Mơ
Writer L_Cillian_W x Collector Visnuaky_Dante
Tên tác phẩm: Mơ.
Nhân vật chính: Tất Sơn.
--------------------------
Đối với Tất Sơn thì có lẽ cái ngày ông nói với ba rằng mình muốn làm họa sĩ là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời.
Cái trán người đàn ông chất chồng ba bốn vết sẹo, xô lại với nhau, nhăn nheo hơn cả một cụ già dù mới tầm đâu bốn mấy tuổi. Gương mặt của ba đỏ đến mức mà ông đã định chạy đi gọi người lớn phòng khi ông cụ ngất ra đấy chẳng ai đỡ, và trông mấy sợi tóc xoăn tít của cụ cứ như đang căng ra và hét vào mặt ông rằng "Mày vừa nói cái quái gì cơ?!"
À không, đúng là ba ông vừa hét vào mặt ông câu đó thật.
Tất Sơn cũng không chắc lắm về điều mình vừa nói. Trong cái lớp hiu quạnh chỉ có vài ba mống ở làng thì rõ là không lạ khi cái tài vẽ vốn chỉ nửa vời của ông lại trở nên nổi bật hơn hẳn so với bọn viết chữ này nhìn ra chữ nọ.
Ba ông đã phải dành cả thanh xuân đi lính và giành lại độc lập cho dân tộc, thế nhưng của cải từ thời ông cha, bằng một cách nào đó vẫn chưa bị bọn thực dân trấn lột đủ sức để tặng cho Tất Sơn một tuổi thơ vô tư chỉ có ăn rồi học chứ không phải ra đồng gieo mạ như mấy đứa trẻ cùng lứa. Thêm nữa mẹ ông vốn là tiểu thư đài các, được ông ngoại cho học hành đâu ra đấy càng chú trọng học vấn của ông, thế nên từ nhỏ ông đã được mẹ luyện cho cầm viết còn chắc hơn cầm muỗng.
Nhưng vấn đề là ông ghét việc học.
Đấy, chính nó, chính vì ông ghét học, ghét phải vận dụng bộ não mà đôi khi ông còn nghi ngờ việc nó có tồn tại hay không nên cái tài vẽ vời dù chỉ là muỗi so với thành tích học tập vẫn khiến ông hứng thú vô cùng.
Nhưng ba ông thì không hứng thú chút nào, chắc chắn luôn.
Người đàn ông táo tợn ấy lúc nào cũng đặt chí trên chiến trường, lúc nhỏ cụ mơ ước được làm quân lính đánh giặc, lúc lớn cụ làm quân lính đánh giặc, và lúc già cụ mơ được làm quân lính đánh giặc hộ luôn lũ cháu chắt, dù thực tế là giặc nó đã bị đánh cho lăn lông lốc về nước từ hồi nảo hồi nào. Thế nên cái việc thằng quý tử nhà cụ, cũng chính là Lê Nguyễn Tất Sơn ông đây mơ mộng về cái nghề họa sĩ vốn chẳng kiếm ra miếng ăn hồi đó dường như chính là một sự báng bổ với ba mình.
Nam nhi thì phải lập chí ra chiến trường!
Phải xông pha anh dũng!
Phải đầu đội trời chân đạp đất, hiên ngang lẫm liệt mà sống!
Nhưng mà ông yếu nhớt hà!
"Mày còn dám trả treo phỏng?!"
Và cái giây phút ông nhận ra mình vừa lỡ miệng phản bác lại ba cũng là giây phút ông biết mình tiêu rồi.
"Mình à, cần gì phải đánh con nó nặng vậy, lời nói con nít mà thôi, hà tất phải coi là thật..."
"Cây uốn thì uốn lúc non, đợi nó lớn mới chỉnh thì có mà cụ tổ nó cũng không nghe."
"Con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh, đâu ra cái lý cha ông đánh giặc mà con cháu đi làm cái hạng họa sĩ đào kép như thế, mơ cũng không có mà mơ!"
Ầy, người già ấy mà, thân xác vận động không nổi nên bớt năng lượng sang tinh thần, cả ngày không làm gì cứ hay suy nghĩ đủ thứ linh tinh. Tất Sơn cũng thế, ông cứ miên man nghĩ về cái thời quá khứ còn non dại bứt râu hổ bẹo gan hùm của mình, hoàn toàn bỏ mặc cô cháu gái nhỏ đang thiếu kiên nhẫn đến giãy đành đạch bên cạnh.
"Ông ngoại! Ông ngoại ông ngoại ông ngoại! Con còn đứng ở đây nè!"
"Hả? À ừ! Mày nhỏ tiếng thôi con! May tai ngoại điếc rồi chứ màng nhĩ mà còn nguyên như hồi xưa chắc cũng bị mày hét cho thủng mấy lỗ!"
Chậc, thật ra cũng không phải là điếc, tại già nên lãng thôi.
Đứa cháu gái nhỏ, mà vốn còn một cái tên khác nữa là Thụy Ly học hằn nhìn ông, đôi mày xinh xắn nhíu lại hết cỡ làm ông theo bản năng rụt người lại một chút.
Bố tổ, đừng có trông giống ông cố nhà mày thế được không, ông ngoại mày sợ đấy...
"Con sẽ làm họa sĩ!"
"Hở?"
"Con sẽ làm họa sĩ, họa sĩ đó!"
"Ừ ừ."
"Con không có giỡn đâu!"
Thụy Ly hờn dỗi quát lên, riết rồi chẳng ai coi lời con bé ra gì cả!
Trong một thoáng Tất Sơn còn nghĩ cháu gái ông đang diễn lại vở bi kịch của ông năm xưa, nếu có cây quải trượng đầu đại bàng nhìn ngầu ngầu trong tay giống ba chắc ông cũng cầm đánh con bé vài cái cho bỏ ghét, chỉ tiếc là hồi đó ông còn khướt mới có cái khẩu khí như thế này.
"Ài, đừng có hét nữa, ngoại mách mẹ con là con bị phạt nữa bây giờ."
"Nhưng, nhưng mà tại ngoại không nghe chứ bộ..."
Thụy Ly gãi gãi đầu, hạ giọng xuống. Thực ra bình thường con bé cũng ngoan lắm, nhưng nói chuyện với ông ngoại nó cứ phải cố sức nên thành ra cọc cằn thế đấy.
"Thế con tìm ngoại làm gì?"
"Ngoại, ngoại khuyên mẹ con đi, con muốn làm họa sĩ thật mà, nhưng mà mẹ nhất quyết không cho con đi học vẽ ý, còn bảo là sau này con phải làm bác sĩ bác học gì nữa cơ!"
"..."
"Ngoại không muốn-"
"Ngoại có!"
"Nhưng mà ngoại sợ-"
"Đó là con gái ngoại đó!"
"..."
Chắc bữa nào phải tạt về nhà một chuyến hỏi xem có phải ông là con rơi còn con gái và cháu ông mới là ruột thịt không mới được.
Tất Sơn đứng dậy, đấm đấm cái lưng vốn không có một tí tẹo nào còng vì chăm tập dưỡng sinh và luôn chú ý dáng đi đứng của mình, thở dài ra chiều mệt mỏi lắm. Ông chầm chậm đi lại phía nhà bếp lấy cho mình tí đồ lót dạ, Thụy Ly cũng lon ton cầm bức tranh vừa đạt giải nhất huyện của mình theo sau.
"Danisa không con?"
"Con không thích bánh quy."
"Thế uống Starbuck nhé?"
"Đợi giao lâu lắm, con không thích."
"Sao con nít bây giờ kén chọn dữ vậy?"
"Có ngoại á, già rồi mà cứ ăn đồ ngọt hoài, sâu răng bây giờ."
Tất Sơn lia mắt qua tủ rượu vừa được con rể gia tăng dân số, âm thầm thở dài lần thứ 17 trong ngày.
Không phải tại con nít như con thì ngoại đây cũng chẳng phải kiêng khem làm gì.
Rốt cuộc ông cũng chỉ tiếc nuối rời mắt khỏi kho tàng bao năm của mình, lục trong tủ lạnh lấy vài viên kẹo bạc hà ra ngậm cho thơm miệng.
"Nào, ngồi đây."
Thụy Ly ngồi xuống cạnh ông ngoại, dựa lưng vào tủ lạnh nhìn lên khung cửa sổ đầy hoa của ông.
Ông của nhóc không phải một người làm nghệ thuật hay gì cả, nhóc nghe mẹ kể ước mơ không chắc lắm đó của ông đã bị ông cố xé nát từ trong trứng nước cơ, nhưng sau tất cả nhóc vẫn thấy mắt thẩm mỹ của ông ngoại là tuyệt nhất.
Ông thích mấy thứ có màu sắc nền nã và vui tươi như con người ông, ông thích hoa và mấy thứ quả có màu đỏ, bàn trà lúc nào cũng được trưng mấy bức tượng sáp nho nhỏ mà ông lượm nhặt ngoài hàng đồ chơi nghệ thuật về, và ông có một căn phòng để trưng bày đầy những bức tranh mà ông vẽ người thương.
Bà ngoại của Thụy Ly mất khi con nhóc mới lên hai, nhưng có lẽ do tình yêu ông ngoại dành cho bà lớn quá, nên dù chưa thể nhận thức con nhóc vẫn ghi tạc được trong não rằng ông yêu bà rất nhiều.
Và đến giờ con nhóc vẫn nghĩ nếu không kiếm được tấm chồng giống ông ngoại thì nó thà ở giá cho xong.
"Nhưng mà làm họa sĩ thì hơi chông chênh, nếu con muốn làm Van Gogh đệ nhị thì bỏ đi con ạ, thiết kế đồ họa cũng được này, hoặc là thời trang hay nội thất, kiếm cũng được ối tiền!"
"Không thích ạ, con muốn vẽ những thứ con muốn, làm theo yêu cầu của người khác chán chết đi được."
"Nhưng làm họa sĩ phải quái vật lắm mới nổi tiếng rồi kiếm ra tiền được con ơi."
"Hồi xưa ông cố cũng nói với ngoại thế ạ?"
Không con, ông cố mày chỉ quất thôi...
Thụy Ly nhìn ông ngoại mình bắt đầu mặt ủ mày chau, cố tìm ra chút lý lẽ logic nhất có thể với một đứa con nít, gắng sức thuyết phục ông để ông thay mình giảng đạo cho mẹ. Thụy Ly hai ba tuổi đã nhanh nhảu miệng mồm, lúc nào cũng liến thoắng chẳng ai nghe kịp. Con nhóc chỉ biết từ tốn khi muốn an ủi hay xin xỏ ai thứ gì, ít ra nó hiểu muốn đạt được mục đích thì trước tiên người nghe phải hiểu được nó cái đã. Nó hắn giọng, không quen lắm mà dùng cái giọng còn non nớt nói:
"Ba con nói thời của ngoại tuy là hết chiến tranh nhưng đất nước vẫn chưa ổn định, thế nên ông cố mới muốn ngoại làm mấy công việc có ích như bác sĩ hay cảnh sát, tốt nhất là vào nhà nước, vậy nên lúc ngoại nói muốn làm nghệ thuật ông cố mới giận vậy, nhưng thời của con thì có giống ngoại tí nào đâu."
"Vừa thoát chiến tranh nên nước nhà nhiều tổn thất, người ta lo cho cái chung là đúng, nhưng bây giờ nước mình yên ổn giàu đẹp, chẳng có lý gì ai ai cũng phải gạt bỏ niềm riêng mà cống hiến cho công việc mình không ưa."
"Ông cha hy sinh là vì hạnh phúc của con cháu sau này mà, bây giờ phụ huynh cấm đoán ước mơ của con trẻ thì khác gì phủi đi phần nào công sức của các cụ ngày xưa đâu. Sống theo ý người khác khó chịu phát tợn ấy chứ..."
"..."
Hóa ra nền giáo dục nước nhà phát triển đến mức này rồi hả? Hay là mấy đứa nhóc tám tuổi bây giờ có siêu trí tuệ hết rồi?
"Ai nói với con mấy cái này vậy?"
"Ba con."
"..." Ừm, ba nó làm thầy giáo, thông tình đạt lý cũng đúng.
Ài, phải chi hồi đó ông cũng có một người ba sẽ giảng giải đạo lý như thế này.
Tất Sơn im lặng trong một chốc, ông nhai cho hết kẹo trong miệng, đợi đến khi nhân socola đã chẳng còn lại gì mới thong thả tiếp lời, làm như không thấy vẻ bộn chộn của cháu gái bên cạnh.
"Nhưng mà đời nghệ thuật ấy... nó như con thuyền vậy. Con muốn chèo nó ra khơi thì phải có sức, có gió căng buồm, con phải bắt được cá để nuôi sống mình đến ngày cập bến, con không được ngưng nghỉ nếu không muốn con thuyền lại trôi về điểm xuất phát, con không được cúi đầu trước bão giông, dù cho cơn lốc có cuốn cả chiếc thuyền của con bay lên trời."
"Dù cho thời đại bây giờ phát triển, con người chú trọng nghệ thuật giải trí nhưng chưa chắc gì con đã đủ tài năng để họ phải chú ý. Cái nghề này sinh ra vì sở thích chứ không phải là điều bắt buộc mà con người cần. Người ta cần bác sĩ khi không khỏe trong người, người ta cần giáo viên để truyền đạt kiến thức mà sống, người ta cần cảnh sát để bảo vệ trật tự và an toàn của chính mình, người ta cần những chính trị gia, những quan chức nhà nước để đất nước mình sống càng thêm giàu đẹp, thêm trù phú, nhưng làm gì có ai cần một họa sĩ hả con?"
"Không phải mẹ con ngăn cấm con theo đuổi ước mơ, mà con nhóc đó chỉ quá lo lắng cho tương lai của con, nó không đủ can đảm đánh cược vào cuộc đời con như vậy được."
Đối với họa sĩ, người ta vốn là vui thì đến mà thích thì đi, khó mà nói trước.
Không có một điều gì chắc chắn với cái nghề này cả.
"Ly à, làm gì có ba mẹ nào muốn con mình khổ sở đúng không con?"
Thụy Ly im lặng, bức tranh trong tay bị bóp đến nát nhàu. Một khoảng lặng hiện ra như cái cảm xúc nghẹn ngào bỗng trào ra trong lòng con nhóc. Nó nửa hiểu nửa không lời ông nói, nhưng dù chỉ một nửa nó cũng biết ông đang có ý chối từ.
Hóa ra một đứa con nít muốn theo đuổi ước mơ cũng thật khó.
Tất Sơn lấy bức tranh ra khỏi tay nó, kéo phẳng ra, ôm đầu cháu gái vào lòng vỗ về. Bàn tay ông nhịp nhịp trên mái tóc đen nhánh còn cài hoa, ông mừng vì nó thích mấy bông hoa ông trồng trong vườn.
Mắt hạnh to tròn đã sóng sánh nước mắt, chỉ chực chờ chạm được cái ôm an ủi là như thác đổ triều dâng, nương theo hàng mi dưới mong manh mà thi nhau rơi khỏi mắt đứa trẻ.
"Nhưng mà... nhưng mà, hức... con muốn làm họa sĩ mà..."
"Con muốn, hức... con cần họa sĩ mà, không ai cần thì con cần..."
Tất Sơn biết, Thụy Ly không chỉ nửa vời với cái ước mơ này như ông lúc xưa. Ông vẫn nhớ con nhóc đã mày mò từng ngày về cách phối màu như thế nào, vật xa vật gần vẽ ra sao, vẽ đến khi tay đen than chì và hộp màu trống rỗng. Ông thích lắm cái gương mặt hạnh phúc đến đỏ lên của cháu gái mình khi được chọn đi thi vẽ cho trường, mắt nó lấp lánh bạt ngàn sao trời khi nhắc đến cái tương lai mình được cầm cọ vẽ, được sống cả phần đời nhỏ bé bên hộp màu và những bức họa.
Con nhóc yêu vẽ, như cách ba ông yêu nước, cống hiến hết lòng mình và thành tín cầu nguyện vì nó.
Thế nhưng đời chẳng bao giờ dễ dàng cái gì, làm gì thì làm, cũng phải chừa cho mình một đường để quay lại.
"Ly à, giờ ông cháu mình về nói chuyện với mẹ nhé. Bảo mẹ cho con đi học vẽ, không cấm đoán sở thích và ước mơ của con nữa. Nhưng đồng thời con hãy chọn cho mình một cái nghề dự phòng, lấy cái nghề đó nuôi sống bản thân, cho đến khi con chắc rằng phần việc họa sĩ có thể nuôi con cả đời ấy, ta bỏ cái nghề ấy cũng được, nha con?"
"Như ông này, ông cũng thích vẽ, nhưng ông biết cái tài của mình không được như người ta, nên ông chỉ coi nó là một phần phụ của cuộc đời, mà ông vẫn làm được nhiều thứ với nó đấy chứ! Ông vẽ bà cho con nhìn này, bởi bà con có thích chụp ảnh đâu, bà nói ông vẽ bà trông xinh hơn, và mấy cái máy ảnh cứ chớp nháy hồi đó không khiến bà con tin tưởng chút nào."
"Không làm họa sĩ cũng không sao, vì chỉ cần con thích thì nó vẫn sẽ tồn tại trong đời con, và khi con muốn, con vẫn có thể cầm cọ vẽ bất cứ lúc nào."
Bé gái trong lòng Tất Sơn vâng một tiếng, nhỏ nhẹ nhưng nức nở. Nó vẫn còn thút thít một chút vì sự khó chịu và bất an trong lòng, nhưng sau cũng ngủ mất trong vòng tay ông. Bức tranh lại được nhóc ôm vào ngực, hẳn nó quý lắm.
Tất Sơn tủm tỉm cười nhìn con gái mình mang khăn đến lau mặt cho cháu, ông trả nhóc về lại lòng mẹ.
"Ôi thôi nào, đừng khóc chứ con, ba không còn sức dỗ đứa thứ hai đâu."
"Nhưng con lo cho nó mà ba, lo cho cả cuộc đời nó, con cũng đâu có muốn..."
"Phải rồi, chúng ta lo lắng và khiến con trẻ khó chịu, ai cũng có phần đúng, vậy nên cứ nhường nhau mỗi người một bước thôi."
Thụy Liên hồng cả mắt nhìn về ông lão vẫn còn ngồi dựa lưng vào tủ lạnh, cô như trở về ngày còn làm một con bé như con mình bây giờ, rụt rè hỏi ba:
"Còn ba thì sao hả ba?"
Còn ước mơ của ba thì sao? Dù cho ba gọi nó là một thứ nửa vời, nhưng nó vốn cũng là khát khao thuở nhỏ.
Ước mơ bị cướp mất rồi, ai mà chẳng đau lòng.
"Haha, con không nghe Ly nói hả, thời của ba là để cống hiến cho cái chung cơ! Mà chúng ta làm điều đó là vì bọn trẻ sau này, để tụi nó theo đuổi cái riêng của mình."
"Ba cũng đã để con chạy theo môn ba lê con thích rồi, vậy nên đừng cấm đoán cháu gái ba nhé."
"Vâng... con cảm ơn ba."
"Ba này, chắt của ba tính nối nghiệp thằng quý tử của ba đấy, ba thấy sao?"
"Sao trăng cái gì, con bé làm thì tương lai rực rỡ, anh làm thì chỉ có cạp đất mà ăn!"
"Ài, ba đừng nặng lời vậy chứ, con lớn tuổi rồi, tim không tốt lắm đâu."
"Hừ!"
"Ba à..."
"Con cảm ơn ba."
Cảm ơn ba vì đã lo cho cuộc đời con.
Cảm ơn ba vì đã mặc kệ con đưa tụi nhỏ đến với ước mơ của mình.
"Những chú chim bây giờ chẳng phải gồng mình bảo vệ tổ nữa, vậy cứ để chúng bay đi ba nhỉ?"
Bay đến nơi ước mơ tồn tại, dù cho nó có chôn tận chân trời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top