Nhất Cựu Sự: Kiếp thứ nhất hắn làm tướng quân, nàng thành công chúa
Ngọc lâu phù dung hồng hạc vũ
Sương hoa lãnh nguyệt táng bi ca
(Điệu múa hồng hạc điểm phù dung nơi lầu ngọc làm hoa cùng trăng thổn thức)
Vinh Hoàng năm xuân thứ 43, Ô Ngõa Quốc tiến đánh Đằng Vân Thiên Quốc. Thanh Tông đế hèn nhát muốn nhượng bộ bằng cách cầu hòa. Mặc cho lời can ngăn của Trấn Quốc Đại tướng quân, Thanh Tông đế hạ lệnh chém đầu lão tướng quân, treo đầu thị chúng...
.................................................................
Lúc ta đang đọc sách cũng là lúc cung nhân bẩm báo việc này. Việc gì đến cuối cùng cũng đã đến rồi. Ta đứng dậy vào nội điện chỉnh trang y phục rồi đem theo hộ vệ thân cận Diệp Ngụy đến Thánh Đức Cung, cầu kiến phụ hoàng. Đi qua Ngự hoa viên nhìn lầu vàng điện ngọc, cảnh vật chốn thâm cung, ta bất chợt hỏi:
- Nếu ta nói chán ghét chốn cung cấm như lồng son mang vẻ hoa lệ này, huynh có nguyện ý mang ta rời khỏi đây không ?
Xung quanh tiếng gió vờn liễu rì rào, có cả tiếng hoàng oanh chuyền cành. Dưới hồ còn có tiếng cá quẫy rộn vang mặt hồ, nước gợn lăn tăn nhưng tuyệt nhiên không có tiếng của chàng. Xoay người nhìn chàng, ta như thấy lại bóng hình ta đã đối diện vào lễ cập kê năm nào. Vẫn một thân huyền sắc, dáng như tùng bách. Còn khuôn mặt tuấn tú này, trước kia cứ mỗi khi ta trêu chọc chàng là tên tiểu bạch kiểm, thì mặt chàng sẽ đỏ lên rồi cúi đầu cam chịu, nay lẳng lặng hạ tầm mắt. Một lúc sau khô khan quỳ xuống nói:
- Thuộc hạ vô năng. Xin Công chúa ban tội.
Quả nhiên câu trả lời vẫn như trước đây. Ta thở dài, rồi nói:
- Được. Như ý muốn của huynh. Ta là công chúa, huynh là hộ vệ, tôn ti không thể lẫn lộn !
Nói rồi ta rút từ trên đầu xuống một cây trâm khắc hoa đào làm từ gỗ đàn hương ném xuống hồ:
- Ngày lễ cập kê năm đó là bổn công chúa nhất thời tùy hứng đòi quà mừng từ ngươi. Giờ ngươi có thể tùy ý đi đến bất cứ đâu. Ngươi tự do rồi.
Nói xong ta xoay người bước đi. Câu trả lời của chàng vẫn vậy. Thì ra từ trước đến nay vẫn là ta tự huyễn hoặc chính mình ...
.................................................................
Tại Thánh Đức Cung, quả nhiên phụ hoàng nói muốn Tam ca cùng sinh mẫu của ta mất đi lão thần đứng đầu nhóm ủng hộ Tam ca làm Thái tử là Diệp lão tướng quân nên luôn tìm cớ, mà vừa hay việc sáng nay trên triều lại vừa vặn.
Người nói không định để Tam ca làm Thái tử nhưng chỉ cần ta chịu đi hòa thân, phụ hoàng sẽ để Tam ca ngồi vào vị trí Thái tử mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Không chỉ vậy Diệp Ngụy sẽ được làm con thừa tự của Diệp lão tướng quân và được phong làm Uy vũ Đại tướng quân phò trợ Thái tử.
Ta mỉm cười đáp rằng chỉ là vị trí Thái tử mà thôi, tùy thời có thể thay thế được. Phụ hoàng không nói là Tam ca sẽ đại nghiệp chi chủ mà chỉ nói đến vị trí Thái tử. Phụ hoàng liền bật cười, nhìn ta thật lâu. Ta thấy được trong đôi mắt của phụ hoàng ẩn chứa dã tâm tựa ngọn lửa chốn u minh, muốn thao túng, nuốt chọn kẻ thù. Đó là sự tàn độc toát ra từ xương tủy của một bậc Đế vương. Quả là cực lạc chi lạc thao túng nhân tâm, dã tâm như vậy mà người đời lại nói phụ hoàng là một Hoàng đế hèn nhát.
Rồi Người tiến đến cầm tay ta nói rằng, muốn Tam ca sau này chắc chắn được kế thừa đại nghiệp thì cái giá phải trả là cớ dẫn binh diệt Ô Ngõa Quốc khiến người người tin phục !. Với dã tâm ấy, ta liền biết phụ hoàng sẽ làm gì một khi ta đặt chân đến đất Ô Ngõa nhưng vẫn nhìn thẳng Người mà đáp: "Hoàng nhi nguyện ý"...
.................................................................
Ngày hôm sau tại buổi thiết triều, sau khi nghe tiếng thái giám tuyên gọi tiếp chỉ, ta liền bước vào Kim điện. Phía trước đã thấy Tam ca đứng đó, tay cầm hoàng chỉ buộc tơ đỏ biểu thị là thánh chỉ lập Thái tử, biểu tình phức tạp nhìn ta. Ta câu môi, cười trấn an Tam ca rồi quỳ xuống nhận chỉ, khóe mắt còn thấy sự tiếc thương của chúng quan trong triều.
- Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu viết. Trong số các công chúa của bản triều, Thất công chúa là người được Tiên thi cảm khái:
"Viễn nhi vọng chi, hạo nhược thái dương thăng triêu hà.
Bách nhi sát chi, chước nhược phù dung xuất lục ba"
Cốt tượng ưng đồ, khôi tư diễm dật, tâm tính thiện lương vì tình nghĩa lân bang, vì bách tính mà suy nghĩ thấu đáo, ban hiệu Hy Hòa công chúa. 3 ngày sau, mùng 3 tháng 3 sang Ô Ngõa Quốc hòa thân thắt chặt hòa khí lân bang hai nước. Khâm thử...
Ta nâng tay tiếp chỉ, lành lạnh đáp:
- Hy Hòa khấu tạ long ân. Hoàng ân khắp chốn.
Văn võ bá quan nghe vậy, quỳ xuống hô vang:
- Công chúa thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế. Hoàng ân khắp chốn...
...............................................................
Thấm thoắt cũng đã đến ngày 3 tháng 3. Trời đất trong xanh, muôn hoa khoe sắc, phảng phất đâu đó hương hoa đào ngọt dịu. Ta vận trên người giá y Mẫu đơn quốc sắc, cùng đoàn cung nhân tiến đến trước cửa Kim điện. Sau khi thực hiện một loạt nghi thức, ta thưa với phụ hoàng muốn múa một điệu múa để tưởng niệm cố quốc Đằng Vân. Phụ hoàng liền ân chuẩn, cho gọi nhạc sư.
Ta nói muốn múa điệu múa có tên Hồng hạc phi vũ nhưng bản ghi chép đã bị ta đem hủy từ lâu. Phụ hoàng nghe vậy thì nhíu mày, trầm giọng:
- Điệu múa của ngươi không có bản ghi chép, các nhạc sư sẽ không thể đệm nhạc cho ngươi. Có nghĩa ngươi sẽ múa mà không có nhạc ?
Ta cười tựa mây gió thoáng qua mà đáp rẳng:
- Điều duy nhất đáng lưu tâm là sức sống và linh hồn của điệu vũ. Sức sống ấy được thể hiện qua chuyển động của cơ thể và tâm tư người múa. Chính điệu vũ sẽ tạo nên tiếng nhạc trong lòng người thưởng vũ.
Nói rồi ta tiến xuống đài, chỉ thấy bên dưới những bậc thang trắng là tất cả văn võ bá quan, hai bên là hàng binh sĩ đứng gác. Ta trông thấy Diệp Ngụy mặc một thân áo giáp đen tuyền đứng bên hàng Võ quan, cúi đầu không thấy rõ vẻ mặt. Ta mỉm cười, lớn giọng nói:
- Rời xa quốc thổ đến đất Ô Ngõa xa xôi, không biết đến bao giờ mới được trở về cố quốc. Nay ta xin gửi lại điệu múa Hồng hạc phi vũ ở lại.
Hồng hạc phi vũ là điệu múa của hoàng cung Lâu Lan xưa. Tam ca trong một lần đến Thành Đôn Hoàng, cơ duyên xảo hợp mà có bản ghi chép điệu múa này, về cung liền đem tặng ta. Ta rất thích Hồng hạc phi vũ nên chỉ múa cho mình người ta thích là Diệp Ngụy xem.
Nhưng rồi ở lễ cập kê năm đó, khi ta đã hạ quyết tâm bỏ mặc hết thảy, kéo chàng ra Uyển đình nói rằng ta rất thích chàng. Kể cả có bị phụ hoàng trách vấn đi nữa ta cũng nguyện gả cho chàng. Thì chàng lại quỳ xuống nói chàng vô năng không thể đáp lại tình cảm của ta và xin ta ban tội.
Tối đó trở về Trường Nhạc Cung, ta liền đốt hết những gì liên quan đến Hồng hạc phi vũ và không múa lại lần nào nữa..... cho đến ngày hôm nay...
.....Phải nói đây là điệu múa phi thường và tuyệt đẹp. Sự nhẹ nhàng là nền tảng của điệu múa này. Hạc biến thành người và người trở thành hạc. Khi con người nghĩ chân của mình ở trên không thì chúng lại ở dưới đất. Và khi nghĩ đôi chân đang chạm mặt đất thì hóa ra lại đang ở trên không. Hạc chỉ đáp xuống để nhìn ngắm mặt đất. Vì số phận của hạc là đặt ước muốn và khát khao của nó nơi bầu trời. Thế là nó lại bay, bay và bay mãi lên trời cao.
Muốn đạt đến sự nhẹ nhàng toát ra từ xương tủy ấy thì điều quan trọng nhất là nhịp thở. Kiểm soát được nhịp thở là kiểm soát được tất cả. Các bước di chuyển, chao liệng của loài hạc rất tao nhã. Căn nguyên của điều ấy là phải thực hiện nhịp độ xoay người nhanh với một chân làm trụ và nhanh chóng lấy lại được thăng bằng. Đây là sự cân bằng của tốc độ và sức lực. Nếu dùng sức quá nhiều, chuyển động sẽ bị cứng, nặng nề, không uyển chuyển. Nhưng nếu không dùng đủ lực thì không thể cân bằng được tốc độ. Bởi vậy học cách xoay người với một chân trụ trên tờ giấy bôi mỡ nhưng không được làm rách giấy là phương pháp để luyện cho sự cân bằng này.
Bay lên thật trang nhã, đáp xuống thật nhẹ nhàng. Đáp xuống mặt đất mà như đáp trên mây. Tay áo vũ động như cánh của hạc vỗ trong gió cùng bách hoa khai trong khi đôi mắt vẫn điềm tĩnh nhìn vạn vật. Bước chân nhẹ nhàng như khi sương sớm rơi nhẹ trên lá cỏ. Tay phất lên như hồ điệp dập dờn trong làn gió xuân. Rồi uyển chuyển xoay vòng như những cánh hoa rơi trên dòng sông nước gợn. Dù cho là hoa thì khi rơi khỏi cành, chúng cũng đã chết. Bởi vậy nỗi buồn liền trào dâng, múa đến khi nào nước mắt hóa thành nụ cười mang vẻ đẹp của một bông hoa nở trái mùa độc nhất vô nhị.
Điệu múa tuyệt vời nhất không phải là điệu múa làm xúc động người múa mà là làm xúc động đến người thưởng thức nó. Đừng chọn âm nhạc chỉ bằng những ngón tay, hát bằng cả trái tim chứ không phải là bằng cổ họng. Từng động tác múa xuất phát từ tâm hồn chứ không phải là phỏng lại từ người khác. Múa là cảm xúc rất thi vị, hãy đặt cả tình yêu vào đó.....
Và rồi ta nghe thấy tiếng cổ cầm Cửu tiêu hoàn bội vang lên, hòa với tiếng tiêu như xa như gần, rồi quyện vào với tiếng tam huyền cầm réo rắt tâm can. Thì ra các nhạc sư đã bị cuốn vào cảm xúc của ta mà đệm thành nhạc cho điệu múa. Hồng hạc phi vũ không có bất kì nhạc phổ nào chính là câu cuối cùng trong bản ghi chép điệu múa. Chính điệu vũ sẽ tạo nên tiếng nhạc trong lòng người, từ đó tạo thành nhạc điệu cho Hồng hạc phi vũ. Hỉ, nộ, ái, ố từ người múa sẽ là nhạc phổ để cầm sư từ đó tấu thành khúc.....
Điệu múa kết thúc, ta trông thấy các võ tướng cùng binh sĩ tay nắm chặt trường kiếm. Các quan văn nhìn ta với vẻ mặt bi tráng, bờ vai run run. Ta hướng về phía phụ hoàng chín lậy một quỳ, rồi hướng về phía văn võ bá quan hành lễ:
- Nếu chỉ cần dùng một nữ tử vào chuyện binh gia, thì việc gì phải điều động đến thiên quân vạn mã. Hy Hòa bái biệt từ đây....
Chân ta đặt xuống những bậc thang trắng, từng bước từng bước tiến qua người mà đời này ta tâm tâm niệm niệm. Trong khoảng trời xanh trong hoa đào vũ động ấy, ta hạ xuống hỷ khăn:
- Diệp Ngụy, ta và chàng từ nay vĩnh biệt !
- Công chúa...Nghê Niên...
...................................
VĨ THANH :
Quay lại một khoảnh khắc ấy, năm tháng vô thanh cũng làm người ta sợ hãi. Giật mình phát hiện thì thời gian đã nhẹ nhàng lướt qua mấy đời vua trị vì. Nhưng mỗi khi nhắc lại niên triều Vinh Hoàng năm 43 ấy, ai ai cũng đều cảm khái cho một Hy Hòa công chúa - một kinh diễm hồng nhan vì nghĩa nước, vì lê dân mà lên đường đến Ô Ngõa Quốc hòa thân để rồi chết thảm khi vừa đặt chân đến lãnh thổ Ô Ngõa Quốc.
Đến nay trong Hoàng lăng cũng chỉ có bài vị đề phong hiệu của công chúa để thờ phụng. Nghe kể rằng Thanh Tông đế khi ấy biết tin liền nổi giận lệnh cho Uy vũ Đại tướng quân khởi binh vấn tội, đọa sát cả Vương đô Ô Ngõa Quốc. Ô Ngõa Quốc bị tận diệt. Còn Uy vũ Đại tướng quân sau khi thảo phạt Ô Ngõa Quốc đã tìm đến nơi đoàn người của Hy Hòa công chúa bỏ mạng, lật hết thảy 243 thi thể để tìm cho được công chúa. Nhưng chỉ tìm được một chiếc khăn hỷ thấm đẫm máu rơi trên nền đất đầy máu tươi ở bờ vực sâu cách đó không xa.
Có người kể rằng tướng quân cầm khăn hỷ đó ngồi bên bờ vực mấy ngày không ăn không uống cho đến tận lúc cận vệ dưới trướng Thái tử đương triều đến gặp tướng quân thì tướng quân mới đứng dậy, cầm kiếm lên ngựa về Đế Đô Đằng Vân ngay trong đêm. Sáng hôm sau, trong cung truyền tin Thanh Tông Hoàng đế bị hành thích mà băng hà. Thái tử lên ngôi, tướng quân từ đó phò tá Tân đế rồi lại phò tá tiếp đời vua kế theo. Tính từ lúc được phong tướng thì đã phò tá ba đời vua mà uy quyền không suy giảm. Cả đời không thê thiếp con cái, nhưng kì lạ là cứ đến một ngày nhất định đầu tháng 3, tướng quân lại đi đến vùng biên giới nước Ô Ngõa cũ đến hết tháng mới về.
Cứ như vậy đến khi tướng quân tạ thế ở tuổi 82, lúc ra đi trên tay vẫn cầm chặt cây trâm gỗ đàn hương khắc hoa đào và một tấm khăn hỷ nhìn không ra màu ban đầu đã sờn chỉ thêu. Thể theo di nguyện của tướng quân, ông muốn được chôn bên bờ vực cạnh vùng biên giới và dùng tấm bia đá do chính mình khắc làm bia mộ.
Ở ngay cạnh tên ông còn một cái tên Nghê Niên...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top