phượng đỏ.
Cuối mùa xuân năm 1975, cả nước hòa cùng không khí thắng lợi, gần như việc thống nhất của ta chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thanh Hóa nằm trong lộ tuyến của trung đoàn, Du Thái vai mang ba lô, đầu đội mũ cối bước từng bước đồng đều theo đồng đội. Con đường đất từ Nưa đến Nông Cống bạt ngàn những cánh đồng lúa, hương đòng đòng thơm mùi sữa cuốn theo chiều gió bay khắp cả một vùng, bỏ lại sau lưng là núi Nưa với huyệt đạo quan trọng của quốc gia. Đội của Thái là đội đi đầu, dân hai bên đường đang làm ruộng cũng không ngại quay sang vẫy tay chào bọn anh, bộ đội ấy mà đi đến đâu cũng được yêu quý, đây là cái vinh hạnh mà một chiến sĩ nhận được vì đã thực hiện trách nhiệm với quốc gia một cách toàn vẹn. Thái suy nghĩ, sau giải phóng rồi anh định quay lại trường y học cao thêm nữa, anh được gọi nhập ngũ vào năm mười tám vừa tròn, là quân y. Cảm giác rạo rực trong tim khi nhận ra ngày giải phóng đã rất gần, những người đã ngã xuống hay những người ở lại, sự hi sinh của một dân tộc, sự đoàn kết là sức mạnh, là niềm tự hào. Anh nhìn xuống chân, từng bước đi trên mảnh đất mà chỉ vài tháng nữa có lẽ sẽ được trả lại nguyên vẹn, bắc nam một nhà chung một dân tộc, là dân tộc Việt Nam.
Cả đội đến doanh trại tập trung vào khoảng bốn giờ chiều, nhiều đồng đội của Thái là người Thanh Hóa, đặt chân về quê hương thì không thể giấu nổi sự háo hức trong những ánh mắt. Họ tản ra, được cho phép về nhà nên ai cũng chạy vội đi, Thái theo thói quen đi dạo trên đường, người dân chỉ cần thấy bộ đội sẽ gọi vào cho chút quà bánh vườn nhà, dù là từ chối bao nhiêu cũng bị bắt nhận cho được, nói thật là Thái nhận nhiều cũng ngại lắm, đất nước hãy còn nghèo, ở thời cuộc như thế mà được cho như vậy là quý lắm.
"Anh ơi"
Anh thấy cô gái ngồi bên đường đang gọi anh, Thái lại gần bỏ mũ cối xuống chào một tiếng.
"Mẹ em bảo em đưa cho anh quả dưa hấu, bảo anh mang về cho các đồng chí khác nữa."
Thái nhìn cô gái trước mặt đang đặt quả dưa vào lòng anh, biết mình không từ chối được đành nở nụ cười nói một tiếng cảm ơn. Cô gái còn mời anh ngồi lại uống cốc nước chè cho mát người, Thái cũng đành ngồi lại. Anh hỏi khẽ cô.
"Anh tên Du Thái còn em tên gì?"
"Em tên Sa Hạ anh ạ."
Cô khẽ cười rót ra hai cốc nước, Thái im lặng một lúc, lại hỏi thêm về cô. Hạ bảo mình hai mươi hai, đang làm công nhân ở công trường trong núi, hôm nay về thăm gia đình. Hạ cười đẹp lắm, cô mang cái áo sơ mi sờn cũ và quần vải, cử chỉ lễ độ đúng mực. Thái chủ động hơn hẳn, anh nói nhiều thứ mà Hạ cũng có nhiều thắc mắc, về những gì xảy ra ở tiền tuyến, về tình hình chung của quốc gia. Hạ buồn buồn bảo mình học hết lớp 8 đã nghỉ học sớm hai năm đi công nhân, bày tỏ mình ăn học ít cũng muốn biết thêm về những điều khác, anh thấy được, trong mắt cô là sự tiếc nuối được đè nén. Cô chống tay lên cằm chăm chú lắng nghe những điều mới mẻ từ Du Thái, anh kể nhiều lắm, về những cuộc chiến từng tham gia cho đến kiến thức y học. Nhìn vào đôi mắt trong vắt của Hạ càng khiến anh nói hăng hơn, anh nhận ra Hạ có cùng chí hướng với anh, trong rất nhiều vấn đề. Cả hai nói thật nhiều cho đến khi cô đứng dậy đi nhóm bếp nấu cơm, gia đình Hạ giữ Thái lại ăn tối cùng.
Bữa tối cũng chẳng có gì nhiều, con cá mắm, nước rau luộc và hai củ khoai. Anh nhìn Sa Hạ bận rộn bê cơm nước, Hạ nữ công gia chánh lắm, cô làm gì cũng rõ khéo. Thái không dám ăn cơm, cầm củ khoai lên bẻ lấy một nửa rồi cười tươi bóc vỏ khoai liên tục nói cháu ăn khoai được rồi. Du Thái biết ở thời điểm này nhân dân cũng vẫn kham khổ trong đói nghèo, từng hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt, tất cả tài nguyên đều dành cho tiền tuyến cả. Sa Hạ ngồi cạnh anh cũng chỉ ăn khoai, để cơm lại cho cha mẹ, sự tiết kiệm và tính toán ăn sâu vào máu mỗi người rồi, vì cái nghèo chẳng tha cho ai cả.
Anh ngồi bên hiên nhà ngó ra ngoài, trăng treo lơ lửng đỉnh đầu như lưỡi liềm, gió đêm thổi tung qua mớ tóc chạm vào da thịt. Sa Hạ dọn dẹp xong lại cùng cha mẹ ra ngoài hiên ngồi với anh ở cái bàn gỗ có tích chè xanh. Đó là những buổi cuối sống trong tiếng súng chiến tranh, dường như hơi thở của bình yên và thống nhất đã len lỏi đến khắp mọi ngõ ngách chỉ chờ đợi sự công nhận chính thức. Những cơn gió cũng khiến Thái nhớ những ngày ngoài chiến trường, đôi khi anh ở trong lán cả ngày, nhiều bệnh binh đến nỗi khi cuối ngày Thái chỉ cần ngồi xuống ghế sẽ tự động ngủ mất. Đôi lúc gió thổi vào và trăng tròn ngày rằm rọi sáng cả căn phòng lặng thinh, thật ít khi được như vậy vì vào tối đôi lúc lại có tiếng súng, tiếng bom dội lại từ chiến trường dù vị trí đóng quân ở xa lắm, vậy nên những đêm đó là khung cảnh đẹp nhất, dễ chịu nhất khiến người ta quên đi cái thực tại tàn khốc của chiến tranh.
Đêm đó, Du Thái và Sa Hạ thức cùng nhau, trăng thanh nước đến là lời ra lời vào, hai mảnh đời dường như bày tỏ ra những khó khăn nhất của mình, không có sự xa lạ ở đây, chỉ là hai người bạn đang tâm tình cùng nhau. Nhưng có một điều Thái không dám hỏi Hạ.
Em đã có người em thương chưa?
Thái không dám, sợ rằng sẽ nhận được đáp án không như mong muốn. Anh có ấn tượng sâu đậm về cô, sau khi trải qua những trận chiến sống còn và sinh ly tử biệt, Thái tìm thấy sự dịu dàng từ Hạ, hơn hẳn bất kì ai anh từng gặp. Chữ tình là thứ khó định nghĩa nhất, người ta có thể thương nhau từ ánh mắt đầu tiên hoặc là mất thật lâu để tình cảm đâm chổi nảy nở giữa hai người, Thái không quan tâm, anh chỉ biết anh thích Hạ.
Giữa buổi đêm, lờ mờ dưới ánh trăng Du Thái khắc lại hình bóng của Sa Hạ, nơi sóng mũi cao, đôi môi nhỏ và bờ vai gầy xuôi theo dáng người mảnh khảnh. Cô thôn nữ sinh ra với cha là bộ đội, mẹ là thợ may, lớn lên giữa những cánh đồng lúa bao la mang trong mình là hoài bão chưa thể thực hiện, Hạ cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác sẵn sàng lui về góc bếp vun vén cho gia đình mà thôi.
Dù Thái hay Hạ thì đêm nay cả hai đều không ngủ mà lại thức cùng những lời trải lòng bên ly nước chè đắng chát.
Sáng sớm, Thái cùng một vài đồng đội khác ở nhờ nhà dân cũng khoác ba lô trở về doanh trại, họ là những chiến sĩ tìm kiếm cảm giác ấm cúng sau những năm tháng kinh hoàng nhất. Nhân dân cũng xem họ như người nhà, như con cái ruột thịt mà đối đãi, máu đỏ da vàng chảy trong tim thì đều là người Việt, là cùng một mẹ Âu Cơ mà ra. Không nói những ai cũng hiểu, những bữa cơm ngồi cùng nhau ấy là những bữa cơm quý giá nhất đối với họ.
Về đến quân khu, sau khi nhận khen thưởng từ ban lãnh đạo thì Du Thái được phép quay về nhà. Vài tuần sau đất nước chính thức giải phóng, cánh cổng dinh độc lập đã đổ, cả nước hòa trong niềm vui thống nhất, thời khắc đó Du Thái cũng không giấu nổi cái bồi hồi trong ngực trẻ.
Anh vẫn gửi những bức thư cho Hạ qua hộp thư đã hỏi được từ cô trước đó, anh vắt óc suy nghĩ khi đặt bút, từng con chữ viết ra đều là tâm tình được gửi gắm. Đầu năm 1976, Thái được điều về trường quân y ở Hà Nam Ninh học tập. Mùa xuân đầu tiên sau thống nhất tràn đầy những tiếng hoan ca, Thái tiếp tục viết thư cho Hạ, cả hai đều có chung niềm vui như bao người khác.
Rồi một trưa oi nồng ngồi trong giảng đường, Thái chẳng thể biết nổi giảng viên đang nói gì, bên tai anh chỉ là tiếng ve kêu râm ran, trong mắt tràn ngập bóng sân trường rợp đỏ hoa phượng, anh ngơ ngẩn.
Vào hạ rồi.
Sa Hạ cũng gửi thư hồi đáp cho anh rất đầy đủ nhưng anh vẫn cảm nhận được, qua từng con chữ hoàn toàn chỉ là tình bạn tâm giao y như buổi đêm lộng gió ấy. Du Thái vẫn tích cực gửi thư với tần suất đều đặn cho Hạ, trong thư cũng chỉ là những câu chuyện về tình hình chiến sự, lời hỏi thăm nhau nhưng đôi khi anh đã cố tình để lộ ra ý tứ của mình nhưng đổi lại chỉ là những bức thư bỏ ngỏ đi những lời ấy.
Đêm đôi lúc sẽ có gió, anh nằm trong giường kí túc nhìn ra cửa sổ giống như trở lại đêm mùa xuân, anh khẽ lẩm nhẩm hai chữ Sa Hạ. Phải rồi, Hạ thì phải có hoa phượng đỏ vậy nên không lâu sau bức thư Du Thái gửi đi còn kèm theo một nhành phượng nhỏ đã ép lại.
Cả hai giữ liên lạc cho đến hết tháng tám, ngày mùa hạ cuối cùng cô cũng chủ động gửi thư cho anh, lúc cầm bức thư từ bưu điện đi ra nhịp tim của anh vẫn đập nhộn nhạo lên. Nhưng Thái lúc đó không biết khi anh mở bức thư ra thì cũng là lúc mùa hạ kết thúc kéo theo cả cái mảnh tình con con của anh.
Sau năm 1976, Du Thái và Sa Hạ không còn liên lạc, Thái tập trung hoàn thành chương trình học.
Năm 1978, Trung Bổn Du Thái cuối cùng cũng kết hôn, vợ là Danh Tỉnh Nam thuộc sân khấu kịch quân đội.
Năm 1991, tỉnh Hà Nam Ninh biến mất trên bản đồ, tách ra trở thành Hà Nam và Nam Định. Những hộp thư số cũ cũng theo ấy không còn tồn tại.
Năm 2000, Du Thái quay trở lại nơi cũ nhưng Sa Hạ đã theo chồng sang huyện khác, gia đình ấm êm và sung túc. Thái cũng lặng lẽ đi về, ngay từ khoảnh khắc cả hai gặp nhau thì trái tim của Thấu Kỳ Sa Hạ đã trao trọn cho một chàng trai khác.
Dù đến nhiều năm sau Du Thái vẫn nhớ về khoảnh ấy, người con gái tên Hạ với nụ cười thoáng qua như hoa rơi, một buổi chiều tàn, một ánh nắng xa.
"Gửi anh Thái,
Thanh Hóa, ngày cuối mùa hạ, trời chuyển xanh bồng bềnh mây, có cô gái cuối cùng cũng theo người mình yêu kết tóc se duyên."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top