Phong van nha van To Hoai ve tp VCAP

Truyện “Vợ chồng A Phủ” được rút ra từ tập “Truyện Tây Bắc” và là truyện ngắn xuất sắc nhất của tập sách này. Truyện có 2 phần: Phần đầu kể chuyện Mị và A Phủ ở Hồng Ngài; phần sau là thời kì ở Phiềng Sa, hai người gặp cách mạng rồi trở thành du kích. Nhưng chương trình văn lớp 12 chỉ trích dạy phần đầu của tác phẩm.

Thưa nhà văn, những năm đầu thập niên năm mươi, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã có những thay đổi về chiến lược. Tinh thần và sức mạnh bất khuất của cả nước được nuôi dưỡng và phát triển trong những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc. Sống với những ngọn thác dữ dội, những núi đá hùng vĩ, những vạt rừng âm u là các dân tộc thiểu số anh em. Đời sống sinh hoạt của họ khác nhau nhưng tinh thần kháng Pháp thì là một. Nhưng dường như đơì sống của người Mèo (H’Mông) đã để lại ấn tượng riêng biệt và sâu đậm cho ông?

Nhà văn Tô Hoài:

Năm 1952, khi các hoạt động kháng Pháp tăng mạnh trên chiến trường, quân ta đã dần đánh đuổi quân Pháp khỏi Sơn La, Lai Châu, tôi là phóng viên của báo Cứu Quốc, báo Đại Đoàn Kết bây giờ, được cử đi viết về các căn cứ cách mạng và đời sống ở vùng mới giải phóng. Tây Bắc với những cánh rừng bạt ngàn là nơi sinh sống chủ yếu của người Mường, Thái, Mèo… và một số dân tộc nhỏ khác. Trong các dân tộc anh em, người Mèo thường sinh sống ở những vùng núi cao nhất và xa nhất. Đấy cũng chính là nơi có căn cứ cách mạng sớm nhất. Người Mèo chống Pháp với một tinh thần bất khuất và kiên cường kì lạ. Tôi chọn đi viết về đời sống dân tộc Mèo là vì vậy. Tôi đi từ núi này sang núi khác, từ vùng Mèo Nghĩa Lộ đến Lai Châu trong 5 tháng trời. Đường đi rất khó khăn, hiểm trở, thiếu thốn đủ thứ cộng với khí lạnh của vùng Tây Bắc, nhưng may mắn là đến bản nào cũng gặp cán bộ cách mạng. Từ 1950 – 1951, tôi và Nam Cao đã từng đi viết và sống với đồng bào miền núi. Khó nhất là sự cách biệt ngôn ngữ, phải có chung tiếng nói mới có thể hiểu được nhau. Người Mèo có ngôn ngữ riêng, tuy nhiên vốn từ vựng của họ ít, nên tôi không mấy khó khăn khi học tiếng của họ. Chỉ cần vài chục từ là có thể giao tiếp được. Tuy vậy, vì ở vùng núi cao và xa nên đời sống của họ trăm bề thiếu thốn. Hạt muối quý hơn vàng. Có nơi 5-6 tháng ăn không tí muối nào. Khi bản có việc, thịt bò, ngựa đều phải ăn nhạt. Tôi sống trong sự thiếu thốn của người Mèo 5 tháng, đi sâu tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của họ, viết được một số truyện ngắn, trong đó có Vợ chồng A Phủ. Thực ra trong ngôn ngữ Mèo không có chữ Phủ chỉ có chữ Phữ thôi.

Đời sống văn hóa của người Mèo giờ đây vẫn mới lạ và bít ẩn đối với chúng ta. Họ có những truyền thống văn hóa độc đáo. Nhưng trong Vợ chồng A Phủ, thân phận người đàn bà thật không khác gì con trâu con ngựa. Điều đó có thật hay chỉ là một cốt truyện hư cấu của tác giả?

Câu chuyện Vợ chồng A Phủ là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy tôi đi công tác từ Tà Sùa sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Suà tôi gặp một cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng 11 âm lịch, trước tết Nguyên Đán của ta 1 tháng. Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn tết từ bản này sang bản khác. Ăn tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phaỉ đưa vợ chạy trốn đi nơi khác. Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về đời sống người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết.

Nhân vật chính của truyện là cô Mị. Mở đầu truyện, Mị đã xuất hiện như một ấn tượng buồn, khi “quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước”, bao giờ “ cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Cô ấy không phải là con gái Pá Tra , vì con gái Pá Tra không bao giờ biết khổ để buồn. Nhưng chỉ cần một câu trả lời: Cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý Pá Tra, là người ta đã hiểu ra nỗi buồn ấy là đương nhiên. Tại sao vậy?

Nhà văn Tô Hoài:

Trên danh nghĩa Mị là vợ A Sử, là con dâu nhà Pá Tra. Làm dâu nhà giàu ắt phải sung sướng, nhưng đó chỉ lá cái lý do thông thường của người Kinh ta. Với các cô gái Mèo, làm dâu nhà giàu là cả một nỗi kinh hoàng. Mị là con dâu gạt nợ của nhà Pá Tra, món nợ đâu từ thời kiếp nào, từ ngày cha mẹ Mị lấy nhau, ngày Mị chưa chào đời. Mị phải đem thân mình phục dịch, làm trâu ngựa cho nhà Pá Tra vì những việc không do Mị làm, những món nợ không vay bởi Mị. Đó là do những hủ tục của người Mèo, và bọn thống lý đã lợi dụng những hủ tục đó để bóc lột dân chúng. Vậy thân phận Mị, nỗi khổ của Mị không thể là trường hợp cá biệt.

Tình tiết Mị bị bắt mang đi gây nhiều thắc mắc, Mị bị bắt vì bước ra ngoài sau khi “quơ tay lên” gặp “ ngón tay đeo nhẫn” của người yêu. Có một bạn đọc đã từng viết trên báo chí, tại sao sau đó , trong suốt cuộc đời Mị, không bao giờ cô gặp lại người yêu nữa? Anh ta đã biến đi đâu?

Nhà văn Tô Hoài:

Tôi có đọc bài báo đó và tiện đây xin trả lời. Trước hết để hiểu rõ tình tiết này phải hiểu phong tục của người Mèo. Dù sống ở trên cao và con nhiều hủ tục, nhưng trai gái thì được tự do tìm hiểu, yêu đương nhau. Chữ “ ngừơi yêu” là chữ của người Kinh tôi dùng để chỉ một người bạn trai nào đó trong nhóm bạn hay đánh pao với nhau. Mị có thể có tình cảm với anh ta nhưng không phải là mặn mà, không thể nói là hứa hẹn….Vậy nên sau này trong đêm tình mùa xuân, bồi hôì nghe tiếng sáo gọi bạn yêu, thì cũng không phải là Mị nhớ lại người có “ngón tay đeo nhẫn” ngày xưa.

Đau khổ vì bị bắt làm dâu nhà thống lý Pá Tra, có lúc Mị đã không chiụ chấp nhận Mị đã tìm đến cái chết. Nhưng thương cha, Mị “đành ném nắm lá ngón xuống đất” để trở lại nhà Pá Tra. Nhưng rồi từng ngày Mị dường như cũng quen được với khổ nhục, Mị cảm thấy “mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, thậm chí không bằng con trâu con ngựa, vì con trâu con ngựa còn có lúc nghỉ “đứng gải chân, đứng nhai cỏ”, mà Mị thì không. Cách đối xử của nhà Pá Tra khiến Mị ngự trị bởi ý nghĩ ấy. Vậy là hoàn cảnh đã thực sự chôn vùi Mị khiến cô không còn nhớ đến “con người tự do” của mình trước kia…

Nhà văn Tô Hoài:

Không phải là Mị không bao giờ nhớ đến “con người tự do” của mình nữa, mà cái chính là không có một tác nhân nào gợi cho Mị nhớ đến điều đó. Đời sống tủi nhục, mỏi mòn đã huỷ hoại Mị, cô ngày càng bị thu hẹp lại trong cái xó buồn bã, nhẫn nhịn: “mỗi ngày Mị càng không noí, lầm lũi như con rùa nuôi trong xó nhà”. Mị là con rùa, là tù nhân. Ở buồng nơi Mị nằm chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ “lỗ vuông vuông bằng bàn tay”. Trong căn buồng đó , Mị được chốc lát một mình, vậy cô có thể suy nghĩ, có thể nhớ lại quá khứ lắm chứ. Nhưng không. Cái cửa sổ đó quá bé , và lúc naà nhìn ra Mị cũng chỉ có thể thấy “trăng trắng, không biết là sương hay nắng”. Đấy là cái mờ mịt của tâm hồn,của số kiếp Mị. Chỉ có chết đi Mị mới thôi nhìn thấy cái mờ mịt ở nơi cái lỗ vuông kia. Như vậy rõ ràng đời sống tuỉ cực và tăm tối đã lấn át và che giấu đi con người thật của Mị, con người trẻ trung, ham yêu, ham sống ngày trước, đến nỗi Mị cũng không nhận ra. Mị là cô gái có cá tính, nhưng thời gian và khổ hạnh ở nhà Pá Tra đã làm cá tính ấy không phải bị mài mòn mà bị nhấn chìm hẳn. Đó là sự tha hóa, vào thời Mị, là sự tha hóa do xã hội.

Vâng, Mị đã hòan tòan thànnh một cái bóng. Tưởng chừng cái bóng mãi mãi dật dờ, quên hết yêu thương, thù hận. Nhưng không, trong đêm mùa xuân, Mị được hồi sinh. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng vô cùng lộng lẫy. Mị sống lại những âm thanh náo nức, Mị “thiết tha bồi hồi” nghe tiếng sáo gọi bạn tình.

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu

Nhà văn Tô Hoài:

Khi viết đoạn này tôi thích lắm. Tôi muốn nhấn mạnh và mô tả tâm hồn Mị. Cô gái vì nợ của cha mẹ bị bắt về trình ma nhà Pá Tra, bị đày đọa cả thể xác lẫn tâm hồn, giờ đây, trong đêm mùa xuân, nghe tiếng sáo từ xa vọng lại, trong khí trời rạo rực và niềm vui vẻ tràn khắp bản làng, dưới tác động của rượu, Mị thấy lòng thiết tha bồi hồi, được “sống về ngày trước”. Cuộc sống trâu ngựa ở nhà trống lý Pá Tra không còn đáng sợ với Mị nữa. Mị trở lại là thiếu nữa ngày xưa “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo” và “có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo”. Ký ức tưởng như vùi lấp chợt bừng sáng khiến Mị “thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng”. Toàn bộ sức sống , toàn bộ cảm xúc thanh xuân bấy lâu bị vùi lấp trỗi dậy và Mị biết Mị còn trẻ, trẻ lắm.Mị muốn đi chơi. Nhưng tại sao Mị không đi chơi luôn mà lại “từ từ bước vào buồng”? Sự trở lại chậm chạp với cái lỗ vuông “mờ mờ trang trắng” giúp Mị bất ngờ liên hệ được quá khứ với thực tại. Mị hiểu rõ rằng “A Sử và Mị, không có lòng vơí nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Đấy là hiện thực. Chưa bao giờ Mị cảm đến tận cùng nỗi đau đớn và đoạ đày của số phận mình như thế. Mà giờ đó, Mị vẫn phải là vợ A Sử, là con dâu nhà Pá Tra, vậy thì niềm vui nho nhỏ, khát vọng thoáng chốc mang đâỳ “tínnh người” ấy sẽ không thể cứu vớt được Mị khỏi số phận của cô… Mị lại nghĩ đến nắm lá ngón. Nhưng tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lững bay ngoài đường, tiếng sáo mê hoặc, dẫn dụ Mị. Mị không còn biết gì khác nữa. Tinh thần Mị đã thăng hoa đến một cõi khác, thóat hẳn đời sống cô, con người cô, và cô mặc kệ A Sử, không nhìn thấy A Sử…

Cả khi bị A Sử trói đứng vào cột, Mị vẫn “như không biết mình bị trói”, trong đầu vẫn văng vẳng tiếng sáo gọi đến những cuộc chơi…

Nhà văn Tô Hoài:

A Sử trói Mị nhưng chỉ trói được thể xác Mị, khi đó lòng Mị còn nồng nàn hơi rượu, hơi men của kí ức. Tiếng sáo kia quá tha thiết, quá mạnh mẽ, nó dìu hồn Mị bay lên trên hòan cảnh, nó là biểu tượng của niềm khát sống, khát khao yêu, ở đây còn là lòng khao khát tự do nữa. Mị nương theo tiếng sáo, theo những cuộc vui, và bài ca rất đẹp từ ngày xưa quấn quít:

Em không yêu

Quả pao rơi rồi

Em yêu người nào…

Tiếng sáo , lời ca ấy là tiếng thổn thức của tâm hồn Mị. Mị “yêu người nào”, Mị “bắt quả pao nào”…Tiếng thổn thức cứ láy đi láy lại, trong phút chốc Mị quên mất mình bị trói, “Mị vùng bước đi”. Nhưng ngay khi ấy, sự đau đớn thể xác liền kéo Mị ra khỏi cơn mê, nhắc nhở Mị nhớ đúng thân phận đau đớn của mình. Tiếng sáo biến mất. Tình yêu ấy, khát vọng rực rỡ ấy bỗng chốc lại bị vùi lấp, Mị “chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách”, và âm thầm trong vòng dây trói, “ Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

Nhưng dường như Mị còn mơ hồ chờ đợi một điều gì đó. Đêm đã khuya, giờ này là giờ con gái chờ bạn yêu đến phá vách nhà để đi chơi. Có lẽ Mị mong một phép lạ?

Nhà văn Tô Hoài:

Mị không nghĩ đến điều đó. Tâm trạng Mị lúc bấy giờ là “lúc mê, lúc tỉnh”. Suốt đêm “lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ”. Mị chập chờn giữa hiện tại và quá khứ, cho đến khi bàng hoàng tỉnh, ý thức về thân phận trở lại một cách cụ thể. Mị nhớ lại câu chuyện kể về người đàn bà chết trói trong nhà Pá Tra. Người đàn bà ấy là Mị, hay Mị là điển hình của rất nhiều kiếp đàn bà làm dâu nhà giàu. Mị sẽ chết, chết đứng, chết trói như người đàn bà kia. Nghĩ thế Mị sợ quá, và “cựa quậy xem mình còn sống hay chết”. Sự sống chết ở đây khác hẳn sự sống chết ở đoạn trên, nó là cái sống – chết có tính bản năng. Nhưng cả lần này, cái khát vọng sống ở cấp độ bản năng này cũng bị chôn vùi. Cho nên khi người chị dâu đến cởi trói, không phải Mị đỗ xuống, ngã xuống mà là “ngã sụp xuống”. Từ đó Mị trở lại là cô MI6 “cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.

Tóm lại, Mị, nhân vật của tôi, là điển hình của con người bị tước đoạt hết quyền làm con người, bị dìm xuống kiếp ngựa trâu. Nhưng những thóang chốc trỗi lên làm người sẽ là tiền đề cho những phản ứng của Mị về sau, mà bởi nó số phận cô đã thay đổi.

Nhân vật chính thứ hai của tác phẩm là A Phủ. A Phủ được miêu tả như chàng trai Mèo tiêu biểu: “ biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất thạo”; dũng cảm và ngang tàng, từ nhỏ đã không cam chiụ sống ở vùng thấp cùng người Thái, dám đánh A Sử và khi nhà Pá Tra đánh thì “chỉ im như cái tượng đá”. Dù bị bắt trình ma nhà Pá Tra, nhưng A Phủ lại quanh năm “một thân một mìnnh bôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng”. Vậy sao A Phủ không chiụ làm trâu ngựa cho nhà thống lý? Sao A Phủ không trốn đi?

Nhà văn Tô Hoài:

Để giải thích điều này phải hiểu tập tục của người Mèo. Cũng như Mị, A Phủ bị “trình ma” nhà Pá Tra, vậy A Phủ đã hoàn toàn bị lệ thuộc vào nhà Pá Tra. Nếu A Phủ trốn, anh cũng sẽ không tìm được đường sinh sống trong các bản người Mèo. Hơn nữa, dù bị nô lệ, sông do tínnh chất công việc, đời sống của A Phủ có phần phóng khoáng hơn. A Phủ và Mị, dù thân phận giống nhau, song mức độ tủi cực có khác nhau. Vậy hoàn cảnh ấy chưa có một cái gì bức xúc xô đẩy A Phủ trốn đi cả, nếu không có chuyện để mất bò…

Cả Mị và A Phủ đều bị trói. Mị bị A Sử trói khônng cho đi chơi. A Phủ bị Pá Tra trói vì mất bò. Hai tình huống này có tương đồng ở điểm nào không?

Nhà văn Tô Hoài:

Như trên đã nói, Mị và A Phủ, ở trong nhà Pá Tra, giống nhau về thân phận nhưng đồng thời giữa số phận họ cũng có những điểm khác nhau. Song khi A Phủ bị trói vào cọc, thì anh đã đi đến cái điểm nút như Mị vào đêm mùa xuân trước kia: trước mắt là cái chết, cái chết cầm chắc, không thể tránh được. Như Mị, A Phủ không muốn chết, đến đêm anh “cuí xuống, nhay đứt hai vòng mây” nhưng đó chỉ là sự cố gắng vô ích, vì sáng mai ra cổ anh lại thêm thòng lọng, dường càng chặt hơn, càng tàn bạo hơn. A Phủ cũng như Mị, không có khả năng tự cứu mình. phải có một ai đó giúp họ. Nhưng là ai thì họ hoàn toàn không biết.

Người đó là Mị. Nhưng liên tiếp mấy đêm liền, đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp ngồi hơ lửa, nhìn sang “thấy mắt A Phủ trừng trừng”, Mị vẫn thản nhiên, “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Nghĩa là lòng Mị đã hoàn toàn câm lặng, Mị không còn chỗ để nhói thương cho một người khốn khổ giống Mị. Vậy mà vào một đêm như thế, Mị đã cảm động…

Nhà văn Tô Hoài:

Quả vậy. Đời sống trong nhà Pá Tra không có chỗ cho lòng thương và lương tri. Mỏi mòn, tủi nhục, bị chà đạp tận cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, Mị đã thành một con rùa, một con trâu, con ngựa. Lòng Mị đã chai lì, cô cảm. Từ lâu, từ sau đêm mùa xuân kia, ngay chính bản thân mình Mị cũng không xót thương nữa, huống chi với người khác, vì nếu có tự xót thương, hẳn Mị đã thâm một lần nghĩ đến nắm lá ngón. Mị đã bị đè bẹp trong ý nghĩ mình là trâu, là ngựa nhà Pá Tra, đến nỗi không còn thấy dành vặt, khổ sở. Mị mặc nhiên tồn tại, một cách chai lì, xơ cứng trong tủi nhục, buồn bã, như gương mặt “buồn rười rượi” là định mệnh vậy. Cho nên, trong những đêm dài dậy hơ lửa, nhìn thấy A Phủ, lòng Mị vẫn dửng dưng, lạnh lùng. Mị không cần ai, không cần gì, Mị “chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa”.

Vậy tại sao Mị lại cứu A Phủ?

Nhà văn Tô Hoài:

Tôi muốn nói đến phần vô thức trong mỗi con người, Mị đã lạnh lùng vô cảm với người khác, cụ thể ở đây là với A Phủ. Nhưng dường như trong sâu thẳm, trong vô thức Mị, điều này chính Mị cũng không thể hiểu được, vẫn mong manh một ước vọng, cái ước vọng được chút hơi ấm sưởi nóng cuộc đời lạnh lẽo của mình. Hằng đêm Mị trở dậy hơ lửa là vì thế. Ngọn lửa là hình ảnh có tính chất tượng trưng, nó ở trong sự vô vọng của cuộc đời Mị, dù rất mơ hồ nhưng nó níu kéo không để sự vô vọng lùa đi đến tuyệt cùng.

Mị đã không xúc động trước tìnhn cảnh của A Phủ. Nhưng vào một đêm… Mị hé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ vừa mở, “một dòng nước lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Bấy giờ, sau mấy ngày bị trói, nhịn đói, nhịn khát, và thương tâm nhất là sự dửng dưng của đồng loại, A Phủ đã đứng bên lề cái chết, đã hoàn toàn tuyệt vọng. A Phủ đứng dưới trời lạnh lẽo, trong đêm thẳm sâu, bên kia là một người đàn bà và bếp lửa. Tôi không miêu tả tâm trạng A Phủ vào thời khắc đó, nhưng bạn đọc có thể hình dung, A Phủ cô độc và yếu đuối dường nào. Không còn là chàng A Phủ nhanh nhẹn và dũng cảm như trước, bây giờ A Phủ sắp chết… Và chính dòng nước mắt “lấp lánh” kia đã chạm được vào đáy sâu chút tình người bị chôn vùi nơi Mị, nó làm Mị nhớ lại nỗi tuyệt vọng của mình ngày nàng bị A Sử trói “nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biêế lau đi được”. Kí ức nhắc Mị nhớ đến thân phận mình. Cùng với nó, lần này là sự trỗi dậy ý thức về kẻ thù. Lần đầu tiên Mị hiểu một cách cặn kẽ “chúng nó thật độc ác”. Mị đã xót thương, xót thương mình và xót thương người.

Con người trong Mị lại hồi sinh. Mị cắt dây trói cho A Phủ. Nhưng khi hành động như thế trong Mị chưa xuất hiện ý định chạy trốn cùng A Phủ. Vâỵ phải chăng Mị giải thoát cho A Phủ một cách vô thức…

Nhà văn Tô Hoài:

Ở đây phải chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Không phải Mị hành động một cách vô thức, trái lại, Mị hiểu rất rõ việc mình làm. Khi bếp lửa tắt, Mị không thổi lửa, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình rồi Mị tưởng tượng ra cảnh A Phủ trốn đi, Mị đứng thay vào chỗ đó, Mị sẽ chết ở chỗ đó. Trong đầu Mị không phải là hình ảnh A Phủ mà là hình ảnh của chính Mị. Cắt dây trói cho A Phủ là Mị giải thoát ( hay là mong giải thoát) cho chính tâm hồn mình. Khi cắt dây trói xong Mị mới hốt hoảng. Ấy là lúc cuộc sống thực tại ập đến. Mị thì thào “Đi ngay…” Đó là mệnh lệnh đối với A Phủ đồng thời là một lời kiên quyết đối với tâm hồn mình.

Tức là nguyên do dẫn đến hành động chạy trốn của Mị là nỗi sợ hãi?

Nhà văn Tô Hoài:

Lúc đó nếu suy nghĩ kĩ Mị sẽ sợ nhiều thứ: chạy trốn, cuộc sống Mị sẽ ra sao, con “ma” nhà Pá Tra có buông tha Mị.v..v… Nhưng cận kề nhất là cái chết, chắc chắn là chết, nếu Mị ở lại. Đồng thời cái hình ảnh của A Phủ “quật sức vùng lên” tác động mạnh vào Mị. Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi cũng vụt chạy ra. “Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”. Nghĩa là phía trước mọi cái vẫn tối tăm và bất định lắm, nhưng đó là sự bất định chưa rõ, còn cụ thể ngay giờ đây là cái chết. Trong tình huống đó, cả A Phủ và Mị không thể có con đường nào khác là chạy đi. Và từ đó cuộc sống của người này liên quan đến người kia. Mị đuổi kịp A Phủ, nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt “ Cho tôi đi với; ở đây thì chết mất”. Và A Phủ hiểu, người đàn bà này vừa cứu sống mình. A Phủ đỡ Mị, nói “Đi với tôi”. Không thể khác, từ đây, số phận hai người sẽ phải gắn chặt với nhau.

Thưa ông, sách văn học lớp 12 chỉ trích giảng phần đầu truyện Vợ chồng A Phủ. Ông nghĩ gì về điều này? Nếu tác phẩm dừng ở đây thì đã đủ lột tả hết tính cách của các nhân vật Mị và A Phủ? Người đọc có lĩnh hội được ý tưởng của truyện?

Nhà văn Tô Hoài:

Tôi tự thấy phần đầu truyện là phần rất hay, ở đó nhân vật có nhiều biến cố , cả về cuộc đời lẫn tâm lý. Các nhân vật được soi rọi ở nhiều khía cạnh, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ý thức về cá nhân vươn lên mạnh mẽ. Còn phần sau, chuyện hai vợ chồng A Phủ về khu du kích, họ chỉ có một mục đích là đánh Pháp. Cuộc sống của họ hạnh phúc nhưng giản đơn hơn.

Tôi xem vài bài giảng về tác phẩm này, nhưng có lẽ các thầy giáo đã quá chăn chú đến nội dung tố cáo xã hội và giải phóng phụ nữ. Theo tôi giảng tác phẩm này là phải chú trọng đặc biệt đến nhân vật Mị, số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá. Hơn nữa tôi phải nói thật, dù có hiểu văn hóa dân tộc Mèo đến mấy, tôi cũng chỉ là người dân tộc khác viết về người Mèo, cho nên tôi không có tham vọng đi sâu vào văn hóa Mèo. Ý tưởng của tôi ở đây là khả năng hồi sinh nơi con người, mà để làm điều đó, nhiều khi con người cần phải được trợ lực, được giúp đỡ bởi ai đó…

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: