qd 231
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Các từ ngữ sử dụng trong Quy chế này có cùng ý nghĩa như đã được giải thích tại Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định số 134/2005/NĐ-CP). Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2. "Hệ thống chỉ tiêu nợ nước ngoài" bao gồm những chỉ số tổng hợp phản ánh mức độ nợ của một nền kinh tế, khả năng thanh toán của một quốc gia đối với các chủ nợ nước ngoài trong quan hệ so sánh với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
3. "Đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài" là việc Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước liên quan thông qua hệ thống chỉ tiêu nợ nước ngoài thực hiện theo dõi, đánh giá thường xuyên tình trạng nợ nước ngoài, phân tích danh mục nợ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu mất cân đối trong thanh toán quốc tế của nền kinh tế, các khó khăn tài chính trong việc trả nợ nước ngoài của khu vực công và tư nhân, quản lý tốt rủi ro nhằm điều chỉnh chính sách vay nợ và danh mục nợ phù hợp, kịp thời, đảm bảo bền vững nợ theo các ngưỡng an toàn và an ninh tài chính quốc gia.
4. "Cơ quan chủ trì đánh giá, giám sát nợ" là Bộ Tài chính.
5. "Cơ quan phối hợp thực hiện việc đánh giá, giám sát" là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Bộ Thương mại; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
6. "Tổng số nợ nước ngoài" là nợ nước ngoài của quốc gia được quy định tại khoản 8, Điều 2 Chương I Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 134/2005/NĐ-CP.
7. "Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài (PV FD)" là tổng các nghĩa vụ trả nợ (gốc và lãi) trong tương lai của tổng số nợ nước ngoài hiện có được quy về thời điểm hiện tại bằng phương pháp chiết khấu theo lãi suất thị trường.
8. "Tổng sản phẩm trong nước (GDP)" là giá trị mới của hàng hoá và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, được tính theo giá thực tế, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố.
9. "Dự trữ ngoại hối nhà nước (FR)" là tài sản bằng ngoại hối thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố theo quy định của pháp luật hiện hành.
10. "Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trong kỳ (EX)" là giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu trong kỳ giám sát, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố.
11. "Nghĩa vụ trả nợ hàng năm (DS)" là tổng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của nợ nước ngoài trong năm, theo số liệu do Bộ Tài chính công bố.
12. "Nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Chính phủ (DS GD)" là tổng nghĩa vụ trả gốc và lãi đối với các khoản nợ (bao gồm cả nợ trong nước và nợ nước ngoài) của Chính phủ trong năm theo số liệu do Bộ Tài chính công bố.
Điều 3. Mục tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài
1. Theo dõi thường xuyên tình hình nợ nước ngoài nhằm xác định sớm các rủi ro tiềm ẩn đối với danh mục nợ quốc gia và những tồn tại liên quan trong công tác quản lý nợ (nếu có) nói riêng và trong tương quan với môi trường kinh tế trong và ngoài nước nói chung.
2. Giúp cơ quan chủ trì giám sát nợ đề xuất với Chính phủ các biện pháp xây dựng và duy trì một danh mục nợ hợp lý, điều chỉnh danh mục nợ kịp thời khi cần thiết, đảm bảo duy trì bền vững nợ của quốc gia về mặt trung - dài hạn; đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ; tối ưu hoá các phương án huy động vốn và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho ngân sách nhà nước và cả nền kinh tế nói chung.
3. Làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, chiến lược nợ, chiến lược huy động vốn; xây dựng kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với chi phí thấp nhất và quản lý tốt rủi ro; phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.
4. Giúp các tổ chức, đơn vị sử dụng vốn vay nước ngoài tự theo dõi quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình, nhận biết đ¬ược những trư¬ờng hợp bất th¬ường để sớm có giải pháp khắc phục, phát triển.
5. Tăng cường minh bạch tài chính, tăng cường quản lý các nghĩa vụ dự phòng.
6. Nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Điều 4. Nguyên tắc đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài
1. Việc đánh giá, giám sát được thực hiện liên tục, thường xuyên.
2. Việc đánh giá, giám sát nợ nước ngoài phải kết hợp với đánh giá, giám sát nợ trong nước của Chính phủ và giám sát các nghĩa vụ nợ dự phòng.
3. Đảm bảo các quy định, hướng dẫn phải được tuân thủ, các kiến nghị đề xuất phải kịp thời, cụ thể và có tính khả thi.
Chương II
HỆ THỐNG CHỈ TIÊU NỢ NƯỚC NGOÀI
Điều 5. Nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia
Nhóm chỉ tiêu này gồm các chỉ tiêu chính được đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ, và các chỉ tiêu phụ trợ không đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ nhưng phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia.
1. Các chỉ tiêu chính được đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ:
a) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với GDP (PV FD/GDP):
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ nợ nước ngoài của một quốc gia so với nguồn lực của quốc gia đó và được tính tại thời điểm cuối mỗi năm.
b) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ (PV FD/EX ):
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ bền vững về nợ nước ngoài thể hiện qua khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài hiện tại và trong tương lai từ nguồn thu xuất khẩu của quốc gia mà không cần đến các biện pháp giảm nợ, hoãn nợ.
c) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với thu ngân sách nhà nước (PV FD/GR):
Chỉ tiêu này phản ánh khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài hiện tại và trong tương lai từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Chỉ tiêu này đặc biệt quan trọng trong điều kiện năng lực thu từ hoạt động xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ hạn chế.
d) Nghĩa vụ trả nợ hàng năm so với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ (DS/EX):
Chỉ tiêu này phản ánh tỉ lệ phần thu từ xuất khẩu của quốc gia phải trích ra để trả nợ cho nước ngoài.
đ) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm so với thu ngân sách nhà nước (DS/GR):
Chỉ tiêu này phản ánh gánh nặng trả nợ hiện tại so với nguồn thu của Chính phủ. Chỉ tiêu này đặc biệt quan trọng trong trường hợp nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng nợ nước ngoài của quốc gia.
e) Dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng số nợ nước ngoài ngắn hạn (FR/STD):
Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để trả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn. Đây là chỉ tiêu quan trọng trong điều kiện quốc gia không tiếp cận được hoặc tiếp cận hạn chế đối với thị trường vốn quốc tế.
2. Các chỉ tiêu phụ trợ không đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ nhưng phục vụ công tác phân tích, đánh giá tình trạng nợ:
a) Tổng nợ nước ngoài, cơ cấu nợ nước ngoài theo các điều kiện chính: nợ nước ngoài phân theo nhóm chủ nợ, theo điều kiện vay (ưu đãi và không ưu đãi), theo đồng tiền vay, theo kỳ hạn nợ (ngắn hạn và trung - dài hạn), nợ quá hạn (nếu có) và số vay nợ, trả nợ trong năm. Các chỉ tiêu này nêu lên hiện trạng nợ của quốc gia, phục vụ cho công việc đánh giá danh mục nợ nước ngoài tại một thời điểm;
b) Lãi suất vay bình quân của các khoản vay nước ngoài: là lãi suất vay được tính trên cơ sở bình quân gia quyền của các khoản vay với điều kiện vay khác nhau, theo số liệu do Bộ Tài chính công bố. Đây là chỉ số hữu ích để so sánh với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hoặc tăng trưởng GDP của quốc gia;
c) Kỳ hạn vay bình quân của các khoản vay nước ngoài: là kỳ hạn vay được tính trên cơ sở bình quân gia quyền của các khoản vay với kỳ hạn khác nhau. Đây là chỉ số hữu ích, đặc biệt đối với các khoản vay không phải là vay Chính phủ, để theo dõi các khoản vay sắp đến kỳ trả hoặc cân nhắc sự cần thiết của các biện pháp cơ cấu lại nợ (gia hạn nợ) nhằm hạn chế rủi ro đối với nền kinh tế.
Điều 6. Nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của Chính phủ và của khu vực công
1. Vay nước ngoài bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.
Chỉ tiêu này phản ánh khả năng huy động các nguồn vay nước ngoài để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước hàng năm của một quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển khi mà nhu cầu đầu tư cần phải đẩy mạnh trong khi đó mức độ tiết kiệm dành cho đầu tư có hạn. Chỉ số này được tính bằng tỷ lệ % so với GDP.
2. Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của khu vực công so với GDP (PV PD/GDP).
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ nợ nước ngoài của khu vực công so với nguồn lực của quốc gia, và được tính tại thời điểm cuối mỗi năm.
3. Nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (DS GD/GR).
Chỉ tiêu này phản ánh năng lực chi trả của Chính phủ đối với các nghĩa vụ nợ hiện tại (kể cả các nghĩa vụ nợ trong nước) của Chính phủ.
4. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (DSExt/GR).
Chỉ số này thể hiện năng lực hoàn trả của Chính phủ đối với các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ.
5. Nghĩa vụ nợ dự phòng so với thu ngân sách nhà nước.
Nghĩa vụ nợ dự phòng là số dư tại từng thời điểm của toàn bộ các khoản gốc, lãi và phí phải trả đối với các khoản vay của Chính phủ về cho vay lại và các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh. Chỉ số này chính là rủi ro không có khả năng hoàn trả của các đối tác vay lại và các đối tác được bảo lãnh mà ngân sách nhà nước có thể phải gánh chịu để thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với Bên cho vay nước ngoài. Việc tính toán chỉ số này không chỉ là xem xét giá trị danh nghĩa của các nghĩa vụ nợ dự phòng, mà cần kết hợp đánh giá mức độ rủi ro của các nghĩa vụ nợ này. Mức độ này càng lớn thì rủi ro cho vay lại và bảo lãnh càng cao.
Điều 7. Nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của doanh nghiệp gồm các chỉ tiêu sau:
1. Nợ ngắn hạn/tổng nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
2. Nợ đến hạn trong kỳ/tổng nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
3. Dư nợ quá hạn cuối kỳ/tổng nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Chương III
CÁC NGƯỠNG AN TOÀN NỢ VÀ HẠN MỨC VAY NỢ
Điều 8. Ngưỡng an toàn nợ
1. Căn cứ mức độ nợ của quốc gia, tình trạng nợ của khu vực công và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về các ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu nợ nước ngoài trong từng thời kỳ, đảm bảo bền vững nợ nước ngoài của quốc gia.
2. Các ngưỡng an toàn nợ nước ngoài của quốc gia cho giai đoạn 2007 - 2010 được quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy chế này.
Điều 9. Các hạn mức vay thương mại nước ngoài
1. Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế và hiện trạng nợ của quốc gia, nhằm đạt được mức độ an toàn nợ theo các ngưỡng an toàn về nợ nước ngoài như quy định tại Điều 8 Quy chế này, hàng năm Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia như một bộ phận của kế hoạch hàng năm về vay và trả nợ nước ngoài, bao gồm:
a) Hạn mức vay thương mại ngắn hạn của cả nền kinh tế;
b) Hạn mức vay thương mại trung - dài hạn hàng năm của Chính phủ;
c) Hạn mức vay thương mại hàng năm của doanh nghiệp khu vực công;
d) Dự báo mức vay nước ngoài của khu vực tư nhân.
2. Các hạn mức được xây dựng theo nguyên tắc sau:
a) Hạn mức vay thương mại ngắn hạn của cả nền kinh tế: do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng và gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình trạng dự trữ ngoại hối nhà nước, tổng lượng tiền cung ứng (M2), tỉ lệ vốn ngoại tệ có thể rút ra khỏi nền kinh tế trong tổng M2 khi khủng hoảng tài chính, tiền tệ xảy ra và xác suất rủi ro xảy ra khủng hoảng tài chính, tiền tệ dẫn đến sự rút vốn của các nhà đầu tư và (hoặc) chủ nợ;
b) Hạn mức vay thương mại trung - dài hạn của Chính phủ: do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng. Hạn mức này được xác định trên cơ sở đảm bảo ngưỡng an toàn nợ, cân nhắc các yếu tố: tốc độ tăng trưởng năm kế hoạch; lãi suất vay thương mại bình quân; nhu cầu vay vốn thương mại của Chính phủ để đầu tư cho khu vực công; khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước;
c) Hạn mức vay thương mại hàng năm của doanh nghiệp khu vực công: do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và được Bộ Tài chính tổng hợp trong kế hoạch hàng năm về vay, trả nợ nước ngoài. Hạn mức này được xây dựng từng năm căn cứ ngưỡng an toàn nợ của khu vực công; tình hình nợ trong nước của khu vực công; nhu cầu và khả năng vay thương mại trực tiếp của các doanh nghiệp (có hoặc không có bảo lãnh của Chính phủ);
d) Dự báo mức vay nước ngoài của khu vực tư nhân: gồm vay ngắn hạn và vay trung - dài hạn của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng và gửi cho Bộ Tài chính để tổng hợp vào hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia.
Chương IV
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIỮA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT TÌNH TRẠNG NỢ NƯỚC NGOÀI
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Hướng dẫn cụ thể cách tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài như nêu tại các Điều 5 và 6 Quy chế này.
2. Thu thập, tổng hợp số liệu, thông tin từ các nguồn; hàng năm báo cáo Chính phủ và Quốc hội tình hình nợ nước ngoài theo các chỉ tiêu nợ nước ngoài.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan khác liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các ngưỡng an toàn về nợ nước ngoài trong từng thời kỳ, để đưa vào Chiến lược nợ và Chương trình quản lý nợ trung hạn.
4. Hàng năm tiến hành phân tích Danh mục nợ quốc gia và Danh mục nợ Chính phủ theo các chỉ tiêu nợ nước ngoài; so sánh với các ngưỡng an toàn về nợ nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành và báo cáo Chính phủ trong quý I năm sau.
5. Hai năm một lần tiến hành phân tích bền vững nợ; kiến nghị các biện pháp điều chỉnh Chính sách vay nợ nước ngoài trung và dài hạn, đảm bảo an toàn nợ, báo cáo Chính phủ trước cuối tháng 6 năm sau.
6. Hàng năm chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều hành các hạn mức vay thương mại nước ngoài như nêu tại Điều 9 Quy chế này, đảm bảo an toàn nợ; cung cấp thông tin liên quan cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các hạn mức vay thương mại quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Quy chế này.
7. Định kỳ hàng năm và trong trường hợp có biến động đột xuất về tình trạng nợ nước ngoài, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đề xuất các biện pháp cần thiết để điều chỉnh chính sách vay nợ và danh mục nợ nước ngoài, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn an toàn; giảm thiểu rủi ro và chi phí cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế nói chung.
8. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan khác liên quan tiến hành các đợt điều tra tình hình nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo định kỳ, hoặc đột xuất khi cần thiết.
9. Cung cấp cho các cơ quan liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) các chỉ tiêu nợ nước ngoài sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
10. Công bố theo quy chế cung cấp thông tin các chỉ tiêu nợ nước ngoài tổng hợp.
Điều 11. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Định kỳ cung cấp cho Bộ Tài chính các số liệu, thông tin theo nội dung và tần suất nêu tại Phụ lục II Quy chế này.
2. Chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) phê duyệt các hạn mức vay ngắn hạn của cả nền kinh tế; hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp khu vực công như quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều 9 Quy chế này.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của các doanh nghiệp và tổ chức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp trên cơ sở thu thập báo cáo từ hệ thống ngân hàng thương mại và hệ thống chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Định kỳ 6 tháng đánh giá các chỉ tiêu nợ doanh nghiệp như quy định tại Điều 7 Quy chế này, thông báo cho Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các ngân hàng thương mại thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin để thực hiện việc đánh giá, giám sát nợ theo Quy chế này.
7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác liên quan tiến hành các đợt điều tra tình hình nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo định kỳ, hoặc đột xuất khi cần thiết.
Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Định kỳ cung cấp cho Bộ Tài chính các số liệu, thông tin liên quan theo nội dung và tần suất nêu tại Phụ lục III Quy chế này.
2. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng ngưỡng an toàn nợ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ.
3. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục hoạt động vay và sử dụng vốn vay nước ngoài của các chủ thể có hoạt động vay và sử dụng vốn vay nước ngoài.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan khác liên quan
1. Các cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Bộ Thương mại và các cơ quan khác liên quan phối hợp cung cấp định kỳ các thông tin, số liệu cho Bộ Tài chính như nêu tại Phụ lục III Quy chế này, hoặc thông tin, số liệu khác do Bộ Tài chính đề nghị căn cứ yêu cầu của công tác phân tích, đánh giá tình trạng nợ nước ngoài.
2. Các thông tin, số liệu cung cấp cần đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền. Cơ quan cung cấp thông tin chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung các thông tin, số liệu cung cấp cho cơ quan chủ trì đánh giá, giám sát nợ.
Điều 14. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có hoạt động vay nợ nước ngoài tuân thủ đầy đủ các quy định của Quy chế quản lý vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các quy định về đăng ký khoản vay; thực hiện chế độ báo cáo tình hình nợ nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành; chủ động tổ chức quản lý nợ, quản lý rủi ro; góp phần ổn định kinh tế chung; tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nợ tìm hiểu thông tin, hiện trạng nợ của doanh nghiệp khi cần thiết.
2. Các ngân hàng thương mại thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính theo Quy chế này và các quy định pháp luật khác hiện hành.
3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các thông tin, số liệu cung cấp cho các cơ quan liên quan để đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top