02. Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
chap này ngẫu hứng hơn cả chap 1 =))) mình nghe nhạc trịnh và viết nên yeh... nó không được liên kết lắm nhưng vẫn là câu chuyện của hai bạn phong phú thôi =)))
Phong nhớ hoài câu chuyện mà Phú đã kể.
Cậu kể anh nghe trên con đường ngập trong nắng đêm - ánh nắng đen kịt len lỏi qua từng sợi tóc phất phới bay trong gió lộng - làn gió mát mẻ rười rượi chạy sượt qua da của Sài Gòn. Phú kể trong tiếng xe cộ đan lồng vào nhau, chằng chịt như những sợi len rối mù. Câu chuyện cậu mang một vết bầm in hằn trong đôi mắt sạch trong và sáng ngời của cậu, trong đôi mắt tưởng chừng chỉ thấy cánh chim lội ngang bầu trời hay những đợt mưa to như muốn cuốn trôi hết thảy sầu phiền, trong đôi mắt mà mỗi tích tắc Phong khẽ khàng chụp qua, anh cứ ngỡ đó là giọt sương mai rơi trên phiến lá, đọng lại vào khoảnh khắc bình minh trỗi dậy đầy huy hoàng.
Trong câu chuyện mà Phú đã kể anh nghe đó, có những vết bầm còn sẫm màu và in sâu trên da thịt hơn cả nơi mắt cậu. Nếu vết bầm của Phú là nỗi ám ảnh chẳng bao giờ nguôi thì những vết bầm mà cậu đã kể là nỗi hận, nỗi đau, là sự chịu đựng và một tương lai mơ hồ của một đời người.
"Em đã tưởng đôi mắt ấy sẽ theo em mãi, theo em như một hồn ma không thể nào rũ bỏ thế trần."
Phong nhìn Phú, khi cả hai đã đứng trước nhà cậu. Trời tối xuống, không khác biệt mấy so với một tiếng trước nhưng lại trông như đã trĩu nặng sắc màu hơn, một màu buồn bã và rũ rượi.
Giọng Phú nhạt đi, phai dần về phía cuối. Nhỏ nhẹ, dẽ dàng trong tiếng xe cộ vẫn còn vang hoài ngoài đường lớn. Nhà Phú nằm trong một con đường nhỏ hơn, ánh sáng từ bên trong dạt tới tận cửa, song lại không làm gương mặt cậu sáng lên thêm chút nào.
"Ngôi nhà bên cạnh từng là nhà của một gia đình ba người, họ chỉ vừa mới chuyển đi mấy tháng trước, đến giờ vẫn chưa có ai dọn vào, dù em nghe rằng nó đã được một Việt kiều mua lại."
Phú vu vơ kể chuyện lúc Phong tình cờ hỏi thăm về ngôi nhà duy nhất không sáng đèn giữa những ngôi nhà đang nồng đậm hơi ấm xung quanh. Phú bảo rằng gia đình đó có một cậu con trai, cậu con trai ấy từng là bạn với cậu, tuổi thơ cả hai từng trải dài dáng dấp nhau, nhưng sau đó mọi thứ thay đổi.
Ba của cậu ấy đổ nợ, một con thác cũng thình lình đổ xuống cả gia đình. Có những hoàn cảnh rất quen mà ta đã từng nghe qua báo đài hay tivi, về những hoàn cảnh hay số phận của những người con, người mẹ, người vợ phải gánh chịu cơn phẫn nộ của sự lầm lỡ. Nói trắng ra, người đàn ông là trụ cột của gia đình đổi tính chỉ sau một tờ giấy nợ. Ông bắt đầu rượu chè bê tha, đi sớm về khuya, không cờ bạc thì say khướt, mấy ngón tay tróc vảy da vì trơn trượt đâu đó bên ngoài rồi lại về nhà trút hờn lên vợ con. Có những nỗi hận không biết từ đâu ra, rơi xuống như một quả tạ mà cuộc đời thân tặng, và mỉa mai thay, thay vì cố gắng gỡ quả tạ ấy khỏi vai, có vô số đàn ông chọn đội quả tạ đó lên thân thể vợ con mình.
Tần suất cậu bạn của Phú nghỉ học tăng lên, dần dà thì cậu không còn thấy cậu ấy đến trường nữa. Có vài tối, tiếng hét la vọng ra từ căn nhà lạnh lẽo dù ánh sáng luôn ngập tràn. Tiếng đổ vỡ, tiếng xô xát, ban đầu người ta còn can ngăn, song sau có mấy người bị liên lụy nên người ta cũng quan ngại.
Sự sống trôi qua trên từng khúc sông thời gian, và có hai cuộc đời đang dần chết chìm trong dòng sông đó. Xã hội trở nên khắc nghiệt cách đáng sợ, có lẽ vì thế mà con người cũng trở nên liều lĩnh. Cái liều lĩnh của họ thâu tóm lí trí và bình tĩnh, họ có thể làm mọi thứ để ủi an cho nỗi đau của họ. Họ dùng bạo lực ở nhà vì đấy là nơi duy nhất họ có tiếng nói dù có thể bên ngoài họ thấp cổ bé họng. Họ để bạo lực trị vì bởi ra ngoài, họ bị bạo lực trị vì.
"Đó là lần cuối em thấy cậu ấy."
Phú nói. Giọng cậu hơi run, Phong liếc mắt nhìn để đảm bảo người bên cạnh mình không bỗng dưng tuôn trào xúc động khỏi mắt. Anh cũng không biết là may mắn hay xót xa, khi đôi mắt Phú vẫn khô ráo và tĩnh lặng, như một chiếc áo đã khô trong cơn nắng mùa hạ, lặng yên trong nắng và tủi thân trong nắng.
"Em nhớ mãi đêm đó, cái đêm cậu ấy cùng mẹ trốn đi, em đứng trên phòng nhìn xuống, cậu ấy từ dưới ngước lên, ánh mắt chúng em chạm nhau, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng em. Em không rõ sao em lại cảm giác thế, nhưng đôi mắt cậu ấy vẫn rất sáng dù nó đang bị bao vây bởi nhiều vết bầm lớn nhỏ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, em nghe mẹ bảo cậu ấy đã cùng mẹ cậu ấy trốn đi, em mới biết lần chạm mắt hôm qua không phải là một giấc mơ."
"Thế sao em lại thấy ám ảnh?" Phong hỏi, anh đứng dậy khỏi yên xe, quay về phía Phú. Đôi mắt anh chầm chậm đưa sang căn nhà bên cạnh, đột nhiên anh cũng thấy rùng mình.
"Cậu ấy mất rồi." Phú dịu giọng. "Hai hôm sau khi cậu ấy đi, báo chí đưa tin có một vụ nhảy cầu của hai mẹ con. Em nghĩ có thể anh biết hoặc từng nghe qua, hôm đó em sốc đến nỗi không bước nổi chân ra ngoài."
Phong hiểu cảm giác này, hoặc, ít nhất anh mường tượng được. Cái cảm giác mỗi lần nhớ về một người rất thân, về hồi ức hay nụ cười của họ đã từng rạng rỡ thế nào, nay lại chỉ còn là dĩ vãng và vĩnh viễn chìm trong giá lạnh của dòng nước, nó có thể đau siết tới mức khiến ta không thở nổi.
"Có lẽ em sẽ không dằn vặt đến thế, nếu lần cuối chào nhau bằng ánh mắt, cậu ấy không nhìn em như thể một lời cảm ơn và một lời chúc may mắn."
"Dù sao cũng không phải lỗi của em."
"Em đã nghĩ em hơi ơ thờ." Phú xoa cổ mình. "Em biết em còn quá trẻ và em có quá nhiều nhút nhát để làm điều gì đó, em còn nghĩ với việc trốn đi, mẹ con cậu ấy sẽ bắt đầu cuộc sống tốt hơn, nhưng em sai rồi. Không có gì bắt đầu và không có gì tốt hơn cả, chỉ có hai cuộc đời kết thúc dưới chân cầu cùng những ước vọng mãi mãi bị lãng quên thôi. Sẽ chẳng ai tiếc thương hay nhắc về hai mẹ con cậu ấy nữa."
"Có em còn gì." Phong nói, dịu dàng tựa cơn gió mùa xuân, ôm vào từng cánh hoa day dứt đang nở rộ trong lòng Phú. "Anh tin em sẽ không nhớ cậu ấy theo một cách khổ đau và tiếc nuối. Ngược lại, anh tin em sẽ nhớ về cậu ấy với dáng vẻ đẹp nhất của một chàng thiếu niên. Ít nhất thì, cậu ấy đã sống rất đẹp trong em, đúng không?"
"Anh nói đúng." Trong khoảng lặng hiếm hoi mà ngoài đường lớn không còn tiếng xe cộ, cuối cùng Phong cũng chớp được cảnh Phú mỉm cười với mình.
Cậu cười rất khẽ, tiếng cười chỉ rung lên hai lần như tiếng chuông gió bị đẩy nhẹ trước hiên nhà. Phong có thể nhìn được cả một vùng lá phong đỏ nơi nụ cười ấy, dẫu sống trên đất Sài Gòn đã hai mấy năm, anh chưa từng có dịp thấy khung cảnh đó bao giờ, Phong vẫn nhìn được cảnh tượng Phú đứng giữa rừng lá phong, nghiêng đầu rồi mỉm cười với anh.
Có lẽ hoàng hôn đã thả vào lòng anh chút phiên phiến sắc hồng, để giờ đây anh đa cảm và dễ thơ thẩn hơn nhiều chút.
Trên con đường về nhà Phú, cả hai đã cùng chơi một trò chơi. Đồng thanh cùng nhau một con số, nếu con số của ai nhỏ hơn, người đó sẽ phải nói ra những thứ đọng lại trong lòng như một đàn kiến bị kẹt trong hốc, ngọ nguậy mãi mà không thoát nổi ra khỏi cái hốc đó. Có thể đây là lần gặp đầu tiên mà cũng là lần gặp duy nhất, vì thế nếu có lỡ mình đang gặp chuyện gì không vui mà lại chẳng dám nói với ai, giờ đây nói với người kia có lẽ không phải là phương án tồi.
"Hãy nói anh nghe, anh chỉ nghe thôi, anh cũng không lưu trữ bằng chứng hay thậm chí là có cơ hội gặp lại để dàn trải câu chuyện đó ra lần nữa."
"Nghe cứ như bà lão gặp quả thị. Thị ơi Thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn." Phú hào hứng trên đường trở về. Dù lời thuyết phục của Phong hoàn toàn có lí và đã làm cậu lay động, cậu vẫn tốn chút thời gian trước khi quyết định kể ra câu chuyện của mình.
Thành thật thì, Phú đã ngâm nỗi đau này được một quãng thời gian rồi. Bảo là nỗi đau thì cũng không hẳn, như thể bảo một quả táo giống một quả cam, nó là quả nhưng lại không giống nhau, Phú đau đớn vì bạn mình không còn nhưng nỗi đau chưa đủ để cậu gọi cảm xúc trong mình là nỗi đau. Nó không đủ để đại diện cả hỗn hợp cảm xúc ấy. Rõ ràng là thế, song Phú không tìm được từ nào thích hợp hơn. Phú giữ nó trong lòng như cách quả Thị treo trên cây mãi mà không rụng xuống, không phải vì nó chưa chín hay không muốn chạm đất, có lẽ vì nó chưa tìm được người thích hợp để làm nó cảm thấy đây là lúc mình sẽ rời cành.
Phú không tin lắm vào số phận hay định mệnh, dẫu cậu từng nghe nhiều về việc không cuộc gặp mặt nào là vô nghĩa, dù thoáng qua hay nán lại thật lâu. Triệu hạt mưa không hạt nào rơi nhầm chỗ, những người ta gặp không người nào là ngẫu nhiên. Dĩ nhiên, cậu không bảo nhận định đó sai, chỉ là cậu không tin tưởng hoàn toàn. Có nhiều cuộc gặp mặt chớp nhoáng hơn cả một sắc màu ta quẹt trên nền giấy trắng, và rồi nó cũng chỉ đơn thuần là một nét vẽ ngẫu nhiên thôi, có thể cả đời sau ta sẽ chẳng màng nhớ tới nó. Nhưng cuộc gặp với Phong làm cậu nghĩ lại. Dù sau này có thể cả hai sẽ không gặp lại nhau nữa, cậu vẫn tin đây sẽ là cuộc gặp gỡ ý nghĩa và có nhiều thứ khiến cậu phải khắc ghi.
"Cảm ơn anh nhé."
Phong cười. "Gì đâu mà cảm ơn anh."
"Cảm ơn anh vì đã là bà lão hứng quả thị của em. Em ước quả thị của em là một quả ngọt, để câu chuyện anh nghe hôm nay sẽ khiến anh vui, thay vì khiến không khí trùng xuống và có lẽ anh đã thấy nổi gai ốc trong thoáng chốc."
"Anh ổn mà." Phong phất tay. "Thật ra, nếu câu chuyện của em là một câu chuyện vui, nó đã không được gọi là câu chuyện cần phải tìm đúng đối tượng rồi."
"Anh học khoa nào thế?" Phú nhíu mày. "Ăn nói tốt ghê."
"Chú chủ quán hồi nãy chỉ anh đấy, nếu em muốn thì thường xuyên ghé quán chú ấy chơi, chú hay kể chuyện lúc xưa cả chia sẻ mấy câu đáng học hỏi lắm. Anh ngồi cà phê với chú nhiều nên đâm ra tâm hồn cũng chững chạc và đi chậm hơn chút." Phong lại quay người, ngồi xuống yên xe mình. "Thật ra thì, anh không có ba. Một cách đúng đắn hơn, ba anh mất sớm nên anh chỉ có mẹ và em trai thôi. Thành thử lúc anh biết chú, chú luôn cho anh cảm giác mình có một người cha ở Sài Gòn, dù gốc chú không phải dân ở đây."
Phú quay sang nhìn anh, cậu thật lòng cảm thán.
"Anh mạnh mẽ thật."
"Anh đâu có mạnh mẽ? Chỉ là anh quen với chuyện đó thôi." Phong cười xòa. "Vẫn có đôi lúc anh thấy nó không bình thường và cảm xúc trong anh dâng lên mạnh mẽ, anh thấy tim mình nhói lên và anh chỉ muốn ôm mẹ vào khi đó, muốn trở lại làm một đứa con trai bé nhỏ lẫn không biết nếu ra khỏi vòng tay mẹ, thế giới sẽ rộng lớn với anh nhường nào."
Thảng hoặc, Phong ước giá như con người có thể điều chế được một loại ủ tê có công dụng làm tê dại đi nỗi đau trong lồng ngực thì hay biết mấy. Đó không phải là nỗi đau xuất phát từ căn bệnh tim bẩm sinh hay một cơn đau tim bộc phát, đó là nỗi đau di căn từ sự kiện trong quá khứ, nảy mầm từ nhớ nhung và phát triển như một cơn bão lốc từ kỉ niệm. Phong nghĩ không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau đi từ thứ mờ ảo trong trái tim mà ra, nghĩa là nó không phải do tim nhưng lại cứ đau đáu nơi lồng ngực.
Và thời gian, cũng là một thứ tàn nhẫn. Thời gian có thể cho ta thành quả rực rỡ của một quá trình nỗ lực, nhưng cũng có thể cho ta sự thất vọng và dấu chấm hết cho một hình hài nào đó mà ta rất yêu trong đời ta. Hơn hết, thời gian là thứ không thể thu hồi hay trở lại. Thời gian có thể đưa ai đó đi nhưng vĩnh hằng không thể đưa người đó trở lại, thời gian cũng có thể làm nguôi ngoai nỗi mất mát nhưng cũng sẽ nuôi sống nỗi mất mát ấy trong lòng ta. Với Phong, thời gian chẳng khác gì một đứa bé khó chiều, có khi nó ngoan, đáng yêu, có khi nó ngỗ nghịch, đáng ghét, rồi nó lớn lên, cùng ta, cạnh ta, rồi chứng kiến ta mệt nhoài, muốn gục ngã, và nó chỉ chứng kiến mà thôi, nó chẳng làm thêm được gì khác.
"Thế dạo này anh có hay nghĩ suy điều gì không?"
Phú bất ngờ cất lời. Có lẽ vì cậu thấy Phong đã trầm ngâm một lúc, không lâu đâu song đủ để cậu lăn tăn về điều anh đang bận lòng. Một chàng trai trẻ, chỉ chênh cậu một tuổi, gương mặt anh sáng bừng, anh đem lại cảm giác an toàn và vô cùng tử tế. Với Phú, sống và trở thành một người tử tế không hề dễ dàng chút nào.
Hỷ nộ ái ố là thứ mà ai cũng có, hờn giận, ghen tức, vui vẻ, cáu bẳn, suy sụp hay vô vàn trạng thái khác là thứ mà hầu hết ai cũng từng trải qua trong đời. Dù đời ngắn hay dài, dù đời thênh thang hay chỉ chật hẹp trong một góc tù túng, những cảm xúc ấy vẫn có thể hiện hữu trong một người. Nó như phản xạ tự nhiên, không cần học và cũng không cần ai dạy bảo, nó cứ tới thôi, bởi đơn giản con người đều có cảm xúc lẫn suy nghĩ riêng tư. Chính vì thế mà càng lớn, Phú càng nhận ra, để làm một người tử tế thì thật khó.
Thật khó để vẫn mỉm cười khi có kẻ quát tháo và sỉ nhục ta trước mặt ta. Thật khó để không tức giận khi bắt gặp có ai đó không tử tế với người vốn chẳng liên quan gì tới họ. Thật khó để không buông những lời xấu xí với người cũng đang buông lời xấu xí tới người khác. Thật khó, thật quá khó.
Nhưng Phú nghĩ Phong làm được. Ngay từ vẻ bề ngoài của anh, Phú đã có cảm giác rằng Phong sẽ làm được. Dẫu đời đã lật thuyền anh xuống sông một lần, làm da thịt anh trầy trụa và làm vết thương nơi lòng anh rách toạc, Phú vẫn nghĩ anh có thể tử tế đến mức mà không nhiều người làm được như thế.
"Có chứ. Dạo này anh nghĩ nhiều lắm."
Phong hơi khựng lại. Anh không biết mình có nên kể ra không- về những nghĩ suy dõng dạc chảy trong đầu mình, nhiều khi lặp đi lặp lại không ngừng. Song dù gì cũng đã hứa sẽ kể nhau nghe điều mà mình chưa từng kể ai nghe, Phong vẫn quyết định bổ quả thị của mình ra.
"Dạo này anh cứ hay nghĩ về mấy cái vẩn vơ mông lung lắm. Ví dụ như tại sao có những người lại cay độc đến thế, trong khi họ cũng từng thơ ngây và vui vẻ như trẻ thơ, trong khi họ cũng từng chưa bị sự lớn bào mòn và thay đổi. Anh thắc mắc rằng họ đã lớn lên thế nào, cũng nghĩ ước gì mình bé lại, bé lại vài tuổi thôi, để những hôm anh ôm mẹ sẽ là vì những câu chuyện trong lớp học chứ không phải những bản ngã tối tăm ở bên ngoài."
Đưa tay với lấy chai nước bên hông balo, Phong vặn nắp nhưng chưa uống.
"Hoặc thi thoảng anh cũng nghĩ về thời ba mẹ anh. Ở cùng lứa tuổi của mình, không biết lúc đó họ thế nào? Có thể hơi đói nhưng sẽ vui, sẽ có gì đó làm họ hạnh phúc tới nỗi họ quên đi mỏi mệt vì không thể cưỡng lại niềm hạnh phúc đó, đúng không?"
"Em hiểu." Phú đáp, cậu bồi vào như một cách tiếp nối bước đi trên cát của anh. "Anh làm em nhớ đến hồi em cuối cấp một, Trung Thu hay Giáng Sinh đúng nghĩa là Trung Thu và Giáng Sinh. Ý em là, em có định nghĩa riêng cho hai dịp lễ đó và hồi ấy vui cực, em cùng các bạn đi rước lồng đèn quanh xóm, có năm bị cúp đèn, mấy chiếc lồng đèn của bọn em lấp lánh không khác gì ánh sao. Mà đèn bọn em cũng là hình ngôi sao, bọc giấy bóng đỏ, đốt nến nhỏ bên trong, nến nhỏ đặt trong cái lõi nhỏ- em hay gọi thế, và cái lõi được đặt giữa một thanh gỗ nằm ngang mấy thanh khác. Hay Giáng Sinh, tụi em có một cây thông rất lớn ở đầu xóm, chỉ duy nhất cây thông đó thôi vì mọi người đều cùng nhau góp quỹ nuôi cây thông đó. Bọn em đua nhau chụp hình, dần dà đến giờ thì những điều đó lại không còn nữa. Dù Trung Thu vẫn tới và Giáng Sinh vẫn về, em lại không thấy được những năm em cuối cấp một ở đó nữa. Bạn bè em cũng tản ra, chuyển đi hoặc- anh biết rồi đấy. Em cũng không hiểu sao, đó có lẽ là sự mất tích bí ẩn to lớn mà nhân loại chẳng có thời gian để khám phá."
Phong bật cười.
"Anh thích cách em gọi những điều đó là sự mất tích bí ẩn. Nghe đỡ ngột ngạt và rầu rĩ hơn. Em đánh giá vui vẻ cho sự mất tích đó dù chính em cũng thấy tiếc nuối."
"Vì em biết em không tìm chúng về được." Phú tặc lưỡi. "Mà, sao cuộc nói chuyện của chúng ta lại thế này nhỉ?" Phú cười, giọng cậu vang lên khúc khích bên tai Phong. Cậu nói. "Trong khi đáng ra chúng ta nên bàn về một quán nước nào đó hay một chủ đề mà mấy đứa con trai hay bàn, xe cộ, games kiểu vậy, chúng ta lại nói về mấy thứ nghe rất..."
"Buồn và chán?"
"Buồn và chán." Phú búng tay. "Buồn cho chúng ta và chán cho những người không thích chủ đề này."
"Vậy..." Phong uống ngụm nước rồi quay sang nhìn Phú. Khi đôi mắt cả hai lại chạm nhau lần thứ bao nhiêu đó trong ngày, anh ngỏ lời. "Em có muốn bọn mình đổi chủ đề không?"
Phú nhướng mày, và Phong hiểu rằng cậu đang đợi anh tiếp tục.
"Ví dụ như là, lần tiếp theo bọn mình có thể gặp nhau ở đâu đó chẳng hạn?"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top