3: tự sự hành tinh đen
Tôi yêu anh ấy, nhưng tôi chẳng thể nói ra được, toàn bộ những suy nghĩ chỉ tồn tại quẩn quanh trong đầu mà tôi không có cách nào truyền tải nó đến anh. Đúng thế, đối với anh tôi chỉ là một đứa trẻ tự kỉ, không hơn không kém.
Khi những đứa trẻ cùng trang lứa đang lớn lên một cách bình thường, được đến trường và đi học, thì tôi vẫn hằng ngày ở nhà, nằm dài trên tấm thảm lông màu trắng tô tô vẽ vẽ những bức tranh mà tôi xem là kiệt tác của đời mình. Tôi không nhớ được lần cuối mình nói chuyện với bố mẹ là khi nào, chắc là khi bố tát và đẩy mẹ xuống cầu thang rồi ngang nhiên dẫn nàng nhân tình về nhà qua đêm, làm tình trên chiếc giường mà 10 năm trước bố mẹ cùng nhau động phòng hoa chúc. Sau đó mẹ và tôi rời đi, chuyển về vùng quê Chiangmai này, cắt đứt toàn bộ liên lạc với bố.
Nhưng tôi không trò chuyện với bất kỳ ai sau lần đó nữa, chuỗi ngày của tôi chỉ lặp đi lặp lại một số công việc nhất định, và dù có chết tôi cũng không chịu bước chân ra khỏi phòng. Một đêm tôi tình cờ nhìn thấy mẹ khóc, khi tôi đang rón rén bước xuống nhà để uống nước. Đã là nửa đêm, trong phòng khách chỉ độc một chiếc đèn bàn màu vàng le lói, bà ngồi đấy khóc nấc trong khi cầm kết quả chuẩn đoán của tôi.
Tôi biết, chẳng thể nào dễ dàng khi con trai duy nhất của mình lại biến thành một đứa trẻ tự kỷ cả, điều đó không công bằng với bà. Mẹ tôi đáng thương thật, bà có một cuộc hôn nhân tồi tệ với gã đàn ông mà bà đã yêu hết mực, giờ đây đứa con trai bà mang nặng đẻ đau, ngày ngày nuôi nó lớn lên lại trưởng thành một cách khiếm khuyết, không còn bình thường. Những đứa trẻ 17 tuổi giờ đây đã biết chạy về ôm lấy mẹ chúng, phụ giúp việc gia đình, còn tôi vẫn chỉ cứ mãi lặng im mà quanh quẩn với đóng bút chì đầy màu sắc.
Một tuần trước bà nhận được lời mời hợp tác của một công ty lớn ở thị thành, điều đó bắt buộc bà phải chuyển đến Krungthep 3 tháng và việc chăm sóc tôi hiển nhiên trở thành nỗi lo lắng lớn nhất của bà. Mẹ tôi đứng trước ngã ba với hai lựa chọn, từ bỏ công việc với số tiền lớn, dư sức trang trải cho gia đình vài năm để ở lại Chiangmai chăm sóc tôi, hai rằng sẽ rời đi và để lại tôi cho một người khác săn sóc. Và bà đã chọn vế sau. Thế là một ngày nọ, bà dẫn anh đến gặp tôi.
Sau khi chạy đôn chạy đáo ở những trung tâm y tế nổi tiếng, trải qua vài cuộc phỏng vấn với hàng chục người, Naravit là người được chọn. Mẹ tôi ngả giá tiền lương gấp đôi so với một số công việc khác để anh đến và ở lại nhà tôi với tư cách người giám hộ tạm thời. Hôm ấy vẫn bình thường như những hôm khác, trong khi tôi đang loay hoay với mớ giấy vẽ cùng những cây chì đủ màu sắc, anh mở cửa phòng tôi và bước vào trước sự cho phép của mẹ tôi.
Tôi ngừng tô tô vẽ vẽ mà ngước nhìn lấy anh, với vốn từ ngữ ít ỏi của mình, tôi không biết nên dùng cách nào để miêu tả người đàn ông trước mặt, Naravit có mái tóc đen, anh ta cao, nước da hơi vàng đặc trưng của người châu Á, và khuôn miệng anh nở nụ cười còn sáng hơn mặt trời mà tôi đã vẽ hàng ngàn lần trong trang giấy.
"Chào em, anh là Naravit, rất vui khi được gặp em"
Ừ Naravit đã bước vào đời tôi như thế, khiến cho hành tinh vỏn vẹn những cây bút chì màu giờ đây lại có thêm một hình bóng. Trong những ngày mẹ vắng nhà, Naravit dọn đến sống trong căn hộ của tôi. Đều đặn mỗi sáng 7 giờ sẽ chuẩn bị bữa sáng cùng ly sữa đậu nành nóng, nhẹ nhàng gõ cửa phòng rồi dịu dàng vỗ về gọi tôi thức dậy. Anh sẽ cẩn thận đặt gọn đôi dép thỏ trắng dưới giường trước khi tôi đặt đôi chân trần xuống nền nhà lạnh lẽo, kem đánh răng vị dâu tây được chuẩn bị sẵn trên bàn chải được đặt gọn ở bệ rửa, mái tóc tổ quạ cũng được anh chải chuốt thẳng nếp.
"Phuwin, mặt trời không phải màu xanh dương đâu, phải là màu đỏ cơ"
"Phuwin, con gà chỉ có hai chân thôi, làm sao em lại vẽ thành bốn chân như con chó nhà dì Pui được."
"Phuwin, em ghi sai rồi, tên anh là Naravit không phải Norawit"
"Phuwin..."
"Phuwin..."
"Phuwin giỏi quá"
"Phuwin đáng yêu quá"
Naravit thật phiền phức nhưng tôi không cảm thấy chán ghét anh, không bài xích cái cách mà anh luôn gọi tên tôi và khen ngợi tôi. Naravit dạy tôi vẽ ngói nhà bằng đất nung cam, vẽ đoá hoa hồng đỏ rực bên hàng rào, vẽ bầu trời xanh ngát, vẽ chú chim sẻ nhỏ đang hót líu lo bên cạnh chú mèo. Tôi không biết sau khi mẹ tôi trở về, tôi và Naravit có thể gặp lại nhau hay không, tôi thấy mình là một đứa trẻ tồi tệ khi đã ước rằng, giá mà mẹ tôi ở lại Krungthep lâu hơn, để Naravit có thể cạnh bên tôi thêm một chút nữa, dù chỉ một chút thôi.
Tôi bắt đầu bày trò vòi vĩnh và làm nũng, mỗi tối sẽ dùng mọi cách để leo lên giường anh mà ngủ cùng, hoặc bắt anh phải ngủ cùng ở phòng của tôi. Tôi bắt Naravit phải kể cho tôi nghe một câu chuyện cổ tích nào đó trước khi đi ngủ, dù rằng tôi chẳng hiểu câu chuyện đó là gì. Và mỗi sáng thức dậy trước Naravit, tôi sẽ vờ vịt nhắm mắt để được anh xoa nhẹ tóc, thơm lên má gọi khẽ "dậy nào, bé lười".
"Phuwin, em làm sao thế, lại dỗi gì anh hả?"
Không có.
Chỉ là tôi thấy anh ôm hôn một ai, không phải tôi...nhưng làm sao lại là tôi được.
Naravit xoa nhẹ mái tóc cô gái ấy, người mà anh gọi là vị hôn phụ, lưu luyến mà môi lưỡi trao cho cô nụ hôn tạm biệt dưới nhánh cây tầm gửi trước cửa nhà tôi. Dịu dàng và nhẹ nhàng, thế mà tôi cứ nghĩ, những cái ôm cái xoa anh dành cho tôi, đã là điều dịu dàng riêng biệt duy nhất của lòng anh rồi...nhưng vốn dĩ là tôi nghĩ mà thôi.
Đêm đó tôi ôm lấy anh, vùi đầu vào lòng ngực của anh, hít hà mùi hương nhài của nước xả vải mà anh hay dùng. Naravit cười khúc khích mà vỗ nhẹ lưng tôi, ngân nga câu hát của bài nhạc tôi từng nghe được trên tivi. Thế rồi tôi đánh bạo hôn anh, thực chất chỉ là cái chạm môi ngờ nghệch, và rồi Naravit từ tốn đẩy tôi ra. Anh không phản ứng gì thêm, chỉ lẳng lặng nhìn tôi rồi lắc đầu.
"Phuwin này, nụ hôn không thể tuỳ tiện mà trao như thế này đâu. Em biết đấy, nụ hôn là điều gì đó rất đặc biệt và thiêng liêng, chúng ta chỉ nên trao nó cho người mà chúng ta yêu, người mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi ở cùng, người mà chúng ta muốn nắm tay cùng bước đi một đoạn thật dài. Giống như anh và May, bọn anh là người yêu, tương lai sẽ trở thành vợ chồng với nhau, nên rằng bọn anh mới hôn nhau, còn anh và em, em là đứa trẻ ngoan, là em trai nhỏ của anh, chúng ta có thể ôm nhau, em có thể thơm má anh như thường lệ mà không phải là nụ hôn chạm môi này. Vì chạm môi cần có tình yêu lứa đôi, anh và em không phải mối quan hệ như thế. Chết thật...anh không nghĩ là em sẽ hiểu những gì anh nói, chí ít là em không biết tình yêu là gì. Thứ lỗi cho sự lắm lời của anh"
Đúng rồi nhỉ, trong mắt người ấy tôi chỉ là đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ, đứa trẻ chẳng biết gì ngoài vẽ vời và chơi đùa cùng đống bút chì đầy màu sắc, đứa trẻ luôn vòi vĩnh, nũng nịu, đứa trẻ chỉ có thể xem anh là anh trai mà nằng nặc ôm anh, hôn má anh.
Naravit đi rồi, rời khỏi căn hộ của tôi, trả lại cho tôi căn phòng tĩnh lặng với chiếc thảm lông trắng muốt cùng đống bút màu vương vãi. Naravit đi rồi, rời khỏi cuộc sống của tôi để bắt đầu cuộc sống với người con gái anh yêu. Naravit đi rồi, rời đi khi tôi đã biết mặt trời màu đỏ, đại dương màu xanh, và nhánh cây tầm gửi phải là màu xanh lá mạ. Naravit đi rồi, nên bầu trời chẳng còn ngát xanh với đám mây trắng như kẹo bông gòn nữa, bầu trời giờ đây xám xịt và lem luốc trên trang giấy...chắc là nên vẽ một tí mưa và sấm nhỉ.
Naravit đi rồi, trước khi đi còn tiện tay khoe mẽ hình cưới nồng nàn của mình và nàng May.
end.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top