01. Khởi đầu

CHÚ Ý: Truyện chỉ lấy bối cảnh thời Lê Sơ mà cụ thể là thời vua Lê Thánh Tông, KHÔNG PHẢI DÃ SỬ vì các tình tiết là DO NGƯỜI VIẾT TƯỞNG TƯỢNG ra, không phải từ các câu chuyện trong nhân gian truyền nhau. Thể loại tâm linh, kinh dị, tình tiết HƯ CẤU, KHÔNG CÓ GÌ LÀ THẬT, cũng KHÔNG PHẢI LOẠN LUÂN. Về phần xưng hô nếu có gì chưa phù hợp xin bạn đọc góp ý và thông cảm. Xin chân thành cảm ơn!

___________________________________________

Từ xưa rất xưa, khi đất còn chưa chia ranh giới, bầu trời vẫn là của chung và sông núi là món quà mà mẹ thiên nhiên yêu tặng cho con cái mình, con người bắt đầu sinh sống giống như những bộ lạc - họ săn bắt, hái lượm để tạo ra những của cải chung, hưởng lợi ích chung với nhau. Theo thời gian, vạn vật đều sẽ thay đổi và phát triển. Bên cạnh những bước đầu của các nền văn minh, con người dần có tính độc lập. Sự xuất hiện của kim loại và kĩ thuật đúc đã giúp đời sống cư dân ngày càng phát triển. Lâu dần, vật chất làm ra nhiều hơn nhu cầu sử dụng, cư dân khi ấy tích trữ chúng, tạo thành của cải. Từ đây có sự phân hóa giữa người có của cải và người không có của cải, đồng thời cũng tạo ra một tầng lớp lãnh đạo có thể được xem là bộ máy nhà nước. Nền văn minh cổ Văn Lang - Âu Lạc ở phía bắc bắt nguồn từ ấy. Nhờ có các công cụ, vật dụng, đồ vật làm từ kim loại, nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc phát triển vượt bậc, mở đầu cho một quốc gia nhiều thăng trầm lịch sử...

Đại Việt năm 1466, vua Lê Thánh Tông tổ chức bộ máy nhà nước thành sáu bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Gọi tắt là Lục bộ. Bấy giờ, Binh bộ thượng thư trước là hào kiệt dẫn binh theo Lê Lợi nổi dậy trong khởi nghĩa Lam Sơn. Sau khi đánh tan quân Minh, Lê Lợi lên ngôi, triều Hậu Lê mở ra, Binh bộ thượng thư khi ấy vẫn còn là một viên tướng được gọi vào triều nhận chức, canh giữ biên cương. Đến năm 1460, vua Lê Thánh Tông nối tiếp vương triều họ Lê, ông chủ trương cải cách hành chính, khi cân nhắc vị trí Thượng thư của Binh bộ, vua đã chọn tin cậy tướng võ Lê Tinh Nhuệ. Chức Thượng thư đã được trao cho Lê tướng như thế.

Lại nói về Lê Thượng thư, ông năm nay năm mươi sáu tuổi, giữ chức Binh bộ tượng thư đã sáu năm. Binh bộ thượng thư nổi tiếng là người nghĩa khí, dũng cảm và tài trí, một lòng vì dân vì nước. Ông đến hơn ba mươi tuổi vẫn chưa thành thân, vua Lê thời ấy sốt ruột nên tác thành cho ông và một tiểu thư gia đình quan chức thuộc Lại bộ. Hai người may mắn tâm đầu ý hợp, yêu thương mùi mẫn, hôn nhân mặn mà. Hai vợ chồng ấy vậy lại trắc trở đường kế tự, thành thân hơn tám năm mới có con đầu lòng.

Đại công tử của Binh bộ thượng thư tên là Lê Nhã Phong. Công tử khôi ngô tuấn tú, ngày bé kháu khỉnh thông minh, lớn lên lại đúng với khuôn mẫu mạnh mẽ, khỏe khoắn nhưng vẫn nhã nhặn, thanh cao; lúc tập luyện xuất binh dẹp loạn thổ phỉ trông giống hệt dáng hình oai phong năm xưa của Lê Thượng thư, người ta bảo ấy là "con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh". Nhã Phong năm nay mười lăm tuổi, nhân dân khắp cả thừa tuyên đều chưa từng nhìn thấy cậu ấy trong hơn bảy năm vừa rồi bởi cậu đã theo cha đi tập binh, luyện võ, khắp nơi từ lúc tám tuổi. Mọi lời về Nhã Phong đều do người ở phủ, huyện khác truyền ra, đa số là ở những nơi mà Binh bộ thượng thư cùng còn trai đến kiểm tra trực tiếp việc binh lính.

Cách đây ba năm, Phu nhân Binh bộ thượng thư suýt thì mất mạng vì sinh khó. Phúc đức nhà Lê Thượng thư rất lớn, cả hai mẹ con đều vượt qua cửa tử bình an. Nhị công tử nhà Lê Thượng thư là một em bé đáng yêu, má phính trắng hồng cùng đôi mắt tinh anh, dự là sẽ giống như cha và anh trai - trở thành một công tử tài sắc vẹn toàn. Nhị công tử có tên rất đẹp - Lê Phổ Minh.

*

- Thiếu gia! Nhị thiếu gia, đừng có đến gần hồ nước quá, cẩn thận trượt chân thì nguy mất. - Hầu nữ hốt hoảng vừa chạy vừa nói lớn.

Phía bên kia hồ là một cậu bé đang hớn hở với tay định hái bông hoa sen bung nở. Tốc độ chân của hầu nữ ngày càng nhanh, nàng chạy hết lực để đến ngăn kịp nhị thiếu gia vươn người về phía hồ.

"Soạt."

Lớp cỏ mềm sau trận mưa tối qua trở nên trơn trượt vô cùng. Và dường như em bé kia cũng ý thức được chuyện chân mình đang mất dần sức bám, nó hét lên kinh hãi khi cả cơ thể bắt đầu đổ xuống hồ.

- Á! Mẹ ơi! Thị Lan ơi!

- Nhị thiếu gia! - Hầu nữ tên Thị Lan mặt trắng bệch, mắt trợn hỏa lên khi thấy Phổ Minh sắp rơi khỏi bờ đất mà lao thẳng xuống nước.

Trong giây phút nguy hiểm, Thị Lan lấy đà nhảy chồm đến với hi vọng nắm được vạt áo hay cổ chân của Phổ Minh nhưng khổ nỗi, khoảng cách của nàng vẫn còn quá xa. Ngay lúc Thị Lan gần như tuyệt vọng, chuẩn bị đứng dậy hô hoán gia nô đến cứu thì...

"Soạt."

Phổ Minh giật mình, ngơ ngác đến nín cả khóc. Âm thanh áo vải cọ sát vào nhau cùng với hơi ấm và cảm giác như được nhấc lên rồi ghì chặt vào lòng khiến cho công tử nhỏ biết bé thoát chết rồi.

Thị Lan quỳ rạp dưới đất, khẽ ngẩng đầu lên nhìn, khi thấy nhị thiếu gia được người kia bế gọn trong tay, người ấy còn lau nước mắt rồi vỗ về dỗ dành công tử nhỏ, nàng mới tạm thở phào.

- Thưa công tử, đội ơn đội phước công tử đã cứu nhị thiếu gia của chúng tôi. Ơn nghĩa của công tử, tiểu nô sẽ bẩm với Lê Thượng thư không thiếu, không sót một từ. - Thị Lan chạy đến gần, quỳ xuống mà lạy.

- Không cần, cô đứng dậy đi. Cô chắc là gia nô mà mẹ mới đưa về nhỉ? Chuyện hôm nay đừng nói ra, có ta, Phổ Minh và ngươi biết là được rồi. - Công tử cao ráo trẻ tuổi nói.

Thị Lan lấy làm lạ, vị công tử này mặt trông rất quen, vào được phủ Thượng thư chắc chắn phải là người có gia thế, với gương mặt thế này... cũng trạc tuổi đại công tử mà Thị Lan nghe các chị kể. Có lẽ nào...

- Dạ! Dạ tiểu nô có mắt như mù, không nhận ra đại thiếu gia, đội ơn đại thiếu gia đã cứu giúp nô tì. Đội ơn đại thiếu gia!

- Không sao, cấm được có lần sau, rõ chưa? - Nhã Phong nghiêm nghị nói. Tình huống vừa rồi quá nguy hiểm, chỉ cần muộn vài giây nữa là Phổ Minh sẽ rớt xuống. Nếu chuyện này đến tai mẹ và cha, cả nhà tì nữ kia gán vào đây làm nô cũng chưa chắc hết tội.

Nhã Phong ân cần ôm lấy Phổ Minh đi vào nhà. Em bé yêu quý của cậu sợ tái xanh mặt, khóc thút thít từ nãy đến giờ, làm sao mà không xót được.

- Huhu, anh là ai ạ? - Phổ Minh khóc thì vẫn khóc, thậm chí nấc cả lên nhưng vẫn không quên tra hỏi người đang bế mình.

Em chỉ muốn biết người cứu mình là ai chứ em hiểu người vừa cứu mình là người tốt, Thị Lan còn quỳ lạy người này và còn để anh ta bế em đi, vậy chắc anh này là người tốt thật rồi nhỉ.

- Anh là ai à? Anh là Lê Nhã Phong.

Mắt em nhỏ bỗng mở căng ra, em đưa tay quệt nước mắt ở má. Phổ Minh ngửa đầu ra ngắm ngắm gương mặt Nhã Phong. Ngắm hồi lâu, em nói:

- Mẹ nói anh Nhã Phong đi luyện võ cùng cha lâu lắm mới về, anh đã rời nhà khi Phổ Minh được tám tháng tuổi. Mẹ nói anh rất yêu Phổ Minh, lúc còn ở nhà ngày nào anh cũng bế, cũng ôm Phổ Minh, trước khi đi còn tặng cho Phổ Mimh rất nhiều quà. Mỗi năm cha đều về nhà ba, bốn lần nhưng không bao giờ thấy anh về cùng. Phổ Minh rất buồn, các bạn đến chơi với Phổ Minh đều có anh trai và chị gái đi cùng... - Em nhỏ đang nói bỗng nghẹn lại, gào lên khóc lớn, hai tay ôm chặt lấy cổ Nhã Phong.

Nhã Phong nghe mà nhũn hết cả lòng, em bé của cậu đã tủi thân lắm. Mới có hơn ba tuổi mà nhiều cảm xúc thế này rồi, sau này em hiểu chuyện hơn hi vọng em sẽ nhìn thấu cho tấm lòng của người làm anh như Nhã Phong, cậu cũng chỉ vì đại cuộc mà thôi.

Cậu thiếu niên trẻ bế em vào tư phòng của mẹ. Nào ngờ em bé khóc to quá, lại cứ dụi vào ngực anh mà khóc, Lê Phu nhân tưởng rằng Nhã Phong trêu em khóc mà mắng:

- Cái thằng này, mới về đến nhà đã lo đi trêu em rồi. Em khóc em giận cho đáng đời!

Rồi lại:

- Nào nào Phổ Minh đáng yêu của mẹ, sang đây với mẹ nào, không chơi với anh Phong nữa, nhỉ.

Thế mà Phổ Minh lại đáp với giọng run rẩy (khóc dữ dội quá nhưng không nín được) đến là tội:

- Dạ hong... Con muốn Nhã Phong bế con.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top