hẹn em ngày nắng
lowercase
"nhớ về trước giờ cơm con nhé, và đừng đi chơi xa quá, nhất là không được đến căn nhà ở cuối ngõ."
mỗi khi tôi xỏ đôi dép quai kẹp của mình vào để chuẩn bị đi chơi cùng đám bạn, tiếng bà tôi sẽ vọng ra với lời nhắc nhở quen thuộc như thế.
và tất nhiên, tôi sẽ về trước giờ cơm, tôi cũng chẳng đi đâu xa khỏi con hẻm quen thuộc này. nhưng riêng về việc không được đến gần căn nhà ở cuối ngõ thì tôi không chắc lắm.
trẻ con thì vốn có tính tò mò, cái này tôi chẳng thể chối được khi tôi cứ năm lần bảy lượt mon men đến căn nhà ấy để khám phá xem rốt cuộc ông bà đang can ngăn tôi khỏi thứ gì.
để mọi người không phát hiện, tôi thường đợi đến lúc đám bạn chơi lò cò hay trốn tìm hăng say rồi mới lẻn đi, khi đó sẽ chẳng có ai biết được tôi biến mất từ khi nào cả. quan trọng hơn, mỗi lần như thế đôi đều sẽ đi một mình, không phải là vì tôi ích kỷ hay không được lòng đám nhóc trong xóm, mà là do bọn nó sợ.
người nhà chúng nó cũng dặn dò không được đến gần chỗ đó, có vài đứa còn bị răn đe, thế nên mỗi lần nhắc đến chỗ cuối ngõ là cả đám im bặt. chậc, bọn nó hiếu kỳ, nhưng bọn nó sợ cây roi của ba mẹ hơn, ngay cả thằng nok to con, lớn nhanh nhất xóm cũng chẳng dám đi với tôi.
thì thôi cũng phải, đám đó còn phải ngoan ngoãn ở nhà cho ba mẹ nuôi, còn tôi thì một năm ghé ông bà có vài ba đợt, dù tôi có nghịch một chút thì ông bà cũng chẳng nỡ giận hay rầy la gì nhiều đâu.
thế là tôi đi, hôm nay là ngày thứ năm tôi "phục kích" căn nhà cuối ngõ trong khi tôi về thăm ông bà còn chưa đầy một tuần trong mùa hè này. và tôi đoán ông trời thật sự sẽ không phụ lòng kiên trì của chúng ta khi sau nhiều lần rình rập, tôi rốt cuộc cũng bắt chuyện được với chủ của căn nhà này.
"chan, vào đi con." tôi nghe tiếng trong sân vườn vang đến sau khi tôi ném vào trong ba trái xoài, đây chính là "thủ tục" mở cổng mà tôi tự đặt ra.
tôi bước vào trong sau khi nhận được lời chấp thuận. chà, khu vườn này vẫn thế, ngập nắng và đầy hoa, cỏ trên nền đất lúc nào cũng ở trong tình trạng xanh tốt.
ông phuwin ngồi trên cái ghế đung đưa bằng gỗ, thoải mái dựa lưng tựa đầu, mặt ngẩng về hướng sáng, mắt thì nhắm nghiền. trông ông thư thả từ ngày này qua ngày khác và phong thái ấy chẳng bao giờ khác đi, như thể một ngày phơi nắng của ông trong nhiều năm qua vẫn chưa hề kết thúc.
tôi đoán ông phuwin bấy giờ đã tầm hơn sáu mươi lăm tuổi, nếp nhăn trên tay ông mách tôi thế, chứ do người ông gầy và cao ráo nên tôi vẫn chưa thấy quá nhiều biểu hiện của tuổi tác toát ra từ ông.
ông phuwin là người tốt, tôi cam kết là vậy, ban đầu tôi nghĩ phải chăng đây là ngôi nhà của một tên bặm trợn thích chém giết người khác nên dân trong xóm mới kêu đám trẻ tránh xa, nhưng xem tôi đã làm bạn được với ai này, rõ ràng chỉ là một ông lão vô cùng vô hại và hiền lành.
lúc nào tôi cũng thấy ông ngồi phơi nắng, bên cạnh ghế là giỏ trái cây và bánh kẹo như đã sẵn sàng tươm tất để mời tôi đến dùng. và tôi cũng chẳng khách sáo, vừa chào hỏi ông xong là lao vào cắn lấy trái táo tươi ngọt đang được bày trên giỏ, rồi ngồi gọn bên cạnh để nghe ông kể chuyện.
chuyện thì người lớn nào cũng có thể kể, như đến với ông phuwin, tôi dường như thấy được một thế giới khác hẳn với những gì gia đình thường thuật lại cho tôi.
khác với những khu rừng có sói, có hổ, có thỏ, có nai, khác với những lâu đài có hoàng tử và công chúa, khác với tầng địa đàng có thiên thần đấu tranh chống lại ác quỷ, câu chuyện của ông phuwin chỉ có con người trong xã hội phức tạp với những quan điểm, suy nghĩ khác nhau.
không có thiện ác đúng sai, chỉ có những mâu thuẫn xuất phát từ góc nhìn đa chiều.
qua vài lần đến chơi, tôi đã biết được khi xưa ông là một cậu trai trẻ rất năng động và đa tài. ông học giỏi, ông biết chơi nhạc, ông hát hay, ông giỏi giao tiếp, ông sống chan hoà và được lòng tất cả mọi người xung quanh.
khác với số phận đơn côi bây giờ, ông phuwin cũng đã từng yêu, ông yêu bằng tất cả lòng nhiệt thành và sự trong sáng của một thiếu niên vừa bước vào đời.
nhưng người nhà ông không thích điều đó, xã hội cũng chẳng chấp nhận ông.
đó là lúc tôi biết câu chuyện của ông phuwin còn có thêm một cậu trai tên là naravit.
ông kể, ông gặp naravit năm ông mười lăm tuổi, người ấy thì mười bảy tuổi.
ông kể, naravit thích đưa ông đi trồng cây, đi câu cá, đi phơi nắng trên đỉnh đồi, hai người họ còn hẹn sau này sẽ cùng nhau xây một khu vườn thật to với nhiều loại hoa khác nhau.
khi kể về naravit, tôi thấy ông sẽ trẻ thêm vài phần, đôi mắt suốt ngày nhắm nghiền của ông sẽ mở ra, tròng đen sáng long lanh như có ai đó vừa đưa cả một dải ngân hà vào để giúp ông chất chứa những niềm vui.
ông kể, sinh nhật năm mười sáu tuổi, naravit đã tặng ông một chậu bông hồng vừa chớm nở. ông vui vẻ mang về nhà, nhưng chỉ sau vài ngày, chậu hồng ấy đã bị người khác đập mất, chính mắt ông nhìn nụ hoa mà naravit cẩn thận chăm sóc hàng tháng bị giẫm nát dưới gót giày của người trong xóm.
người ta nói ông bệnh hoạn, mắng bọn họ là những kẻ điên đang làm dấy bẩn xã hội.
lúc đó tôi cũng không biết sao ông phuwin lại có thể kể cho tôi về câu chuyện này với thái độ bình thản như thế, liệu có phải ký ức qua nhiều năm cũng sẽ bị thời gian gặm nhấm đi phần cảm xúc, chỉ để lại một thước phim ấn tượng nhưng không có khả năng làm ta đau nữa hay không?
ông phuwin cũng từng lo lắng khi nghĩ rằng những lời ông nói ra là quá sức cho một đứa trẻ như tôi, nhưng tôi cứ nằng nặc đòi ông kể với lời cam kết rằng mình vẫn đang bình thường và sẽ không bị ảnh hưởng bởi câu chuyện của ông.
thế là ông phuwin lại tiếp tục câu chuyện, rằng ông đã bị cha mẹ nhốt vào phòng và buộc phải đọc thật nhiều kinh phật để hối lỗi. nhưng ông chẳng hề đoái hoài đến bọn họ, vì ông không cam tâm, và cũng vì ông lo cho naravit.
có một lần, naravit đã lẻn trèo lên cửa sổ phòng ông trong đêm vì quá nhớ ông. nhưng chẳng may, người dân đã phát hiện và đánh naravit gãy chân, còn ông phuwin thì bị bỏ đói trong một tuần.
sau hơn một tháng sống trong địa ngục của những lời gièm pha, ba mẹ của ông phuwin quyết định sẽ đưa ông đến thành phố khác, càng xa naravit càng tốt.
ngày phải rời đi, ông phuwin đã nghĩ rằng mình đã chết. ông bước lên xe như một cái xác không hồn, với cơ thể đã kiệt quệ sức sống và ông cũng chẳng màng đấu tranh với những khổ đau trước mắt.
khi xe lăn bánh lên cây cầu mà bờ bên kia là một ngôi làng khác, naravit đã đến và chặn bọn họ lại.
"đừng cản tôi, tôi muốn nói lời cuối với phuwin."
"phuwin!"
"phuwin, em ơi đừng buồn em nhé."
"tôi xin em đừng khóc."
"các người cút ra, hãy cho tôi gặp phuwin, rồi tôi sẽ biến mất, sẽ trả lại tất cả mọi thứ, sẽ để phuwin tiếp tục trong sạch và ngây thơ."
"phuwin ơi, tôi yêu em."
"hãy tiếp tục sống thật tốt, toả sáng rực rỡ như trước đây em đã từng nhé."
"tôi sẽ về bên em em vào một ngày nắng đẹp, khi mà chúng ta có thể thực hiện những ý nguyện ban đầu mình đã đặt ra."
ông phuwin sau đó đã thấy naravit gieo thẳng mình xuống sông ngay khi vừa dứt lời. ông phuwin đã cố gắng chạy theo nhưng sự kìm kẹp của người nhà đã khiến ông chỉ biết bất lực nhìn người mình yêu ngày càng mờ đi trong tầm mắt.
naravit không ngoảnh lại, cũng không chần chừ một giây nào, naravit nhảy xuống đáy sông sâu thẳm để giải thoát cho ông phuwin, giải thoát cho những năm tháng hoài công của bọn họ.
naravit chết trẻ để mong cho ông phuwin sống già.
và có lẽ cũng từ lúc đó, ông phuwin đã dần quen với việc ngồi ngẩn ngơ một mình trong sân vườn như thế này.
chắc cũng vì chuyện này mà người khác mới truyền tai nhau rằng phuwin tangsakyuen là một kẻ điên.
nhưng lòng trắc ẩn của tôi đã giúp tôi hiểu được ông phuwin đang chờ đợi điều gì.
đó là khi vào những ngày nắng gắt, tôi ngồi dưới nắng rơi mồ hôi lã chã, còn ông thì vẫn bình thản như thế thôi.
tôi từng nói. "ông ơi nắng gắt quá, hay mình vào nhà đi."
ông cũng từng đáp. "đã nắng đâu cháu ạ."
mùa hè năm đó tôi đã bầu bạn với ông một cách bình dị như thế, chúng tôi đều vờ như không quan tâm chuyện ông phuwin đang dần yếu đi, giọng nói cũng trở nên thều thào và những cơn mệt người đang khiến ông không ăn thêm được gì nhiều nữa.
trước khi trở về thành phố, tôi đã dành thêm một ngày ngẩn ngơ với ông.
khi tôi chào ông, ông đã dặn tôi rằng. "khi nào trời đổ nắng, hãy mang đến cho ông một bông hoa hồng màu trắng."
và thế là tôi đi.
mùa hè kế tiếp, tôi về quê thăm ông bà, thăm cả ông phuwin.
nhưng lần này khi tôi xỏ dép đi ra ngoài, bà chỉ dặn tôi về trước giờ cơm.
tôi bước về phía ngôi nhà cuối ngõ - con đường năm trước không có đứa con nít nào bén mảng tới, giờ đây đã vang vọng tiếng cười và tiếng đếm số trốn tìm.
thằng nok tới, tôi hỏi nó sao hôm nay lại chơi ở đây, nó bảo đất trống thì chơi thôi. tôi nhìn vào cái sân vườn quen thuộc hôm nọ bấy giờ đã vắng người, cỏ thì ngả vàng, hoa cũng dần héo hết, chỉ còn cái ghế gỗ quen thuộc của ông đặt trơ trọi giữa khoảng sân đầy nắng.
lúc đó tôi biết, ông phuwin mất rồi, dù tôi chẳng dám mở miệng ra hỏi bất cứ ai về chuyện này cả.
vì tôi biết rõ, chỉ có sinh tử mới có thể khiến ông rời khỏi khu vườn này, và nếu ông có lí do gì đó để chuyển đi nơi khác ở, nhất định ông sẽ không để lại cái ghế quen thuộc kia đâu.
mùa hè kế tiếp, rồi lại kế tiếp nữa, mỗi lần về quê, tôi lại đi đến căn nhà cuối ngõ ấy rồi thẫn thờ nhìn một lúc lâu.
lại thêm nhiều mùa hè kế tiếp, lần này tôi nắm tay người yêu, ném qua cổng ba trái xoài như "thủ tục" cũ rồi tiến vào sân vườn nọ.
em giúp tôi đặt lên trên chiếc ghế gỗ đã dần mục ấy một chậu hoa hồng màu trắng, để nó tiếp tục hứng nắng của thiên nhiên.
"trời nắng rồi em nhỉ?" tôi nói.
em gật đầu.
"nếu vào thời của ông mọi thứ cũng dễ dàng như chúng ta thì ông ấy sẽ không ra đi trong sân vườn u tối như vậy đâu."
em vỗ vai tôi. "chan, ông đã đi và để lại cho anh một khoảng trời đầy nắng."
mãi đến lúc ấy tôi mới hiểu ra, ông phuwin bình thản kể chuyện cho tôi nghe không phải vì ông không còn đau nữa, mà ông đã chìm trong niềm đau ấy rồi.
suốt mấy mươi năm cuộc đời, ông phuwin đã không tìm được một nguồn động lực nào khác, và ông đã sống cô độc như thế, sân vườn đầy nắng cũng hoá u tối trong mắt ông vì naravit đã không trở về như lời hứa.
đối với ông trời chỉ nắng đẹp khi có naravit.
tôi thương ông phuwin vì đã phải lặng lẽ chống chọi với quá nhiều thứ, và cũng cảm ơn ông vì đã để lại cho tôi những ngày đầy nắng, để tôi có thể mạnh mẽ nắm tay người mình yêu trở về quê nhà. tôi nhận ra, vì tình yêu của ông phuwin chết trẻ nên giờ đây tôi mới có can đảm nuôi nấng cho chuyện của tôi và em sống già.
end
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top