PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ TÌNH TIẾT, NỘI DUNG TẠO NÊN MỘT TRUYỆN HAY

  Bài viết này chỉ tập trung phân tích vào phần nội dung, còn các vấn đề khác như văn phong, ngữ pháp, cách dùng từ, cách bố cục... thì không bàn tới.

1.Cốt lõi xuyên suốt nội dung truyện :
Nếu để ý một chút sẽ dễ dàng nhận thấy cái cốt lõi xuyên suốt nội dung của hầu hết mọi truyện chính là anh chàng/cô nàng nhân vật chính và quá trình phát triển từ mạnh đến yếu của nhân vật này (ngoại lệ ở một số truyện, nhân vật chính đã vô đối ngay từ đầu nên cũng không cần quá trình phát triển, thay vào đó là quá trình nhân vật chính đi rong chơi phá phách bối cảnh truyện)

2.Sức mạnh tổng thể của nhân vật chính :
tạm chia làm 5 yếu tố chính :
Yếu tố 1 : Trí tuệ và sức mạnh tinh thần : bao gồm trí thông minh, kiến thức, năng lực xử lý vấn đề, khả năng giao tiếp, khả năng thuyết phục, khả năng lãnh đạo, phản xạ tinh thần, ý chí...
Yếu tố 2 : sức mạnh thể chất và các yếu tố phù trợ : bao gồm sức mạnh cơ bắp, tùy thể loại truyện sẽ có thêm siêu năng lực, võ công, công pháp, phép thuật, ma pháp, kỹ năng...
Yếu tố 3 : Thế lực bảo vệ và thế lực chống lưng : có thể là một tổ chức hoặc một cá nhân. Nếu là tổ chức thì tùy thể loại truyện có thể là chính phủ, quân đội, triều đình, môn phái, giáo phái, gia tộc, gia đình, công ty, tập đoàn, tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị... nhưng đôi khi nó chỉ đơn giản là một băng cướp hoặc một băng nhóm côn đồ. Nếu là cá nhân thì thường là một người có quyền lực hoặc có sức mạnh siêu phàm, nói chung là khiến người khác phải nể phục hoặc e dè.
Yếu tố 4 : Lực lượng hỗ trợ : bao gồm đồng đội, bạn bè, đồng minh... và đàn em, học trò, cấp dưới, binh lính... tức là bao gồm những thế lực ngang hàng hoặc dưới cấp nhân vật chính có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ nhân vật chính.
Yếu tố 5 : Công cụ hõ trợ : bao gồm vũ khí, pháp bảo, đồ nghề, công nghệ khoa học... tùy bối cảnh và tùy thể loại truyện.

Lưu ý : tất cả các nhân vật phụ và nhân vật phản diện đều có đủ 5 yếu tố trên như nhân vật chính, chỉ có điều ít được mô tả tỉ mỉ như nhân vật chính.

Các tác giả trước khi bắt tay vào viết nên dành chút thời gian để xây dựng trước 5 yếu tố này cho nhân vật chính và nhân vật phản diện chính, nếu rảnh xây dựng luôn cho các nhân vật phụ thì càng tốt. Chú ý mối liên hệ giữa các yếu tố tại mỗi thời điểm và giai đoạn của truyện. Ví dụ : giai đoạn khởi đầu truyện, nhân vật chính chỉ dựa vào yếu tố 1 và một chút lợi thế của yếu tố 5, yếu tố 3 và 4 hầu như không có. Đến giai đoạn giữa truyện, nhân vật chính đã xây dựng được thế lực cho bản thân, yếu tố 4 lại đóng vai trò chủ đạo...

Chú ý : các viết nhàm chán nhất là ngay từ đầu đã cho nhân vật chính yếu tố số 3 quá mạnh. Cách viết hay nhất là từ đầu đến cuối nhân vật chính có yếu tố số 3 rất yếu, còn nhân vật phụ và nhân vật phản diện có yếu tố số 3 mạnh. Như vậy nhân vật chính dùng yếu tố 1 và 2 để chống lại yếu tố 3 của kẻ thù sẽ thú vị và gay cấn hơn nhiều, tuy nhiên cách viết này rất khó, đòi hỏi tác giả phải có trí tuệ và kiến thức nhất định.

3. Xây dựng nhân vật có tính cách độc đáo, tưởng khó hóa ra lại dễ :
Bí quyết quan trọng nhất ở đây chỉ có một : KHÔNG ĐI VÀO LỐI MÒN.

Cái gì lặp lại quá nhiều sẽ trở nên sáo rỗng. Loại nhân vật sáo rỗng và khiến độc giả nhàm chán nhất chính là loại nhân vật nam chính lạnh lùng hoặc ngoài lạnh trong nóng. Ngoài lạnh trong nóng thực chất là từ để mô tả một thằng nhân vật có tâm hồn đàn bà ẻo lả yếu đuối nhưng bề ngoài lại tỏ ra mặt ngầu, tóm lại là một thằng đàn bà mặt ngầu. Các tác giả nên tránh xa loại nhân vật chính này ra, nhưng nếu cho nó làm nhân vật phụ hoặc nhân vật phản diện phụ để troll thì cũng khá hấp dẫn đấy  

  Loại nhân vật nhàm chán thứ hai là loại nhân vật lưu manh. Loại nhân vật này hồi mới xuất hiện(Lộc Đỉnh Ký) hoặc vào thời hoàng kinh của nó (Cực Phẩm Gia Đinh...) cũng khá hot, nhưng bây giờ thì quá lỗi mốt rồi.

Để tạo ra được một kiểu nhân vật độc đáo, đặc sắc, thú vị, có chiều sâu thì tác giả hãy chịu khó suy ngẫm, sáng tạo, để trí tưởng tượng bay xa. Nếu không được ta vẫn còn một thứ công cụ đơn giản nhưng cực kỳ hữu dụng, đó là những tấm thẻ tính cách.
Cắt ra một số mảnh bìa hoặc mảnh giấy nhỏ gọi là những tấm thẻ dùng để ghi chữ, chia các tấm thẻ này thành các nhóm khác nhau. (tùy nhu cầu của tác giả cần mô tả nhân vật tỉ mỉ đến đâu mà chia thành số lượng nhóm nhiều hay ít)
Lấy ví dụ đơn giản sau :
Nhóm 1 (nhóm tuổi) gồm 5 thẻ trên đó ghi những số tuổi khác nhau : 12, 17, 22, 25, 30 (muốn dùng bao nhiêu thẻ trong nhóm này và muốn ghi những số nào thì tùy tác giả, 5 số ở đây chỉ mang ý nghĩa minh họa)
Nhóm 2 (quốc tịch) gồm 5 thẻ : Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Irắc
Nhóm 3 (nghề nghiệp) gồm 5 thẻ : giáo viên, học sinh, bác sĩ, nhà khoa học, lính đánh thuê
Nhóm 4 (tính cách) gồm ...
Nhóm 5 (giới tính) gồm 2 thẻ : nam, nữ
Nhóm 6 ....
...

Giả sử ta ghép thành nhân vật sau : nam 30 tuổi, quốc tịnh Irắc, lính đánh thuê. Dễ dàng nhận thấy nhân vật này rất bình thường, không có gì đặc sắc.

Nhưng ghép qua ghép lại 1 lúc ta lại ra được nhân vật như sau : nữ 12 tuổi, quốc tịch Việt Nam, lính đánh thuê... Rõ ràng nhân vật này thú vị và ấn tượng hơn nhân vật trên nhiều. Vần đề bây giờ chỉ là hợp lý hóa nhân vật này (tại sao một cô bé 12 tuổi lại trở thành lính đánh thuê? ...) rồi tìm cách đưa nó vào cốt truyện.

Giả sử bạn có 10 nhóm, mỗi nhóm 7 thẻ thì đã có thể tạo ra 7 lũy thừa 10 bằng 282 475 249 (gần 300 triệu) loại nhân vật khác nhau, tha hồ mà lựa chọn  

  Nếu không thích công cụ thẻ tích cách, vẫn còn 1 cách vô cùng đơn giản : chỉ cần đi ngược lại những mẫu nhân vật nhàm chán, bạn sẽ tạo ra những mẫu nhân vật đầy cá tính và độc đáo.

Ví dụ : nhân vật nhàm chán ngoài lạnh trong nóng. Ta đảo ngược nó lại thành nhân vật ngoài nóng trong lạnh, một nhân vật bề ngoài tỏ ra nồng nhiệt, tình cảm, ôn hòa, hiền lành nhưng bên trong lại là một con người vô cảm máu lạnh, sẵn sàng giết tất cả bạn bè, đồng đội, người yêu... để đạt được mục đích. Khá thú vị đấy chứ.   

  Ví dụ 2 : nhân vật không thích phụ nữ dễ tạo ra cảm giác rằng anh ta là gay và thích đàn ông. Vậy thì ta tạo ra một nhân vật ghét cả gay lẫn phụ nữ cho độc giả shock chơi  

4. Nhân vật ngu và yếu có được phép sống dai hay không ? :

Trở lại vấn đề 5 yếu tố tạo nên sức mạnh tổng thể của nhân vật ở trên, giả sử nhân vật mà cả 5 yếu tố đều chẳng có yếu tố nào ra hồn thì có thể để nó sống dai một chút hay cho chết quách đi cho hợp lý?  

Thực ra vấn đề này còn tùy thuộc vào môi trường và bối cảnh của truyện có khắc nghiêt hay không.

Nếu môi trường quá dễ dàng thì một nhân vật vừa ngu vừa dốt, tư chất cực kém, không có thế lực chống lưng, không kỹ năng, không đồng đội, không vũ khí ... cũng có thể sống sót dễ dàng từ đầu đến cuối truyện.

Nếu môi trường quá khắc nghiệt thì thậm chí những nhân vật được coi là thiên tài, thông minh tuyệt đỉnh, sức mạnh tràn trề cũng chết như ngã rạ.   

  Tất nhiên yếu tố may mắn cũng phải được kể tới. Đôi khi một thằng ngu kém cỏi sống trong môi trường khắc nghiệt nhưng gặp may mắn liên tục thì nó cũng phất lên được. Nhưng làm ơn đừng cho thằng ngu đó làm nhân vật chính nha   

  Lẽ dĩ nhiên cái gì dễ dãi quá thì không có kịch tính, không có cao trào, nhân vật cũng trở nên lười biếng, ỷ lại, tha hóa. Truyện phải có đủ độ khắc nghiệt thì mới hay, nhưng môi trường của truyện càng khắc nghiệt lại càng đòi hỏi tác giả phải có tay nghề cao.

Như vậy trong môi trường khắc nghiệt, đối với những nhân vật ngu thì tác giả cứ cho nó chết mẹ nó đi càng nhanh càng tốt.

Triệt để thi hành tiêu chí "Mỗi một hành động sai lầm đều phải trả giá cực đắt, đặc biệt là nhân vật chính."Làm được như vậy thì độc giả mới thích, chứ cứ để thằng nhân vật chính vừa ngu vừa gặp may thì chỉ làm độc giả bực mình bỏ truyện mà thôi.

Không phải cứ Vô hạn lưu hoặc Mạt thế lưu thì mới có môi trường khắc nghiệt, bất cứ thể loại nào cũng có thể tạo ra môi trường khắc nghiệt nếu tác giả biết cách sáng tạo và bố cục hợp lý.

5. YY như thế nào mới hay :

Đỉnh cao của YY chính là biết cách tự ngược.

Mục đích của YY là làm cho độc giả thấy sướng, thấy thích thú chứ không phải để phô trương cái ngu xuẩn và cái chảnh chó của nhân vật chính ra.

Hầu như ai cũng ghét nhân vật chảnh chó. Một tác giả khôn ngoan sẽ không tạo ra một nhân vật chính chảnh chó, cũng không tạo ra một nhân vật phản diện chính chảnh chó.

Muốn biết thứ gì làm độc giả thấy sướng thì tác giả phải tự đặt mình vào vai trò của độc giả để cảm nhận và suy ngẫm.

Tác giả hãy thử tưởng tượng đang chơi game RPG mà đi tới đâu vung tay một cái là quái chết tới đó, đồ xịn rải đầy đất không thèm nhặt, level tăng vùn vụt, đập boss cuối như đập chó... chơi như vậy có thích không, hay chỉ chơi được 10 phút là muốn đập máy ?Hoàn toàn nhàm chán, không hề có tính thử thách.

Tác giả hãy thử tưởng tượng đang chơi game RTS hay TBS mà giữa các phe thiếu tính cân bằng, hoặc Artificial intelligence (AI) quá ngu hoặc bug game quá nhiều, chỉ cần lợi dụng bug cũng đủ thắng thì có muốn chơi nữa không ?

2 yếu tố cực kỳ quan trọng của game cũng như truyện là : tính hợp lý và tính thử thách.

6. Các đại thần của truyện mạng Trung Quốc không có người nào là trẻ trâu :

Các tác giả đại thần không chỉ viết nhiều và còn đọc và học rất nhiều.

Một tác giả muốn viết về thể loại đấu trí tâm lý học ít nhất cũng phải đọc qua một vài quyển sách về tâm lý, thậm chí là nghiên cứu tỉ mỉ bài bản. Ví dụ như tác giả Vân Tỏa Tiêu Tương với truyện "Em gái ta là chủ thần"(我的主神妹妹)

Một tác giả viết về chiến tranh, đánh trận thời xưa ít nhất cũng phải nghiên cứu Binh Pháp Tôn Ngô (Binh Pháp Tôn Tử + Binh Pháp Ngô Khởi), phải đọc qua Đông Chu Liệt Quốc hay Tam Quốc Chí hay các sách lịch sử, muốn viết về chiến tranh hiện đại cũng phải có kiến thức về các loại máy bay, xe tăng, tàu chiến, súng ống ...

Một tác giả muốn viết thể loại khoa học viễn tưởng một cách hợp lý ít nhất cũng phải có kiến thức sơ đẳng về vật lý, cơ học cổ điển... rồi sau đó mới là những hiểu biết về các lĩnh vực sâu xa hơn như vật lý lượng tử, các giả thuyết về vũ trụ, không thời gian...

Một tác giả muốn viết thể loại Tây phương huyền huyễn cho dù có muốn phá cách hay không thì trước hết phải có kiến thức cơ sở về Dungeons & Dragons, rồi sau đó mới phát triển sáng tạo thêm.

Một tác giả muốn viết về làm ăn kinh doanh cũng phải có những hiểu biết đúng đắn về các quy luật kinh tế vi mô và vĩ mô.

Các tác giả Việt Nam thay vì cóp nhặt ý tưởng từ các truyện Trung Quốc rồi chắp ghép vào truyện của mình thì tốt hơn hết hãy nghiên cứu kiến thức cho bài bản rồi mới bắt tay vào viết, như vậy tác phẩm mới hợp lý và có chiều sâu trí tuệ.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top