●
Lão Nghi là lý trưởng bên làng Mơ, thời còn là trai trẻ nổi tiếng ăn chơi trác táng, chả có cái phường phong lưu nào mà chưa in dấu chân của cậu. Ông bà già lắc đầu ngán ngẩm, cả cái niềm vui kiếm vợ cho thằng cả cũng không còn, suốt ngày quỳ trước bàn thờ tổ tiên mong thằng nghịch tử kia sớm quay đầu là bờ.
Mấy cụ ở dưới chắc bị tụng đến đau đầu, thổi cơn gió độc nào tới làm cậu trúng gió, đem về cho ông bà một cô vợ và cái bầu tròn vo. Sau khi ăn một ấm trà kèm theo dăm ba cái gậy của ông già, cậu cả sửa soạn hết của cải vốn liếng, đem kiệu đem võng rước nàng về dinh.
Mới dăm ba năm hoa đã kết trái ba lần, Phong Tín nhìn thằng cu kháu khỉnh nằm yên trong nôi, rồi nhìn cái mặt phơn phởn của ông bạn chí cốt, sống gần mười bảy cái xuân xanh cậu ba Tín cũng biết chữ ganh tị viết như thế nào.
Người ta ăn chơi trác táng mà con cái đề huề, còn đây suốt ngày lăn ruộng lội mương thì chẳng ai ngó tới.
Hắn ẵm cu cậu lên, nghịch cái má mềm mềm hồng hào muốn cắn cho một cái, cu cậu sắp ngủ bị nắn nắn bóp bóp bực quá ré lên một tiếng làm khách khứa ai cũng hoảng hồn. Mợ cả vừa định ôm con về dỗ lại thì cu cậu nín hẳn, còn đưa tay nắm lá bùa hắn đang đeo trên cổ. Đi đầy tháng con thằng Nghi ba lần, đây là lần hắn ãm con của thằng bạn yên bình nhất. Thấy vậy, hắn tháo luôn lá bùa của mình, xếp gọn sợi dây đeo lại rồi cất gọn vào trong lòng của thằng bé.
"Cho bác lấy vía để năm sau cháu có em trai chơi cùng nhá?"
Hắn nói nghe rõ là thành tâm, thiếu nước ba quỳ chín lạy, mà quên mất cu cậu có hiểu cái quái gì đâu, hậu quả cậu ba Tín ế thêm bảy năm nữa.
Phong Tín nhìn cái cục bột trắng đang ngẩng đầu nhìn mình, cái áo u may cho không biết té ở chỗ nào mà dính toàn sình lầy, mu bàn tay còn bị xước chảy máu. Con mắt ầng ậng nước, hắn đoán thằng bé đau lắm rồi, nhưng cái tính sĩ diện y như ông già nhà nó, thà ở đây trừng mắt với hắn chứ nhất quyết không chịu để hắn ôm về nhà.
"Có biết thầy với u của cháu tìm cháu vất vả lắm không? Lại đây bác xem cái nào."
Hắn chìa tay ra, tự cho mặt mình hiền lành lắm đó chứ, không trách cậu ba Tín được, ế hai chục năm rồi, suốt ngày toàn chăn trâu đực chứ có biết chăm hoa đâu, nhất là hoa vừa đẹp vừa xù xì gai như thằng con út nhà lão Nghi này. Cũng may thằng bé ít khóc, chứ mỗi lần khóc, là ruột gan hắn như băm vằm ra tới nơi vậy. Máu trong người chảy bao nhiêu cũng chẳng đủ.
"Tổ sư, đó giờ bác có đánh cháu đâu? Thiệt hết nói nổi mà."
Lớn cõng nhỏ trên lưng, đi qua một cái ao sen lại quen tay hái trộm mấy gương ăn cho đỡ buồn miệng. Hắn lải nhải một hồi, nào là con nít không được đi chơi xa, không được quậy phá láng giềng kẻo thầy u bị mang tiếng, nếu bị đứa nào ăn hiếp cứ đấm nó trước đã, đấm không lại thì chạy về mách với ông đây. Ông đây dù sao cũng ở có một mình, không lẽ có mỗi thằng cháu là mày cũng trông không nổi?
Nội dung giáo dục càng nghe càng lệch hướng, Phong Tín nói khô cả cổ mà thằng nhóc ngồi trên lưng không ư hử miếng nào. Giận, định trong bụng là ông đây không hầu ai nữa, thả xuống cho bây đi bộ chơi thì tiếng nói thỏ thẻ như gần bên tai suýt làm cậu ba chết đứng. Chợt nhận ra ở trên đời này vẫn còn có người làm hắn không biết cách nào thương cho phải.
"Chị cả và anh hai chẳng chịu chơi với cháu, cháu chạy qua nhà bác thì thằng hầu nói bác đi tỉnh chưa về. Cháu định chạy ra đầu làng đợi mà thôi."
Cháu chẳng phá ai hết, mà lỡ có phá, cũng có thầy u bây, cả ông đây dọn dẹp dùm bây rồi. Bây sợ cái chi mà ngoan như vậy? Hả?
Thằng già mà mất nết Phong Tín tha thiết thằng con út nhà lão Nghi quậy trên quậy dưới như lão hồi đó, chọc chó bắt gà hái sen trộm ổi, ba mươi sáu nghề không sài nhưng vẫn biết. Rồi hắn đi đủng đỉnh đằng sau, mặt thì giả vờ xin lỗi nhưng trong lòng khoái gần chết, hắn chả biết mình ở đâu ra lắm mấy ý nghĩ tào lao hại người ấy. Cuối cùng quy về tại mình ế nhiều năm quá rồi, đâm ra thèm có thằng con, ngoan như Mộ Tình, đẹp như Mộ Tình, gọi dạ bảo vâng, tốt hơn hết là đứa nào có thể làm hắn dốc hết gan ruột ra mà đối đãi như vậy.
Mộ Tình trên lưng hắn nhúc nhích một lát, muốn hắn thả xuống cuốc bộ về nhà, Phong Tín ôm chặt cứng, nói không là không. Hết cách, Mộ Tình phụng phịu lấy ba gói kẹo mật mình giấu chị cả anh hai, chìa ra trước mặt hắn.
"Cõng mệt."
Phong Tín không biết, bản thân mình bởi vì ba cái kẹo kia, đã không xong rồi.
Mãi trông thằng con "hờ", Phong Tín chẳng rảnh lên chùa cầu duyên, cậu ba cứ thế từ trai trẻ biến thành trai già, ế thêm bảy năm nữa. Được cái cậu ba đẹp trai, lên đồng lội mương miết lên vóc người cũng ngon cơm lắm. Năm ngoái trên đình có cô gái kia đánh rơi mất chiếc khăn tay, tìm bà mối hỏi dùm cậu ba có vô tình nhặt được hay không. Phong Tín hơn ba mươi năm không đụng góc váy đàn bà, uống chưa hết chén trà đã đưa tiền nhờ bà mối mua dùm cô chiếc khăn tay khác.
Lúc kể cho thằng bạn già giờ đã sắp có thêm thằng con rể còn bị lão cười vào mặt, Mộ Tình ở gần đó, tự dưng cái mặt già hôm nay mỏng lạ thường, đĩa mứt bị hắn chén gần hết, lúc sắp ra về thì thằng bé kia còn xách cá giỏ theo sau, bảo là đi qua nhà thầy Chinh bốc thuốc cho u.
Phong Tín lấy cái nón qua đội cho Mộ Tình, mình để đầu trần băng băng đi trên đường.
"Mai thằng Huyên nó về, kêu nó tự chạy đi lấy thuốc cho u cháu. Nhà ba đứa con mà cứ đè đầu thằng út mà hành, thằng kia nuôi con kiểu gì không biết."
"Không được gọi thầy cháu là thằng.", Mộ Tình trợn mắt vặn ngược lại hắn, Phong Tín bị cậu hậm hực cũng hậm hực theo luôn, "Với lại cháu rảnh."
"Rảnh cái tổ sư, nhắc tới lại tức, nhà bây có tiền có bạc, bây còn sáng dạ như vậy sao không ăn học cho đến nơi đến chốn? Còn mấy năm nữa đâu là kinh thành mở kì thi rồi, lên trên đó làm quan chả sướng cái thân?"
Có câu con làm quan cả họ được nhờ, nhà nội của Mộ Tình còn là dòng dõi thư hương, tuy đến lão Nghi có sứt mẻ một chút nhưng bù lại được thằng con út này. Phong Tín mấy tháng trước còn tính chờ khi cậu áo gấm về làng, hắn sẽ bán hết của cải nhà mình dọn lên kinh trông chừng cậu luôn. Đỡ phải kẻ trời Nam người đất Bắc.
"Nhà cháu có đủ tiếng xấu rồi, không muốn bị bôi đen nữa."
"Cái gì? Đứa nào lại ăn nói bậy bạ rồi để mày nghe phải không? Nói với bác, bác đập nó một trận!"
"Bác đừng có hở cái là đòi đánh đòi đập, mất hết mặt mũi con nhà Nho."
Phong Tín định cãi bác có học hành đàng hoàng bao giờ đâu mà sợ mất mặt, nhưng thấy mình ấu trĩ trước ánh mắt trách cứ của thằng nhóc kém mình tận mười bảy tuổi quá nên ngậm miệng lại luôn. Ôi khổ cái thân, tuổi lớn hơn, vai vế cũng lớn hơn, thế mà toàn để người ta bắt bẻ.
Lúc ra khỏi tiệm thuốc còn được tặng gói gừng khô, Mộ Tình nói trời trở lạnh, bảo hắn chịu khó đun với nước sôi rồi uống, kẻo bệnh lại phiền thêm.
Trước khi về nhà, Mộ Tình còn cố ý ngắt cái gương sen, bẻ từng hạt sen non ra, lột vỏ đưa cho hắn. Đứa nhỏ này, nhìn thì lúc nào cũng cứng đầu cãi lại hắn, nhưng so với tất cả những người hắn từng quen biết, Mộ Tình là người lo cho hắn nhiều nhất.
"Lòng không yên, đi không được. Sau này bác đừng lôi chuyện này ra mắng cháu nữa."
Phong Tín lặng người nhìn Mộ Tình, sen non trong miệng cũng trở nên đắng chát.
Đồ quỷ con, người lớn có tí teo mà cái gì cũng ôm đồm vào người. Trong khi gã đàn ông sức dài vai rộng như hắn đây cả ngày chỉ giỏi trồng cây cuốc đất, cả một người vợ nâng khăn sửa túi kiếm cũng không được. Bây nói như vậy, cậu ba còn biết làm sao đây?
Thương em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc tôi ngồi tôi ru
Mà nay, thằng nhóc hắn nâng trong tay sắp chạy đi rồi.
Cậu ba mười mấy năm nay nuôi con bạn như "con mình" tự dưng cũng bị trúng gió, thế này là hỏng, mình dù gì cũng hơn người ta đâu chỉ một con giáp, vả lại cũng ế sưng ế sỉa mấy chục năm thì cái bã nào né không được? Nhưng khổ nỗi, kẻ đưa tình, người gán nợ, tình trong như đã mặt ngoài còn e, hắn không ưng người ta, thì có quỷ mới thả bã nổi hắn.
Đêm đó, cậu ba đẹp trai ôm gối, nửa đêm ngẩn ngơ, nửa đêm cười, cười đến chảy cả nước mắt.
Lại qua một mùa sen nở, và mùa hoa đẹp nhất trong đời của cậu ba cũng nở rồi. Tuy mùa nở chậm, nhưng đủ dịu dàng, đủ khiến hắn càng thêm luyến lưu cái mảnh đất nơi ông cha ta chôn nhau cắt rốn. Để sau này thân xác có hoá thành cát bụi rồi bay đi, thì hồn mình vẫn nhớ về quê cũ.
Mộ Tình trong lòng Phong Tín, là hoa, là đất, là dòng sông quê yên ả chảy qua cánh đồng thẳng cánh cò bay. Là tất cả mến thương hắn gom góp trong ba mươi năm cuộc đời của mình, tình se thành từng sợi tơ mỏng, bện thành tấm duyên dày kết chặt đôi lứa.
Phong Tín thắp ba nén nhang, nhìn lên bàn thờ, vái ba cái, sau đó dập đầu, tạ tội với thầy u. Biết mình có tội, nhưng chẳng nhận lỗi. Thôi thì sau này con nhận con của cái Hoa thằng Huyên để giữ gìn hương khói, thầy u cũng được nghe tiếng ông bà, nước phù sa có bao giờ chảy ruộng ngoài, quanh đi quẩn lại cũng là người nhà của nhau thôi mà. Thầy u nhỉ?
Cậu ba tự an ủi cho cái tội bất hiếu của mình, rồi tất bật chỉnh trang bản thân chút ít. Tự mình bỏ tiền mua một ít đồ bổ và thuốc lào gởi sang nhà ông bạn, hắn tính thử mớ thóc gạo còn lại trong nhà, tiền thuế ruộng cuối năm, hai tiệm vải và tiệm chè trên tỉnh. Rồi so với mớ gia tài đồ sộ nhà lão Nghi, à, cái này khỏi cần tính kĩ, giờ Phong Tín làm đến chết đi sống lại thêm mười năm nữa mới dám nghĩ đến chuyện ngang hàng với người ta.
Lúc đó áng chừng con của ai kia biết nói biết đi luôn rồi.
Khốn nạn hơn nữa, thằng bạn vì muốn nịnh vợ, cứ đưa hết mối này đến mối khác cho Mộ Tình xem mắt. Phong Tín một bên xử lý nhà xưởng bỏ hoang hai năm, muốn thêm vốn vào mở thêm một xưởng dệt. Một bên căng con mắt không cho con ong nào vo ve bên đoá hoa nhà mình. Khổ hơn chuyện bị thầy u chong đèn giảng bài mỗi đêm.
Làm chuyện xấu nhiều lần riết quen, cậu ba Tín còn không biết xấu hổ chạy thẳng đến chỗ người ta tìm cách phá hoại. Nhưng cũng làm rất khéo, bản thân mình bị mang tiếng già còn mất nết, cũng không để cục vàng mình trông từ bé bị người ta nói ra nói vào.
Cậu ba khi yêu vào tính y như trẻ lên ba, không biết việc mình làm bị ai đó hiểu nhầm. Mộ Tình rầu rĩ cả ngày, ăn cơm chẳng vào, cứ ngồi canh chừng ấm thuốc cho u là thơ thẩn. Mấy tháng sau, Mộ Tình không đi xem mắt một ai nữa cả.
Phong Tín nghe tin, mừng rớt nước mắt, có trời mới biết, nếu em dám đi gặp cô nàng nào nữa thôi, hắn không chắc mình có điên lên mà chạy qua nhà thằng bạn ngửa bài với nó, dù táng gia bại sản cũng phải bắt em cột về bên mình.
Vui quá hoá rồ hoá dại, cậu ba liều mạng chạy qua tỉnh này tỉnh kia kiếm mối làm ăn, lúc về mặt mày ngơ như mấy thằng hút thuốc phiện. Chẳng biết trời trăng mây gió gì hết.
Đi được nửa đường, hắn thấy cục vàng nhà mình đứng nói chuyện với con gái út ông bá hộ. Làm ba hồn bảy vía của hắn bay tận lên đọt ổi, thằng Tý í a í ới cái gì hắn cũng không còn quan tâm nữa.
Mộ Tình đứng quay lưng, nắng mùa hạ chói chang làm hắn không nhìn rõ vẻ mặt người kia. Nhưng cái kiểu cười e thẹn của nàng sao qua được đôi mắt của cậu ba? Hắn có đui cũng phải thấy mờ mờ, cái cô này trước giờ không nằm trong danh sách đi xem mắt của Mộ Tình.
Là lão Nghi chứng nào tật nấy, hay là người ta bám riết không buông, hay là...do người ấy muốn vậy?
Đợt đó đi buôn về, cậu ba Tín sốt vật ra, thầy lang tới khám bị cậu đuổi đi hết. Thằng bạn trước giờ trong mắt chỉ có vợ nay trỗi dậy lương tâm, xách hai cân rượu qua nhà hắn thăm bệnh.
Ờ, là đem rượu ấy, qua đến đây còn mặt dày bảo hắn làm mồi. Coi có khốn nạn không?
Phong Tín rầu muốn chết, nhưng cái mạng quèn này còn để sài, mai này chăm sóc người ta...dù người ta không cần. Hắn chỉ ăn lạc rang, để thằng bạn mình tự chén. Đó giờ biết lão mồm mép, nhưng sao hôm nay lão nói nhiều thế không biết?
Đặc biệt, sao cứ thích lôi chuyện cưới xin của Mộ Tình vào mà bàn? Ông đây cóc cho cưới ai hết!
"Tao thấy...thằng con nhà tao sao sao.", lão Nghi nằm vật ra trên phản, miệng lèm bèm, say quắc rồi.
"Sao là sao? Mày mới nói thằng bé ngoan nhất nhà."
"Ờ thì ngoan, nhưng nó là lạ."
"Một năm đổ lại đây nó cứ theo tao với thằng Huyên học buôn miết, có đêm chong đèn tập tính sổ sách, bảo là muốn tự mình lập nghiệp."
"Đáng lý tao phải mừng đúng không? Ừ thì ông đây vui gần chết, nhưng tao cứ có cảm giác, nó đang chuẩn bị làm ra chuyện gì động trời lắm."
Phong Tín nhai nát hạt lạc cuối cùng, nheo mắt nhìn thằng bạn, lão thì đang ngẩng mặt lên trần nhà đếm ngói.
Lão Nghi cả đời chẳng làm được việc gì nên trò nên trống, cưới được vợ về thì suốt ngày sầu lo chuyện vợ sẽ bỏ mình, mấy năm qua oằn mình gồng gánh dữ lắm. Đâu còn cái vẻ phong trần của cậu cả hồi nào.
Điên lên thì cũng đáng sợ lắm. Phong Tín biết lão thương thằng út thế nào mà.
Nhưng Phong Tín cũng thương Mộ Tình, thương không thua gì lão hết.
"Thôi lỡ có giận quá đừng đánh gì nghen, để tôi đón về nhà, tôi nuôi!"
Hắn đá lên bắp chân thằng bạn, lão chẳng ừ hử gì, lăn ra ngủ mất rồi.
"Nuôi hết nửa đời này, kiếp sau vẫn nuôi nữa."
Hắn thì thầm những lời ngỡ như chỉ mình nghe thấy.
Hắn nhìn người nọ khệ nệ đỡ thằng bạn của mình lên, ra tới cổng thì đứng sững lại. Phong Tín đứng dưới bậc thềm, nhìn vai áo người no ướt đẫm sương đêm. Mấy tháng không gặp mà người nọ cao quá, gần như cao bằng hắn rồi.
"Này cậu út!", Mộ Tình sững sờ nhìn Phong Tín, hắn thấy nét bối rối hiện lên trên gương mặt tưởng chừng như dửng dưng, hắn yêu cái bộ dạng đó vô cùng, nhưng hắn vẫn sẵn giọng, "Bộ định đi lấy vợ thật à?"
Mộ Tình bặm môi, cau mày, nhưng cũng không trả lời hắn.
Sương rơi xuống càng dày, nhưng Phong Tín cứ đứng mãi đó, giống như Mộ Tình không đi, hắn cũng sẽ chẳng rời.
"Bác vào nhà đi, bệnh còn chưa hết, ở đây một lúc là nằm vật ra luôn đó."
"Bây giờ hỏi cũng không chịu trả lời luôn?", hắn lái sang chuyện hồi nãy, Mộ Tình giận thật, xốc ông cụ nhà mình lên, một bước đi thẳng. Phong Tín ở phía sau cũng không chịu im miệng, "Ờ thì ai muốn lấy thì lấy đi. Đây không thèm."
Mộ Tình mím môi, cái mặt trắng bệch vì nhịn cười mà hơi ửng đỏ. Người gì đâu mà khờ quá chừng, cậu út muốn lấy, lại phải dùng dằng chạy trốn hết lần này tới lần khác hay sao? Cái người này hồi nhỏ Mộ Tình trốn đâu cũng tìm ra được, sao mà không tìm ra lối vào tim cậu vốn chẳng nỡ đóng lại từ ngày người đó vì cậu mà đi tính sổ với đám nít ranh trong họ hàng, ôm cậu rồi vỗ về trong vòng tay vừa rộng lớn vừa ấm áp xiết bao. Trao cho cậu nhiều thế rồi, sao còn đành lòng nghĩ cậu sẽ vứt sạch duyên nợ mà lái đò qua bên kia sông chứ?
Mộ Tình thờ ơ, nhưng không phải kẻ bạc tình. Cậu út tính sẵn đường lùi cho mình rồi, tính đến đường xấu nhất là người ấy chỉ thương cậu như con cháu trong nhà. Nhưng biết làm sao được, lỡ thương người ta nhiều đến thế rồi, buông không đặng, quên cũng chẳng đành, một đời dài như thế, còn không đủ để cậu thương người ta kia kìa, lấy đâu ra oán với chả hận.
Mà tính tới tính lui, cũng không tính ra được, người ta cũng thương cậu, nhiều như thế.
Lão Nghi chỉ tay vào người đang quỳ trước bàn thờ nhà mình, tách cũng ném rồi, roi cũng vung rồi, mắng được cái gì lão cũng mắng rồi, mà thằng bạn của lão giống như không nghe thấy. Thi thoảng lại nhìn vào gian trong, vừa hay thằng con út của lão đang năn nỉ anh hai của nó. Cơn giận lão định dằn xuống lại ương bướng trồi lên, lão cầm cái tách lên, ai dè bị vợ mình cản lại.
"Mình nhìn người ta kìa, mình muốn đánh chết bác ấy à?"
Bà lý rơm rớm nước mắt, bà vừa ốm dậy, người xanh xao thấy tội. Lão Nghi thương vợ mà, bà nói một câu ông đã không nỡ lớn tiếng. Nhưng hôm nay thì khác, ông dằn mạnh chiếc tách lên bàn, kêu người ở dẫn bà đi nghỉ ngơi trước. Bà lý thở dài, ráng dỗ chồng mình thêm mấy câu, dặn người ở nhớ lấy khăn ấm cho Phong Tín lau mặt. Giận thì giận, nhưng nói đi cũng phải nói lại, bà còn nợ hắn nhiều lắm.
Mộ Tình bị thằng hai giữ ở trong phòng, hồi nãy bị thầy vọt cho hai roi làm bà xót dạ lắm. Vừa xót con vừa thấy sợ, nó không nói một câu, nhưng ai hiểu con hơn cha mẹ, bà nhìn nó một lát, nhớ lại cái hồi nó còn là cục thịt bà bồng bà bế trên tay. Lúc sinh ra cứ ngỡ mẹ con xa lìa, may ông trời thương xót, thấy bà khổ đủ rồi, cho bà thêm chút hơi tàn, lượn đủ một vòng nơi âm phủ rồi trở về dương gian. Mà cũng từ đó, con bà cứ bị làng trên xóm dưới chê cười, mang bầu lúc chồng đi buôn xa, đàn bà ở nhà một mình kiểu gì cũng mang điều tiếng. Bà thấy nhục nhã quá, càng thấy có lỗi với chồng, có lỗi với con.
Bà biết Tín thương con trai bà lắm, nhưng bà không nghĩ tình thương của hắn có một ngày làm vợ chồng bà khổ sợ như vậy.
Nhưng mà, bà sao đành lòng để thằng út khổ đây?
"Tình này", bà nắm lấy bàn tay gầy gầy của con trai, thằng Huyên ở đằng sau nhe nanh múa vuốt, ra là sợ thằng út cứng đầu làm u buồn đây mà, "Tình cũng lớn rồi nhỉ?"
"Đó giờ có giận u không?"
Cậu lắc đầu.
Bà thở ra, sau đó khẽ cười.
.
Khuya, Phong Tín bị đuổi ra khỏi nhà, hắn quỳ ngoài sân, vai áo bị sương làm ướt non nửa. Trán còn chảy máu, mặt tái xanh, trông như sắp gặp ông bà ông vải.
Lão Nghi không cho đứa nào lén phén lại gần hắn, khóa hết cửa lớn cửa bé trong nhà, mặc người bị thương phơi thây giữa đêm lạnh. Quậy hết một buổi chiều, hắn đã mệt rã rời. Nhưng trong lòng còn có mối bận tâm khác, làm hắn không dám ngả người nằm vật ra đâu đó cho khỏe.
Hồi chiều sao mà gan thế, dám chắn trước hắn, ăn hai roi có mà rách hết da. Phong Tín thở hắn ra, rất muốn phá cửa vào nhà cầm tay người ta ngó xem thế nào, muốn hỏi người ta có còn đau không, có giận hắn hay không.
Giận rồi, có còn thương hắn nữa hay không.
Giữa lúc đang tự mình làm khổ mình, một bàn tay áp lên má hắn, chẳng có ấm gì cho cam, nhưng bàn tay ấy mang mùi đăng đắng của thuốc, và hương thơm dịu ngọt của ấm chè sen. Phong Tín giương đôi mắt mỏi mệt nhìn người đang quỳ gối trước mình, em không khóc, nhưng mắt đỏ hoe. Em không khóc, nhưng hắn đã thấy xót lắm rồi.
"Bác ngồi dậy đi, thầy cháu ngủ rồi.", giọng em nghẹn ngào, mãi mới nói xong một câu. Muốn đỡ hắn lên, nhưng hai cánh tay và lưng hắn toàn là vết thương, có chỗ còn rướm máu. Nhúc nhích một chút là đau đến xé ruột xé gan. Mộ Tình quay mặt đi, Phong Tín biết tính người ta nên cười giã lã lấy lòng, nói mình không đau đâu.
"Thầy cậu tính tình sáng nắng chiều mưa tôi còn chưa biết sao.", hắn nhéo mũi em, trong mắt lấp lánh ánh sáng của những đốm sao rơi, "Chút chuyện này còn gánh không được, sao dám đưa đằng ấy về nhà đây."
Hắn xoa nhẹ đuôi mắt ướt của Mộ Tình, hôn lên gò má của em, nói khẽ bên tai em là: "Đừng có sợ, cùng lắm tôi đưa đằng ấy đi trốn."
Ngắm bình minh hôn lên đóa sen hồng, ngắm hoàng hôn trải dài trên ruộng lúa, ngắm đàn cò trắng bay nhởn nhơ, ngắm lũ trẻ nô đùa trốn mẹ. Dọc theo dòng sông quê mình, đến khi mái chèo mỏi mệt, ta dựng tạm mái nhà trên bến sông, nhấp một ngụm trà, chớp mắt là hết một đời.
Tôi cũng sẽ như thầy của em vậy, suốt đời chỉ thương một người mà thôi.
Thế là, cậu út tính nết ương bướng nhà hắn lại bụm mặt khóc, nước mắt xuôi theo kẽ ngón tay của em. Lúc nhỏ cứ than trời trách đất hoá ra cái kiếp hèn mọn như em, bao năm dằn vặt vì thứ tình cảm mới nghe qua đã thấy nực cười và nhục nhã. Được bên hắn thôi đã quá xa vời, sao dám tham lam sẽ là người duy nhất?
Mộ Tình không có tham, vì Phong Tín đã là lòng tham không đáy của em rồi.
Hóa ra, được người ta đặt trong lòng thương yêu chiều chuộng chính là như vậy.
Nhưng kế hoạch bỏ trốn của Phong Tín và Mộ Tình thất bại.
Rạng sáng, lão Nghi mang hai con mắt đen thui ra sân lôi hắn dạy, còn không quên mắng thằng út vài câu cho hả giận. Lão rất là nghi ngờ, có phải hồi nhỏ lão dắt Phong Tín qua chơi, hắn đã bỏ bùa con mình hay không.
"Cầm theo cái bát mẻ là đi ăn xin được rồi.", lão cười khinh, "Vậy mà đòi chăm sóc thằng út nhà tao."
Mộ Tình lén chắn trước mặt hai người, ai dè bị thầy bắt bài, em xoắn góc áo nhăn nhúm vào nhau, Phong Tín chụm tay lại giả vờ ho một chút, muốn nựng cái má ghê.
"Muốn bắt nó về nhà......còn phải xem cậu Tín nói được làm được hay không đã."
.
Mười sáu tháng Giêng, đầu làng vang lên tiếng pháo nổ.
Không biết nhà ai cưới gả, chỉ thấy bầu trời hôm ấy, xanh trong vô cùng.
Vạt áo đỏ nhuộm cả mảng trời xanh. Người nọ ngẩng đậu, nắng xuyên qua kẽ lá chạm vào đuôi mắt. Chim đậu trên cành cao kêu ríu rít, chim kêu nghe sao lạ lùng, nghe như đang rôm rả. Chúng bảo nhau rằng.
Có anh chàng nọ
Tương tư lâu rồi
Mà không dám nói
Để mình đơn côi.
Đêm đông gió lạnh
Chàng nhớ đến ai
Mà hồng đôi má
Ướt luôn mi này.
Hạ về sen nở
Tình chẳng chịu tàn
Thu đi lá rụng
Tình mãi còn đây.
Phong Tín và Mộ Tình dập đầu ba cái với thầy u, riêng Phong Tín còn phải vái lạy ông cụ của lão Nghi ba lạy. Thuở nhỏ lười học bị thầy cầm cán chổi đuổi đánh, luôn là ông mở cửa kéo hắn vào nhà, nào sen nào mứt, thương hắn như con ruột.
Hắn không thể gọi một tiếng thầy, nhưng ba cái lạy này, không thể không làm. Hôm nay làm chuyện đại nghịch, cũng mong ông sau này xuống dưới nhớ bênh hắn vài câu, đừng để hắn bị thầy đập cho bẽ mặt.
"Năm xưa được lão Nghi cưới về, vợ chồng tôi cũng lạy bác nhỉ?", bà lý cầm tay hắn và Mộ Tình, nhớ về một thời xa xôi nào ấy, đôi mắt đỏ lên, nhưng dặn lòng hôm nay là ngày vui, không nên khóc, "Lúc ấy nghĩ cả đời này, ngoài chồng mình ra, tôi nợ bác nhiều nhất. Không có bác, tôi không thể ngẩng cao đầu làm vợ lão Nghi được."
Người sống trên đời, đều là mang nợ.
Bà chẳng biết mình làm đúng hay không, nhưng bà nghĩ, mình không thể nào nhìn lầm người được.
Mộ Tình là con của bà, cũng là khúc ruột của ông chồng. Giận thì đánh vài roi, mắng vài câu, cũng nguôi ngoai. Bà biết chồng mình lo cho thằng bạn lắm, đêm đó cứ trở mình, có khi dép đã xỏ rồi còn lưỡng lự. Đến khi thấy cái bóng thằng út ở ngoài sân, lão biết mình có giãy nãy cũng không lay chuyển được nó.
Lão Nghi cảnh cáo hắn, nhà lão còn cả bó roi mây, đừng ỷ thằng út là đàn ông mà sau này kiếm cớ rước bà hai bà ba về chọc cho nó khóc. Hắn mà dám để thằng con cưng của lão buồn, lão thề, dù ông già có đội mồ sống dạy can ngăn, lão cũng phải cạo sạch mái tóc đẹp đẽ của hắn.
Mộ Tình ngại muốn chết, em nhìn qua Phong Tín, vừa lúc hắn cũng đang chăm chú nhìn em. Chợt em nhớ lại đêm trăng năm ấy, hắn say rượu ngả đầu lên vai em, tay phải nắm lấy từng chùm sáng tối của đàn đom đóm, tay trái nắm tay em chẳng rời. Hắn nói khẽ giữa cơn gió đồng mang theo hương cốm mới, rằng hắn thương em lắm.
Em siết chặt bàn tay đang nắm lấy mình, theo hắn dọc bước theo con đường làng. Đàn chim chao liệng trên trời, vẫn chưa thôi ríu rít.
Gió xuân bay về
Hôn lên góc áo
Nhìn đôi uyên ương
Bạc đầu giai lão.
Đêm ấy Phong Tín cứ quấn lấy Mộ Tình mãi làm em mệt chết mất thôi, ngoài mặt giãy nãy không cho hắn chạm vào nhưng trong lòng đã mặc hắn làm gì thì làm lâu rồi. Trên đời này có kẻ nào không muốn chung chạ với người mình thương? Lúc đầu thì đau thật đấy, mà chắc đau riết rồi quen, em cố nhịn để mình không khóc, yên lặng để hắn rải những nụ hôn dọc hai bên má, xuống cổ và chần chừ nơi ngực. Chỗ đó có đeo một lá bùa bình an, hắn hỏi, thế hoá ra đằng ấy vẫn giữ nó à.
Em cắn môi, chả biết trả lời sao cho phải. Mộ Tình da mặt có dày như hắn đâu, bắt em nói chuyện trong lúc này, là làm khó em rồi.
"Thế tại sao hôm ấy còn hẹn cô út ra bờ sông?", hắn vùi mặt vào hõm cổ của em, tiếng nói hôm nay hơi khàn, hình như tự mình tức giận, "Biết tôi ghen thế nào không hả?"
Biết mà, bởi vì biết, nên mới cố gắng theo thầy với anh học buôn, để cho đằng ấy thấy, đằng này có thể tự mình gánh vác, có thể san sẻ cho đằng ấy, muốn bảo đằng ấy, đừng vất vả như vậy nữa.
"Khờ thế không biết.", Phong Tín nói khẽ, rồi hôn lên làn môi mềm. Hôn thêm một lát thì người nổi lửa, hết cách rồi, người ta giữ thân lâu như vậy, quấn quít bao lâu cũng chẳng thấy đủ.
Chỉ cực cho đằng ấy, sáng mai phải dậy muộn rồi.
Xa xa, ánh trăng ngại ngùng khuất sau rặng tre già, chỉ còn tiếng dế, kêu rả rích.
.
Từ cái ngày Mộ Tình dọn về ở với Phong Tín, đám người ở trong nhà tự dưng có thêm một cậu chủ.
Mà cậu út có xa lạ gì với tụi nó đâu, hồi đó cao ngang chân đã được Phong Tín ẳm qua nhà chăm bẵm, nhưng nhìn cái cảnh cậu lớn chạy lăng xăng quanh cậu út là tụi nó thấy sai sai rồi. Nhưng sai ở đâu thì tổ tiên nhà cậu biết.
Vú nuôi cậu Tín nói cậu lớn với cậu út hợp tuổi nhau lắm nè, về sống chung là yêu ma quỷ quái quanh đây tan biến hết. Mà hình như vậy thiệt, từ ngày cậu út về, cậu lớn ít rầy la tụi người làm hơn, số sách cũng có người tính toán không lệch một ly. Chuyện làm ăn càng ngày càng thuận lợi, Phong Tín mát tay mở thêm hai xưởng dệt để Mộ Tình làm chủ. Nhưng không cần cậu ra trông, bàn về chuyện này, ban đầu bản mặt già của Phong Tín còn ngại chẳng nói. Sau thấy cái nhíu mi của em thì buông tay đầu hàng, vùi mặt vào cổ em, chẳng kiềm được hôn nhẹ lên bả vai trần.
"Người ta ghen mòn con mắt ra mà đằng ấy cứ hỏi hoài."
Phải chi em xấu một chút thôi, hắn đã chẳng sợ thế này. Người gì đâu mà vô tâm thấy ớn, người của hắn chứ có phải của thiên hạ đâu mà người nào người nấy nhìn muốn rớt con mắt.
Mộ Tình vờ tròn mắt ngạc, bảo ai nhập vào bác của em thế này?
Sau đó bị hắn vật ra, má ấp môi kề suốt một đêm dài.
Thi thoảng cậu út than eo mỏi lưng đau, cậu lớn hớt ha hớt hải sai tụi nó lấy dầu thuốc vào xoa cho cậu út. Cách một cái cửa tụi nó cũng nghe ra cậu Tình giận tới mức nào, cậu Tín cũng ngoan ngoãn nhận sai, ăn năn hay không thì không chắc.
Mộ Tình thấy có phải mình chiều người ta quá rồi hay không, mà càng lớn Phong Tín càng thích giở thói trẻ con ăn vạ trước mặt em, vừa khờ vừa vụng về muốn chết, ấy thế mà em cứ xiêu lòng mới lạ. Âu cũng tại mình, thương cho lắm vào là đầu óc lú lẫn cả ra, đông tây nam bắc trái phải chẳng biết đâu mà lần. Mấy bận về thăm nhà là ông cụ cứ lôi chuyện này ra chọc em miết, kiếm cớ hằn học Phong Tín để em đứng ngồi không yên. Mộ Tình thua rồi, cái làng này đâu phải chỉ có mỗi người ấy của em là trẻ ngược đâu?
"Cũng may tôi mang em về nhà sớm, chứ sống với lão già đó, thế nào cũng học hư mà thôi."
Hắn đang gối đầu lên đùi em lột vỏ hạt sen, kề bên môi để em nếm thử. Mộ Tình há miệng, hắn lại chơi xấu khều môi dưới của em một cái. Ôi chao, mặt cậu út nhà ta đỏ hết lên rồi.
Em đánh lên cái tay nghịch hư ấy, lại cặm cụi kéo sợi chỉ lên. Cái người này đi đứng chẳng ý tứ gì, vai áo cứ sứt chỉ hoài thôi. Hôm nay rãnh rỗi soạn lại mớ áo quần trong tủ em mới phát hiện. Cứ im ỉm rồi mặc đi làm ăn buôn bán, thiên hạ có mà cười vỡ mặt.
Em vuốt phẳng vai áo, nhớ lại bờ vai rộng của người kề bên, chợt thấy cõi lòng xao xuyến.
Nhác trông tấm áo vá vai
Thầy mẹ anh vá hay tài vá nên?
Nhác trông tấm áo có duyên
Miệng cười hoa nở càng nhìn càng ưa
Áo anh em mặc cũng vừa
Ông Tơ bà Nguyệt khéo lừa đôi ta.
Phong Tín bảo em không cần làm mấy chuyện lặt vặt này, để cho người ở trong nhà làm thay, cậu út nhà hắn phải để cho hắn nuôi, nằm yên trong lòng hắn để hắn yêu chiều cưng nựng đến suốt đời. Hắn khuyên mãi, mà em chẳng thèm nghe, em cứ tỉ mỉ luồn kim se chỉ đến tận khuya lắc khuya lơ, mặc hắn nằm chõng chơ một mình trên cái giường của hai đứa.
Có mấy lần hắn lẫy, một hai ôm ngang em lên giường, buông màn, đắp chăn kín mít, nghiến răng ken két mà quay lưng lại với em. Mộ Tình buồn cười chịu không nổi, em cố tình xích người qua, hắn cũng ngọ ngoạy ra tận mép phản. Đến nửa đêm cũng là hắn chịu thua trước, xoay qua ôm cả người lẫn chăn vào lòng, còn vỗ lên mông em một cái nữa.
"Em làm tôi tức chết mất thôi."
Mồm thì bảo vậy, mà áo em khâu hắn lại coi như vàng như bạc mà cất kĩ trong tủ, trong làng có cỗ lớn mới lôi ra mặc. Ông bác của em sắp qua hàng tứ rồi mà vẫn cứ hào hoa phong nhã như trai làng mới lớn, đến người đầu ấp tay gối như em vẫn phải xuýt xoa không thôi chứ đừng nói chi mấy nàng chưa tìm được bến đỗ. Em nghe thằng Tý bảo là cậu lớn được nhiều cô ngắm trúng lắm, tại cậu lớn nhà nó không chịu thôi chứ cậu lớn gật đầu một cái là mợ cả mợ hai mợ ba tha hồ cho Phong Tín chọn.
Nói tới đây nó sượng mồm nhìn "mợ cả" danh chính ngôn thuận đang ngồi nhặt lá chè với nó, Tý vội tát vào miệng mình một cái, mấy cái chuyện tào lao này cậu lớn đã dặn đi dặn lại với nó đừng có kể cậu út nhà mình nghe. Cậu út nhà mình nhạy cảm lắm, lỡ mồm làm cậu út buồn là tụi bây ăn đòn nghe không?
Mộ Tình làm như không nghe, tối đến quăng cho Phong Tín một câu "hôm nay mệt" rồi ngả người ngủ say. Hại ai đó buồn bực suốt cả một đêm, sáng ra cắt luôn cơm của thằng Tý.
Nhoáng cái con lớn của anh hai đã đến tuổi đi học, con thứ cũng vừa đầy tháng. Phong Tín sai người làm một chiếc vòng tay bằng vàng tặng cho thằng bé, còn lấy bình rượu quý mình ủ lâu năm sang biếu "cha vợ". Nói thật mấy cỗ lớn này em ngại về thăm nhà lắm, thương mấy thì thương, chứ việc một thằng con trai ăn ở với một người đàn ông đã là chuyện đáng cười đáng xấu hổ rồi. Người ta không nói trước mặt không có nghĩa người ta thôi bàn tán sau lưng, nhưng biết sao được, miệng của người ta, người ta còn không nhắc tên mình.
Phong Tín không biết mấy luồng nghĩ suy trăn trở của em, hí hửng đặt mua hai xấp vải gấm may một cặp áo, em màu đỏ nhạt, hắn màu xanh nhạt, đứng chung một chỗ, thật xứng lứa vừa đôi.
"Sợ cái làng này chẳng có ai đẹp đôi hơn hai đứa mình nữa, đằng ấy nhỉ?"
Anh hai đứng kế bên nổi hết da gà, kí đầu Mộ Tình bảo thằng quỷ này coi vậy có phước ghê, về nhà bển ăn sung mặc sướng, mặt mũi hồng hào hẳn ra. Chỉ khổ anh mày ngày nào cũng nghe thầy càm ràm nào nhớ con nào thèm cháu, con vợ thì cứng đầu cứng cổ đòi nặn thêm cục nợ này đây, anh chỉ chỉ đầu mình, nói rằng mình sắp bạc đầu rồi.
Than thở vậy thôi, chứ con vòi thầy bế là anh lon ton chạy đi ngay.
Nhìn cảnh thằng lớn nắm áo anh hai vòi ngắm em, Mộ Tình chợt nhớ đến căn nhà vắng tiếng trẻ thơ của em và hắn, rồi như một thói quen, em đưa mắt kiếm tìm vạt áo màu xanh da trời không lẫn đi đâu được giữa tất thảy phồn hoa.
Hắn đang ngẩn người nhìn đứa trẻ anh hai bế trên tay.
Thằng bé trộm vía trông khoẻ mạnh lắm, được thầy bế thì cười toe cười toét nhìn ghét cực kì. Anh hai ban đầu cằn nhằn chị dâu mãi, giận lây sang thầy ấy vậy mà giờ coi bộ cũng không chịu đưa cho ai bế hết.
Ai lại chẳng muốn có phúc phần con cháu đầy nhà, khi ốm đau bệnh tật còn có người phụng dưỡng, lúc chết đi còn có đàn rồng rắn tiễn đưa, chăm lo mồ mả hương khói. Đôi lúc có thể sẽ thấy phiền hà mệt mỏi, con cái quấy phá dạy mãi không sửa, nhưng còn hơn trong nhà không có lấy một người trò chuyện. Mộ Tình từng muốn, sao Phong Tín lại không?
Phận làm con lấy chữ hiếu làm đầu, mà em quên mất. Để hắn mang tội bất hiếu thương em hết ngày này qua tháng nọ, sau này gặp lại thầy u, hai người có chịu nhìn mặt Phong Tín hay không?
Nhưng biết làm sao được, em thương Phong Tín như vậy, dẫu chẳng nói ra, nhưng làm sao em nỡ san sẻ bờ vai này cho một người xa lạ khác? Mai này nếu hắn đổi thay, thì ai sẽ trả lại em người từng thương em bằng cả tấm chân tình? Em biết tìm đâu ra một người như thế nữa?
Ờ thì ai chẳng ích kỉ, kẻ yêu vào cũng chỉ nghĩ phần mình. Đằng rằng biết đường khó đi mà vẫn cứ cứng đầu không chịu quay lại. Mộ Tình đã đi tới bước đường này, thương tới bước đường này, ông trời sao cứ phải bức em như thế?
Mộ Tình trằn trọc mấy đêm dài, lời đến môi lại tự dằn xuống, Phong Tín nhận ra em người thương của hắn không vui nên không dám đòi hỏi gì nhiều, nóng nực cách mấy cũng ôm em vào lòng cho tới sáng.
Rồi một hôm, nhân lúc Phong Tín ra Thanh, Mộ Tình gọi thằng Tý vào phòng, hỏi cô con gái út chủ tiệm chè ở làng Kim có mối nào hay chưa?
Thằng Tý sợ đến mặt mày tái xanh, quỳ xuống hỏi cậu ơi cậu bị làm sao vậy. Mộ tình nắm chặt lá bùa đeo trên cổ, dần dừ chẳng ư hử gì với nó. Nó hoảng quá, mà cậu lớn không có nhà, không có ai dỗ dành cậu út hết. Tự nhiên ở với nhau hai năm trời vui vẻ quá chừng, cậu út ho một cái là cậu lớn lo sốt sắng muốn lật cái nhà lên, cậu lớn đi buôn về luôn có một bát gà hầm thuốc bắc bưng lên do chính tay cậu út nấu, tới cái đứa khờ khọ như nó còn nhìn ra hai người thương nhau cỡ nào. Sao gờ cậu út lại ngấp nghé đàn bà rồi?
"Cậu ơi!", thằng Tý ngập ngừng rồi bảo, "Cậu không đợi cậu lớn về rồi cùng bàn ạ?"
Mộ Tình thở dài, nói khẽ: "Thì chẳng lẽ không đợi, nhưng cũng phải chuẩn bị trước, tránh người ta mắng nhà mình đường đột."
Nó chẳng hiểu, cậu nói nhà mình sắp có chuyện vui, thế sao vành mắt cậu ướt nhoè dưới nắng chiều xuyên qua áng mây mờ, sao môi cậu tái đi như người vừa trúng gió, sao tay cậu cứ nắm chặt trước ngực chẳng chịu buông lơi?
Bấy lâu nay làng trên xóm dưới cũng bàn tán chuyện nhà Phong Tín không ít, nói hắn khắc thầy khắc u, sau này có thể khắc cả vợ cả con, định sẵn hương khói từ nay đứt đoạn. Phong Tín lại làm như không nghe thấy, vẫn sống cần kiệm, hoà thuận với láng giềng, nịnh nọt nhà vợ, chỉ mong tội nghiệt của mình giảm đi từng chút từng chút, để trời phạt hắn chậm thôi, để hắn có đủ thời gian để thương người ấy.
Mộ Tình không biết, nên mới đâm đầu vào nghĩ chuyện không đâu.
"Đằng ấy không có gì để nói với tôi nữa à?"
Phong Tín cầm cái hộp quà mà Mộ Tình dày công chuẩn bị cho mình mà muốn lật tung trời đất lên. Thương người qua cho cố vô, sợ người ta mệt nên không cho ra ngoài trông tiệm, thế mà người ta rãnh rỗi sinh nông nỗi nói muốn tìm vỡ lẽ cho hắn. Thế có tức hắn không cơ chứ?
Ấy mà cứ dửng dưng ra, coi chuyện này có đáng gì đâu mà bảo hắn sao giận dữ thế? Hắn vừa giận vừa buồn, chẳng biết nói sao cho phải. Ấy mà em nỡ cướp lời hắn trước. Em nói cô út con nhà gia giáo, thầy người ta cũng là chỗ làm ăn qua lại, hơn nữa người ta cũng ưng bụng bác lâu vậy rồi. Mình đón cổ về, để năm sau nhà rộn tiếng trẻ thơ, em còn nhớ bác rất thích con trẻ mà.
"Đón người ta về, rồi em ngủ ở đâu? Thằng Tý kêu người ta là gì? Mợ hai hay mợ cả?"
Phong Tín rõ ràng gây sự với em, và hắn đã gây sự thiệt. Ngực hắn nghẹn ứ, thở ra chứ chẳng hít vào được, ngón tay nắm cẳng tay em đổ đầy mồ hôi vừa run vừa lạnh. Linh hồn hắn như chia làm hai nửa, một bên vùng vẫy muốn xoa lên đuôi mắt sắp ướt nhòe của em, muốn ôm em vào lòng rồi nói có bác ở đây rồi. Một bên muốn quậy cho tới bến, để em dẹp yên cái suy nghĩ gán hắn cho một người hắn không thương, làm khổ người ta, làm khổ hắn, và làm khổ em nữa.
"Tôi cứ nghĩ dăm ba năm nữa em mới hối hận, hóa ra còn chưa đủ một ngàn ngày.", hắn quay lưng, mỏi mệt lắc đầu, "Thế năm đó chịu hai roi của thầy em làm con mẹ gì? Sao không lên kinh? Em lên trên đó một năm thôi, tôi ở đây đã con đàn cháu đống. Em ở đây làm con mẹ gì? Để tôi thương cho đã, thương tới dứt không được thì kiếm người đẩy tôi ra? Con mẹ nó ông đây cần em làm mấy cái chuyện tào lao đó à?"
Phong Tín nói chuyện không ý tứ đó giờ, một ngày có hơn phân nửa là hắn gào lên với đám thợ tay chân vụng về, một nửa còn lại là híp mắt trêu người nằm trong ngực trước khi khép mắt tạm biệt ánh trăng tròn. Nhưng hôm nay miệng hắn mắng chửi, mà giọng cứ đều đều ra như thuở nhỏ em trả bài cho thầy. Mộ Tình giờ mới thấy cuống, loay hoay đứng ở bên ngoài mặc cho sương lạnh thấm vào tận da thịt.
Mà người kia lại chẳng như hôm qua, nắm lấy bàn chân em ngâm trong thau nước ấm, vừa xoa bóp vừa cằn nhằn em lì lợm không nghe lời nữa.
Em ngồi thừ người trên phản, nhìn cây bưởi trồng ở ngoài sân đang sai trái, còn mấy chùm hoa nở muộn cũng đang ỉu xìu như sắp rời cành. Chả biết nó trồng ở đây tự bao giờ, thuở nhỏ sang chơi em đã hay ngồi dưới gốc cây hóng mát, đôi lúc ngủ quên sẽ được ai đó bế vào nhà. Lớn rồi thì có thêm tật xấu, hãy khi nào trong lòng khó chịu sẽ ra cấu sạch mấy trái bưởi non, nhìn vỏ bưởi đang trơn bóng bỗng hoá xù xì làm cơn giận trong em vơi đi hơn nửa, đủ kiên nhẫn để đợi người kia trở về dỗ dành.
Từ đó về sau gốc bưởi ấy trở thành lãnh địa riêng của cậu út nhà ta, sầu lớn sầu bé gì cũng trút hết lên gốc cây già đó, từ năm này qua tháng nọ, mà chắc nghe riết cái cũng sầu theo em, mấy năm nay chẳng còn sai trái.
Mộ Tình tháo lá bù đeo trên cổ ra, bên trong có lồng thêm một cái nhẫn vàng y đúc cái Phong Tín đeo trên tay.
Phong Tín nói trên đời chỉ có mỗi hai chiếc này thôi, nếu như hắn rước người ta về, thì nó không còn là của em nữa.
Hôm đó là lần đầu tiên sau gần hai năm sống chung với nhau, Phong Tín và Mộ Tình chia chăn chia gối.
Giường trong phòng ấm hơn, hắn ôm cái gối sang thư phòng, nằm trên cái ghế trúc trừng mắt với trần nhà suốt đêm. Cách vách lâu lâu lại có tiếng sột soạt, hắn thấy hơi nhơ nhớ, nhưng nhượng bộ, thì đồng nghĩa hắn mất em rồi.
Mộ Tình là một người sống rất có nguyên tắc, chuyện em đã và đang định làm, dù nửa đường đứt gánh làm lòng em dao động, em cũng quyết không đem con bỏ chợ. Hơn thế chuyện cưới con gái người ta là đại sự, đâu phải cứ qua quýt là dẹp qua một bên, còn gì mặt mũi người ta nữa.
Em nghĩ mình không thể nói chuyện tiếp với hắn, nên mới xách ba bốn thang thuốc mang về nhà thầy u nhờ hai người nói đỡ. Chân vừa đến cổng đã nghe tiếng thầy càm ràm từ bên trong, thầy bưng một ấm thuốc, rót ra cái bát nhỏ, cầm lên thổi cho bớt nóng, sau đó từng muỗng từng muỗng đúc cho vợ mình. Ban đầu u em ngại lắm, nhưng lão cứ một mực đòi đút thì bó tay. Mộ Tình nhìn hai người, tự nhiên nhớ lại chuyện hồi bé mình nghe được từ cô họ. Hồi ấy thầy trốn ông ra Thanh Hóa chơi, biền biệt bốn năm tháng không thấy mặt mũi, đợt ấy ngoài Thanh đang có lũ lụt, thầy bị người ta cướp sạch tiền ăn chơi, suýt bị lũ cuốn trôi cái thân xác hoang tàn. Còn sao mà sống nhăng răng đến giờ này thì cô họ bó tay, hỏi tới lão Nghi chỉ bảo, khi ấy, lão gặp được tiên nữ.
"Tại mặt ổng đẹp, u vừa nhìn trên đường đã ưng, mà lão cũng lì, đuổi cỡ nào cũng không chịu về Bắc, phải đem u theo. Nhờ vậy mới có tụi bây đó."
Cũng gần hai mươi năm rồi, cô tiên nữ năm nào giờ đã là bà nội người ta, mà trong mắt cậu cả, bà vẫn là cô bé nhặt mất chiếc khăn tay của cậu, nhặt mất tim cậu giấu vào trong đôi mắt ấy. Nên người đàn ông trước giờ chưa chịu cúi đầu với ai lại khom lưng xoa nhẹ từng ngón chân một cho vợ, cái việc tầm thường, mà chỉ có những kẻ thương nhau mới làm con lừa trong đầu cậu út rục tịch muốn chạy.
Lão Nghi ngẩn tò te nhìn thằng con mình mười năm khôn một ngày dại đang bơ phờ nhìn lén qua cửa sổ, giờ mới hiểu vì sao thằng Huyên nói thằng út của thầy sắp bị Phong Tín chiều hư rồi. Rõ ràng là gây chuyện mà coi cái mặt khác gì Phong Tín làm lỗi không?
Lão Nghi vỗ cái bốp lên đỉnh đầu Mộ Tình, bắt em ngồi xếp bằng thẳng lưng lên nói chuyện với lão. Em đáp "dạ" môt tiếng rồi làm theo. Lão Nghi liếc nhìn cái áo xanh lấp ló đằng sau gốc bưởi, thầm nghĩ may quá năm đó mình cưới vợ về đầu óc còn tỉnh táo, nhưng lơ ngơ như hai cái con ngườ này có ngày mất vợ như chơi.
Thằng khờ lớn với thằng khờ nhỏ, vậy mà ưng nhau.
"Yêu vào là cái khôn trả về thầy u hết.", lão Nghi chậc lưỡi, "Đừng có bị cái mặt đẹp đẽ của nó lừa, nó gấp đôi tuổi mày đấy. Sang năm là lên hàng tứ rồi, mày vội vã kiếm vợ thêm cho nó, là muốn nó đi gặp ông bà sớm à?"
Thoắt cái mặt mũi em đỏ bừng, đỏ từ cổ lên tới mặt luôn.
Còn Phong Tín chỉ muốn lao vào bưng em đi chỗ khác, không thể để thằng cha mất nết kia nói nhăng nói cuội, hắn không muốn lấy thêm vợ là thật, nhưng hắn thề hắn còn khoẻ mạnh lắm, sống tới bảy tám chục tuổi chẳng nhằm nhò gì luôn. Nếu ông trời nhìn hắn ưng mắt, không xén bớt của hắn mấy năm tuổi thọ.
Rồi u đập lên vai thầy một cái rõ mạnh, môi hơi tái, nhìn như giận lắm. Rồi thầy em cũng rối rít xua tay, Mộ Tình chợt nhớ đến ông bác nhà em, mỗi lần đùa dai quá trớn chọc em giận hắn cũng sốt sắng như thế này.
Lại nhớ đến ai đó nữa rồi.
Dù cách hoà giải dễ gây thù chuốc oán với thằng bạn thân, nhưng cũng thành công kéo được con lừa muốn đi qua nhà cô út hỏi chuyện này nọ.
Dọc hai bên cánh động rộng lớn có một con đường dài dẫn ra đầu làng, vì chưa vào mùa mưa nên mặt đường rất khô ráo. Mộ Tình đi chân trần, giẫm lên ngọn cỏ non cướp lấy ánh chiều tà rơi xuống mặt đất. Đám trẻ trong làng vừa đi bắt ốc về, gặp cậu út thì tranh nhau lại gần bắt chuyện. Em lục một hồi cũng không có lấy một viên kẹo, ngại ngùng véo má thằng nhóc béo nhất đám, nói hôm khác cậu út bù lại cho mấy đứa.
Đợi đám trẻ đi khuất, em bỗng nhiên xoay người ra sau. Ai đó đang thập thò bị doạ cho giật mình, suýt thì ngã nhào xuống ruộng. Ai đó mặt đỏ như gấc, che tay lên miệng, ngẩng mặt nhìn trời cảm thán hôm nay trời trong xanh ghê. Ai đó đang giận mà kiềm lòng không đặng, dợm từng bước chân đứng chắn trước em.
Mộ Tình móc lấy ngón tay út của hắn, hắn ôm trọn lấy bàn tay em. Chiếc nhẫn vàng lấp lánh dưới màu nắng chiều.
"Cõng với.", em lắc lắc cánh tay Phong Tín, "Chân mỏi rồi."
"Ơ đang giận nhau đấy nhớ.", làm giá một chút rồi khuỵ gối, đỡ hai tay phía sau, "Leo lên."
Mộ Tình ngả đầu lên vai hắn, nhìn cái bóng của hai người chồng lên nhau giữa chiều hoàng hôn đang gọi từng đàn chim bay về. Hắn cõng em rất vững, như cõng một đứa trẻ, hắn cao quá, ngồi trên lưng hắn như cánh chim sải trên trời cao, em nghe mùi sữa non của lúa, mùi bùn non ai mới cào lên. Chuyện nay và chuyện xưa như hoà làm một, năm ấy có đứa nhóc vì nhớ một người xa lạ, lén thầy u chạy ra bờ ruộng. Bị đám nít ranh trong làng chặn đường, ném bùn vào người. Em vừa sợ vừa giận, loay hoay chả biết tìm đâu ra cái gì để hả giận. Thì người này chạy đến.
Chả bênh gì em đâu, còn mắng em nữa mà. Mắng dữ nhất luôn, người ta còn chả kịp khóc.
Mắng rồi thì năn nỉ để được cõng em về, như bây giờ nè.
"Nhớ hồi đó ghê."
"Hả?", em kề môi kế bên tai hỏi khẽ, chắc hắn bị nhột nên rụt cổ lại.
"Tự nhiên đi chơi về lụm được cục bùn tròn vo. Mà cục bùn cũng cứng đầu dữ lắm, mắng chút xíu là phồng mang trợn mắt với tôi liền.", giọng hắn nghe buồn, văng vẳng từ một miền xa xăm nào đó, "Mặt mũi như con tắc kè, lau mãi không sạch, hại ông già này đây còng lưng ra dỗ mãi."
"Có mít ướt vậy đâu? Bác đừng có mà đối trắng thay đen."
"Sao? Chối hả?", hắn nghiêng đầu, vành tai lại chạm lên môi em lần nữa, "Ờ mà tôi đây lạ gì em nữa, cái đồ ăn xong chùi mép. Chê tôi già chứ gì, chán tôi rồi chứ gì. Mà em chán cũng kệ em, ông đây cứ bám riết, để xem đầu đứa nào cứng hơn."
"Vậy bác ráng sống cho lâu vào, sống đến khi răng tóc rụng hết, sống lâu hơn em mới được."
Phong Tín khựng người lại, những tia nắng yếu ớt loé nhẹ nơi chân trời phía xa. Hắn thấy mắt mình hơi cay cay, chân vẫn vững mà bước tiếp. Đường về nhà, ở phía trước thôi, nhưng còn xa lắm.
"Nếu không đợi bác đi, em sẽ lấy vợ đẹp, làng này thiếu gì cô mê em, hơi đâu mà ở đó ôm hủ tro cốt đến cuối đời."
Em nghĩ lại rồi, tính tình bác nhà em xấu như vậy, một mình em chịu là được rồi. Không cần hành hạ con gái người ta. Cậu út nhà ta tính tình hẹp hòi, nhẫn không được chia, người cũng không được sờ.
Mộ Tình ôm lấy Phong Tín từ phía sau, áp lồng ngực lạnh lẽo lên bờ vai nóng rực của hắn, cõi lòng nhộn nhạo đau nhói như được vỗ về trong cái hôn yêu của một người đã trở nên thân thuộc. Lắng nghe tiếng gió hát bên tai.
Đôi mình thương nhau, thương cho mãn kiếp người nhé.
Có xa nhau, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top