V. TRIẾT HỌC TÔN GIÁO

Thượng đế mà các nhà triết học tôn giáo thích tranh cãi không phải là đấng mà hầu hết chúng ta công nhận. Ngài có xu hướng trừu tượng hơn, giống như "Quyền năng" trong phim Chiến tranh giữa các vì sao, và không mấy giống đấng Cha Trời vẫn thao thức hằng đêm lo lắng cho ta.


DIMITRI: Hôm trước tôi trò chuyện với Zeus, ngài nghĩ rằng cậu có ảnh hưởng xấu đến tôi.

TASSO: Hay thật đấy, vì tôi cứ nghĩ ông đấy ảnh hưởng xấu đến cậu.

DIMITRI: Bằng cách nào?

TASSO: Ông ấy khiến cậu tưởng những giọng nói vang lên trong đầu cậu là thực.

***


ĐỨC TIN VÀO THƯỢNG ĐẾ

Người theo thuyết Bất khả tri là người nghĩ rằng sự tồn tại của Thượng đế không thể chứng minh bằng những chứng cứ hiện có, nhưng người đó không phủ nhận khả năng Thượng đế có tồn tại. Người bất khả tri chỉ đứng sau người vô thần một bước, người vô thần coi nghi vấn về sự tồn tại của Thượng đế đã chấm dứt. Nếu hai người cùng phát hiện thấy một bụi cây bốc cháy có tiếng kêu, "Ta là cái mà ta là", người bất khả tri sẽ đi kiếm cái máy ghi âm giấu trong bụi, còn người vô thần chỉ nhún vai và lấy kẹo ra nhai. (*)

(*) Theo sách Xuất hành hay Xuất E-díp-tô (quyển sách thứ hai trong Cựu ước). Thiên Chúa đã hiện ra với Moses trong ngọn lửa giữa bụi cây, lựa chọn Moses làm thủ lĩnh để đưa dân Do Thái rời khỏi Ai Cập đến Đất Hứa.

Hai ông bạn Ireland đang nhậu trong quán thì trông thấy một ông hói ngồi uống một mình ở góc cuối quán.

Pat: Này, kia chẳng phải là Winnie Churchill (*) đó sao?

Sean: Không. Không thể là ông ấy. Winnie sẽ không đến những chỗ như thế này.

Pat: Tớ không đùa cậu đâu. Nhìn kỹ đi. Tớ thề đó là Winnie Churchill. Cá với cậu 10 đô là tớ đúng.

Sean: Cậu cứ thử đi.

Pat đi xuống cuối phòng và nói chuyện với người hói, "Ông là Winnie Churchill đúng không?"

Ông hói quát lên, "Biến ngay cho khuất mắt tao, thằng ngu!"

Pat quay lại chỗ Sean và nói, "Hừ, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được, đúng không?"

(*)Winston Churchill (1874-1965): chính trị gia người Anh, nổi tiếng nhất với cương vị Thủ tướng Anh trong Thế chiến II. Ông từng là một người lính, nhà báo, nhà văn, họa sĩ. Churchill nói chung, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh và lịch sử thế giới. Ông là Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel văn học (1953).

Đó chính là tư duy của người bất khả tri.

Người vô thần thì lại khác. Từ lâu, các nhà triết học đã nhất trí rằng thật vô ích nếu để người có đức tin và người vô thần tranh luận. Đó là bởi vì họ hiểu khác nhau về mọi thứ. Để tranh luận được, cần có một cơ sở chung, để cho một trong hai bên có thể nói, "A ha! Nếu anh đã công nhận X, thì anh cũng phải công nhận Y!" Người vô thần và người có đức tin không bao giờ tìm được một X mà họ có thể nhất trí. Tranh luận không bao giờ bắt đầu được, vì mỗi người nhìn mọi thứ từ điểm nhìn của riêng mình. Điều này hơi trừu tượng, nhưng câu chuyện dưới đây sẽ khiến nó gần với hiện thực, hay nói đúng hơn là đến thẳng nhà láng giềng.

Một bà cụ bé nhỏ theo Cơ Đốc giáo sáng nào cũng ra đứng trước cổng và kêu lên, "Đội ơn Chúa!" 

Và sáng nào người vô thần nhà hàng Xóm cũng hét lên đáp lại, "Làm gì có Chúa!"

Cứ tiếp diễn như thế hàng tuần liền. "Đội ơn Chúa!" Bà già kêu lên. "Làm gì có Chúa!" người hàng xóm quát lại.

Thời gian trôi đi, bà cụ dần trở nên túng thiếu đến không có cả tiền mua thức ăn. Một hôm, bà đi ra cổng và kêu xin Chúa cứu giúp, rồi nói, "Đội ơn Chúa!" 

Sáng hôm sau khi ra cổng, bà nhìn thấy những đồ ăn đã cầu xin. Tất nhiên bà kêu lên, "Đội ơn Chúa!"

Người vô thần từ sau bụi cây nhảy ra và nói, "Ha ha! Thực phẩm ấy là tôi mua đấy. Làm gì có Chúa!"

Bà già nhìn ông ta và mỉm cười. Bà kêu to, "Con cảm ơn Chúa! Người không chỉ ban thức ăn cho con, Người còn bắt quỷ Satan phải trả tiền nữa!"

---

Trong cuốn sách bán chạy năm 2005 của mình, Sự cáo chung của đức tin,  Sam Harris đã chia sẻ về sự cố chấp của đức tin tôn giáo dựa trên những quan sát của cá nhân ông.

"Nói với một người Cơ Đốc ngoan đạo rằng anh ta đang bị vợ lừa, hoặc sữa chua đông lạnh có thể làm cho người ta tàng hình, thì như bất cứ ai, anh ta nhất định sẽ đòi hỏi những chứng cớ đủ thuyết phục. Còn nếu bảo rằng quyển sách anh ta để ở đầu giường do một vị thần vô hình viết ra, và vị thần nầy sẽ trừng phạt anh ta bằng ngọn lửa nếu anh ta không chấp nhận những tuyên bố khó tin trong đó, thì dường như anh ta không đòi hỏi bất cứ bằng chứng nào."

Sam Harris không nhắc đến khía cạnh bất lợi của người vô thần - anh ta không có ai để kêu tên khi cực khoái.

---

Nhà toán học và triết học Pháp thế kỷ mười bảy Blaise Pascal lập luận rằng quyết định có tin Chúa hay không thực chất là tham gia vào một cuộc cá cược. Nếu chúng ta chọn hành động như thể có một Đức Chúa nhưng rốt cuộc lại không có, thì chúng ta không mất mát gì nhiều lắm. Ờ, có thể chúng ta mất cơ hội tận hưởng những lạc thú liên quan tới Bảy Tội Trọng (*) nhưng chuyện đó quá vặt vãnh so với những lựa chọn khác. Nếu chúng ta tin không có Chúa mà rốt cuộc lại có Chúa, thì chúng ta sẽ mất phần thưởng lớn nhất là phúc lạc vĩnh hằng. Do đó, theo Pascal, sống như thể có Chúa là chiến lược tốt hơn. Các học giả gọi đó là "Canh bạc của Pascal". Đối với phần còn lại chúng ta, chiến lược đó được coi là bảo hiểm rủi ro. 

(*) Tức giận. Tham lam. Lười biếng. Kiêu căng. Dâm ô. Ghen ghét. Háu ăn.

Nảy ra ý tưởng này từ cuốn Tư tưởng (Pensees) của Pascal, một bà già nhỏ thó ôm theo cái túi đựng 100.000$ tiền mặt vào ngân hàng yêu cầu mở tài khoản. Ông chủ ngân hàng thận trọng hỏi bà ta lấy đâu ra số tiền ấy. "Đánh bạc," bà già nói. "Tôi chơi bạc giỏi lắm.

Ông chủ ngân hàng tò mò hỏi tiếp, "Bà hay chơi trò nào thế?"

"Ồ, đủ các trò," bà nói. "Chẳng hạn, ngay bây giờ tôi cá với ông 25.000$ là trưa mai mông bên phải của ông sẽ có hình xăm con bướm.:

"Được, tôi nhận vụ cá cược này," ông chủ ngân hàng đáp, "nhưng tôi thấy không phải lẽ khi lấy tiền của bà trong một vụ cá cược phi lý như thế này."

"Vậy để tôi nói với ông thế này," bà già nói. "Nếu ông không nhận cá với tôi, thì tôi phải tìm một ngân hàng khác để gửi tiền."

"Ấy, ấy, đừng vội vã thế," chủ ngân hàng nói. "Tôi nhận cá với bà."

Trưa hôm sau bà già quay lại ngân hàng cùng luật sư để làm chứng. Ông chủ ngân hàng quay người đi, tụt quần ra để hai người thấy rằng ông ta đã thắng cược. Bà già nói, "Ô kê, nhưng ông cúi thấp chút nữa để nhìn cho rõ được không?" Ông chủ ngân hàng làm theo yêu cầu. Bà già công nhận thua cuộc, chi ngay ra 25.000$ tiền mặt.

Trong khi đó, ông luật sư ngồi hai tay ôm đầu. "Có chuyện gì với ông thế?" chủ ngân hàng nói.

"À, chẳng qua ông ấy bị thua đau," bà già đáp.

"Tôi cá với ông ấy 100.000$ rằng trưa nay ông sẽ phải vạch quần khoe mông trong văn phòng của ông."

Có một đường ranh giới mong manh giữa bảo hiểm rủi ro và ăn gian chênh lệch cá cược. Hãy xem chiến lược Pascal mới này:

Ngày đầu tiên của lễ Rosh Hashanah (*), một người mang con vẹt đậu trên vai bước vào thánh đường. Anh ta cược với mấy người rằng con vẹt có thể điều khiển buổi lễ hay hơn trưởng ca đoàn. Tuy nhiên đến thời điểm cần thiết thì con vẹt im lặng. Sau đó về nhà, người ấy mắng mỏ con vẹt và cứ than vãn mãi vì thua cuộc. Con vẹt bèn nói, "Phải động não đi chứ, đồ ngốc! Anh hãy nghỉ đến khả năng chúng ta sẽ thắng trong lễ Yom Kippur!"

(*) Lễ năm mới của người Do Thái.

Ồ, biết đâu con vẹt này sẽ đúng. Có lẽ chúng ta có thể ăn chênh lệch cá cược trong canh bạc Pascal để vẫn được chơi golf vào sáng Chủ nhật mà không làm Chúa Trời nổi giận, nếu như ngài tồn tại! Chúa biết tất cả chúng ta đều thử mánh này.

THẦN LUẬN VÀ TÔN GIÁO LỊCH SỬ

Các triết gia thế kỷ mười tám, nếu không phải là những nhà hoài nghi chủ nghĩa, thì có xu hướng trở thành các nhà thần luận - những tín đồ tin vào một Thượng đế-của-các-triết-gia vô ngã và xa xăm, một đấng Sáng tạo giống một quyền năng hơn là một con người, giống một thợ đồng hồ hơn là một người tri kỷ. Tín đồ Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo truyền thống bác bỏ điều đó. Họ nói, Chúa của họ không chỉ là người thợ đồng hồ. Ngài là Chúa của lịch sử, đã hiện ra với dân của Ngài trong cuộc xuất hành rời Ai Cập, lạc lối trong hoang mạc, và định cư ở miền Đất Hứa. Nói ngắn gọn, Ngài luôn hiện hữu - "sẵn sàng cứu giúp trong khốn khó."

Một bà Do Thái đang trông thằng cháu chơi trên bãi biển bỗng có cơn sóng dữ bất thần ập vào cuốn thằng bé ra ngoài khơi. Bà tuyệt vọng cầu xin, "Lạy Chúa, xin hãy cứu sống thằng cháu duy nhất của con. Con cầu xin Người, hãy đưa nó trở lại."

Lập tức một cơn sóng lớn tràn vào, ném thẳng thằng bé lên bờ, nguyên lành như trước.

Bà Do Thái ngước lên nhìn trời và nói, "Nó có cái mũ cơ mà!"

Hãy thử nói thế với một người thợ đồng hồ mà xem!

NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ MẶT THẦN HỌC

Trong khi các triết gia về tôn giáo băn khoăn với Những Câu hỏi Lớn, như "Có Chúa không?" thì các nhà thần học có con cá bé hơn để cho lên chảo, thường là vào Mùa Chay.

---

Theo triết gia và nhà thần học thế kỷ hai mươi Paul Tillich, khác biệt giữa một triết gia về tôn giáo và nhà thần học không chỉ ở kích thước của con cá. Ông nói, triết gia truy cầu sự thật về Chúa và những gì liên quan đến Chúa một cách khách quan nhất có thể, trong khi nhà thần học hoàn toàn "sống trong đức tin", gắn bó và phó thác mình cho Thiên Chúa. Nói cách khác, triết gia tôn giáo nhìn Chúa và tôn giáo từ bên ngoài, trong khi nhà thần học nhìn từ bên trong.

---

Trong thần học, sự ly giáo đã khơi ra những chủ đề bức thiết như "Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha hay từ Chúa Cha và Chúa Con?" Người ngoại đạo rõ ràng cần được chỉ dẫn đơn giản về  những khác biệt thần học, và ơn Chúa, những tay hài hước luôn sẵn sàng giúp đỡ. Té ra , mấu chốt để xác định niềm tin tôn giáo ở một người là ở chỗ anh ta thừa nhận hoặc không thừa nhận ai:

Người Do Thái không thừa nhận Jesus.

Người Tin lành không thừa nhận Giáo hoàng.

Người Báp-tít không thừa nhận nhau trong quán rượu.

Điểm cuối cùng trong các nhận xét ở trên dẫn đến một số lời khuyên hết sức thực tế. Nếu bạn định tổ chức đi câu cá, đừng mời người Báp-tít; anh ta sẽ nốc sạch bia của bạn. Nhưng nếu bạn mời hai người Báp-tít, bia của bạn sẽ còn nguyên.

Một cách khác để phân biệt tín đồ các tôn giáo khác nhau, là xét xem hành vi nào xác định một người mắc tội báng bổ. Đối với người Công giáo, đó là bỏ lễ ban thánh thể. Đối với người Báp-tít, đó là khiêu vũ. Đối với những tín đồ nhà thờ Tân giáo, đó là dùng salad bằng chiếc nĩa để ăn bánh ngọt.

Nhưng nếu nghiêm túc thì, các bạn ạ, các tôn giáo khác nhau có những khác biệt giáo thuyết quan trọng. Chẳng hạn, chỉ có người Công giáo tin vào sự Thụ thai Trinh nguyên, thứ giáo thuyết cho rằng để có thể hạ sinh Chúa, bản thân bà Mary sinh ra đã vô nhiễm Nguyên Tội.

Jesus đang đi trên phố thì trông thấy một đám đông quây lại để ném đá một người đàn bà ngoại tình. Jesus nói, "Hãy để kẻ nào vô tội ném hòn đá đầu tiên." Bất chợt một hòn đá bay vụt qua trên không trung. Jesus ngoảnh lại hỏi, "Mẹ hả?"

Được ưa thích nhất trong mọi thể loại truyện cười về các tôn giáo đương nhiên là các truyên cười Chống Cải cách Tôn giáo. Hẳn trong bộ sưu tập truyện cười hay nhất về chủ đề này của bạn cũng phải có câu chuyện dưới đây:

Một người trong tình trạng tài chính cực kỳ ngặt nghèo cầu xin Chúa cứu giúp bằng cách cho anh ta trúng xổ số.

Nhiều ngày, rồi nhiều tuần trôi qua nhưng anh ta vẫn chưa trúng lần nào. Cuối cùng, anh ta kêu lên với Chúa trong cơn khốn khổ, "Người đã bảo chúng con, 'Hãy gõ rồi cửa sẽ mở, hãy tìm rồi ngươi sẽ thấy.' Con đã cùng đường rồi mà vẫn chưa trúng xổ số được lần nào!"

Một giọng nói từ trên cao trả lời, "Con mới đi nửa đường đến gặp ta thôi, con yêu! Hãy mua một tấm vé số!"

Anh chàng trong câu chuyện chắc chắn là theo Tin lành, giống Martin Luther, cho rằng tất cả chúng ta được cứu giúp chỉ nhờ được ân sủng; chúng ta chẳng thể làm gì để nhận được sự cứu rỗi. Mặt khác thì Chúa, dẫu đã thốt lên hai chữ "con yêu", lại đang bận tiếp sức cho phong trào Chống Cải cách của người Công giáo. Thật ra, câu chuyện trên có khả năng đã ra đời từ Công đồng Trent năm 1545, khi các giám mục quyết định rằng cứu rỗi diễn ra thông qua sự kết hợp giữa ân sủng và các hành động của chúng ta - đó là cầu nguyện và mua một tấm vé số.

Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo đều có một điểm chung: tín đồ của tôn giáo nào cũng tin rằng chỉ có giáo lý của họ mới là con đường nhanh nhất dẫn đến thần linh.

Một linh hồn bay tới cổng thiên đường. Thánh Peter hỏi, "Tôn giáo?"

Linh hồn đáp, "Giám Lý." Thánh Peter nhìn xuống danh sách rồi nói, "Đến phòng hai mươi tám, nhưng phải thật im lặng khi đi qua phòng số tám."

Một linh hồn khác bay tới cổng thiên đường. "Tôn giáo?" "Báp-tít."

"Đến phòng mười tám, nhưng phải thật im lặng đi khi đi qua phòng số tám."

Linh hồn thứ ba bay đến cổng thiên đường. "Tôn giáo?" "Do Thái giáo."

"Đến phòng mười một, nhưng phải thật im lặng khi đi qua phòng số tám."

Linh hồn bèn hỏi, "Tôi hiểu rằng có những phòng khác nhau cho tôn giáo khác nhau, nhưng tại sao tôi phải im lặng khi đi qua phòng số tám?"

Thánh Peter đáp, "Các Chứng nhân Jehovah ở phòng số tám, và họ nghĩ họ là những người duy nhất ở thiên đường này."

Nghe nói triết gia Đức thế kỷ mười chín Arthur Schopenhauer đã khám phá Phật giáo trên phương diện triết học. Giống như Đức Phật Thích Ca cách đây hai thiên niên kỷ, Schopenhauer cho rằng toàn bộ cuộc sống chỉ là khổ đau, tranh đấu và thất vọng, và con đường giải thoát duy nhất là từ bỏ, vứt bỏ mọi ham muốn và khước từ ý chí sống. Mặt tốt là cả hai đều nghĩ rằng từ bỏ sẽ dẫn đến lòng từ bi đối với chúng sinh và thánh thiện. Điều này giống như một sự thỏa hiệp. 

Có vô số truyện cười Do Thái chế giễu những người bi quan quá mức và ưa than vãn theo lối Schopenhauer.

Hai phụ nữ ngồi trên ghế dài. Lát sau, bà thứ nhất nói, "Ôi!"

Bà thứ hai đáp lại, "Ôi!"

Bà thứ nhất nói, "Thôi được, nói đến lũ trẻ thế là đủ rồi."

Đối với cả Arthur Schopenhauer và Đức Phật, cuộc sống là một cái vòng quay bất tận của thất vọng và buồn chán. Khi ta  không có thứ ta muốn, ta thất vọng và buồn chán. Khi có thứ ta muốn rồi, ta buồn chán. Và đối với cả Arthur lẫn Thích Ca, thất vọng tồi tệ nhất chính là khi chỉ thiếu một bước nữa là đến được sự giải thoát.

Ngày xửa ngày xưa có một chàng hoàng tử, mặc dầu chẳng có tội tình gì, nhưng vẫn bị một mụ phù thủy độc ác phù phép. Theo lời nguyền của mụ phù thủy, mỗi năm hoàng tử chỉ được phép nói một từ. Tuy nhiên, chàng có thể để dành, và nếu trong suốt một năm, chàng không nói năng gì thì năm sau chàng có thể nói 2 từ.

Một hôm chàng gặp một nàng công chúa xinh đẹp và yêu nàng chết mê chết mệt. Chàng quyết định cố nhịn nói trong hai năm để có thể gặp nàng và nói hai tiếng, "Em yêu."

Hết hai năm chàng lại muốn nói với nàng rằng chàng yêu nàng, nên quyết định đợi thêm ba năm nữa, tổng cộng là năm năm im lặng. Thế nhưng hết năm năm, chàng biết rằng chàng phải ngỏ lời cầu hôn với nàng, nên chàng cần đợi thêm bốn năm nữa.

Khi năm thứ chín im lặng rốt cuộc cũng trôi qua, chàng dĩ nhiên rất đỗi vui mừng. Chàng dắt công chúa đến nơi lãng mạn nhất trong vườn ngự uyển, quỳ xuống trước mặt nàng thốt lên, "Em yêu, anh yêu em. Mình cưới nhau nhé?"

Công chúa đáp, "Gì cơ?"

Đó chính là loại câu trả lời mà Schopenhauer có lẽ đã chờ đợi.

Đầu thế kỷ thứ sáu và bảy Công nguyên, người Trung Hoa và người Nhật Bản đã phát triển một nhánh Phật học mà ngày nay đang phục sinh, Thiền tông. Trong nhãn quan tư duy của người phương Tây, triết học Thiền tông là một thứ phản triết học. Đối với thiền sư, lý trí, logic, dữ liệu cảm tính, tất cả những thứ là nền móng để xây dựng triết học phương Tây, chỉ là những ảo ảnh và làm ta xao lãng khỏi giác ngộ tối hậu. Vậy một người trở nên giác ngộ như thế nào?

Ta hãy xem xét hai câu hỏi sau đây:

+ Một con vịt khác nhau thế nào?
+ Tiếng vỗ của một bàn tay như thế nào?

Cả hai câu hỏi cùng dẫn đến thứ phản ứng phải kinh ngạc thốt lên "Cái gì kia???" trong giới triết gia. Họ không thể xem xét được (*). Chúng ta đơn giản không nhận thức nổi câu trả lời có thể là gì. Nhưng trong khi câu hỏi đầu có vẻ ngờ nghệch vô nghĩa thì câu thứ hai là một công án (koan) thiền kinh điển.

(*) Khoảng giữa thế kỷ thứ 10, Thiền tông bắt đầu dùng công án như phương tiện để giáo hóa và các thiền sinh sử dụng chúng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền. Vì lời giải của công án thường nằm ngoài lý luận, nên thiền sinh thấy rõ giới hạn của tư duy và bị buộc phải chuyển hóa tâm thức bằng một bước nhảy của trực giác, nhảy qua khỏi sự mâu thuẫn của lý luận nhị nguyên. Với tâm thức này, thiền sinh có một kinh nghiệm trực tiếp về thể tính. 

Công án là câu đố hay câu chuyện có khả năng gây sốc, đưa môn đệ vào một trạng thái ý thức gọi là Satori (đốn ngộ) mà thiền sư kể cho môn đệ của mình. Trong trạng thái ý thức này, tất cả những phân biệt thị phi và các giá trị của thế giới thường tan biến, để lại con người một mình với một niềm cảm kích sâu xa về tính đồng nhất của vũ trụ và tất cả những trải nghiệm trong vũ trụ ấy. Đáp án Thiền cho công án tiếng-vỗ-một-bàn-tay không phải là cái gì đó có thể hiểu theo nghĩa đen và khoa học, kiểu như "tiếng động êm ái của không khí sinh ra do một bề mặt phẳng chuyển động." Không, đáp án Thiền giống với tiếng kêu kinh ngạc, "Ô!" hơn. Các công án đưa thẳng chúng ta đến giác ngộ bằng cách xáo tung tâm thức chúng ta với những ý niệm không thể nào có được. Thoát ra ngoài chúng, và, hốt nhiên, bạn đã đốn ngộ. 

Công án ưa thích của mọi người là:

Trước khi tôi tìm ngộ, núi là núi và sông là sông

Trong khi tôi tìm ngộ, núi không là núi và sông không là sông.

Sau khi tôi đốn ngộ, núi vẫn là núi và sông vẫn là sông.

Người phương Tây có thể hiểu tư tưởng chung rằng giác ngộ không phải vấn đề đạt tới một trạng thái ý thức xa xăm nào đó. Điều mà chúng ta khó nhận thức được, và cấu thành cốt lõi công án về núi, là làm sao trạng thái ý thức được soi sáng lại có thể đồng thời vừa là bình thường, vừa là siêu nghiệm. Bạn có thể hoặc cảm nhận được trạng thái này, hoặc không, và phần đông người phương Tây không cảm nhận được.

Từ đây nảy ra câu hỏi là liệu câu đố cổ về sự-khác-nhau-giữa-một-con-vịt có thể được xem là một dạng công án phương Tây hay không. Nói cho cùng, nó dựa trên sự phi logic và phi lý, nó làm rối loạn lý trí. Nhưng xét những đáp án cho câu đố này - một phép thử gay go để nó trở thành công án - câu trả lời phải là không. Chúng ta thấy người ta nhoẻn cười, thậm chí cười ha hả, nhưng không phải là đốn ngộ.

Than ôi, đó có thể là một vấn đề văn hóa, phần lớn người ở phương Tây thường không lĩnh hội nổi cái ý niệm phương Đông rằng nếu anh ta không thể lĩnh hội một điều gì đó, anh ta đang trên đường đến giác ngộ. Vì thế chúng ta đành bị bỏ lại với thứ công án giả, khập khiễng như sau:

Nếu anh có một que kem, tôi sẽ đưa nó cho anh.

Nếu anh không có que kem nào, tôi sẽ lấy nó khỏi anh.

Đó là công án que kem.

---

Những công án đáng ghi nhớ nhất đã trở thành một phần của tri thức Thiền, truyền từ đời này sang đời khác. Chẳng hạn, Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền ở thế kỷ thứ bảy, đã hỏi một câu nổi tiếng: Bản lai diện mục của ngươi trông như thế nào lúc ngươi chưa sinh ra?" Phil Jackson, huấn luyện viên của Los Angeles Lakers, biệt danh "Thiền sư", góp thêm: "Nếu các anh gặp Phật trên đường biên, hãy cho ông ấy xơi bóng."

---

TRIẾT HỌC ĐẦU RỖNG

Triết học đầu rỗng xuất hiện trong khung cảnh cuối thập niên 1960, trùng hợp với thời điểm giáo sư Harvard Timothy Leary tuyên bố rằng con đường tới khai sáng thông qua tiêu hóa nấm ma thuật. Sau này được mang tên "Triết học Kỷ Nguyên Mới", chủ nghĩa đầu rỗng là hỗn hợp các triết học cổ phương Đông và một số tín ngưỡng thời Trung cổ như thuật chiêm tinh, bói bài tây, và Kabbalah (*). "Những khẳng định" - những mệnh đề kiểu như "Tôi đồng nhất với nhị nguyên của tôi" hay là "Vì tôi đã học tin vào Quá trình, tôi không còn cần mang súng nữa." - cũng là một phần quan trọng của triết học Kỷ Nguyên Mới. Điều này gợi nhắc cho chúng ta về một bà lão hồi đầu thập niên 1800, sau khi nghe một bài giảng đã tiến lại gần nhà thơ Anh Samuel Taylor Coleridge và nói, "Ông Coleridge, tôi đã tiếp nhận vào mình cả vũ trụ!" Coleridge nhìn lên qua phía trên cặp kính và nói, "Lạy Chúa, bà nên như thế, thưa bà!"

(*) Do Thái giáo có Công truyền và Mật truyền. Công truyền là đạo Do Thái chính thống hiện nay, ra đời từ thời Moses (1250 trước Công nguyên). Phần Mật truyền hay Mật tông Do Thái được gọi là Kabbalah, hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII.

May thay, chúng ta đã có các bậc thầy hài hước rọi sáng những mơ hồ của tư duy Kỷ Nguyên Mới.

Cần bao nhiêu triết gia Kỷ Nguyên Mới để thay một cái bóng đèn?

Không cần đâu, họ vừa lập nhóm hỗ trợ "Đương đầu với Bóng tối" rồi.

Nếu trong triết học Kỷ Nguyên Mới có gì đó phù hợp với tinh thần thời đại mới thì đó hẳn là niềm tin của họ về các sinh thể ngoài Trái Đất không chỉ đến thăm chúng ta mà còn mời chúng ta lên tàu không gian của họ để ăn tối và chuyện trò lãng mạn. Để đẩy giới hạn của những niềm tin Kỷ Nguyên Mới đó đến tột cùng logic của chúng thì cần phải có một tác giả châm biếm.

Một người sao Hỏa hạ cánh khẩn cấp xuống Brooklyn và phát hiện ra phụ tùng then chốt, một troover cực kỳ quan trọng trong đĩa bay của mình đã hỏng. Anh ta vào một cửa hàng đồ ăn sẵn hỏi người bán hàng có biết ở đâu có thể kiếm được một troover không. Người bán hàng hỏi lại, "Trông nó như thế nào?"

Người Sao Hỏa đáp, "Nó hình tròn, bên ngoài cứng, bên trong mềm, có một lỗ nhỏ ở giữa."

Người bán hàng nói, "Có vẻ giống cái bánh vòng. Đây, trông có giống thứ anh đang cần không?"

Người Sao Hỏa reo lên, "Tuyệt vời! Ở đây các anh dùng cái này để làm gì?"

Người bán hàng đáp, "Ờ, có thể anh khó mà tin được, nhưng chúng tôi ăn."

Người Sao Hỏa kinh ngạc, "Anh đùa! Các anh ăn troover à?"

Người bán hàng nói, "Đúng thế, đây, anh thử xem."

Người Sao Hỏa hơi nghi ngại, nhưng cũng cắn thử một miếng. "Này," ông ta nói, "thêm ít pho mát kem, sẽ không tệ lắm."

Một thứ khác nữa trong mớ đồ lề của các nhà Kỷ Nguyên mới là sự đam mê những hiện tượng cận tâm lý của họ, chẳng hạn ngoại cảm. Trong khi đó, nhiều người Kỷ Nguyên Cũ - còn gọi là những nhà tư tưởng duy lý - vẫn tiếp tục tin rằng luôn luôn có một cách giải thích có lý cho những hiện tượng như thế.

"Ông nội tôi biết chính xác giờ nào ngày nào năm nào mà ông sẽ chết."

"Chà, một con người thấu thị! Làm sao ông có khả năng ấy?"

"Quan tòa thông báo."

Hay!


---

DIMITRI: Tôi vẫn còn một câu hỏi: Nếu Zeus không tồn tại, Poseidon vẫn cứ là anh của ông ấy chứ?

TASSO: Dimitri ạ, cậu biết không, hoặc cậu là một Phật tử đã giác ngộ, hoặc câu là đồ óc bã đậu.



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top