Chương 16: Yến Tiệc Tẩy Trần
Từ sáng sớm cả phủ Trầm quốc công đã vô cùng nhộn nhịp. Hôm nay Hoàng đế cử hành tiệc tẩy trần cho đại quân, yến tiệc được tổ chức từ sáng sớm, mục đích là để mọi người có thời gian trò chuyện với nhau.
Trầm Thư Kính tuy đã cố gắng dậy sớm, song lúc tỉnh thì trời đã vào giờ Mẹo hai khắc (5 giờ 30 sáng). Túc Tình Hỷ Tình vội rửa mặt cho nàng, hầu hạ nàng thay y phục, mặc dù gấp gáp nhưng cũng không luống cuống.
Hôm nay đối với Trác thị hoàng triều, là ngày ăn mừng chiến thắng mở rộng lãnh thổ, song đối với Trầm Thư Kính nàng, đây là ngày nàng toả sáng.
Trầm Thư Kính ngồi trước gương đồng, để mặc cho Hỷ Tình tỉ mỉ chải tóc, lên tiếng hỏi Túc Tình:
“Túc Tình, chuyện ta nhờ ngươi chuẩn bị, ngươi đã hoàn thành chưa?”.
“Tiểu thư yên tâm, nô tì đã làm xong từ sớm”, Túc Tình cười cười đáp.
Sau khi để Hỷ Tình chải cho búi tóc Linh Xà kế, Trầm Thư Kính mở hộp trang sức, chọn lấy hai cây trâm vàng, trong đó một cây có vài sợi ngọc trai nhỏ gắn với một con bướm nho nhỏ làm từ phỉ thuý thượng đẳng treo lủng lẳng, khi cất bước đi con bướm cũng chuyển động, dường như sẵn sàng bay ra mọi lúc.
Hôm nay Trầm Thư Kính là vào cung, trang phục không còn đơn giản như thường ngày. Váy dài màu thiên thanh phủ qua chân, dưới làn váy thêu hoa Bách Hợp trắng, cổ áo kín đáo, thắt lưng được đai lưng trắng thuần siết chặt, lộ ra vòng eo như nắm tay nam tử. Tay áo hơi dài, khi có gió lại bay bay phiêu dật như tiên tử. Dưới chân đi đôi hài Hỷ Tình mới may, hình thêu cũng là Bách Hợp trắng nhưng rất nhỏ.
Trên đai lưng vắt một chiếc hà bao màu đỏ thêu một chữ “Kính”, thêm một chiếc ngọc bội trắng hình chiếc quạt nho nhỏ khắc chữ “Trầm”- là vật đại diện cho thân phận của Trầm Thư Kính- Đích tiểu thư phủ quốc công.
Lúc này, ngoài cửa đột nhiên vang lên tiếng gõ, không cần Trầm Thư Kính lên tiếng, người ngoài cửa đã sớm nói trước:
“Tiểu thư, lão nô là Tôn mẹ. Lão gia và phu nhân cùng Tứ tiểu thư đã sớm đợi người ở trước cửa, xe ngựa trong cung cũng đã đến, phu nhân cho lão nô đi thúc giục người một tiếng”.
“Vâng, ta đã xong, sẽ ra ngay”, Trầm Thư Kính nhanh chóng từ trên xuống dưới nhìn bản thân trong gương một lần, thấy không còn gì thất lễ mới vội vội vàng vàng nói với Hỷ Tình:
“Lần này An thị không được đi, khó tránh khỏi có âm mưu gì đó bất chính, muội ở lại Hoà Kính viên canh giữ viện tử, không được để bất kì người nào tiến vào. Nghe rõ chưa?”.
Nhận được từ Hỷ Tình cái gật đầu, Trầm Thư Kính mới mang theo Túc Tình, nhanh chân theo Tôn mẹ ra cửa phủ.
Ngoài cửa, Trầm Tường đã sớm đợi đến nóng nảy, nhìn Tô Tịch trầm lặng đứng một bên, nhịn không được mở miệng trách:
“Phu nhân, ngươi quản nữ nhi như thế à? Có nữ tử nhà ai ngủ đến giờ này chưa tỉnh, còn bắt phụ mẫu phải đứng đợi không?”.
Nhìn bộ dáng Tô Tịch như không hề muốn mở miệng chấp nhất với ông, ông càng thêm tức giận. Kể từ khi ở Bạch Mai viện, Trầm Tường muốn thị uy nên mới nói giao Trầm Thư Kính cho An Trúc nuôi dưỡng, nhưng cuối cùng vẫn không thực sự quyết định như vậy. Nào ngờ Tô Tịch thật sự để tâm, đã hai năm rồi vẫn luôn giữ vẻ mặt này khi đối diện với ông. Ngoại trừ những ngày đầu tháng, chỉ cần bóng dáng ông xuất hiện ở cửa Mẫu Đơn viện, thì Tôn mẹ sẽ ngay lập tức xuất hiện cản bước chân ông.
Phu nhân mỗi lúc một xinh đẹp, nhưng lại mỗi lúc càng thêm hờ hững với phu quân là ông, hại ông nhìn được nhưng khômg thể ăn.
Nghĩ nghĩ, Trầm Tường đang muốn phát hoả, đột nhiên thanh âm trong trẻo bên cạnh vang lên:
“Phụ thân đừng tức giận. Chắc đêm qua Tam tỷ có việc bận nên mới ngủ trễ dẫn đến sáng nay dậy trễ, chứ thật ra bình thường tỷ ấy là người đến thỉnh an mẫu thân sớm nhất đấy ạ. Phụ thân đừng trách Tam tỷ mà tức giận hại thân”, Trầm Ánh Nguyệt nhỏ giọng nói, thanh âm nhu hoà, tựa như con mèo nhỏ.
Trầm Tường lúc này mới để ý đến bên cạnh Tô Tịch còn đứng một người. Đây là Tứ nữ nhi của ông, là đứa con ông ít quan tâm nhất.
Trầm Ánh Nguyệt hôm nay cũng được Dung thị chuẩn bị chỉnh trang, chu đáo. Váy dài màu cổ đồng, cổ áo vừa vặn không kín không hở, đai lưng bằng lụa màu cam nhạt thêu hoa Hải Đường- loài hoa mà Trầm Ánh Nguyệt thích nhất. Trên búi tóc Lăng Hư kế cài hai đoá hoa Hải Đường nhỏ làm bằng vàng ròng. Thân thể cũng đã trổ mã không ít, nhìn liền biết nữ tử này thật sự xinh đẹp. Trên đai lưng cũng đeo hà bao màu đỏ nhàn nhạt thêu một chữ “Nguyệt”, cùng với ngọc bội hình cánh quạt màu đen trắng xen lẫn nhau khắc chữ “Trầm”*.
So với vẻ đẹp đến mức lấn át người khác của Trầm Thư Kính, nét đẹp nhu hoà và dịu dàng của Trầm Ánh Nguyệt dường như khiến người khác dễ chịu và yêu quý hơn.
Trong lúc Trầm Tường lo đánh giá Trầm Ánh Nguyệt thì Trầm Thư Kính đã đến cửa. Trầm Ánh Nguyệt ngẩng lên nhìn Trầm Thư Kính cười nói với Tô Tịch nãy giờ vẫn luôn lạnh mặt với mình, lại thấy ngọc bội Trầm gia màu trắng thuần khiết dưới cái nắng dường như phát sáng, đôi bàn tay giấu trong tay áo nhịn không được siết chặt. Dẫu vậy, nàng ta vẫn che giấu rất tốt, tươi cười tiến đến ôm lấy cánh tay Trầm Thư Kính:
“Tam tỷ tỷ, tỷ đến thật trễ a, phụ thân tức giận không ít đâu. Nhưng tỷ đừng lo, muội đã sớm khuyên nhủ người ổn thoả rồi, tỷ xem muội có ích không?”.
Trầm Thư Kính cúi đầu nhìn tay Trầm Ánh Nguyệt giữ lấy tay nàng, dưới đáy mắt như muốn phun trào, song các nàng đều là những người diễn kịch rất giỏi. Dù không hài lòng vẫn cứ phải cười cười nói nói.
Không đợi Trầm Thư Kính đáp lời, Trầm Tường đã lên tiếng cắt ngang:
“Thư Kính, nếu đã tiến cung cũng đừng làm Trầm phủ mất mặt. Con đó giờ chưa bao giờ tham gia mấy cái yến tiệc này, khó tránh khỏi sơ suất, cứ đi theo Nguyệt nhi, con bé sẽ chỉ dẫn cho con những lễ nghi này nọ”.
Trái với dự liệu của Trầm Ánh Nguyệt cùng Trầm Tường, Trầm Thư Kính thế nhưng lại không tức giận, chỉ nhẹ nhàng gật đầu một cái rồi quay sang nói với Tô Tịch:
“Mẫu thân, nữ nhi muốn ngồi chung xe ngựa với người, có được hay không?”.
Tô Tịch vốn đã nghe không vào lời nói của Trầm Tường nên cũng không muốn cùng ngồi với ông trên một chiếc xe ngựa, lại nổi tiếng là người cưng chiều nữ nhi, bà làm sao có thể không đồng ý. Đến cuối cùng Trầm phủ tổng cộng đi ba xe: Trầm Tường ngồi ở xe đầu cùng Trầm quản gia, Tô Tịch cùng Tôn mẹ, Tôn Vu ngồi cùng với Trầm Thư Kính và Túc Tình, xe ngựa cuối cùng là Trầm Ánh Nguyệt cùng hai nha hoàn bên người- Thu Cúc Thu Mai ngồi chung.
Trên đường lớn ngựa xe nườm nượp như nước, đoàn xe Trầm gia hầu như phải nhích từng bước để di chuyển. Đến cuối cùng vì sợ trễ giờ thượng triều, Trầm Tường phải xuống xe, trực tiếp cùng Trầm Nhất cưỡi ngựa, phi nước đại thẳng đến cửa cung. Không hề báo với Tô Tịch một lời nào cho đúng lễ nghĩa, mà Tô Tịch cũng chẳng thèm để tâm.
Xe ngựa cùng ngựa bên ngoài không được phép tiến nhập vào Hoàng cung, nên xa phu chỉ đành phải dừng ở trước cửa Hoàng cung. Trầm Tường bước xuống ngựa rồi nhanh chóng đi vào trong, ông còn phải đến Cần Chính điện.
Một khắc sau đoàn người Trầm gia cũng đến nơi, Tôn Vu cùng Tôn mẹ bước xuống xe ngựa, đỡ Tô Tịch bước xuống theo. Tiếp đó Túc Tình cũng đỡ Trầm Thư Kính đi xuống.
Bên ngoài cửa cung tụ tập rất đông xe ngựa, tuy là sáng sớm nhưng vẫn rất ồn ào náo nhiệt. Trầm Thư Kính vừa bước xuống xe, đã có người kêu tên nàng:
"Thư Kính biểu muội".
Nàng ngẩng đầu lên, trông thấy cách đó không xa, hai vị tiểu thư Tô gia đang đi về phía nàng, theo sau là hai vị Đại cữu mẫu* và Nhị cữu mẫu*.
Trầm Thư Kính cũng nhanh chóng tiến lại, nhẹ nhàng nhún người phúc thân:
"Đại cữu mẫu, Nhị cữu mẫu an. Hai vị tỷ tỷ hảo".
Đại cữu mẫu Uy Vũ Đại tướng quân phu nhân Bình Dương quận chúa đỡ lấy nàng, cười nói:
"Kính nhi trưởng thành không ít nha, nghe nói ba tháng nữa con cập kê sao? Lúc đó phải để Đại cữu mẫu chải tóc cho con đó".
Lúc này Tô Tịch cũng đã tiến tới, Trầm Ánh Nguyệt yên lặng theo sau. Nàng ta thật sự rất muốn lên tiếng, nhưng đây là người Tô gia- mẫu gia của mẫu thân, những người này làm sao sẽ để nàng ta trong mắt đâu?
"Nhất định, nhất định mà. Đại tẩu, Nhị tẩu, hai vị ca ca đều đã đến Cần Chính điện sao? Thế thì nếu không ngại, mọi người cho bọn muội đi cùng với. Chúng ta đến Trường Xuân cung thăm Nhu phi nương nương đi. Trầm Thục phi hôm nay mệt trong người nên không dự tiệc, muội không tiện đến làm phiền", Tô Tịch nắm tay Trầm Thư Kính, cười nói với Đại tẩu Bình Dương quận chúa Trác thị và Nhị tẩu Diệp thị.
Mọi người đều đồng ý, thế là Tô Tịch cùng hai vị phu nhân Tô gia đi ở phía trước, ở giữa là hai vị tiểu thư Tô gia và Trầm Thư Kính, ở cuối cùng là Trầm Ánh Nguyệt và các nha hoàn.
Thu Cúc đỡ lấy cánh tay Trầm Ánh Nguyệt, khuôn mặt Trầm Ánh Nguyệt hoàn toàn tối đen, ả nói:
"Tiểu thư, người đừng để tâm. Không phải đã nói hôm nay An di nương sẽ ra tay sao? Người còn chấp nhất làm gì? Có thể đây là lần cuối cùng Trầm Thư Kính còn đứng dưới ánh sáng mặt trời đấy".
Nghe lời Thu Cúc nói, chân mày vốn đang cau lại của Trầm Ánh Nguyệt lập tức dãn ra.
Nàng ta làm sao có thể quên được a? Hôm nay là ngày chết của Trầm Thư Kính. Làm sao có ai có thể thoát khỏi truy sát của Kiến Ninh trang?
Chỉ cần nàng (Trầm Thư Kính) chết, Trầm Ánh Nguyệt tin chắc bản thân có thể leo lên vị trí đích tiểu thư. Chỉ cần nàng chết, Trầm Ánh Nguyệt nàng ta tương lai nhất định sẽ phong quang vô hạn.
"Hảo, Thu Cúc, Thu Mai, hôm nay chúng ta phải hảo hảo mở mắt, xem cho trọn vở kịch này nha", Trầm Ánh Nguyệt vỗ vỗ tay Thu Cúc, cười nói.
Nhu phi Tô Sương ngụ tại Trường Xuân cung- cung điện xa hoa và lộng lẫy nhất nhì Hoàng cung. Trường Xuân cung đứng đầu Đông lục cung, rộng lớn vô cùng. Sân trồng đầy hoa thơm cỏ lạ, hằng năm dị quốc tiến cống hoa gì mới, Sùng Kha đế đều sẽ cho người mang đến Trường Xuân cung một phần.
Đám người Tô Tịch tiến vào Trường Xuân cung liền có cung nhân ra đón. Đó là Quế ma ma- ma ma chưởng quản của Trường Xuân cung- là cánh tay đắc lực của Nhu phi.
Quế ma ma cấp cho đám người Tô Tịch một cái lễ vấn an, lại cười nói:
"Nương nương đã chờ các vị phu nhân và chúng tiểu thư từ sớm, nếu đã đến xin hãy mau vào, nương nương trông thấy nhất định sẽ rất vui".
Trác thị cũng cười, vội nói:
"Nếu đã vậy làm phiền Quế ma ma".
Dứt lời, đám người nhanh chóng bước vào chính điện Trường Xuân cung.
Khác với sân trước hết sức hoa lệ, chính điện Trường Xuân cung lại có phần trang nhã mà thanh cao. Bàn ghế từ gỗ Ích Châu quý giá, có cái còn là Mục quốc tiến cống. Khăn trải bàn, rèm màu lam nhạt đều làm từ lăng la tơ lụa quý báu, trên nóc viện có hai viên Dạ minh châu, trong bóng đêm nhất định thực sáng. Huân hương dùng đều là huân hương đặc chế riêng cho Nhu phi- do đích thân Hoàng đế mời Huân y về cung làm ra.
Đám người vừa tiến vào đã nhanh chóng hành lễ:
"Chúng mệnh phụ / Chúng tiểu thư vấn an Nhu phi nương nương, Nhu phi nương nương vạn an".
"Mau chóng đứng lên đi. Người đâu, dâng trà", thanh âm nhu hoà mang theo tia vui vẻ đặc biệt.
Trầm Thư Kính được Túc Tình đỡ ngồi bên cạnh Tô Tịch. Nàng ngẩng đầu lên, cẩn thận nhìn ngắm vị Nhị a di* đã lâu không gặp này.
Nhu phi là Nhị cô cô của Tô gia, nhan sắc há có thể bàn cãi nữa. Chỉ thấy ngồi trên chủ vị là một nữ nhân dường như chỉ mới ba mươi tuổi. Khuôn mặt hơi tròn lại trắng như trứng gà luộc, mắt to mi dài, hai má hồng hồng bóng loáng, đôi môi nhỏ nhắn, khi cười còn lộ ra lúm đồng tiền nho nhỏ bên trái. Trên thân mặc cung trang phi vị màu ngọc lam, để lộ xương quai xanh đầy mị hoặc. Trước ngực thêu hình chim khổng tước xoè đuôi, dưới làn váy thêu mấy chữ "Phúc". Đầu sơ Bách Hợp kế, trên đó cắm mấy cây trâm bằng ngọc bích, tuyệt không dùng vàng ròng.
Người như tên gọi, thanh lãnh trong sạch lại xinh đẹp như sương sớm buổi sáng.
Nhu phi nhìn lướt qua mọi người trong điện, vui vẻ nói vài câu với Trác thị Diệp thị và Tô Tịch, trông thấy ánh mắt Trầm Thư Kính cũng đang nhìn mình, bà tươi cười hướng nàng ngoắc ngoắc:
"Kính nhi, lại đây".
Trầm Thư Kính ngạc nhiên mở to mắt, song vẫn không thất lễ, đứng dậy chỉnh trang làn váy, đến trước mặt Nhu phi.
Nhu phi ánh mắt tràn đầy hoà ái nhìn nàng, trông thấy khuôn mặt nàng quả thật giống mình cũng Tô Tịch như đúc, cười nói với Tô Tịch:
"Đại tỷ, tỷ xem Kính nhi càng lớn đúng là càng giống chúng ta đến lạ kỳ. Đã lâu muội cũng chưa gặp nàng từ sau lễ mừng thọ của mẫu thân. Chắc chắn sau này sẽ là mỹ nhân đó nha. Đứng cùng với Vân nhi, Chi nhi quả thật là mỹ cảnh".
Đúng thật là Nhu phi. Dù cho có khen nàng, cũng tuyệt đối không vắng vẻ hai vị tiểu thư Tô phủ, tránh không để các nàng so đo với nhau. Trầm Thư Kính đột nhiên nhớ đến một vị phụ nhân tràn đầy xinh đẹp, năm nàng năm tuổi tặng cho nàng một cái trâm cài khắc hình Bách Hợp hoa, cười nói: "Kính nhi, sau này con nhất định phải xinh đẹp như đoá hoa Bách Hợp trên trâm cài này. Nhất định phải hạnh phúc, phải thật tài giỏi, thay mẫu thân con xử lý việc trong phủ quốc công, có được hay không?".
Trầm Thư Kính được khen nhưng cũng không vui vẻ ra mặt, chỉ yên lặng tạ ơn. Tô Tịch cũng cười, nhìn về phía Trác thị và Diệp thị nói:
"Nếu Kính nhi bằng một phần của Vân nhi hay Chi nhi, muội đây cũng không phải phiền lòng vì nàng đâu. Phải khen rằng hai vị tẩu tử của chúng ta quả thật dạy con thật tốt".
Mấy người trong điện khen qua khen lại, cho đến khi Lý công công đến mới dừng lại. Lý công công trước hết cấp cho Nhu phi một cái lễ, mới nói:
"Nhu phi nương nương, Hoàng thượng nói muốn người đến Dưỡng Tâm điện, một lát nữa sẽ cùng Hoàng thượng Hoàng hậu đến yến tiệc".
Nhu phi nghe xong lại nhìn về phía mấy người Tô Tịch, khó xử cười:
"Này..."
Nhưng Trác thị đã sớm cắt ngang:
"Nếu Nhu phi bận rộn, thì để chúng thần thiếp lui xuống trước. Người cứ đến Dưỡng Tâm điện, chúng thần thiếp sẽ gặp người ở yến tiệc vậy".
Lúc này Nhu phi mới nhẹ nhàng thở ra, áy náy nói với một cung nữ bên người mình:
"Tĩnh Tú, ngươi dẫn đường cho các vị phu nhân đến yến tiệc, đừng để lạc người. Nhị vị tẩu tử, Đại tỷ, muội còn có việc, sẽ gặp nhau ở Ngự Hoa viên".
Đám người Tô Tịch cũng nhanh chóng đứng lên, hành lễ:
"Cung tiễn Nhu phi nương nương".
Yến tiệc lần này được tổ chức ở Ngự Hoa viên. Ngự Hoa viên trăm hoa đua nở, nở rộ nhất vào tiết trời mùa thu này chính là hoa Cúc. Cúc dân gian có, Cúc được tiến cống cũng có. Đủ mọi màu sắc, đủ mọi loài quý hiếm. Ngoài ra, còn có Ngu Mỹ Nhân, Vô Ưu hoa, Mẫu Đơn vương,.... Cả khu vườn nhìn vào tràn ngập màu sắc.
Đám người Tô Tịch được cung nữ Tĩnh Tú dẫn đường đến Ngự Hoa viên, được sắp xếp chỗ ngồi đầy chu đáo. Chúng phụ nhân và tiểu thư ngồi bên tay phải chủ vị, bên còn lại là các vị quan lại và nam tử.
Gần ghế chủ vị nhất là chỗ toạ của các vương gia và công chúa, sau đó đến công hầu bá tước, rồi mới đến quan lại tứ phẩm trở lên.
Luận về chỗ ngồi, phủ Quốc công vốn phải ngồi cao hơn Tô gia, nhưng vì Tô gia nhận được hoàng ân, Hoàng đế ban cho vinh dự chỉ cần ngồi dưới hoàng thân quốc thích, được phép trên cả công hầu bá tước. Nên rốt cuộc, Trác thị và Diệp thị cùng hai vị tiểu thư Tô gia vẫn là ngồi trên Tô Tịch, Trầm Thư Kính và Trầm Ánh Nguyệt một bàn.
Khi đám người Tô Tịch ngồi xuống, những người khác cũng lục đục tiến vào chỗ ngồi. Ngồi dưới Tô Tịch là Triệu gia.
Triệu gia Triệu quận công Triệu Bạch Ma là cháu trai ruột của Hoàng hậu nương nương đương triều. Nghe nói Triệu thái quân (cha của Triệu Bạch Ma) trên chiến trường có công cứu giá, vì thánh thượng hy sinh thân mình, nên Sùng Kha đế mới lập muội muội của Triệu thái quân là Triệu Phương Linh lên làm Hoàng hậu, lại ban cho trưởng tử của Triệu thái quân là Triệu Bạch Ma chức Quận công, để cho Triệu gia hưởng cả đời vinh sủng và bổng lộc.
Vì có công cứu giá nên Triệu gia cũng rất được Hoàng thượng ân sủng, trong hậu cung lại có Chính vị Hoàng hậu, có thể nói tuy thế lực đơn bạc, song Triệu gia vẫn là một trong ngũ đại gia tộc. Hứa hẹn vẫn sẽ sừng sững không ngã.
Triệu quận công phu nhân là Giả Bích Ngân- Đích trưởng nữ phủ Giả thừa tướng. Phu nhân Triệu thống lĩnh- đệ đệ Triệu quận công là Giả Bích Ngọc- cũng là Nhị tiểu thư Giả thừa tướng phủ.
Cùng ngồi với hai người là tiểu thư duy nhất của Triệu gia- Triệu Mộ Như. Triệu Mộ Như năm nay mười sáu tuổi, năm trước đã tổ chức lễ cập kê, Trầm Thư Kính cũng được mời. Thế nhưng đã qua một năm vẫn chưa nghe Triệu gia thông tri gì về hôn sự của nàng (Triệu Mộ Như).
Trầm Thư Kính nhìn Triệu Mộ Như xinh đẹp trong váy dài màu lục thêu cỏ Ngu Mĩ (Ngu Mĩ Nhân), trên búi tóc Song Loa cắm hờ hai cây trâm bạc không quá nổi trội. Chỉ có vị tiểu thư Triệu phủ này mới có thể ở nơi vinh quang hiển quý này, ăn mặc đạm bạc như thế mà thôi.
Sự giản dị và thanh cao dường như đã nằm sâu trong cốt tuỷ Triệu Mộ Như, đến cả nhan sắc của nàng tuy không quá mỹ lệ như Trầm Thư Kính, nhưng lại rất dịu dàng, nét đẹp nhu mì, còn nhẹ nhàng hơn cả Trầm Ánh Nguyệt. Quả thật không hổ danh "Tam đại mỹ nhân" Đế thành.
Trầm Thư Kính chăm chú nhìn Triệu Mộ Như, đến khi Triệu Mộ Như bắt gặp ánh mắt của nàng, mới cười nhẹ hỏi:
"Trầm Thư Kính muội muội, mặt của ta dính thứ gì sao? Sao muội lại nhìn ta như thế?".
Lúc này Trầm Thư Kính mới phát hiện bản thân thất lễ, vội cười nói:
"Không có, muội chỉ là cảm thấy Triệu tỷ quả nhiên là khả ái, một thân y phục đơn giản như vậy mà được tỷ mặc lên người vẫn đẹp vô cùng".
Trong lúc hai người cười nói, mọi người cũng dần có mặt đông đủ. Nhưng Trầm Thư Kính cùng Triệu Mộ Như không biết, bên phía nam tử, Trầm Ngôn vẫn luôn nhìn về phía này.
Mọi người nhỏ giọng cười nói qua lại, cho đến khi thanh âm Lý công công vang lên mới yên tĩnh lại:
"Hoàng thượng giá lâm. Hoàng hậu nương nương giá lâm. Nhu phi nương nương, An phi nương nương đến".
Lý công công vừa dứt lời, mọi người liền quỳ rạp xuống hành lễ:
"Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế. Hoàng hậu nương nương thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế. Nhị vị nương nương bách tuế, bách tuế, bách bách tuế".
Sùng Kha đế phất phất tay ngồi lên chủ vị, bên trái bỏ trống, bên phải là Hoàng hậu ngồi, dưới Hoàng hậu là Nhu phi cùng An phi.
Lúc này thanh âm Lý công công lại vang lên:
"Thái tử điện hạ, Trấn Quốc vương gia đến. Tây vương gia, Cảnh vương gia, Kỳ vương gia, Đông vương gia, Tịnh vương gia đến. Tam công chúa, Tứ công chúa, Ngũ công chúa đến".
Mọi người lại một lần nữa đồng loạt hành lễ, Trầm Thư Kính nghĩ trong đầu liệu có phải làm lễ đến rụng cả đầu gối luôn hay không a.
Thái tử Trác Thiếu Khanh ngồi vào vị trí tay trái Sùng Kha đế, tiếp đến là Trấn Quốc vương gia Trác Thiếu Hằng, dưới hắn là Đông Tây vương, dưới nữa là Cảnh vương, Kỳ vương và Tịnh vương Trác Thiếu Kình.
Ba vị công chúa thì được an bài ngồi dưới Nhu phi và An phi.
Đợi mọi người ngồi vào chỗ đông đủ, Sùng Kha đế mới lên tiếng:
"Nếu mọi người cũng đã đến đủ thì yến tiệc cũng bắt đầu được rồi. Các ái khanh cứ tự nhiên, đừng câu nệ cung quy quá. Lần này là tiệc tẩy trần cho Thái tử và Trấn Quốc vương, lại là tiệc ăn mừng chiến công của đại quân toàn thắng. Mọi người hãy cứ tự nhiên, trẫm sẽ không trách phạt".
Tuy mọi người đều nói "Vâng", song há có ai mà thật sự tự nhiên như ở trong phủ của chính mình.
Lần yến tiệc này quả thật đông đúc. Tam đại mỹ nhân Đế thành tất cả đều có mặt.
Tam đại mỹ nhân chính là ba đoá hoa xinh đẹp và tài giỏi nhất Bình Tây quốc. Đoá hoa thứ nhất là Tô Yên Vân- Vãn An huyện chủ- Nhị tiểu thư Tô gia, không diễm lệ nhưng thanh lãnh như hoa sen. Đoá hoa thứ hai là Giả Bích Châu- Tam tiểu thư Giả thừa tướng phủ, mỹ mạo sắc xảo lại gai góc như Mân Côi hoa có gai. Đoá hoa thứ ba là Triệu Mộ Như- quý tiểu thư Triệu quận công phủ, giản dị trong sạch như hoa mai trắng.
Cả ba nàng đều là những người xinh đẹp và tài hoa, mỗi năm đều có rất nhiều nữ tử muốn gia nhập Tam đại mỹ nhân, song chưa ai có thể quật ngã được ba người này.
Trầm Ánh Nguyệt vốn cũng được danh xưng là đại mỹ nhân thứ tư, nhưng vì thân phận chỉ là thứ nữ, làm sao có thể dễ dàng biến mình thành "một trong Tứ đại mỹ nhân". Nói đi cũng phải nói lại, đời trước Trầm Ánh Nguyệt cũng đã có được danh hiệu đó, song đó là khi nàng ta được hứa gả cho Trác Thiếu Kình, Trác Thiếu Kình thương tiếc nên ép Trầm Tường cho Dung di nương- mẹ đẻ nàng ta lên làm bình thê, cũng nâng luôn thân phận của nàng ta lên thành đích nữ. Từ đó danh chính ngôn thuận mặc lấy danh hiệu Tứ đại mỹ nhân.
Cũng thuận lý thành chương ngồi lên ngôi vị Hoàng hậu.
Trầm Thư Kính nhếch cao khoé môi. Trầm Ánh Nguyệt a Trầm Ánh Nguyệt, đời trước là do ta ngu ngốc mới để ngươi chiếm tiện nghi, đời này danh hiệu đó nhất định phải là của Trầm Thư Kính ta.
Đời trước sau khi chính mình bị huỷ dung, Trầm Ánh Nguyệt luôn ở bên tai nàng đặt điều nói xấu Trầm Ánh Cầm cười nhạo nàng, khi đó nàng thống khổ biết bao, lại càng thêm căm hận Trầm Ánh Cầm. Cuối cùng đích thân ra tay độc chết Trầm Ánh Cầm, nàng cứ nghĩ là trừ đi một mối hậu hoạn cho bản thân, nào ngờ thật ra là đang giúp Trầm Ánh Nguyệt dọn đường.
Tâm tư tinh tế tỉ mỉ lại độc ác như thế, vậy mà trên khuôn mặt vẫn tỏ vẻ ngây thơ thánh thiện, quả thật là giả tạo vô cùng.
Hôm nay Trác Thiếu Kình ăn vận rất thanh nhã, nhưng không đem lại sự thanh cao như Trác Thiếu Khanh, ngược lại có chút gượng ép giả tạo. Y nhìn cung nhân múa đến phát chán, lại trông thấy ba vị mỹ nhân đều hiện hữu, mới giả vờ lên tiếng nói với Sùng Kha đế:
“Phụ hoàng, cung nhân ca múa chúng ta đều đã sớm xem đến phát chán rồi đi. Ở đây nhi thần thấy Tam đại mỹ nhân Đế thành ta đều ở, nếu được phụ hoàng hãy mở một buổi tranh tài giữa các vị tiểu thư đi, để xem Tam đại mỹ nhân có thành Tứ đại hay Ngũ đại mỹ nhân hay không”.
Lời này vừa dứt, bên phía các vị tiểu thư liền nghị luận sôi nổi. Các nàng luôn mong chờ những cuộc thi như thế này ở các yến hội lớn, có thể vinh quang trình diễn tài năng của bản thân, nếu may mắn còn có thể lọt vào mắt xanh của những người quyền quý.
Sùng Kha đế thấy không khí có phần buồn chán, liền hỏi ý các vị phi tử của mình:
“Kình nhi nói như thế các nàng xem có được không?”
Hoàng hậu ưu nhã mỉm cười đáp:
“Chắc chắn là rất thú vị, thần thiếp cũng muốn xem xem Đế thành chúng ta rốt cuộc cất giấu bao nhiêu mỹ tài nữ”.
Nghe vậy, Sùng Kha đế mới vỗ tay nói:
“Nếu đã vậy trẫm cho các vị tiểu thư hai khắc để ghi danh và chuẩn bị, trẫm chọn Tam đại mỹ nhân và Trấn Quốc vương gia làm giám khảo, ai thắng khảo thí trẫm nhất định sẽ trọng thưởng”.
Trác Thiếu Kính dưới gầm bàn tay nắm thật chặt. Rõ ràng là y mở lời trước, những lão già hoàng đế ấy lại để cho Trác Thiếu Hằng làm giám khảo, thế thì Nguyệt nhi của y phải làm sao đây?
Y ngẩng đầu lên nhìn Trầm Ánh Nguyệt, lại thấy tại chỗ không người nàng ta cho y một cái ánh mắt an tâm, tay mới chậm rãi buông lỏng. Nguyệt nhi tài giỏi như thế, chỉ là thân phận không đủ, nếu phụ hoàng đã nói thì nhất định sẽ ban thưởng cho nàng ấy thật hậu hĩnh.
Tịnh vương gia a, sao khảo thí còn chưa bắt đầu mà ngươi đã sớm nhận định người thắng cuộc sẽ là Trầm Ánh Nguyệt?
Các vị tiểu thư cũng nhanh chóng lên bục biểu diễn, cầm kì thư hoạ, thơ từ ca phú tất cả đều diễn qua một lần nhưng chỉ có tài năng của tiểu thư gia tộc lớn mới có phần nổi trội hơn một chút mà thôi.
Trầm Ánh Nguyệt đã thay xong y phục, nàng ta chậm rãi bước lên bục biểu diễn. Y phục trên người nàng ta là y phục của Mục quốc- áo tay ngắn cùng với quần dài màu xích thố, nơi thắt lưng và phần tay trắng bóng lộ ra ngoài không khí được khéo léo cho đậy bằng vải thưa mỏng, ẩn hiện kích thích thị giác. Trên đầu đội phục sức Mục quốc, nhạc vừa vang lên nàng ta liền bắt đầu nhảy.
Không thể không nói, Trầm Ánh Nguyệt quả thật xứng đáng là người giỏi nhất yến hội lần này, vì nàng ta thật sự múa rất đẹp. Thắt lưng nho nhỏ bên dưới lớp vải thưa không ngừng chuyển động, cánh tay cùng chân như không xương, khéo léo thực hiện những động tác gập người duỗi người đầy khó nhằn.
Cho đến khi nhạc tắt, Trầm Ánh Nguyệt tuy mệt đến hơi thở nặng nề, song vẫn rất hào hoa ưu nhã, mỉm cười một cái thật xinh đẹp rồi mới chậm rãi đi xuống, hưởng thụ không ít lời khen của mọi người.
Lý công công mặt không đổi sắc lại nói tiếp:
“Cuối cùng là Tam tiểu thư Trầm quốc công phủ Trầm Thư Kính”.
Thanh âm vừa dứt, tiếng đàn tranh liền vang lên. Nhưng kỳ lạ là trên bục lại không có người. Bỗng nhiên một phát pháo sáng bắn lên bầu trời, hoa Huân Y Thảo từ trên trời chậm rãi rơi xuống, mang theo mùi hương hết sức nồng nàn.
Ở giữa cơn mưa Huân Y Thảo đó, mọi người phát hiện thân ảnh một nữ tử vận y phục tím đang đánh đàn chậm rãi hạ xuống. Chỉ thấy nữ tử kia cuối đầu, mười đầu ngón tay trắng noãn nhỏ nhắn lướt như bay trên dây đàn, thanh âm dồn dập theo đó vang lên.
Tử y dưới ráng chiều bay bay càng thêm mỹ lệ, lại ẩn hiện một sự thần bí khó lường. Đột nhiên thanh âm dồn dập chợt tắt, một hồi thanh âm bi thống dưới tay nữ tử kia vang lên.
Khúc nhạc làm cho mọi người đều chìm đắm trong đó, dù là vui vẻ, là đau khổ hay là bi thương, mọi người ai cũng không thoát ra được. Chỉ có Trác Thiếu Hằng, hắn nhìn nữ tử áo tím với ánh mắt đầy trìu mến cùng thương tiếc. Khúc “Phượng Cầu Hoàng” này không phải ai cũng có thể đàn hay đến như vậy.
Người muốn đàn hay “Phượng Cầu Hoàng” nhất định phải trải qua hỷ nộ ái ố của nhân sinh, từ trong bi thống mà vực dậy, tựa như đã nhìn thấu hết đau khổ của chúng sinh. “Phượng Cầu Hoàng” không có bản phổ nhạc, đó đều là khúc nhạc phát ra từ trong tâm khảm người đàn.
Từ xưa đến nay, “Phượng Cầu Hoàng” chỉ được đàn qua ba lần, ba lần đó quốc gia đều rất an bình thịnh vượng. Thế nên nhân gian mới nói, Hoàng đế nào được nghe “Phượng Cầu Hoàng”, thì những năm y tại vị nhất định mưa thuận gió hoà, dân chúng an bình, biên cương thắng trận liên tục. Mà người đàn “Phượng Cầu Hoàng” cũng là một bước lên mây.
Khi tiếng đàn hết, mọi người kể cả Sùng Kha đế vẫn chưa hồi hồn, nữ tử kia đặt cây đàn trên tay xuống, nhẹ nhàng hành lễ:
“Tiểu nữ Trầm Thư Kính bêu xấu, mong hoàng thượng thứ tội”.
Lúc này mọi người mới từ trong khúc nhạc mà tỉnh lại. Chỉ thấy trên bục biểu diễn, Trầm Thư Kính đứng giữa rừng Huân Y Thảo, diễm mỹ tuyệt tục.
Trác Thiếu Hằng âm thầm nở nụ cười đầy tự hào, nói với Sùng Kha đế:
“Phụ hoàng, nhi thần chắc có lẽ cũng không cần phải chấm nữa rồi đúng không? Một khúc “Phượng Cầu Hoàng” này của Trầm Tam tiểu thư quả thật là chấn động”.
Sùng Kha đế bị Trác Thiếu Hằng gõ tỉnh, hai mắt nhìn Trầm Thư Kính tựa như muốn phát sáng. Không phải ông thất thố, chỉ là nhiều năm qua như vậy, ông cứ nghĩ “Phượng Cầu Hoàng” đã tuyệt thế, nào ngờ vẫn còn có người có thể đàn nó, lại còn đàn vì Sùng Kha đế ông.
Ông vui mừng nói với Trầm Thư Kính:
“Trầm Tam tiểu thư, ngươi quả thật là phúc tinh của trẫm, một khúc “Phượng Cầu Hoàng” này của ngươi nếu không đứng nhất thì còn ai đứng nhất nữa đây?”.
Nói đoạn, Sùng Kha đế nói với Lý công công:
“Lý Quỳ, thay ta điểm chỉ. Tam tiểu thư phủ Trầm quốc công tài mạo song toàn, lại vì trẫm mà đàn một khúc “Phượng Cầu Hoàng”, cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an quả thật xứng đáng là một trong Tứ đại mỹ nhân Đế thành. Nay trẫm sắc phong nàng làm nhất phẩm quận chúa, ban phong hào Phượng Nghiên, ngày sau sẽ cho người mang kim ấn và cung y đến Trầm quốc công phủ”.
Trầm Thư Kính dường như đã dự liệu trước một khúc đàn này sẽ mang lại vinh sủng cho chính mình, chỉ là không ngờ Hoàng đế lại ban cho nàng nhất phẩm quận chúa, nàng chỉ nghĩ cùng lắm là nhị phẩm quận quân. Tuy vậy trên mặt Trầm Thư Kính vẫn không hiện lên tia hoảng loạn, vẫn nghiêm trang quỳ xuống hành lễ:
“Tiểu nữ đa tạ hoàng thượng ân điển. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”.
Một khúc đàn này đã mang lại cho Trầm Thư Kính danh vị quận chúa, lại mang đến danh hiệu Tứ đại mỹ nhân cho nàng, ngoài ra còn mang đến cả sự chú ý càng thêm sâu sắc của Trác Thiếu Kình.
Trác Thiếu Kình từ lâu đã vừa ý Trầm Thư Kính, nay nàng lại là một trong Tứ Đại mỹ nhân, trên người còn mang theo thân phận quận chúa, giá trị bản thân bỗng dưng bay cao vút.
Y thích Trầm Ánh Nguyệt, nhưng không có nghĩa sẽ bỏ qua cho Trầm Thư Kính. Y phải có được nàng trong tay, vì thân phận của nàng, cũng là vì trả thù Trác Thiếu Hằng.
—Chú thích—: những chú thích trong [] là những quy tắc trong truyện.
*[Ngọc bội đại diện cho thân phận trong gia tộc của mỗi người. Chữ khắc trên ngọc bội là họ của gia tộc, nam tử mang ngọc bội hình tròn, nữ tử mang ngọc bội hình cánh quạt nhỏ. Ngọc bội màu trắng thuần đại diện cho thân phận “đích”- là con vợ cả. Ngọc bội màu trắng đen xen lẫn nhau đại diện cho thân phận “thứ”- con di nương, quý thiếp, lương thiếp.]
*Cữu mẫu: mợ. Cửu cửu: cậu.
*A di: dì.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top