống được rất nhiều kẻ rác rưởi khỏi đường phố. Con hãy nhìn bọn buôn bán ma túy xem - báo chí nói rằng họ đã tống khứ hàng tá những kẻ này từ khi chiến dịch bắt đầu. Còn nhớ khi những tên nghiện ngập đó cướp con không? Nếu chúng ta không triệt phá những mối cung cấp hàng của chúng thì mọi việc chỉ trở nên tệ hơn thôi.” Năm ngoái tôi đã bị tấn công. Nhưng chúng khá là văn minh. Một gã gầy gò bốc mùi nói với tôi rằng gã có súng, gã còn lại hỏi ví của tôi. Chúng thậm chí còn để tôi giữ chứng minh thư dù có lấy thẻ ghi nợ và thẻ đi tàu của tôi. Suốt mấy tuần sau đó, tôi vẫn còn sợ hãi, bị hoang tưởng và luôn nhìn trước ngó sau. “Nhưng bố à, phần lớn những người bị giữ lại không làm gì sai trái cả,” tôi nói. Tôi bắt đầu nóng gáy. Bố của tôi! “Thật điên rồ. Để bắt được một kẻ phạm tội, họ phải trừng phạt hàng nghìn người vô tội. Điều này không hay chút nào.” “Vô tội à? Những kẻ lừa dối vợ mình? Những kẻ buôn ma túy? Con đang bảo vệ họ à, thế còn những người chết thì sao? Nếu con không có gì phải giấu...” “Vậy là bố không phiền gì nếu họ kéo bố lại để xét hỏi chứ?” Đến giờ biểu đồ tần suất của bố tôi đã được chứng minh là bình thường một cách đáng ngại. “Bố sẽ cho rằng đó là nghĩa vụ của mình,” ông nói. “Bố sẽ tự hào. Điều này sẽ khiến bố cảm thấy an toàn hơn.” Với ông, nói thì dễ. Vanessa không thích tôi nói về chuyện này, nhưng cô quá giỏi những việc đó nên tôi không thể tránh nhắc đến chủ đề này quá lâu. Chúng tôi đi cùng nhau suốt, nói chuyện về thời tiết, trường lớp, mọi thứ, và rồi, bằng cách nào đó, tôi lại quay lại chủ đề này. Những lúc đó, Vanessa rất bình tĩnh - cô ấy không nổi khùng với tôi nữa - nhưng tôi có thể thấy nó khiến cô bực mình. Nhưng kệ. “Vậy là bố tớ nói rằng, ‘Bố sẽ cho rằng đó là nghĩa vụ của mình.’ Cậu có thể nào tin được không? Đúng thế đấy, Chúa ơi! Tớ đã suýt nói với ông vụ vào tù, để hỏi ông xem liệu ông có nghĩ rằng đó là ‘nghĩa vụ’ của chúng ta không!” Chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ ở công viên Dolores sau giờ học, nhìn những con chó đuổi theo đĩa đồ chơi. Van đã về nhà và thay chiếc áo phông cũ của một trong những ban nhạc tecno-brega(3) Brazil mà cô yêu thích, Carioca Probidão - gã trai bị cấm đoán đến từ Rio. Cô kiếm được nó trong một buổi biểu diễn trực tiếp mà cả bọn cùng đi xem hai năm trước, một cuộc phiêu lưu lén lút tuyệt vời ở Cow Palace, từ đó đến giờ cô đã cao thêm bốn hay năm phân gì đó, vậy là cái áo hơi chật và ôm sát bụng cô, nhìn thấy rõ cái rốn nhỏ xíu của cô. Cô nằm dưới ánh nắng yếu ớt, mắt nhắm lại sau cặp kính râm, ngón chân ngọ nguậy trong dép xỏ ngỏn. Tôi biết Van từ rất lâu rồi, và mỗi khi nghĩ về cô, tôi thường thấy một con nhóc với hàng trăm cái vòng tay inh ỏi làm từ những lon soda cắt thành miếng, con nhóc chơi piano và khiêu vũ hết mình. Ngồi đó, ở công viên Dolores, đột nhiên tôi nhìn thấy cô như chính con người cô. Cô ấy đúng là h4wt - tức là “hot”, nóng bỏng. Như kiểu ta nhìn vào bức tranh vẽ hình một chiếc bình và chợt nhận ra đó đồng thời là bức tranh vẽ hai khuôn mặt nhìn nghiêng. Tôi có thể thấy rằng Van vẫn là Van, nhưng mặt khác, tôi cũng có thể thấy cô ấy đẹp khủng khiếp, một điều mà tôi chưa bao giờ chú ý đến. Tất nhiên, Darryl đã thấy thế từ lâu rồi, và tôi không nghĩ là mình lại bất ngờ như thế khi nhận ra điều này. “Cậu thừa biết là không thể nói với bố được mà,” Van nói. “Cậu sẽ đưa tất cả chúng ta vào chỗ nguy hiểm.” Mắt cô nhắm lại và ngực cô phập phồng theo nhịp thở, hình ảnh đó đã làm tôi sao nhãng một cách thật là khó nói. “Ừ,” tôi rầu rĩ. “Nhưng vấn đề là tớ biết ông nói thế nhưng chắc chắn sẽ không làm thế. Nếu cậu kéo bố tớ lại bắt ông ấy phải chứng minh rằng ông ấy không phải là một kẻ quấy rối trẻ em, buôn bán ma túy, khủng bố, ông ấy sẽ nổi khùng. Hoàn toàn mất trí. Ông ghét phải chờ đợi mỗi khi gọi điện hỏi về hóa đơn thẻ tín dụng. Bị khóa trái ở phía sau ô tô và tra hỏi trong một tiếng đồng hồ sẽ khiến ông bị phình mạch máu mất.” “Họ tự tung tự tác được bởi vì người bình thường cảm thấy tự mãn so với người không bình thường. Nếu ai ai cũng bị tóm lại thì nó sẽ là một thảm họa. Không ai được đi đâu hết, tất cả đều phải đợi cảnh sát xét hỏi. Giao thông kẹt cứng toàn tập.” Wow. “Van, cậu đúng là thiên tài,” tôi nói. “Chuyện thường ngày ở huyện,” cô đáp lễ. Cô nở một nụ cười lười biếng và nhìn tôi qua đôi mắt lim dim, thật là lãng mạn. “Nghiêm túc nào. Chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể dễ dàng xáo trộn các hồ sơ. Chuyện làm cho tất cả mọi người đều bị tra hỏi thật quá đơn giản.” Cô ngồi dậy, gạt tóc ra khỏi mặt và nhìn tôi. Tôi cảm thấy nhói lên trong dạ dày, thực sự bị gây ấn tượng bởi cô. “Chỉ cần tạo ra các thiết bị sao chép thẻ RFID,” tôi nói. “Chúng rất dễ làm. Chỉ cần chỉnh sửa firmware(4) của một đầu đọc/ghi giá mười đô mua ở một hiệu bán lẻ Radio Shack bất kỳ, vậy là xong. Điều chúng ta làm là đi loanh quanh và tráo đổi ngẫu nhiên các tag nhận dạng của mọi người, ghi đè mã của người này lên thẻ của người khác. Như thế thông tin của tất cả mọi người bị can thiệp sẽ trở nên kỳ cục và quái gở, và khiến tất cả mọi người đều có vẻ tội lỗi. Vậy là kẹt xe cứng ngắc.” Van mím môi, hạ kính râm xuống và tôi thấy cô đang tức giận đến nỗi không thể thốt nên lời. “Tạm biệt, Marcus,” cô nói và đứng dậy. Trước khi tôi nhận ra, cô đã đi nhanh tới mức gần như bỏ chạy. “Van!” tôi gọi và đứng dậy đuổi theo cô. “Van! Đợi đã!” Cô chạy nhanh hơn, khiến tôi cũng phải chạy theo mới bắt kịp. “Van, cái quái gì thế,” tôi túm lấy tay cô. Cô giật mạnh ra, tới mức tôi tự đập vào mặt mình. “Cậu là một kẻ tâm thần, Marcus. Cậu sẽ đẩy tất cả những người bạn nhỏ bé trên Xnet của cậu vào nguy hiểm, và trên hết, cậu sẽ đẩy cả thành phố vào diện bị tình nghi là khủng bố. Cậu không thể ngừng lại trước khi làm tổn thương mọi người sao?” Tôi cứ mở miệng ra rồi ngậm lại vài lần. “Van, vấn đề không phải tớ mà là bọn họ. Tớ không bắt giữ mọi người, tống giam hay làm họ biến mất. DHS mới chính là những kẻ đang làm việc này. Tớ đang chiến đấu để buộc họ phải dừng lại.” “Bằng cách nào, bằng cách làm cho mọi thứ tệ hơn à?” “Có lẽ phải trở nên tệ hơn thì mới có thể khá hơn được, Van. Chẳng phải đó là điều cậu định nói sao? Nếu mọi người đều bị tóm lại...” “Ý tớ không phải như vậy. Tớ không định nói rằng cậu nên làm cho mọi người bị bắt giữ. Nếu cậu muốn chống đối, hãy tham gia phong trào chống đối. Hãy làm điều gì đó tích cực. Cậu không học được điều gì từ Darryl à? Bất cứ điều gì?” “Cậu tuyệt đối đúng, tớ biết,” tôi dần mất bình tĩnh. “Tớ đã học được rằng không thể tin tưởng bọn họ. Rằng cậu không chiến đấu chống lại họ tức là cậu đang tiếp tay cho họ. Bọn họ sẽ biến đất nước này thành một nhà tù nếu chúng ta cứ để mặc như thế. Cậu đã học được gì hả Van? Lúc nào cũng sợ hãi, ngồi im, cúi đầu xuống và hy vọng không bị ai phát hiện à? Cậu nghĩ mọi thứ sẽ khá lên sao? Nếu chúng ta không làm gì, mọi thứ sẽ chả thể nào khá hơn. Mà từ giờ trở đi sẽ chỉ tệ hơn nữa mà thôi. Cậu muốn giúp Darryl phải không? Hãy giúp tớ đánh bại bọn họ!” Nó lại xuất hiện trong đầu tôi. Lời thề của tôi. Không phải là giải cứu Darryl, mà là hạ gục cả cái DHS đó. Thật điên rồ, tôi biết chứ. Nhưng tôi đã lên kế hoạch rồi. Không băn khoăn gì nữa. Van dùng cả hai tay đẩy mạnh tôi. Cô rất khỏe nhờ tham gia các môn thể thao ở trường - đấu kiếm, ném bóng, khúc côn cầu và tất cả những môn khác của trường nữ sinh - rút cuộc tôi ngã xuống vỉa hè bẩn thỉu của San Francisco. Cô bỏ đi và tôi không chạy theo nữa. > Điều quan trọng trong hệ thống an ninh không phải là chúng hoạt động thế nào, mà là chúng thất bại như thế nào. Đó là dòng đầu tiên trong blog đầu tiên tôi viết trên Cuộc Cách Mạng Mở, trang Xnet của tôi. Tôi lấy tên M1k3y, và tôi đã sẵn sàng để lao vào cuộc chiến. > Có lẽ toàn bộ cái trò rà quét tự động này được bày ra để bắt bọn khủng bố. Có thể sớm hay muộn nó sẽ bắt được một tên khủng bố. Vấn đề là nó bắt cả chúng ta nữa, dù cho chúng ta chẳng làm gì sai trái cả. > Càng bắt nhiều người, nó càng trở nên dễ gãy. Nếu nó bắt quá nhiều người, nó sẽ chết. > Hiểu vấn đề chứ? Tôi đăng đoạn trên trong phần LÀM THẾ NÀO để làm một máy sao thẻ RFID, thêm vài mẹo giúp mọi người tiếp cận người khác đủ gần để đọc và ghi tag nhận dạng của họ. Tôi để thẻ sao của mình vào túi cái áo jacket da cổ điển màu đen chuyên dành cho các vận động viên đua xe mô tô và tới trường. Trên đường từ nhà đến trường, tôi đã kịp sao chép được sáu tag nhận dạng. Đây chính là cuộc chiến mà họ muốn. Giờ thì họ toại nguyện rồi đấy. Nếu có bao giờ bạn quyết định làm điều gì ngớ ngẩn như việc làm một máy dò khủng bố tự động thì sau đây là bài toán bạn cần phải học trước tiên. Nó được gọi là “Nghịch lý dương tính giả” và nó siêu khó hiểu. Giả sử có một căn bệnh mới, được gọi là Siêu- AIDS. Chỉ một trong số một triệu người mắc bệnh này. Bạn triển khai một xét nghiệm Siêu-AIDS với độ chính xác đến 99 phần trăm. Ý tôi là nó đưa ra kết quả đúng trong 99 phần trăm số lần xét nghiệm - đúng nếu như đối tượng nhiễm bệnh, sai nếu đối tượng khỏe mạnh. Bạn gửi chương trình xét nghiệm này tới một triệu người. Một trong số một triệu người này nhiễm Siêu- AIDS. Một trong số một trăm người bạn xét nghiệm sẽ có kết quả “dương tính giả” - xét nghiệm sẽ kết luận anh ta mắc Siêu-AIDS dù cho anh ta không nhiễm căn bệnh đó. “Độ chính xác 99 phần trăm” có nghĩa là: một phần trăm sai. Một phần trăm của một triệu là bao nhiêu? 1.000.000/100 = 10.000 Một trong số một triệu người nhiễm Siêu-AIDS. Nếu bạn kiểm tra một triệu người ngẫu nhiên, có lẽ bạn sẽ chỉ tìm thấy một trường hợp thực sự nhiễm Siêu-AIDS. Nhưng xét nghiệm của bạn sẽ không xác định chỉ có một người nhiễm Siêu-AIDS. Nó sẽ xác định có mười nghìn người nhiễm bệnh. Xét nghiệm có độ chính xác 99 phần trăm của bạn sẽ hoạt động với độ không chính xác 99,99 phần trăm. Đó là nghịch lý dương tính giả. Khi bạn thử tìm thứ gì đó thực sự hiếm, độ chính xác trong kiểm định của bạn cũng phải tương ứng với độ hiếm của thứ mà bạn tìm. Nếu bạn đang cố gắng chỉ vào một pixel trên màn hình của bạn, cây bút chì sắc sẽ là con trỏ tốt: đầu bút chì nhỏ hơn rất nhiều (chính xác hơn) so với điểm ảnh. Nhưng đầu bút chì không tốt để chỉ một nguyên tử trên màn hình của bạn. Vì thế, bạn cần một con trỏ - một kiểm định - nó là một điểm có kích thước bằng một nguyên tử hoặc nhỏ hơn trên đầu bút. Đây là nghịch lý dương tính giả, và đây là cách áp dụng nó với hoạt động khủng bố: Những kẻ khủng bố thực sự rất hiếm. Trong một thành phố hai mươi triệu người như New York, có thể có một hoặc hai kẻ khủng bố. Có lẽ mười người trong số chúng ở bên ngoài. 10/20.000.000 = 0,00005 phần trăm. Một phần hai mươi nghìn của một phần trăm. Vậy nó khá là hiếm. Giờ, giả sử bạn có một phần mềm nào đó có thể lọc lại tất cả những sổ sách ngân hàng, ghi chép về phí vận chuyển, hay ghi chép vận chuyển công cộng, ghi chép về các cuộc gọi trong thành phố và bắt được những kẻ khủng bố với xác suất thành công là 99 phần trăm số lần thực hiện. Trong một thành phố có hai mươi triệu người, một chương trình tìm kiếm với độ chính xác 99 phần trăm sẽ xác định hai trăm nghìn người là quân khủng bố. Nhưng chỉ mười người trong số họ là kẻ khủng bố thực sự. Để bắt được mười kẻ đó, bạn phải chặn xe và tra hỏi hai trăm nghìn người vô tội. Đoán thử coi? Làm gì có chương trình tìm kiếm quân khủng bố nào lại có độ chính xác tới 99 phần trăm. Độ chính xác 60 phần trăm thì có khả năng hơn. Thậm chí đôi khi có 40 phần trăm. Tất cả điều này có nghĩa là DHS đã tự làm mình thất bại thảm hại. Họ đang cố gắng phát hiện những sự kiện hiếm hoi vô cùng - một người là kẻ khủng bố - bằng những hệ thống không chính xác. Có ai nghi ngờ chuyện chúng tôi có thể đảo tung mọi thứ lên không? Một tuần sau khi khởi động Chiến dịch Dương Tính Giả, tôi vừa huýt sáo vừa bước ra khỏi cửa vào một buổi sáng thứ Ba. Tôi nhún nhảy theo giai điệu những bài hát mới vừa tải trên Xnet tối hôm trước - rất nhiều người gửi tặng M1k3y những món quà số nho nhỏ để cảm ơn vì đã mang lại hy vọng cho họ. Tôi rẽ vào phố 23 và thận trọng bước trên con đường lát đá hẹp đi tắt sang phía bên kia đồi. Khi tôi xuống dốc, tôi đi qua ngài Chó Chồn. Tôi không biết tên thật của ngài Chó Chồn là gì, nhưng hầu như ngày nào tôi cũng gặp ngài dẫn ba con chó thở hổn hển của mình lên bậc thang tới công viên nhỏ. Chen qua bọn họ trên cầu thang thật là bất khả thi và rút cuộc tôi luôn bị vướng vào xích chó, ngã dúi dụi vào khu vườn trước của ai đó hay ở trên thanh hãm xung của một trong những chiếc ô tô gần vỉa hè. Ngài Chó Chồn rõ ràng là một Ai Đó Quan Trọng, vì ngài có một chiếc đồng hồ xa xỉ và luôn mặc một bộ com lê rất đẹp. Tôi đoán ngài làm việc dưới khu tài chính. Hôm nay, khi đi lướt qua ngài, tôi khởi động thẻ sao RFID của mình, chúng được ních đầy trong túi áo da của tôi. Thẻ sao sẽ hút các con số từ thẻ tín dụng, khóa ô tô, hộ chiếu và những hóa đơn trị giá một trăm đô trong ví của ngài. Trong khi thực hiện việc này, nó đồng thời hút các con số từ mấy người khác mà tôi vừa lướt qua và nhập những số mới đó vào các thứ của ngài Chó Chồn. Nó giống như đổi bằng lái của một đống ô tô, nhưng vô hình và diễn ra cùng một lúc. Tôi cười biết lỗi với ngài Chó Chồn và tiếp tục đi xuống cầu thang. Tôi dừng lại chỗ ba cái ô tô đủ lâu để tráo đổi khóa nhận dạng thẻ FasTrak của chúng với những con số tôi đã lấy từ mấy chiếc ô tô tôi đi ngang qua hôm trước. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang hơi hung bạo, nhưng tôi còn thận trọng và dè dặt hơn nhiều thành viên Xnet khác. Hai cô gái theo học chương trình Kỹ sư Hóa ở UC Berkeley đã nghĩ ra cách chế tạo một chất vô hại từ sản phẩm nhà bếp để gài bẫy các công cụ dò tìm chất nổ. Họ thích thú rắc nó lên túi xách và áo khoác các giáo sư, rồi trốn đi và xem những giáo sư đó cố gắng đi vào các giảng đường và thư viện trong trường, chỉ để bị túm lại bởi các đội an ninh mới mọc ra nhan nhản khắp nơi. Vài người cố tìm cách rắc bụi hóa học vào phong bì để khi thử sẽ cho ra kết quả dương tính với bệnh than, nhưng những người khác nghĩ họ bị điên. May thay, có vẻ như họ không nghĩ được cách nào. Tôi đi ngang bệnh viện đa khoa San Francisco và gật đầu mãn nguyện khi thấy một hàng người dài trước cửa. Ở đó đặt một trạm kiểm soát của cảnh sát, và tất nhiên là cũng có mặt các thành viên của Xnet đang đi thực tập, làm việc ở quán cà phê và những công việc linh tinh khác, họ đã làm cho thẻ của mọi người bị mắc kẹt và tráo đổi lung tung. Tôi đọc thấy việc kiểm tra an ninh đã ngốn hết một tiếng đồng hồ trong ngày làm việc của mọi người, và các hiệp hội đe dọa sẽ đình công trừ khi bệnh viện có động thái nào đó trước tình hình này. Ở BART, cách đó mấy tòa nhà, tôi nhìn thấy một hàng người còn dài hơn. Cảnh sát đi lên đi xuống chỉ trỏ mọi người và gọi họ sang một bên để hỏi, kiểm tra túi và khám xét. Họ liên tục bị kiện vì việc này, nhưng dường như nó cũng chẳng khiến họ nản lòng. Tôi tới trường hơi sớm nên quyết định xuống phố 22 để mua cà phê - và tôi đi qua một trạm kiểm soát, nơi cảnh sát đang dừng các ô tô lại để kiểm tra. Trường học cũng không bớt lộn xộn hơn là mấy - các nhân viên bảo vệ cưỡi trên máy dò kim loại lướt qua thẻ học sinh của chúng tôi và túm những đứa có hành vi kỳ quặc lại để tra hỏi. Khỏi phải nói, tất cả chúng tôi đều có những hành vi khá kỳ quặc. Khỏi phải nói, buổi học nào cũng trễ một tiếng hoặc lâu hơn. Các buổi học thật điên rồ. Tôi không nghĩ còn ai có thể tập trung được nữa. Có hôm tôi nghe lỏm hai giáo viên nói chuyện với nhau về việc hôm qua họ phải mất bao lâu để đi từ trường về nhà, và lên kế hoạch hôm nay sẽ lén về sớm. Tôi đã cố hết sức để không bật cười thành tiếng. Nghịch lý dương tính giả lại xuất hiện. Đúng thế thật, họ cho chúng tôi nghỉ sớm và trên đường về nhà, tôi đi quanh quận Mission để xem cảnh tượng bị tàn phá ra sao. Từng hàng ô tô dài dằng dặc. Các ga BART được bố trí quanh các khu nhà. Mọi người chửi rủa những chiếc máy ATM không cho rút tiền vì tài khoản của họ đã bị đóng băng do có hoạt động đáng ngờ (đó là sự nguy hiểm của việc nhập thẳng tài khoản séc của bạn vào thẻ FasTrak và thẻ đi tàu!). Tôi về nhà và tự làm một chiếc sandwich rồi đăng nhập vào Xnet. Hôm nay là một ngày vui. Mọi người ở khắp thành phố đang reo mừng chiến thắng. Chúng tôi đã khiến cả thành phố San Francisco lâm vào tình cảnh bế tắc. Các bản tin đã xác nhận việc này - họ nói DHS đang mất bình tĩnh, đổ lỗi cho thứ “an ninh” giả tạo được cho là sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi khủng bố. Mục Kinh tế của tờ Chronicle, San Francisco, dành toàn bộ trang nhất để ước tính phí tổn kinh tế mà các kế hoạch an ninh của DHS gây ra, dựa trên số giờ làm việc bị trễ, những cuộc họp bị bỏ lỡ... Theo như chuyên gia kinh tế của tờ Chronicle, một tuần diễn ra những chuyện tào lao thế này sẽ gây tổn thất cho thành phố nhiều hơn là vụ nổ bom ở Cầu Vịnh. Ha ha ha. Phần thú vị nhất là: tối đó bố tôi về nhà muộn. Rất muộn. Muộn ba tiếng. Tại sao? Vì ông đã bị giữ lại, rà soát, xét hỏi. Và rồi sự việc lặp lại. Hai lần. Hai lần! Chú thích: 1. Hệ thống thu lệ phí cầu đường điện tử ở bang California, Mỹ. 2. Hệ thống bán lẻ sản phẩm, dịch vụ sửa nhà và xây dựng ở Mỹ. 3. Một loại âm nhạc thịnh hành ở phía Bắc Brazil. 4. Hiểu đơn giản là một dạng phần mềm điều khiển thiết bị thường được nhà sản xuất cài đặt sẵn. chương 9 Bố tôi bực mình đến nỗi tôi sợ ông sẽ nổ tung mất. Tôi đã nói rằng hiếm khi tôi thấy ông mất bình tĩnh, đúng không? Tối hôm đó, ông đã mất bình tĩnh hơn bao giờ hết. “Em sẽ không tin được đâu. Tay cảnh sát đó chỉ khoảng mười tám tuổi và cứ liên tục nói, ‘Nhưng thưa ngài, tại sao ngài lại ở Berkeley hôm qua nếu khách hàng của ngài ở Mountain View?’ Anh cứ liên tục giải thích cho cậu ta rằng anh dạy ở Berkeley và cậu ta nói, ‘Tôi cứ nghĩ ngài là một chuyên gia tư vấn,’ và rồi bọn anh lại bắt đầu lại từ đầu. Cứ như hài kịch tình huống, trong đó đám cảnh sát bị kiểm soát bởi một loại tia làm người ta ngu đi. “Tệ hơn nữa là cậu ta cứ khăng khăng là cả hôm nay anh cũng ở Berkeley, và anh liên tục nói không, anh không ở đó, còn cậu ta thì khẳng định anh ở đó. Rồi cậu ta chỉ cho anh xem hóa đơn thẻ FasTrak của anh, trên đó ghi rằng anh đã lái xe tới cầu San Mateo ba lần trong ngày! “Đó chưa phải là tất cả,” bố tôi hít một hơi dài khiến tôi biết ông đã thực sự phát điên. “Chúng có thông tin về nơi anh đã đi, những nơi không có trạm thu phí giao thông. Chúng chỉ thăm dò thẻ của anh trên đường, ngẫu nhiên. Và nó đã sai! Khốn khiếp, ý anh là, chúng theo dõi tất cả chúng ta và chúng thậm chí còn không đủ trình độ!” Tôi lẻn xuống bếp trong lúc ông đang than thở ở đó, và giờ thì tôi nhìn ông từ cửa. Mẹ bắt gặp ánh mắt của tôi và chúng tôi đều nhướn mày như để nói, Ai sẽ là người nói câu ‘Em/Con đã nói rồi mà’ đây? Tôi gật đầu với bà. Bà có thể sử dụng quyền năng của mình để xoa dịu cơn thịnh nộ của ông theo cái cách nằm ngoài khả năng của một đứa con như tôi. “Drew,” bà nói và kéo tay ông lại để ông ngừng việc đi đi lại lại trong bếp, vung tay như một người truyền đạo trên phố. “Gì vậy?” ông cáu kỉnh. “Em nghĩ anh nợ Marcus một lời xin lỗi.” Bà vẫn giữ giọng đều đều, bình thản. Trong nhà này, bố và tôi rất dễ bị kích động, còn mẹ thì luôn tĩnh lặng như hồ thu. Bố nhìn tôi. Mắt ông nhíu lại trong lúc ông suy nghĩ. “Được rồi,” cuối cùng ông lên tiếng. “Con đúng. Bố đang nói về việc giám sát có thẩm quyền. Những gã này hoàn toàn nghiệp dư. Con trai, bố xin lỗi,” ông nói. “Con đã đúng. Điều này thật ngớ ngẩn.” Ông chìa tay ra bắt tay tôi, rồi bất ngờ ôm tôi, một cái ôm thật chặt. “Chúa ơi, chúng ta đang làm gì với đất nước này đây, Marcus? Thế hệ các con xứng đáng được thừa hưởng điều gì đó tốt hơn thế này.” Khi ông buông tôi ra, tôi có thể thấy những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt ông, những đường nét tôi chưa bao giờ nhận ra. Tôi đi lên phòng và chơi vài trò trên Xnet. Có một trò mà nhiều người chơi khá hay, trò cướp biển hẹn giờ, trong đó nơi bạn phải truy tìm hàng ngày hoặc hai ngày một lần để lên giây cho dây cót đồng hồ của cả nhóm trước khi tiếp tục chiếm đoạt và cướp bóc. Đó là loại trò chơi mà tôi rất ghét nhưng không thể ngừng chơi: rất nhiều cuộc truy tìm lặp đi lặp lại nhưng không phải tất cả đều dễ chinh phục, hơi giống với trò đấu đối kháng (chiến đấu đến cuối cùng để xem ai sẽ là thuyền trưởng), cũng không có nhiều câu đố thú vị để bạn giải đáp. Chủ yếu, trò này khiến tôi nhớ Harajuku Fun Madness, trò mà bạn phải chạy loanh quanh ở thế giới thực, giải những câu đố trên mạng và lên chiến lược với nhóm của mình. Nhưng hôm nay nó chính là điều tôi cần. Một trò giải trí không cần động não. Tội nghiệp bố tôi. Tôi đã gây ra điều này cho ông. Trước đó ông rất vui vẻ, tin tưởng rằng những đồng thuế ông trả được sử dụng để đảm bảo ông được an toàn. Tôi đã phá hủy sự tin tưởng ấy. Tất nhiên, đó là một sự tin tưởng sai lầm, nhưng nó đã giúp ông luôn tiến lên. Nhìn ông lúc này xem, khốn khổ và thất vọng. Tôi tự hỏi như thế nào thì tốt hơn, làm một người tinh tường nhưng tuyệt vọng hay sống trong thiên đường của một gã khờ. Sự nhục nhã ấy - sự nhục nhã mà tôi đã cảm thấy khi phải tiết lộ mật khẩu của mình, khi họ làm tôi suy sụp - nó quay trở lại, khiến tôi bơ phờ và chỉ muốn thoát khỏi chính mình. Nhân vật của tôi là một thủy thủ trên tàu cướp biển Ngựa Chiến Thây Ma, và nó sẽ cạn dần năng lượng khi tôi không lên mạng. Tôi phải gửi tin nhắn cho tất cả những người chơi khác trên tàu của mình đến chừng nào tìm thấy một người sẵn sàng tiếp năng lượng cho tôi. Việc này khiến tôi luôn bận rộn. Thực sự thì tôi thích trò này. Việc một người hoàn toàn xa lạ chấp nhận giúp bạn có vẻ gì đó thật kỳ diệu. Và vì đây là Xnet nên theo một nghĩa nào đó, tôi biết tất cả những người lạ đều là bạn bè. - Cậu ở đâu? Nhân vật tiếp năng lượng cho tôi tên Lizanator, giới tính nữ, nhưng thế không có nghĩa người chơi là con gái. Bọn con trai có một sở thích quái đản là đóng vai các nhân vật nữ. - San Francisco Tôi trả lời. - Không, đồ ngớ ngẩn, cậu ở đâu tại San Fran? - Sao hả, đồ bệnh hoạn đồi trụy? Điều này thường kết thúc một cuộc nói chuyện. Tất nhiên mọi không gian game đều đầy những kẻ bệnh hoạn thích làm tình với trẻ em và bọn đồi trụy, và có cả cảnh sát đóng giả lũ bệnh hoạn này (dù tôi chắc chắn rằng không có cảnh sát trên Xnet!). Một lời buộc tội như vậy đã đủ để chuyển chủ đề đến chín mươi chín phần trăm. - Quận Mission? Đồi Potrero? Noe? Vịnh Đông? - Chỉ cần tiếp năng lượng cho tớ đc k, thx? Cô ta ngừng tiếp năng lượng. - Cậu sợ à? - An toàn - sao cậu quan tâm? - Tò mò thôi Một cảm giác không tốt thoáng qua về cô ta. Rõ ràng cô ta không chỉ tò mò. Lại là chứng hoang tưởng. Tôi thoát ra và đóng Xbox lại. Sáng hôm sau, bố nhìn tôi qua bàn ăn và nói, “Có vẻ như ít nhất mọi việc cũng sẽ khá hơn.” Ông đưa tôi một tờ Chronicle để mở ở trang ba. Người phát ngôn của Cục An ninh Nội địa xác nhận rằng văn phòng ở San Francisco đã yêu cầu tăng ba trăm phần trăm ngân sách và biên chế từ Washington DC. Cái gì? Tại buổi họp báo hôm qua, Trung tướng Graeme Sutherland, sĩ quan chỉ huy của Cục An ninh Nội địa tại Bắc California, đã xác thực thông tin trên và giải thích rằng một điểm nóng trong hành vi đáng ngờ ở khu Vịnh đã thúc đẩy yêu cầu này. “Chúng tôi đang theo dõi một điểm bất thường trong những người chat và hoạt động ngầm, chúng tôi tin rằng những kẻ phá hoại đã cố ý tạo ra các cảnh báo an ninh sai để phá hoại những nỗ lực của chúng tôi.” Tôi trợn mắt. Không đời nào. “Những báo động giả này là ‘tín hiệu gây nhiễu rađa’ có khả năng nhằm che đậy những cuộc tấn công thực sự. Cách thiết thực duy nhất để đối đầu với chúng là tăng cường nhân lực và nâng cao trình độ phân tích viên để có thể điều tra toàn diện từng người một. Sutherland lưu ý rằng tình trạng đình trệ xảy ra trên toàn thành phố là “không may” và cam kết sẽ giải quyết triệt để. Tôi tưởng tượng ra cảnh thành phố với lực lượng giám sát của DHS nhiều hơn bốn đến năm lần so với bây giờ vì chính cái ý tưởng ngu ngốc của tôi. Van đã đúng. Tôi càng chống lại họ, mọi việc càng trở nên tệ hơn. Bố tôi chỉ vào tờ báo. “Những gã này có thể là một lũ ngốc, nhưng chúng ngốc có phương pháp. Chúng sẽ tiếp tục đổ thêm nguồn lực vào vấn đề này cho đến khi giải quyết được nó. Con biết đấy, nó dễ xử lý thôi. Khai thác tất cả những dữ liệu trong thành phố, theo dõi từng người một. Họ sẽ bắt được những kẻ khủng bố.” Tôi mất bình tĩnh. “Bố! Bố có biết bố đang nói gì không? Họ nói về việc điều tra từng người một trong thành phố San Francisco này đấy!” “Ừ,” ông nói, “đúng vậy. Họ sẽ tóm hết bọn lừa chồng dối vợ, buôn bán ma túy, lũ đê tiện bẩn thỉu và kẻ khủng bố. Đây có thể là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra cho đất nước này.” “Hãy nói với con là bố đang đùa đi,” tôi nói. “Con xin bố. Bố nghĩ đó là điều họ hướng tới khi họ viết Hiến pháp à? Thế còn Luật Nhân quyền thì sao?” “Luật Nhân quyền được viết trước khi người ta biết khai thác dữ liệu,” ông đáp. Ông bình thản một cách đáng sợ, khăng khăng là mình đúng. “Quyền tự do liên kết là đúng, nhưng tại sao cảnh sát lại không được phép điều tra mạng lưới xã hội của con để xem con có liên hệ với các băng nhóm và bọn khủng bố hay không?” “Vì đó là sự xâm phạm đời sống riêng tư của con!” tôi trả lời. “Việc đó thì quan trọng gì? Con muốn sự riêng tư hay bọn khủng bố?” Ahhh. Tôi ghét phải tranh cãi với bố như thế này. Tôi cần một tách cà phê. “Bố, thôi nào. Chiếm đoạt sự riêng tư của chúng ta thì cũng chả thể nào bắt được bọn khủng bố: nó chỉ gây bất tiện cho người bình thường.” “Làm sao con biết không thể bắt được bọn khủng bố?” “Thế những kẻ khủng bố họ đã bắt được đâu nào?” “Bố chắc rằng đến lúc thích hợp, họ sẽ bắt được chúng. Con cứ chờ xem.” “Bố, cái quái gì đã xảy ra với bố từ tối hôm qua vậy? Bố đã sẵn sàng tấn công cảnh sát bằng hạt nhân vì đã chặn bố lại...” “Đừng dùng cái giọng đó với bố, Marcus. Những gì xảy ra tối qua là bố đã có cơ hội nghĩ lại mọi việc và đọc cái này.” Ông phe phẩy tờ báo. “Lý do họ dừng bố lại là vì những kẻ xấu đã ra sức gây khó dễ cho họ. Họ cần điều chỉnh lại kỹ thuật của mình để vượt qua trở ngại này. Nhưng họ sẽ làm được thôi. Trong lúc này, việc thỉnh thoảng bị dừng lại trên đường chỉ là cái giá nhỏ. Đây không phải lúc nhập vai luật sư Luật Nhân quyền. Đây là lúc cần phải hy sinh để giữ cho thành phố chúng ta an toàn.” Tôi không thể ăn hết chỗ bánh mì của mình. Tôi đặt đĩa vào máy rửa bát rồi đi học. Tôi phải ra khỏi đây. Các thành viên của Xnet không vui trước việc cảnh sát tăng cường hoạt động giám sát, nhưng họ cũng không định để yên. Ai đó đã gọi đến một chương trình qua điện thoại trên KQED(1) và nói rằng cảnh sát đang phí thời gian, rằng chúng tôi có thể gây cản trở hệ thống nhanh hơn là họ có thể gỡ rối nó. Tối hôm đó, đoạn thu âm này có số lượt tải xuống nhiều nhất trên Xnet. “Đây là chương trình California Live và chúng tôi đang nói chuyện với một người giấu tên từ bốt điện thoại trả tiền trước ở San Francisco. Anh ấy có thông tin riêng về sự chậm chạp mà chúng ta đang chứng kiến khắp thành phố tuần qua. Anh bạn, xin mời.” “Vâng, đúng vậy, đây mới chỉ là khởi đầu, anh biết chứ? Ý tôi là, như kiểu, chúng tôi mới chỉ khởi động chân tay thôi. Hãy để họ thuê thêm một tỉ con lợn nữa và đặt trạm kiểm soát ở từng góc phố. Chúng tôi vẫn sẽ làm cho tất cả kẹt cứng! Và còn nữa, tất cả những chuyện ngớ ngẩn về bọn khủng bố là sao? Chúng tôi không phải quân khủng bố! Hãy thôi đi, thật đấy! Chúng tôi cản trở hệ thống vì chúng tôi ghét Cục An ninh Nội địa, và bởi vì chúng tôi yêu thành phố của mình. Những kẻ khủng bố à? Tôi thậm chí còn không thể đánh vần được từ jihad(2) nữa ấy chứ. Xin chào tạm biệt.” Nghe cứ như một thằng ngớ ngẩn. Không chỉ vì lời lẽ rời rạc mà còn vì giọng điệu hả hê nữa. Chắc là một thằng nhóc tự hào thái quá về bản thân. Mà nó đúng là một thằng nhóc tự hào thái quá về bản thân thật. Chuyện này làm nóng cả Xnet. Nhiều người nghĩ cậu ta đúng là một thằng ngốc vì đã gọi điện, trong khi những người khác lại cho rằng cậu ta là anh hùng. Tôi thì lo người ta có thể lắp sẵn một camera ở bốt điện thoại công cộng mà cậu ta sử dụng. Hay một máy đọc thẻ RFID có thể đã đánh hơi ra thẻ đi tàu của cậu ta. Tôi hy vọng cậu ta đủ thông minh để lau sạch dấu vân tay trên điện thoại, đội mũ trên đầu và để toàn bộ thẻ RFID của mình ở nhà. Nhưng tôi nghi ngờ điều này. Không biết một ngày nào đó không xa, cậu ta có bị ai đó gõ cửa không. Mỗi khi có sự kiện gì quan trọng xảy ra trên Xnet là tôi biết ngay vì đột nhiên nhận được hàng triệu e- mail từ mọi người muốn M1k3y biết những tin tức mới nhất. Giống như khi tôi đang đọc về anh chàng Không-thể-đánh-vần-từ-Jihad thì hộp thư của tôi bị dội bom. Tất cả mọi người đều gửi tin nhắn cho tôi - một đường dẫn đến trang LiveJournal trên Xnet - một trong số nhiều blog ẩn danh dựa trên hệ thống công bố tài liệu Freenet cũng được sử dụng bởi những kẻ chống đối đòi dân chủ ở Trung Quốc. - Suýt chết - Chúng tớ đang hành động tại Embarcadero tối nay và lượn lờ đưa cho mọi người chìa khóa ô tô, chìa khóa cửa, thẻ đi tàu hay FasTrak mới, rải ra một ít thuốc súng giả. Có cảnh sát ở mọi nơi nhưng chúng tớ thông minh hơn họ; chúng tớ đã ở đó hầu như hàng đêm và chưa bao giờ bị bắt. - Và tối nay chúng tớ bị bắt. Đó là một sai lầm ngu ngốc, chúng tớ đã cẩu thả và chúng tớ đã bị bắt. Có một kẻ tay trong đã bắt bạn tớ và rồi bắt số còn lại. Họ đã theo dõi cả đám trong một thời gian dài, họ đỗ một chiếc xe tải gần đó rồi bắt bốn đứa chúng tớ lên nhưng bỏ sót những người còn lại. - Chiếc xe tải bị NHỒI CHẶT như một hộp cá mòi với đủ loại người, già trẻ da đen da trắng giàu nghèo tất cả những kẻ bị tình nghi, và có hai cảnh sát ra sức tra hỏi bọn tớ còn những kẻ tay trong liên tục tóm thêm nhiều người khác. Hầu hết mọi người đều cố gắng chen lên trước để xong nhanh việc tra hỏi nên bọn tớ liên tục bị đẩy xuống, cảm tưởng như ở trong đó cả tiếng đồng hồ, trời thì nóng mà cứ đông dần chứ không thưa đi chút nào. - Khoảng 8 giờ tối họ thay ca và hai cảnh sát mới bước vào rồi tuôn ra một tràng chửi rủa hai cảnh sát cũ như thể cái chết tiệt gì thế này? Các người rỗi hơi à. Họ đã có một cuộc tranh cãi kịch liệt rồi hai cảnh sát cũ đi và hai cảnh sát mới ngồi xuống bàn thì thầm với nhau một lúc. - Rồi một người đứng dậy và nói to MỌI NGƯỜI HÃY VỀ NHÀ ĐI LẠY CHÚA CHÚNG TÔI CÓ NHIỀU VIỆC KHÁC HỮU ÍCH HƠN LÀ LÀM PHIỀN CÁC BẠN VỚI NHỮNG CÂU HỎI KHÁC NỮA NẾU CÁC BẠN ĐÃ LÀM GÌ SAI THÌ ĐỪNG LẶP LẠI NỮA VÀ HÃY XEM VIỆC NÀY NHƯ MỘT LỜI CẢNH BÁO TỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. - Một vài người thực sự khó chịu và đây là điều nực cười nhất vì ý tớ là mười phút trước họ còn bực tức vì bị giữ ở đó và giờ họ cũng khó chịu một cách kỳ cục về việc được thả ra, như thể thay đổi ý kiến vậy! - Dù sao chúng tớ cũng nhanh chóng tách ra, rời khỏi đó, về nhà để viết cái này. Bọn tay trong có ở mọi nơi, tin tớ đi. Nếu cậu có định phá rối, hãy luôn cảnh giác và sẵn sàng chạy khi có rắc rối. Nếu cậu bị bắt hãy đợi đến khi họ quá bận rộn rồi có thể họ sẽ thả cậu ra. - Chúng ta đã khiến họ phải bận rộn như thế! Tất cả những người trong chiếc xe tải ở đó vì chúng ta đã cản trở họ. Quậy nữa đi! Tôi cảm thấy như sắp ói ra đến nơi. Bốn người đó - những đứa trẻ tôi chưa bao giờ gặp - chúng suýt biến mất mãi mãi vì một thứ mà tôi khởi xướng. Vì những điều tôi bảo họ làm. Tôi cũng chả tốt đẹp gì hơn một kẻ khủng bố. Yêu cầu tăng ngân sách của DHS đã được thông qua. Tổng thống và Thống đốc bang xuất hiện trên ti vi để nói với chúng tôi rằng không có cái giá nào là quá cao cho vấn đề an ninh. Chúng tôi phải xem đoạn tin tại cuộc họp ở trường vào ngày hôm sau. Bố tôi hân hoan. Ông ghét Tổng thống từ ngày ông ta nhậm chức, nói rằng ông ta cũng chả khá gì hơn tổng thống trước, mà ông trước thì thật sự là một thảm họa, nhưng giờ thì bố tối chỉ thao thao bất tuyệt về việc tổng thống mới đã kiên quyết và năng nổ ra sao. “Con phải thông cảm cho bố,” mẹ nói với tôi một tối sau khi tôi từ trường về nhà. Bà luôn cố gắng làm việc ở nhà càng nhiều càng tốt. Mẹ tôi là chuyên gia tái định cư tự do, bà giúp những người Anh ổn định nơi ăn chốn ở tại San Francisco. Đại sứ quán Anh trả tiền để bà trả lời e-mail từ những người Anh trên khắp nước Mỹ đang gặp lúng túng và bối rối vì người Mỹ chúng tôi quá kỳ quặc. Bà giải thích cho người Anh hiểu về người Mỹ, và bà nói rằng trong những ngày này, tốt hơn là làm việc ở nhà, nơi bà không phải nhìn thấy hay nói chuyện với một người Mỹ nào. Tôi không có ảo tưởng nào về nước Anh. Nước Mỹ có thể sẵn sàng coi Hiến pháp như rác rưởi bất cứ khi nào có một chiến binh Hồi giáo trừng mắt dọa chúng tôi, nhưng từ dự án độc lập cho môn Nghiên cứu Xã hội hồi lớp chín của mình, tôi đã học được rằng những người Anh thậm chí còn không có Hiến pháp. Luật pháp của họ có thể khiến lông ngón chân bạn cũng phải dựng lên vì sợ; họ có thể tống bạn vào tù cả năm trời nếu họ chắc chắn bạn là kẻ khủng bố mà không có đủ bằng chứng để chứng minh. Nghĩ xem, họ có thể chắc chắn tới mức nào nếu họ không có đủ chứng cứ? Làm sao họ có thể chắc chắn như vậy? Chả nhẽ họ nhìn thấy bạn thực hiện hành động khủng bố trong một giấc mơ sinh động như thật hay sao? Và hoạt động giám sát ở Anh quốc khiến cho người Mỹ như thể những kẻ nghiệp dư. Một người dân bình thường ở Anh bị chụp ảnh năm trăm lần một ngày, chỉ có cảnh đi lại trên phố. Mỗi biển số xe được chụp ảnh lại tại mỗi góc phố. Mọi người, từ các ngân hàng cho đến các công ty vận chuyển công cộng, đều nhiệt tình theo dõi và tố cáo bạn nếu họ mơ hồ thấy bạn khả nghi. Nhưng mẹ tôi lại không nhìn nhận theo cách ấy. Bà rời khỏi Anh khi đang học dở cấp ba và chưa bao giờ cảm thấy nước Mỹ là nhà, dù cho bà đã cưới một anh chàng quê ở Petaluma và nuôi dạy một đứa con trai ở đây. Với bà, đây luôn là vùng đất của những kẻ thô lỗ, vô văn hóa và nước Anh sẽ luôn là nhà. “Mẹ à, bố sai rồi. Hơn ai hết, mẹ cần biết như thế. Tất cả những thứ khiến cho đất nước này tuyệt vời đã bị giật xuống toa lét và bố đồng ý với việc đó. Mẹ có thấy là họ chưa bắt được bất kỳ tên khủng bố nào không? Bố thì lúc nào cũng ‘Chúng ta cần được an toàn,’ nhưng bố cần phải hiểu rằng hầu hết chúng ta không cảm thấy an toàn. Lúc nào chúng ta cũng cảm thấy đang gặp nguy hiểm.” “Mẹ biết tất cả những điều này, Marcus. Hãy tin mẹ, mẹ không ủng hộ những gì đã và đang xảy ra với đất nước này. Nhưng bố con thì có...” mẹ đột ngột ngừng lại. “Khi con không về nhà sau vụ tấn công, bố đã nghĩ rằng...” Bà đứng dậy và pha cho mình một tách trà, bà luôn làm vậy mỗi khi cảm thấy không thoải mái hay mất bình tĩnh. “Marcus,” bà nói. “Marcus, bố mẹ nghĩ con đã chết. Con có hiểu điều đó không? Bố mẹ đã than khóc con cả ngày. Bố mẹ tưởng tượng con bị nổ tung thành từng mảnh, ở giữa biển. Bị chết vì một kẻ khốn nạn nào đó muốn giết hàng trăm người xa lạ để chứng tỏ một điều gì đó.” Tâm trạng tôi dần dần lắng xuống. Thật đấy, tôi hiểu rằng họ đã lo lắng. Nhiều người đã chết trong các vụ nổ bom - bốn nghìn người là con số ước tính cho đến lúc này - và thực tế là mọi người đều biết ai không về nhà ngày hôm ấy. Có hai người ở trường tôi đã biến mất. “Bố con sẵn sàng giết ai đó. Bất kỳ ai. Ông ấy phát điên. Con chưa bao giờ thấy ông ấy như vậy đâu. Mẹ cũng chưa bao giờ. Ông ấy phát điên. Ông ấy chỉ ngồi ở cái bàn này, nguyền rủa và nguyền rủa và nguyền rủa. Những lời lẽ kinh khủng, những từ ngữ mẹ chưa bao giờ nghe ông nói. Một ngày - rồi ngày thứ ba - ai đó gọi điện và bố cứ chắc rằng đó chính là con, nhưng người ta nhầm số và ông ấy đã ném điện thoại xuống mạnh đến mức nó vỡ tan thành hàng nghìn mảnh.” Tôi đã băn khoăn về cái điện thoại mới trong bếp. “Có gì đó đã tan vỡ trong lòng bố con. Ông ấy yêu con. Bố mẹ đều yêu con. Con là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bố mẹ. Mẹ không nghĩ rằng con nhận ra điều này. Con có nhớ khi con mười tuổi không, mẹ đã về nhà ở Luân Đôn trong suốt thời gian đó? Con nhớ chứ?” Tôi im lặng gật đầu. “Bố mẹ đã chuẩn bị ly dị, Marcus. Ôi, giờ thì lý do tại sao cũng không còn quan trọng nữa. Nó chỉ là một vết vá tồi thôi, một việc xảy ra khi người ta yêu nhau nhưng không còn quan tâm đến nhau trong vài năm. Bố đã đến, đón mẹ và thuyết phục mẹ quay lại vì con. Bố mẹ không thể chịu đựng được ý nghĩ là mình lại làm như thế với con. Bố mẹ lại yêu nhau vì con. Bố mẹ ở bên nhau ngày hôm nay là vì con.” Cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi chưa bao giờ biết điều này. Không ai nói với tôi điều này. “Nên giờ bố con đang trải qua thời gian khó khăn. Ông ấy không sáng suốt. Phải mất một thời gian rồi ông ấy sẽ quay trở lại với chúng ta, rồi ông ấy lại là người đàn ông mà mẹ yêu. Từ giờ cho đến lúc ấy, chúng ta cần phải thông cảm với bố con.” Mẹ ôm tôi thật lâu, và tôi nhận ra tay bà gầy guộc quá, lớp da ở cổ bà đã chùng xuống. Tôi luôn nghĩ về mẹ như một người bạn trẻ trung, nhanh nhẹn, sắc sảo, với hai gò má hồng hào, lúc nào cũng vui vẻ qua cặp kính gọng kim loại. Giờ trông mẹ tôi hơi giống một bà già. Chính tôi đã làm thế với bà. Bọn khủng bố đã làm thế với bà. DHS đã làm thế với bà. Theo một cách kỳ cục nào đó, chúng tôi ở cùng một phía, còn bố và mẹ và tất cả những người đã bị chúng tôi lừa dối thì ở phía kia. Tối hôm đó tôi không thể ngủ được. Những lời nói của mẹ cứ vang vọng trong đầu tôi. Bố tôi căng thẳng và yên lặng trong bữa tối, chúng tôi hầu như không nói chuyện vì tôi nghĩ mình sẽ nói ra những điều không nên nói, và vì ông đã bị cuốn theo tin tức mới nhất, đó là người ta khẳng định rằng Al Qaeda phải chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom này. Sáu nhóm khủng bố khác nhau đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng chỉ có video trên Internet của Al Qaeda tiết lộ những thông tin mà DHS nói rằng họ chưa hề cung cấp cho bất kỳ ai. Tôi nằm trên giường và nghe một chương trình radio đêm khuya trên điện thoại. Chủ đề là về vướng mắc tình dục, phát thanh viên một anh chàng đồng tính mà bình thường tôi rất thích nghe, gã đưa ra những lời khuyên không trau chuốt nhưng rất hay, một anh chàng thực sự vui tính và ẻo lả. Nhưng tối nay tôi không thể cười nổi. Hầu hết những người gọi tới đều muốn biết phải làm gì khi mà họ đang có một thời gian khó khăn, nhiều rắc rối với bạn đời sau vụ tấn công. Thậm chí trong một chương trình nói chuyện về tình dục trên radio, tôi không thể tránh khỏi chủ đề này. Tôi tắt đài và lắng nghe tiếng động cơ xe ầm ì dưới phố. Nhà tôi là một trong những “quý cô đỏm dáng” và phòng ngủ của tôi ở tầng hai. Nó có mái dốc xuống và cửa sổ ở cả hai phía - một cái nhìn ra toàn cảnh Mission, cái còn lại nhìn ra con phố trước nhà. Ở đây thường có ô tô đi lại suốt đêm, nhưng tiếng động cơ này có gì đó rất khác. Tôi đi tới cửa sổ nhìn xuống phố và kéo rèm lên. Dưới đường là một xe tải không có biển hiệu, màu trắng, trên nóc xe chi chit các loại ăng ten vô tuyến, nhiều hơn bất cứ chiếc xe nào tôi từng thấy. Nó trườn rất chậm dọc con phố, một ăng ten chảo xoay qua xoay lại trên nóc. Khi tôi nhìn xuống, chiếc xe dừng lại và một trong những cánh cửa phía bật mở. Một gã mặc đồng phục DHS - giờ tôi có thể nhận ra nó từ khoảng cách hàng trăm dặm - bước xuống đường. Gã có một thiết bị cầm tay, và ánh sáng xanh của vật này chiếu vào mặt gã. Gã đi đi lại lại, đầu tiên là dò xét hàng xóm của tôi, ghi chép vào thiết bị trên tay rồi hướng về phía tôi. Có nét gì đó rất quen thuộc trong cách gã đi lại, nhìn xuống... Gã đang sử dụng máy dò WiFi! DHS đang dò những điểm phát tín hiệu của Xnet. Tôi bỏ rèm xuống và lao tới cái Xbox của mình. Tôi cứ để nó mở vì đang tải mấy đoạn phim hoạt hình hay ho về bài diễn văn không-có-cái-giá-nào-là-quá-cao của Tổng thống mà một thành viên của Xnet đã làm. Tôi giật mạnh phích cắm ra khỏi tường, chạy vội lại cửa sổ và he hé tấm rèm ra. Gã nhìn xuống máy dò WiFi một lần nữa, đi đi lại lại trước nhà chúng tôi. Một lúc sau, gã quay lại xe tải và lái đi. Tôi lấy máy ảnh chụp lại chiếc xe tải và các ăng ten của nó càng nhiều càng tốt. Sau đó tôi mở một chương trình sửa hình ảnh miễn phí tên là GIMP và sửa lại mọi thứ ngoại trừ chiếc xe tải, xóa phố nhà tôi và bất cứ chi tiết nào có thể xác định được tôi. Tôi đăng chúng lên Xnet và viết mọi thứ tôi biết về những chiếc xe tải. Tôi có thể nói rằng dứt khoát là những gã này đang tìm kiếm Xnet. Giờ thì tôi thực sự không ngủ được nữa rồi. Không còn gì để làm ngoài việc chơi trò cướp biển hẹn giờ. Thậm chí giờ này còn có nhiều người chơi hơn. Tên chính xác cho trò cướp biển hẹn giờ là Cướp bóc Hẹn giờ, một trò giải trí được tạo ra bởi những thanh thiếu niên kỳ quái yêu thích nhạc death- metal ở Phần Lan. Nó hoàn toàn miễn phí, và mang tới cho bạn nhiều niềm vui như bất kỳ dịch vụ 15 đô/một tháng nào kiểu Vũ Trụ của Ender, Chinh phục Trung Địa và Ngục tối Discworld. Tôi đăng nhập lại và đứng trên boong tàu của Ngựa Chiến Thây Ma, đợi ai đó tiếp năng lượng cho mình. Tôi ghét phần này của trò chơi. - Hey Tôi nói với một cướp biển đi ngang qua. - Nạp năng lượng cho tớ đc k? Cậu ta ngừng lại và nhìn tôi. - sao tớ fải làm vậy? - Chúng ta cùng đội. Hơn nữa cậu sẽ có điểm kinh nghiệm. Đúng là một tên khốn. - Cậu ở đâu? - San Francisco Bắt đầu thấy quen quen rồi đấy. - Ở đâu ở San Francisco? Tôi thoát ra. Có điều gì đó kỳ cục đang xảy ra trong trò chơi này. Tôi nhảy vào LiveJournals và bắt đầu lướt từ blog này sang blog khác. Xem được sáu trang thì tôi tìm thấy một thứ khiến máu tôi đông cứng lại. Những người sử dụng LiveJournal rất thích các bài trắc nghiệm. Như kiểu bạn là loại hobbit(3) nào? Bạn có phải một người tình tuyệt vời không? Hành tinh nào giống bạn nhất? Bạn là nhân vật nào trong phim? Cảm xúc của bạn thuộc típ nào? Mọi người điền câu trả lời vào và so sánh kết quả với nhau. Một thú vui vô hại. Nhưng bài trắc nghiệm trên khắp các blog của Xnet tối hôm đó khiến tôi thấy sợ hãi, vì chắc chắn là nó không hề vô hại chút nào: - _ Giới tính của bạn là gì? - _ Bạn học lớp mấy? - _ Bạn học trường nào? - _ Bạn sống ở đâu trong thành phố? Những bài trắc nghiệm đánh dấu trên bản đồ với những ghim màu chỉ trường học và khu dân cư, và đưa ra những lời gợi ý vớ vẩn về những chỗ để mua pizza và những thứ khác. Nhưng hãy nhìn những câu hỏi này mà xem. Giả sử tôi trả lời: - _ Nam - _ 17 - _ Trường cấp ba Chavez - _ Đồi Potrero Chỉ có đúng hai người trong cả trường tôi trùng với hồ sơ đó. Ở hầu hết các trường khác cũng vậy. Nếu bạn muốn xác định ai là thành viên của Xnet, bạn có thể dùng trắc nghiệm này để tìm ra tất cả. Như thế đã đủ tồi tệ rồi, nhưng điều còn tệ hơn là nó chứng tỏ rằng: ai đó thuộc DHS đang sử dụng Xnet để tiếp cận chúng tôi. Xnet đã bị DHS tấn công. Chúng tôi có gián điệp. Tôi đã đưa đĩa Xnet cho hàng trăm người, và họ cũng làm như thế. Tôi biết khá rõ những người tôi đưa đĩa. Từ bé đến lớn, tôi chỉ sống trong một căn nhà và có tới hàng trăm, hàng trăm người bạn sau nhiều năm, từ bạn học mẫu giáo tới bạn đá bóng, chơi LARP, những người tôi gặp trong các câu lạc bộ, những người tôi biết trong trường học. Nhóm ARG của tôi là những người bạn thân nhất, nhưng ngoài ra cũng có rất nhiều người tôi biết và tin tưởng đủ để đưa đĩa Xnet cho họ. Giờ tôi cần họ. Tôi đánh thức Jolu bằng cách gọi điện thoại di động và cúp máy sau tiếng chuông đầu tiên, ba lần liên tiếp. Một phút sau, nó đã có mặt trên Xnet và bọn tôi có thể nói chuyện an toàn. Tôi cho nó xem bài tôi mới đăng trên blog về những chiếc xe tải có ăng ten vô tuyến, một phút sau nó hồi âm với vẻ kinh hoàng. - Cậu có chắc họ đang tìm chúng ta không? Để trả lời, tôi gửi cho nó bài trắc nghiệm. - Trời ơi, bọn mình tiêu rồi - Không cũng không tệ đến mức ấy đâu nhưng bọn mình cần tìm ra những người có thể tin tưởng được - Bằng cách nào? - Đó là điều tớ muốn hỏi cậu - có bao nhiêu người cậu có thể hoàn toàn đảm bảo rằng sẽ tin tưởng họ đến chết? - Ừm 20 hoặc 30 gì đó - Tớ muốn tập hợp một nhóm người thực sự đáng tin để làm một mạng lưới tin cậy, trao đổi khóa mạng với nhau. Mạng lưới tin cậy là một trong những phương pháp mã hóa tuyệt vời mà tôi đã đọc nhưng chưa bao giờ thử. Đó cũng là cách hết sức đơn giản để chắc chắn rằng bạn có thể nói chuyện với những người mình tin tưởng mà không bị ai khác nghe thấy. Vấn đề là nó yêu cầu bạn phải trực tiếp gặp những người trên mạng ít nhất một lần, chỉ để khởi động. - Tớ hiểu rồi. Ý tưởng không tệ. Nhưng làm thế nào cậu có thể tập hợp mọi người lại cho buổi đăng ký khóa? - Đó là điều tớ muốn hỏi cậu - làm thế nào chúng ta có thể làm việc này mà không bị bắt? Jolu gõ vài từ và xóa đi, gõ thêm và lại xóa đi. - Darryl sẽ biết Tôi gõ. -Jolu không gõ thêm gì nữa. Rồi, - Một bữa tiệc thì sao? Nó gõ. - Chúng ta sẽ tụ tập ở đâu đó giống như những nam thanh nữ tú đang tiệc tùng bằng cách đó chúng ta sẽ có sẵn lý do nếu ai đó xuất hiện và hỏi chúng ta đang làm gì ở đó? - Cách này chắc chắn thành công! Cậu là thiên tài, Jolu. - Tớ biết mà. Và cậu sẽ thích điều này nữa: Tớ cũng biết phải tổ chức ở đâu rồi. - Ở đâu? - Sutro Baths! Chú thích: 1. Chương trình ti vi và radio của San Francisco. 2. Thánh chiến Hồi giáo. 3. Người hobbit: giống người kỳ lạ trong tác phẩm của nhà văn J. R. R. Tolkien. chương 10 ạn sẽ làm gì nếu phát hiện ra có gián điệp trong nội bộ? Bạn có thể vạch mặt hắn, dồn hắn vào chân tường rồi tống khứ hắn đi. Nhưng rồi kết cục có thể là một tay gián điệp khác mọc ra, gã này sẽ cẩn thận hơn gã trước và không để bị tóm quá sớm. Đây là ý tưởng hay hơn: hãy bắt đầu bằng việc chặn liên lạc và cung cấp cho hắn cùng chủ của hắn những thông tin sai lệch. Giả sử chủ ra lệnh cho hắn đi thu thập thông tin về hoạt động của bạn. Hãy cứ để hắn theo dõi bạn và ghi lại cái gì hắn thích, sau đó, khi hắn gửi tin cho trụ sở, bạn mở thư ra và thay báo cáo của hắn về hoạt động của bạn bằng một tin giả. Nếu muốn, bạn có thể khiến hắn có vẻ thất thường, không đáng tin để họ loại bỏ hắn. Bạn có thể bịa những nguy cơ có thể khiến cho bên này hay bên kia hé lộ danh tính của những gián điệp khác. Nói ngắn gọn, bạn làm chủ bọn chúng. Cách này được gọi là kiểu tấn công “kẻ đứng giữa” - Man-in-the-middle (MITM) - và nếu bạn tìm hiểu về nó thì sẽ thấy nó khá đáng sợ. Ai đó trà trộn vào các đường liên lạc của bạn và có thể giăng bẫy bạn bằng hàng nghìn cách. Tất nhiên, có một cách tuyệt vời để đối phó với kiểu tấn công “kẻ đứng giữa” này: sử dụng mã hóa. Với mã hóa, kẻ địch có đọc được tin nhắn của bạn cũng không sao vì hắn không thể giải mã, thay đổi và gửi lại chúng. Đó là một trong những lý do chính để sử dụng mã hóa. Nhưng hãy nhớ rằng: để thuật mã hóa phát huy hiệu quả, bạn cần cung cấp chìa khóa cho những người bạn muốn nói chuyện. Bạn và đồng đội của mình cần phải chia sẻ một hoặc hai bí mật, những chìa khóa mà các bạn có thể sử dụng để mã hóa và giải mã tin nhắn để khóa tay gián điệp lại. Đó là lúc ý tưởng về chìa khóa công cộng xuất hiện. Nó có hơi nguy hiểm một chút, nhưng mặt khác cũng thú vị đến khó tin. Trong phương pháp mã hóa khóa công cộng, mỗi người sử dụng sẽ có hai chìa khóa. Chúng là những chuỗi ký tự dài không tuân theo một quy luật toán học nào, và chúng có một quyền năng gần như là kỳ diệu. Bất cứ thứ gì được xáo trộn bằng chìa này thì sẽ mở được bằng chìa kia, và ngược lại. Còn nữa, chúng là hai chìa khóa duy nhất có thể làm việc này - nếu bạn có thể phục hồi trật tự tin nhắn bằng một khóa, bạn biết nó đã bị xáo trộn bởi khóa kia (và ngược lại). Bạn chọn một trong hai khóa này (không quan trọng là cái nào) và công bố nó. Bạn biến nó thành một thứ hoàn toàn không bí mật. Bạn muốn cả thế giới biết nó là cái gì. Vì những lý do hiển nhiên, họ gọi nó là “khóa công cộng” của bạn. Khóa còn lại, bạn giấu trong vùng tối nhất của trí não. Bạn bảo vệ nó bằng mạng sống của mình. Bạn không đời nào để bất cứ ai biết nó là gì. Đó gọi là “khóa riêng” của bạn. (Tuyệt!) Giờ giả sử bạn là gián điệp và bạn muốn nói chuyện với sếp của mình. Ai cũng biết khóa công cộng của họ. Ai cũng biết khóa công cộng của bạn. Nhưng không ai biết khóa riêng của bạn ngoại trừ chính bạn. Không ai biết khóa riêng của họ trừ chính họ. Bạn muốn gửi đến cho họ một tin nhắn. Đầu tiên, bạn mã hóa nó bằng khóa riêng của mình. Bạn gửi tin nhắn đó đi, và nó sẽ hoạt động khá tốt, vì khi tin nhắn đến, họ sẽ biết nó là của bạn. Bằng cách nào? Vì nếu họ có thể giải mã nó bằng khóa công cộng của bạn, nó chỉ có thể được mã hóa bằng khóa riêng của bạn. Điều này tương đương với việc bạn đóng hoặc ký vào cuối tin nhắn vậy. Nó viết, “Tôi đã viết cái này, không có ai khác nữa. Không ai có thể can thiệp hay thay đổi nó.” Thật không may, điều này không đảm bảo bí mật tuyệt đối cho tin nhắn của bạn. Đó là vì khóa công cộng của bạn được quá nhiều người biết tới (phải là như vậy, nếu không bạn sẽ bị giới hạn chỉ gửi tin nhắn cho một vài người có khóa công cộng của bạn). Bất kỳ ai chặn tin nhắn lại đều có thể đọc nó. Họ không thể thay đổi mà vẫn khiến nó trông có vẻ như được gửi từ bạn. Nhưng nếu bạn không muốn mọi người biết mình đang nói gì, bạn cần một giải pháp tốt hơn. Vậy là thay vì việc chỉ mã hóa tin nhắn bằng khóa riêng của bạn, bạn còn mã hóa nó bằng khóa công cộng của sếp bạn. Giờ nó đã được khóa hai lần. Lớp khóa thứ nhất - là khóa công cộng của sếp - chỉ được mở ra khi kết hợp với khóa công cộng của bạn. Khi sếp nhận được tin nhắn, họ mở chúng bằng cả hai khóa và họ biết chắc rằng: a) bạn đã viết nó và b) chỉ mình họ có thể đọc. Nó rất tuyệt vời. Ngày mà tôi phát hiện ra nó, Darryl và tôi ngay lập tức trao đổi khóa, rồi mấy tháng sau đó, hai đứa cười khúc khích, xoa tay như thể đang trao đổi những tin nhắn bí mật quân sự tầm cỡ về việc sẽ gặp sau buổi học ở đâu, liệu Van có bao giờ để ý đến cậu ta không. Nhưng nếu bạn muốn hiểu rõ về tính bảo mật, bạn cần xem xét những khả năng hoang đường nhất. Ví dụ, nếu tôi lừa bạn rằng khóa công cộng của tôi là khóa công cộng của sếp bạn thì sao? Bạn sẽ mã hóa bằng khóa riêng của mình và khóa công cộng của tôi. Tôi sẽ giải mã nó, đọc nó, mã hóa lại bằng khóa công cộng thực sự của bạn và gửi nó đi. Sếp của bạn vẫn tin rằng không ai ngoài bạn có thể viết tin nhắn và không ai ngoài ông ta có thể đọc được nó. Còn tôi thì ngồi ở giữa, giống một con nhện béo trong mạng nhện, và tất cả bí mật của bạn thuộc về tôi. Giờ thì cách dễ nhất để khắc phục điều này là quảng bá rộng rãi khóa công cộng của bạn. Nếu bất cứ ai cũng dễ dàng biết khóa thật của bạn thì kẻ- đứng-giữa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nhưng bạn biết không? Làm một thứ trở nên phổ biến cũng khó ngang với việc giữ một bí mật. Hãy nghĩ mà xem - biết bao nhiêu tỉ đô la đã được chi cho việc quảng cáo dầu gội đầu và những thứ linh tinh khác, chỉ để chắc chắn rằng sẽ có nhiều người biết đến một thứ mà một nhà quảng cáo nào đó muốn họ biết? Có một cách rẻ hơn để đối phó với kẻ-đứng-giữa: mạng lưới tin cậy. Giả sử trước khi bạn rời sở chỉ huy, bạn và sếp của bạn ngồi xuống uống cà phê và nói với nhau về khóa của mình. Không có kẻ-đứng-giữa nào! Bạn biết rất rõ mình có khóa của ai vì chúng được trao tận tay bạn. Tới lúc này, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng có một giới hạn tự nhiên cho việc này: bạn có thể trực tiếp gặp và trao đổi khóa với bao nhiêu người? Bạn muốn dành ra bao nhiêu tiếng trong ngày để làm cái việc tương đương với việc viết sổ điện thoại cá nhân của bạn? Bao nhiêu người trong số họ cũng sẵn sàng dành thời gian đó cho bạn? Để hình dung rõ hơn, hãy xem nó như một danh bạ điện thoại. Thế giới đã từng là một nơi với rất nhiều danh bạ, và khi bạn cần tìm một con số, bạn có thể tra trong đó. Nhưng đối với nhiều số mà bạn muốn tìm liên quan đến một ngày cụ thể, một là bạn phải thuộc lòng nó, hai là bạn phải có khả năng hỏi ai đó. Thậm chí ngày nay, khi tôi đi ra ngoài mà cầm theo điện thoại di động, tôi vẫn hỏi Jolu hoặc Darryl xem họ có số mà tôi tìm không. Cách này nhanh chóng, dễ dàng và đáng tin hơn là tìm trên mạng. Nếu Jolu có số tôi cần, tôi tin cậu ấy, vậy là tôi cũng tin cả con số đó luôn. Việc này gọi là “sự tin cậy bắc cầu” - sự tin tưởng lan truyền trong mạng lưới các mối quan hệ của chúng tôi. Một mạng lưới tin cẩn là phiên bản lớn hơn của điều tôi vừa nói trên. Giả sử tôi gặp Jolu và có chìa khóa của cậu ấy. Tôi có thể đặt nó vào “chùm chìa khóa” của mình - một danh sách chìa khóa mà tôi đã đánh dấu bởi khóa riêng của tôi. Điều này có nghĩa là bạn có thể mở nó bằng khóa công cộng và biết chắc rằng đó là tôi - hoặc ai đó có chìa khóa của tôi - giả sử “chìa khóa này thuộc về anh chàng này”. Vậy là tôi đưa cho bạn chùm chìa khóa của mình, qua đó tôi muốn nói rằng bạn đã tin tôi để gặp nhau ngoài đời và xác minh tất cả chìa khóa của tôi cũng đều đáng tin, bạn có thể thêm nó vào chùm chìa khóa của mình. Giờ, bạn gặp một người khác và đưa cả chùm chìa khóa cho anh ta. Chùm chìa khóa ngày một nhiều thêm, cho thấy bạn tin tưởng người tiếp theo trong chuỗi, và anh chàng này tin tưởng người kế tiếp trong chuỗi và cứ như vậy, bạn sẽ khá an toàn. Điều này đã đưa tôi đến bữa tiệc đăng ký khóa. Chúng chính xác như tên gọi của chúng: một bữa tiệc nơi bạn tập hợp mọi người lại và đăng ký khóa của những người khác. Khi Darryl và tôi trao đổi khóa, nó giống như một bữa tiệc đăng ký khóa mini, chỉ có hai đứa mọt sách buồn bã. Nhưng với nhiều người hơn, bạn đã gieo xuống hạt giống của mạng lưới tin cậy, từ đó mạng lưới có thể mở rộng ra. Khi mọi người trong chùm chìa khóa tỏa ra khắp thế giới và gặp thêm nhiều người, họ có thể đưa thêm nhiều cái tên nữa vào danh sách. Bạn không cần phải gặp những người mới, chỉ cần tin là chìa khóa mà bạn nhận được từ những người trong mạng lưới có hiệu lực. Vậy nên mạng lưới tin cậy và những bữa tiệc luôn đi với nhau giống như bơ đậu phộng và sô cô la vậy. “Chỉ cần thông báo với họ đây là một buổi tiệc siêu kín, chỉ dành cho những người được mời,” tôi nói. “Bảo họ không được đưa ai theo, nếu không sẽ không được vào.” Jolu nhìn tôi qua tách cà phê. “Cậu đùa hả? Cậu nói với mọi người như vậy thì họ sẽ dẫn thêm bạn bè tới.” “Ặc,” tôi kêu. Thời gian này, mỗi tuần tôi đều ở nhà Jolu một tối để cập nhật mã trên indienet. Pigspleen trả tiền hẳn hoi để tôi làm việc này, một điều thật kỳ lạ. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ được trả tiền để viết mã. “Vậy chúng ta làm gì đây? Chúng ta chỉ muốn những người chúng ta thực sự tin tưởng và chúng ta không muốn đề cập lý do cho đến khi chúng ta có chìa khóa của mọi người và gửi mật thư cho họ.” Jolu sửa các lỗi của chương trình và tôi ngó qua vai nó để xem. Trước đây, người ta gọi công việc này là “lập trình cực hạn,” hơi rối một chút. Giờ người ta chỉ gọi là “lập trình”. Hai người sẽ phát hiện lỗi sai tốt hơn một người. Như câu, “Với đủ nhãn cầu thì không con bọ nào thoát được.” Chúng tôi làm việc thông qua các báo cáo lỗi sai và sẵn sàng chạy thử lần nữa. Tất cả đều tự động cập nhật ở background nên người dùng hoàn toàn không phải làm gì ngoài việc cập nhật mỗi tuần một lần hoặc hơn với một chương trình tốt hơn. Khá kỳ cục khi biết rằng chỉ ngày mai thôi, đoạn mã tôi viết ra sẽ được sử dụng bởi hàng trăm hàng nghìn người! “Chúng ta làm gì đây? Trời ơi, tớ không biết nữa. Tớ nghĩ chúng ta phải tìm cách chung sống với điều này.” Tôi nghĩ về những ngày chơi Harajuku Fun Madness. Trong trò chơi có rất nhiều thử thách mang tính xã hội liên quan đến những nhóm nhiều người. “Okay, cậu đúng. Nhưng ít nhất hãy cố gắng giữ bí mật. Nói với họ rằng họ có thể dẫn theo tối đa là một người, và đó phải là người mà họ đã quen thân ít nhất năm năm.” Jolu tìm trên màn hình. “Này,” nó nói. “Này, cái này sẽ cực kỳ hiệu quả đấy. Tớ có thể thấy rõ. Ý tớ là, nếu cậu bảo tớ không được dẫn ai tới, tớ sẽ dẫn theo tất cả bạn bè và nghĩ, ‘Thằng đó nghĩ nó là cái quái gì vậy?’ nhưng khi cậu nói giống như vừa rồi thì nghe sặc mùi 007.” Tôi tìm thấy một lỗi sai. Hai đứa uống chút cà phê. Tôi về nhà và chơi trò Cướp biển hẹn giờ một lát, cố gắng không nghĩ về những kẻ thăm dò với mấy câu hỏi thọc mạch, sau đó lăn ra ngủ như một đứa trẻ. Sutro Baths là tàn tích giả phong cách La Mã của San Francisco. Khi được mở cửa vào năm 1896, nó là bể tắm trong nhà lớn nhất thế giới, một nhà tắm nắng lắp kính lớn kiểu Victoria với nhiều bể bơi, bồn tắm, thậm chí cả cầu trượt nước. Nó được dời xuống dưới đồi trong những năm năm mươi, và bị chủ đốt trụi để lấy tiền bảo hiểm vào năm 1966. Những gì còn sót lại là một mê cung đá biến dạng được xây lùi vào vách đá ở Ocean Beach. Đối với cả thế giới, nó như một tàn tích La Mã, đổ nát và huyền bí, ngay đằng sau nó là một loạt các hang động dẫn ra biển. Khi thủy triều lên cao, sóng tràn qua hang động và bao trùm đống tàn tích - chúng thậm chí còn được biết đến vì đã hút và nhấn chìm nhiều khách vãng lai. Ocean Beach cách xa công viên Cổng Vàng, một bờ đá khắc nghiệt với những ngôi nhà hoang vắng, đắt tiền, dốc dần xuống một bãi biển hẹp rải rác sứa và những tay lướt sóng dũng cảm (điên khùng). Có một tảng đá trắng khổng lồ nhô lên ở những đoạn nước nông trên bờ biển. Nó được gọi là Đá Hải Cẩu, nơi lũ sư tử biển tụ tập cho tới khi được tái định cư ở một môi trường thân thiện với người du lịch hơn tại khu cầu cảng Ngư Dân. Khi trời tối, hiếm có ai ngoài đó. Trời rất lạnh, hơi muối sẽ ngấm vào tận xương nếu bạn cứ để chúng làm vậy. Rồi đá thì sắc, lại còn cả kính vỡ và kim tiêm ma túy nữa. Đó là một nơi tuyệt vời để tiệc tùng. Mang theo bạt và găng tay giữ ấm là ý tưởng của tôi. Jolu nghĩ ra nơi lấy bia - anh trai nó, Javier, có một người bạn kinh doanh dịch vụ đồ uống cho người dưới tuổi quy định: cứ trả đủ tiền rồi bạn muốn bao nhiêu thùng đá và rượu bia cho bữa tiệc kín, anh ta cũng phục vụ tất. Tôi xài một chút trong số tiền nhận được từ công việc lập trình indienet, và anh ta xuất hiện đúng giờ: tám giờ tối, một giờ đẹp sau hoàng hôn, và kéo sáu thùng bia ướp lạnh sủi bọt từ xe tải xuống đống đổ nát của bể bơi. Anh ta thậm chí còn mang một thùng để đựng vỏ chai. “Các cậu giờ có thể vui chơi an toàn rồi,” anh ta nói, vỗ vỗ chiếc mũ cao bồi. Đó là một người Samoa to béo với nụ cười tươi, mặc cái áo may ô mà ta có thể thấy lông nách, bụng và cả vai anh ta thò ra. Tôi lấy tiền trả - anh ta chém đắt gấp rưỡi. Làm giá không tồi chút nào. Anh ta nhìn tập tiền của tôi. “Cậu biết đấy, tôi có thể cướp số tiền đó của cậu,” anh ta nói, vẫn mỉm cười. “Nói cho cùng thì tôi cũng là tội phạm.” Tôi cất tiền vào túi và thản nhiên nhìn anh ta. Tôi thật dốt khi để anh ta thấy tôi mang gì theo, nhưng tôi biết có những lúc mình chỉ cần tỏ ra thật vững vàng. “Tôi chỉ đùa với cậu thôi,” cuối cùng anh ta bảo. “Nhưng cậu nên cẩn thận với số tiền đó. Đừng đi khoe khắp nơi như vậy.” “Cảm ơn,” tôi đáp. “Dù sao thì bên An ninh Nội địa cũng sẽ bảo vệ tôi.” Điệu cười của anh thậm chí còn rộng hơn. “Ha! Chúng thậm chí còn không phải là dân chuyên. Lũ chim gõ kiến(1) ấy chả biết gì cả.” Tôi nhìn xe tải của anh ta. Dễ thấy trên kính chắn gió của anh ta là một FasTrak. Tôi tự hỏi còn bao lâu nữa thì anh ta bị tóm. “Tối nay các cô gái cũng đến đây chứ? Vì thế mà cậu cần bia phải không?” Tôi mỉm cười vẫy tay khi anh ta đi bộ về chỗ xe tải, việc mà đáng lẽ anh ta phải làm từ nãy mới phải. Cuối cùng thì anh ta cũng hiểu và lái xe đi. Nụ cười của anh ta vẫn y nguyên. Jolu giúp tôi giấu thùng lạnh vào đống sỏi rồi quay sang những bóng đèn LED nhỏ trắng trên băng đô. Khi đám thùng lạnh đã vào đúng vị trí, chúng tôi ném những móc chìa khóa LED trắng vào nhau để nó có thể tỏa sáng khi ta mở nắp xốp, nhờ đó dễ dàng nhìn thấy ta đang làm gì. Đêm không trăng, trời đầy mây, ánh đèn đường từ xa vừa đủ soi sáng chúng tôi. Tôi đã biết bọn tôi sẽ nổi bật như ngọn lửa trước kính hồng ngoại, nhưng không thể nào tụ tập một đám người lại mà không bị theo dõi. Tôi sẽ sắp xếp sao cho mọi người giải tán như một bữa tiệc trên biển say xỉn. Tôi uống không nhiều lắm. Từ khi mười bốn tuổi, tôi đã dự những bữa tiệc có bia, cần sa và các chất kích thích, nhưng tôi ghét hút thuốc (dù đôi lúc tôi khá thích ăn bánh sô cô la trộn lá cần sa), các chất kích thích thường mất quá nhiều thời gian - ai lại dành cả dịp cuối tuần chỉ để thăng hoa rồi hạ cánh - còn bia, ờ, cũng được thôi, nhưng tôi không hiểu vấn đề là gì. Thứ yêu thích của tôi là những ly cocktail lớn, cầu kỳ, pha chế như kiểu Ceramic Volcano, với sáu lớp, hơ trên lửa, có một con khỉ nhựa trên vành ly, nhưng chủ yếu là để làm cảnh thôi. Thật ra tôi thích say xỉn. Tôi chỉ không thích cảm giác váng vất sau khi tỉnh dậy, ôi tôi đã từng bị thế rồi. Dù sao thì một lần nữa, tôi vẫn thích những đồ uống như cocktail Ceramic Volcano. Nhưng bạn không thể tổ chức tiệc mà không có một hay hai thùng bia ướp lạnh. Mọi người mong chờ điều đó. Nó khiến mọi thứ thoải mái hơn. Người ta thường làm những điều ngốc nghếch sau khi uống nhiều bia, nhưng bạn tôi không phải những người có ô tô. Tuy thế, khi say xỉn vì bia bọt, cần sa hay cái gì đi nữa thì mọi người vẫn sẽ làm những việc ngớ ngẩn, sự thật quá hiển nhiên. Jolu và tôi mỗi đứa khui một chai bia - Anchor Steam cho nó, Bud Lite cho tôi - cụng ly rồi cùng ngồi xuống một tảng đá. “Cậu nói với mọi người là chín giờ tối à?” “Ừ,” nó trả lời. “Tớ cũng vậy.” Chúng tôi uống trong im lặng. Bud Lite là thứ ít chất cồn nhất trong thùng đá. Lát nữa, tôi cần đầu óc mình tỉnh táo. “Cậu đã bao giờ trở nên sợ hãi chưa?” cuối cùng tôi lên tiếng. Nó quay lại phía tôi. “Không, bạn hiền, tớ không trở nên sợ hãi. Tớ luôn luôn sợ hãi. Tớ đã sợ hãi từ giây phút vụ nổ xảy ra. Đôi lúc tớ quá sợ, tớ không muốn ra khỏi giường nữa.” “Vậy thì tại sao cậu lại làm việc này?” Jolu mỉm cười. “Về việc này,” nó nói. “Có lẽ tớ sẽ dừng lại, không tiếp tục lâu nữa đâu. Ý tớ là, thật tuyệt khi giúp đỡ cậu. Tuyệt vời. Tuyệt cú mèo. Tớ không biết tớ đã từng làm việc gì quan trọng thế này chưa. Nhưng Marcus, người anh em, tớ phải nói...” nó hạ giọng. “Nói gì?” tôi hỏi dù đã biết điều tiếp theo là gì. “Tớ không thể làm việc này mãi được,” cuối cùng nó nói. “Có lẽ thậm chí không được thêm một tháng nữa. Tớ nghĩ tớ đã thông rồi. Thế này quá mạo hiểm. DHS, cậu không thể gây chiến với họ được. Thật điên rồ. Thật sự hoàn toàn điên rồ.” “Cậu nói cứ như Van vậy,” tôi đáp. Giọng tôi nghe cay đắng hơn tôi muốn nhiều. “Tớ không phê phán cậu, chiến hữu. Tớ nghĩ thật tuyệt khi cậu luôn đủ dũng cảm để làm việc này. Nhưng tớ thì không thế. Tớ không thể sống cả cuộc đời trong nỗi sợ hãi triền miên.” “Ý cậu là gì?” “Tớ đang nói tớ sẽ rút lui. Tớ sẽ là một trong những người cư xử như thể mọi việc đều ổn, như thể một lúc nào đó tất cả sẽ trở lại bình thường. Tớ sẽ sử dụng Internet như tớ vẫn sử dụng trước đây và chỉ dùng Xnet để chơi game. Tớ sẽ rút lui, đó là điều tớ muốn nói. Tớ sẽ không tham gia vào các kế hoạch của cậu nữa.” Tôi không nói gì. “Tớ biết việc này sẽ khiến cậu chỉ còn một mình. Tớ không muốn điều này, tin tớ đi. Tớ thà để cậu bỏ tớ còn hơn. Cậu không thể tuyên chiến với chính phủ Mỹ. Đó không phải một cuộc chiến mà cậu sẽ thắng. Ngồi nhìn cậu cố gắng cũng giống như ngồi nhìn một con chim lao vào cửa sổ hết lần này đến lần khác.” Nó muốn tôi nói gì đó. Những gì tôi muốn nói là, Chúa ơi, Jolu, ngàn lần đội ơn cậu đã bỏ rơi tớ! Cậu quên cái cảm giác khi họ mang chúng ta đi à? Cậu quên rằng đất nước này đã như thế nào trước khi họ tiếp quản nó à? Nhưng đó không phải là điều nó muốn nghe. Nó muốn tôi nói là: Tớ hiểu, Jolu. Tớ tôn trọng lựa chọn của cậu. Nó uống nốt chai bia của mình và lôi thêm một chai nữa rồi khui nắp. “Còn một điều nữa,” nó nói. "Gì?” “Tớ không định nói điều này, nhưng tớ muốn cậu hiểu tại sao tớ phải làm việc này.” “Chúa ơi, Jolu, cái gì?” “Tớ ghét phải nói điều này, nhưng cậu là người da trắng. Tớ thì không. Người da trắng mà bị bắt cùng cocaine thì chỉ bị bóc lịch một thời gian ngắn. Người da màu mà bị bắt cùng chất kích thích thì sẽ bị tống vào tù hai mươi năm. Người da trắng nhìn thấy cảnh sát trên phố sẽ cảm thấy an toàn hơn. Người da màu nhìn thấy cảnh sát trên phố sẽ tự hỏi bao giờ thì mình bị tra hỏi. Đó có phải là cách mà DHS đối xử với cậu không? Luật pháp trên đất nước này đã luôn như vậy đối với bọn tớ.” Thật không công bằng. Tôi không yêu cầu được là người da trắng. Tôi không nghĩ mình dũng cảm hơn chỉ bởi vì mình là người da trắng. Nhưng tôi hiểu những điều Jolu nói. Nếu cảnh sát bắt một ai đó dừng lại ở Mission và hỏi chứng minh thư, thường thì người đó không phải người da trắng. Cùng một việc nhưng Jolu bao giờ cũng hứng chịu nhiều rủi ro hơn tôi. Cùng một khoản mục tiền phạt nhưng Jolu luôn phải nộp nhiều hơn tôi. “Tớ không biết phải nói gì,” tôi nói. “Cậu không cần phải nói gì,” nó đáp. “Tớ chỉ muốn cậu biết, như thế cậu có thể hiểu tớ.” Tôi có thể thấy những người đang đi xuôi theo đường ray xe lửa về phía chúng tôi. Họ là những người bạn của Jolu, hai anh chàng người Mexico và một cô gái tôi biết sơ sơ, dáng người thấp và ngồ ngộ, lúc nào cũng đeo cặp kính đen Buddy Holly dễ thương, nó khiến cô giống như một sinh viên nghệ thuật lập dị trong một bộ phim tuổi teen, người luôn quay trở lại một cách hoành tráng. Jolu giới thiệu tôi và đưa bia cho họ. Cô gái không lấy bia, thay vào đó cô lấy ra một chai rượu vodka nhỏ bằng bạc từ trong ví và mời tôi uống. Tôi uống một ngụm - vodka ấm hẳn phải là một sở thích theo thói quen - và khen chai rượu của cô, nó được chạm trổ theo mô típ các nhân vật trong game Parappa the Rapper. “Nó của Nhật,” cô nói khi tôi soi một móc chìa khóa đèn LED vào nó. “Họ có tất cả những thứ đồ hay ho liên quan đến rượu ăn theo các game trẻ con. Bị bóp méo hoàn toàn.” Tôi và cô tự giới thiệu. “Ange,” cô nói rồi bắt tay tôi - khô, ấm áp, móng tay ngắn. Jolu giới thiệu tôi với bạn bè nó, những người nó quen ở trại hè máy tính hồi lớp bốn. Dần dần thêm nhiều người nữa xuất hiện - năm, rồi mười, rồi hai mươi. Giờ đã thực sự là một nhóm lớn. Chúng tôi bảo mọi người đến trước 9 giờ 30, và chúng tôi đợi đến 9 giờ 45 để xem còn ai tới nữa không. Khoảng ba phần tư số người tham gia đó là bạn của Jolu. Tôi đã mời tất cả những ai tôi thực sự tin tưởng. Hoặc là tôi phân biệt đối xử hơn Jolu, hoặc là tôi ít nổi tiếng hơn. Giờ nó bảo sẽ bỏ cuộc, điều đó khiến tôi nghĩ nó ít phân biệt đối xử hơn. Tôi rất bực mình với nó nhưng cố gắng không thể hiện ra bằng việc tập trung nói chuyện với những người khác. Nhưng nó không ngốc. Nó biết cái gì đang xảy ra. Tôi thấy nó thực sự bối rối. Tốt. “OK,” tôi vừa nói vừa trèo lên một đống tàn phế, “OK, này, xin chào!” Vài người gần đó để ý tới tôi, nhưng những người phía sau vẫn tiếp tục nói chuyện. Tôi giơ tay lên không trung như trọng tài nhưng trời quá tối. Cuối cùng tôi nghĩ ra ý tưởng bật một móc chìa khóa đèn LED lên và chỉ vào từng người đang nói rồi chỉ tới tôi. Dần dần, đám đông trật tự. Tôi chào mừng và cảm ơn họ đã tới, rồi yêu cầu họ lại gần hơn để tôi có thể giải thích tại sao chúng tôi lại ở đây. Tôi có thể thấy họ đều quan tâm đến bí mật này, bị kích thích và hào hứng hơn một chút nhờ bia. “Vậy là mọi người đã ở đây. Các cậu đều sử dụng Xnet. Không phải ngẫu nhiên mà Xnet được thiết lập ngay sau khi DHS chiếm đóng thành phố. Những người tạo ra nó là một tổ chức sẵn sàng làm tất cả vì tự do cá nhân, họ xây dựng mạng lưới này để giúp chúng ta an toàn trước sự cưỡng ép và quỷ quyệt của DHS.” Jolu và tôi đã bàn bạc việc này từ trước. Bọn tôi không định để bị tóm vì đứng sau vụ này, cũng không muốn bất kỳ ai bị tóm. Nó quá mạo hiểm. Thay vào đó, chúng tôi chỉ muốn xuất hiện với tư cách là những trung úy trong đội quân của “M1k3y” đứng ra tổ chức phong trào ở địa phương. “Xnet không trong sạch,” tôi nói. “Phe kia có thể sử dụng nó dễ dàng như chúng ta vậy. Chúng tôi biết hiện có gián điệp của DHS đang sử dụng nó. Họ dùng bẫy kỹ thuật trên các trang xã hội lừa cho chúng ta để lộ bản thân để họ có thể bắt chúng ta. Nếu Xnet muốn đi đến thành công, chúng ta cần tìm cách để họ không thể do thám chúng ta được nữa. Chúng ta cần một mạng lưới bên trong mạng lưới.” Tôi ngừng lại để mọi người suy nghĩ. Jolu đã gợi ý rằng điều này có thể hơi khó nuốt - rằng bạn đang được kết nạp vào hạt nhân của một cuộc cách mạng. “Giờ, tớ không ở đây để yêu cầu các cậu làm gì ngay. Các cậu không cần phải ra ngoài kia và làm loạn mọi thứ hay gì cả. Các cậu được mời tới đây vì chúng tớ biết các cậu rất tuyệt vời, chúng tớ biết các cậu đáng tin cậy. Đó là sự đáng tin mà tớ muốn các cậu đóng góp tối nay. Vài người trong các cậu hẳn đã quen với mạng lưới tin cậy và các bữa tiệc đăng ký khóa, nhưng đối với những người còn lại, tớ sẽ giải thích nhanh đây...” Rồi tôi giải thích thật ngắn gọn. “Giờ thì những gì tớ muốn các cậu làm tối nay là gặp mọi người ở đây và xem các cậu có thể tin họ tới mức nào. Chúng tớ sẽ giúp các cậu tạo các cặp chìa khóa và chia sẻ chúng với nhau.” Phần này khá phức tạp. Cách yêu cầu mọi người mang laptop cá nhân đến không hiệu quả, nhưng chúng tôi vẫn cần làm việc gì đó thật phức tạp mà không liên quan gì đến giấy bút. Tôi cầm cái laptop mà tối qua Jolu và tôi đã làm lại từ đầu. “Tớ tin tưởng cỗ máy này. Mọi bộ phận của nó đều do tự tay bọn tớ lắp ráp. Nó chạy một phiên bản hoàn toàn mới của ParanoidLinux, khởi động từ DVD. Nếu có máy tính đáng tin nào còn lại trên thế giới này, thì đây chính là nó. “Tớ đã tải về một phần mềm tạo khóa. Các cậu lại đây và nhập vào một số dữ liệu ngẫu nhiên - trộn các khóa lên, di di con chuột - và máy sẽ sử dụng những dữ liệu đó làm hạt giống để thiết lập một chìa khóa công cộng và một chìa khóa riêng ngẫu nhiên, khóa riêng sẽ hiển thị trên màn hình. Các cậu có thể chụp ảnh khóa riêng của mình bằng điện thoại rồi bấm một phím bất kỳ để nó biến mất mãi mãi - nó sẽ không được lưu lại trong đĩa. Sau đó máy sẽ hiển thị khóa công cộng của các cậu. Lúc đó, hãy gọi tất cả những người ở đây mà các cậu tin tưởng và tin tưởng các cậu, họ sẽ chụp cậu đứng cạnh màn hình để biết khóa đó của ai. “Khi về nhà, các cậu phải chuyển ảnh sang khóa. Tớ e rằng việc này sẽ mất rất nhiều công sức nhưng các cậu chỉ phải làm như thế một lần. Phải cực kỳ cẩn thận khi gõ các ký tự này - sai một li là đi tong. May là bọn tớ có cách để biết các cậu có làm đúng hay không: dưới chìa khóa sẽ là một số ngắn hơn nhiều, gọi là ‘vân tay’. Sau khi đã nhập chìa khóa vào máy, các cậu có thể tạo ra một vân tay từ nó và so sánh nó với vân tay, nếu trùng nhau thì các cậu đã làm đúng.” Mọi người đều nhìn tôi với vẻ lưỡng lự. Okay, vậy là tôi đã yêu cầu họ làm một việc khá kỳ quặc, đúng vậy, nhưng không khác được. Chú thích: 1. Vào thế kỷ 19, người da đen ở miền Nam nước Mỹ tự coi là mình là chim két còn xem người da trắng chỉ như chim gõ kiến đầu đỏ. chương 11 olu đứng dậy. “Các bạn, đây là điểm xuất phát. Đây là cách để bọn tớ biết các cậu ở phe nào. Các cậu có thể không sẵn sàng lao ra đường để rồi bị bắt vì niềm tin của mình, nhưng nếu các cậu có niềm tin, cách này sẽ giúp chúng tớ biết. Nó sẽ tạo nên mạng lưới tin cậy khiến chúng tớ biết ai ở trong và ai ở ngoài. Nếu chúng ta muốn giành lại đất nước của mình, chúng ta cần làm việc này. Chúng ta cần làm điều gì đó giống thế này.” Ai đó trong số các thính giả - là Ange - giơ tay lên, cầm một chai bia. “Cứ coi như tớ ngốc nghếch đi nhưng tớ không hiểu gì hết. Tại sao các cậu muốn bọn tớ làm điều này?” Jolu nhìn tôi và tôi nhìn nó. Dường như mọi chuyện đã quá rõ ràng khi chúng tôi tổ chức buổi tối này. “Xnet không chỉ là cách để chơi game miễn phí. Nó là mạng lưới liên lạc mở cuối cùng ở Mỹ. Đây là cách cuối cùng để liên lạc mà không bị DHS rình mò. Để nó hoạt động, chúng ta cần biết những người chúng ta nói chuyện cùng không phải là gián điệp. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần biết những người chúng ta gửi tin nhắn đúng là họ. “Đó chính là lý do của bữa tiệc này. Các cậu ở đây vì bọn tớ tin các cậu. Ý tớ là, thực sự tin tưởng các cậu. Tin tưởng các cậu bằng cả mạng sống của bọn tớ.” Vài người lầm bầm. Nghe rõ sến và ngớ ngẩn. Tôi đứng vững lại. “Khi những quả bom phát nổ,” tôi nói, và rồi điều gì đó tuôn trào trong ngực tôi, điều gì đó thật đau đớn. “Khi những quả bom phát nổ, bốn người bọn tớ bị bắt ở phố Chợ. Vì một lý do nào đó, DHS quyết định rằng điều đó khiến bọn tớ đáng nghi. Họ trùm túi qua đầu bọn tớ, tống cả đám lên một con tàu và chất vấn bọn tớ nhiều ngày liền. Họ đã làm nhục bọn tớ. Chơi trò cân não với bọn tớ. Rồi thả bọn tớ đi. “Tất cả trừ một người. Bạn thân nhất của tớ. Cậu ấy đã ở cùng chúng tớ khi bị bắt đi. Cậu ấy bị thương và cần được chăm sóc. Đến giờ cậu ấy vẫn chưa ra khỏi đó. Họ nói họ chưa bao giờ thấy cậu ấy. Họ nói rằng nếu bọn tớ nói với ai về việc này, họ sẽ bắt bọn tớ và làm bọn tớ biến mất. “Vĩnh viễn.” Tôi run lên. Cảm giác nhục nhã. Nỗi nhục nhã khốn khiếp. Jolu chiếu đèn vào tôi. “Chúa ơi,” tôi nói. “Các cậu chính là những người đầu tiên tớ kể chuyện này. Nếu chuyện này lan ra khắp nơi, các cậu hãy tin rằng họ sẽ biết ai đã hé lộ chuyện này. Các cậu hãy tin rằng họ sẽ tới gõ cửa nhà tớ.” Tôi hít thở thật sâu. “Vì thế mà tớ tình nguyện tham gia Xnet. Vì thế mà cuộc đời của tớ, từ giờ trở đi, là chiến đấu chống lại DHS. Bằng từng hơi thở. Từng ngày. Cho tới khi chúng ta lại được tự do. Bất kỳ ai trong số các cậu cũng có thể khiến tớ vào tù, nếu các cậu muốn.” Ange lại giơ tay lên. “Tụi này sẽ không phản bội các cậu đâu,” cô nói. “Không bao giờ. Tớ biết khá rõ mọi người ở đây và có thể hứa với cậu điều này. Tớ không biết làm thế nào để biết nên tin tưởng ai, nhưng tớ biết không nên tin tưởng ai: những người già. Bố mẹ chúng ta. Những người lớn. Khi họ nghĩ về ai đó đang bị theo dõi, họ nghĩ đến ai đó khác, một kẻ xấu. Khi họ nghĩ về việc ai đó bị bắt và tống vào tù, đó sẽ là ai đó khác - ai đó da màu, ai đó trẻ, ai đó là người ngoại quốc. “Họ đã quên những đứa trẻ như tụi mình thì thế nào. Lúc nào cũng là đối tượng bị nghi ngờ! Bao nhiêu lần bạn lên xe buýt và bị mọi người nhìn như thể bạn đã súc miệng bằng chất thải và lột da những chú chó con? “Tệ hơn nữa là, ngoài kia càng ngày người ta càng biến thành người lớn sớm hơn. Trước đây, mọi người thường nói ‘Đừng bao giờ tin bất kỳ ai trên 30 tuổi’. Tớ sẽ nói, ‘Đừng tin bất kỳ tên khốn khiếp nào trên 25 tuổi!’ ” Câu nói đó khiến mọi người bật cười, cô cũng cười. Cô thật xinh, một vẻ xinh đẹp kỳ cục với khuôn mặt và quai hàm dài. “Không hẳn là tớ đang đùa đâu, biết không hả? Ý tớ là, nghĩ mà xem. Ai đã bỏ phiếu bầu những tên hề lố bịch đó? Ai đã để chúng xâm lược thành phố của chúng ta? Ai đã bỏ phiếu đồng ý đặt camera trong phòng học và theo dõi chúng ta khắp nơi bằng những con chip gián điệp đáng sợ trong những cái thẻ thông hành và ô tô? Không phải là những đứa mười sáu tuổi. Chúng ta có thể ngố, chúng ta có thể trẻ, nhưng chúng ta không phải là lũ cặn bã.” “Tớ muốn có câu đó trên áo phông,” tôi nói. “Sẽ là một câu hay đấy,” cô đáp. Bọn tôi mỉm cười với nhau. “Tớ đi đâu để tạo khóa đây?” cô nói rồi lôi điện thoại ra. “Chúng ta sẽ làm ở đằng kia, ở vị trí kín đáo gần hang. Tớ sẽ đưa cậu tới đó và cài đặt giúp cậu, rồi cậu cứ làm việc của mình và đưa máy cho các bạn xung quanh chụp ảnh khóa công cộng của cậu để họ có thể đăng nhập khi về nhà.” Tôi lên giọng, “Ồ! Thêm một điều nữa! Chúa ơi, tớ không thể tin mình đã quên điều này. Hãy xóa những bức ảnh đó sau khi các cậu đã nhập khóa! Chúng ta không đời nào muốn có một loạt ảnh cả đám đang tụ tập với nhau ngập tràn trên trang Flickr.” Đây đó vang lên tiếng cười khúc khích pha lẫn căng thẳng, rồi Jolu tắt đèn và trong bóng tối bất ngờ, tôi không thấy gì cả. Dần dần, mắt tôi điều chỉnh lại và tôi hướng về phía hang. Ai đó đi sau tôi. Ange. Tôi quay lại và cười với cô, cô cười lại, hàm răng phát sáng trong bóng tối. “Cảm ơn vì điều đó,” tôi nói. “Cậu thật tuyệt.” “Cậu nói thật về cái bao trùm đầu cậu và tất cả những thứ khác chứ?” “Tớ nói thật,” tôi nói. “Nó đã xảy ra. Tớ chưa bao giờ nói với bất kỳ ai, nhưng nó đã xảy ra.” Tôi nghĩ về nó vài giây. “Cậu biết đấy, trải qua suốt quãng thời gian kể từ lúc đó mà không được hé răng bất cứ điều gì, tớ bắt đầu cảm thấy nó như một cơn ác mộng. Nhưng lại là thật.” Tôi dừng lại và trèo lên hang. “Tớ mừng vì cuối cùng tớ đã nói được cho mọi người. Chỉ thêm một lúc nữa là có lẽ tớ sẽ nghi ngờ sự điên rồ của chính mình.” Tôi đặt laptop trên phần khô của tảng đá và khởi động nó từ đĩa DVD trong khi cô quan sát tôi. “Tớ sẽ khởi động lại cho từng người. Đây là một đĩa ParanoidLinux tiêu chuẩn, dù sao thì tớ nghĩ cậu phải tin tớ.” “Chết tiệt,” cô nói. “Tất cả là về sự tin tưởng phải không?” “Đúng thế,” tôi đáp. “Sự tin tưởng.” Tôi thiết lập lại khoảng cách khi cô chạy phần mềm tạo khóa, lắng nghe cô gõ phím và di chuyển chuột tạo nên những sự ngẫu nhiên, lắng nghe tiếng tiếng sóng vỗ, lắng nghe tiếng ồn của bữa tiệc từ mọi nơi có bia. Cô bước ra khỏi hang, mang theo laptop. Trên đó, trong những ký tự màu trắng phát sáng khổng lồ, là khóa công cộng, vân tay và địa chỉ e-mail của cô. Cô giữ màn hình cạnh mặt mình và đợi trong khi tôi rút điện thoại ra. “Cười nào,” cô nói. Tôi chụp ảnh cô và cho máy ảnh vào túi. Cô đi quanh gặp các thành viên trong buổi tiệc và để từng người chụp ảnh cô với cái màn hình. Thật náo nhiệt. Thật vui vẻ. Cô quả là có sức hút rất lớn - bạn không muốn cười cô mà chỉ muốn cười với cô thôi. Và Chúa ơi, thật là buồn cười! Chúng tôi đang tuyên bố một cuộc chiến bí mật với cảnh sát ngầm. Chúng tôi nghĩ mình là cái quái gì cơ chứ? Và mọi việc cứ thế tiếp diễn, trong một tiếng sau đó hoặc hơn, mọi người chụp ảnh nhau và lập khóa. Tôi đã gặp gỡ tất cả mọi người ở đó. Tôi biết nhiều người trong số họ - một vài người là do tôi mời tới - và những người khác là bạn của bạn tôi hoặc bạn của bạn của bạn tôi. Tất cả chúng tôi nên kết bạn với nhau. Cuối buổi tối hôm ấy, chúng tôi đã trở thành bạn của nhau. Họ đều là những người tốt. Khi mọi người đã xong việc, Jolu lập khóa cho mình rồi nhe răng cười bẽn lẽn với tôi. Dù sao cơn bực dọc của tôi cũng đã qua. Nó làm điều nó phải làm. Tôi biết dù nó có nói điều gì thì nó vẫn sẽ luôn ở đó vì tôi. Và chúng tôi đã cùng nhau trải qua khoảng thời gian ở trong xà lim của DHS. Cả Van nữa. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra thì điều đó cũng sẽ gắn kết chúng tôi với nhau mãi mãi. Tôi lập khóa cho mình và đi quanh để mọi người chụp ảnh. Rồi tôi trèo lên cao, chỗ tôi đứng phát biểu ban đầu và kêu gọi mọi người chú ý. “Vậy là rất nhiều người trong các cậu đã để ý thấy rằng có một thiếu sót quan trọng trong quy trình này: điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc laptop này không đáng tin? Điều gì sẽ xảy ra nếu nó đang lưu lại những chỉ lệnh của chúng ta? Điều gì xảy ra nếu nó đang theo dõi chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra nếu Jose-Luis và tớ không đáng tin?” Thêm nhiều tiếng xôn xao nữa. Bầu không khí đã ấm hơn trước một chút, thêm nhiều bia hơn. “Tớ nghiêm túc đấy,” tôi nói. “Nếu chúng ta ở nhầm phe, việc này có thể đẩy tất cả chúng ta - tất cả các cậu - vào một đống rắc rối. Vào tù chẳng hạn.” Những tiếng xôn xao chuyển thành căng thẳng hơn. “Vậy nên tớ sẽ làm việc này,” tôi nói và nhặt cái búa lấy từ hộp dụng cụ của bố. Tôi đặt cái laptop xuống cạnh mình trên tảng đá và vung búa lên, Jolu cũng làm như vậy với cái móc chìa khóa. Rầm - tôi luôn mơ tới việc phá một cái laptop bằng búa, và giờ tôi đang làm đây. Tôi cảm thấy tuyệt vời một cách quái lạ. Và tệ hại nữa. Rầm rầm! Bảng màn hình rớt xuống và vỡ tan thành hàng nghìn mảnh, lộ ra bàn phím. Tôi tiếp tục đập nó cho tới khi bàn phím rơi ra, phơi ra bảng mạch chính và ổ cứng. Rầm! Tôi nhằm vào ổ cứng, vận hết sức bình sinh mà phang. Đến phát thứ ba lớp vỏ bọc mới tách ra, để lộ phần bên trong mỏng manh. Tôi cứ đập cho đến lúc không còn gì to hơn một cái bật lửa, rồi cho tất cả vào túi rác. Đám đông reo hò cuồng nhiệt - ồn đến mức tôi thực sự lo ai đó ở xa có thể nghe thấy và gọi cảnh sát mất. “Được rồi!” tôi nói. “Giờ thì, nếu các cậu muốn đi cùng tớ, tớ sẽ mang thứ này ra biển và ngâm trong nước muối mười phút.” Ban đầu không ai theo tôi, nhưng rồi Ange tiến tới, nắm tay tôi trong bàn tay ấm áp của cô và nói “Đẹp tuyệt” vào tai tôi, chúng tôi cùng nhau đi bộ xuống biển. Bãi cát tối om như mực và nguy hiểm khó lường, ngay cả khi chúng tôi dùng đèn móc khóa. Bình thường, những tảng đá trơn tuột và sắc nhọn đã đủ khó đi rồi, chưa nói đến việc phải cố gắng giữ thăng bằng với gần ba kilôgam đồ điện tử vỡ tan tành trong túi. Tôi bị trượt chân một lần và cứ tưởng sẽ bị thương, nhưng Ange đã tóm lấy tôi bằng một lực mạnh bất ngờ và giúp tôi đứng vững lại. Cô kéo tôi lại gần mình, đủ gần để tôi ngửi thấy mùi nước hoa cô dùng, giống như mùi ô tô mới. Tôi yêu mùi đó. “Cảm ơn,” tôi đứng vững lại, nhìn vào đôi mắt to được phóng đại bởi cặp kính gọng kim loại đen kiểu con trai của cô. Trong bóng tối, tôi không thể nói chúng màu gì, nhưng tôi đoán màu gì đó trầm, dựa trên mái tóc sẫm và nước da ô liu của cô. Trông cô giống dân Địa Trung Hải, có thể là Hy Lạp, Tây Ban Nha hoặc Ý. Tôi cúi người nhúng túi xuống biển, để nó ngập trong nước muối. Tôi bị trượt chân một chút, khiến giày bị thấm nước, và tôi thề là cô đã cười. Chúng tôi không nói một lời từ lúc đi ra biển đến giờ. Có điều gì đó thật diệu kỳ trong sự im lặng của chúng tôi. Tính đến thời điểm đó trong đời, tôi đã hôn tổng cộng ba cô gái, không tính khoảnh khắc khi tôi quay lại trường và được đón chào như một anh hùng. Đó là một con số không lớn cũng không nhỏ. Tôi có một rađa về con gái khá chính xác, và tôi nghĩ lúc đó mình đã có thể hôn Ange. Cô không quyến rũ và xinh đẹp theo kiểu truyền thống, nhưng sự kết hợp giữa một cô gái, một buổi tối và một bãi biển thật dễ khiến người ta xao lòng, thêm vào đó, cô còn thông minh, sôi nổi và nhiệt tình. Nhưng tôi đã không hôn hay nắm tay cô. Thay vào đó chúng tôi có một khoảnh khắc mà tôi chỉ có thể miêu tả về mặt tinh thần. Sóng, đêm, biển, đá, và hơi thở của chúng tôi. Khoảnh khắc cứ kéo mãi. Tôi thở dài. Thật giống một chuyến rong chơi. Tối nay tôi có rất nhiều việc phải làm, nhập tất cả chìa khóa của mọi người vào chùm chìa khóa của mình, đăng ký chúng và công bố những khóa đã được đăng ký. Khởi động mạng lưới tin cậy. Cô cũng thở dài. “Đi thôi,” tôi nói. “Ừ,” cô đáp. Chúng tôi quay về. Đêm đó là một đêm tuyệt vời. Jolu đợi bạn của anh trai mình tới lấy thùng đá. Tôi cùng những người khác đi bộ tới trạm xe buýt gần nhất và lên xe. Tất nhiên, không ai trong chúng tôi sử dụng thẻ xe buýt. Tới thời điểm đó thì các thành viên Xnet đã hình thành thói quen sao thẻ của người khác ba hay bốn lần một ngày, như vậy mỗi lần đi họ lại có một danh tính mới. Thật khó để giữ trật tự trên xe buýt. Cả đám đều đã ngà ngà say, và dưới ánh sáng chói của đèn xe, mặt mũi đứa nào trông cũng tếu tếu. Bọn tôi khá ồn ào và tài xế đã phải sử dụng hệ thống liên lạc nội bộ hai lần để nhắc bọn tôi trật tự, rồi nói nếu bọn tôi không im mồm đi thì ông sẽ gọi cảnh sát. Lời dọa dẫm khiến bọn tôi lại cười rúc rích rồi lũ lượt xuống xe trước khi ông gọi cánh sát thật. Giờ thì cả đám đang ở North Beach, có nhiều xe buýt, taxi, BART tại phố Chợ, các hộp đêm sáng đèn neon và các quán cà phê, thế là bọn tôi tản ra mỗi người một hướng. Tôi về nhà, khởi động Xbox và bắt đầu gõ các mã khóa từ màn hình điện thoại của mình. Thật là một công việc nhàm chán và buồn ngủ. Tôi hơi say, và nó đã ru tôi vào giấc ngủ gật gù. Tôi chuẩn bị gục đầu xuống thì một cửa sổ tin nhắn hiện lên. > Xin trào! Tôi không nhận ra cái nick này - spexgril - nhưng tôi có thể đoán được đó là ai. > hi Tôi thận trọng gõ. > tớ đây, mình đã gặp nhau tối nay Rồi cô gõ một dòng ký tự mã hóa. Tôi đã nhập mã công cộng của cô vào chùm chìa khóa của mình nên tôi ra lệnh cho chương trình chat dùng khóa đó để giải mã. > tớ đây, mình đã gặp nhau tối nay Chính là cô! > Thật vui vì gặp cậu ở đây Tôi gõ, mã hóa nó bằng khóa công cộng của mình rồi gửi đi. > Gặp cậu thật tuyệt Tôi gõ. > Cậu cũng thế. Tớ không gặp nhiều anh chàng thông minh, dễ thương mà còn có ý thức xã hội nữa. Được lắm, cậu không cho một cô gái cơ hội nào cả. Tim tôi dộng thịch thịch trong lồng ngực. > Xin chào? Này này? Vẫn còn ở đấy chứ hả? Tớ không sinh ra ở đây đâu, các cậu, nhưng chắc chắn tớ sẽ chết ở đây. Đừng quên trả tiền boa cho những cô bồi bàn, họ đã làm việc chăm chỉ. Tớ ở đây cả tuần. Tôi cười lớn. > Tớ đây, tớ đây. Đang cười nhiều tới mức không gõ nổi > Chà ít nhất trò hài kịch chat của tớ vẫn còn hấp dẫn Ừm. > Tớ cũng thấy thực sự rất tuyệt vời khi được gặp cậu > Yeah, tất nhiên rồi. Cậu sẽ đưa tớ đi đâu? > Đưa cậu? > Trong cuộc phiêu lưu tiếp theo của chúng ta? > Tớ cũng chưa có kế hoạch gì > Oki-vậy tớ sẽ đưa CẬU đi. Thứ Sáu. Công viên Dolores. Buổi hòa nhạc ngoài trời bất hợp pháp. Hãy tới đó nếu không cậu là đồ mười hai mặt. > Đợi đã gì cơ? > Cậu không đọc Xnet à? Nó ở khắp mọi nơi. Cậu đã bao giờ nghe nói về Speedwhores chưa? Suýt nữa thì tôi chết sặc. Đó là ban nhạc của Trudy Doo - và Trudy Doo chính là người phụ nữ đã trả tiền để tôi và Jolu cập nhật mã indienet. > Có tớ nghe rồi > Họ tổ chức một buổi biểu diễn lớn và đã có khoảng năm mươi ban nhạc đăng ký, diễn ra tại các sân tennis, mang xe tải với dàn loa tới và chơi cả đêm Tôi cảm giác như thể mình sống trên hoang đảo vậy. Làm sao mà tôi lại bỏ lỡ điều này chứ? Thỉnh thoảng, trên đường tới trường, tôi có đi ngang qua một hiệu sách của những người theo chủ trương vô chính phủ ở Valencia, chỗ đó treo poster của một nhà cách mạng cũ tên là Emma Goldman với lời chú thích “Nếu tôi không thể nhảy múa, tôi không muốn là một phần trong cuộc cách mạng của bạn.” Tôi đã vắt kiệt toàn bộ tâm sức mới tìm ra cách sử dụng Xnet để tổ chức cho những chiến binh tận tụy phá rối DHS, nhưng vụ này còn “ngầu” hơn rất nhiều. Một buổi hòa nhạc lớn - tôi không biết làm thế nào để tổ chức những sự kiện như thế này, nhưng tôi mừng vì ai đó đã làm. Và giờ đây, khi nghĩ về nó, tôi tự hào khủng khiếp vì họ đang sử dụng Xnet để làm điều đó. Ngày hôm sau, tôi giống hệt một thây ma. Ange và tôi đã chat chit - tán tỉnh - tới tận bốn giờ sáng. May cho tôi, hôm ấy là thứ Bảy và tôi có thể ngủ nướng, nhưng trong tình trạng váng vất sau cơn say và thiếu ngủ thì tôi khó có thể kết hợp được hai thông tin đó với nhau. Cuối cùng thì đến giờ ăn trưa tôi cũng bò dậy được và vác xác xuống phố. Tôi vật vờ đến cửa hàng Thổ để mua cà phê - dạo này, nếu đi một mình, tôi luôn mua cà phê ở đó, như kiểu anh chàng người Thổ và tôi cùng tham gia vào một câu lạc bộ bí mật. Trên đường, tôi đi ngang qua rất nhiều bức graf- fiti mới. Tôi thích nghệ thuật graffiti ở Mission; nó thường xuyên xuất hiện trong những tác phẩm trên tường cực lớn và đẹp tuyệt hoặc tranh biếm họa của sinh viên mỹ thuật. Tôi thích một điều là những người mê vẽ graffiti bất hợp pháp ở Mission vẫn tiếp tục hoạt động, ngay trước mũi DHS. Một hình thức khác của Xnet, tôi nghĩ vậy - họ hẳn phải có tất cả các cách để biết điều gì đang xảy ra, ở đâu vẽ được, camera nào đang hoạt động. Tôi thấy có vài camera đã bị phun sơn lên. Có lẽ họ sử dụng Xnet! Trên tường rào của một bãi để xe ô tô là dòng chữ phun sơn mới tinh, cao ba mét: ĐỪNG TIN BẤT KỲ AI TRÊN 25. Tôi dừng lại. Ai đó đã rời “bữa tiệc” tối qua và tới đây cùng với một bình sơn chăng? Rất nhiều người trong số họ sống ở khu vực này. Tôi mua cà phê rồi lang thang quanh thành phố một chút. Tôi cứ nghĩ mình nên gọi cho ai đó để hỏi xem họ có muốn đi xem phim hay làm gì đó không. Đó là việc tôi thường làm vào một ngày thứ Bảy lười nhác như hôm nay. Nhưng tôi gọi cho ai đây? Van sẽ không nói chuyện với tôi, tôi cũng không nghĩ mình đã sẵn sàng nói chuyện với Jolu, và Darryl... Chà, tôi không thể gọi Darryl. Tôi cầm cà phê về nhà, lướt qua các blog trên Xnet. Người ta không thể dùng những blog ẩn danh này để truy ra bất kỳ tác giả nào - trừ khi tác giả đó ngớ ngẩn đến mức tự viết tên mình lên - và có rất nhiều người như vậy. Hầu hết bọn họ thờ ơ với chính trị, nhưng cũng có nhiều người khác không như vậy. Họ nói về trường học và sự bất công ở đó. Họ nói về cảnh sát. Họ tag nhau. Hóa ra kế hoạch cho buổi biểu diễn ở công viên đã được đăng hàng tuần nay. Nó nhảy từ blog này sang blog khác, tạo thành một phong trào nở rộ mà tôi không hề biết. Và buổi biểu diễn có tên là “ĐỪNG TIN BẤT KỲ AI TRÊN 25.” Chà, điều này giải thích Ange lấy nó từ đâu. Đúng là một khẩu hiệu hay. Sáng thứ Hai, tôi quyết định sẽ ghé qua hiệu sách vô chính phủ, định bụng sẽ mua một trong những tấm poster của Emma Goldman. Tôi cần một lời nhắc nhở. Tôi vòng xuống phố 16 và khu Mission trên đường tới trường, đi lên Valencia và đi ngang qua. Cửa hàng đóng cửa, nhưng tôi thấy giờ đóng cửa và biết chắc là họ vẫn treo tấm poster đó. Lúc đi xuống Valencia, tôi choáng ngợp khi thấy bao nhiêu thứ ĐỪNG TIN BẤT KỲ AI TRÊN 25 ở đó. Một nửa số cửa hàng bày các món đồ ĐỪNG TIN trên cửa sổ: hộp ăn trưa, quần áo ngủ nữ, hộp bút chì, mũ lưỡi trai. Các cửa hàng hippie càng ngày càng trở nên nhanh nhạy hơn, tất nhiên rồi. Khi những khái niệm mới lan tỏa trên mạng được khoảng một hoặc hai ngày, các cửa hàng đã bắt kịp bằng cách bày các sản phẩm lên cửa sổ. Một đoạn video ngắn và vui nhộn trên YouTube của một gã tự phóng mình lên không trung bằng hai ống phản lực chứa nước có ga sẽ hạ cánh xuống hộp thư của bạn vào thứ Hai, đến thứ Ba là bạn đã có thể mua áo phông in hình lấy từ đoạn video đó. Nhưng thật kinh ngạc khi thấy thứ gì đó nhảy từ Xnet vào các cửa hàng lớn. Những chiếc quần jean mài của các nhà thiết kế với những khẩu hiệu được viết tỉ mẩn bằng mực bút bi cấp ba. Những miếng đắp thêu cầu kỳ. Tin tốt thường lan nhanh. Nó được viết trên bảng khi tôi tới lớp học Nghiên cứu Xã hội của cô Galvez. Bọn tôi ngồi xuống bàn, cười với nó. Dường như nó cũng cười lại. Tôi cực kỳ phấn khích với cái ý tưởng rằng tất cả bọn tôi có thể tin tưởng lẫn nhau, rằng kẻ thù có thể bị nhận diện. Tôi biết nó không hoàn toàn đúng, nhưng nó cũng không hoàn toàn sai. Cô Galvez bước vào, hất tóc và đặt SchoolBook của mình lên bàn rồi khởi động máy. Cô cầm phấn lên, quay mặt về phía bảng. Cả lớp bật cười. Cười vui thôi. Cô quay lại và cũng bật cười. “Có vẻ như lạm phát đã hạ gục những chuyên gia viết khẩu hiệu của quốc gia. Bao nhiêu người trong số các em biết câu nói này xuất phát từ đâu?” Chúng tôi nhìn nhau. “Dân hippie?” Ai đó lên tiếng và cả lớp cười phá lên. Dân hippie xuất hiện khắp nơi ở San Francisco, cả kiểu cũ - những kẻ nghiện ngập, râu ria xồm xoàm và quần áo tự nhuộm lấy, lẫn kiểu mới - những kẻ thích chưng diện và chơi bóng ném hơn là chống đối lại bất cứ điều gì. “Chà, đúng rồi, dân hippie. Nhưng ngày nay, khi nói đến dân hippie, chúng ta chỉ nghĩ đến quần áo và âm nhạc. Quần áo và âm nhạc chỉ là phụ so với phần chính của cái đã khiến thập niên ấy, những năm sáu mươi, trở nên quan trọng. “Các em đã nghe nói về việc phong trào dân quyền đã đặt dấu chấm hết cho nạn phân biệt chủng tộc, những đứa trẻ da đen và da trắng như các em đi xe buýt đến miền Nam để ký những phiếu bầu cử đen và chống lại sự phân biệt chủng tộc của nhà nước. California là một trong những nơi sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo phong trào dân quyền nhất. Chúng ta luôn quan tâm đến chính trị hơn một chút so với những nơi khác trên đất nước, và California cũng là nơi mà những người da đen có thể tìm được công việc trong các nghiệp đoàn nhà máy như người da trắng, vậy nên họ khá hơn một chút so với bà con của mình ở miền Nam. “Các sinh viên ở Berkeley đã cử một phái đoàn gồm những người tích cực đòi tự do đi về phía Nam, những người này được chiêu mộ thêm người từ các bàn thông tin trong khuôn viên trường đại học, ở Bancroft và đại lộ Telegraph. Có lẽ các em đã thấy những chiếc bàn ấy vẫn còn ở đó tới ngày nay. “Trường Berkeley đã cố dập tắt phong trào này. Hiệu trưởng ra lệnh cấm tổ chức các hoạt động chính trị trong trường, nhưng những sinh viên đòi dân quyền không lùi bước. Cảnh sát cố gắng bắt một anh chàng đang phát tài liệu tại một trong những bàn này và tống anh ta vào một cái xe tải, nhưng ba nghìn người đã bao vây chiếc xe và không cho nó nhúc nhích. Họ không để cảnh sát tống anh ta vào tù. Họ đứng trên nóc xe tải và diễn thuyết về Luật sửa đổi đầu tiên và Quyền tự do ngôn luận. “Việc này đã kích động phong trào đòi quyền tự do ngôn luận. Đó là nơi khởi đầu của trào lưu hippie, nhưng cũng là nơi nhiều phong trào sinh viên cấp tiến xuất hiện. Những tổ chức quyền lực đen(1) như Báo Đen - rồi cả những nhóm đòi quyền lợi cho người đồng tính nam như Báo Hồng. Các nhóm phụ nữ cấp tiến, thậm chí cả ‘những người ly khai đồng tính nữ’ muốn thủ tiêu tất cả đàn ông! Và những người Yippie(2). Đã ai từng nghe về người Yippie chưa?” “Có phải họ đã cho Lầu Năm Góc bay lên không ạ?” tôi hỏi. Tôi đã xem một bộ phim tài liệu về vụ này. Cô Galvez bật cười. “Cô quên mất việc này đấy, nhưng đúng thế, chính là họ! Yippie là những người hippie rất quan tâm đến chính trị, nhưng cách nhìn của họ không nghiêm trọng như cách chúng ta nghĩ về chính trị ngày nay. Họ rất ham vui. Thích chơi khăm. Họ ném tiền vào Sàn Chứng khoán New York. Họ kéo hàng trăm người chống đối đến bao vây Lầu Năm Góc với hàng trăm những kẻ biểu tình và nói một câu thần chú mà người ta cho là để làm tòa nhà bay lên. Họ phát minh ra một loại ma túy gây ảo giác tưởng tượng mà các em có thể phun vào nhau bằng súng phun nước, bắn nhau và giả bộ bị kích thích. Họ rất vui vẻ và làm nên những chương trình truyền hình tuyệt vời - một anh hề Yippie tên là Wavy Gravy đã từng tập hợp được hàng trăm người chống đối ăn vận giống ông già Noel rồi các máy quay sẽ chiếu hình ảnh cảnh sát đang bắt giữ, lôi kéo ông già Noel trên bản tin tối hôm đó - và họ đã huy động được rất nhiều người. “Khoảnh khắc hoành tráng nhất của họ là Hội nghị Dân chủ Quốc gia năm 1968, nơi họ kêu gọi các cuộc biểu tình để phản đối chiến tranh Việt Nam. Hàng nghìn người biểu tình đổ về Chicago, ngủ trong công viên và đứng gác hàng ngày. Năm đó, họ đã biểu diễn rất nhiều trò kỳ lạ, ví dụ cho một con lợn tên là Pigasus tranh cử tổng thống. Cảnh sát và người biểu tình chiến đấu trên đường - họ đã làm việc này nhiều lần trước đây, nhưng cảnh sát Chicago không đủ thông minh để chừa các phóng viên ra. Họ đánh các phóng viên, vậy là cả đất nước chứng kiến cảnh con cái họ bị cảnh sát Chicago đánh đập tàn bạo. Họ gọi đó là “cuộc bạo động của cảnh sát”. “Những người Yippie thích nói rằng, ‘Đừng bao giờ tin ai trên 30 tuổi.’ Điều này có nghĩa là những người được sinh ra ở thế hệ trước, khi nước Mỹ đang chiến đấu với kẻ thù như phát xít Đức, không bao giờ có thể hiểu được ý nghĩa của việc họ yêu đất nước mình đủ để phản đối cuộc chiến tranh với Việt Nam. Họ nghĩ rằng đến khi một người bước sang tuổi ba mươi, quan điểm của người đó đã đóng băng và không bao giờ hiểu được tại sao những đứa trẻ ngày nay lại đổ xuống đường, bỏ học và cư xử như một kẻ lập dị. “San Francisco là trung tâm của phong trào này. Những đội quân cách mạng đã được thành lập ở đây. Vì lý lẽ của mình, một vài nhóm đã cho nổ tung các tòa nhà và cướp ngân hàng. Rất nhiều đứa trẻ trong số này đã lớn lên và ít nhiều cũng sinh sống bình thường, trong khi những người khác phải vào tù. Một số người bỏ dở con đường đại học đã làm được những việc lớn lao, tuyệt vời - ví dụ như Steve Jobs và Steve Wozniak, những người đã sáng lập hãng máy tính Apple và phát minh ra chiếc PC.” Tôi thực sự bị cuốn hút bởi câu chuyện này. Tôi đã biết một chút về nó, nhưng chưa bao giờ nghe kể tường tận như thế này. Hoặc có lẽ nó chưa bao giờ quan trọng như lúc này. Đột nhiên, những cuộc biểu tình nghiêm trang, lãng nhách của người lớn trên đường không còn lãng nhách nữa. Những hoạt động như thế cũng có thể tìm được chỗ đứng trong phong trào Xnet. Tôi giơ tay lên. “Họ có thắng không ạ? Những người Yippie có thắng không ạ?” Cô nhìn tôi thật lâu, như thể cô đang suy nghĩ lại. Không ai nói một lời. Chúng tôi đều muốn nghe câu trả lời. “Họ không thua,” cô nói. “Họ bị dội ngược lại một chút. Vài người bị vào tù vì ma túy hay những thứ khác. Vài người đổi hướng, trở thành những yuppie(3) và tiếp tục đi khắp nơi diễn thuyết về việc họ đã ngu ngốc, tham lam và ngớ ngẩn như thế nào.” “Nhưng họ đã thay đổi thế giới. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc và sự tuân thủ, phục tùng không nghi ngờ mà mọi người gọi là chủ nghĩa ái quốc đã thay đổi theo một hướng rất khác. Quyền lợi của người da đen, quyền lợi của phụ nữ và quyền lợi của người đồng tính đã được ghi nhận. Quyền lợi của người Mỹ gốc Mỹ La tinh, quyền lợi của người tàn tật, toàn bộ truyền thống quyền tự do công dân được thiết lập hoặc củng cố bởi những con người này. Những phong trào chống đối ngày nay là hậu duệ trực tiếp của những cuộc đấu tranh đó.” “Em không thể tin cô đang nói về họ như thế,” Charles lên tiếng. Nó nghiêng người xa khỏi ghế đến mức gần như đứng dậy, gương mặt sắc sảo, gầy gò của nó đỏ bừng. Charles có đôi mắt to, ướt và cặp môi dầy, mỗi khi nó phấn khích trông nó hơi giống một con cá. Cô Galvez củng cố tinh thần một chút rồi nói, “Em nói tiếp đi, Charles.” “Cô vừa miêu tả những kẻ khủng bố. Những kẻ khủng bố thực sự. Bọn chúng cho nổ tung các tòa nhà, cô đã nói thế. Bọn chúng cố gắng phá hủy sàn giao dịch chứng khoán. Bọn chúng đánh cảnh sát, ngăn cảnh sát bắt giữ những kẻ phạm pháp. Bọn chúng tấn công chúng ta!” Cô Galvez gật đầu chậm rãi. Tôi có thể thấy cô đang cố gắng tìm cách để đối đáp với Charles, trông nó như thể chuẩn bị nổ tung đến nơi. “Charles đã nêu lên một điểm thú vị. Những người Yippie không phải người ngoại quốc, họ là những công dân Mỹ. Khi em nói ‘Bọn chúng tấn công chúng ta,’ em cần phải xem xét rằng ai là ‘bọn chúng’ và ai là ‘chúng ta’. Khi mà đó chính là đồng bào của em...” “Tào lao!” nó hét lên. Giờ nó đã đứng hẳn dậy. “Sau đó chúng ta đã ở trong một cuộc chiến. Những kẻ này đã viện trợ và tạo điều kiện cho kẻ thù. Rất dễ để nói ai là chúng ta và ai là bọn chúng: nếu bạn ủng hộ nước Mỹ, bạn là chúng ta. Nếu bạn ủng hộ những kẻ bắn vào người Mỹ, bạn là bọn chúng.” “Còn ai muốn nhận xét về việc này không?” Vài cánh tay giơ lên. Cô Galvez gọi bọn nó. Vài đứa chỉ ra rằng lý do Việt Nam chống lại người Mỹ là vì người Mỹ đã bay đến Việt Nam và chạy quanh trong rừng với những khẩu súng. Những đứa khác nghĩ Charles có ý đúng, đó là mọi người không nên được phép làm những việc trái pháp luật. Ai cũng đưa ra những luận điểm thú vị ngoại trừ Charles, nó chỉ hét vào mọi người, ngắt lời khi ai đó bày tỏ quan điểm. Mấy lần cô Galvez phải cố gắng bảo nó đợi đến lượt mình, nhưng nó không nghe. Tôi tìm kiếm vài thứ trong SchoolBook, điều gì đó mà tôi biết mình đã đọc qua. Cô Galvez nhìn tôi đầy hy vọng. Những người khác dõi theo ánh mắt của cô và im lặng. Thậm chí, sau một hồi thì cả Charles cũng nhìn tôi, đôi mắt to ướt của nó đang bừng lên ngọn lửa thù hằn dành cho tôi. “Em muốn đọc một cái này,” tôi nói. “Nó ngắn thôi. ‘Các chính phủ đều bắt nguồn từ nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, nên bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.’ ” Chú thích: 1. Black Power: là một khẩu hiệu chính trị và tên để gọi những tư tưởng liên quan khác. Nó là phong trào của người Mỹ gốc Phi. 2. Hội viên của Đảng Thanh niên Quốc tế (Youth International Party), một nhóm phản văn hóa quyết liệt thành lập năm 1968, hay còn được biết đến với cái tên Yippie. 3. Viết tắt của Young Urban Professional: những người trẻ tuổi thành thị chuyên nghiệp, là một khái niệm trong những năm 1980 và đầu năm 1990 để chỉ những người trẻ tuổi từ 20 đến 30 tuổi tầng lớp thượng lưu và trung lưu, ổn định về tài chính. chương 12 Cô Galvez cười rạng rỡ. “Có ai biết nó được lấy từ đâu không?” Mọi người đồng thanh đáp “Bản tuyên ngôn độc lập.” Tôi gật đầu. “Marcus, tại sao em lại đọc đoạn trích dẫn đó?” “Bởi vì theo em, đó là lời khẳng định từ những người khai sinh ra nước Mỹ: nhà nước này chỉ tồn tại chừng nào mà chúng ta tin rằng nó phục vụ chính chúng ta, và nếu chúng ta không tin vào họ, chúng ta sẽ lật đổ họ. Đó chính là điều mà đoạn trích muốn nói, đúng không?” Charles lắc đầu. “Đó là hàng trăm năm trước! Mọi thứ bây giờ đã khác!” “Khác ở điểm nào?” “Thứ nhất: chúng ta không có vua. Điều họ nói ở đây là một chính phủ tồn tại vì có những kẻ ngu ngốc nào đó tin rằng họ được Chúa trời trao cho sứ mệnh và quyền giết những kẻ chống lại mình. Còn chúng ta, chúng ta có một chính phủ dân chủ do chúng ta bầu lên...” “Tớ không bầu cho họ,” tôi nói. “Vì thế cậu có quyền cho nổ tung một tòa nhà ư?” “Cái gì? Có ai nói gì về việc nổ tung một tòa nhà ở đây? Những người hippie và Yippie hay những người tin rằng chính phủ này không còn lắng nghe họ nữa - hãy nhìn vào cách người ta đối xử với các cử tri đi bầu ở miền Nam thì rõ. Họ đã bị đánh, bị bắt giữ...” “Vài người đã bị giết?” cô Galvez nói thêm. Cô khoanh tay chờ Charles và tôi ngồi xuống. “Hôm nay chúng ta suýt nữa thì bị cháy giờ, nhưng cô vẫn muốn nói với tất cả lớp rằng đây là một trong những tiết học thú vị nhất cô từng dạy. Chúng ta đã có một buổi tranh luận rất tuyệt vời và chính cô cũng học được nhiều điều từ tất cả các em. Cô hy vọng các em cũng học được nhiều điều từ các bạn của mình. Cảm ơn tất cả những lời phát biểu của các em. “Cô sẽ có một bài luận nhỏ để cộng điểm cho những bạn nào muốn thử thách một chút. Cô muốn các em viết một bài so sánh giữa phản ứng chính trị đối với phong trào phản chiến và phong trào đòi quyền dân chủ ở khu Vịnh và phản ứng của người dân đối với cuộc chiến chống khủng bố. Tối thiểu là ba trang, nhưng các em có thể viết bao nhiêu tùy thích. Cô rất nóng lòng xem các em thu hoạch được những gì.” Tiếng chuông vang lên ngay sau đó và mọi người ùa ra khỏi lớp. Tôi nán lại chờ cô Galvez. “Gì vậy Marcus?” “Thật là tuyệt vời, em chưa bao giờ biết toàn bộ câu chuyện của những năm sáu mươi,” tôi đáp. “Những năm bảy mươi nữa. Nơi này luôn là một nơi thú vị trong các giai đoạn chính trị sôi động. Cô thích cách em lấy lời dẫn từ bản tuyên ngôn, rất khéo léo.” “Cảm ơn cô. Nó chỉ mới xuất hiện trong đầu em. Mãi đến ngày hôm nay em mới đánh giá hết được ý nghĩa của nó.” “Ôi, Marcus, những từ em vừa nói là điều mà mọi giáo viên đều muốn nghe,” cô nói và bắt tay tôi “Cô rất muốn đọc bài viết của em.” Trên đường về nhà, tôi đã mua poster của Emma Goldman và dán nó lên bàn, đè lên cái poster đen trắng đã cũ. Tôi cũng mua một chiếc áo phông có dòng chữ “ĐỪNG BAO GIỜ TIN” và bức ảnh photo- shop miêu tả Grover và Elmo đang đá những kẻ trưởng thành Gordon và Susan khỏi phố Seasame (1). Nó làm tôi buồn cười. Sau này tôi phát hiện ra lúc đó đang diễn ra khoảng sáu cuộc thi sáng tác minh họa bằng photoshop cho khẩu hiệu đó trên các website như Fark, Worth 1000 và B3ta, chưa kể hàng trăm bức ảnh làm sẵn trôi nổi khắp nơi sẵn sàng được in lên bất kỳ thương phẩm sản xuất hàng loạt nào. Mẹ tôi nhíu mày khi nhìn thấy chiếc áo phông của tôi, còn bố thì lắc đầu và bắt đầu giảng cho tôi một bài về việc đừng tự chuốc lấy rắc rối. Tôi cảm thấy hơi tội lỗi trước phản ứng đó của ông. Ange lại gặp tôi trên mạng và chúng tôi đã chat chit-tán tỉnh đến tận khuya. Một chiếc xe tải trắng gắn ang ten trờ tới, tôi phải tắt Xbox cho tới khi nó đi qua. Chúng tôi đã khá quen với việc này. Ange rất háo hức về bữa tiệc. Nó giống như một sự kiện cực kỳ quan trọng vậy. Có quá nhiều ban nhạc đăng ký, đến nỗi người ta đang nghĩ đến việc dựng một sân khấu B cho những màn diễn phụ. > Làm sao người ta cho phép họ mở nhạc cả đêm trong công viên? Có rất nhiều nhà xung quanh đó mà > Cho-phép ư? “Cho-phép” là cái gì? Nói cho tớ nghe về sự cho-phép của con-người đi > Wow, không bất hợp pháp sao? > Ừm, xin chào? _Cậu_ mà cũng lo lắng về việc phá luật sao? > Bình thường mà > LOL (2) Tuy vậy, tôi cũng thoáng cảm thấy chút hồi hộp về sự kiện sắp xảy ra. Thật chứ, cuối tuần này tôi sắp hẹn hò với cô gái tuyệt vời, hoàn hảo ấy - chà, nói đúng ra là cô ấy rủ tôi ấy chứ - đến một bữa tiệc bất hợp pháp được tổ chức ngay ở giữa một khu dân cư đông đúc. Ít nhất thì điều này cũng hứa hẹn sẽ rất thú vị. Thật thú vị. Mọi người bắt đầu lượn lờ ở công viên Dolores suốt cả chiều thứ Bảy, hòa lẫn vào đám người đang chơi ném đĩa và dắt chó đi dạo. Vài người cũng thử chơi và dắt chó đi dạo. Tôi không chắc lắm về việc buổi biểu diễn sẽ diễn ra kiểu gì, nhưng có rất nhiều cảnh sát và mật vụ xung quanh khu vực. Bạn có thể nhận ra họ bởi vì, giống như Zit và Gỉ Mũi, họ để tóc kiểu Castro và mang dáng dấp Nebraska: hơi béo, tóc ngắn và bộ ria không được gọn gàng cho lắm. Họ cũng dạo quanh, trông có vẻ quái dị và không thoải mái trong những cái quần soóc quá khổ và áo sơ mi thả ngoài quần mà chắc chắn là để che đi các thiết bị được giắt quanh thắt lưng. Công viên Dolores khá đẹp và tràn đầy ánh nắng với những cây dừa, sân tennis, rất nhiều đồi và hàng cây thẳng tắp để mọi người chạy nhảy hay đi dạo xung quanh. Ban đêm, những người vô gia cư thường ngủ ở đây, nhưng ở khắp San Francisco cũng vậy cả thôi. Tôi gặp Ange dưới phố, trước hiệu sách vô chính phủ. Đây là ý tưởng của tôi. Nhìn lại, đây hiển nhiên là cách để tôi làm ra vẻ sành điệu và hấp dẫn với cô gái này, nhưng vào thời điểm đó tôi thề thốt rằng mình chọn nơi này vì nó thuận tiện. Khi tôi tới, cô đang đọc một cuốn sách tên là Up Against the Wall Motherf—ers. “Hay thật đấy,” tôi nói. “Cậu sẽ hôn mẹ cậu với cái miệng này hả?” “Mẹ cậu sẽ không phàn nàn đâu,” cô đáp. “Thực ra cuốn sách nói về lịch sử của một nhóm người giống như Yippie, nhưng đến từ New York. Những người đó dùng từ này như họ của mình, ví dụ ‘Ben M—F.’ Ý tưởng của họ là thành lập một nhóm chuyên đưa tin, nhưng với cái tên mà người ta không thể trưng lên báo. Chỉ để chơi lại giới truyền thông thôi. Cho vui ấy mà, thật đấy.” Cô đặt quyển sách lên giá, còn tôi thì tự hỏi có nên ôm cô không. Người California thường chào nhau hay tạm biệt bằng những cái ôm. Trừ khi họ không làm thế. Thỉnh thoảng họ cũng chào nhau bằng cách hôn nhẹ lên má. Nói chung rất khó hiểu. Ange gỡ rối cho tôi bằng cách ôm chầm lấy tôi, níu đầu tôi xuống hôn vào má và thổi phù một cái vào cổ tôi. Tôi bật cười và đẩy cô ra. “Cậu muốn ăn bánh burrito không?” tôi hỏi. “Đây là câu hỏi hay một câu khẳng định vậy?” “Cả hai đều không phải. Đây là mệnh lệnh.” Tôi đã mua vài cái đề can có dòng chữ buồn cười như “CHIẾC ĐIỆN THOẠI NÀY BỊ NGHE TRỘM.” Nó có kích cỡ vừa đủ để dán lên ống nghe của những chiếc điện thoại trả tiền trước vẫn xuất hiện trên đường phố ở Mission, nơi còn nhiều người không đủ tiền mua một cái điện thoại di động. Chúng tôi đi dạo dưới bầu trời đêm. Tôi kể cho Ange về khung cảnh công viên khi tôi rời đó. “Tớ cá là có hàng trăm xe tải đã chực sẵn quanh khu nhà,” cô quả quyết. “Họ nên tấn công bất ngờ thì hiệu quả hơn.” “Ừmm,” tôi nhìn quanh. “Tớ cứ hy vọng cậu sẽ nói những câu như ‘Ối, không đời nào họ làm thế được’ cơ đấy.” “Tớ không nghĩ đấy là ý kiến hay. Ý tưởng của mọi người là tập trung thật nhiều người dân vào một nơi để cảnh sát phải đứng trước quyết định: chúng ta định đối xử với những người dân bình thường này như những kẻ khủng bố hay sao? Hơi giống với trò đẩy cảnh sát vào thế mắc kẹt, nhưng dùng âm nhạc thay cho các thiết bị điện tử. Cậu cũng tham gia gây rối, phải không?” Đôi lúc tôi quên mất là tất cả các bạn của mình đều không biết Marcus và M1k3y là một. “Ừ, một chút,” tôi nói. “Lần này giống như bị kẹt trong một tá những ban nhạc tuyệt vời.” “Tớ hiểu rồi.” Burrito là một món ăn quen thuộc ở Mission này. Nó ngon, bổ và rẻ. Bạn hãy tưởng tượng một cái ống có kích thước bằng một cái kèn trumpet, được đổ đầy những miếng thịt xay cay, trộn với nước xốt bơ, xốt cà chua cay, hạt đậu luộc, gạo, hành và rau mùi. Nó với chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh Mexico Taco Bell có mối quan hệ thân thiết như Lamborghini và chiếc ô tô Hot Wheels vậy. Có khoảng hơn hai trăm quầy bán burrito ở Mission. Hầu hết đều xấu thậm tệ, chỗ ngồi không thoải mái, được trang trí qua loa - vài tấm poster bạc phếch của các hãng du lịch Mexico, những khung tranh hình Chúa Jesus và Đức mẹ Mary gắn bóng đèn, và thứ nhạc dân gian Mexico đặc trưng. Nhưng thứ mang lại phần lớn vẻ khác biệt cho những cửa hàng này chính là loại thịt kỳ lạ mà họ cho vào món ăn. Những quán nấu món burrito chính hiệu có cả món óc và lưỡi cừu hoặc bê, hai thứ mà tôi không bao giờ gọi, nhưng cũng hay khi biết chúng có trong thực đơn. Quán mà chúng tôi ghé vào có cả óc và lưỡi, nhưng chúng tôi không gọi. Tôi chọn thịt bò quay còn Ange chọn thịt gà xé, và mỗi đứa một cốc horchata lớn. Ngay sau khi tìm được chỗ ngồi, cô mở món bur- rito ra và lấy một cái lọ nhỏ từ trong ví. Đó là một cái bình xịt bằng thép không gỉ như kiểu bình xịt hơi cay tự vệ. Cô rắc nó lên phần nhân món burrito rồi xịt tiếp một lớp dầu đỏ tươi. Tôi hít phải một luồng hơi cay từ nó, họng tôi như bị nghẹn lại, hai mắt cay xè. “Trời đất, cậu đang làm gì với món burrito tội nghiệp, không có khả năng tự vệ thế?” Cô nở một nụ cười ranh mãnh. “Tớ bị nghiện đồ cay,” cô nói. “Và đây là capsaicin (3) đựng trong bình xịt.” “Capsaicin...” “Ừm, thứ này có trong bình xịt hơi cay. Nó giống như bình xịt hơi cay nhưng không đậm đặc bằng, bù lại thì nó ngon hơn nhiều. Hãy xem nó như Spicy Cajun Visine nếu nó giúp cậu hình dung được.” Chỉ nghĩ đến đó thôi, tôi đã cảm thấy hai mắt mình phát bỏng rồi. “Cậu đùa à?” tôi nói “Cậu sẽ không ăn nổi thứ đó đâu.” Ange nhướn mày. “Này cưng, nghe có vẻ là một lời thách thức. Hãy nhìn đây.” Cô quấn cái burrito một cách cẩn thận như gã nghiện quấn điếu cần sa, đẩy nốt phần đuôi vào, sau đó gói nó lại trong giấy thiếc. Cô bóc một đầu đưa lên miệng, giữ cái bánh ngay trước môi. Lúc cô cắn miếng burrito, tôi không thể nào tin là cô định làm như vậy. Ý tôi là, chính xác thì nó chỉ là một vũ khí phòng thân mà Ange mang theo khi đi ăn tối thôi mà. Cô cắn từng miếng một. Nhai. Nuốt. Người ta không thể không nghĩ cô đang ăn một bữa tối ngon lành. “Muốn thử không?” Ange hồn nhiên mời tôi. “Được thôi,” tôi đồng ý. Tôi thích đồ ăn cay. Ở mấy quán Pakistan, tôi luôn gọi món cà ri với bốn quả ớt khô đi kèm. Tôi bóc lớp vỏ giấy thiếc và cắn thử một miếng thật to. Hết sức sai lầm. Chắc bạn biết cảm giác khi cắn một miếng lớn món cải ngựa hay mù tạt hay bất cứ cái gì đại loại vậy, và sau đó bạn có cảm giác như thể xoang của bạn đang đóng lại cùng lúc với khí quản, đầu của bạn thì được đổ đầy khí nóng như lò phản ứng hạt nhân, khí nóng đó như chực thoát ra qua mắt và mũi đang giàn giụa nước? Cái cảm giác như thể hơi nước phun phì phì ra từ hai tai giống hệt những nhân vật hoạt hình ấy? Tình hình của tôi còn kinh khủng hơn. Nó giống như đưa tay vào lò nướng, và không chỉ tay, mà sâu cả trong đầu, thực quản, đến tận dạ dày. Cả người tôi đầm đìa mồ hôi, gần như nghẹt thở. Không nói một lời nào, Ange đưa tôi cốc horcha- ta, tôi vơ lấy ống hút cho vào miệng, hút một hơi thật mạnh hết nửa cốc. “Có một thước đo, thước đo Scoville, để những người người nghiện đồ cay như chúng ta có thể kiểm tra độ cay của hạt tiêu. Capsaicin nguyên chất là khoảng mười lăm triệu scoville. Hạt tiêu đỏ khoảng hai nghìn năm trăm. Hơi cay là ba triệu, khá dễ chịu. Loại nước xốt này chỉ có một trăm nghìn, nóng bằng hạt tiêu Scotch Bonnet loại thường. Mình biết nó một năm trước. Một vài loại thật sự cay thì có thể lên đến năm trăm nghìn hoặc hơn, cay gấp hai mươi lần hạt tiêu đỏ. Cay khủng khiếp. Với độ Scoville như thế thì não của cậu chắc chắn sẽ tắm sũng endorphin (4). Và nó tốt cho cậu.” Lúc này xoang của tôi đã thông trở lại và tôi có thể thở mà không cần phải há miệng ra nữa. “Tất nhiên, cậu sẽ có một cái vòng lửa khủng khiếp khi đi vệ sinh,” Ange vừa nói vừa nháy mắt với tôi. Úi chà. “Cậu điên rồi,” tôi thốt lên. “Câu nói thật là hay từ một người có sở thích lắp ráp và đập vỡ laptop.” “Hay lắm,” tôi nói và đưa tay chùi trán. “Muốn nữa không?” Ange giơ cái lọ ra. “Khỏi,” tôi nói nhanh đến nỗi cả hai đứa đều bật cười. Khi chúng tôi rời quán ăn và tiến về công viên Dolores, Ange vòng tay qua eo tôi và tôi chợt nhận ra cô cao vừa đủ để tôi quàng tay qua vai cô. Điều này thật mới mẻ. Thật hay. Cảm giác thật tuyệt. Tôi chưa bao giờ được coi là cao, và tất cả những cô gái tôi hẹn hò thì đều cao bằng tôi - con gái thường cao nhanh hơn con trai, đúng là một trò đùa tai quái của tự nhiên. Chúng tôi đến góc phố 20 và đi bộ thẳng đến Dolores. Chưa kịp bước tiếp thì chúng tôi đã cảm thấy luồng âm thanh ì ầm. Giống âm thanh của một triệu con ong. Vô số người đang đổ về công viên và khi nhìn vào, tôi thấy nó đông gấp hàng trăm lần so với lúc tôi đón Ange. Cảnh tượng này khiến cho các mạch máu của tôi sôi lên rần rần. Đêm nay đẹp tuyệt vời và chúng tôi sẽ tiệc tùng, tiệc tùng thật sự, tiệc tùng như thể không có ngày mai. “Ăn uống và vui chơi, bởi ngày mai chúng ta sẽ chết.” Không nói một lời nào, cả hai chúng tôi đều bước đi chậm rãi. Tôi thấy nhiều cảnh sát mặt mũi căng thẳng, nhưng họ định làm cái quái gì ở đây vậy. Có rất rất nhiều người trong công viên. Tôi không giỏi ước lượng số người cho lắm. Báo chí sau này đã trích lời ban tổ chức rằng có khoảng 20.000 người; cảnh sát thì nói là 5.000. Ta có thể hiểu con số thực tế là khoảng 12.500 người. Sao cũng được. Tôi chưa bao giờ đứng giữa một đám đông lớn như thế này, với tư cách là một phần của một sự kiện không có kế hoạch cụ thể, không được cho phép và bất hợp pháp. Ngay lúc này đây, chúng tôi đang hòa vào đám đông. Dù không thể khẳng định chắc chắn nhưng tôi không nghĩ rằng có ai đó quá hai mươi lăm tuổi trong cái đám người đang chen chúc xô đẩy này. Tất cả đều tươi cười. Có cả mấy đứa con nít, khoảng mười hay mười hai gì đó, điều này khiến tôi dễ chịu hơn. Sẽ không ai làm gì ngu ngốc với những đứa nhỏ này. Không ai muốn thấy chúng bị thương cả. Điều này sẽ chỉ làm cho bữa tiệc trở thành lễ hội đêm xuân tuyệt vời. Tôi thấy việc nên làm lúc này là chen vào khu vực sân tennis. Chúng tôi lách qua đám người, và để có thể đứng cạnh nhau, chúng tôi đã nắm lấy tay nhau. Chỉ đứng cùng nhau thôi thì không cần thiết phải đan những ngón tay vào nhau. Chúng tôi làm vậy hoàn toàn vì chúng tôi thấy dễ chịu. Vô cùng dễ chịu. Tất cả các ban nhạc đã ở trong sân tennis cùng với guitar, bộ hòa âm, keyboard và thậm chí cả một dàn trống. Sau đó, trên Xnet, tôi thấy nguyên một trang Flickr đăng toàn cảnh họ đang lén lút mang tất cả những dụng cụ đó vào trong, từng cái một, trong những túi đồ thể thao hay dưới áo khoác. Cùng với chúng là những bộ loa lớn, loại mà bạn có thể nhìn thấy ở những nơi bán hàng tự động, và trong số đó có cả một chồng... bình ắc quy ô tô. Tôi bật cười. Đúng là thiên tài! Đấy là cách họ cung cấp điện cho các thiết bị. Từ vị trí của mình, tôi có thể thấy đó là ắc quy của một chiếc ô tô hybrid, một chiếc Prius. Ai đó đã rút ruột một cái xe thân thiện với môi trường để cung cấp năng lượng cho buổi biểu diễn đêm nay. Những cục ắc quy này được xếp thành chồng bên ngoài sân, cạnh hàng rào và được nối với những ắc quy chính bằng dây điện kéo qua hàng rào sắt. Tôi đếm được hai trăm cục ắc quy! Chúa ơi. Chúng phải nặng đến một tấn. Họ không thể nào tổ chức được buổi biểu diễn này mà không dùng e-mail, wiki và danh sách địa chỉ liên lạc. Và những con người khôn ngoan này không thể nào lại thực hiện công tác chuẩn bị trên mạng Internet công khai được. Tất cả đã diễn ra trên Xnet, tôi dám cá như vậy. Chúng tôi chỉ đi loanh quanh trong đám đông một lúc khi các ban nhạc tập trung và thảo luận với nhau. Từ xa, tôi nhìn thấy Trudy Doo trong sân tennis. Trông cô ấy cứ như đang ở trong một cái chuồng vậy, giống như một đô vật chuyên nghiệp. Cô ấy mặc một cái áo không cổ te tua và mái tóc hồng chóe dài đến tận eo, đi tất màu bộ đội và giày kiểu Gothic gắn thép trùm qua ngón chân. Trong lúc tôi đang quan sát, cô lấy một cái áo jacket nặng trịch dùng khi đi xe máy, đeo găng tay của cầu thủ bóng chày và mặc áo lên giống như một cái áo giáp vậy. Tôi nhận ra có lẽ nó là áo giáp thật. Tôi cố gắng vẫy tay với Trudy, chắc là để gây ấn tượng với Ange, nhưng Trudy không nhìn thấy và tôi thì như một thằng ngốc nên tôi dừng lại. Năng lượng đang lan tỏa trong đám đông thật đáng kinh ngạc. Người ta vẫn thường nói về những thứ như “năng lượng” và “sự lan truyền” trong đám đông, nhưng chừng nào thực sự được chứng kiến điều đó, có lẽ bạn mới hiểu rằng đó không chỉ đơn thuần là nói cho hay. Không hề. Đó là những nụ cười có sức lan tỏa và ngoác đến tận mang tai trên mỗi gương mặt. Mọi người đều nhún nhảy theo một giai điệu thầm lặng nào đó, vai lắc lư. Những bước đi xoay vòng. Những câu chuyện đùa và những nụ cười. Những giọng nói căng thẳng và đầy hào hứng, giống như pháo hoa sắp nổ. Và bạn không thể làm gì khác ngoài việc trở thành một phần của buổi biểu diễn. Bởi vì thật sự bạn đã là một phần của nó. Vào lúc mà các ban nhạc bắt đầu bước ra, tôi hoàn toàn bị đắm chìm trong sự phấn khích của đám đông. Mở màn là điệu nhảy phổ biến của người Serbia - điệu nhảy Turbo, rất khó để tôi nắm bắt được cách nhảy. Tôi chỉ biết nhảy mỗi hai kiểu: vô thức (nhún nhảy và để tiếng nhạc chi phối bước nhảy) và punk (lắc lư cho đến khi kiệt sức). Tiếp theo là màn biểu diễn của nhóm hip hop Oakland trên giai điệu của một ban nhạc thrash metal. Sau đó là bài nhạc pop của những năm bảy mươi. Rồi Speedwhores bước ra sân khấu và Trudy Doo bước lên, cầm lấy míc: “Tôi là Trudy Doo và bạn đúng là ngu mới tin tôi. Tôi ba mươi hai tuổi và đã quá muộn cho tôi. Tôi đã quá mệt mỏi, bị bế tắc trong lối suy nghĩ cũ mòn. Tôi cứ cho rằng tự do là một điều hiển nhiên và cho phép người khác lấy nó đi. Các bạn là thế hệ đầu tiên lớn lên trong nhà tù chính trị Mỹ này, và các bạn biết rằng tự do của các bạn xứng đáng đến từng đồng xu cuối cùng.” Đám đông reo hò. Trudy Doo lướt nhanh những nốt nhạc trên cây đàn guitar, rồi người chơi bass, một cô to béo bự con với kiểu tóc ngắn emo, đôi bốt khổng lồ và một nụ cười mà bạn có thể dùng nó để mở bia, đã đặt nó xuống thật nhanh và thật mạnh. Tôi muốn nhảy lên. Tôi bật người. Ange cũng nhảy lên với tôi. Tối hôm đó, chúng tôi đã quá hào hứng khiến cơ thể sặc mùi mồ hôi và cần sa. Những cơ thể người xô đẩy chúng tôi từ mọi phía. Bọn họ cũng đang nhảy cẫng lên. “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” Trudy Doo gào lên. Chúng tôi cũng gào theo. Như cái họng của một con thú khổng lồ đang gầm rú. “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” “Đừng tin bất cứ ai trên 25!” Cô giập mạnh những nốt nhạc trên cây guitar của mình và một tay guitar khác, cô gái có vẻ kỳ bí với khuôn mặt toàn khuyên là khuyên, đang phiêu với những nốt nhạc điu-đi-điu-đi-đi ngày càng cao, vượt qua cả dây thứ mười hai. “Đây là thành phố của chúng ta. Đây là đất nước của chúng ta. Không một tên khủng bố nào có thể giành được nó chừng nào chúng ta còn tự do. Một khi chúng ta mất tự do, bọn khủng bố sẽ thắng! Hãy giành lại nó! Hãy giành lại nó! Các bạn đủ trẻ và đủ ngu ngốc để không biết rằng bạn không thể thắng, vì thế chính các bạn là những người có thể đưa chúng ta đến với chiến thắng. Hãy giành lại nó!” “HÃY GIÀNH LẠI NÓ!” Chúng tôi gầm lên. Cô lại giật mạnh cây guitar. Chúng tôi gào lên, thực sự rất rất ĐINH TAI NHỨC ÓC. Tôi nhảy đến khi mệt rũ và không thể nhấc chân lên được nữa. Ange nhảy ngay bên cạnh tôi. Nói một cách khoa học, chúng tôi đã cọ xát cơ thể đầy mồ hôi vào nhau trong khoảng vài tiếng, nhưng tin hay không thì tùy bạn, tôi hoàn toàn không bị kích thích vì việc này. Chúng tôi đã nhảy, đắm mình trong giai điệu và tiếng đập phá và tiếng hò reo đó - HÃY GIÀNH LẠI NÓ! HÃY GIÀNH LẠI NÓ! Khi không thể nào nhảy thêm được nữa, tôi túm tay Ange và cô quấn chặt cánh tay tôi như thể tôi đang giữ cô khỏi ngã xuống từ nóc một tòa nhà. Cô kéo mạnh tôi ra khỏi đám đông, nơi mát mẻ hơn và đỡ ngột ngạt hơn. Ở ngoài này, bên rìa công viên Dolores, chúng tôi được hít thở khí trời trong lành và mồ hôi trên người lập tức lạnh như nước đá. Cả hai rét run, vì thế Ange đưa cánh tay ôm lấy eo tôi. “Sưởi ấm cho tớ,” cô ra lệnh. Tôi không đợi thêm lời nào nữa. Tôi ôm cô. Tiếng tim cô đập như âm thanh dội lại của nhịp điệu dồn dập trên sân khấu - nhịp điệu đứt quãng, nhanh, dồn dập và không thể diễn tả bằng lời. Cả người cô ướt sũng mồ hôi, một thứ mùi rất tuyệt. Tôi biết người mình cũng đầy mùi mồ hôi. Mũi tôi chạm đỉnh đầu cô, và khuôn mặt cô thì ngay ở phía dưới cổ tôi. Cô đưa tay với lấy cổ tôi và ghì xuống thật mạnh. “Cúi xuống đây nào, tớ không có thang đâu.” Tôi cố mỉm cười khi nghe cô nói vậy, nhưng điều đó thật khó khi bạn đang hôn. Như tôi đã nói, tôi mới chỉ hôn ba cô gái trong đời. Hai người trong số họ thì chưa hôn bao giờ. Cô còn lại thì đã hẹn hò từ năm mười hai tuổi. Và cô ấy có một số vấn đề. Không ai trong số họ hôn như Ange. Cô có thể khiến đôi môi cô mềm mại như một miếng trái cây chín, cô không hề kẹp lưỡi mà để nó trượt trong miệng tôi, cùng lúc đó để môi tôi lún sâu trong miệng cô, vì thế tôi có cảm giác miệng tôi và miệng cô như hòa làm một. Tôi có thể nghe thấy chính tôi đang rên lên và siết chặt cơ thể cô trong tay mình. Chầm chậm, nhẹ nhàng, chúng tôi ngả dần xuống bãi cỏ. Chúng tôi ghì chặt lấy nhau, chỉ hôn và hôn. Cả thế giới như biến mất, chỉ còn những nụ hôn tồn tại. Tay tôi lần xuống eo của cô. Gấu chiếc áo phông. Bụng cô ấm áp, rốn cô mềm mại. Chúng rướn lên cao hơn. Cô đang rên rỉ. “Không phải ở đây,” cô nói. “Hãy ra chỗ đằng kia,” cô chỉ tay qua con phố, về phía nhà thờ trắng rất lớn, công viên Mission Dolores và phố Mission được đặt tên theo nó. Tay trong tay, chúng tôi bước nhanh về phía đó. Đằng trước nhà thờ này là những cột trụ cao to. Cô đẩy tôi dựa lưng vào một trong số những chiếc cột đó và một lần nữa kéo mặt tôi xuống gần mặt cô. Tay tôi lần về phía sau chiếc áo phông cô đang mặc một cách nhanh chóng và táo bạo, rồi trượt về trước ngực cô “Mở nó ở đằng sau,” cô thì thầm trong miệng tôi. Tôi đã phạm một lỗi ngớ ngẩn có thể làm hỏng tất cả. Tôi lại đưa bàn tay vòng ra sau tấm lưng rộng và vững chãi của cô, rồi tìm nút cài bằng những ngón tay đang run rẩy. Tôi lóng ngóng mất một lúc, thầm nghĩ đến những câu chuyện tếu về việc đàn ông mở áo lót của phụ nữ kém như thế nào. Tôi cũng chả hơn gì họ. Rồi nút cài tuột ra. Cô thở hổn hển trong miệng tôi. Tôi lướt tay khắp cơ thể cô và cảm thấy vùng nách cô ươn ướt - thật khiêu gợi và không hề khó chịu một chút nào - bầu ngực cô cọ cọ vào người tôi. Đúng lúc đó, tiếng còi bao động vang lên. Âm thanh đó lớn hơn tất cả những gì tôi đã từng nghe. Thứ âm thanh làm người ta giật nảy mình, như thể cái gì đó thổi bay bạn đi. Thứ âm thanh lớn đến mức cực đại mà tai bạn có thể tiếp nhận, rồi lớn hơn nữa. “GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC,” một giọng nói cất lên, nghe như giọng của Chúa dội vào hộp sọ tôi. “ĐÂY LÀ MỘT BUỔI TỤ TẬP BẤT HỢP PHÁP. GIẢI TÁN NGAY.” Ban nhạc đã ngừng chơi. Sự ồn ào của đám đông dọc các con phố đã thay đổi. Chuyển thành sợ hãi. Tức giận. Tôi nghe thấy một tiếng click từ hệ thống PA của loa ô tô và những bình ắc quy trong sân tennis được khởi động. “HÃY GIÀNH LẠI NÓ!” Nó như một lời thách thức, như tiếng bạn hét lên khi lướt sóng hay tiếng bạn gào lên khi đứng ở một vách đá. “GIÀNH LẠI NÓ!” Cả đám đông gầm lên, khiến tôi dựng tóc gáy. “GIÀNH LẠI NÓ!” tất cả cùng hòa âm. “GIÀNH LẠI NÓ GIÀNH LẠI NÓ GIÀNH LẠI NÓ!” Cảnh sát đứng thành hàng, đeo khiên chống đạn, đội mũ bảo hiểm kiểu Darth Vader (5) che cả khuôn mặt. Mỗi người đều cầm một dùi cui đen và đeo kính hồng ngoại. Họ trông giống những người lính bước ra từ một bộ phim chiến tranh giả tưởng về tương lai vậy. Họ đồng loạt tiến lên trước một bước, người nào cũng khua thanh dùi cui lên khiên, tạo ra tiếng lách cách như thể mặt đất đang nứt toác ra. Mỗi bước đi lại kèm theo một đợt âm thanh đó. Bọn họ đã bao quanh công viên và đang tiến gần vào. “GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC,” giọng nói của Chúa lại vang lên. Phía trên đầu chúng tôi lúc này là những chiếc trực thăng. Tuy nhiên không có ánh đèn pha nào rọi xuống. Đúng rồi, kính hồng ngoại. Tất nhiên rồi. Những người trên trực thăng cũng đeo kính hồng ngoại. Tôi kéo Ange trở lại lối vào nhà thờ, giấu mình khỏi cảnh sát và trực thăng. “GIÀNH LẠI NÓ!” tiếng loa gầm lên. Đó là tiếng thét của Trudy Doo và tôi nghe thấy tiếng đàn guitar của cô vút lên, rồi đến tiếng trống và tiếng bass trầm vang. “GIÀNH LẠI NÓ!” đám đông đáp lại, và họ tràn ra khỏi công viên ngay trước hàng cảnh sát. Tôi chưa bao giờ ở trong một cuộc chiến, nhưng giờ tôi nghĩ rằng mình đã biết nó là như thế nào. Nó chắc chắn phải giống như thế này khi mà những đứa trẻ sợ hãi xông về phía đối phương, chúng biết điều gì sẽ đến, chúng chạy trốn, la hét. “GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC,” giọng nói của Chúa nhắc lại. Nó vang lên từ mấy chiếc xe tải đỗ quanh công viên, những chiếc xe chắc chắn mới xuất hiện ở đó vài giây trước. Sương mù xuất hiện. Nó được phun ra từ những chiếc máy bay lên thẳng và chúng tôi chỉ mới dính một ít. Nó làm đỉnh đầu tôi có cảm giác như sắp vỡ ra. Nó làm xoang của tôi như bị đâm vỡ bởi rìu phá băng. Nó làm hai mắt tôi lồi ra, đầy nước và cổ họng thì tắc lại. Hơi cay. Không phải hai trăm nghìn Scoville. Một triệu rưỡi. Họ đã phun hơi cay vào đám đông. Tôi không thể nhìn thấy chuyện gì xảy ra sau đó, nhưng tôi có thể nghe thấy, nó lớn hơn âm thanh của tôi và Ange đang nín thở và ôm chặt lấy nhau. Lúc đầu là tiếng nghẹt thở, sau là những tiếng nôn ọe. Tiếng guitar, tiếng trống và tiếng bass tắt ngúm. Sau đó là tiếng ho. Rồi tiếng la hét. Tiếng la hét vang lên một lúc lâu. Khi tôi có thể nhìn thấy trở lại, cảnh sát đã cho trực thăng dừng ngay trên đỉnh đầu và những chiếc máy bay lên thẳng khiến toàn bộ công viên Dolores sáng rõ như ban ngày. May sao, lúc này ánh mắt của mọi người đều đổ dồn về phía công viên, vì ánh sáng mạnh như vậy sẽ đồng nghĩa với việc chúng tôi hoàn toàn vô hình. “Chúng ta làm gì giờ?” giọng cô sít lại và sợ hãi. Trong một giây, tôi đã không tin là mình có thể nói được. Tôi nuốt nước miếng vài lần. “Chúng ta đi thôi,” tôi nói. “Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Đi khỏi đây. Làm như chúng ta chỉ đi ngang qua. Đi xuống Dolores và rẽ trái, sau đó lên phố 16. Hãy làm như chúng ta chỉ đi ngang qua. Làm như chúng ta không liên quan gì tới việc này hết.” “Không được đâu,” Ange đáp. “Đó là cách duy nhất tớ nghĩ được.” “Cậu không nghĩ rằng chúng ta nên chạy luôn đi à?” “Không,” tôi khẳng định. “Nếu chúng ta chạy, họ sẽ đuổi theo. Có thể nếu chúng ta đi bộ, họ sẽ nghĩ là chúng ta chẳng làm gì cả và sẽ để chúng ta yên. Họ có rất nhiều người để bắt giữ. Họ sẽ bận rộn trong một thời gian dài.” Công viên đang lộn tung lên với hàng đống thân thể, người người đang cào cấu vào mặt mình và thở hổn hển. Cảnh sát thì kéo lê nách họ, sau đó bập còng vào cổ tay họ và xốc họ như những con búp bê giẻ rách. “Được chứ?” tôi hỏi lại Ange. “Được rồi,” cô đáp. Và chúng tôi đã làm y như kế hoạch. Đi bộ, nắm tay nhau, nhanh nhẹn và bận rộn, như hai người đang muốn tránh bất cứ rắc rối mà ai đó khác gây ra. Kiểu đi mà bạn chọn khi mà bạn giả vờ không nhìn thấy những kẻ ăn mày, hay không muốn dính líu vào các cuộc đánh nhau trên phố. Và nó đã có hiệu quả. Chúng tôi tiến đến góc phố, rẽ rồi đi tiếp. Không đứa nào dám hé miệng trong suốt thời gian đi qua hai khu nhà. Sau đó tôi mới dám thở phào, không hề biết rằng mình đã nín thở. Chúng tôi đến phố 16 rồi rẽ xuống phố Mission. Bình thường thì khu này khá đáng sợ vào lúc hai giờ đêm thứ Bảy. Nhưng đêm nay thì đỡ hơn nhiều, vẫn bọn nghiện, gái đứng đường, dân buôn ma túy, bán hàng rong và những gã say rượu. Không có cảnh sát cầm dùi cui, không có khí gas. “Ừmm,” tôi nói khi cả hai đang hít thở không khí buổi đêm. “Cà phê chứ?” “Về nhà thôi,” Ange nói. “ Tớ nghĩ bây giờ nên về. Cà phê để sau đi.” “Ừ,” tôi tán thành. Cô sống ở thung lũng Hayes. Tôi vẫy một chiếc taxi chạy ngang qua. Đúng là một điều may mắn, hiếm khi có taxi lúc bạn cần ở San Francisco. “Cậu có đủ tiền taxi đi về nhà chưa?” “Rồi,” cô nói. Người tài xế nhìn chúng tôi qua gương. Tôi mở cửa sau nên anh ta chưa thể đi được. “Ngủ ngon nhé,” tôi nói. Cô với tay ra sau gáy tôi, kéo mặt tôi về phía mình. Cô hôn tôi thật sâu, không hề khêu gợi nhưng như thế lại thân mật hơn. “Ngủ ngon,” cô thì thầm vào tai tôi, sau đó trườn vào trong xe. Đầu quay mòng mòng, mắt hoa lên, tâm can bị thiêu đốt bởi nỗi xấu hổ tột cùng vì đã bỏ lại tất cả những thành viên Xnet khác rơi vào tay DHS và SFPD (6), tôi bước về nhà. Sáng thứ Hai, thầy Fred Benson đứng sau bàn của cô Galvez. “Cô Galvez sẽ không lên lớp nữa,” ông ta lên tiếng khi tất cả chúng tôi đã ngồi vào chỗ. Ông ta có một vẻ thỏa mãn mà tôi nhận ra ngay lập tức. Theo linh cảm, tôi nhìn sang Charles để kiểm tra. Nó đang cười như thể hôm nay là sinh nhật nó và nó vừa được tặng món quà tuyệt vời nhất trên đời. Tôi giơ tay lên. “Tại sao?” “Đây là quy định của Hội đồng, không thảo luận những vấn đề của giáo viên với bất cứ ai khác ngoài chính giáo viên đó và hội đồng kỷ luật,” ông ta nói, thậm chí không thèm che giấu vẻ khoái trá của mình. “Chúng ta sẽ bắt đầu bài học mới ngày hôm nay, về an ninh quốc gia. SchoolBook có những bài mới. Hãy mở chúng ra và dừng lại ở trang đầu.” Trang đầu tiên được trang trí bởi logo của DHS và dòng tít: NHỮNG ĐIỀU MỌI NGƯỜI MỸ CẦN BIẾT VỀ AN NINH NỘI ĐỊA. Tôi chỉ muốn quăng cái SchoolBook của mình xuống sàn nhà. Tôi hẹn gặp Ange ở quán cà phê gần nhà cô sau giờ học. Tôi nhảy lên tàu và thấy mình ngồi sau hai gã mặc com lê. Họ đang xem tờ San Francisco Chronicle, trong đó có nguyên một trang được dành để nói về “cuộc bạo loạn của giới trẻ” trong công viên Mission Dolores. Họ ca thán và lo lắng về nó. Sau đó, một gã nói “Cứ như chúng nó bị tẩy não hay đại loại thế. Chúa ơi, chúng ta đã từng ngu ngốc như thế bao giờ chưa nhỉ?” Tôi đứng dậy và tìm một chỗ khác. Chú thích: 1. Những nhân vật trong bộ phim truyền hình nhiều tập Phố Sesame mang tính giáo dục và giải trí cho thiếu nhi của Mỹ. 2. Viết tắt của "laugh out loud": cười lớn. 3. Chiết xuất từ ớt. Đây cũng chính là chất tạo vị cay cho ớt. 4. Một chất giảm đau tự nhiên do cơ thể tiết ra. 5. Vai phản diện chính trong phim Chiến tranh giữa các vì sao. 6. Sở cảnh sát San Francisco. chương 13 Bọn chúng đúng là những con điếm,” Ange bật ra những lời ấy. “Nói cho đúng, như thế còn là xúc phạm cho những gái điếm chăm chỉ ở mọi nơi đấy. Chúng là, chúng là những kẻ trục lợi.” Chúng tôi đang xem đống báo vừa kiếm được và mang tới quán cà phê. Tờ nào cũng có những “bài tường thuật” về bữa tiệc ở công viên Dolores và nhìn chung thì họ làm cho nó nghe như một cuộc chè chén trác táng, say xỉn với rượu bia và chất kích thích của lũ trẻ, những người đã tấn công cảnh sát. USA Today liệt kê phí tổn của cuộc nổi loạn và tính cả chi phí cho việc rửa sạch khí độc còn sót lại sau vụ thả bom hơi độc, những cơn hen đang đe dọa làm tắc nghẽn các phòng cấp cứu của thành phố, và chi phí của việc xử lý tám trăm “kẻ nổi loạn” bị bắt giữ. Không ai kể câu chuyện từ vị thế của chúng tôi. “Dù sao thì, trên Xnet đã có tất cả,” tôi nói. Tôi đã lưu hàng đống blog, video và các trang ảnh vào điện thoại và cho cô xem. Chúng được lấy từ tài khoản trực tiếp của những người đã bị xịt khí gas và đánh cho tơi tả. Đoạn video chiếu cảnh tất cả chúng tôi đang nhảy múa, vui cười, những bài diễn văn chính trị đầy hòa khí, cảnh đám đông đồng thanh “Hãy giành lại nó”, cảnh Trudy Doo nói chúng tôi là thế hệ duy nhất có thể tin vào việc chiến đấu cho tự do của mình. “Chúng ta phải cho mọi người biết về việc này,” cô nói. “Ừ,” tôi rầu rĩ. “Về lý thuyết thì ý tưởng đó hay.” “Này, cậu nghĩ tại sai báo chí lại không hề viết câu chuyện từ phía chúng ta?” “Thì cậu đã nói đấy, chúng là những con điếm mà.” “Đúng thế, nhưng những con điếm làm vì tiền. Chúng sẽ bán được nhiều báo và quảng cáo hơn nếu chúng gây tranh cãi. Tất cả những gì chúng có bây giờ là một tội ác - tính chất gây tranh cãi thì lớn hơn nhiều.” “OK, hiểu rồi. Vậy thì tại sao bọn họ không làm như vậy? Hừm, phóng viên còn hiếm khi có thể tìm ra các blog bình thường chứ đừng nói đến Xnet. Đó không phải một nơi thực sự thân thiện với người lớn.” “Ừ,” cô nói. “Ôi, chúng ta có thể sửa lại nó mà, phải không?” “Hả?” “Lập trình lại tất cả. Đặt vào một nơi, với tất cả các đường dẫn. Nơi duy nhất mà cậu có thể truy cập, tạo điều kiện để giới báo chí dễ tìm ra nó và nắm bắt được toàn bộ câu chuyện. Kết nối nó tới mục LÀM THẾ NÀO của Xnet. Những người sử dụng Internet có thể được dẫn tới Xnet, miễn là họ không quan tâm đến việc DHS sẽ tìm ra họ đang xem trang web nào.” “Cậu nghĩ rằng nó sẽ hiệu quả à?” “Ừ, mà dù nó không hiệu quả đi chăng nữa thì nó cũng là một việc tích cực nên làm.” “Nhưng việc gì họ phải nghe chúng ta?” “Ai lại không nghe M1k3y chứ?” Tôi đặt tách cà phê xuống, nhấc điện thoại lên nhét vội vào túi. Tôi đứng dậy, quay gót bước ra khỏi quán. Tôi chọn một hướng bất kỳ và cứ thế đi. Mặt tôi căng ra, máu dồn hết xuống dạ dày đang lộn tùng phèo. Họ biết mày là ai, tôi nghĩ. Họ biết M1k3y là ai. Vậy là hết. Nếu Ange phát hiện ra thì DHS cũng sẽ phát hiện ra. Xong đời tôi rồi. Tôi đã biết điều này từ khi họ thả tôi ra khỏi chiếc xe tải đó, rằng một ngày nào đó họ sẽ tới bắt tôi và đem tôi đi mãi mãi, đưa tôi đến nơi mà Darryl đã tới. Mọi thứ đã kết thúc rồi. Cô gần như túm lấy tôi khi tôi tới phố Chợ. Cô đang thở dốc và trông hết sức tức giận. “Có vấn đề quái gì với Ngài vậy?” Tôi giằng khỏi tay cô ra và đi tiếp. Kết thúc rồi. Cô lại túm lấy tôi. “Dừng lại, Marcus, cậu đang làm tớ sợ chết khiếp đấy. Thôi nào, nói chuyện với tớ đi.” Tôi dừng lại nhìn cô. Hình ảnh của cô mờ đi trước mắt tôi. Tôi không thể tập trung vào bất cứ cái gì. Tôi có một ham muốn điên cuồng là nhảy ra trước một cái xe điện đang chạy ngang qua chúng tôi, nhảy ra giữa đường. Thà chết còn hơn là phải quay lại. “Marcus!” Cô làm cái việc mà tôi mới chỉ thấy người ta làm trong phim. Cô tát tôi, một cú trời giáng vào mặt. “Nói chuyện với tớ, khốn khiếp!” Tôi nhìn cô và đưa tay lên mặt, chỗ đang đau rát. “Không ai được biết tôi là ai cả,” tôi nói. “Tôi không thể nói đơn giản hơn được nữa. Nếu cậu biết rồi thì mọi việc kết thúc. Một khi người khác biết, tất cả sẽ kết thúc.” “Chúa ơi, mình xin lỗi. Nhìn tớ này, tớ chỉ biết bởi vì, ờ, bởi vì tớ đã tra hỏi Jolu. Sau bữa tiệc tớ đã lén theo dõi cậu, chỉ để biết cậu có tốt như vẻ bề ngoài của cậu không hay là một tên giết người bằng rìu ẩn danh. Tớ đã biết Jolu từ lâu và khi tớ hỏi cậu ấy về cậu, cậu ấy đã ca tụng như thể cậu là Chúa tái thế hay gì gì đó đại loại vậy, nhưng tớ có thể cảm thấy còn điều gì đó mà cậu ấy đã không nói với tớ. Tớ biết Jolu từ lâu lắm rồi. Cậu ấy đã hẹn hò với chị gái tớ ở trại hè máy tính hồi bé. Tớ biết khá nhiều chuyện xấu xa của cậu ấy. Tớ đã dọa sẽ nói với mọi người nếu cậu ấy không kể cho tớ.” “Vậy là cậu ta kể cho cậu.” “Không,” cô nói. “Cậu ấy bảo tớ biến xuống địa ngục đi. Rồi tớ kể cho cậu ấy nghe một bí mật của tớ. Một điều mà tớ chưa bao giờ kể cho ai.” “Cái gì?” Cô nhìn tôi. Nhìn quanh. Rồi nhìn lại tôi. “Thôi được, tớ sẽ không thề với cậu về sự bí mật vì nó chả có nghĩa lý gì cả. Hoặc là tớ có thể tin tưởng cậu, hoặc là không. “Năm ngoái, tớ...” cô ngập ngừng. “Năm ngoái tớ đã lấy trộm các đề kiểm tra tiêu chuẩn và công bố nó trên mạng. Đó chỉ là một trò đùa. Tớ tình cờ đi ngang qua văn phòng thầy hiệu trưởng và nhìn thấy ngăn bí mật của thầy ấy, cửa thì vẫn mở. Tớ lẻn nhanh vào đó - có sáu tập đề giống nhau và tớ cho một tập vào túi rồi chuồn đi. Khi tớ về nhà, tớ đã scan lại tất cả và tải chúng lên một trong những máy chủ của PirateParty ở Đan Mạch.” “Là cậu à?” tôi nói. Cô đỏ mặt. “Ừm. Đúng thế.” “Chúa ơi!” tôi nói. Nó là một thông tin động trời. Bộ Giáo dục nói rằng họ đã tốn mười triệu đô để sản xuất những bài kiểm tra Không Cho Đứa Trẻ Nào Thoát và rằng họ cũng phải đổ từng đấy tiền cho vụ đề thi bị lộ này. Họ gọi nó là “khủng bố giáo dục”. Giới truyền thông không ngừng đưa ra những suy đoán về động cơ chính trị của vụ rò rỉ, họ không biết liệu đó là sự phản đối của giáo viên, hay học sinh, hay một tên trộm, hay một nhà thầu bất bình trong chính phủ. “Chính là CẬU à?” “Chính là tớ,” cô nói. “Và cậu nói với Jolu điều này...” “Vì tớ muốn cậu ấy chắc chắn rằng tớ sẽ giữ bí mật. Nếu cậu ấy biết bí mật của tớ thì cậu ấy sẽ có thứ gì đó để tống tớ vào tù nếu tớ giăng bẫy. Cho đi một chút, nhận được một chút. Quid pro quo (1), giống như trong ‘Sự im lặng của bầy cừu’ ấy.” “Và cậu ấy tiết lộ cho cậu.” “Không,” cô nói. “Cậu ấy vẫn không chịu.” “Nhưng...” “Rồi tới kể cho cậu ấy rằng tớ mê mẩn cậu ra sao. Tớ đã lên kế hoạch để tự biến mình thành một con ngốc và tự đưa mình vào tay cậu ra sao. Lúc đó cậu ấy mới nói với tớ.” Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để nói lúc này. Tôi nhìn xuống ngón chân. Cô nắm lấy tay tôi, siết chặt nó. “Tớ xin lỗi vì ép cậu ấy phải nói ra. Cậu mới là người có quyền quyết định sẽ nói điều đó với tớ, nếu cậu định làm thế. Tớ không liên quan gì...” “Không,” tôi nói. Giờ khi đã biết làm thế nào cô tìm ra bí mật đó, tôi bắt đầu bình tĩnh. “Không, cậu nên biết. Cậu.” “Tớ,” cô nói. “Một chút của tớ.” “Được rồi, tớ chấp nhận. Nhưng còn một việc nữa.” “Là gì?” “Không có cách nào làm cho điều này bớt có vẻ khốn nạn, nhưng tớ cứ nói luôn. Mọi người hẹn hò với nhau - hay bất cứ từ nào khác để gọi việc chúng ta đang làm - rồi họ chia tay. Khi họ chia tay, họ tức giận với nhau. Đôi lúc thậm chí họ ghét nhau. Thật lạnh lẽo khi nghĩ điều đó sẽ xảy ra với chúng ta, nhưng cậu biết đấy, chúng ta phải nghĩ về nó.” “Tớ xin hứa rằng dù cậu có làm bất cứ điều gì với tớ thì cũng không thể khiến tớ phản bội bí mật của cậu được. Không gì hết. Vui vẻ với hàng tá em xinh tươi trên giường tớ khi mẹ tớ nhìn. Bắt tớ phải nghe Britney Spears. Phá hỏng laptop của tớ, đập nó bằng búa và ngâm vào nước biển. Tớ hứa. Không gì hết. Không bao giờ.” Tôi thở phào. “Ừm,” tôi nói. “Giờ là lúc thích hợp để hôn tớ rồi,” cô nói và ngẩng mặt lên. Dự án lớn kế tiếp của M1k3y trên Xnet là tập hợp tất cả những bài tường thuật có thể tìm thấy về bữa tiệc ĐỪNG TIN ở công viên Dolores. Tôi tạo một trang web lớn và gây thách thức nhất mà tôi có thể, thiết kế các mục theo địa điểm, thời gian và chủ đề - bạo lực cảnh sát, nhảy múa, hậu quả, hát hò. Tôi tải toàn bộ buổi hòa nhạc lên. Đó là khối lượng công việc khá lớn mà tôi đã hoàn thành trong thời gian còn lại của đêm hôm ấy. Và đêm tiếp theo. Rồi thêm một đêm nữa. Hộp thư của tôi tràn ngập lời gợi ý của mọi người. Họ gửi cho tôi hàng đống tài liệu từ điện thoại và camera bỏ túi của họ. Rồi tôi nhận được một e-mail từ một cái tên mà tôi nhận ra - Dr Eeevil (ba chữ e), một trong những chuyên gia bảo trì chính của ParanoidLinux. > M1k3y > Tôi đã xem thí nghiệm Xnet của cậu và vô cùng hứng thú. Ở Đức, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về những việc sẽ xảy ra với chính phủ khi họ mất kiểm soát. > Một điều cậu nên biết là mọi camera đều có một “dẫu nhiễu”(2) độc nhất có thể được sử dụng để sau này liên hệ một bức ảnh với một camera. Điều này có nghĩa là những bức ảnh cậu công bố trên trang của mình rất có thể sẽ được sử dụng để xác định người chụp ảnh, và họ sẽ bị bắt vì một lý do khác. > Rất may là không khó để loại bỏ những dấu nhiễu này, nếu cậu quan tâm. Có một tiện ích ở đĩa ParanoidLinux mà cậu đang sử dụng có thể làm điều này - nó được gọi là photonomous - ảnh vô danh, và cậu sẽ tìm thấy nó trong /usr/bin. Chỉ cần đọc hướng dẫn sử dụng để tham khảo cho chắc thôi. Đơn giản lắm. > Chúc cậu may mắn với những việc cậu đang làm. Đừng để bị tóm. Hãy luôn tự do. Luôn điên rồ. > Dr Eeevil Tôi xóa dấu nhiễu của tất cả các bức ảnh tôi đã đưa lên mạng rồi đăng lại, kèm theo một bài viết giải thích những gì Dr Eeevil đã nói, cảnh báo mọi người nên làm theo. Chúng tôi đều cài đặt cùng một phần mềm ParanoidXbox cơ bản nên cũng có thể ẩn danh những bức ảnh của mình. Tôi không thể làm gì với những bức ảnh đã được tải xuống và lưu lại trên bộ nhớ mạng, nhưng từ giờ trở đi chúng tôi sẽ khéo léo hơn. Đó là tất cả những gì mà tôi cho là quan trọng, cho tới khi tôi xuống nhà vào bữa sáng ngày hôm sau, mẹ tôi đang nghe kênh tin tức buổi sáng NPR trên radio. “Hãng thông tấn xã Ả Rập Al-Jazeera đang đưa những hình ảnh, đoạn video và những bài tường thuật đầu tiên về vụ việc nổi loạn của các thanh thiếu niên hồi cuối tuần trước ở công viên Mission Dolores,” phát thanh viên nói trong khi tôi đang uống một cốc nước cam. Tôi cố gắng để không phun nước cam ra khắp phòng, nhưng quả thực là tôi đã bị sặc một chút. “Phóng viên của Al-Jazeera khẳng định những bài tường thuật này được công bố trên một thứ gọi là ‘Xnet’, một mạng lưới bí mật do các học sinh và những kẻ đồng tình với Al-Quaeda sử dụng tại khu Vịnh. Lâu nay, người ta vẫn đồn đại về sự tồn tại của mạng lưới này, nhưng ngày hôm nay đã đánh dấu sự lên tiếng chính thức của nó.” Mẹ tôi lắc đầu. “Đúng là những thứ chúng ta cần,” bà nói. “Cứ như là cảnh sát chưa đủ tệ không bằng. Những đứa trẻ chạy quanh, giả bộ làm du kích và cho cảnh sát một lý do để đàn áp không nương tay.” “Các weblog của Xnet đã xuất hiện hàng trăm bài tường thuật và tệp tin đa phương tiện từ những thanh thiếu niên có mặt trong cuộc nổi loạn và khẳng định rằng họ đã tụ tập một cách hòa bình cho tới khi cảnh sát tấn công họ. Sau đây là một trong những bài tường thuật. “ ‘Tất cả chúng tôi đều đang nhảy múa. Tôi dẫn cả em trai tôi theo. Các ban nhạc chơi nhạc và chúng tôi nói chuyện về tự do, về cái cách mà chúng tôi đã để mất tự do vào tay những kẻ khốn kiếp luôn miệng nói rằng họ ghét khủng bố nhưng lại tấn công chúng tôi dù chúng tôi không phải quân khủng bố, chúng tôi là người Mỹ. Tôi nghĩ bọn họ ghét tự do, chứ không phải chúng tôi. “ ‘Chúng tôi nhảy múa, các ban nhạc đang chơi, mọi thứ đều vui vẻ và tuyệt vời cho tới khi cảnh sát bắt đầu hét lên bắt chúng tôi giải tán. Chúng tôi gào lên hãy giành lại nó! Tức là hãy giành lại nước Mỹ. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào chúng tôi. Em trai tôi mới chỉ mười hai tuổi. Nó đã phải nghỉ học ba ngày. Hai vị phụ huynh ngốc nghếch của tôi nói rằng đó là lỗi của tôi. Thế còn cảnh sát thì sao? Chúng tôi trả tiền cho họ và họ đáng ra phải bảo vệ chúng tôi chứ không phải là xịt hơi cay vào chúng tôi mà không có lý do chính đáng, tấn công chúng tôi như thể tấn công quân thù.’ “Những bài tường thuật tương tự, bao gồm cả audio và video, có thể được tìm thấy trên trang web của Al-Jazeera và trên Xnet. Các bạn có thể tìm thấy hướng dẫn để truy cập Xnet trên trang chủ của NPR.” Bố tôi đi xuống. “Con có sử dụng Xnet không?” ông hỏi. Ông nhìn tôi một cách căng thẳng. Tôi cảm thấy ruột mình quặn lại. “Nó dùng để chơi điện tử,” tôi đáp. “Phần lớn mọi người sử dụng nó để chơi điện tử. Chỉ là một mạng lưới không dây. Đó là điều mọi người làm với những hộp Xbox miễn phí được phát năm ngoái.” Ông quắc mắt nhìn tôi. “Trò chơi? Marcus, con không nhận ra điều này, nhưng con đang góp phần che giấu cho những kẻ đang có kế hoạch tấn công và phá hoại đất nước này. Bố không muốn thấy con sử dụng Xnet. Không bao giờ nữa. Bố đã nói rõ chưa?” Tôi muốn cãi lại. Trời ơi, tôi muốn lắc vai ông. Nhưng tôi không thể. Tôi nhìn sang hướng khác. Tôi nói, “Vâng, thưa bố.” Rồi đi học. Lúc đầu tôi thở phào khi biết nhà trường không để thầy Benson dạy lớp Nghiên cứu Xã hội của tôi nữa. Nhưng người phụ nữ họ tìm được để thay thế ông ta hóa ra lại là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đời tôi. Cô ta trẻ, chỉ khoảng 28 hoặc 29, và đẹp theo một cách khỏe mạnh. Tóc cô ta vàng và nói giọng miền Nam khi tự giới thiệu với chúng tôi dưới cái tên Bà Andersen. Và việc này ngay tức khắc phát ra một hồi chuông báo động. Tôi không biết bất kỳ người phụ nữ nào dưới sáu mươi tuổi tự gọi mình là “bà”. Nhưng tôi bỏ qua chi tiết này. Cô ta trẻ, đẹp và có lối nói chuyện dễ chịu. Có lẽ cô ta sẽ OK thôi. Nhưng cô ta không OK chút nào. “Trong những trường hợp nào thì nhà nước liên bang nên chuẩn bị đình chỉ hiệu lực của Luật Nhân quyền?” cô ta hỏi, quay mặt về phía bảng và viết một dãy số, từ một tới mười. “Không bao giờ,” tôi nói, không chờ được gọi. Câu này quá dễ. “Các quyền trong Hiến pháp là tuyệt đối.” “Đó không phải là một cách nhìn sắc sảo.” Cô ta nhìn vào sơ đồ chỗ ngồi. “Marcus, ví dụ, nếu một cảnh sát điều khiển một cuộc truy tìm sai quy cách - anh ta vượt quá quyền hạn trong giấy phép của mình. Anh ta đã tìm ra những bằng chứng thuyết phục rằng một kẻ xấu đã giết bố em. Đó là bằng chứng duy nhất tồn tại. Kẻ xấu đó có nên được tự do không?” Tôi biết câu trả lời, nhưng không thể giải thích nó rõ ràng. “Vâng,” cuối cùng tôi nói. “Nhưng cảnh sát không nên tiến hành những cuộc tìm kiếm sai quy cách...” “Sai rồi,” cô ta nói. “Phản ứng thích đáng đối với hành động sai quy cách của cảnh sát là kỷ luật viên cảnh sát đó, chứ không phải trừng phạt cả xã hội chỉ vì sai lầm của một cảnh sát.” Cô ta viết “Phạm tội ác” bên dưới số một trên bảng. “Còn trường hợp nào khác mà Luật Nhân quyền có thể bị hủy bỏ không?” Charles giơ tay lên. “Nã đạn vào một buổi hòa nhạc đông người?” “Tốt lắm...” cô ta tham khảo sơ đồ lớp học - “Charles. Có rất nhiều ví dụ mà trong đó Tu Chính Án thứ nhất không phải là tuyệt đối. Hãy liệt kê thêm những trường hợp khác.” Charles lại giơ tay một lần nữa. “Đe dọa một sĩ quan cảnh sát đang thi hành công vụ.” “Đúng thế, vạch trần danh tính của một cảnh sát ngầm hay một sĩ quan tình báo. Rất tốt.” Cô ta viết lên bảng. “Còn gì nữa?” “An ninh quốc gia,” Charles nói, không chờ được gọi lần nữa. “Phỉ báng. Khiêu dâm. Xâm hại trẻ vị thành niên. Khiêu dâm trẻ em. Công thức chế tạo bom.” Bà Andersen nhanh chóng viết lên bảng, nhưng dừng lại ở khiêu dâm trẻ em. “Khiêu dâm trẻ em chỉ là một dạng của khiêu dâm.” Tôi cảm thấy phát bệnh. Đây không phải là những thứ tôi đã được học hay đã tin tưởng về đất nước mình. Tôi giơ tay lên. “Gì thế, Marcus?” “Em không hiểu điều này. Cô làm như thể Luật Nhân quyền là một sự lựa chọn. Đó là Hiến pháp. Chúng ta phải tuyệt đối tuân theo.” “Đó là một sự đơn giản hóa quá mức mà chúng ta hay gặp,” cô ta dành cho tôi một nụ cười giả tạo. “Nhưng trên thực tế những người viết ra khung Hiến pháp đã dự tính nó sẽ được sửa đổi theo thời gian. Họ hiểu rằng nền Cộng hòa sẽ không thể tồn tại mãi mãi nếu nhà nước của thời đó không có khả lãnh đạo dựa theo nhu cầu thời đại. Họ không bao giờ muốn Hiến pháp được nhìn nhận như một học thuyết tôn giáo. Sau tất cả, họ muốn nó không phải là một học thuyết tôn giáo.” Tôi lắc đầu. “Sao ạ? Không. Họ là những thương gia và thợ thủ công trung thành với nhà vua cho tới khi nhà vua ban hành những chính sách đi ngược lại lợi ích của họ và bức ép họ tàn nhẫn. Những kẻ tị nạn tôn giáo đã xuất hiện từ trước đó.” “Vài người trong số những người thành lập Hiến pháp xuất thân từ thành phần tị nạn tôn giáo,” cô ta nói. “Và Luật Nhân quyền không phải một thứ mà cô nhặt lên để chọn lựa. Điều mà những người thành lập Hiến phát ghét là sự chuyên chế. Đó là điều mà Luật Nhân quyền chống lại. Họ là một đội quân cách mạng và họ muốn thiết lập một loạt nguyên tắc mà mọi người đều nhất trí. Sự sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Quyền của con người được chống lại những kẻ áp bức họ.” “Đúng, đúng,” cô ta xua xua tay với tôi. “Họ tin vào quyền được hạ bệ vua chúa của con người, nhưng...” Charles đang nhe răng cười và khi cô ta nói, nụ cười của nó thậm chí còn lớn hơn. “Họ đã viết nên Luật Nhân quyền vì họ nghĩ rằng việc có quyền lợi tuyệt đối hay hơn là việc mạo hiểm để ai đó tước nó đi. Như Tu Chính Án thứ nhất: nó được cho là sẽ bảo vệ chúng ta bằng việc ngăn chính phủ tạo nên hai hình thức ngôn luận: ngôn luận được cho phép và ngôn luận bất hợp phát. Họ không muốn đối mặt với rủi ro là một tên khốn nào đó quyết định rằng những thứ hắn thấy không thoải mái là bất hợp pháp.” Cô ta quay lại và viết, “Sự sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” lên bảng. “Chúng ta đang đi xa hơn một chút so với bài học, nhưng dường như các em tiếp thu rất nhanh.” Những người khác cười căng thẳng. “Vai trò của nhà nước là đảm bảo cho công dân quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Theo đúng thứ tự đó. Như một bộ lọc vậy. Nếu nhà nước muốn làm gì đó khiến chúng ta hơi không vui một chút, hoặc lấy một chút tự do của chúng ta, cũng không sao, họ làm thế để bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Vì thế cảnh sát có thể nhốt các em lại nếu họ nghĩ rằng các em là một mối nguy với bản thân hay những người khác. Các em mất tự do và hạnh phúc để bảo vệ cuộc sống. Nếu các em được sống, các em có thể đạt được tự do và hạnh phúc.” Vài đứa giơ tay lên. “Như thế không có nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, nếu họ nói việc này để ngăn chặn ai đó sẽ làm hại chúng ta trong tương lai chứ ạ?” “Đúng,” một đứa khác nói. “Điều này nghe như thể ý cô là an ninh quốc gia quan trọng hơn Hiến pháp.” Tôi thật tự hào vì đám bạn đồng môn của mình. Tôi nói, “Làm sao cô có thể bảo vệ tự do bằng việc hủy bỏ hiệu lực của Luật Nhân quyền?” Cô ta lắc đầu với chúng tôi như thể chúng tôi là một đám chậm tiêu. “Những bậc tiền bối ‘cách mạng’ viết ra Hiến pháp đã bắn chết những kẻ phản bội và gián điệp. Họ không tin vào sự tự do tuyệt đối, không tin khi mà nó đe dọa tới nền Cộng hòa. Giờ nếu các em xem xét những thành viên Xnet đó...” Tôi rất cố gắng để không cứng đờ người ra. “...những kẻ được gọi là thành phần quấy rối trên bản tin sáng nay. Sau khi thành phố này bị tấn công bởi những kẻ đã tuyên bố chiến tranh với đất nước, thành viên Xnet đã bắt đầu phá hoại các biện pháp an ninh được lập ra để bắt kẻ xấu và ngăn không cho chúng lặp lại tội ác. Họ làm điều này bằng cách đe dọa và gây ra sự bất tiện cho các cư dân sống cùng thành phố với họ.” “Họ làm thế để chứng minh rằng quyền lợi của chúng ta đang bị cướp đi nhân danh việc bảo vệ!” tôi nói. OK, tôi đã hét. Chúa ơi, cô ta khiến tôi tức xì khói. “Họ làm việc này bởi vì chính phủ đã đối xử với mọi người như thể ai cũng là những kẻ khủng bố bị tình nghi.” “Vậy là chúng muốn chứng minh rằng chúng không nên bị đối xử như những kẻ khủng bố,” Charles quát lại, “nên chúng hành động như những kẻ khủng bố phải không? Chúng muốn khủng bố phải không?” Tôi tức sôi lên. “Ôi vì Chúa. Khủng bố? Họ chỉ muốn chứng minh rằng sự giám sát toàn diện còn nguy hiểm hơn khủng bố. Hãy nhìn những gì đã xảy ra trong công viên cuối tuần trước. Những con người này đang nhảy múa và nghe nhạc. Làm sao việc này có thể là khủng bố được?” Cô giáo đi ngang phòng học và dừng ở bàn tôi, đứng lù lù trước mắt tôi cho tới khi tôi im mồm. “Marcus, dường như em đang nghĩ rằng không có gì thay đổi trên đất nước này. Em cần phải hiểu rằng vụ đánh bom ở Cầu Vịnh đã thay đổi mọi thứ. Hàng nghìn bạn bè, họ hàng của chúng ta đã nằm chết ở đáy Vịnh. Đây là lúc cả nước phải đồng tâm hiệp lực để đối mặt với hành vi lăng mạ bằng bạo lực mà đất nước ta đã phải trải qua...” Tôi đứng lên. Tôi đã nghe đủ những thứ rác rưởi kiểu “mọi thứ đã thay đổi” rồi. “Cả nước đồng tâm hiệp lực? Điều tạo nên nước Mỹ là chúng ta là một quốc gia nơi những người bất đồng quan điểm được chào đón. Chúng ta là đất nước của những người bất đồng quan điểm, những chiến binh, những người bỏ ngang đại học và những người được tự do ngôn luận.” Tôi nghĩ về bài học cuối cùng của cô Galvez và hàng nghìn sinh viên Berkeley vây quanh xe cảnh sát khi cảnh sát muốn bắt giữ anh chàng đã phân phát tài liệu về dân quyền. Không một ai cố gắng dừng mấy chiếc xe tải đó lại khi chúng chở những người nhảy múa trong công viên đi. Tôi đã không cố gắng. Tôi đã bỏ chạy. Có lẽ mọi thứ đã thay đổi. “Cô tin em biết văn phòng thầy Benson ở đâu,” cô ta nói với tôi. “Em đi đến gặp thầy ấy ngay lập tức. Cô sẽ không để lớp học của mình bị ngắt quãng bởi những hành vi thiếu tôn trọng. Còn ai tự nhận mình yêu tự do ngôn luận, các em hẳn là sẵn sàng quát vào mặt bất cứ ai bất đồng quan điểm với mình.” Tôi cầm SchoolBook và túi lên rồi lao ra ngoài. Cửa ra vào tự đóng bằng lớp khí nén nên tôi không thể đóng sầm cửa lại, chứ không tôi đã làm như vậy rồi. Tôi phóng nhanh tới văn phòng thầy Benson. Các camera ghi lại hình tôi đang đi. Dáng đi của tôi được thu lại. Thẻ RFID trong thẻ học sinh của tôi phát thông tin nhận dạng tôi cho những bộ cảm ứng trong hành lang. Cứ như trong tù vậy. “Đóng cửa lại, Marcus,” thầy Benson nói. Ông ta xoay màn hình lại để tôi có thể thấy đoạn video từ lớp học môn Nghiên cứu Xã hội. Ông ta đã theo dõi. “Trò có gì để biện hộ cho bản thân không?” “Đó không phải là dạy học, đó là tuyên truyền. Cô ấy nói với chúng em rằng Hiến pháp không quan trọng!” “Không phải, cô ấy nói đó không phải học thuyết tôn giáo. Và em đã tấn công cô ấy như thể một kẻ theo trào lưu chính thống, chứng minh rõ điều cô nói. Marcus, hơn ai hết, trò nên hiểu rằng mọi việc đã thay đổi khi cây cầu bị nổ tung. Bạn của trò, Darryl...” “Thầy đừng nói bất cứ cái gì về cậu ấy,” tôi nói, cơn giận sôi lên sùng sục. “Thầy không được nói về cậu ấy. Vâng, em hiểu rằng giờ mọi thứ đã khác. Chúng ta đã từng là một đất nước tự do. Giờ thì không.” “Marcus, trò có biết ‘quyết không dung thứ’ nghĩa là gì không?” Tôi lùi lại. Họ có thể đuổi tôi khỏi trường vì “hành vi hăm dọa”. Nó dành để chống lại những băng nhóm thanh thiếu niên khi chúng đe dọa thầy cô. Nhưng tất nhiên ông ta sẽ không mảy may ân hận khi áp dụng nó với tôi. “Có,” tôi nói. “Em biết nó là gì.” “Tôi nghĩ trò nợ tôi một lời xin lỗi,” ông ta nói. Tôi nhìn ông ta. Ông ta hầu như không thể kìm nén được một nụ cười độc ác. Một phần trong tôi muốn phủ phục. Muốn tôi cầu xin ông ta tha thứ bất chấp tất cả sự xấu hổ của mình. Tôi cố dìm phần này xuống và thà bị tống cổ khỏi trường còn hơn là xin lỗi. “Các chính phủ đều bắt nguồn từ nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, nên bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.” Tôi nhớ rõ từng từ một. Ông ta lắc đầu. “Nhớ một việc không có nghĩa là hiểu một việc đó, con trai.” Ông ta cúi xuống máy tính và nhấp chuột. Máy in kêu vo vo. Ông ta đưa cho tôi một tờ giấy còn ấm có tiêu đề của Bộ thông báo rằng tôi bị đình chỉ hai tuần. “Giờ tôi sẽ gửi e-mail cho bố mẹ của trò. Nếu trò vẫn ở trong khuôn viên của trường sau ba mươi phút nữa, trò sẽ bị bắt vì tội xâm nhập.” Tôi nhìn ông ta. “Trò không muốn tuyên chiến với tôi trong ngôi trường của tôi đâu,” ông ta nói. “Trò không thể chiến thắng đâu. ĐI ĐI!” Tôi bỏ đi. Chú thích: 1. Từ gốc tiếng Latin, có nghĩa là "cho một điều gì đó để giành được một điều khác." 2. Noise signature. chương 14 Xnet chẳng vui lắm vào giữa ngày học, khi mà tất cả những người sử dụng nó đều ở trường. Tôi nhét tờ giấy đã gấp lại vào túi sau quần bò, rồi ném nó lên bàn khi về đến nhà. Tôi ngồi trong phòng khách và bật ti vi lên. Tôi thì chẳng bao giờ xem ti vi, nhưng tôi biết bố mẹ có xem. Ti vi, radio và báo chí là nơi họ thu thập tất cả những ý niệm của mình về thế giới. Các tin tức thật khủng khiếp. Có quá nhiều lý do để sợ hãi. Lính Mỹ đang hy sinh khắp nơi trên thế giới. Và không chỉ những người lính. Những người bảo vệ tổ quốc, từng nghĩ rằng mình đăng ký nhập ngũ là để giải cứu con người khỏi những cơn bão, giờ lại đóng quân ở nước ngoài ròng rã mấy năm trời trong một cuộc chiến dài không có hồi kết. Tôi dò qua các kênh tin tức 24 giờ, hết kênh này đến kênh khác, một cuộc diễu hành của các quan chức đang cho chúng ta thấy tại sao chúng ta nên sợ hãi. Một cuộc diễu hành của những bức ảnh về bom rơi đạn nổ khắp nơi trên thế giới. Tôi tiếp tục bật sang kênh khác và nhận ra mình đang nhìn một khuôn mặt quen thuộc. Đó là người đã lên xe tải và nói chuyện với người phụ nữ có mái-tóc- cắt-bằng khi tôi đang bị trói ở phía sau. Mặc quân phục. Dòng chú thích cho biết ông ta là Trung tướng Graeme Sutherland, Chỉ huy Khu vực, DHS. “Tôi đã có trong tay tài liệu giấy trắng mực đen được đưa ra tại cái gọi là buổi hòa nhạc ở công viên Dolores cuối tuần trước.” Ông ta đưa lên một xấp các tờ gấp. Tôi nhớ là đã có rất nhiều người làm tờ gấp ở đó. Nơi đâu ở San Francisco có một nhóm người tụ tập thì nơi đó có các tờ gấp như thế này. “Tôi muốn anh xem những thứ này một lúc. Để tôi đọc cho anh tiêu đề của chúng. KHI KHÔNG CÓ SỰ CHẤP THUẬN CỦA NGƯỜI BỊ TRỊ: HƯỚNG DẪN CÔNG DÂN LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN. Cái này nữa, NHỮNG VỤ NỔ BOM 11/9 CÓ THỰC SỰ XẢY RA? Một cái khác, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỐNG LẠI HỌ BẰNG CHÍNH AN NINH CỦA HỌ. Những tài liệu này cho chúng ta thấy mục đích thực sự của vụ tập trung trái phép vào đêm thứ Bảy. Đây không chỉ đơn thuần là sự tập trung không an toàn của hàng ngàn người mà không có sự thận trọng thích hợp, thậm chí không có cả nhà vệ sinh. Đó là cuộc mít tinh tuyển mộ của kẻ thù. Đó là một nỗ lực để làm hư trẻ em bằng việc khiến chúng mang trong đầu ý nghĩ rằng nước Mỹ không nên tự bảo vệ mình. “Hãy xem câu khẩu hiệu này, ĐỪNG TIN AI TRÊN 25. Còn có cách nào để đảm bảo sao cho không một cuộc thảo luận người lớn, được xem xét chu đáo và cân nhắc mọi lẽ nào xâm nhập được vào thông điệp ủng hộ khủng bố tốt hơn là cách loại trừ người lớn, giới hạn nhóm của bạn để nó chỉ bao gồm những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng mà thôi? “Khi cảnh sát đến hiện trường, họ thấy cuộc mít tinh tuyển mộ cho kẻ thù nước Mỹ đang được tiến hành. Việc tụ tập đã quấy rối buổi đêm của hàng trăm cư dân trong vùng, không ai trong số họ được hỏi ý kiến về việc lập kế hoạch cho bữa tiệc ồn ào kéo dài suốt đêm này. “Họ ra lệnh những người này giải tán - đó là những gì thấy được trên cả đoạn phim - và khi những người tham gia bị những nhạc công trên sân khấu thúc giục quay ra tấn công cảnh sát, cảnh sát đã dẹp yên bằng những kỹ thuật kiểm soát đám đông không gây thương vong. “Đối tượng bị bắt giữ là bọn đầu sỏ và những kẻ kích động đã dẫn đầu các thanh niên bị ảnh hưởng ở đó tấn công hàng rào cảnh sát. 827 người đã bị bắt giữ. Rất nhiều người trong số này có tiền án tiền sự. Trong đó có hơn 100 người chưa thi hành án. Chúng vẫn đang bị bắt giữ. “Thưa quý vị, nước Mỹ đang chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng không có nơi nào mà đất nước này phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn là chính nhà mình. Chúng ta đang bị tấn công hoặc bởi những kẻ khủng bố hoặc bởi những kẻ ủng hộ chúng.” Một phóng viên giơ tay lên hỏi, “Tướng Sutherland, chắc ông không cho rằng những đứa trẻ này là những người đi theo khủng bố chỉ bởi vì chúng tham gia một bữa tiệc trong công viên chứ?” “Tất nhiên là không. Nhưng khi những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng bởi kẻ thù của đất nước chúng ta, họ rất dễ bị đưa vào tròng. Bọn khủng bố muốn tuyển mộ gián điệp phản quốc để chiến đấu trên chính mặt trận bên kia cho chúng. Nếu những người này là con cái của tôi, tôi sẽ thực sự lo ngại.” Một phóng viên khác chen vào. “Chắc chắn đây chỉ là một buổi hòa nhạc ngoài trời, thưa Trung tướng? Khó có khả năng họ đang luyện tập với súng trường.” Vị Trung tướng đưa ra một tập ảnh và giơ lên. “Đây là những bức ảnh mà các sĩ quan đã chụp bằng máy ảnh hồng ngoại trước khi họ xông vào.” Ông giơ những bức ảnh bên cạnh mặt mình và lần lượt giở từng cái. Chúng cho thấy mọi người đang nhảy múa điên cuồng, vài người bị xô đẩy hoặc giẫm đạp. Sau đó chúng chuyển sang cảnh làm tình gần đám cây, một cô gái với ba tên con trai, hai gã đang âu yếm nhau. “Có cả những em bé mới chỉ mười tuổi trong buổi diễn này. Một ly cocktail chết người pha ma túy, tuyên truyền kích động và âm nhạc đã dẫn đến hàng tá thương vong. Cũng thật lạ khi không có ai thiệt mạng.” Tôi tắt ti vi. Họ làm cho nó giống như một cuộc nổi loạn. Nếu bố mẹ tôi nghĩ tôi đã ở đó, chắc họ sẽ trói tôi vào giường trong một tháng và chỉ cho tôi ra ngoài sau khi bắt tôi đeo vòng cổ dò tìm. Nhân tiện, chắc họ sẽ phát điên khi biết tôi bị đình chỉ. Họ không chịu nổi tin này. Bố muốn phạt tôi, nhưng mẹ và tôi đã thuyết phục ông không làm thế. “Anh biết là thầy hiệu phó đã có vấn đề với Marcus hàng năm nay,” mẹ nói. “Lần trước chúng ta gặp thầy, anh đã nguyền rủa ông ấy suốt một tiếng đồng hồ sau đó. Em nghĩ từ ‘tên khốn’ đã được anh lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.” Bố tôi lắc đầu. “Phá hỏng một giờ học để tranh cãi chống lại Cục An ninh Nội địa...” “Đó là một giờ học Nghiên cứu Xã hội bố ạ,” tôi nói. Tôi không còn quan tâm đến điều gì nữa, nhưng tôi cảm thấy nếu mẹ cứ tiếp tục dính vào chuyện này vì tôi thì tôi nên giúp bà thoát ra. “Bọn con đang nói về DHS. Không phải tranh luận được cho là lành mạnh sao?” “Nghe này, con trai,” bố tôi nói. Ông đã gọi tôi là “con trai” rất nhiều. Nó làm tôi cảm thấy như ông đã không còn coi tôi là một con người mà chuyển sang coi tôi là một con ấu trùng đang hình thành và cần được hướng dẫn để vượt qua giai đoạn lột xác. Tôi ghét như thế. “Con sẽ phải học cách sống với một sự thật rằng ngày nay chúng ta sống trong một thế giới khác. Tất nhiên con có mọi quyền để nói lên suy nghĩ của mình, nhưng con phải chuẩn bị đương đầu với hậu quả của việc này. Con phải đối mặt với một sự thật rằng có những người đang bị tổn thương, họ không muốn tranh cãi về những điểm tốt đẹp hơn của Hiến pháp khi mà cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Giờ đây chúng ta đang ở trên con thuyền cuộc sống, và một khi con ở trên con thuyền này, không ai muốn nghe về việc thuyền trưởng kém cỏi thế nào.” Tôi không thể ngăn mình đừng đảo mắt vòng vòng. “Con đã được giao hai tuần tự học, viết một bài luận cho mỗi môn học, lấy thành phố làm bối cảnh - một bài luận lịch sử, một bài luận nghiên cứu xã hội, một bài luận tiếng Anh, một bài luận vật lý. Thật không thể chịu nổi nếu chỉ ngồi nhà xem ti vi.” Bố nhìn tôi chằm chằm, như thể ông ấy nghi ngờ tôi sắp sửa làm gì, rồi gật đầu. Tôi chúc bố mẹ ngủ ngon rồi đi lên phòng. Tôi bật Xbox và mở một ứng dụng soạn thảo văn bản ra rồi bắt đầu suy nghĩ tìm ý tưởng cho bài luận. Tại sao không? Điều đó thực sự tốt hơn là chỉ ngồi không ở nhà. Tối hôm đó, tôi chỉ tán gẫu qua mạng với Ange một lúc. Cô thông cảm với tôi về tất cả và bảo sẽ giúp tôi viết bài luận nếu tôi muốn gặp cô tối hôm sau, sau giờ học ở trường. Tôi biết trường cô ở đâu - cô học cùng trường với Van - và nó ở tít Vịnh Đông, nơi tôi chưa bao giờ đến từ sau vụ nổ bom. Tôi thật sự háo hức trước viễn cảnh sẽ gặp lại cô. Kể từ sau bữa tiệc, mỗi đêm tôi đều đi ngủ với hai ý nghĩ trong đầu: cảnh tượng đám đông tấn công hàng rào cảnh sát và cảm giác được chạm vào bầu ngực bên dưới áo cô khi chúng tôi dựa vào cột. Cô thật tuyệt vời. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp một cô gái... mạnh bạo như cô. Tôi luôn là người chủ động và họ luôn là người từ chối. Tôi có cảm giác rằng Ange cũng đầy hứng tình như tôi. Thật là một ý nghĩ đầy khiêu khích. Đêm đó, tôi ngủ rất ngon, với những giấc mơ thú vị về tôi và Ange và những gì chúng tôi có thể làm với nhau nếu tìm thấy một chỗ kín đáo ở đâu đó. Ngày hôm sau, tôi bắt đầu làm các bài luận. San Francisco là một chủ đề hay ho để viết. Lịch sử ư? Chắc chắn rồi, từ Cơn sốt Vàng cho đến những xưởng đóng tàu của Thế chiến thứ hai, trại giam giữ của Nhật, việc phát minh ra máy tính cá nhân. Vật lý à? Exploratorium là bảo tàng có những mẫu vật tuyệt nhất trong những bảo tàng mà tôi từng đến. Tôi đã không thể hài lòng hơn được nữa trong những buổi triển lãm về sự hóa lỏng của đất trong các trận động đất lớn. Về môn Ngữ văn ư? Jack London, các nhà thơ theo trào lưu Beat, những tác giả viết tiểu thuyết khoa học như Pat Murphy và Rudy Rucker. Còn Nghiên cứu Xã hội? Phong trào tự do phát biểu, Cesar Chavez, quyền cho người đồng tính nam, nữ quyền, phong trào phản chiến... Tôi luôn thích học mọi thứ chỉ vì lợi ích của chính việc học. Chỉ để am hiểu hơn về thế giới xung quanh. Tôi có thể làm thế chỉ bằng việc đi dạo quanh thành phố. Tôi quyết định sẽ làm bài luận Ngữ văn về Beat đầu tiên. Hiệu sách Ánh Sáng Đô Thị có một thư viện tuyệt vời trong một phòng trên tầng, nơi Alan Ginsberg và các bạn của ông đã viết ra những bài thơ cấp tiến làm say lòng người. Bài thơ mà chúng tôi đã đọc trong giờ Ngữ văn là bài Howl (1) và tôi sẽ không bao giờ quên những dòng thơ mở đầu, chúng khiến tôi lạnh sống lưng: Tôi thấy những trí tuệ tuyệt vời nhất của thế hệ tôi bị hủy hoại bởi sự điên cuồng, chết đói cuồng loạn trần truồng kéo lê chúng qua những con phố của người da đen vào bình minh, tìm kiếm một phương thuốc giận dữ, những gã hippie có đầu óc thiên thần đang cháy vì sự kết nối cổ xưa siêu phàm với những động cơ đầy sao trong cỗ máy màn đêm... Tôi thích cái cách ông ấy sắp những từ đó gần nhau, “chết đói cuồng loạn trần truồng.” Tôi biết cái cảm giác đó. Và “những trí tuệ tuyệt vời nhất của thế hệ tôi” cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nó làm tôi nhớ đến công viên đó, cảnh sát và khí gas đang phun xuống. Họ hạ thấp Ginsberg bởi nhục dục toát lên trong bài Howl - tất cả chỉ do một dòng về tình dục đồng tính mà ngày nay khó có thể khiến chúng ta chớp mắt. Bằng cách này hay cách khác, nó khiến tôi vui, khi biết rằng chúng ta đã tiến bộ. Rằng trước đây mọi thứ thậm chí đã từng khắt khe hơn thế này. Tôi đắm chìm trong thư viện, đọc những cuốn sách cũ tuyệt đẹp. Tôi say sưa với tác phẩm Trên đường của Jack Kerouac, cuốn tiểu thuyết mà tôi đã định đọc trong một thời gian dài, rồi một nhân viên đến kiểm tra đã đồng ý và tìm cho tôi một bản in giá rẻ, anh lấy sáu đô la. Tôi đi bộ đến phố Tàu ăn bánh bao và mì với nước xốt cay mà trước đây tôi nghĩ là khá cay, nhưng có lẽ sau khi đã ăn món đặc biệt cay của Ange thì trên đời này không còn thứ gì quá cay được nữa. Đến gần trưa, tôi lên tàu điện ngầm rồi chuyển sang một chiếc xe buýt ở cầu San Mateo để đi đến Vịnh Đông. Tôi đọc cuốn Trên đường của mình và ngắm nhìn cảnh vật đang lướt qua. Trên đường là một tiểu thuyết bán tự truyện về Jack Kerouac, một nhà văn nghiện ngập, nát rượu, người đã đi nhờ xe vòng quanh nước Mỹ, làm những công việc rẻ rúng, gào thét trên phố vào ban đêm, gặp gỡ và chia tay với mọi người. Dân hippie, những kẻ lang thang rầu rĩ, những kẻ lừa lọc, những kẻ ngu đần, những kẻ vô học và những thiên thần. Không có cốt truyện thực sự - Kerouac định viết nó trong ba tuần trên một cuộn giấy dài, rải ra từ tâm trí ông - chỉ là một đống những chuyện khiến người ta kinh ngạc, chuyện này nối tiếp chuyện kia. Ông kết bạn với những nguời tự hủy hoại bản thân như Dean Moriaty, người đã kéo ông vào những âm mưu quái đản không bao giờ thành công thực sự, nhưng chúng vẫn thành công, nếu bạn hiểu ý tôi là gì. Ngôn từ có vần điệu, thật khơi gợi cảm xúc, tôi có thể nghe thấy nó được đọc to trong đầu. Nó khiến tôi muốn nằm xuống giường của một chiếc xe du lịch và thức dậy ở một thị trấn nhỏ bụi bặm, nằm đâu đó trong thung lũng trung tâm trên đường đến Los Angeles, một nơi có cây xăng và bữa tối, rồi bước ra cánh đồng, gặp gỡ mọi người, ngắm nhìn mọi thứ và tha thẩn. Đó là một chặng đường dài và tôi chắc hẳn đã ngủ lơ mơ một lúc - thức khuya tán gẫu trên mạng với Ange thật không tốt cho giờ ngủ của tôi, vì mẹ tôi vẫn mong tôi xuống nhà ăn sáng. Tôi thức dậy chuyển xe buýt và không lâu sau, tôi đã đến trường của Ange. Cô bước ra cổng trong bộ đồng phục - trước giờ tôi chưa từng thấy cô mặc đồng phục, trông thật dễ thương theo một cách kỳ quặc, và nó làm tôi nhớ đến Van trong bộ đồng phục của cô ấy. Ange ôm tôi thật lâu rồi hôn tôi thật mạnh vào má. “Chào cậu!” cô nói. “Chào chào!” “Cậu đang đọc gì thế?” Tôi đang chờ câu hỏi này. Tôi đã đánh dấu đoạn văn bằng một ngón tay. “Nghe này: Họ ngật ngưỡng trên phố như mấy thằng điên và tôi cứ lằng nhẵng theo đuôi như tôi suốt đời vẫn luôn chạy theo những người mình ưa thích. Bởi vì với tôi chỉ những kẻ điên khùng mới tồn tại, sống điên khùng, nói chuyện điên khùng, điên khùng muốn được cứu rỗi, muốn hưởng thụ tất cả trong một khoảnh khắc duy nhất, những kẻ không bao giờ há miệng ngáp hay nói mấy thứ nhạt nhẽo, mà bùng cháy, bùng cháy, bùng cháy như những bông pháo vàng rực thần kỳ nở ra như những con nhện ngang qua các vì sao, và giữa bông pháo ấy bạn thấy một đốm sáng xanh bừng lên rồi mọi người đều thốt lên ‘Ồồồ!!!’ ngưỡng mộ. ” Ange lấy quyển sách và tự mình đọc lại đoạn văn đó. “Wow! Những kẻ điên khùng! Tớ thích nó! Có phải cả quyển sách đều như thế này không?” Tôi kể cho cô về những phần tôi đã đọc, chầm chậm rảo bước trên lề đường quay lại trạm xe buýt. Khi chúng tôi rẽ ở góc đường, cô quàng tay ôm lấy thắt lưng tôi còn tôi khoác vai cô. Đi bộ dọc con phố với một cô gái - bạn gái tôi chăng? Chắc chắn rồi, sao lại không chứ? - nói chuyện về một quyển sách thú vị. Thiên đường là đây. Nó giúp tôi quên đi những phiền muộn của mình trong chốc lát. “Marcus?” Tôi quay lại. Đó là Van. Trong tiềm thức của mình, tôi đã mong chờ điều này. Tôi biết vì phần ý thức trong tâm trí tôi không hề ngạc nhiên. Trường này không lớn, và học sinh tan học vào cùng một giờ. Tôi đã không nói chuyện với Van hàng tuần nay, và tôi cảm giác như đã hàng tháng trời vậy. Đã có thời gian chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi ngày. “Chào Van,” tôi nói. Tôi cố nén cảm giác bị thôi thúc phải bỏ tay ra khỏi vai Ange. Van có vẻ ngạc nhiên, nhưng không giận dữ, mà mặt cô tái đi, run run. Cô ấy nhìn kỹ hai chúng tôi. “Angela phải không?” “Chào Vanessa,” Ange nói. “Cậu làm gì ở đây?” “Tớ đến gặp Ange,” tôi nói, cố giữ giọng bình thường. Đột nhiên tôi thấy xấu hổ khi bị nhìn thấy đi với một cô gái khác. “Ồ,” Van nói. “Ờ, rất vui được gặp cậu.” “Tớ cũng thế, Vanessa.” Ange nói, xoay người tôi lại và kéo tôi về phía trạm xe buýt. “Cậu biết cô ấy à?” Ange hỏi. “Ừ, từ rất lâu rồi.” “Trước đây cô ấy là bạn gái của cậu à?” “Gì cơ? Không! Không đời nào! Bọn tớ từng là bạn bè thôi.” “Bọn cậu từng là bạn bè ư?” Tôi có cảm giác như Van đang đi ngay sau chúng tôi và nghe ngóng, dù với tốc độ chúng tôi đang đi thì cô ấy chắc phải chạy chầm chậm mới bắt kịp. Tôi gắng chống cự cái cám dỗ muốn quay lại nhìn càng lâu càng tốt nhưng không thể. Có rất nhiều cô gái từ trường học đi ra sau chúng tôi, nhưng không có Van. “Cô ấy đã bị bắt cùng với tớ, Jose-Luis và Darryl. Bọn tớ đã từng chơi ARG cùng nhau. Bốn đứa bọn tớ đã là bạn thân nhất của nhau.” “Rồi chuyện gì xảy ra?” Tôi hạ giọng. “Cô ấy không thích Xnet. Cô ấy nghĩ bọn tớ có thể gặp rắc rối. Rằng bọn tớ sẽ khiến người khác gặp rắc rối.” “Rồi tại sao các cậu lại không làm bạn với nhau nữa?” “Chỉ là chúng tớ cứ dần xa nhau ra.” Chúng tôi bước thêm vài bước. “Hai cậu không phải, cậu biết đấy, không phải là người yêu của nhau đấy chứ?” “Không!” tôi trả lời. Mặt tôi nóng bừng. Tôi thấy giống như mình đang nói dối, mặc dù tôi đang nói sự thật. Bất thình lình Ange dừng cả hai đứa lại rồi nhìn chăm chăm vào mặt tôi. “Có phải không?” “Không mà! Thật đấy! Chỉ là bạn thôi. Darryl và cô ấy... ờ, cũng không hẳn, nhưng Darryl rất thích cô ấy. Không đời nào...” “Nhưng nếu Darryl không thích cô ấy, cậu sẽ thích, hả?” “Không, Ange, không mà. Làm ơn hãy tin tớ và cho qua chuyện này đi. Vanessa là một người bạn tốt và bọn tớ không có gì hơn cả, và điều đó làm tớ khó chịu, nhưng tớ chưa bao giờ yêu cậu ấy theo cách đó cả, được chưa?” Cô bình tĩnh lại một chút: “OK, OK. Tớ xin lỗi. Tớ thực sự không hợp với cô ấy. Bọn tớ chưa bao giờ hòa hợp được với nhau trong suốt mấy năm biết nhau.” Ô hô, tôi nghĩ. Chắc đây là lý do tại sao Jolu biết cô từ rất lâu mà tôi chưa bao giờ gặp cô; cô có vài vấn đề với Van và thằng bạn tôi không muốn đưa cô theo. Cô ôm tôi thật lâu và chúng tôi hôn nhau, một đám con gái đi ngang qua xuýt xoa Wooo và chúng tôi quay ra, đi về trạm xe buýt. Phía trước chúng tôi là Van, chắc hẳn cô ấy đã đi qua khi chúng tôi đang hôn nhau. Tôi thấy mình thực sự là một thằng ngốc. Tất nhiên, cô đứng ở trạm xe buýt rồi lên xe và chúng tôi không nói với nhau một lời nào, tôi cố nói chuyện với Ange trong suốt quãng đường, nhưng thật lúng túng. Theo kế hoạch thì chúng tôi dừng lại ở nơi nào đó mua cà phê rồi đến nhà Ange đi dạo và “học bài”, tức là bật Xbox của cô lên để vào Xnet. Thứ ba hàng tuần, mẹ Ange về muộn vì bận đi học yoga và ăn tối với bạn bè, còn chị gái của Ange đi chơi với bạn trai, vì thế chúng tôi sẽ có không gian riêng. Tôi đã có những ý nghĩ không được lành mạnh về chuyện này từ khi chúng tôi lên kế hoạch. Chúng tôi đến nhà Ange và vào thẳng phòng cô, đóng cửa lại. Phòng cô đúng là một thảm họa, sàn nhà mất hút dưới hàng đống quần áo, sách vở và linh kiện máy tính có thể xuyên qua tất bạn như chông nhọn. Bàn học của cô còn tệ hơn cả sàn nhà, sách và truyện chất cao như núi, vì thế chúng tôi quyết định ngồi trên giường. Theo cách nào đó, sự lúng túng vì gặp Van đã biến mất, chúng tôi mở Xbox của Ange và khởi động. Nó ở giữa một lưới dây điện, vài cái gắn với ăng ten không dây mà cô đã chọc vào rồi đính nó lên cửa sổ để bắt WiFi của nhà hàng xóm. Vài dây là của mấy màn hình máy tính xách tay cũ mà cô đã sửa thành màn hình rời, được đặt trên giá và đang phóng điện lẹt xẹt. Chúng được đặt ở cả hai bên bàn, một sự sắp đặt thông minh để ngồi trên giường xem ti vi hoặc tán gẫu qua mạng - cô có thể quay màn hình sang hai bên và chỉ nằm nguyên một chỗ cũng có thể xem được như thường, bất kể cô nằm ở phía nào. Cả hai đều biết thực chất thì mình về nhà cô để làm gì, ngồi cạnh nhau, dựa vào chiếc bàn bên cạnh. Tôi hơi run một chút và cảm nhận rất rõ hơi ấm từ chân và vai cô đang dựa vào tôi, nhưng tôi cần phải chờ đến khi đăng nhập được vào Xnet, kiểm tra e-mail nhận được và vài việc khác. Có một e-mail từ một cậu nhóc thích gửi những đoạn video hài hước quay bằng điện thoại về sự điên rồ của DHS - cái mới nhất cho thấy cảnh bọn họ tháo tung một chiếc xe nôi sau khi một con chó đánh hơi chất nổ tỏ ra thích nó, bọn họ dùng tua vít tháo chiếc xe đẩy ra ngay trên con phố ở Marina, trong khi đó, tất cả những người giàu có đi ngang qua, nhìn chằm chằm vào họ và lấy làm lạ trước hành động kỳ quặc đó. Tôi đã để đường dẫn đến đoạn video này và rồi nó được tải xuống điên cuồng. Cậu ấy đã lưu trữ nó trên kho lưu dữ liệu của thư viện Internet Archive (2) bản sao tại Alexandria, Ai Cập, nơi họ cho lưu trữ bất cứ thứ gì miễn phí, miễn là bạn phải xin giấy phép của tổ chức Creative Commons cho phép mọi người chế biến lại và chia sẻ nó. Kho lưu trữ chính ở Mỹ - bị đóng lại ở Presidio chỉ sau đó vài phút - đã bị buộc phải gỡ bỏ tất cả những đoạn video có tiêu đề liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng kho lưu trữ Alexandria hoàn toàn độc lập và chấp nhận bất cứ thứ gì làm nước Mỹ khó xử. Cậu bé này - biệt danh là Kameraspie - đã gửi cho tôi một đoạn video mới hơn và hay hơn. Đoạn này được quay ở lối vào Tòa thị chính ở Civic Center, tòa nhà được trang trí như một cái bánh cưới khổng lồ với các bức tượng đặt ở những lối đi hẹp có mái vòm và lá kim mạ vàng. DHS thiết lập một hàng rào an ninh xung quanh tòa nhà, và đoạn video của Kameraspie có một cảnh rất hay về trạm kiểm soát, khi một người mặc quân phục tiến đến, trình thẻ nhận dạng rồi đặt cặp táp của mình lên đai X-quang. Mọi thứ đều ổn cho đến khi một người của DHS nhìn thấy cái gì đó mà anh ta không thích trên ảnh chụp X-quang. Anh ta hỏi vị tướng, ông này trợn mắt rồi nói gì đó không nghe rõ (đoạn video được ghi hình từ phía bên kia đường, có vẻ như với một ống kính phóng to tự chế, vì thế hầu hết là âm thanh từ người đi qua lại và tiếng ồn của giao thông). Vị tướng và người của DHS tranh cãi với nhau, càng tranh cãi lâu thì càng có nhiều nhân viên của DHS bu lại quanh họ. Cuối cùng, vị tướng lắc đầu giận dữ và chỉ chỉ ngón tay lên ngực một anh lính rồi cầm cặp lên bước đi. Những người khác quát ông ta, nhưng ông ta không đi chậm lại. Ngôn ngữ cơ thể của ông ta như đang nói: “Tôi đang cực kỳ giận dữ đây.” Rồi sau đó nó xảy ra. Người của DHS chạy sau vị tướng. Kameraspie cho đoạn video chạy chậm lại ở đoạn này nên chúng ta có thể thấy rõ từng milimét là vị tướng quay ngang lại, mặt ông ấy như muốn nói “Không đời nào các ngươi có thể qua mặt ta.” Sau đó mặt ông ấy trở nên kinh sợ khi ba trong số những tay bảo vệ khổng lồ của DHS lao đến xô mạnh ông sang một bên, như một chiêu cản bóng để kết thúc sự nghiệp. Vị tướng - ở độ tuổi trung niên, tóc màu xám như thép, khuôn mặt có đường nét trang nghiêm - ngã xuống như một túi khoai tây và bật lên hai lần, mặt ông ta đập xuống vỉa hè và máu mũi bắt đầu chảy ra. Mấy người ở đó gô vị tướng lại, trói ở mắt cá chân và cổ tay của ông. Lúc này vị tướng đã la hét, kêu gào khản cả cổ, mặt ông ấy tím tái lại dưới dòng máu chảy ra từ mũi. Người ta thấy rõ hai chân ông lê trên mặt đất. Người qua đường nhìn người đàn ông trong bộ quân phục, bị trói chặt, và từ nét mặt của vị tướng, bạn có thể hiểu rằng đây là thời khắc tồi tệ nhất đời ông, đây là hành động làm nhục bằng nghi thức, là danh dự bị tước bỏ. Đoạn video kết thúc. “Ôi Đức Phật ơi,” tôi vừa thốt lên vừa nhìn chăm chăm vào cái màn hình đang tối dần, rồi xem lại đoạn phim. Tôi thúc khuỷu tay vào Ange và cho cô xem đoạn phim. Cô xem mà không nói được lời nào, miệng dường như không mở ra được. “Hãy đăng nó lên,” cô nói. “Đăng nó lên đăng nó lên đăng nó lên đăng nó lên!” Tôi tải đoạn phim lên. Tôi gần như không thể gõ phím khi miêu tả những gì tôi đã thấy, thêm một đoạn chú thích để xem có ai có thể nhận ra vị tướng trong đoạn phim, hay có ai biết gì thêm về chuyện này không. Tôi nhấp chuột vào nút Đăng tải. Chúng tôi xem đoạn phim. Rồi xem lại một lần nữa. Hòm thư điện tử của tôi tràn ngập thư đến. > Tôi nhận ra người đàn ông này... bạn có thể tìm lý lịch của ông ấy trên wikipedia. Ông ấy là Tướng Claude Geist. Ông ấy chỉ huy nhiệm vụ giữ gìn hòa bình chung của Liên Hợp Quốc ở Haiti. Tôi kiểm tra lý lịch của ông ấy. Có một bức ảnh của vị tướng tại một cuộc họp báo, cả những bài viết về vai trò của ông trong nhiệm vụ khó khăn ở Haiti. Rõ ràng đây là cùng một người. Tôi cập nhật thông tin. Trên lý thuyết, đây là cơ hội để tôi và Ange làm tình với nhau, nhưng đó không phải là điều chúng tôi đã làm. Chúng tôi mò tìm trên các trang blog của Xnet, tìm thêm tài khoản mà DHS đang dùng để tìm kiếm, bắt giữ và xâm phạm mọi người. Đây là một nhiệm vụ quen thuộc, giống như tôi đã làm với tất cả những đoạn phim và tài khoản từ cuộc nổi loạn ở công viên. Tôi lập một mục mới trên blog của tôi, đặt tên là Lạmdụngchứcquyền, và sắp xếp chúng. Ange tiếp tục nghĩ ra những từ khóa tìm kiếm mới để tôi thử và trước khi mẹ cô về nhà, mục mới của tôi đã có bảy mươi bài, có đầu đề là “Tướng Geist bị hạ nhục ở Tòa thị chính.” Cả ngày hôm sau, tôi ở nhà làm bài luận về Beat, đọc Kerouac và lướt Xnet. Tôi định gặp Ange ở trường, nhưng tôi xóa sổ ngay ý tưởng đó khi nghĩ đến việc gặp Van một lần nữa, vì thế tôi nhắn tin cho cô, lấy cớ là phải làm bài luận. Có rất nhiều gợi ý hay cho Lạmdụngchứcquyền, hàng trăm đề xuất lớn nhỏ, từ hình ảnh đến audio. Chủ đề này đang lan rộng. Nó lan đi như vi rút. Sáng hôm sau, tình hình còn tiến triển xa hơn nữa. Trang blog mới có tên Lamdungchucquyen của ai đó cũng đã thu thập được hàng trăm ý kiến phản hồi. Chuyện mỗi lúc một lớn. Chúng tôi tranh nhau để tìm ra những câu chuyện lý thú nhất, những bức ảnh điên khùng nhất. Tôi thỏa thuận với bố mẹ là sẽ ăn bữa sáng với họ mỗi ngày và nói về những dự án mà tôi đang làm. Họ thích việc tôi đang đọc Kerouac. Nó đã từng là quyển sách yêu thích của cả hai và hóa ra trên giá sách trong phòng bố mẹ cũng có một cuốn. Bố tôi lấy nó xuống và tôi lật xem qua. Có những đoạn văn được đánh dấu bằng bút, những trang giấy bị quăn góc, những chú thích bên lề. Bố tôi thực sự yêu quý quyển sách này. Nó khiến tôi nhớ đến một thời gian tốt đẹp hơn, khi bố và tôi có thể nói chuyện trong năm phút mà không quát vào mặt nhau về khủng bố, và chúng tôi đã có một bữa sáng vui vẻ, đàm đạo về cách xây dựng cốt truyện của cuốn tiểu thuyết, về tất cả những cuộc phiêu lưu điên rồ trong đó. Nhưng bữa sáng hôm sau, bố mẹ tôi lại dán chặt vào cái radio. “Lạm dụng chức quyền - đó là trào lưu mới nhất trên mạng Xnet tai tiếng của San Francisco, nó đã thu hút được sự quan tâm của thế giới. Được gọi là A-oh- A, phong trào này bao gồm ‘Những người anh em’ đã tìm cách đi ngược lại những biện pháp chống khủng bố của Cục An ninh Nội địa Hoa Kỳ, ghi lại những thất bại và sự vượt quá giới hạn. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận hiện nay là một đoạn phim được lan truyền với tốc độ chóng mặt về Tướng Claude Geist, một vị chỉ huy ba sao đã nghỉ hưu, bị sĩ quan của DHS đánh đập trên vỉa hè trước Tòa thị chính. Hiện Tướng Geist chưa đưa ra lời phát biểu nào về vụ việc, song những bình luận từ giới thanh thiếu niên vốn đang giận dữ với cách giải quyết này thì đang lan đi nhanh chóng và mạnh mẽ. “Đáng chú ý hơn cả là sự quan tâm của cả thế giới dành cho phong trào này. Những bức ảnh chụp từ đoạn phim về Tướng Geist đã xuất hiện trên trang nhất các báo ở Hàn Quốc, Anh, Đức, Ai Cập và Nhật Bản, đài truyền hình trên khắp thế giới đã cho phát lại đoạn phim vào bản tin giờ vàng. Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào tối qua, khi chương trình thời sự trong nước buổi tối của Thông tấn xã Quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (BBC) phát một phóng sự đặc biệt về việc không một đài truyền hình hay cơ quan báo chí nào của Mỹ đề cập đến câu chuyện này. Giới bình luận trên trang web của BBC chỉ ra rằng phiên bản chương trình thời sự BBC của Mỹ đã không phát phóng sự này.” Họ đưa lên một vài cuộc phỏng vấn: Các cơ quan giám sát truyền thông của Anh, một thằng nhóc thuộc Pirate Party của Thụy Điển đã có những nhận xét chế giễu về giới truyền thông tắc trách của Mỹ, một phát thanh viên người Mỹ đã nghỉ hưu đang sống ở Tokyo; tiếp theo, họ phát sóng một đoạn băng ngắn từ đài Al- Jazeera, so sánh giới truyền thông Mỹ với truyền thông quốc gia của Syria. Tôi có cảm giác bố mẹ đang nhìn tôi chằm chằm, rằng họ biết những gì tôi đang làm. Nhưng khi ăn sạch đĩa của mình, tôi lại thấy họ lại đang nhìn nhau. Bố tôi đang giữ chặt cốc cà phê, đến nỗi tay ông run lên. Mẹ tôi thì đang nhìn ông. “Họ đang cố làm chúng ta mất thể diện,” cuối cùng thì ông cũng nói. “Họ đang ngầm phá hoại những nỗ lực để đảm bảo an toàn cho chúng ta.” Tôi mở miệng, nhưng mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi và lắc đầu. Vì vậy tôi lên phòng mình làm tiếp bài luận về Kerouac. Sau khi nghe thấy tiếng cửa đập hai lần, tôi khởi động Xbox và lên mạng. > Chào M1k3y. Tôi là Colin Brown. Tôi là nhà sản xuất chương trình thời sự The National của Thông tấn xã quốc gia Canada. Chúng tôi đang làm một chương trình về Xnet và đã cử phóng viên đến San Francisco để thu thập tin tức từ đó. Bạn có vui lòng dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn để nói về nhóm của bạn và những hành động của nhóm không? Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình. Chúa ơi. Họ muốn phỏng vấn tôi về “nhóm của tôi”? > Ừm cảm ơn nhưng không thể được. Tôi muốn đảm bảo giữ sự riêng tư. Và đó không phải là “nhóm của tôi”. Nhưng cảm ơn vì đã nói về chuyện này! Một phút sau, một e-mail khác tới. > Chúng tôi có thể che mặt cho bạn và đảm bảo giữ kín danh tính cho bạn. Bạn cũng biết là Cục An ninh Nội địa sẽ rất vui lòng được giới thiệu người phát ngôn của họ với chúng tôi. Tôi thì lại muốn đứng về phía bạn. Tôi lưu thư này lại. Anh ta nói đúng, nhưng tôi có điên mới làm thế. Theo tôi biết thì anh ta là người của DHS. Tôi tìm thêm thông tin về Kerouac. Một thư khác đến. Cùng một yêu cầu, nhưng từ một cơ quan thông tấn khác: KQED muốn gặp tôi và ghi âm một cuộc phỏng vấn cho đài phát thanh. Một đài ở Brazil. Thông tấn xã Úc. Đài phát thanh và truyền hình quốc tế Deutsche Welle của Đức. Những yêu cầu từ giới truyền thông ào đến suốt cả ngày. Tôi lịch sự từ chối suốt cả ngày. Ngày hôm đó, tôi không đọc được nhiều về Kerouac. “Hãy tổ chức một buổi họp báo” là những gì Ange nói khi chúng tôi đang ngồi trong một tiệm cà phê gần nhà cô vào buổi tối. Tôi không hứng thú với việc đến trường đón cô nữa, không muốn phải đi cùng xe buýt với Van. “Gì? Cậu điên à?” “Tổ chức ở Cướp bóc Hẹn giờ. Chỉ cần chọn một đăng tải giao dịch, nơi các PvP không được vào, và định rõ thời gian. Cậu có thể đăng nhập từ đây.” PvP là viết tắt của player-versus-player, trò đấu tay đôi. Một vài phần của trò Cướp bóc Hẹn giờ là nền trung tính, có nghĩa là về lý thuyết chúng ta có thể mang vào hàng trăm phóng viên mà không sợ các game thủ tiêu diệt họ khi đang tiến hành họp báo. “Tớ không biết gì về họp báo cả.” “Chỉ cần google thôi mà. Tớ chắc chắn phải có ai đó đã viết về cách tổ chức một cuộc họp báo thành công. Ý tớ là, nếu Tổng thống làm được thì tớ chắc cậu cũng sẽ làm được. Có vẻ như ông ấy không thể tự mình buộc dây giày mà không có ai giúp đỡ.” Chúng tôi gọi thêm cà phê. “Cậu đúng là một cô gái thông minh,” tôi nói. “Và tớ xinh đẹp nữa,” cô trả lời. “Ừ xinh đẹp nữa.” Chú thích: 1. Tạm dịch: Tiếng tru. 2. Một thư viện số phi lợi nhuận với trụ sở tại Presidio, San Fancisco (đến năm 2009). Để đảm bảo tính ổn định, các dữ liệu của thư viện này còn được sao ra và lưu trữ tại thư viện Alexandria, Ai Cập. chương 15 tôi viết về cuộc họp báo trên blog trước cả khi gửi giấy mời tới giới truyền thông. Tôi có thể nói rằng tất cả những phóng viên nhà báo này đều muốn biến tôi thành một nhà lãnh đạo hoặc một tướng lĩnh hoặc một chỉ huy du kích tối cao, và tôi đã nghĩ ra một cách giải quyết, đó là lôi kéo thêm nhiều thành viên Xnet khác cùng tham gia trả lời câu hỏi. Sau đó tôi gửi e-mail đến các cơ quan truyền thông. Câu trả lời của họ thì phân vân có, nhiệt tình có - duy nhất phóng viên của đài Fox “bị xúc phạm” vì tôi đã trơ tráo yêu cầu cô ta chơi một trò chơi chỉ để xuất hiện trên chương trình truyền hình của cô ta. Số còn lại dường như nghĩ điều này sẽ làm nên một câu chuyện khá hấp dẫn, mặc dù rất nhiều người trong số họ muốn được hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn để đăng nhập vào trò chơi. Tôi chọn thời điểm là tám giờ tối, sau bữa tối. Mẹ tôi cằn nhằn vì tôi ra khỏi nhà cả buổi chiều, cuối cùng tôi cũng phải tiết lộ chuyện về Ange, ngay lập tức bà bỏ qua mọi thứ mờ ám và cứ nhìn tôi theo kiểu con-trai-bé-bỏng-của-tôi-đang-lớn-rồi. Mẹ tôi muốn gặp Ange, và tôi đã tận dụng nó như đòn bẩy, hứa sẽ dẫn cô về vào tối hôm sau nếu tôi có thể “đi xem phim” với Ange tối nay. Mẹ và em gái Ange lại đi vắng - thật ra cũng chẳng mấy khi họ ở nhà - để tôi và Ange lại trong phòng với Xbox của cô và của tôi. Tôi rút phích điện của một trong những màn hình đặt cạnh giường cô và nối Xbox của tôi vào đó để cả hai chúng tôi có thể đăng nhập cùng lúc. Cả hai cái Xbox đều rảnh rỗi, đang đăng nhập vào Cướp bóc Hẹn giờ. Tôi đi đi lại lại. “Sẽ ổn thôi,” cô nói và liếc qua màn hình của mình. “Chợ Patcheye Pete giờ đã có 600 người chơi!” Chúng tôi đã chọn chợ Patcheye Pete vì nó là chợ gần quảng trường của làng nhất, nơi tập trung của những người chơi mới. Nếu phóng viên nào chưa phải là thành viên trong Cướp bóc Hẹn giờ - ha! - thì đó là nơi họ xuất hiện. Trong bài viết trên blog của mình, tôi đã yêu cầu tất cả mọi người chờ trên con đường chạy từ chợ Patcheye Pete đến cổng sinh và chỉ đường cho bất kỳ người nào nhìn giống những phóng viên bị lạc hướng đến chỗ chợ Pete. “Tớ sẽ nói cái quái gì với họ bây giờ?” “Cậu chỉ cần trả lời câu hỏi của họ - và nếu như cậu không thích câu hỏi thì cứ lờ đi. Ai đó khác có thể trả lời nó. Sẽ ổn thôi.” “Thật điên rồ.” “Thật hoàn hảo, Marcus. Nếu cậu muốn gây sức ép lên DHS, cậu phải làm cho họ xấu hổ. Không giống như việc cậu quyết tâm bắn giỏi hơn họ. Vũ khí duy nhất của cậu là cậu có khả năng làm họ trông như những đứa trẻ khờ khạo.” Tôi nằm ẹp lên giường và cô kéo đầu tôi vào lòng, vuốt ve tóc tôi. Tôi đã từng thử những kiểu tóc khác nhau trước vụ nổ bom, nhuộm tóc với đủ các màu vui nhộn, nhưng từ khi ra tù, tôi chẳng quan tâm nữa. Khi đó, tóc tôi dài và trông thật ngu ngốc bờm xờm, tôi đã đi vào phòng tắm, cầm lấy tông đơ rồi cắt phéng còn hơn một phân, nhờ đó tôi chẳng cần tốn công chăm sóc và tôi có thể tàng hình khi gây nhiễu sóng và sao chép thẻ RFID. Tôi mở mắt và nhìn chăm chú vào đôi mắt to màu nâu của Ange sau cặp mắt kính. Đôi mắt tròn, dịu dàng và đầy biểu cảm. Cô có thể khiến chúng lồi ra nếu cô muốn chọc tôi cười, hoặc làm chúng trở nên dịu dàng và buồn bã, hoặc lười biếng và buồn ngủ theo cách sẽ khiến tôi tan chảy trong cảm giác ham muốn. Đó là điều mà cô đang làm lúc này. Tôi từ từ ngồi dậy và ôm lấy cô. Cô ôm tôi. Chúng tôi hôn nhau. Cô có nụ hôn thật mê đắm. Tôi biết là tôi đã từng nói điều này rồi, nhưng không thể không nhắc lại được. Chúng tôi hôn rất nhiều, nhưng vì lý do này hay lý do khác, chúng tôi luôn dừng lại trước khi nó chứa nhiều quá nhiều nhục cảm. Bây giờ tôi muốn tiến xa hơn. Tôi tìm đường viền chiếc áo phông của cô và giật mạnh. Cô đặt tay mình lên đầu và lùi lại một chút. Tôi đã biết cô sẽ làm thế này. Tôi đã biết kể từ cái đêm trong công viên ấy. Có thể đó là lý do chúng tôi đã không đi xa hơn - tôi biết cô sẽ không dừng cả hai chúng tôi lại, điều này làm tôi hơi sợ. Nhưng rồi tôi không sợ nữa. Cuộc họp báo sắp diễn ra, cuộc cãi vã với cha mẹ tôi, sự chú ý của cộng đồng quốc tế, cái cảm giác có một phong trào đang làm điên đảo cả thành phố như một quả bóng bật loạn xạ - nó làm da tôi ngứa ran và máu tôi sôi lên. Và cô thật đẹp, thông minh, khôn khéo và hài hước, và tôi yêu cô. Áo cô trượt xuống, cô uốn cong lưng để tôi kéo nó qua cổ cô. Cô đưa tay ra sau làm gì đó và rồi áo ngực của cô rơi xuống. Tôi mở to mắt, không còn cảm thấy gì nữa, không thở được nữa, và rồi cô nắm lấy áo của tôi và kéo nó qua đầu tôi, ôm lấy tôi và kéo ngực trần của tôi chạm vào ngực cô. Chúng tôi lăn trên giường và chạm vào nhau, hai cơ thể quấn lấy nhau hổn hển. Cô hôn lên khắp ngực tôi và tôi cũng làm thế với cô. Tôi không thể thở, tôi không thể suy nghĩ, tôi chỉ có thể chuyển động và hôn và liếm và vuốt ve. Chúng tôi thách thức nhau tiến xa hơn. Tôi cởi quần bò của cô. Cô cởi quần tôi. Tôi kéo khóa quần của cô xuống, cô cũng làm thế với tôi, và giật mạnh quần tôi xuống. Tôi giật quần cô xuống. Một khoảnh khắc sau đó chúng tôi đều trần truồng, chỉ trừ tất của tôi, rồi tôi cởi chúng bằng ngón chân. Sau đó tôi chợt nhìn thấy cái đồng hồ đặt cạnh giường, lâu nay nó vẫn lăn lóc dưới sàn, giờ đang hướng về phía chúng tôi. “Thôi chết!” tôi kêu lên. “Nó đã bắt đầu được hai phút rồi!” Khi tôi sắp dừng cái việc mà tôi đang chuẩn bị phải dừng lại, tôi không thể nào tin là mình sẽ dừng lại được. Ý tôi là, nếu bạn hỏi tôi “Marcus, cậu sắp làm việc ấy lần đầu tiên TRONG ĐỜI, cậu có chịu dừng lại nếu tôi thả quả bom nguyên tử trong phòng này?” Câu trả lời sẽ là một từ KHÔNG vang dội và rõ ràng. Nhưng rồi chúng tôi dừng lại. Cô ôm tôi, kéo mặt tôi đến sát mặt cô và hôn tôi cho đến khi tôi nghĩ mình sắp ngất đến nơi, rồi cả hai quần áo mặc vào, vớ lấy bàn phím và chuột, hướng tới Patcheye Pete. Bạn có thể dễ dàng biết ai là người của giới truyền thông: họ là những lính mới, điều khiển những gã say đi đi lại lại lên lên xuống xuống, cố tìm hiểu mọi thứ, thỉnh thoảng lại gõ sai phím và dâng cho người lạ tất cả hoặc một phần những sáng kiến của mình, hay tự nhiên ôm chầm hoặc đấm đá họ. Cũng dễ nhận ra các thành viên của Xnet: chúng tôi đều chơi Cướp bóc Hẹn giờ bất cứ khi nào có thời gian (hay không thích làm bài tập), đều sở hữu nhân vật trong game với vũ khí hàng khủng và đặt bẫy trên những chiếc chìa khóa chìa ra trên lưng làm mồi nhử, loại bẫy có thể làm banh xác những kẻ muốn cướp nó và làm giảm năng lượng của chúng tôi. Khi tôi xuất hiện, trên màn hình hiển thị trạng thái M1K3Y ĐÃ VÀO PATCHEYE PETE - CHÀO MỪNG THỦY THỦ, CHÚNG TÔI CUNG CẤP CÁC GIAO DỊCH CÔNG BẰNG CHO NHỮNG MÓN ĐỒ TỐT MÀ BẠN CƯỚP ĐƯỢC. Tất cả những người chơi trên màn hình như đóng băng lại, rồi họ tụ tập xung quanh tôi. Mọi người thi nhau nói. Tôi đã nghĩ đến việc bật máy biến đổi giọng nói và đeo tai nghe, nhưng khi thấy cùng lúc có quá nhiều người muốn nói chuyện với mình, tôi nhận ra cách đấy không tiện. Dùng tin nhắn sẽ dễ theo dõi hơn nhiều và họ không thể trích sai lời tôi (hehe). Trước đó, tôi và Ange đã đi thám thính địa điểm - việc có cô làm bạn đồng hành thật tuyệt vời, vì chúng tôi có thể nạp năng lượng cho nhau. Có một vị trí cao trên một đống hộp thực phẩm muối mà tôi có thể đứng lên để mọi người đứng ở bất cứ chỗ nào trong chợ cũng nhìn thấy. > Chào buổi tối và cảm ơn tất cả đã đến. Tên tôi là M1k3y và tôi không phải là người lãnh đạo của bất cứ cái gì. Xung quanh các bạn đều là các thành viên Xnet, họ cũng như tôi, đều có nhiều điều để nói về lý do tại sao chúng ta ở đây. Tôi dùng Xnet vì tôi tin tưởng vào tự do và Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tôi dùng Xnet vì DHS đã biến thành phố của tôi thành lãnh địa của cảnh sát, nơi mà tất cả chúng ta đều bị nghi ngờ là khủng bố. Tôi dùng Xnet vì tôi nghĩ các bạn không thể bảo vệ tự do bằng cách xé bỏ Luật Nhân quyền. Tôi được học về Hiến pháp từ một ngôi trường ở California và tôi được nuôi dạy để yêu đất nước mình vì sự tự do của nó. Nếu tôi có một triết lý sống thì nó sẽ là thế này: > Các chính phủ đều có nguồn gốc nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, nên bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ. > Tôi không viết ra nó, nhưng tôi tin vào nó. DHS cai trị mà không có sự chấp thuận của tôi > Cám ơn Tôi đã viết những điều này hôm trước, cùng Ange xem xét bản nháp nhiều lần. Paste nó lên thì chỉ cần mấy giây, nhưng mọi người trong game thì phải mất một lúc để đọc. Rất nhiều thành viên Xnet hoan hô, hàng tá cướp biển đồng thanh hô “Hurrah” làm những con quạ cảnh vỗ cánh bay nháo nhác. Dần dần, các nhà báo cũng tiêu hóa được nó. Cuộc nói chuyện diễn ra rất nhanh, nhanh đến mức bạn khó mà đọc kịp, rất nhiều thành viên Xnet nói những điều như là “Đúng rồi”, “Nước Mỹ, yêu hay bỏ”, “DHS về nhà đi” và “Quân Mỹ hãy ra khỏi San Francisco”, tất cả những khẩu hiệu được hô to trong không gian trực tuyến của Xnet. > M1k3y, tôi là Priya Rajneesh từ BBC. Bạn nói bạn không phải là người lãnh đạo phong trào nào cả, nhưng bạn có tin rằng có một phong trào đang diễn ra không? Đó có phải là từ người ta đùng để gọi Xnet không? Có rất nhiều câu trả lời. Vài người nói không có phong trào nào, vài người lại nói là có. Rất nhiều người nói lên suy nghĩ của mình về những cái được gọi là Xnet, Những người anh em, Những người chị em và chủ đề mà tôi thích nhất: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Họ đang rất hăng say. Tôi để cho họ tự do bày tỏ và nghĩ về những điều mình có thể nói. Sau khi đã nghĩ ra, tôi gõ: > Tôi nghĩ đó chính là câu trả lời cho câu hỏi của anh, đúng không? Có thể có một hoặc nhiều hơn một phong trào và những phong trào đó có thể được gọi là Xnet hoặc không. > M1k3y, tôi là Doug Christensen từ Nhật báo Internet Washington. Anh nghĩ DHS nên làm gì để ngăn chặn một vụ tấn công nữa nhằm vào San Francisco trong trường hợp kế hoạch họ đang thực hiện không thành công? Các thành viên Xnet lại lên tiếng. Rất nhiều người nói rằng bọn khủng bố và chính phủ Mỹ cũng giống nhau cả thôi - dù theo nghĩa đen hay lối ám chỉ rằng cả hai đều tệ hại ngang ngửa. Một vài người còn nói rằng chính phủ Mỹ biết làm thế nào để bắt những kẻ khủng bố nhưng họ bỏ qua bởi vì “các tổng thống thích chiến tranh” đã tái đắc cử. > Tôi không biết Cuối cùng, tôi cũng gõ : > Thực sự tôi không biết. Tôi đã tự hỏi bản thân câu hỏi này rất nhiều lần vì tôi không muốn bị thổi tung và cũng không muốn thành phố của mình bị thổi tung. Đây là điều mà tôi mới nghĩ ra: Nếu nhiệm vụ của DHS là đảm bảo an toàn cho chúng ta thì họ đã thất bại. Chẳng có gì trong tất cả những thứ vớ vẩn họ đã làm có thể ngăn cản cây cầu không bị nổ tung lần nữa. Truy đuổi chúng ta khắp thành phố? Giam giữ chúng ta? Làm cho chúng ta nghi ngờ lẫn nhau, quay lưng lại với nhau? Gọi những người không đồng ý với chính sách của họ là những kẻ phản bội? Điều cốt yếu của khủng bố là khiến chúng ta khiếp sợ. Và DHS thực sự đang làm tôi thấy khiếp sợ. > Tôi không có gì để nói về những việc mà bọn khủng bố làm với tôi nhưng nếu đây là một đất nước tự do thì ít nhất tôi cũng có quyền nói về những việc mà cảnh sát ở đất nước tôi làm với tôi. Tôi có quyền ngăn họ không khủng bố tôi. > Tôi biết đây không phải là một câu trả lời hay. Xin lỗi. > Ý anh là gì khi anh nói rằng DHS sẽ không ngăn chặn được bọn khủng bố? Làm thế nào anh biết được? > Anh là ai? > Tôi ở Sydney Morning Herald. > Tôi 17 tuổi. Tôi chẳng phải là một học sinh luôn được điểm A hay bất cứ gì. Mặc dù vậy, tôi cũng khám phá ra cách lập một mạng Internet mà họ không thể theo dõi. Tôi đã tìm ra cách làm nhiễu công nghệ truy tìm dấu vết của họ. Tôi có thể biến người vô tội thành nghi phạm và biến người có tội thành người vô tội trong mắt bọn họ. Tôi có thể mang kim loại hay những thứ bị cấm lên máy bay. Tôi nghĩ ra thứ này bằng việc quan sát Internet và suy nghĩ về nó. Nếu tôi có thể làm được thì bọn khủng bố cũng có thể làm được. Bọn họ nói với tôi rằng họ tước đi tự do của chúng tôi là để chúng tôi được an toàn. Anh có thấy an toàn chút nào không? > Ở Úc à? Nếu thế thì có. Cả đám cướp biển đều cười phá lên. Nhiều phóng viên khác đưa ra câu hỏi. Một số thì tỏ vẻ đồng cảm, một số lại có vẻ thù địch. Tôi bắt đầu mệt, tôi đưa bàn phím cho Ange và để cô làm M1k3y một lúc. Dù sao tôi cũng không còn thật sự cảm thấy mình và M1k3y cùng là một người nữa. M1k3y là thằng nhóc nói chuyện với cánh nhà báo quốc tế và làm dấy lên cả một phong trào. Còn Marcus thì bị đình chỉ học, cãi nhau với bố và băn khoăn trăn trở liệu hắn có xứng đáng với cô người yêu tuyệt vời của mình không. Đến 11 giờ thì tôi thấy đã quá đủ rồi. Thêm vào đó, bố mẹ cũng mong tôi về nhà sớm. Tôi thoát ra khỏi trò chơi, Ange cũng vậy và chúng tôi nằm đó một lúc. Tôi cầm tay cô và siết nó thật chặt. Chúng tôi ôm nhau. Cô hôn lên cổ tôi và thì thầm gì đó. “Sao hả em?” “Em nói rằng em yêu anh,” cô nói. “Sao nào, anh muốn em gửi cho anh cả một bức điện tín hay sao?” “Wow,” tôi nói. “Anh ngạc nhiên hả?” “Không. Ừm. Chỉ là... anh cũng đang định nói điều đó với em.” “Chắc chắn là thế rồi,” cô nói và cắn nhẹ vào mũi tôi. “Chỉ là trước đây anh chưa bao giờ nói điều này,” tôi nói. “Vì thế nên anh đang cố gắng đây.” “Anh vẫn chưa nói đâu nhé. Đừng có mà nghĩ em không nhận ra. Bọn con gái chúng em để ý vấn đề này lắm đấy.” “Anh yêu em, Ange Carvelli,” tôi nói. “Em cũng yêu anh, Marcus Yallow.” Chúng tôi hôn nhau và rồi tôi bắt đầu thở gấp, cô cũng thế. Đúng lúc ấy thì mẹ cô gõ cửa. “Angela,” mẹ gọi. “Mẹ nghĩ đến giờ bạn con phải về nhà rồi đấy, phải không?” “Vâng, thưa mẹ,” cô trả lời và làm điệu bộ đang vung rìu. Khi tôi đi tất và giày, cô thì thầm, “Họ sẽ nói rằng, cái con bé Angela đó, nó thật là một đứa con gái ngoan, làm sao nghĩ xấu cho nó được, nó suốt ngày ở sân sau mài rìu giúp mẹ mà.” Tôi cười ngặt nghẽo. “Em không biết em được sống dễ dàng thế nào đâu. Bố mẹ anh không đời nào để bọn mình một mình trong phòng ngủ đến 11 giờ.” “11 giờ 45 phút,” cô vừa nói vừa xem giờ. “Thôi chết rồi!” tôi thốt lên và buộc dây giày. “Đi đi,” cô giục. “Chạy đi và tự do nhé! Nhớ nhìn cả hai phía khi sang đường đấy nhé! Hãy viết cho em nếu anh phải làm việc! Không cần phải ôm đâu! Nếu anh không ra khỏi phòng em trước khi em đếm đến mười thì anh gặp rắc rối đó, quý ngài. Một. Hai. Ba.” Tôi làm cho cô không nói nữa bằng cách nhảy lên giường, đè cô xuống và hôn cô đến khi cô không còn cố đếm nữa. Rất tự hào vì chiến thắng của mình, tôi chạy xuống cầu thang, hộp Xbox kẹp dưới nách. Mẹ cô ở dưới chân cầu thang. Tôi mới gặp bà vài lần. Bà là phiên bản già hơn, cao hơn của Ange - Ange đã kể rằng bố cô thấp người - đeo kính áp tròng thay vì kính thường. Có vẻ như dần dần bà đã dán cho tôi cái mác là một chàng trai tốt và tôi rất cảm kích vì điều này. “Chúc cô ngủ ngon, cô Carvelli,” tôi nói. “Chúc cháu ngủ ngon, Yallow,” bà nói. Lúc ra đến cửa, tôi hơi lừng khừng một chút. “Gì thế?” bà hỏi. “Ừm,” tôi nói. “Cảm ơn cô đã cho cháu sang chơi.” “Cháu luôn được đón chào trong nhà của cô mà.” “Và cảm ơn cô vì Ange,” tôi nói, tự thấy chán mình vì thế này thì nghe vô duyên quá. Nhưng bà chỉ mỉm cười rạng rỡ và ôm tôi một cái thật nhanh. “Không có gì,” bà nói. Trong suốt chuyến xe về nhà, tôi nghĩ đến cuộc họp báo, đến Ange khỏa thân và lăn lộn với tôi trên giường, đến lúc mẹ cô mỉm cười tiễn tôi ra cửa. Mẹ tôi đang chờ tôi ở nhà. Bà hỏi về bộ phim và tôi trả lời đúng như đã chuẩn bị trước, lấy trong một bài phê bình về bộ phim được đăng trên tờ Bay Guardian. Khi tôi bắt đầu lơ mơ ngủ, ý nghĩ về buổi họp báo quay trở lại. Tôi rất tự hào về nó. Thật là kỳ tích khi những phóng viên lớn có mặt tại trò chơi, họ lắng nghe tôi nói và lắng nghe tất cả những người có cùng niềm tin với tôi. Tôi thiếp đi với nụ cười trên môi. Đáng lẽ tôi phải biết chuyện này có thể xảy ra. Thủ lĩnh Xnet: Tôi Có Thể Mang Kim Loại Lên Máy Bay DHS Cai Trị Mà Không Có Sự Chấp Thuận Của Tôi Những Đứa Trẻ Của Xnet: Quân Mỹ Hãy Ra Khỏi San Fransisco Những dòng tít rất hay ho. Mọi người gửi các bài báo vào blog cho tôi, nhưng tôi không muốn đọc chúng một chút nào hết. Theo một cách nào đó, tôi đã làm hỏng nó. Cánh phóng viên đã đến buổi họp báo của tôi và kết luận rằng chúng tôi là những kẻ khủng bố hay bọn bịp bợm khủng bố. Điều tệ hại nhất là cô nàng phóng viên ở kênh Fox News, người dường như cũng tham gia buổi họp báo rồi dành hẳn mười phút làm phóng sự về chúng tôi, lên án “tội phản quốc” của chúng tôi. Sau đây là những lời lẽ chết người của cô ta, được lặp đi lặp lại trên mọi bản tin mà tôi đọc được: “Chúng nói chúng không có tên. Tôi đã tóm được một đứa trong số chúng. Hãy gọi những đứa trẻ hư hỏng này là Cal-Quaeda. Chúng làm những việc khủng bố trên chính đất nước này. Khi nào - không phải “nếu”, mà là “khi nào” - California lại bị tấn công một lần nữa, những đứa hư hỏng này cũng đáng bị chỉ trích như Hoàng tộc Saud. (1)” Lãnh đạo của các phong trào phản chiến lên án chúng tôi là những thành phần ngoài pháp luật. Một người đàn ông đã lên truyền hình để khẳng định ông ta tin rằng chúng tôi được DHS dựng lên để làm mất uy tín của các phong trào này. DHS đã tổ chức một buổi họp báo tuyên bố rằng họ sẽ tăng gấp đôi lực lượng an ninh ở San Francisco. Họ đưa ra một thiết bị sao chép thẻ RFID mà họ đã tìm thấy ở đâu đó và minh họa cách sử dụng nó, dùng nó để dàn cảnh một vụ trộm xe hơi, và cảnh báo mọi người chú ý đến những thanh thiếu niên có hành động đáng ngờ, đặc biệt là với những ai để tay khuất tầm nhìn của mọi người. Họ không đùa. Tôi đã hoàn thành bài luận văn Kerouac và bắt đầu làm bài luận về chủ đề Mùa hè của Tình yêu, mùa hè năm 1967, khi những người tham gia phong trào chống chiến tranh và những người hippie tụ tập về San Francisco. Hai cha đẻ của hãng kem Ben&Jerry - trước kia cũng là dân hippie - đã thành lập hẳn một viện bảo tàng về văn hóa hip- pie ở quận Haight, ngoài ra, khắp San Francisco còn rất nhiều khu lưu trữ và triển lãm hippie khác nữa. Nhưng lang thang quanh thành phố này thật không dễ dàng gì. Tính cho đến cuối tuần, tôi đã bị chặn lại để kiểm tra trung bình bốn lần mỗi ngày. Cảnh sát kiểm tra chứng minh thư của tôi và hỏi tại sao tôi lại ở ngoài đường, dò xét bức thư của trường Chavez thông báo tôi đã bị đình chỉ học. Tôi đã gặp may. Không ai bắt giữ tôi. Tuy nhiên những thành viên còn lại của Xnet thì không được may mắn như vậy. Hàng tối, DHS đều công bố thêm những người bị bắt, “những kẻ cầm đầu” và “những tên gián điệp” của mạng Xnet mà tôi không biết và chưa bao giờ nghe nói tới, bị dẫn giải trên truyền hình cùng với thiết bị thu trộm thẻ RFID và các thiết bị khác được tìm thấy trong túi họ. DHS thông báo rằng những người này đang “đặt ra những cái tên”, đang thỏa hiệp với “mạng Xnet” và dự kiến sớm có thêm những vụ bắt giữ khác. Cái tên “M1k3y” thường xuyên được nhắc đến. Bố tôi rất thích điều này. Ông và tôi thường xem tin tức cùng nhau, ông rất hả hê, tôi thì âm thầm bấn loạn. Ông nói: “Con nên biết những thứ mà người ta sẽ sử dụng với những đứa trẻ này. Bố đã chứng kiến tận mắt rồi. Họ sẽ chọn ra hai đứa và kiểm tra danh sách bạn bè của chúng trên phần mềm chat và những phím gọi nhanh trên điện thoại của chúng, tìm những cái tên xuất hiện nhiều lần, tìm một vài khuôn mẫu, và tóm thêm nhiều đứa khác. Họ sẽ xới tung chúng lên.” Tôi đã hủy bữa ăn tối với Ange tại nhà tôi và dành nhiều thời gian hơn ở nhà Ange. Em gái Ange đã bắt đầu gọi tôi là “vị khách thân thiết”, chẳng hạn cô bé hay hỏi “Tối nay vị khách thân thiết này sẽ ăn tối với em à?” Tôi rất thích Tina. Tất cả những gì mà cô bé quan tâm là đi chơi, tiệc tùng và gặp gỡ các chàng trai, nhưng Tina rất vui vẻ và sẵn sàng ủng hộ Ange hết mình. Một buổi tối, khi chúng tôi cùng nhau nấu ăn, Tina lau khô tay và nói, “Anh biết không Marcus, anh có vẻ là một người đàn ông tốt. Chị của em phát điên lên vì anh và em cũng thích anh nữa. Nhưng em phải nói với anh một điều: Nếu anh làm tan nát trái tim của chị em, em sẽ lần theo dấu vết của anh và kéo dương vật của anh qua đầu. Sẽ không vui vẻ gì đâu.” Tôi đảm bảo với Tina rằng thà tôi tự kéo dương vật của mình qua đầu còn hơn là làm tan nát trái tim Ange và cô bé gật đầu, “Vậy là chúng ta đã hiểu nhau.” “Em gái em thật tinh quái,” tôi nói khi hai đứa đang nằm trên giường Ange và xem các trang blog của Xnet. Đùa giỡn và đọc Xnet là tất cả những gì chúng tôi làm. “Tina có sử dụng từ dương vật khi nói với anh không? Em ghét từ đó khi con bé nói. Đơn giản là con bé rất thích nói từ ‘dương vật’, anh biết đấy. Không ám chỉ riêng tư gì đâu.” Tôi hôn Ange rồi chúng tôi tiếp tục đọc. “Nghe cái này này,” Ange nói. “Cảnh sát lên kế hoạch bắt từ bốn đến sáu trăm người trong tuần này, họ nói đây sẽ là cuộc đột kích phối hợp lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào những người chống đối của Xnet.” Tôi cảm thấy như bị quăng lên. “Chúng ta phải ngăn điều này,” tôi nói. “Em có hiểu là có nhiều người phá rối nhiều hơn để chứng minh rằng họ không bị đe dọa không? Nó không quá điên rồ chứ?” “Em nghĩ họ thật dũng cảm. Chúng ta không thể để họ làm chúng ta sợ hãi và khuất phục.” “Cái gì? Không, Ange, không. Chúng ta không thể để hàng trăm người phải vào tù. Em chưa từng ở trong đó. Anh đã từng trải qua. Nơi đó tồi tệ hơn nhiều so với em nghĩ. Nó tồi tệ hơn nhiều những gì em tưởng tượng.” “Em có trí tưởng tượng khá phong phú đấy,” cô đáp. “Dừng ở đây nhé? Nghiêm túc đi nào. Anh sẽ không làm điều này. Anh sẽ không đưa họ vào tù. Nếu anh làm như thế, anh sẽ là người như Van vẫn nghĩ.” “Marcus, em đang nghiêm túc. Anh nghĩ rằng những người đó không biết họ có thể phải vào tù sao? Họ tin vào chính nghĩa. Anh cũng vậy. Hãy cho họ niềm tin để biết cái điều mà họ đang đi vào. Anh không thể quyết định thay họ những rủi ro mà họ có thể hoặc không thể gặp phải.” “Nó là trách nhiệm của anh bởi vì nếu anh bảo họ dừng lại, họ sẽ dừng.” “Em tưởng anh không phải là người lãnh đạo?” “Đúng, anh tuyệt đối không phải là người lãnh đạo. Nhưng anh không thể không làm như thế nếu họ trông chờ ở anh một lời chỉ dẫn. Và chừng nào họ còn làm như vậy, anh có trách nhiệm phải giúp họ an toàn. Em cũng thấy như thế, đúng không?” “Tất cả những điều mà em thấy là anh đang sẵn sàng vứt bỏ và chạy trốn khi thấy dấu hiệu đầu tiên của sự rắc rối. Em nghĩ rằng anh sợ họ sẽ nhận ra anh là ai. Em nghĩ anh đang sợ cho chính bản thân anh.” Tôi nhích khỏi Ange, ngồi dậy và nói: “Thật không công bằng!” “Thật ư? Ai là người đã gần như lên cơn đau tim khi anh ta tưởng danh tính bí mật của mình bị lộ?” “Điều đó hoàn toàn khác. Không phải là về anh. Em biết là không phải như vậy. Tại sao em lại như thế này?” “Tại sao anh lại như thế này? Tại sao anh không còn là anh chàng đã đủ dũng cảm để phát động tất cả những chuyện này?” “Đó không phải là dũng cảm, đó là tự sát.” “Kịch sến rẻ tiền cho các bạn trẻ, M1k3y.” “Đừng gọi anh như thế!” “Cái gì, ‘M1k3y’ hả? Sao lại không, M1k3y?” Tôi đi giày vào. Lấy túi của mình. Đi bộ về nhà. > Tại sao tôi gây rối nữa > Tôi sẽ không bảo bất cứ ai khác phải làm gì, bởi vì tôi không phải là lãnh đạo của bất cứ ai, kệ cho hãng tin Fox nghĩ gì đi nữa. > Nhưng tôi sẽ kể với bạn việc mà tôi dự định làm. Nếu bạn nghĩ điều đó đáng để làm, có thể bạn cũng sẽ làm theo. > Tôi sẽ không gây rối nữa. Không phải trong tuần này. Có thể tuần sau cũng không. Không phải vì tôi sợ hãi. Đó là bởi vì tôi đủ thông minh để biết rằng mình nên tự do hơn là ở trong tù. Họ đã tìm ra cách để hóa giải chiến thuật của chúng ta, vì vậy chúng ta cần phải tìm ra một chiến thuật mới. Tôi không quan tâm là chiến thuật gì, nhưng tôi muốn nó hiệu quả. Thật là ngu ngốc nếu để bị bắt. Bạn chỉ có thể gây rối nếu bạn an toàn. > Có một lý do khác để không gây rối. Nếu bạn bị bắt, chúng có thể sử dụng bạn để tóm những người bạn của bạn, và bạn của bạn của bạn. DHS có thể dò ra banï của bạn ngay cả khi họ không tham gia Xnet, bởi vì DHS giống như một con bò tót điên cuồng và chắc chắn là họ không bận tâm đến việc có bắt đúng người hay không. > Tôi không bảo bạn phải làm gì. > Nhưng DHS ngu ngốc còn chúng ta thì thông minh. Ta gây rối chỉ để chứng minh rằng họ không thể chống khủng bố bởi vì nó cho thấy họ thậm chí còn không thể ngăn chặn một lũ trẻ con. Nhưng nếu bạn bị bắt, họ sẽ tưởng họ thông minh hơn chúng ta. > HỌ KHÔNG THÔNG MINH HƠN CHÚNG TA. Chúng ta thông minh hơn họ. Hãy vận dụng trí thông minh. Hãy tìm ra cách để làm họ bị rối tung lên, bất kể họ có cử bao nhiêu tên ngu ngốc xuất hiện trên những con đường trong thành phố của chúng ta. Tôi đăng bài lên rồi đi ngủ. Tôi nhớ Ange. Ange và tôi không nói chuyện với nhau trong bốn ngày kế tiếp, kể cả cuối tuần, và sau đó tôi trở lại trường học. Đã một triệu lần tôi suýt gọi cho cô, có cả nghìn e-mail và tin nhắn tôi viết nhưng không gửi. Bây giờ tôi đã trở lại lớp học Nghiên cứu Xã hội, và bà Andersen đã chào đón tôi bằng thái độ lịch sự trơn tru đầy châm biếm, cô ta hỏi tôi một cách ngọt ngào xem kỳ nghỉ vừa qua của tôi như thế nào. Tôi chỉ ngồi xuống và nói lầm bầm không thành tiếng. Tôi có thể nghe tiếng Charles cười rúc rích như chuột. Cô ta dạy cả lớp về “Vận mệnh hiển nhiên”, cái ý tưởng rằng người Mỹ sinh ra để thống trị thế giới (hoặc ít nhất đó là cái cách cô ta làm cho nó có vẻ như thế) và dường như đang cố gắng khích tôi nói ra điều gì đó để cô ta có thể tống cổ tôi ra ngoài. Tôi cảm thấy mọi ánh mắt trong lớp đều hướng về tôi, và nó gợi tôi nhớ đến M1k3y và những người đang soi mói anh ta. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì bị soi mói như thế. Tôi nhớ Ange. Tôi trải qua thời gian còn lại trong ngày mà không có gì đặc sắc. Tôi không nghĩ mình đã nói quá tám từ. Cuối cùng cũng hết giờ và tôi xô mạnh mấy cái cửa, hướng về phía cổng, về phía khu Mission ngu ngốc và ngôi nhà lạc lõng của tôi. Ai đó đã đâm sầm vào tôi khi tôi vừa bước ra khỏi cổng. Anh ta là một thanh niên vô gia cư, có lẽ bằng tuổi tôi, hoặc già hơn một chút. Anh ta mặc một cái áo khoác dài nhờn nhợt, chiếc quần jean rộng lùng thùng và đi đôi giày đế mềm tàn tạ trông như vừa moi được từ đống mùn cưa. Mái tóc dài của anh ta lòa xòa khắp khuôn mặt, và anh ta có bộ râu xồm xoàm mọc lôm nhôm dưới cái cổ họng được nhét trong cổ áo len đan chẳng ra màu gì. Tôi nhận thấy tất cả điều này khi chúng tôi nằm sóng soài cạnh nhau trên vỉa hè, mọi người đi ngang qua nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kỳ lạ. Có vẻ như anh ta đâm vào tôi khi đang vội vã đi xuống Valencia, chúi người về trước vì sức nặng của cái ba lô rách nát nằm cạnh anh ta, trên đó chi chít những hình thù nguệch ngoạc như bùa chú. Anh ta chống tay vào đầu gối và lảo đảo như say rượu hay đã va đầu vào đâu đó. “Xin lỗi anh bạn,” anh ta nói. “Không nhìn thấy cậu. Cậu có bị đau không?” Tôi cũng đứng dậy. Không thấy đau. “Ừm. Không, tôi ổn.” Anh ta đứng dậy và cười. Hàm răng của anh ta trắng và đều đến bất ngờ, giống như ảnh quảng cáo cho một phòng khám chỉnh hình răng vậy. Anh ta đưa tay về phía tôi, cái bắt tay của anh ta thật mạnh mẽ và rắn chắc. “Tôi thật sự xin lỗi.” Giọng nói của anh ta cũng rõ ràng và thông minh. Tôi đã nghĩ giọng anh ta phải giống như những gã say rượu lè nhè với chính mình khi vất vưởng ở Mission vào ban đêm, nhưng giọng anh ta nghe như một nhân viên hiệu sách đầy hiểu biết. “Không sao,” tôi nói. Anh ta chìa tay ra lần nữa. “Zeb,” anh ta nói. “Marcus,” tôi đáp. “Rất hân hạnh, Marcus. Hy vọng lúc nào đó lại tình cờ gặp cậu.” Anh ta cười lớn, nhặt ba lô của mình rồi quay lưng vội vã bỏ đi. Tôi đi bộ về nhà với một mùi ẩm mốc phát gớm trên người. Mẹ tôi đang đứng ở bàn bếp và chúng tôi đã nói chuyện linh tinh một chút như thường lệ, trước khi mọi thứ thay đổi. Tôi đi lên cầu thang về phòng mình và ngồi phịch xuống ghế. Đã có lần tôi không muốn đăng nhập vào Xnet. Buổi sáng hôm đi học lại, tôi kiểm tra Xnet và thấy bài viết của mình đã gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những người đồng ý với tôi với những người gay gắt phản đối rằng tôi đang bảo họ từ bỏ môn thể thao mà họ yêu thích. Tôi có đến ba nghìn dự án đang làm dở. Tôi đang lắp một cái máy ảnh pinhole từ những miếng ghép hình lego, trước giờ tôi vẫn hay chụp ảnh bằng diều trên không với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ có một nút bấm đã bong hết lớp ma tít ngớ ngẩn, nút này giãn ra lúc diều bay lên rồi dần dần thu về hình dạng ban đầu, làm cửa trập mở ra đóng lại sau những khoảng thời gian đều nhau. Tôi có một bộ ampli đèn điện tử và đang muốn gắn nó vào một hộp dầu ô liu méo mó, gỉ sét và cũ mèm như một cổ vật mới được khai quật - sau khi làm xong cái này, tôi định làm tiếp cái giá để điện thoại và một bộ loa âm thanh nổi 5.1 bằng mấy lon cá ngừ. Tôi tìm trên bàn làm việc và cuối cùng nhặt được cái máy ảnh pinhole. Trò xếp hình đối với tôi chỉ là vấn đề nhanh hay chậm. Tôi tháo đồng hồ và hai chiếc nhẫn bạc cứng hình con khỉ và hình một tên ninja chuẩn bị chiến đấu, bỏ chúng vào một chiếc hộp nhỏ tôi dùng để đựng tất cả những thứ linh tinh mà tôi sẽ nhét vào túi và đeo quanh cổ trước khi bắt đầu một ngày mới: điện thoại, ví, chìa khóa, máy dò WiFi, tiền lẻ, pin, dây cáp co dãn... Tôi dốc tất cả chúng vào hộp và thấy một thứ gì đó mà thoạt đầu tôi không nhớ là đã bỏ vào túi lúc nào. Nó là một mẩu giấy màu xám và mềm như vải, các mép nham nhở do được xé ra từ một tờ giấy to hơn. Trên đó là những dòng chữ viết tay bé nhất, cẩn thận nhất tôi từng thấy trên đời. Tôi mở nó ra và vuốt phẳng. Những dòng chữ này phủ kín cả hai mặt giấy, bắt đầu từ góc trên bên trái của mặt này đến chỗ một chữ ký lằng nhằng ở góc dưới bên phải của mặt kia. Chữ ký đơn giản: ZEB Tôi cầm nó lên và bắt đầu đọc. Marcus thân mến, Cậu không biết tôi nhưng tôi thì biết cậu. Trong ba tháng qua, kể từ khi Cầu Vịnh bị nổ tung, tôi đã bị cầm tù trên đảo Kho Báu Hôm sau đó, tôi bị đau ruột thừa và được đưa vào bệnh xá. Ở giường kế bên là một người tên là Darryl. Chúng tôi cùng chữa trị trong một thời gian dài và khi đã khỏe lại, chúng tôi đã trở thành một nỗi xấu hổ quá lớn với họ, họ không thể cứ thế thả chúng tôi đi. Vì thế họ quyết định chúng tôi chắc chắn phải có tội. Họ tra khảo chúng tôi hằng ngày. Tôi biết cậu đã trải qua trò tra khảo của họ. Hãy tưởng tượng nó diễn ra trong nhiều tháng. Darryl và tôi trở thành bạn cùng xà lim. Chúng tôi biết mình bị nghe trộm, do đó chúng tôi chỉ nói những thứ vớ vẩn. Nhưng vào ban đêm, chúng tôi âm thầm chuyển thông điệp cho nhau bằng mã Morse (tôi đã biết một lúc nào đó, những ngày làm chương trình radio KHÔNG CHUYÊN của tôi sẽ hữu dụng mà). Lúc đầu, những câu tra hỏi mà họ dành chúng tôi cũng giống như bao lần, ai đã thực hiện, đã thực hiện thế nào. Nhưng sau một hồi, họ chuyển sang hỏi chúng tôi về mạng Xnet. Tất nhiên, chúng tôi chưa bao giờ nghe về nó. Nhưng điều đó không làm cho họ dừng tra khảo. Darryl bảo với tôi rằng họ mang đến cho cậu ta những cái máy sao chép thẻ RFID, Xbox và đủ thứ thiết bị công nghệ rồi yêu cầu cậu ấy nói ai sử dụng chúng, họ đã học cách sử dụng chúng từ đâu. Darryl kể với tôi về những trò chơi của cậu và những thứ cậu đã học. Đặc biệt: DHS đã hỏi về bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi quen ai? Họ trông như thế nào? Họ có quan tâm đến chính trị không? Họ có gặp rắc rối ở trường không? Với pháp luật thì sao? Chúng tôi gọi tên nhà tù là Gitmo (3)-bên-bờ-Vịnh này. Đã một tuần kể từ khi tôi thoát ra ngoài và tôi không nghĩ có người nào biết rằng con trai và con gái của họ bị cầm tù ở giữa Vịnh này. Vào buổi đêm, chúng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng mọi người cười nói và tiệc tùng trên đất liền. Tôi đã trốn ra tuần trước. Tôi sẽ không kể với cậu bằng cách nào, đề phòng trường hợp bức thư này có thể rơi vào tay kẻ xấu. Có thể người khác sẽ biết lộ trình của tôi. Darryl đã bảo tôi cách tìm thấy cậu và bắt tôi hứa sẽ kể với cậu những gì mà tôi biết khi tôi trở lại. Bây giờ thì tôi đã hoàn thành lời hứa, tôi sẽ đi khỏi đây giống như năm ngoái. Bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ rời khỏi đất nước này. Cái nước Mỹ đáng chết này. Hãy luôn mạnh mẽ. Họ sợ cậu. Hãy đánh bại họ giúp tôi. Đừng để bị bắt nhé! Zeb Tôi đã khóc sau khi đọc xong bức thư. Trên bàn tôi có một chiếc bật lửa còn dùng được để thỉnh thoảng tôi đốt bỏ phần cách điện của dây điện, tôi đã bới nó lên và định đốt bức thư này. Tôi biết mình phải hủy bức thư vì Zeb, để chắc chắn không ai khác nhìn thấy nó, phòng khi nó có thể dẫn đường cho bọn họ tìm được anh ấy, bất chấp nơi mà anh định đến là đâu. Tôi giữ ngọn lửa bên cạnh mẩu giấy, nhưng tôi không thể làm được. Darryl. Với tất cả những câu chuyện tào lao về mạng Xnet, Ange và DHS, tôi gần như đã quên mất rằng nó vẫn còn tồn tại. Nó đã trở thành một bóng ma, giống như một người bạn cũ đã đi xa hay đã tham gia một chương trình trao đổi học sinh. Trong suốt thời gian đó, họ đã tra hỏi nó, yêu cầu nó phản bội tôi, giải thích về Xnet, về những kẻ gây rối. Nó đã ở trên đảo Kho Báu, cái căn cứ quân sự bị bỏ hoang nằm dọc theo nhịp cầu đã bị phá hủy của Cầu Vịnh. Nó ở gần đến mức tôi có thể bơi ra chỗ nó. Tôi đặt chiếc bật lửa xuống và đọc lại bức thư. Khi tôi đọc xong, tôi lại khóc thổn thức. Mọi thứ trở lại với tôi, người phụ nữ với mái tóc cắt bằng và những câu cô ta đã hỏi tôi, cùng cái mùi hôi thối của nước tiểu và mùi nồng nặc trong quần lót của tôi khi nước tiểu đã khô bết vào những sợi vải thô. “Marcus?” Cửa hé mở và mẹ tôi đang đứng trong phòng, nhìn tôi với vẻ lo lắng. Không biết mẹ đã ở trong đó bao lâu rồi? Tôi gạt nước mắt, hỉ mũi rồi nói. “Chào mẹ.” Mẹ đi vào trong phòng và ôm lấy tôi. “Có chuyện gì thế? Con có cần nói chuyện không?” Bức thư vẫn nằm trên bàn. “Cái này là từ bạn gái con à? Mọi chuyện vẫn ổn chứ?” Bà đã cho tôi một lối thoát. Tôi có thể đổ hết mọi thứ cho việc đang gặp rắc rối với Ange và bà sẽ rời khỏi phòng tôi, để tôi một mình. Tôi mở miệng và định nói thế, nhưng đây lại là điều tôi bật ra: “Con đã ở trong tù. Sau khi cây cầu nổ tung. Con đã ở trong tù trong suốt thời gian đó.” Những tiếng nức nở đến sau đó dường như không giống giọng của tôi. Chúng giống như tiếng ồn của một con vật, có thể là con lừa hay tiếng kêu của một con mèo to vào buổi đêm. Tôi nức nở đến mức cổ họng tôi như bị đốt cháy và đau rát, vì vậy ngực của tôi cứ phập phồng gấp gáp. Mẹ ôm tôi vào lòng, cái cách mà bà vẫn thường làm khi tôi còn là một đứa trẻ, rồi bà vuốt tóc tôi, thì thầm vào tai tôi, vỗ về tôi, dần dần, chầm chậm, tiếng nức nở tan đi. Tôi hít một hơi thật sâu và mẹ lấy cho tôi một cốc nước. Tôi ngồi ở mép giường còn bà ngồi trên ghế của tôi và tôi đã kể cho bà toàn bộ câu chuyện. Toàn bộ. Ờ, phần lớn câu chuyện thôi. Chú thích: 1. Gia đình hoàng gia của Vương Quốc Ả Rập. 2. Treasure Island, một đảo nhân tạo trong vịnh San Francisco. 3. Gọi theo tên của nhà tù Guantanamo chương 16 Ban đầu, mẹ tôi bị sốc, sau đó tức giận, và cuối cùng bà im lặng hoàn toàn và chỉ nói khi tôi kể vềtoàn bộ vụ tra khảo, chuyện tôi tè ra quần, cái bao trùm qua đầu tôi và về Darryl. Tôi đưa bức thư cho mẹ. “Tại sao...?” Trong một từ đó chứa đựng tất cả những lời tố cáo mà tôi đã tự xử lý trong đêm, tất cả những khoảnh khắc mà tôi đã không có dũng khí để nói với cả thế giới về cái đang thực sự diễn ra, tại sao tôi phải chiến đấu, điều gì đã thực sự truyền cảm hứng cho Xnet. Tôi hít một hơi. “Họ nói với con rằng con sẽ phải vào tù nếu nói ra chuyện đó. Không chỉ trong vài ngày mà là mãi mãi. Con đã... con đã rất sợ.” Mẹ ngồi với tôi rất lâu nhưng không nói điều gì. Rồi bà hỏi: “Thế còn bố của Darryl thì sao?” Như thể bà vừa đâm một cây kim vào ngực tôi. Bố của Darry, chắc hẳn bác ấy nghĩ rằng Darryl đã chết, chết lâu rồi. Có phải nó chưa chết? Sau khi DHS đã giam giữ bạn bất hợp pháp suốt ba tháng trời, có lẽ nào họ lại để bạn tự do? Nhưng Zeb đã thoát khỏi đó. Có thể Darryl cũng sẽ làm thế. Có thể tôi và Xnet sẽ giúp Darryl trốn được ra ngoài. “Con chưa nói với bác ấy,” tôi nói. Giờ thì mẹ tôi đang khóc. Mẹ không dễ khóc. Đây là một đặc điểm của người Anh. Tôi cảm thấy tệ hơn rất nhiều khi nghe thấy những tiếng nấc nghẹn ngào của bà. “Con phải kể cho ông ấy,” bà trấn tĩnh lại. “Con phải kể” “Con sẽ làm.” “Nhưng trước hết chúng ta phải kể cho bố con biết.” Dạo này bố tôi về nhà không theo giờ giấc cố định nào cả. Do công việc tư vấn cho khách hàng - những người giờ đây có quá nhiều việc khi mà DHS liên tục thuê lắp đặt các hệ thống khai thác dữ liệu trên bán đảo này - cộng thêm quãng đường dài để tới Berkeley nên bố tôi có thể về nhà bất cứ lúc nào trong khoảng từ sáu giờ tối đến nửa đêm. Tối nay mẹ tôi đã gọi cho ông và bảo ông về nhà ngay lập tức. Ông nói gì đó và mẹ tôi chỉ lặp lại: ngay bây giờ. Khi bố tôi về đến nhà, mẹ và tôi đã chờ sẵn ở trong phòng khách cùng với bức thư trên bàn cà phê. Lần kể thứ hai dễ dàng hơn. Bí mật này đang dần sáng tỏ hơn. Tôi không thêm bớt, cũng không giấu giếm bất cứ điều gì. Tôi thú nhận tất cả. Trước đó tôi đã nghĩ đến việc thú nhận tất cả nhưng tôi chưa bao giờ hiểu nó có nghĩa là gì cho đến khi tôi kể ra. Giữ bí mật đó đã làm tôi vấy bẩn, tinh thần tôi suy sụp. Nó khiến tôi cảm thấy sợ hãi và xấu hổ. Nó đã biến tôi thành con người đúng như Ange nói. Bố tôi ngồi chết lặng trong suốt thời gian đó, khuôn mặt ông như hóa đá. Khi tôi đưa cho ông xem bức thư, ông đọc hai lần rồi cẩn thận đặt nó xuống. Ông lắc đầu, đứng dậy rồi tiến về cửa trước. “Anh đi đâu vậy?” mẹ tôi hoảng hốt. “Anh cần đi dạo,” là tất cả những gì bố tôi có thể thốt lên, giọng ông vỡ ra. Mẹ và tôi lúng túng nhìn nhau và ngồi đợi ông về. Tôi cố gắng tượng tưởng những gì đang diễn ra trong đầu ông. Sau vụ đánh bom, ông trở thành một người hoàn toàn khác và từ mẹ, tôi biết được rằng nguyên nhân của sự thay đổi này chính là những ngày ông tưởng tôi đã chết. Ông đã tin rằng những tên khủng bố gần như đã giết đứa con trai của ông và điều đó khiến ông trở nên điên loạn. Điên loạn đủ để làm bất cứ việc gì DHS yêu cầu, tuân thủ như một chú cừu non ngoan ngoãn và để họ kiểm soát ông, điều khiển ông. Giờ thì ông đã biết rằng chính DHS đã giam hãm tôi, chính DHS đã bắt những đứa trẻ ở San Francisco làm con tin ở nhà tù Gitmo trên đảo. Lúc này đây, tôi đã có một bức tranh toàn diện về nó. Chắc chắn tôi đã bị giam giữ trên đảo Kho Báu. Còn nơi nào khác chỉ cách San Francisco mười phút đi thuyền? Khi bố tôi quay về, trông ông giận dữ hơn bao giờ hết. “Đáng lẽ con nên kể cho bố từ đầu!” ông gầm lên. Mẹ tôi can thiệp. “Anh trách sai người rồi. Marcus không phải là người đã bắt cóc và đe dọa.” Bố tôi lắc đầu và giậm mạnh chân. “Anh không đổ lỗi cho Marcus. Anh biết chính xác ai đã gây ra. Anh. Chính anh và cái lũ DHS ngu ngốc đó. Đi giày và mặc áo khoác vào.” “Chúng ta sẽ đi đâu?” tôi hỏi. “Đến gặp bố của Darryl. Sau đó chúng ta sẽ đến nhà Barbara Stratford.” Tôi đã thấy cái tên Barbara Stratford ở đâu đó, nhưng tôi không thể nhớ là ở đâu. Tôi nghĩ chắc đó là một người bạn cũ của bố mẹ tôi, nhưng tôi không thể nhớ chính xác nhà cô ở chỗ nào. Tôi đến chỗ bố của Darryl. Tôi chưa bao giờ thấy thực sự thoải mái khi ở gần người đàn ông lớn tuổi này, người đã từng điều khiển trạm vô tuyến của Hải quân và quản lý gia đình chặt chẽ như ở trên tàu. Ông đã dạy Darryl về mã Morse khi nó còn bé tí, thứ mà tôi luôn nghĩ là thật hay ho. Đó là một trong những cách để tôi biết rằng mình có thể tin bức thư của Zeb. Thế nhưng trừ những thứ thật sự hay ho như mã Morse ra, bố Darryl có những nguyên tắc nhà binh thật điên rồ, dường như chỉ phục vụ lợi ích của riêng ông, chẳng hạn như khăng khăng đòi giữ giường sạch sẽ ngăn nắp như một góc bệnh viện và cạo râu hai lần một ngày. Việc đó làm cho Darryl phát điên. Mẹ của Darryl cũng không thích thú gì và đã bỏ hai bố con để về sống với gia đình mình ở bang Minesota khi Darryl mười tuổi - Darryl thường tới đó vào dịp nghỉ hè và Giáng sinh. Tôi đang ngồi ở phía sau xe và có thể nhìn thấy gáy của bố khi ông lái. Các cơ ở cổ của ông căng lên và phập phồng khi ông nghiến hàm. Mẹ đặt bàn tay trên cánh tay ông, nhưng không ai làm tôi thoải mái. Giá mà tôi có thể gọi cho Ange. Hoặc Jolu. Hoặc Van. Có thể tôi sẽ làm như thế khi cái ngày này kết thúc. “Hẳn là ông ấy đã chôn chặt đứa con trai trong tâm trí mình,” bố tôi lên tiếng khi xe đi qua khúc quanh dẫn đến Twin Peaks, nơi có ngôi nhà nhỏ của hai bố con Darryl. Ở Twin Peaks đang có sương mù, điều bình thường vào buổi tối ở San Francisco, làm cho đèn pha phản chiếu ngược trở lại phía chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi ngoặt vào một góc phố, tôi lại thấy các thung lũng của thành phố nằm ngay phía dưới, những luồng sáng lấp lánh di chuyển trong màn sương mờ. “Có phải căn nhà này không?” “Vâng, chính là nó,” tôi trả lời. Tôi đã không đến nhà Darryl suốt mấy tháng nay, nhưng tôi đã ở đây hàng bao nhiêu năm nên nhận ra nó ngay tắp lự. Ba người chúng tôi cứ đứng quanh chiếc xe hồi lâu, chờ xem ai sẽ là người bước lên và bấm chuông cửa. Thật ngạc nhiên, người đó là tôi. Tôi bấm chuông và chúng tôi im lặng chờ một phút. Tôi bấm lại chuông lần nữa. Ô tô của bố Darryl đang đậu trên đường lái xe vào nhà, và chúng tôi thấy có ánh sáng trong phòng khách. Khi tôi chuẩn bị bấm chuông lần thứ ba thì cửa mở. “Marcus?” Bố Darryl trông không như những gì tôi nhớ về ông. Ông chưa cạo râu, đang mặc một chiếc áo khoác trong nhà và đi chân đất, móng chân dài và đôi mắt đỏ ngầu. Có vẻ ông đã tăng cân, và có thêm chút mỡ mềm bên dưới bộ hàm rắn chắc của một quân nhân. Mái tóc mỏng của ông lưa thưa rối bời. “Chào bác Glover,” tôi chào ông. Bố mẹ tôi đã đứng ngay sau lưng tôi. “Chào anh Ron,” mẹ tôi nói. “Chào Ron,” bố tôi nói. “Cả hai người nữa à? Có chuyện gì vậy?” bác Glover hỏi. “Ta vào trong nhà được không?” bố tôi đáp. Phòng khách trông giống như căn phòng trên những bản tin miêu tả nơi mà những đứa trẻ bị bỏ rơi bị nhốt trong một tháng trước khi được hàng xóm cứu thoát: hộp đồ ăn đông lạnh, lon bia và chai nước hoa quả rỗng, bát ngũ cốc mốc meo và hàng chồng báo. Phòng nồng nặc mùi nước tiểu mèo và rác rưởi lạo xạo dưới chân chúng tôi. Thậm chí nếu không có nước tiểu mèo, cái mùi này cũng đủ kinh khủng rồi, giống như mùi toa lét ở trạm xe buýt. Giường được phủ bởi một tấm vải bám đầy bụi, một đôi gối nhờn nhợn và một cái đệm lồi lõm đã được sử dụng quá nhiều. Tất cả chúng tôi đứng đó trong yên lặng một lúc lâu, cảm giác bối rối bao trùm lên những cảm xúc khác. Nhìn bố Darryl như thể ông muốn chết đi cho xong. Một cách chậm chạp, ông dẹp mấy tờ báo khỏi chiếc ghế sofa rồi dọn những khay thức ăn đầy mỡ và cáu bẩn trên hai cái ghế tựa. Ông mang chúng vào bếp và chúng tôi nghe thấy tiếng ông ném chúng xuống sàn nhà. Chúng tôi rón rén ngồi ở những chỗ mà ông đã dọn dẹp, rồi ông quay ra và ngồi xuống. “Tôi xin lỗi,” ông nói một cách lơ đãng. “Tôi thực sự không còn tí cà phê nào để mời mọi người. Ngày mai người ta mới chuyển đồ ăn và rau quả tới cho tôi nên giờ thì tôi còn rất ít...” “Ron,” bố tôi nói. “Nghe chúng tôi này. Chúng tôi có chuyện muốn nói cho anh nghe, và nó không dễ chịu đâu.” Bác Glover ngồi im như tượng trong khi tôi kể lại câu chuyện. Ông đọc lướt qua bức thư, đọc nhưng dường như không hiểu gì, rồi đọc lại lần nữa. Ông trả nó lại cho tôi. Ông run rẩy. “Thằng bé...” “Darryl còn sống,” tôi nói. “Cậu ấy còn sống và đang bị giam giữ làm tù nhân trên đảo Kho Báu.” Ông tọng nắm tay vào miệng mình và rên lên một tiếng thật khủng khiếp. “Chúng tôi có một người bạn,” bố tôi nói. “Cô ấy viết cho Bay Guardian. Một phóng viên điều tra.” Đó là nơi mà tôi biết cái tên này. Tuần báo miễn phí Guardian thường mất những phóng viên của mình vào tay các tờ nhật báo lớn hơn và mạng Internet, nhưng Barbara Stretford thì vẫn kiên định với nơi đó. Tôi nhớ mang máng là đã có lần ăn tối với cô khi tôi còn nhỏ. “Chúng tôi sẽ tới đó ngay bây giờ,” mẹ tôi nói. “Ron, anh sẽ đi cùng chúng tôi chứ? Anh sẽ kể với cô ấy chuyện của Darryl chứ?” Bác Glover vùi mặt vào hai bàn tay và thở thật sâu. Bố tôi thử đặt tay lên vai ông, nhưng ông đã gạt ra một cách thô bạo. “Tôi cần phải chỉnh trang lại,” ông nói. “Chờ tôi một phút.” Bác Glover bước xuống nhà trong bộ dạng hoàn toàn khác. Ông đã cạo râu, dùng keo vuốt tóc ngược ra phía sau và mặc một bộ quân phục bảnh bao với hàng huân chương chiến công trên ngực. Ông dừng lại ở chân cầu thang và chỉ vào bộ quần áo. “Tôi không có nhiều quần áo sạch để mặc lúc này. Bộ này có vẻ thích hợp. Các bạn biết đó, nếu cô ta muốn chụp ảnh.” Bác Glover và bố tôi ngồi ghế trước, tôi ngồi ghế sau, đằng sau bác. Gần thêm một chút, tôi ngửi thấy người ông hơi có mùi bia, như kiểu nó thoát ra từ các lỗ chân lông vậy. Lúc này đã là nửa đêm, chúng tôi đang đi trên con đường dẫn đến nhà Barbara Stratford. Cô sống ở ngoại ô thành phố, dưới khu Mountain View, và khi xe tăng tốc độ dọc đường 101, không ai nói lời nào. Những tòa nhà công nghệ cao dọc đường cao tốc lướt qua chúng tôi. Đây là một khu Vịnh khác với nơi tôi ở, giống các vùng ngoại ô của Mỹ mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy trên ti vi hơn. Rất nhiều xa lộ và những khu nhà giống hệt nhau, những thị trấn nơi không có bất kỳ người vô gia cư nào đẩy xe mua sắm dọc vỉa hè - thậm chí còn không có vỉa hè! Mẹ tôi đã gọi điện thoại cho Barbara Stratford khi chúng tôi đang chờ bác Glover xuống nhà. Nhà báo này đang ngủ, nhưng mẹ đã bối rối đến mức quên hết cái kiểu cách người Anh mà bình thường sẽ khiến bà xấu hổ khi đánh thức Barbara. Thay vì thế, bà chỉ nói với cô ấy một cách căng thẳng rằng có chuyện muốn nói và phải gặp trực tiếp. Khi chúng tôi chạy lên nhà Barbara Stratford, suy nghĩ đầu tiên của tôi là ngôi nhà trong phim Brady Bunch - một ngôi nhà nông trại thấp với bức tường gạch ở phía trước và một khoảng sân cỏ vuông vắn nhỏ xinh. Trên bức tường in hoa văn trừu tượng, và một cái ăng ten ti vi UHF cũ nhô lên đằng sau. Chúng tôi đi dọc lối vào và nhìn thấy đèn trong nhà đã bật sáng. Nhà báo mở cửa trước khi chúng tôi định bấm chuông. Cô ở tầm tuổi bố mẹ tôi, một phụ nữ cao, gầy, mũi diều hâu, đôi mắt sắc sảo với rất nhiều nếp nhăn. Cô đang mặc một chiếc quần jean thời thượng được bày bán ở một cửa hiệu sang trọng trên phố Valencia, một cái áo choàng rộng bằng bông Ấn Độ buông xuống đùi. Đôi kính tròn của cô lấp lóa trong ánh sáng của tiền sảnh. Cô mỉm cười với chúng tôi. “Tôi thấy cậu đã đem cả nhà đến đây,” cô nói. Mẹ tôi gật đầu. “Sau một phút nữa cậu sẽ hiểu tại sao.” Bác Glover bước ra từ phía sau bố tôi. “Cậu gọi cả Hải quân tới đây?” “Từ từ sẽ rõ.” Chúng tôi được giới thiệu lần lượt với cô. Cô có kiểu bắt tay rất mạnh mẽ và ngón tay có rất dài. Ngôi nhà của cô được bài trí theo phong cách tối giản của người Nhật, chỉ cần một vài sự cân đối chính xác, những đồ vật trang trí thấp, những cây tre trồng trong chậu đất sét lớn chạm trần nhà, và một thứ trông giống như động cơ diesel lớn, gỉ sét đặt trên một cột đá hoa cương bóng láng. Tôi thích nó. Sàn nhà làm bằng gỗ già, màu cát bóng loáng, bạn có thể thấy được cả những đường nứt và vết rỗ dưới lớp véc ni. Tôi thực sự thích nó, nhất là khi tôi đi qua nó trong một đôi bít tất. “Tôi có cà phê đây?” cô nói. “Có ai muốn uống không?” Tất cả chúng tôi đều giơ tay. Tôi nhìn bố mẹ với vẻ bướng bỉnh. “Được rồi,” cô nói. Cô biến mất vào một phòng khác và quay trở lại trong giây lát mang theo một khay tre thô với một bình thủy tinh dung tích một lít và sáu cái tách được thiết kế chuẩn xác nhưng đường nét trang trí lại thô ráp và tùy tiện. Tôi thích cả chúng nữa. “Bây giờ,” cô nói sau khi đã rót cà phê và đưa cho mọi người. “Thật là vui khi gặp lại tất cả mọi người. Marcus, cô nghĩ lần cuối cùng cô gặp cháu, cháu chắc chỉ mới bảy tuổi. Cô nhớ là lúc đó cháu cực kỳ mê mấy cuộn băng điện tử mới mà cháu đã khoe với cô.” Tôi chẳng nhớ gì hết, nhưng nghe có vẻ như một thứ tôi đã mê mẩn vào năm bảy tuổi. Tôi đoán nó là trò Sega Dreamcast. Cô mang ra một chiếc máy ghi âm, một tập giấy màu vàng, một cây bút chì, rồi cô xoay xoay nó. “Tôi ở đây để nghe bất cứ điều gì mọi người muốn kể với tôi, và tôi có thể hứa với mọi người là tôi sẽ giữ kín tất cả. Nhưng tôi không thể hứa rằng tôi sẽ làm được gì với nó, hoặc là nó có được xuất bản hay không.” Cái cách mà cô nói khiến tôi nhận ra mẹ tôi đã nhận được một đặc ân tương đối lớn khi có thể khiến người phụ nữ này ra khỏi giường. Hẳn phải rất khó chịu với chuyện đó khi là một phóng viên điều tra có máu mặt. Dễ có tới hàng triệu người muốn được cô xem xét vụ việc của mình. Mẹ gật đầu với tôi. Mặc dù đã kể đi kể lại câu chuyện ba lần trong đêm hôm đó nhưng tôi vẫn thấy bối rối. Việc này khác so với khi tôi kể với bố. Khác với khi tôi kể với bố của Darryl. Việc này... việc này sẽ khởi động một nước cờ mới trong trò chơi. Tôi bắt đầu chậm rãi và quan sát Barbara ghi chép. Tôi uống hết tách cà phê chỉ để giải thích ARG là cái gì và tôi trốn học để chơi như thế nào. Bố mẹ tôi và bác Glover đều chăm chú lắng nghe phần này. Tôi tự rót cho mình một tách cà phê khác, vừa uống vừa tiếp tục giải thích chúng tôi bị lừa như thế nào. Đến khi câu chuyện kết thúc, tôi đã uống hết cà phê trong bình và mắc tiểu như một chú ngựa đua. Phòng tắm của cô cũng bình dị như phòng khách, với một bánh xà bông hữu cơ màu nâu có mùi giống như bùn sạch. Tôi quay trở lại và thấy những người lớn này đang lặng lẽ nhìn tôi. Bác Glover kể tiếp câu chuyện của mình. Bác không có bất cứ điều gì để nói về chuyện gì đã xảy ra, nhưng bác giải thích rằng bác là một cựu chiến binh và con trai bác là một đứa trẻ ngoan. Bác nói về việc bác đã như thế nào khi tin rằng con trai mình đã chết, về việc vợ cũ của bác suy sụp sức khỏe như thế nào khi biết chuyện và phải nhập viện. Không chút ngượng ngùng, bác khóc, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt nhăn nheo và thấm đẫm cổ áo quân phục. Khi tất cả đã kết thúc, Barbara vào một căn phòng khác và quay trở ra với một chai Whiskey Ailen. “Nó là chai Bushmills mười lăm năm tuổi,” cô nói, đặt xuống bốn cái ly. Không có ly cho tôi. “Mười năm nay không còn chỗ nào bán thứ này đâu. Tôi nghĩ đây có lẽ là lúc thích hợp để khui nó.” Cô rót rượu ra từng ly, sau đó nâng ly của cô lên, nhấm nháp rồi uống hết một nửa. Những người lớn còn lại cũng làm như vậy. Họ uống một lần nữa cho cạn ly. Cô rót thêm cho mọi người. “Được rồi,” cô nói. “Đây là điều mà ngay lúc này tôi có thể nói với mọi người. Tôi tin mọi người không chỉ vì tôi quen cậu, Lilian. Câu chuyện này có vẻ đúng, và nó ăn khớp với những tin đồn tôi đã được nghe. Nhưng tôi không thể chỉ dựa vào những gì mọi người kể. Tôi sẽ phải điều tra mọi khía cạnh của sự việc này, và mọi yếu tố trong cuộc sống và câu chuyện của từng người. Tôi cần phải biết nếu như có bất cứ điều gì mọi người không kể cho tôi, bất cứ điều gì có thể được sử dụng để làm mất uy tín của mọi người sau khi việc này được đưa ra ánh sáng. Tôi cần tất cả mọi thứ. Có thể phải mất nhiều tuần trước khi tôi sẵn sàng cho đăng bài báo. “Mọi người cũng nên nghĩ về sự an toàn của mình và của Darryl. Nếu cậu bé thực sự là một người ‘vô danh tiểu tốt’ thì việc gây sức ép cho DHS có thể khiến cậu bé bị chuyển tới một nơi nào đó xa hơn nhiều. Có thể là Syria. Họ có thể làm điều gì đó còn tệ hơn.” Cô để điều này lơ lửng trong không khí. Tôi biết ý cô là bọn họ có thể giết Darryl. “Tôi sẽ cầm bức thư này và scan nó ngay bây giờ. Tôi muốn có ảnh của hai người, bây giờ và sau này - chúng tôi có thể cử một phóng viên ảnh tới nhà hai người, nhưng tôi cũng muốn thu thập tài liệu kỹ lưỡng nhất trong khả năng có thể vào tối nay.” Tôi đi cùng cô vào phòng làm việc để scan bức thư. Tôi đã tưởng tượng ra một chiếc máy tính sành điệu, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với nội thất của cô, nhưng thay vì thế, phòng ngủ/phòng làm việc riêng của cô lại có một dãy máy tính đời mới nhất, các màn hình phẳng lớn, một cái máy scan đủ lớn để có thể đặt toàn bộ tờ báo lên trên. Cô thao tác rất nhanh. Tôi tán thành khi thấy cô đang chạy ParanoidLinux. Người phụ nữ này thực sự nghiêm túc với công việc của mình. Những cái quạt làm mát máy tính tạo ra một lá chắn tiếng ồn rất hiệu quả, nhưng cho dù như vậy, tôi vẫm đóng cửa lại và tiến đến gần cô. “Ừm, cô Barbara?” “Ừ?” “Về điều mà cô đã nói, về thứ có thể được sử dụng để làm mất uy tín của cháu.” “Ừ?” “Điều mà cháu kể với cô, cô không bị buộc phải kể cho bất cứ ai khác phải không ạ?” “Trên lý thuyết thì là vậy. Để cô làm rõ điều này. Cô đã từng bị vào tù hai lần vì nhất quyết không tiết lộ nguồn tin.” “Vâng, vâng. Thật tuyệt. Wow. Nhà giam. Wow. Ok.” Tôi lấy một hơi dài. “Cô đã nghe về mạng Xnet chưa? Về M1k3y chưa?” “Ừ?” “Cháu là M1k3y.” “Ồ,” cô nói. Cô điều khiển máy scan và lật bức thư để quét mặt sau. Cô đang scan với độ phân giải không thể tin được, 10.000 DPI hay cao hơn nữa, và hình ảnh của nó trên màn hình giống như được nhìn qua một cái kính hiển vi điện tử. “Chà, nó lại đặt một vấn đề phức tạp khác cho vụ này.” “Vâng,” tôi nói. ”Cháu cũng đoán như thế.” “Bố mẹ cháu không biết à?” “Không ạ. Cháu không rõ mình có muốn họ biết không.” “Cháu phải quyết định đi. Cô cần suy nghĩ về việc này. Cháu có thể đến văn phòng của cô không? Cô muốn nói chuyện với cháu xem chính xác thì việc này có nghĩa là gì.” “Cô có Xbox Universal không? Cháu có thể mang một bộ cài đặt tới.” “Có, cô chắc chắn sẽ thu xếp được. Khi cháu đến, nói với nhân viên lễ tân rằng cháu là Brown, đến để gặp cô. Họ biết điều đó nghĩa là gì. Việc cháu đến sẽ không được ghi chép lại và tất cả cảnh quay của camera an ninh trong ngày sẽ tự động xóa sạch, camera sẽ ngừng hoạt động cho đến khi cháu rời đi.” “Wow. Cô nghĩ giống cháu.” Cô mỉm cười lắc lắc vai tôi. “Nhóc, cô đã chơi trò này từ kiếp trước ấy chứ. Cho đến giờ, cô đã có thể xoay xở để có nhiều thời gian rảnh hơn là ngồi sau song sắt. Tính đa nghi là người bạn của cô.” Ngày hôm sau tôi đến trường với bộ dạng hệt như một thây ma. Tôi ngủ tổng cộng có ba tiếng, và thậm chí ba tách bùn chứa caffeine Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể giúp đầu óc tôi tỉnh táo. Vấn đề với caffeine là nó rất dễ gây nghiện, vì thế bạn phải dần dần tăng liều lượng lên, cuối cùng sẽ vượt qua ngưỡng bình thường. Tôi đã dành cả đêm để suy nghĩ về điều tôi phải làm. Nó giống như là chạy qua một mê cung với không ít lối đi quanh co, tất cả đều giống nhau, mọi lối đi cuối cùng đều dẫn đến cái chết. Khi tôi đến gặp cô Barbara, mọi việc với tôi thế là xong. Đó là kết quả, bất kể tôi có nghĩ về nó thế nào đi nữa. Cho đến khi ngày học kết thúc thì điều tôi muốn nhất là đi về nhà và nằm ườn trên giường. Nhưng tôi có một cuộc hẹn tại tòa soạn báo Bay Guardian, dưới bến tàu. Tôi vừa loạng choạng ra khỏi cổng vừa cắm cúi nhìn xuống chân, rồi khi tôi rẽ vào đường số 24, một đôi chân khác xuất hiện và cùng bước với tôi. Tôi nhận ra đôi giày này và dừng lại. “Ange?” Trông cô cũng hệt như tôi. Đôi mắt gấu trúc thiếu ngủ với những dấu ngoặc buồn nơi khóe miệng. “Chào anh,” cô nói. “Ngạc nhiên chưa. Em đã bỏ học mà không xin phép ai hết. Dù sao thì em không thể nào tập trung.” “Ừm,” tôi nói. “Im đi và ôm em nào, chàng ngốc.” Tôi làm như cô nói. Cảm giác thật tuyệt. Còn hơn cả tuyệt. Như thể tôi đã bị mất đi một phần cơ thể và giờ nó lại được gắn lại. “Em yêu anh, Marcus Yallow.” “Anh yêu em, Angela Carvelli.” “Được rồi,” Ange đột nhiên ngừng lại và nói. “Em thích bài viết của anh về việc tại sao anh không phá rối nữa. Em có thể tôn trọng nó. Vậy anh đã tiến triển đến đâu trong quá trình tìm ra cách quấy nhiễu họ mà không bị bắt?” “Anh đang trên đường đến gặp một phóng viên điều tra, cô ấy sẽ công bố câu chuyện anh bị đưa vào tù như thế nào, anh đã bắt đầu mạng Xnet ra sao, và Darryl đang bị DHS giam giữ trái pháp luật như thế nào tại một nhà tù bí mật trên đảo Kho Báu.” “Ồ,” Ange nhìn quanh một lúc. “Anh không nghĩ về bất cứ cái gì, anh biết đấy, mang tính tham vọng chứ hả?” “Muốn đi với anh không?” “Có, em đi chứ. Và em muốn anh giải thích chi tiết chuyện này nếu anh không phiền.” Sau khi tôi đã kể xong, chúng tôi đi bộ dọc đại lộ Potrero và xuôi xuống phố 15, đây là con đường ngắn nhất. Ange nắm tay tôi và xiết chặt nó. Chúng tôi đi lên cầu thang dẫn đến tòa soạn Bay Guardian. Tim tôi dộng thình thịch. Tôi đi đến bàn tiếp tân và nói với một cô gái có vẻ rất chán nản ngồi sau bàn, “Tôi đến đây để gặp Barbara Stratford. Tên tôi là Green.” “Tôi đoán ý anh là Brown?” “À vâng,” tôi đỏ mặt đáp. “Brown.” Cô làm gì đó với cái máy tính rồi nói, “Xin mời ngồi. Cô Barbara sẽ ra sau một phút nữa. Anh có muốn dùng gì không?” “Cà phê,” cả hai chúng tôi đồng thanh. Thêm một lý do nữa để yêu Ange: chúng tôi cùng nghiện cà phê. Nhân viên lễ tân là một La tinh xinh đẹp chỉ hơn chúng tôi vài tuổi, mặc đồ Gap, cũ kỹ tới mức trông như quần áo của dân hippie đời đầu. Cô gật đầu, đi ra ngoài rồi quay trở lại với hai tách cà phê in tên của tờ báo. Chúng tôi ngồi nhấm nháp cà phê trong yên lặng, quan sát khách khứa và các phóng viên đến rồi đi. Cuối cùng, Barbara cũng ra gặp chúng tôi. Cô đang mặc đúng bộ đồ đêm qua. Nó hợp với cô. Cô nhíu mày với tôi khi thấy tôi dắt theo bạn gái. “Chào cô. Ừm, đây là....” “Cô Brown,” Ange nói và đưa tay ra. Oh, yeah, đúng vậy, danh tính của chúng tôi cần được bí mật. “Tôi làm việc với anh Green.” Cô huých nhẹ vào tôi. “Đi thôi nào,” cô Barbara nói rồi dẫn chúng tôi đến phòng họp, căn phòng được bao quanh bởi tường kính dài và cửa chớp đã sập xuống. Cô đặt xuống một đĩa bánh Oreo hữu cơ của Whole Foods, một máy ghi âm kỹ thuật số và một tập giấy màu vàng. “Cháu có muốn ghi âm lại cuộc nói chuyện này không?” Thực sự tôi chưa nghĩ đến điều đó. Tôi biết việc từ chối sẽ có ích trong trường hợp muốn bác bỏ những gì Barbara sẽ in. Nhưng dù sao đi nữa, nếu tôi không tin cô đang làm những việc tốt cho tôi thì tôi vẫn bị kết tội. “Không cần đâu ạ,” tôi nói. “Được rồi. Cô gái trẻ, tên cô là Barbara Stratford và cô là phóng viên điều tra. Cô hiểu rằng cháu biết tại sao cô ở đây, và cô tò mò muốn biết tại sao cháu có mặt ở đây.” “Cháu hoạt động cùng Marcus trên mạng Xnet,” Ange trả lời. “Cô có cần biết tên của cháu không?” “Cô không cần biết ngay bây giờ,” Barbara nói. “Cháu có thể ẩn danh tính nếu cháu muốn. Marcus, cô bảo cháu kể cho cô câu chuyện này vì cô cần phải biết nó liên quan như thế nào với câu chuyện cháu đã kể về cậu bạn Darryl của cháu và bức thư cháu cho cô xem. Cô thấy nó là một công cụ rất hữu ích; cô có thể viện nó như là nguyên nhân sinh ra mạng Xnet. ‘Họ đã tạo ra kẻ thù mà họ sẽ không bao giờ quên được,’ đại loại thế. Nhưng thành thực mà nói, cô không muốn kể câu chuyện đó nếu cô không phải làm vậy. “Cô thích có một câu chuyện sạch sẽ về nhà tù bí mật ngay giữa thành phố này, không phải tranh cãi về việc liệu những tù nhân ở đó có thuộc kiểu người có khả năng thiết lập một phong trào bí mật nhất quyết gây bất ổn cho chính quyền liên bang khi được tự do hay không. Cô tin là cháu hiểu điều đó.” Tôi hiểu. Nếu mạng Xnet là một phần của câu chuyện này, vài người sẽ nói: thấy chưa, họ cần tống những đứa như thế vào tù, nếu không thì chúng sẽ gây bạo động mất. “Đây là chương trình của cô,” tôi nói. “Cháu nghĩ cô cần kể cho thế giới về Darryl. Khi cô làm như thế, DHS sẽ biết cháu đã xuất hiện công khai và họ sẽ theo dõi cháu. Có thể họ sẽ phát hiện ra cháu có liên quan đến Xnet. Có thể họ sẽ liên kết cháu với M1k3y. Cháu đoán là điều mà cháu vừa nói đấy đồng nghĩa với việc một khi cô công bố về Darryl, mọi chuyện với cháu sẽ kết thúc, bất kể thế nào đi nữa. Cháu thấy thanh thản với điều đó.” “Đã làm thì phải làm cho trót,” Barbara nói. “Được rồi. Ờ, thế là ổn. Cô muốn hai đứa kể cho cô tất cả những gì các cháu biết về việc thiết lập và vận hành Xnet, và sau đó cô xem minh họa thực tế. Các cháu dùng nó để làm gì? Những ai khác đã sử dụng nó? Nó lan rộng như thế nào? Ai đã viết phần mềm này? Mọi thứ.” “Sẽ mất một lúc đấy ạ,” Ange nói. “Cô có một lúc,” Barbara nói. Cô uống một chút cà phê và ăn một miếng Oreo. “Đây có thể là câu chuyện quan trọng nhất về Cuộc chiến chống khủng bố. Đây có thể là câu chuyện sẽ lật đổ chính phủ. Khi cháu có một câu chuyện như thế này, cháu nên sử dụng nó một cách thật cẩn trọng.” chương 17 thế là chúng tôi kể cho Barbara nghe. Thực ra, tôi thấy việc này khá vui. Dạy người khác cách sử dụng công nghệ luôn luôn là công việc đầy hứng thú. Thật hay ho khi quan sát mọi người tìm ra cách sử dụng những công nghệ xung quanh họ để làm cho cuộc sống của họ tốt hơn. Ange cũng thật tuyệt vời - chúng tôi đã hợp thành một đội hoàn hảo. Chúng tôi đã thay nhau giải thích nó hoạt động như thế nào. Barbara thì đã tương đối thành thạo Xbox nên dễ dàng bắt đầu, tất nhiên rồi. Hóa ra là chính cô đã viết về những cuộc chiến mã hóa ở giai đoạn đầu những năm chín mươi, khi mà các nhóm đấu tranh cho quyền tự do công dân như Tổ chức Tiên phong trong lĩnh vực Điện tử (EFF) đã chiến đấu cho quyền được sử dụng kỹ thuật mã hóa cao cấp của người Mỹ. Tôi chỉ biết loáng thoáng về giai đoạn đó, nhưng Barbara giải thích nó theo cái cách khiến tôi sởn gai ốc. Ngày nay chúng ta thấy chuyện này không thể tin nổi, nhưng đã có thời chính phủ xếp kỹ thuật mã hóa như một loại đạn dược và nghiêm cấm bất cứ ai xuất khẩu hay sử dụng nó nhắm đến các cơ sở an ninh quốc gia. Đoán xem? Chúng ta đã từng có những thuật toán bất hợp pháp ở cái đất nước này. Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) là những vị quân sư thực sự đứng sau lệnh cấm này. Họ có một tiêu chuẩn mã hóa mà họ tuyên bố là đủ mạnh để các ông chủ nhà băng và khách hàng của họ sử dụng, rốt cuộc lại chẳng mạnh đến thế, vì bọn mafia vẫn có thể che giấu sổ sách bí mật hòng qua mắt họ. Người ta nói rằng mã tiêu chuẩn DES-56 không thể phá được. Nhưng rồi một trong những triệu phú đồng sáng lập nên EFF đã chế tạo thành công một máy phá mã DES-56 trị giá 250.000 đô la, có thể phá mã trong vòng hai tiếng. NSA vẫn lập luận rằng họ nên được phép ngăn chặn công dân Mỹ sở hữu những bí mật mà họ không thể xen vào. Sau đó, EFF đã giáng đòn trí mạng. Năm 1995, Dan Bernstein, nghiên cứu sinh ngành toán trường Berkeley, bị đưa ra tòa. Bernstein đã viết một tài liệu hướng dẫn chứa các mã máy tính có thể được sử dụng để tạo một mã mới mạnh hơn mã DES-56. Mạnh hơn hàng triệu lần. NSA lo ngại rằng Bernstein sẽ biến tài liệu này thành một thứ vũ khí, và do đó, nó không được công bố. Có lẽ thật khó để một vị thẩm phán hiểu về thuật mã hóa và ý nghĩa của nó, nhưng hóa ra là thẩm phán của Tòa Thượng thẩm lại chẳng mảy may hào hứng với việc bảo ban các nghiên cứu sinh rằng họ được phép viết cái gì, đề tài gì. Những cuộc chiến về mã hóa kết thúc với chiến thắng về phe thiện khi phiên tòa phúc thẩm thứ chín quyết định rằng mật mã cũng là một dạng ngôn luận được bảo vệ bởi Tu Chính Án thứ nhất - “Quốc hội không được phép ban hành bất cứ luật nào để giảm bớt quyền tự do ngôn luận.” Nếu bạn mua một thứ gì đó trên mạng, gửi một tin nhắn bí mật hay kiểm tra số dư tài khoản, bạn nên sử dụng mã đã được công nhận bởi EFF. Một điểm hay nữa là: NSA không phải là thông minh vô địch thiên hạ. Bất cứ thứ gì mà họ biết cách bẻ gãy thì bọn khủng bố hay trộm cắp cũng có thể. Barbara là một trong những phóng viên đã gây dựng được danh tiếng từ việc đưa tin về vấn đề này. Cô cũng từng đưa tin về giai đoạn cuối của phong trào dân quyền ở San Francisco, và sau đó cô đã nhận ra sự giống nhau giữa cuộc đấu tranh cho Hiến pháp trong thế giới thực và thế giới ảo. Nhờ vậy, cô nắm bắt vấn đề rất nhanh. Tôi không nghĩ mình có thể giải thích vấn đề này với bố mẹ, nhưng đối với Barbara, nó thật dễ dàng. Cô đưa ra những câu hỏi thông minh về các giao thức cung cấp mã và thủ tục an ninh, thỉnh thoảng còn hỏi cả những thứ mà tôi không biết và chỉ ra những lỗ hổng tiềm tàng trong hệ thống của chúng tôi. Chúng tôi cắm điện vào Xbox và lên mạng. Có bốn điểm phát WiFi đang mở trong phòng họp và tôi cài đặt để cứ sau một khoảng thời gian ngẫu nhiên, nó lại tự chuyển giữa các điểm. Barbara cũng hiểu điều này. Vào Xnet cũng giống như vào mạng vậy, chỉ có điều là mọi thứ chậm hơn một chút và hoàn toàn ẩn danh, không ai biết bạn là ai. “Vậy giờ sao?” tôi nói khi cả ba thư giãn một chút. Tôi nói đến khô cả cổ và cảm thấy giống như uống phải một thứ axit khủng khiếp từ cốc cà phê. Bên cạnh đó, cái cách Ange cứ siết chặt tay tôi phía dưới bàn khiến tôi chỉ muốn bỏ trốn đi thật xa và tìm một nơi nào đó riêng tư để bù đắp cho cuộc cãi nhau đầu tiên của chúng tôi. “Bây giờ cô sẽ viết bài báo. Cháu có thể đi, cô sẽ tìm tất cả mọi thứ cháu bảo và cố gắng xác minh trong phạm vi có thể. Cô sẽ cho cháu xem bài báo trước khi cho đăng và thông báo cho cháu khi nào thì nó lên báo. Giờ thì, cô muốn các cháu không nói điều này với bất cứ ai khác bởi vì cô muốn có tin độc và cô muốn chắc chắn rằng mình có được câu chuyện này trước khi nó bị xới tung lên bởi các suy đoán của báo chí và những lời thêu dệt của DHS. “Cô sẽ phải liên hệ với DHS để lấy ý kiến trước khi viết bài, nhưng cô sẽ làm việc này theo cách thức an toàn nhất cho cháu. Cô cũng đảm bảo cháu sẽ được biết trước khi việc đó diễn ra. “Một điều nữa cô cần phải làm rõ là: đây không còn là câu chuyện của cháu nữa. Đây là câu chuyện của cô. Cháu đã rất hào phóng cung cấp cho cô và cô sẽ cố gắng đáp lễ món quà này, nhưng cháu không có quyền chỉnh sửa hay thay đổi bất cứ cái gì hay ngăn cản cô. Giờ bánh xe đã quay và nó sẽ không dừng lại. Cháu hiểu chứ?” Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những khía cạnh này nhưng ngay khi cô nói ra, tôi thấy mọi chuyện thật hiển nhiên. Điều này có nghĩa là tôi đã phóng ra một quả tên lửa và không thể dừng nó lại được nữa. Nó có thể sẽ rơi trúng hoặc chệch mục tiêu, nhưng nó đã ở trên trời và bây giờ không thể thay đổi được nữa. Một lúc nào đó trong tương lai gần, tôi sẽ không còn là Marcus nữa - tôi sẽ là một nhân vật nổi tiếng. Tôi sẽ là người đã tuýt còi DHS. Tôi sẽ là một người chết biết đi. Tôi đoán Ange đang nghĩ giống tôi bởi vì lúc này trông sắc mặt cô nhợt nhạt, tái xanh. “Ra khỏi đây thôi,” cô nói. Mẹ và em gái Ange lại ra ngoài nên chúng tôi dễ dàng quyết định sẽ đi đâu chiều nay. Đã quá giờ ăn chiều, nhưng bố mẹ tôi biết tôi đang gặp Barbara và sẽ không giận nếu tôi về nhà muộn. Khi tới chỗ Ange, tôi không thấy phải phải cắm Xbox ngay làm gì. Ngày hôm nay nói về Xbox thế là quá đủ rồi. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là Ange, Ange, Ange. Sống mà không có Ange. Biết rằng Ange đang giận tôi. Ange sẽ không bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Ange sẽ không bao giờ hôn tôi nữa. Cô cũng đang nghĩ giống tôi. Tôi có thể nhìn thấy điều đó trong mắt cô khi chúng tôi đóng cửa phòng ngủ lại và nhìn nhau. Tôi thèm khát cô, giống như khi thèm bữa tối sau cả một ngày không ăn uống gì. Giống như khi bạn khát nước sau khi chơi bóng đá ba tiếng liền. Không giống tất cả những thứ đó. Nó mạnh mẽ hơn. Đó là nỗi thèm khát tôi chưa bao giờ trải qua. Tôi muốn ăn cô, ăn ngấu nghiến. Cho tới tận bây giờ, cô vẫn luôn là người nồng nhiệt hơn trong mối quan hệ của chúng tôi. Tôi để cô đặt ra và kiểm soát các bước đi. Thật là phấn khích đến kinh ngạc khi cô chộp lấy tôi, cởi áo tôi ra, kéo mặt tôi sát mặt cô. Nhưng tối nay, tôi không thể kiềm chế được nữa. Tôi sẽ không kiềm chế nữa. Cửa đóng và tôi với tay giật mạnh áo của cô, gần như không cho cô thời gian nhấc tay lên để tôi kéo nó khỏi đầu cô. Tôi giằng áo mình lên quá đầu, nghe thấy tiếng vải kêu sột soạt khi mà các đường chỉ như lỏng ra. Mắt cô sáng bừng, miệng mở ra, hơi thở dồn dập. Tôi cũng vậy, cả hơi thở, trái tim, huyết mạch đều gào thét trong tai tôi. Tôi cởi những thứ còn lại trên người cả hai với một nỗi phấn khích không hề giảm, ném chúng vào đống đồ giặt là lẫn lộn cả bẩn và sạch trên sàn. Sách vở giấy báo đầy giường, tôi gạt chúng sang một bên. Chúng tôi nằm xuống chiếc giường vẫn chưa dọn, tay trong tay, quấn chặt như thể bị hút vào nhau. Cô rên rỉ trong miệng tôi và tôi tạo ra thứ âm thanh đáp lại, tôi cảm thấy giọng cô rung lên trong thanh quản tôi, một cảm giác khiêu khích hơn bất cứ cái gì tôi từng cảm thấy trước đây. Cô buông ra và với tới tủ đầu giường. Cô mở tủ và ném một túi thuốc màu trắng lên giường, trước mặt tôi. Tôi nhìn vào trong. Bao cao su. Của Trojan. Một tá thuốc diệt tinh trùng. Vẫn còn tem niêm phong. Tôi mỉm cười và cô cũng cười lại, rồi tôi mở chiếc hộp. Tôi đã nghĩ về việc nó sẽ xảy ra như thế nào suốt mấy năm nay, và tưởng tượng về nó hàng trăm lần mỗi ngày. Đôi khi, tôi chỉ nghĩ về việc này, chẳng nghĩ về bất cứ thứ gì khác. Nó không giống với bất cứ điều gì tôi mong đợi. Một vài phần trong số đó thì tốt đẹp hơn. Một vài thì tồi tệ hơn rất nhiều. Trong khi đang diễn ra, nó diễn ra như bất tận. Và rồi, dường như nó kết thúc chỉ trong nháy mắt. Sau cùng, tôi vẫn cảm thấy như trước. Nhưng tôi cũng cảm thấy khác biệt. Có điều gì đó đã thay đổi giữa chúng tôi. Thật kỳ quặc. Cả hai chúng tôi đều ngượng ngùng khi mặc quần áo vào và đi lại khắp phòng, nhìn xa xăm để tránh đụng phải ánh mắt người kia. Tôi gói bao cao su vào một tờ giấy ăn ở trong cái hộp cạnh giường và mang vào phòng tắm, gói trong giấy vệ sinh và nhét sâu dưới đáy thùng rác. Khi tôi trở lại, Ange đang ngồi trên giường và chơi Xbox của cô. Tôi ngồi xuống bên cạnh và nắm tay cô, cô quay mặt về phía tôi và mỉm cười. Cả hai đều kiệt sức và run rẩy. “Cảm ơn em,” tôi nói. Cô không nói gì, chỉ quay mặt về phía tôi, cười toe toét nhưng những giọt nước mắt thì đang lăn dài trên má. Tôi ôm cô và cô cũng ôm tôi thật chặt. “Anh là một người đàn ông tốt, Marcus,” cô thì thầm. “Cảm ơn anh.” Tôi không biết phải nói gì ngoài việc ôm cô thật chặt. Cuối cùng, chúng tôi buông nhau ra, cô không khóc nữa nhưng vẫn mỉm cười. Cô chỉ vào Xbox của tôi ở trên sàn cạnh giường, tôi để ý tới gợi ý này. Tôi hiểu ý cô, nhặt nó lên, cắm điện và đăng nhập. Chẳng có gì khác. Vẫn một đống e-mail. Hàng chục bài viết mới cập nhật trên các blog tôi đã đọc. Thư rác. Ôi Chúa ơi, tôi có hàng đống thư rác. Hộp thư điện tử Thụy Điển của tôi liên tục gửi thư rác - được sử dụng như một địa chỉ gửi lại cho những thư rác được gửi tới hàng triệu tài khoản Internet, cho nên tất cả các tin nhắn than phiền và giận dữ được gửi lại cho tôi. Tôi không biết ai đứng đằng sau chuyện này. Có lẽ DHS đang cố gắng nhấn chìm hộp thư của tôi hay một người nào đó đang cố chơi khăm tôi. Tuy nhiên, Pirate Party có phần mềm lọc thư khá tốt và họ miễn phí 500 gigabyte dung lượng lưu trữ của hộp thư, thế nên trước mắt, tôi sẽ chưa bị chìm nghỉm. Tôi lọc lại tất cả, nhấn nút xóa. Tôi có một hộp thư riêng cho những thứ đã được mã hóa gửi đến khóa công cộng của tôi vì có thể nó liên quan đến Xnet hay mang tính riêng tư. Những người gửi thư rác sẽ không phát hiện ra rằng sử dụng khóa công cộng sẽ làm cho thư rác của họ đáng tin hơn, bởi vậy, cho đến giờ thì cách này vẫn hiệu quả. Có hàng tá tin nhắn đã được mã hóa từ những người trong mạng lưới tin cậy. Tôi xem lướt qua - đường dẫn tới các video và ảnh về những vụ lạm dụng chức quyền mới của DHS, những câu chuyện kinh dị về cuộc bỏ trốn suýt thành, những lời nói cường điệu về bài viết của tôi trên blog. Như mọi khi. Ngay sau đó, tôi thấy một bức thư được mã hóa gửi tới khóa công cộng của tôi. Điều này có nghĩa là không một ai khác có thể đọc được nó, nhưng tôi lại không có chút khái niệm gì về người viết nó. Trong thư nói nó được gửi bởi Masha, tôi không thể biết đó là biệt danh hay một cái tên. > M1k3y > Cậu không biết tôi nhưng tôi biết cậu. > Tôi bị bắt vào ngày mà cây cầu phát nổ. Họ tra hỏi tôi. Họ quyết định tôi vô tội. Họ đề nghị tôi một việc: giúp họ truy đuổi những tên khủng bố đã giết hàng xóm của tôi. > Vào lúc đó thì có vẻ như nó là một thỏa thuận tốt, nhưng sau này tôi nhận ra rằng công việc thực sự của tôi là theo dõi những đứa trẻ bất mãn trước việc thành phố của chúng đang bị biến thành lãnh địa của cảnh sát. > Tôi thâm nhập vào Xnet đúng ngày mà nó được khởi động. Tôi ở trong mạng lưới tin cậy của cậu. Nếu tôi muốn tiết lộ danh tính, tôi có thể đã gửi thư từ một địa chỉ mà cậu tin cậy. Đúng ra là ba địa chỉ. Tôi gia nhập mạng lưới của cậu như một thanh niên 17 tuổi. Một số e-mail mà cậu nhận được có chứa những thông tin sai lệch đã được chọn lựa một cách cẩn thận từ tôi và những người kiểm soát tôi. > Họ không biết cậu là ai nhưng họ đang đến rất gần. Họ tiếp tục thuyết phục mọi người thay đổi hoặc thỏa hiệp. Họ khai thác các trang mạng xã hội và đưa ra lời đe dọa để biến những đứa trẻ thành những kẻ đưa tin. Có hàng trăm người đang làm việc cho DHS trên Xnet lúc này, tôi có tên thật, biệt danh và khóa của họ. Cả khóa riêng và khóa công cộng. > Trong những ngày đầu Xnet mới hoạt động, chúng tôi đã khai thác những điểm yếu của ParanoidLinux. Phạm vi khai thác đến nay vẫn còn nhỏ và chưa có nhiều thông tin nhưng mạng lưới của cậu bị tổn hại là điều chắc chắn. Khi mà các lỗ hổng của chương trình bị phá hoàn toàn, cậu sẽ chết. > Tôi nghĩ là sẽ an toàn khi nói rằng những người kiểm soát biết rằng tôi đang gõ những dòng này, tôi sẽ bị giam ở Gitmo-bên-bờ-vịnh cho tới khi tôi thành một bà lão. > Thậm chí nếu họ không phá vỡ ParanoidLinux thì cũng rất nhiều ParanoidXbox bị nhiễm độc ở khắp nơi. Chúng không khớp với giá trị tổng kiểm của hệ thống, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người nhìn vào giá trị tổng kiểm? Ngoài tôi và cậu ra? Rất nhiều đứa trẻ đã chết mặc dù chúng không biết điều đó. > Việc còn lại của những người kiểm soát chỉ còn là tìm ra thời điểm thích hợp nhất để bắt cậu và tạo ra tác động lớn nhất tới giới truyền thông. Ngày đó sẽ sớm thôi, không lâu đâu. Hãy tin tôi. > Có lẽ cậu đang thắc mắc tại sao tôi lại kể với cậu điều này. > Tôi cũng vậy. > Đây là lý do của tôi. Tôi về phe họ để chống lại những tên khủng bố. Nhưng thay vào đó, tôi lại đang theo dõi những người Mỹ nào tin vào thứ mà DHS không thích. Không phải những kẻ làm nổ tung các cây cầu mà là những người phản đối. Tôi không thể làm thế được nữa. > Và cậu cũng không thể, cho dù cậu có biết điều đó hay không. Như tôi đã nói, bây giờ việc cậu bị bắt lên đảo Kho Báu chỉ còn là vấn đề thời gian. Không phải là nếu, mà là khi nào. > Cho nên tôi sẽ biến khỏi đây. Ở Los Angeles có một vài người, họ nói là họ có thể đảm bảo an toàn cho tôi nếu tôi muốn thoát khỏi chuyện này. > Tôi muốn thoát khỏi chuyện này. > Tôi sẽ đưa cậu đi với tôi nếu cậu muốn. Làm một người lính thì tốt hơn một liệt sĩ. Nếu cậu đi với tôi, chúng ta có thể cũng nhau tìm ra cách để chiến thắng. Tôi cũng thông minh ngang cậu. Tin vậy đi. > Cậu sẽ nói gì? > Đây là khóa công cộng của tôi. > Masha Khi gặp rắc rối hay nghi ngờ, hãy chạy vòng vòng và la hét. Đã bao giờ bạn nghe thấy câu đó chưa? Đó không phải là một lời khuyên hay ho, nhưng ít nhất cũng dễ thực hiện. Tôi nhảy ra khỏi giường và đi qua đi lại. Tim tôi đập thình thịch và máu tôi sôi lên sùng sục đúng như lúc hai chúng tôi về đến nhà. Đây không phải là cảm giác hưng phấn tình dục, đơn giản là sự sợ hãi tột cùng. “Cái gì thế?” Ange nói. “Cái gì?” Tôi chỉ vào màn hình ở trên giường, phía tôi vừa ngồi. Cô nghiêng người sang, cầm lấy bàn phím và di chuột bằng đầu ngón tay. Cô im lặng đọc trong khi tôi đi đi lại lại. “Cái này chắc chắn là dối trá. DHS đang chơi trò cân não với anh đấy,” cô nói. Tôi nhìn cô. Cô đang cắn môi. Nhìn cô không có vẻ gì là tin vào bức thư này. “Em nghĩ vậy sao?” “Chắc luôn. Họ không thể đánh bại anh, cho nên họ lần theo sau khi anh sử dụng Xnet.” “Đúng vậy.” Tôi ngồi xuống giường và lại thở gấp gáp. “Bình tĩnh nào,” cô nói. “Nó chỉ là một trò cân não. Đưa em.” Từ trước tới nay, cô không bao giờ giằng bàn phím từ tôi, nhưng bây giờ giữa chúng tôi đã hình thành một sự thân thiết mới. Cô nhấp chuột trả lời và gõ, > Có cố gắng đấy Bây giờ, cô đang viết dưới tên M1k3y. Chúng tôi đang cùng nhau theo một cái cách rất khác với trước đây. “Hãy ký vào đây. Chúng ta hãy xem cô ta sẽ nói gì.” Tôi không biết liệu đây có phải ý kiến hay nhất không nhưng tôi cũng chẳng có ý tưởng nào tốt hơn. Tôi ký vào rồi mã hóa bằng khóa riêng của mình và khóa công cộng mà Masha đã cung cấp. Thư trả lời đến ngay tức khắc. > Tôi đã nghĩ cậu sẽ nói cái gì đại loại vậy. > Đây là một lỗ hổng mà cậu chưa từng nghĩ đến. Tôi có thể ẩn danh và tạo đường hầm đưa một video qua DNS. Đây là mấy đường dẫn tới những clip mà có thể cậu sẽ muốn xem chúng trước khi quyết định có tin tôi hay không. Những người này đang theo dõi lẫn nhau, mọi lúc mọi nơi, giống như một cách để bảo đảm không bị chơi xấu sau lưng. Rất dễ để rình mò họ khi mà họ đang rình mò lẫn nhau. > Masha Đính kèm là một mã nguồn cho một chương trình nhỏ, có vẻ như mục đích của nó đúng như Masha đã nói: kéo một video qua giao thức hệ thống tên miền (DNS). Ở đây tôi sẽ giải thích một chút. Vào cuối ngày, mỗi giao thức Internet chỉ là một chuỗi văn bản gửi tới gửi lui trong một trật tự định sẵn. Nó cũng giống như việc bạn có một chiếc xe tải, trong xe tải bạn đặt một chiếc ô tô, trong thùng xe ô tô bạn đặt một chiếc xe máy, đằng sau xe máy bạn buộc một chiếc xe đạp và đằng sau xe đạp bạn treo một đôi giày trượt patin. Ví dụ, hãy xem xét Giao thức truyền tải thư tín đơn giản, viết tắt là SMTP, được dùng để gửi e-mail: Đây là một đoạn hội thoại mẫu giữa tôi và máy chủ thư tín cùa tôi, gửi một thông điệp cho chính tôi: > Xin chào littlebrother.com.se 250 mail.pirateparty.org.se Xin chào mail.pirateparty.org.se, rất vui được gặp cậu > TỪ: [email protected] 250 2.1.0 [email protected]... Người gửi đồng ý > ĐẾN: [email protected] 250 2.1.5 [email protected]... Người nhận đồng ý > DỮ LIỆU 354 Nhập thư, kết thúc bằng “.” cùng dòng > Khi gặp rắc rối hay nghi ngờ, hãy chạy vòng vòng và la hét > . 250 2.0.0 k5SMW0×Q006174 Tin nhắn được chấp nhận để gửi đi KẾT THÚC 221 2.0.0 mail.pirateparty.org.se đang đóng kết nối Kết nối được đóng bởi máy chủ ở nước ngoài. Ngữ pháp của đoạn hội thoại này được thiết lập vào năm 1982 bởi Jon Postel, một trong những người hùng đã khai sinh ra Internet. Vào giai đoạn sơ khai nhất của Internet, ông đã chạy máy chủ quan trọng nhất của mạng ngay dưới bàn làm việc của mình ở trường đại học Nam California, theo đúng nghĩa đen của từ “chạy”. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn kết nối một máy chủ thư tín với một phiên nhắn tin. Bạn có thể gửi một tin nhắn với nội dung “Xin chào littlebrother.com.se” tới máy chủ và máy sẽ trả lời “250 mail.pirateparty.org.se Xin chào mail.pirateparty.org.se, rất vui được gặp bạn.” Hay nói theo cách khác, bạn có thể có một cuộc trò chuyện tương tự qua tin nhắn như bạn có thể làm qua SMTP. Và với những chỗ ngắt đúng, toàn bộ hoạt động của máy chủ thư tín có thể diễn ra bên trong một đoạn chat. Hay bất cứ thứ gì khác. Việc này được gọi là “tạo đường hầm” (tun- nelling). Bạn đặt một SMTP bên trong một đoạn chat “qua đường hầm”. Sau đó bạn có thể đưa đoạn chat ngược vào một đường hầm SMTP nếu bạn muốn thực sự kỳ quặc, đào một đường hầm trong một đường hầm khác. Trên thực tế, mọi giao thức Internet đều trải qua quá trình này. Rất tuyệt, vì nó có nghĩa là nếu mạng của bạn chỉ vào được Internet, bạn có thể cho thư của bạn đi qua nó trong một đường hầm. Bạn thể đưa mạng P2P yêu thích của bạn qua nó trong một đường hầm. Thậm chí bạn có thể đưa cả Xnet qua nó trong một đường hầm - bản thân Xnet lại là một đường hầm cho hàng tá các giao thức. DNS là một giao thức Internet cổ và thú vị, có từ năm 1983. Đây là cách máy tính của bạn chuyển đổi tên của một máy tính khác - như pirateparty.org.se - thành số IP mà các máy tính sẽ sử dụng để trao đổi nhau trên mạng, chẳng hạn 204.11.50.136. Nói chung, nó hoạt động như phép màu vậy, mặc dù nó có hàng triệu các phần chuyển động - mỗi ISP điều hành một máy chủ DNS, giống như cách phần lớn các chính phủ và nhiều chủ tư nhân áp dụng. Các hộp DNS này lúc nào cũng trao đổi với nhau, đưa ra và thực hiện các yêu cầu của nhau, thế nên cho dù bạn có đặt một cái tên tối nghĩa cho máy tính của bạn thì nó vẫn có thể chuyển được thành thành một con số. Trước khi có DNS, người ta sử dụng tệp tin HOSTS. Tin hay không tùy bạn, đây là một tập tài liệu chứa tên và địa chỉ của từng máy tính kết nối với mạng Internet. Mỗi máy tính có một bản sao của tập tin này. Cuối cùng, tập tin này quá lớn để di chuyển, vậy nên người ta đã phát minh ra DNS và cho nó chạy trên một máy chủ đặt dưới bàn của Jon Postel. Nếu người lau dọn chẳng may rút phích điện của nó, toàn bộ mạng Internet sẽ chẳng còn tự định vị được mình. Hoàn toàn nghiêm túc đấy. Ngày nay, DNS xuất hiện ở mọi nơi. Mọi hệ thống đều có một DNS chủ và tất cả những máy chủ này được cài đặt để trao đổi thông tin với nhau và với những người ngẫu nhiên trên mạng Internet. Điều mà Masha đã làm là tìm ra cách để đưa một video qua DNS bằng đường hầm. Cô ấy đã tách đoạn băng thành hàng tỉ phần và giấu mỗi phần trong một tin nhắn bình thường gửi tới một máy chủ DNS. Bằng cách chạy đoạn mã của cô ấy, tôi có thể ghép đoạn video hoàn chỉnh từ tất cả các máy chủ DNS khắp mạng Internet chỉ trong nháy mắt. Chắc hẳn trên biểu đồ tần suất của mạng, nhìn nó sẽ rất bất thường, giống như tôi đang truy cập vào địa chỉ của tất cả máy tính trên thế giới. Nhưng nó có hai lợi thế mà tôi đánh giá rất cao: Tôi có thể tải video này với tốc độ chóng mặt - ngay khi tôi vừa ấn vào đường truyền đầu tiên, tôi đã nhận được các hình ảnh kích thước toàn màn hình mà không có một rung động hay ngắt quãng nào - và tôi không hề biết máy chủ của nó ở đâu. Nó hoàn toàn vô danh. Lúc đầu, thậm chí tôi không để ý đến nội dung của video này. Tôi hoàn toàn bị rối trí bởi sự thông minh của cách thức này. Rút một video từ DNS ư? Điều này quá sức thông minh và kỳ lạ, thực tế là nó thật xấu xa. Dần dần, thứ hiện lên trên màn hình bắt đầu thu hút sự chú ý của tôi. Đó là một cái bàn quá to trong một căn phòng nhỏ với một cái gương treo trên một bức tường. Tôi biết căn phòng này. Tôi đã ngồi trong đó khi người phụ nữ có mái tóc cắt bằng bắt tôi phải nói to mật khẩu của mình. Quanh bàn là năm cái ghế, đều có người ngồi và đều mặc mặc đồng phục DHS. Tôi nhận ra Trung tướng Graeme Sutherland, chỉ huy đội DHS ở khu Vịnh, cùng với cô ta. Những người khác đều mới. Tất cả bọn họ đang nhìn vào một màn hình đặt ở cuối bàn, trên màn hình là những gương mặt hết sức quen thuộc. Kurt Rooney được cả nước biết tới như là chuyên gia chiến lược chính của Tổng thống, người đã quay trở về với đảng cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba và đang tiến tới nhiệm kỳ thứ tư. Mọi người gọi ông ta là “Quý ông Tàn nhẫn” và tôi cũng đã xem một bản tin nói về mức độ kiểm soát chặt chẽ của ông ta đối với nhân viên. Ông ta gọi điện cho họ, nhắn tin cho họ, theo dõi từng động tác và kiểm soát từng bước đi của họ. Ông ta đã già, gương mặt nhăn nheo và đôi mắt xám lợt, mũi to bè, cánh mũi phập phồng và đôi môi mỏng dính, nhìn ông ta lúc nào cũng như đang ngửi thấy mùi gì tởm lợm lắm. Ông ta đang xuất hiện trên màn hình. Ông ta đang nói và tất cả những người khác đều tập trung vào ông ta, tay ghi chép như đánh máy, cố gắng tỏ ra thông minh sáng láng. “...có thể nói bọn chúng tức giận với chính quyền, nhưng chúng ta cần chứng tỏ cho cả nước thấy rằng chính quân khủng bố chứ không phải chính phủ mới là đối tượng chúng cần kết tội. Các vị có hiểu điều tôi đang nói không? Đất nước không yêu quý thành phố này. Về phía chúng, giống như câu chuyện về Sodom và Gomorrah của những kẻ đồng giới và vô thần, chúng xứng đáng bị chết thiêu dưới địa ngục. Lý do duy nhất khiến đất nước này quan tâm đến việc đám người ở San Francisco nghĩ gì là vì thành phố đó có nhiều tài sản quý giá đã bị vài tên khủng bố Hồi giáo nào đó cho nổ tung thành tro bụi. “Những đứa trẻ Xnet này đang đi tới điểm mà rất có thể chúng sẽ bắt đầu có ích cho chúng ta. Chúng càng cấp tiến, phần còn lại của đất nước sẽ càng hiểu rằng có sự đe dọa ở mọi nơi.” Khán giả của ông ta đánh máy xong. “Tôi nghĩ là chúng tôi có thể kiểm soát được điều này,” người phụ nữ có mái tóc cắt bằng nói. “Người của chúng tôi ở Xnet đã gây dựng được rất nhiều ảnh hưởng. Các blogger phe ta đang điều hành khoảng năm mươi blog mỗi người, lấp đầy các kênh trò chuyện, đặt đường dẫn tới nhau, phần lớn đều tuân theo đúng đường lối chủ trương mà tên M1k3y đã đặt ra. Nhưng họ tỏ ra là mình có thể khiêu khích các hành động cấp tiến, thậm chí ngay cả khi M1k3y đã dừng lại.” Trung tướng Sutherland gật đầu. “Chúng ta đã dự tính để họ hoạt động ngầm cho tới khoảng một tháng trước giữa kỳ.” Tôi đoán giữa kỳ ở đây là cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ chứ không phải kỳ thi giữa năm của tôi. “Đó là kế hoạch lúc đầu. Nhưng có vẻ như...” “Chúng ta đã có kế hoạch khác cho giữa kỳ,” Rooney nói. “Tất nhiên cần phải biết rằng khoảng một tháng trước giữa kỳ, có lẽ tất cả mọi người không nên lên kế hoạch đi du lịch. Thắt chặt việc kiểm soát Xnet nhanh nhất có thể. Chừng nào chúng còn ôn hòa thì chúng còn có khả năng ngáng đường chúng ta.” Đoạn phim bị cắt. Ange và tôi ngồi ở mép giường, nhìn chăm chăm vào màn hình. Ange với tay ra mở lại đoạn phim lần nữa. Chúng tôi xem nó. Lần thứ hai cảm giác còn tồi tệ hơn. Tôi vứt bàn phím sang một bên và đứng dậy. “Anh phát ốm vì cứ phải sợ hãi rồi. Hãy đem cái này tới chỗ Barbara và để cô ấy công bố nó. Đưa nó lên mạng. Và để bọn họ đưa anh đi. Ít nhất anh cũng biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ít nhất anh cũng có một chút gì đó chắc chắn trong cuộc đời mình.” Ange kéo tôi lại và ôm tôi, “Em biết mà, anh yêu, em biết. Tất cả những điều này thật khủng khiếp. Nhưng anh chỉ đang nhìn vào những điều tồi tệ mà bỏ qua những điều tốt đẹp. Anh đã tạo ra một phong trào. Anh còn giỏi hơn những kẻ thần kinh trong Nhà trắng, những kẻ lừa đảo trong bộ đồng phục DHS. Anh đã đặt mình vào một vị thế nơi anh có thể gánh vác trách nhiệm thổi bay cái đám DHS thối nát đó. “Chắc chắn bọn họ ở ngoài đó để bắt anh. Tất nhiên là thế. Đã khi nào anh nghi ngờ điều này chưa? Em luôn biết là bọn họ đang ở đó. Nhưng Marcus, họ không biết anh là ai. Hãy nghĩ đến điều đó. Tất cả những người đó, với tiền, súng, gián điệp, còn anh, một học sinh trung học mười bảy tuổi - anh vẫn đang qua mặt tất cả bọn họ. Họ không biết về Barbara, họ không biết về Zeb. Anh đã làm họ bị kẹt cứng trên đường phố San Francisco và làm họ mất mặt trước toàn thế giới. Vì thế hãy ngừng than phiền đi, được chứ? Anh đang thắng mà.” “Dù gì thì bọn họ cũng đang tới đây vì anh. Em biết là như vậy. Họ sẽ bỏ tù anh mãi mãi. Thậm chí không được ở trong tù. Anh sẽ biến mất, như Darryl. Hoặc tệ hơn. Có thể là Syria. Tại sao lại để anh ở San Fransico cơ chứ? Chừng nào anh còn ở Mỹ thì anh còn là cục nợ.” Cô ngồi xuống giường với tôi. “Đúng,” cô nói. “Đúng thế.” “Ừ.” “Ờ, anh biết phải làm gì rồi, đúng không?” “Cái gì?” Cô nhìn thẳng vào bàn phím của tôi. Tôi có thể thấy nước mắt lăn dài trên má cô. “Không! Em có điên không thế. Em nghĩ anh có thể chạy trốn với một kẻ điên trên Internet à? Một tên gián điệp?” “Anh có ý nào hay hơn không?” Tôi đá tung đống đồ giặt của cô. “Sao cũng được. Tốt thôi. Anh sẽ nói chuyện thêm với cô ta.” “Anh hãy nói chuyện với cô ta,” Ange nói. “Hãy nói với cô ta rằng anh và bạn gái anh đang chạy trốn.” “Cái gì?” “Im đi, đồ ngốc. Anh nghĩ rằng chỉ anh mới đang gặp nguy hiểm à? Em cũng bị nguy hiểm không kém, Marcus. Việc này gọi là đồng phạm. Khi nào anh đi, em cũng đi.” Quai hàm cô bạnh ra như muốn nổi loạn. “Anh và em - giờ chúng ta cùng trên một con thuyền. Anh phải hiểu điều đó.” Chúng tôi ngồi xuống giường cùng nhau. “Trừ khi anh không muốn em nữa,” cuối cùng cô khẽ nói. “Em đang đùa phải không?” “Trông em có giống như đang đùa không?” “Không có lý nào anh lại đi mà không có em, Ange. Anh không bao giờ yêu cầu em đi cùng, nhưng anh rất vui khi em yêu cầu.” Cô cười và ném bàn phím cho tôi. “Hãy e-mail cho cái cô Masha này thôi. Xem cô ta có thể làm gì cho chúng ta.” Tôi gửi e-mail cho cô ta, mã hóa và chờ hồi âm. Ange rúc vào tôi và tôi hôn cô, sau đó chúng tôi âu yếm nhau. Vì một lý do nào đó, mối nguy hiểm và lời cam kết sẽ luôn ở bên nhau khiến tôi quên đi cả sự lúng túng khi làm tình và thấy thỏa mãn tột độ. Chúng tôi lại bán khỏa thân nữa khi e-mail của Masha tới. > Hai người các cậu? Ôi Chúa ơi, cứ như thể mình cậu còn chưa đủ khó vậy. > Tôi không được đi trừ khi là để làm gián điệp trong một vụ lớn trên Xnet. Cậu hiểu tôi nói gì chứ? Những người điều hành theo dõi tôi từng bước một nhưng tôi sẽ được tự do khi có một vụ gì lớn xảy ra với các thành viên Xnet. Tôi sẽ được phân công vào vụ này. > Cậu hãy tổ chức một vụ gì đó lớn. Tôi sẽ được phân công đảm trách vụ đó. Tôi sẽ giúp chúng ta thoát ra. Cả ba chúng ta, nếu cậu cứ nhất quyết như vậy. > Mặc dù vậy, cậu phải làm nhanh lên. Tôi không thể gửi cho cậu hàng đống thư được, hiểu chứ? Họ đang theo dõi tôi. Họ đang đến rất gần cậu, cậu không còn nhiều thời gian. Mấy tuần ư? Có lẽ chỉ mấy ngày. > Tôi cần cậu đưa tôi ra. Vì thế tôi mới làm việc này, nếu cậu vẫn còn băn khoăn. Tôi không thể tự mình trốn thoát. Tôi cần một chiến dịch lớn trên Xnet, đó là chuyên môn của cậu. Đừng làm tôi thất vọng, M1k3y, nếu không cả hai chúng ta cùng chết. Cả bồ cậu nữa. > Masha Điện thoại của tôi đổ chuông làm cả hai chúng tôi giật mình. Mẹ tôi muốn biết khi nào tôi về, tôi bảo bà là tôi đang trên đường về rồi. Bà chẳng đề cập gì tới Barbara. Chúng tôi đã thống nhất sẽ không nói về vấn đề này trên điện thoại, đó là ý kiến của bố tôi. Dường như ông cũng bị hoang tưởng như tôi. “Anh phải đi đây,” tôi nói. “Bố mẹ chúng ta sẽ...” “Anh biết, anh đã nhìn thấy điều xảy ra với bố mẹ anh khi họ nghĩ anh đã chết. Biết anh là một kẻ đang phải lẩn tránh cũng không khá hơn là mấy, nhưng họ thà để anh lẩn tránh còn hơn là một tù nhân. Anh nghĩ vậy. Dù sao đi nữa, một khi chúng ta đã biến mất, Barbara có thể công bố câu chuyện mà không phải lo lắng sẽ gây rắc rối cho chúng ta.” Chúng tôi hôn tạm biệt ở cửa phòng cô. Không phải là một trong những nụ hôn nóng bỏng, ướt át mà chúng tôi vẫn thường làm khi chia tay. Lần này là một nụ hôn ngọt ngào. Một nụ hôn chậm rãi. Nó giống như một nụ hôn tạm biệt vậy. Thời gian ngồi trên xe lửa là lúc tâm trí của bạn hướng vào bên trong. Cái khoảng thời gian tàu cứ rầm rập chạy tới chạy lui và bạn cố gắng tránh không chạm phải ánh mắt của những hành khách khác, cố gắng không đọc những quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ, chữa hói đầu cho đàn ông, xét nghiệm AIDS, cố gắng phớt lờ những hình vẽ trên đường phố và không nhìn quá kỹ vào những thứ trên sàn tàu. Đó cũng là khi trí óc bạn thực sự bị khuấy tung lên. Bạn đảo qua đảo lại và trí óc bạn nhớ lại tất cả những thứ mà bạn đã bỏ sót, chiếu lại tất cả những đoạn phim của cuộc đời bạn, khi bạn không phải một anh hùng mà là một tên đần hay một gã khốn kiếp. Trong đầu bạn xuất hiện những suy nghĩ giống thế này: Nếu DHS muốn bắt M1k3y, còn cách nào tốt hơn là nhử cậu ta ra khỏi chỗ nấp, khiến cậu ta hoảng sợ, từ đó dụ cậu ta tạo nên một sự kiện cộng đồng lớn của Xnet? Chẳng phải việc này rất đáng để lộ ra một đoạn video thỏa hiệp sao? Trong đầu bạn xuất hiện những suy nghĩ như vậy ngay cả khi chỉ còn hai hay ba trạm cuối. Khi bạn xuống tàu và bắt đầu đi bộ, máu tiếp tục lưu thông và đôi khi đầu óc bạn lại giúp bạn một lần nữa. Đôi khi, trong rắc rối, đầu óc bạn lại đưa ra những giải pháp. chương 18 đã có thời sở thích của tôi là mặc áo choàng và quanh quẩn ở các khách sạn, giả vờ là một con ma cà rồng vô hình mà ai cũng nhìn chằm chằm. Trò này rất phức tạp và không thực sự quái đản như người ta nghĩ. Trò chơi Nhập vai Thực tế là sự kết hợp giữa những thế mạnh của D&D (1), câu lạc bộ kịch và trò bịp khoa học viễn tưởng. Tôi hiểu rằng trò này có thể nghe có vẻ không hấp dẫn với bạn như với tôi khi tôi mười bốn tuổi. Những trò hay nhất là những trò ở Trại hướng đạo sinh được tổ chức ở ngoại ô: một trăm thiếu niên, cả nam lẫn nữ, chiến đấu với tình trạng giao thông tối thứ Sáu, thay phiên nhau kể chuyện, chơi những trò chơi tập thể và khoác lác hàng giờ. Sau đó, chúng tôi sẽ đứng trên bãi cỏ, trước một nhóm các ông bà già cầm vũ khí tự tạo, sứt mẻ và đáng sợ, giống như vũ khí thời xưa, không phải những gì thường thấy trên phim ảnh mà giống như đồng phục của một người lính sau một tháng trời chui rúc trong bụi rậm. Trên danh nghĩa thì những người này được trả tiền để điều khiển trò chơi, nhưng bạn thường không nhận được công việc này nếu bạn không phải kiểu người chấp nhận làm nó miễn phí. Họ đã chia chúng tôi thành các đội dựa trên những câu hỏi mà chúng tôi đã trả lời trước đó, mỗi đội sẽ nhận một nhiệm vụ riêng, giống như chia đội chơi bóng chày. Sau đó, bạn sẽ nhận được những gói hướng dẫn. Chúng giống như những hướng dẫn mà các điệp viên nhận được trong phim: đây là danh tính của cậu, đây là nhiệm vụ của cậu, đây là những bí mật mà cậu được biết về nhóm của mình. Tiếp theo là thời gian cho bữa tối: lửa bập bùng cháy, thịt nổ lốp bốp trên xiên, đậu phụ kêu lèo xèo trên chảo (do chúng tôi ở phía Bắc California nên không có đồ cho người ăn chay), và kiểu ăn uống chỉ có thể được miêu tả là như tằm ăn rỗi. Xong xuôi, những đứa trẻ nhiệt tình sẽ thực sự vào vai. Trong trò chơi đầu tiên, tôi là một phù thủy. Tôi nhận được một túi đậu, tượng trưng cho những câu thần chú - khi tôi ném một hạt đậu, tôi sẽ nói to câu thần chú lên: cầu lửa, tên lửa thần kỳ, bột ánh sáng - đối phương hay “quái vật” bị tôi ném đậu vào sẽ quỳ xuống nếu tôi ném trúng. Hoặc không - đôi khi chúng tôi phải gọi một trọng tài tới để hòa giải, nhưng phần lớn là chúng tôi tuân thủ luật chơi đẹp khá tốt. Không ai thích phải tung xúc xắc. Chúng tôi đều nhập vai cho đến giờ đi ngủ. Ở tuổi mười bốn, tôi hoàn toàn không biết chắc một phù thủy thì phải như thế nào, nhưng tôi có thể đoán được phần nào dựa vào phim ảnh và tiểu thuyết. Tôi nói bằng một giọng chậm rãi, thận trọng, giữ một vẻ mặt đầy huyền bí và nghĩ những ý nghĩ ma thuật. Nhiệm vụ khá là phức tạp, chúng tôi phải tìm lại một di vật quý giá đã bị một con yêu tinh đánh cắp nhằm mục đích khuất phục người dân ở đó phải tuân lệnh nó. Cái này không quan trọng lắm. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ tôi có một nhiệm vụ bí mật. Tôi phải bắt được một tiểu yêu để làm người hầu cho mình. Và tôi cũng có một nhiệm vụ báo thù bí mật, một người chơi nữa trong đội đã tham gia vào một cuộc tấn công giết gia đình tôi khi tôi còn bé, người đó không biết tôi sẽ trở lại để trả thù. Và tất nhiên, cũng có một người chơi khác căm thù tôi, vậy nên mặc dù rất thích tình bạn trong đội nhưng tôi luôn luôn phải đề phòng để không bị đâm sau lưng hay đầu độc trong lúc ăn. Trong suốt hai ngày sau đó, chúng tôi chơi các trò chơi. Khi thì chúng tôi chơi trốn tìm, khi thì tham gia những bài tập sống sót trong tự nhiên và có khi chúng tôi chơi giải đố. Những người quản trò đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình. Bạn cũng trở nên thân thiết với mọi người trong nhiệm vụ. Darryl là mục tiêu trong vụ giết người đầu tiên của tôi và tôi đã phải quay lưng lại với nó mặc cho nó là chiến hữu của tôi. Một chiến hữu tốt. Thật xấu hổ là tôi phải giết nó. Tôi đã tung cầu lửa vào nó trong lúc nó đang tìm kiếm kho báu sau khi bọn tôi đã dọn sạch một đàn quái vật, chơi oẳn tù tì với từng con một để quyết định ai sẽ thắng trong trận chiến. Nghe thì buồn cười nhưng thực ra trò này rất thú vị. Trại hè này giống như trại hè cho những người mê kịch. Chúng tôi nằm trong lều nói chuyện đến khuya, ngắm các vì sao, nhảy xuống sông tắm khi thấy nóng bức, đập muỗi, trở thành bạn tốt hoặc kẻ thù suốt đời. Tôi không hiểu tại sao bố mẹ Charles gửi nó tới trại hè hướng đạo. Nó không phải đứa trẻ thích những thứ như thế này. Nó thuộc dạng sẽ bứt cánh của những con ruồi để chúng không thể bay được nữa. Ờ mà cũng có thể không phải. Nhưng chắc chắn nó không phải dạng người thích mặc phục trang trong rừng. Nó dành phần lớn thời gian lang thang, trêu chọc mọi người và tất tần tật những trò khác, cố gắng thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi không có một khoảng thời gian đẹp đẽ như chúng tôi đang cảm thấy. Hẳn là bạn đã gặp kiểu người này rồi, kiểu người quyết làm cho người khác tin rằng họ đang có một khoảng thời gian tồi tệ. Một điều nữa cần biết về Charles là nó không quan tâm đây chỉ là chơi trận giả. Một khi bạn đã bắt đầu chạy quanh khu rừng và chơi những trò chơi có phần mang hơi hướng quân đội tinh vi thì rất dễ bị kích thích tới mức sẵn sàng vặt cổ một ai đó. Điều này chẳng hay ho gì, nhất là khi bạn đang cầm một thanh kiếm, một cái gậy, một cây thương hay những vũ khí khác. Đây cũng chính là lý do vì sao không một ai được phép đánh người khác trong trò chơi này, bất luận trong hoàn cảnh nào. Thay vào đó, khi bạn tiếp cận ai đó đủ gần để chiến đấu với họ, các bạn sẽ oẳn tù tì với nhau hai lần. Trọng tài sẽ hòa giải các tranh chấp. Cách này văn minh nhưng cũng hơi kỳ quặc một chút. Bạn đuổi theo ai đó khắp khu rừng, đuổi kịp cậu ta, nhe răng ra và ngồi xuống chơi oẳn tù tì. Nhưng nó hiệu quả - và nó đảm bảo ai cũng vui vẻ và an toàn. Charles không thèm quan tâm tới điều này. Tôi nghĩ rằng nó hoàn toàn có khả năng hiểu rằng luật chơi là không được va chạm với nhau, nhưng đồng thời nó cũng có khả năng tự quyết định rằng luật chơi chả là cái quái gì, do vậy nó quyết định không tuân theo luật. Các trọng tài đã nhắc nhở nó vài lần và nó hứa sẽ tuân thủ luật chơi, nhưng vẫn liên tục vi phạm. Nó là một trong những đứa trẻ to xác nhất ở đây, và luôn tỏ ra thích thú vì “lỡ tay” tấn công bạn ở cuối cuộc rượt đuổi. Chẳng vui vẻ gì khi bạn bị tấn công trên đất đá lởm chởm ở trong rừng. Tôi chỉ vỗ nhẹ vào Darryl ở nơi nó đang tìm kho báu và chúng tôi cười khẽ vì sự lén lút cực độ của tôi. Nó đóng vai quỷ, đi giết những người chơi để biến họ thành quỷ, điều này có nghĩa là trò chơi càng kéo dài, càng có nhiều quỷ đuổi theo bạn, và cũng có nghĩa là mọi người tiếp tục chơi và trận chiến càng ngày càng kịch tính hơn. Đúng lúc đó, Charles nhảy bổ ra từ cánh rừng phía sau và túm lấy tôi, xô tôi xuống đất mạnh đến nỗi tôi không thở được mất một lúc. “Bắt được rồi!” nó hét lên. Trước đó, tôi mới chỉ biết chút ít về nó và cũng không để ý nhiều, nhưng ngay lúc này, tôi sẵn sàng giết nó. Tôi từ từ bò dậy, nhìn thẳng vào nó, ngực nó căng lên và miệng cười nhe nhởn. “Cậu chết rồi,” nó nói. “Tớ đã bắt được cậu.” Tôi cười nhưng cảm thấy có gì đó không ổn và bị đau trên mặt. Tôi sờ lên môi trên. Là máu. Mũi tôi đang chảy máu còn môi tôi bị dập, bị rễ cây cắt vào lúc tôi ngã đập mặt xuống đất khi nó xô tôi. Tôi lau máu vào quần và cười. Tôi cố gắng tỏ ra rằng dù sao đây cũng chỉ là một trò chơi. Rồi tôi cười thành tiếng và bước đến chỗ nó. Charles không ngốc. Nó đã quay lưng lại, chuẩn bị chạy biến vào trong rừng. Darryl đã lao tới thụi vào sườn nó, tôi tấn công bên còn lại. Bất ngờ nó chuyển hướng và chạy. Darryl ngáng cổ chân nó, làm nó ngã sóng soài. Chúng tôi xông tới chỗ nó vừa kịp lúc nghe thấy tiếng còi của trọng tài. Trọng tài không nhìn thấy Charles chơi xấu tôi nhưng ông đã nhìn thấy cách Charles chơi suốt hai ngày qua. Ông đưa Charles về trại và bảo rằng nó đã bị loại khỏi trò chơi. Charles cứ lải nhà lải nhải nhưng đúng như ước nguyện của chúng tôi, trọng tài không để tâm tới điều đó. Khi Charles đã đi khỏi, ông cũng thuyết giáo cho chúng tôi một bài, rằng sự trả thù của chúng tôi cũng xấu như đòn tấn công của Charles vậy. Mọi chuyện trở nên ổn thỏa. Đêm đó, khi trò chơi kết thúc, tất cả chúng tôi đều đi tắm nước nóng ở ký túc của trại. Darryl và tôi lấy trộm quần áo và khăn tắm của Charles. Chúng tôi buộc chúng lại và thả xuống bồn cầu. Rất đông bọn con trai sung sướng góp tay vào vụ nhúng đồ của Charles. Charles thì đang hăng say với các vụ tấn công của nó. Tôi chỉ ước giá mà mình được chứng kiến cảnh nó ra khỏi phòng tắm và phát hiện ra quần áo của mình ở đâu. Thật là một quyết định khó khăn: bạn sẽ tồng ngồng như nhộng mà chạy ngang qua khu trại hay ngồi tháo mớ quần áo ướt sũng đã bị buộc xoắn xít vào nhau để mặc? Nó đã chọn cách chạy trần truồng. Có lẽ ở vào vị trí đó, tôi cũng sẽ làm như vậy. Chúng tôi xếp hàng dọc con đường từ phòng tắm tới nơi để đồ và hoan hô nó. Tôi đứng đầu hàng, bắt nhịp vỗ tay cho cả bọn. Mỗi năm chỉ có ba đến bốn lần cắm trại Hướng đạo sinh vào cuối tuần, thế nên Darryl và tôi - cũng như rất nhiều người chơi LARP khác - cảm thấy thiếu vắng LARP trầm trọng trong cuộc sống hàng ngày. May sao, các khách sạn trong thành phố có trò Ánh Nắng Khốn Khổ. Ánh Nắng Khốn Khổ là một dạng LARP khác với hai đối đầu là ma cà rồng và những kẻ săn ma cà rồng. Trò chơi này có những luật lệ riêng. Người chơi có những quân bài để giúp họ hóa giải các cuộc giao tranh, do đó mỗi cuộc giao tranh giống như một ván bài chiến lược. Ma cà rồng có thể trở nên vô hình bằng cách mặc áo choàng hay bắt chéo hai tay trước ngực và tất cả những người chơi khác phải giả vờ như không nhìn thấy họ, tiếp tục nói chuyện, lên kế hoạch... Cách để kiểm tra một người chơi giỏi hay không là xem bạn có đủ thành thật để nói ra các bí mật trước mặt đối thủ “vô hình” chứ không hành động như thể cậu ta đang ở trong phòng. Mỗi tháng có vài cuộc chơi Ánh Nắng Khốn Khổ lớn. Ban tổ chức trò chơi có mối quan hệ tốt với các khách sạn trong thành phố, họ sẽ thuê mười phòng chưa có ai đặt trước vào tối thứ Sáu. Tối đó, rất đông người chơi sẽ tới và chạy xung quanh khách sạn, chơi trò Ánh Nắng Khốn Khổ một cách trật tự trong các hành lang, xung quanh bể bơi và nhiều nơi khác nữa. Họ cũng sẽ ăn tại nhà hàng của khách sạn và trả tiền cho dịch vụ WiFi ở đây. Ban tổ chức sẽ kết thúc việc đăng ký vào chiều thứ Sáu, gửi thư cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ đi thẳng từ trường tới khách sạn, mang theo ba lô của mình, khoảng sáu đến tám người ngủ một phòng trong hai ngày cuối tuần, sống bằng đồ ăn vặt và chơi cho tới tận ba giờ sáng. Trò này rất thú vị, an toàn và vui vẻ mà bố mẹ chúng tôi có thể kiểm soát được. Ban tổ chức là một hội từ thiện nổi tiếng, chuyên dạy đọc và viết miễn phí, điều hành các lớp dạy viết, đóng kịch... cho trẻ em. Họ đã điều hành trò chơi này suốt mười năm mà chưa gặp bất cứ một sự cố nào. Tất cả mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ để không ai sử dụng cồn hay ma túy, bảo đảm đơn vị tổ chức không bị phá hỏng bởi bất cứ một sai sót nhỏ nào. Chúng tôi lôi kéo được khoảng từ mười tới một trăm người chơi, tùy thuộc vào từng dịp cuối tuần. Và với số tiền chỉ bằng giá vé xem hai bộ phim, bạn sẽ có hai ngày rưỡi tràn ngập niềm vui. Mặc dù vậy, đến một ngày, họ may mắn đặt được phòng tại khách sạn Monaco ở Tenderloin, nơi thường là chốn giải khuây cho những du khách già thích ra vẻ nghệ sĩ, một nơi mà phòng nào cũng có bể cá vàng, sảnh thì đầy những người già đẹp đẽ diện áo quần sặc sỡ, khoe khoang thành quả phẫu thuật thẩm mỹ. Thông thường, những người trần tục - từ mà chúng tôi dành cho những người không chơi trò chơi này - thường mặc kệ chúng tôi và cho rằng chúng tôi chỉ là những đứa trẻ vui nhộn. Nhưng cuối tuần đó, có vị tổng biên tập của một tạp chí du lịch Italia ở đó và ông ta tỏ ra khá thích thú với trò chơi của chúng tôi. Ông dồn tôi vào góc tường khi tôi đang lẩn trốn trong sảnh, cố gắng tìm thủ lĩnh phe địch để sà vào hút máu. Tôi đứng dựa vào tường, tay bắt chéo trước ngực, đang tỏ ra vô hình thì ông tổng biên tập tiến tới chỗ tôi và hỏi tôi bằng giọng Anh xem tôi và bạn tôi làm gì trong khách sạn vào cuối tuần vậy? Tôi cố gạt tay ông nhưng ông không chịu buông tôi ra. Cho nên tôi đoán rằng tôi nên bịa ra một chuyện gì đó và sau khi nghe xong ông sẽ bỏ đi. Tôi không thể tưởng tượng được rằng ông ấy sẽ cho in nó. Tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng báo chí Mỹ sẽ quan tâm tới câu chuyện của ông. “Chúng cháu tới đây bởi vì hoàng tử của chúng cháu đã mất và do đó chúng cháu phải tìm kiếm một người cai trị mới.” “Một hoàng tử ư?” “Vâng, chúng cháu là những Người Cổ. Chúng cháu tới Mỹ vào thế kỷ mười sáu và từ đó chúng cháu gây dựng hoàng tộc của mình ở vùng hoang dã của Pennsylvania. Chúng cháu sống một cuộc sống đơn giản trong rừng và không sử dụng các kỹ thuật hiện đại. Nhưng hoàng tử là người thừa kế cuối cùng và ông ấy đã mất tuần trước. Một căn bệnh khủng khiếp đã giết chết ông ấy. Những người đàn ông trẻ trong bộ lạc của cháu đã lên đường đi tìm những hậu duệ của ông chú của hoàng tử, người đã bỏ đi để hòa nhập vào thế giới hiện đại vào thời ông nội hoàng tử. Chúng cháu nghe nói ông ấy cũng có con cháu và chúng cháu đang đi tìm con cháu của ông và mang họ trở về với cội nguồn của mình.” Tôi đọc rất nhiều tiểu thuyết kỳ ảo. Thế nên câu chuyện này cứ tự nhiên tuôn ra thế thôi. “Chúng cháu gặp một người phụ nữ biết về những người hậu duệ này, bà ta bảo chúng cháu rằng một người trong số họ đang ở tại khách sạn này, do đó chúng cháu tới đây để tìm anh ta. Nhưng chúng cháu bị kẻ thù đuổi theo, những kẻ muốn ngăn cản chúng cháu đưa một hoàng tử khác về, muốn làm chúng cháu yếu đi để chúng dễ bề thống trị. Do đó, việc bảo toàn bí mật của chúng cháu là việc sống còn, chúng cháu không được nói chuyện với những người Hiện đại, nói chuyện này với bác đang khiến cháu cảm thấy khá lo lắng.” Ông ấy nhìn tôi vẻ dò xét. Do tôi không vắt tay chéo trước ngực nữa nên giờ tôi “hiện hình” với các ma cà rồng địch thủ, một tên trong bọn chúng đang lén lút chậm rãi tiến về phía chúng tôi. Vào khoảnh khắc cuối cùng, tôi quay ra và thấy cô ta với hai tay dang rộng, rít lên với chúng tôi, âm vực ngày càng cao, nghe rất ghê rợn. Tôi dang rộng tay ra và rít lại với cô ta, sau đó phi thục mạng qua sảnh, nhảy qua một cái ghế sofa bọc da, chạy vòng quanh một chậu cây và bắt cô ta phải đuổi theo. Sau đó, tôi thấy một lối thoát xuống cầu thang dẫn tới câu lạc bộ thể thao ở tầng hầm, tôi chạy theo lối đó và thoát khỏi cô ta. Hết hai ngày cuối tuần, tôi không gặp lại ông tổng biên tập ấy lần nào nữa, nhưng tôi đã kể sơ qua câu chuyện cho vài bạn chơi LARP khác, những người này lại thêm mắm thêm muối rồi kể đi kể lại chuyện này suốt cả dịp cuối tuần. Tạp chí Italia đó có một nhân viên đang học thạc sĩ về các cộng đồng Amish chống lại công nghệ ở nông thôn Pennsylvania, và cô ta nghĩ câu chuyện của chúng tôi rất thú vị. Dựa trên những ghi chép và cuộc phỏng vấn được ghi âm mà sếp cô ta mang về từ chuyến công tác ở San Francisco, cô ta đã viết một bài báo cảm động và hấp dẫn về những thanh niên sùng đạo kỳ lạ đang lang bạt khắp nước Mỹ để tìm kiếm “hoàng tử” của mình. Thật không thể tin được, ngày nay người ta sẵn sàng tin bất cứ điều gì. Nhưng một điều lạ nữa là, những câu chuyện như thế này được đọc và tái bản lại. Đầu tiên, đó là những blogger người Italia, rồi đến vài blogger người Mỹ. Rất nhiều người trên khắp đất nước nói rằng họ đã “trông thấy” những Người Cổ, dù tôi không thể biết là họ đang bịa đặt hay đúng là có những đứa trẻ khác chơi trò chơi tương tự như chúng tôi thật. Câu chuyện của tôi còn lan qua các phương tiện truyền thông và tới tai tòa soạn báo New York Times, và thật không may là tờ báo này có thói quen kiểm tra lại tin tức. Tay phóng viên phụ trách câu chuyện này đã lần theo các dấu vết đến tận khách sạn Monaco, khách sạn này lại giúp anh ta liên lạc với ban tổ chức LARP, và những người này vừa kể lại toàn bộ câu chuyện vừa cười ngặt nghẽo. Chậc chậc, đến lúc này thì trò LARP đã phần nào bị mất uy tín. Chúng tôi được biết đến như những kẻ lừa đảo, những kẻ nói dối thần kinh và quái đản nhất Hoa Kỳ. Và tòa báo mà tình cờ bị chúng tôi lừa đưa tin về những Người Cổ thì nay lại rất tích cực chuộc lỗi bằng cách đưa tin về sự quái đản bất bình thường của chúng tôi, đó cũng chính là lúc thằng Charles nói cho mọi người trong trường biết Darryl và tôi là những người chơi LARP nhiệt tình nhất thành phố. Đó không phải là một mùa chơi suôn sẻ. Vài người trong nhóm không cảm thấy phiền hà gì nhưng chúng tôi thì có. Những trò chọc ghẹo thật nhẫn tâm và Charles là đứa khởi xướng. Tôi thường tìm thấy những cái răng nanh nhựa trong túi của mình, khi tôi đi ngang qua sảnh lớn, những đứa trẻ khác sẽ thè lưỡi “bleu, bleu” giống con ma cà rồng hoạt hình, hoặc chúng bắt chước giọng Transylvania khi tôi ở đâu đó xung quanh. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng đổi sang chơi ARG. Ở nhiều khía cạnh, trò này thú vị hơn và cũng ít kỳ quặc hơn. Mặc dù vậy, nhiều khi tôi thấy nhớ áo choàng của tôi và những cuối tuần ở khách sạn. Đối lập với hiện tượng esprit d’escalier là khi mà những thời điểm khó xử trong cuộc sống quay trở lại ám ảnh chúng ta sau khi đã trôi qua từ rất lâu rồi. Tôi có thể nhớ lại tất cả những thứ ngu ngốc mà mình đã nói hay làm, tái hiện chúng với sự rõ nét tuyệt đối. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy chán nản, tự nhiên tôi lại bắt đầu nhớ lại những khi tôi cũng cảm thấy chán nản, hàng loạt những sự kiện nhục nhã lần lượt diễu hành trong tâm trí tôi. Khi tôi cố tập trung vào Masha và số phận tăm tối trước mắt, câu chuyện về Người Cổ lại quay lại ám ảnh tôi. Hồi đó, tôi cũng có một cảm giác giống lúc này, mệt mỏi và thấy tương lai ảm đạm khi càng ngày càng có nhiều các bài báo viết về câu chuyện của chúng tôi và rất có khả năng ai đó sẽ phát hiện ra chính tôi là đứa đã bịa ra câu chuyện đó cho ngài tổng biên tập người Italia ngốc nghếch mặc quần bó của nhà thiết kế nổi tiếng với những đường chỉ ngoằn ngoèo, áo sơ mi không cổ được hồ cứng nhắc cùng hai tròng kính quá khổ có gọng kim loại. Thay vì ngồi lì một chỗ day dứt về lỗi lầm nào đó, bạn có thể chọn cách khác. Bạn có thể rút ra bài học từ chúng. Dù sao thì đó chỉ là một lý thuyết hay. Có lẽ lý do cho việc tiềm thức của bạn gọi lại tất cả những bóng ma thảm hại là chúng cần tìm ra lối thoát trước khi có thể yên nghỉ trong sự nhục nhã ở kiếp sau. Tiềm thức luôn gọi những bóng ma về thăm tôi với hy vọng là tôi sẽ làm gì đó để chúng có thể yên nghỉ. Suốt dọc đường về nhà, tôi lật lại câu chuyện về Người Cổ và nghĩ xem phải làm gì với “Masha” trong trường hợp cô ta cố tình gài bẫy tôi. Tôi cần một sự bảo đảm. Và khi vừa về đến nhà - ngạt thở trong những cái ôm đầy âu lo bố mẹ - tôi đã nghĩ ra. Mánh khóe ở đây là phải canh sao cho nó xảy ra thật nhanh, đủ nhanh để DHS trở tay không kịp nhưng cũng phải đủ thời gian để Xnet thoát ra khỏi vòng kiểm soát. Mánh khóe ở đây phải dàn dựng sao cho số người hiện diện lúc đó đủ nhiều để họ không thể bắt tất cả, đặt nó vào nơi mà báo chí có thể chứng kiến và có cả những người lớn, để DHS không thể phun khí ga vào chúng tôi một lần nữa. Mánh khóe ở đây là đưa ra một thứ gì đó đủ hấp dẫn để giới truyền thông chộp lấy. Mánh khóe là phải dàn cảnh sao đó để chúng tôi có thể tập hợp lại, giống như việc ba nghìn sinh viên trường Berkeley ngăn cản cảnh sát mang một trong số họ đi. Mánh khóe ở đây là nhử cho cánh phóng viên xuất hiện ở đó và sẵn sàng nói điều mà cảnh sát đã nói, giống như cách họ làm ở Chicago năm 1986. Đó sẽ là một mánh khóe nào đó. Ngày hôm sau, tôi trốn khỏi trường sớm một tiếng, sử dụng những kỹ thuật thông thường, chẳng buồn quan tâm liệu mình có bị một hình thức kiểm tra mới nào đó của DHS phát hiện, để rồi một thông báo khác lại được gửi đến cho bố mẹ hay không. Dẫu sao thì sau ngày mai, bố mẹ tôi sẽ chẳng còn phải bận tâm đến việc tôi có gặp rắc rối ở trường hay không nữa. Tôi gặp Ange ở nhà cô, cô còn trốn học sớm hơn tôi nhưng cô giả vờ bị một cơn chuột rút kinh khủng, làm bộ ngã khuỵu xuống nên nhà trường phải cho cô về sớm. Chúng tôi bắt đầu loan tin trên Xnet. Chúng tôi gửi thư tới những người bạn đáng tin cậy và nhắn tin cho bạn bè trong danh sách của mình. Chúng tôi lang thang trên trang chủ và thị trấn của Cướp bóc Hẹn giờ để nói chuyện với những người chơi trong đội mình. Cần phải rất khéo léo, sao cho lượng thông tin mọi người nhận được vừa đủ để họ tham dự nhưng không quá nhiều để tránh bị lộ tẩy trước DHS, nhưng tôi nghĩ là mình đã tiết lộ vừa đủ: > VAMPMOB NGÀY MAI > Nếu bạn là dân Gothic, hãy ăn mặc thật ấn tượng. Nếu không phải, tìm một người theo trường phái Gothic để mượn quần áo. Hãy nghĩ đến ma cà rồng. > Cuộc chơi bắt đầu đúng 8 giờ sáng. ĐÚNG 8 giờ sáng. Hãy có mặt ở đó và sẵn sàng để được chia đội. Trò chơi kéo dài 30 phút, vì thế bạn có thừa thời gian để đến trường sau đó. > Địa điểm sẽ được bật mí vào ngày mai. Hãy gửi khóa công cộng của bạn đến địa chỉ m1k3y@littlebrother. pirateparty.org.se và kiểm tra tin nhắn lúc 7 giờ sáng để nhận được tin tức cập nhật. Nếu 7 giờ là quá sớm, hãy thức cả đêm. Đó là những gì chúng tôi định làm. > Đây sẽ là trò vui nhất trong năm của bạn, xin đảm bảo. > Hãy tin tôi. > M1k3y Sau đó tôi gửi tin nhắn cho Masha. > Mai nhé > M1k3y Một phút sau, cô ta hồi âm: > Tớ cũng nghĩ thế. VampMob, huh? Cậu làm nhanh đấy. Đội mũ đỏ nhé. Mang ít đồ thôi. Khi đi trốn các bạn sẽ mang cái gì theo? Tôi từng mang theo hàng đống đồ nặng trịch khi tham gia trại Hướng đạo sinh, đủ để nhận ra rằng mỗi kilôgam nhét thêm vào sẽ hằn sâu xuống vai bạn bằng toàn bộ sức nặng của trọng lực qua mỗi bước đi - đó không chỉ là một kilogam, đó là một kilôgam mà bạn phải mang theo trong suốt chặng đường hàng triệu bước. Cả tấn đấy. “Đúng đấy,” Ange nói. “Rất thông minh. Và anh cũng không bao giờ được mang quá số quần áo đủ thay trong ba ngày. Anh có thể giặt chúng. Thà áo có vết bẩn còn hơn vác theo cả cái va li quá to và quá nặng đến mức không nhét nổi dưới ghế máy bay.” Cô lôi ra một cái túi ni lông, giống túi của người đưa thư, đeo chéo qua giữa hai bầu ngực cô - cái chi tiết khiến tôi hơi đổ mồ hôi một tẹo - và kéo túi dọc qua lưng. Nhìn bên trong có vẻ rộng rãi, rồi cô đặt nó xuống giường. Giờ thì cô xếp quần áo bên cạnh cái túi. “Em nghĩ là ba áo thun, một quần dài, một quần soóc, ba quần lót, ba đôi tất và một áo len là ổn.” Cô dốc ngược túi thể thao và lấy đồ vệ sinh cá nhân ra. “Sáng mai em sẽ phải nhớ nhét bàn chải vào trước khi đến Civic Center.” Nhìn cô sắp xếp đồ đạc thật là ấn tượng. Không một chút ngập ngừng. Nó cũng rất quái lạ - khiến tôi nhận ra rằng ngày mai tôi sẽ phải đi xa. Có thể là rất lâu. Cũng có thể là mãi mãi. “Em có nên mang Xbox theo không?” cô hỏi. “Em có cả đống thứ trong ổ cứng, các ghi chép, bản vẽ và thư từ. Em không muốn chúng rơi vào tay kẻ xấu.” “Chúng đều được mã hóa mà,” tôi nói. “ParanoidXbox luôn có chế độ đấy. Thôi để Xbox lại đi, LA có hàng đống Xbox ấy mà. Chỉ cần lập một tài khoản Priate Party và gửi file ảnh ổ cứng vào hộp thư của em. Chút nữa về nhà anh cũng sẽ làm thế.” Cô làm theo, thư đang chờ gửi đi. Phải mất vài giờ để toàn bộ dữ liệu được nhét qua mạng WiFi của nhà hàng xóm và đến được Thụy Điển. Sau đó cô đóng nắp túi và kéo chặt các dây nén. Giờ cô có một thứ to bằng quả bóng đá đằng sau lưng, tôi nhìn nó đầy ngưỡng mộ. Cô có thể xuống phố với thứ đó trên vai và chẳng ai thèm nhìn đến lần thứ hai - trông cô cứ như đang đi học vậy. “Còn một thứ nữa,” cô nói và ra tủ đầu giường rồi lấy ra vài cái bao cao su. Cô kéo mấy vỉ cao su ra khỏi hộp, mở túi và nhét chúng vào, sau đó cô vỗ mông tôi một phát. “Giờ sao nữa?” tôi hỏi. “Bây giờ bọn mình sẽ về nhà anh chuẩn bị đồ đạc cho anh. Đã đến lúc em gặp bố mẹ anh rồi chứ?” Cô bỏ lại cái túi giữa các chồng quần áo và đống đồ tạp nham vương vãi khắp sàn nhà. Cô đã sẵn sàng quay lưng lại với tất cả, bỏ đi, chỉ để ở bên tôi. Chỉ để ủng hộ chính nghĩa. Điều đó giúp tôi thấy can đảm hơn. Mẹ tôi đã ở nhà khi tôi về. Bà để mở máy tính trên bàn bếp, trả lời thư và nói chuyện qua bộ điện đàm nối vào máy tính, giúp đỡ những cư dân Yorkshire nghèo khổ và gia đình họ hòa nhập với cuộc sống tại Louisiana. Tôi bước qua cửa, Ange đi theo, cười toe toét như bị điên, nhưng cô nắm tay tôi chặt đến mức tôi có thể cảm thấy xương xẩu nghiến ken két vào nhau. Tôi không biết cái gì làm cô lo lắng quá mức như vậy. Dù sao thì sau lần này, mọi chuyện có tệ đi chăng nữa thì cũng đâu có vẻ gì giống như cô sẽ phải dành nhiều thời gian bên cạnh bố mẹ tôi cơ chứ. Mẹ dừng cuộc nói chuyện với người đàn ông từ Yorkshire khi chúng tôi bước vào. “Chào con, Marcus,” bà nói, hôn lên má tôi. “Còn ai đây nhỉ?” “Mẹ, đây là Ange. Ange, đây là mẹ anh, Lillian.” Mẹ tôi đứng dậy và ôm Ange. “Gặp được cháu thật là hay, cô bé,” bà vừa nói vừa nhìn cô từ trên xuống dưới. Tôi nghĩ Ange khá ưa nhìn. Cô ăn mặc đẹp, nhỏ nhẹ, và người ta chỉ cần nhìn cô cũng có thể nhận ra cô thông minh như thế nào. “Rất hân hạnh được gặp cô, cô Yallow,” cô nói, có vẻ rất tự tin và chắc chắn. Tốt hơn rất nhiều so với tôi khi gặp mẹ cô. “Cháu cứ gọi cô là Lillian,” bà nói. Bà đang cố ghi nhớ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. “Cháu có ở lại ăn tối không?” “Cháu rất thích ạ,” cô trả lời. “Cháu có ăn thịt không?” Mẹ tôi đã khá hòa nhập với cuộc sống tại California. “Cháu ăn tất cả những thứ không nhảy vào ăn thịt cháu trước,” cô nói. “Ange nghiện đồ ăn cay mẹ ạ,” tôi nói. “Mẹ có thể mời cô ấy ăn lốp xe cũ và cô ấy sẽ ăn ngon lành sau khi đổ ngập xốt salsa lên đó.” Ange khẽ huých vai tôi. “Mẹ đang định gọi món Thái,” mẹ nói. “Mẹ sẽ gọi thêm vài món có năm loại ớt.” Ange lịch sự cảm ơn, rồi mẹ tôi đi vòng quanh bếp, lấy cho chúng tôi nước hoa quả, một đĩa bánh bích quy và hỏi lại đến ba lần xem chúng tôi có muốn dùng trà không. Tôi cảm thấy có chút lúng túng. “Cảm ơn mẹ,” tôi nói. “Bọn con lên trên gác một chút.” Mẹ tôi khẽ nhíu mắt rồi lại mỉm cười. “Tất nhiên rồi,” mẹ nói. “Một tiếng nữa bố con sẽ về, và chúng ta sẽ cùng ăn tối.” Tôi nhét toàn bộ đạo cụ hóa trang ma cà rồng ở sau tủ. Tôi để Ange phân loại chúng trong lúc mình sắp xếp quần áo. Tôi chỉ đi đến LA thôi mà. Ở đó có cửa hàng quần áo, có tất cả quần áo mà tôi cần. Tôi chỉ cần lấy ba đến bốn cái áo thun ưa thích và một cái quần bò ưa thích, lăn khử mùi, một cuộn chỉ nha khoa. “Tiền!” tôi nói. “Ừ,” Ange trả lời. “Em đang định ra ATM rút sạch tài khoản ngân hàng trên đường về. Em tiết kiệm được khoảng năm trăm đô.” “Thật á?” “Em còn tiêu vào đâu nữa?” cô nói. “Từ hồi có Xnet đến giờ, em thậm chí không phải trả bất cứ phí dịch vụ nào.” “Anh nghĩ anh có khoảng ba trăm đô gì đó.” “Tốt rồi. Chúng ta sẽ lấy trên đường đến Civic Center sáng mai.” Tôi có một túi đựng sách to tự cái thời tôi hay vác cả đống đồ đạc loanh quanh thành phố. Dùng túi này sẽ đỡ bị nghi ngờ hơn túi cắm trại. Ange xem xét đống đồ của tôi một cách không khoan nhượng rồi chọn ra những thứ cô thích nhất. Khi đồ đạc đã được sắp xếp và cất dưới gầm giường, chúng tôi ngồi xuống. “Sáng mai bọn mình sẽ phải dậy sớm,” cô nói. “Ừ, một ngày trọng đại đấy.’’ Theo kế hoạch, sáng mai chúng tôi phải chọn được đúng thông tin giữa hàng đống địa điểm VampMob giả, đưa mọi người đến những địa điểm vắng vẻ trong khoảng cách vài phút đi bộ từ Civic Center. Chúng tôi phải cắt khuôn, phun dòng chữ VAMPMOB CIVIC CENTER → → và chúng tôi sẽ phải sơn đủ các địa điểm trước 5 giờ sáng. Làm như vậy để tránh trường hợp DHS khóa cửa Civic Center trước khi chúng tôi kịp đến đó. Tôi đã sẵn sàng để gửi tin nhắn đúng 7 giờ sáng - tôi để Xbox chạy trong lúc tôi ra ngoài. “Bao lâu nữa...” cô kéo dài giọng. “Anh cũng đang tự hỏi đây,” tôi nói. “Anh nghĩ có thể rất lâu đấy. Nhưng ai mà biết được? Với bài báo của Barbara...” Tôi đã soạn sẵn một thư điện tử để gửi cho cô ấy vào sáng ngày mai - “và tất cả những chuyện này, có thể chúng ta sẽ trở thành anh hùng sau hai tuần nữa.” “Có thể,” cô thở dài. Tôi quàng tay qua người cô. Vai cô đang run lên. “Anh sợ,” tôi nói. “Anh nghĩ họa điên mới không thấy sợ.” “Ừ,” cô trả lời. “Ừ.” Mẹ gọi chúng tôi xuống ăn tối. Bố bắt tay Ange. Ông chưa cạo râu và trông có vẻ lo lắng kể từ lúc chúng tôi đến gặp Barbara, nhưng khi gặp Ange, một phần tính cách cũ của ông đã trở lại. Cô hôn má ông và ông nhất định bắt cô phải gọi mình là Drew. Bữa tối thực sự rất ngon. Không khí bớt căng thẳng khi Ange lấy tương cay ra đổ lên đĩa ăn của cô, giải thích về những đơn vị đo độ cay Scoville. Bố thử một dĩa đầy thức ăn của Ange và phải chạy ngay vào bếp để uống hết cả hộp sữa. Thật khó tin, mẹ tôi vẫn quyết định ăn thử và tỏ ra rất thích thú. Mẹ tôi hóa ra lại là một người ăn cay phi thường chưa được khám phá, một người ăn cay bẩm sinh. Trước khi về, Ange đưa mẹ lọ tương cay. “Cháu còn nhiều ở nhà,” cô nói. Tôi đã thấy cô cất chúng vào ba lô. “Có vẻ như cô cần sở hữu một lọ như thế này.” Chú thích: 1. Viết tắt của Dungeon & Dragon, tên một trò chơi nhập vai. chương 19 dây là e-mail được gửi đi lúc 7 giờ sáng hôm sau, trong lúc Ange và tôi đang phun sơn dòng chữ VAMPMOB CIVIC CENTER → → tại các điểm chiến lược khắp thành phố. LUẬT CHƠI VAMPMOB Bạn là thành viên của bộ tộc ma cà rồng ban ngày. Bạn vừa khám phá ra bí mật làm sao để tồn tại dưới ánh sáng kinh khủng của mặt trời. Bí mật đó chính là ăn thịt đồng loại: máu của một ma cà rồng khác sẽ đem lại cho bạn sức mạnh để đi giữa những người sống. Bạn cần cắn càng nhiều ma cà rồng càng tốt để có thể tồn tại trong trò chơi. Nếu một phút trôi qua bạn vẫn không cắn được lần nào, bạn bị loại. Một khi bạn bị loại, hãy quay ngược áo bạn ra đằng sau và làm trọng tài - quan sát hai đến ba ma cà rồng xem họ có cắn được ai không. Để cắn ma cà rồng khác, bạn phải nói “Cắn!” năm lần trước khi họ kịp nói. Do đó, bạn cần chạy đến ma cà rồng, nhìn họ, và hét lên “cắn cắn cắn cắn cắn!” và nếu bạn nói nhanh hơn đối thủ, bạn sống, còn đối thủ bị nghiền thành tro. Bạn và những ma cà rồng bạn gặp tại điểm tập kết là một đội. Họ là bộ tộc của bạn. Máu của họ không có ích lợi gì cho bạn. Bạn có thể “tàng hình” bằng cách đứng im và khoanh tay trước ngực. Bạn không thể cắn ma cà rồng tàng hình, và họ cũng không thể cắn bạn. Trò chơi này được chơi dựa trên hệ thống danh dự. Mục đích chính là vui vẻ và đóng vai ma cà rồng, không phải thắng thua. Trò chơi sẽ kết thúc và được thông báo bằng cách truyền miệng khi những người chiến thắng bắt đầu hiện diện. Những người quản trò sẽ bắt đầu chiến dịch thì thầm truyền tai nhau giữa những người chơi khi đến giờ kết thúc. Hãy phát tán tin tức này càng nhanh càng tốt và chú ý đến dấu hiệu. M1k3y Cắn cắn cắn cắn cắn! Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có một trăm người sẵn sàng tham gia VampMob. Mỗi người chúng tôi đều đã gửi khoảng hai trăm thư mời. Nhưng khi tôi ngồi bật dậy lúc 4 giờ sáng và vồ lấy cái Xbox, tôi thấy bốn trăm thư trả lời. Bốn trăm cơ đấy. Tôi cung cấp địa chỉ vào các bot tự động và trốn ra khỏi nhà. Tôi đi xuống nhà, nghe ngóng tiếng bố ngáy và mẹ trở mình. Tôi khóa cửa lại. Lúc 4 giờ 15 sáng, đồi Potrero im lặng như vùng ngoại ô. Cũng có tiếng động cơ xe cộ ở đâu đó, và bất thình lình, một chiếc xe chạy vụt qua tôi. Tôi dừng lại ở một máy rút tiền và rút 320 đô la toàn tờ 20 đô, cuộn tiền thành một cuộn nhỏ, buộc chun quanh cuộn tiền và đút vào một cái túi có khóa trên đùi chiếc quần ma cà rồng tôi đang mặc. Tôi lại được mặc cái áo choàng của mình, bên trong là một chiếc áo phông nhàu nhĩ và quần âu đã được sửa lại để có đủ túi cho tôi nhét những thứ lung tung. Tôi đi đôi bốt có khóa có hình đầu lâu bằng bạc và vuốt tóc dựng lên. Ange sẽ mang theo phấn trắng, hứa sẽ vẽ mắt và sơn móng tay màu đen cho tôi. Tại sao lại không nhỉ? Biết khi nào tôi mới có thể chơi trò hóa trang này nữa? Ange gặp tôi ở trước cửa nhà cô. Cô cũng đeo ba lô và đi tất lưới, mặc váy theo kiểu Gothic, bôi mặt trắng xóa, vẽ mắt đậm, trên ngón tay và cổ cô đeo nhiều trang sức bằng bạc. “Trông em/anh thật tuyệt,” chúng tôi khen nhau gần như cùng một lúc, cố cười thật khẽ và đi xuống đường, trong túi chúng tôi là những bình sơn. Khi xem xét Civic Center, tôi thử hình dung ra cảnh nơi này trông sẽ thế nào khi bốn trăm thành viên VampMob cùng đổ về đây. Tôi hy vọng họ sẽ tập trung đầy đủ trong vòng mười phút, ngay trước Tòa thị chính. Khu trung tâm thương mại này lúc nào cũng đông người qua kẻ lại, họ luôn cẩn thận né tránh đám ăn xin vô gia cư ở đó. Tôi ghét khu Civic Center. Đây là tổ hợp các tòa nhà cao tầng được thiết kế như những cái bánh cưới: tòa án, bảo tàng và các tòa nhà dân sự như Tòa thị chính. Vỉa hè rất rộng, trải trước những cao ốc màu trắng. Trong các sách hướng dẫn du lịch về San Francisco, người ta cố tình chụp sao cho nó giống trung tâm Epcot (1), mang hơi hướng vị lai và giản dị. Nhưng dưới mặt đất, cảnh tượng thật bẩn thỉu và ghê tởm. Người vô gia cư ngủ la liệt trên bất cứ cái ghế nào còn trống. Đến sáu giờ chiều thì cả quận vắng tanh, trừ đám say xỉn và nghiện ngập, vì đâu đâu cũng chỉ có mỗi một kiểu cao ốc như vậy thì chả có lý do hợp pháp gì để mọi người lảng vảng sau khi mặt trời lặn cả. Nó giống như một khu phố thương mại hơn là một khu nhà ở, và hoạt động kinh doanh duy nhất ở đây là các hãng đòi nợ thuê và các cửa hàng rượu, nơi cung cấp thực phẩm cho những gia đình toàn tội phạm bị truy nã và những kẻ vô công rồi nghề lấy nơi đây làm chỗ nghỉ qua đêm. Tôi đã ngộ ra tất cả những điều này khi đọc được một bài phỏng vấn với một nữ chuyên gia quy hoạch đô thị lớn tuổi và cực kỳ đáng nể tên là Jane Jacobs, người đầu tiên thẳng thắn chỉ ra chính quyền đã sai ở đâu khi chia cắt các thành phố bằng đường cao tốc, gán tất cả những người nghèo vào các dự án nhà ở và sử dụng luật khoanh vùng để kiểm soát chặt chẽ ai có thể làm gì ở đâu. Jacobs giải thích rằng những thành phố thực sự đều phân khu rõ ràng theo nhiều tiêu chí - giàu sang và nghèo khổ, da trắng và da màu, người Anglo và Mexico, khu bán lẻ và khu nhà ở, thậm chí cả khu công nghiệp. Trong khu vực như vậy, bất kể ban ngày hay ban đêm, lúc nào cũng có tất cả các loại người qua lại, vì vậy bạn sẽ thấy các hoạt động kinh doanh phục vụ không sót một nhu cầu nào, bạn sẽ thấy con người ở khắp nơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đóng vai trò như tai mắt trên đường phố. Điều này không lạ gì với bạn. Bạn đi bộ quanh một khu lâu đời hơn nào đó của một thành phố nào đó và nhận ra rằng khu này có đủ mọi cửa hàng bắt mắt nhất, những người đàn ông mặc com lê và những người ăn mặc rách rưới, những nhà hàng đắt đỏ và những quán cà phê hiện đại, có thể là một rạp chiếu phim nhỏ nữa, rồi những ngôi nhà được sơn quét bằng tay. Tất nhiên, có thể bạn còn thấy một quầy Starbucks nữa, nhưng cũng có cả một khu chợ hoa quả chật hẹp và một người bán hoa với dáng vẻ như cụ già ba trăm tuổi khi bà tỉ mẩn tỉa từng bông hoa bày trên cửa sổ của mình. Đó là sự đối lập của một không gian được quy hoạch, như một trung tâm mua sắm. Nó mang lại cảm giác một khu vườn hoang hay thậm chí là một khu rừng: như thể nó đang lớn lên. Bạn không thể không nghĩ ngay đến Civic Center. Tôi đã đọc một bài phỏng vấn với Jacobs, trong đó bà nói về một khu vực rất lâu đời mà họ đã phá đi để xây lại. Trước đây đã từng tồn tại những khu như thế, những nơi xuất hiện mà không cần sự cho phép, sự hòa hợp hay bất cứ lý do gì. Jacobs nói rằng bà phỏng đoán sau vài năm nữa, Civic Center có thể trở thành một trong những khu tệ hại nhất thành phố, một thị trấn ma vào ban đêm, một nơi vẫn còn rải rác vài quán rượu xập xệ và những nhà nghỉ lổm ngổm toàn rệp. Trong bài phỏng vấn, bà tỏ ra không mấy hào hứng khi làm sáng tỏ sự việc khi miêu tả diện mạo của Civic Center trong tương lai, nghe như thể bà đang nói về một người bạn đã chết. Bây giờ đang là giờ cao điểm và Civic Center vẫn đông đúc như mọi khi. Ga BART của Civic Center cũng là một trong những ga chính của hệ thống xe điện Muni, và đây là nơi bạn có thể đổi từ tàu điện sang xe buýt nếu cần. Vào tám giờ sáng, có hàng nghìn người lên xuống các bậc thang, taxi và xe buýt. Họ bị kẹt cứng tại các điểm kiểm soát của DHS đặt tại các tòa nhà dân sự và bị vây quanh bởi đám người ăn xin hung hãn. Họ đều thơm nức mùi dầu gội và nước hoa cologne, vừa sạch sẽ tinh tươm bước ra khỏi phòng tắm và chỉn chu trong bộ com lê công sở, vung vẩy máy tính xách tay và cặp táp. Vào tám giờ sáng, Civic Center là trung tâm thương mại. Và những con ma cà rồng đã xuất hiện. Hai tá đang đi xuống Van Ness, hai tá đang đi lên phố Chợ. Thêm một số đến từ phía kia của phố Chợ. Một số đi lên từ Van Ness. Họ lướt quanh các tòa nhà, mặt mũi quét sơn trắng bệch và mắt kẻ đen sì, quần áo đen, áo khoác da, bốt khủng nặng trịch. Những đôi găng tay lưới hở ngón. Họ bắt đầu tràn ra khắp trung tâm mua sắm. Vài nhân viên công sở liếc qua họ rồi quay đi, không hề muốn để những kẻ kỳ dị này bước vào thực tế riêng tư của mình khi họ nghĩ đến những chuyện rắc rối mà họ phải vượt qua trong tám giờ đồng hồ tới. Các ma cà rồng đi lòng vòng, không biết lúc nào cuộc chơi bắt đầu. Họ đứng thành từng nhóm lớn, như dòng dầu hội tụ, tất cả toàn màu đen tụ họp tại một nơi. Rất nhiều trong số đó đội mũ cổ, mũ quả dưa và mũ chóp cao. Nhiều cô gái mặc những bộ đồ hầu gái theo phong cách Gothic với những đôi dày đế bằng to tướng. Tôi cố gắng ước lượng số người tham gia. Hai trăm. Năm phút sau lên ba trăm. Bốn trăm. Họ vẫn tiếp tục tràn đến. Những ma cà rồng mang theo cả bạn bè. Ai đó vỗ mông tôi. Tôi quay lại và thấy Ange đang cười ngặt nghẽo đến mức cô phải ôm chặt bụng, gập người lại. “Nhìn họ kìa, trời ơi, nhìn họ kìa!” cô thở dốc. Quảng trường đã đông gấp đôi so với vài phút trước. Tôi không biết có bao nhiêu người sử dụng mạng Xnet, nhưng dễ phải đến một nghìn người đang có mặt tại bữa tiệc nho nhỏ của tôi. Chúa ơi. Người của Cục An ninh Nội địa và Sở Cảnh sát San Francisco bắt đầu lượn lờ, liên lạc qua bộ đàm và tập trung lại với nhau. Tôi nghe thấy tiếng còi báo động ở xa xa. “Được rồi,” tôi nói, lắc tay Ange. “Được rồi, đi thôi.” Chúng tôi cùng lách ra khỏi đám đông và ngay khi gặp con ma cà rồng đầu tiên, chúng tôi đồng thanh hô to, “Cắn cắn cắn cắn cắn!”. Nạn nhân của tôi là một cô bé ngơ ngác như nai, bàn tay vẽ mạng nhện và mascara bị lem đang chảy xuống hai bên má. Cô nói “Ôi khốn thật” và rời đi, thừa nhận rằng đã bị tôi tóm. Tiếng “cắn cắn cắn cắn cắn” đã khuấy động những ma cà rồng gần đó. Vài người trong số họ bắt đầu tấn công lẫn nhau, những người khác di chuyển để hỗ trợ, hoặc để trốn. Tôi giữ nạn nhân lại một phút, trốn đi chỗ khác và lợi dụng những người bình thường để che chắn. Xung quanh tôi nhốn nháo những tiếng hô “cắn cắn cắn cắn cắn!”, tiếng hét, tiếng cười và tiếng nguyền rủa. Âm thanh lan tỏa như vi rút trong đám đông. Tất cả các ma cà rồng đều đã biết cuộc chơi chính thức bắt đầu, và những đám người đang túm tụm vào nhau giờ tản ra như ruồi. Họ cười phá lên, chửi rủa và di chuyển, nhắc nhở các ma cà rồng còn đứng yên rằng cuộc chơi đã bắt đầu. Trong lúc đó, các ma cà rồng mới vẫn tiếp tục kéo đến. 8 giờ 16. Đã đến lúc đi săn ma cà rồng khác. Tôi cúi xuống và len lỏi qua chân những người không liên quan khi họ đi xuống các bậc thang của BART. Họ nhảy lùi lại vì bất ngờ rồi né người qua để tránh tôi. Tôi tia thấy một đôi bốt đế bằng có mấy con rồng bằng thép trước ngón cái, bởi vậy tôi không hề nghĩ sẽ phải đối mặt với một ma cà rồng khác, một cậu bé chừng mười lăm, mười sáu tuổi, tóc vuốt keo ngược về đằng sau và mặc áo Marilyn Manson, cổ đeo một chuỗi vòng xâu những cái răng nanh giả được khắc toàn biểu tượng phức tạp. “Cắn cắn cắn...” thằng bé mới mở miệng thì một người bình thường đã vấp phải nó và cả hai bò lồm cồm dưới đất. Tôi nhảy bổ vào nó và hét lên “cắn cắn cắn cắn cắn!” trước khi nó kịp đứng dậy. Thêm nhiều ma cà rồng nữa kéo đến. Họ mặc những bộ đồ rất quái dị. Mọi người tràn ngập vỉa hè và di chuyển sang Van Ness, lan cả đến phố Chợ. Những người lái xe bấm còi inh ỏi, xe điện phát ra những tiếng đing đing bực bội. Tôi nghe thấy thêm nhiều tiếng còi báo động nữa, nhưng hiện tại giao thông đã bị tắc nghẽn ở mọi hướng. Cảnh tượng thú vị đến kỳ cục. CẮN CẮN CẮN CẮN CẮN! Âm thanh phát ra từ bốn phía quanh tôi. Có rất nhiều ma cà rồng đang hết sức hung hăng, nghe như họ đang gầm gào vậy. Tôi đánh liều đứng dậy nhìn xung quanh và nhận ra rằng mình đang ở giữa một đám đông khổng lồ toàn những ma cà rồng, đông đến nỗi dù có rướn người lên nhìn mọi hướng thì tôi cũng chỉ thấy ma cà rồng mà thôi. CẮN CẮN CẮN CẮN CẮN! Tiếng la hét thậm chí còn to hơn buổi hòa nhạc trong công viên Dolores. Đêm hôm đó, đám đông la hét vì giận dữ và nổi loạn, nhưng hôm nay thì... chà, chỉ đơn thuần là sự vui vẻ. Như thể chúng tôi đang quay lại sân chơi thời thơ ấu, chơi những trò quen thuộc vào giờ nghỉ trưa, dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, hàng trăm đứa trẻ đuổi nhau chạy vòng vòng. Người lớn và xe cộ chỉ khiến trò này thêm vui hơn, buồn cười hơn. Chính thế đấy: nó rất buồn cười. Giờ thì tất cả chúng tôi đều đang cười ha ha. Nhưng cảnh sát đang thực sự triển khai lực lượng. Tôi nghe thấy tiếng trực thăng. Trò chơi có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Đã đến lúc hạ màn. Tôi tóm lấy một ma cà rồng. “Kết thúc trò chơi: Khi cảnh sát yêu cầu chúng ta giải tán, hãy giả vờ như cậu hít phải hơi cay nhé. Truyền tin đi. Tớ vừa nói gì?” Ma cà rồng này là một cô bé nhỏ nhắn, thấp đến nỗi tôi đoán cô hãy còn con nít, nhưng nụ cười và khuôn mặt của cô lại cho thấy hẳn cô phải mười bảy, mười tám tuổi rồi. “Ồ, kỳ cục vậy,” cô nói. “Tớ vừa nói gì?” “Kết thúc trò chơi: Khi cảnh sát yêu cầu chúng ta giải tán, hãy giả vờ như cậu hít phải hơi cay nhé. Truyền tin đi. Tớ vừa nói gì?” “Đúng rồi,” tôi nói. “Truyền tin đi.” Cô biến mất vào đám đông. Tôi tóm một ma cà rồng nữa. Tôi truyền tin. Cậu ta bắt đầu phát tán thông tin. Đâu đó trong đám đông, tôi biết Ange cũng đang làm điều tương tự. Đâu đó trong đám đông, có thể có người ngoài cuộc, một kẻ sử dụng Xnet mạo danh, nhưng chúng có thể làm được gì với thông tin này? Cảnh sát chẳng còn lựa chọn nào khác. Họ sẽ bắt chúng tôi phải giải tán. Đảm bảo luôn. Tôi phải tìm được Ange. Kế hoạch là chúng tôi sẽ gặp nhau tại tượng Những người sáng lập trong Plaza, nhưng để đến được đó thì rất khó khăn. Đám đông không di chuyển nữa mà đang tràn xuống, giống như đám đông tràn xuống ga BART vào ngày xảy ra vụ đánh bom. Tôi vật lộn để len qua đám đông ngay khi loa trên trực thăng bắt đầu nói. “ĐÂY LÀ CỤC AN NINH NỘI ĐỊA. YÊU CẦU TẤT CẢ GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC.” Xung quanh tôi, hàng trăm ma cà rồng ngã vật xuống đất, ôm lấy họng, cào vào mắt, thở hổn hển. Thật là dễ khi giả vờ bị trúng hơi cay, tất cả chúng tôi đều có thừa thời gian để nghiên cứu cảnh những người tham gia bữa tiệc ở công viên Dolores Mission ngã xuống dưới làn sương hơi cay. “GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC.” Tôi ngã xuống đất, bảo vệ túi đồ của mình, mò mẫm để tìm cái mũ lưỡi trai màu đỏ cất ở trong cạp quần. Tôi đội mũ vào rồi cũng ôm lấy họng, phát ra những tiếng kêu rùng rợn. Chỉ những người bình thường mới đứng nguyên, những người làm công ăn lương - những người nãy giờ vẫn gắng hết sức để làm công việc của mình. Tôi vừa quan sát họ vừa ho sặc sụa và thở lào khào. “ĐÂY LÀ CỤC AN NINH NỘI ĐỊA. YÊU CẦU TẤT CẢ GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC.” Tiếng nói của Chúa làm ruột gan tôi lộn tùng phèo. Tôi cảm thấy nó trong răng mình, trong cả xương đùi và xương sống. Những người bình thường thì sợ hãi. Họ đang giải tán càng nhanh càng tốt, nhưng không theo một hướng nhất định nào. Những chiếc trực thăng xà quần như đang ở ngay trên đầu bạn bất kể bạn đứng ở đâu. Cảnh sát cố len vào đám đông và đội mũ bảo hiểm. Vài cảnh sát có khiên chắn. Một số khác đeo cả mặt nạ chống độc. Tôi thở khó nhọc hơn. Rồi những người bình thường bắt đầu chạy tán loạn. Có lẽ lúc đó tôi nên chạy theo. Tôi thấy một người đàn ông cởi phăng chiếc áo khoác trị giá năm trăm đô ra và quấn nó quanh mặt trước khi chạy về phía Nam đến khu Mission nhưng bị vấp và phải bò lồm cồm. Tiếng chửi thề của anh ta lẫn vào những âm thanh bị nghẹn lại. Tôi không dự tính điều này sẽ xảy ra - tiếng thở khò khè chỉ để dọa mọi người và khiến họ bối rối, không phải là để làm họ hoang mang đến mức xô đẩy, chạy trốn như ong vỡ tổ thế này. Giờ thì có cả tiếng la hét, tiếng la hét mà tôi biết quá rõ kể từ buổi tối trong công viên. Đó là âm thanh của những người sợ hãi tột cùng, va vấp vào nhau khi cố gắng trong tuyệt vọng để thoát khỏi chỗ này. Và sau đó, những tiếng còi hụ từ trên không trung bắt đầu dội xuống. Tôi chưa nghe thấy tiếng động nào như thế kể từ sau vụ nổ bom, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được nó. Nó cắt vào da thịt tôi và làm chân tôi mềm nhũn. Nó khiến tôi muốn chạy đi thật xa trong cảm giác hoảng loạn. Tôi đứng dậy, đội mũ lên đầu, chỉ nghĩ về một điều duy nhất: Ange. Ange và tượng Những người sáng lập. Lúc này tất cả đã đứng dậy, la hét và tỏa ra mọi hướng. Tôi đẩy mọi người khỏi đường đi của mình, giữ chặt túi và mũ, hướng đến tượng Những người sáng lập. Masha đang tìm tôi, tôi đang tìm Ange. Ange đang ở đâu đó. Tôi xô đẩy và chửi thề. Huých cùi chỏ vào ai đó. Ai đó khụy xuống chân tôi mạnh đến mức tôi cảm thấy cái gì đó vỡ vụn và tôi đẩy anh ta, làm anh ta ngã lăn ra. Anh ta cố gắng để đứng lên nhưng lại bị ai đó dẫm vào. Tôi tiếp tục xô đẩy và tiến về phía trước. Sau đó tôi đưa tay ra để đẩy một ai đó thì một bàn tay rất khỏe đã nắm lấy cổ tay và khuỷu tay tôi một cách dứt khoát và giật cả cánh tay tôi ra sau lưng. Cảm giác như khớp vai chuẩn bị trệch ra và tôi nhanh chóng co người lại, la hét, một âm thanh gần như là không nghe thấy được trong tiếng hỗn loạn của đám đông, tiếng đều đều của máy bay lên thẳng và tiếng rền rĩ của còi báo động. Tôi bị kéo giật lên bởi hai bàn tay rất khỏe đằng sau lưng, điều khiển tôi như một con rối. Cú đòn quá hoàn hảo, thậm chí tôi không còn nghĩ đến việc cựa quậy nữa. Tôi không thể nghĩ về tiếng ồn hay những chiếc trực thăng hay Ange. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là di chuyển theo hướng mà người đó muốn tôi đi. Tôi bị kéo vòng lại để đối mặt với người đã tóm tôi. Đó là một đứa con gái với khuôn mặt sắc cạnh giống loài gặm nhấm, đôi kính râm to đùng che nửa mặt. Phía trên đôi kính là mái tóc màu hồng sáng, được vuốt lỉa chỉa ra tứ phía. “Chính cô!” tôi nói. Tôi biết cô ta. Cô ta đã chụp ảnh tôi và dọa sẽ đưa nó lên trang theo dõi học sinh trốn học. Đó là năm phút trước khi còi báo động rú lên. Chính là cô ta, một kẻ tàn nhẫn và xảo quyệt. Chúng tôi đã cùng chạy từ một địa điểm ở Tenderloin khi còi ô tô inh ỏi đằng sau và chúng tôi đều bị cảnh sát tóm. Tôi đã tỏ ra rất ngang ngạnh và họ quyết định rằng tôi là kẻ thù. Cô ta - Masha - đã trở thành đồng minh của họ. “Xin chào, M1k3y,” cô ta rít vào tai tôi, áp sát vào tôi như người yêu. Bất giác tôi rùng mình. Cô ta thả tay tôi và tôi giằng ra. “Chúa ơi,” tôi nói. “Chính cô!” “Đúng, chính là tôi,” cô ta đáp. “Hơi cay chuẩn bị phun sau hai phút nữa thôi. Phải biến khỏi đây ngay.” “Ange - bạn gái tôi - đang ở chỗ tượng Những người sáng lập.” Masha nhìn bao quát đám đông. “Không còn cơ hội đâu,” cô ta nói. “Nếu cố tới đó, chúng ta sẽ chết. Khí ga sẽ phun xuống sau hai phút nữa, nếu cậu đã bỏ qua lời tôi nói khi nãy.” Tôi không nhúc nhích. “Tôi không đi nếu không có Ange,” tôi nói. Cô ta nhún vai. “Tùy thôi,” cô ta hét vào tai tôi. “Đám tang của cậu đấy.” Cô ta bắt đầu xô đẩy đám đông, chạy về phía Bắc, tiến vào trung tâm thành phố. Tôi tiếp tục hướng đến tượng Những người sáng lập. Vài giây sau đó, tay tôi lại bị khóa lại và tôi đang bị kéo quanh, bị đẩy đi về phía trước. “Cậu biết quá nhiều rồi, đồ khốn,” cô ta nói. “Cậu đã thấy mặt tôi. Cậu phải đi với tôi.” Tôi hét vào mặt cô ta, chống cự cho đến khi tôi cảm thấy tay mình sắp gãy đến nơi nhưng cô ta vẫn đẩy tôi về phía trước. Chân tôi đau rã rời theo từng bước đi, vai tôi sắp rời ra. Với việc cô ta dùng tôi như lá chắn, chúng tôi đẩy đám đông ra dễ dàng. Tiếng động cơ trực thăng thay đổi và cô ta đẩy tôi mạnh hơn. “CHẠY!” Cô ta hét lên. “Hơi cay đấy!” Tiếng ồn ào của đám đông cũng thay đổi. Tiếng ngạt hơi và tiếng la hét mỗi lúc một lớn. Tôi đã nghe thấy tiếng động đó trước đây. Khi chúng tôi ở công viên. Hơi cay phun xuống như mưa. Tôi nín thở và chạy. Chúng tôi thoát khỏi đám đông và cô ta thả tay tôi ra. Tôi giật mạnh. Tôi đi cà nhắc nhanh hết sức khi đám công càng ngày càng thưa đi. Chúng tôi đang tiến lại gần một nhóm cảnh sát của DHS được trang bị khiên chắn, mũ bảo hiểm và mặt nạ chống độc. Khi chúng tôi đến sát họ, họ tiến đến để chặn chúng tôi lại nhưng Masha giơ một cái phù hiệu lên và họ lại tản ra như thể cô ta là Obi Wan Kenobi và đang nói “Đây không phải những người máy mà các người đang tìm kiếm đâu.” “Đồ khốn kiếp chết tiệt,” tôi nói trong lúc cả hai tăng tốc đến phố Chợ. “Chúng ta phải quay lại tìm Ange.” Cô ta cắn môi và lắc đầu. “Tôi hiểu tâm trạng của cậu. Tôi cũng không gặp bạn trai hàng mấy tháng nay rồi. Có lẽ anh ấy nghĩ rằng tôi đã chết. Số phận chiến tranh. Nếu chúng ta quay lại tìm Ange của cậu, chúng ta sẽ chết. Nếu chúng ta cố gắng tiếp, chúng ta có một cơ hội. Nếu chúng ta có một cơ hội, cô ta cũng có một cơ hội. Không phải tất cả những đứa trẻ đó đều sẽ đến Gitmo. Họ sẽ bắt khoảng mấy trăm đứa để tra hỏi và cho lũ còn lại về nhà.” Chúng tôi đang đi trên phố Chợ, ngang qua dãy quán bar thoát y vũ, nơi cắm rễ của lũ vô công rồi nghề và nghiện ngập, hôi như một cái hố xí. Masha dẫn tôi đến một căn phòng hơi thụt vào một góc nhỏ phía sau cánh cửa của một trong những quán bar thoát y vũ. Cô ta cởi bỏ áo khoác và lộn trái nó - lớp vải lót có sọc kẻ, đường may ngược lại, trông khác hẳn. Cô ta lấy một cái mũ len từ túi áo và trùm qua tóc, để nó thật tự nhiên, không đúng giữa đỉnh đầu. Sau đó, cô ta lấy ra vài miếng bông tẩy trang lau mặt và ngón tay. Sau một phút, cô ta đã biến thành một phụ nữ khác. “Thay quần áo đi,” cô ta nói. “Giờ tới lượt cậu, bỏ giày ra, áo khoác, mũ.” Tôi hiểu ý cô ta. Cảnh sát sẽ rà soát kỹ bất cứ ai trông giống như thành viên của VampMob. Tôi vứt bỏ cái mũ - chưa bao giờ tôi thích mũ lưỡi trai bóng chày cả. Sau đó tôi nhét áo khoác vào ba lô và lấy ra một cái áo phông tay dài in hình Rosa Luxembourg (2) và trùm qua cái áo phông đen đang mặc. Tôi để Masha lau lớp phấn trang điểm và móng tay mình, một phút sau, tôi đã sạch sẽ. “Tắt điện thoại đi,” cô ta nói. “Cậu có mang theo cái thẻ RFID nào không?” Tôi có thẻ học sinh, thẻ ATM, thẻ đi tàu. Tất cả đều được cô ta bỏ vào một cái túi bạc mà tôi biết là túi chống sóng vô tuyến Faraday. Nhưng khi cô ta bỏ chúng vào túi, tôi nhận ra mình đã đưa chứng minh thư của mình cho cô ta. Nếu cô ta vẫn ở phe kia... Tính chất trầm trọng của sự việc vừa xảy ra bắt đầu thấm vào đầu tôi. Tôi hình dung ra cảnh có Ange ở cạnh tôi lúc này. Có Ange thì sẽ là hai chống một. Ange có thể giúp tôi nếu có gì đó bất hợp lý. Nếu Masha không phải là người mà cô ta nói. “Bỏ những viên sỏi này vào giày trước khi đi vào...” “Không sao. Tôi trẹo chân rồi. Không chương trình nhận dạng dáng đi nào có thể nhận ra tôi đâu.” Cô ta gật đầu, kẻ tám lạng người nửa cân, và ném mạnh túi. Tôi đeo túi của mình và cả hai tiếp tục đi. Tổng thời gian để thay quần áo chỉ chưa đầy một phút. Bề ngoài và dáng đi của chúng tôi giống như hai người khác hoàn toàn. Cô ta nhìn đồng hồ và lắc đầu. “Đi nào. Chúng ta phải tới được điểm hẹn. Cũng đừng nghĩ đến việc chạy trốn. Giờ cậu có hai lựa chọn. Tôi, hoặc nhà tù. Họ sẽ phân tích đoạn phim về đám đông trong nhiều ngày, nhưng một khi họ đã xong, mọi khuôn mặt sẽ được đưa vào kho dữ liệu. Cuộc đào tẩu của chúng ta sẽ bị lưu ý. Giờ cả hai chúng ta đã là những tội phạm bị truy nã rồi.” Cô ta đưa chúng tôi đi qua khu nhà tiếp theo, ra khỏi phố Chợ, vòng ngược lại Tenderloin. Tôi biết khu vực này. Đây là nơi chúng tôi đã tìm kiếm địa điểm truy cập WiFi vào ngày chúng tôi chơi Harajuku Fun Madness. “Chúng ta đi đâu đây?” tôi hỏi. “Chúng ta sắp bắt xe,” cô ta đáp. “Im đi và để tôi tập trung.” Chúng tôi đi thật nhanh, mồ hôi từ da đầu tôi chảy xuống mặt, xuống lưng, kẽ mông và đùi. Bàn chân tôi đau đớn và tôi nhìn thấy những con phố của San Francisco trôi qua trước mắt, có thể đây là lần cuối cùng. Tình hình không khá hơn khi chúng tôi khó nhọc lê xác lên đồi, đi đến nơi mà Tenderloin xơ xác nhường chỗ cho những ngôi nhà đắt sặc máu của khu Nob Hill. Hơi thở của tôi trở nên đứt quãng. Chủ yếu cô ta dẫn tôi vào những con hẻm chật hẹp, chỉ khi nào cần chuyển từ con hẻm này sang con hẻm khác thì mới đi qua phố lớn. Chúng tôi đang đi vào một con hẻm như thế, Sabin Place, thì có ai đó xông ra từ phía sau chúng tôi và ra lệnh, “Đứng im đó.” Có vẻ như là một trò đùa ác ý. Chúng tôi đứng im và quay lại. Ở đầu hẻm là thằng Charles, đang mặc bộ đồ VampMob một cách miễn cưỡng với cái áo phông đen và quần jean, bộ mặt bôi trắng xóa. “Xin chào, Marcus,” nó nói. “Mày đang đi đâu à?” Nó nhe miệng cười nhăn nhở. “Bạn gái mày là đứa nào đấy?” “Mày muốn gì, Charles?” “Chà chà, tao vẫn luôn để mắt đến cái mạng Xnet phản bội kể từ khi tao thấy mày phân phát đĩa DVD ở trường. Khi tao nghe đồn về hội VampMob của mày, tao nghĩ mình nên tham gia, chỉ để xem mày có lộ diện không và mày định làm gì. Mày biết tao đã thấy gì không?” Tôi không nói gì. Nó đang cầm điện thoại trên tay, chĩa về phía chúng tôi. Ghi âm. Có thể chuẩn bị gọi 911. Bên cạnh tôi, Masha đứng im như tượng. “Tao thấy mày đầu têu cái trò đó. Và tao đã ghi lại, Marcus ạ. Bây giờ, tao sẽ gọi cảnh sát rồi chúng ta sẽ ngồi chờ họ ngay tại đây. Và sau đó mông mày sẽ dính chặt vào nhà tù một thời gian rất, rất dài.” Masha bước lên. “Đứng im đó, con bé kia,” nó nói. “Tao đã thấy mày giải thoát cho nó. Tao đã nhìn thấy tất cả...” Cô ta tiến lên một bước nữa và giật điện thoại khỏi tay nó, với ra đằng sau bằng tay kia và cầm một chiếc ví mở. “DHS, đồ óc lợn,” cô ta nói. “Tao là người của DHS. Tao đang đi theo thằng này đến chỗ chủ nhân của nó để xem nó đi đâu. Tao đang làm thế. Giờ thì mày phá hoại hết rồi. Chúng tao có một cái tên cho việc này. Chúng tao gọi nó là ‘Cản trở an ninh quốc gia’. Mày sắp sửa được nghe cụm từ này thường xuyên hơn nhiều đấy.” Charles lùi lại một bước, giơ tay lên trước: ngay cả dưới lớp trang điểm, trông nó vẫn có vẻ tái nhợt hơn. “Sao? Không! Ý tôi là... tôi không biết điều đó! Tôi chỉ cố gắng giúp thôi mà!” “Điều cuối cùng trên đời mà chúng tao cần là một lũ học sinh cấp hai khoái làm siêu nhân ‘giúp đỡ’. Mày có thể nói thế với tòa.” Nó bước lùi lại lần nữa nhưng Masha rất nhanh. Cô ta chộp lấy cổ tay nó và vặn người nó bằng những ngón judo mà cô ta đã sử dụng với tôi ở Civic Center. Tay cô ta lại cho vào túi và lôi ra một dụng cụ bằng nhựa dẻo, một cái còng tay, rồi nhanh chóng phập quanh cổ tay nó. Đó là điều cuối cùng mà tôi nhìn thấy trước khi tôi chuồn đi. Tôi chạy đến cuối con hẻm thì cô ta đuổi kịp tôi, vật tôi từ phía sau và làm tôi ngã dúi dụi. Tôi không thể chạy nhanh được, không phải với bàn chân bị đau và đống đồ nặng trịch ở trên lưng thế này. Tôi ngã đập mặt xuống đất, sóng soài và mài má xuống mặt đường bẩn thỉu. “Chúa ơi,” cô ta nói. “Cậu đúng là một thằng ngu. Cậu không tin lời tôi nói đấy chứ?” Tim tôi đập thình thịch. Cô ta đang ngồi trên lưng tôi và từ từ để tôi đứng dậy. “Tôi có cần phải còng cậu lại không, Marcus?” Tôi đứng dậy. Tôi đau nhức toàn thân. Tôi muốn chết. “Đi thôi,” cô ta nói. “Nó không còn xa nữa đâu.” Hóa ra “nó” là một chiếc xe tải đỗ trên một con phố ở Nob Hill, một chiếc xe tải 16 bánh cùng kích cỡ với những chiếc xe tải không huy hiệu, cắm đầy ăng ten của DHS vẫn đỗ trên các góc phố ở San Francisco. Tuy nhiên, trên thân của chiếc xe này có dòng chữ “Ba gã đàn ông và một chiếc xe đang chạy” và ngay gần đó, người ta có thể thấy rõ ba người đàn ông đang đi ra đi vào một tòa nhà chung cư có mái hiên xanh. Họ đang khiêng các thùng đồ đạc, những cái thùng được dán nhãn cẩn thận, đưa từng thùng một lên chiếc xe tải và cẩn thận sắp xếp chúng trên xe. Masha đưa tôi đi quanh khu nhà một lần, có điều gì đó khiến cô ta rõ ràng là không hài lòng, sau đó, lần đi ngang qua thứ hai, cô ta ra hiệu bằng ánh mắt cho một người đàn ông đang trông xe tải, đó là một người da đen lớn tuổi hơn chúng tôi, mang thắt lưng đấu sĩ và găng tay dày. Anh ta có khuôn mặt hiền hậu và nở nụ cười với chúng tôi khi cô ta dẫn tôi lên ba bậc thang của chiếc xe tải thật nhanh. “Dưới cái bàn to,” anh ta nói. “Chúng tôi để dành cho hai người một chỗ ở đó.” Chiếc xe tải gần đầy đồ đạc nhưng có một chiếc cửa nhỏ đằng sau một chiếc bàn to bị che phủ bằng một chiếc chăn chần bông và bọc ni lông quanh chân bàn. Masha kéo tôi xuống dưới cái bàn. Ở đó ngột ngạt, tĩnh lặng và đầy bụi bặm, tôi cố kìm mình lại để không hắt hơi khi chúng tôi chui vào giữa đống thùng. Không gian quá chật chội và chúng tôi gần như ngồi lên nhau. Tôi không nghĩ Ange có thể ngồi vừa chỗ này. “Khốn nạn,” tôi nói, nhìn vào Masha. “Câm mồm. Đáng lẽ cậu đang phải liếm giày tôi để cảm ơn mới phải. Cậu có thể đã bị tống vào tù một tuần, cùng lắm là hai tuần. Không phải nhà tù Gitmo- bên-bờ-Vịnh đâu. Có thể là Syria. Tôi nghĩ đó là nơi họ đưa những đứa họ thực sự muốn làm cho biến mất hoàn toàn.” Tôi gục đầu lên đầu gối và cố hít thở thật sâu. “Tại sao cậu lại có thể làm một việc quá sức ngu xuẩn là tuyên chiến với DHS nhỉ?” Tôi kể cho cô ta. Tôi kể cho cô ta về việc bị bắt và về Darryl. Cô ta sờ túi và lấy ra một chiếc điện thoại. Đó là điện thoại của Charles. “Nhầm điện thoại rồi.” Cô ta lôi ra một chiếc điện thoại khác. Cô ta bật nó lên và ánh sáng phát ra từ màn hình lan tỏa khắp chỗ chúng tôi ẩn náu. Xoay xở với cái điện thoại một lúc, cô ta cho tôi xem. Đó là bức ảnh cô ta chụp được chúng tôi, ngay trước khi bom phát nổ. Đó là bức ảnh chụp Jolu và Van và tôi và... Darryl. Tôi đang cầm trong tay bằng chứng rằng Darryl đã ở cùng chúng tôi chỉ vài phút trước khi tất cả chúng tôi bị DHS bắt giữ. Bằng chứng cho thấy thằng bạn tôi vẫn còn sống và khỏe mạnh và đi cùng chúng tôi. “Cô cần phải cho tôi bản sao của cái ảnh này,” tôi nói. “Tôi cần nó.” “Khi đến được LA,” cô ta nói, giật điện thoại lại. “Sau khi cậu đã hiểu rõ làm sao để chúng ta có thể chạy trốn mà không bị tóm cổ và đưa tới Syria. Tôi không muốn cậu có ý nghĩ sẽ giải thoát cậu ta. Cậu ta đủ an toàn ở nơi cậu ta đang ở... ít nhất là lúc này.” Tôi đã nghĩ đến việc giành lấy nó bằng vũ lực, nhưng cô ta đã chứng tỏ kỹ thuật siêu đẳng của mình. Hẳn cô ta phải đạt cỡ đai đen hoặc đại loại thế. Chúng tôi ngồi trong bóng tối, lắng nghe tiếng ba người đàn ông di chuyển các thùng giấy, buộc các thứ lại với nhau, càu nhàu về việc đó. Tôi cố gắng ngủ nhưng không thể. Masha thì không có vấn đề gì. Cô ta ngáy ngon lành. Qua một khe hở hẹp và bị bịt, vẫn có chút ánh sáng xuyên vào, đem theo không khí trong lành từ bên ngoài. Tôi nhìn chằm chằm vào khe hở qua luồng ánh sáng mờ ảo đó, và nghĩ đến Ange. Ange của tôi. Tóc của cô quét qua vai khi cô quay đầu từ bên này sang bên kia, bật cười vì một việc gì đó mà tôi làm. Khi tôi nhìn thấy cô lần cuối, mặt cô đang áp trên mặt đường, lẫn trong đám đông ở VampMob. Tất cả những người ở VampMob, giống như những người trong công viên, ngã xuống và quằn quại, DHS xông vào cùng dùi cui. Những người đã biến mất. Darryl. Bị kẹt ở đảo Kho Báu, một bên sườn bị khâu, bị lôi ra khỏi xà lim vì những vòng tra hỏi không dứt về bọn khủng bố. Bố Darryl, suy nhược và say xỉn, không cạo râu. Tắm rửa sạch sẽ và chỉnh tề trong bộ quân phục, “để chụp ảnh”. Khóc như một đứa trẻ. Bố tôi, và cái cách mà ông đã thay đổi vì sự mất tích của tôi trên đảo Kho Báu. Ông cũng đau đớn như bố của Darryl, nhưng theo cách của riêng ông. Và nét mặt của ông, khi tôi nói với ông nơi tôi đã ở. Đó là lúc tôi biết tôi không thể bỏ chạy. Đó là lúc tôi biết tôi phải ở lại và chiến đấu. Hơi thở của Masha sâu và đều, nhưng khi tôi nhẹ nhàng lần tìm điện thoại trong túi cô ta, cô ta khịt mũi và cựa mình một chút. Tôi ngồi yên và nín thở trong đúng hai phút và bắt đầu đếm một con hà mã, hai con hà mã... Dần dần, cô ta lại thở đều trở lại. Tôi lôi cái điện thoại của cô ta khỏi túi áo, nhích nhích từng milimet, ngón tay và cả cánh tay tôi run lên vì phải cố rút thật chậm. Và rồi tôi lấy được nó, cái đồ vật có hình dáng một thanh kẹo nhỏ đó. Tôi quay người lại để có ánh sáng thì chợt nhớ ra: thằng Charles, cầm điện thoại của nó, dứ dứ về phía chúng tôi, khiêu khích chúng tôi. Đó là một cái điện thoại có hình thanh kẹo, màu bạc, dán đầy logo của cả tá công ty đã trợ giá cho cái điện thoại này thông qua một công ty điện thoại. Đó là loại điện thoại mà bạn phải nghe quảng cáo mỗi lần bạn muốn gọi điện. Quá tối để nhìn rõ cái điện thoại trong xe tải nhưng tôi có thể cảm nhận được nó. Bên sườn điện thoại có dán đề can của các công ty không nhỉ? Có không? Có. Tôi vừa mới lấy trộm điện thoại của Charles từ túi Masha. Tôi quay lưng lại thật chậm, thật chậm, thật chậm, và thật chậm, thật chậm, thật chậm, tôi mò được vào túi cô ta. Điện thoại của cô ta to hơn và kềnh càng hơn, với máy ảnh tốt hơn và ai mà biết được còn gì nữa? Tôi đã làm điều này một lần - và lần này dễ hơn rất nhiều. Lại từng milimet một, tôi kéo nó ra khỏi túi áo của cô ta, dừng lại hai lần khi cô ta thở hắt ra và giật mình. Tôi lấy được điện thoại ra khỏi túi và bắt đầu rút lui thì tay cô ta với ra, nhanh như một con rắn vồ lấy cổ tay tôi, móng tay bấm vào khớp xương nhỏ và mảnh khảnh dưới tay tôi. Tôi há hốc miệng và nhìn chằm chằm vào đôi mắt đang mở trừng trừng của Masha. “Cậu đúng là thằng ngu,” cô ta nói, giật lấy cái điện thoại khỏi tay tôi, bấm gì đó vào bàn phím điện thoại bằng tay kia. “Thế cậu định mở khóa nó như thế nào đây?” Tôi nuốt nước bọt. Tôi cảm thấy xương cốt đang chà xát vào nhau trong cổ tay. Tôi cắn môi để không khóc thét lên. Cô ta vẫn tiếp tục ấn gì đó với bàn tay kia. “Đây là thứ mà cậu muốn lấy phải không?” Cô ta cho tôi xem ảnh của tất cả chúng tôi, Darryl và Jolu, Van và tôi. “Tấm ảnh này phải không?” Tôi không nói gì. Cổ tay tôi như đang vỡ ra từng mảnh. “Có lẽ tôi nên xóa nó luôn, loại bỏ mọi cám dỗ khỏi đầu cậu.” Bàn tay còn rảnh của cô ta di chuyển một chút. Chiếc điện thoại hỏi xem cô ta có chắc chắn muốn xóa không và cô ta phải nhìn vào bàn phím để tìm phím xóa. Đó là lúc tôi di chuyển. Tay kia của tôi vẫn đang cầm điện thoại của Charles, và tôi lấy hết sức đập nó vào bàn tay cô ta, đấm khớp tay vào cái bàn trên đầu. Tôi đập tay cô ta mạnh đến nỗi cái điện thoạt nứt toác còn cô ta thét lên và nới lỏng bàn tay ra. Tôi vẫn di chuyển, với tới tay kia của cô ta để lấy cái điện thoại đã được mở khóa, ngón trỏ của cô ta đang lơ lửng trên nút OK. Những ngón tay của cô ta co giật trong không khí khi tôi giật chiếc điện thoại ra khỏi tay cô ta. Tôi bò đến cái khe hẹp, hướng đến phía phát ra ánh sáng. Tôi cảm thấy tay cô ta với lấy bàn chân và cổ chân tôi hai lần, tôi phải dẹp mấy cái hộp đang chất quanh chúng tôi như ngôi mộ của Pharaoh. Vài cái hộp rơi xuống sau lưng tôi và tôi nghe thấy tiếng Masha hét lên một lần nữa. Cánh cửa của chiếc xe tải có một khe hở và tôi trườn qua đó. Bậc thang đã được gỡ ra và tôi thấy mình đang treo lơ lửng trên đường, đầu chúi xuống rồi đập một phát thật mạnh xuống mặt đường rải nhựa khiến tai tôi cứ ong ong như ai gõ chiêng bên cạnh. Tôi lồm cồm bò dậy, nắm lấy cái hãm và tuyệt vọng kéo tay nắm cửa xuống, giập mạnh. Masha hét lên bên trong - chắc tôi đã kẹp phải tay cô ta. Tôi cảm thấy buồn nôn nhưng không nôn. Thay vào đó, tôi kéo chốt xe tải lại. Chú thích: 1. Epcot Center: công viên giải trí trong Walt Disney World. 2. 1. Nhà triết học, lý thuyết, nhà hoạt động xã hội người Đức gốc Ba Lan. chương 20 cả ba người đàn ông đều không có ở đó nên tôi bỏ đi. Đầu tôi đau buốt đến nỗi tôi nghĩ chắc hẳn mình đang bị chảy máu mất rồi, nhưng hai bàn tay tôi lại khô khốc. Mắt cá chân bị trẹo đã đông cứng khi còn trong xe tải nên tôi chạy như một con rối bị hỏng và chỉ dừng lại một lần để hủy lệnh xóa ảnh trong điện thoại của Masha. Tôi tắt sóng radio của nó - vừa để tiết kiệm pin vừa để không ai dò được mình - và đặt chế độ “ngủ” đến hai tiếng đồng hồ, thời gian cài đặt dài nhất. Tôi cố gắng đặt chế độ không cần sử dụng đến mật khẩu để mở nhưng chính điều này cũng cần một mật khẩu. Tôi sẽ phải chạm vào bàn phím ít nhất hai tiếng một lần cho đến khi tôi tìm ra cách lấy ảnh khỏi điện thoại. Đến lúc đó, tôi sẽ cần một cục sạc. Tôi không có kế hoạch nào cả. Tôi cần một kế hoạch. Tôi cần ngồi xuống, lên mạng - để định hướng xem phải làm gì tiếp theo. Tôi phát ốm với việc để mọi người lên kế hoạch giùm rồi. Tôi không muốn hành động vì những việc Masha đã làm, hay vì DHS, hay vì bố tôi. Hay vì Ange? Có lẽ tôi sẽ hành động vì Ange. Thực ra, điều này cũng tốt thôi. Tôi đi xuống đồi, rẽ vào các con hẻm khi có thể, hòa mình vào đám đông ở Tenderloin. Tôi không có điểm đến nào cụ thể. Cứ cách vài phút, tôi lại đút tay vào túi và bấm một trong những cái phím trên điện thoại của Masha để không cho nó ngủ hẳn. Việc làm này khiến áo khoác của tôi phồng lên khác thường. Tôi dừng lại và dựa lưng vào tường. Mắt cá chân tôi đau đớn. Tôi đang ở đâu đây? O’Farrell, phố Hyde. Trước một “Tiệm mát xa Châu Á” trá hình. Đôi chân phản bội đã đưa tôi quay lại đúng điểm khởi đầu - quay lại đúng nơi chụp bức ảnh trong điện thoại của Masha, chỉ vài giây trước khi Cầu Vịnh bị đánh sập, trước khi cuộc đời tôi thay đổi vĩnh viễn. Tôi muốn được ngồi xuống vỉa hè và khóc, nhưng việc này chẳng giải quyết được những vấn đề của tôi. Tôi phải gọi cho Barbara Stratford, kể cho cô ấy chuyện gì đã xảy ra. Cho cô ấy xem bức ảnh của Darryl. Tôi đang nghĩ gì thế này? Tôi phải cho cô ấy xem đoạn băng mà Masha đã gửi cho tôi - đoạn băng mà trong đó Chánh văn phòng của Tổng thống đang cười hả hê trước những vụ tấn công ở San Francisco và thừa nhận rằng ông ta biết các vụ tấn công tiếp theo sẽ diễn ra khi nào, ở đâu và rằng ông ta sẽ không ngăn chặn chúng vì chúng sẽ giúp vị tổng thống của ông ta tái đắc cử. Rồi tôi vạch ra một kế hoạch: liên lạc với Barbara, đưa cho cô ấy tài liệu và để chúng được in ra. VampMob chắc chắn đã làm cho mọi người hoảng sợ và làm cho họ nghĩ rằng chúng tôi thật sự là một hội khủng bố. Tất nhiên, khi tôi lên kế hoạch cho vụ đó, tôi chỉ nghĩ nó sẽ là một cách tốt để khiến họ bị phân tán, chứ ai mà nghĩ đến việc nó sẽ như thế nào trong mắt một ông già nhà quê nào đó ở Nebraska. Tôi sẽ gọi Barbara, và tôi sẽ làm điều này một cách khôn ngoan, từ trạm điện thoại trả tiền trước, trùm mũ áo khoác lên để hệ thống camera theo dõi không thể chụp được ảnh tôi. Tôi lấy trong túi áo một đồng 25 cent và lấy gấu áo lau sạch dấu vân tay trên đồng tiền. Tôi đi xuống dốc, xuống mãi, đến tận ga BART và những bốt điện thoại công cộng ở đó. Tôi đi đến trạm dừng của xe chở hàng thì thấy bìa của tờ Bay Guardian số mới nhất được xếp thành chồng cao bên cạnh một người đàn ông da đen vô gia cư, ông ta cười với tôi. “Cứ đọc bìa đi, miễn phí mà... nhưng sẽ tốn 50 cent để xem bên trong đấy.” Tiêu đề của bài báo được in ở cỡ chữ to nhất mà tôi từng thấy kể từ sau sự kiện ngày Mười một tháng Chín: BÊN TRONG GITMO-BÊN-BỜ-VỊNH Bên dưới là một dòng chữ hơi nhỏ hơn một tẹo: “DHS đã giam giữ con em và bạn bè của chúng ta trong những nhà tù bí mật ngay trước mắt chúng ta như thế nào?” “Tác giả: Barbara Stratford, Trân trọng gửi tới độc giả của Bay Guardian.” Người bán báo lắc đầu. “Cậu có thể tin được không?” ông nói. “Ngay tại San Francisco này. Chúa ơi, chính quyền chó má.” Về lý thuyết mà nói, tờ Guardian là báo miễn phí nhưng có vẻ như người đàn ông này đã gom toàn bộ báo ở quanh đây. Tôi có một đồng 25 cent trong tay. Tôi bỏ nó vào trong cái cốc của ông ta và tìm thêm một đồng 25 cent khác. Lần này tôi không thèm lau sạch dấu vân tay trên đồng xu nữa. “Người ta bảo với chúng ta rằng thế giới đã thay đổi mãi mãi khi Cầu Vịnh bị những phe phái giấu tên đánh sập. Hàng nghìn bạn bè và hàng xóm của chúng ta đã chết trong ngày đó. Gần như không ai trong số họ được tìm thấy; thân thể họ được cho là đang an nghỉ ở cảng thành phố.” “Nhưng có một câu chuyện rất lạ mà một người thanh niên đã bị lực lượng DHS bắt giữ chỉ vài phút sau vụ nổ, kể lại cho phóng viên, nó cho thấy khả năng chính chính quyền của chúng ta đã giam giữ bất hợp pháp rất nhiều người được cho là đã chết trên đảo Kho Báu, nơi đã được sơ tán và tuyên bố là không thuộc địa phận của dân thường không lâu sau vụ nổ bom...” Tôi ngồi xuống ghế - đúng chiếc ghế đó, tôi chú ý đến nó với cảm giác sởn tóc gáy, đó là nơi chúng tôi đặt Darryl xuống sau khi thoát khỏi nhà ga BART- và đọc bài báo từ đầu đến cuối. Tôi đã cố gắng để không bật khóc ngay ở đây. Barbara đã tìm thấy một số ảnh của tôi và Darryl đang làm những trò vớ vẩn cùng nhau và cho đăng dọc bài báo. Những bức ảnh này được chụp khoảng một năm trước nhưng trong ảnh nhìn tôi trẻ hơn rất nhiều, cảm giác như một đứa trẻ mười hay mười một tuổi gì đó. Dường như tôi đã lớn lên rất nhiều trong hai tháng qua. Bài báo được viết rất tốt. Tôi cảm thấy đáng thương cho đứa trẻ mà cô ấy viết, rồi chợt nhớ ra cô ấy đang viết về tôi. Lá thư của Zeb cũng có ở đấy, chữ viết khó đọc của anh ta được in khá to, chiếm trọn một nửa trang báo. Barbara đã thu thập được nhiều thông tin từ những đứa trẻ bị lạc và được cho là đã chết khác, một danh sách dài, và đặt ra câu hỏi rằng còn bao nhiêu đứa trẻ đang bị kẹt lại trên đảo, chỉ cách nhà của bố mẹ chúng vài dặm. Tôi lục trong túi một đồng 25 cent nữa nhưng sau đó đổi ý. Có thể nào điện thoại của Barbara cũng bị nghe trộm không? Không có cách nào để tôi có thể gọi điện thoại cho cô ấy, không phải là trực tiếp. Tôi cần một cách trung gian để liên lạc với cô ấy và nhắn cô đến gặp tôi ở đâu đó phía Nam. Quá nhiều việc phải lên kế hoạch. Cái mà tôi rất, rất cần là Xnet. Làm sao để tôi lên mạng bây giờ? Thiết bị dò WiFi trên điện thoại của tôi đang chớp liên tục - xung quanh tôi đều có sóng WiFi nhưng tôi lại không có Xbox và TV và một đĩa DVD ParanoidXbox để kích hoạt. WiFi, WiFi ở khắp nơi... Đó là lúc tôi nhìn thấy chúng. Hai cậu bé, tầm tuổi tôi, đang đi giữa đám người ở trên cùng của cầu thang xuống ga BART. Điều làm tôi chú ý là cách mà chúng di chuyển, khá vụng về, va chạm vào hành khách và khách du lịch. Chúng cho tay vào túi quần và mỗi khi chúng nhìn nhau, chúng lại cười rúc rích. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng chính là những người gây rối, nhưng đám đông hoàn toàn không để ý đến chúng. Khi đi xuống khu đó, bạn chắc mẩm sẽ gặp phải dân vô gia cư hay những kẻ điên khùng, do vậy bạn không nhìn vào mắt ai, không nhìn xung quanh nếu bạn có thể. Tôi lướt tới cạnh một đứa. Nó có vẻ rất trẻ con nhưng không thể nào ít tuổi hơn tôi. “Hey,” tôi lên tiếng. “Này, các cậu ra đây một chút được không?” Nó giả vờ như không nghe thấy tôi nói. Nó nhìn xuyên qua tôi, cái cách mà bạn nhìn một người vô gia cư. “Thôi nào,” tôi nói. “Tớ không có nhiều thời gian đâu.” Tôi túm lấy vai nó và rít vào tai nó. “Cảnh sát đang tìm tớ. Tớ từ Xnet.” Giờ thì nó phát hoảng, như kiểu muốn bỏ chạy, đứa bạn của nó đang tiến về phía chúng tôi. “Tớ hoàn toàn nghiêm túc đấy,” tôi nói. “Hãy nghe tớ.” Bạn của nó lại gần. Đứa này cao hơn và cơ bắp hơn - như Darryl. “Này. Có chuyện gì không ổn à?” nó hỏi. Đứa kia thì thầm gì đó vào tai nó. Trông cả hai giống như chuẩn bị bỏ chạy. Tôi lấy tờ Bay Guardian dưới cánh tay ra và giơ trước mặt chúng. “Giở trang năm ra, OK?” Chúng làm theo. Chúng nhìn vào dòng tít. Bức ảnh. Tôi. “Ối, chiến hữu,” đứa đầu tiên thốt lên. “Bọn tớ thật không xứng đáng.” Nó cười toe toét với tôi còn đứa cơ bắp hơn vỗ vào lưng tôi. “Không thể nào...” nó nói. “Cậu là M...” Tôi bịt miệng cậu ta lại. “Lại đây được không?” Tôi dẫn chúng lại ghế của mình. Tôi nhìn thấy một vệt cũ xỉn màu nâu trên vỉa hè ngay dưới cái ghế. Có phải máu của Darryl không? Nó làm tôi nổi da gà. Chúng tôi ngồi xuống. “Tớ là Marcus,” tôi nói, nuốt nước bọt một cách khó khăn khi nói tên thật cho những người đã biết tôi dưới cái tên M1k3y. Tôi đang phá vỡ vỏ bọc của mình, nhưng tờ Bay Guardian đã tạo mối liên hệ cho tôi. “Nate,” đứa nhỏ con hơn giới thiệu. “Liam,” đứa to lớn hơn nói. “Anh bạn, thật hân hạnh biết bao khi được gặp cậu. Cậu như là anh hùng mọi thời đại của bọn tớ vậy...” “Đừng nói thế,” tôi ngắt lời. “Đừng nói thế chứ. Hai cậu giống hệt một cái biển quảng cáo đang nhá lên dòng chữ ‘Tôi đang gây rối, làm ơn đá đít tôi vào Gitmo-bên-bờ-Vịnh.’ Các cậu không thể lộ liễu hơn nữa đâu.” Trông Liam như sắp khóc đến nơi. “Đừng lo, các cậu không bị bắt đâu. Lát nữa tớ sẽ chỉ cho các cậu vài mánh khóe.” Cậu ta vui tươi trở lại. Càng lúc tôi càng thấy rõ là hai đứa này thật sự thần tượng M1k3y, và chúng sẵn sàng làm bất cứ việc gì tôi nói. Chúng đang nhe răng cười như mấy đứa dở người. Điều này khiến tôi không thoải mái chút nào, dạ dày tôi muốn phát bệnh. “Nghe này, tớ cần vào Xnet ngay bây giờ mà không phải đi về nhà hay bất cứ đâu gần nhà. Các cậu có sống gần đây không?” “Có tớ,” Nate nói. “Ở đầu phố California. Phải đi bộ một đoạn nữa... những ngọn đồi dốc đấy.” Tôi vừa từ trên ấy xuống. Masha đang ở đâu đó trên ấy. Nhưng dù sao thì như thế này cũng vẫn tốt hơn những gì tôi có quyền mong đợi. “Đi thôi,” tôi nói. Nate cho tôi mượn mũ lưỡi trai bóng chày và đổi áo khoác với tôi. Với mắt cá chân đau nhức thì tôi không phải lo lắng gì về việc bị nhận dạng bằng dáng đi - tôi đi khập khiễng như một đứa đóng vai phụ trong các bộ phim cao bồi. Nate sống trong một căn hộ có bốn phòng ngủ rộng rãi trên đỉnh đồi Nob. Tòa nhà có người gác cổng mặc áo khoác đỏ với đường chỉ thêu màu vàng, ông chạm tay lên mũ, gọi Nate là “cậu Nate” và chào mừng tất cả chúng tôi. Tòa nhà tuyệt nhiên không thấy một vết bẩn và có mùi của lớp sơn đồ đạc. Tôi cố không trố mắt nhìn những căn hộ có giá khoảng vài triệu đô này. Nate giải thích, “Bố tớ là chủ ngân hàng đầu tư. Ông mua rất nhiều bảo hiểm nhân thọ. Ông mất khi tớ mười bốn tuổi và chúng tớ được hưởng tất cả. Bố mẹ tớ ly dị nhiều năm rồi nhưng bố tớ để lại tài sản cho mẹ.” Đứng ở cái cửa số cao từ sàn đến trần nhà, bạn có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh tượng đẹp mê hồn của phía bên kia đồi Nob, xuống tận bến cảng Ngư Dân, đến những tàn tích xấu xí của Cầu Vịnh, hàng loạt cần cẩu và xe tải. Qua màn sương mù, tôi có thể nhìn thấy đảo Kho Báu. Đứng trên cao nhìn xuống khiến tôi cảm thấy một sự thôi thúc điên rồ phải nhảy xuống. Tôi vào mạng bằng Xbox của Nate và nhìn lên màn hình plasma lớn trong phòng khách. Nó chỉ cho tôi có bao nhiêu mạng WiFi hiển thị từ địa điểm thuận lợi ở trên cao này - khoảng 20 hay 30 gì đó. Đây quả là một địa điểm tốt để làm thành viên của Xnet. Có rất nhiều e-mail trong tài khoản M1k3y của tôi. Hai mươi nghìn tin nhắn mới từ khi Ange và tôi rời nhà cô vào buổi sáng. Rất nhiều tin nhắn là của cánh phóng viên hỏi lịch phỏng vấn tiếp theo, nhưng phần lớn là từ thành viên Xnet, mọi người đã đọc câu chuyện trên tờ Guardian và muốn nói với tôi rằng họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để giúp tôi, bất cứ điều gì tôi cần. Vậy đấy. Nước mắt bắt đầu chảy xuống má. Nate và Liam liếc mắt với nhau. Tôi cố ngăn mình đừng khóc nhưng không làm được. Tôi đang nấc lên từng hồi. Nate đi đến cái giá sách làm từ gỗ sồi đóng trên một bức tường và kéo bản lề của một trong những kệ sách, để lộ ra một dãy chai lọ lấp loáng. Nó rót một cốc nước gì đó màu vàng nâu và đưa cho tôi. “Whiskey Ailen loại hiếm đấy,” nó nói. “Đồ uống ưa thích của mẹ tớ.” Chất lỏng có vị như lửa, như vàng. Tôi nhấm nháp, cố gắng để không bị sặc. Thực sự tôi không thích rượu mạnh, nhưng loại này khác. Tôi hít thở vài hơi thật sâu. “Cảm ơn Nate,” tôi nói. Trông nó giống kiểu vừa được tôi trao huy chương vậy. Đúng là một cậu nhóc ngoan. “Được rồi,” tôi nói và cầm bàn phím lên. Hai đứa con trai quan sát với thái độ thích thú say mê trong lúc tôi xem qua thư từ của mình trên màn hình khổng lồ. Cái mà tôi tìm kiếm đầu tiên và trước nhất là thư của Ange. Có khả năng cô đã trốn được. Khả năng đó luôn tồn tại. Tôi thật ngớ ngẩn khi hy vọng sẽ có tin tức gì từ Ange. Không có gì hết. Tôi bắt đầu lướt qua những bức thư nhanh hết mức có thể, phân loại yêu cầu từ báo chí, thư của người hâm hộ, thư của người thù ghét, thư rác... Và đó là lúc tôi thấy nó: một bức thư từ Zeb. > Thật không dễ chịu gì khi thức dậy vào sáng nay và nhìn thấy lá thư mà tôi cứ tưởng là cậu đã hủy đi xuất hiện trên những trang báo. Không dễ chịu một chút nào. Khiến tôi cảm thấy... bị săn đuổi. > Nhưng tôi dần hiểu ra tại sao cậu lại làm như thế. Tôi không biết liệu mình có thể chấp nhận những mưu mẹo của cậu hay không, nhưng thật dễ để nhận ra động cơ của cậu là thiện chí. > Nếu cậu đang đọc thư này, nhiều khả năng cậu đang phải mai danh ẩn tích. Không dễ chút nào. Tôi đang học làm việc đó. Tôi đã học được rất nhiều. > Tôi có thể giúp cậu. Tôi nên làm thế vì cậu. Cậu đã và đang làm những gì có thể vì tôi (Mặc dù cậu làm mà không có sự cho phép của tôi.) > Hồi âm cho tôi nếu cậu đọc được thư này, nếu cậu đang chạy trốn và ở một mình. Hoặc hồi âm cho tôi nếu cậu đang bị giam giữ, bị bạn bè của chúng ta ở Gitmo bán đứng, tìm cách để chấm dứt cơn đau: nếu chúng bắt được cậu, cậu sẽ làm điều mà chúng bảo cậu làm. Tôi biết. Tôi sẽ mạo hiểm. > Vì cậu, M1k3y.” “Woooooah,” Liam kêu lên. “Cực kỳỳỳỳỳỳỳỳỳỳ.” Tôi muốn đập cho nó một cái. Tôi quay lại định nói gì đó khó nghe và chặn họng nó, nhưng nó đang nhìn tôi với đôi mắt mở to, như thể nó muốn quỳ xuống mà lạy tôi vậy. “Tớ có thể nói,” nó mở miệng, “tớ có thể nói rằng đây là niềm vinh dự lớn nhất đời khi giúp được cậu không. Tớ có thể nói thế không?” Tôi đỏ cả mặt. Không còn cách nào khác. Cả hai đều là những người hâm mộ tôi cuồng nhiệt, ngay cả khi tôi còn chưa phải là sao siếc gì, ít nhất thì trong đầu tôi không nghĩ thế. “Các cậu có thể...” tôi nuốt nước bọt. “Tớ có thể có một chút riêng tư ở đây được không?” Hai đứa chuồn khỏi phòng như những chú cún hư và tôi cảm thấy mình như một kẻ ngốc. Nhưng dù sao tôi gõ thật nhanh. “Tớ trốn được rồi, Zeb. Và tớ vẫn đang chạy trốn. Tớ cần tất cả sự giúp đỡ mà tớ có thể có. Tớ muốn chấm dứt việc này ngay.” Tôi vẫn nhớ lấy điện thoại của Masha ra khỏi túi và bấm phím để nó không ngủ hẳn. Hai đứa để tôi sử dụng phòng tắm, đưa quần áo cho tôi thay, một ba lô đeo vai với một nửa số dụng cụ đề phòng động đất của chúng trong đó - thức ăn tăng lực, thuốc men, túi chườm nóng lạnh, một cái túi ngủ cũ. Thậm chí chúng còn đút vào đó một chiếc Xbox Universal thừa đã được cài đặt ParanoidXbox. Thật tốt quá. Tôi cần thứ gì để định hướng hành động. Tôi liên tục kiểm tra e-mail xem Zeb đã hồi âm chưa. Tôi trả lời thư của người hâm hộ. Tôi trả lời thư của báo giới. Tôi xóa thư thù ghét. Tôi còn nửa mong chờ sẽ thấy gì đó từ Masha nhưng có vẻ như cô ta đang trên đường đến LA cùng những ngón tay đau và ở trong hoàn cảnh không thể nào gõ phím được. Tôi lại bấm điện thoại của cô ta. Hai đứa giục tôi ngủ một chút, và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đáng xấu hổ, tôi bị hoang tưởng đến mức cho rằng có thể những người này đang định giao tôi cho cảnh sát khi tôi đã ngủ say. Điều này thật ngớ ngẩn - chúng có thể dễ dàng giao nộp tôi kể cả khi tôi đang thức. Tôi chỉ không tính trước được việc chúng nghĩ rất nhiều về tôi. Xét về lý trí mà nói, tôi biết rằng có những người sẵn sàng đi theo M1k3y. Sáng nay tôi đã gặp vài người như thế, họ la hét CẮN CẮN CẮN CẮN CẮN và tụ tập lại ở Civic Center. Nhưng hai đứa này cá nhân hơn. Chúng là những chàng trai tốt bụng, hơi ngố, chúng có thể là bất cứ ai trong đám bạn của tôi hồi chưa có Xnet, giống như hai chiến hữu đã chán những trò phiêu lưu của tuổi trẻ. Chúng tự nguyện tham gia quân đội, quân đội của tôi. Tôi có trách nhiệm với chúng. Để chúng lại một mình thì sớm muộn gì chúng cũng bị bắt. Chúng dễ tin người quá! “Các cậu, hãy nghe tớ một lúc. Tớ có vài điều nghiêm túc cần nói với các cậu.” Chúng gần như khựng lại và chăm chú lắng nghe. Nếu không phải tình hình rất đáng sợ thì hẳn là cảnh tượng đó sẽ rất tức cười. “Việc là thế này. Giờ các cậu đã giúp đỡ tớ, việc này thật sự nguy hiểm. Nếu các cậu bị bắt, tớ cũng sẽ bị bắt. Họ sẽ moi ra tất tần tật những gì các cậu biết...” Tôi giơ tay ra để ngăn chúng cự nự lại. “Không, đừng nói gì. Các cậu chưa trải qua điều này. Lời nói gió bay. Nếu các cậu bị bắt, các cậu sẽ nói cho bọn họ mọi thứ, ngay lập tức, nhanh và nhiều hết mức có thể. Dù sao cuối cùng bọn họ sẽ biết hết thôi. Đó là cách họ làm việc. “Nhưng các cậu sẽ không bị bắt và đây là lý do: các cậu không được gây rối nữa. Các cậu được miễn nhiệm vụ này. Các cậu là...” Tôi tìm trong kho từ vựng chọn lọc từ các tiểu thuyết trinh thám kinh dị. “Các cậu là những tế bào ngủ. Rút lui. Quay lại làm những đứa trẻ bình thường. Bằng cách này hay cách khác, tớ sẽ đập tan nó, đập tan tành, kết liễu nó. Hoặc cuối cùng nó sẽ tìm đến tớ, giải quyết tớ. Nếu các cậu không nghe tin tức gì từ tớ trong vòng bảy mươi hai tiếng, hãy giả định rằng họ đã bắt được tớ. Lúc đó thì hãy làm bất cứ điều gì các cậu muốn. Nhưng trong vòng ba ngày tới - và mãi mãi, nếu tớ làm được những việc mà tớ đang cố gắng làm - hãy rút lui. Các cậu có thể hứa với tớ điều này không?” Chúng hứa bằng tất cả sự trịnh trọng. Tôi nghe lời chúng và chợp mắt một lúc nhưng không quên bắt chúng thề rằng cứ một tiếng sẽ đánh thức tôi một lần. Tôi phải chạm vào điện thoại của Masha và tôi muốn biết ngay khi Zeb liên lạc lại với tôi. Điểm hẹn là trên một cái xe ô tô ở ga BART, nó khiến tôi căng thẳng. Nơi đó đầy camera. Nhưng Zeb biết mình đang làm gì. Anh ta hẹn tôi ở chiếc xe cuối cùng của một chuyến tàu nhất định khởi hành từ ga phố Powell, vào lúc xe chật ních những người là người. Anh ta len đến cạnh tôi giữa đám đông, và những hành khách tử tế trên xe đã tránh ra để chừa cho anh ta một chỗ, một lỗ hổng luôn bao quanh những người vô gia cư. “Rất vui được gặp lại cậu,” anh ta nói nhỏ, mặt hướng về phía cửa lên xuống. Nhìn vào tấm kính màu tối, tôi thấy rằng không ai đủ gần để có thể nghe lén câu chuyện - nếu không được trang bị loại mic cực nhạy, mà nếu họ biết đủ nhiều để xuất hiện ở đây với một trong những thiết bị như thế thì chúng tôi chết ngắc. “Tôi cũng vậy, người anh em,” tôi nói. “Tôi... tôi xin lỗi, anh biết đấy!” “Im đi. Đừng xin lỗi. Cậu còn can đảm hơn cả tôi. Cậu đã sẵn sàng mai danh ẩn tích chưa? Sẵn sàng biến mất chưa?” “Về vấn đề này.” “Sao?” “Đó không phải là kế hoạch.” “Ồ,” anh ta nói. “Hãy nghe tôi, OK? Tôi có... tôi có những bức ảnh và đoạn phim. Những thứ thực sự chứng minh một điều gì đó.” Tôi thò tay vào túi và bấm vào điện thoại của Masha. Trên đường đến đây, tôi đã mua cục sạc cho chiếc điện thoại này ở quảng trường Union, sau đó dừng lại ở một quán cà phê và sạc đến khi đủ bốn vạch trên tổng số năm vạch pin. “Tôi phải mang nó đến chỗ Barbara Stratford, người của tờ Guardian. Nhưng họ sẽ theo dõi cô ấy... theo dõi để xem tôi có xuất đầu lộ diện không.” “Cậu không nghĩ là họ cũng sẽ bám theo tôi nữa à? Nếu kế hoạch của cậu là tôi phải tiếp cận trong vòng một dặm quanh nhà hoặc văn phòng của cô ta...” “Tôi muốn anh gặp Van và bảo cô ấy tới gặp tôi. Darryl đã kể với anh về Van chưa? Cô gái mà...” “Cậu ấy kể rồi. Có, cậu ấy có kể. Cậu không nghĩ họ cũng theo dõi cả cô ấy nữa à? Tất cả những người đã bị bắt?” “Tôi nghĩ là có. Nhưng tôi không cho là họ sẽ theo dõi cô ấy sát sao. Hơn nữa, Van có lý lịch hoàn toàn sạch sẽ. Cô ấy chưa từng hợp tác trong bất cứ...” tôi nuốt khan, “trong bất cứ dự án nào của tôi. Do đó họ có thể sẽ lơ là cô ấy hơn. Nếu cô ấy gọi điện đến tòa soạn Bay Guardian và đề nghị một cuộc hẹn để giải thích tại sao trong đầu tôi lại toàn những thứ tào lao như vậy, có thể họ sẽ để mặc cô ấy.” Anh ta nhìn đăm đăm vào cánh cửa một lúc lâu. “Cậu biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ lại bắt được chúng ta chứ.” Đây không phải là một câu hỏi. Tôi gật đầu. “Cậu có chắc không? Một số người ở trên đảo Kho Báu cùng với chúng ta đã bị mang đi bằng máy bay trực thăng. Họ đã bị đưa ra ngoài biển. Có một số quốc gia mà Mỹ có thể thuê họ tra tấn tù nhân giùm. Những quốc gia nơi cậu sẽ chết dần chết mòn ở đó. Nơi mà cậu chỉ ước rằng họ sẽ kết thúc đời cậu bằng cách bắt cậu đào một cái hào và rồi bắn vào đằng sau gáy cậu khi mà cậu đang đứng trên đó.” Tôi nuốt khan và gật đầu. “Có đáng để liều mạng không? Chúng ta có thể mai danh ẩn tích trong một thời gian dài ở đây. Một ngày nào đó chúng ta sẽ giành lại được đất nước của mình. Chúng ta có thể chờ đợi.” Tôi lắc đầu. “Anh không thể giành lấy được bất cứ cái gì nếu anh không làm gì cả. Đây là đất nước của chúng ta. Họ đã chiếm từ tay chúng ta. Bọn khủng bố tấn công chúng ta thì vẫn đang được tự do - còn chúng ta thì không. Tôi không thể sống ẩn dật trong một năm, mười năm, cả cuộc đời, chờ tự do rơi xuống đầu được. Tự do là thứ mà anh phải tự giành lấy cho mình.” Chiều hôm đó, Van rời khỏi trường như mọi ngày, cô ngồi phía cuối xe buýt với bạn bè vây quanh, cười đùa như cô vẫn vậy. Những người trên cùng chuyến xe đều đặc biệt chú ý đến cô vì cô nói rất to, ngoài ra, cô lại còn đội một cái mũ vải mềm trông ngớ ngẩn như là một mảnh vải thừa lấy được từ buổi diễn kịch ở trường về những kiếm sĩ thời Phục hưng vậy. Bỗng nhiên, cả đám túm tụm lại rồi quay ra nhìn phía sau xe buýt, chỉ trỏ và cười khúc khích. Cô gái đang đội chiếc mũ lúc này cao bằng Van, và nếu nhìn từ đằng sau, người ta có thể nghĩ đấy là Van. Không ai chú ý đến cô gái châu Á nhỏ nhắn rụt rè xuống xe khi còn qua vài bến nữa mới đến BART. Cô mặc một bộ đồng phục đơn giản, cũ kỹ, rụt rè nhìn chăm chăm xuống chân khi rời xe. Cùng lúc đó, cô gái ồn ào người Hàn Quốc la lên và đám bạn của cô hùa theo, cười to đến nỗi cả tài xế cũng phải giảm tốc độ, vặn vẹo trên cái ghế của mình và ném cho cả đám một cái nhìn khinh khỉnh. Van vội vã đi dọc xuống phố, đầu vẫn nhìn cúi xuống, tóc buộc lại đằng sau và để thả xuống cổ áo khoác dày màu xanh đã lỗi thời. Hai miếng đệm mà cô nhét vào giày khiến cô cao thêm vài centimet, trông kỳ quặc và loạng choạng. Cô cũng bỏ kính áp tròng ra và đeo đôi kính không mấy ưa thích của mình, hai mắt kính to đùng che mất nửa khuôn mặt. Mặc dù đã chờ cô ở bến xe buýt và biết khi nào cô sẽ đến nhưng suýt nữa thì tôi cũng không nhận ra cô. Tôi đứng dậy và bám theo cô, băng qua phố, đi cách cô một nửa dãy nhà. Những người đi ngang qua tôi đều vội vã nhìn đi chỗ khác. Trông tôi như trẻ bụi đời, đeo một tấm bìa các tông bẩn thỉu, chiếc áo khoác đầy cáu ghét, ba lô nhồi chật ních to tướng, chằng chịt vết rách được dán lại bằng băng dính. Không ai muốn nhìn một thằng nhóc đầu đường xó chợ cả, vì nếu bạn bắt gặp ánh mắt của nó, có thể nó sẽ xin bạn vài xu lẻ. Tôi đã đi bộ cả chiều quanh Oakland và người duy nhất nói chuyện với tôi là một tín đồ giáo phái Nhân chứng Jehovah và một nhà khoa học, cả hai đều cố gắng thu nạp tôi. Tôi thấy ghê cả người, cứ như đang bị ve vãn bởi một tên dâm đãng vậy. Van đi theo hướng mà tôi đã cẩn thận ghi cho cô. Zeb đã chuyển lời nhắn cho cô cũng bằng cái cách mà anh ta đã chuyển lời nhắn ở cổng trường - đâm sầm vào cô lúc cô đang chờ xe buýt rồi xin lỗi rối rít. Tôi viết một tin nhắn rõ ràng và đơn giản, chỉ dẫn cho cô. Tớ biết cậu không chấp nhận. Tớ hiểu. Nhưng việc này, việc này là ân huệ quan trọng nhất mà tớ từng cầu xin cậu. Làm ơn. Hãy làm ơn. Cô tới. Tôi biết cô sẽ tới. Chúng tôi đã chơi với nhau rất lâu, Van và tôi. Cô cũng không thích những gì đã xảy đến với thế giới. Thêm vào đó, một giọng nói xấu xa, cười cợt trong đầu tôi đã chỉ ra rằng, giờ đây cô cũng đang trong diện tình nghi sau khi bài báo của Barbara được đăng. Chúng tôi đã đi như vậy qua khoảng sáu hay bảy dãy nhà, luôn để mắt xem những ai đang ở gần chúng tôi, những chiếc xe nào đi ngang qua. Zeb đã kể với tôi về những cái đuôi năm-người, có đến năm gã cải trang thay phiên nhau bám theo bạn, làm cho việc phát hiện ra chúng gần như là không thể. Bạn phải đi đến một chỗ nào hoàn toàn vắng vẻ, nơi mà bất cứ người nào có mặt ở đó cũng buộc phải thò đầu ra. Cầu vượt để bắt chuyến xe số 880 chỉ cách trạm BART trên phố Coliseum có vài dãy nhà, vì vậy nên dù Van có đi lòng vòng thì cũng không mất quá lâu để đến được đó. Tiếng ồn trên cây cầu rất lớn, hầu như át hết tiếng nói chuyện bên dưới. Rõ ràng là ở đây không có ai cả. Tôi đã do thám nơi này trước khi viết chỉ dẫn cho Van, cẩn thận xem xét mọi nơi có thể dùng để ẩn nấp. Không có chỗ nào như thế. Khi Van dừng lại tại địa điểm được chỉ sẵn, tôi tăng tốc để bắt kịp cô. Cô nháy mắt nghiêm nghị với tôi đằng sau cặp kính. “Marcus,” cô thốt lên, nước mắt trào ra. Tôi chợt nhận ra mình cũng đang khóc. Cứ thế này thì tôi sẽ trở thành một kẻ trốn chạy kém cỏi mất thôi. Thật quá ủy mị. Cô ôm tôi chặt đến nỗi tôi thấy nghẹt thở. Nhưng tôi ôm cô còn chặt hơn. Rồi cô hôn tôi. Không phải là cái hôn nhẹ nhàng lên má, cũng không phải là những cái hôn như em gái hôn anh trai. Là một nụ hôn môi thực sự, một nụ hôn ướt át và nồng nhiệt, một nụ hôn như kéo dài bất tận. Lý trí của tôi bị cảm xúc lấn át hoàn toàn... Không, thật là ngụy biện. Tôi biết chính xác mình đang làm gì. Tôi hôn lại cô. Rồi tôi dừng lại, dứt ra và gần như là xô cô ra. “Van,” tôi hét lên. “Ôi,” cô nói. “Van,” tôi nhắc lại. “Xin lỗi,” cô nói. “Tớ...” Bất giác, một điều gì đó xẹt ngang qua đầu tôi, một điều mà tôi đáng lẽ ra phải nhận ra từ cách đây rất, rất lâu rồi mới phải. “Cậu thích tớ phải không?” Cô buồn bã gật đầu. “Cả mấy năm rồi,” cô nói. Ôi Chúa ơi. Suốt bao năm nay, Darryl đã yêu cô biết nhường nào, và trong chừng ấy năm, cô lại ngó sang tôi, âm thầm muốn có tôi. Và rồi tôi cặp với Ange. Ange nói rằng cô luôn xích mích với Van. Còn tôi thì chạy vòng quanh để rồi gặp phải bao nhiêu rắc rối. “Van,” tôi nói. “Van, tớ thực sự xin lỗi.” “Quên nó đi,” cô nói, ngoảnh mặt đi. “Tớ biết việc này là không thể. Tớ chỉ muốn làm thế một lần thôi, trong trường hợp tớ không bao giờ...” cô nghẹn lại. “Van. Tớ cần cậu làm điều này giúp tớ. Một việc quan trọng. Tớ cần cậu gặp một phóng viên của báo Bay Guardian, Barbara Stratford, người đã viết bài báo đó. Tớ muốn cậu đưa cho cô ấy một vật.” Tôi giải thích cho cô về chiếc điện thoại của Masha, nói cho cô biết về đoạn phim mà Masha đã gửi cho tôi. “Làm thế có ích gì không, Marcus? Làm thế để được gì cơ chứ?” “Van, cậu nói cũng có phần đúng. Chúng ta không thể sửa chữa thế giới bằng cách đặt người khác vào nguy hiểm được. Tớ cần phải giải quyết vấn đề bằng cách nói ra những gì tớ biết. Đáng lẽ tớ phải làm điều này ngay từ đầu. Đáng lẽ ngay khi thoát khỏi sự giam hãm của họ, tớ nên đến thẳng nhà bố Darryl để nói với bác ấy những gì tớ biết. Dù sao thì giờ tớ đã có bằng chứng. Vật này... có thể thay đổi cả thế giới. Đây là hy vọng cuối cùng của tớ. Hy vọng duy nhất để cứu Darryl, để giành lấy cuộc sống không phải trốn chui trốn lủi, lẩn tránh cảnh sát. Và cậu là người duy nhất mà tớ có thể tin tưởng nhờ cậy việc này.” “Tại sao lại là tớ?” “Cậu đang đùa hả? Nhìn xem cậu đã xoay xở tài tình ra sao để đến được đây. Cậu rất thành thục. Cậu giỏi việc này hơn bất cứ ai trong chúng ta. Cậu là người duy nhất tớ có thể tin tưởng. Chính vì thế tớ mới nhờ cậu.” “Thế tại sao không phải cô bạn Ange của cậu?” Cô ấy nhắc đến cái tên đó mà giọng không mảy may thay đổi, như thể nó chỉ là một khối xi măng vậy. Tôi nhìn xuống. “Tớ nghĩ cậu biết tại sao. Họ đã bắt cô ấy. Cô ấy đang ở Gitmo... trên đảo Kho Báu. Cô ấy đã ở đấy vài ngày rồi.” Tôi đã cố gắng không nghĩ đến điều này, không nghĩ đến những gì có thể xảy ra với Ange. Giờ tôi lại không thể kìm nén được và bắt đầu nức nở. Tôi cảm thấy bụng đau nhói, như thể bị ai đá vào vậy, tôi ấn hai tay vào bụng để không run lên. Tôi gập người xuống, và điều kế tiếp tôi nhận thức được là tôi co ro bên một đống gạch vụn phía dưới con đường cao tốc, tự ôm lấy mình và khóc. Van quỳ xuống bên cạnh tôi. “Đưa cho tớ cái điện thoại nào,” cô nói, giọng rít lên đầy giận giữ. Tôi móc điện thoại ra khỏi túi và đưa cho cô. Cảm thấy ngượng, tôi ngừng khóc và ngồi dậy. Tôi biết rằng mặt mình đang lem nhem nước mắt. Van nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. “Cậu cần giữ cho nó không chuyển sang chế độ ngủ,” tôi nói. “Tớ có sạc pin đây.” Tôi lục túi. Suốt cả đêm, chưa có lúc nào tôi được ngủ tử tế kể từ khi tôi đoạt được chiếc điện thoại. Tôi đặt chuông báo thức cứ chín mươi phút lại kêu một lần và bằng cách đó tôi có thể giữ cho nó khỏi bị tắt. “Cũng đừng có gập điện thoại lại nhé.” “Còn đoạn phim kia?” “Cái đấy thì khó hơn,” tôi nói. “Tớ đã tự gửi một bản vào hộp thư điện tử của mình, nhưng tớ lại không vào Xnet được nữa.” Trong trường hợp bức thiết, tôi có thể quay lại chỗ Nate và Liam để dùng nhờ Xbox của hai đứa lần nữa, nhưng tôi không muốn mạo hiểm như vậy. “Nghe này, tớ sẽ đưa cho cậu tên truy cập và mật khẩu vào hộp thư điện tử của tớ trên máy chủ Pirate Party. Cậu sẽ phải sử dụng TOR để truy cập - chắc chắn Cục An ninh Nội địa sẽ kiểm tra những ai đăng nhập vào hộp thư điện tử p-party.” “Tên truy cập và mật khẩu của cậu ư,” cô nói, có vẻ hơi ngạc nhiên. “Tớ tin cậu, Van. Tớ biết là tớ có thể tin cậu.” Cô lắc đầu. “Cậu không bao giờ được đưa mật khẩu cho ai cả, Marcus.” “Tớ không nghĩ điều này còn quan trọng nữa. Hoặc là cậu thành công hoặc là tớ... hoặc đây là cái kết cho cuộc đời của Marcus Yallow. Có thể tớ sẽ phải thay đổi tên tuổi, nhưng tớ không nghĩ vậy. Tớ nghĩ họ sẽ bắt được tớ thôi. Có lẽ bao lâu nay tớ vẫn biết rằng một ngày nào đó họ sẽ bắt tớ.” Cô nhìn tôi, giờ thì với ánh mắt giận dữ. “Như thế thì thật là phí công. Tất cả điều này là để làm gì đây?” Trong tất cả những lời cô đã nói, không điều gì có thể làm tôi đau đớn hơn được nữa. Nó như một cú đá khác vào bụng tôi. Thật là phí công, tất cả mọi thứ, đều phí công vô ích. Darryl và Ange cũng đã ra đi rồi. Có thể tôi sẽ không bao giờ được gặp lại gia đình tôi nữa. Và Cục An ninh Nội địa vẫn sẽ chiếm cứ thành phố của tôi, còn đất nước của tôi thì rơi vào cảnh hỗn loạn, đầy rẫy những tiếng kêu la điên loạn, không còn lý trí, nơi mà người ta có thể làm bất cứ điều gì dưới danh nghĩa ngăn chặn khủng bố. Dường như Van đang đợi tôi nói gì đó, nhưng tôi lại chẳng có gì để nói cả. Cô bỏ tôi lại một mình ở đó. Zeb đãi tôi pizza khi tôi quay trở về “nhà” - về túp lều dưới cầu vượt cao tốc tại Mission mà anh ta đã dựng để qua đêm. Anh ta có một cái lều con, là đồ dự trữ của quân đội, bên ngoài có sơn dòng chữ ỦY BAN HỢP TÁC NHỮNG NGƯỜI VÔ GIA CƯ TẠI SAN FRANCISCO. Chiếc pizza mua từ một cửa hàng Dominos, lạnh tanh và cứng quèo, nhưng dù sao vẫn ngon chán. “Anh có thích dứa trên cái pizza của anh không?” Zeb cười một cách chiếu cố với tôi và nói, “Những kẻ ăn không mất tiền thì không thể kén chọn.” “Kẻ ăn không mất tiền á?” “Cũng giống như người ăn chay ấy, nhưng khác là chúng ta ăn thức ăn miễn phí.” “Thức ăn miễn phí?” Anh ta lại cười toe toét. “Cậu biết đấy... thức ăn miễn phí ấy. Lấy từ những cửa hàng thức ăn miễn phí ấy? ” “Anh ăn trộm cái bánh này à?” “Không, đần ạ. Tôi lấy nó từ một cửa hàng khác kìa. Cái cửa hàng nhỏ bên ngoài, phía sau ấy, làm bằng thép xanh, bốc mùi nồng nặc ấy.” “Anh lấy thứ này từ thùng rác à?” Anh ta ngửa đầu về phía sau và cười khùng khục. “Chính xác đấy. Cậu nên nhìn thấy bộ mặt của cậu đi. Chẳng có vấn đề gì đâu, cậu ấm ạ. Nó đã bị thiu đâu. Bánh mới đấy... chỉ là một cái bánh khách đã đặt nhưng không lấy. Họ bỏ trong hộp rồi vứt đi. Họ rắc bả chuột lên mọi thứ trước khi đóng cửa tiệm, nhưng nếu cậu nhanh tay thì cũng chả sao cả. Cậu nên nhìn thấy những gì mà cửa hàng tạp phẩm vứt đi kìa! Cứ chờ đến bữa sáng mà xem. Cậu có tin là tôi làm được cả xa lát hoa quả cho cậu không? Chỉ cần một quả dâu trong hộp hơi mốc xanh và sùi lên, thế là cả lũ bị vứt đi...” Tôi vỡ lẽ. Chiếc pizza cũng ổn. Không phải là ở gần thùng rác thì sẽ bị nhiễm độc hay này nọ. Nếu nó tởm lợm thì chỉ vì nó đến từ Domino, cái cửa hàng pizza dở nhất trong thành phố. Tôi chưa bao giờ thích nổi đồ ăn của bọn họ, và tôi tẩy chay luôn khi biết bọn họ bơm tiền cho cả một lũ chính trị gia siêu khùng lúc nào cũng tâm niệm vấn đề trái đất nóng lên và sự tiến hóa là những âm mưu xấu xa của quỷ sa tăng. Dù sao thì cũng khó mà không cảm thấy tởm lợm được. Nhưng có một cách khác để nhìn nhận vấn đề này. Zeb vừa chỉ cho tôi một bí mật, một điều mà tôi đã không tính đến: có cả một thế giới ngầm ngoài kia, một cách để hoạt động mà không cần tham gia vào hệ thống. “Những kẻ ăn miễn phí, hả?” “Cả sữa chua nữa,” anh ta gật đầu một cách hùng hồn. “Để làm xa lát hoa quả ấy. Họ vứt đi trước ngày hết hạn sử dụng, nhưng thế không có nghĩa là cứ đến đúng nửa đêm thì chúng phải mốc xanh hết. Ý tôi là, sữa chua mà, dù sao cũng đã là sữa lên men sẵn rồi còn gì.” Tôi nuốt miếng pizza. Nó có vị thật buồn cười. Bả chuột. Sữa chua hỏng. Dâu tây thối. Phải làm quen với điều này thôi. Tôi ăn thêm miếng nữa. Thực ra thì pizza của Domino cũng bớt dở đi một chút khi được ăn miễn phí. Túi ngủ của Liam thật ấm áp và hấp dẫn sau một ngày dài kiệt quệ về tinh thần. Giờ này chắc Van đã liên lạc được với Barbara rồi. Barbara sẽ có được đoạn phim và bức ảnh. Tôi sẽ gọi cho cô ấy vào buổi sáng để hỏi xem nên làm gì tiếp theo. Tôi sẽ phải xuất hiện một khi cô đã công bố nó, để chứng thực tất cả. Tôi nhắm mắt lại và nghĩ về điều đó, nghĩ xem khi ấy tôi sẽ thế nào, tất cả các máy quay đều chạy theo thằng M1k3y bỉ ổi vào một trong những tòa nhà to đùng, lắm cột kèo ở Civic Center. Tiếng động cơ xe cộ gào rú trên đầu dần dần nghe như tiếng sóng biển khi tâm trí tôi đang lang thang đâu đó. Cũng có những chiếc lều khác của những người vô gia cư ở gần đây. Tôi đã gặp vài người trong số họ lúc chiều, trước khi trời tối và chúng tôi đều đã lui về túm tụm gần những căn lều. Họ đều lớn tuổi hơn tôi, trông cục cằn và lỗ mãng. Tuy nhiên không ai có vẻ điên loạn hay hung dữ cả. Họ chỉ giống như những người kém may mắn, hoặc đã đưa ra những quyết định sai lầm, hoặc là cả hai. Chắc hẳn tôi đã ngủ thiếp đi, vì tôi chẳng nhớ được gì thêm cho đến khi có ánh sáng rọi thẳng vào mặt tôi, làm tôi lóa mắt. “Chính nó đấy,” một giọng nói cất lên phía sau luồng sáng “Chụp đầu nó lại,” một giọng khác vang lên. Tôi đã từng nghe thấy giọng nói này trước đây, giọng nói mà tôi đã nghe đi nghe lại trong những giấc mơ, giáo huấn tôi, đòi mật khẩu của tôi. Người phụ nữ có mái tóc cắt bằng. Chiếc túi nhanh chóng được chụp lên đầu tôi và cổ tôi bị thắt chặt đến nỗi tôi bị ngạt thở và nôn ra đống pizza vừa mới ăn. Khi tôi vẫn còn đang nôn mửa và sặc sụa thì những bàn tay rắn chắc đã ghì quanh cổ tay và mắt cá chân tôi. Tôi bị lăn vào cáng và nhấc bổng lên, họ khiêng tôi lên những bậc thang kim loại rồi quẳng vào trong xe. “Xin chào, chúng ta lại gặp nhau rồi,” mụ ta nói. Tôi cảm thấy chiếc xe tải lắc lư khi mụ ta chui vào xe với tôi. Tôi vẫn bị sặc, thở hổn hển. Tôi ợ lên đầy miệng và nó chảy ngược xuống khí quản của tôi. “Chúng tôi không để cho cậu chết đâu,” mụ nói. “Nếu cậu ngừng thở, chúng tôi chắc chắn sẽ làm cho cậu thở lại. Vậy nên đừng có lo lắng về vấn đề này.” Tôi sặc dữ hơn. Tôi đớp không khí. Một chút không khí lọt vào. Cơn ho sâu, sù sụ làm ngực và lưng tôi rung lên, tôi lại nôn mửa. Hít thêm không khí. “Thấy chưa?” mụ ta nói. “Không quá tệ. Chào mừng cậu về nhà, M1k3y. Chúng tôi có một nơi rất đặc biệt dành cho cậu.” Tôi ngả lưng thư giãn, chiếc xe tải nhỏ vẫn lắc lư. Mùi pizza nôn ra lúc đầu nồng lên, nhưng do những thứ kích thích rất mạnh xung quanh, não tôi dần dần quen với cái mùi này, thanh lọc cho đến khi nó chỉ là một mùi mờ nhạt. Cảm giác lắc lư của chiếc xe gần như trở nên dễ chịu. Đó là lúc nó xảy ra. Một sự bình tĩnh tuyệt đối, khó mà tin được lướt qua người tôi như thể là tôi chỉ đang nằm trên bãi biển và sóng biển lướt vào rồi nhẹ nhàng nâng tôi lên như bàn tay mẹ hiền, nhấc bổng tôi và cuốn tôi ra giữa biển dưới ánh mặt trời ấm áp. Sau tất cả những chuyện đã xảy ra, tôi bị tóm, nhưng điều đấy cũng chẳng hề gì. Tôi đã chuyển thông tin đến được với Barbara. Tôi đã thiết lập được mạng Xnet. Tôi đã thắng. Và nếu tôi không chiến thắng thì tôi cũng đã làm tất cả những gì có thể. Nhiều hơn so với những gì tôi nghĩ mình có thể làm. Trong khi bị chở đi, tôi nhẩm lại trong đầu, nghĩ về tất cả những gì tôi đã thực hiện được, những gì mà chúng tôi đã thực hiện được. Thành phố, đất nước, thế giới còn đầy những con người không chịu sống theo cái cách mà DHS muốn chúng tôi phải sống. Chúng tôi sẽ mãi mãi chiến đấu. Họ không thể bắt hết được chúng tôi đâu. Tôi thở dài và mỉm cười. Tôi chợt nhận ra là mụ ta vẫn thao thao bất tuyệt. Tôi còn mải đắm chìm trong niềm vui của mình nên quên béng mất mụ ta. “... một đứa trẻ thông minh như cậu. Cậu tưởng cậu đủ hiểu biết để gây chiến với bọn ta à? Bọn ta đã theo dõi cậu từ cái ngày mà cậu được thả. Kể cả khi cậu không đến khóc lóc với con mụ nhà báo đồng tính phản trắc ấy thì bọn ta vẫn bắt được cậu. Ta chỉ không hiểu... cậu và ta, chúng ta đã hiểu nhau cơ mà nhỉ...” Chúng tôi đi trên những tấm kim loại kêu ầm ầm, chiếc xe tải giật sốc từng hồi, rồi kiểu dằn xóc thay đổi. Chúng tôi đang đi trên nước. Hướng về phía đảo Kho Báu. Hey, Ange đang ở đó. Darryl cũng thế. Có lẽ vậy. Cái bao trùm đầu chỉ được lấy ra khi tôi đã bị tống vào xà lim. Bọn chúng còn không thèm động vào cùm ở tay và mắt cá chân tôi mà chỉ lăn tôi ra khỏi cáng xuống sàn. Trong này tối, nhưng nhờ có ánh trăng chiếu từ chiếc cửa sổ duy nhất nhỏ tí xíu từ trên cao, tôi có thể nhìn thấy tấm đệm đã bị lấy ra khỏi cái giường. Phòng giam của tôi có một hố xí, một khung giường, một bồn rửa mặt, và không gì nữa. Tôi nhắm mắt lại và để biển cả nâng tôi lên. Tôi trôi đi. Ở một nơi kia, xa tít phía dưới, là thân xác của tôi. Tôi có thể biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi đang bị bỏ cho đến khi vãi đái ra ở đây. Lại thế nữa rồi. Tôi biết cảm giác đấy. Tôi đã từng vãi đái rồi. Mùi rất tệ. Ngứa nữa. Thật là nhục nhã, cứ như một đứa trẻ sơ sinh vậy. Nhưng tôi đã vượt qua điều này. Tôi cười phá lên. Tiếng cười nghe thật dị hợm, và nó kéo tôi trở lại với thân xác của mình, trở lại với thực tại. Tôi vẫn tiếp tục cười và cười. Chúng đã ném vào tôi những điều tồi tệ nhất, và tôi đã vượt qua được, và tôi đã vượt mặt chúng, vượt mặt chúng mấy tháng trời, làm bẽ mặt cả lũ chuyên quyền ngu đần. Tôi đã chiến thắng. Tôi để bàng quang thả lỏng. Đằng nào thì nó cũng chưa bao giờ đầy và đau tức như bây giờ. Đại dương cuốn tôi đi. Sáng ra, hai tên lính chuyên nghiệp, vô cảm cắt dây trói ở tay và chân tôi ra. Tôi vẫn chưa đi được - khi tôi đứng dậy, chân tôi khuỵu xuống như một con rối không dây. Tôi đã phải ở nguyên một tư thế trong thời gian quá lâu. Bọn lính kéo tay tôi qua vai chúng và vừa lôi vừa vác tôi xuống dãy hành lang quen thuộc. Mã vạch trên những cánh cửa xoắn tít và đung đưa, bị không khí đầy bụi muối tấn công. Tôi nảy ra một ý tưởng. “Ange!” Tôi gào lên. “Darryl!” Hai tên lính lôi tôi đi nhanh hơn, rõ ràng là rất khó chịu với tôi nhưng chẳng biết phải làm thế nào cả. “Này các cậu, là tớ đây, Marcus đây! Tự do muôn năm!” Đằng sau những cánh cửa, có ai đó khóc nức lên. Ai đó thét lên bằng một thứ tiếng nghe như tiếng Ả Rập. Sau đó là những âm thanh hỗn tạp, hàng ngàn tiếng kêu thét khác nhau. Bọn chúng mang tôi đến căn phòng mới. Căn phòng này là một buồng tắm cũ, với chiếc vòi sen vẫn còn lại ở trên tường gạch mốc meo. “Chào M1k3y,” mụ Tóc Bằng nói. “Có vẻ như cậu vừa có một buổi sáng đáng nhớ nhỉ.” Mụ ta nhăn mũi một cách mỉa mai. “Tôi vãi đái cả ra rồi,” tôi nói vui vẻ. “Cô cũng nên thử xem sao.” “Vậy thì có lẽ bọn ta nên cho cậu đi tắm.” Mụ gật đầu và hai tên lính kia mang tôi đến một cái cáng khác. Cái cáng này có dây trói dọc theo chiều dài. Chúng quẳng tôi lên đó, nó lạnh như đá và ướt sũng. Trước khi tôi kịp nhận ra điều này thì vai, hông vào mắt cá chân tôi đã bị trói vào cáng. Một phút sau, thêm ba chiếc dây nữa được dùng để trói tôi. Một cánh tay nắm lấy những thanh sắt phía đầu tôi và mở mấy chiếc chốt ra, chỉ một lát sau tôi đã bị trói nghiêng xuống, đầu thấp hơn so với chân. “Hãy bắt đầu với một điều đơn giản,” mụ ta nói. Tôi nghển cổ lên để nhìn thấy mụ. Mụ đã đứng cạnh một cái bàn, trên đó có một bộ Xbox, kết nối với một cái màn hình phẳng trông có vẻ đắt tiền. “Tôi muốn cậu nói cho tôi biết tên truy cập và mật khẩu vào hộp thư điện tử Pirate Party của cậu, được chứ?” Tôi nhắm mắt lại và để biển cả cuốn tôi xa khỏi bờ. “Cậu có biết ván và nước là gì không, M1k3y?” Giọng mụ ta khiến tôi quay cuồng. “Cậu bị trói lại như thế này, và bọn ta đổ nước vào đầu cậu, đổ lên mũi và xuống miệng. Cậu sẽ không thể kháng cự được, hiện tượng này gọi là phản xạ họng. Biện pháp này được gọi là hành hình giả, và từ phía này của căn phòng, ta có thể nói rằng đó là một giải pháp hợp lý. Cậu sẽ không thể chống lại cảm giác mình đang chết dần. ” Tôi cố gắng rời bỏ thể xác. Tôi đã từng nghe về trò tra tấn ván và nước này. Giờ thì tôi đang được trải nghiệm nó. Và đây mới chỉ là màn khởi đầu. Tôi không thể bỏ đi được. Biển không lướt vào và nâng tôi lên. Ngực tôi thắt lại, mi mắt tôi chớp liên tục. Tôi có thể cảm thấy nước tiểu ướt nhẹp ở chân và mồ hôi thì ướt nhẹp trên tóc. Da tôi ngứa ngáy bởi bãi nôn đã khô cứng lại. Mụ ta lao ra trước mặt tôi. “Hãy bắt đầu với tên đăng nhập,” mụ ta nói. Tôi nhắm nghiền mắt lại. “Cho nó uống nước đi,” mụ ra lệnh. Tôi nghe thấy ai đó di chuyển. Tôi hít một hơi thật sâu rồi nín thở. Lúc đầu nước chỉ nhỏ giọt, một muỗng nước từ từ tràn vào cằm, vào môi tôi. Rồi nước chảy ngược lên mũi tôi. Nó chảy ngược vào cổ họng, làm tôi sặc sụa. Có tiếng náo loạn ở bên ngoài căn phòng, tiếng giày hỗn tạp, tiếng la hét sỉ vả đầy giận dữ. Thêm một muỗng nước nữa được đổ vào mặt tôi. Tôi nghe thấy tiếng thì thầm của mụ ta với ai đó trong phòng, rồi mụ nói với tôi, “Chỉ tên đăng nhập thôi mà, Marcus. Một yêu cầu đơn giản. Dù sao thì ta có thể làm được gì với tên đăng nhập của cậu chứ?” Lần này thì cả một xô nước đổ ập xuống, như một trận lụt không bao giờ kết thúc, hẳn bọn chúng phải đổ hàng tấn nước lên đầu tôi. Tôi không thể chịu được. Tôi thở hổn hển và hít nước vào phổi, ho sặc sụa càng làm cho nước vào phổi nhiều hơn. Tôi biết bọn chúng sẽ không giết tôi, nhưng tôi không thể thuyết phục cơ thể tôi tin điều này. Từng thớ thịt trong người tôi bảo với tôi rằng tôi sắp sửa đi đời. Thậm chí tôi còn không thể khóc - bọn chúng vẫn đang xối nước lên tôi. Bọn chúng dừng lại. Tôi ho lụ sụ, nhưng với góc độ mà tôi đang nằm, bao nhiêu nước tôi ho ra đều chảy ngược vào mũi, làm nó bỏng rát. Cơn ho quá dữ dội làm sườn tôi đau nhói và hông thì vặn cả lại. Tôi căm ghét cái cách mà cơ thể đang phản bội tôi, cái cách mà lý trí không kiểm soát được cơ thể, nhưng chả làm được gì. Cuối cùng cơn ho cũng giảm dần, đủ để tôi nhận biết điều gì đang xảy ra xung quanh. Nhiều người đang la hét, nghe như ai đó đang cào cấu, vật lộn. Tôi mở mắt, nheo lại vì chói, tuy còn ho nhưng tôi vẫn nghển cổ lên. Căn phòng có nhiều người hơn lúc tôi bước vào. Hình như phần lớn bọn họ đang mặc áo giáp, đội mũ sắt và đeo mặt nạ chống khói. Họ đang la hét đám lính gác của đảo Kho Báu, bọn này cũng đang gân cổ lên hét lại. “Quỳ xuống!” một người mặc áo giáp nói. “Quỳ xuống và giơ tay lên. Các người đã bị bắt!” Mụ Tóc Bằng đang nói chuyện điện thoại với ai đó. Một trong số những người mặc áo giáp nhận ra điều này đã mau lẹ đi tới chỗ mụ ta và dùng tay mang găng hất tung chiếc điện thoại. Tất cả im lặng trong lúc chiếc điện thoại bật tung lên theo hình vòng cung, bay sang đầu bên kia căn phòng nhỏ, rơi độp xuống sàn và vỡ tan thành từng mảnh. Sự im lặng bị phá vỡ và những người mặc áo giáp di chuyển vào căn phòng. Mỗi người bọn họ tóm lấy một tên đã tra tấn tôi. Tôi nặn được một cái nhếch miệng khi nhìn thấy vẻ mặt của mụ Tóc Bằng khi hai người đàn ông túm vai mụ, xoay lưng mụ lại và tặng cho mụ một chiếc còng tay. Một người mặc áo giáp đi thẳng ra phía cửa. Anh ta mang theo một chiếc máy quay trên vai, một cái hàng khủng có đèn flash trắng sáng lóa mắt. Anh ta chụp lại cả căn phòng, đi vòng quanh tôi hai lần để chụp tôi. Tôi thấy mình đang toàn thân bất động, như kiểu tôi đang ngồi để người ta vẽ chân dung vậy. Thật là lố bịch. “Các ông có thể giúp tôi thoát khỏi cái thứ này không?” Tôi xoay xở để nói được hết câu mà chỉ bị sặc một chút. Hai người mặc áo giáp nữa tiến đến chỗ tôi, một người là nữ, và họ bắt đầu cởi trói cho tôi. Họ mở mặt nạ ra và cười với tôi. Trên mũ bảo hiểm và vai họ có hình chữ thập đỏ. Bên dưới hình chữ thập đỏ là một phù hiệu khác: CHP (1). Đội tuần tra đường cao tốc California. Họ là Đội tuần tra đường cao tốc của bang. Khi tôi bắt đầu tự hỏi họ đang làm gì ở đây thì cũng là lúc tôi nhìn thấy cô Stratford. Rõ ràng là cô ấy đã đứng ngoài hành lang từ trước, nhưng bây giờ cô ấy mới lao vào. “Cháu đây rồi,” cô nói, quỳ xuống cạnh tôi và trao cho tôi một cái ôm dài nhất, chặt nhất mà tôi từng được nhận. Đấy là lúc tôi hiểu ra rằng Guantanamo bên bờ Vịnh đang nằm trong tay kẻ thù của nó. Tôi đã được cứu. Chú thích: 1. CHP: California Highway Patrol. chương 21 họ để tôi và cô Barbara ở lại trong phòng, và tôi dùng vòi sen để rửa ráy qua loa - tôi bỗng thấy ngượng khi người toàn nước tiểu và thứ nôn mửa. Khi tôi xong xuôi thì đã thấy cô Barbara đang khóc. “Bố mẹ cháu...” cô bắt đầu nói. Tôi lại cảm thấy mình sắp nôn ra đến nơi. Chúa ơi, bố mẹ tội nghiệp của tôi. Những gì họ phải trải qua. “Họ có ở đây không ạ?” “Không,” cô nói. “Sự việc rất phức tạp.” “Sao cơ?” “Cháu vẫn đang bị bắt, Marcus à. Tất cả mọi người ở đây cũng thế. Họ không thể cứ thế tràn vào và mở tung các cánh cửa ra. Tất cả mọi người ở đây đều sẽ phải tuân thủ đúng các bước trong hệ thống tư pháp hình sự. Và việc này, ờ, có thể mất tới vài tháng.” “Cháu sẽ phải ở đây vài tháng nữa ư?” Cô nắm lấy tay tôi. “Không, cô nghĩ chúng ta có thể giúp cháu nhanh chóng được xét xử rồi bảo lãnh cháu ra. Nhưng nhanh chóng chỉ là một từ mang tính tương đối. Cô không hy vọng có điều gì sẽ xảy ra hôm nay. Những người kia cũng không có vẻ gì là sẽ khác cháu. Sẽ rất nhân đạo. Sẽ có thức ăn theo đúng nghĩa thức ăn. Không có tra khảo. Gia đình được đến thăm. “DHS bị loại bỏ không có nghĩa là cháu có thể ung dung ra khỏi đây. Điều chúng ta đang làm bây giờ là dỡ bỏ phiên bản quái gở, vô phép tắc của hệ thống tư pháp mà bọn chúng đã xây dựng nên và thay thế bằng hệ thống cũ. Hệ thống có quan tòa, xét xử công khai và có luật sư. “Chúng ta có thể cố gắng chuyển cháu đến một nơi giam giữ dành cho trẻ vị thành niên trên đất liền, nhưng Marcus ạ, những nơi đó có thể thực sự rất khắc nghiệt. Rất, rất khắc nghiệt. Đây có thể là nơi tốt nhất dành cho cháu trước khi cháu được bảo lãnh ra ngoài.” Được bảo lãnh ư? Phải rồi. Tôi là một tên tội phạm cơ mà - tôi vẫn chưa bị kết án, nhưng chắc chắn có cả đống tội danh bọn họ có thể nghĩ ra cho tôi. Trên thực tế, sẽ là bất hợp pháp nếu có bất cứ ý nghĩ tiêu cực nào về chính phủ cơ mà. Cô Barbara lại siết chặt tay tôi. “Điều này thật tệ hại, nhưng buộc phải vậy. Điều quan trọng là nó đã kết thúc. Thống đốc đã hất cẳng DHS ra khỏi bang, giải tán tất cả các trạm kiểm soát. Bộ trưởng bộ Tư pháp đã ban hành trát bắt giữ bất kỳ cơ quan hành pháp nào dính líu đến vụ ‘tra khảo bằng cách gây áp lực’ và bắt giữ người bí mật. Bọn chúng sẽ phải vào tù, Marcus ạ, và đó là nhờ những gì cháu đã làm.” Tôi chết lặng. Tôi đã rõ từng từ, nhưng chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì một lý do nào đó, nó đã kết thúc, nhưng nó vẫn chưa kết thúc. “Nghe này,” cô nói. “Có lẽ chúng ta có khoảng một đến hai tiếng trước khi vụ hôm nay được dàn xếp, trước khi bọn chúng quay lại và tống cháu trở lại tù. Cháu muốn gì nào? Đi dạo trên bãi biển? Ăn một bữa? Chúng có một phòng dành cho nhân viên rất tuyệt - bọn cô đã vào phòng này trên đường đến đây. Cực đỉnh.” Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra câu trả lời. “Cháu muốn tìm Ange. Cháu muốn tìm Darryl.” Tôi cố gắng dùng cái máy tính mà tôi tìm được để truy ra số xà lim của họ, nhưng để làm được điều này phải có mật khẩu, vậy nên chúng tôi buộc phải đi dọc hành lang, kêu tên họ. Đằng sau những cánh cửa xà lim, tù nhân gào thét vào mặt chúng tôi, hoặc khóc lóc, cầu xin chúng tôi thả họ ra. Họ không hiểu điều gì vừa mới xảy ra, không thể nhìn thấy bọn lính trước đó vừa canh gác họ đã bị còng tay dồn lại tại bến tàu, bị đội đặc nhiệm của bang California giải đi. “Ange!” tôi gọi ầm lên, “Ange Carvelli! Darryl Glover! Marcus đây!” Chúng tôi đã đi hết chiều dài của dãy xà lim nhưng vẫn không có ai trả lời. Tôi thấy phát khóc lên được. Họ đã bị tàu chở ra khơi - họ đang ở Syria hoặc có thể tệ hơn nữa. Tôi sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy họ nữa. Tôi ngồi bệt xuống và dựa lưng vào tường hành lang, hai tay bưng mặt. Tôi nhìn thấy gương mặt của mụ Tóc Bằng, nhìn thấy mụ ta cười tự mãn khi hỏi tài khoản đăng nhập của tôi. Chính mụ đã gây ra điều này. Mụ sẽ bị tống vào tù, nhưng thế vẫn chưa đủ. Tôi mà gặp lại mụ, tôi sẽ giết mụ. Mụ đáng bị như vậy. “Thôi nào,” cô Barbara nói, “Thôi nào Marcus. Đừng bỏ cuộc. Còn có nhiều xà lim nữa ở quanh đây, đi nào.” Cô ấy nói đúng. Tất cả những cánh cửa chúng tôi vừa đi qua của dãy xà lim này đều đã cũ, hoen gỉ, có từ hồi nơi này mới được xây dựng. Nhưng ở phía cuối hành lang là một cánh cửa an ninh tối tân dày ngang một cuốn đại từ điển đang mở hé. Chúng tôi đẩy cửa và đánh liều đi vào dãy hành lang tối om bên trong. Thêm nhiều cửa xà lim nữa ở đây, những cánh cửa không có mã vạch. Mỗi cánh cửa đều có một hốc để cắm chìa khóa điện tử. “Darryl?” tôi gọi. “Ange?” “Marcus?” Là Ange, gọi tôi từ sau cánh cửa xa nhất. Ange, Ange của tôi, thiên thần của tôi. “Ange!” tôi la lên. “Là anh, anh đây!” “Ôi Chúa ơi, Marcus,” cô nghẹn lại và rồi khóc nức nở. Tôi đập thình thình vào những cánh cửa khác. “Darryl! Darryl! Cậu có ở đó không?” “Tớ đây.” Giọng nói đó rất nhỏ, và khàn đục. “Mình ở đây. Mình rất, rất xin lỗi. Làm ơn. Mình rất xin lỗi.” Giọng nó nghe có vẻ... suy sụp. Tan nát. “Mình đây, D,” tôi nói, áp người vào cánh cửa phòng giam của nó. “Marcus đây. Qua hết rồi - họ đã bắt đám lính canh rồi. Họ đã đá đít DHS đi rồi. Chúng ta sẽ được xét xử, xét xử công khai. Và chúng ta sẽ biện hộ chống lại bọn chúng.” “Mình xin lỗi,” nó lặp lại. “Làm ơn, mình rất xin lỗi.” Đúng lúc đó thì cảnh sát tuần tra California đi đến chỗ cánh cửa. Họ vẫn để cho máy quay hoạt động. “Cô Stratford?” một người trong số họ nói. Ông cởi mặt nạ, trông ông giống bất kỳ cảnh sát nào khác, chứ không giống như người vừa cứu sống tôi. Giống một người đến để còng tôi lại. “Đội trưởng Sanchez,” cô nói. “Chúng tôi đã xác định được vị trí của hai tù nhân đang được quan tâm ở đây. Tôi mong họ được thả ra và tôi có thể kiểm tra tình hình của họ.” “Thưa cô, chúng tôi không có mã truy cập để mở những cánh cửa này,” ông nói. Cô giơ tay lên. “Đó không phải là thỏa thuận. Tôi phải có toàn quyền tiếp cận cơ sở này. Đây là lệnh trực tiếp từ Thống đốc, thưa ngài. Chúng tôi sẽ không nhúc nhích chừng nào ông chưa mở được những xà lim này.” Nét mặt cô trước sau như một, không hề có dấu hiệu nào của sự nhượng bộ hay đổi ý. Cô không hề dọa. Có vẻ như ngài Đội trưởng cần một giấc ngủ. Ông nhăn nhó. “Tôi sẽ xem có thể làm được gì.” Cuối cùng họ cũng tìm được cách mở xà lim sau chừng nửa tiếng đồng hồ. Mất ba lần thử, nhưng rốt cuộc họ cũng nhập được mã số đúng, khớp chúng với thẻ RFID trên phù hiệu nhận dạng mà họ lấy được từ những tên lính bị bắt giữ. Họ mở xà lim của Ange đầu tiên. Cô mặc quần áo bệnh viện, hở phía sau lưng, xà lim của cô còn trống trải hơn của tôi - chỉ lót đệm, không chậu rửa hay giường chiếu gì, không ánh sáng. Cô nheo mắt nhìn ra ngoài hành lang và máy quay của cảnh sát chiếu vào cô, rọi ánh sáng lên mặt cô. Barbara bước lên che chúng tôi khỏi máy quay. Ange ngập ngừng bước ra khỏi xà lim, hơi lúng túng. Có gì đó không ổn với đôi mắt của cô, với nét mặt của cô. Cô đang khóc, nhưng đó không phải lý do. “Chúng đánh thuốc em. Vì em không ngừng kêu gào đòi gặp luật sư,” cô nói. Tôi ôm chầm lấy cô. Cô hơi lùi lại nhưng rồi cũng siết chặt lấy tôi. Người cô bốc mùi hôi thối và ướt đẫm mồ hôi, còn tôi cũng chẳng thơm tho gì hơn. Tôi không bao giờ muốn rời cô nữa. Đúng lúc đó thì họ mở được xà lim của Darryl. Nó đã xé vụn cái áo giấy bệnh viện. Nó trần truồng, đầu tóc bù xù, đang ở tít góc xà lim, tránh khỏi máy quay và ánh mắt của chúng tôi. Tôi lao đến chỗ nó. “D,” tôi thì thầm vào tai nó. “D, mình đây. Marcus đây. Kết thúc rồi. Bọn lính đã bị bắt. Chúng ta sẽ được bảo lãnh, chúng ta sắp được về nhà rồi.” Nó run lên và nhắm nghiền mắt lại. “Mình xin lỗi,” nó thì thầm, rồi ngoảnh mặt đi. Sau đó họ dẫn tôi đi, một cảnh sát mặc áo giáp cùng với Barbara đã đưa tôi về xà lim của mình và khóa cửa lại, tôi phải qua đêm ở đó. Tôi không nhớ rõ lắm về chuyến đi đến tòa án. Họ xích tôi chung với năm tù nhân nữa, bọn họ đều ở trong tù lâu hơn tôi nhiều. Trong số họ có duy nhất một người nói tiếng Ả Rập - đó là một người trung niên, và ông ấy run lẩy bẩy. Những người khác đều trẻ. Tôi là người da trắng duy nhất. Khi chúng tôi đã được giải lên boong của chiếc phà, tôi nhận ra rằng hầu như tất cả mọi người trên đảo Kho Báu đều là người da màu. Tôi chỉ ở trong đó có một đêm, nhưng như vậy cũng là quá lâu. Trời lắc rắc vài hạt mưa, thường thì nó sẽ làm tôi phải khom vai và cúi mặt xuống, nhưng hôm nay tôi cùng với tất cả những người khác đều ngẩng mặt lên bầu trời xám xịt bất tận, hân hoan trong cái cảm giác ướt nhẹp ran rát khi chúng tôi đi qua vịnh để xuống boong phà. Họ đưa chúng tôi đi bằng xe buýt. Những chiếc còng khiến việc leo lên xe buýt trở nên khó nhọc, và phải mất một lúc lâu mọi người mới lên hết. Chẳng ai bận tâm. Khi không vật lộn để giải quyết vấn đề mang tính hình học gồm sáu người, một dây xích, lối đi chật hẹp, chúng tôi ngắm nhìn thành phố xung quanh, ngắm nhìn những tòa nhà trên đồi. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là tìm Darryl và Ange, nhưng không thấy tăm hơi của cả hai đâu. Đoàn người rất đông và chúng tôi không được phép di chuyển tự do. Những người lính áp giải chúng tôi cũng nhã nhặn, nhưng dù sao họ vẫn to lớn, mặc áo giáp và được trang bị vũ khí. Tôi liên tục tưởng là đã nhìn thấy Darryl trong đám đông, nhưng đó luôn là một ai khác cũng với dáng vẻ tiều tụy, lom khom của thằng bạn tôi trong xà lim hôm ấy. Nó không phải là người duy nhất suy sụp. Tại tòa án, họ dẫn từng nhóm bị xích chung vào các phòng thẩm vấn. Một luật sư từ Liên đoàn quyền tự do công dân Mỹ (1) lấy lời khai và hỏi chúng tôi vài câu hỏi - khi đến cạnh tôi, cô ấy mỉm cười và chào tôi bằng tên riêng - rồi sau đó dẫn chúng tôi đi vào phòng xử án, đứng trước thẩm phán. Vị thẩm phán mặc một chiếc áo choàng và hình như đang trong tâm trạng tốt. Có vẻ như thỏa thuận ở đây là ai có thành viên gia đình đến nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự do, tất cả những người còn lại sẽ vào tù. Liên đoàn quyền tự do công dân Mỹ phải thuyết phục vị thẩm phán rất lâu để có thêm vài tiếng nữa trong khi nhân thân của tù nhân được triệu tập và đưa tới phòng xử án. Vị thẩm phán đồng ý với đề nghị này, nhưng khi tôi nhận ra rằng vài người trong số những tù nhân này đã bị bắt giam sau khi chiếc cầu bị nổ tung, bị gia đình mình coi như đã chết, không hề được xét xử, và bị tra khảo, giam cách ly, tra tấn - tôi chỉ muốn tự mình đập tan xiềng xích để tất cả được tự do. Khi tôi được đưa tới trước vị thẩm phán, ông ta nhìn tôi và bỏ kính xuống. Ông ta trông có vẻ mệt mỏi. Luật sư của ACLU cũng có vẻ mệt mỏi. Nhân viên chấp hành cũng có vẻ mệt mỏi. Phía sau mình, tôi có thể nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm rộ lên khi chấp hành viên gọi tên tôi. Vị thẩm phán gõ búa một lần nhưng vẫn không rời mắt khỏi tôi. Ông ta dụi mắt. “Ông Yallow,” ông ta nói, “bên nguyên cho rằng bị cáo là mối nguy hại đối với các chuyến bay. Tôi nghĩ họ có lý. Chắc hẳn bị cáo còn có nhiều tiền án hơn những người ở đây. Tôi muốn giữ bị cáo lại để xét xử, không cần biết bố mẹ của bị cáo nộp bao nhiêu tiền bảo lãnh đi chăng nữa.” Luật sư của tôi bắt đầu nói gì đó, nhưng vị thẩm phán đã đưa mắt buộc cô ta im lặng. Ông ta lại dụi mắt thật mạnh. “Bị cáo có gì để nói không?” “Tôi đã có cơ hội để chạy trốn,” tôi nói. “Đó là vào tuần trước. Có người đã đề nghị đưa tôi đi ra khỏi thành phố, giúp tôi có một danh tính khác. Thay vì bỏ trốn, tôi đã lấy trộm điện thoại của cô ta, trốn khỏi chiếc xe và bỏ chạy. Tôi đưa chiếc điện thoại lưu giữ bằng chứng về bạn tôi, Darryl Glover, cho một phóng viên rồi lẩn trốn trong thành phố.” “Bị cáo lấy trộm một chiếc điện thoại?” “Tôi đã quyết định rằng tôi không thể trốn chạy. Tôi phải đối mặt với công lý... sự tự do của tôi không có nghĩa lý gì khi tôi là một người bị truy nã, hay khi thành phố vẫn chịu sự kiểm soát của Cục An ninh Nội địa. Khi bạn bè tôi vẫn bị bắt giam. Sự tự do của cá nhân tôi không quan trọng bằng sự tự do của cả đất nước.” “Nhưng đúng là bị cáo đã ăn trộm điện thoại?” Tôi gật đầu. “Đúng vậy. Tôi định trả nó lại nếu tôi tìm được người phụ nữ trẻ cần tìm.” “Cám ơn phần trả lời của anh, anh Yallow. Anh là một chàng trai trẻ rất có khiếu ăn nói.” Ông ta nhìn trừng trừng vào công tố viên. “Có người cũng sẽ nói anh là một chàng trai trẻ dũng cảm. Trên bản tin sáng nay có phát một đoạn phim. Nó cho thấy anh có một lý do hợp pháp nào đó để lẩn trốn các nhà chức trách. Xét thực tế như vậy, và thêm bài diễn văn nho nhỏ của anh vừa rồi, tôi sẽ cho phép anh được bảo lãnh, nhưng tôi cũng sẽ yêu cầu công tố viên thêm vào cả hình phạt trộm cắp mức độ nhẹ, với trường hợp của chiếc điện thoại. Vì vậy, anh sẽ phải mất thêm 50.000 đô la tiền bảo lãnh.” Ông ta lại gõ nhẹ cái búa, và luật sư của tôi siết chặt lấy tay tôi. Vị thẩm phán nhìn xuống tôi một lần nữa và lại đeo kính lên. Vai áo ông ta lấm tấm gàu. Một ít nữa rơi xuống khi cặp kính chạm vào mái tóc thô xoăn. “Giờ anh có thể đi, chàng trai. Hãy tránh xa những chuyện phiền toái.” Tôi quay gót và có ai đó ôm chầm lấy tôi. Đó là bố. Ông nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất, ôm tôi chặt đến nỗi xương sườn tôi kêu cọt kẹt. Bố ôm tôi theo cách ông vẫn ôm tôi hồi tôi bé xíu, khi ông quay tròn tôi trong trò chơi máy bay vui nhộn nhưng buồn nôn; bố tung tôi lên không trung và bắt tôi lại rồi siết chặt lấy tôi cũng như thế này, chặt đến nỗi làm tôi đau nhói. Một đôi tay dịu dàng hơn nhẹ nhàng gỡ tôi ra khỏi vòng tay của bố. Mẹ. Bà dang rộng vòng tay ôm tôi một lúc, chạm vào mặt tôi như tìm kiếm thứ gì đó, bà không nói gì, nước mắt tuôn rơi. Mẹ vừa cười vừa khóc nức nở vừa ôm tôi, vòng tay của bố bao bọc lấy cả hai mẹ con. Khi hai người buông tôi ra, rốt cuộc tôi cũng xoay xở nói được gì đó, “Darryl sao rồi?” “Bố đã gặp bố cậu ấy. Cậu ấy đang trong bệnh viện.” “Khi nào con có thể gặp nó?” “Bây giờ chúng ta sẽ đến đó,” ông trả lời. Vẻ mặt ông thật đáng sợ. “Cậu ấy không...” ông dừng lại. “Họ nói cậu ấy sẽ ổn thôi,” giọng ông nghẹn lại. “Thế còn Ange?” “Mẹ cô bé đã đưa cô bé về nhà. Cô bé muốn ở đây chờ con, nhưng...” Tôi hiểu. Hoàn toàn hiểu, hiểu cảm giác của các gia đình có người thân bị giam cầm ở một nơi xa xôi. Phòng xử án đẫm nước mắt và nhiều cái ôm siết, ngay cả nhân viên tòa án cũng không ngăn được họ. “Đi thăm Darryl thôi,” tôi nói. “Cho con mượn điện thoại của bố được không ạ?” Tôi gọi cho Ange trên đường đến bệnh viện nơi Darryl đang nằm - bệnh viện Đa khoa San Francisco, ở ngay cuối phố - và hẹn gặp cô sau bữa tối. Cô nói bằng một giọng thì thầm rất vội vàng. Mẹ cô còn đang băn khoăn không biết có nên trừng phạt cô hay không, nhưng Ange không muốn liều mạng. Có hai cảnh sát tuần tra cao tốc ở hành lang nơi Darryl đang được canh gác. Họ ngăn các phóng viên đang kiễng chân nhìn ngó và chụp ảnh. Đèn flash cứ rọi liên hồi vào mắt chúng tôi như đèn nhấp nháy, tôi lắc đầu để tỉnh táo. Bố mẹ tôi đem theo quần áo sạch cho tôi và tôi đã thay ở ghế sau của xe, nhưng tôi vẫn còn thấy kinh tởm, ngay cả sau khi tôi đã tắm rửa trong phòng tắm của nơi xử án. Một trong các phóng viên gọi tên tôi. Ối chà, phải rồi, giờ tôi nổi tiếng rồi. Hai viên cảnh sát đang đứng gác cũng nhìn tôi, họ đã nhận ra mặt tôi hoặc tên tôi khi mấy tay phóng viên réo nó lên. Bố Darryl gặp chúng tôi ở cửa phòng, chỉ thì thầm để đám phóng viên không thể nghe thấy. Ông mặc thường phục, quần jean và áo len mà tôi thường thấy ông mặc, nhưng trên ngực ông đính huân chương phục vụ. “Nó vẫn đang ngủ,” ông nói. “Khi nãy nó tỉnh dậy và bắt đầu gào. Nó gào mãi không ngừng được. Họ cho nó uống thuốc giúp nó ngủ.” Ông dẫn chúng tôi vào. Mái tóc Darryl sạch sẽ chải chuốt, nó đang há mồm ra ngủ. Có thứ gì đó màu trắng ở góc miệng nó. Phòng nó nằm là loại phòng chăm sóc riêng dành cho hai người, trên giường còn lại là một người Ả Rập lớn tuổi, khoảng tứ tuần. Tôi nhận ra đó chính là người đã bị xích cùng tôi trên đường rời khỏi đảo Kho Báu. Chúng tôi chào nhau bằng những cái vẫy tay ngượng nghịu. Tôi quay sang Darryl. Tôi cầm tay nó lên. Móng tay đã bị gặm đến tận thịt. Nó có thói cắn móng tay từ nhỏ, nhưng đã bỏ từ khi vào trung học. Tôi nghĩ Van đã thuyết phục nó rằng thật gớm khi suốt ngày cứ cho móng tay vào miệng. Tôi nghe thấy tiếng bố mẹ tôi và bố Darryl đi ra chỗ khác, kéo rèm xung quanh chúng tôi. Tôi cúi sát mặt nó trên gối. Bộ râu lởm chởm của nó làm tôi nhớ đến Zeb. Nó đang ngáy khe khẽ. Suýt nữa thì tôi nói “Mình yêu cậu,” câu mà tôi chưa bao giờ nói với người nào không thuộc gia đình mình, thật kỳ cục khi nói vậy với một đứa con trai khác. Cuối cùng tôi chỉ siết chặt tay nó. Darryl thật đáng thương. Chú thích: 1. ACLU (American Communist Lawyers Union) là một tổchức quốc gia, phi lợi nhuận, phi đảng phái với hơn 500.000 thành viên, có mục tiêu là bảo vệ nguyên lý quyền tự do và bình đẳng thể hiện trong Hiến pháp và Luật Nhân quyền. phần kết cuối tuần, ngày 4 tháng Bảy, cô Barbara gọi đến văn phòng cho tôi. Tôi không phải là người duy nhất đi làm vào ngày nghỉ cuối tuần, nhưng tôi là kẻ duy nhất lấy cớ chương trình cải tạo hàng ngày của tôi không cho phép tôi rời thành phố. Cuối cùng, họ kết án tôi vì tội ăn trộm điện thoại của Masha. Bạn có tin nổi điều này không? Công tố viên đã thỏa thuận với luật sư của tôi để giảm những án liên quan đến “khủng bố điện tử” và “xúi giục bạo động”, đổi lại tôi bị khép tội trộm cắp vặt. Tôi phải dành ba tháng cải tạo hàng ngày trong một cơ sở tái hòa nhập cộng đồng. Tôi ở trong ký túc xá dành cho tội phạm vị thành niên tại khu Mission. Tôi ngủ ở ký túc xá, chung phòng ngủ tập thể với một lũ tội phạm thực thụ, bọn băng đảng, bọn nghiện ngập, vài đứa điên. Cả ngày tôi được “tự do” ra ngoài và “đi làm”. “Marcus, họ sẽ thả cô ta ra đấy,” cô nói. “Ai cơ ạ?” “Johnstone, Carrie Johnstone,” cô trả lời. “Tòa án binh kín xử cô ta trắng án. Hồ sơ đã được khép lại. Bà ta lại được phái đi nghĩa vụ. Họ cho bà ta đến I Rắc.” Carrie Johnstone là tên của mụ Tóc Bằng. Lúc đầu, nghe nói bà ta bị xét xử ở Tòa án Tối cao California, nhưng cũng chỉ biết được đến thế thôi. Bà ta không hé một lời về việc bà ta làm theo lệnh của ai, đang làm những gì, ai đã bị bắt giam và tại sao. Bà ta chỉ ngồi một chỗ, tuyệt đối im lặng, ngày qua ngày, tại phòng xử án. Cùng lúc đó, Cục dự trữ liên bang lớn tiếng phản đối việc Chính phủ đã “đơn phương và bất hợp pháp” cho đóng cửa cơ sở trên đảo Kho Báu, và việc ngài Thống đốc đã buộc cảnh sát phục vụ Cục dự trữ liên bang phải rời San Franciso. Rất nhiều trong số những cảnh sát này cùng với lính canh tại Gitmo-bên-bờ-Vịnh đã phải bóc lịch trong các nhà tù của bang. Ngày hôm trước còn chưa có bất cứ tuyên bố nào từ Nhà Trắng hay từ chính quyền bang. Vậy mà ngay hôm sau đã có một cuộc họp báo khô khan, căng thẳng được phối hợp tổ chức tại bậc thềm của dinh thự dành cho Thống đốc, tại đó, giám đốc DHS và Thống đốc bang đã tuyên bố hai bên đã “hiểu nhau”. DHS sẽ tổ chức một tòa án binh kín để điều tra về những “sai lầm có khả năng phạm phải trong sự suy xét” sau vụ tấn công Cầu Vịnh. Tòa án này sẽ vận dụng mọi công cụ trong quyền hạn của nó để đảm bảo rằng tất cả các tội ác đều bị trừng trị đích đáng. Đổi lại, việc kiểm soát hoạt động của DHS tại California sẽ phải thông qua Thượng viện của bang, nơi có quyền chấm dứt, điều tra hay tái ưu tiên vấn đề an ninh nội địa của bang. Đám phóng viên lao nhao đến nhức óc và Barbara đã đưa ra câu hỏi đầu tiên. “Ngài Thống đốc, với tất cả sự kính trọng, tôi xin đặt câu hỏi: chúng ta đã có bằng chứng không thể chối bỏ là một đoạn phim chứng minh rằng Marcus Yallow, một công dân sinh ra ở bang này, đã suýt phải lãnh một án tử hình được các sĩ quan DHS thi hành theo lệnh của Nhà Trắng. Liệu bang có sẵn sàng dẹp màn công lý giả tạo, lấy danh nghĩa bảo vệ công dân của mình này khi mà chính người dân phải đối mặt với sự tra tấn phi pháp, dã man không?” Giọng cô run lên nhưng vẫn rất mạch lạc. Thống đốc dang rộng hai tay, “Các tòa án binh sẽ thực thi công lý. Nếu anh Yallow - hay bất cứ ai khác chê trách DHS - muốn được hưởng nhiều công lý hơn nữa, thì đương nhiên anh ta có quyền kiện ra tòa vì những thiệt hại mà có thể chính phủ liên bang nợ anh ta.” Đó chính là điều mà tôi đang làm. Trong vòng một tuần sau tuyên bố của Thống đốc, hơn hai ngàn đơn kiện dân sự đã được nộp lên để chống lại DHS. Trường hợp của tôi được Hiệp hội Quyền Tự do Dân sự Mỹ đảm trách, và họ đã nộp nhiều bản đề nghị được biết kết quả của các phiên tòa quân sự kín. Cho đến nay, đoàn bồi thẩm tỏ ra khá thông cảm với trường hợp này. Nhưng tôi không hề mong đợi việc này. “Mụ ta được xử trắng án hoàn toàn?” “Báo chí cũng không đưa tin gì nhiều. ‘Sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các sự kiện tại San Francisco và tại trại giam chống khủng bố đặc biệt trên đảo Kho Báu, tòa đi đến kết luận rằng hành động của cô Johnstone sẽ không chịu thêm hình phạt nào nữa.’ Có từ ‘nào nữa’, nghe cứ như là họ đã trừng phạt cô ta rồi vậy.” Tôi khịt mũi. Gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy Carrie Johnstone kể từ khi tôi được phóng thích khỏi Gitmo-bên-bờ-Vịnh. Tôi nhìn thấy mặt mụ ta hiện ra lù lù trước mặt tôi, nụ cười gằm ghè khi mụ ta ra lệnh cho người của mụ cho tôi “uống nước”. “Marcus...” Barbara nói, nhưng tôi ngắt lời cô. “Được thôi. Được thôi. Cháu sẽ làm một đoạn phim về việc này. Tung nó lên mạng sau dịp cuối tuần này. Thứ Hai luôn là một ngày thích hợp để phát tán đoạn phim. Mọi người sẽ trở lại sau kỳ nghỉ, tìm thứ gì đấy khôi hài để gửi qua gửi lại trong trường hay văn phòng.” Tôi phải gặp bác sĩ tâm thần hai lần một tuần như một phần thỏa thuận tại cơ sở tái hòa nhập. Khi tôi không còn nhìn nhận việc này như là một hình phạt nữa thì thực ra nó lại có cái hay. Ông ấy đã giúp tôi tập trung thực hiện những việc có tính xây dựng khi tôi thấy rối trí thay vì cứ chìm đắm trong cảm giác đó. Những đoạn phim sẽ có ích. “Cháu phải đi rồi,” tôi nói, nuốt khan một cách khó khăn để giọng không biểu lộ cảm xúc. “Cẩn thận nhé, Marcus,” Barbara nói. Ange ôm tôi từ phía sau khi tôi vừa gác điện thoại. “Em vừa đọc tin đó trên mạng,” cô nói. Cô đọc đến hàng triệu mục điểm tin, lập tức giật tít giật gân ngay khi tin vừa được tung ra. Cô là blogger chính thức của chúng tôi, và cô rất cừ, săn lùng những câu chuyện thú vị và đăng lên mạng như một thực đơn nhanh cho bữa sáng. Tôi quay người trong vòng tay cô để có thể ôm cô từ phía đối diện. Thật ra mà nói, ngày hôm đấy chúng tôi cũng không có nhiều việc để làm. Tôi không được phép ra khỏi cơ sở tái hòa nhập sau bữa tối, và cô cũng không thể đến thăm tôi. Chúng tôi gặp nhau gần chỗ văn phòng, nhưng thường có rất nhiều người xung quanh, điều này thực sự phá đám giây phút riêng tư của chúng tôi. Cả ngày ở trong văn phòng thật là quá cám dỗ. Đã vậy trời lại còn oi bức ngột ngạt, có nghĩa là chúng tôi đều mặc áo phông và quần ngắn, có rất nhiều động chạm da thịt khi chúng tôi làm việc bên nhau. “Anh sắp sửa làm một đoạn phim,” tôi nói. “Anh muốn tung nó ra hôm nay.” “Hay quá,” cô nói. “Làm thôi.” Ange ngồi đọc thông cáo báo chí. Tôi làm một đoạn độc thoại ngắn, ghép đoạn phim nổi tiếng về tôi về vụ ván và nước, cặp mắt điên dại trong ánh sáng chói lòa của máy quay phim, nước mắt giàn giụa trên mặt, tóc bết lại và dính lẫn thức ăn nôn ra. “Đây chính là tôi. Tôi đang chịu hình thức tra khảo ván và nước. Tôi đang bị tra tấn bằng biện pháp hành hình giả. Một người phụ nữ tên Carrie Johnstone đã giám sát buổi tra tấn này. Bà ta làm việc cho chính phủ. Bạn có thể nhận ra bà ta từ đoạn phim sau đây.” T ôi dán đoạn phim có Johnstone và Kurt Rooney vào. “Đó chính là Johnstone và Ngoại trưởng Kurt Rooney, trưởng ban chiến lược của tổng thống.” “Đất nước không ưa gì thành phố này. Đối với đất nước, nó như là hai thành phố Sodom và Gomorrah(1) chỉ toàn là những kẻ bạc nhược và vô thần xứng đáng xuống địa ngục. Lý do duy nhất mà đất nước quan tâm về những điều mà những người ở San Francisco nghĩ là vì họ có vinh dự được bọn khủng bố Hồi giáo cho nổ tung.” “Ông ta đang nói về thành phố mà tôi đang sống. Theo thống kê gần đây nhất thì 4.215 người hàng xóm của tôi đã chết vào cái ngày mà ông ta đang nói tới. Nhưng một số có thể chưa chết. Một số biến mất và xuất hiện ở đúng nhà tù nơi tôi bị tra tấn. Một số bố mẹ, con cái, người yêu, anh chị em sẽ không bao giờ được gặp lại người mà họ yêu thương nữa - bởi vì họ đã bị tống giam bí mật tại một nhà tù bất hợp pháp ngay tại Vịnh San Francisco. Họ bị tàu chở ra ngoài biển. Có hồ sơ rất chi tiết, nhưng Carrie Johnstone lại nắm giữ chìa khóa mã.” Tôi cắt đoạn phim Carrie Johnstone đang ngồi trên bàn ăn với Rooney, cười nói ầm ĩ. Tôi dán nó vào đoạn phim Johnstone bị bắt giữ. “Khi họ bắt bà ta, tôi cứ nghĩ là chúng ta sẽ đạt được công lý. Tất cả những người đã bị bà ta hủy hoại và làm cho biến mất. Nhưng tổng thống...” - tôi cho vào cảnh ông ta đang cười đùa khi chơi gôn tại một trong số vô vàn kỳ nghỉ của ông ta - “... và vị Trưởng ban chiến lược của ông ta...” - bây giờ là hình ảnh Rooney đang bắt tay với một tên cầm đầu khủng bố khét tiếng đã từng ở “cùng phe” với chúng tôi - “... Họ chuyển bà ta đến một tòa án quân sự kín và bây giờ thì tòa án đó đã xóa tội cho bà ta. Bằng cách nào đó, họ đã nhìn nhận rằng chẳng có gì sai trái trong toàn bộ việc này.” Tôi cho vào một tấm ảnh được ghép từ hàng trăm gương mặt của những tù nhân trong xà lim đã được Barbara đăng trên Bay Guardian vào cái ngày mà chúng tôi được thả. “Chúng ta đã bầu ra những con người này. Chúng ta trả lương cho họ. Đáng lẽ họ phải đứng về phía chúng ta. Họ phải bảo vệ tự do của chúng ta. Nhưng những con người này...” - một loạt ảnh của Johnstone và những kẻ khác cũng bị giải đến tòa án - “... đã phản bội niềm tin của chúng ta. Chỉ còn bốn ngày nữa là đến ngày bầu cử. Vẫn còn nhiều thời gian. Đủ để các bạn có thể tìm ra năm người hàng xóm - năm người từ chối bỏ phiếu, bởi vì sự lựa chọn của họ ‘không phải là những lựa chọn trên’. “Hãy nói chuyện với hàng xóm của các bạn. Thuyết phục họ hứa sẽ bầu cử. Thuyết phục họ hứa sẽ mang đất nước ra khỏi những kẻ tra tấn và những kẻ sát nhân. Những kẻ cười nhạo vào bạn bè của tôi khi mà thân thể họ còn chưa kịp phân hủy nơi đáy cảng. Hãy thuyết phục họ hứa rằng cũng sẽ nói điều này với hàng xóm của họ. “Phần lớn chúng ta không chọn gì trong những điều trên. Làm thế chẳng được gì cả. Nếu bạn phải chọn... hãy chọn tự do. “Tên tôi là Marcus Yallow. Tôi đã bị chính đất nước mình tra tấn, nhưng tôi vẫn yêu nó. Tôi mười bảy tuổi. Tôi muốn được lớn lên trong một đất nước tự do. Tôi muốn được sống trong một đất nước tự do.” Tôi làm mờ đi biểu tượng của trang web. Ange đã xây dựng nên trang web này, với sự giúp đỡ của Jolu, người đã cho chúng tôi sử dụng máy chủ mà chúng tôi cần khi còn ở Pigspleen. Văn phòng là một nơi khá thú vị. Về mặt chuyên môn thì chúng tôi được gọi là Liên minh cử tri vì một nước Mỹ tự do, nhưng mọi người đều gọi chúng tôi là những người của Xnet. Một tổ chức - từ thiện phi lợi nhuận - đã được đồng sáng lập bởi Barbara và một số người bạn luật sư của cô sau khi đảo Kho Báu được giải phóng. Nguồn tài trợ cho tổ chức là một số triệu phú trong lĩnh vực công nghệ, những người vốn không thể tin nổi một lũ tin tặc nhí lại có thể đá đít được DHS. Thi thoảng, họ lại yêu cầu chúng tôi đi xuôi bán đảo xuống đường Sand Hill, nơi tập trung tất cả những nhà đầu tư mạo hiểm, và thuyết trình về công nghệ Xnet. Có hàng tá các công ty khởi nghiệp muốn kiếm lời từ Xnet. Dù sao thì... tôi cũng chẳng phải dính dáng gì đến việc này, tôi có một chiếc bàn giấy và một văn phòng mặt tiền, ngay trên phố Valencia, tại đó chúng tôi phát đĩa CD ParanoidXbox và tổ chức hội thảo về cách thức chế tạo ăng ten radio WiFi sao cho hiệu quả hơn. Số người ghé qua để quyên góp cao đến mức đáng ngạc nhiên, họ mua phần cứng (bạn có thể chạy ParanoidLinux trên bất cứ thứ gì chứ không chỉ trên Xbox Universal) hoặc ủng hộ tiền mặt. Họ yêu quý chúng tôi. Kế hoạch quan trọng của chúng tôi là cho xuất bản ARG của riêng mình vào tháng Chín, đúng thời điểm bầu cử, và thực sự tạo mối liên kết giữa trò chơi và những người đăng ký chơi, lôi kéo họ vào cuộc bầu cử. Chỉ có 42% người Mỹ có mặt tại các điểm bầu cử trong vòng bỏ phiếu cuối cùng - một số lượng lớn không đi bỏ phiếu. Tôi cố gắng lôi kéo Darryl và Van tham gia một trong các buổi họp kế hoạch của chúng tôi, nhưng họ từ chối. Họ đang dành rất nhiều thời gian bên cạnh nhau, và Van quả quyết rằng việc này không dính dáng tẹo nào đến cái gọi là lãng mạn hết. Darryl không nói chuyện nhiều với tôi, mặc dù nó đã gửi cho tôi những e-mail dài dằng dặc nói chuyện trên trời dưới bể, ngoại trừ chuyện về Van hay khủng bố hay nhà ngục. Ange siết chặt tay tôi. “Chúa ơi, em ghét mụ đàn bà đó.” Tôi gật đầu. “Chỉ là một thứ thối nát nữa mà đất nước này đã mang đến cho I rắc,” tôi nói. “Nếu họ cử bà ta đến thành phố của chúng ta, có lẽ anh sẽ trở thành một tên khủng bố mất.” “Thì anh đã trở thành một gã khủng bố khi họ cử bà ta đến thành phố của chúng ta còn gì.” “Đúng thế,” tôi nói. “Thứ Hai này anh có định đến nghe phiên chất vấn của cô Galvez không?” “Có chứ.” Tôi đã giới thiệu Ange với cô Galvez hai tuần trước, khi cô mời tôi đến ăn tối. Liên đoàn giáo viên đã triệu tập một phiên chất vấn dành cho cô trước khi ủy ban Trường học khu vực thống nhất bàn luận để trao lại cho cô công việc cũ. Họ nói rằng thầy Fred Benson sẽ về hưu (non) để phản đối cô. Tôi rất mong sẽ được gặp lại cô ấy. “Anh có muốn đi ăn burrito không?” “Dĩ nhiên rồi.” “Để em đi lấy tương cay của em,” cô nói. Tôi kiểm tra hộp thư lần nữa, hộp thư Pirate Party, trong đó vẫn có một vài tin nhắn từ các thành viên Xnet cũ vì họ chưa tìm được địa chỉ trong Liên minh Cử tri của tôi. Tin nhắn cuối cùng được gửi từ một địa chỉ dùng một lần rồi bỏ của một người Brazil nặc danh xa lạ. > Đã tìm thấy cô ta, cám ơn nhé. Cậu chẳng chịu nói với tôi là cô ấy thật quy3n rũ. “Thư của ai đấy?” Tôi cười. “Zeb đấy,” tôi nói. “Em có nhớ Zeb không? Anh đưa cho anh ấy địa chỉ e-mail của Masha. Anh thấy là nếu cả hai bọn họ đều sống ngoài vòng pháp luật thì tốt nhất nên giới thiệu họ với nhau. “Anh ấy nghĩ Masha dễ thương á?” “Tha cho anh ấy đi, đầu óc của anh ấy cũng bị méo mó bởi hoàn cảnh mà.” “Thế còn anh thì sao?” “Anh á?” “Yeah... đầu óc anh có bị méo mó bởi hoàn cảnh không?” Tôi dang tay hết cỡ ôm lấy Ange và nhìn cô từ đầu xuống chân. Tôi nựng má cô và nhìn vào đôi mắt to tinh nghịch của cô qua mắt kính gọng dày. Tôi lùa tay vào mái tóc cô. “Ange, cả đời anh, anh chưa bao giờ sáng suốt hơn lúc này.” Cô đặt nụ hôn lên môi tôi, và tôi hôn lại, rồi chúng tôi ra ngoài để ăn bánh burrito. Chú thích: 1. Sodom và Gomorrah là hai thành phố bị Chúa hủy diệt trong Kinh thánh. Lời bạt của Bruce Schneier(1) tôi là một chuyên gia công nghệ bảo mật. Công việc của tôi là đảm bảo sao cho thông tin của mọi người được an toàn. Tôi suy nghĩ về các hệ thống an ninh và cách để phá được chúng. Sau đó là cách để khiến chúng an toàn hơn. Hệ thống bảo mật máy tính. Hệ thống giám sát. Hệ thống an toàn máy bay, máy bầu cử, chip RFID và tất cả những thiết bị khác. Cory đã mời tôi đóng góp vài trang cuối trong cuốn sách của anh ấy vì muốn tôi nói với các bạn rằng hoạt động bảo mật rất vui. Nó cực kỳ vui. Giống như mèo và chuột, ai có thể thông minh hơn ai, thú vui của kẻ đi săn này chống lại người đi săn kia. Tôi nghĩ rằng đó công việc vui nhất mà bạn có thể tham gia. Nếu bạn thấy thú vị khi đọc đoạn Marcus thông minh hơn những camera nhận dạng dáng đi vì cho đá vào giày, hãy nghĩ xem sẽ vui hơn đến mức nào nữa nếu bạn là người đầu tiên trên thế giới nghĩ ra việc này. Làm việc về bảo mật nghĩa là biết rất nhiều về công nghệ. Nó có thể đồng nghĩa với việc biết về máy tính và mạng, hoặc camera và cách thức hoạt động của chúng, hay nguyên lý hóa học của việc dò bom. Nhưng thực sự thì bảo mật là tư duy. Đó là một lối tư duy. Marcus là ví dụ điển hình cho lối tư duy này. Cậu ấy luôn tìm kiếm những lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, tôi cá rằng cậu sẽ không vào một cửa hàng mà không tìm được một cách để ăn trộm. Không phải vì cậu sẽ làm thế - có một sự khác biệt giữa việc biết làm thế nào để đánh bại một hệ thống bảo mật và việc thực sự đánh bại nó - nhưng cậu ấy biết rằng mình có thể làm thế. Đó là cách tư duy của những người làm công tác bảo mật. Chúng tôi liên tục xem xét các hệ thống an ninh và làm thế nào để qua mặt chúng; chúng tôi không thể cưỡng lại được suy nghĩ này. Kiểu tư duy này rất quan trọng cho dù bạn ở phía nào của an ninh. Nếu bạn được thuê để thiết kế một cửa hàng không có trộm vặt, trước tiên bạn phải biết ăn trộm. Nếu bạn đang thiết kế một hệ thống camera có thể dò được dáng đi của từng người, bạn phải tính tới việc mọi người sẽ cho đá vào giày. Bởi vì nếu không như vậy, bạn sẽ không thể tạo ra được cái gì hay ho cả. Thế nên, khi bạn lang thang đâu đó, hãy dành một lúc để quan sát hệ thống an ninh quanh mình. Hãy nhìn những camera trong cửa hàng mà bạn mua đồ. (Chúng có phát hiện được tội phạm không hay chỉ để làm cảnh?) Hãy xem cách một nhà hàng hoạt động. (Nếu bạn trả tiền sau khi ăn, tại sao người ta không thể cứ thế bỏ đi mà không trả tiền?) Hãy chú ý tới hệ thống an ninh ở sân bay (Làm cách nào bạn có thể mang vũ khí lên máy bay?) Hãy quan sát nhân viên ngân hàng làm việc. (An ninh ngân hàng được thiết kế để tránh cho nhân viên ăn cắp cũng như tránh bạn ăn cắp.) Hãy nghiên cứu một tổ kiến. (Côn trùng cũng có hệ thống bảo mật.) Hãy đọc Hiến pháp, và chú ý đến tất cả những cách mà Hiến pháp bảo vệ người dân trước chính phủ. Hãy nhìn đèn giao thông, khóa cửa, hệ thống an ninh trên ti vi và phim ảnh. Hãy nghĩ xem chúng hoạt động ra sao, chúng ngăn chặn nguy cơ gì và không ngăn chặn nguy cơ gì, chúng thất bại ra sao, và có thể khai thác chúng như thế nào. Hãy dành đủ thời gian cho việc này, và bạn sẽ thấy mình đang nghĩ khác về thế giới. Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng rất nhiều hệ thống an ninh ở ngoài kia thực sự không làm đúng chức năng của nó, và rằng phần lớn hệ thống an ninh quốc gia của chúng ta là một sự lãng phí tiền bạc. Bạn sẽ hiểu sự riêng tư cũng cần thiết như an ninh, chúng không đối lập nhau. Bạn sẽ không còn lo lắng về những thứ mà mọi người đều lo lắng, và bắt đầu lo nghĩ về những thứ mà những người khác thậm chí còn không nghĩ đến. Đôi lúc, bạn sẽ nhận ra có điều gì đó về an ninh mà trước giờ chưa một ai nghĩ tới. Và có thể bạn sẽ tìm được một cách mới để phá vỡ một hệ thống an ninh. Người ta chỉ mới phát minh ra trò tấn công giả mạo (phishing) cách đây có vài năm. Tôi thường xuyên kinh ngạc trước độ dễ của việc phá vỡ một số hệ thống an ninh khá tầm cỡ. Có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chủ yếu là người ta không thể nào chứng minh rằng một cái gì đó đã được an toàn. Tất cả những gì bạn phải làm là thử cố gắng bẻ gãy nó - nếu bạn thất bại, bạn biết rằng nó đủ an toàn để ngăn chặn bạn, nhưng nếu có ai đó thông minh hơn bạn thì sao? Ai đó có thể thiết kế một hệ thống an ninh mạnh đến mức chính bản thân anh ta cũng không thể phá vỡ nó. Hãy nghĩ về điều này trong một giây, vì nó không phải là một chân lý hiển nhiên. Vì không ai đủ năng lực để phân tích thiết kế bảo mật của chính mình, vì như vậy người thiết kế và người phân tích sẽ là một, vẫn những hạn chế, điểm yếu đó. Công việc của “ai đó” là phải phân tích hệ thống an ninh, bởi vì nó phải là một thứ an toàn trước những thứ mà người thiết kế nó không nghĩ tới. Điều này có nghĩa là tất cả chúng tôi phải phân tích hệ thống an ninh mà người khác thiết kế. Và thường thì, thật bất ngờ, một trong chúng tôi sẽ phá vỡ nó. Thành công của Marcus không hề gượng ép; đó là điều có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Hãy lên mạng và tìm từ “bump key”(2) hay “Bic pen Kryptonite lock”(3); bạn sẽ thấy vài câu chuyện rất thú vị về việc hệ thống an ninh tưởng như rất vững chắc này lại bị đánh bại bởi một công nghệ tương đối cơ bản. Và khi bạn làm được điều đó, hãy đảm bảo là bạn sẽ công bố nó ở một nơi nào đó trên Internet. Sự bí mật và an ninh không đi cùng nhau, dù cho có vẻ đúng là như vậy. Chỉ có những hệ thống an ninh tồi mới phải dựa vào bí mật; hệ thống an ninh tốt thì sẽ hiệu quả ngay cả khi mọi chi tiết của nó đều được công khai. Và việc công bố những điểm yếu sẽ buộc các chuyên viên thiết kế hệ thống an ninh phải nghĩ ra những cách bảo mật tốt hơn, và khiến chúng ta trở thành những người sử dụng hệ thống an ninh thông minh hơn. Nếu bạn mua một cái khóa xe đạp Kryptonite và nó có thể bị bẻ chỉ bằng một cây bút bi thì có nghĩa là bạn không được bảo vệ tương xứng với số tiền bạn bỏ ra. Và, cũng như vậy, nếu một nhóm những đứa trẻ thông minh có thể qua mặt những công nghệ chống khủng bố của DHS thì nó cũng không làm tốt công việc chống khủng bố trong thực tế. Việc đánh đổi sự riêng tư để đạt được an ninh đã đủ ngớ ngẩn; không đạt được một chút an ninh thực sự nào trong cuộc mua bán thì còn ngớ ngẩn hơn. Vậy nên hãy gập sách lại và đi thôi. Thế giới này có vô số hệ thống an ninh. Bạn thử hack một trong số chúng xem sao. Bruce Schneier www.schneier.comx Chú thích: 1. Chuyên gia an ninh mạng hàng đầu thế giới. 2. Loại chìa khóa đặc biệt có thể mở được tất cả các ổ khóa cùng loại. 3. “Bút bi khóa Kryptonite.” Khóa Kryptonite nổi tiếng vững chắc nhưng lại có thể mở khá dễ dàng (nếu biết cách) bằng một chiếc bút bi. Lời bạt của Andrew “Thỏ” Huang, Xbox Hacker acker là những người khám phá, những kẻ tiên phong trong thế giới kỹ thuật số. Bản năng của một hacker là đặt câu hỏi với những quy ước, lề thói và bị những vấn đề rắc rối quyến rũ. Bất kỳ hệ thống phức tạp nào cũng là một môn thể thao đối với các hacker; một hiệu ứng lề của việc này là sự ham thích tự nhiên của hacker đó với các vấn đề liên quan tới an ninh. Xã hội là một hệ thống lớn và phức tạp, hiển nhiên nó không phải là cấm địa đối với hacker. Kết quả là, người ta thường mang định kiến rằng các hacker là những kẻ đả phá tín ngưỡng lâu đời và những kẻ lạc loài, thách thức mọi sự bình thường của xã hội đơn giản vì lòng hiếu thắng. Khi hack Xbox vào năm 2002 trong thời gian còn học ở MIT, tôi hoàn toàn không có ý định chống đối hay gây hại cho ai; tôi chỉ làm theo sự thôi thúc tự nhiên, sự thôi thúc đã khiến tôi sửa một cái iPod bị vỡ hay khám phá những mái nhà và đường hầm ở MIT. Thật không may, sự kết hợp giữa việc không tuân theo những chuẩn mực xã hội và việc am hiểu những thứ có khả năng đe dọa người khác, chẳng hạn như cách đọc chip RFID trên thẻ tín dụng của bạn hoặc cách mở các ổ khóa, lại chính là nguyên nhân khiến người ta sợ các hacker. Tuy nhiên, động cơ của một hacker thường rất đơn giản, kiểu như “Tôi là kỹ sư bởi vì tôi thích thiết kế mọi thứ.” Mọi người thường hỏi tôi, “Tại sao cậu lại hack hệ thống bảo mật của Xbox?” Và câu trả lời của tôi rất đơn giản: Thứ nhất, tôi làm chủ những thứ mà tôi mua. Nếu ai đó cho tôi biết tôi có thể và không thể chạy cái gì trên phần cứng của mình thì tôi đã chẳng sở hữu nó. Thứ hai, bởi vì nó ở đó. Nó là một hệ thống đủ phức tạp để tạo thành một môn thể thao thú vị. Nó là một trò tiêu khiển tuyệt vời trong những đêm thức khuya để hoàn tất tấm bằng Tiến sĩ của tôi. Tôi đã gặp may. Việc tôi là một sinh viên cao học ở MIT khi hack Xbox đã hợp pháp hóa hành vi đó trong mắt của những người có liên quan. Tuy nhiên, quyền được hack không nên bị hạn chế trong giới chuyên môn. Tôi bắt đầu hack khi mới là học sinh tiểu học, tháo tung bất cứ thứ đồ điện tử nào trong tầm với, đến nỗi bố mẹ tôi phát chán không buồn nói nữa. Tôi đọc những cuốn sách về mô hình tên lửa, pháo binh, vũ khí hạt nhân và công nghệ chế tạo chất nổ mà tôi mượn được từ thư viện trường. (Tôi nghĩ Chiến tranh lạnh đã ảnh hưởng đến việc chọn sách để đọc trong các trường công lập.) Tôi cũng chơi pháo hoa đặc chế và lang thang ở khu nhà đang xây trong vùng Trung Tây. Mặc dù những việc này không khôn ngoan gì nhưng chúng là hành trang quan trọng cho cuộc đời phía trước của tôi, và khi lớn lên, tôi đã trở thành một người có lối tư duy tự do nhờ lòng khoan dung của xã hội và niềm tin của cộng đồng. Những sự kiện gần đây không được hay ho cho lắm đối với các hacker đầy nhiệt huyết. Đại chiến hacker đã phơi bày cái cách mà chúng ta đang biến thế giới này thành một nơi không còn chút cởi mở nào đối với những ý tưởng mới mẻ và khác biệt nữa. Một sự kiện diễn ra gần đây đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ còn cách cái thế giới trong Đại chiến hacker không bao xa nữa. Tôi may mắn được đọc bản thảo đầu tiên của Đại chiến hacker vào tháng Mười một, 2006. Trong hai tháng sau đó, tính đến cuối tháng Một, 2007, cảnh sát Boston đã tìm thấy những vật kích nổ khả nghi và đóng cửa thành phố trong một ngày. Những thiết bị này hóa ra chỉ là những bảng mạch điện gắn đèn LED, quảng cáo một chương trình của Cartoon Network. Những nghệ sĩ đã đặt tấm graffiti này bị bắt dưới danh nghĩa nhóm khủng bố tình nghi và cuối cùng bị buộc tội; các nhà sản xuất chương trình phải bỏ ra hai triệu đô la để dàn xếp, và người điều hành Cartoon Network đã phải từ chức sau vụ này. Chẳng lẽ bọn khủng bố đã chiến thắng? Chẳng lẽ chúng ta lại nhượng bộ nỗi sợ hãi, chẳng lẽ những nghệ sĩ nói trên, những người có sở thích riêng, những hacker, những người đi ngược lại niềm tin lâu đời, hay có lẽ là cả một nhóm nhỏ những đứa trẻ chơi trò Harajuku Fun Madness lại có thể bị quy kết là thành phần khủng bố chỉ dựa vào những lập luận hết sức nhảm nhí? Có một thuật ngữ dành để nói về sự khác thường này - đó là một căn bệnh tự miễn dịch, khi hệ thống bảo vệ của một sinh vật bị quá tải khiến nó không thể nhận ra chính mình và tự tấn công tế bào của mình. Cuối cùng, cơ thể tự phá hủy. Ngay lúc này đây, nước Mỹ sắp sửa bị rơi vào tình trạng sốc phản vệ vì tự do của chính nó, và chúng ta cần tự miễn dịch trước tình trạng này. Công nghệ không phải là phương thuốc cho hiện tượng hoang tưởng này; trong thực tế, nó còn có thể gia tăng mức độ hoang tưởng, nó biến chúng ta trở thành tù nhân cho chính thiết bị của mình. Ép buộc hàng triệu người phải cởi bỏ quần áo bên ngoài và đi chân trần qua máy dò kim loại hàng ngày cũng không phải là giải pháp. Hiệu ứng duy nhất của nó là nhắc cộng đồng hàng ngày rằng họ có một lý do để sợ hãi, đồng thời nó chỉ tạo ra được một rào chắn mỏng manh trước kẻ thù xác định. Sự thật là chúng ta không thể tin tưởng ai đó để giúp bản thân cảm thấy được tự do, và M1k3y sẽ không tới để cứu chúng ta vào cái ngày mà tự do của chúng ta bị ngốn hết bởi sự hoang tưởng. Bởi vì M1k3y ở trong bạn và trong tôi - Đại chiến hacker là một lời nhắc nhở rằng dù cho tương lai có khó lường ra sao, chúng ta cũng không giành được tự do bằng các hệ thống bảo mật, kỹ thuật mã hóa, thẩm vấn và việc dò xét các địa điểm. Chúng ta giành tự do bằng cách có đủ dũng cảm và niềm tin để sống tự do mỗi ngày, để hành động như một xã hội tự do, dù cho sự đe dọa có lớn đến đâu chăng nữa. Hãy giống như M1k3y: bước ra khỏi cửa và dám sống tự do. mục lục tham khảo hông có nhà văn nào viết từ con số 0 - tất cả chúng tôi đều tham gia vào trò mà Isaac Newton gọi là “đứng trên vai của người khổng lồ”. Chúng tôi vay mượn, ăn cắp và pha trộn nghệ thuật cũng như văn hóa được sáng tạo bởi mọi người xung quanh và bởi các bậc tiền bối văn chương. Nếu bạn thích cuốn sách này và muốn tìm hiểu thêm thì có rất nhiều nguồn để bạn tham khảo, trên mạng, trong thư viện địa phương của bạn hay ở một hiệu sách. Hoạt động thâm nhập và thay đổi các hệ thống kỹ thuật số (hacking) là một chủ đề lớn. Mọi bộ môn khoa học đều phụ thuộc vào việc bạn nói với mọi người việc bạn đã làm để họ có thể xác minh nó, học hỏi từ nó và phát triển nó, và hacking cũng không nằm ngoài quy trình này, vì thế có vô số tài liệu viết về nó. Hãy bắt đầu với Hacking the Xbox (No Starch Press, 2003) của Andrew “Thỏ” Huang, một cuốn sách tuyệt vời kể về câu chuyện làm thế nào mà Thỏ, lúc ấy là một sinh viên của MIT, đảo ngược thiết kế của cơ chế chống giả mạo của Xbox và mở đường cho tất cả những vụ hack tiếp theo nhằm vào platform của Xbox. Trong khi kể lại câu chuyện, Thỏ đã đồng thời tạo nên một thứ như Kinh thánh dành cho kỹ thuật đảo ngược và hack phần cứng. Secrets and Lies (Wiley, 2000) và Beyond Fear (Copernicus, 2003) của Bruce Schneier là hai cuốn sách cần thiết dành cho người nghiệp dư muốn tìm hiểu về hoạt động bảo mật và suy nghĩ nghiêm túc về nó. Trong khi đó, cuốn Applied Cryptography (NXB Wiley, 1995) của ông vẫn luôn là nguồn kiến thức đáng tin cậy để tìm hiểu kỹ thuật mã hóa. Bruce cũng duy trì một blog tuyệt vời và một danh sách địa chỉ thư trên trang schneier.com/blog. Mật mã và bảo mật là địa hạt của những người không chuyên nhưng có tài, và phong trào “cypherpunk” (phong trào bẻ khóa đột nhập các hệ thống bảo mật máy tính) thì toàn trẻ em, người không đi làm, các bậc phụ huynh, luật sư và tất tần tật các thành phần khác, những người toàn tâm toàn ý nghiên cứu các giao thức và mật mã bảo mật. Cũng có vài tạp chí tuyệt vời viết về chủ đề này, nhưng hai ấn phẩm hay nhất là 2600: The Hacker Quaterly, với toàn các bút danh, biệt hiệu khoe khoang những tài khoản mà họ hack được, và MAKE của O’Reilly, có phần LÀM-THẾ-NÀO để giúp bạn tự xây dựng các dự án phần cứng tại nhà. Tất nhiên Internet thì tràn ngập tài liệu về chủ đề này. Freedom to Tinker (www.freedom-to-tinker.com) là trang blog của Ed Felten và Alex J Halderman, hai giáo sư chuyên ngành thiết kế công trình cực giỏi của trường Princeton. Họ đã viết rất rõ ràng và chi tiết về hoạt động bảo mật, nghe lén, công nghệ chống sao chép và mật mã. Đừng bỏ qua cuốn Feral Robotics của Natalie Jeremijenko ở UC San Diego (xdesign.ucsd.edu/feralrobots/). Natalie và sinh viên của cô đã nối lại dây những con chó robot đồ chơi của Toys R Us và biến nó thành máy dò chất thải độc hại. Họ cho chúng vào các công viên công cộng, nơi những công ty lớn xả rác thải và bày tỏ một cách thân thiện với giới truyền thông rằng đất ở đây đã bị nhiễm độc đến mức nào. Như đã được đề cập nhiều trong cuốn sách này, việc tạo đường hầm qua DNS là thật. Dan Kaminsky, một chuyên gia tạo đường hầm đẳng cấp cao, đã công bố chi tiết vào năm 2004 (www.doxpara.com/bo2004.ppt). Dan Gillmor là cây đại thụ của phong trào “báo chí công dân”, ông hiện đang điều hành Trung tâm Truyền thông Công dân ở Harvard và UC Berkeley, đồng thời là tác giả của một cuốn sách về đề tài này, có tên We, the Media (O'Reilly, 2004). Nếu bạn muốn biết thêm về cách hack thẻ RFID, hãy bắt đầu với bài viết của Annalee Newitz trong tạp chí Wired với nhan đề The RFID Hacking Underground (www.wirednews.com/wired/archive/14.05/rfid.htm. Cuốn Everyware của Adam Greenfield (New Riders Press, 2006) sẽ đem lại cho bạn một cái nhìn ớn lạnh về những mối nguy hiểm trong thế giới của những cái thẻ RFID. Phòng thí nghiệm chế tạo (Fab Lab) của Neal Gershenfeld ở MIT (fab.cba.mit.edu) đang hack “những máy in 3D” giá thành thấp và lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, chúng có thể moi được bất kỳ vật thể nào mà bạn mơ tới. Điều này được ghi lại trong cuốn sách tuyệt vời của Gershenfeld có tên Fab (Basic Books, 2005). Shaping Things của Bruce Sterling (MIT Press, 2005) đã chỉ rõ cách thức sử dụng thẻ RFID và các phòng thí nghiệm chế tạo để bắt các công ty phải làm ra những sản phẩm không gây độc hại cho thế giới. Nói về Bruce Sterling, anh là tác giả của cuốn sách tuyệt hay đầu tiên về hacker và luật pháp, The Hacker Grackdown (Bantam, 1993). Đây cũng là cuốn sách đầu tiên đồng thời được một nhà xuất bản lớn xuất bản và được công bố trên Internet (bạn có thể đọc trên stuff.mit.edu/hacker/hacker.html). Chính cuốn sách này đã đưa tôi đến với quỹ Electronic Frontier, nơi tôi có vinh hạnh được làm việc trong bốn năm. Tổ chức Tiên phong trong lĩnh vực Điện tử - Electronic Frontier Foundation (www.eff.org) là một tổ chức từ thiện theo chế độ hội viên, trong đó có cả sinh viên. Họ sử dụng tiền do các cá nhân gửi tới để đảm bảo an toàn cho quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, thủ tục pháp lý và phần còn lại của Luật Nhân quyền trên Internet. Họ là những chiến binh tự do hiệu quả nhất trên Internet, và bạn có thể tham gia cuộc chiến bằng việc đăng ký vào danh sách địa chỉ thư và viết thư cho những vị dân cử của mình nếu họ đang định rêu rao tên bạn dưới danh nghĩa chống khủng bố, nạn vi phạm quyền tác giả, mafia, hay bất kỳ tội danh nào mà họ đang quan tâm. EFF cũng giúp duy trì TOR, The Onion Router, một công nghệ thực tế mà bạn có thể sử dụng ngay bây giờ để thoát khỏi tường lửa kiểm duyệt của chính phủ, trường học hay thư viện (tor.eff.org). EFF có một website lớn, sâu rộng với kho thông tin đáng kinh ngạc hướng đến các độc giả bình thường. Bạn cũng có thể thấy điều này ở Hiệp hội Quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ - American Civil Liberties Union (aclu.org), Kiến thức cộng đồng - Public Knowledge (publicknowledge.org), FreeCulture (freeculture.org), Creative Commons (creativecommons.org) - tất cả đều cần sự hỗ trợ của bạn. FreeCulture là một phong trào sinh viên quốc tế tích cực tuyển chọn những thanh thiếu niên để tìm vấn đề địa phương ở các trường cấp ba và đại học. Đó là một cách tuyệt vời để tham gia và tạo nên sự khác biệt. Rất nhiều trang web ghi chép lại cuộc chiến bảo vệ tự do trên mạng, nhưng chỉ có một số thực sự tích cực như Slashdot, “Thông tin cho những kẻ mọt sách, những thứ thật sự quan trọng” (Slashdot.org). Và tất nhiên, bạn phải ghé thăm Wikipedia, bách khoa toàn thư tổng hợp được soạn bởi những thành viên trên mạng mà ai cũng có thể sửa, với hơn 1.000.000 bài viết chỉ tính riêng tiếng Anh. Wikipedia cũng đề cập đến hoạt động hacking và những văn hóa đi ngược lại với chuẩn mực thông thường của xã hội(1) ở một độ sâu sắc tuyệt vời, được cập nhật trong từng nano giây. Bạn cần lưu ý là không nên chỉ đọc các bài viết trong Wikipedia. Các đường dẫn “Lịch sử” và “Bàn luận” ở đầu mỗi trang Wikipedia cũng vô cùng quan trọng, chúng cho bạn biết quá trình hình thành của bài viết mà bạn đang đọc, giúp bạn đánh giá đúng mức các quan điểm có tính tranh luận ở đó và tự quyết định sẽ tin ai. Nếu bạn muốn tìm hiểu những thứ thực sự bị cấm, bạn phải vào Cryptome (cryptome.org), kho lưu trữ những bí mật, những thông tin được nén và giải ra tuyệt vời nhất thế giới. Những người điều hành dũng cảm của Cryptome đã dựa vào Đạo luật Tự do Thông tin để yêu cầu các tài liệu bị tịch thu của nhà nước, hoặc thu thập các thông tin bị rò rỉ bởi những người tố giác; sau đó công bố chúng. Không có gì phải bàn cãi, tác phẩn hư cấu vĩ đại nhất trong lịch sử ngành mã hóa chính là Cryptonomicon (Avon, 2002) của Neal Stephenson. Tác giả kể câu chuyện về Alan Turing và cỗ máy Enigma của phát xít Đức, biến nó thành một tiểu thuyết chiến tranh hấp dẫn mà một khi đã cầm lên, bạn sẽ không thể nào bỏ xuống được. Pirate Party được nhắc đến trong Đại chiến hacker cũng là một mạng có thật và hoạt động mạnh mẽ ở Thụy Điển (www.piratpartiet.se), Đan Mạch, Hoa Kỳ và Pháp trong thời gian cuốn sách được viết ra (tháng Bảy, 2006). Họ hơi cuồng nhiệt một chút, nhưng một phong trào có thể diễn ra dưới mọi hình thức. Nói về việc hơi điên rồ, Abbie Hoffman và các Yippie đã thực sự cố gắng làm bay Lầu Năm Góc, trút tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán và bắt tay với một nhóm có tên là Up Against the Wall Motherf—ers. Tác phẩm kinh điển của Abbie Hoffman về việc phá bỏ hệ thống, Steal This Book, đang được tái bản (Four Walls Eight Windows, 2002) và cũng đã xuất hiện trên mạng như một nguồn tham khảo cho người người muốn cập nhật nó (stealthiswiki.nine9pages.com). Hồi kí của Hoffman, Soon to Be a Major Motion Picture (cũng được xuất bản bởi Four Walls Eight Windows) là một trong những hồi ký yêu thích nhất của tôi, dù cho nó được hư cấu rất nhiều. Hoffman là một người kể chuyện vô cùng cuốn hút và có bản năng của một người hoạt động xã hội tuyệt vời. Nếu bạn muốn biết ông đã sống ra sao, hãy thử đọc cuốn Steal this dream của Larry Sloman (Doubleday, 1998). Để biết thêm nhiều thứ thú vị khác về văn hóa đối nghịch: Trên đường của Jack Kerouac có thể tìm thấy ở bất kỳ hiệu sách cũ nào chỉ với giá một hoặc hai đô. HOWL của Allan Ginsberg có ở nhiều nơi trên mạng, và bạn có thể nghe ông ấy đọc nó nếu bạn tìm bản MP3 ở archive.org. Bạn có thể nghe thêm album Tenderness Junction của nhóm Fugs, trong đó có một đoạn audio về lễ làm bay Lầu Năm Góc của Allan Ginsberg và Abbie Hoffman. Đại chiến hacker đã không thể được viết ra nếu không nhờ cuốn tiểu thuyết kỳ diệu có khả năng thay đổi thế giới 1984, cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất từng được xuất bản viết về việc các xã hội đã phạm phải sai lầm như thế nào. Tôi đọc nó khi mười hai tuổi và từ đó đến nay, tôi đã đọc đi đọc lại đến ba mươi hay bốn mươi lần, và mỗi lần, tôi lại học được thêm một điều gì đó từ nó. Orwell là bậc thầy kể chuyện và rõ ràng là ông phát ốm với nhà nước chuyên chế ở Liên bang Xô Viết. 1984 tới ngày nay vẫn được coi là một kiệt tác khoa học viễn tưởng, một trong những tiểu thuyết thay đổi cả thế giới. Ngày nay, “Chủ nghĩa Orwell” đồng nghĩa với tình trạng giám sát ở khắp mọi nơi, suy nghĩ nước đôi và tra tấn. Các phần trong Đại chiến hacker được xây dựng một phần nhờ vốn liếng vay mượn từ nhiều tiểu thuyết gia khác. Tuyệt tác truyện tranh xuất chúng của Daniel Pinkwater, Alan Mendelsohn: The Boy from Mars (hiện đang được in lại như một phần của bộ “5 tiểu thuyết”, NXB Farrar, Straus & Giroux, 1997) là cuốn truyện mà bất cứ ai đam mê các hoạt động trí não đều cần phải đọc. Nếu bạn đã từng cảm thấy bị cô lập vì quá thông minh hay quá kỳ quặc, HÃY ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Gần hơn thì có tác phẩm So Yesterday (Razorbill, 2004) của Scott Westerfeld, viết về những cuộc phiêu lưu của đám người đi săn lạnh lùng và những kẻ quấy rối theo tư tưởng văn hóa đối nghịch. Scott và vợ anh, Justine Larbalestier, cũng như Kathe Koja, đã đem lại một phần cảm hứng để tôi viết một cuốn sách cho những người trưởng thành trẻ tuổi. Cảm ơn các bạn! Chú thích: 1. Thường gọi tắt là “văn hóa đối nghịch”, hoặc phản văn hóa (counter-culture).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: