phuong phap nckh.tohuonganh

Luận ba đoạn rút gọn (luận hai đoạn) được sử dụng rất rộng rãi trong tư duy của con người. Song trong nhiều trường hợp, nhất là khi cần phải phát hiện sai lầm trong tư duy, chúng ta lại phải đưa luận hai đoạn về luận ba đoạn hoàn chỉnh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể chuyển chúng nhanh và chính xác? Muốn thực hiện tốt được việc chuyển đó chúng ta phải nắm thật vững nhiều tri thức của lôgíc. Những tri thức cụ thể đó là: bốn dạng chung cơ bản của phán đoán nhất quyết đơn (a, e, i, o), kết cấu của luận ba đoạn nhất quyết đơn, các quy tắc chung và những trường hợp ngoại lệ, loại hình và phương thức của luận ba đoạn nhất quyết đơn trong tiếng Việt.

Trong tiếng Việt luận ba đoạn nhất quyết đơn (luận ba đoạn) được biểu thị dưới ba hình thức:

1. Tiền đề, tiền đề, kết luận

Thí dụ: Mọi số chẵn đều chia hết cho 2, số 186 là số chẵn, nên nó chia hết cho 2.

2. Tiền đề, kết luận, tiền đề

Thí dụ: Anh là công dân Việt Nam, nên anh phải tuân theo pháp luật của Việt Nam, vì mọi công dân Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật của Việt Nam.

3. Kết luận, tiền đề, tiền đề

Thí dụ: Phép chuyển hóa là suy diễn, vì nó là suy diễn trực tiếp, mà suy diễn trực tiếp là suy diễn.

Hơn nữa, trong các biểu thị của tiếng Việt kết luận bao giờ cũng đứng trước các từ "vì", "bởi vì"...; tiền đề bao giờ cũng đứng sau các từ đó. Kết luận luôn đứng sau các từ "nên", "cho nên", "do đó", "suy ra", "vì vậy",...; còn tiền đề luôn đứng trước các từ ấy. Điều này rất cần thiết, vì nó giúp chúng ta phát hiện nhanh chóng các kết luận và tiền đề trong luận hai đoạn nhất quyết đơn rút gọn (luận hai đoạn). Khi phân tích bất cứ một luận hai đoạn nào, trước hết, cũng phải phát hiện kết luận. Phân tích kết luận chúng ta tìm ra thuật ngữ nhỏ (chủ ngữ: S), thuật ngữ lớn (vị ngữ: P), từ đó đi đến xác định tiền đề cho trước là tiền đề lớn hay tiền đề nhỏ và tiền đề phải xây dựng là tiền đề nào trong hai tiền đề đó, đồng thời xây dựng cả thuật ngữ giữa (M).

Chẳng hạn: "Phán đoán chung là phán đoán trong đó ngoại diên của chủ ngữ bao gồm toàn bộ lớp đối tượng, cho nên, phán đoán riêng không là phán đoán chung".

Căn cứ vào ngữ cảnh của lập luận trên, chúng ta thấy phán đoán "phán đoán riêng không là phán đoán chung" là kết luận, vì nó đứng sau từ "cho nên", trong đó: "phán đoán riêng" - chủ ngữ - thuật ngữ nhỏ (S), "phán đoán chung" - vị ngữ - thuật ngữ lớn (P).

"Phán đoán chung là phán đoán trong đó ngoại diên của chủ ngữ bao gồm toàn bộ lớp đối tượng" - tiền đề lớn, vì nó đứng trước từ"cho nên" và chứa thuật ngữ lớn (P): "phán đoán chung".

"Phán đoán trong đó ngoại diên của chủ ngữ bao gồm toàn bộ lớp đối tượng" - thuật ngữ giữa (M), vì trong tiền đề lớn chỉ có thuật ngữ lớn và thuật ngữ giữa.

Từ đó chúng ta thấy cần phải xây dựng tiền đề nhỏ. Nếu trong luận hai đoạn chỉ có kết luận và tiền đề nhỏ thì phương pháp phân tích tương tự như trên và cần phải xây dựng tiền đề lớn.

Khi xây dựng tiền đề nhỏ hay tiền đề lớn chúng ta cần lưu ý:

+ Nếu kết luận là phán đoán khẳng định thì cả hai tiền đề phải là hai phán đoán khẳng định, không thể có phán đoán phủ định.

+ Nếu kết luận là phán đoán phủ định thì một trong hai tiền đề là phán đoán phủ định. Tiền đề cho trước là phán đoán khẳng định thì tiền để phải xây dựng là phán đoán phủ định. Ngược lại, tiền đề cho trước là phán đoán phủ định thì tiền đề phải xây dựng là phán đoán khẳng định.

Để tránh sai lầm trong quá trình tiến hành xây dựng luận ba đoạn từ luận hai đoạn khi chưa thành thạo, chúng ta thực hiện theo từng bước:

+ Viết tiền đề và kết luận cho trước, kể cả ký hiệu của các thuật ngữ.

+ Thế các thuật ngữ đã biết vào tiền đề phải xây dựng theo loại hình của luận ba đoạn.

+ Xác định từ nối khẳng định hay phủ định.

+ Viết từ biểu thị lượng từ vào tiền đề phải xây dựng (nếu cần thiết). Chúng ta thường thường hay quên (bỏ qua) bước thứ tư, do đó cũng dễ dẫn đến sai lầm.

Nếu trong luận hai đoạn cho trước không có kết luận, chỉ có tiền đề, thì phải xác định thuật ngữ giữa (M) bằng cách xác định các thuật ngữ như nhau được biểu thị bởi các từ giống nhau có mặt trong cả hai tiền đề. Sau đó xác định thuật ngữ lớn và thuật ngữ nhỏ trên cơ sở của suy diễn.

Chẳng hạn: "Tam giác này không có hai cạnh bằng nhau, còn tam giác cân là tam giác có hai cạnh bằng nhau".

Căn cứ vào ngữ cảnh, chúng ta thấy rõ ràng trong luận hai đoạn trên không có kết luận, mà chỉ có hai tiền đề. Chúng ta phải xác định thuật ngữ giữa (M). Trong hai tiền đề trên đều có thuật ngữ như nhau: "tam giác có hai cạnh bằng nhau", nên thuật ngữ đó là thuật ngữ giữa (M). Đồng thời dựa vào suy diễn "là suy luận trong đó đi từ tri thức chung đến tri thức ít chung hơn", chúng ta phát hiện được thuật ngữ lớn là "tam giác cân" (P) và thuật ngữ nhỏ là "tam giác này" (S). Xây dựng kết luận theo sơ đồ: S - P, chúng ta có "tam giác này (S) không là tam giác cân (P)". Trường hợp này chúng ta không cần chú ý đến từ biểu thị lượng từ, song có những trường hợp chúng ta phải lưu ý đến từ biểu thị lượng từ.

Muốn thực hiện nhanh và đúng việc chuyển luận hai đoạn thành luận ba đoạn hoàn chỉnh, chúng ta cũng phải rất lưu ý đến các loại hình của luận ba đoạn nhất quyết đơn.

M - P

S - M

L.I

P - M

S - M

L.II

M - P

M - S

L.III

P - M

M - S

L.IV

Những trường hợp có thể xảy ra trong khi thực hiện chuyển từ luận hai đoạn thành luận ba đoạn hoàn chỉnh:

1. Biết kết luận và tiền đề lớn

a. Thuật ngữ giữa (M) đứng trước, thuật ngữ lớn (P) đứng sau: M - P, chỉ có thể xây dựng luận ba đoạn theo loại hình I hoặc loại hình III.

b. Thuật ngữ lớn (P) đứng trước, thuật ngữ giữa (M) đứng sau: P - M, chỉ xây dựng luận ba đoạn theo loại hình III hoặc loại hình IV.

2. Biết kết luận và tiền đề nhỏ

a. Thuật ngữ nhỏ (S) đứng trước, thuật ngữ giữa đứng sau (M): S - M, chỉ xây dựng luận ba đoạn theo loại hình I hoặc loại hình II.

b. Thuật ngữ giữa (M) đứng trước, thuật ngữ nhỏ đứng sau: M - S, chỉ xây dựng luận ba đoạn theo loại hình III hoặc loại hình IV.

3. Biết hai tiền đề

+ Xác định thuật ngữ giữa (M) bằng cách phát hiện thuật ngữ đồng nhất dựa vào các từ giống nhau.

+ Xác định thuật ngữ nhỏ (S) và thuật ngữ lớn (P) trên cơ sở định nghĩa suy diễn.

+ Xây dựng kết luận của luận ba đoạn.

Một điều cần đặc biệt lưu tâm là khi thực hiện chuyển từ luận hai đoạn thành luận ba đoạn hoàn chỉnh tuyệt đối không được thay đổi vị trí của các thuật ngữ trong các tiền đề và kết luận cho trước.

Việc thực hiện khôi phục luận ba đoạn hoàn chỉnh từ luận hai đoạn cho trước đòi hỏi nhiều kiến thức của lôgíc học, đồng thời cũng phải hiểu thấu đáo kiến thức của ngôn ngữ học. Do đó, muốn thực hiện tốt chúng ta phải nắm vững kiến thức của lôgíc học và ngôn ngữ học, cũng như phải thường xuyên rèn luyện thông qua vận dụng trong nhận thức khoa học và giao tiếp xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: