ptgpdt cd
III. Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á thời cận đại 1. Phong trào đấu tranh chống thực dân và phong kién của nhân dân châu Á vào giữa thế kỷ XIX. a. Đặc điểm * Quy mô rộng lớn và giành được những thắng lợi lớn ở buổi đầu - Phong trào chống thực dân và phong kiến của nhân dân châu Á vào giữa thế kỷ XIX không phải là những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ, có tính chất địa phương, cục bộ chỉ lôi cuốn được một số ít người, hoặc thu được thắng lợi nhỏ bé. Ngược lại, các cuộc khởi nghĩa đều có quy mô rộng lớn : Cuộc khởi nghĩa Ba-bít có tới 4 trung tâm, ngay ở thủ đô Tê-hê-ran các tín đồ Ba-bít cũng bí mật hoạt động. Cuộc khởi nghĩa nhân dân Ấn Độ còn lớn hơn rất nhiều, nó đã nhanh chóng lan rộng và trở thành quy mô rộng lớn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nghĩa quân đã thành lập chính quyền của mình ở 3 thành phố lớn: Đê-li, Lúc-nao và Công-pua. Vùng giải phóng rộng lớn có khả năng uy hiếp Bom-bay và Can-cút-ta. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa, thực dân Anh phải điều quân từ chính quốc sang, rút những quân đội từ Trung Quốc và Áp-ga-ni-xtan về, đồng thời mua chuộc bọn phong kiến phản động trong hàng ngũ nghĩa quân mới đàn áp được phong trào. Cuộc khởi ngghĩa nhân dân Ấn Độ là cuộc đấu tranh chống thực dân rất lớn lúc bấy giờ, cuộc đấu tranh mang tính dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Thái Bình thiên Quốc là phong trào đấu tranh có tính chất tiêu biểu của nông dân Trung Quốc chống lại giai cấp phong kiến đầu hàng trước sự xâm lược của thực dân châu Âu. Ngoài những thắng lợi lớn của cuộc khởi nghĩa trong giai đoạn đầu đối với triều đình Mãn Thanh, ở giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân đã trực tiếp giao chiến với quân đội thực dân với vũ khí tối tân. Đến giai đoạn sau, khi trong hàng ngũ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa diễn ra những mâu thuẫn trầm trọng, song cuộc khởi nghĩa vẫn cầm cự được một thời gian rất dài trước sự phản công của triều đình Mãn Thanh có sự giúp sức của Anh, Pháp, Mỹ. Ở Đông Nam Á, các cuộc khởi nghĩa đã diễn ra ở Việt Nam, Căm-pu-chia, các cuộc khởi nghĩa này có địa bàn rất rộng lớn và thu được những chiến thắng vang dội khiến thực dân Pháp phải mất nhiều công sức mới đàn áp được. Ở Nhật Bản, những phong trào "đánh đuổi bọn man rợ", tôn vua kết hợp với phong trào nông dân rất rộng rãi đã giành được những thắng lợi to lớn. Sức mạnh của cuộc đấu tranh này là một trong những nhân tố quan trọng cho sự thắng lợi của cách mạng tư sản Nhật (1868), làm cho Nhật tránh được nguy cơ mất nước trước sự xâm lược của thực dân phương Tây. Nhìn chung, cao trào đấu tranh chống thực dân và phong kiến cảu nhân dân châu Á vào giữa thế kỷ XIX đã nổ ra đều khắp, rầm rộ và thu được những thắng lợi lớn làm lung lay chế độ phong kiến, cản được phần nào cuộc tấn công xâm lược của thực dân phương Tây. * Tính chất dân tộc của các phong trào - Điểm nổi bật trong các phong trào đấu tranh chống thực dân và phong kiến của nhân dân châu Á vào giữa thế kỷ XIX là ý thức dân tộc đã phát triển lên một mức cao. Ở Ấn Độ, trước 1857-1859 thực dân Anh tiến hành xâm lược chỉ vấp phải sự kháng cự yếu ớt cảu triều đình hoặc các lãnh chúa địa phương và quân đội của họ. Lý do là do ý thức dân tộc còn yếu ớt, giữa các miền chưa có sự liên kết với nhau. Đến cuộc nghĩa 1857-1859 tình hình đã thay đổi khác trước rất nhiều. Quân đội Xi-pây do thực dân Anh lập nên, người các dân tộc khác nhau ở Ấn Độ đã có sự tiếp xúc với nhau một cách rộng rãi. Nhờ có sự phát triển ý thức dân tộc như vậy mà cuộc khởi nghĩa nổ ra và thu được thắng lợi nhanh chóng trên một địa bàn rộng lớn bao gồm khắp miền Bắc và miền Trung Ấn Độ. Trong quá trình chiến đấu, nhiều đơn vị nghĩa quân đã có sự kết hợp với nhau và chiến đấu ở nhiều khu vực khác nhau của đất nước chứ không riêng gì khu vực họ sinh sống. Trong các trận đánh nghĩa quân thường tham gia rất đông. Ở Trung Quốc, trong khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, tính dân tộc cũng rất đậm nét. Nếu như trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840-1842) nhân dân giữ thái độ im lặng, nhìn các biến cố xảy ra mặc cho quân triều đình tác chiến (trong cuộc chiến tranh này chỉ có một bộ phận nhân dân Quảng Châu tham gia), thì "trong khởi nghiã Thái Bình Thiên Quốc như báo chí của bọn quý tộc Anh đã thừa nhận đó là cuộc chiến tranh nhân dân để bảo tồn dân tộc Trung Hoa, mặc dù cuộc chiến tranh này mang theo những ý nghĩa tự cao, tự đại của dân tộc Trung Hoa, với những hành động hoang đường, sự gàn dở của thầy đồ và sự ngây ngô của thư sinh, nhưng xét đến cùng, cuộc chiến tranh ấy vẫn là cuộc chiến tranh nhân dân chân chính" (Ăng-ghen, Ba Tư và Trung Quốc, Diễn đàn Nữu Ước số 5032, ngày 5.6.1857). Ở Đông Nam Á, các phong trào chống xâm lược của nhân dân Nam Bộ và Căm-pu-chia, tinh rhần dân tộc được thể hiện rất rõ nét. Nếu trước kia, nhân dân Nam Bộ còn bị chi phối bởi ý thức hệ phong kiến, coi trung với vua là yêu nước, thì bây giờ khi vua đã đầu hàng, nhân dân đã cưỡng lại triều đình để đánh giặc, như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực cùng với những người nông dân họ đã đứng lên tự nguyện đánh giặc bằng những vũ khí thô sơ. Tinh thần đánh giặc của nhân dân Nam Bộ có tác dụng không nhỏ đến phong trào chống thực dân của nhân dân Căm-pu-chia.Chính vì vậy, Pu-cum-bô trong quá trình chién đấu đã liên hệ mật thiết với những người yêu nước Việt Nam, đặt căn cứ kháng chiến của mình ở cả hai nước Việt Nam và Căm-pu-chia, liên minh cùng với nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Như vậy, sự trỗi dậy mạnh mẽ của tinh thần dân tộc của các nước châu Á vào giữa thế kỷ XIX trước sự xâm lược của các nước thực dân phương Tây là sự biểu hiện của sự chín muồi trong qúa trình hình thành dân tộc. Nếu như ở phương Tây, dân tộc hình thành trong thời kỳ các cuộc cách mạng tư sản thì ở châu Á,dân tộc tư sản chủ yếu hình thành trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, mà cao trào đấu tranh vào giữa thế kỷ XIX là một mốc quan trọng nếu không nói sớm hơn. Tinh thần dân tộc đó là một động lực mạnh mẽ khiến cho nhân dân châu Á, mặc dù trong thời kỳ đầu bị thất bại do sự hèn nhát của tập đoàn vua quan phong kiến, nhưng nó là một nguồn cổ vũ lớn đối với nhân dân châu Á để đi đến những thắng lợi to lớn sau này. * Tính chất tôn giáo của phong trào - Một đặc điểm chung cho hấu hết các phong trào chống thực dân và phong kiến cảu nhân dân châu Á vào giữa thế kỷ XIX là yếu tố tôn giáo chi phối khá mạnh mẽ. Đa số các cuộc khới nghĩa đều dùng ngọn cờ tôn giáo để tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân. Từ cuộc khởi nghiã Ba-bít, cuộc khởi nghĩa nhân dân Ấn Độ, đến cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc và ngay cả cuộc khởi nghĩa của Pu-cum-pô đều thể hiện rõ điều đó. Nhìn một cách tổng thể về qúa trình của các cuộc khởi nghĩa, yếu tố tôn giáo đã hạn chế rất nhiều đến thắng lợi của phong trào. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn nhất định, nhất là trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, yếu tố tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng để tập hợp lực lượng. - Phong trào ở châu Á sở dĩ lấy ngọn cờ tôn giáo để hiệu triệu nhân dân là vì nông dân là lực lượng là chính trong các phong trào. Trước sự áp bức của thực dân và phong kiến, người nông dân mong muốn đánh đổ chế độ phong kiến và sự thống trị của thực dân. Vì vậy, họ đã đứng lên đấu tranh, nhưng họ là nông dân họ không có một hệ tư tưởng độc lập, tiến bộ để chỉ đạo, do vậy phải đi đến chỗ dựa vào tôn giáo để tập hợp lực lượng. Điều đó thường xảy ra trong các cuộc khởi nghĩa của nông dân trong lịch sử. b. Ý nghĩa lịch sử - Nó biểu hiện tinh thàn yêu nước, ý chí chống xâm lược của nhân dân châu Á. Nói lên sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược ngay từ đầu. - Qua thực tế của phong trào, cho thấy chế độ phong kiến đã quá lỗi thời, cần được thay thế, đồng thời cho bọn đế quốc thấy được sự đề kháng mãnh liệt của nhân dân châu Á. Thực dân và phong kiến tuy đã đàn áp được phong trào, song không thể thay đổi được đường lối cai trị, buộc phải thực hiện những cải cách nhượng bộ đối với nhân dân. - Qua phong trào cũng nói lên sức mạnh của quần chúng nhân dân, mà chủ yếu là nông dân. Nông dân như một lực lượng và là động lực chủ yếu trong cuộc đấu tranh. Do đó, vấn đề đặt ra là phải giáo dục, tổ chức nông dân theo một hệ tư tưởng tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, biết đề ra những đường lối, đáp ứng quyền lợi thiết thực đối với nông dân. Có như thế, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới đi đến thắng lợi. 2. Phong trào đấu tranh chống thực dân và phong kiến của nhân dân châu Á cuối thế kỷ XIX a. Đặc điểm *Tính đa dạng của phong trào - Trong 30 mươi năm cuối thế kỷ XIX, cao trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân gồm có phong trào có xu hướng tư sản, phong trào tư sản trở nên phổ biến hơn, trong lúc đó phong trào nông dân vẫn tiếp tục nổ ra và phong trào kháng chiến của một bộ phận phong kiến yêu nước vẫn còn tồn tại ở một số nước bị xâm lược về sau. - Tính da dạng này là do sự phát triển của tình hình kinh tế quyết định. Chế độ kimh tế ở châu Á trứơc đây về cơ bản là chế độ phong kiến. Cuối thế kỷ XIX, do việc xâm lươcj của các nước tư bản, nhiều nước châu Á dần dần trở thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa. Sự phân hoá giai cấp được đẩy mạnh và các giai cấp mới ra đời: giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Sự đảo lộn về xã hội và vấn đề giải phóng dân tộc được đặt ra trước mắt các dân tộc, các giai cấp, song lúc bấy giờ chưa có một giai cấp nào đủ mạnh để giành quyền lãnh đạo, chỉ có một số người đứng ra tập hợp lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, phong trào mang tính đa dạng, rất phức tạp. * Sự yếu ơt của phong trào - Cao trào cuối thế kỷ XIX diến ra không rầm rộ như giai đoạn trước, mặc dù phổ biến và đa dạng hơn. Giai cấp phong kiến đã tỏ ra bất lực, một bộ phận phong kiến còn lại vấn tiếp tục lãnh đạo nhưng không tin tưởng ở thắng lợi của mình. Không có một cuộc khởi nghĩa nào trong phong trào đấu tranh do giai cấp phong kiến lãnh đạo đề ra chủ trương cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, thành lập chế độ dân chủ. Về hình thức và phương pháp đấu tranh, họ vẫn theo đường lối bạo động vũ trang, thiên về quân sự, không chú ý giáo dục chính trị cho nhân dân. Nghĩa quân của các cuộc khởi nghĩa còn nặng về mặt phòng ngự vốn đã lỗi thời. - Những cuộc khởi nghĩa của nông dân cũng còn nhiều hạn chế. Họ không đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ, chịu ảnh hưởng của hệ ý thức phong kiến nên dễ bị phong kiến lũng đoạn, khống chế, lợi dụng (như khởi nghĩa Nghĩa Hoà đoàn ở Trung Quốc). Về chủ trương, đường lối, nông dân không đề ra một cương lĩnh rõ ràng, mục tiêu đấu tranh không nhất quán. Hình thức đấu tranh của nông dân châu Á cuối thế kỷ XIX còn mang dấu vết thời Trung cổ như: tính tự phát, thiếu tổ chức, thiếu tổ chức chặt chẽ hoặc khoác áo tôn giáo. - Các phong trào có xu hướng tư sản hoặc phong trào tư sản, tuy có gây được ít nhiều tiếng vang, nhưng tác dụng còn hạn chế. Những người trí thức có xu hướng tư sản chưa cắt đứt được quan hệ với giai cấp phong kiến, vẫn muốn trung thành với chế độ quân chủ và quyền lợi của bọn địa chủ quan lại. Họ không đấu tranh một cách triệt để mà chỉ muốn dựa vào đế quốc để cải cách đất nước. Họ chưa thấy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, chính vì thế không gây được ảnh hưởng gì to lớn. Phong trào tư sản chỉ mới dừng lại ở giai đoạn đầu. - Sự yếu ớt của phong trào chống thực dân ở châu Á vào cuói thế kỷ XIX tương ứng với một thời kỳ của một xã hội đương sụp đổ, nhưng chưa có một xã hội mới ra đời. Các giai cấp mới chỉ còn ở trạng thái manh nha. Quần chúng nhân dân bị áp bức bóc lột vẫn hướng về cách mạng, nhưng chưa được tổ chức, thiếu phương hướng nên các đế quốc ở thời kỳ này vẫn tiếp tục duy trì sự thống trị của chúng ở các nước châu Á. b) Ý nghĩa lịch sử - Phong trào giai đoạn cuối thế kỷ XIX tuy còn nhiều hạn chế, nhưng nó đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân. Với việc truyền bá các học thuyết chính trị của giai cấp tư sản phương Tây và phổ biến những thành tựu khoa học, bằng việc chống đối sự chuyên chế của chế độ phong kiến, sự bóc lột của thực dân, truyền bá tự do, dân chủ, các phong trào thời kỳ này đã góp phần tích cực trong việc chuẩn bị tổ chức cho quần chúng nhân dân bước vào một thời kỳ bão táp cách mạng vào đầu thế kỷ XX. - Sự thất bại của các phong trào cuối thé kỷ XIX, chứng minh rằng con đường cải cách, con đường dựa vào thực dân để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, độc lập dân tộc là không thể nào thực hiện được. Và chỉ có con đường cách mạng mới cứu thoát được dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc 3) Phong trào đấu tranh chống thực dân và phong kiến của nhân dân châu Á đầu thế kỷ XX. a) Đặc điểm của phong trào *Sự thức tỉnh của châu Á đầu thế kỷ XX - Đầu thế kỷ XX, nhân dân châu Á đã thực sự thức tỉnh, không còn bị động như trước nữa. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng hướng đi của phong trào đã được xác định khá rõ ràng: Các đoàn thể, hội, đảng được thành lập và đã có bàn bạc, thảo luận cương lĩnh, mục tiêu đấu tranh. Tính tự giác và tính tổ chức của phong trào đã nâng trình độ chiến đấu lên một bước cao hơn và có tính chất đột biến. - Thời kỳ này không còn những cuộc khởi nghĩa, mà là những cuộc cách mạng đã nổ ra, những cuộc cách mạng dân chủ tư sản tạo thành một chuỗi biến cố lớn trên tiếp theo sau cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga lần thứ nhất, Lê-nin viết: "Ở Đông Âu và châu Á, thời kỳ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản chỉ bắt đầu từ 1905. Những cuộc cách mạng Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc. . . Đó là chuỗi biến cố lớn của thế giới ở thời đại chúng ta, ở phương Đông chúng ta và chỉ có thể mù loà mới không thấy chuỗi biến cố đó. Sự thức tỉnh của một loạt các phong trào dân tộc, dân chủ tư sản, những xu hướng thành lập các quốc gia dân tộc thuần tuý nhất và độc lập" (Lê-nin, Tuyển tập, quyển I, phần II, NXB Sự thật, Hà Nọi, 1959, tr.68). * Vai trò của giai cấp tư sản trong cao trào đấu tranh cách mạng vào đầu thế kỷ XX Ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giai cấp tư sản bao giờ cũng chia làm hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc. - Tư sản mại bản, bộ phận này luôn gắn chặt với quyền lợi tư bản nước ngoài, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc. Vì vậy, họ là kẻ thù của đại đa số quần chúng nhân dân. - Tư sản dân tộc, ít nhiều có tinh thần yêu nước, chống đế quốc và phong kiến. Họ là những nhà kinh doanh vừa và nhỏ, trí thức tiểu tư sản và tư sản có ít nhiều liên hệ với đế quốc nhưng chịu ảnh hưởng tư tưởng tư sản cách mạng. Tuy nhiên, bộ phận này vừa có tinh thần chống đế quốc, chống phong kiến, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cương lĩnh của họ là thành lập một nhà nước trong đó có vị trí, tiếng nói của họ để có thể bảo vệ quyền lợi và cao hơn nữa là một nhà nước mà giai cấp thống trị là bộ phận tư sản dân tộc. Trí thức tư sản là một bộ phận của giai cấp tư sản. Họ được đào tạo qua các trường tư bản đế quốc, nhằm mục đích là phục vụ cho chủ nghĩa thực dân. Song , nhiều trí thức tư sản do nhạy bén về nhận thức chính trị của mình trước cảnh nước dân tộc mất chủ quyền, nhân dân mất tự do, đất nước bị dày xéo, họ đã hành động trái lại với ý đồ của thực dân. họ đứng ra thành lập các hội, đảng chống đế quốc và phong kiến.. Họ giương cao ngọn cờ dân tộc tư sản, họ là người đại diện và phát ngôn, đồng thời là người hành động trực tiếp, chủ yếu của tư sản dân tộc. Ở châu Á đầu thế kỷ XX, bộ phận tư sản dân tộc đã tham gia vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, dấy lên những phong trào cách mạng tư sản ở những mức độ khác nhau như ở Thổ, I-ran, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a. Tư sản dân tộc quan tâm đến công nghiệp hoá nước nhà, phản đối những tàn dư cảu cế độ phong kiến, chống lại đế quốc và tư sản mại bản. Đó là những mặt tích cực tién bộ, mặt cách mạng của họ. Đầu thế kỷ XX, tầng lớp tư sản dân tộc cách mạng đã đề ra những cương lĩnh đấu tranh không cao nhưng tương đối rõ ràng trong từng nước. Các cương lĩnh này đã trở thành ngọn cờ tư tưởng để tập hợp đông đảo quần chúng đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ. Trong các phong trào cách mạng, tư sản dân tộc còn đi với nhân dân và lôi cuốn khá đông đảo quần chúng đi theo mình. Muốn nắm lấy chính quyền, giành lấy chính quyền từ tay đế quốc và phong kiến, tư sản dân tộc không thể một mình đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi, nên họ phải dựa vào quần chúng nhân dân bị áp bức và họ đã không tiếc những lời hứa hẹn tốt đẹp để đạt được mục đích của mình. Vì thế, tư sản dân tộc có vai trò tiến bộ, tích cực và cách mạng. Tuy nhiên, tư sản dân tộc cũng như các tầng lớp tư sản khác, trước hết họ chăm lo sự tăng thêm lợi nhuận của mình. Trong các cuộc đấu tranh, họ chỉ đề ra các yêu sách có lợi cho họ và luôn để lộ xu hướng ngả nghiêng và thoả hiệp đối với thực dân và phong kiến. Những vấn đề quan trọng như thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc và giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân không được đề cập rõ ràng, thậm chí không có. Họ cũng không có dũng khí đấu tranh, không có quyết tâm thực hiện các cương lĩnh đã đề ra dù là rất hạn chế. Sự đoàn kết giữa họ với quần chúng nhân dân thường chỉ thực hiện ở thời kỳ đầu của cách mạng. Đó là mặt tiêu cực, hạn chế của giai cấp tư sản. - Sở dĩ giai cấp tư sản có tính chất hai mặt là vì: mặt tích cực, cách mạng vì họ có mâu thuẫn với đế quốc và phong kiến, họ muốn có quền lợi về kinh tế và nắm chính quyền, muốn được tự do và phát triển. Mặt khác, quần chúng có bản chất cách mạng, đấu tranh không ngừng chống đế quốc, tạo cho nó cái dũng khí đứng ra bảo vệ quyền lợi dân tộc. Còn mặt tiêu cực, thoả hiệp và thậm chí phản bội, vì nó quan tâm trước hết là lợi nhuận và còn liên hệ với đế quốc và phong kiến. Họ không thể thoả mãn mọi yêu sách của nông dân, nông dân muốn có ruộng đất và tư liệu sản xuất mà không phải bồi thường, trong lúc đó nguyên tắc cao nhất của giai cấp tư sản là quyền chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Giai cấp tư sản, một bộ phận xuất thân từ giai cấp phong kiến, bộ phận này bỏ vốn kinh doanh đầu tư vào nông nghiệp để kiếm lợi nhuận và muốn nông dân phải phục dịch, hầu hạ như phục dịch cho các lãnh chúa phong kiến. vì vậy, giai cấp tư sản không muốn giải quyết mâu thuẫn của nó với đế quốc và phong kiến bằng con đường cách mạng, mà chỉ muốn bằng con đường trung gian, vừa lên tiếng đòi hỏi, vừa xin xỏ, vừa đấu tranh, vừa thoả hiệp. Giai cấp tư sản châu Á yếu ớt, số lượng đã ít mà vốn liếng lại không nhiều, trong khi đó thực dân đã nắm hết những khu vực rộng lớn, những tài nguyên giàu có, đã xây dựng được những công ty lũng đoạn với những quyền lực có khả năng loại trừ được những địch thủ trước kia. Chính vì sự yếu ớt về kinh tế mà giai cấp tư sản dân tộc không có tinh thần cách mạng triệt để, không xây dựng cho mình một tổ chức vững chắc, không đề ra được tư tưởng cách mạng chính xác. - Ở châu Á vào đầu thế kỷ XX, phong trào tư sản là phong trào trung tâm mà các phong trào khác đều phải chịu ảnh hưởng, nhưng địa vị lãnh đạo của giai cấp tư sản trong phong trào thực ra không xác định rõ rệt như các cuộc cách mạng tư sản ở các nước Âu-Mỹ trước đây. Sự thiếu xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp tư sản thể hiện sự khủng hoảng chung về giai cấp lãnh đạo cách mạng ở châu Á vào đầu thế kỷ XX, khi mà giai cấp phong kiến đã mất hết vai trò lịch sử, thậm chí phản bội dân tộc, chống lại nhân dân, làm tay sai cho đế quốc và thực dân. Còn giai cấp nông dân tuy có tinh thần cách mạng, tinh thần chiến đấu nhưng không có lý luận cách mạng và khả năng lãnh đạo cách mạng. Giai cấp công nhân còn non yếu, chưa tới giai đoạn trưởng thành, tự giác. Trong điều kiện đó, giai cấp tư sản giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, nhưng vì nhược điểm của bản thân như đã nói ở trên, nên nó không thể lãnh đạo cách mạng lâu dài và đưa cách mạng đi đến thắng lợi triệt để . b. Ý nghĩa lịch sử - Cao trào đấu tranh đầu thế kỷ XX đánh dấu một bước phát triển to lớn, một sự chuyển biến về chất trong quá trình đấu trang giải phóng dân tộc ở châu Á từ trước tới nay. Nó nổ ra như một cơn bão táp cách mạng dữ dội, biểu hiện sự chuyển biến về tư tưởng, từ tự phát đến tự giác về quyền lợi dân tộc, từ phân tàn đến có tổ chức. Độc lập dân tộc, tự do dân chủ đã trở thành ngọn cờ tư tưởng tập hợp quần chúng và chỉ đạo các phong trào. - Phong trào đã làm cho tư tưởng cộng hoà dân chủ có điều kiện bắt rễ sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Trong thực tế, cao trào đánh dấu sự thức tỉnh về ý thức chính trị của nhân dân châu Á vào đầu thế kỷ XX. Chính sự thức tỉnh đó đã đặt cơ sở vững chắc cho sự thắng lợi to lớn và triệt để của nhân dân châu Á trong cuộc đấu tranh chống thực dân và phong kiến trong thời kỳ sau. - Qua phong trào đấu tranh đầu thế kỷ XX, nó đã chỉ ra nhiều vấn đề về chiến lược và sách lược trong đấu tranh cách mạng như về giai cấp lãnh đạo, về đối tượng cách mạng, động lực, nhiệm vụ cách mạng, về bạn đồng minh trong cách mạng. Đó là những bài học kinh nghiệm góp phần giúp cho các nhà cách mạng hiện đại (trong đó có Việt Nam) vận dụng để đề ra những đường lối, chính sách thích hợp, không chỉ giới hạn trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà cả cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay của các dân tộc
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top