Phụ lục:

Trong lịch sử văn học Nhật Bản cho đến bây giờ chưa có một nhà văn nào có số phận bi thảm, phải tự sát đến năm lần như Dazai Osamu. Bi kịch của ông một phần do hoàn cảnh khách quan nhưng một phần do tính cách tạo thành định mệnh. Là một trong những nhân vật chủ chốt của trường phái vô lại, một nhóm nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy sau chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đời và văn nghiệp của Dazai minh chứng cho sự bế tắc thời hậu chiến và bi kịch cá nhân không thể giãi bày cuối cùng đi đến vứt bỏ cuộc đời (misute). Hầu hết những tác phẩm thành công của ông đều ít nhiều mang tính chất tự thuật với một văn phong hài hước, nhưng là một kiểu hài hước đen. Đặc biệt trong kiệt tác "thất lạc cõi người", tính chất tự thuật ẩn chứa trong đó cùng với những phân tích tâm lý chiều sâu có thể nói là một chìa khóa then chốt cho ta tìm hiểu về văn nghiệp của một tác gia lẫy lừng và cũng đầy tai tiếng này.
Dazai Osamu và dòng văn học "vô lại phái":
"Vô lại phái" (Buraiha) là tên gọi một trường phái gồm 7,8 tám tác giả Nhật Bản tiêu biểu sau thế chiến thứ hai, sáng tác cùng một khuynh hướng phản kháng xã hội và nổi loạn đi đến tự hủy trong cách sống cũng như trong văn nghiệp. Những tác giả chính gồm có Sakaguchi Ango (1906-1955), Odasaku no suke (1913-1947), Dazai Osamu (1909-1948), Ishikawa Jun (1899-1987), Takami Jun (1907-1965), Tanaka Hidemitsu (1913-1949), Dan Kazuo (1912-1976).Phái này còn có tên khác là "Tân kịch tác phái" (Shingesakuha). Sỡ dĩ có tên gọi này là vì nhà văn Sakaguchi trong bài tiểu luận "Kịch tác giả văn học luận" hay trong bài truy điệu Odasaku no suke "Phản nghịch Osaka, cái chết của Odasaku no suke", đã nhấn mạnh đến tính trọng yếu của tính kịch trong văn học và chủ trương phản lại văn học chính thống như văn học chữ Hán và thơ waka để cố gắng phục hồi lại tinh thần "kịch tính" thời Edo dựa trên tính hài hước, trào lộng và đại chúng. Tư tưởng "phục hồi tính kịch" này được thấy rõ trong nhiều tiểu luận của Dazai Osamu như "Như thịngã văn" (Như tôi nghe thấy) đã phê phán mãnh liệt Shiga Naoya (1883-1971) (người nổi tiếng về lối viết đơn giản và đẹp đẽ trong tác phẩm và tùy bút) hay trong luận văn "Về hài kịch" của Sakaguchi. Tinh thần này còn được thể hiện xuyên suốt qua văn nghiệp của Dazai từ tác phẩm "Vãn niên" (1936) đến tác phẩm dang dở cuối cùng là "Goodbye" (Giã biệt) hay trong tuyển tập "Văn học của tính khả thể" của Odasaku no suke. Còn tên gọi "vô lại phái" có lẽ chịu ảnh hưởng từ hai tập tùy bút nổi tiếng của Sakaguchi là "Luận về trụy lạc" (Trụy lạc luận) xuất bản tháng 4 năm 1946 và "Luận về văn học suy đồi" in tháng 10 cùng năm.
Nhìn chung chủ đề chính trong các tác phẩm của những nhà văn này là phản kháng văn học truyền thống và những giá trị luân lý thời hậu chiến. Hầu hết các tác giả đều mang thái độ tự ngược đãi, tự hủy và suy đồi. Tiêu biểu là những tác phẩm "Người vợ Villon", "Tà dương", "Thất lạc cõi người" của Dazai Osamu, "Ngu ngốc" (Bạch tri), "Đi tìm tình yêu" của Sakaguchi Ango...
Chính vì thái độ sống tự hủy, ruồng rẫy bản thân và phản kháng lại xã hội nên hầu hết các nhà văn trong trường phái này có một số phận vô cùng bi đát. Trừ nhà văn Ishikawa Jun thì những nhà văn còn lại đều chết vì bệnh và tự sát khi tuổi đời còn rất trẻ. Odasaku no suke chết năm 34 tuổi vì xuất huyết phổi, Sakaguchi Ango chết năm 49 tuổi vì phình mạch máu não, Dan Kazuo chết năm 64 tuổi và Takami Jun chết năm 58 tuổi vì ung thư. Riêng Dazai Osamu thì tự sát đến lần thứ năm mới toại nguyện, chết năm 39 tuổi. Tanaka Hidemitsu, đàn em của Dazai, người xem Dazai như một người anh tinh thần đã sốc nặng trước cái chết bất ngờ của ông khiến tinh thần suy sụp, rồi nghiện rượu, lạm dụng thuốc, tâm thần bất ổn và cuối cùng tự sát ngay trước mộ Dazai chỉ một năm sau đó (1949) khi mới ba mươi sáu tuổi đầu. Tác phẩm mà Tanaka Hidemitsu kịp để lại có "Chồn hoang" (Dã hồ) và... "Vĩnh biệt" (Sayonara).
Cuộc đời và văn nghiệp của Dazai Osamu:
Dazai Osamu, tên thật là Tsushima Shuuji (Tân Đảo Tu Trị), sinh ngày 19 tháng 6 năm 1909 trong một gia đình đại địa chủ vùng Tsugaru, tỉnh Aomori, phía đông bắc Nhật Bản. Trong đại gia đình có mười một anh chị em, Dazai là người con thứ mười nhưng lại là người con trai thứ sáu. Lúc ông sinh ra thì anh cả và người anh thứ đã qua đời. Cha ông từng làm huyện ủy, nghị viên hạ Viện rồi Thượng Viện, là một danh sĩ được tôn kính trong vùng.
Năm 1916, Dazai nhập học tiểu học. Tháng 3 năm 1923, khi chuẩn bị nhập học trường trung học Aomori thì cha mất. Năm 17 tuổi đã cùng bạn bè phát hành tạp chí văn học, nuôi mộng trở thành nhà văn. Khi học khoa văn trường cao đẳng, cùng với việc say sưa đọc truyện của Akutagawa và Izumi Kyoka (1873-1939), Dazai bắt đầu tham gia hoạt động cộng sản.
Năm 1929, dưới ảnh hưởng của văn học vô sản, Dazai ra mắt tạp chí "Tế bào văn nghệ", cùng với việc công bố những tác phẩm của mình dưới tên giả là Tsujishima Shuuji (Tử Đảo Chúng Nhị) và đôi khi dùng cả tên thật của mình. Tháng 12 năm đó, do khổ não về nguồn gốc xuất thân địa chủ của mình nên tự sát bằng thuốc ngủ nhưng được cứu sống.
Năm 1930, ông tốt nghiệp cao đẳng học hiệu với thành tích thứ 46 trên 76 người. Dù không biết tiếng Pháp nhưng vì ngưỡng mộ văn học Pháp nên ông đã chọn ban này khi nhập học trường Đại học đế quốc Tokyo. Do hoàn toàn không hiểu gì về bài giảng (chắc giảng bằng tiếng Pháp?) nên ông đã trốn học mà tham gia các hoạt động của chủ nghĩa cộng sản. Và cũng vì nuôi mộng làm nhà văn mà ông trở thành đệ tử của nhà văn Ibuse Matsuji. Bắt đầu từ giai đoạn này trở đi, ông bắt đầu chính thức dùng bút danh Dazai Osamu (Thái Tể Trị) trong các tác phẩm của mình. Việc học hành đại học của ông không mấy tốt đẹp. Bị lưu ban đồng thời nợ tiền học phí. Tương truyền rằng trong kỳ thi tốt nghiệp vấn đáp, giáo viên đã nói đùa rằng chỉ cần nói ra được tên của một giảng viên trong trường thì sẽ cho tốt nghiệp nhưng vì Dazai hầu như không tham gia buổi học nào nên đến tên của một giáo viên còn không biết mà trả lời. Đã thế, giai đoạn này ông quen một nữ phục vụ quán cà phê tên Shimeko (1912-1930) và rủ nàng trầm mình tự sát ở biển Kamakura nhưng chỉ có nàng chết còn ông thì sống sót.
Năm 1933, ông bắt đầu viết những truyện ngắn như "xe lửa" (ressha) và "Ngư phục ký" đăng trên các tạp chí của nhóm văn học. Năm 1935, đăng truyện "Nghịch hành" trên tạp chí Văn nghệ. Đây là truyện đầu tiên ông gửi đăng ngoài tạp chí văn học nhóm và ngay lập tức lọt vào danh sách những truyện được đề cử giải thưởng văn học Akutagawa nhưng cuối cùng không được giải. Bị một thành viên ban giám khảo là nhà văn nổi tiếng Kawabata Yasunari phê bình là "tác giả phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng" Dazai đã phản kích lại trên tạp chí văn nghệ là "nuôi con chim nhỏ, đi xem ca múa thì cuộc sống cao sang à?" (ám chỉ truyện "Cầm thú" và "Vũ nữ xứ Izu" của Kawabata). Sau đó, do không được vào làm ở một tòa soạn báo, ông lại tự sát nhưng được cứu sống. Cùng năm này ông được quen biết với nhà văn Sato Haruo. Sato là một thành viên trong ban chấm giải Akutagawa và đã đánh giá Dazai Osamu rất cao. Đến lần thứ hai Dazai kỳ vọng Sato sẽ đánh chống khua chiêng cho tác phẩm của mình nhưng kết quả năm đó là "không có tác giả nào xứng đáng được trao giải". Đến lần thứ ba, Dazai thậm chí còn viết một bức thư khẩn cầu gửi cho kẻ cừu thù của mình là nhà văn Kawabata nhưng vì thể lệ cuộc thi quy định là những tác giả đã có tác phẩm lọt vào vòng chung kết giải trong quá khứ thì sẽkhông được xếp vào đối tượng tuyển chọn nên lần này ngay cả việc lọt vào danh sách chung khảo cũng không được nữa.
Năm 1936, Dazai chuyên tâm điều trị chứng nghiện thuốc an thần nhưng vẫn lo việc xuất bản tác phẩm "Vãn niên" (Bannen). Đến năm sau, Dazai lại cùng với vợ là Koyama tự sát bằng thuốc ngủ nhưng một lần nữa tại tự sát không thành.
Năm 1938, được nhà văn Ibuse Matsuji mời đến lưu tại một trà quán ở tỉnh Yamanashi ba tháng. Và qua sự giới thiệu của nhà văn Ibuse, Dazai đã kết hôn với một cô gái con nhà người quen của Ibuse là Ishihara (những truyện này Dazai đã tường thuật lại trong truyện ngắn "Một trăm cảnh núi Phú Sĩ"). Sau khi lập gia đình, tinh thần của Dazai đã an định lại và cho ra đời nhiều truyện ngắn xuất sắc như "Một trăm cảnh núi Phú Sĩ", "Chạy đi Melosu". Trong thời chiến tranh, Dazai cũng tiếp tục sáng tác đều đặn. Năm 1947, tiểu thuyết "Tà dương" (Shayo) miêu tả một gia đình quý tộc sa sút ra đời, thành công vang dội và Dazai trở thành một tác gia nổi tiếng đương thời. Quyển tiểu thuyết này nổi tiếng đến mức trong tiếng Nhật hiện nay có từ "Tà dương tộc" (Shayouzoku) để chỉ cảnh những gia đình thượng lưu bị sa sút vì một biến chuyển gấp gáp nào đó của xã hội.
Năm 1948, sau khi viết xong tác phẩm "Thất lạc cõi người" và "Anh đào", Dazai cùng với người tình là Yamasaki Tomie (1917-1948) trầm mình tự sát tại hồ nước ngọt Tamagawa, để lại di cảo còn dang dở mang tên "Giã biệt". Có nhiều giả thuyết về cái chết của Dazai. Một thuyết cho rằng đó là "tự sát tình yêu" (shinju). Một thuyết khác cho thấy trong di thư để lại, Dazai viết "tôi không thể viết tiểu thuyết được nữa" rồi vì sức khỏe suy sụp cộng với khổ não vì có một người con trai mang bệnh Down nên tự sát. Thi thể của cặp đôi này được tìm thấy vào đúng ngày sinh nhật của Dazai Osamu, ngày 19 tháng 6. Hơn nữa, có một điểm trùng hợp theo một nhà văn đồng hương với Dazai thì truyện "Anh đào" đầu tiên Dazai định đặt tên là "ngày giỗ hoa đào". Mộ của Dazai hiện đặt tại chùa Thiền Lâm tự ở Tokyo thu hút rất nhiều người ái mộ đến viếng thăm.
Từ năm 1999, ngôi nhà của Dazai "Tà dương quán" ở quê nhà đã trở thành nhà lưu niệm Dazai. Cuộc đời của Dazai cũng được dựng thành phim năm 1992.
Cuộc đời của Dazai có thể tóm gọn trong hai từ là đau thương và vỡ mộng. Tác phẩm của ông mang tính phản kháng mà nhân văn, rất gần gũi với con người. Những tác phẩm của Dazai hầu hết lấy cảm hứng và đề tài từ chính những kinh nghiệm bản thân được viết bằng một văn phong hài hước u mặc.
Một cách chân thành, Dazai khắc họa rất thành thực sự yếu đuối và tuyệt vọng rất con người, không lên gân giả tạo. Cho dù là trong những truyện rất ngắn đi nữa như "Trời sáng" hay "Biển" thì sự thành thật đáng quý ấy cũng làm ta rung động. Nhân vật chính trong truyện "Trời sáng" là một nhà văn ham chơi, thường không hoàn thành công việc nên mới tìm một chỗ kín đáo không ai biết để có thể tập trung viết lách. Nhưng đấy là căn phòng của một phụ nữ trẻ làm nhân viên ngân hàng khu Nihonbashi. Nàng ta đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về nên nhà văn có thể thảnh thơi viết lách một mình đến khoảng 4, 5 giờ chiều thì quay trở về nhà. Nhưng có một đêm khuya say rượu không thể về nhà được nữa, nhà văn mới ngủ lại ở phòng cô gái. Nửa đêm thức dậy, muốn uống rượu nhưng lại sợ nguy hiểm cho Kikuchan (tên cô gái) thành ra nhà văn mới bảo cô gái thắp đèn cầy rồi uống một ly rượu dỗ giấc ngủ. Nhưng đèn sắp cháy hết, còn cơn say không tiêu tán mà còn đốt nóng toàn thân gấp rút khiến nhà văn thêm bạo dạn. Dục vọng thiêu đốt, nhà văn đành buông xuôi đầu hàng. Nhưng thật là may, ngay khi ngọn đèn sáp cháy hết thì trời vừa hửng sáng. Nhà văn vùng dậy mặc áo xống đi về nhà. Một câu truyện cực hay. Nhà văn và cô gái đều giữ được mình không phải nhờ giữ vững lập trường hay vững vàng quan niệm trinh tiết gì cả mà hoàn toàn nhờ may mắn là lúc đó trời vừa hửng sáng. Không thể chối bỏ là con người vốn yếu đuối, nhiều giây phút ngã lòng. Nếu như đèn cháy hết nhanh một chút, trời chậm sáng hơn một chút thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người đọc với tác giả và cô gái đều vừa chợt nghĩ "thôi, xong rồi, buông xuôi thôi" thì vừa may trời sáng. Truyện kết nhẹ nhàng mà khiến người đọc thở phù nhẹ nhõm như thể mới bước đi trên dây qua một vực sâu vậy. Giả sử nếu mọi chuyện diễn ra theo kiểu buông xuôi thì không còn gì để nói. Giả sử như nhà văn và cô gái hiên ngang giữ vững lập trường cách mạng, kiên quyết đấu tranh với dục vọng đê hèn thì chỉ truyện còn lại một thứ minh họa đạo đức cứng nhắc mà thôi. Nhờ may mắn mà giữ được mình, thật con người và tội nghiệp. Và chính sự thành thật, thành thật đến mức bi đát này là một điểm son chói sáng trong tác phẩm của Dazai Osamu, khiến ông được độc giả yêu mến mãi đến tận sau này.
Trong truyện "Biển", người cha nhớ lại một trong những kỷ niệm yêu quý nhất của mình đó là lần đầu tiên được nhìn thấy biển vào năm mười tuổi. Và Nhật Bản trong thời chiến, bị không tập phải đi sơ tán liên miên, không biết sống chết lúc nào nên người cha muốn cho con gái năm tuổi được nhìn thấy biển một lần trong đời. Cũng may trên đường sơ tán bằng xe lửa về quê đi ngang qua biển. Sự háo hức của anh bị dội một gáo nước lạnh khi đứa con gái thản nhiên mà cho đó chỉ là sông thôi, người mẹ cũng ngái ngủ mà rằng ừ con sông đấy nhỉ. Cuối cùng "lòng bực bội, chán ngán, tôi lặng ngắm biển trong hoàng hôn, một mình". Cái sự vỡ mộng với tha nhân của Dazai luôn phảng phất ít nhiều trong các tác phẩm của ông. Không chỉ đối với người lớn mà cả trẻ em nhiều lần cũng làm Dazai sửng sốt. Ngoài truyện "Biển" này, trong "Thất lạc cõi người", ta cũng thấy nhân vật chính Yozo tưởng cô bé Shigeko,con của người tình Shizuko là niềm an ủi giải khuây của mình vì cô bé rất yêu quí Yozo nhưng không ngờ cô bé cũng ước ao cha thật của mình quay trở về. Điều này làm Yozo choáng váng và hoảng sợ thêm về "tha nhân không thể hiểu".
Điểm đặc biệt trong các sáng tác của Dazai Osamu, theo như nhà nghiên cứu Okuno Takeo (Áo Dã Kiện Nam) đã chỉ ra trong bài viết của mình "chất hài hước là đặc trưng lớn trong toàn thể sáng tác của Dazai. Trong bất kỳ tác phẩm nào, ta cũng thấy tiềm tại một lối xưng hô ngôi thứ hai như "này bạn", "này quý vị", "này em". Điều này khiến cho độc giả cảm giác thân mật như thể Dazai đang nói chuyện trực tiếp với mình vậy"
Hơn nữa, tác phẩm của Dazai mang tính phổ quát rất cao. Nhà nghiên cứu Okuno Takeo viết "các tác giả khác như Tanizaki Junichiro, Kawabata Ysunari, Mishima Yukio mang đến cho độc giả một cảm giác của "phương trời xa xứ lạ"(exoticism) còn tác phẩm của Dazai khiến cho người đọc quên mất tác giả là người Nhật Bản, chỉ thấy nỗi cảm động như thể chuyện của mình đang được viết ra mà thôi". Chính điều đó có lẽ làm cho tác phẩm của Dazai ngày càng thu hút độc giả. Những kiệt tác của ông như "Tà dương", "Thất lạc cõi người" được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim, thậm chí còn được chuyển thể thành truyện tranh.
Thất lạc cõi người:
"Thất lạc cõi người" là một kiệt tác bi thảm. Kiệt tác này lại được viết bằng văn phong hài hước, qua chính lời kể của nhân vật chính viết lại đời mình khiến cái khí hậu văn chương trong truyện càng thêm chua chát ảm đạm, cái hài hước đã biến thành một loại hài hước đen. Nguyên tác "nhân gian thất cách" có nghĩa là "mất tư cách làm người", một kẻ từ nỗi hãi sợ con người đi đến tự hủy cuối cùng làm một kẻ bên lề xã hội, làm một phạm nhân, một cuồng nhân và cuối cùng là một phế nhân. Ngay câu đầu tác phẩm, để tổng kết cuộc đời mình, nhân vật Yozo đã viết "tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn". Cuộc đời đầy hổ thẹn đó đi qua những ngộ nhận trong việc tìm hiểu về thế gian và nhân gian. Nếu như Lý Mạc Sầu suốt đời ôm mối u tình với Lục Triển Nguyên đi lang thang mà hỏi "hỡi thế gian tình là vật chi, cõi đời sinh tử biệt ly, trời nam đất bắc?" (vấn thế gian tình thị hà vật, trực giáo sinh tử tương hứa, thiên nam địa bắc song phi khách...) thì Yozo cũng "hỏi thần linh, thế gian là vật chi?" (vấn thần linh, thế gian thị hà vật), và "tội lỗi là gì?". Trên con đường tìm hiểu đó, điều đầu tiên mà anh ta làm là khoác một bộ mặt hề để chọc cười mọi người để quên đi nỗi sợ chính con người.
"Đó là hành động tìm kiếm tình yêu cuối cùng của tôi đối với con người. Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người. Vì vậy tôi gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi vì thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thử ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không".
Cái bi kịch của Yozo ngay từ khi còn nhỏ là thấy mình khác với nhân gian, không thể nào hiểu được suy nghĩ của người khác, thêm vào đó là không có khả năng lựa chọn, không có khả năng từ chối yêu cầu của nhân gian từ đó mà hình thành tâm lý hãi sợ nhân gian và thế gian đến cùng cực. Cái vai diễn hề mà anh ta tìm ra đó chính là một giải pháp tuyệt diệu và duy nhất để phòng vệ và sống còn.
"Tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì cũng được nhưng chỉ cần làm cho người ta cười thì cho dù tôi có ở bên ngoài "cuộc sống" của tha nhân thì họ chắc cũng chẳng thèm để ý đến. Mà tốt nhất là không được làm vướng mắt họ, phải trở nên vô hình như gió như bầu trời vậy. Nhờ vai diễn hề, tôi chọc cười mọi người trong gia đình. Ngay cả đối với những người hầu cận, tôi cũng ráng sức mà diễn vì tôi cảm thấy họ đáng sợ và không thể hiểu được hơn cả những người trong gia đình tôi"
Bên cạnh cái vai diễn hề, Yozo đã phát huy tài năng của mình để vẽ những truyện tranh manga để chọc cười các bạn trong lớp và kể cả giáo viên nữa. Được xem như "một đứa trẻ tinh ranh", đối với Yozo mà nói là một thành công ngoài sức tưởng tượng. Bằng cách đó, anh ta thoát ra được khỏi sự tôn kính mà mọi người dành cho mình. Vì sự tôn kính đối với Yozo cũng chẳng khác gì địa ngục."Có một định nghĩa của riêng tôi về khái niệm được tôn sùng là một nhân vật tưởng như tài trí vẹn toàn nhưng cuối cùng bị mọi người nhìn thấu tim đen là kẻ lừa đảo những người xung quanh. Điều này làm cho hắn vô cùng đau khổ và cảm thấy nhục nhã còn hơn cái chết. Giả sử lừa dối cả thế gian và được tôn sùng đi chăng nữa nhưng chắc hẳn có một người biết rõ và cuối cùng cũng sẽ cho cả thế gian biết sự thật. Khi biết đã bị lừa dối, lúc đó cả thế gian sẽ căm phẫn, tức giận và sẽ phục thù đến mức nào đây? Chỉ cần tưởng tượng thôi mà tóc tai tôi đã dựng đứng hết cả lên"
Nói chung cách suy nghĩ của Yozo là hoàn toàn cách biệt với nhân gian. Bản thân nhân vật biết rõ điều này hơn ai hết. Và rồi qua những hành động của con người trong đời sống thường ngày, Yozo thấy rõ sự bất tín của con người trong mọi hoàn cảnh lớn nhỏ. Điều này làm cho hố thẳm cách ngăn cậu và tha nhân càng sâu rộng, và sợi dây độc nhất nối kết là vai diễn hề ngày một mong manh hơn.
Tất nhiên một con người với bản chất như vậy hoàn toàn không thể nào hòa nhập vào đời sống tập thể được. Yozo khăn gói quả mướp lên Tokyo, nhập học trường cao đẳng chỉ để thấy rằng "Tôi không tài nào hòa nhập với đời sống tậpthể được. Hơn nữa cứ nghe mấy lời "nhiệt tình tuổi trẻ" với "niềm tự hào tuổi trẻ" là tôi đều rùng mình ớn lạnh toàn thân. Tôi chẳng thể tắm mình trong cái "tinh thần đại học" ấy được. Cả trường học và ký túc xá đều như một đống rác với những dục vọng méo mó mà cái vai diễn hề gần như toàn bích của tôi trở nên vô dụng".
Chẳng hứng thú gì với việc học hành, Yozo trốn đi học vẽ ở một trường tư thục khác, quen biết Horiki, một kẻ lợi dụng tàn nhẫn. Từ hắn mà Yozo biết thế nào là rượu bia, thuốc lá, đàn bà hoạt động khuynh tả và cuộc đời Yozo càng đắng cay chua chát với ba hình bóng đàn bà đi qua đời anh ta Tsuneko, Shizuko và Yoshiko (không kể làm chồng hờ của madam quán Kyobashi một thời gian) tượng trưng cho ba cuộc phiêu lưu tuyệt vọng giữa biển lớn thế gian loài người.
Đối với Yozo, đàn bà chỉ để lãng quên:
"Chẳng bao lâu sau, tôi hiểu được rằng rượu bia, thuốc lá, đàn bà là những phương pháp rất tốt để có thể lãng quên nỗi sợ hãi con người trong một thoáng chốc. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng để thực hiện được điều này, nếu như bán hết cả những gì mình có thì tôi cũng không một chút hối hận gì"
Tham gia hoạt động chính trị cũng chỉ vì bị quyến rũ bởi cái mùi bất hợp pháp:
"Bất hợp pháp. Đối với tôi đó cũng là một niềm vui thầm lặng. Hay có thể nói là tôi cảm thấy dễ chịu với điều đó. Thật đáng sợ biết bao cái gọi là hợp pháp trong thế giới này, nó chứa đựng một nỗi dự cảm của một thứ gì như là một sức mạnh khủng khiếp mà không tài nào hiểu được. Tôi không thể ngồi trong một căn phòng máy lạnh không có cửa sổ như thế được. Chẳng thà nhảy ra ngoài, bơi lặn trong cái biển phi hợp pháp kia rồi chết chìm tôi còn cảm thấy vui hơn".
Đoạn đường tình ái với Tsuneko, một người đàn bà có chồng, làm ở một quán bar khu Ginza bắt đầu với một món nợ ân tình và kết thúc bằng một thảm kịch. Tsuneko là người đàn bà đầu tiên làm cho Yozo cảm thấy một chút gì tình yêu tươi sáng trong cuộc đời. Có lẽ hai người như hai chiếc lá vô tình bị cuốn gần đến nhau trong dòng nghiệt ngã mù lòa:
"Dù cho Tsuneko không nói tiếng "em cô đơn" thì sự cô độc đáng sợ vô ngôn của nàng dường như tỏa ra một dòng khí lưu khắp thân hình nàng và khi ghì sát hình hài ấy, thân hình tôi cũng được dòng khí lưu bao bọc rồi tan chảy cùng với nỗi u uất của tôi. Hai thân hình thoát ra khỏi nỗi bất an sỡ hãi như hai chiếc lá khô im lặng nằm trên tảng đá dưới đáy nước sâu"
Khi cùng với Tsuneko quyết định tự sát đôi (shinju), trầm mình ở biển Kamakura, Yozo bước đầu tiên muốn thoát khỏi sổ đoạn trường, tìm về quê hương đã mất. Nhưng chuyến đi này chỉ có một mình Tsuneko đến đích, còn Yozo phải lay lắt vì nghiệp chướng còn dài:
"Tâm tình một nẻo quê chung
Người về Cố Quận, muôn trùng ta đi"
Tsuneko đã về Cố Quận, còn Yozo thì vục đầu xuống bùn. Biến chuyển này đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Yozo. Anh bị bắt điều tra vì tội "hỗ trợ tự sát", trở thành phạm nhân, khoảng cách giữa anh và cuộc đời càng trở nên xa ngút mắt.
Người đàn thứ hai của Yozo, đàng hoàng, có học thức, làm việc ở một nhà xuất bản, đã góa chồng và có một đứa con gái nhỏ Shigeko. Tuy làm thân phận của một gã chồng hờ nhưng nếu như Yozo biết an phận trong niềm hạnh phúc nhỏ bé này thì có lẽ cuộc đời anh đã khác. Cánh cửa hạnh phúc mở ra ngay trước mắt Yozo khi một đêm say lảo đảo về nhà nghe mẹ con Shizuko nói chuyện. Anh cầu khẩn thần linh ban cho mình hạnh phúc mà không biết hạnh phúc đang chờ đợi sau cánh cửa khép hờ. "Sau mỗi bức tường là một cánh cửa". Yozo lảo đảo đi ra, bỏ mất cơ hội cuối cùng có được hạnh phúc.
Sau khi nương náu một thời gian trong quán bar khu Kyobashi, Yozo tình cờ quen được Yoshiko, một người con gái trong trắng như băng thanh ngọc khiết. Chỉ có một điều nguy hiểm. Nàng quá cả tin. Nhưng chuyến phiêu lưu cuối cùng của Yozo khởi sự. Chàng tìm về một cái đẹp, niềm cảm hứng vẹn nguyên mà muôn đời thi sĩ ca tụng.
"Cái vẻ đẹp trinh trắng kia tôi nghĩ chỉ là cảm giác huyễn hoặc của những thi nhân ngu ngốc, nào ngờ lại hiện diện nơi đây, giữa trần gian này. Cưới nhau xong rồi, vào mùa xuân hai đứa đạp xe đi đến thác nước ngắm hoa lá rơi với dòng nước chảy. Có nghĩa là tôi đã quyết ý "một lần phân tranh thắng bại", không do dự gì cướp lấy đóa hoa kia".
Yozo quyết tâm bước vào cuộc chiến sau một lần phân tranh thắng bại. Với tâm nguyện cứ có một lần vui sướng lớn lao rồi về sau buồn khổ thế nào cũng được, Yozo quyết định kết hôn. Và cái mỹ đức duy nhất của vợ chàng, cái làm cho chàng tự hào, đã khiến cho chàng phải trả giá đắt.
"Vì thế hai chúng tôi kết hôn, và niềm vui tuy không lớn lao nhưng nỗi rầu buồn sau đó thì vượt quá mức tưởng tượng của tôi, đến mức có nói là "thê thảm" vẫn còn chưa đủ. Đối với tôi, cái thế gian này thật đáng sợ đến mức không thể nào tưởng nổi. Nó nhất quyết không phải là nơi mà mọi chuyện có thể quyết định dễ dàng chỉ bằng "một lần phân tranh thắng bại"như thế".
Thực ra, Yoshiko không có tội vào cái đêm hôm đó. Nàng chỉ quá tin người mới bị người ta làm nhục. Nhưng đối với Yozo mà nói, cái mà mình tôn thờ lại bị làm mồi ngon cho kẻ lạ, cái thác nước tinh khiết dưới tàn cây xanh chỉ sau một đêm biến thành màu đỏ quạch, cái niềm tin của Yoshiko với con người bị vỡ nát từ đó về sau đã là một vết thương chí mạng.
Từ đêm đó, tóc tôi bắt đầu ngả màu bạc, tôi dần mất hết sự tự tin, nghi ngờ toàn thể con người, những hy vọng vào cuộc đời, cũng như niềm vui và sự thông cảm tiêu tan hết cả. Thực sự mà nói trong cuộc đời tôi, đây là một sự kiện mang tầm quyết định. Tôi đã bị đâm một nhát chí mạng ngay giữa ấn đường, và vết thương này từ đó về sau, mỗi lần gặp tha nhân đều không ngừng đau thương rỏ máu.
Chàng nghiện rượu rồi một đêm buồn, uống hết gói thuốc ngủ DIAL tự sát. Trời vẫn không buông tha.
Tôi nghe nói mình đã chết ba ngày ba đêm. Nghe nói bác sĩ xem đó là một tai nạn và trì hoãn việc báo cảnh sát cho tôi. Nghe nói câu đầu tiên mà tôi thì thầm sau khi tỉnh thức là "mình đã về nhà". Cái gọi là nhà không biết là chỉ nơi nào nữa nhưng sau khi nói câu đó, nghe nói tôi đã khóc như mưa.
Cái tiếng khóc thổn thức đó cũng là nỗi niềm của Hoàng tử bé, của Trúc Phương, của những con người bị đọa đày thống khổ trong cuộc lữ miên trường. Thân phận ly khách, kẻ tha phương bất đắc dĩ, kẻ miễn cưỡng cư ngụ trần gian, mong chờ ngày về cố quận.
"Soi bóng đời bằng gương vỡ nát.
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt
Đoạn buồn xưa ta đã đi qua
Ngày vui tới ta vẫn chờ..."
Ngày vui chính là ngày lìa bỏ trần gian, cái ngày mà Hoàng Tử bé để cho con rắn độc cắn mình để có thể nhẹ nhàng về hành tinh nhỏ xíu của cậu, cái ngày mà Trúc Phương lìa đời trong căn nhà rách ở Sài Gòn lúc mới năm mươi sáu tuổi gia tài chỉ còn lại đúng một đôi dép, cái ngày mà Yozo tưởng dùng những liều thuốc ngủ DIAL để nhẹ nhàng đưa mình thoát khỏi hệ lụy và nỗi sợ của nhân gian. Biết đến bao giờ mới lành được tấm gương vỡ nát? Những tác phẩm lớn hầu hết đều đụng chạm đến một chủ đề nguyên thủy của con người là sự Thiếu Vắng Quê Hương và Sự Đi Tìm Trong Hoài Nhớ.
Đoạn trường đi chưa hết nên đời còn lắm phong ba. Yozo vẫn tiếp tục sống và ho ra máu. Đi đến tiệm mua thuốc thì gặp một cô chủ quán tàn phế, từ đó biết đến morphine. Nghiện morphine, để có tiền mua thuốc lại vẽ tranh xuân tình mà bán lén lút, còn quyến rũ và quan hệ với người đàn bà bất hạnh này. Cuối cùng như ngập ngụa trong vũng lầy sâu, không thể nào thoát ra được, đành tìm đến cái chết. Ý định chưa kịp thực hiện thì ông cá bơn và Horiki tìm đến dỗ dành ngon ngọt đưa vào viện tâm thần, tự nhiên hóa thành người điên. Chỉ đến khi người cha chết, anh cả mới lên đón đưa về một làng quê ven biển cho ở một ngôi nhà tranh rách nát với một mụ già tóc tai đỏ quạch tên Tetsu. Trong vòng ba năm, Yozo lúc vui lúc buồn, lúc gầy đi lúc mập ra, lúc bị bà Tetsu đè ra mà hiếp, lúc lại cãi nhau với bà ta như vợ chồng. Và cuối cùng, đành phải chấp nhận cuộc đời mình như một phế nhân. Cái chân lý cuối cùng mà anh ta tìm thấy trong suốt cõi đọa đày muôn năm chỉ đơn giản là "tất cả đều sẽ trôi qua". Và đời mình rồi cũng qua thành ra cứ để mặc không vui không buồn, cứ thế mà sống và "lâu rồi đời mình cũng qua" (Vũ Thành An).
Không thể nói Yozo không gắng sức lội ngược dòng định mệnh. Ba cuộc phiêu lưu của chàng với ba người đàn bà là nỗ lực đào thoát. Với Tsuneko là hành trình tìm về cố quận, với Shizuko là tìm kiếm hạnh phúc bình thường nhân gian (nhưng tiếc thay chàng chối bỏ nơi ngưỡng cửa), với Yoshiko là tìm về một thứ trắng trong nương náu tinh thần. Ba nỗ lực này thất bại thảm hại. Chàng nghiện rượu, nghiện thuốc ngủ, bị đưa vào trại tâm thần. Từ một phạm nhân thành cuồng nhân rồi phế nhân. Đó là con đường tất yếu xảy đến cho một tâm tình u uẩn mà nhạy cảm như chàng. Như madam đã nói một lời sau chót "dù cho uống rượu, Yochan vẫn là một người tốt, một thiên thần" để chiêu niệm cho một cuộc đời lận đận trắc trở phản chiếu hình bóng của chính Dazai Osamu.
Tuy "thất lạc cõi người" là một tiểu thuyết ngắn nhưng cách xây dựng nhân vật và nội dung tác phẩm thật gây xúc động lòng người. Giọng văn hài hước, đôi khi có chút khoa trương khiến ta nhiều lần phá ra cười xong lại bùi ngùi cảm động. Có thể nói cùng viết về con người nổi loạn, tuổi trẻ hủy thân thì tác phẩm này là kinh điển nếu so với những tác phẩm văn học hiện đại khác. Murakami Ryu trong tác phẩm "69" chỉ đơn thuần miêu tả một thời tươi đẹp và nổi loạn của tuổi trẻ những năm 60 nhưng đơn thuần chỉ là kỷ niệm. Còn Dazai trong "Thất lạc cõi người" đã đưa hết những tích chứa của đời mình về khắc khoải nhân sinh, về day dứt siêu hình của con người trên cõi thế. Những trăn trở của nhân vật đi sâu đến nỗi không chỉ nhân vật muốn tự sát mà chính chúng ta cơ hồ cũng như ngạt thở mà rằng "người mà đến thế thì thôi, đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi" (Nguyễn Du). Riêng về cách xây dựng tác phẩm thì việc Dazai để cho nhân vật chính kể lại đời mình qua ba quyển sổ ghi chép có thể đã ảnh hưởng đến một nhà văn Nhật hiện đại khác là Abe Kobo. Trong tác phẩm "Gương mặt kẻ khác" (Tanin nokao), Abe cũng để cho người vợ của một kỹ sư hóa học bị cháy gương mặt tìm đến một căn phòng đọc những quyển sổ ghi chép của chồng mình, tìm hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của anh ta sau thời gian mang chiếc mặt nạ giả trang.
"Thất lạc cõi người" đã được dựng thành phim, được vẽ thành truyện tranh và bản thân cuộc đời Dazai cũng được lên màn ảnh. Truyện tranh "Thất lạc cõi người" xuất bản lần đầu vào tháng 8 năm 2007, đến tháng 7 năm 2009 đã được tái bản đến lần thứ mười hai, với số sách bán được trên hai triệu bốn ngàn bản. Riêng tác phẩm khổ bỏ túi "Nhân gian thất cách" đã được tái bản lần thứ một trăm bảy mươi tư kể từ ngày xuất bản vào năm 1948.
Ám nhiên tiêu hồn:
Trong "Thần điêu hiệp lữ", Kim Dung đã xây dựng được một cặp đôi kỳ tuyệt là Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Sư phụ của Tiểu Long Nữ là Lâm Triêu Anh vì hận tình với Vương Trùng Dương, tổ sư Toàn Chân Giáo mà cam tâm sống trong Cổ mộ, tinh tuyển hai nữ đệ tử đẹp thiên kiều bá mỵ là Lý Mạc Sầu tàn độc như hổ và Tiểu Long Nữ lạnh lùng như băng. Lý Mạc Sầu theo gương sư phụ, hận tình với Lục Triển Nguyên mà biến thành nữ ma đầu cuối cùng chết cháy ở Tuyệt Tình Cốc. Tiểu Long Nữ một đời băng thanh ngọc khiết, yêu thương đệ tử là Dương Quá, chỉ muốn hai người vĩnh viễn sống trong Cổ Mộ, không bước chân ra chốn hiểm ác giang hồ. Nhưng "tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi người ra đi vì đời" (Trúc Phương), "nhân tại giang hồ thân bất do kỷ", cặp đôi chia rẽ rồi trùng phùng rồi chia rẽ và trùng phùng thành một đôi "song kiếm hợp bích", thần thoại võ lâm. Tiểu Long Nữ thì bị Doãn Chí Bình làm nhục, Dương Quá thì bị Quách Phù, con của Quách Tĩnh và Hoàng Dung chặt đứt cánh tay trái. Gian hiểm trùng trùng, ân oán chập chồng, căn tình sâu kết vĩnh viễn cưu mang. Trong mười sáu năm trời xa cách và đi tìm Tiểu Long Nữ, Dương Quá nhờ cơ duyên gặp được truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại là một con chim điêu và luyện công đến mức đăng phong tạo cực. Kết tinh cả nỗi u uất của mình, Dương Quá đã sáng tạo ra một môn võ công là "Ám nhiên tiêu hồn". Tên gọi của chưởng pháp này Kim Dung lấy ý từ một câu thơ của Giang Yêm "ám nhiên tiêu hồn giả, duy biệt nhi dĩ hỉ" (Cái làm tiêu tán hồn người chỉ có nỗi ly biệt mà thôi). "Ám nhiên tiêu hồn" gồm các biến chiêu u uất với tên gọi kỳ dị như "Đà nê đới thủy", "Cùng đường mạt lộ", "Vô trung sinh hữu"...chỉ phát hết uy lực khi bản thân lâm vào hiểm cảnh. Chưởng pháp này cuối cùng đã cứu mạng Dương Quá trong cuộc chiến với Kim Luân Pháp Vương tại thành Tương Dương.
Mượn tên gọi này để thay lời kết cho bài viết này về mối tương quan giữa tài hoa và khổ lụy của người nghệ sĩ. Cái mang đến cho anh vinh quang cũng là cái mang đến cho anh sự đọa đày. Tất cả những tác phẩm lớn đều được chắp cánh bay lên từ cuộc đời bùn lầy ngập ngụa của tác giả. Nhiều khi sự trả giá lớn bằng cả cuộc đời.
Dù muốn hay không, ta cũng phải nhận thấy rằng cuộc đời phóng đãng và bi thảm của Dazai mỉa mai thay lại đem đến sự thành công của những tác phẩm mang tính tự truyện. Cũng như Dương Quá nếu không có mười sáu năm đau khổ, một thân một mình đi tìm ý trung nhân Tiểu Long Nữ thì làm sao có thể sáng tạo ra pho võ công "ám nhiên tiêu hồn"? Nếu hai người cứ vui vẻ sống bên nhau trong Cổ Mộ thì đâu còn là đời kiếp này nữa? Nếu cặp đôi song kiếm hợp bích này đi đâu cũng có nhau thì lấy đâu mà ám nhiên, tiêu hồn? Như Akutagawa có lần đã ví việc viết văn như một con rắn tự cắn lấy chính cái đuôi của mình, chắc chắn sẽ đến ngày tự hủy. Văn chương mang đến vinh quang thì cũng mang đến niềm thống khổ. Nếu Dazai không có một tâm tình u uẩn và một cuộc sống phóng đãng như thế sẽ không bao giờ viết được một kiệt tác như "Thất lạc cõi người". Tác phẩm u uất như một căn phòng kín cửa. Có thể nói tầm vóc của một tác gia tương xứng với nỗi khổ đau mà anh ta phải chịu đựng. Và cưu mang.
Sau khi hoàn chỉnh "Thất lạc cõi người", Dazai tự sát, để lại một tác phẩm dang dở là "Giã biệt". Đời văn của Dazai chính thức chỉ có mười lăm năm. Nhưng chỉ cần một "Tà dương" hay "Nhân gian thất cách" là đủ làm cho văn đàn phải chấn động, thiên hạ phải ám nhiên tiêu hồn. Độc giả, nếu bóc tách ra được lớp văn phong hài hước của tác phẩm mà nỗ lực suy tư nghiêm chỉnh sẽ bị ám ảnh trong một thời gian dài. Đối với một tác phẩm kinh điển, vĩ đại, thời gian không tồn tại. Hãy cứ cầm lên và đọc, lúc nào nó cũng như mới nguyên, và vĩnh cửu cho đến khi toàn thể con người tuyệt diệt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: