Phương pháp dạy con của người Do Thái

LỜI NÓI ĐẦU

Nói đến người Do Thái, bạn sẽ nghĩ đến ai đầu tiên? Cha đẻ của ngành vật lí hiện đại Albert Einstein, nhà thơ vĩ đại Heinrich Heine, họa sĩ trường phái lập thể Picasso, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản Karl Marx hay tỉ phú - nhà đầu cơ tài chính nổi tiếng George Soros... Bất luận là nhà khoa học, nhà thơ, nhà nghệ thuật, nhà tư tưởng, hay doanh nhân... bất kể ngành nghề nào, người Do Thái đều chứng tỏ được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mình đồng thời họ cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Đại đa số chuyên gia cho rằng: Người Do Thái sở dĩ đạt được nhiều thành tựu như vậy nguyên nhân căn bản là bởi họ vô cùng xem trọng giáo dục gia đình. Thật vậy, xem trọng giáo dục của cha mẹ với con cái là truyền thống tốt đẹp nổi bật nhất của dân tộc Do Thái. Mặc dù, phải trải qua rất nhiều khó khăn và luôn phải phiêu bạt khắp nơi, nhưng người Do Thái không quên dành cho con nền giáo dục tốt nhất. Và trải qua cuộc sống khó khăn suốt một thời gian dài, người Do Thái còn dần dần tìm ra bộ phương pháp giáo dục gia đình đặc biệt.

Cuốn sách lấy phương pháp giáo dục gia đình của người Do Thái làm nền tảng: Từ trí tuệ, sinh tồn, kinh doanh, giao tiếp đến đạo đức... rất nhiều phương diện để lý giải cho tinh hoa trí tuệ của người Do Thái. Cuốn sách gồm 7 chương, 56 mục, mỗi mục đều có cấu tạo gồm những ví dụ hấp dẫn về một bài học mà trẻ em Do Thái được dạy và một vài phương pháp dạy trẻ bài học đó của người Do Thái. Trong đó, ví dụ rất sinh động, đa dạng, minh họa trực tiếp và đầy đủ những đặc thù trong phương pháp giáo dục gia đình của người Do Thái, biến chúng thành những kiến thức khoa học nhưng lại gần gũi dễ áp dụng để các bậc cha mẹ dễ dàng làm theo nhằm bồi dưỡng con thành những con người ưu tú. Ngoài ra, cuốn sách có lối viết nhẹ nhàng, sinh động tạo cho người đọc cảm giác tươi mới, khiến độc giả được hòa mình trong đại dương trí tuệ.

"Đá ở ngọn núi khác có thể đẽo ra ngọc". Hi vọng các bậc cha mẹ có thể lĩnh ngộ được quan điểm giáo dục "Tất cả vì tương lai" của trí giả Do Thái, học tập và làm theo kinh nghiệm giáo dục gia đình của người Do Thái sớm giúp con bạn làm chủ tương lai.

► Trẻ em Do Thái:

TÔN THỜ TRÍ TUỆ LÀ TÍN NGƯỠNG ĐỜI CON

Nhà cháy rồi, con cần mang theo trí tuệ

Una là một bé gái Do Thái xinh xắn, năm nay Una 5 tuổi.

Một hôm, Una đang đọc truyện tranh thì nghe mẹ nói: "Una, mẹ hỏi con điều này nhé, con phải thành thực trả lời mẹ, được không nào?".

"Mẹ, vậy mẹ nhanh nói cho con biết, câu hỏi như thế nào ạ?". Una đặt cuốn truyện tranh trong tay xuống và hỏi.

"Là thế này. Nếu có một ngày nhà chúng ta không may bị cháy, khi chạy đi, con cần mang theo thứ gì?".

"Quá đơn giản ạ, con phải mang tiền hoặc vàng theo! Vì chúng rất có giá trị". Una trả lời một cách chắc chắn.

"Không đúng rồi, con hãy nghĩ kỹ xem nào". Mẹ Una vừa lắc đầu vừa nói.

"Vậy con sẽ mang theo truyện tranh, vì mẹ nói sách vở rất quý giá, cần trân trọng sách vở". Una trả lời mẹ.

"Una, con hãy thử nghĩ kỹ xem nào, vì bảo bối này vừa không có hình dáng, lại không có màu sắc và mùi vị, con có biết đó là thứ gì không?".

"Con xin lỗi, mẹ, con không biết ạ".

"Không sao, mẹ nghĩ cần nói cho con, nếu nhà mình bị cháy, con cần mang theo trí tuệ của mình. Vì trí tuệ là thứ không thể đốt cháy được và nó sẽ mãi mãi ở bên cạnh con, con hiểu chưa nào?". Mẹ Una nói một cách long trọng.

"Ồ, con hiểu rồi, con cần mang theo trí tuệ, vì chẳng ai có thể lấy trí tuệ của con đi cả". Una gật gù đáp lời mẹ.

Trong gia đình người Do Thái, trẻ em thường được hỏi những câu như vậy. Thông thường, khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ Do Thái đã khiến con thấm nhuần tư tưởng: "Người có trí tuệ là người hạnh phúc", "Địa vị của học giả còn cao hơn địa vị của quốc vương"... Khi một đứa trẻ học được nhiều kiến thức từ sách vở, sẽ bắt đầu hiểu rằng một người có trí tuệ thực thụ phải biết khiêm tốn, người Do Thái sẽ gọi những người đó là "Helimu" có nghĩa là "Người biết sử dụng trí tuệ".

Người Do Thái không chỉ coi trọng trí tuệ, mà còn không ngừng tìm ra những phương pháp tăng cường trí tuệ. Ví dụ, họ dạy con cái phải biết quý trọng sách vở, chăm chỉ đọc sách để nâng cao hiểu biết. Đương nhiên ngoài những phương pháp mà ai cũng biết, cha mẹ Do Thái còn sử dụng các phương pháp khác để bồi dưỡng trí tuệ cho trẻ, ví dụ như bồi dưỡng khả năng độc lập trong học tập cho trẻ từ đó cho trẻ thêm nhiều kênh để tiếp thu tri thức...

❃ Bồi dưỡng khả năng học tập độc lập cho trẻ

Khi giáo dục con cái, người Do Thái đồng thời chú trọng cả giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình, càng đặc biệt chú trọng phương pháp tự dạy tự học, tăng cường khả năng độc lập trong học tập của trẻ. Vì họ cho rằng, giáo dục nhà trường chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức cơ bản, trong khi thực tế có quá nhiều kiến thức chuyên ngành và kĩ năng làm việc trẻ cần học hỏi và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp suốt một thời gian dài mới có thể nắm bắt được. Ngoài ra ở một phương diện khác, môi trường giáo dục trong mỗi ngôi trường tương đối thống nhất nhưng điều kiện và tố chất của từng học sinh lại là khác nhau cho nên mức độ tiếp thu của trẻ là không tương đồng. Vì vậy các bậc cha mẹ Do Thái đặc biệt quan tâm bồi dưỡng khả năng độc lập trong học tập của con.

Để bồi dưỡng khả năng này của trẻ, cha mẹ Do Thái thường sắp xếp để trẻ làm việc nhà có độ khó vượt quá độ tuổi trẻ. Ví dụ, bảo trẻ 8 tuổi tự sửa xe đạp của mình, để trẻ 9 tuổi tự kiếm tiền ăn trưa, yêu cầu trẻ 10 tuổi viết một bài luận chủ đề "Em nhìn nhận thế nào về văn hóa Do Thái". Có thể ngay lúc đó, trẻ chưa thể hoàn thành xuất sắc những bài tập này, nhưng trong quá trình hoàn thành, trẻ sẽ cố gắng tra cứu tài liệu có liên quan và tích cực suy nghĩ. Những điều đó đều có lợi cho khả năng độc lập học tập và giải quyết vấn đề của trẻ.

❃ Sử dụng các kênh khác nhau để tiếp thu kiến thức

Người Do Thái sùng bái trí tuệ, trân trọng kiến thức, họ không chỉ có ý thức bồi dưỡng cho con cái khả năng tự học mà còn thường xuyên cổ vũ trẻ thu nhận kiến thức qua nhiều con đường khác nhau. Dưới đây, chúng ta hãy cùng xem vài kênh mà trẻ em Do Thái thường sử dụng để thu nhận kiến thức nhé!

(1) Thu thập nhiều tài liệu: Mỗi ngày, trẻ phải dành một khoảng thời gian nhất định, căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu học tập của mình để thu thập tài liệu, chúng có thể là sách vở, báo chí, đĩa, băng ghi âm...

(2) Sàng lọc tài liệu một cách khoa học và hợp lí: Trong quá trình thu thập tài liệu, người lớn sẽ hướng dẫn trẻ lựa chọn, sàng lọc những tài liệu nhất định phải đọc thành các nhóm, sau đó trẻ mới bắt đầu dành thời gian "đọc thông", "đọc hiểu", "đọc thấu".

(3) Giao lưu với nhiều người khác: Trong cuộc sống, giao lưu với những người có cùng sở thích một cách có ý thức càng dễ cho việc thu thập những kiến thức trẻ muốn tìm hiểu, sau khi nghe xong giới thiệu của những người này, bản thân trẻ sẽ có thể tự đọc một cách có trọng điểm những tri thức tương quan.

(4) Sách vở không phải là nguồn kiến thức và trí tuệ duy nhất: Ngoài việc chăm chỉ đọc sách, hàng ngày trẻ còn phải xem ti vi, nghe đài, đọc báo, lên mạng... để cập nhật tin tức và tri thức.

Không thể phủ nhận rằng, dân tộc Do Thái là một dân tộc thần kỳ. Sự thần kỳ này không chỉ ở chỗ với thế giới họ là những người có trí tuệ vô song mà còn ở chỗ trải qua mấy nghìn năm rèn luyện giáo dục trí tuệ của họ cũng đạt được thành công rực rỡ. Vì vậy, tôn thờ trí tuệ, xem trọng trí tuệ là đạo lí căn bản mà mỗi bậc cha mẹ nên dạy con em mình.

Từ nhỏ, con đã học thuộc Thánh Kinh Cựu Ước

Bill là một cậu bé Do Thái 10 tuổi. Từ nhỏ, cậu đã theo bố mẹ đến Mỹ định cư. Khi mới 3 tuổi, bố mẹ cậu bắt đầu cho cậu đọc thuộc "Thánh Kinh Cựu Ước" (Tanakh), lớn lên, Bill còn học thuộc "Ngũ kinh của Moses" (Torah), học "Do Thái giáo pháp điển" (Talmud). Rèn luyện qua một thời gian dài, khả năng ghi nhớ của Bill đã được nâng cao rõ rệt.

Một hôm, Bill đang quan sát bản đồ nước Mỹ. Bố muốn đánh giá khả năng ghi nhớ của cậu. Vì thế, ông quyết định ra một đề kiểm tra nhỏ. Bố nói với Bill: "Bill, con có thể ghi nhớ được vị trí của các tiểu bang trên bản đồ trong vòng nửa tiếng không?".

"Đương nhiên là có thể ạ, sau nửa tiếng con sẽ trả lời những câu hỏi của bố". Cậu bé Bill đầy tự tin đáp.

Sau nửa tiếng, bài kiểm tra của hai bố con bắt đầu. Bố chuẩn bị cho cậu một bản đồ nước Mỹ "kỳ quặc", trên bản đồ đó có 30 tiểu bang chưa có tên, bài tập của Bill là đọc to và chính xác những tiểu bang ấy.

Qua bài kiểm tra, Bill đã trả lời đúng hoàn toàn và đạt được điểm tuyệt đối. Thấy cậu như vậy, bố liền khen: "Con trai, hôm nay con thật là giỏi, bố rất tự hào về con!". Tuy nhiên, Bill chỉ nhún vai, cười nói: "Bố ơi, chuyện đơn giản như vậy, con nghĩ bố cũng làm được thôi".

Trí nhớ siêu phàm của cậu bé Bill trong ví dụ trên khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng điều làm chúng ta bất ngờ không chỉ là một cậu bé Bill, mà còn là cả dân tộc Do Thái, bởi vì từ lâu dân tộc Do Thái đã được vinh danh là một "Dân tộc có trí nhớ thiên tài". Tìm hiểu nguyên nhân, chúng ta sẽ thấy khả năng ghi nhớ siêu việt này của người Do Thái là do cha mẹ Do Thái đã chú trọng giáo dục con cái nghiêm ngặt từ nhỏ.

Chúng ta phải biết rằng, từ nhỏ, trẻ em Do Thái đều phải học thuộc "Thánh Kinh Cựu Ước". Khi bọn trẻ được 3 tuổi, sẽ được cha mẹ đưa đến một nơi giống như trường tư để đọc sách. Lúc đầu, bọn trẻ học tiếng mẹ đẻ - tiếng Do Thái (Hebrew), sau khi đã học được tiếng Do Thái, bọn trẻ được chỉ định cho học thuộc một số bài cầu nguyện. Trong giai đoạn này, trẻ thường học thuộc theo kiểu "học vẹt", mà chưa hiểu ý nghĩa, giáo viên cũng không cưỡng ép trẻ phải hiểu ý nghĩa của những bài cầu nguyện này. Khi 5 tuổi, trẻ sẽ học thuộc "Kinh Thánh" và "Luật Pháp Moses". Đến 7 tuổi, chúng sẽ học "Sáng thế", "Dân số", " Lê-vi", "Xuất hành" và "Đệ nhị luật" trong "Ngũ kinh của Moses"... Sau 7 tuổi, bọn trẻ sẽ học những bộ còn lại của "Thánh Kinh Cựu Ước" (Tanakh) và "Do Thái giáo pháp điển" (Talmud).

Có lẽ một số người cho rằng người Do Thái chẳng qua chỉ là học thuộc "Kinh Thánh", việc đơn giản này căn bản chẳng có gì vĩ đại cả. Nhưng điều không thể coi thường là sau khi đại não hình thành được bộ nhớ dung lượng lớn, việc tiếp nhận thêm kiến thức khác sẽ dễ như trở bàn tay mà chỉ sau khi tích lũy được một lượng kiến thức lớn đại não mới có thể sản sinh ra được những ý tưởng sáng tạo và phát minh xuất sắc. Nhà tâm lí học người Liên Xô cũ - Lev Vygotsky cho rằng: "Trí nhớ của trẻ trước tuổi đi học thuộc về trung tâm ý thức, các phương diện hoạt động trong tâm lí chiếm vị trí ưu việt". Nếu không có khả năng ghi nhớ, trẻ sẽ phải học lại những điều đã biết. Do đó nói, khả năng ghi nhớ của trẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập các kiến thức văn hóa khoa học sau này. Vì vậy, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái bồi dưỡng con cái họ có "hệ thống trí nhớ thiên tài" như thế nào nhé!

❃ Kết hợp suy nghĩ và ghi nhớ

Người Do Thái không chỉ thông qua cách học thuộc lòng để nâng cao khả năng ghi nhớ cho trẻ, mà họ còn vô cùng coi trọng việc kết hợp giữa suy nghĩ và ghi nhớ để kích thích sự sáng tạo của trẻ. Cha mẹ Do Thái, khi dạy con cái kiến thức thường để trẻ học thuộc bài văn đó trước, sau đó mới giảng giải từng từ, từng câu cho trẻ. Trong lúc giảng giải, cha mẹ thường dẫn dụ trẻ đưa ra những câu hỏi liên quan đến bài học, đồng thời, căn cứ vào các câu hỏi đó, cha mẹ sẽ cùng thảo luận sôi nổi với trẻ. Phương pháp này vừa giúp trẻ hiểu được nội dung bài văn, vừa nâng cao khả năng suy nghĩ độc lập cho trẻ.

❃ Vận dụng cách ghi nhớ thích hợp

Dựa vào trạng thái ý thức ghi nhớ khác nhau, có thể chia cách thức ghi nhớ của người Do Thái làm hai loại: Một là ghi nhớ vô thức, hai là ghi nhớ có ý thức. Người Do Thái cho rằng, trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng ghi nhớ vô thức càng cao. Vì thế, khi còn nhỏ, nếu trẻ nhất thời quên lời dặn của bố mẹ, người Do Thái không bao giờ dùng câu "đồ không có đầu óc" để mắng trẻ, ngược lại, họ còn cổ vũ trẻ đọc thuộc nhiều sách hơn.

Khi lớn dần lên, trẻ bắt đầu biết ghi nhớ có ý thức. Ở một mức độ nào đó, ghi nhớ có ý thức có thể chia thành ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa. Trẻ khi còn nhỏ chưa hiểu nội dung cần ghi nhớ, thường "học vẹt" bằng cách nắm bắt đặc trưng bên ngoài của vật, cách học như vậy được hiểu là ghi nhớ máy móc; Nhưng sau khi trẻ nhận thức được sự vật một cách tương đối, trẻ sẽ chuyển từ ghi nhớ máy móc thành ghi nhớ ý nghĩa, tức là trên cơ sở hiểu sự vật để ghi nhớ sự vật. Cha mẹ Do Thái rất giỏi vận dụng hai loại ghi nhớ này để dạy trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, họ dựa vào cách ghi nhớ máy móc để bồi dưỡng "hệ thống trí nhớ thiên tài" cho trẻ; Khi trẻ được 6-7 tuổi, cha mẹ sẽ cùng trẻ đọc sách, cùng trẻ tìm hiểu một số vấn đề qua đó tăng cường khả năng ghi nhớ ý nghĩa cho trẻ.

❃ Nhớ những điều quan trọng, quên những điều vô ích

Người Do Thái làm việc rất chú trọng đến hiệu quả công việc, vấn đề ghi nhớ cũng vậy. Mọi người đều biết, với bất kỳ ai, quên là điều không thể tránh khỏi, nhưng mức độ quên ở mỗi người lại khác nhau. Hãy xem người Do Thái dạy con cái những phương pháp nào để chống lại bệnh quên.

Thực ra, phương pháp rất đơn giản, đó chính là quên đi những điều vô ích, sau đó từng lượt từng lượt ôn tập lại những điều mà mình không muốn quên, cho đến khi đạt được mục đích quên những cái không cần thiết và ghi nhớ những điều quan trọng.

Cha mẹ Do Thái từ nhỏ đã buộc trẻ học thuộc "Thánh Kinh Cựu Ước" là không chỉ vì muốn trẻ hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc mình, mà hơn thế còn mong qua hoạt động đó bồi dưỡng "hệ thống trí nhớ thiên tài" cho trẻ. Chính vì những biện pháp nâng cao trí nhớ đặc biệt đó, người Do Thái mới bồi dưỡng nên những vĩ nhân có nhiều thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống như chúng ta vẫn thấy.

Ngoại ngữ là ngôn ngữ con phải học từ nhỏ

Mặc dù, Gaelic mới có 6 tuổi, nhưng cậu có thể sử dụng thành thạo ba thứ tiếng: tiếng Do Thái, tiếng Anh và tiếng Đức để giao lưu với hàng xóm. Đạt được thành tích như vậy, phải kể đến công lao rất lớn của bố mẹ Gaelic.

Năm Gaelic mới 1 tuổi, cha mẹ cậu bắt đầu dạy cậu tập nói, nhưng kỳ lạ là người cha chỉ dùng tiếng Anh nói chuyện với cậu, còn mẹ cậu lại dùng tiếng Do Thái dạy cậu. Thời gian ban ngày, cha cậu thường nói chuyện với Gaelic, cha còn mua về rất nhiều đồ chơi và tranh ảnh cho cậu. Trong lúc cùng chơi, cha dạy cậu gọi tên các đồ vật bằng tiếng Anh. Còn thời gian buổi tối là mẹ dạy Gaelic, mẹ có thói quen trước khi đi ngủ kể cho cậu nghe một câu chuyện bằng tiếng Do Thái, khi kể mẹ luôn yêu cầu Gaelic nghiêm túc lắng nghe, thời gian sau mẹ sẽ để Gaelic tự kể lại câu chuyện đã nghe bằng tiếng Do Thái.

Trời không phụ người có công, dưới sự "dìu dắt" của bố mẹ, cậu bé Gaelic lúc 5 tuổi đã nắm được số lượng lớn từ vựng tiếng Anh và từ đơn tiếng Do Thái. Sau đó, một cơ hội tình cờ, Gaelic được tiếp xúc với tiếng Đức, cậu cảm thấy vô cùng thích thú, vì thế, cha Gaelic đã mời một thầy giáo đến dạy tiếng Đức cho cậu. Thật không ngờ Gaelic chỉ mất một năm để học ngôn ngữ này.

Mọi người đều biết, dân tộc Do Thái có rất nhiều thương nhân kiệt xuất. Ngoài khả năng kinh doanh phi phàm, họ còn có một đặc điểm chung là thông thạo ngoại ngữ. Không ít người trong số họ thành thạo từ hai thứ tiếng trở lên. Người Do Thái vô cùng coi trọng việc học ngoại ngữ, họ thường có câu nói: "Có thể nói được vài ngoại ngữ, bạn sẽ có giá trị bằng mấy người cộng lại". Vì thế, giống như bố mẹ Gaelic, bậc cha mẹ Do Thái nào cũng vô cùng coi trọng khả năng ngoại ngữ của con mình, đồng thời còn dùng những phương pháp đặc biệt của mình để dạy con học ngoại ngữ.

Ngay khi còn nhỏ, bố mẹ đã chú ý đến việc học ngoại ngữ của trẻ là vô cùng hợp lí. Nghiên cứu tâm lí học hiện đại cho thấy, thời kỳ tốt nhất để trẻ học tiếng mẹ đẻ là 0-6 tuổi. Đây là thời kỳ trẻ nhạy cảm với ngôn ngữ nhất. Thời gian này không chỉ có lợi cho việc học tiếng mẹ đẻ mà còn đặc biệt thích hợp cho trẻ học ngôn ngữ thứ hai. Nếu qua thời gian "vàng" 0-6 tuổi, trẻ mới học ngôn ngữ thứ hai thì khó khăn trẻ phải đối mặt trong quá trình học sẽ tăng lên không ít.

Học giả Ramsay Wright và các cộng sự đã từng làm nghiên cứu khoa học như thế này: Họ tìm rất nhiều trẻ em đang học ngoại ngữ thứ hai, những trẻ em này được chia làm hai nhóm, một nhóm khoảng 6 tuổi và một nhóm khoảng 13 tuổi. Kết quả thống kê cuối cùng cho thấy: có 68% trẻ em ở nhóm 6 tuổi nói chuẩn ngôn ngữ thứ hai; chỉ có 7% trẻ em ở nhóm 13 tuổi nói chuẩn ngôn ngữ thứ hai. Do đó có thể thấy, việc chọn lựa độ tuổi thích hợp để tiến hành dạy ngôn ngữ cho trẻ là vô cùng quan trọng. Không thể không nói, cha mẹ người Do Thái đã rất chú ý lựa chọn độ tuổi học ngôn ngữ của con, họ vô cùng lưu ý thời điểm, ngay từ khi con còn nhỏ họ đã dạy trẻ học mấy ngoại ngữ.

Cha mẹ Do Thái thường kích thích hứng thú học ngoại ngữ của con bằng những cách tự nhiên nhất. Chẳng hạn, cha mẹ dạy trẻ ngoại ngữ qua việc làm quen hay tiếp xúc với những vật dụng hàng ngày, tận dụng trò chơi để tạo bầu không khí học ngoại ngữ, thúc đẩy quá trình học ngoại ngữ của trẻ... Phương pháp này giúp trẻ dễ nhớ và nhớ lâu. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu bí quyết dạy ngoại ngữ cho con của cha mẹ Do Thái nhé!

❃ Học ngoại ngữ từ những vật dụng hàng ngày

Khi trẻ còn nhỏ, đại đa số bố mẹ Do Thái dùng những vật dụng hàng ngày để giúp trẻ học ngoại ngữ. Ví dụ, họ thường sử dụng cốc, chậu rửa mặt, khăn mặt... để đặt câu hỏi, giúp trẻ học những từ mới đơn giản. Ngoài ra, lúc dẫn con cái đi mua đồ, cha mẹ Do Thái thường chú ý đến ánh mắt của trẻ, chọn những đồ mà trẻ thích, nhân cơ hội đó dạy trẻ ngoại ngữ. Hơn nữa, cha mẹ Do Thái còn thường xuyên cùng con xem phim hoạt hình (Đương nhiên đây là những bộ phim do họ lựa chọn hoặc đĩa phim có liên quan đến ngoại ngữ), vừa xem vừa cùng học ngoại ngữ.

❃ Kích thích hứng thú học ngoại ngữ của trẻ thông qua trò chơi

Ngoài việc vận dụng những đồ dùng hàng ngày để học ngoại ngữ, cha mẹ Do Thái còn nghĩ ra những trò chơi để kích thích hứng thú học ngoại ngữ của trẻ. Khi cho trẻ học tiếng Anh, cha mẹ người Do Thái sẽ dùng các cách để nâng cao vốn từ vựng cho con. Khi vốn từ vựng của trẻ đạt đến một trình độ nhất định, họ sẽ xâu chuỗi những từ đó thành một câu dài, để trẻ vừa chơi trò chơi vừa "hát".

Ví dụ khi trẻ nắm vững từ vựng về các loài động vật, cha mẹ người Do Thái sẽ tự sáng tác ra một số bài hát: I can jump like a kangroo; I can run like a leopard; I can fly like a bird. Sau đó chuẩn bị một số đồ chơi về các con vật để trẻ vừa đọc "bài hát" vừa chơi đồ chơi, tăng hiệu quả trong việc học tiếng Anh cho trẻ.

❃ Tạo không khí học ngoại ngữ

Cha mẹ Do Thái khá coi trọng không khí học ngoại ngữ của trẻ. Để khiến trẻ cảm thấy nhẹ nhàng khi học ngoại ngữ, cha mẹ Do Thái thường chú ý tạo ra môi trường học ngoại ngữ vui vẻ, thoải mái cho con. Ví dụ, sau khi trẻ học được một số từ tiếng Anh đơn giản, cha mẹ sẽ bất chợt tổ chức hoạt động cả nhà cùng học tiếng Anh với trẻ. Cả nhà sẽ cùng trẻ dán những từ vựng tiếng Anh trẻ đã học vào đồ vật tương ứng, sau đó cả nhà thi trả lời, xem ai đọc vừa nhanh vừa chuẩn. Từ đó, cho trẻ cơ hội học, nói và nhận biết từ mới.

Như vậy cha mẹ Do Thái luôn cố gắng vận dụng tất cả biện pháp để kiến tạo "môi trường" học ngoại ngữ, giúp trẻ thực hành và nắm chắc những từ đã được học.

Từ nhỏ con đã biết sách vở là ngọt ngào

Sol năm nay 3 tuổi, hôm nay là ngày đầu tiên cậu đi học Mẫu giáo. Khi bước vào lớp, cậu không hề tỏ ra căng thẳng, rụt rè, bởi cậu nhận được rất nhiều tràng pháo tay hoan nghênh của các bạn. Cô giáo giải thích với bố mẹ của Sol: "Mỗi bạn nhỏ lần đầu tiên đặt chân vào lớp, chúng tôi đều dành những tràng pháo tay nhiệt liệt nhất, để các em nghĩ rằng học tập là một việc vui".

Được sự hướng dẫn của cô giáo, Sol tìm đến chỗ của mình và ngồi xuống. Khi cậu mở cuốn sách trên bàn ra, bất ngờ có hai quả nho pha lê lăn xuống. Sol nhìn hai quả nho mỉm cười vui vẻ, lúc này, cô giáo ngồi xuống bên cạnh nhẹ nhàng hỏi: "Sol, em có biết sách vở của em có mùi gì không?"

Sol đứng dậy nhún nhảy nói: "Thưa cô, em biết rồi ạ. Sách vở rất ngọt giống như hai quả nho này". Cô giáo nghe xong mỉm cười hài lòng, sau đó vỗ tay khen ngợi Sol.

Trong cộng đồng người Do Thái, không riêng gì giáo viên dạy trẻ sách vở là ngọt ngào, thậm chí trong gia đình Do Thái, khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, cha mẹ sẽ chọn dịp mở cuốn "Kinh Thánh" ra, mỗi trang sách nhỏ một giọt mật ong, sau đó bảo trẻ thơm lên đó. "Nói có sách mách có chứng", người Do Thái dùng cách thức đặc biệt này để nói với trẻ rằng: Sách vở luôn ngọt ngào!

Người Do Thái không chỉ biết sách vở là ngọt ngào từ nhỏ mà họ còn vô cùng yêu quý sách. Họ có một truyền thống rất hay đó là luôn phải đặt tủ sách ở đầu giường, không được đặt ở cuối giường. Cách làm này có hai dụng ý: Một là để tiện cho việc đọc sách, hai là thể hiện thái độ sùng kính với sách. Ngoài ra, người Do Thái còn là một dân tộc không cấm lưu hành sách báo, cho dù đó là một cuốn sách công kích và chế giễu người Do Thái nhưng họ vẫn có thể tự do truyền tay nhau đọc.

Để chứng minh người Do Thái yêu quý sách thế nào, Tổ chức Unesco đã tiến hành điều tra vào năm 1988, kết quả thu được cho thấy: Tại Israel (đất nước có phần đông dân số là người Do Thái) những công dân ở độ tuổi trên 14, mỗi tháng đọc một cuốn sách; có hơn 1000 thư viện công cộng và thư viện ở các trường đại học trên 4,5 triệu dân (Dân số Israel), bình quân cứ 4500 người có một thư viện; ở đây, công dân làm thẻ đọc sách đã đạt hơn 1 triệu người; đặc biệt, hàng năm tỉ lệ số người đọc sách và số thư viện đều tăng lên và luôn đứng đầu thế giới.

Người Do Thái sở dĩ dạy con quý trọng sách vở bởi vì họ quan niệm trong sách không chỉ quý về nội dung, đẹp về hình thức mà còn có thể dạy trẻ rất nhiều đạo lí, nên bậc cha mẹ nào cũng muốn con cái ham đọc sách từ nhỏ. Vậy cha mẹ làm thế nào để con cái yêu thích đọc sách ngay từ bây giờ? Dưới đây là những tuyệt chiêu của các bậc cha mẹ Do Thái.

❃ Tình nguyện làm "người đọc sách cho trẻ"

Cha mẹ Do Thái vì muốn trẻ tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, nên tình nguyện làm "người đọc sách" cho trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đóng vai là "người đọc", mỗi buổi tối đều đọc cho trẻ nghe một vài truyện cổ tích, truyện ký danh nhân, khoa học thường thức... Khi trẻ đã biết đọc, cha mẹ sẽ trở thành "người cùng đọc" với trẻ, lúc này cha mẹ sẽ cùng trẻ đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những bài luận văn khoa học hoặc tùy bút đặc sắc... Trong khi trẻ đọc sách, cha mẹ thường xuyên cổ vũ trẻ và tận tâm hướng dẫn trẻ. Sau khi trẻ đã đọc tốt, cha mẹ sẽ trở thành người "bạn đọc sách" thực thụ của trẻ. Để thỏa mãn đam mê và tính hiếu kỳ trong việc đọc sách của trẻ, họ thường xuyên cùng trẻ đi mua sách hoặc dẫn trẻ đến các thư viện đọc sách.

Tóm lại, cha mẹ Do Thái giống như người làm vườn chăm chỉ chăm chồi cây non, họ sẽ phân loại tri thức theo hứng thú và sở thích của con ở từng giai đoạn rồi mới truyền thụ cho trẻ, giúp trẻ tiếp thu nhẹ nhàng và hiệu quả, kỳ công như thế nhưng con cái họ ngày sau như cái cây được chăm bón tốt sẽ có thể "nở ra những bông hoa đẹp nhất".

❃ Cha mẹ là tấm gương và giáo dục gây sốc

Người xưa có câu: "Hét khản giọng dạy con không bằng làm gương cho con học tập". Cha mẹ Do Thái luôn là tấm gương dạy con. Ví dụ, để dạy trẻ yêu thích đọc sách, cha mẹ sẽ làm mẫu trước, hàng ngày họ sẽ nghiêm túc đọc sách và ghi chép, sau đó khi trẻ đã thích đọc sách người lớn càng phải giữ uy tín và là tấm gương điển hình trước mặt trẻ. Lúc này, cách làm thông thường của cha mẹ Do Thái sẽ tổ chức một cuộc "hội thảo" dành cho những người đọc sách, trong đó họ sẽ cho con trẻ xem danh sách những cuốn sách họ đã đọc và những ghi chú họ ghi lại trong quá trình đọc sách, thông thường, khi trẻ nhìn thấy số đầu sách và lượng ghi chép khổng lồ của bố mẹ thì sẽ cảm thấy bị "sốc". Cách làm này của cha mẹ Do Thái rất có tác dụng kích thích hứng thú đọc sách của trẻ, từ đó khiến trẻ thực sự yêu thích sách.

❃ Có kế hoạch bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ

Ham muốn đọc sách có thể là nhất thời, nếu muốn trẻ giữ được đam mê này, cha mẹ cần bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ. Phương pháp mà cha mẹ Do Thái thường dùng là đặt ra những kế hoạch khả thi, chẳng hạn:

(1) Vào mỗi buổi tối, không vì lí do đặc biệt nào, cả gia đình sẽ ngồi yên lặng đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.

(2) Đặt mua định kỳ hàng năm cho trẻ một số đầu báo hoặc tạp chí, đồng thời đôn đốc trẻ đọc chúng.

(3) Mỗi tuần dành thời gian một ngày để cùng đọc báo với trẻ, sau đó cùng thảo luận sôi nổi về một chủ đề đôi bên cùng quan tâm.

(4) Hàng tuần nhất định phải dành thời gian dẫn trẻ đến thư viện, bảo tàng, triển lãm... tham quan, giúp làm tăng kiến thức và nâng cao hứng thú đọc cho trẻ.

Tóm lại, bất kể là sử dụng biện pháp nào thì mục đích cuối cùng của cha mẹ Do Thái vẫn là khiến trẻ ham đọc sách, yêu tri thức, tôn sùng trí tuệ, làm cho con ham đọc sách là nhiệm vụ không thể trốn tránh của mỗi bậc cha mẹ Do Thái.

Học tri thức không bao giờ là muộn

Cậu bé Frank 12 tuổi rất ham chơi. Mỗi lần tan học về nhà, cậu không xem ti vi thì chơi trò chơi, chẳng có chút tinh thần ham học nào. Hôm đó, mẹ quyết định nói chuyện với Frank. Mẹ đến bên và hỏi: "Frank, sao con lại không thích học? Đó không phải là thói quen tốt đâu".

"Mẹ ơi, học hành là việc của các cậu bé, bây giờ con đã lớn rồi, con không cần học nữa, mà con cũng chẳng có thời gian học, con bận lắm". Frank trả lời.

"Frank, hôm nay mẹ phải nói với con, suy nghĩ này của con thật đáng sợ. Lẽ nào con quên câu chuyện của học giả người Do Thái - Chtel rồi sao? Ông ấy nghèo khổ, già cả điều kiện thiếu thốn như vậy mà vẫn miệt mài học tập? Lẽ nào con già hơn Chtel? Lẽ nào con không có thời gian học tập như Chtel?". Mẹ của Frank hỏi lại.

Frank nghĩ ngợi một lát, sau đó trả lời chắc chắn: "Con xin lỗi đã để mẹ phải lo lắng. Bây giờ con biết mình nên làm thế nào rồi ạ". Nói xong, Frank cầm sách vở ngồi vào bàn nghiêm túc học bài.

Trong ví dụ trên, ý mẹ Frank rất rõ ràng, một người cho dù nghèo khổ, già cả thế nào, không có thời gian ra sao vẫn nên biết rằng học tri thức không bao giờ là muộn. Đúng vậy, người Do Thái rất chú trọng học tri thức, rất nhiều người Do Thái đều coi danh ngôn của Seqier làm lời răn dạy bản thân, kích thích bản thân và cổ vũ người khác chăm chỉ học hành "Lúc này không học, bao giờ mới học?".

Trong văn hóa của người Do Thái, người Do Thái sở dĩ coi trọng tri thức như vậy là vì họ cho rằng, tri thức có thể nâng cao trí tuệ nhân loại, học tập có thể giúp con người không ngừng tiến gần đến sự hoàn mỹ. Đồng thời, trong thời gian dài bị các dân tộc khác đàn áp, người Do Thái phải lang thang khắp nơi, họ càng có điều kiện thể nghiệm sự quan trọng của tri thức. Không có nơi cư trú cố định, họ không có được sự bảo đảm điều kiện sinh tồn và phát triển, chỉ có thể dựa vào tri thức và trí tuệ của mình để đổi lấy tiền bạc và địa vị, từ đó khẳng định vị trí của mình. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, người Do Thái đều đặt tri thức và trí tuệ lên hàng đầu, với họ, sách vở là nguồn dinh dưỡng của tiền bạc và sự sống.

Đặc biệt, dân tộc Do Thái còn là một dân tộc hiểu được tầm quan trọng của truyền thống, họ sẽ tổng hợp và lựa chọn những tinh hoa tri thức của thế hệ mình và các thế hệ đi trước để truyền thụ cho thế hệ sau biết tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của cha ông. Đó là lí do vì sao người Do Thái ngày nay vẫn yêu tri thức và tôn sùng trí tuệ như vậy. Dưới đây, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái đã dùng những biện pháp nào để dạy con cái biết rằng "học tri thức không bao giờ là muộn" nhé.

❃ Ham học hỏi bắt đầu từ việc ham đọc sách

Trong tập tục của người Do Thái có quy định như sau: Một người khi gặp phải khó khăn, muốn bán của cải để duy trì cuộc sống, đầu tiên cần nghĩ đến việc bán vàng bạc, châu báu, sau đó đến đất đai, nhà cửa, cuối cùng mới là sách vở, vì sách vở là thứ không thể bán được. Có thể thấy, sách vở có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Do Thái.

Đương nhiên, tình yêu đối với sách vở không thể được bồi dưỡng một sớm một chiều. Nó phải là sự giáo dục liên tục từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác của cha mẹ với con cái. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ Do Thái luôn tôn trọng và yêu quý sách vở. Họ mua cho con các loại sách báo để kích thích hứng thú đọc sách của con, cùng con đọc sách để trẻ luôn luôn có cơ hội học hỏi kiến thức và thấy được giá trị của sách vở. Từ đó, trẻ sẽ yêu quý sách vở và ham học hỏi hơn.

❃ Dù giàu hay nghèo cũng cần phải học tri thức

Trong văn hóa người Do Thái, học tập không chỉ không phân biệt sớm muộn mà còn không phân biệt thân phận. Đầu thế kỷ XII, nhà triết học nổi tiếng người Do Thái - Maimonides đã nói: "Bất cứ người Do Thái nào, dù là trẻ hay già, khỏe mạnh hay ốm yếu, đều cần nghiên cứu "Latuo". Thậm chí, một người ăn mày cũng cần nghiên cứu, học tập nó ngày đêm". Dân tộc Israel ngày nay cũng như vậy, cho dù người giàu hay người nghèo cũng đều cố gắng tích lũy tri thức. Họ thường xuyên tự cổ vũ bản thân mình từ câu nói nổi tiếng trong cuốn Talmud "Một người không có tri thức, thì anh ta còn có cái gì? Một người có tri thức, thì anh ta còn thiếu cái gì?".

Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ cho con cái đọc một số tác phẩm kinh điển của dân tộc họ. Chẳng hạn, mỗi trẻ em Do Thái đều phải đọc thuộc kinh "Cựu Ước", sau đó đọc và nghiên cứu "Talmud". Những cuốn sách cổ giàu trí tuệ này không chỉ giúp người Do Thái thoát khỏi sự mê muội và tầm thường, mà còn giúp họ dùng kiến thức thay đổi vận mệnh của mình.

Labi - một người Do Thái đã từng nói: "Trong vườn cây giáo dục, không có cây kết quả sớm, cũng không có cây kết quả muộn, chỉ có cây không ngừng mở rộng trí tuệ và tư tưởng". Quả thật, học tập không có sớm muộn, không phân biệt thân phận, mỗi người có chí đều nên chăm chỉ, đọc sách học hỏi tri thức. Cho nên, các bậc phụ huynh đều phải rèn cho con thói quen yêu tri thức, thích học tập từ nhỏ.

Đặt câu hỏi là thói quen của con

Ở Israel, có một cậu bé tên là Kuhn, tính cậu rất hiếu kỳ, hầu như ngày nào cũng hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia.

Vào một ngày mưa, Kuhn vội vàng chạy đến trước mặt người cha đang đọc báo và hỏi: "Ba ơi, ba có biết vì sao hôm nay trời có sấm và mưa không ạ?". Cha cậu gấp tờ báo lại, xoa đầu cậu và nói: "Con đặt câu hỏi hay lắm, nhưng ba sợ khó giảng giải cho con hiểu rõ vấn đề này, ba nghĩ con nên đi hỏi thử "Bách khoa toàn thư" xem sao". Nói xong, cha cậu lấy cuốn "Bách khoa toàn thư" trên giá sách xuống đưa cho Kuhn.

Thế là, Kuhn giở "Bách khoa toàn thư" và chăm chú đọc. Kuhn thấy, cuốn "Bách khoa toàn thư" chẳng khô khan chút nào, ngược lại, cậu còn thấy nó rất thú vị và cậu rất lấy làm ngạc nhiên cũng như vui mừng về điều đó. Một lát sau, Kuhn sung sướng nhảy cẫng lên, rồi chạy đến chỗ cha và nói: "Ba, ba, con đã biết vì sao trời có sấm chớp và mưa rồi".

"Hóa ra, trên trời có rất nhiều hơi nước, sau khi gặp khí lạnh chúng sẽ biến thành giọt nước nhỏ, hơn nữa những giọt nước này sẽ tích tụ với nhau, khi giọt nước đó đủ lớn, không khí không thể giữ chúng lại được nữa và chúng sẽ rơi xuống thành mưa".

"Câu trả lời này rất hay, nhưng tại sao lại có sấm chớp trên trời?". Cha cậu khen ngợi rồi hỏi lại.

"Cái này con vẫn chưa tìm được đáp án, có điều con sẽ nhanh chóng tìm thấy thôi". Nói xong, Kuhn lại nghiêm túc cầm cuốn "Bách khoa toàn thư" lên nghiên cứu.

Phương pháp dạy con của người cha trong ví dụ trên rất hay. Ông biết nhưng không trả lời câu hỏi của con, mà dùng cách của riêng ông khiến cậu bé tự tìm lời giải. Đặt câu hỏi là thói quen của mỗi người dân Do Thái, vì họ biết rằng người có trí tuệ là người biết hoài nghi và biết cách đặt câu hỏi. Và đồng thời, mỗi đứa trẻ đều là nhà phát vấn bẩm sinh. Đối với bọn trẻ, thế giới rất mới lạ, vạn vật trên đời đều khiến chúng vô cùng tò mò. Vì thế, cha mẹ Do Thái thường cổ vũ trẻ dám nghi ngờ, dám đặt câu hỏi. Khi trẻ có khả năng nghi ngờ, câu hỏi của chúng sẽ ngày càng nhiều, khi đi tìm lời giải cho câu hỏi đó, đáp án đều là tương đối chính xác.

Có lẽ, có không ít cha mẹ Do Thái cho rằng, nhiều khi câu hỏi của trẻ căn bản không phải câu hỏi. Nhưng họ cũng biết rằng: Trẻ đã đưa ra câu hỏi, chứng tỏ trẻ có suy nghĩ, nếu bản thân trẻ có thể tự tìm ra câu trả lời đúng thì nó sẽ từng bước khơi lên hứng thú học tập của trẻ. Cho nên, cha mẹ không chỉ cần cổ vũ trẻ chăm đặt câu hỏi, mà còn cần nghiêm túc, nhẫn nại lắng nghe từng câu hỏi của trẻ. Hơn nữa, khi trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ ngàn vạn lần không nên vội vàng đưa ra đáp án, cách tốt nhất là cho trẻ thời gian suy nghĩ, sau đó để trẻ chủ động tìm tòi suy nghĩ và đi tìm câu trả lời.

Trẻ biết chủ động đặt câu hỏi, dùng câu hỏi để học tập, điều này giúp ích rất lớn cho sự phát triển tư duy của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ thói quen muốn hỏi, dám hỏi và biết cách hỏi. Đương nhiên, muốn trẻ học cách đặt câu hỏi, chúng ta cần làm theo cách của cha mẹ Do Thái như sau:

❃ Tích cực trả lời câu hỏi của trẻ

Trẻ nhỏ rất thích hỏi những câu hỏi kỳ lạ. Đối diện với những câu hỏi này, một số cha mẹ vì bận rộn hoặc tâm trạng không vui, thường không để ý hoặc không trả lời những câu hỏi của con, thậm chí, có cha mẹ còn quát mắng trẻ, không cho trẻ hỏi những câu linh tinh như vậy. Tuy nhiên, cha mẹ Do Thái không bao giờ làm như thế, dù có bận rộn thế nào, tâm trạng có buồn bực ra sao, họ luôn tích cực trả lời câu hỏi của con, họ luôn kiên nhẫn trả lời, nếu lúc đó không trả lời được, họ sẽ cùng con tìm đáp án. Mục đích của những hành động này là để bồi dưỡng cho con thói quen đặt câu hỏi để học tập thêm tri thức.

❃ Tích cực hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi

Phương pháp được cha mẹ Do Thái thường xuyên sử dụng là tạo tình huống để kích thích trí tò mò của trẻ. Từ đó, khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi. Ví dụ, khi chơi trò mê cung, cha mẹ Do Thái sẽ đưa ra một số ám thị thích hợp cho trẻ; khi kể chuyện, đến đoạn hấp dẫn, cha mẹ Do Thái cố ý dừng lại, để trẻ tò mò hỏi kết quả... Như vậy, cha mẹ đã phát triển tư duy hoài nghi của trẻ. Ngoài việc tích cực hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ Do Thái còn đặc biệt chú ý đến việc trẻ đặt câu hỏi có lễ phép hoặc rõ ràng không... Nếu câu hỏi không rõ ràng hoặc hành vi của trẻ không lễ phép, bố mẹ sẽ nghiêm khắc nhắc nhở và nhẫn nại chỉ bảo cho con sửa lại câu hỏi.

❃ Đặt ra nhiều câu hỏi cho trẻ

Đặt nhiều câu hỏi cho trẻ cũng là phương pháp được cha mẹ Do Thái sử dụng phổ biến, đặc biệt là khi cùng trẻ chơi trò chơi mang tính gợi mở, cha mẹ thường hỏi trẻ những câu như: "Nếu không như vậy thì sẽ thế nào?", "Làm thế nào mới qua được trò chơi đó?", "Con có thể nói cho bố mẹ biết con chơi như thế nào không?"... Hiệu quả của những câu hỏi này rất rõ ràng, sau khi trẻ tiếp nhận câu hỏi, đầu tiên sẽ căn cứ vào phán đoán của mình phân tích câu hỏi, sau đó chọn ra một số cách có hiệu quả để đi tìm câu trả lời câu hỏi đó. Có thể nói, quá trình trẻ trả lời câu hỏi chính là quá trình "suy nghĩ theo câu hỏi và học tập từ câu hỏi".

Tóm lại, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng: Đặt câu hỏi trong quá trình học tập có thể giúp trẻ tiến bộ nhanh, cổ vũ trẻ đặt nhiều câu hỏi có thể kích thích khả năng tư duy của trẻ. Đồng thời muốn bồi dưỡng "ý thức đặt câu hỏi" cho trẻ, bố mẹ cũng phải là người chịu khó suy nghĩ và quan sát cuộc sống, để có thể hướng dẫn trẻ đặt ra những câu hỏi sâu sắc giúp trẻ trở thành người hữu dụng trong tương lai.

Trí tuệ của con bắt đầu từ khả năng chú ý

Lowry là một cậu bé thường không tập trung chú ý. Thấy những đứa trẻ khác có thể tập trung học hành, cha Lowry vô cùng hi vọng cậu có thể tập trung chú ý hơn. Vào một buổi trưa, khi Lowry chuẩn bị bỏ những mẩu gỗ xếp hình xuống để xem ti vi, cha cậu liền nói: "Lowry, con có thể chơi xếp hình nửa tiếng, sau đó xem ti vi được không?".

"Bố ơi, chơi xếp hình chán lắm, con chơi 5 phút đã thấy chán rồi". Lowry nói.

"Con trai, đừng như vậy, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng cần tập trung chú ý. Bố nghĩ nếu con tập trung hơn, con sẽ thấy trò chơi xếp hình rất thú vị. Hay là bố con mình cùng chơi nhé!".

"Được ạ". Lowry vừa nói vừa đưa những mẩu gỗ cho bố.

Trong thời gian chơi xếp hình, ngoài việc dạy Lowry vài cách chơi mới, bố còn luôn cổ vũ cậu tập trung vào trò chơi. Được sự ủng hộ và giúp đỡ của bố, cuối cùng Lowry đã tự mình xếp được một tòa lâu đài khác hoàn toàn với hình mẫu.

Nhìn tòa lâu đài mình vừa xếp, Lowry vui mừng nhảy cẫng lên, phấn khích kéo tay bố nói: "Bố, bố xem này, tòa lâu đài của con thật cao và thật đẹp!". Cha cậu thấy thế liền gật đầu, tán thưởng. Và như vậy, mỗi lần Lowry không tập trung chú ý, cha cậu lại nhắc nhở và cùng cậu hoàn thành trò chơi. Dần dần, Lowry đã tập trung chú ý hơn.

Ở Israel, nhiều người Do Thái giống như cha của Lowry, họ rất coi trọng bồi dưỡng khả năng chú ý cho con cái, vì họ cho rằng khi tập trung chú ý trẻ mới tiếp thu được kiến thức và trí tuệ. Labi - một người Do Thái đã từng nói: "Thiên tài bắt nguồn từ khả năng chú ý. Khả năng chú ý giống như cánh cửa dẫn tới thế giới tri thức, không có nó, tri thức sẽ không có cách nào bước vào tâm hồn trẻ".

Trong tình huống thông thường, trẻ thường tràn đầy năng lượng và luôn muốn tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Chỉ cần có thời gian, có cơ hội là trẻ sẽ tiếp xúc, học hỏi kiến thức ở nhiều phương diện. Không thể phủ nhận rằng niềm đam mê học hỏi là ưu thế của trẻ, nó có thể giúp trẻ hiểu và tiếp thu được nguồn tri thức phong phú. Tuy nhiên, một số trẻ có niềm đam mê nhưng lại khó tập trung chú ý, những đứa trẻ này luôn cảm thấy hiếu kỳ với mọi sự vật xung quanh, mọi sự vật chỉ cần có một chút mới lạ là có thể thu hút sự chú ý của chúng. Vì vậy, đối với những đứa trẻ luôn "bận rộn" này cha mẹ nên kịp thời hướng dẫn uốn nắn và bồi dưỡng khả năng chú ý cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Muốn trẻ tập trung chú ý cao độ, cha mẹ cần hiểu rõ khái niệm và đặc điểm cơ bản của sự chú ý. Chú ý là một hiện tượng tâm lí, nó có thể được chia làm hai loại: chú ý vô thức và chú ý có ý thức. Một người muốn từ chú ý vô thức chuyển sang chú ý có ý thức, cần trải qua một quá trình phát triển, cụ thể là: Khi mới chào đời, trẻ chỉ có thể tiếp nhận chú ý vô thức, qua thời gian rèn luyện và bồi dưỡng, trẻ dần hình thành và phát triển khả năng chú ý có ý thức. Vì thế, người Do Thái cho rằng, tuyệt đại đa số trẻ em có khả năng chú ý bình thường, trong giai đoạn trẻ chỉ có chú ý vô thức họ sẽ không ép con làm những việc phải chú ý có ý thức. Nhưng cha mẹ Do Thái cũng không xem nhẹ, bỏ qua việc bồi dưỡng khả năng chú ý cho trẻ, họ sẽ căn cứ vào quy luật phát triển tâm lí để giúp trẻ bồi dưỡng chú ý có ý thức.

❃ Loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài

Môi trường học tập tốt giúp trẻ tập trung chú ý hơn. Do vậy, cha mẹ Do Thái thường không đặt bàn học của trẻ ở gần cửa sổ để tránh cho trẻ khỏi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, cha mẹ còn chú ý chọn rèm cửa thích hợp cho trẻ, điều này không chỉ tạo không khí học tập tốt, mà còn tránh được ánh sáng mặt trời trực tiếp kích thích vào mắt trẻ.

❃ Không để trẻ quá mệt mỏi

Làm một việc gì đó trong thời gian dài hiệu suất công việc tất sẽ bị giảm. Việc học của trẻ cũng vậy, nếu trẻ phải học bài liên tục trong vài tiếng đồng hồ, khả năng chú ý của trẻ sẽ giảm. Vì thế, muốn đảm bảo khả năng chú ý tập trung cho trẻ, tránh để trẻ mệt mỏi, cha mẹ không nên để trẻ học bài quá lâu. Phương pháp mà các bậc cha mẹ Do Thái thường dùng là: Sau một khoảng thời gian cha mẹ lại thay đổi cách thức học cho trẻ. Ví dụ, lúc đầu cho trẻ đọc sách, sau đó, có thể căn cứ vào tình hình thực tế cho trẻ xem ti vi, chơi trò chơi... để trẻ tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho trẻ.

❃ Kịp thời làm tăng sự tự tin cho trẻ

Người Do Thái luôn thấm nhuần: Khi tự tin chúng ta sẽ làm việc tập trung hơn. Vì thế, cha mẹ Do Thái vào những lúc thích hợp thường dùng lời nói hoặc quà tặng để cổ vũ trẻ một cách thích hợp, giúp trẻ tự tin hơn. Chẳng hạn, câu mà họ thường nói với con cái là "Ba (mẹ) tin con sẽ làm được! Chỉ cần kiên trì, con sẽ làm tốt hơn trước! Cố lên nhé!". Nghe những lời cổ vũ đó, trẻ sẽ tự tin tiếp tục học tập và làm việc chú ý hơn.

❃ Bổ sung dinh dưỡng hợp lí cho trí não

Các bộ phận hoạt động trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể tiêu hao rất nhiều năng lượng, đặc biệt là não. Khi trẻ đang trong độ tuổi đi học, cha mẹ Do Thái sẽ đặc biệt chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Ví dụ, họ sẽ cho trẻ ăn những thức ăn giàu đạm, dễ tiêu hóa, bảo đảm cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, đồng thời chú ý không cho trẻ ăn hoặc uống thực phẩm có tác dụng kích thích thần kinh.

❃ Bảo đảm thời gian chất lượng giấc ngủ đầy đủ cho trẻ

Cha mẹ Do Thái đặc biệt quan tâm đến thời gian và chất lượng ngủ của trẻ. Thông thường, nếu gia đình có con trong độ tuổi đi học, cha mẹ sẽ khuyên con ngủ trước 10 giờ tối, đảm bảo ngủ 9 tiếng một ngày. Đồng thời, trước khi đi ngủ, cha mẹ sẽ rửa hoặc ngâm chân cho trẻ bằng nước ấm để giúp trẻ ngủ sâu hơn, đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

Nếu trẻ thiếu khả năng tập trung chú ý, thành tích học tập của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu trẻ làm bất cứ việc gì cũng đều toàn tâm toàn ý, chuyên tâm và tập trung, học thức và trí tuệ của trẻ sẽ được nâng cao. Cho nên, cha mẹ cần coi trọng bồi dưỡng khả năng chú ý cho trẻ. Trong quá trình bồi dưỡng, có thể căn cứ vào tình hình thực tế tham khảo một số phương pháp dạy con của các bậc cha mẹ Do Thái.

Suy nghĩ có thể mang lại trí tuệ vô biên cho con

Buổi tối cuối tuần, cô bé Do Thái Jennifer đến bên giường mẹ đòi kể chuyện.

Mẹ tiện tay cầm cuốn truyện bên cạnh, nói với Jennifer: "Mẹ có thể kể chuyện cho con nghe, nhưng khi mẹ kể xong con phải trả lời mẹ một câu hỏi, được không?".

"Được ạ, con hứa". Jennifer gật đầu đáp.

"Ngày xưa, có một con quạ nhặt được một miếng thịt tươi ngon, nó tha miếng thịt đậu trên một cành cây to...". Giọng mẹ truyền cảm kể cho Jennifer nghe câu chuyện "Cáo và Quạ". Cô bé nghe rất chăm chú, còn mở to mắt nhìn mẹ và thỉnh thoảng cười phá lên thích thú.

Sau khi kể xong chuyện, mẹ gấp sách lại và nói: "Câu chuyện mẹ đã kể hết rồi, Jennifer đến lượt con trả lời câu hỏi nhé. Trong câu chuyện này, Quạ nên làm thế nào để không mắc lừa Cáo?".

Jennifer suy nghĩ một lát rồi mạnh dạn đáp: "Thật ra có rất nhiều cách để Quạ không bị mắc lừa Cáo, ví như nó có thể không tin lời nói đường mật của Cáo, không mở miệng, cũng không hát, hoặc có thể ăn hết miếng thịt sau đó mới hát, đương nhiên nó cũng có thể treo miếng thịt trên cây rồi mới hát ạ".

"Ha ha, Jennifer của mẹ thật là giỏi, con có thể nghĩ ra nhiều cách như vậy, con giỏi lắm". Mẹ khen ngợi.

"Mẹ cũng phải giữ lời hứa, mẹ kể cho con một câu chuyện nữa đi". Jennifer vội vàng giục.

"Được, được, mẹ sẽ kể cho con nghe câu chuyện "Con quạ khát nước" nhé". Nói xong, mẹ lại bắt đầu giọng đọc trầm bổng...

Thế nào? Đọc xong ví dụ trên bạn cũng khâm phục trí tuệ của cô bé Jennifer phải không? Quả thật người Do Thái không chỉ tôn thờ trí tuệ, mà còn rất chú ý đến việc bồi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập cho trẻ. Họ cho rằng, học tập thật sự cần dựa trên cơ sở suy nghĩ, chỉ có suy nghĩ thì mới giúp chúng ta đạt được trí tuệ vô biên.

Chính vì vậy, người Do Thái có câu: "Không là con lừa cõng trên lưng nhiều sách". Câu này ý nói nếu chỉ có kiến thức mà không có tài năng thì chưa đủ, bởi như thế ta chỉ giống như con lừa cõng trên lưng nhiều sách không thể đi xa. Mà chỉ có học cách độc lập suy nghĩ, thông qua suy nghĩ để mở mang trí tuệ, người ta mới có thể trở thành con ngựa hay chạy nghìn dặm. Cho nên, khi giáo dục con cái, người Do Thái luôn chú ý cùng trẻ trao đổi suy nghĩ, họ sẽ thường hỏi căn hỏi vặn cặn kẽ một vấn đề khiến trẻ buộc phải chủ động tìm tòi suy nghĩ về nó.

Không chỉ có người Do Thái chú ý bồi dưỡng khả năng suy nghĩ của trẻ mà nhiều chuyên gia giáo dục cũng vô cùng chú ý đến khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Các chuyên gia đều cho rằng tri thức được cấu trúc làm ba lớp: lớp ngoài, lớp giữa và lớp trong. Tri thức lớp bên trong chính là phần tri thức nâng cao thu được qua quá trình suy nghĩ trên cơ sở lớp tri thức quan sát, học tập được. Cho nên muốn loại bỏ nghi ngờ, giải quyết khó khăn và hiểu được bản chất của vấn đề, phải không ngừng suy nghĩ. Dưới đây, chúng ta sẽ xem các bậc cha mẹ Do Thái bồi dưỡng khả năng suy nghĩ cho con cái họ như thế nào nhé!

❃ Cổ vũ trẻ đặt câu hỏi

Trẻ em Do Thái đến tuổi đến trường, cha mẹ và thầy cô thường xuyên khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, sau khi tan học về, câu hỏi đầu tiên của mẹ thường là: "Con yêu. Hôm nay ở trường con có hỏi thầy cô câu nào không? Con đã hỏi câu gì vậy?". Có thể trẻ sẽ đáp là: "Hôm nay con hỏi cô giáo tại sao cô lại mặc cái váy màu đỏ, con còn hỏi cô giáo là cái mũi của cá vàng ở đâu?".

Có lẽ những câu hỏi này của trẻ thật ngây ngô, nhưng khi lớn lên, độ khó trong câu hỏi của trẻ tăng lên, đến cuối cùng thậm chí ngay cả một số giáo sư chuyên gia cũng không thể trả lời những câu hỏi này. Khi đặt câu hỏi hoặc nghĩ cách giải quyết vấn đề, đại não của trẻ sẽ phải vận hành nhanh hơn. Cho nên mới nói, đặt câu hỏi là sự khởi đầu của việc tiếp nhận kiến thức, suy nghĩ sẽ giúp trẻ bồi đắp trí tuệ.

❃ Làm phong phú thêm cuộc sống của trẻ

Người Do Thái không chỉ thích cùng đọc sách với con, cùng con thảo luận một số vấn đề mà họ còn thường đưa con đến nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn khác nhau, từ đó tiếp xúc và giao lưu với nhiều người mới... Ví dụ khi rảnh rỗi cha mẹ Do Thái thường đưa con đến phòng hòa nhạc, triển lãm tranh, chợ đấu giá... mục đích là để trẻ thoát khỏi môi trường quen thuộc, tiếp xúc với những sự vật mới, từ đó kích thích và bồi dưỡng khả năng độc lập suy nghĩ của trẻ.

❃ Hạn chế tính ỷ lại của trẻ

Mặc dù người Do Thái rất thích đọc sách, nhưng sau khi đặt câu hỏi cho con, họ không ủng hộ con ngay lập tức tìm sách vở hoặc vào mạng tra tìm đáp án. Ngược lại cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích trẻ trước tiên tự suy nghĩ và tìm ra đáp án, cho dù lúc đó trẻ có thể chưa hoàn toàn độc lập suy nghĩ hoặc suy nghĩ, của trẻ không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng của tin tức bên ngoài nhưng như thế cũng là hạn chế thói lười suy nghĩ tăng khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Cho nên, phàm là chuyện gì cũng cần hạn chế thói ỷ lại của trẻ vì chỉ có không ỷ lại trẻ mới không tư duy theo lối mòn để cố gắng tìm ra cách nhìn và cách làm mới hiệu quả hơn.

Sở dĩ người Do Thái có trí thông minh ưu việt như vậy là vì ngoài việc thích đọc sách, ham học hỏi kiến thức, thì họ còn có thói quen tự suy nghĩ. Mặc dù, cha mẹ Do Thái thường áp dụng những phương pháp khác nhau trong việc giáo dục con cái, nhưng mục đích cuối cùng của họ là muốn tăng khả năng độc lập suy nghĩ cho con. Vì thế, chúng ta nên học tập các cha mẹ Do Thái, để phát triển trí tuệ một cách toàn diện cho trẻ.

Đọc thêm: Con muốn tự trải nghiệm

Cậu bé tên là Loke, 7 tuổi, người Israel, có một cô em gái được sinh ra chưa lâu.

Gần vào hè rồi, một hôm, vì bận chút việc nhà, nên mẹ muốn nhờ Loke trông em. Loke vui vẻ đồng ý, cậu cầm một chiếc quạt đến trước giường nhỏ của em, nhẹ nhàng đuổi ruồi muỗi xung quanh. Không lâu sau, nhờ sự trông nom tận tình của Loke, em bé đã ngủ.

Nhìn dáng điệu ngủ say của em gái, cậu thực sự bị thu hút, cậu vội vẽ bằng ngón tay lên chiếc quạt như muốn khắc họa khuôn mặt xinh đẹp của em gái. Những cử chỉ của cậu đã lọt vào mắt mẹ, mẹ đến bên Loke, mỉm cười hỏi: "Có phải con muốn vẽ khuôn mặt em không?".

Loke lắc đầu nói: "Tiếc là con không biết vẽ, con không vẽ được đâu ạ".

"Nhưng con không thử làm thì sao biết là mình không vẽ được, con hãy thử xem thế nào!". Nói xong, mẹ đưa cho Loke hai lọ mực, một đỏ, một xanh sau đó lại đi ra.

Loke cầm tờ giấy, mở nắp lọ mực ra, bắt đầu chăm chú vẽ. Một tiếng trôi qua, cuối cùng cậu cũng vẽ xong, nhưng mặt mũi, tay, quần áo cậu đều dính đầy mực, trên bàn cũng có vài vết mực. Loke nhìn thấy cảnh đó thì rất sợ bị mẹ mắng, không ngờ sau khi mẹ nhìn thấy, không những không giận, mà còn dịu dàng nói với Loke: "Loke, con vẽ đẹp lắm, giống như ảnh của em gái con vậy!". Lời khen của mẹ khiến cậu vui vẻ cười to.

Giống như câu chuyện của cậu bé Loke, sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ là một quá trình nhận thức. Mặc dù kinh nghiệm của người lớn rất quan trọng, nhưng cha mẹ tuyệt đối không được tước đi quyền tự trải nghiệm của trẻ, bởi vì kết quả và cảm nhận trẻ gặt hái được thông qua quá trình tự trải nghiệm sâu sắc hơn là việc trẻ hình dung kết quả quá trình qua lời nói của người lớn rất nhiều. Ngoài ra, cho dù trẻ có phạm lỗi khi trải nghiệm, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ, vì sau những sai lầm như vậy, trẻ sẽ trưởng thành hơn. Ở một mức độ nào đó, việc phạm lỗi và sửa sai cùng quan trọng như nhau, hơn nữa sau khi phạm lỗi, trẻ thường có được những bài học vô cùng đáng quý.

Cha mẹ Do Thái ngoài việc để trẻ đọc nhiều sách, còn cổ vũ trẻ tự thử sức, tự trải nghiệm. Trong gia đình Do Thái, khi đọc sách trẻ có nghi vấn, cha mẹ sẽ không vội vàng nói cho trẻ câu trả lời, mà thường gợi ý, hướng dẫn để trẻ tự trải nghiệm và tìm ra đáp án. Cách làm này không chỉ kích thích tinh thần ham học hỏi và tìm tòi của trẻ, mà còn giúp trẻ nâng cao tư duy phân tích và giải quyết vấn đề.

Mỗi bậc cha mẹ đều nên học cách giáo dục con của người Do Thái, cổ vũ trẻ tự trải nghiệm, để trẻ không ngừng phát huy năng lực và trí tuệ của bản thân. Dưới đây, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái cổ vũ con cái họ dũng cảm trải nghiệm như thế nào nhé!

❃ Tặng cho trẻ hộp bút màu

Một nhà giáo dục người Do Thái đã nói: "Nếu so bé trai với bé gái thì xúc giác của bé trai nhanh nhạy hơn, nhưng về thị giác lại kém hơn. Vì thế, nếu bé trai không được bồi dưỡng thị giác từ nhỏ, cảm giác về màu sắc của trẻ sẽ chậm hơn các bạn khác". Do vậy, để bồi dưỡng thị giác cho trẻ, trong gia đình người Do Thái, mỗi đứa trẻ đều có một hộp bút màu, và hộp bút này trở thành công cụ tốt nhất để trẻ phân biệt màu sắc. Cha mẹ Do Thái cũng thường xuyên dùng những chiếc bút nhiều màu để cùng trẻ tổ chức cuộc thi "làm họa sĩ".

Cuộc thi tiến hành như sau: Có một tờ giấy trắng khổ to: trước tiên, bố mẹ vẽ một vòng tròn nhỏ ở giữa tờ giấy; sau đó, trẻ sẽ dùng bút màu sắc tương tự vẽ bên ngoài vòng tròn một vòng tròn to hơn; tiếp đó, bố mẹ sẽ tùy ý dùng bất cứ chiếc bút nào vẽ một vòng tròn khác ở bên ngoài vòng tròn đó; lúc này, trẻ lại lấy bút tương tự vẽ, nếu trẻ dùng sai màu, trò chơi sẽ kết thúc. Như vậy, nếu trong cuộc thi trẻ có thể dùng chiếc bút cùng màu với bố mẹ vẽ vòng tròn, chứng tỏ trẻ đã biết phân biệt màu sắc rồi.

❃ Đồ chơi không chỉ có thể chơi mà còn có thể tháo lắp

Chơi đồ chơi không những giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, mà còn nâng cao khả năng sáng tạo, giúp trẻ phát triển trí tuệ và trưởng thành lành mạnh hơn. Do đó, cha mẹ Do Thái không chỉ mua cho con cái nhiều đồ chơi, mà còn cho phép con tháo đồ chơi đó ra để tìm hiểu.

Cha mẹ Do Thái thường hướng dẫn và cùng chơi trò chơi với trẻ. Chẳng hạn, khi trẻ tháo chiếc xe tải đồ chơi, bố cũng ngồi xuống cùng con nghiên cứu cấu tạo bên trong của chiếc xe tải. Thông thường, cha mẹ không cấm trẻ tháo đồ chơi, thậm chí có một số bậc cha mẹ còn chuẩn bị một số đồ chơi cũ, hay vật dụng cũ hỏng để trẻ được thỏa sức "nghiên cứu".

Ngoài những cách trên, cha mẹ Do Thái còn dẫn trẻ đi du lịch để trẻ được gần gũi với thiên nhiên, đồng thời có cơ hội tự trải nghiệm và học hỏi kiến thức. Ví dụ, khi trẻ có những thắc mắc như "Sờ vào hươu cao cổ sẽ có cảm giác gì?", "Cây non bị rụng lá có chết không?"... người lớn sẽ tổ chức những buổi vui chơi, tham quan du lịch để trẻ tự tìm đáp án.

Không thể phủ nhận việc đọc sách làm tăng kiến thức cho trẻ, nhưng muốn hiểu thêm về kiến thức và các kĩ năng khác, trẻ cần không ngừng trải nghiệm và học hỏi. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú trọng bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con, đồng thời để con tự trải nghiệm và thử sức với những kiến thức mới. Như vậy càng có lợi cho sự phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ của trẻ.

► Trẻ em Do Thái:

TỰ LẬP TỰ CƯỜNG LÀ KĨ NĂNG SINH TỒN CỦA CON

Tin vào bản thân mới có thể sớm tự lập

Jenni là một bé gái Do Thái 5 tuổi, bố Jenni luôn dạy cô bé biết tin vào bản thân và dựa vào chính mình.

Một lần, ở cổng vào khu vui chơi, lúc chờ bố mua vé, Jenni phát hiện dây giày của mình bị tuột liền cúi xuống thắt lại. Lúc này, một người nhìn thấy động tác thắt dây của Jenni không thành thạo lắm, liền bước đến muốn giúp đỡ, "Cô bé, dây giày của cháu dài quá! Chú giúp cháu thắt nhé, được không?".

Jenni lắc đầu nhìn người đó, rồi mỉm cười nói: "Cháu cảm ơn chú, nhưng chú có biết cháu mấy tuổi không ạ?".

Người đó nghe xong ngẩn người, sau đó mỉm cười nói: "Xin lỗi cháu, chú không biết cháu mấy tuổi, nhưng chú biết cháu còn nhỏ".

"Ồ, không, cháu không còn nhỏ nữa, cháu đã 5 tuổi rồi, cháu tin mình có thể thắt được dây giày". Nói xong, cô bé thắt lại dây giày và đứng lên.

Người đàn ông thấy vậy liền hào hứng giơ ngón cái lên và nói: "Chú thấy rồi, cháu thực sự đã lớn, cháu tuyệt lắm!". Jenni nghe xong vui mừng cười to.

Trong ví dụ trên, cô bé Jenni nói rằng mình đã 5 tuổi, ý là cô bé đã lớn rồi, cô bé có thể tự buộc dây giày mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Thực sự, tin vào bản thân, dựa vào bản thân, phải có ý thức độc lập tự chủ với trẻ em Do Thái là điều vô cùng bình thường.

Đương nhiên, trẻ em Do Thái có thể tin tưởng vào bản thân, tự làm một số việc như vậy là nhờ sự giáo dục tận tình của bố mẹ. Mỗi trẻ em Do Thái từ nhỏ đều được bố mẹ dạy dỗ đặc biệt và chu đáo. Cha mẹ luôn coi trọng tính độc lập của con cái. Chỉ có được giáo dục độc lập từ nhỏ, ý thức độc lập của trẻ mới được bồi dưỡng, khi gặp khó khăn mới có thể thể hiện năng lực của bản thân. Sau đây, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái đã dùng phương pháp nào dạy dỗ con cái độc lập nhé!

❃ Yêu con chứ tuyệt đối không nuông chiều con

Con cái là bảo bối của bố mẹ. Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng không phải ai cũng biết thương yêu con đúng cách. Một số bậc cha mẹ cho rằng cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con, làm tất cả mọi việc cho con, thế mới là yêu con. Thật ra không phải như vậy, đó không gọi là yêu con thực sự mà chỉ là sự nuông chiều, cứ làm như vậy một thời gian dài, cha mẹ đã tự tước đi quyền sống độc lập của trẻ, vô cùng bất lợi cho việc bồi dưỡng khả năng độc lập tự chủ cho trẻ.

Nhận thức rõ điều đó, cha mẹ Do Thái thường không nuông chiều con cái. Tình yêu của họ dành cho con đều có nguyên tắc, có mức độ. Nếu hành vi của trẻ vi phạm nguyên tắc, vượt quá giới hạn, cha mẹ sẽ không nương tay mà nghiêm khắc phê bình khuyên bảo, những việc làm này có mục đích là khiến trẻ sống độc lập và có nguyên tắc, để khi trưởng thành làm một người độc lập.

❃ Tôn trọng quyết định của con

Tôn trọng quyết định của con là cơ sở để trẻ học sống tự lập. Cha mẹ Do Thái rất coi trọng quan niệm này. Khi họ bày tỏ ý kiến của mình với con cái, bạn sẽ ít khi nghe thấy câu "Con còn nhỏ, con phải nghe lời bố mẹ!", "Con còn nhỏ, chưa hiểu được đâu!", "Đừng nói nữa, suy nghĩ của con sai rồi, con phải nghe lời bố mẹ"... Bạn sẽ thường được nghe những câu như: "Con yêu, suy nghĩ của con rất hay, hãy làm đi nhé!", "Con yêu, bố mẹ ủng hộ con!".

Cho dù trẻ đưa ra yêu cầu không hợp lí, cha mẹ Do Thái cũng không nổi giận đánh mắng mà đầu tiên họ sẽ nghĩ cách khuyên bảo uốn nắn suy nghĩ của trẻ, sau đó giảng giải cho trẻ hiểu nguyên nhân vì sao cha mẹ không đồng tình, cuối cùng cổ vũ trẻ nghĩ ra cách giải quyết hợp lí.

❃ Bồi dưỡng ý thức độc lập cho con

Ý thức độc lập có vai trò rất quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển của trẻ. Người Do Thái có rất nhiều phương pháp đặc biệt để bồi dưỡng ý thức độc lập cho con cái. Ví dụ như người Do Thái thường dùng những ví dụ bị người tin tưởng nhất "phản bội" để giáo dục con cái phải tin vào bản thân, dựa vào chính mình. Ngoài ra, vì muốn bồi dưỡng ý thức độc lập cho con, khi con gặp khó khăn, cha mẹ Do Thái thường không thay con làm mọi việc, mà chỉ đứng bên cạnh hướng dẫn, để trẻ tự khắc phục khó khăn.

❃ Giáo dục kĩ năng sống độc lập

Kĩ năng sống độc lập là tiền đề để trẻ sống độc lập, chỉ có nắm được kĩ năng này trẻ mới có thể sống độc lập, đồng thời giảm thiểu thói dựa dẫm vào bố mẹ. Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã hướng dẫn trẻ tham gia vào các việc nhỏ trong gia đình như đổ rác, gấp quần áo, lau nhà... để rèn luyện khả năng sống độc lập cho trẻ. Dù đôi lúc việc dạy những kĩ năng này mất nhiều thời gian hơn so với việc bố mẹ tự làm, nhưng cha mẹ Do Thái vẫn kiên trì chỉ bảo cho trẻ đến cùng. Vì họ hiểu rằng: Chỉ khi để trẻ học những kĩ năng sống, trẻ mới có thể thực sự tách khỏi bố mẹ, thích nghi với cuộc sống, với xã hội. Cho nên khi dạy con kĩ năng sống các bậc cha mẹ cần học theo cha mẹ Do Thái, hết sức kiên nhẫn và kiên trì chỉ bảo cho trẻ.

Tin tưởng và dựa vào bản thân là biểu hiện tuyệt vời nhất của tính độc lập. Độc lập có thể giúp trẻ sau vấp ngã tự mình đứng lên, độc lập cũng giúp trẻ không lùi bước trước khó khăn, dũng cảm tiến về phía trước; độc lập có thể giúp trẻ học cách mạnh dạn, cố gắng thực hiện ước mơ và vươn tới thành công. Cha mẹ cần hiểu được tầm quan trọng của tính độc lập, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục con để con sớm có thói quen độc lập.

Bí quyết để có khả năng sinh tồn mạnh mẽ

Barany là một cậu bé Do Thái 10 tuổi. Điều bất hạnh là khi còn nhỏ, cậu đã mắc căn bệnh lao xương, do không có tiền chữa trị, cuối cùng một khớp gối của cậu bị vôi hóa.

Một lần, cậu bé Barany muốn lấy con gấu bông đang treo trên tường xuống, nhưng cậu không thể với tới được. Bố cậu nhìn thấy vậy, không chủ động bước đến giúp đỡ, mà đứng bên cạnh cổ vũ cậu: "Con trai, bố tin con sẽ lấy xuống được, cố lên con!".

Barany thấy bố cổ vũ như vậy càng cố gắng hơn. Nhưng 5 phút trôi qua, cậu vẫn không thể nào lấy con gấu bông xuống, vì chân của cậu không thể đứng như bình thường. Lúc này, bố đứng một bên bắt đầu hướng dẫn cậu: "Con trai, con đã cố gắng như vậy mà vẫn không lấy được gấu bông xuống, bố nghĩ con có thể thử dùng cái mắc phơi quần áo thử xem sao".

Được sự nhắc nhở của bố, Barany thông minh dễ dàng dùng mắc phơi quần áo khều con gấu bông xuống.

Vào dịp sinh nhật lần thứ 15 của Barany, bố nói với cậu: "Con trai, mặc dù con bị liệt chân, nhưng bố mẹ chưa bao giờ coi con là một người tàn tật, cũng không chăm sóc con nhiều hơn những anh chị em khác. Vì bố mẹ biết rằng mình không thể chăm sóc con cả đời, chỉ có ý chí kiên cường và tinh thần độc lập, con mới tự tin vững bước trên đường đời sau này. Con trai, bố mẹ chỉ muốn nói với con rằng, bố mẹ rất yêu con, hy vọng con có thể hiểu". Barany nghe xong cố gắng kìm nén những giọt nước mắt đang sắp trào ra để gật đầu với bố.

Barany mặc dù gặp khó khăn trong việc học hành, nhưng dựa vào ý chí nghị lực kiên cường nên đã không bỏ cuộc. Cuối cùng, Barany đã đạt được thành tựu to lớn trong Y học. Vào năm 1914, Barany được nhận giải Nobel về Y học và Sinh học.

Cách yêu thương của cha mẹ đối với Barany dường như hơi lạnh lùng tàn nhẫn, nhưng như vậy mới có thể rèn luyện cho Barany ý chí kiên cường. Trong mắt người Do Thái, ngoài trí tuệ ra, họ còn đặc biệt chú ý đến ý thức tự lập tự cường của con cái. Đối với một dân tộc sinh tồn trong khó khăn, gian khổ, ngoài trí tuệ cao siêu giúp họ giành được địa vị và điều kiện sống nhất định, nguyên nhân để họ có thể tồn tại đến ngày hôm nay còn là bởi phẩm chất kiên cường, ý chí bất khuất. Trong những năm tháng khó khăn đó, người Do Thái đã dựa vào tinh thần bất khuất, không chịu bỏ cuộc, từng bước vươn lên và đi tới ngày nay. Rất khó tưởng tượng, một người không có ý chí thì làm thế nào họ có thể vượt qua được những cơn đói khát trong hoàn cảnh đi tha phương cầu thực như người Do Thái phải chịu. Bởi vậy, khi giáo dục con cái, người Do Thái luôn đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng ý chí và khả năng tự lập cho trẻ.

Đối với bất cứ ai, nhụt chí cũng là một điểm yếu chí mạng. Nếu một học sinh không có ý chí thì thành tích học tập và quá trình trưởng thành của cậu ta đều sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ người có ý chí kiên cường, mới có thể khắc phục mọi khó khăn, kiên trì đến cùng và bước đến thành công. Vì thế, các bậc cha mẹ nên học tập người Do Thái, có ý thức bồi dưỡng ý chí kiên cường cho con, để con thực sự nắm được bí quyết sinh tồn mạnh mẽ.

❃ Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Dân tộc Do Thái lưu truyền một câu nói: "Chuyện nhỏ học sinh tồn, chuyện lớn rèn năng lực". Cha mẹ Do Thái đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng khả năng kiên trì, bền bỉ cho con cái từ những việc nhỏ. Họ thường yêu cầu con có trách nhiệm với từng việc làm của mình, đặc biệt việc càng nhỏ càng phải chú ý. Bởi vì nếu một lần không làm xong bài tập, một tiết học không chuẩn bị sẽ khiến ý chí của trẻ bị giảm sút. Nếu trẻ thường xuyên bị nhụt chí, chắc chắn trẻ sẽ không thể kiên trì được đến cùng. Vì thế, khi bồi dưỡng ý chí cho trẻ, cha mẹ cần để con làm từng việc nhỏ, chỉ có hoàn thành được hết những việc nhỏ ấy sau này trẻ mới có thể làm được những việc lớn khác trong đời.

❃ Kiên quyết từ chối những yêu cầu không hợp lí của con

Trong cuộc sống, thường nhiều bậc cha mẹ không nhẫn tâm từ chối yêu cầu không hợp lí của trẻ và cho rằng đáp ứng những yêu cầu đó không có gì là xấu cả. Thực tế không như vậy, nghìn dặm đê vỡ bởi một tổ mối, một yêu cầu không hợp lí được đáp ứng có thể làm ý chí của trẻ kém dần đi. Trong gia đình người Do Thái, đa số các bậc cha mẹ đều không do dự từ chối những yêu cầu không hợp lí của con, dù con có kêu khóc cũng không chùn tay, đợi sau khi con bình tĩnh lại, cha mẹ mới nói rõ nguyên nhân, giảng giải cho con hiểu tại sao họ không đáp ứng yêu cầu đó của con.

❃ Giúp con đặt kế hoạch và mục tiêu học tập hợp lí, khoa học

Người Do Thái rất cẩn thận, tỉ mỉ, làm việc gì cũng luôn đặt kế hoạch trước. Đức tính đó bắt nguồn từ sự giáo dục ngay từ nhỏ. Khi trẻ đi học, cha mẹ chủ động tìm sách tham khảo cho con, giúp con đặt mục tiêu và kế hoạch học tập hợp lí, khoa học. Khi con từng bước hoàn thành những mục tiêu khác nhau, niềm vui của sự thành công càng tăng lên, từ đó, khả năng khắc phục khó khăn của trẻ cũng tăng theo.

❃ Để trẻ kiên trì làm một việc gì đó lâu dài

Không cần phải bàn cãi, kiên trì là phương pháp tốt nhất để tăng cường ý chí, nghị lực cho trẻ. Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ sẽ để trẻ kiên trì làm một hoặc nhiều việc từ nhỏ, ví dụ tập thể dục buổi sáng, viết nhật ký, dọn dẹp vệ sinh... Nếu trẻ có thể kiên trì trong ba tháng hoặc nửa năm, chắc chắn ý chí của trẻ sẽ được rèn luyện tốt. Đối với trẻ, hành động là sự chứng minh tốt nhất, muốn trẻ có ý chí kiên cường, cần để trẻ bắt đầu làm một việc gì đó.

Ngày nay, ở rất nhiều quốc gia, giáo dục cho trẻ khả năng chịu đựng thất bại trở thành một trong những bài học cần thiết. Đặc biệt là trong gia đình ở các nước phát triển, cha mẹ luôn coi trọng bồi dưỡng ý chí kiên cường và tinh thần chịu khó, chịu khổ cho con cái. Bởi lẽ, ở các nước phát triển trẻ khi sinh ra đã có đời sống vật chất đầy đủ lại luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ nên trẻ rất dễ trở nên lười biếng, ỷ lại, kém cỏi... Để trẻ thích nghi với xã hội hiện đại, cha mẹ cần làm tấm gương cho trẻ, cùng trẻ tạo nên bí quyết sinh tồn mạnh mẽ.

2 tuổi, con đã bắt đầu phải lao động

Một thương nhân giàu có người Do Thái vì muốn cho các con mình có nhiều cơ hội lao động, nên cứ đến kỳ nghỉ hè, anh lại dẫn 7 cậu con trai của mình lên núi ở một thời gian.

Mùa hè đến rồi, một hôm, thương nhân hỏi các con: "Chúng ta cùng lên núi ở, các con thấy có được không?".

Những người con của anh đều đồng thanh đáp: "Được ạ!". Sau đó, chúng nhanh chóng thu xếp hành lí của mình.

Sau khi đến nơi, anh bắt đầu sắp xếp công việc: "Jerry, Tom giúp chú dựng hàng rào, đào rãnh nước; Lusy, July các con giúp cô cho bò ăn; Peter còn nhỏ, ở trong nhà chăm sóc hai em là được".

"Vâng ạ, thưa bố, con và Tom nhất định sẽ xây hàng rào chắc chắn"; "Chúng con cũng sẽ cho bò ăn no nê ạ...". Những đứa trẻ tranh nhau nói lên suy nghĩ của mình.

Hàng năm, sau mỗi lần trở về nhà, bọn trẻ đều nắm bắt được nhiều kĩ năng sống và nhận biết được nhiều loài động thực vật. So với những trẻ cùng lứa tuổi, bọn trẻ hiểu biết hơn rất nhiều, khả năng học hành cũng tốt hơn.

Trong gia đình Do Thái, mỗi đứa trẻ đều phải gánh vác những công việc gia đình phù hợp với khả năng của mình. Thông thường, trẻ trước tuổi đi học sẽ làm những việc như: giúp mẹ đổ rác, tự thu dọn đồ chơi, cho chó mèo ăn... Dần dần, cha mẹ còn phân công cho con làm những việc cố định như rửa bát, tưới hoa... Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cả về chất lượng và thời gian được giao, trẻ sẽ được những phần thưởng xứng đáng.

Đa số, cha mẹ Do Thái rất nhẫn nại khi con cái bắt đầu làm việc. Họ luôn tận tình chỉ bảo cho con các kĩ năng cần thiết. Cho dù lúc đầu bọn trẻ khiến bố mẹ bận rộn, vất vả hơn như trẻ rửa bát không cẩn thận làm vỡ bát... tuy nhiên, lúc đó, cha mẹ sẽ không trách mắng hoặc yêu cầu con không làm nữa, mà từng bước hướng dẫn cách rửa bát đúng cách. Nếu trẻ có khả năng làm việc nhà cha mẹ sẽ không làm thay con nữa. Vì họ hiểu rằng, làm thay con sẽ tăng tính ỷ lại của con cái, thậm chí làm mất cơ hội phát triển tự nhiên của trẻ, không có lợi cho việc hình thành sự tự tin và bồi dưỡng tinh thần tự cường cho trẻ.

Ngoài ra, người Do Thái còn cho rằng, một người muốn thành đạt cần thông minh và chăm chỉ. Vì thế, họ coi bồi dưỡng tình yêu lao động cho con là để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con. Trong gia đình người Do Thái, nhiều trẻ em đã lao động từ lúc 2 tuổi. Họ để con cái tự làm những việc của chúng, từ đó giúp trẻ rèn luyện khả năng khắc phục khó khăn, tạo dựng sự sự tự tin và ý thức độc lập. Dưới đây là phương pháp mà bố mẹ Do Thái dạy trẻ biết yêu lao động:

❃ Nguyên tắc sắp xếp việc nhà cho trẻ

Cha mẹ Do Thái khi sắp xếp việc nhà cho trẻ thường tuân theo hai nguyên tắc. Thứ nhất là nguyên tắc "Thúc đẩy", khi trẻ có ưu điểm ở phương diện nào hoặc thích công việc nào, cha mẹ sẽ sắp xếp những công việc có liên quan cho trẻ. Ví dụ khi trẻ rất thích xào rau, cha mẹ sẽ để trẻ xuống bếp thử tay nghề. Thứ hai là nguyên tắc "Bổ sung", khi trẻ có khuyết điểm ở phương diện nào, cha mẹ sẽ nhằm vào khuyết điểm đó để sắp xếp một số việc nhà có liên quan. Ví dụ khi trẻ nhút nhát, cha mẹ sẽ cố ý cho trẻ tự ra ngoài mua đồ.

❃ Sắp xếp việc nhà phù hợp với trẻ

Bố mẹ Do Thái khi sắp xếp việc nhà cho trẻ sẽ đặc biệt chú ý bồi dưỡng tính hợp tác và tính độc lập của trẻ. Thông thường, cha mẹ sẽ sắp xếp cho trẻ một số việc mà trẻ có thể tự hoàn thành và một vài việc mà bố mẹ và trẻ có thể cùng hoàn thành. Như vậy, thông qua việc hoàn thành việc nhà, trẻ sẽ rèn luyện khả năng làm việc độc lập. Đối với việc mà cả bố mẹ và trẻ cùng hoàn thành, bố mẹ không những chỉ cho trẻ được những kĩ năng lao động, mà còn có thể giao lưu với trẻ nhiều hơn, tăng thêm tình cảm thân thiết trong gia đình.

❃ Dựa vào ý nguyện của trẻ để sắp xếp việc nhà cho trẻ

Cha mẹ Do Thái thường sắp xếp việc nhà cho con cái là muốn con trong quá trình làm việc được rèn luyện và thích nghi với cuộc sống hơn. Vì thế, trước khi sắp xếp công việc nhà cho trẻ, họ thường hỏi và tôn trọng ý kiến của con, để con tự làm những việc mình thích. Cho dù trẻ làm không đúng, không quen, hoặc làm cho việc nhà càng rối thêm... cha mẹ cũng không bao giờ trách mắng con, họ còn khích lệ và khen ngợi con cái.

Ngoài ra, khi trẻ muốn hoàn thành một việc gì đó vượt quá khả năng của mình, cha mẹ thường không ngăn cản, mà chia việc đó thành nhiều phần để trẻ thực hiện từng chút một, khi trẻ thành công sẽ giao toàn bộ việc cho trẻ làm. Tóm lại, nền tảng bồi dưỡng lao động cho con cái chính là tôn trọng và cổ vũ, các bậc cha mẹ hãy vận dụng và học tập.

Từ nhỏ con đã có thể tự mình tiến lên phía trước

Buổi chiều thứ bảy, anh Sparks (người Do Thái) đang chuẩn bị quét sân. Anh vừa bước ra sân, cậu con trai 5 tuổi Nick vội chạy đến, nói: "Bố, con cần bố giúp. Bố hãy giúp con làm một tấm biển, con định bán những hòn đá này".

Nick vô cùng thích đá. Cậu có nhiều loại đá khác nhau, có những hòn là do cậu sưu tập, có không ít hòn là bạn bè tặng. Nick coi chúng như "bảo bối" cẩn thận đặt chúng trong giỏ, thường xuyên lau rửa, phân loại.

Sau 15 phút, Nick lấy tấm biển mà bố vừa viết, xách giỏ và mang theo bốn hòn đá đẹp nhất ra ngoài đường. Khi đến nơi, cậu xếp những hòn đá đó thẳng hàng và đặt cạnh đó chiếc giỏ nhỏ, sau đó cậu ngồi xuống và đợi khách đến mua đá.

Sparks rất quan tâm đến con trai, luôn đứng ở xa theo dõi sự việc. Sau nửa tiếng trôi qua, không có ai đi ngang qua. Anh đến trước mặt con và hỏi: "Nick, những hòn đá của con bán thế nào rồi?".

"Ồ, cũng được bố ạ". Nick trả lời.

"Ừ, vậy cái giỏ đó có tác dụng gì?". Sparks hỏi.

"Là để đựng tiền, bố ạ". Nick trịnh trọng trả lời.

"Vậy con bán mỗi hòn đá này là bao nhiêu?".

"1 đô ạ và có thể chọn tùy ý".

"Nick, con cần biết rằng không ai muốn bỏ 1 đô để mua 1 hòn đá cả".

"Không, bố ơi, chắc chắn sẽ có người mua".

"Nhưng Nick à, con đường này rất ít người qua lại, con hãy về nhà chơi thì hơn!".

"Không, bố ơi, con tin có rất nhiều người đi qua đây". Nick nói: "Vì con biết nhiều người đi bộ trên con đường này, có một số người còn đến xem nhà ở đây". Sparks không nói nữa, anh trở về sân nhà và nhìn theo con từ xa.

Sparks vừa trở về sân, thì có một chiếc xe nhỏ đi đến. Khi nó sắp đến chỗ cậu bé, Nick vội vàng giơ tấm biển lên. Rồi đột nhiên, chiếc xe dừng lại, từ trên xe có một người phụ nữ bước xuống, người phụ nữ đến trước mặt Nick, ngồi xuống và chọn một hòn đá, sau đó đưa 1 đô cho cậu.

Người phụ nữ mua hòn đá lên xe và đi, Nick vội vàng chạy về chỗ bố, vừa giơ đồng 1 đô trong tay, vừa hét to: "Bố ơi, bố xem, con đã bán được một hòn đá rồi".

Sparks không ngăn cản con, vì anh tin vào khả năng của con trai mình. Trong mắt người Do Thái, tự tin là một phẩm chất cần có, đó là sự khẳng định đối với bản thân. Nếu một người có đủ tự tin, anh ta sẽ trở thành người mà mình muốn. Vì thế, người Do Thái thường dạy con mình: "Tự tin giúp con người cố gắng khắc phục khó khăn, chiến thắng thất bại, đạt được thành công. Nếu con có đủ tự tin và luôn cố gắng, con sẽ làm được mọi việc!".

Cha mẹ muốn bồi dưỡng sự tự tin cho con cái, cần tìm ra nguyên nhân khiến trẻ không tự tin. Nhà giáo dục nổi tiếng người Do Thái, Kravet cho rằng: "Nguyên nhân trẻ cảm thấy không tự tin chính là sự tự ti, tự ti là kẻ thù lớn nhất của tự tin". Vì thế, trước khi bồi dưỡng sự tự tin cần loại bỏ tâm lí tự ti ở trẻ. Nhận thức được điều này, cha mẹ Do Thái luôn tôn trọng con cái, để con biết rằng bản thân mình rất quan trọng, sau đó kết hợp với một số biện pháp khác để nâng cao sự tự tin cho trẻ.

❃ Cổ vũ trẻ qua gương người thành đạt

Cha mẹ Do Thái luôn giới thiệu cho con cái những người đạt thành tích kiệt xuất trong gia tộc hoặc những nhân vật xuất sắc của dân tộc mình, để xây dựng tấm gương cho trẻ học tập và noi theo. Như vậy, cha mẹ đã làm tăng niềm tự hào và sự tự tin cho trẻ.

❃ Khen ngợi và cổ vũ kịp thời

Người Do Thái đặc biệt chú ý đến việc khen ngợi con cái. Họ thường dành nhiều lời khen tặng để trẻ tiếp tục cố gắng. Cha mẹ tận dụng mọi ưu điểm của con để khen tặng như: Thành thật, có tinh thần chính nghĩa, biết ca hát hay có khả năng biểu diễn... Không những thế cha mẹ còn viết ưu điểm đó ra giấy, dán ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà để cổ vũ trẻ. Đồng thời, khi trẻ vượt qua bản thân, hoàn thành một việc nào đó, cha mẹ sẽ khen ngợi con công khai, giúp con tăng thêm niềm tự hào và sự tự tin.

❃ Không làm giúp trẻ, để trẻ tự đi về phía trước

"Việc của mình tự mình làm" là nguyên tắc cơ bản khi người Do Thái dạy con. Vì tâm lí tự tin ở trẻ có được ngoài nhờ sự tôn trọng và cổ vũ của cha mẹ, còn từ sự thành công trẻ đạt được từng lần từng lần bồi dưỡng lên. Bởi vậy, cha mẹ Do Thái thường để con cái tự tìm hiểu và làm những việc mình thích. Cho dù trẻ làm việc đó có tồi tệ thế nào, họ cũng không nổi cáu, chỉ kiên nhẫn giảng giải và hướng dẫn. Mục đích là để trẻ trải nghiệm cảm giác thành công, từ đó tăng thêm tự tin cho trẻ.

❃ Giúp trẻ thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của mình

Chúng ta đều biết, mỗi người đều có ưu - khuyết điểm riêng. Cha mẹ Do Thái không chỉ liệt kê ưu điểm của con cái, mà đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm của trẻ. Sau khi chỉ ra khuyết điểm của con, cha mẹ sẽ cùng con phân tích nguyên nhân tạo nên khuyết điểm đó và cùng tìm biện pháp khắc phục. Đặc biệt, cha mẹ sẽ cổ vũ con cố gắng thay đổi khuyết điểm. Cho dù những khuyết điểm đó rất khó sửa chữa, người lớn vẫn giúp trẻ nhìn thẳng vào khuyết điểm, không vì có khuyết điểm mà nảy sinh tâm lí tiêu cực.

Tự tin là điều kiện có lợi để con người đạt được thành công, và mức độ tự tin sẽ quyết định thành công đó lớn hay nhỏ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần học tập cách dạy con của người Do Thái, chú ý bồi dưỡng sự tự tin cho con từ nhỏ, để trẻ ngày càng tự tin và xuất sắc hơn.

Trừng phạt con hợp lí sẽ hiệu quả nhất

Vào buổi sáng, người mẹ Do Thái đang chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

"Aaron, mau dậy ăn sáng đi con". Mẹ gõ cửa phòng của Aaron và nói to.

"Con biết rồi ạ, con đang mặc quần áo". Trong phòng vọng ra tiếng của Aaron.

10 phút trôi qua, Aaron chậm chạp bước ra khỏi phòng. Qua khe cửa, mẹ nhìn thấy chăn gối vứt bừa bãi trên giường. Vì thế mẹ hỏi: "Aaron, lẽ nào hôm nay con không định dọn dẹp chăn màn của mình ư?".

"Vâng, mẹ ạ. Hôm nay con dậy hơi muộn, hơn nữa đến tối lại nằm, vì thế con định không gấp ạ". Aaron bình thản nói.

"Được, đã như vậy thì bắt đầu từ ngày mai con hãy dậy sớm trước nửa tiếng". Mẹ nói.

"Tại sao ạ?". Aaron bất mãn hỏi lại.

"Không sao cả, đó là vì mẹ phạt con không chịu gấp chăn màn tử tế, chỉ khi nào con dọn dẹp chăn gối cẩn thận thì mới có thể thức dậy như trước".

"Được rồi, mẹ ơi, con sẽ gấp gọn gàng. Có điều, mẹ rót cho con một cốc sữa nóng được không, con đang rất vội". Aaron vừa dọn giường vừa nói.

"Không vấn đề gì, dọn dẹp xong con có thể ra uống".

Người mẹ thấy hiệu quả không tồi, vui mừng rót cho con trai một cốc sữa nóng.

Trong gia đình người Do Thái, dường như đứa trẻ nào cũng có thói quen tự gấp chăn màn. Thông thường, nếu có trẻ quên hoặc không định làm việc này, cha mẹ sẽ yêu cầu trẻ mỗi ngày dậy trước nửa tiếng, cho đến khi trẻ bắt đầu dọn dẹp chăn chiếu của mình gọn gàng mới thôi. Mục đích của sự trừng phạt chính là để trẻ thay đổi thói quen xấu, tạo thói quen tốt.

Trẻ còn nhỏ không tránh một số sai lầm. Lúc này, sự quản giáo của cha mẹ là điều cần thiết, nhưng cha mẹ không vì trẻ không hiểu biết mà thiếu tôn trọng trẻ, càng không nên vì bản thân tức giận mà giận cá chém thớt, mù quáng trách mắng trẻ. Chỉ có biện pháp trừng phạt hợp lí, khoa học mới giúp trẻ giảm bớt những hành vi không đúng. Người Do Thái cho rằng, trừng phạt không đúng cách sẽ tạo hậu quả không tốt cho sự trưởng thành của trẻ. Vì thế, trước khi trừng phạt trẻ, cha mẹ hãy đặt ra 10 câu hỏi sau:

(1) Mục đích của sự trừng phạt này là gì?

(2) Cách phạt này có thực sự ngăn chặn được những hành vi không đúng của trẻ không?

(3) Cách phạt này thực sự có thể giúp trẻ hiểu được hành vi sai trái của mình không?

(4) Tại sao mình lại trừng phạt con, có phải vì mình đang tức giận không?

(5) Có phải xuất phát từ sự kích động mà mình quyết định trừng phạt con không?

(6) Khi mình không tức giận, mình có trừng phạt con như vậy không?

(7) Cách phạt này có làm con cảm thấy xấu hổ hoặc tủi thân không?

(8) Lẽ nào không còn cách nào khác ư?

(9) Cách trừng phạt này là một phần của kế hoạch ư?

(10)Có phải mình luôn trừng phạt con như vậy?

Cha mẹ Do Thái sở dĩ trả lời 10 câu hỏi này trước vì họ biết rằng trừng phạt không đúng rất có thể mang đến 10 hiệu ứng không tốt như sau:

(1) Kích thích thêm những hành động không đúng của con.

(2) Khiến con cảm thấy phẫn nộ.

(3) Dễ làm con nảy sinh cảm giác thất bại.

(4) Không có lợi cho việc tăng cường sự tự tin của con.

(5) Dễ làm cho con tự ti.

(6) Dễ làm cho con cảm thấy sợ hãi.

(7) Con có thể xuất hiện tâm lí tuyệt vọng.

(8) Gây bất hòa giữa các mối quan hệ trong gia đình.

(9) Có thể khiến con sau này đối xử hà khắc với người khác.

(10) Có thể làm con mất đi dũng khí nói chuyện với bố mẹ.

Nhận thức được những "hậu quả" trên nên khi cha mẹ Do Thái dạy dỗ con cái thường tránh trừng phạt con, tuy nhiên, khi cần trừng phạt họ tuyệt đối không nhẹ tay. Đồng thời người Do Thái rất coi trọng trừng phạt hợp lí và khoa học, vì trừng phạt hợp lí sẽ giúp trẻ nhận thức được rằng hành vi đúng đắn quan trọng như thế nào trong cuộc sống.

❃ Dùng thái độ và ngôn ngữ ra hiệu cho trẻ

Sau mỗi lần phạm lỗi, trẻ sẽ cảm nhận được sự không hài lòng của cha mẹ khi nhìn vào vẻ mặt hay thái độ của họ. Lúc này, nếu là một đứa trẻ hiểu chuyện, trẻ sẽ có ý thức thay đổi hành vi xấu đó và lại có được sự khen ngợi của bố mẹ. Vì thế, đối với lỗi lầm của trẻ, đầu tiên cha mẹ nên biểu hiện sự không hài lòng qua ngôn ngữ và thái độ, để trẻ nhận biết được lỗi của mình và tự thay đổi; nếu trẻ không sửa chữa, cha mẹ mới sử dụng cách thức của mình để phạt trẻ.

❃ Tước đi cơ hội chơi của trẻ

Trò chơi đối với đa số trẻ rất quan trọng, vì đó là cách thức để trẻ giao tiếp với người khác và khám phá những điều chưa biết. Khi trẻ có thói quen vứt đồ chơi lung tung hoặc làm hỏng đồ chơi, cha mẹ Do Thái thường giấu đồ chơi của chúng đi, để trẻ cảm thấy mình bị mất đồ chơi, cho đến khi trẻ thay đổi thói quen xấu mới trả lại cho chúng. Ngoài ra, nếu trẻ thích bắt nạt các bạn nhỏ khác, cha mẹ Do Thái có thể bắt trẻ ở trong nhà, để trẻ không có cơ hội chơi đùa với các bạn, đến khi trẻ cảm thấy cô đơn và tỏ ý không muốn bắt nạt các bạn khác, cha mẹ mới cho phép trẻ ra ngoài chơi.

❃ Trách phạt trên cơ sở tôn trọng trẻ

Cha mẹ Do Thái thông thường không phạt trẻ trước mặt người khác, họ sẽ tìm một căn phòng riêng, sau đó cùng trẻ nói chuyện hoặc tiến hành trừng phạt hợp lí. Làm như vậy bảo vệ được lòng tự tôn của trẻ, không để trẻ cảm thấy xấu hổ.

Cách phạt hợp lí không dễ dàng thực hiện, nó đòi hỏi phải có sự kiên trì, cha mẹ không nên vì tình cảm cá nhân hoặc vì kích động nhất thời mà mù quáng thay đổi kế hoạch trừng phạt. Ngoài ra, trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ nào cũng từng phạm lỗi, vì thế, cha mẹ không nên chỉ giúp trẻ sửa chữa lỗi lầm, mà còn nên bồi dưỡng cho trẻ tinh thần dám nhận lỗi và sửa lỗi.

Con là một đứa trẻ dũng cảm

Zek - cậu bé người Do Thái là một cầu thủ có 5 năm kinh nghiệm, ước mơ của cậu là trở thành một trọng tài bóng đá. Qua sự cố gắng bền bỉ, năm Zek lên 10 tuổi, qua một kỳ thi, cậu đã đạt được giấy chứng nhận tư cách trọng tài.

Cha mẹ của Zek luôn chú ý đến việc bồi dưỡng sự dũng cảm, mạnh dạn cho con. Họ thường xuyên cổ vũ cậu khi làm việc không được nhút nhát mà nên dũng cảm và mạnh dạn.

Một lần, Zek làm trọng tài, cậu rất căng thẳng, nhưng cậu không hề sợ hãi. Khi trận đấu diễn ra được một nửa thời gian, cầu thủ tiền đạo của đội A nhanh chóng đột nhập vào khu vực cấm của đội B, nhưng trong lúc hỗn loạn đã bị ngã. Thấy vậy, Zek lập tức thổi còi, thưởng cho đội đó được quả phạt trong vòng cấm địa. Lúc này, huấn luyện viên của đội A tỏ ra rất bất mãn với quyết định của trọng tài, ông ta bất chấp sự ngăn cản của người khác xông vào sân, lên tiếng trách móc quát tháo với cậu trọng tài 10 tuổi. Khi mọi người đang cảm thấy lo thay cho Zek, thì cậu bình tĩnh rút thẻ vàng cảnh cáo vị huấn luyện viên đó và ghi vào sổ.

Sự dũng cảm và bình tĩnh của Zek không chỉ nhận được sự đồng tình và khen ngợi của bố mẹ, mà còn được tất cả khán giả vỗ tay tán thành.

Ví dụ trên cho thấy, cậu bé Zek biểu hiện tuyệt vời như vậy vì cậu tràn đầy lòng tự tin và dũng cảm. Đối với một cậu bé mới mười tuổi như Zek, những hành động này thực sự đáng biểu dương. Do trẻ còn nhỏ, rất nhiều điều chưa biết, nên đôi lúc tỏ ra nhút nhát, sợ hãi. Một chuyên gia tâm lí đã nói: "Nguyên nhân tâm lí sợ hãi ở trẻ và người lớn là như nhau, vấn đề quan trọng là người lớn biết cách đối phó với nỗi sợ còn trẻ em thì không biết phải làm thế nào với nỗi sợ". Vì vậy, cha mẹ nên quan sát tỉ mỉ, tìm ra nguyên nhân và giúp trẻ loại bỏ tâm lí sợ hãi, đồng thời bồi dưỡng phẩm chất dũng cảm cho trẻ.

Thực ra, cha mẹ nào cũng hi vọng con mình dũng cảm, mạnh dạn, nhưng thường sự việc đi ngược lại với mong ước, không phải đứa trẻ nào cũng có tính cách mạnh dạn, dũng cảm. Chẳng hạn, có trẻ sợ bóng tối, có trẻ sợ "hồn ma bóng quỷ", có trẻ sợ cảm giác cô đơn khi không có bố mẹ bên cạnh. Nếu cứ để tình trạng đó tiếp tục, rất có thể tính cách trẻ phát triển theo hướng không có lợi. Vì thế, cha mẹ nên tích cực tìm ra biện pháp hợp lí, khoa học, bồi dưỡng tính cách dũng cảm cho trẻ.

Chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái bồi dưỡng phẩm chất dũng cảm cho con cái họ như thế nào nhé!

❃ Xây dựng tấm gương tốt cho trẻ noi theo

Trẻ rất giỏi bắt chước, hơn nữa còn đặc biệt thích bắt chước bố mẹ. Do đó, cha mẹ Do Thái thường rất chú ý đến hình tượng của mình, luôn cố gắng tỏ ra dũng cảm trước mặt con cái, đồng thời, họ hi vọng thông qua hành động của mình kích thích ý chí dũng cảm của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái còn thản nhiên thừa nhận những thứ mà trước kia làm họ thấy sợ hãi, sau đó giảng giải cho trẻ hiểu tại sao bây giờ họ không sợ nữa. Thông qua sự ảnh hưởng ngầm này, tâm lí sợ hãi cũng dần dần được khắc phục, tâm lí của trẻ sẽ được phát triển toàn diện.

❃ Tôn trọng trẻ, dùng cách thức thích hợp giúp trẻ loại bỏ tâm lí sợ hãi

Trẻ thường sợ ma quỷ là vì từ nhỏ trẻ được ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện hoặc trẻ xem những bộ phim có liên quan đến ma quỷ. Thế nên lúc này cha mẹ có giảng cho trẻ nghe thuyết duy vật hay thuyết vô thần e là cũng không có tác dụng. Trong tình huống này, cách làm thông thường của cha mẹ Do Thái là tìm cách hiểu trẻ, tôn trọng trẻ, dùng cách trẻ thích hoặc có thể tiếp nhận để giúp trẻ xóa bỏ tâm lí sợ hãi. Ví dụ, cha mẹ sẽ nói với trẻ: "Ma quỷ sợ những trẻ ngoan, vì thế con chỉ cần là một đứa bé ngoan là được"...

❃ Tìm căn nguyên, nói cho trẻ biết lí do không phải sợ hãi

Thông thường, trẻ sợ hãi là có nguyên nhân. Ví dụ, trẻ sợ bố mẹ không ở nhà là do trẻ sợ ở nhà một mình hay khi trẻ sợ chó, mèo, có thể là trẻ sợ bị chúng cắn. Lúc này, cách làm của cha mẹ Do Thái là quan sát tỉ mỉ những hành động, lời nói thường ngày của trẻ, tìm ra nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi, sau đó tìm cách giải quyết. Ví dụ, khi trẻ sợ hãi chó mèo, họ sẽ kể cho trẻ nghe câu chuyện về chó con, mèo con, nói với trẻ cách thức và phương pháp để tiếp cận với chúng, tăng cảm giác an toàn cho trẻ.

❃ Tăng cường, bồi dưỡng tinh thần dũng cảm, độc lập cho trẻ

Một người có tính độc lập cao rất ít khi ỷ lại vào người khác, đồng thời khi gặp khó khăn họ luôn tỏ ra mạnh mẽ, không sợ hãi. Muốn bồi dưỡng tinh thần dũng cảm cho trẻ, cha mẹ Do Thái bồi dưỡng cho trẻ từ tính tự lập. Trong gia đình Do Thái, trẻ 2 tuổi bắt đầu phải làm việc nhà vừa sức, khi lớn dần lên, bố mẹ bắt đầu giao cho trẻ những công việc phức tạp hơn. Lao động sẽ làm tăng khả năng độc lập và bồi dưỡng tinh thần dũng cảm khắc phục khó khăn cho trẻ.

Muốn bồi dưỡng phẩm chất dũng cảm cho trẻ, các bậc cha mẹ phải là tấm gương tốt, thường xuyên nói chuyện để hiểu được suy nghĩ của trẻ, từ đó rèn luyện tính cách độc lập cho trẻ. Ngoài ra, việc dạy dỗ con cái phải cần một khoảng thời gian dài, khi có cách dạy khoa học và kiên trì, tin rằng bạn sẽ dần sẽ bồi dưỡng con mình trở thành một "dũng sĩ nhỏ tuổi"!

Dám "xuất đầu lộ diện" cũng là khả năng của con

Hôm nay là sinh nhật 8 tuổi của Peter, cậu đã mời rất nhiều bạn bè đến tham dự, trong đó có cả cô em gái Lusy. Trước khi bữa tiệc bắt đầu, các bạn đều tự biểu diễn tiết mục của mình tặng cho Peter, nhưng Lusy vẫn ngồi một góc, không dám đứng lên biểu diễn.

Mẹ phát hiện ra điều đó, đến bên Lusy và nhẹ nhàng hỏi: "Lusy, hôm nay là sinh nhật của anh, con có vui không?".

"Dạ, con rất vui mẹ ạ". Lusy nhìn mẹ, trả lời.

"Vậy con có muốn biểu diễn một tiết mục để chúc mừng sinh nhật anh không?". Mẹ hỏi.

"Con rất muốn, nhưng... nhưng con không biết biểu diễn thế nào, con xin lỗi mẹ". Lusy vừa mân mê vạt áo vừa nói nhỏ.

"Ồ, hóa ra là như vậy, nhưng mẹ thấy con hát bài "Happy birthday" rất hay mà, con có thể hát bài đó cho anh con nghe được không?". Mẹ gợi ý.

Lusy nghĩ ngợi một lát, cuối cùng mạnh dạn nói: "Được ạ". Nói xong, cô bé đứng lên và hát to bài hát "Happy birthday". Khi Lusy hát xong, Peter và các bạn đều vỗ tay rất to để cổ vũ và khen cô bé hát hay. Lusy thấy vậy rất vui, dần dần không còn nhút nhát nữa, bắt đầu hòa nhập vào bữa tiệc cùng mọi người.

Trong ví dụ trên, cô bé Lusy không phải là không có khả năng biểu diễn, nhưng cô bé thiếu sự tự tin. Trong tình huống đó, người mẹ Do Thái đã hướng dẫn và cổ vũ Lusy "xuất đầu lộ diện", thể hiện bản thân. Cha mẹ Do Thái luôn cho rằng, rèn luyện cho trẻ thói quen dũng cảm thể hiện khả năng của bản thân từ nhỏ không chỉ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập vào tập thể, thích ứng với xã hội, mà còn tăng tỉ lệ thành công trong tương lai.

Ngoài việc cổ vũ trẻ thể hiện bản thân, cha mẹ Do Thái còn dạy trẻ tự nhận thức về bản thân, chỉ có nhận thức được điểm mạnh, tài năng của bản thân mới có thể biểu hiện xuất sắc bất cứ lúc nào. Vì thế, khi dạy dỗ con cái, trước tiên họ xây dựng cho con quan niệm cá nhân đúng đắn; sau đó nhận định chính xác tài năng và ưu khuyết điểm của bản thân; cuối cùng dạy trẻ cách thể hiện sở trường, khắc phục sở đoản, thể hiện điểm mạnh của mình trong tình huống thích hợp, để người khác thấy năng lực của mình.

Đương nhiên, khi dạy trẻ thể hiện bản thân, cha mẹ Do Thái cũng chú ý một vài kĩ năng và biện pháp. Họ không bao giờ phàn nàn về những khuyết điểm của con mà luôn cổ vũ, khen ngợi con, giúp con tự tin thể hiện mình. Chúng ta hãy cùng xem cha mẹ Do Thái sử dụng những phương pháp nào nhé.

❃ Luôn cổ vũ mà không phủ định trẻ

Trong gia đình người Do Thái, bạn rất ít nghe những câu như: "Kidd, sao con lại mặc áo trái thế kia?", "Đừng đụng vào, nếu không con sẽ làm vỡ đấy", "Con còn nhỏ thế làm sao mà nấu cơm được? Mau đi ra đi". Cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích con mạnh dạn thể hiện năng lực của bản thân. Chẳng hạn, khi con tỏ ra ủ rũ, buồn bã vì có những người bạn giỏi hơn mình, không dám thể hiện mình, cha mẹ luôn kịp thời động viên và giúp con tìm ra ưu điểm, sở trường, sau đó để khơi gợi lại những việc trước đây mà con tự hào, từ đó giúp trẻ có thêm tự tin.

❃ Hiểu, đồng cảm với những trẻ nhút nhát bẩm sinh

Một số trẻ có tính cách nhút nhát bẩm sinh, làm việc gì cũng e ngại, không dám thể hiện bản thân. Lúc này, cha mẹ cần hiểu và đồng cảm với tính nhút nhát của trẻ. Sau đó, dần kéo dài khoảng cách giữa mình và con cái, ví dụ khi trẻ chơi bên cạnh bố mẹ, bố mẹ có thể cố tình để trẻ chơi một mình, cho trẻ thời gian và không gian tự do rèn luyện khả năng độc lập. Cuối cùng, cha mẹ luôn cổ vũ trẻ thể hiện bản thân vào những lúc thích hợp, từ đó để trẻ cảm nhận được khả năng và sức mạnh tiềm ẩn của mình.

❃ Rèn luyện khả năng thể hiện bản thân ở nơi đông người

Khi trẻ ngày một lớn lên, tùy điều kiện kinh tế của mình, cha mẹ Do Thái sẽ dẫn trẻ đến nơi đông người để trẻ hiểu thêm về xã hội và thể hiện bản thân mình. Ví dụ, cha mẹ dẫn trẻ tham gia một số cuộc thi nghệ thuật, cổ vũ trẻ chơi những môn thể thao mạo hiểm như leo núi, đua xe... hay dẫn trẻ tham gia một vài hoạt động xã hội để trẻ tăng cường hiểu biết và thêm mạnh dạn. Dù chương trình, cuộc chơi nào, chỉ cần trẻ dám tham gia, dám thể hiện thì chứng tỏ mong muốn thể hiện bản thân của trẻ đã tăng lên.

Không thể phủ nhận rằng, xã hội ngày nay không chỉ cần những người có tài, mà còn cần người có khả năng thể hiện xuất sắc. Vì tài năng đó cần thể hiện thì mới được mọi người công nhận và khẳng định. Ngoài ra, dám thể hiện bản thân ở mức độ nào đó còn là cơ hội để tạo nên thành công. Vì thế, các bậc cha mẹ cần xem trọng sức mạnh biểu hiện, có ý thức bồi dưỡng con cái trở thành người dám "xuất đầu lộ diện".

Thất bại chẳng là gì đối với con

Năm học mới sắp đến, ngôi trường mà Wiener đang theo học chuẩn bị tổ chức một cuộc thi văn nghệ, bé Wiener 10 tuổi cũng tích cực tham gia.

Ngày thi đã đến. Sau tiết mục nhảy sôi động chào mừng cuộc thi, người dẫn chương trình bắt đầu giới thiệu tiết mục tiếp theo: "Xin mời bạn Wiener lên biểu diễn bài hát "Ting tang". Giọng hát của Wiener rất hay, mẹ và các bạn đều kỳ vọng rất lớn vào cô bé, nhưng Wiener nhút nhát bỗng nhiên cảm thấy vô cùng căng thẳng.

Sau khi bước lên sân khấu, hai tay cô bé cứ thế run bần bật, hơn nữa còn bị ngã sõng soài. Kết quả là vì quá căng thẳng nên cô bé không nhận được giải thưởng nào. Sau cuộc thi, Wiener tỏ ra vô cùng buồn bã. Mẹ đứng bên cạnh giúp Wiener lau nước mắt, và an ủi: "Wiener, lần thất bại này là do con quá căng thẳng, chỉ cần lần sau con không căng thẳng nữa, mẹ tin con chắc chắn giành giải thưởng". Cuối cùng, Wiener không khóc nữa và hứa lần sau nhất định sẽ giành giải thưởng.

Cuộc thi văn nghệ năm sau, Wiener lại tham gia. Wiener lúc này không những có phong thái biểu diễn tự nhiên mà tiếng hát còn rất thu hút. Cô đã chinh phục tất cả khán giả và ban giám khảo. Sau cuộc thi, Wiener cầm phần thưởng trong tay phấn khởi nói với mẹ: "Mẹ ơi, con làm được rồi, mẹ xem, con giành được giải thưởng này".

Cuộc sống là như vậy, thành công - thất bại là chuyện thường tình. Cô bé Wiener trong ví dụ trên vì căng thẳng nên đã thất bại, nhưng được sự cổ vũ của mẹ, cuối cùng cô bé lại đứng trên sân khấu, và giành được giải như ý nguyện. Ở Israel, đa số cha mẹ đều tìm cơ hội để nói với con cái rằng: Một lần thất bại không chứng minh bản thân mình vô dụng, chỉ có không dám đối mặt hoặc sớm nhận thua mới là người thất bại thực sự, chỉ cần mình không bỏ cuộc, dũng cảm kiên trì, thì thất bại hoàn toàn có thể biến thành một lần thất bại.

Trong "Tamud" có câu: "Thất bại không phải là hết, trừ phi bạn nhận thua", người Do Thái tin rằng thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là không biết tự thức tỉnh sau thất bại. Có một số người mất đi tất cả của cải từng có, nhưng đây không phải là thất bại hoàn toàn, chỉ cần không từ bỏ, dám kiên trì làm lại, như vậy sẽ có hi vọng thành công, chỉ có người dễ dàng bỏ cuộc và không biết đúc rút kinh nghiệm từ thất bại mới bị coi là kẻ thất bại thực sự.

Thất bại đối với người Do Thái là điều bình thường. Điều họ coi trọng không phải là thất bại, mà chính là sự nỗ lực và thành công của bản thân sau thất bại đó. Cha mẹ Do Thái dạy con có thái độ đúng đắn với thất bại, biết tự đứng lên sau mỗi vấp ngã. Viêc tự đánh giá, thức tỉnh bản thân sẽ giúp chúng ta tìm được điểm yếu để thay đổi, từ đó nâng cao nhận thức và khả năng làm việc. Do vậy, cha mẹ thường giáo dục con cái rằng, vấp ngã không hề đáng sợ, điều đáng sợ là sau khi vấp ngã không có dũng khí đứng dậy. Ngoài ra, cha mẹ cũng chú ý đến một vài kĩ năng và biện pháp bồi dưỡng cho con cái tinh thần không sợ thất bại như sau:

❃ Không dễ dàng đáp ứng nguyện vọng của trẻ

Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ bất lực trước thói bướng bỉnh của con. Chẳng hạn, khi con khóc, cha mẹ hoặc bị nước mắt của con làm cho mềm lòng, nên đáp ứng nguyện vọng của con; hoặc bị nước mắt của con tấn công đến phát điên khiến cha mẹ bực bội mà tránh mắng trẻ một cách mù quáng. Cha mẹ Do Thái tâm thái rất tốt, cũng rất kiên nhẫn trong việc sửa đổi thói quen không tốt của con, họ không bao giờ nuông chiều con. Điều dễ nhận thấy nhất là: họ không dễ dàng đáp ứng nguyện vọng của con. Khi con có yêu cầu, mong muốn nào đó, cha mẹ Do Thái thường cố ý trì hoãn thỏa mãn mong muốn đó, đồng thời kích lệ con cố gắng hoàn thành mong muốn của mình, khi nhiệt tình muốn hoàn thành đã được kích thích, trẻ sẽ tự biết khắc phục nhiều khó khăn.

❃ Phê bình và khen ngợi hợp lí

Nhiều cha mẹ rất coi trọng việc khen ngợi con cái, nhưng cũng không ít cha mẹ không biết khen ngợi trẻ có chừng mực, dẫn đến hình thành thói tự kiêu cho trẻ. Hơn nữa, khi bị người khác phủ nhận, trẻ dễ dàng bị tổn thương, buồn bã, tự ti. Do vậy, cha mẹ Do Thái thường chú ý mức độ biểu dương trẻ, khi trẻ thực sự làm được việc gì đó có ích, họ sẽ kịp thời khen ngợi đúng mức, và chỉ ra những thiếu sót, cổ vũ trẻ lần sau làm tốt hơn. Đương nhiên, khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ cũng sẽ phê bình thích hợp, vì họ hiểu rằng, trẻ cần có khả năng chịu đựng nhất định, nếu không khi gặp khó khăn, trẻ rất dễ bị đánh bại.

❃ Sắp xếp một số khó khăn phù hợp cho trẻ

Do chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên trẻ rất dễ gặp những khó khăn và thất bại. Khi đó, cha mẹ Do Thái không bao giờ nuông chiều làm thay con mà điều họ thường làm là để con tự rèn luyện. Ngoài ra, có một số bậc cha mẹ Do Thái còn sắp xếp một số khó khăn cho trẻ. Ví dụ, khi trẻ vừa học đi, họ sắp xếp một số chướng ngại vật trên đường, để trẻ thử bước qua. Nếu trẻ thất bại, họ sẽ hướng dẫn trẻ tìm cách vượt qua chướng ngại thành công, từ đó tăng thêm dũng khí cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ còn đặc biệt chú ý đến thái độ của mình đối với thất bại của con cái. Khi con thất bại, họ không chỉ trích, mắng mỏ mà luôn cổ vũ và an ủi con, cho nên trẻ em Do Thái không sợ thất bại. Các bậc cha mẹ cũng nên học tập người Do Thái, cho con cơ hội thử sức và cổ vũ con chiến thắng mọi khó khăn. Như vậy, trẻ mới có thái độ đúng đắn khi đối diện với thất bại.

Chăm chỉ luôn là phẩm chất tốt đẹp của con

Bayer năm nay 8 tuổi, cậu rất đam mê trò chơi điện tử, dù là trò gì, cậu cũng muốn thử một chút. Nhưng vì bố mẹ quản thúc nghiêm ngặt và khả năng kiềm chế bản thân của Bayer rất tốt nên bình thường, cậu chỉ chơi điện tử vào cuối tuần.

Vào buổi chiều nọ, chú Jack hàng xóm đến nhà Bayer chơi, thấy Bayer đang say sưa chơi điện tử, chú liền nói: "Bayer à, chú có thể chơi cùng cháu không?"; "Đương nhiên là được ạ, có điều chú phải cẩn thận đấy, vì cháu rất lợi hại, cháu sợ sẽ làm chú thua thảm hại đấy". Bayer tự hào nói.

Vào cuộc chơi, Bayer mới biết mình gặp phải cao thủ. Để học được nhiều kĩ xảo trong trò chơi, Bayer liền mang bim bim, hạt dưa, kẹo... ra để lấy lòng chú Jack. Chú Jack sau khi thưởng thức đồ ăn vặt của Bayer, cũng vui vẻ dạy cậu một vài chiêu đã tích lũy.

Thấy trên bàn bầy bừa vỏ bim bim, vỏ kẹo... chú Jack nghĩ rằng Bayer đang mải chơi, nên đã đứng dậy thu dọn rác. Không ngờ, Bayer lập tức đứng dậy ngăn chú, tự đem bỏ vào thùng rác. Lúc này, bố của Bayer đến, anh chào Jack và nói với con trai: "Con trai, hôm nay con rất tuyệt! Con chăm chỉ như vậy, bố thật sự rất vui". Bayer được bố khen, vui vẻ mỉm cười và lại nghiêm túc quét dọn.

Đối với người Do Thái, chăm chỉ là một phẩm chất phải có, vì chỉ có dân tộc chăm chỉ mới có thể và được cả thế giới công nhận. Người Do Thái cho rằng, chăm chỉ và lười biếng không phải là bản tính của con người, rất ít người khi sinh ra đã là một người chăm chỉ, cũng rất ít người khi sinh ra đã là một người lười biếng. Sự chăm chỉ và lười biếng có liên quan đến sự giáo dục và môi trường sống của trẻ.

Ngoài ra, người Do Thái còn đặc biệt chú ý đến khả năng làm việc. Họ cho rằng, nếu khả năng làm việc của một đứa trẻ không tốt, thì nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc sau này của trẻ. Vì thế, ngay từ nhỏ họ đã bồi dưỡng thói quen chăm chỉ cho trẻ. Trong gia đình Do Thái, một đứa trẻ 2 tuổi đã có thể làm những việc vừa với sức của mình. Vì họ cho rằng, bắt đầu từ 2 tuổi, trẻ đã có mong muốn độc lập. Cha mẹ cần tận dụng nguyện vọng đó của trẻ, sắp xếp cho con một số công việc thích hợp. Điều đó, không chỉ rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ, mà còn giúp trẻ rèn luyện đức tính chăm chỉ.

Đương nhiên, ngoài sự giáo dục về lao động, khi bồi dưỡng đức tính chăm chỉ cho con cha mẹ Do Thái đã vận dụng một số phương pháp và kĩ xảo như:

❃ Kịp thời khen ngợi hành động chăm chỉ của trẻ

Một số trẻ em Do Thái rất ngoan ngoãn và chăm chỉ, bố mẹ chỉ cần nói mấy câu, các bé đã biết giúp mẹ đổ rác và giúp bố lấy báo. Đối với những hành động này bố mẹ sẽ kịp thời khen ngợi và cổ vũ. Chẳng hạn, khi trẻ cố gắng lau sạch sàn nhà, bố mẹ sẽ nói: "Oa, đây là sàn nhà con lau ư? Sạch quá! Mẹ rất hài lòng về con!". Nói như vậy là cha mẹ đã ghi nhận hành động chăm chỉ của trẻ, đồng thời cổ vũ trẻ tiếp tục duy trì chuyện tốt ấy vào những hôm sau.

❃ Để bản thân lười biếng một chút

Một số trẻ em Do Thái đặc biệt không nghe lời, không muốn làm việc nhà, ngay cả những việc của chính bản thân trẻ. Lúc này, bố mẹ cần tỏ ra lười biếng một chút. Ví dụ, khi trẻ bị ngã, bố mẹ thường không đỡ trẻ dậy, mà để trẻ tự đứng lên; khi trẻ nũng nịu muốn mẹ xúc cho ăn, bố mẹ Do Thái sẽ không làm theo yêu cầu của trẻ mà để trẻ tự cầm thìa xúc ăn. Đương nhiên, sự "lười biếng" của bố mẹ cũng cần có nguyên tắc, là dựa trên cơ sở những việc mà trẻ có thể làm được. Mục đích là để trẻ cố gắng, hoàn thành việc của mình, đồng thời bồi dưỡng thói quen làm việc chăm chỉ cho trẻ.

❃ Bồi dưỡng thói quen học tập chăm chỉ

Trẻ em không chỉ cần chăm làm mà còn cần chăm học. Bố mẹ Do Thái cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không chăm học, ví dụ trí nhớ kém, không tập trung chú ý, không có hứng thú với sách vở. Trước tiên, bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó đưa ra phương pháp cụ thể để bồi dưỡng hứng thú học tập cho trẻ; Thứ hai, bố mẹ cần tạo cho trẻ môi trường có lợi cho học tập, nâng cao khả năng chú ý trong học tập của trẻ.

Muốn bồi dưỡng phẩm chất chăm chỉ cho trẻ, cha mẹ cần nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, không nên cho rằng: "Bây giờ trẻ còn nhỏ, chưa cần yêu cầu trẻ chăm chỉ, đợi sau này lớn lên rèn luyện, dạy dỗ cũng không muộn". Nếu tính cách của trẻ đã được hình thành, thì việc thay đổi sẽ rất khó, vì thế các bậc phụ huynh cần học tập một số cách giáo dục của cha mẹ Do Thái, bắt đầu bồi dưỡng thói quen chăm chỉ cho trẻ từ nhỏ.

► Trẻ em Do Thái:

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG KINH DOANH LÀ KĨ NĂNG CƠ BẢN CỦA CON

3 tuổi, con đã bắt đầu học nhận biết đồng tiền

Mark năm nay 3 tuổi, bố mẹ cậu đều là người Do Thái, hiện nay cả gia đình cậu đang sống ở Mỹ.

Một hôm, khi cậu đang nghịch đá, bố cậu đứng bên liền hỏi: "Mark, hòn đá đó có thú vị không con?".

"Ồ, hay lắm bố ạ". Mark trả lời.

"Mark, bố có một ít đồng xu, bố nghĩ chơi đồng xu hay hơn những hòn đá kia, con có muốn thử không?". Bố mỉm cười nhìn Mark.

"Được ạ, được ạ, nhưng chơi đồng xu có thật sự thích không bố?". Mark ngẩng đầu lên hỏi.

"Đương nhiên rồi, con xem, đây là đồng 1 xu, đây là đồng 10 xu, đây là đồng 50 xu. Con có thể dùng nó mua đồ chơi mà con thích, ví dụ con thích xe tải đồ chơi, con có thể dùng 2 đồng 50 xu là mua được". Bố kiên nhẫn giảng giải.

"Ồ, nghe cũng hay đấy ạ. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được mệnh giá lớn nhỏ của nó, bố cóthể nói lại cho con được không ạ?" Mark lễ phép hỏi bố.

"Đương nhiên là được, Mark, con xem này, đây là đồng 1 xu, đây là đồng 10 xu, đây là đồng 50 xu - đồng to nhất". Bố vừa trả lời vừa đưa từng đồng xu cho Mark.

Mark nhận đồng xu, tỉ mỉ quan sát rất lâu, sau đó vui mừng reo lên: "Oa, đồng 50 xu to quá, bây giờ con đã biết nó rồi. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được đồng 1 xu và 10 xu".

Bố xoa đầu Mark khen ngợi: "Mark của bố giỏi quá, trong thời gian ngắn đã biết phân biệt đồng 50 xu rồi. Đồng 1 xu và 10 xu, bố nghĩ con cũng sẽ phân biệt được nhanh thôi".

Người Do Thái ngoài việc hiểu giá trị của đồng tiền, còn truyền dạy những kiến thức đó cho con cái, để thế hệ sau hiểu được giá trị của nó. Ngày nay, ở Israel, giáo dục tài chính cho trẻ em là nhiệm vụ chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Dưới đây là một số mục tiêu về năng lực quản lý tài chính mà cha mẹ Do Thái yêu cầu ở con:

Khi 3 tuổi, trẻ có thể nhận biết được tiền xu và tiền giấy.

Khi 4 tuổi, trẻ biết dùng tiền xu mua những món hàng đơn giản.

Khi 5 tuổi, trẻ biết cách dùng tiền xu trao đổi hàng hóa, hiểu được giá trị của đồng tiền.

Khi 7 tuổi, trẻ biết đếm một số lượng tiền xu lớn, biết đổi những đồng tiền xu đơn giản.

Khi 8 tuổi, trẻ biết cách tính tổng giá mua hàng, biết dùng sức lao động của mình để kiếm tiền, biết được số tiền đang gửi trong tài khoản ngân hàng của mình là bao nhiêu.

Khi 9 tuổi, trước khi mua đồ, trẻ có thể liệt kê những đồ cần mua, khi mua biết so sánh giá cả.

Khi 10 tuổi, trẻ biết mỗi tuần dành dụm bao nhiêu tiền để mua đồ đắt hơn, hiểu được các quảng cáo của doanh nghiệp.

Khi 12 tuổi, trẻ biết đặt kế hoạch chi tiêu trong nửa tháng, hiểu được các thuật ngữ của một số ngân hàng.

Khi 13-15 tuổi, trẻ có thể dùng một số phương tiện đầu tư an toàn, biết được làm thế nào dự trữ, dự toán và đầu tư bước đầu.

Khi 16-17 tuổi, trẻ nắm được một số kiến thức kinh tế, như kiến thức cơ sở của kinh tế vĩ mô, học cách quan tâm chú ý đến kinh tế thị trường toàn cầu, bắt đầu hiểu một số mối quan hệ giữa các công cụ tiền tệ.

Những bậc cha mẹ lần đầu đọc những "mục tiêu" này có thể sẽ kinh ngạc, vì với trẻ vị thành niên hoàn thành những nhiệm vụ trên là thử thách không hề dễ dàng. Nhưng với trẻ em Do Thái, nhiệm vụ đó dễ như "trở bàn tay", vì các em từ nhỏ được giáo dục về tài chính, thậm chí từ lúc 3 - 4 tuổi, đa số trẻ em Do Thái đều đã học cách nhận biết đồng tiền.

❃ Giảng giải cho trẻ hiểu giá trị và công dụng của đồng tiền

Khi trẻ được 3 tuổi, cha mẹ bắt đầu giảng giải cho trẻ hiểu giá trị và công dụng của đồng tiền. Họ thường cùng trẻ chơi trò chơi đoán giá trị tiền tệ, để nâng cao khả năng nhận biết đồng tiền cho trẻ. Ngoài ra, khi trẻ lớn dần lên, cha mẹ còn nói với trẻ tiền bạc bắt nguồn từ sức lao động, chứ không phải là được biến ra từ túi của bố mẹ, từ đó giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền.

Trong gia đình người Do Thái, đa số trẻ em 10 tuổi đã hiểu ý nghĩa của việc dành dụm tiền. Đồng thời, cha mẹ cũng khuyến khích trẻ để dành một phần thu nhập, để mua những đồ mình thích. Khi trẻ dành dụm được một số tiền nhất định, cha mẹ còn định hướng để trẻ dùng số tiền ấy để đầu tư và giới thiệu những cách đầu tư an toàn cho trẻ.

❃ Giáo dục chi tiêu cho trẻ

Cha mẹ Do Thái khi đi mua sắm thường để trẻ so sánh giá cả của các loại sản phẩm khác nhau nhằm bồi dưỡng khả năng chi tiêu của trẻ. Ngoài ra, chúng ta đều biết người Do Thái rất coi trọng việc đọc sách, cha mẹ không chỉ cho trẻ đọc những cuốn sách kinh tế chính thống, mà còn mua cho trẻ rất nhiều tài liệu quảng cáo, giúp trẻ hiểu được bí mật đằng sau quảng cáo đó, tránh chi tiêu lãng phí.

❃ Dạy trẻ cách dự toán trong gia đình

Trong gia đình Do Thái, khi trẻ lớn hơn một chút, mỗi tháng trẻ đều biết làm kế hoạch chi tiêu tài chính, liệt kê tất cả những chi phí trong gia đình. Sau đó, cha mẹ sẽ kiểm tra những kế hoạch tài chính này, nếu chỗ nào không hợp lí sẽ chỉ cho trẻ biết và cùng thảo luận với trẻ về việc chi tiêu số tiền cố định đó như thế nào để mua đồ, quần áo, đồ chơi...

Người Do Thái cho rằng dạy trẻ những kiến thức tài chính này là rất quan trọng. Vì người có khả năng quản lí tài chính và ý thức đầu tư giỏi sẽ biết kiếm tiền và nắm giữ tiền bạc. Các bậc cha mẹ nên học tập cách làm của người Do Thái, bồi dưỡng khả năng đầu tư, quản lí cho trẻ từ nhỏ, để trẻ có một nền tảng vững chắc trong tương lai.

5 tuổi, con đã bắt đầu "làm thêm" kiếm tiền

Jimmy là người Do Thái, năm 16 tuổi cậu đã thi đỗ vào một trường đại học ở New York - Mỹ và chuẩn bị đi du học. Trước khi đi, cha của Jimmy đến bên cạnh cậu và nói: "Ba rất ủng hộ việc con ra nước ngoài du học, nhưng ba chỉ có thể cho con 100 đô tiền học phí, đây là nguyên tắc của ba. Hơn nữa, 100 đô này không được coi là cho, mà phải được tính là sau khi học xong, con phải trả 100 đô đó cho ba". Jimmy nghe xong, nghiêm túc gật đầu.

Sau khi đến New York, Jimmy không vội đi tham quan mà tìm một công việc làm thêm, sau đó vừa học vừa làm quen với thị trường New York. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng Jimmy đã tìm ra rất nhiều cách kiếm tiền. Trong 4 năm học ở New York, cậu đã dựa vào khả năng của mình tự chi trả toàn bộ học phí. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về bên cạnh người cha. Lần này, cậu không chỉ cầm về tấm bằng tốt nghiệp, mà còn mang về trả cha 100 đô đã vay năm nào.

Cha cho Jimmy mượn tiền, vì muốn cậu hiểu rằng: Muốn thực hiện lí tưởng, phải dựa vào chính sức mình. Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ không chỉ dạy trẻ độc lập về kinh tế, mà còn để trẻ thông qua cách "làm thêm" kiếm tiền tự nuôi bản thân. Đối với người Do Thái, một người không thể sống dựa dẫm vào người khác, vì như thế thì không bao giờ họ có thể độc lập về kinh tế.

Ở Israel, hầu như cha mẹ Do Thái nào cũng dạy con rằng: Nếu muốn có tiền tiêu vặt con cần phải lao động. Cha mẹ không tùy tiện cho con cái tiền tiêu vặt, mục đích là khuyến khích trẻ làm việc, để trẻ thực sự hiểu giá trị của lao động và tiền bạc. Trong gia đình Do Thái, nếu một đứa trẻ không làm việc nhà theo lời hứa, cha mẹ sẽ không cho chúng tiền tiêu vặt, một số cha mẹ vốn nghiêm khắc trừ tiền tiêu vặt để phạt trẻ.

Một bà mẹ Do Thái đã từng nói: "Làm việc nhà là cách để nâng cao khả năng tự lập của trẻ, nếu có thể kèm thêm một chút giá trị kinh tế trong lao động, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận làm việc nhà, đồng thời trẻ cũng không gây mâu thuẫn, tị nạnh hay lẩn tránh. Vì trẻ sẽ ý thức được rằng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được thưởng tiền tiêu vặt. Trong gia đình chỉ có một con, bố mẹ có thể thử mời trẻ nhà hàng xóm đến làm việc nhà cho mình và thưởng cho trẻ đó tiền tiêu vặt, cách làm này sẽ kích thích hứng thú lao động của con bạn". Có thể thấy, người Do Thái rất quan tâm đến việc bồi dưỡng ý thức tự lập về kinh tế cho trẻ, còn trẻ em Do Thái cũng rất biết phối hợp với cha mẹ, thông thường trẻ được 5 tuổi đã bắt đầu "làm thêm" kiếm tiền rồi.

❃ 5 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất để "làm thêm" kiếm tiền

Cha mẹ Do Thái đặc biệt chú ý đến khả năng lao động của trẻ. Trong gia đình Do Thái, trẻ 2 tuổi đã làm những việc vừa với sức của mình, đến 5 tuổi là có thể để trẻ "làm thêm" kiếm tiền. Thông thường, đến 5 tuổi, cha mẹ sẽ giao một số việc nhà cho trẻ làm và thưởng tiền. Chẳng hạn, lau nhà 15 xu, quét dọn phòng 20 xu, đổ rác 5 xu... Khi trẻ lớn dần lên, cha mẹ sẽ giao cho trẻ một số công việc khó hơn, đương nhiên, tiền thưởng cũng sẽ cao hơn.

❃ Không phải tất cả việc nhà đều được nhận tiền thưởng

Người Do Thái rất thông minh, không phải bất cứ công việc nhà nào mà trẻ làm đều được thưởng tiền. Vì có một số việc nhà thuộc trách nhiệm của trẻ, ví dụ như: Tự giặt những bộ quần áo nhỏ và thu dọn, sắp xếp gọn gàng sách vở... Những công việc này đều không có tiền thưởng, chỉ có một số cha mẹ thống nhất với trẻ rằng làm xong việc nhà và làm tốt mới được nhận tiền thưởng. Ngoài ra, có một số công việc nhà làm hay không làm hoàn toàn do trẻ quyết định, trẻ làm cũng không có tiền mà không làm cũng không sao. Cách phân loại công việc hợp lí như vậy sẽ nâng cao tinh thần nhiệt tình làm việc của trẻ.

❃ Đặt ra bảng phân công việc nhà hợp lí cho trẻ

Khi trẻ được hơn 10 tuổi, cha mẹ Do Thái thường liệt kê một bảng công việc hàng ngày cho trẻ, sau mỗi công việc sẽ ghi số tiền thưởng tương ứng, trẻ hoàn thành công việc xong sẽ được nhận số tiền đó. Lúc đầu, cha mẹ không nên để trẻ làm quá nhiều việc, vì như vậy có thể gây cho trẻ cảm giác mệt mỏi, từ đó khó hoàn thành đúng kế hoạch. Thông thường cha mẹ sẽ sắp xếp công việc cho trẻ theo chiều hướng tăng dần về số lượng cũng như độ khó, mục đích là nhằm giúp trẻ yêu lao động, hiểu được giá trị của lao động.

Khi làm việc nhà, trẻ không chỉ có được những đồng tiền đáng quý, mà còn học được các kĩ năng sống tự lập, từ đó thích nghi với cuộc sống hơn. Vì thế, các bậc cha mẹ cần học phương pháp của người Do Thái, để con dần ý thức về việc "làm thêm" kiếm tiền từ lúc 5 tuổi nhé.

Cho dù con rất tiết kiệm nhưng tuyệt đối không keo kiệt

Henry năm nay 9 tuổi, cậu sống trong một gia đình êm ấm. Được sự giáo dục của cha mẹ, Henry rất tiết kiệm. Cậu chưa bao giờ so bì với bạn bè xem áo của ai đắt hơn, đồ chơi của ai nhiều hơn. Khi vở luyện tập đã dùng hết, cậu không vứt đi, mà làm toán vào những trang phía sau chưa viết.

Một lần, bác của Henry dẫn con trai 6 tuổi của mình là Weber đến nhà Henry chơi. Henry rất lịch sự mời Weber đến phòng, cậu còn chuẩn bị một số đồ ăn vặt rất ngon mời Weber, một lát sau, hai người đã trở nên thân thiết. Nhưng sau buổi chiều hôm đó, Weber luôn buồn rầu và ngồi thẫn thờ trên ghế sofa, mẹ của cậu bé hỏi mới biết Weber nhìn thấy Henry có một chiếc xe đồ chơi rất đẹp mà mình lại không có, vì thế cậu mới không vui.

Sau khi biết nguyên nhân, Henry chạy vào phòng cầm chiếc xe đồ chơi đưa cho Weber và nói: "Em này, em đừng buồn, anh sẽ tặng em chiếc xe tăng này, nhưng em phải giữ gìn cẩn thận nhé".

"Thật không ạ? Em cảm ơn anh, em nhất định sẽ giữ gìn cẩn thận". Weber vui mừng nhảy cẫng lên.

Lúc này, mẹ của Weber bước đến, tò mò hỏi: "Henry, cháu luôn rất tiết kiệm, hôm nay sao cháu đột nhiên lại tặng đồ cho Weber vậy?".

"Ồ, thưa cô, mặc dù cháu rất tiết kiệm, nhưng cháu không keo kiệt. Nếu em có được đồ chơi đó mà cảm thấy vui, cháu đương nhiên là sẽ tặng nó cho em rồi". Henry tỏ ra hiểu chuyện trả lời.

Nghe đến đó, cả mẹ và người bác đều giơ ngón tay cái lên khen ngợi Henry.

Tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Do Thái, đồng thời cũng là cách thức giúp họ trở nên giàu có. Chăm chỉ và tiết kiệm là hai yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên chỉ có chăm chỉ lao động thôi chưa đủ, mà còn cần biết tiết kiệm, như vậy mới dành dụm được tiền bạc và trở nên giàu có. Người Do Thái mặc dù rất chăm chỉ, tiết kiệm nhưng họ không keo kiệt. Trong tác phẩm kinh điển của người Do Thái - "Talmud" có một câu: "Một người giàu mà không có cơ hội mua đồ, anh ta sẽ cho rằng mình là một người nghèo. Nếu một người có nhiều tiền bạc, tiếc tiền không tiêu, chỉ biết nắm chặt trong tay, thì người đó thật ngu ngốc và nghèo khó".

Mục đích căn bản của việc kiếm tiền chính là để có cuộc sống tốt hơn. Nếu chỉ biết kiếm tiền mà không tiêu thì việc kiếm tiền sẽ không có ý nghĩa và niềm vui của bản thân cũng sẽ mất đi. Vì thế, một người giàu có thực sự, chắc chắn là một người vừa biết kiếm tiền lại vừa biết tiêu tiền. Mặt khác, tinh thần chăm chỉ, tiết kiệm của người Do Thái không hề mâu thuẫn với thái độ sống hưởng thụ của họ, vì nguyên tắc tiêu tiền của họ là: Chỉ tiêu tiền ở chỗ đáng tiêu. Người Do Thái cho rằng, cái gì nên tiêu thì không keo kiệt, tiền không nên tiêu thì một xu cũng không bỏ ra. Tóm lại, người Do Thái có quan niệm tiêu tiền một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm, không lãng phí, mà không keo kiệt.

Vì vậy, khi người Do Thái giáo dục con cái, họ cũng không ngừng truyền đạt cho con quan niệm này. Cha mẹ Do Thái đặc biệt chú ý bồi dưỡng thói quen tiết kiệm cho con. Họ cho rằng, thói quen cần được tích lũy trong một thời gian dài, nên cần phải bồi dưỡng thói quen chăm chỉ, tiết kiệm cho trẻ từ nhỏ. Ví dụ, ở trường mẫu giáo cần dạy trẻ biết giữ gìn đồ chơi, tranh ảnh, đồ ăn; Khi học tiểu học, trẻ biết bảo vệ của công, đồ dùng trong cuộc sống và học tập; Giai đoạn trung học trẻ hình thành thói quen không tiêu tiền lãng phí, đồng thời còn sống tiết kiệm, không so sánh với các bạn khác, cũng không đòi hỏi vật chất với bố mẹ.

Cha mẹ Do Thái dạy con rèn luyện tính cách chăm chỉ, tiết kiệm như sau:

❃ Nói cho trẻ biết chăm chỉ, tiết kiệm là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp

Cha mẹ Do Thái thường tận dụng mọi cơ hội để nói cho con biết chăm chỉ, tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp. Mục đích của người Do Thái là giúp trẻ ngay từ nhỏ có được sự giáo dục và định hướng tốt. Ví dụ, khi con học lịch sử, cha mẹ sẽ liệt kê một loạt những tấm gương, những câu chuyện của các danh nhân có đức tính chăm chỉ, tiết kiệm, để giảng giải cho trẻ hiểu được rằng cuộc sống tốt đẹp không chỉ cần lao động chăm chỉ, mà còn cần lối sống tiết kiệm.

❃ Thông qua các việc nhỏ để trẻ biết ý nghĩa của chăm chỉ, tiết kiệm

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường làm những việc nhỏ nhất để trẻ hiểu được ý nghĩa của từ chăm chỉ, tiết kiệm. Vì không muốn trẻ hình thành thói xấu tiêu tiền bừa bãi, cha mẹ sẽ dứt khoát trong vấn đề cho trẻ tiền tiêu, tiêu tiền với mục đích chính đáng, nên cho sẽ cho, còn nếu không chính đáng thì nhất quyết không cho. Hơn nữa cho dù là tiền mừng tuổi của trẻ, cha mẹ cũng sẽ kiểm soát nghiêm ngặt, không để trẻ chi tiêu bừa bãi. Ngoài ra trẻ cần có đức tính tiết kiệm trong việc sử dụng đồ dùng học tập và đồ sinh hoạt chẳng hạn: Viết sai một chữ trong một tờ giấy, sau khi xé tờ giấy đó vẫn có thể sử dụng tiếp; Một lỗ thủng trên quần áo, sau khi vá lại vẫn có thể mặc tiếp. Cuối cùng, cha mẹ còn đặc biệt để trẻ học cách tái sử dụng những đồ dùng cũ, họ thường dạy trẻ dùng hộp lọ bỏ đi làm chậu hoa, hay sửa đôi dép cũ thành một đôi dép đẹp. Tóm lại, thông qua một số việc làm nhỏ trong cuộc sống dạy trẻ hiểu ý nghĩa đúng đắn của từ chăm chỉ, tiết kiệm.

❃ Cha mẹ làm gương cho trẻ, dùng hành động của bản thân để cảm hóa trẻ

Không khó tưởng tượng rằng, nếu bản thân cha mẹ không biết chăm chỉ, tiết kiệm, thì việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ có đức tính chăm chỉ, tiết kiệm sẽ thật sự khó khăn. Vì thế, cha mẹ luôn luôn phải là tấm gương sáng cho con, từ đó giúp con rèn luyện thói quen tiết kiệm. Nếu cha mẹ nào thiếu sót về phương diện này, thì cũng nên cùng con cái học tập. Như vậy, cha mẹ có thể dùng hành động của bản thân cảm hóa trẻ, điều đó sẽ có lợi cho việc bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ.

❃ Hướng dẫn trẻ tiêu tiền hợp lí

Cha mẹ Do Thái luôn muốn con cái tiêu pha hợp lí, có hiệu quả. Đầu tiên, cha mẹ sẽ giúp trẻ có kế hoạch tiêu tiền khoa học; Thứ hai, khi trẻ tiêu tiền, cha mẹ sẽ kiểm tra số tiền đó được tiêu như thế nào, nếu không phù hợp với kế hoạch đặt ra trẻ sẽ bị phê bình, thậm chí bị phạt, tạm thời không cho tiền tiêu vặt. Cuối cùng, cha mẹ sẽ dựa trên nguyên tắc tiết kiệm, không khắt khe quá đối với trẻ, để trẻ tự có kế hoạch tiêu tiền. Nếu trẻ không biết sắp xếp kế hoạch hợp lí, cha mẹ sẽ hướng dẫn trẻ tận tình, giúp trẻ tiêu tiền hợp lí, đúng đắn.

❃ Không hợp lí sẽ có sự hướng dẫn đúng đắn

Thực ra, người Do Thái luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc giáo dục cách chi tiêu cho con cái. Trẻ hiểu được trách nhiệm của mình, hiểu được làm thế nào để có tiền, từ đó sẽ học được cách tiết kiệm.

Cho dù 1 đô, con cũng muốn kiếm

Trên đường đi học về, Wade thấy bên đường dựng một tấm biển: Thuê người cắt cỏ - 1 đô. Lúc đó, cậu thầm nghĩ, cuối tuần nào mình cũng có thời gian rảnh rỗi, sao không dùng thời gian ấy để cắt cỏ nhỉ?

Nghĩ xong, cậu nhẹ nhàng gõ cửa, người chủ ngôi nhà ra mở cửa cho cậu là một bà lão tóc bạc trắng. Đầu tiên, cậu lễ phép nói với bà lão: "Bà ơi, có phải nhà mình thuê người cắt cỏ không ạ?".

Bà lão hiền hậu trả lời: "Đúng vậy, cháu ạ, ta cần một người cắt bãi cỏ này".

"Vậy bà hãy để cháu giúp bà nhé! Cuối tuần nào cháu cũng có thời gian rảnh".

"Cảm ơn cháu, nhưng cháu có chắc chắn không? Ta chỉ có thể trả 1 đô thôi đấy". Bà lão nói tiếp.

"Có ạ, bà yên tâm đi. Cho dù bà trả bao nhiêu, cháu cũng sẽ cắt bãi cỏ này thật đẹp ạ!".

Như vậy, Wade và bà lão đã bàn bạc xong, cậu vui vẻ trở về nhà. Buổi tối, Wade nói chuyện này cho bố, nghe xong bố khen ngợi: "Con đúng là một cậu bé chăm chỉ, bố mẹ rất tự hào về con!".

Người Do Thái không phân biệt tiền nhiều hay ít, vì mỗi đồng tiền đều có giá trị riêng. Họ cho rằng chỉ có quan niệm đúng đắn về đồng tiền, mới có thể biến từng đồng "tiền nhỏ" thành "món tiền lớn". Giống như cậu bé Wade trong câu chuyện trên, dù chỉ là một đô la, cậu cũng cố gắng làm.

Thực ra, người Do Thái có thái độ rất bình thản với tiền bạc. Họ cho rằng tiền bạc chỉ đơn thuần là một thứ bình thường, không thể dùng sự chính đáng hay không chính đáng để phân biệt. Sự chính đáng hay không chính đáng đều bắt nguồn từ thủ đoạn và cách kiếm tiền của mỗi người, chỉ cần đường đường chính chính kiếm tiền thì cho dù bạn kiếm được bao nhiêu cũng đáng khen ngợi. Vì thế, cho dù là 1 đô la, người Do Thái cũng sẽ cố gắng làm. Khi dạy dỗ con cái, họ cũng không ngừng giáo dục con quan niệm này. Dưới đây, chúng ta sẽ hiểu thêm về thái độ đối với đồng tiền của họ:

❃ Không có thành kiến trong kinh doanh

Người Do Thái sống ở khắp nơi trên thế giới, dù quốc tịch của họ không giống nhau, nhưng họ luôn tự coi mình là đồng bào của nhau, luôn luôn giữ mối liên hệ gắn bó thân thiết. Hơn nữa, cho dù họ ở đâu, họ cũng muốn được biết đến trong tư thế của "người giàu có". Họ luôn tự tin vào mình bởi họ có một kinh nghiệm quý giá trong kinh doanh đó là: Không có thành kiến trong kinh doanh.

Người Do Thái cho rằng, đối tượng kinh doanh không có sự khác biệt về bản chất, chỉ cần đó là sự làm ăn đúng đắn và kiếm được tiền từ đối phương thì cuộc giao dịch có thể hoàn thành. Mục đích làm kinh doanh là để kiếm tiền, chỉ cần kiếm được tiền một cách hợp pháp, thì cho dù đối phương có màu da nào, dân tộc nào cũng có thể trở thành đối tượng làm ăn của họ. Người Do Thái làm vậy để con cái họ hiểu rằng: Trong kinh doanh không có quan niệm kì thị, thành kiến.

❃ Món tiền nhỏ chính là món tiền lớn

Hầu như, bậc cha mẹ Do Thái nào cũng nói với con mình rằng, không nên phân biệt tiền nhiều hay ít, món tiền có nhiều đến đâu cũng được tạo nên bởi những món tiền nhỏ. Vì thế, món tiền nhỏ cũng chính là món tiền lớn. Ngoài ra, khi nhiều người cho rằng, người Do Thái coi tiền là mạng sống, và luôn tham lam, họ vẫn bình thản, không giận dữ, luôn giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt. Họ cho rằng, chỉ cần kiếm tiền một cách hợp pháp thì dù là 1 đô la cũng cần kiếm. Vì kiếm tiền là một việc chính đáng, khi chúng ta bỏ sức lao động ra, chúng ta sẽ thu được kết quả.

Bởi có quan niệm này nên người Do Thái cho rằng một người thông minh thực sự không chỉ uyên bác mà còn phải là người giàu có. Vì đa số các phương pháp kiếm tiền đều xuất phát từ trí thông minh siêu việt của bản thân, chỉ có trí thông minh mà không biết ứng dụng thực tế thì đó là "thông minh chết". Vì thế, dân tộc Do Thái rất ít khi khen ngợi một học giả uyên bác mà nghèo khổ, họ luôn coi trọng những người thông minh, học rộng biết nhiều mà giàu có.

Ngoài ra, cha mẹ còn thường xuyên nói với con cái rằng: "Thương trường là chiến trường. Trên chiến trường đó, luôn dùng thành bại để luận anh hùng". Còn thành bại lại luôn quyết định bởi bạn có thông minh hơn người và biết dùng trí thông minh đó hay không. Vì thế, các bậc cha mẹ khi giáo dục con cái có quan niệm đúng đắn về tiền bạc, không quên tăng cường giáo dục nhận thức kết hợp với việc vận dụng nó trong thực tế cho trẻ.

Rốt cuộc một cân đồng có giá là bao nhiêu?

Nhiều năm trước, trong trại tập trung của Auschwitz, một người cha Do Thái nói với con trai: "Bây giờ chúng ta không có của cải gì, tài sản duy nhất chính là trí tuệ, khi người khác trả lời 1+1=2, con nên nghĩ là 1+1>2". Cậu con trai nghe xong nghiêm túc gật đầu. Sau đó, hai cha con may mắn sống sót.

Năm 1946, người cha dẫn con đến thành phố Houston- Mỹ buôn bán đồ đồng. Một hôm, người cha gọi con trai đến và hỏi; "Con có biết giá trị của một cân đồng là bao nhiêu không?". Cậu bé đáp chắc chắn "35 xu ạ". Người cha nói: "Không sai, bây giờ tất cả mọi người ở bang Texas đều biết giá mỗi cân đồng là 35 xu, nhưng đối với người Do Thái chúng ta, con nên biết giá mỗi cân đồng nhiều hơn 35 xu. Con hãy thử dùng một cân đồng này làm khóa cửa xem sao".

Đúng như lời dạy của cha, anh không chỉ dùng đồng làm khóa cửa, mà còn làm dây cót của đồng hồ Thụy Sĩ và làm huy chương của thế vận hội Olympic. Anh đã từng bán một cân đồng với giá 3500 đô la. Vào năm 1974, chính phủ bắt đầu kêu gọi các công ty, tổ chức thanh lí những phế liệu dưới chân tượng nữ thần tự do. Nhưng mấy tháng trôi qua, mà không có công ty nào muốn làm việc này. Sau khi nghe tin tức trên, anh lập tức đến ký hợp đồng với chính phủ và lập tức bắt tay vào làm việc: Anh đem nung chảy những vật liệu đồng còn dư thừa và đúc thành một bức tượng nữ thần tự do loại nhỏ; Bùn đất và gỗ mục, anh chế biến gia công làm thành chân đế của bức tượng; Chì và nhôm anh làm thành những chiếc chìa khóa và bán rộng rãi trên thị trường, thậm chí những bụi bẩn trên tượng nữ thần, anh cũng sai người cạo xuống và bán cho những người trồng hoa.

Sau ba tháng, anh đã biến đống phế liệu đó thành một món tiền với giá 3.500 nghìn đô, như vậy, giá trị của mỗi cân đồng đã tăng lên gấp một vạn lần. Bây giờ, anh không còn bị gọi là cậu bé "ngốc nghếch" năm nào nữa, mà đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Mc Call.

Giá trị của một cân đồng rốt cuộc là bao nhiêu? Qua ví dụ trên, chúng ta có thể hiểu được rằng giá trị thực sự không nằm ở bản thân sự vật mà nằm ở việc người đó biết vận dụng đầu óc trí tuệ để sử dụng sự vật đó thế nào.

Người Do Thái đã giáo dục con cái họ từ nhỏ rằng, tài sản đích thực chính là trí tuệ, chỉ có trí tuệ mới không bị ai tranh giành. Đó là quan niệm giáo dục sáng suốt, cũng được kiểm chứng qua ví dụ trên: Khi tất cả mọi người cho rằng 1+1=2 thì bạn nên kiên trì quan điểm của mình là 1+1 >2.

Trong xã hội công nghiệp hóa, người Do Thái luôn coi trọng việc giáo dục con cái sự thông minh nhạy bén. Có thể có người coi thường sự thông minh hoặc không tán thành sự thông minh đó, nhưng thực ra, sự thông minh nhạy bén của người Do Thái bắt nguồn từ thái độ của họ. Người Do Thái không coi sự thông minh nhạy bén là mục đích, mà là điều cần thiết để áp dụng trong cuộc sống. Ở dân tộc Do Thái, chưa có ai dùng sự thông minh của mình khuyên người khác làm những việc tổn hại đến lợi ích của họ và có lợi cho mình. Họ chỉ kiếm tiền một cách thông minh, tích lũy tài sản mà không vi phạm đạo đức và pháp luật.

Dưới đây, chúng ta hãy cùng xem cách giáo dục thông minh của người Do Thái biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào nhé!

❃ Thông minh đường đường chính chính

Thương nhân Do Thái ngày càng trở nên thông minh, tháo vát. Ngoài kiến thức uyên bác và sự va vấp ngoài xã hội, có một điều hết sức quan trọng đó là thái độ của họ đối với sự thông minh, tháo vát. Không thể phủ nhận rằng, ở mỗi quốc gia, dân tộc đều không thiếu những người thông minh, nhưng thái độ của họ với sự thông minh là khác nhau. Trong dân tộc Do Thái, thái độ của họ với sự thông minh, tháo vát cũng giống như thái độ với đồng tiền, họ luôn thẳng thắn khen ngợi và sùng bái sự thông minh của người khác. Từ đó, bản thân họ cũng trở nên thông minh.

Trong gia đình, cha mẹ thường xuyên cổ vũ con cái đặt câu hỏi và tích cực suy nghĩ nhằm làm phong phú kiến thức rèn luyện khả năng xử lí vấn đề cho trẻ. Cha mẹ thường không vì trẻ nghịch ngợm, tỏ ra khôn vặt mà bực tức, cáu giận. Họ cho rằng, trẻ nghịch ngợm, khôn vặt mà không làm hại đến người khác thì vẫn chấp nhận được. Nhưng nếu quá đáng, cha mẹ sẽ có biện pháp tương ứng để trẻ chịu trách nhiệm và có hình phạt hợp lí.

❃ Coi sự thông minh, tháo vát là điều cần thiết trong cuộc sống

Đối với người Do Thái, thông minh, tháo vát là điều bình thường. Họ cho rằng người thông minh, khôn ranh không đáng bị trách mắng, có thể sử dụng sự thông minh của mình một cách hiệu quả, đó mới là người có trí tuệ thật sự. Nếu một người vô cùng thông minh, nhưng không biết cách sử dụng, thì sự thông minh đó cũng vô giá trị. Người Do Thái sùng bái thông minh mang tính chất thực tế, không cần dùng những thủ đoạn phức tạp. Chẳng hạn như vị chủ tịch hội đồng quản trị trong ví dụ trên, ông đã nhẹ nhàng nâng giá một cân đồng từ 35 xu lên mức 3500 đô, đó là sự thông minh đơn giản, hiệu quả và đáng được khen ngợi.

Ngày nay, giáo dục con cái về vấn đề tài chính đã trở thành một chủ đề mang tính xã hội. Có một quan niệm tài chính đúng đắn mới có thể thay đổi cuộc đời trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ nên chú ý bồi dưỡng để trẻ có quan niệm tài chính đúng đắn.

Con hiểu, nguy hiểm và thành công tỉ lệ thuận với nhau

Cuối tuần, cậu bé Do Thái 9 tuổi - Brooks đang ngồi trước màn hình máy tính chơi trò "Phú ông trí tuệ". Bỗng nhiên, cậu chạy ra phòng khách, nói với bố đang đọc báo: "Bố ơi, con muốn bố giúp con một việc, được không ạ?".

"Được, con nói đi, việc gì vậy?". Bố gấp tờ báo lại vui vẻ nói.

"Bố đi theo con ạ". Brooks dẫn bố đến trước máy tính của mình, chỉ vào màn hình và nói: "Con muốn đầu tư một số tiền mua cổ phiếu sắt thép, bố có ý kiến gì không ạ?".

Bố nhìn một lúc, rồi hỏi: "Con trai, tại sao con lại muốn đầu tư một số tiền lớn vào cổ phiếu sắt thép?".

"Vì ba người chơi còn lại trong 15 phút đã nhanh chóng xây được nhà. Hơn nữa họ không có ý dừng lại, có thể họ muốn dùng phương pháp mua đất, xây nhà để đánh bại con, nhưng con nghĩ việc vội vã xây nhà như vậy có thể khiến cho giá sắt thép tiếp tục tăng mạnh. Vì thế con muốn mua cổ phiếu này". Brooks trả lời.

"Con phân tích không tồi đâu, nhưng con trai à, con có nghĩ làm như vậy có mạo hiểm quá không?". Bố tiếp tục hỏi.

"Đương nhiên con đã nghĩ rồi, nhưng bố luôn nói nguy hiểm và thành công luôn tỉ lệ thuận với nhau đấy thôi, con nghĩ mình nên thử xem sao".

"Được, con đã nắm chắc như vậy, bố đương nhiên ủng hộ con". Bố vỗ vai Brooks nói.

Thực tế đã chứng minh, phán đoán của Brooks là đúng sau khi cậu dùng "số tiền lớn" mua cổ phiếu sắt thép, giá cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh, Brooks cũng trở thành phú ông giàu nhất trong trò chơi "Phú ông trí tuệ".

Người Do Thái từ trước tới nay luôn thích mạo hiểm. Trong việc buôn bán, các thương nhân có câu: "Chỉ cần đáng giá thì sẽ mạo hiểm". Vì sự thành công và thất bại là không thể dự đoán được, nên họ cần có sự mạo hiểm nhất định. Hơn nữa, có rất nhiều nhân tố dẫn đến thành công mà con người không thể hoàn toàn nắm bắt được, chỉ có thể hiểu được một phần mà thôi. Bởi vậy, mạo hiểm luôn tồn tại khách quan, chỉ là nhiều hay ít mà thôi.

Việc kinh doanh cũng như vậy, chỉ có kinh doanh mạo hiểm, mới dễ dàng đạt được lợi nhuận cao. Do đó, cha mẹ Do Thái luôn giáo dục con cái cần đặc biệt họ coi trọng tinh thần mạo hiểm. Mục đích là để trẻ không cúi đầu trước khó khăn, dũng cảm thách thức. Đồng thời, họ cũng không dạy con tinh thần dũng cảm mù quáng. Qua một thời gian dài tìm tòi, họ đã nắm bắt được phương pháp rèn luyện tinh thần mạo hiểm cho con như sau:

❃ Truyền dạy cho trẻ quan niệm mạo hiểm đúng đắn từ nhỏ

Hành động mạo hiểm không phải là hành động vi phạm pháp luật, nó không làm tổn hại đến đạo đức xã hội, cũng không làm hại đến bản thân và người khác. Vì thế, cha mẹ Do Thái đặc biệt coi trọng truyền dạy tinh thần mạo hiểm cho con cái khi còn nhỏ, không dung túng những hành vi không đúng đắn của trẻ, cũng không tước đi ý thức sáng tạo và tinh thần khám phá của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ luôn bảo vệ hứng thú, sở thích, cổ vũ và hướng dẫn trẻ học hỏi, tìm hiểu kiến thức hợp lí.

❃ Sắp xếp một số tình huống để kích thích tinh thần mạo hiểm của trẻ

Đối với trẻ, thế giới thật kỳ diệu, nhưng mức độ kỳ diệu mà trẻ cảm nhận rất khác so với người lớn, nhận thức của trẻ và người lớn đối với thế giới luôn ở hai tầng bậc khác nhau. Có những điều trong mắt trẻ thật mới mẻ, nhưng trong mắt người lớn lại vô cùng bình thường.

Với nhận thức trên, cha mẹ thường đặt mình vào vị trí của trẻ để giúp trẻ sắp xếp một số tình huống. Ví dụ, khi trẻ học đi và bị ngã, cha mẹ sẽ cố gắng cổ vũ trẻ tự đứng dậy và đi tiếp, chỉ khi trẻ ở trong tình trạng nguy hiểm mới giúp đỡ trẻ; Sau khi trẻ đi mẫu giáo, cha mẹ sẽ dẫn trẻ đến khu vui chơi, cổ vũ trẻ chơi cầu trượt, ngồi xích đu... Cuối cùng, theo sự lớn lên của trẻ, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, điều kiện bản thân trẻ và môi trường, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia leo núi, trượt băng, trượt pa-tanh... để rèn luyện phẩm chất kiên cường, kích thích tinh thần tìm tòi, ưa mạo hiểm của trẻ.

❃ Có sự hướng dẫn đúng đắn với những hành động mạo hiểm của trẻ

Trong cuộc sống hàng ngày, do trí tò mò, trẻ khó tránh khỏi có một số hành vi mạo hiểm như tháo gỡ đài, loa, điện thoại... Trong tình huống này, cha mẹ cần kiên nhẫn giảng giải cho trẻ, thậm chí có thể mua một số linh kiện khác dạy trẻ tháo lắp. Mục đích là để bảo vệ tinh thần mạo hiểm và hứng thú học hỏi của trẻ. Đương nhiên, đối với trẻ còn nhỏ có những hành động như rút phích cắm, ổ cắm... cha mẹ cần tỏ rõ thái độ nghiêm cấm, để trẻ hiểu những hành động ấy thật sự nguy hiểm.

Trong tác phẩm nổi tiếng "Talmud" đã nói: "Nguy hiểm thường tỉ lệ thuận với thành công", cha mẹ cần nhớ rõ câu này, khi giáo dục tài chính cho trẻ, không quên kích thích một cách hợp lí tinh thần mạo hiểm của trẻ.

Thành tín, nguyên tắc kinh doanh của con

Ở Mỹ, có một người phụ nữ Do Thái tên là Kaishalin, chị có hai cô con gái. Gia đình chị có một cửa hàng bánh mì. Cửa hàng rất nhỏ, hơn nữa cũng không bắt mắt, nhưng khi rảnh rỗi, hai cô con gái của chị đều chạy đến giúp.

Một buổi chiều nọ, Kaishalin và cô con gái lớn đang thu dọn những chiếc bánh mì quá hạn. Cô con gái út đứng bên cạnh tò mò hỏi: "Mẹ ơi, những chiếc bánh mì này tại sao lại cất đi ạ? Chúng bị hỏng ạ?".

"Chúng chưa hỏng, nhưng sắp hết hạn rồi, vì thế chúng ta cần dọn đi không được bán nữa". Mẹ vừa làm vừa trả lời con.

"Nếu chưa hỏng, vậy chúng ta có thể đổi ngày nướng và tiếp tục bán, như vậy không phải giống như bánh mì mới nướng sao". Cô con gái út nói.

Mẹ nghe xong, lập tức dừng công việc, nghiêm khắc nói với con gái út: "Linda, mẹ nghĩ mẹ nên nói với con việc này. Cách nghĩ của con như vậy là không đúng đâu, vì những chiếc bánh mì này đã sắp hết hạn, dù có đổi ngày nướng thì cũng vô ích, hơn nữa làm như vậy còn là lừa gạt người mua hàng. Mẹ nghĩ con cũng không muốn đi mua một chiếc bánh mì sắp hỏng đúng không?".

Cô bé Linda nghe xong nghiêm túc gật đầu và nói: "Mẹ ơi, con hiểu rồi. Làm người nên thành thật, bán bánh mì cũng cần thành thật, có đúng không ạ? Con có thể giúp mẹ dọn những chiếc bánh mì này vào không?".

"Đương nhiên là được, hoan nghênh con". Mẹ nhìn con gái và mỉm cười nói.

Các thương nhân Do Thái đều rất thành tín, điều này có liên quan rất lớn đến tín ngưỡng tôn giáo của họ. Trong tác phẩm nổi tiếng "Talmud" có rất nhiều quy định liên quan đến quy tắc thành tín. Người Do Thái cho rằng, dù làm người bình thường hay thương nhân, nếu không giữ chữ tín, chắc chắn sẽ không thể thành công. Người mẹ trong ví dụ trên cũng giống như vậy, mặc dù cửa hàng bánh mì của chị rất nhỏ, nhưng chị luôn yêu cầu bản thân và con gái cần thành thật trong kinh doanh.

Người Do Thái không chỉ giữ chữ tín trong kinh doanh mà trong bất cứ mối quan hệ nào cũng vậy. Ngoài việc đối xử thân thiện, chung sống hòa thuận, những người Do Thái còn cố gắng dùng sự thành tín của mình đối xử với những người không phải là dân Do Thái. Sau đây, chúng ta hãy cùng xem cha mẹ Do Thái đã bồi dưỡng con cái phẩm chất thành tín như thế nào nhé.

❃ Xây dựng tấm gương thành tín cho trẻ

Muốn con cái có được phẩm chất này, bản thân cha mẹ cần là người biết giữ chữ tín. Trước khi dạy con, cha mẹ thường lấy mình làm gương để con noi theo. Ví dụ, trong cuộc sống hàng ngày, khi cha mẹ hứa sẽ thưởng quà nếu con làm xong việc chỉ cần trẻ hoàn thành việc theo quy định, chắc chắn cha mẹ sẽ thưởng quà cho trẻ. Họ hiểu rằng nếu mình không thực hiện lời hứa, trẻ sẽ thấy cha mẹ "hứa mà không giữ lời", từ đó sẽ học theo, ngược lại nếu cha mẹ thực hiện lời hứa, điều này sẽ ảnh hưởng ngầm đến trẻ, trẻ sẽ hiểu được rằng thành tín là phẩm chất rất quan trọng và tốt đẹp với mỗi người, từ đó luôn thành thật với mọi người.

❃ Cố gắng đáp ứng nhu cầu hợp lí của trẻ

Đối với trẻ, những hành động không thành tín đều xuất phát từ việc chưa đáp ứng nhu cầu nào đó. Khi một số yêu cầu hợp lí của trẻ không được đáp ứng, trẻ sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình, nhưng vì cha mẹ không chấp nhận nên có thể trẻ sẽ có những cách thức không thành tín để thỏa mãn nhu cầu hợp lí đó. Vì thế, khi trẻ đưa ra yêu cầu, cha mẹ không nên lập tức phản đối, cần phân biệt xem nhu cầu đó có hợp lí hay không.

Cha mẹ Do Thái thường nói chuyện cởi mở với trẻ, để hiểu được suy nghĩ chân thực của trẻ. Sau đó phân tích những nhu cầu nào là hợp lí, với những đòi hỏi bất hợp lí, cha mẹ sẽ giảng giải cho trẻ hiểu. Nếu cha mẹ không đoán được nhu cầu của trẻ có hợp lí hay không, họ sẽ nhờ thầy cô hoặc người thân giúp đỡ.

❃ Cần tin tưởng trẻ, không nên nghi ngờ trẻ

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thấy một số bậc cha mẹ không tin tưởng vào con cái. Khi cho con tiền mua đồ, họ cho rằng trẻ sẽ cầm tiền thừa mua đồ ăn vặt hoặc tiêu vặt. Sau khi trẻ tan học, thấy con đang ngồi trong phòng làm bài nhưng họ lại băn khoăn không biết con có nghiêm túc học hành hay không.

Tuy nhiên, ở gia đình Do Thái, bạn tuyệt đối không thấy hiện tượng này. Cha mẹ rất tin tưởng con cái, họ thường để con cái tự sắp xếp thời gian chơi và học. Vì họ biết hành vi không tin tưởng con cái sẽ khiến trẻ nói dối để chống đối. Hơn nữa, những cha mẹ luôn nghi ngờ con cái sẽ khiến trẻ dần hình thành nên hành vi không thành tín. Vì thế, cha mẹ nên tin tưởng vào con cái, không nên nghi ngờ con.

Thành tín không chỉ là nguyên tắc kinh doanh giữa các thương nhân, mà còn là nguyên tắc cơ bản của con người. Dạy trẻ phẩm chất thành tín quan trọng như bất cứ môn học nào. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng phẩm chất thành tín cho con cái, trong quá trình bồi dưỡng có thể học hỏi các phương pháp dạy con của cha mẹ Do Thái.

► Trẻ em Do Thái:

THN THIỆN VỚI NGƯỜI KHÁC LÀ NGUYÊN TẮC XỬ THẾ CỦA CON

Con sẽ đối đãi với "hàng xóm" như với chính bản thân mình

Trong công viên, cô bé Vernon đang ngồi trên chiếc ghế dài ăn những chiếc bánh rán mà mẹ làm cho, lúc đó cũng có một cậu bé bước đến và ngồi cạnh bé.

"Chào bạn, mình tên là Edmon". Cậu bé chủ động chào hỏi.

"Chào bạn, mình là Vernon". Cô bé trả lời, sau đó cầm một chiếc bánh giơ trước mặt Edmon và hỏi khẽ: "Bạn muốn ăn không?". Edmon nói cảm ơn rồi cầm chiếc bánh ăn.

"Bố mẹ bạn đâu?". Vernon cũng cầm một chiếc bánh lên, vừa ăn vừa hỏi Edmon.

"Ở kia, bố mẹ mình đang mua đồ, mình ở đây đợi họ". Edmon ngẩng đầu lên nhìn về phía bố mẹ. Sau đó nói với Vernon: "Chiếc bánh này thật là ngon".

"Đây là bánh mà mẹ mình tự làm đấy". Vernon vui vẻ nói.

Lúc này, Edmon đã ăn hết chiếc bánh, Vernon lại lấy một chiếc bánh nữa đưa cho Edmon. Edmon cảm kích nói: "Cảm ơn bạn, bạn thật là tốt với mình". Cô bé Vernon đáp: "Đây là điều mình nên làm. Mẹ mình thường nói, đối xử với "hàng xóm" cũng cần tốt như đối xử với bản thân mình".

Cha mẹ Do Thái thường nói với con cái của mình rằng, cần yêu "hàng xóm" như yêu bản thân mình. "Hàng xóm" ở đây là tất cả những người xung quanh. Trong suy nghĩ của người Do Thái, con người có cùng tổ tiên, tất cả mọi người đều nên yêu thương nhau. Vua dầu mỏ Mỹ - Rockefeller đã làm từ thiện cả đời mình, ông đã giúp đỡ rất nhiều người khó khăn. Ông thường nói với con cháu mình: "Tất cả mọi người đều là "hàng xóm" của các con, các con cần cố gắng là một người "hàng xóm" tốt, yêu người khác như yêu bản thân mình". Trong suy nghĩ của người Do Thái, yêu thương những người xung quanh đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống.

Cha mẹ Do Thái thường dùng câu chuyện của Rockefeller để giáo dục con cái cần biết yêu thương mọi người vô điều kiện. Mỗi người đều nên học cách yêu người khác như yêu bản thân mình để có tinh thần cống hiến vô tư. Người Do Thái sở dĩ có thể yêu thương người khác chân thành như vậy là vì trước đây họ từng đã bị truy đuổi và bức hại, tình yêu thương lẫn nhau giữa những con người phải sống lang bạt đã khiến họ có sức sống phi thường, từ đó phục hưng được dân tộc. Vì thế, người Do Thái rất coi trọng truyền thống này và truyền đạt lại cho con cái ngay từ nhỏ.

Một người biết yêu thương người khác chân thành, mới nhận được sự tôn trọng và yêu mến của mọi người, đồng thời cuộc sống của người đó cũng trở nên phong phú và thiết thực hơn. Bởi vậy cha mẹ Do Thái bồi dưỡng cho con phẩm chất biết yêu thương, để trong quá trình trưởng thành sau này trẻ có tấm lòng khoan dung, bác ái. Người Do Thái dạy con cái yêu thương người khác theo những cách sau:

❃ Tạo thêm cơ hội cho trẻ giao lưu với người khác

Người Do Thái rất coi trọng sự giao lưu giữa những người xung quanh. Ngày nghỉ, họ thường mời bạn bè, hàng xóm đến nhà chơi, nhằm tăng cường giao lưu tình cảm. Trong không khí ấm áp, náo nhiệt đó, trẻ em được tiếp xúc với nhiều người, cảm nhận được tình cảm của hàng xóm và người thân. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái cũng nghiêm túc giáo dục trẻ, ai cũng là người thân của mình, họ được Thượng Đế tạo ra, vì thế cần yêu quý lẫn nhau. Đồng thời, khi được sống trong môi trường đoàn kết hòa thuận đó, trẻ sẽ biết yêu thương người khác. Vì thế, tạo cho trẻ môi trường sống hài hòa, ấm áp với người thân, bạn bè, hàng xóm, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự nhiệt tình và tình yêu thương ở trẻ.

❃ Ai cũng là người quan trọng

Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy con tin tưởng rằng: Ai cũng là người quan trọng, khi bạn nghĩ rằng suy nghĩ của mình rất quan trọng, thì người khác cũng cho rằng suy nghĩ của họ cũng quan trọng như vậy. Vì thế cần học cách suy nghĩ cho người khác. Cha mẹ thường xuyên kể cho trẻ nghe một số câu chuyện trong sách vở, dạy trẻ biết tôn trọng, yêu thương người khác, đứng ở góc độ của người khác để suy nghĩ, đối xử với mọi người như với một người quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ còn giúp trẻ học cách quan sát và cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của người khác, biết cổ vũ và an ủi mọi người kịp thời.

❃ Đối xử khoan dung với người khác

Khi ai đó phạm lỗi, chúng ta cần có thái độ khoan dung với họ. Trẻ còn nhỏ nên thường xuyên phạm phải lỗi, cha mẹ Do Thái sẽ kiên nhẫn lắng nghe trẻ giải thích, tìm ra nguyên nhân mắc lỗi của trẻ. Sau đó có biện pháp giúp trẻ sửa chữa, dạy trẻ những kĩ năng làm việc đúng đắn. Rất ít cha mẹ Do Thái trách mắng, quát tháo khi trẻ phạm lỗi, vì họ hiểu rằng đối xử đúng đắn với con cái sẽ giúp trẻ có thái độ hòa nhã, thân thiện, giúp trẻ học cách khoan dung, độ lượng.

Tình yêu là tình cảm giữa hai bên, khi bạn vô tư yêu quý ai đó, bạn cũng sẽ nhận được sự yêu quý của người khác. Cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng tình cảm yêu thương, tinh thần bác ái, nhân văn cho trẻ, để sau này trẻ lớn lên dùng tình yêu của mình giúp đỡ và khoan dung với mọi người.

Hàng xóm gặp khó khăn, đương nhiên phải ra tay giúp đỡ

Bố nhìn thấy Sharmi toàn thân lấm lem bùn đất bước vào nhà, vội hỏi: "Con đi đâu vậy? Sao lại thành ra thế này?". Mẹ cũng bước vội đến trước mặt của Sharmi, nhẹ nhàng hỏi: "Con ơi, xảy ra chuyện gì vậy?". Thấy dáng vẻ lo lắng của bố mẹ, Sharmi liền kể lại mọi việc cho bố mẹ nghe.

Hóa ra buổi chiều, Sharmi và lũ bạn đang chơi ném cát ở gần bờ sông, đột nhiên chú của Kahn đi xe đạp cứ thế nhằm thẳng vào chúng. Chú còn hét lên: "Các cháu, tránh ra, xe của chú bị mất phanh rồi". Lũ trẻ vội vàng tránh ra và chiếc xe của chú của Kahn lao xuống sông. Cuối cùng, lũ trẻ giúp chú kéo chiếc xe lên và đưa chú đến bệnh viện.

"Không phải bố mẹ nói với con là nên giúp những người xung quanh mình hay sao? Vì thế, con mới lội xuống sông kéo chiếc xe đạp lên giúp chú ấy". Sharmi cúi đầu nói. Bố nghe xong, liền đến xoa đầu cậu và nói: "Con trai, con giỏi lắm". Mẹ cũng mỉm cười nói với Sharmi: "Con ngoan, con làm tốt lắm. Hôm nay, mẹ sẽ nấu món con thích nhất để thưởng cho con, được không nào?". Sharmi vui mừng cười to và chạy vào phòng thay quần áo.

Giống như người bố trong ví dụ trên, rất nhiều cha mẹ Do Thái đã dạy con cái mình cần giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đối với người Do Thái, việc giúp đỡ mọi người là chuyện rất bình thường. Vì trong truyền thống của họ, người giàu quyên góp tiền của cho người nghèo là một nghĩa vụ. Người nghèo nhận được sự trợ giúp của người giàu là một quyền lợi. Vì thế trong dân tộc Do Thái, người quyên góp và người được nhận quyên góp có quan hệ bình đẳng. Truyền thống giúp đỡ lẫn nhau đã tồn tại rất lâu trong dân tộc Do Thái. Trẻ em từ nhỏ đã được thấm nhuần tư tưởng này, nên chúng cũng dần hình thành thói quen biết giúp đỡ người khác.

Để bồi dưỡng phẩm chất biết giúp đỡ người khác cho trẻ cha mẹ thường kể cho chúng nghe những câu chuyện về tổ tiên làm tăng sự hiểu biết và dạy trẻ biết yêu dân tộc mình, biết quan tâm tới mọi người. Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống lịch sử vẻ vang của người Do Thái luôn dạy con cái khi giúp đỡ người khác, không được làm tổn thương đến lòng tự trọng của người ấy.

❃ Giúp đỡ người khác theo khả năng của mình

Cha mẹ Do Thái thường xuyên dạy con cái rằng: Phải tận dụng khả năng của mình, cần giúp đỡ mọi người theo năng lực. Ví dụ, trẻ có thể để dành tiền giúp đỡ người ăn mày, giúp người mù qua đường, đưa người già về nhà, chỉ đường cho người lạ... Những việc nhỏ này sẽ bồi dưỡng ý thức và hình thành thói quen giúp đỡ người khác cho trẻ.

❃ Đừng chờ đợi người khác đền đáp

Cha mẹ dạy con cái cần chân thành giúp đỡ người khác, không phải vì danh lợi mới giúp người ta. Khi thấy người khác gặp khó khăn mà bản thân có thể giúp được, cần giúp đỡ họ một cách vô tư, quan tâm đến họ tự đáy lòng. Cha mẹ Do Thái thường xuyên dạy trẻ nên coi việc giúp đỡ người khác là trách nhiệm của mình, chứ không chờ đợi họ đền đáp. Chỉ có vô tư giúp đỡ người khác, không chờ đợi báo đáp, mới có thể giúp đỡ mọi người dài lâu và nhiệt tình.

❃ Giúp đỡ nhưng không làm tổn thương đến lòng tự trọng của người khác

Đây là truyền thống lâu đời của người Do Thái. Vào thời cổ đại, trong ngôi miếu nào cũng có vài gian phòng nhỏ, người Do Thái sẽ quyên tặng đồ ăn vào chỗ bí mật đó, những người nghèo cần sự giúp đỡ sẽ đến đó lấy đồ ăn họ cần. Người Do Thái rất coi trọng việc giữ gìn thể diện, lòng tự trọng cho người nghèo. Ngày nay cũng vậy, khi thu hoạch mùa màng, họ thường để lại cạnh bờ ruộng, vườn vải một ít sản phẩm thu hoạch được để người nghèo đến lấy. Hơn nữa, từ bao đời nay, người Do Thái vẫn giữ được truyền thống này, họ luôn dạy con cái khi giúp đỡ người khác, không được làm tổn thương đến lòng tự trọng của người ấy.

Cả dân tộc Do Thái đều rất nhiệt tình giúp đỡ đồng bào của mình, coi việc giúp đỡ mọi người là trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì có tinh thần tương trợ lẫn nhau như vậy nên dân tộc họ mới phát triển hùng mạnh, người dân mới có cơ hội và môi trường phát triển tốt hơn, giúp họ khẳng định được vị trí quan trọng trên thế giới.

Con muốn làm đứa trẻ lễ phép nhất

Marcia là một cậu bé 5 tuổi người Do Thái, cậu rất thích chạy đi chạy lại quanh nhà. Một hôm, trong lúc chạy đuổi theo quả bóng, không may cậu đụng vào bố đang ngồi uống nước, và kết quả là cốc nước đổ hết vào người bố. Nhưng Marcia không chú ý đến điều đó, vẫn tiếp tục đuổi theo quả bóng.

Lúc này, bố gọi cậu lại, chỉ vào bộ quần áo ướt trên người mình và hỏi: "Marcia, vừa nãy còn làm ướt quần áo của bố. Bây giờ con biết nên làm thế nào không?".

Marcia nhìn thấy quần áo bố ướt, cúi đầu không dám nói. Bố cậu nhắc: "Vậy con còn nhớ bố kể cho con câu chuyện về Lê-nin không? Khi ông ấy đụng vào người khác đã làm như thế nào nhỉ?". Marcia đỏ mặt nói: "Lê-nin khi đụng vào người khác đã xin lỗi họ ạ".

Sau khi nghe cậu trả lời, bố xoa đầu cậu và nói: "Đúng vậy, Marcia, khi con đụng vào người khác, con cần biết xin lỗi. Chứ không phải là cúi đầu tỏ ra xấu hổ, đó là lễ nghi cơ bản nhất. Sau này con hãy nhớ nhé".

Marcia nghe bố nói vậy gật đầu đáp: "Vâng, thưa bố, con sẽ ghi nhớ ạ. Con muốn là một cậu bé lễ phép như Lê-nin, như vậy sẽ rất nhiều người yêu mến con".

Mọi người đều biết rằng, lễ phép là phẩm chất cần có trong mối quan hệ giao tiếp giữa người, giúp giảm những xung đột, mâu thuẫn và tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người. Trong quan niệm của người Do Thái, phẩm chất con người tốt hay xấu được quyết định bởi thành công của người đó cao hay thấp. Vì thế, cha mẹ đã dạy con từ nhỏ cần biết lễ phép. Giống như việc dạy trẻ yêu thích sách vở, tiếp thu kiến thức và trí tuệ, cha mẹ Do Thái luôn coi trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con cái. Từ nhỏ họ đã cổ vũ con trở thành một người cao thượng, lịch sự và chu đáo. Cha mẹ thường xuyên kể cho trẻ nghe những câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng ở các nước với phẩm chất cao thượng, đồng thời cũng luôn dùng câu chuyện lễ phép của người Do Thái để cổ vũ con cái, bồi dưỡng phẩm chất cao đẹp cho trẻ.

Cha mẹ Do Thái thường kể cho trẻ nghe những câu chuyện về Lenin. Qua những câu chuyện kể về sự lễ phép của Lenin hồi nhỏ, cha mẹ để trẻ hiểu rằng, phẩm chất quyết định thành công của con người. Phương pháp và nội dung giáo dục trẻ lễ phép con cái của người Do Thái thường bao gồm những phương diện sau:

❃ Xây dựng tấm gương tốt cho con

Các bậc cha mẹ Do Thái biết rằng, hành vi của mình luôn là bài học sinh động và hiệu quả nhất cho con cái. Vì thế, họ rất chú ý đến hành động, lời nói của mình. Trong gia đình, họ không chỉ có cử chỉ lịch sự, ăn nói hòa nhã, không nói tục, nói bậy, mà còn kiên nhẫn sửa chữa những hành vi không lễ phép của mình. Thông qua sự ảnh hưởng ngầm, giúp trẻ hình thành thói quen lễ phép. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy thực hiện như cha mẹ người Do Thái, cần có ý thức tu dưỡng bản thân, làm thành tấm gương lễ phép cho con cái.

❃ Dạy trẻ biết chú ý đến phép tắc

Cha mẹ Do Thái rất chú ý đến phép tắc, họ giáo dục con cái dựa trên bốn phương diện: Dáng vẻ, cử chỉ hành động, sắc thái biểu cảm và ngôn ngữ. Qua sự giáo dục này, bồi dưỡng trẻ chú ý đến lễ nghĩa cá nhân và những phẩm chất tốt đẹp khi đối xử với người khác: Về hình dáng bề ngoài, cha mẹ yêu cầu con cái cần giữ cho mình luôn sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, tắm gội, ăn mặc gọn gàng. Về hành động cử chỉ, họ yêu cầu con đứng thẳng, đi thẳng, đầu ngẩng cao, mang lại cho người khác cảm giác tràn đầy sức sống. Về ngôn ngữ: cần dùng lời nói lễ phép, thái độ thành khẩn, nói năng dứt khoát, lưu loát. Ngoài ra, họ còn dạy con cái biết giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ môi trường, tuân thủ luật lệ giao thông.

❃ Dạy trẻ lịch sự, lễ phép với khách

Người Do Thái rất thích giao tiếp với người khác, khi cha mẹ đón tiếp khách, họ cũng thường dạy con có thái độ lịch sự, lễ phép, trong đó bao gồm việc đón khách, trò chuyện, tiễn khách và đến làm khách cũng vậy, phải luôn lịch sự, lễ phép. Cha mẹ thường dạy trẻ khi đón tiếp khách cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nói chuyện cởi mở, nho nhã, khi khách ra về cũng cần tiễn ra tận cửa. Nếu đến nhà người khác làm khách, ngoài việc tuân thủ các quy tắc trên, thì khi ra về cần bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình với chủ nhà. Tóm lại, cha mẹ Do Thái rất kiên nhẫn hướng dẫn cho trẻ từng bước học cách đón tiếp khách, đồng thời cũng kịp thời cổ vũ, khen ngợi trẻ nếu trẻ biết lắng nghe và tiếp thu.

❃ Bồi dưỡng lòng tự tôn cho trẻ

Lễ phép là biểu hiện cử chỉ bên ngoài, nhưng nó phản ánh sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức bên trong của con người. Người có lòng tự trọng sẽ có ý thức bảo vệ sự tôn nghiêm và để ý đến cảm nhận của người khác, từ đó mới hình thành cử chỉ lễ phép và phẩm chất đạo đức tốt đẹp thể hiện từ trong ra ngoài. Vì thế, cha mẹ Do Thái luôn có ý thức tôn trọng con cái, bồi dưỡng lòng tự trọng cho con.

Phẩm chất cao thượng sẽ giúp trẻ gặt hái được thành công ngay. Muốn bồi dưỡng phẩm chất này, cha mẹ cần dạy trẻ lễ nghĩa từ nhỏ. Khi dạy con lễ phép, cha mẹ Do Thái cũng thường học hỏi phương pháp giáo dục các vĩ nhân qua các câu chuyện danh nhân, thiết nghĩ đó cũng là điểm đáng để các bậc cha mẹ khác học theo.

Con tuyệt đối sẽ không coi thường người khác

Mẹ và Hamer đi chợ, họ muốn mua một ít rau về ăn. Trên đường đi, hai mẹ con nhìn thấy một người rất xấu xí, đang rao bán đồ gốm ở lề đường. Hamer nói với mẹ bằng giọng miệt thị: "Mẹ ơi, người kia thật xấu xí". Mẹ nghe xong không nói gì.

Sau đó, họ đến chỗ bán rượu nhìn thấy những chum rượu được xếp ngay ngắn, thẳng hàng, mẹ chỉ vào và hỏi: "Con trai, con thấy những vò rượu ấy có xấu không?".

Hamer đáp: "Xấu ạ, cũng xấu như người mẹ con mình vừa gặp trên đường ấy".

Họ lại đến chỗ bán đồ bằng bạc. Tất cả những đồ đựng bằng bạc đó sáng lấp lánh khiến mọi người hoa mắt. Mẹ lại chỉ về phía đồ bạc ấy và hỏi: "Những đồ bằng bạc ấy có đẹp không?".

Hamer kích động nói: "Đương nhiên là đẹp ạ, đẹp hơn gấp nghìn lần so với những đồ gốm xấu xí kia".

Mẹ nói: "Đồ bạc tuy rất đẹp, nhưng lại không thể đựng được rượu ngon. Đồ gốm mặc dù xấu xí, nhưng lại đựng được những loại rượu thơm ngon cho chúng ta uống. Giống như dung mạo con người cũng vậy, vẻ bề ngoài xấu xí nhưng có thể chứa đựng một trí tuệ siêu việt".

Hamer nhớ lời mẹ dặn, từ đó về sau cậu không cười nhạo người khác nữa.

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy trẻ không được coi thường, miệt thị người khác. Người Do Thái cho rằng, Thượng Đế tạo ra con người rất công bằng, mỗi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì thế, không được khinh miệt người khác, vì bản thân họ cũng có những điều tốt đẹp. Dân tộc Do Thái coi việc giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều giúp đỡ người nghèo. Làm như vậy, họ đã giúp cho cả dân tộc Do Thái trở nên giàu có và hùng mạnh.

Người Do Thái ở bất cứ thời đại nào cũng thực hiện theo nguyên tắc: Không kỳ thị bất cứ ai. Cha mẹ luôn dạy con cái biết tìm ra những ưu điểm của người khác, để bản thân học tập, noi theo. Trong dân tộc Do Thái, người giàu có thể làm bạn với người nghèo, học giả có thể làm bạn với kẻ ăn mày. Họ không phân biệt cao thấp giàu nghèo, con người luôn học tập, đối xử bình đẳng với nhau. Vì thế, mọi người luôn tôn trọng và cùng nhau tiến bộ. Khi tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu phương pháp mà cha mẹ Do Thái dạy con không kỳ thị người khác.

❃ Trước hết phải xóa bỏ định kiến

Trong cuộc sống, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại một số quan niệm như: Người giàu là người thành công, người nghèo là kẻ thất bại; Người đức cao vọng trọng là người được tôn trọng, người học thức thấp kém là người thô tục. Trong gia đình Do Thái, cha mẹ không truyền dạy cho con những quan niệm này. Từ nhỏ, trẻ đã được dạy rằng: Con người cần đối xử bình đẳng với nhau, không phân biệt cao thấp sang hèn, phải luôn tôn trọng người khác, không được coi thường bất cứ ai. Tất cả trẻ em Do Thái đều được dạy cách tìm ra ưu điểm của người khác, tôn trọng và khen ngợi người khác chân thành.

❃ Tăng cơ hội tiếp xúc với người khác

Tiếp xúc với mọi người, trẻ sẽ có cơ hội giao lưu, giao tiếp với nhiều người khác nhau. Thông qua việc giao tiếp với nhiều người, trẻ hiểu được những điều bình thường và đặc biệt trong cuộc sống, tăng vốn hiểu biết, giúp trẻ có cái nhìn toàn diện và không coi thường người khác, từ đó tôn trọng tất cả mọi người. Người Do Thái luôn cổ vũ con cái giao tiếp với nhiều người. Vào các ngày nghỉ cha mẹ thường dẫn trẻ đi tham quan, du lịch để trẻ học hỏi thêm nhiều điều. Trẻ còn nhỏ có thể đi chơi ở những nơi gần nhà, trẻ lớn hơn một chút có thể đi đến những vùng xa hơn, từ đó, trẻ có thể giao lưu với nhiều người tăng thêm vốn sống, sự hiểu biết và cách ứng xử với mọi người xung quanh.

❃ Nâng cao trình độ văn hóa cho trẻ

Tâm lí coi thường có thể coi là sự ngu muội. Một người có học thức thấp kém sẽ đánh giá người khác thông qua vẻ bề ngoài, nhìn sự vật qua mức độ cao thấp, đắt rẻ. Như vậy, họ dễ có tâm lí coi thường người khác. Người có học thức uyên bác, sẽ đánh giá sự vật một cách toàn diện và sâu sắc, từ đó hình thành thói quen tôn trọng người khác, không coi thường bất cứ ai. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đọc nhiều sách để nâng cao trình độ văn hóa, bồi đắp tình cảm và trái tim nhân ái cho trẻ.

Không coi thường, khoan dung, chân thành với mọi người là tiền đề để bản thân chúng ta được tôn trọng và có mối quan hệ tốt. Trong xã hội hiện đại, sự thành công của một người không thể tách rời sự ủng hộ của mọi người xung quanh. Quan hệ rộng là điều kiện cần thiết cho sự thành công của mỗi người. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng cho trẻ thái độ sống chân thành, dạy trẻ biết đối xử bình đẳng với mọi người, không nên coi thường người khác.

Dù còn nhỏ, nhưng con đã có tinh thần đoàn kết

Đi học về, cậu bé Manu vui vẻ nói với mẹ: "Mẹ ơi, hôm nay cô giáo dạy chúng con thế nào là tinh thần đoàn kết đấy".

Mẹ đang quét dọn trong phòng khách, quay đầu nhìn con trai, mỉm cười nói: "Ồ, vậy con đã học được gì?".

Manu chạy đến trước mặt mẹ, vội vàng nói: "Cô giáo kể cho chúng con nghe về câu chuyện của đàn ong mật. Mẹ ơi, mẹ biết không? Có con ong chuyên hút mật, có con ong chuyên làm nhiệm vụ trông coi các con ong khác, chúng có những nhiệm vụ khác nhau và cùng bảo vệ gia đình lớn. Hóa ra, đàn ong cũng thông minh thật đấy".

Mẹ nhìn bộ dạng lắc lư ngộ nghĩnh của con trai, không nhịn được cười hỏi: "Vậy con nghĩ là con thông minh hay là đàn ong thông minh?".

Cậu bé Manu nghiêm túc nghĩ ngợi một lát rồi nói với mẹ: "Con nghĩ con cũng thông minh giống đàn ong, vì con cũng có tinh thần đoàn kết".

Nói xong, cậu đặt cặp sách xuống, cầm cây chổi giúp mẹ quét nhà, vừa quét vừa nói: "Mẹ ơi, con quét nhà, mẹ lau nhà, mẹ con mình cùng nhau làm việc nhé".

Mẹ nhìn cậu con trai, vui sướng mỉm cười.

Ví dụ trên cho thấy, dù ở trường học hay ở nhà, dân tộc Do Thái đều rất coi trọng việc giáo dục tinh thần đoàn kết cho trẻ. Họ cho rằng, đoàn kết mang lại cho con người sức mạnh, giúp con người thành công. Do Thái là dân tộc có tinh thần hợp tác đoàn kết nhất trên thế giới. Tác phẩm kinh điển "Talmud" chính là thành quả sáng tạo tập thể của họ. Khi đất nước Israel được khôi phục, ngoài người dân Israel, những người Do Thái trên khắp thế giới đã quyên góp được một lượng tiền mặt vô cùng lớn để phục hưng đất nước. Chính bởi ý thức hợp tác đoàn kết và tinh thần chủ nghĩa tập thể mà trải qua bao nhiêu khó khăn, bị truy sát bức hại, nhưng người Do Thái vẫn ngoan cường sống, chiến đấu và sinh tồn đến tận ngày nay.

"Talmud" dạy họ rằng: "Cần thường xuyên đứng ở góc độ ảnh hưởng tới toàn dân tộc để cân nhắc từng lời nói hành động của mình". Vì thế, khi người Do Thái chuộc tội, họ không nói "tôi", mà luôn nói "chúng tôi", cho dù một người phạm tội, mọi người cũng cho rằng đó là lỗi của tập thể. Nếu một người nào đó phạm tội trộm cắp, những người khác đều cảm thấy hối lỗi và nghĩ rằng "Vì mình chưa thật sự nhân từ, lương thiện, nên anh ta mới phải trộm cắp". Ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ của người Do Thái đã giúp họ thận trọng hơn trong lời nói và việc làm. Họ luôn chú ý đến hành động, ngôn ngữ của mình, đồng thời họ cũng quan tâm đến người xung quanh, cùng nhau duy trì sự phồn vinh của dân tộc.

Nhiều dân tộc khác trên thế giới vô cùng tò mò, không hiểu được tại sao người Do Thái lại có một tinh thần tập thể và ý thức đoàn kết, hợp tác cao độ đến như thế. Người Do Thái đã trả lời rằng: "Chúng tôi tự mình không đoàn kết giúp đỡ nhau, còn dám hi vọng người khác giúp đỡ chúng tôi? Nếu chúng tôi không đoàn kết, thì làm sao có thể tồn tại sau nhiều nguy nan và bức hại như vậy?". Cha mẹ Do Thái đã dạy con cái khi chúng còn rất nhỏ rằng, cần học cách đoàn kết với người khác, vì đoàn kết chính là sức mạnh. Họ hiểu được sự hợp tác tương trợ lẫn nhau mới có thể tạo nên sức mạnh to lớn. Giúp con người khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ Do Thái đã bồi dưỡng con cái họ tinh thần đoàn kết từ những phương diện sau:

❃ Bồi dưỡng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cho trẻ

Cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết, loại bỏ tâm lí cô lập cho trẻ từ nhỏ. Bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm và ý thức tập thể cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng trong việc dạy con của người Do Thái. Họ dạy con cần sống chan hòa với thầy cô, bạn bè, chăm chỉ trực nhật, giúp đỡ những bạn bè gặp khó khăn... Đối với một số trẻ thích sống cô lập, trước tiên cha mẹ sẽ loại bỏ cảm giác xa cách để trẻ hòa nhập với mọi người, sau đó từng bước bồi dưỡng tinh thần đoàn kết cho trẻ.

❃ Bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết cho trẻ

Cha mẹ cùng trẻ chơi một số trò chơi để bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết cho trẻ. Bởi vì trò chơi là niềm yêu thích của trẻ nên việc dùng chúng để bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, hợp tác cho trẻ sẽ đạt được hiệu quả giáo dục tốt. Cha mẹ có thể chọn những trò chơi nhấn mạnh sự đoàn kết của một đội. Trong quá trình chơi, cha mẹ để trẻ thấy được lợi ích của sự đoàn kết, hợp tác. Ngoài ra, cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe một vài câu chuyện về tinh thần đoàn kết của đoàn đội, để trẻ nhận biết được vai trò quan trọng của tinh thần hợp tác.

Từ lịch sử phát triển của người Do Thái, có thể thấy tầm quan trọng của sự hợp tác, đoàn kết. Xã hội tương lai là một xã hội cạnh tranh khốc liệt, chúng ta cần trau dồi tinh thần hợp tác đoàn kết mới có cơ hội đạt được thành công. Vì thế cha mẹ cần chú trọng bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết cho con cái mình.

Con biết hai cái tai > một cái miệng

Mẹ đang kể chuyện cho Luis nghe để ru cậu bé ngủ. Bỗng cậu bé mở hai mắt sáng long lanh, nói với mẹ: "Mẹ ơi, hôm ở trận đá bóng, trước khi vào sân, bạn Parker sợ đến nỗi hai chân run lập cập, ha ha... Lớp chúng con có bạn tên là Hanna, đầu bạn ấy giống như đống cỏ khô ấy, chúng con đều gọi bạn ấy là Nữ hoàng sư tử....".

"Luis", mẹ ngắt lời: "Con còn nhớ mẹ từng kể cho con chuyện gì không?".

"Con nhớ ạ". Cậu bé bắt đầu nhớ lại câu chuyện mà mẹ vừa kể: "Ngày xưa, có một ông chủ sai người hầu của mình ra chợ tìm mua thứ ngon nhất trên đời về cho ông ta, kết quả là người hầu đó mua một chiếc lưỡi mang về. Vài ngày sau, ông chủ đó lại sai người hầu ra chợ mua một thứ không ngon nhất về, kết quả là người đó vẫn mua về một chiếc lưỡi".

Đợi Luis kể xong, mẹ hỏi: "Câu chuyện này nói với chúng ta điều gì nhỉ?".

Luis trả lời: "Thứ ngon nhất trên đời cũng là cái lưỡi, thứ không ngon nhất cũng là cái lưỡi, bài học trong câu chuyện này là... nhắc nhở chúng ta không được nói lung tung!".

Sau đó, Luis cũng hiểu ý liền nói với mẹ: "Mẹ ơi, con hiểu rồi, sau này con sẽ không tùy tiện phê bình người khác nữa". Mẹ mỉm cười xoa đầu Luis và hát ru cậu ngủ.

Khi Luis thích tùy tiện bình luận về người khác, mẹ đã kể cho cậu nghe một câu chuyện rất có ý nghĩa, đó là không được tùy ý đánh giá người khác. Người Do Thái rất ghét những người "lắm lời". Do đó, chúng ta luôn thấy rằng người Do Thái rất kiệm lời. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thân thiện, không biết giao tiếp. Đối với người Do Thái, những người luôn thao thao bất tuyệt, khoe khoang mình trước mặt người khác thường là những người ngốc nghếch; Còn người biết lắng nghe mới là người thông minh. Vì thế, người Do Thái đã lưu truyền câu nói: "Khi kẻ ngốc cười phá lên thì người thông minh chỉ cười mỉm".

Cha mẹ Do Thái đều dạy con cái họ một câu ngạn ngữ cổ là: "Thượng Đế tạo cho con người hai cái tai, một cái miệng, là để chúng ta nói ít, nghe nhiều"... Do đó, khi giao tiếp, đa số họ đều nghiêm túc lắng nghe ý kiến của người khác. Cha mẹ Do Thái cũng thường ví: Lời nói đúng mực như liều thuốc tốt, giúp con người đạt được mục đích, nhưng nếu nói quá nhiều lại có tác dụng ngược lại, không những không có ích mà còn làm hại bản thân. Người Do Thái thường nói: "Im lặng là vàng, hùng biện là bạc", để khuyên răn mọi người nghe nhiều, nói ít.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường cho trẻ đọc những câu danh ngôn hoặc những đoạn văn hay, giúp trẻ hiểu được rằng việc lắng nghe quan trọng hơn lời nói. Cha mẹ cũng luôn dạy trẻ cần tôn trọng người khác, không nên chỉ biết thổ lộ lòng mình, mà cần chú ý lắng nghe tâm sự của bạn bè, cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của họ, đó mới là người bạn thật sự. Hơn nữa, cha mẹ Do Thái còn nhắc nhở trẻ biết trân trọng những người bạn biết lắng nghe, cùng trẻ tạo môi trường giao tiếp vui vẻ.

❃ Không tùy tiện đánh giá về người khác

Cha mẹ Do Thái thường dạy trẻ không nên tùy tiện đánh giá về người khác, vì những lời nói vô tình của trẻ, qua nhiều người có thể biến thành "sự thật", mà những lời đồn thổi này có thể làm tổn thương tình cảm bạn bè. Người Do Thái có câu "Khi bạn gặp ma quỷ, tốt nhất hãy chạy nhanh; Khi bạn gặp những lời gièm pha, cũng cần chạy thật nhanh". Có thể thấy, người Do Thái đã nhắc nhở chúng ta cần tránh xa những lời gièm pha, tránh làm hại đến người khác hoặc bản thân. Cha mẹ Do Thái thường coi miệng lưỡi con người giống như thanh gươm sắc, giáo dục trẻ cần ăn nói thận trọng. Vì một lời đã nói ra là không thể thu lại, gươm sắc có thể làm tổn thương đến người khác, vì thế cần nghĩ kỹ trước khi nói.

❃ Dạy trẻ học cách lắng nghe

Cha mẹ rất kiên nhẫn dạy trẻ ý nghĩa và cách thức lắng nghe để có được sự tín nhiệm của người khác. Trước hết, thái độ phải thành khẩn, không chỉ đơn thuần lắng nghe, mà còn cần lắng nghe một cách nghiêm túc, kịp thời bày tỏ sự tán thành hoặc khen ngợi của mình để đối phương cảm nhận được sự tôn trọng và hiểu biết của bạn. Thứ hai, trong quá trình nghe nên mỉm cười tán đồng, tốt nhất không nên làm việc gì khác, trong quá trình nói chuyện có thể bộc lộ vẻ biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể, chứng tỏ bạn đang chú ý lắng nghe, để đối phương cảm nhận được sự chân thành, nâng cao hiệu quả giao tiếp của bạn.

Khi không có ai bình luận về người khác cuộc sống sẽ bớt mâu thuẫn, tranh chấp. Khi mọi người cùng học cách lắng nghe, mới có thể tạo nên không khí hài hòa, cởi mở. Vì thế cha mẹ cần dạy con cái nghe nhiều nói ít, tạo môi trường giao tiếp tốt, để trẻ có thể sống và học tập vui vẻ.

Trước khi kết bạn, con chắc chắn sẽ suy nghĩ kĩ

"Bố ơi, câu nói này nghĩa là gì ạ?". Mc Caroll bước đến bên bố, chỉ vào một câu trong cuốn truyện và hỏi.

Bố đang ngồi trên ghế sưởi nắng, nhận lấy cuốn truyện từ con trai, nhìn vào câu ngạn ngữ Do Thái mà con chỉ: "Chơi với chó sẽ có bọ chét bám vào người".

Mc Caroll băn khoăn: "Tại sao con không thể chơi với chó con ạ, chúng rất đáng yêu mà".

"Ha ha", bố bật cười vì câu hỏi ngây thơ của con trai, "Mc Caroll à, chó trong câu nói này không phải là chú chó chúng ta thấy hàng ngày".

"Đó là chó gì ạ?". Mc Caroll nghi hoặc.

Bố ngồi thẳng lên, kiên nhẫn giải thích cho cậu: "Câu nói này có nghĩa là con không được chơi với bạn xấu, vì họ sẽ dạy con những điều không tốt".

"Ồ, con hiểu rồi. Có nghĩa là con cần chơi với những bạn có thói quen tốt. Nếu chơi với những bạn có thói quen xấu, con có thể nhiễm thói quen xấu của họ, có phải không hả bố?".

Bố cười nhìn Mc Caroll, gật đầu nói: "Không sai, chính là nghĩa ấy".

"Con cảm ơn bố". Nói xong, Mc Caroll ôm cuốn truyện chạy ra ghế của mình tiếp tục đọc.

Từ ví dụ trên có thể thấy, lựa chọn bạn bè có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Người Do Thái rất trân trọng tình bạn, khi bạn gặp khó khăn, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ; Khi bản thân họ gặp khó khăn, cũng sẽ nhờ bạn giúp mình. Do vậy, cha mẹ Do Thái luôn dạy trẻ thận trọng trong việc kết bạn, không được kết bạn bừa bãi. Họ nói với con về câu nói của một nhà triết học Do Thái: "Bạn bè chân chính giống như cái lều vững chãi, có thể che nắng che mưa cho con người, là vật báu vô giá trong đời". Đồng thời, cha mẹ Do Thái cũng dùng câu ngạn ngữ "Chơi với chó sẽ có bọ chét bám vào người" để dạy con cái cẩn thận khi kết giao bạn bè.

Trong gia đình Do Thái, thông thường cha mẹ rất thích kết giao với bạn bè. Họ thường coi bạn bè chính là trợ thủ đắc lực của mình, người không có bạn giống như mất đi một cánh tay. Họ dạy trẻ rằng: Bạn bè được chia làm ba loại: Kiểu thứ nhất bạn bè giống như chiếc bánh mì sẽ cho bạn năng lượng và sự ủng hộ, trong lúc nguy nan nhất họ sẽ giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn; Kiểu thứ hai, bạn bè giống như rượu, thỉnh thoảng cần đến, lúc đặc biệt có thể cho bạn vài lời khuyên hữu ích, giúp cuộc sống của bạn thêm phong phú; Kiểu thứ ba, bạn bè giống như chú chó hoang, cần tránh xa, nếu không bạn sẽ bị họ lợi dụng, khi bạn gặp vận may họ xuất hiện, khi bạn gặp khó khăn họ sẽ bỏ rơi bạn.

Dân tộc Do Thái có một câu ngạn ngữ: "Bước vào cửa hàng nước hoa, cho dù không mua được gì, thì mùi hương vẫn lưu trên người bạn". Câu này dạy chúng ta rằng cần biết kết giao với những người bạn tốt, vì họ giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Người Do Thái dạy con cái: "Nếu con kết giao với một người thông thái, con cũng sẽ trở thành người thông thái; Nếu con kết giao với một kẻ ngốc, con cũng trở thành kẻ ngốc". Vì thế kết giao bạn bè không nên để ý đến số lượng, mà nên quan tâm xem người bạn đó có thật sự chân thành không. Người Do Thái đã dạy con cái họ như sau:

❃ Là người tôn trọng con

Cha mẹ Do Thái dạy con cần làm bạn với người biết tôn trọng mình. Người như vậy sẽ thật sự coi trọng bạn, họ sẽ nghĩ tới bạn trước khi làm điều gì đó, sau lưng không bình luận, chê bai bạn, luôn nghiêm túc suy nghĩ về những vấn đề của bạn, ủng hộ việc làm của bạn. Tôn trọng người khác chính là sự khẳng định về giá trị và nhân cách của người khác. Người biết tôn trọng người khác sẽ biết cư xử đúng mực, có phẩm chất nhân cách cao quý. Kết bạn với người như vậy, bạn sẽ vui vẻ và nâng cao chất lượng sống của mình.

❃ Là người hiểu con

Cha mẹ Do Thái dạy con cái cần làm bạn với người hiểu mình. Khi bạn vui, người bạn đó cũng chia vui với bạn; Khi bạn buồn, họ biết ở bên an ủi bạn; Khi bạn ủ rũ, người đó biết động viên bạn; Khi bạn kiêu ngạo, người đó biết nhắc nhở bạn; Người hiểu bạn sẽ giúp cho tâm hồn các bạn trở nên đồng điệu, xóa bỏ nghi kị, mâu thuẫn, đồng thời tạo nên không khí thoải mái, vui vẻ giữa hai người. Hơn nữa, người có thể hiểu được bạn sẽ là người đối xử bình đẳng với người khác, cũng có thể là người bạn chân thành. Làm bạn với người này, bạn sẽ thấy thoải mái và cảm nhận được tình yêu thương, sự chân thành. Từ đó, giúp mọi người xung quanh mình hơn.

❃ Là người giúp đỡ con

Cha mẹ khuyên con cái cần kết bạn với người biết giúp đỡ mình, đó mới là bạn bè thật sự. Cho dù bạn gặp phải tình cảnh nào, bạn bè cũng luôn vô tư giúp đỡ bạn. Nhưng trong cuộc sống, những người như vậy không nhiều, có thể gặp được một người bạn như vậy là một điều thật sự may mắn. Cha mẹ Do Thái dạy trẻ cần biết đối xử chân thành với bạn bè, để giữ gìn tình bạn bền lâu. Vì khi có những người bạn tốt, bạn sẽ luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Người Do Thái cảm nhận sâu sắc tầm quan trọng của bạn bè, vì thế họ rất coi trọng tình bạn và luôn dạy trẻ biết cách kết giao với bạn tốt, trân trọng tình bạn. Người bạn chân chính sẽ giúp ích cho sự trưởng thành của trẻ. Các bậc cha mẹ có thể học cách dạy con của Do Thái, để giúp con tìm được những người bạn đích thực.

Dù vật có tốt thế nào con cũng không ép buộc người khác

Cô bé Tina rất vui vì bố mới mua cho em một chú cún con. Từ nhỏ, Tina đã rất yêu quý các con vật nhỏ. Vì thế từ khi có chú cún này, em chủ động nhận trách nhiệm chăm sóc nó. Em còn đặt cho chú cún cái tên rất đáng yêu - Poker.

Hôm đó, Tina ăn cơm trưa xong và bắt đầu cho Poker ăn. Bữa trưa của Poker là món canh cá tươi do mẹ nấu, món canh cá có mùi vị thơm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. "Chú mày nhất định sẽ thích ăn đấy", Tina bưng bát canh đến trước mặt Poker nói với nó. Quả nhiên, Poker ngửi thấy mùi canh cá liền vội vàng ăn ngấu nghiến. Vừa ăn Poker vừa vẫy đuôi dường như muốn cảm ơn cô chủ nhỏ đã chuẩn bị bữa ăn ngon cho mình. Tina nhìn thấy bát canh cá sạch bong, trong lòng vô cùng vui sướng, vội vàng chạy vào bếp bưng nồi canh cá ra định cho Poker ăn tiếp. Poker đang nằm ve vẩy đuổi, hưởng thụ cảm giác thoải mái sau bữa ăn ngon, thì ngửi thấy mùi canh cá, nó cảnh giác lắc lư đầu, tìm nơi phát ra mùi vị đó. Khi Poker nhìn thấy Tina lại mang canh cá ra, Poker nằm im không nhúc nhích. Tina bưng nồi canh đến trước mặt Poker, nhưng nó chỉ đưa mắt nhìn, không muốn ăn nữa. Tina liền dúi đầu nó vào nồi canh, bắt nó ăn.

Buổi chiều, Tina thấy Poker cứ lăn qua lộn lại, rồi đột nhiên nôn ra đầy nhà. Hóa ra, vì buổi trưa Poker ăn quá nhiều, không thể chịu đựng được, nên nó mới nôn như vậy. Mẹ biết chuyện, nói với Tina: "Con xem, đồ ăn ngon bao nhiêu cũng cần ăn có giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó sẽ có kết quả ngược lại". Tina xấu hổ cúi đầu không nói gì.

Cô bé Tina trong ví dụ trên ép chú chó của mình ăn thật nhiều đồ ngon, cuối cùng đã gây hại cho chú chó. Có thể thấy, dù vật có tốt thế nào cũng không nên bắt ép cho người khác, vì như vậy sẽ mang lại hậu quả không mong muốn. Trong quá trình giao tiếp, người Do Thái rất coi trọng ý kiến của người khác, không áp đặt họ theo suy nghĩ của bản thân. Người Do Thái cho rằng, chỉ khi tôn trọng ý kiến của người khác, mới có thể được họ tôn trọng và đồng tình, từ đó mới có được tình bạn thật sự. Mặt khác, khi tôn trọng lựa chọn của người khác, mới có thể phát hiện ra hứng thú và sở trường của bản thân, giúp cho bản thân trưởng thành và phát triển. Edison rất giỏi sáng tạo, vì thế ông đã chọn nghề phát minh; Albert Einstein rất giỏi tư duy logic, vì thế ông chọn ngành vật lí. Có thể thấy tôn trọng sự chọn lựa của mỗi người để họ tự do thể hiện mới giúp họ phát huy được tiềm năng một cách tốt nhất.

Không áp đặt suy nghĩ của mình với người khác chính là sự tôn trọng họ. Nhiều bậc cha mẹ vì không thực hiện được lí tưởng của mình nên cảm thấy hối tiếc, họ cố gắng áp đặt lí tưởng đó cho con, hi vọng con có thể thực hiện được những việc mà bản thân chưa hoàn thành. Cách suy nghĩ như vậy của cha mẹ vô tình tước đi sở thích của trẻ, đi ngược lại với sự phát triển tự nhiên, không tôn trọng ý nguyện của trẻ. Với cách giáo dục như vậy, con cái sẽ rất khó thành công. Cha mẹ Do Thái không bao giờ ép buộc con cái, họ luôn quan sát tỉ mỉ sở thích của con cái, kích thích hứng thú của con, giúp con phát triển sở trường từ đó có những lựa chọn thích hợp.

Trong học tập, cha mẹ Do Thái rất tôn trọng ý nguyện của con. Trong cuộc sống, họ cũng khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. Cách làm này giúp trẻ biết tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu suy nghĩ của người khác. Cha mẹ Do Thái dạy trẻ tôn trọng ý kiến của người khác thông qua hai phương diện: Học cách hiểu người khác khi giao tiếp và tôn trọng quyết định của họ.

❃ Hiểu người khác khi giao tiếp

Trong giao tiếp, nếu thiếu sự hiểu biết hoặc suy nghĩ sai lệch, chúng ta rất dễ mắc sai lầm, điều đó gây trở ngại cho việc giao tiếp. Giống như bé Tina trong ví dụ trên, cô bé vốn có ý tốt muốn chú chó của mình ăn nhiều, nhưng cuối cùng lại làm nó khó chịu và nôn ra. Cha mẹ Do Thái dạy con cái rằng, trong cuộc sống cần học cách đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ vấn đề. Khi giao tiếp với người khác, cần thay đổi góc nhìn để suy nghĩ mới có thể hiểu được của người khác, như vậy mới có thể tôn trọng ý kiến của họ. Nếu làm được như vậy, những hiểu lầm, bất đồng trong giao tiếp sẽ được hóa giải, những bất mãn cá nhân sẽ chuyển thành sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau.

❃ Tôn trọng quyết định của người khác

Cha mẹ Do Thái dạy trẻ khi giao tiếp với người khác, cần tuân theo nguyên tắc "tôn trọng, không ép buộc", ứng xử khéo léo, thân thiện với mọi người". Như vậy, mới được người khác tôn trọng và xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện. Trong cuộc sống, khi quan điểm của trẻ và người khác, cha mẹ Do Thái dạy trẻ không nên nói năng gay gắt, mà cần học cách bình tĩnh chấp nhận quan điểm của người đó. Vì mỗi người đều có những điểm khác biệt về thái độ sống và cách nhìn nhận sự vật, do vậy, lựa chọn và quan điểm của mọi người không giống nhau là điều rất bình thường, trẻ cần học cách tôn trọng lựa chọn của người khác. Cha mẹ nói với trẻ, nếu ép buộc người khác làm theo ý mình thì sẽ vô tình cô lập bản thân hoặc gây phản cảm cho người khác, từ đó làm hỏng mối quan hệ giao tiếp. Vì thế cần học cách tôn trọng và chấp nhận ý kiến của người khác, hình thành thái độ khiêm tốn hài hòa, đó là điều không thể thiếu được trong giao tiếp.

Tôn trọng ý kiến và lựa chọn của người khác giúp trẻ cải thiện mối quan hệ, từ đó tạo mối quan hệ giao lưu gắn bó. Qua việc không ép buộc người khác làm theo ý mình, cha mẹ bồi dưỡng thái độ khoan dung và tính cách cởi mở cho trẻ, điều này có tác dụng lớn trong việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức và tính cách cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng thói quen biết tôn trọng người khác cho trẻ.

► Cha mẹ Do Thái:

QUAN NIỆM GIÁO DỤC CỦA CHÚNG TÔI CÓ SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN NHẤT

Con yêu, chúng ta vui vẻ chấp nhận con

Vào một ngày cuối tuần đẹp trời, nhà Albert Einstein có tổ chức một bữa tiệc. Hôm nay, vườn hoa sau nhà của Albert Einstein rất náo nhiệt, đám trẻ con không ngừng chạy qua chạy lại, đuổi theo những chú bướm đang bay lượn, chúng gọi nhau í ới. Ở phía xa có một cậu bé ngồi một mình cạnh vườn hoa, cậu nhìn đàn kiến dưới đất bò qua bò lại. Tiếng ồn ào bên ngoài dường như không ảnh hưởng tới cậu. Cậu bé đó chính là nhà vật lí học có ảnh hưởng lớn đến thế giới sau này - Albert Einstein.

Một người hàng xóm nhìn thấy Einstein liền nói với mẹ cậu: "Einstein đang làm gì vậy? Sao cậu bé không chơi cùng với lũ trẻ?".

Người mẹ hiền từ nhìn con nói: "Nó đang nghĩ đấy".

Người hàng xóm lo lắng hỏi: "Tôi thấy Einstein thường xuyên ngồi một mình, rất ít nói, hình như phát triển chậm hơn những đứa trẻ khác. Anh chị không thấy lo lắng sao?".

Người mẹ quay đầu lại, mỉm cười nhìn người hàng xóm, nghiêm túc nói: "Con trai nhà chúng tôi rất bình thường, chỉ là nó khá trầm tính, đó là vì nó đang suy nghĩ. Có một ngày, nó sẽ trở thành một giáo sư nổi tiếng".

Sự tin tưởng của bố mẹ với Einstein giúp cậu trưởng thành theo cách của mình, đồng thời trở thành nhà vật lí vĩ đại nhất thế giới.

Sự trưởng thành của Einstein nói với chúng ta rằng, mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm riêng, có sở trường và cũng có sở đoản. Do vậy, cha mẹ cần hiểu và tin tưởng trẻ, dù trẻ là người bình thường hay là thiên tài, là hoàn mĩ hay khiếm khuyết. Cha mẹ đều cần tìm hiểu ưu điểm, sở trường của trẻ. Từ đó, cho trẻ nền giáo dục tốt, giúp trẻ thành tài. Cha mẹ Do Thái cho rằng, mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, cha mẹ nên thuận theo tính cách đó mà bồi dưỡng, không nên chờ đợi trẻ trở thành thiên tài. Cha mẹ cần học cách khoan dung để nhìn nhận sự khác biệt ở mỗi đứa trẻ, chấp nhận tất cả con người trẻ.

Văn hóa Do Thái đã từng lưu truyền câu: "Nếu con của bạn có tài nghệ làm thợ bánh mì, thì đừng ép buộc con làm bác sĩ". Vì thế, khi giáo dục con cái, đầu tiên, cha mẹ cần chấp nhận đặc trưng riêng của con. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã vô cùng đặc biệt. Chúng có một sức mạnh tiềm ẩn. Nếu cha mẹ bắt ép trẻ làm theo ý nguyện của mình, sẽ vô tình phá hoại sức mạnh tiềm ẩn ấy. Do đó, các bậc cha mẹ Do Thái đều tôn trọng tính cách độc lập và cá tính khác biệt của con, chấp nhận tất cả ưu khuyết điểm của con.

Người Do Thái cho rằng, giáo dục trẻ không phải là bồi dưỡng thiên tài, mà là để trẻ sống bằng chính con người mình. Mỗi đứa trẻ đều có thiên phú riêng, đều vô cùng đặc biệt. Vì vậy cha mẹ cần có phương pháp giáo dục thích hợp để trẻ phát huy tài năng tiềm ẩn của mình. Chúng ta có thể học cách người Do Thái dạy con về phương diện này như sau:

❃ Bày tỏ thái độ của mình với con

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường xuyên thể hiện sự tin tưởng với trẻ. Cho dù trẻ đang trong tâm trạng như thế nào, cha mẹ đều đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ, chứ không đứng ở góc độ của mình để trách mắng trẻ. Cha mẹ Do Thái rất kiên nhẫn với con cái, thường dùng lời lẽ dễ hiểu để bày tỏ sự tin tưởng, hài lòng của mình với con qua những buổi trò chuyện, từ đó, giúp trẻ tăng thêm sự tự tin và phát huy được tiềm năng vốn có.

❃ Bình thản chấp nhận thất bại và khuyết điểm của con

Trong quan niệm của cha mẹ Do Thái, trẻ thất bại và phạm lỗi là điều bình thường. Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và khả năng tự ý thức và xử lý tình huống nên khó tránh khỏi thiếu sót và phạm lỗi. Khi đối diện với thất bại và lỗi lầm của con cái, cha mẹ Do Thái thường chọn thái độ khoan dung độ lượng với con, chấp nhận khuyết điểm và yếu kém của con, cổ vũ con tìm cách khắc phục. Họ hiểu rằng chỉ có bao dung và vị tha mới giúp trẻ giải tỏa được nỗi sợ hãi, xóa bỏ cảm giác phạm lỗi, giúp trẻ vượt qua thất bại và bước đến thành công.

❃ Chấp nhận không có nghĩa là dung túng

Cha mẹ chấp nhận sự khác biệt tính cách, ưu điểm, khuyết điểm của con cái không có nghĩa là dung túng cho trẻ. Trong quan niệm của người Do Thái, trẻ có thể phạm lỗi, làm sai, nhưng không thể làm những việc tổn hại đến bản thân và người khác. Cha mẹ có thái độ bình tĩnh chấp nhận những khuyết điểm của trẻ, nhưng khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ dùng những biện pháp giáo dục nghiêm khắc. Cách làm này của cha mẹ nói với trẻ rằng, cha mẹ luôn yêu thương, khoan dung với trẻ, nhưng cũng cần có nguyên tắc. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ hành động đúng đắn.

Yêu trẻ chính là chấp nhận trẻ. Điều này sẽ mang lại cảm giác an toàn và tự tin cho trẻ, để trẻ có được sức mạnh to lớn. Ngoài ra, sự khẳng định của cha mẹ cũng giúp trẻ học cách chấp nhận người khác. Từ đó, giúp trẻ có một trái tim khoan dung, rộng lượng.

Tất cả sự giáo dục đều là vì tương lai của con

Theodore von Kármán sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hungari. Khi cậu 6 tuổi, anh trai phát hiện ra tài năng của cậu, liền chạy đến nói với cha: "Cha ơi, Kármán có thể lập tức nói ra kết quả phép nhân ba số với nhau. Chúng ta hãy đưa em đến chỗ đông người biểu diễn, sau đó thu phí xem biểu diễn của họ".

"Không, cha không thể làm vậy với em con". Người cha từ chối.

"Tại sao? Tài năng này của em chắc chắn sẽ khiến nhiều người kinh ngạc, chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền". Người anh tiếp tục thuyết phục cha.

"Em con chỉ thông minh một chút thôi, nếu em con cứ sống trong sự ca tụng, sẽ không bao giờ học được cái mới nữa, cuối cùng chỉ có thể biến thành kẻ hiểu biết nửa vời, không có được thành công gì cả". Cha nói với cậu con trai cả.

Ngày hôm sau, cha dẫn Kármán đến nhà một tiến sĩ nọ theo học địa lí, lịch sử, văn học, đồng thời nói với Kármán, không được chơi trò chơi toán học nữa. Khi Kármán hơn 20 tuổi, cha mới cho phép cậu học lại toán học.

Nhiều năm sau, Kármán trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành hàng không. Điều đáng quý là ông có một tinh thần nhân văn sâu sắc, mà sự giáo dục này đều được lĩnh hội từ cha ông.

Người Do Thái có cách giáo dục đặc biệt với con cái. Từ nhỏ họ đã dạy con rèn luyện tính độc lập, tự suy nghĩ, không ngừng học hỏi, để chuẩn bị cho sự phát triển tương lai sau này. Giống như cha của Kármán, ông đã mời rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến dạy cho con, điều này rất thường gặp ở gia đình Do Thái. Họ luôn coi trọng giáo dục, thông qua giáo dục bồi dưỡng tài năng cho trẻ, giúp trẻ có một tương lai thành công.

Sự coi trọng giáo dục và cách thức giáo dục con cái của cha mẹ Do Thái giúp cho trẻ từ nhỏ đã có kiến thức phong phú, vốn hiểu biết sâu rộng. Những điều này đều giúp ích cho trẻ, trẻ sẽ đạt được những thành công trong tương lai. Sigmund Freud, Albert Einstein, Pablo Ruiz Picasso... đều là những vĩ nhân có cống hiến lớn cho thế giới, tất cả họ đều xuất thân trong gia đình Do Thái. Dưới đây, chúng ta hãy cùng xem người Do Thái có cách dạy con đặc biệt như thế nào.

❃ Dạy trẻ học cách độc lập

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt coi trọng khả năng độc lập của trẻ. Họ không chỉ giao cho con làm việc nhà để nâng cao tính tự lập cho con, mà còn tận dụng cơ hội dạy con ý thức độc lập. Ví dụ, khi trẻ thử tự mặc quần áo, cha mẹ Do Thái sẽ hướng dẫn và cổ vũ trẻ. Mục đích là để trẻ qua sự cố gắng của mình, hiểu được tầm quan trọng của tính độc lập, từ đó không dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ.

Đặc biệt, người Do Thái cho rằng, để trẻ thực sự học được cách độc lập, trước tiên cần tôn trọng trẻ. Vì thế, thông thường, cha mẹ sẽ để ý đến suy nghĩ của trẻ trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì đó. Cha mẹ thường tôn trọng lựa chọn của trẻ, tích cực cổ vũ trẻ dựa vào khả năng của bản thân.

❃ Coi trọng suy nghĩ và tài năng của trẻ

Mọi người đều biết, người Do Thái không chỉ chú trọng đến kiến thức đã học, mà còn chú trọng đến tài năng thiên bẩm. Cha mẹ đã dạy trẻ từ nhỏ cần kết hợp kiến thức với tài năng, như vậy trẻ mới có thể đạt được thành công. Nếu chỉ có kiến thức mà không có tài năng thì chỉ là kiến thức rỗng, khó phát huy được giá trị đích thực. Ngoài ra, họ còn coi trọng sự sáng tạo. Cha mẹ luôn cổ vũ trẻ khi học tập, cần học cách suy nghĩ, dũng cảm nghi ngờ và đặt câu hỏi, đưa ra quan điểm của bản thân. Cha mẹ Do Thái cho rằng suy nghĩ là chìa khóa của trí tuệ, dũng cảm suy nghĩ và đặt câu hỏi mới biết được chân lí, còn việc học tập mà không suy nghĩ chỉ là sự bắt chước máy móc.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt chú ý đến việc trò chuyện với trẻ, trả lời những thắc mắc, băn khoăn của trẻ, để từ nhỏ trẻ đã được cha mẹ hướng dẫn. Trong quá trình nói chuyện, cha mẹ sẽ rèn luyện khả năng biểu đạt và khả năng logic cho trẻ. Đây là nguyên nhân giúp người Do Thái có tư duy biểu đạt và giao tiếp ấn tượng.

Phương pháp dạy dỗ đặc biệt của người Do Thái là chuẩn bị tâm lí và rèn luyện phẩm chất cho con đối mặt với những khó khăn trong tương lai. Từ nhỏ trẻ đã được dạy rằng, cho dù xã hội có thay đổi thế nào, cuộc sống có tàn khốc ra sao, thì nơi đáng tin cậy nhất chính là bản thân mình. Chỉ có không ngừng phấn đấu và rèn luyện, con mới có thể vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm tiến lên. Vì sự thành công trong tương lai của trẻ, cha mẹ nên học theo người Do Thái, dạy dỗ con cái vì tương lai của chúng.

Phát triển tiềm năng cho trẻ càng sớm càng tốt

Szpilman là một cậu bé Do Thái vừa tròn 4 tuổi. Cha luôn khen ngợi cậu là một cao thủ đánh cờ và thường xuyên chơi cùng cậu.

Hôm nay, hai cha con lại thi đấu trên bàn cờ, cha đi một bước xong, cười ha ha nói với Szpilman: "Szpilman, đến lượt con rồi".

"Cha, đừng giục, con đang nghĩ nên đi thế nào". Szpilman nhăn mặt, mắt nhìn chăm chú vào bàn cờ.

"Con trai, cha không giục con, con cứ từ từ suy nghĩ, cha đang đợi con đi nước cờ có thể đánh bại cha". Cha thẳng thắn nói.

Một lúc sau, Szpilman vẫn dán mắt vào bàn cờ, giọng chùng xuống: "Cha ơi, nước đi này khó quá, con không thể nghĩ ra được".

"Szpilman, không nên sốt ruột, con cứ suy nghĩ đi, thật cẩn thận nhé! Cha tin con, con nhất định sẽ nghĩ ra nước cờ hay". Cha cổ vũ con trai như mọi lần.

Szpilman tập trung suy nghĩ, mắt cậu bỗng sáng lên, vỗ tay cái đét và hào hứng nói với cha: "Ha ha, cha ơi, cuối cùng con đã nghĩ ra nước cờ hay rồi. Lần này, cha thua chắc rồi".

Người cha nhìn vẻ phấn khởi của con trai, cười rạng rỡ.

Cha mẹ Do Thái đều giống như cha của Szpilman, coi trọng sự phát triển tiềm năng và bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con cái. Họ cho rằng, giáo dục con sớm có thể phát triển tiềm năng cho con, đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công trong tương lai của con. Vì thế ngay từ nhỏ, trẻ em Do Thái đã được cha mẹ chú ý bồi dưỡng.

Ở Israel, chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cha mẹ giáo dục trẻ từ nhỏ. Với mục đích phát triển khả năng của trẻ ở mọi phương diện, từ 2 tuổi trẻ đã bắt đầu được bồi dưỡng khả năng biểu đạt, khả năng vận động... trẻ 3-4 tuổi bắt đầu tiếp nhận giáo dục kiến thức có hệ thống, trẻ 5 tuổi bắt đầu học kĩ năng cơ bản, được bồi dưỡng khả năng sáng tạo, khả năng nhận biết các vấn đề xã hội. Những bài học trước tuổi đến trường này đều được hướng dẫn và giám sát nghiêm túc, đảm bảo đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển tài năng của trẻ. Theo thống kê, tỉ lệ trẻ đi học trước 6 tuổi ở Israel đang đứng đầu thế giới. Cách giáo dục khoa học này đã bồi dưỡng trẻ có thói quen học tập tốt, giúp trẻ phát huy tiềm năng của bản thân.

Nhà giáo dục người Do Thái - Bawe đã đánh giá việc giáo dục trẻ từ nhỏ như sau: "Trong cuộc đời con người không có giai đoạn nào quan trọng hơn giáo dục mầm non, chúng ta phải trăm phương nghìn cách để phát huy tối đa trí tuệ, khả năng của trẻ". Cha mẹ Do Thái cho rằng, trẻ sinh ra đã là thiên tài. Phương pháp giáo dục đúng đắn của cha mẹ sẽ giúp trẻ phát huy tiềm năng của mình. Do vậy, trong gia đình Do Thái, cha mẹ luôn coi trọng việc giáo dục con cái từ nhỏ. Họ đã dùng các cách khác nhau để phát huy tối đa tiềm năng của con.

❃ Tầm quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ từ nhỏ

Ngôn ngữ là công cụ giúp con người giao tiếp và học tập. Khoa học đã chứng minh rằng: Trẻ 6 tháng đã bắt đầu hiểu được lời nói, âm thanh, hơn nữa còn đặc biệt chú ý đến giọng nói của mọi người và những âm thanh xung quanh. Có thể thấy, giáo dục ngôn ngữ cho trẻ từ nhỏ là điều rất quan trọng.

Cha mẹ Do Thái vì muốn phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ từ nhỏ nên đã cùng nhau giúp đỡ con. Ví dụ, khi con chưa biết nói, bố mẹ thường là người hay trò chuyện với con những câu đơn giản như: "Con ơi, mặt trời thức dậy rồi, con cũng nên dậy đi thôi". Những lời như vậy sẽ kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ. Sau khi trẻ biết nói, cha mẹ Do Thái sẽ trở thành một người "biết tuốt", thường xuyên giải đáp tất cả mọi thắc mắc của trẻ, kích thích hứng thú học tập và tìm hiểu kiến thức xung quanh cho trẻ. Tóm lại, việc bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ cho trẻ từ nhỏ, sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

❃ Rèn luyện khả năng ghi nhớ, phát triển tiềm năng trí tuệ

Đối với trẻ, từ 0-5 tuổi là thời kỳ đại não phát triển mạnh nhất. Giai đoạn này các tế bào thần kinh bị phân tán có xu hướng kết hợp lại thành mạng lưới thần kinh ổn định, do vậy, trẻ tiếp nhận kiến thức rất nhanh. Qua việc đọc và học thuộc lòng giúp khả năng ghi nhớ của trẻ phát triển, từ đó thúc đẩy đại não phát triển nhanh hơn. Ở gia đình Do Thái, trẻ đều được giáo dục theo phương pháp này. Từ nhỏ, trẻ đã được dạy những bài học giống như những bài hát, có âm vần luật điệu, dễ thuộc, dễ nhớ.

Dân tộc Do Thái là một dân tộc có trí tuệ. Những năm qua, người Do Thái đạt giải Nobel vẫn chiếm tỉ lệ cao. Điều này khiến cho mọi người trên toàn thế giới phải công nhận trí tuệ cao siêu của họ. Những thành công này một phần do yếu tố di truyền của dân tộc Do Thái một phần do hiệu quả phương pháp giáo dục trẻ từ nhỏ mang lại. Phát triển tiềm năng trí tuệ cho trẻ từ nhỏ giúp trẻ nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống và đặt cơ sở vững chắc cho thành công sau này.

Quan niệm lui lại thời gian hưởng thụ

Trong một lớp học, trên bàn của cô giáo để một gói kẹo to. Cô giáo trẻ tuổi chỉ vào gói kẹo và nói với các học sinh: "Số kẹo này đều là của các em. Nhưng hôm nay cô không phát hết số kẹo đó cho mỗi em, mỗi ngày cô chỉ phát tặng cho các em một cái, và bắt đầu từ ngày hôm sau, khi đến lớp, bạn nào có bao nhiêu kẹo thì cô sẽ phát thêm cho bạn đó số kẹo bằng như thế. Nếu bạn không có chiếc kẹo nào, cô cũng không cho bạn đó kẹo, các em hiểu chưa?". Lũ trẻ gật đầu.

Nói xong, cô giáo bắt đầu đi phát kẹo cho từng học sinh. Có bạn vội vã bóc kẹo, định ăn nhưng chợt dừng lại vì nghĩ đến lời của cô. Ngày đầu tiên, lũ trẻ không ăn hết kẹo. Ngày hôm sau, cô giáo khen ngợi chúng, đồng thời phát cho mỗi em học sinh một chiếc nữa. Ngày thứ ba, khi nhìn vào tay của các em, cô giáo đã thấy số lượng kẹo của mỗi em khác nhau, đa số trong tay của các bạn có hai chiếc kẹo, nhưng cũng có một số em chỉ còn một chiếc. Theo quy định, cô phát 2 chiếc kẹo cho em còn 2 chiếc kẹo và phát 1 chiếc cho em chỉ còn 1 chiếc kẹo.

Mấy ngày sau đó, số lượng kẹo trong tay các em đã có sự khác biệt lớn. Mỗi ngày, cô vẫn tuân theo quy tắc phát kẹo ban đầu. Một tuần trôi qua, khi cô giáo kiểm tra số lượng kẹo trong tay các em, những em dân tộc Do Thái đều giữ kẹo lại, chẳng ăn chiếc nào. Còn kẹo của các bạn nhỏ khác đều có số lượng khác nhau. Cuối cùng, cô giáo khen ngợi các bạn nhỏ vẫn giữ được số kẹo như ban đầu. Đó là những bạn có lòng kiên nhẫn và nghị lực lớn.

Trong gia đình Do Thái, lui lại thời gian hưởng thụ là điều quan trọng khi cha mẹ giáo dục con cái. Lui lại hưởng thụ là lựa chọn thời gian thỏa mãn của bản thân một cách hợp lí, để có được kết quả tốt hơn và sự hưởng thụ lớn hơn. Giống như những đứa trẻ Do Thái trong ví dụ trên, chúng tạm thời chịu đựng cơn thèm ăn kẹo của mình, để sau đó có nhiều kẹo hơn. Kéo lui thời gian hưởng thụ là quan niệm đúng đắn của người Do Thái khi dạy con, cũng là bí mật lớn nhất để người Do Thái gặt hái được thành công.

Người Do Thái thường xuyên giáo dục trẻ kéo lui thời gian hưởng thụ. Cha mẹ luôn nói với con rằng, nếu con thích chơi, con cần tự sắp xếp thời gian để chơi, chỉ cần con đạt được thành tích học tập xuất sắc. Sau khi con đã lớn, tìm được công việc tốt, kiếm được nhiều tiền, con sẽ có thời gian tự do, lúc đó có thể chơi được. Nếu con làm ngược lại quá trình này, từ nhỏ đã chơi bời, con sẽ không học tốt, và con chỉ có thể nhận được một công việc bình thường, không kiếm được nhiều tiền và có ít thời gian tự do, thậm chí không có thời gian rảnh rỗi. Như vậy, con phải làm việc nỗ lực cả đời, không có thời gian nghỉ ngơi, không có niềm vui, không thể chơi bời. Đó là thái độ và cách nghĩ cơ bản khi muốn kéo dài sự hưởng thụ của người Do Thái.

Quan niệm lui hưởng thụ của người Do Thái giúp trẻ từ nhỏ đã học cách nhẫn nại. Những thứ mà con người muốn có không phải với tay là có được, mà đều cần chăm chỉ, cố gắng trong một thời gian dài. Kéo lui thời gian hưởng thụ có thể giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng chịu áp lực tâm lý. Từ đó, giúp trẻ tôi luyện phẩm chất kiên cường vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều này vô cùng quan trọng đối với sự thành công sau này của trẻ. Nhiều người Do Thái đã thành công đều lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, điều này hẳn phụ thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ Do Thái đối với trẻ. Cách giáo dục này bao gồm hai phương diện.

❃ Nắm bắt thời gian hợp lí

Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã có ý thức dạy trẻ biết kéo lui thời gian hưởng thụ. Khi được 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu có ý thức, trẻ có thể nghe hiểu từ "đợi", cha mẹ cũng có ý thức để trẻ trải nghiệm hàm nghĩa của việc kéo dài thời gian đáp ứng nhu cầu của trẻ. Thông thường, nhanh nhất là vài phút, lâu nhất là quá hai ngày. Khả năng tri giác của trẻ 3 tuổi từng bước phát triển, lúc này, cha mẹ cần kéo dài một cách thích hợp thời gian khi thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Khi trẻ càng lớn, thời gian cha mẹ kéo dài việc đáp ứng nhu cầu của trẻ càng lâu. Nhưng khi còn nhỏ, lúc cha mẹ kéo dài việc đáp ứng nhu cầu của trẻ, cần nghiêm túc nói với trẻ lí do, giảng giải cho trẻ hiểu, đến khi trẻ chấp nhận mới thôi.

❃ Bình tĩnh đối xử với trẻ

Khi trẻ vừa tiếp nhận cách giáo dục kéo lui thời gian hưởng thụ, có trẻ sẽ gào khóc vì yêu cầu của mình không thể đáp ứng ngay, lúc này cha mẹ Do Thái sẽ bình tĩnh và kiên nhẫn giáo dục trẻ. Thời gian kéo dài này đòi hỏi trẻ có tâm lí ổn định. Nhưng nếu trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng này, cha mẹ có thể giám sát trẻ, giúp trẻ chờ đợi thời gian. Khi trẻ lớn một chút, cha mẹ để trẻ tự giám sát mình, tự rèn luyện sự nhẫn nại. Khi trẻ đã biết kiên nhẫn chờ đợi, cha mẹ nên kịp thời khen ngợi, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ.

Kéo lui thời gian hưởng thụ là một trong những biện pháp quan trọng mà cha mẹ Do Thái dạy con cái. Qua cách giáo dục cha mẹ đã bồi dưỡng cho trẻ nghị lực và ý chí giúp trẻ bình tĩnh, dũng cảm khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, từ đó phát huy tốt nhất ưu điểm của mình.

Con có thế mạnh, cần tiếp tục phát huy

Sau khi tan học, Picasso mặt mày ủ rũ bước về nhà. Cha đang viết thư, nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của con trai liền hỏi: "Con trai, hình như con không vui, có chuyện gì xảy ra vậy?".

Picasso lặng lẽ bước đến trước bàn của cha, ngồi đối diện với cha, cúi đầu buồn rầu nói: "Cha ơi, hôm nay thầy giáo dạy toán phê bình con".

Cha nhẹ nhàng hỏi: "Tại sao thầy lại phê bình con?".

Picasso ủ rũ nói: "Vì thầy giáo hỏi 2+3 bằng mấy, con không trả lời được ạ". Nói xong, Picasso hỏi cha: "Cha ơi, có phải con rất ngốc không?".

Cha Picasso chỉ vào bức tranh treo trên tường nói: "Con ngốc làm sao có thể vẽ được bức tranh đẹp thế này được. Đừng quên, hàng xóm nhà chúng ta đều khen con là thiên tài vẽ tranh đấy".

Picasso nghe cha nói xong thì vui mừng ra mặt. Cha cầm chiếc bút trên bàn, đưa cho Picasso, xoa đầu con trai rồi nói: "Con trai, con thích vẽ tranh thì hãy kiên trì nhé, không nên để ý đến những việc khác". Picasso nhận lấy bút của cha, vui vẻ chạy đi vẽ tranh.

Picasso cứ kiên trì vẽ tranh, cuối cùng trở thành họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Từ trải nghiệm của Picasso, chúng ta có thể thấy, cha mẹ cần hiểu và giúp con phát huy những ưu điểm, sở trường của mình. Khi trẻ biểu hiện kém ở mặt nào đó cha mẹ không nên buồn bã, mà cần biết khai thác và phát huy sở trường của trẻ, giúp trẻ tìm lại sự tự tin và trưởng thành khỏe mạnh. Trong tác phẩm kinh điển của người Do Thái "Talmud", có một đoạn liên quan đến cách giáo dục trẻ đó là, "Giáo dục trẻ trong học tập cần kiên trì, không bỏ dở giữa chừng. Cha mẹ cần phát huy sở trường của trẻ, giảm khuyết điểm của trẻ". Ý nghĩa của câu nói chính là cha mẹ hãy khen ngợi ưu điểm của con, bao dung với những khuyết điểm của con.

Trong mắt của người Do Thái, trình độ thiên phú và ưu điểm của trẻ em cũng khác nhau. Đối với những nhược điểm của trẻ, nếu cha mẹ không để ý, cứ luôn trách mắng trẻ, thậm chí muốn bắt ép trẻ học nhiều để bù đắp những khuyết điểm đó, có thể gây tổn thương cho trẻ. Khi trẻ bị người khác cười nhạo về những khuyết điểm của mình, cha mẹ nên an ủi và động viên trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần cổ vũ trẻ dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình, phát huy sở trường, tích cực đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

Napoleon đã từng nói: "Trên đời không có đồ bỏ, chỉ có để nhầm chỗ mà thôi". Mỗi đứa trẻ đều có sở trường của mình, cha mẹ cần giúp đỡ trẻ phát huy sở trường đó. Trẻ em Do Thái từ nhỏ đã được học những kiến thức sâu rộng, như thiên văn, địa lí, lịch sử, vật lí, toán học... Qua đó, cha mẹ sớm phát hiện hứng thú và sở trường của trẻ, từ đó khai thác tiềm năng của trẻ. Thậm chí, nhiều sinh viên sau khi lên đại học đều chuyển sang chuyên ngành khác, tình trạng này rất phổ biến ở xã hội Do Thái và mọi người coi đó là điều bình thường. Bởi lẽ, qua việc so sánh những nghề nghiệp khác nhau, trẻ mới phát hiện hứng thú và sở trường, từ đó tìm hướng học tập riêng cho mình, như vậy mới có thể gặt hái được thành tựu to lớn. Có thể thấy trong dân tộc Do Thái, cha mẹ luôn chú ý đến việc phát triển điểm mạnh của con cái. Dưới đây là một vài phương pháp mà cha mẹ thường dùng khi bồi dưỡng sở trường cho con.

❃ Nắm bắt hứng thú của trẻ

Hứng thú là liều thuốc kích thích trẻ học tập, nhưng hứng thú của trẻ lúc nhỏ thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, điều này cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Nếu cha mẹ biết nhưng để sở thích của trẻ phát triển tự do, sở thích đó sẽ phát triển rất nhanh, nhưng nếu cha mẹ ép buộc trẻ, trẻ sẽ nảy sinh tâm lí chống đối. Có nghĩa là, đối với sở thích của trẻ, cha mẹ phát hiện và ủng hộ kịp thời sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Cha mẹ cần kịp thời nắm bắt tâm lý, cho trẻ sự giúp đỡ thích hợp, để hứng thú của trẻ được phát triển. Do đó, cha mẹ Do Thái luôn cố gắng tạo cho trẻ nhiều cơ hội, để trẻ được học các kiến thức khác nhau, bồi dưỡng sở trường của mình.

❃ Bồi dưỡng đức tính chăm chỉ cho trẻ

Người Do Thái thường tâm niệm rằng, học hành không được bỏ dở giữa chừng. Vì họ biết, một người không có mục đích rõ ràng hoặc thiếu kiến thức, sẽ không thể nào cạnh tranh được trong xã hội khốc liệt, và khi học bất cứ kiến thức nào cũng cần có sự chăm chỉ. Qua việc học tập chăm chỉ, họ không chỉ đạt được mục đích của mình, mà còn có thể phát huy được tiềm năng của bản thân, từ đó đạt được những thành công lớn.

Mỗi vĩ nhân đều có những niềm đam mê và phải trải qua sự học hành chăm chỉ mới có thể đạt được thành công. Vì thế, cha mẹ cần biết phát hiện sở thích, niềm đam mê của con cái, cổ vũ con kiên trì theo đuổi niềm đam mê đó. Thực ra, mỗi đứa trẻ đều có những tiềm năng chưa được khai phá, bố mẹ cần kiên nhẫn, giúp trẻ tìm ra sở trường và phát huy để thực hiện ước mơ, lí tưởng của mình.

Tài ăn nói chiếm một nửa thành công

Laksa là một cậu bé Do Thái 10 tuổi, từ nhỏ cậu đã đặc biệt thích đọc sách. Do vậy, cậu không chỉ có kiến thức phong phú, mà còn rất có tài ăn nói.

Có một lần, Laksa và một người bạn của mình đến trường trung học Kapha Silverton để biểu diễn văn nghệ cho các bạn học sinh, không ngờ vừa lên khán đài, cậu bạn của Laksa căng thẳng đến nỗi nói nhầm từ "trường Trung học Kapha Silverton" thành "trường Tiểu học Kapha Silverton", khiến các khán giả cười ồ lên. Trong lúc đó, Laksa bình tĩnh, nói to: "Xin chào các bạn, hôm nay tôi và người bạn của tôi rất vinh dự được biểu diễn cho trường Đại học Kapha Silverton". Câu nói của Laksa khiến cho khán giả đang cười cảm thấy vô cùng khó hiểu.

Khi mọi người đang xì xào bàn tán, Laksa liền giải thích: "Vừa nãy, người bạn của tôi bất cẩn nói trường trung học Kapha Silverton thành trường Tiểu học Kapha Silverton, hạ thấp một bậc; Bây giờ tôi lại nói trường Trung học Kapha Silverton thành trường Đại học Kapha Silverton, nâng lên một bậc, như vậy là hòa rồi nhé". Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt với tài ăn nói của Laksa, tạo phản ứng tốt cho tất cả mọi người và làm cho bài biểu diễn của họ diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn.

Thế nào các bạn? Đọc xong ví dụ trên, bạn có khâm phục tài ăn nói của Laksa không? Người Do Thái cho rằng, muốn đạt được thành công thì tư duy nhạy bén, tài ăn nói lưu loát sẽ là vũ khí sắc bén. Khi giáo dục con cái, cha mẹ cũng rất coi trọng bồi dưỡng tài ăn nói cho con. Hiệu quả giáo dục của người Do Thái thường rất cao. Vì thế trẻ em Do Thái đều có khả năng giao tiếp tốt, và đạt được nhiều thành công từ khả năng đó của mình.

Cha mẹ Do Thái khi bồi dưỡng tài ăn nói cho con cái thường tiến hành theo ba phương diện sau:

❃ Cổ vũ trẻ suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi

Chủ động đặt câu hỏi, tích cực suy nghĩ sẽ rất có lợi cho việc bồi dưỡng tài ăn nói trẻ. Bởi lẽ, trong thế giới của trẻ luôn chứa rất nhiều câu hỏi tại sao, nếu trẻ có thể dũng cảm đưa ra những câu hỏi này, đồng thời tìm đáp án, thì không chỉ làm phong phú kiến thức, mà còn rèn luyện tài ăn nói cho trẻ. Do đó, cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích trí tò mò của trẻ, hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi, tích cực suy nghĩ, và cùng trẻ tìm đáp án đúng.

Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là sự giao tiếp đầu tiên của trẻ. Do vậy, nó có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Nếu những câu hỏi của trẻ đưa ra được trả lời nghiêm túc, trẻ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng sẽ được nâng cao. Ngược lại, nếu câu hỏi của trẻ không được cha mẹ chú ý trả lời thì việc giao lưu giữa cha mẹ và con cái sẽ giảm dần, trình độ ngôn ngữ của trẻ khó được nâng cao, thậm chí còn gặp trở ngại. Do vậy, cổ vũ trẻ suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi, bồi dưỡng tài ăn nói của trẻ là điều vô cùng quan trọng.

❃ Cổ vũ trẻ biểu hiện bản thân trước nhiều người

Mặc dù không phải đứa trẻ nào cũng trở thành diễn viên, nghệ sĩ, hoặc vận động viên trong tương lai, nhưng ở môi trường thích hợp, cổ vũ trẻ lên khán đài biểu diễn là rất quan trọng. Trẻ dũng cảm thể hiện bản thân ở chốn đông người, không những tăng cường sự mạnh dạn, nâng cao sự tự tin, mà còn rèn luyện tài ăn nói cho trẻ. Vì thế, hát, kể chuyện, biểu diễn, tham gia thể thao đều là phương pháp hữu ích giúp hoàn thiện tính cách cho trẻ.

Cha mẹ Do Thái rất coi trọng cách giáo dục này. Họ thường xuyên chủ động tổ chức một số hoạt động, đồng thời chọn thời điểm thích hợp để con cái mình lên biểu diễn. Ngoài ra, đối với những hoạt động mang tính tập thể, hoặc cuộc thi đấu thể thao, cha mẹ Do Thái luôn có thái độ ủng hộ. Mục đích là để trẻ dũng cảm thể hiện bản thân trước mọi người, đồng thời rèn luyện khả năng biểu đạt ngôn ngữ cho mình.

❃ Chủ động giới thiệu thế giới rộng lớn cho trẻ

Đối với trẻ, thế giới luôn mới mẻ, đặc biệt là những sự vật lạ đều kích thích hứng thú tìm tòi của trẻ. Vì thế, kể cho trẻ nghe những sự vật, hiện tượng mới, cho trẻ cảm giác thích thú, tò mò, sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập vào với xã hội.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt chú ý giải thích cho trẻ biết những sự vật xung quanh. Họ không chỉ giảng giải cho con về trăng sao, bốn mùa, các loài động thực vật... mà ở một số trường hợp đặc biệt, cha mẹ còn kể cho trẻ nghe những kinh nghiệm của bản thân trong việc kiếm tiền nuôi gia đình như thế nào, trưởng thành ra sao. Như vậy, trẻ dần hiểu được quy luật tồn tại của thế giới. Sau khi hiểu, trẻ sẽ hòa nhập vào thế giới đó dễ dàng hơn. Khi muốn hòa nhập và có những phản ứng tích cực trong giao tiếp với mọi người, trẻ sẽ càng phát huy tốt kĩ năng ngôn ngữ của bản thân. Vì thế, việc chủ động giới thiệu thế giới xung quanh, để trẻ hiểu một số quan niệm mới mẻ, nâng cao khả năng biểu đạt ngôn ngữ cho trẻ là rất cần thiết.

Mặc dù câu nói "Im lặng là vàng" không bao giờ lỗi thời, nhưng trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, chỉ im lặng thôi không đủ, chúng ta cần có tài ăn nói lưu loát mới có thể dũng cảm bày tỏ được suy nghĩ và quan điểm của mình. Vì thế, rèn luyện ngôn ngữ là nội dung bài học mà cha mẹ cần chú ý, tài ăn nói tốt là nền tảng vững chắc để đạt được thành công.

Con phải biết thưởng thức cái đẹp

Cậu bé Hardoon cùng các bạn nhỏ người Do Thái đi thả diều về, từ xa đã nhìn thấy cha đứng ở sau vườn. Cậu đặt chiếc diều xuống, chạy như bay đến chỗ cha và hỏi to: "Cha ơi, cha đang làm gì vậy?".

Cha quay đầu lại nhìn con trai, giơ chiếc kéo trong tay lên và nói; "Cha đang tỉa cành hồng".

"Cha ơi, chúng đang mọc đẹp như vậy, tại sao cha lại dùng kéo cắt chúng đi ạ?". Hardoon thấy cây hồng đẹp đẽ bị cha cắt cho cụt ngủn, thắc mắc.

"Con ơi, hôm nay cha sẽ nói cho con biết, con cần học cách phát hiện cái đẹp, cảm nhận cái đẹp và sáng tạo cái đẹp trong cuộc sống như thế nào. Hoa hồng nếu mọc tùm lum thì khi nhìn từ xa sẽ thấy rất bình thường, không tôn lên được vẻ đẹp. Nhưng khi được cắt tỉa tỉ mỉ, chúng sẽ có hình dáng nhất định, đẹp hơn rất nhiều. Con xem những khóm hoa hồng được cha cắt tỉa có đẹp hơn trước không?". Người cha chỉ vào những khóm hoa bên phải vừa được cắt tỉa.

Hardoon nhìn kỹ những khóm hoa bên phải, sau đó lại nhìn những khóm hoa bên trái chưa được cắt tỉa, rồi phấn khích reo lên: "Cha ơi, khóm hoa bên phải đẹp hơn! Khóm hoa được cắt đúng là đẹp hơn! Cha ơi, bây giờ cha dạy con cắt tỉa hoa nhé!".

Cha đưa cho cậu chiếc kéo nhỏ, và để cậu đứng bên cạnh rồi bắt đầu dạy cậu cách cắt tỉa cây hoa.

Người Do Thái cho rằng, đa số thời gian của trẻ đều ở nhà, giáo dục khả năng thưởng thức cái đẹp cho trẻ nên bắt đầu từ gia đình. Vì thế, nhiều cha mẹ Do Thái đều giống như cha của Hardoon. Họ đã dạy trẻ cảm nhận cái đẹp bồi dưỡng tình yêu cái đẹp, từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Người Do Thái cho rằng, trên đời có những sự vật, hiện tượng được cho là đẹp, ngược lại, cũng có sự vật, hiện tượng bị coi là xấu, vì mọi thứ không phải cái nào và lúc nào cũng đẹp, cha mẹ cần dạy trẻ phân biệt chúng. Thông qua những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và những việc làm trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ Do Thái để trẻ thưởng thức và cảm nhận cái đẹp. Lúc đầu, họ để trẻ cảm nhận cái đẹp từ trong gia đình, bố trí nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và có mỹ quan. Điều này mang lại cho trẻ một vẻ đẹp hài hòa bằng thị giác, giúp ích lớn trong việc hình thành, phát triển khả năng thẩm mĩ và yêu thích thẩm mĩ của trẻ. Sau đó, cha mẹ sẽ cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, để trẻ thưởng thức những kiệt tác của tạo hóa, những công trình kiến trúc, bảo tàng... giúp trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về cái đẹp.

Người Do Thái cho rằng, bồi dưỡng cho trẻ về cảm quan thẩm mĩ không chỉ làm phong phú cuộc sống tinh thần của trẻ, bồi dưỡng tình cảm cho trẻ, mà còn kích thích trí tuệ trẻ phát triển. Vì thế, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên chú ý giáo dục khả năng thẩm mĩ cho trẻ, ngoài việc để trẻ tiếp xúc với cái đẹp, còn cho trẻ cảm nhận được cái đẹp, từ đó hướng dẫn, bồi dưỡng cảm quan thẩm mĩ cho trẻ. Nhiều người cho rằng vẻ đẹp tự nhiên tồn tại khách quan, chỉ cần có mắt, có tai là cảm nhận được. Thực ra không phải như vậy, giáo dục thẩm mĩ cho trẻ, cha mẹ cần có kiến thức nhất định. Dưới đây là một vài phương pháp mà cha mẹ Do Thái bồi dưỡng khả năng thẩm mĩ cho con cái mình.

❃ Để trẻ nhận biết vẻ đẹp bên ngoài

Thông thường, trẻ rất nhạy cảm với màu sắc. Những bông hoa có màu sắc tươi sáng hay những loài vật có bộ lông sặc sỡ đều thu hút sự chú ý của trẻ. Cha mẹ Do Thái thường dẫn trẻ đến công viên hoặc ra ngoại ô chơi, để trẻ tiếp xúc với những màu sắc tươi đẹp; Sau đó nhờ vào màu sắc của thế giới tự nhiên giảng giải cho trẻ hiểu mối liên quan về đặc trưng màu sắc của chúng; cuối cùng dạy trẻ làm thế nào thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, lưu lại những ấn tượng đẹp đẽ để bồi dưỡng khả năng cảm nhận cái đẹp cho trẻ.

❃ Để trẻ cảm nhận vẻ đẹp bên trong

Khi lớn dần lên, nhận thức của trẻ cũng ngày một tăng, kinh nghiệm cũng nhiều hơn. Lúc này, khả năng cảm nhận và hiểu cái đẹp của trẻ cũng sâu sắc hơn. Cha mẹ Do Thái sẽ từng bước nâng cao khả năng thẩm mĩ cho trẻ, để trẻ hiểu được vẻ đẹp bên trong của sự vật.

Trong giai đoạn này, cha mẹ Do Thái sẽ giáo dục thẩm mĩ cho trẻ ở nhiều phương diện. Có thể dẫn trẻ tham quan những công trình kiến trúc hùng vĩ, để trẻ nhận thức được các phong cách và tạo hình khác nhau, như đình, đài, lầu, gác, cung điện, đền chùa... Khi quan sát, cha mẹ sẽ hướng dẫn cho trẻ cảm nhận vẻ đẹp toàn diện về kết cấu của kiến trúc, bố cục, tạo hình, màu sắc... Sau đó cha mẹ sẽ nói chuyện với trẻ về đặc điểm và phòng cách kiến trúc này, để trẻ cảm nhận về vẻ đẹp nghệ thuật. Nếu gặp những công trình kiến trúc trong truyền thuyết, cha mẹ sẽ chia sẻ với trẻ những thông tin về kiến trúc đó nhằm làm phong phú thêm kiến thức của trẻ, kích thích trí tưởng tượng, đồng thời giúp trẻ nâng cao khả năng thẩm mĩ.

Trong lịch sử lâu đời, dân tộc Do Thái đã sinh ra nhiều nhà họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ và nhà triết học kiệt xuất. Thành tựu mà họ đạt được đều là do sự giáo dục thẩm mĩ của gia đình. Bồi dưỡng khả năng thẩm mĩ cho trẻ, không chỉ giúp trẻ cảm nhận vẻ đẹp bên ngoài sự vật, mà còn truyền đạt đến trẻ thái độ sống lạc quan tích cực. Cái đẹp trong cuộc sống luôn luôn tồn tại, cho dù bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng nên có đôi mắt thẩm mĩ biết thưởng thức và hưởng thụ cái đẹp.

Lễ Vượt Qua, cùng nhau nhớ lại những năm tháng gian khổ nào!

Sắp đến Lễ Vượt Qua rồi, mẹ bận rộn quét dọn nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn... Thấy mẹ đã làm xong bữa tối của ngày Lễ Vượt Qua, cô bé Sala tò mò hỏi: "Mẹ ơi, tại sao hàng năm chúng ta đều phải giết cừu hả mẹ?".

"Ngày xưa, tổ tiên chúng ta khi còn ở Ai Cập đã chịu rất nhiều gian khổ. Yehovah vì muốn giúp tổ tiên chúng ta nên ông đã để Moses nói với chúng ta rằng, sau khi giết lũ cừu, hãy lấy máu tươi bôi lên cánh cửa như một dấu hiệu của người Do Thái". Mẹ trịnh trọng nói.

Nghe mẹ giải thích như vậy, Sala vẫn tò mò hỏi: "Vậy tại sao chúng ta lại phải ăn bánh này ạ?".

Mẹ cười nói: "Lúc đầu, tổ tiên chúng ta khi trốn khỏi Ai Cập, thời gian gấp gáp, không kịp chuẩn bị lương khô và bánh lên men, nên chỉ kịp mang theo một số loại bánh này trên đường đi. Bây giờ, để tưởng nhớ đến tổ tiên chúng ta đã chịu khổ ở Ai Cập như thế nào nên hàng năm, cứ vào ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta đều giết mổ cừu và ăn bánh không men.

"Ồ, hóa ra là như vậy". Sala có vẻ hiểu ra.

"Đúng vậy, mỗi người chúng ta đều không được quên ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta phải ghi nhớ rằng tổ tiên chúng ta đã từng chịu khổ như thế nào. Con hiểu chưa?". Mẹ hỏi con gái.

Sala gật đầu, nói: "Con hiểu rồi thưa mẹ".

Cha mẹ Do Thái dạy con cái về sự khó khăn vất vả của tổ tiên mình từ khi trẻ còn rất nhỏ. Trong tác phẩm "Talmud" có câu: "Bắt đầu trong ánh sáng, kết thúc trong bóng tối thì không hay bằng bắt đầu trong bóng tối và kết thúc trong ánh sáng". Câu nói răn dạy mọi người trước tiên hãy chịu khổ sở, sau đó mới hưởng sung sướng. Có rất nhiều người muốn trốn tránh khó khăn, không muốn thử sức, nhưng người Do Thái biết có trải qua khó khăn mới có được động lực và sức mạnh, mới hiểu được ý nghĩa thực sự của nó. "Lễ Vượt Qua" chính là ngày lễ quan trọng giáo dục tinh thần chịu khó chịu khổ của người Do Thái.

Đúng như lời của mẹ Sala nói, Lễ Vượt Qua là để kỷ niệm Moses đã đưa dân tộc Do Thái thoát khỏi Ai Cập. Qua ngày Lễ Vượt Qua, cha mẹ sẽ kể cho con cái nghe những trải nghiệm khó khăn, gian khổ của tổ tiên, cùng ăn những món ăn đặc biệt để trẻ nếm trải những khó khăn của cha ông. Trong ngày Lễ Vượt Qua, cha mẹ thường làm những món cho cả nhà ăn gồm: Bánh không men, đùi cừu nướng, trứng gà nướng, rau đắng, rau cần, bốn cốc rượu. Ăn những món ăn này là để tưởng nhớ những khó khăn, vất vả mà ông cha đã trải qua.

Cha mẹ cũng thường dùng một câu nói trong cuốn "Talmud" để dạy con cái mình: "Có 10 phiền não sẽ tốt hơn có 1 điều phiền não. Vì người có 10 điều phiền não sẽ không còn sợ phiền não nữa, còn người có 1 điều phiền não sẽ luôn bị phiền não đó chi phối". Đó chính là thái độ sống của người Do Thái: Đau khổ mới là hành trình của cuộc đời. So với người luôn được hưởng hạnh phúc, người từng trải qua khó khăn gian khổ sẽ trân trọng và biết ơn cuộc sống hơn. Trong lịch sử, người Do Thái đã trải qua vô vàn gian nan thử thách: Sống cuộc đời lang bạt, bị kì thị, nhân cách bị làm nhục, tính mạng không được đảm bảo... Những điều này đều nhắc nhở người Do Thái rằng: Chỉ có trải qua những thử thách khó khăn, cuộc sống mới phát triển, dân tộc mới hưng thịnh. Do vậy, giáo dục khó khăn là bài học cần thiết cho cả cuộc đời của trẻ. Qua sự giáo dục này, cha mẹ Do Thái nhấn mạnh rằng: Lúc nào con người cũng nên sẵn sàng chuẩn bị nếm trải vất vả, khổ cực, chỉ có tự lực tự cường, con người mới từng bước vượt qua khó khăn.

❃ Giúp trẻ hiểu được sự khó khăn, vất vả

Từ khi con còn rất nhỏ cha mẹ Do Thái đã kể cho con nghe về những khó khăn mà tổ tiên đã phải trải qua. Qua những năm tháng lịch sử và những câu chuyện này, cha mẹ để cảm trẻ nhận được rằng, cuộc sống khó khăn là điều rất bình thường. Nếu muốn có được thành công, cần phải trải qua nhiều khó khăn hơn người khác. Qua sự giáo dục này, trẻ em Do Thái đều có tâm lí sẵn sàng chịu khó, chịu khổ. Vì thế, khi gặp khó khăn trong cuộc sống, trẻ em Do Thái đều bình tĩnh, kiên cường hơn các bạn nhỏ khác.

❃ Để trẻ cảm nhận sự khó khăn, vất vả

Trong cuộc sống, cha mẹ Do Thái luôn tạo cơ hội để trẻ nếm trải khó khăn. Ví dụ, vào ngày lễ, ngày tết, cha mẹ đều kể cho con nghe những khó khăn mà bản thân đã trải qua. Lễ Vượt Qua được coi là ngày lễ long trọng và lớn nhất của người Do Thái. Ngày lễ này giúp trẻ hiểu những gian khổ mà tổ tiên đã từng trải qua. Cha mẹ Do Thái cũng ý thức rằng, nên để trẻ cảm nhận được những khó khăn. Để nâng cao khả năng chịu khó chịu khổ của trẻ, giúp trẻ tự tin chiến thắng mọi hoàn cảnh.

❃ Tạo trở ngại thích hợp cho trẻ

Trong cuộc sống, cha mẹ Do Thái luôn tạo cho trẻ những khó khăn nho nhỏ, ví dụ để trẻ đi bộ đến trường, khi ra ngoài để trẻ tự xách hành lí... Qua những việc nhỏ này, cha mẹ Do Thái để trẻ cảm nhận được sự vất vả khó khăn, rèn luyện bản lĩnh vượt qua khó khăn. Những khả năng này sẽ giúp cho trẻ ngày càng hoàn thiện và trưởng thành hơn, chúng sẽ trở thành chiếc áo giáp vững chắc bảo vệ trẻ vượt qua mọi khó khăn.

Nhớ lại những khó khăn, gian khổ là cách giúp người Do Thái học được tinh thần kiên cường trong cuộc sống, không bị khuất phục, gục ngã trước mọi khó khăn, luôn cố gắng vươn lên để chinh phục thành công.

Giỏi lắm! Chiếc ghế con làm rất đẹp!

Bố của Morris là một thợ mộc giỏi, vì muốn con cái sau này cũng là một người thợ giỏi, ông không ngừng truyền dạy kiến thức cho con. Hôm đó, ông dạy các con làm một chiếc ghế nhỏ. Morris và các anh chị cùng nhau nghe bố giảng các bước và kĩ năng làm ghế. Sau khi giảng xong, bố yêu cầu mỗi người làm một chiếc ghế nhỏ.

Morris dựa vào lời giảng của bố, bắt đầu chăm chú làm ghế. Nhưng vài tiếng trôi qua, chiếc ghế của cậu không được trơn mịn bằng phẳng như của chị, cũng không chắc chắn như của anh. Nhìn chiếc ghế thô kệch, xấu xí của mình, Morris buồn bã.

Sau khi chứng kiến tất cả, bố bước đến trước mặt Morris, vỗ vai con và nói: "Con trai, giỏi lắm! Chiếc ghế của con rất đẹp. Khi bằng tuổi con bây giờ, chưa bao giờ bố làm được chiếc ghế đẹp như thế này. Mặc dù có một chiếc đinh ở chân ghế hơi bẹt, nhưng mỗi chiếc đinh trên chiếc ghế đều rất chắc chắn và sẽ không làm rách quần áo của người ngồi nó. Bố tin, lần sau cón sẽ làm chiếc ghế đẹp hơn. Có phải không, Morris?". Morris ngẩng đầu lên nhìn bố, mắt ướt lệ trong lòng đầy cảm kích.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ dạy con chủ yếu bằng phương pháp cổ vũ, chứ không phải là trách móc hay gây khó khăn cho trẻ. Từ đó, tôi luyện sự tự tin và giúp trẻ cố gắng. Trẻ con cũng giống như người lớn đều hi vọng hành động của mình được người khác chấp nhận. Vì thế, phương pháp quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ Do Thái dạy con chính là cổ vũ trẻ. Các bậc cha mẹ cần ghi nhớ đừng tiết kiệm lời khen và sự cổ vũ của mình, cần khích lệ và ủng hộ con nhiều hơn để trẻ phát huy tiềm năng, từ đó đạt được nhiều thành công.

Là một người cha, học giả người Do Thái - Jussi Mont cho rằng, sự tín nhiệm và cổ vũ của cha mẹ đối với con cái chính là thái độ khoan dung của cha mẹ với trẻ. Biểu hiện sự khoan dung này lại tạo cho trẻ nhiều cơ hội khi trẻ mắc lỗi. Nhiều vĩ nhân khi còn nhỏ, không biểu hiện xuất sắc như khi họ trưởng thành. Nhưng trong quá trình trưởng thành, vì có sự gợi ý và hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ họ đã phát triển tối đa khả năng của mình. Được sự cổ vũ của cha mẹ, tài năng của họ mới dần dần được phát huy và cuối cùng giành được thành tích đáng ngưỡng mộ. Giống như Albert Einstein khi còn nhỏ nói năng chậm chạp, thậm chí thầy giáo của ông nói nói rằng "Tương lai chắc chắn sẽ chẳng làm được việc gì". Nhưng cha của Albert Einstein luôn cổ vũ con trai, dẫn con đi gặp các học giả, mở rộng tầm hiểu biết cho con. Cuối cùng, được sự cổ vũ của cha, Albert Einstein đã có được tự tin, cố gắng phấn đấu và đưa ra "Thuyết tương đối" chấn động thế giới. Bởi vậy, cha mẹ cần học cách cổ vũ, khen ngợi, để con cảm nhận được sự ủng hộ của cha mẹ, từ đó tăng thêm tự tin.

Trong cuộc sống, chúng ta gặp nhiều trường hợp như vậy. Có bậc cha mẹ thấy con không có biểu hiện tốt, luôn tỏ ra thất vọng. Cách làm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự tin của con, khiến con tự ti trong học tập, thậm chí tư duy máy móc, phản ứng chậm chạp. Edison đã từng nói: "Thiên tài là sự cố gắng cộng với thử sức". Sự khác biệt trí tuệ của một đứa trẻ thiên tài và một đứa trẻ bình thường không nhiều, nhưng chỉ cần bọn trẻ dũng cảm thử sức và cố gắng, chúng sẽ dần bước đến ngưỡng cửa thiên tài. Do vậy, cha mẹ cần bồi dưỡng trẻ dũng cảm thử sức và có niềm tin chiến thắng. Niềm tin này được khởi nguồn từ sự cổ vũ, khen ngợi không ngừng của cha mẹ. Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đã cổ vũ con cái từ hai phương diện sau:

❃ Dùng lời nói cổ vũ khích lệ sự tự tin thành công của trẻ

Người Do Thái tin tưởng rằng: Niềm tin của bạn lớn mạnh bao nhiêu thì sức mạnh bạn thể hiện nhiều bấy nhiêu. Khi bạn có đủ niềm tin mạnh mẽ thay đổi vận mệnh của mình, tất cả khó khăn, thất bại, cản trở sẽ nhường đường cho sự thành công của bạn. Vì thế cha mẹ Do Thái không bao giờ nói với con: "Con không làm được đâu", mà luôn nói với con "Con chắc chắn sẽ làm tốt!", "Con giỏi lắm!"... để kích thích trẻ thể hiện tài năng và phát huy ưu thế, khai thác tiềm năng và sức mạnh tiềm ẩn của trẻ.

❃ Cho phép trẻ phạm sai lầm

Khi làm một việc gì đó, trẻ rất khó tránh khỏi phạm lỗi, thất bại. Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhẫn nại giúp trẻ phân tích nguyên nhân thất bại, dạy cho trẻ kĩ năng làm việc, để trẻ ý thức được rằng, thất bại đó chỉ là hòn sỏi bé nhỏ trên đường đời mà ai cũng sẽ gặp phải. Cha mẹ Do Thái thường cổ vũ trẻ dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm đối mặt với thất bại, từ đó đúc rút kinh nghiệm quý báu, bồi dưỡng sự tự tôn và tự tin cho trẻ. Cha mẹ Do Thái coi việc dũng cảm phạm lỗi của trẻ là cách để tiếp cận sự thành công. Điều cần làm của cha mẹ là kịp thời cổ vũ trẻ, không để trẻ mất tự tin.

Trong "Kinh Thánh Do Thái" nói rằng: "Là cha mẹ thì bất cứ lúc nào cũng không mất đi niềm tin và hi vọng vào con cái, đặc biệt là khi con cái gặp khó khăn". Vì thế, mỗi bậc cha mẹ đều cần biết phát hiện tài năng của con, cổ vũ con phát huy tiềm năng đó. Ngoài ra, đối với những việc mà trẻ thích làm, cha mẹ cần cổ vũ con làm tốt, bồi dưỡng tự tin cho con, khích lệ sự sáng tạo và tìm tòi của trẻ trong cuộc sống, để con trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

► Cha mẹ Do Thái:

AI NÓI CHÚNG TÔI KHÔNG CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO CON CÁI?

Con yêu, con phải hiếu kính với cha mẹ

Nhà Michelle có một quy định bất thành văn, đó là trước khi đi ngủ, cha mẹ kể cho con nghe một câu chuyện. Nhưng hôm nay, cô bé Michelle đột nhiên nói với mẹ: "Mẹ ơi, hôm nay con sẽ kể chuyện cho mẹ nghe!".

Mẹ tò mò hỏi: "Tại sao hôm nay con lại kể chuyện cho mẹ nghe?".

"Vì mẹ luôn kể chuyện cho con nghe, để ngày nào con cũng vui vẻ. Vì thế, hôm nay con sẽ kể chuyện cho mẹ nghe, để mẹ được vui vẻ ạ".

"Vậy hôm nay con định kể cho mẹ nghe chuyện gì?".

"Hôm nay, con sẽ kể cho mẹ nghe về câu chuyện hiếu kính với cha mẹ. Ngày xưa có một cậu bé tên là Laby, cậu rất hiếu kính với cha mẹ...". Michelle nhẹ nhàng kể câu chuyện.

Nghe con gái kể xong mẹ khen ngợi: "Câu chuyện con kể hay lắm, mẹ rất vui".

"Cảm ơn mẹ, cô giáo con đã kể cho chúng con chuyện này, vì thế con nghĩ, hôm nay nhất định sẽ kể cho mẹ nghe để báo đáp công ơn dạy dỗ của cha mẹ". Cô bé mỉm cười nói.

Nghe con gái nói vậy, mẹ cảm thấy không cầm được nước mắt.

Trong văn hóa của người Do Thái, có rất nhiều câu chuyện dạy con cái hiếu kính với cha mẹ. Người Do Thái cũng rất biết dùng những câu chuyện để dạy dỗ con cái. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, cha mẹ hoặc thầy cô giáo, sẽ kể cho trẻ nghe những câu chuyện dễ hiểu, từ đó bồi dưỡng đức tính hiếu thảo cho trẻ.

Trong một gia đình ba thế hệ của người Do Thái, con cái sẽ rất kính trọng ông bà, cha mẹ mình. Cha mẹ Do Thái hiểu rằng, họ là thầy cô giáo đầu tiên của con, nên họ cần sống có lí trí, là tấm gương tốt cho con noi theo, biết kính trọng người trên. Cha mẹ làm như vậy sẽ giúp con cái hiểu được hàm nghĩa của từ "kính trọng". Do vậy, trong gia đình người Do Thái luôn tràn đầy sự ấm áp và hòa thuận, họ không chỉ biết tôn trọng nhau, mà còn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Chính bởi không khí đầm ấm đó, cộng với sự giáo dục của cha mẹ nên trẻ em Do Thái luôn biết hiếu kính, tôn trọng ông bà, cha mẹ.

Các bậc cha mẹ đều hiểu rằng, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, người lớn là một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản cao quý nhất, và ai cũng hi vọng con cái mình luôn có lòng hiếu thảo, hiếu kính với người lớn. Để làm được điều này, cha mẹ cần chú ý dạy con cái lòng hiếu thảo, hiếu kính trong cuộc sống hàng ngày.

❃ Cha mẹ là tấm gương tốt cho con

Khi bồi dưỡng lòng hiếu thuận cho con cái, cha mẹ Do Thái luôn nhớ đến trách nhiệm của bản thân. Vì thái độ của con cái đối với cha mẹ thế nào được quyết định bởi thái độ của cha mẹ đối xử với ông bà ra sao. Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ Do Thái luôn coi trọng phẩm chất, họ không quên lấy mình làm gương, dùng hành động của mình để tác động đến con. Nếu vì điều kiện sống ở xa hoặc công việc bận rộn, không ở bên ông bà được, họ sẽ dùng ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ, cùng con cái đến thăm ông bà. Trong môi trường đó, con cái sẽ chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, dần dần học cách tôn trọng người lớn, tôn kính ông bà.

❃ Xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lí, có tôn ti trật tự

Ngoài việc lấy bản thân làm gương để dạy con có tấm lòng hiếu thảo, tôn kính với ông bà, cha mẹ Do Thái còn chú ý đến việc xây dựng mối quan hệ hợp lí, có tôn ti trật tự trong gia đình. Hợp lí ở đây được hiểu là các thành viên trong gia đình đều có tư cách độc lập, địa vị bình đẳng, cha mẹ tôn trọng suy nghĩ và hành động của con, không dùng quyền uy ra lệnh cho con hoặc quyết định thay con, mà lắng nghe ý kiến của con cái, cố gắng xử lí mọi việc theo ý nguyện của con.

Ngoài ra, sự hợp lí còn thể hiện ở việc cha mẹ chủ trì việc nhà, vì mỗi gia đình đều là một chỉnh thể, cần có sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, không thể coi bản thân là trên hết, tất cả mọi người đều nên tham gia vào công việc của gia đình, vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Cha mẹ chính là trụ cột của gia đình, cũng là người giúp gia đình ổn định. Hơn nữa, trong gia đình người Do Thái rất ít xuất hiện "cậu ấm", "tiểu thư", cũng không có tình trạng tất cả người lớn đều "chạy theo" một đứa trẻ, ngược lại mỗi đứa trẻ Do Thái đều rất lễ phép và có lòng hiếu thuận. Do đó, xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lí có tôn ti trật tự sẽ có lợi cho việc bồi dưỡng lòng hiếu thuận của trẻ.

❃ Tạo cơ hội cho trẻ hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ

Trong việc xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lí, có tôn ti trật tự, cha mẹ Do Thái còn đặc biệt chú ý tạo cho trẻ có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ. Trong cuộc sống, lòng hiếu thảo của con cái cần không ngừng được thể hiện và bồi dưỡng. Ví dụ, cha mẹ Do Thái luôn yêu cầu trẻ hàng ngày trước khi đi học hay đi học về đều phải chào hỏi cha mẹ; Khi cha mẹ bị ốm hoặc không khỏe, trẻ biết chủ động chăm sóc và giúp cha mẹ tiếp khách; Khi cha mẹ đi công tác, trẻ biết giúp cha mẹ xếp hành lí và nhắc nhở cha mẹ những thứ có thể quên... Tóm lại, cho trẻ tham gia vào công việc lao động gia đình, nghe lời cha mẹ là những cách người Do Thái bồi dưỡng lòng hiếu thuận cho con.

Trẻ em Do Thái sở dĩ có thể tiếp nối phẩm chất tốt đẹp này là nhờ vào sự giáo dục của cha mẹ. Mặc dù, phương pháp giáo dục con của mỗi bậc cha mẹ Do Thái đều khác nhau nhưng quan niệm của họ là thống nhất. Vì thế, chúng ta có thể học tấm gương của cha mẹ Do Thái và dùng phương pháp của họ để giáo dục, bồi dưỡng con em mình.

Con yêu, kính trọng cha mẹ là vô cùng quan trọng

Aux hẹn với các bạn đi du xuân, chúng đã có kế hoạch đạp xe đến một chiếc hồ gần nhà để dã ngoại. Khi cậu về nhà lấy xe thì phát hiện cửa nhà kho chưa được mở, chìa khóa nhà kho do bố mẹ giữ. Vì thế, Aux đến phòng của bố mẹ, định mượn chìa khóa kho. Nhưng lúc này Aux lại thấy bố đang nằm ngủ trên giường, vì thế cậu nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng.

"Xin lỗi các cậu, tớ không thể tham gia dã ngoại được". Aux nói với các bạn.

"Tại sao vậy? Vừa nãy không phải cậu đồng ý sao?", các bạn cậu tranh nhau hỏi.

"Vì bố tớ đang ngủ, mà tớ cần lấy chìa khóa cửa nhà kho bố cầm mới có thể lấy xe ra được. Nhưng tớ không thể đánh thức bố dậy, như vậy sẽ làm phiền đến giấc ngủ của bố". Aux giải thích với các bạn.

"Aux, cậu thật hiếu kính với bố". Một cậu bạn khâm phục nói, rồi mọi người đều nhìn Aux với ánh mắt khen ngợi.

"Aux, không có xe cậu cũng có thể đi dã ngoại, tớ sẽ đèo cậu". Một người bạn lớn nhất trong số đó lên tiếng. Do được sự giúp đỡ của các bạn, cuối cùng, Aux và các bạn đã có một chuyến du xuân thú vị.

Cậu bé Aux trong ví dụ trên mặc dù còn ít tuổi nhưng đã hiểu thế nào là kính trọng bố. Trong dân tộc Do Thái, người kính trọng cha mẹ sẽ được người khác yêu mến. Pháp luật Do Thái đã quy định rõ ràng: "Người trưởng thành cần cung cấp quần áo, thực phẩm, nơi ở.... cho song thân của mình, không được coi thường và bỏ rơi cha mẹ". Trong gia đình Do Thái, trẻ cần tôn trọng người lớn, kể cả bố dượng hay mẹ kế của mình. Người Do Thái đặt ra tiêu chuẩn cơ bản và rõ ràng để giúp trẻ tôn trọng cha mẹ, quy định này phù hợp với trẻ em ở lứa tuổi khác nhau. Nội dung chủ yếu của tiêu chuẩn này là: "Con cái cần nói chuyện lễ phép với cha mẹ; Không làm trái ý cha mẹ; Tôn trọng không gian riêng tư của cha mẹ; Nghiêm chỉnh ngồi theo thứ tự khi ăn; Tôn trọng cha dượng mẹ kế". Trong việc giáo dục con cái tôn trọng cha mẹ, người Do Thái chủ yếu có những biện pháp sau:

❃ Kịp thời điều chỉnh những lời nói, ngữ khí không đúng của trẻ

Lời nói, ngữ khí luôn kết hợp với nhau, nhưng khi trẻ không bằng lòng một việc gì đó, thường biểu đạt trực tiếp, hoặc dùng hành động lè lưỡi, cười nhạt, hoặc tức giận để bày tỏ... Ví dụ, trẻ thường có giọng điệu như: "Con ghét ăn cơm!", "Con không muốn giúp mẹ làm việc nhà!", "Con còn chưa chơi xong trò chơi này, mẹ đi đi"... Đối với những lời nói và ngữ khí không kính trọng như vậy, cha mẹ cần kịp thời điều chỉnh để rèn luyện cho trẻ thái độ hiếu kính. Đương nhiên, muốn trẻ lập tức thay đổi là điều khó khăn. Vì thế, cha mẹ cần dần dần giúp trẻ thay đổi, dùng những lời nói đúng mực, lịch sự với trẻ. Từ góc độ tâm lí học cho thấy, cảm giác thường đi kèm với hành động. Nếu cha mẹ thường xuyên nói chuyện lịch sự với trẻ, dần dần trẻ cũng sẽ tự nhiên hình thành tâm lí tôn trọng và cảm kích cha mẹ.

❃ Bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt cho trẻ

Trong cuộc sống, cha mẹ Do Thái thường xuyên bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt tốt cho trẻ, giúp trẻ cảm nhận được, trách nhiệm và lòng biết ơn, giúp trẻ ngày càng hiểu chuyện và lễ phép hơn. Ví dụ, khi mẹ lái xe đưa trẻ ra ngoài, trẻ sẽ nói: "Cảm ơn mẹ đã đưa con đi chơi". Trước khi ăn cơm, trẻ đều biết cảm ơn mẹ: "Mẹ ơi, cảm ơn mẹ đã nấu bữa cơm ngon cho con ăn". Khi trẻ lấy thứ gì đó trước mặt người lớn sẽ hỏi: "Con đi lấy nước đây, mẹ có uống không ạ?". Dân tộc Do Thái luôn coi trọng việc giáo dục con cái, họ cho rằng những biểu hiện hàng ngày của trẻ chính là công cụ biểu đạt để nhận biết phẩm chất con người. Vì thế, muốn trẻ gặt hái được thành công, cha mẹ cần bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt cho trẻ từ nhỏ.

❃ Kiên nhẫn hóa giải mâu thuẫn của trẻ

Pháp luật Do Thái quy định: "Trẻ em không được cãi lại cha mẹ trước mặt người khác". Điều này rất dễ hiểu, trẻ cãi lại cha mẹ là một thách thức với uy quyền của cha mẹ. Nhưng nếu cha mẹ chỉ coi trọng uy quyền, thể diện của mình và đưa ra quy định khiến trẻ không hiểu và miễn cưỡng thực hiện, sẽ không có hiệu quả với trẻ. Do vậy, cha mẹ Do Thái thường kiên nhẫn nói chuyện với trẻ, hóa giải những mâu thuẫn trong lòng trẻ, giúp cho tình cảm của cha mẹ và con cái luôn bền vững. Ví dụ, đã đến giờ đi ngủ hoặc đến giờ thức dậy nhưng trẻ lề mề, kéo dài thời gian, cha mẹ thường nghiêm túc thuyết phục con. Nếu thấy trẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh, cha mẹ chỉ biết cười cho qua hoặc không phản ứng, trẻ sẽ nắm bắt được điểm yếu của cha mẹ và như vậy sẽ không thể bồi dưỡng trẻ biết kính trọng cha mẹ.

Trong Kinh Thánh của người Do Thái có nói: "Kính trọng cha mẹ làm bạn hạnh phúc và trường thọ". Người Do Thái đặc biệt coi trọng gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội, chỉ khi gia đình hòa thuận, cả dân tộc mới thịnh vượng và phát triển. Rất nhiều gia đình Do Thái, bao gồm gia đình có bố dượng, mẹ kế, nhưng trẻ luôn tôn trọng và yêu quý họ như bố mẹ ruột của mình. Sự coi trọng gia đình của người Do Thái giúp dân tộc họ có sức mạnh, sự đoàn kết và tình thương yêu, là nguyên nhân quan trọng giúp dân tộc Do Thái luôn phát triển, lớn mạnh.

Gặp thầy cô giáo, con phải cúi chào trước

Kết thúc nghỉ hè, mẹ đưa bé Yadi 5 tuổi đi học, do thời gian gấp gáp, Yadi chào tạm biết mẹ rồi vội vàng chạy vào lớp.

Lúc đó, mẹ nhìn thấy cô giáo của Yadi đang bước vào lớp chuẩn bị dạy học, nhưng con trai của chị nhìn thấy cô giáo lại chẳng chào hỏi gì, chỉ vội chạy vào lớp. Buổi chiều hôm ấy, sau khi tan học về, mẹ gọi Yadi đến, nghiêm túc nói với con: "Mẹ luôn dạy con rằng khi gặp thầy cô giáo cần phải khom lưng cúi chào, nhưng buổi sáng hôm nay mẹ thấy con không làm như vậy".

Yadi nghe thấy mẹ nói vậy, xấu hổ nói: "Vâng, thưa mẹ, sau này con nhất định sẽ tôn trọng thầy cô giáo, sẽ là một học sinh lễ phép ạ".

Nghe Yadi nói vậy, mẹ liền bảo: "Người Do Thái chúng ta luôn biết tôn trọng người lớn, mẹ hi vọng con hãy giữ vững truyền thống tốt đẹp của ông cha mình".

"Vâng ạ, mẹ yên tâm, con sẽ không làm mẹ thất vọng đâu". Yadi tự tin hứa với mẹ. Kết quả là ở trường, cậu bé đã trở thành học sinh lễ phép, biết kính trọng thầy cô giáo nhất.

Cha mẹ và thầy cô Do Thái luôn coi trọng việc dạy dỗ phẩm chất đạo đức cho trẻ, đặc biệt là phẩm chất kính trọng thầy cô giáo. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường dạy trẻ: "Giáo dục trẻ là một công việc kỳ diệu, mỗi người đều cần tôn trọng thầy cô giống như tôn trọng Thượng Đế". Trẻ em Do Thái thường nghe bố mẹ hỏi: Nếu cha và thầy cô của con cùng rơi xuống nước, con sẽ cứu ai trước? Đáp án sẽ là cứu thầy cô trước, vì họ sẽ dạy con trí tuệ. Trong mắt người Do Thái, thầy cô giáo là người bảo vệ trí tuệ của dân tộc, họ là người gieo mầm cho sự phát triển của dân tộc trong tương lai, vì thế ngay khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đã dạy trẻ cần biết tôn trọng thầy cô giáo.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Do Thái. Thầy cô giáo không chỉ giải đáp những vấn đề trong học tập của học sinh, mà còn giúp trẻ rất nhiều điều trong cuộc sống. Trong quan niệm cha mẹ Do Thái, thầy cô giáo là hóa thân của trí tuệ và danh tiếng.

Cha mẹ Do Thái dạy con cái rằng, tôn trọng thầy cô giáo cũng chính là tôn trọng thành quả lao động của họ. Cho dù thầy cô giáo không thể đảm bảo truyền thụ tất cả kiến thức của mình cho học sinh, nhưng học sinh cũng nên cố gắng tiếp thu tất cả những kiến thức được truyền dạy. Trong văn hóa người Do Thái, có rất nhiều câu chuyện dạy trẻ cần biết kính thầy trọng đạo. Cha mẹ thường dùng những câu chuyện này truyền đạt cho trẻ quan niệm tôn trọng thầy cô. Trong văn hóa Do Thái, kính thầy là một phẩm chất căn bản của con người. Cha mẹ Do Thái thường dùng một vài biện pháp sau để trẻ có thói quen tôn trọng thầy cô giáo:

❃ Thái độ nghiêm chỉnh của trẻ

Cha mẹ Do Thái dạy con khi giao tiếp với thầy cô giáo cần có thái độ nghiêm chỉnh. Đầu tiên, trẻ cần biết rằng mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh là quan hệ bình đẳng. Khi đối diện với thầy cô giáo, trẻ không nên tự ti, mà cần lễ phép tôn trọng. Thứ hai, cần đối xử với thầy cô giáo một cách khách quan và toàn diện. Thầy cô cũng là người bình thường, có ưu điểm và khuyết điểm, cũng có thể phạm sai lầm. Trẻ không nên nghĩ rằng thầy cô giáo là người hoàn mĩ, không có điểm xấu nào. Cuối cùng, giúp trẻ tự ý thức được bản thân, hiểu được sở trường và sở đoản của chính mình, tích cực nói chuyện, giao lưu với thầy cô giáo để có được sự hướng dẫn và giúp đỡ của họ, từ đó trẻ trưởng thành và hiểu biết hơn.

❃ Bồi dưỡng tình cảm chân thành của trẻ

Cha mẹ khi dạy trẻ biết tôn trọng thầy cô giáo, cần chú ý bồi dưỡng tình cảm chân thành của trẻ. Nếu cha mẹ luôn coi thầy cô là sứ giả truyền hạt giống trí tuệ, đảm nhận trách nhiệm bồi dưỡng và giáo dục thế hệ sau, thì từ nhỏ trẻ sẽ luôn tôn trọng thầy cô giáo. Trong quá trình trưởng thành, trẻ thấy mọi người xung quanh đều tôn trọng thầy cô giáo, thì trẻ cũng bị cảm hóa và dần dần thật sự kính trọng thầy cô.

❃ Hiểu và tin tưởng thầy cô giáo

Chỉ khi trẻ thật sự hiểu và tin tưởng thầy cô giáo, khoảng cách giữa thầy trò mới được rút ngắn, trẻ mới có thể trò chuyện thân thiết với thầy cô. Để giúp trẻ hiểu và tin tưởng thầy cô, cha mẹ Do Thái không chỉ kể những câu chuyện có liên quan đến thầy cô giáo cho trẻ, mà còn cổ vũ trẻ bày tỏ tấm lòng của mình với thầy cô trong học tập và cuộc sống. Ví dụ, cha mẹ giáo dục trẻ không đi học muộn, nghiêm túc nghe giảng, tích cực ôn bài, nghiêm túc làm bài tập, gặp thầy cô lễ phép chào hỏi, hoặc được sự giúp đỡ của cha mẹ quan tâm và hỏi han đến tình hình thầy cô giáo. Cách làm này sẽ bồi dưỡng tình yêu thương, sự quan tâm, tin tưởng của trẻ đối với thầy cô giáo.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, ngoài sự giáo dục của cha mẹ, phần nhiều trẻ được giáo dục, dạy dỗ bởi thầy cô giáo, sự thành công của trẻ không tách khỏi sự giúp đỡ của thầy cô. Vì thế, thầy cô giáo chính là cha mẹ thứ hai của trẻ, mỗi người đều cần tôn trọng và biết ơn thầy cô.

Con hãy luôn dành dụm tiền để cho người ăn xin

"Mẹ ơi, mẹ ơi, đây là cái gì vậy ạ? Đẹp quá!". Sagal cầm chiếc ống hình con cá mà mẹ tặng vui mừng reo lên.

"Đây là ống đựng tiền, còn đây là chỗ nhét tiền". Mẹ chỉ vào một lỗ nhỏ dài phía sau lưng con cá nói. "Đợi khi nào dành dụm được nhiều tiền, con sẽ lấy tiền từ trong đó ra". Mẹ kiên nhẫn giảng giải cho Sagal biết cách dùng chiếc ống.

"Tốt quá, sau này con có thể tiết kiệm tiền mua kẹo ăn rồi". Sagal ôm chặt ống đựng tiền vào lòng.

"Không, con yêu, ống đựng tiền này không phải là để con dành tiền mua kẹo". Mẹ nhẹ nhàng nói với Sagal. "Ống đựng tiền này để con dành dụm tiền cho những người ăn xin nghèo khổ trên đường, giúp họ mua đồ ăn hoặc quần áo".

"Nhưng tại sao con lại phải giúp họ ạ?" Sagal cúi đầu hỏi nhỏ.

"Con yêu, con đừng nên coi thường người ăn xin. Trong số họ có rất nhiều người thông minh, có trí tuệ, có thể dạy cho con rất nhiều điều". Mẹ nói với Sagal.

"Vậy ạ, thưa mẹ. Con nên giúp đỡ những người có trí tuệ, con sẽ cố gắng dành dụm tiền vì họ". Sagal hứa với mẹ.

Dành dụm tiền cho người ăn xin là truyền thống của người Do Thái. Giống như Sagal trong ví dụ trên, trẻ em Do Thái từ khi còn rất nhỏ đã hình thành thói quen này. Trong quan niệm của người Do Thái, người giàu chưa chắc đã sống vui vẻ, người nghèo cũng chưa chắc đã là ngu dốt, ngốc nghếch. Vì thế, dân tộc Do Thái luôn có thái độ tôn trọng người nghèo, không chê nghèo tham giàu, không đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Đồng thời, họ còn biết tôn trọng người nghèo, giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ. Cha mẹ Do Thái dạy con, không được coi thường người nghèo, vì nhiều người nghèo là người thông minh, có trí tuệ.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường nói với con cái rằng, cho dù làm việc gì cũng không nên chỉ biết nghĩ cho bản thân, cần nghĩ cho người khác. Muốn giao tiếp với mọi người chân thành, thân ái, cần cố gắng hiểu và quan tâm đến người đó. Như vậy, cha mẹ Do Thái rất coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho con cái. Họ thường nhắc nhở con không được coi thường bất cứ ai, mà phải biết đối xử lương thiện, thân ái, giúp đỡ mọi người và có một trái tim chân thành, đẹp đẽ.

❃ Đối xử thân thiện với người khác

Cha mẹ Do Thái thường nói với con cái khi chúng còn rất nhỏ rằng: "Đối xử thân thiện chính là đối xử tốt với bản thân mình". Đối xử thân thiện với người khác là chân thành đối đãi, chân thành chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người, kịp thời giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn và có được sự tin tưởng của họ. Người Do Thái thường nói, lương thiện là ánh sáng trong cuộc đời con người, nó giúp an ủi tâm hồn, giúp con người cảm nhận được sự ấm áp và hi vọng. Một người lương thiện sẽ được người khác kính trọng và yêu mến. Cổ nhân có câu: "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Mỗi người sinh ra đều có một trái tim lương thiện. Vì thế trong cuộc sống cần là một người sống tốt, như vậy mới khiến bản thân thoải mái và vui vẻ.

❃ Không coi thường bất cứ ai

Nhân vô thập toàn, bất cứ người nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, chúng ta không nên vì sở đoản của người khác mà coi thường họ. Người Do Thái không bao giờ coi thường người khác, vì họ cho rằng, ăn xin cũng là một nghề, họ được Thượng Đế cho phép chấp nhận sự chia sẻ của người khác. Truyền thống của dân tộc Do Thái là tôn sư trọng đạo, vì thế đối với những người ăn xin hoặc tàn tật có trí tuệ, họ cũng rất kính trọng. Có những người ăn mày rất thích đọc sách, thậm chí đọc thông hiểu cả cuốn "Luật pháp Do Thái", những người này đều đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người.

❃ Dựa vào năng lực của mình để giúp đỡ người khác

Mỗi trẻ em Do Thái từ nhỏ đã được giáo dục rằng: Nên giúp đỡ người khác theo năng lực của mình. Trong Kinh Thánh của người Do Thái có câu: "Có thể cho đi tình yêu của mình, quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác, như vậy mới có cuộc sống tốt đẹp". Trong văn hóa của người Do Thái, có rất nhiều câu chuyện và bài kinh dạy trẻ giúp đỡ người khác, cha mẹ cũng thường xuyên kể cho con cái nghe những câu chuyện này để giúp trẻ bồi dưỡng phẩm chất đạo đức lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho mình. Hơn nữa, trẻ em Do Thái từ nhỏ đã được giáo dục rằng "cho đi hạnh phúc hơn nhận lại". Chính vì có sự đoàn kết như vậy nên dân tộc Do Thái đã trải qua bao nhiêu gian khổ và tồn tại mạnh mẽ như ngày nay.

Trên đường đời của mỗi người đều có lúc cần sự giúp đỡ của người khác. Lúc khó khăn, hoang mang nhất, bản thân bạn luôn mong muốn có người hướng dẫn, giúp đỡ mình; Lúc thành công bản thân bạn cũng mong có người khen ngợi, tán thưởng; Lúc thất bại, bản thân bạn cũng mong có người làm chỗ dựa cho mình sức mạnh... Khi bản thân bạn mong mỏi sự giúp đỡ, đầu tiên cần nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Vì thế, cha mẹ Do Thái mới nói rằng, đối xử thân thiện với người khác chính là đối xử tốt với bản thân. Mỗi bậc cha mẹ đều có trách nhiệm dạy con cái có tấm lòng bao dung, giúp đỡ mọi người. Có như vậy, khi con trưởng thành con mới luôn có những người bạn đồng hành.

Con yêu, đừng tùy tiện nổi giận với người khác

"Hefner ơi, cuộn len mẹ dùng hết rồi, con có thể lấy giúp mẹ cuộn len ra đây được không?". Người mẹ đang đan len nói với con trai.

"Dạ, con biết rồi ạ". Hefner uể oải buông chiếc ô tô đồ chơi trong tay, chạy đến tủ lấy cuộn len đưa mẹ. Khi cậu chạy đến chiếc xe đồ chơi thì thấy em gái 5 tuổi Lara đang cầm chiếc ô tô đồ chơi và ném mạnh xuống đất. Mỗi lần ném, cô bé lại cười ha ha. Bỗng "bụp" một tiếng, bánh chiếc xe rời ra.

"Em đang làm gì đấy!". Hefner lớn tiếng quát. Sau đó, cậu đẩy em gái ra, vội vàng nhặt chiếc ô tô của mình lên.

Thấy chiếc ô tô trong tay mình không còn chạy được nữa, Hefner vô cùng tức giận, nói với em gái: "Ai cho em đụng vào đồ chơi của anh! Em xem bây giờ nó thành thế nào?".

Cô bé bị anh trai đẩy ngã xuống đất, lại nghe thấy anh trách mắng to tiếng, liền khóc nức nở.

Mẹ nhìn thấy con trai đang hầm hầm tức giận và con gái đang ngồi khóc, vội vàng bỏ cuộn len xuống. Mẹ tìm hiểu sự tình, sau đó dỗ dành con gái, rồi gọi Hefner đến.

"Hefner, mẹ nói với con rồi, con người lúc tức giận giống với cái gì, con còn nhớ không?" Mẹ nói với Hefner.

"Mẹ nói khi con người tức giận giống với con ếch ạ, mặt phùng lên, mắt thì mở thao láo. Bởi vậy, con người lúc tức giận không được ai yêu mến". Hefner trả lời mẹ.

"Vậy con nói cho mẹ biết, bây giờ con có giống con ếch không?". Mẹ hỏi.

"Giống ạ". Hefner nghĩ một lát, mới cúi đầu đáp. Sau đó cậu nhanh chóng ngẩng đầu lên, nhìn mẹ và nói: "Mẹ ơi, con sai rồi. Con không nên nổi cáu". Mẹ nghe xong hài lòng gật đầu.

Người Do Thái có một câu nói nổi tiếng: "Không dễ bị kích động mới là người thông minh". Nhiều cha mẹ Do Thái giống như mẹ của Hefner, con cái nổi cáu, giận dữ, họ kiên nhẫn hóa giải nỗi bực bội của con, dạy cho con thái độ sống hài hòa, nho nhã. Người Do Thái cho rằng, có thể kiềm chế được tình cảm bản thân là biểu hiện của sự trưởng thành về mặt tâm lí. Vì thế, đối với những người dễ nổi cáu, người Do Thái cho là người không đáng tin cậy và không đáng giao tiếp. Vì những người như vậy không thể khống chế được tình cảm của bản thân, họ luôn làm việc theo cảm tính, như vậy rất dễ làm tổn thương và gây hại cho người khác. Bởi vậy, người Do Thái thường nói với con cái của mình, không vì tức giận mà gây hậu quả không thể sửa chữa được.

Cha mẹ Do Thái nói với con cái rằng, một người có thái độ thế nào với ba thứ là rượu, tiền và sự phẫn nộ thì tính cách của người đó cũng sẽ như thế. Do vậy, có thể nhìn vào cách khống chế sự nóng giận của một người để biết tính cách anh ta như thế nào. Người Do Thái không nghiêm cấm con cáu giận. Họ cho rằng, đối diện với một số vấn đề, cáu giận là điều cần thiết, nhưng nếu một người không thể kiềm chế được sự nóng giận của mình, anh ta sẽ phải hối tiếc cho hành động ngốc nghếch đó.

Trong văn hóa của người Do Thái, người "khó bị kích động, luôn bình tĩnh" được mọi người xem là quân tử; Còn người "dễ bị kích động, mất tự chủ" được mọi người coi là tiểu nhân. Ai cũng muốn kết thân với quân tử, tránh xa tiểu nhân. Do vậy, trong cuộc sống, người Do Thái luôn chú ý không chế tình cảm của bản thân, không cáu giận. Họ cho rằng, cáu giận không chỉ làm tổn hại đến hình tượng của bản thân, mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Bởi khi cáu giận, lượng máu lưu thông nhanh hơn, nhịp thở tăng lên, nội tiết rối loạn, rất dễ tổn hại đến não, phổi, dạ dày, da và gan, khiến con người phản ứng chậm chạp, khả năng miễn dịch giảm, có lúc còn đe dọa đến tính mạng. Vì thế, cha mẹ luôn dạy con cái cần biết học cách kiềm chế tình cảm của bản thân, không được nổi cáu. Cách dạy con của họ bao gồm hai phương diện sau:

❃ Tìm người nhắc nhở

Cha mẹ Do Thái dạy con cái khống chế cơn giận của mình bằng một phương pháp khá hiệu quả như sau: Tìm người đáng tin cậy với bạn, nhờ họ nhắc nhở khi bạn nổi cáu, những người này có thể là cha mẹ, thầy cô, bạn học hoặc anh chị em. Khi bản thân đang nổi cáu, mất đi lí trí, sự nhắc nhở của người khác sẽ giúp đầu óc của bạn bình tĩnh lại, từ đó khống chế được cơn giận của bản thân.

❃ Làm chậm thời gian cáu giận

Cha mẹ Do Thái khi dạy dỗ con cái, mỗi lần cáu giận đều ép bản thân làm chậm lại thời gian cáu giận. Như vậy sẽ rèn luyện tính kiên nhẫn, giúp con khống chế được tình cảm của mình. Ví dụ, khi còn nhỏ, trẻ em Do Thái được bố mẹ dạy rằng, trước khi cáu giận, hãy đếm từ 1 đến 10. Vì thế, khi cáu giận, trẻ thường ép bản thân đếm hết đến số nào đó. Khi trẻ đếm xong, có một số cơn giận do chuyện vụn vặt gây ra sẽ khiến trẻ nhanh chóng quên đi, cũng có trẻ rất giận dữ, nhưng trong khoảng thời gian đếm số đó đã trở nên bình tĩnh hơn, giảm được mức độ cáu giận. Có thể thấy, làm chậm thời gian cáu giận sẽ dần dần nâng cao khả năng chịu đựng của trẻ, hạ thấp mức độ cáu giận đồng thời nâng cao khả năng kiềm chế tình cảm của trẻ.

Cáu giận sẽ phá hỏng không khí thân thiết giữa mọi người, người Do Thái cho rằng khi con người đang tức giận, hãy cố gắng bình tĩnh lại, tìm cách giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa. Khi con người học được cách khống chế tình cảm của bản thân, sẽ ứng xử thân thiện với mọi người, như vậy quan hệ giữa mọi người ngày càng trở nên tốt đẹp.

Hãy yêu thương bảo vệ các loài vật nhỏ

Tan học, Coen nhảy chân sáo về nhà, tỏ ra vô cùng phấn khởi.

Cậu cầm cặp sách chạy đến chỗ mẹ đang nấu cơm, bí mật nói: "Mẹ ơi, mẹ đoán xem hôm nay con bắt được cái gì?".

Mẹ mỉm cười đáp: "Mẹ đoán là con rùa nhỏ. Có đúng không?".

"Không phải ạ". Coen đáp.

"Mẹ không đoán được đâu, con nói cho mẹ biết đi, con bắt được cái gì?". Mẹ ngồi xuống trước mặt Coen, nhìn cậu và hỏi.

"Mẹ ơi, con nói cho mẹ biết nhé, con bắt được một con họa mi". Nói xong, Coen cẩn thận lấy ra một vật nhỏ. Mẹ ngó vào xem, quả đúng là một con chim họa mi, có điều nó đang ủ rũ nằm gục đầu, hoàn toàn không có sức sống.

"Coen, con bắt được nó như thế nào vậy?". Mẹ hỏi.

"Con đi ngang qua công viên nhỏ của trường, nhìn thấy một đàn chim họa mi đang hót líu lo trên cây. Chúng hót thật là hay, vì thế, con bắt một con đem về, một lát con sẽ thả nó vào lồng, như vậy mỗi ngày con sẽ được nghe nó hót". Khuôn mặt Coen tỏ ra vô cùng phấn khích.

"Không thể được, Coen, con hãy thả nó về chỗ cũ đi". Mẹ kéo tay Coen và nghiêm túc nói với cậu.

"Tại sao ạ?". Coen thất vọng nhìn mẹ.

"Vì chim họa mi không muốn loài của mình bị nhốt trong lồng, chúng sẽ tìm cách bay đến lồng và cho bạn của mình ăn một loại thức ăn độc để làm nó chết". Mẹ giải thích với Coen.

"Ồ, mẹ ơi, con sai rồi, con sẽ thả nó về chỗ cũ ngay". Coen lo lắng nói.

"Con à, nếu như con thích động vật nhỏ, thì con cần yêu mến chúng, không được làm hại chúng". Mẹ nhẹ nhàng nói với Coen.

Người mẹ của Coen trong ví dụ trên đã nói với chúng ta rằng, chim họa mi cũng có cách sống riêng, chúng muốn tự do bay nhảy chứ không phải bị nhốt trong lồng. Trong văn hóa của người Do Thái, cha mẹ dạy trẻ cần tôn trọng đặc điểm sống của mỗi sinh vật, không nên bắt ép chúng tồn tại theo ý muốn của con người.

Nơi sinh sống của người Do Thái được xem là thiên đường của các động vật. Vì luật pháp Do Thái quy định con người phải biết yêu thương các loài động vật, không giết hại chúng. Do vậy, ở trên đường phố của Israel, bạn có thể gặp những chú chim nhỏ, mèo hoang... ở bất cứ đâu, chúng có thể sống tự do cùng người dân. Trong kinh thánh của người Do Thái có viết: "Những người đối xử tốt với chim muông không chỉ trường thọ mà còn mang lại cho cha mẹ may mắn". Trên đất nước của người Do Thái các loài chim có thể vui đùa với trẻ, thậm chí chúng còn công khai cướp đồ ăn trong tay người dân. Có thể thấy người Do Thái đối xử với các loài chim nhỏ rất khoan dung và yêu thương. Ngoài ra, mèo cũng là loài vật phổ biến ở đây, không phải chỉ có người Do Thái yêu quý mèo, mà là mọi người đều bảo vệ loài mèo. Những con mèo có thể thong thả đi dạo trong công viên, khuôn viên trường, ngủ ở rừng cây gần đó, người Do Thái còn thường đem cho chúng đồ ăn rất ngon.

Dưới sự giáo dục của cha mẹ, trẻ em Do Thái đã hình thành thói quen yêu thương và bảo vệ các loài động vật, coi chúng như những người bạn tốt. Ngoài ra, cha mẹ còn dạy trẻ phải biết tôn trọng sự tồn tại của các loài vật. Khi trẻ biết tôn trọng sinh mạng của các loài sinh vật, trẻ cũng học được cách quý trọng sinh mệnh của chính bản thân mình.

❃ Tôn trọng quy luật của thế giới tự nhiên

Kinh thánh đã nói: "Sinh ra có lúc, mất đi có lúc; Gieo hạt có lúc, thu hoạch có lúc; khóc có lúc, cười có lúc". Từ nhỏ, trẻ đã được tiếp xúc với các loài vật điều này giúp trẻ cảm nhận được nhịp điệu và quy luật tồn tại của tự nhiên. Cha mẹ Do Thái luôn dạy con cái rằng, thế giới tự nhiên cũng có quy luật riêng, cần học cách tôn trọng tự nhiên, hiểu được bản chất của sinh mệnh. Qua quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài vật trong thế giới tự nhiên, cha mẹ dạy trẻ rằng, cuộc sống không phải là bữa ăn nhanh, không phải là "cà phê hòa tan", đó là một quá trình lâu dài, giống như sự tích lũy của kiến thức, cũng giống như sự trưởng thành của một đứa trẻ cần phải có thời gian. Việc giáo dục trẻ học cách tôn trọng nhịp điệu và quy luật sinh trưởng của các loài vật, sẽ giúp trẻ cảm nhận được những giây phút hạnh phúc trong cuộc sống.

❃ Tôn trọng những sinh mệnh nhỏ yếu

Pháp luật Do Thái quy định rằng, con người cần phải bảo vệ những loài vật nhỏ bé, yếu đuối và người Do Thái luôn tuân thủ điều này. Thông qua luật pháp, cha mẹ dạy cho trẻ hiểu rằng, ngoài việc tôn trọng sinh mạng của bản thân, con người còn phải biết tôn trọng những sinh mệnh khác, đặc biệt là những sinh mệnh nhỏ bé, yếu ớt. Dân tộc Do Thái luôn có ý thức bảo vệ các loài vật, cha mẹ dạy trẻ phải yêu thương và bảo vệ các loài động vật. Vạn vật trên trái đất này đều bình đẳng, vì thế cha mẹ luôn dạy trẻ học cách cùng chung sống với những sinh mệnh khác, không ỷ lớn bắt nạt nhỏ. Qua việc tôn trọng nhưng sinh mệnh nhỏ bé, cha mẹ có thể bồi dưỡng tình yêu thương và lòng khoan dung của trẻ, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Phương pháp đặc biệt của người Do Thái giúp trẻ ý thức được sự tồn tại của những sinh mệnh khác, đồng thời, học cách chung sống hòa bình với chúng. Trong quá trình trẻ giao tiếp với các loài vật, cha mẹ chú ý bồi dưỡng tình yêu thương và sự nhẫn nại cho trẻ, để trẻ biết yêu thiên nhiên, vạn vật xung quanh mình. Điều này có tác dụng rất lớn cho sự trưởng thành của trẻ.

Thành thật, giữ chữ tín là một trong những phẩm chất cần thiết

Nhà văn người Do Thái - Tomas Mann có cô con gái rất xinh đẹp tên là Elektra. Elektra là một cô bé rất thông minh và thân thiện, nhưng lại không thành thật và giữ chữ tín.

Một hôm, Tomas Mann thấy con gái phạm lỗi, ông không hề trách mắng, mà chỉ gọi con vào thư phòng của mình và nói chuyện nghiêm túc.

Tomas Mann nghiêm khắc nói: "Con gái, con đã lớn rồi, 7 tuổi là độ tuổi có thể chịu trách nhiệm với những lời nói, hành động của mình. Nhưng con xem con đã làm những gì. Hậu quả của việc nói dối chắc trong lòng con biết rất rõ, nếu ai cũng nói dối như con, vậy thế giới này sẽ trở thành thế nào. Trên đời này sẽ không tồn tại tinh thần trách nhiệm, không có sự tin tưởng, không ai biết lắng nghe. Con cảm thấy cuộc sống như vậy có ý nghĩa không? Bố tin rằng con sẽ hiểu những lời bố nói và sau này không nói dối nữa".

Nghe bố nói vậy, Elecktra xấu hổ gật đầu. Từ đó về sau, cô bé nghiêm túc thay đổi thói quen xấu. Sau nhiều năm, Elektra vẫn ghi nhớ rõ những lời dạy bảo chân thành của cha.

Với dân tộc Do Thái, khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ đã nói cho trẻ biết tầm quan trọng của việc giữ chữ tín, đồng thời hình thành cho trẻ những thói quen, thành thật, từ việc nhỏ nhất. Người Do Thái cho rằng, thành tín, trung thực là điều căn bản của con người trong cuộc sống cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Một người có tài giỏi đến đâu, giàu có đến thế nào, nếu không có sự thành tín, anh ta sẽ dần dần mất đi tất cả và khó đạt được thành công.

Cha mẹ Do Thái khi giáo dục phẩm chất thành tín cho con thường nói: "Sống trên đời cần phải là người ngay thẳng cần biết thành tín". Coi trọng chữ tín, giữ chữ tín là tiêu chuẩn đạo đức mà ai cũng cần tuân thủ. Đây cũng là một nhân tố quan trọng dẫn tới thành công. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy trẻ phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Họ dạy dỗ phẩm chất thành tín cho trẻ chủ yếu thông qua các phương diện sau:

❃ Tôn trọng lời hứa, nói lời giữ lời

Giữ lời hứa là hành động thực hiện lời nói của một người với người khác. Lời hứa có thể biểu đạt trực tiếp bằng lời hoặc tự hứa trong lòng. Cho dù là bằng hình thức nào, khi nói ra hoặc khi đã quyết định, bạn cần tôn trọng lời hứa đó và kiên trì thực hiện đến cùng. Ví dụ, người Do Thái không đến muộn trong cuộc hẹn, nếu không thể đi được, sẽ gọi điện thoại trước để hủy cuộc hẹn. Cha mẹ Do Thái dạy con của mình rằng, nếu một người nào đó không tuân thủ lời hứa, người đó sẽ không được người khác tin tưởng và không ai muốn làm bạn cùng. Cho dù làm bất cứ việc gì, nếu chỉ dựa vào năng lực của bản thân thì rất khó thành công. Vì thế, thành tín chính là phẩm chất cơ bản để con người lập thân và thành công.

❃ Trung thực, không nói dối

Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã yêu cầu trẻ kể lại thành thật những chuyện xảy ra, không nói dối, không giấu giếm, để rèn luyện phẩm chất thành tín. Không nói dối chính là bước đầu tiên của sự thành tín cho trẻ. Do vậy, việc rèn luyện đức tính thành thật cho trẻ từ nhỏ là rất quan trọng.

Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã hướng dẫn trẻ nhận thức tầm quan trọng của sự thành thật. Đức tính thành tín cùng với trí tuệ của người Do Thái đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để đạt được vị thế đáng ngưỡng mộ ngày hôm nay. Hòa mình vào cuộc sống hiện đại, thành tín vẫn luôn là phẩm chất đạo đức và chuẩn mực làm việc của người Do Thái. Muốn để trẻ có được thành công, mỗi bậc cha mẹ cần học tập người Do Thái, biết dạy con cái mình phẩm chất thành tín.

►Cha mẹ Do Thái:

CƠ THỂ MẠNH KHỎE MỚI LÀ TIỀN ĐỀ CỦA HẠNH PHÚC

Con yêu, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhé!

Khi mẹ gọi Methwick vào ăn cơm, cậu đang ở trong phòng dùng đất màu nặn một chú chó con. "Mẹ ơi, đợi con một lát, con xong ngay đây". Methwick nói với mẹ.

Lúc Methwick nặn xong chú chó con, cậu phát hiện mẹ đã dọn đồ ăn ra bàn. "Oa, có nhiều món ăn con thích này!". Methwick lập tức ngồi xuống bàn ăn và cầm thìa lên.

"Đợi một lát", mẹ vội vàng ngăn hành động của cậu lại, "Con rửa tay trước, sau đó hãy ăn".

"Mẹ, tay con không bẩn mà". Methwick xòe hai bàn tay ra cho mẹ xem.

"Đợi mẹ một lát". Nói xong, mẹ đi vào phòng của Methwick, khi mẹ bước ra, trong tay dính một ít đất nặn. Mẹ bước đến trước mặt Methwick, rồi quệt đất nặn lên bánh mì của Methwick và nói: "Được rồi đấy, con ăn đi".

"Mẹ ơi, bánh mì dính đất nặn bẩn lắm, không ăn được ạ". Methwick tủi thân nhìn mẹ.

"Con à, nếu bây giờ con không rửa tay mà ăn bánh, thì có gì khác việc con ăn cánh bánh mì mà bị bôi đất nặn lên". Mẹ nghiêm giọng nói.

Nghe mẹ nói vậy, Methwick nhanh chóng đi rửa tay. Lúc quay lại, cậu giơ hai bàn tay lên cho mẹ kiểm tra và nói: "Mẹ ơi, lần này thì tay con sạch rồi nhé".

"Lần sau, mỗi lần trước khi ăn cơm con đều cần rửa tay, con nhớ chưa?". Mẹ nghiêm túc dạy con trai.

Người mẹ trong ví dụ trên đã dùng hành động thực tế để giáo dục con trai, cầm chiếc bánh mì bằng bàn tay bẩn cũng giống như việc ăn chiếc bánh mì không sạch, đều không hợp vệ sinh. Người Do Thái cho rằng không vệ sinh là biểu hiện của việc phạm lỗi, vì việc rửa tay và rửa mặt đối với người Do Thái được coi là một nghĩa vụ tôn giáo bắt buộc. Người Do Thái cho rằng, thân thể là tác phẩm của Thượng Đế, cần được tôn trọng. Vì thế, người Do Thái coi sự sạch sẽ của cơ thể là một trách nhiệm tôn giáo, nó thể hiện sự chân thành với Thượng Đế.

Cha mẹ Do Thái thường lấy lịch sử dân tộc mình làm dẫn chứng để dạy con cái hiểu tầm quan trọng của việc giữ gìn thân thể sạch sẽ. Trải qua hơn hai nghìn năm phiêu bạt và nhiều lần bị sát hại, dân tộc Do Thái vẫn không bị hủy diệt, ngoài ý chí sinh tồn kiên cường và trí tuệ uyên bác, còn có một nguyên nhân không thể thiếu đó là sự coi trọng đối với sức khỏe. Từ xa xưa, người Do Thái đã có thói quen giữ gìn cơ thể sạch sẽ và khỏe mạnh. Chính vì có thể chất khỏe mạnh nên họ mới có thể chống lại mọi bệnh tật và tiếp tục sinh tồn, phát triển cho đến ngày nay.

Giữ cơ thể luôn sạch sẽ là biểu hiện của việc giữ gìn vệ sinh. Cha mẹ khi dạy con cái giữ gìn vệ sinh, nên dựa vào ba phương pháp sau:

❃ Giữ môi trường sống sạch sẽ

Có thể thấy người Do Thái rất coi trọng môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ. Cha mẹ Do Thái dạy con cái rằng, môi trường sạch đẹp có thể bồi dưỡng thói quen sống văn minh và tình cảm cao đẹp của con người, nó ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành tố chất con người. Ngoài ra, môi trường sạch đẹp, thoáng mát còn giúp cho mọi người có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, minh mẫn. Vì thế, trong gia đình người Do Thái, mỗi đứa trẻ đều có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ.

❃ Giữ cơ thể sạch sẽ

Cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Họ cho rằng, thân thể là do Thượng Đế tạo ra, giữ cơ thể sạch sẽ chính là kính trọng Thượng Đế. Vì thế, họ luôn dạy con cái chăm tắm gội, rửa tay, rửa mặt... Chẳng hạn, người Do Thái đặc biệt coi trọng vệ sinh móng tay, từ nhỏ trẻ đã hình thành thói quen cắt móng tay, sau khi cắt xong còn cẩn thận rửa sạch ngón tay của mình. Đối với cha mẹ Do Thái, đôi tay bẩn cầm vào đồ ăn, không chỉ mất vệ sinh, mà còn là sự coi thường, không kính trọng Thượng Đế. Giữ cho cơ thể sạch sẽ là nền tảng của sự khỏe mạnh, là điều căn bản để đạt được thành công. Do vậy, giữ cơ thể sạch sẽ là trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân mỗi người.

❃ Giữ quần áo sạch sẽ

Người Do Thái thường xuyên khuyên bảo con cái giữ quần áo sạch sẽ giống như giữ cơ thể sạch sẽ. Họ không yêu cầu quần áo luôn óng ả, lượt là, nhưng mỗi bộ quần áo đều cần sạch sẽ. Cha mẹ Do Thái sẽ nói với con cái rằng, việc giữ cho quần áo sạch sẽ là biểu hiện của người biết tu dưỡng và có giáo dục. Đối với một học giả, nếu quần áo của anh ta không tử tế, đó sẽ là sự bất kính và khinh miệt với học thức. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái còn chú ý giữ sạch sẽ quần áo của con, mục đích là để từ nhỏ trẻ đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh.

Dân tộc Do Thái có thể nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác trong môi trường sống khó khăn là nhờ họ có một thể chất khỏe mạnh và khả năng sinh tồn mạnh mẽ. Vì thế, cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc bồi dưỡng thói quen vệ sinh cho con cái. Mỗi bậc cha mẹ chúng ta đều nên giúp con cái mình có thói quen vệ sinh tốt như vậy.

Cách kết hợp dinh dưỡng như vậy mới là khoa học nhất

"Mẹ ơi, con có thể không ăn bát cháo này không ạ?". Krojan nhăn mặt nhìn bát cháo ngô trước mặt.

"Krojan, nói cho mẹ biết vì sao con không muốn ăn cháo ngô?". Mẹ nhẹ nhàng hỏi.

"Vì con không thích ăn cháo ạ". Krojan chu môi lên nói.

"Vậy Krojan, con nói cho mẹ biết, con có muốn thông minh hơn Jim không?". Mẹ mỉm cười hỏi cậu con trai.

"Đương nhiên là muốn ạ!". Cứ nhắc đến việc so sánh sự thông minh với Jim, Krojan lại trở nên hào hứng.

"Vậy con có muốn mạnh khỏe hơn Sarnoff không?". Mẹ tiếp tục kích thích Krojan.

"Muốn ạ! Muốn ạ! Muốn ạ!". Krojan gần như bị kích động muốn nhảy cẫng lên. "Mẹ ơi, mẹ mau nói cho con biết, làm thế nào con mới thông minh hơn Jim và khỏe mạnh hơn Sarnoff ạ?".

"Trong cháo ngô có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Những chất dinh dưỡng này có thể giúp con trở nên thông minh hơn, có một số chất còn giúp con mạnh khỏe hơn. Vì thế, khi ăn cháo ngô, con sẽ dần trở nên thông minh và khỏe mạnh". Mẹ nghiêm túc giảng giải cho Krojan.

"Hóa ra, cháo ngô có nhiều tác dụng như vậy. Mẹ ơi, sau này con sẽ ăn nhiều cháo ngô". Nói xong, Krojan cầm thìa lên và bắt đầu ăn cháo.

"Tốt lắm, như vậy con mới có thể lớn lên khỏe mạnh chứ". Mẹ vui vẻ nói.

Có thể thấy mẹ của Krojan rất chú ý đến việc ăn uống của con trai. Đây cũng là thói quen của nhiều bậc cha mẹ Do Thái. Trước đây, người Do Thái có cuộc sống phiêu bạt khắp nơi, điều kiện ăn uống thiếu thốn, không đảm bảo nhưng họ luôn tuân theo nguyên tắc của mình, không ăn những thứ mất vệ sinh, cố gắng tìm ra nhiều thức ăn hơn, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Như vậy, có thể thấy, người Do Thái rất nghiêm túc trong ăn uống. Họ cho rằng, có trách nhiệm với cơ thể mình, chính là có trách nhiệm với Thượng Đế.

Trong tôn giáo của người Do Thái, các vị thần có quy định nghiêm khắc với món ăn của họ. Họ chia thức ăn ra làm hai loại sạch và không sạch, người Do Thái chỉ ăn những thức ăn sạch sẽ. Trải qua sự phát triển lâu đời đến nay, người Do Thái vẫn tuân theo nguyên tắc ăn uống này. Hơn nữa, cách phối hợp các món ăn của họ cũng rất phong phú, hợp lý, đảm bảo chất dinh dưỡng. Họ đặc biệt coi trọng sự kết hợp chất dinh dưỡng trong ăn uống của trẻ nhỏ, vì đối với họ, trẻ em là hi vọng và tương lai của dân tộc. Mỗi gia đình đều bảo đảm cho con em họ được trưởng thành khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Cha mẹ Do Thái đã chú ý trọng điểm trong cách ăn uống của con cái mình như sau:

❃ Sắp xếp thực đơn theo nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, cần hấp thụ đầy đủ các thành phần dinh dưỡng. Cha mẹ Do Thái căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của trẻ mà sắp xếp cơ cấu bữa ăn hợp lí, đảm bảo cung cấp toàn diện chất dinh dưỡng cho sự trưởng thành của trẻ. Ngoài ra, họ còn chú ý đến sự phối hợp các loại thực phẩm, màu sắc trong bữa ăn của trẻ. Điều này có thể làm tăng hứng thú ăn uống và đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.

❃ Bảo đảm cung cấp dinh dưỡng dựa vào sự thay đổi theo mùa

Mỗi mùa khác nhau lại có những thực phẩm khác nhau. Khi sắp xếp bữa ăn cho trẻ, cha mẹ Do Thái luôn coi trọng lượng dinh dưỡng hấp thụ của trẻ đối với những thức ăn tươi ngon. Vì thế, họ đều căn cứ vào sự thay đổi của bốn mùa để điều chỉnh món ăn, bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Ví dụ, khi thời tiết ấm dần lên, năng lượng hoạt động của trẻ tăng lên, lượng hấp thụ canxi nhiều hơn. Lúc này, cha mẹ Do Thái sẽ tăng các loại thực phẩm giàu canxi cho trẻ như sữa bò, cá, chế phẩm từ đậu, giúp đảm bảo nhu cầu canxi cho cơ thể trẻ. Khi thời tiết nóng bức, ham muốn ăn của trẻ giảm, lúc này cha mẹ sẽ cho trẻ ăn những món thanh đạm, có hương thơm, mùi vị hấp dẫn để kích thích sự ham ăn của trẻ. Vào những ngày trời nắng nóng, họ còn nhắc nhở con cái uống nhiều nước, tránh bị mất nước trong cơ thể. Khi thời tiết lạnh, nhu cầu nhiệt lượng của trẻ tăng lên, lúc này cha mẹ Do Thái sẽ nấu những món như hầm, xào... để bảo đảm cung cấp nhiệt lượng đầy đủ cho trẻ. Có thể thấy, cha mẹ Do Thái đã rất linh hoạt trong việc thay đổi chế ăn để đảm bảo chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện.

❃ Chế biến khoa học để tạo nên những món ăn ngon, bổ dưỡng

Cách chế biến món ăn khoa học sẽ đảm bảo thành phần trong món ăn đó, giúp cho trẻ hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng. Cha mẹ Do Thái rất coi trọng dinh dưỡng trong thức ăn. Ví dụ, khi nhặt rau xong, họ thường rửa sạch sau đó mới thái rau, khi xào rau cố gắng đun lửa to, xào nhanh hoặc chú ý dùng lửa to, lửa vừa, lửa nhỏ để làm các món ăn khác nhau, bảo đảm giữ lại nhiều nhất chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái còn chế biến những món ăn trẻ không thích ăn thành những món có màu sắc, mùi vị hấp dẫn để kích thích trẻ. Ví dụ, những lương thực thô như ngô, kê, họ sẽ cho vào cháo hoặc bánh ngọt, bảo đảm cho trẻ hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng. Với những loại rau mà trẻ không thích, cha mẹ sẽ ép thành nước, kết hợp với bột mì làm món ăn chính cho trẻ.

Tùy từng giai đoạn mà trẻ phát triển thể lực và trí tuệ khác nhau, vì thế các bậc cha mẹ cần chú ý phối hợp ăn uống hợp lí, bảo đảm sự phát triển lành mạnh cho trẻ.

Con hãy nhớ, ăn uống không chỉ phải đúng giờ mà còn cần có điều độ

Vào bữa trưa, Hoffman phát hiện mẹ nướng loại bánh mà cậu thích ăn nhất, trong lòng vô cùng vui sướng. Vì thế, cậu hào hứng bắt đầu ngồi ăn.

"Mẹ ơi, cho con thêm cái bánh nữa ạ", Hoffman ăn xong cái bánh trong tay và nói với mẹ.

"Hoffman, đây là cái bánh thứ mấy con ăn rồi?". Mẹ vừa đưa bánh vừa hỏi.

"Cái thứ ba ạ". Hoffman vội vàng ăn ngấu nghiến.

"Đây là cái cuối cùng con ăn đấy nhé, ăn xong, con không được ăn nữa đâu đấy". Mẹ nói với Hoffman.

"Tại sao ạ, con muốn ăn một cái nữa cơ". Cậu bé 6 tuổi vỗ vào bụng mình, biểu thị sự quyết tâm.

"Con à, nếu ăn thêm một cái nữa bụng của con sẽ không chịu nổi mất". Mẹ giải thích với cậu.

"Nhưng mẹ ơi, con rất thích ăn bánh này, có thể cho con ăn thêm một cái được không?". Hoffman cầu xin mẹ.

"Hoffman, con có nhớ lần trước tại sao bạn John lại phải nằm viện không?". Mẹ nhắc nhở Hoffman.

"Vì bạn ấy ăn nhiều đồ quá ạ". Hoffman trả lời.

"Con à, nếu con ăn quá nhiều bánh, con cũng sẽ giống bạn John đấy, tự làm hỏng dạ dày mình. Hãy nhớ lời mẹ, ăn uống đúng giờ, đúng lượng, được không nào?". Mẹ nói.

"Mẹ ơi, con biết rồi ạ, con sẽ ghi nhớ" Ăn nhiều quá sẽ phải nằm viện, phải tiêm thuốc. Con sẽ không ăn nhiều quá nữa đâu ạ". Hoffman hứa với mẹ.

Hoffman chầm chậm ăn hết cái bánh cầm trong tay, rồi vui vẻ chạy ra ngoài chơi cùng các bạn.

Người Do Thái có yêu cầu rất nghiêm khắc trong việc ăn uống. Ngoài những quy định về chủng loại thức ăn, họ còn yêu cầu mọi người trong gia đình ăn uống có mức độ, không ăn uống tùy tiện. Họ rất nghiêm khắc trong việc ăn uống của con cái. Từ đó, từ nhỏ đã hình thành cho con thói quen ăn uống hợp lý. Cụ thể, người Do Thái có những quy định về ăn uống như sau:

❃ Ăn uống có mức độ

Người Do Thái luôn coi trọng việc ăn uống có mức độ. Đối với họ, tiêu chuẩn ăn uống có điều độ "ăn 1/3, uống 1/3, để lại 1/3 (dung lượng dạ dày). Hàng ngày, người Do Thái ăn cơm, dù là nghèo khổ hay tiết kiệm, họ đều ăn bữa cơm đơn giản nhất. Đối với người Do Thái, cách ăn uống này giúp họ đề phòng được bách bệnh, là một trong những cách giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Thông thường, trên bàn ăn của người Do Thái không có sơn hào hải vị, họ cũng không ăn quá nhiều, mọi người đều tuân thủ kết cấu bữa ăn hợp lí, bảo đảm các cơ quan trong cơ thể được vận hành bình thường.

❃ Ăn uống đúng giờ

Người Do Thái cho rằng cần ăn uống đúng giờ như vậy mới tốt cho sức khỏe. Họ cho rằng những người không ăn uống đúng giờ sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Đã có bậc cha mẹ Do Thái giáo dục con mình như sau: "Ngủ sớm, ăn sớm vì mùa hè thì nóng còn mùa đông thì lạnh". Một câu ngạn ngữ cũng nói rằng: "Ăn cơm sớm sẽ no sớm". Mục đích sự giáo dục này là giúp trẻ sắp xếp thời gian ăn uống hợp lí và bồi dưỡng khả năng tự lập cho trẻ.

❃ Ăn uống đúng tư thế

Người Do Thái rất coi trọng việc ngồi ăn đúng tư thế. Vì họ luôn cho rằng tư thế ăn uống không đúng sẽ có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, khi ăn cơm người Do Thái cố gắng không nói chuyện, tránh thức ăn rơi vào khí quản tác động không tốt cho sức khỏe. Người Do Thái không cho phép con cái vừa ăn vừa đùa nghịch, khi ăn cả gia đình nên ngồi tập trung. Thói quen có lợi này giúp họ hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Ăn uống hợp lí giúp người Do Thái tránh được các loại bệnh tật và luôn giữ sức khỏe tốt. Mọi người đều biết, cơ thể khỏe mạnh là nền tảng để phấn đấu, chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mới có đủ sức lực để thực hiện mục tiêu của mình. Vì thế, các bậc cha mẹ nên học tập kinh nghiệm của người Do Thái, cho trẻ ăn uống đúng lượng đúng giờ, để giúp con cái có một cơ thể khỏe mạnh.

Đi nào con yêu, vận động nhiều cơ thể càng cường tráng

Buổi sáng cuối tuần, bố thay bộ quần áo thể thao, chuẩn bị ra ngoài đá bóng. Bỗng nhiên, cậu con trai 4 tuổi của anh Bohr đang đứng ở ngoài cửa, tò mò nhìn.

"Bố ơi, bố định đi đâu đấy ạ?". Bohr hỏi.

"Bố ra ngoài đá bóng cùng với mấy chú, con có muốn đi cùng không?". Anh cúi xuống trước mặt con và hỏi.

"Ồ, đá bóng có hay hơn xem phim hoạt hình không ạ?". Bohr 4 tuổi cho rằng điều thú vị nhất trên đời chính là xem phim hoạt hình.

"Bohr, con hãy nói cho bố biết, đại vương trong phim hoạt hình có hình dáng như thế nào?". Bố mỉm cười hỏi con trai.

"Các đại vương đều rất dũng mãnh, có sức khỏe phi thường, các loài vật nhỏ ở bên cạnh đều không so được với nó". Bohr nhớ lại và kể cho bố nghe.

"Con trai, đá bóng là một môn thể thao giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Nó có thể giúp con có sức mạnh giống như đại vương, có cánh tay rắn chắn và cặp đùi to khỏe. Bohr, con có muốn đi đá bóng với bố không". Người bố nhìn cậu bé chờ đợi.

"Dạ", Bohr gật đầu, "Con cũng muốn có cơ thể khỏe mạnh". Bohr nắm chắc tay mình biểu thị quyết tâm với bố.

"Tốt lắm, vậy chúng ta đi thôi". Bố bế cậu lên và hai bố con cùng ra sân bóng.

Trong ví dụ trên, bố của Bohr rất chú ý đến việc giáo dục con về mặt thể dục thể thao, đó cũng là điều mà các bậc cha mẹ Do Thái thường làm. Họ cho rằng, dù làm bất cứ công việc gì, cũng cần có cơ thể khỏe mạnh. Vận động giúp con người có thể chất và tâm hồn lành mạnh, giúp con người thoải mái tập trung trong công việc, giải tỏa tâm trạng không vui.

Cuốn "Talmud" đã viết rằng: "Tập luyện thể thao có thể loại bỏ những tác hại do thói quen xấu mang lại, vì đa số mọi người đều gặp phải những tác hại này". Trẻ em Do Thái luôn được giáo dục rằng không được xem nhẹ năng lực hoạt động của cơ thể, con người cần thường xuyên luyện tập thể thao để nâng cao sự chịu đựng và tăng cường thể chất. Cha mẹ Do Thái cho rằng, hút thuốc và uống rượu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm khả năng suy nghĩ và khả năng phán đoán còn khiến cho sức lực và trí não bị thoái hóa, không thể tiến hành hoạt động tư duy bình thường được. Đối với việc rèn luyện cơ thể, dù bằng hình thức nào cũng nên kiên trì và nhẫn nại. Có như vây, mới giúp cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái, sống vui vẻ hơn.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ luôn chú ý bồi dưỡng thói quen vận động cho trẻ. Trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao có lợi cho sức khỏe. Ngoài việc giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, còn giúp trí tuệ trẻ phát triển, bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, giúp trẻ vui vẻ trưởng thành. Vậy cha mẹ Do Thái sắp xếp cho trẻ rèn luyện sức khỏe như thế nào?

❃ Chú ý rèn luyện sức khỏe toàn diện

Khi luyện tập thể thao, cha mẹ thường chú ý cho trẻ phát triển toàn diện các cơ quan trong cơ thể. Cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ các kĩ năng như chạy, nhảy... Qua những bài luyện tập thể thao này, cha mẹ bồi dưỡng cho trẻ tính cách: nhanh nhạy, quyết đoán, chịu khó chịu khổ, bình tĩnh... giúp trẻ vừa có cơ thể khỏe mạnh, lại có ý chí kiên trì và phẩm chất tốt đẹp.

❃ Nắm bắt lượng vận động và thời gian vận động thích hợp

Các bậc cha mẹ đều nhận thức được rằng, tập thể dục không phải thời gian càng dài hay vận động càng nhiều thì hiệu quả càng tốt. Việc tập luyện thể thao cần tuân thủ theo quy luật chức năng sinh lí của cơ thể. Cha mẹ thường căn cứ vào tình hình phát triển sức khỏe của con cái để đặt ra cường độ và thời gian rèn luyện hợp lí, sắp xếp cho trẻ tập luyện một cách khoa học.

❃ m nhạc, chơi cờ đều nâng cao hiệu quả rèn luyện sức khỏe cho trẻ

m nhạc có thể điều tiết cảm xúc của con người, giúp chúng ta có tâm trạng thoải mái, giải tỏa mệt mỏi, nâng cao hiệu quả luyện tập. Ngoài ra, chơi cờ cũng được coi là môn "thể thao trí tuệ", vì chơi cờ có thể phát triển khả năng tư duy, rèn luyện thể lực, sự kiên nhẫn, tăng cường ý chí. Có thể nói, chơi cờ là một môn thể thao mang tính toàn diện. Vì thế, cha mẹ Do Thái rất ủng hộ việc con thích nghe nhạc hay chơi cờ.

Cổ nhân có câu "Sống là vận động". Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao không chỉ có lợi cho sự trưởng thành và phát triển mà còn bồi dưỡng ý chí cho trẻ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần học người Do Thái, coi trọng việc luyện tập thể thao cho con cái, giúp con có môi trường trưởng thành lành mạnh, phát triển toàn diện.

Con yêu, nhớ dọn dẹp phòng con cho sạch sẽ

Hôm nay, sau khi tan học về, Charles không ra ngoài chơi với các bạn, mà cứ ở lì trong phòng. Mẹ đang cảm thấy kì lạ thì một lát sau, cậu mặt mày lấm lem chạy ra, nói với mẹ: "Mẹ ơi, mẹ có thể giúp con một việc được không ạ?".

Mẹ đầy nghi hoặc nhìn Charles rồi hỏi: "Chuyện gì vậy con?". Charles lắc đầu, xấu hổ nói: "Hôm nay, cô giáo nói với bọn con, cần tự dọn dẹp phòng của mình, con vừa dọn dẹp xong, nhưng càng dọn càng bừa bộn. Mẹ ơi, mẹ có thể dạy con cách dọn dẹp thế nào không ạ?".

"Ồ, hóa ra là như vậy". Mẹ gật đầu, "Đương nhiên là có thể, mẹ vốn định dạy con dọn dẹp nhà cửa mà".

Vì thế, hai mẹ con cùng dọn phòng, sau khi dọn xong, mẹ hỏi Charles: "Thế nào, con đã biết dọn chưa?".

Charles mỉm cười gật đầu: "Mẹ ơi, sau này phòng của con, con sẽ tự dọn dẹp phòng của mình. Con tin con sẽ dọn sạch sẽ, gọn gàng giống như bây giờ ạ".

Mẹ mỉm cười gật đầu.

Giống như trải nghiệm của cậu bé Charles trong ví dụ trên, rất nhiều trẻ em Do Thái đã biết dọn dẹp phòng mình từ nhỏ. Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ là một tôn chỉ của người Do Thái. Cho dù trong bất cứ tình huống nào, người Do Thái cũng luôn yêu cầu bản thân giữ không gian sống sạch sẽ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp người Do Thái dù phiêu bạt bao nhiêu năm nhưng vẫn có thể chống lại bệnh tật, giữ được cơ thể khỏe mạnh. Do đó, từ khi còn rất nhỏ, cha mẹ Do Thái đã tạo cho trẻ thói quen giữ vệ sinh môi trường và thân thể luôn sạch sẽ.

Cha mẹ hiểu rất rõ lợi ích của việc để trẻ tự quét dọn phòng mình. Đầu tiên, môi trường sống sạch sẽ sẽ giúp ngăn ngừa các vi khuẩn, virus xâm nhập, tránh được các bệnh truyền nhiễm, giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh. Thứ hai, phòng sạch sẽ giúp trẻ có tinh thần thoải mái, tạo cảm giác thư thái khi nghỉ ngơi. Đồng thời căn phòng được sắp xếp gọn gàng tránh cho trẻ có tư duy phân tán, giúp trẻ tập trung chú ý, nâng cao hiệu quả làm việc và học hành. Cuối cùng, để trẻ tự dọn dẹp nhà cửa không chỉ giúp trẻ rèn luyện khả năng làm việc, nâng cao tính tự lập, mà còn giúp trẻ bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm. Vì thế, cha mẹ nên để trẻ tự dọn dẹp phòng mình trong độ tuổi thích hợp.

Cha mẹ Do Thái khi dạy con dọn phòng, có những biện pháp đặc biệt sau đây:

❃ Dùng nguyên tắc tôn giáo để giáo dục

Khi các phương pháp thường dùng của cha mẹ để dạy trẻ tự dọn dẹp phòng mình không hiệu quả, cha mẹ sẽ thông qua hành động của mình để dạy trẻ học cách làm việc và giữ căn phòng luôn sạch sẽ. Nếu cha mẹ không có ý thức dạy trẻ, chắc chắn trẻ sẽ không thể làm tốt công việc. Với người Do Thái, giữ gìn vệ sinh chính là lễ nghĩa tôn giáo, là nguyên tắc mà mỗi người Do Thái cần tuân thủ. Vào thời cổ đại khi ý thức vệ sinh và trình độ y học chưa phát triển, con người đã dùng cách thức này để củng cố thói quen của mình, giúp mọi người rèn luyện được thói quen vệ sinh sạch sẽ nơi ở và cá nhân. Do vây, trẻ em Do Thái từ nhỏ đã bị ảnh hưởng bởi tôn giáo này, hình thành thói quen vệ sinh sạch sẽ.

❃ Dạy trẻ một số kĩ năng dọn dẹp nhà cửa

Cha mẹ Do Thái luôn cùng con cái dọn dẹp nhà cửa. Trong quá trình dọn dẹp, cha mẹ hướng dẫn con một số kĩ năng dọn dẹp hiệu quả. Từ đó, giúp trẻ cảm nhận được niềm vui lao động, nâng cao hiệu quả làm việc. Ví dụ, cha mẹ sẽ dạy trẻ gấp chăn như thế nào, làm thế nào sắp xếp đồ đạc trong ngăn kéo và phân loại đồ đạc, hướng dẫn trẻ đặt đồ ở chỗ nào thì hợp lí... Những ý kiến chia sẻ của cha mẹ sẽ giúp trẻ dần nắm bắt được kĩ năng dọn dẹp nhà cửa, từ đó hình thành thói quen dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.

❃ Dạy trẻ luôn giữ nhà cửa sạch sẽ

Cha mẹ nên đặt ra một số nguyên tắc cho trẻ, để trẻ luôn giữ gìn nhà cửa sạch sẽ. Cha mẹ Do Thái sẽ nói cho trẻ biết chỉ có thể ăn trong phòng bếp hoặc phòng khách, không mang đồ ăn vào phòng ngủ, tránh thức ăn vương vãi trong phòng; Không được để đồ bừa bãi, sau khi dùng cần để vào chỗ cũ, giữ cho nhà cửa sạch sẽ. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái còn dành thời gian cùng con dọn dẹp vệ sinh, nói cho trẻ biết nhà cửa không chỉ cần quét dọn mà còn cần giữ gìn sạch sẽ, như vậy mới luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Trong quá trình trẻ tự quét dọn nhà cửa, trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui từ thành quả lao động. Ngoài ra, thông qua việc sắp xếp đồ đạc sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng tư duy, đồng thời giúp trẻ phát triển về mọi mặt. Vì thế, các bậc cha mẹ cần học cách làm của người Do Thái, bồi dưỡng cho con cái mình có thói quen quét dọn nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh từ nhỏ.

Để bố mẹ giúp con sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lí

"Mẹ ơi, ngày mai là chủ nhật, con không phải đi học, mẹ bảo bố đưa chúng ta đi du lịch nhé!". Bé Anna đứng trước mặt mẹ nói, đôi mắt mở to chờ đợi.

"Không, con gái ạ, ngày chủ nhật là ngày để con ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn, đảm bảo sức khỏe và thoải mái tinh thần. Nếu con đi chơi, cơ thể sẽ rất mệt, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của con vào tuần sau. Vậy nên, chủ nhật này chúng ta ở nhà nghỉ ngơi nhé" Mẹ giảng giải cho Anna.

"Mẹ ơi, con sẽ không để ảnh hưởng đến học tập đâu ạ. Cô giáo con nói, trẻ em nên đi ra ngoài nhiều, học hỏi thêm kiến thức, mở rộng tầm mắt và nâng cao khả năng hiểu biết. Như vậy, đi du lịch sẽ giúp cho việc học hành và nhận thức của con. Mẹ có thể đưa con đi không ạ?". Anna biết mẹ luôn rất tôn trọng thầy cô giáo, vì thế dùng lời nói của cô giáo để thuyết phục hi vọng sẽ tác động được mẹ.

"Anna ơi, hãy trả lời cho mẹ biết, mùa hè trước con đã như thế nào?". Mẹ bình tĩnh hỏi.

Anna nghĩ ngợi một lát rồi nói: "Mùa hè trước, con và bố mẹ đi chèo thuyền ở nước Anh, con còn chụp ảnh ở chỗ đồng hồ Big Ben nữa".

"Vậy, mùa đông năm ngoái con đi đâu?".

Vừa nhắc đến kỳ nghỉ đông năm ngoái, hai mắt của Anna sáng lấp lánh: "Mùa đông năm ngoái cả nhà chúng ta đi Thụy Sĩ trượt tuyết, thật là tuyệt vời".

"Vì thế, con à, bố mẹ không phải là không đồng ý cho con đi du lịch, mà là muốn bảo đảm con được nghỉ ngơi đầy đủ. Khi dẫn con đi du lịch, bố mẹ cần đảm bảo con được mở rộng tầm mắt, đồng thời cũng không làm lỡ việc học của con. Con thấy mẹ nói có đúng không?" Mẹ kiên nhẫn giảng giải.

"Vâng, mẹ ơi, con biết rồi, ngày mai con sẽ ở nhà nghỉ ngơi ạ". Anna nói với mẹ.

Giống như mẹ của Anna trong ví dụ trên, người Do Thái luôn cho rằng ngày cuối tuần tốt nhất nên ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị cho việc học tập và công việc vào tuần tới. Do Thái là một dân tộc coi trọng sự hưởng thụ, ngoài việc hưởng thụ những món ăn ngon, họ còn để ý đến việc hưởng thụ trong những kỳ nghỉ. Người Do Thái cho rằng, chỉ khi thả lỏng tinh thần và thể chất mới có được một kỳ nghỉ thực sự. Vì thế, vào ngày cuối tuần, người Do Thái rất ít khi đi chơi, dã ngoại, mà ở nhà tham gia những hoạt động vui vẻ, thoải mái và không tiêu tốn sức lực.

Một trong những cách sống đặc biệt của người Do Thái chính là coi trọng sự nghỉ ngơi. Ở Israel mỗi năm đều có rất nhiều ngày nghỉ lễ, người dân có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, thoải mái. Ngoài ra, người Do Thái ở các vùng khác trên thế giới cũng luôn coi trọng ngày nghỉ, coi đó là một phần quan trọng trong cuộc sống. Trong ngày nghỉ đó, người Do Thái không nói những chuyện liên quan đến công việc, mà chỉ tập trung thư giãn và hưởng thụ cuộc sống. Họ cho rằng làm việc là để hưởng thụ, có nghỉ ngơi tốt mới làm việc tốt, người không biết nghỉ ngơi sẽ không biết làm việc như thế nào. Nếu ai đó coi công việc là toàn bộ cuộc sống, thì họ đã mất đi nhiều điều quan trọng của cuộc đời mình. Vì thế, vào những ngày nghỉ, người Do Thái luôn để công việc sang một bên, thả lỏng tinh thần và đón nhận sự tốt đẹp của cuộc sống, họ cho rằng đó mới là ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Trong cuốn "Luật pháp Do Thái" có ghi: "Con người sắp xếp ngày nghỉ, chứ không dùng ngày nghỉ để khống chế con người". Vì thế, cha mẹ Do Thái luôn dùng cách thức này để sắp xếp ngày nghỉ cho con cái.

❃ Đọc và nghiên cứu sách kinh điển

Từ xa xưa, người Do Thái đã có ngày nghỉ của riêng mình. Đối với họ, nghỉ ngơi sẽ giúp thả lỏng tinh thần, để làm việc hiệu quả hơn. Vì thế, người Do Thái thường sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho cả gia đình vào ngày cuối tuần. Như vậy, sẽ tạo cho trẻ cảm giác thoải mái và vui vẻ, hứa hẹn một tuần học tập mới nhiều tiến bộ. Cha mẹ Do Thái dạy con cần phải nghỉ ngơi trong ngày cuối tuần, để điều chỉnh trạng thái của bản thân thật tốt. Trong ngày nghỉ đó, họ thường ngừng mọi hoạt động kinh doanh, chỉ đọc kinh và nghỉ ngơi.

❃ Cả nhà cùng tận hưởng niềm vui gia đình

Trong ngày nghỉ của người Do Thái, mọi người thường làm các món ăn ngon và cùng nhau thưởng thức. Sau ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ và thoải mái người Do Thái sẽ có tâm trạng vui vẻ để đón nhận công việc của một tuần mới. Đây là cách làm thường xuyên của cha mẹ Do Thái để giúp tâm trạng con cái tốt hơn, từ đó, học tập hiệu quả hơn.

Nếu một người cứ liên tục làm việc không nghỉ ngơi, giống như chiếc dây thừng mất đi độ co giãn, đến một lúc nào đó, dây thừng sẽ đứt và người đó sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Các bậc cha mẹ hãy tham khảo cách làm của cha mẹ Do Thái giúp con cái nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu trẻ luôn ở trạng thái căng thẳng, tinh thần không được thư giãn, thì trẻ không những cảm thấy mệt mỏi, mà còn giảm hiệu quả học tập.

Văn hóa trên bàn ăn - văn hóa đặc biệt của người Do Thái

Charles là một cậu bé Do Thái được rất nhiều người yêu mến, vì cậu luôn mang niềm vui đến cho mọi người. Nhưng hôm nay, tâm trạng của cậu không vui vì trong tiết học cậu làm bài chưa được tốt lắm.

Giờ cơm tối, trên bàn ăn, Charles không nói một câu nào và tỏ ra vô cùng uể oải. Mẹ của cậu luôn tuân theo thói quen ăn uống của người Do Thái, không cho phép ai nói chuyện liên quan đến công việc và học hành trên bàn ăn. Charles cũng không dám trái quy định của mẹ, vì thế không nói gì.

Mẹ thấy Charles buồn rầu liền nói: "Charles, lúc ăn cơm không nên nghĩ đến chuyện khác. Lúc ăn con nên tập trung, nhai kỹ nuốt chậm, luôn giữ tâm trạng vui vẻ, như vậy mới có lợi cho việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Con có biết, sức khỏe là rất quan trọng không? nếu không có sức khỏe thì con sẽ không làm tốt được bất cứ việc gì. Vì thế, mẹ nghĩ con nên tập trung ăn cơm. Sau khi ăn, con có thể nói cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra, có được không? Cho dù có chuyện gì, mẹ sẽ giúp đỡ con".

Charles nghe mẹ nói vậy, cậu bắt đầu nghiêm túc ăn cơm. Sau khi ăn xong, mẹ biết khó khăn của con ở trường, nên đã dạy cậu làm một chiếc thuyền rất đẹp, Charles không còn buồn bã nữa.

Và như vậy, nhờ sự dạy bảo của mẹ, Charles dần dần hiểu rằng bất cứ chuyện gì cũng không quan trọng bằng sức khỏe. Do vậy, trong giờ ăn, cậu luôn tập trung ăn cơm.

Coi trọng không khí bên bàn ăn và văn hóa trên bàn ăn là thói quen truyền thống của người Do Thái. Cho dù bạn giàu có thế nào, cũng cần tôn trọng truyền thống này. Văn hóa bên bàn ăn là một phần quan trọng trong văn hóa ăn uống của người Do Thái, họ cho rằng ngồi ăn cùng nhau sẽ bồi dưỡng thêm tình cảm gia đình. Cha mẹ Do Thái luôn dạy con cái lễ nghĩa khi ăn uống từ lúc con còn nhỏ. Đối với họ, hành động trên bên bàn ăn của một người sẽ thể hiện tố chất và sự tu dưỡng của người đó. Vì thế, khi trẻ đến tuổi nhất định sẽ được ngồi ăn cùng bàn với bố mẹ chúng, không được chạy lung tung khi ăn. Đồng thời khi trẻ bắt đầu ăn cơm, cần tuân thủ tất cả quy tắc được đặt ra, cho dù trong nhà có vị khách quan trọng như thế nào, cha mẹ cũng dành một ghế cho trẻ, để trẻ cùng ngồi ăn với gia đình. Cha mẹ bồi dưỡng văn hóa bên bàn ăn giúp trẻ từ nhỏ có thái độ lịch sự và lễ phép. Cách dạy dỗ của cha mẹ Do Thái đối với con cái khi ngồi vào bàn ăn thể hiện ở những phương diện sau đây:

❃ Bồi dưỡng lễ nghĩa bên bàn ăn cho trẻ

Trên bàn ăn của người Do Thái, việc đầu tiên là trẻ cần biết phân biệt trên dưới, trước sau. Trẻ cần có thái độ lễ phép và cung kính với người lớn, lúc bắt đầu ăn và kết thúc bữa ăn đều phải mời người lớn. Thứ hai, trẻ cần thực hiện nghiêm túc những quy tắc bên bàn ăn mà cha mẹ đặt ra, không gây ồn ào, hò hét, không làm hỏng đồ dùng ăn uống. Cuối cùng, một phần không nhỏ trong văn hóa bên bàn ăn chính là giao lưu ngôn ngữ, đặc biệt khi nhà có khách, việc giao lưu này là cách thức quan trọng để tăng cường tình cảm. Qua văn hóa bên bàn ăn, cha mẹ sẽ dạy trẻ thái độ và nguyên tắc giao tiếp, bồi dưỡng các kĩ năng, nâng cao khả năng giao tiếp của trẻ.

❃ Không bàn chuyện công việc bên bàn ăn

Cha mẹ Do Thái giáo dục con cái, khi làm việc không được lười biếng, khi nghỉ ngơi không nên làm việc. Công việc có quan trọng thế nào cũng không nên bàn bạc trên bàn ăn. Mọi người làm việc là để hưởng thụ cuộc sống, nếu bên bàn ăn trao đổi chuyện công việc hoặc những chuyện không vui khác, sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và không khí ăn uống, điều đó làm ảnh hưởng đến việc thưởng thức hương vị của món ăn, không có lợi cho việc hấp thụ, tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, trong gia đình người Do Thái, khi ăn mọi người luôn cố gắng giữ tinh thần, bỏ công việc sang một bên, chỉ tập trung thưởng thức món ăn và niềm vui của cuộc sống. Vì thế, trong quan niệm của trẻ em Do Thái, ăn uống là một việc rất vui vẻ và tuyệt vời. Quan niệm này sẽ theo trẻ suốt đời, giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt và luôn khỏe mạnh.

❃ Không cho phép ai vắng mặt bên bàn ăn

Người Do Thái rất coi trọng cuộc sống gia đình. Đa số hoạt động của họ đều lấy gia đình làm trung tâm. Vì thế, phần lớn họ cùng ở nhà dùng bữa bên gia đình. Người Do Thái cho rằng, cả gia đình cùng ăn cơm có thể bồi dưỡng tình cảm gia đình, tăng cường sự đoàn kết, thân thiết giữa các thành viên. Từ đó, giúp trẻ tôn trọng bố mẹ, tuân thủ truyền thống, phát huy tinh thần dân tộc của người Do Thái.

Văn hóa trong bữa ăn của người Do Thái đã giúp trẻ cảm nhận được sự thân thuộc của gia đình, từ đó trẻ sẽ một lòng hướng về dân tộc. Tình cảm này giúp dân tộc Do Thái luôn có tinh thần đoàn kết, giúp cho họ vượt qua những gian nan trong lịch sử để có được thành công ngày hôm nay. Văn hóa bữa ăn đặc biệt này còn bồi dưỡng khả năng giao tiếp cho người Do Thái, giúp họ có khả năng phán đoán và đàm phán trong kinh doanh. Từ đó, họ thực hiện được mục tiêu và tạo nên một dân tộc Do Thái đặc biệt.

PHỤ LỤC

TÁC PHẨM KINH ĐIỂN NGƯỜI DO THÁI PHẢI ĐỌC

Sự ưu tú và xuất sắc của người Do Thái không tách rời tôn giáo của họ. Trong tình cảnh bị truy sát và bức hại, họ vẫn tin vào tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết cùng những người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới và cuối cùng giành được nhiều thành tựu đáng tựu hào. Nói đến tín ngưỡng tôn giáo của người Do Thái, không thể không nhắc đến tác phẩm kinh điển của họ - "Talmud".

Do Thái giáo chủ yếu bao gồm ba tác phẩm kinh điển. Trong đó một tác phẩm là "Thánh Kinh Cựu Ước", đây là tác phẩm quan trọng nhất của người Do Thái, nó quy định những tín ngưỡng, quy tắc sống của người Do Thái, tất cả người dân Do Thái đều tuyệt đối tin tưởng vào những điều trong cuốn sách này. Cuốn thứ hai là "Talmud", cuốn sách có những quy định chi tiết về những luật giới kinh giáo Do Thái và Cuốn thứ ba là "Midrash".

Quyền uy của "Talmud" trong Do Thái giáo chỉ đứng sau "ThánhKinh Cựu Ước", cuốn sau là sách thánh của Do Thái giáo, cuốn trước là những quy tắc sống của người Do Thái. Người Do Thái được coi là "Dân tộc của luật pháp", mà tinh thần luật pháp này đến từ những quy định trong cuốn "Talmud".

Ý nghĩa trong tiếng Ivrit thì "Talmud" có nghĩa là "Nghiên cứu học thức vĩ đại", là tinh hoa trí tuệ của dân tộc Do Thái. Nó không chỉ là tác phẩm của một con người mà là tác phẩm của hơn 2000 học giả Do Thái trải qua vài nghìn năm đúc rút kinh nghiệm để ghi chép, chỉnh lí mà thành. Cuốn sách có nội dung phong phú, thông tin rộng lớn, bao gồm nội dung về mọi phương diện cuộc sống, từ việc ăn uống, tắm gội, nơi ở, ăn mặc, đến lĩnh vực lớn như tôn giáo, y học, luân lí... Mỗi hoạt động đều có những quy tắc cụ thể, các quy tắc này thấm nhuần trong quan niệm tư tưởng của người Do Thái, là căn cứ quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ, thậm chí cho đến nay vẫn không thay đổi.

Hầu như người Do Thái nào cũng có một cuốn "Talmud", từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời, họ luôn nghiên cứu và vận dụng những tri thức đó vào cuộc sống.

"Talmud" còn được coi là "Bộ sách luật Do Thái", trong đó ghi chép tất cả những quy định về luật pháp, dân pháp, hình pháp, các quy định, tập tục thói quen, quy phạm đạo đức xã hội... Thông qua những quy tắc này, cuốn sách xác định rõ ràng những hành vi nào được phép thực hiện trong cuộc sống, hành vi nào bị nghiêm cấm. "Talmud" có thể nói là một thể chế pháp luật hoàn chỉnh, thông qua tín ngưỡng tôn giáo để trói buộc con người, giúp con người trừng phạt cái ác, ngợi ca cái thiện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, mang lại niềm tin và hi vọng trong cuộc sống, giúp con người lạc quan, tích cực đối diện với thất bại và khó khăn.

"Talmud" không phải là cuốn sách luật khô khan, mà nó rất chân thực được sao chép từ cuộc sống. Cuốn sách ghi chép những truyện ký danh nhân, những cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học, các câu chuyện dân gian, cũng như những triết lí sống... thậm chí còn có những kiến thức về y học, lí luận, địa lí, thực vật, thiên văn, toán học.... Có thể nói "Talmud" là một cuốn bách khoa toàn thư. Cuốn sách giúp con người nhận thức được thế giới rộng lớn, hiểu được các kiến thức khoa học, hiểu được cuộc sống con người. Vì thế, "Talmud" được người Do Thái coi là cuốn sách trí tuệ để đọc và học tập cả đời. Với một nội dung phong phú, có thể giúp ích cho nhiều độ tuổi khác nhau, cuốn sách thực sự là món quà quý giá để mỗi người tự học tập và rèn luyện.

Không chỉ đưa ra những quy tắc của cuộc sống, cuốn sách còn bồi dưỡng cho chúng ta học cách tranh luận, nghi vấn, thắc mắc để tìm ra những chân lí đúng đắn. Nội dung của "Talmũdh" cho đến nay vẫn luôn phong phú và thiết thực. Hẳn là có dụng ý khi trang đầu tiên của "Talmũdh" là một trang giấy trắng, mục đích là cổ vũ con người tiếp tục tìm hiểu bổ sung tri thức để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Chia sẻ ebook : http://downloadsach.com/

Follow us on Facebook : https://www.facebook.com/caphebuoitoi

Table of Contents

TÔN THỜ TRÍ TUỆ LÀ TÍN NGƯỠNG ĐỜI CON

Nhà cháy rồi, con cần mang theo trí tuệ

Từ nhỏ, con đã học thuộc Thánh Kinh Cựu Ước

Ngoại ngữ là ngôn ngữ con phải học từ nhỏ

Từ nhỏ con đã biết sách vở là ngọt ngào

Học tri thức không bao giờ là muộn

Đặt câu hỏi là thói quen của con

Trí tuệ của con bắt đầu từ khả năng chú ý

Suy nghĩ có thể mang lại trí tuệ vô biên cho con

Đọc thêm: Con muốn tự trải nghiệm

TỰ LẬP TỰ CƯỜNG LÀ KĨ NĂNG SINH TỒN CỦA CON

Tin vào bản thân mới có thể sớm tự lập

Bí quyết để có khả năng sinh tồn mạnh mẽ

2 tuổi, con đã bắt đầu phải lao động

Từ nhỏ con đã có thể tự mình tiến lên phía trước

Trừng phạt con hợp lí sẽ hiệu quả nhất

Con là một đứa trẻ dũng cảm

Dám "xuất đầu lộ diện" cũng là khả năng của con

Thất bại chẳng là gì đối với con

Chăm chỉ luôn là phẩm chất tốt đẹp của con

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG KINH DOANH LÀ KĨ NĂNG CƠ BẢN CỦA CON

3 tuổi, con đã bắt đầu học nhận biết đồng tiền

5 tuổi, con đã bắt đầu "làm thêm" kiếm tiền

Cho dù con rất tiết kiệm nhưng tuyệt đối không keo kiệt

Cho dù 1 đô, con cũng muốn kiếm

Rốt cuộc một cân đồng có giá là bao nhiêu?

Con hiểu, nguy hiểm và thành công tỉ lệ thuận với nhau

Thành tín, nguyên tắc kinh doanh của con

THN THIỆN VỚI NGƯỜI KHÁC LÀ NGUYÊN TẮC XỬ THẾ CỦA CON

Con sẽ đối đãi với "hàng xóm" như với chính bản thân mình

Hàng xóm gặp khó khăn, đương nhiên phải ra tay giúp đỡ

Con muốn làm đứa trẻ lễ phép nhất

Con tuyệt đối sẽ không coi thường người khác

Dù còn nhỏ, nhưng con đã có tinh thần đoàn kết

Con biết hai cái tai > một cái miệng

Trước khi kết bạn, con chắc chắn sẽ suy nghĩ kĩ

Dù vật có tốt thế nào con cũng không ép buộc người khác

QUAN NIỆM GIÁO DỤC CỦA CHÚNG TÔI CÓ SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN NHẤT

Con yêu, chúng ta vui vẻ chấp nhận con

Tất cả sự giáo dục đều là vì tương lai của con

Phát triển tiềm năng cho trẻ càng sớm càng tốt

Quan niệm lui lại thời gian hưởng thụ

Con có thế mạnh, cần tiếp tục phát huy

Tài ăn nói chiếm một nửa thành công

Con phải biết thưởng thức cái đẹp

Lễ Vượt Qua, cùng nhau nhớ lại những năm tháng gian khổ nào!

Giỏi lắm! Chiếc ghế con làm rất đẹp!

AI NÓI CHÚNG TÔI KHÔNG CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO CON CÁI?

Con yêu, con phải hiếu kính với cha mẹ

Con yêu, kính trọng cha mẹ là vô cùng quan trọng

Gặp thầy cô giáo, con phải cúi chào trước

Con hãy luôn dành dụm tiền để cho người ăn xin

Con yêu, đừng tùy tiện nổi giận với người khác

Hãy yêu thương bảo vệ các loài vật nhỏ

Thành thật, giữ chữ tín là một trong những phẩm chất cần thiết

CƠ THỂ MẠNH KHỎE MỚI LÀ TIỀN ĐỀ CỦA HẠNH PHÚC

Con yêu, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhé!

Cách kết hợp dinh dưỡng như vậy mới là khoa học nhất

Con hãy nhớ, ăn uống không chỉ phải đúng giờ mà còn cần có điều độ

Đi nào con yêu, vận động nhiều cơ thể càng cường tráng

Con yêu, nhớ dọn dẹp phòng con cho sạch sẽ

Để bố mẹ giúp con sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lí

Văn hóa trên bàn ăn - văn hóa đặc biệt của người Do Thái

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top