CHƯƠNG MƯỜI

Đây đã là hậu ký, chủ yếu là còn một số việc về sau phải nói rõ, ví dụ như: ai là Lão Quỷ? Tin tình báo đã được chuyển đi chưa? Nếu đã chuyển đi thì là chuyển như thế nào? V.v... Câu hỏi vẫn còn đang treo lơ lửng mà chưa có lời đáp.

Tôi tất nhiên sẽ giải quyết điều này, hãy tin tôi. Ở đây, tôi muốn giới thiệu với mọi người làm quen với một cụ già, cụ là thân phụ của giáo sư Phan. Những hiểu biết của tôi về câu chuyện này đều là từ hồi ức của những người biết chuyện mà cụ Phan và giáo sư Phan đã giới thiệu để tôi làm quen với tư liệu mà họ cung cấp. Thời gian đang lãng quên đi câu chuyện này. Tôi may mắn quen cụ Phan vào những năm tháng cuối đời của cụ và được cụ tin tưởng, mới may mắn tập hợp được một câu chuyện có thể sẽ bị tiêu tán.

Không cần phải nói, cụ Phan sẽ nói cho cho chúng ta tất cả bí mật, cụ là một trong những nhân chứng quan trọng của câu chuyện. Trong câu chuyện, cụ Phan là một nhân viên hoạt động ngầm của ta, mang bí danh Lão Thiên, chủ yếu phụ trách công việc liên lạc vô tuyến giữa tổ chức bí mật ở Hàng Châu với Sở chỉ huy Tân Tứ quân ‐ sóng điện vô tuyến là dựa vào không trung để truyền đi, gọi là Lão Thiên đại khái cũng là theo ý nghĩa này. Ngoài ra cụ còn phụ trách chuyển tin tình báo cho Lão Quỷ.

Vậy cuối cùng thì Lão Quỷ là ai?

"Chính là Lý Ninh Ngọc!" cụ Phan nói. Còn cụ chính là Lương Minh Ngô, người mà trong di ngôn của Lý Ninh Ngọc đã nhắc đến: chồng của Lý Ninh Ngọc.

"Có điều, đấy chỉ là giả thôi." Cụ Phan nói với tôi, "Chúng tôi thực ra là anh em, là đồng chí, công việc yêu cầu phải đóng giả làm vợ chồng".

* * *

Phần trên đã nói, Lý Ninh Ngọc tự kể có một người anh bị Tưởng Giới Thạch giết hại, thực ra là nói tới cụ Phan. Cụ Phan ban đầu là người của Đảng Cộng sản được cài vào hàng ngũ Tưởng Giới Thạch, sau thân phận bại lộ, bị xử tử hình, thật may người xử bắn cụ là đồng chí, liền tạo ra vụ xử bắn giả. Từ đó trở đi mọi người đều nghĩ cụ không còn trên thế gian này, thực ra chỉ là mai danh ẩn tích mà thôi. Sau đó tổ chức phái cụ đến chỗ Lý Ninh Ngọc, đóng giả làm vợ chồng, triển khai hành động bí mật kháng Nhật. Cái gọi là tính khí nóng nảy tàn bạo, dám đến tận cơ quan đánh Lý Ninh Ngọc; Lý Ninh Ngọc kể tình hết nghĩa, sống ly thân, buổi tối không về nhà vân vân...tất cả đều là cố tình làm ra vẻ để mọi người thấy cảnh vợ chồng không hòa thuận. Như thế, hai người có thể tránh được những thói thường cần có giữa hai vợ chồng, như cùng nhau đi dạo phố, tản bộ, đưa con cái đi chơi... Đồng sàng dị mộng, nhưng cuối cùng thì vẫn là vợ chồng, vẫn có thể sống cùng dưới một mái nhà.

Cụ Phan nói: "Điều chúng tôi cần chính là cái này, lấy gia đình làm trạm liên lạc, tiện cho việc chuyển tin tức tình báo".

Khi ấy tin tức tình báo của Lý Ninh Ngọc rất nhiều, tin khẩn thường do Ba Ba phụ trách chuyển đi. Họ có thể gặp mặt nhau bất cứ lúc nào, ra ám hiệu, chỉ cần Lý Ninh Ngọc vứt rác trước mặt Ba Ba, Ba Ba đã biết đến chỗ nào để lấy tin tức tình báo. Nếu như không phải là tin khẩn, Lý Ninh Ngọc sẽ đem tin tình báo về nhà vào buổi trưa, sau đó sẽ do cụ Phan phụ trách chuyển đi.

Thời gian Lý Ninh Ngọc bị giam lỏng tại Cầu trang, do công tác che đậy của quân địch làm rất tốt, mọi kẽ hở đều được bưng bít, trên tổ chức từ đầu đến cuối đều không biết được sự thật ra sao. Nói đến chuyện này, tâm trạng cụ Phan có phần bị kích động, cụ liên tục lắc đầu nói với tôi: "Thực ra lúc đầu tôi cũng có chút cảnh giác, tại sao? Bởi vì rất lạ, đưa đi có mấy ngày, mà rất trọng thị, vừa mời chúng tôi ăn cơm ở quán Lầu Ngoại Lầu, còn đưa chúng tôi tới Cầu trang thăm, cứ như là sợ chúng tôi không tin ấy. Hơn nữa, đúng ngày hôm ấy, đồng chí Lão Hán (bà Hai) bị Cục Cảnh sát bắt. Ở đây thực ra là có sơ hở, nhưng Lão Hổ tổng hợp tin tức của Ba Ba, cuối cùng không phát hiện có gì đáng nghi ngờ. Điều này, nguyên nhân chủ yếu là do ngày thứ hai, khi Ba Ba đến Cầu trang, Lý Ninh Ngọc không ra bất kỳ ám hiệu nào cho anh ấy. Ba Ba cho rằng, chỉ cần có tình hình mới, Lý Ninh Ngọc nhất định sẽ tìm cách báo cho anh ấy, trước đây đều là như thế.

Anh ấy không biết Lý Ninh Ngọc lúc đó đang bị theo dõi rất chặt, không dám có bất kỳ biểu thị gì với anh ấy".

Tại sao Ba Ba lần thứ hai từ trong bếp thò đầu ra rồi về ngay? Cụ Phan cho tôi biết, đấy là vì anh ấy nhìn thấy túi áo ngực của Lý Ninh Ngọc có gài chiếc bút nắp trắng. Đây là ám hiệu của hai người, chỉ cần Lý Ninh Ngọc để lộ ra cây bút máy này, chính là bảo Ba Ba đừng tiếp cận cô ấy.

Cụ Phan nói: "Thực ra sai lầm lớn nhất là ở chỗ này đây: lý giải sai về việc để lộ cây bút. Ý tứ của Lý Ninh Ngọc lúc ấy chắc chắn là sợ Ba Ba liên lạc với cô ấy sẽ bị kẻ thù phát hiện, cho nên mới thông báo cho Ba Ba đừng tiếp cận. Nhưng Ba Ba đơn thuần lý giải là không có tình hình gì, nên không cần tiếp cận cô ấy. Cho nên, Ba Ba về báo cáo khẳng định là không có tình hình gì. Lão Hổ căn cứ theo tình hình này, tổng hợp, phân tích, cho rằng Lý Ninh Ngọc đúng là đang ở ngoài làm nhiệm vụ nên không phải để tâm. Chỉ đến khi thi thể của cô ấy được đưa về, tôi mới biết đã xảy ra chuyện".

Tôi không hiểu: "Trong di ngôn, nói rõ là bị bệnh nên đột tử, cụ làm thế nào mà biết đã xảy ra chuyện?".

Cụ Phan nói: "Trước tiên là đột ngột chết đã rất lạ, không bình thường rồi. Có bệnh gì mà chết đột ngột thế? Nếu như đột tử, sao lại có thể để lại di ngôn được. Thứ hai là cô ấy cố ý nhấn mạnh gọi tôi là chồng Lương Minh Ngô, đây cũng là điều không bình thường. Như quan hệ của chúng tôi, cô ấy muốn nói với tôi điều gì, chỉ cần gọi thẳng tên là được, hà cớ gì mà phải cố ý nhấn mạnh là "chồng Lương Minh Ngô"? Chưa hết, đây cũng là điều quan trọng nhất, cô ấy đặc biệt nhấn mạnh là vì công vụ mà chết, chết không hối tiếc. Cái này quả đúng là rất không bình thường. Cậu nghĩ xem, nếu quả thực chỉ là do làm việc cho Kawa Hihara mà chết, sao cô ấy không hối tiếc được? Con còn nhỏ dại, cách mạng còn chưa thành công, cô ấy đáng ra là chết không nhắm mắt mới đúng! Chính là câu này đã nhắc nhở tôi, khiến tôi nghi ngờ trên người cô ấy có thể có mang theo tin tức tình báo, bởi vì chỉ có như thế, cố ấy mới chết không hối tiếc".

* * *

Thế nhưng, cụ Phan tìm khắp trên người và trong đống di vật của Lý Ninh Ngọc cũng không phát hiện ra điều gì.

Làm sao có thể phát hiện ra được gì chứ?

Kawa Hihara đã đi trước cụ một bước, lật giở thi thể và đồ đạc của Lý Ninh Ngọc để tìm kiếm đến nát ra rồi, còn đồ mặc, đồ đi trên người đều là thay đồ mới, càng không thể có gì.

"Nhưng tôi tin chắc sẽ có, tôi không từ bỏ, vẫn tìm, vẫn nghĩ, vẫn suy đoán." Cụ Phan nhíu mày, phảng phất như cụ đang quay về cảnh tượng ngày hôm ấy. "Sau khi tôi tìm đi tìm lại nhiều lần, tin chắc không có gì, tôi nghi ngờ cô ấy có thể đã dùng phương pháp bí mật nào đấy. Phương pháp gì đây? Tôi nghĩ nếu như là trên cơ thể, thì nhất định là trong bụng, cô ấy đã nuốt vào bụng. Nhưng điều này trong di ngôn cô ấy không hề đề cập gì, hơn nữa đây lại chẳng phải là điều dễ dàng chứng thực, cho nên tôi không nghĩ theo hướng này nữa. Không ở trên người thì trong đống di vật, tôi cảm thấy nếu là trong đống di vật thì nơi duy nhất có thể giấu tin tức tình báo chỉ có thể là bức tranh kia mà thôi, hơn nữa trong di ngôn cô ấy cũng đặc biệt đề cập tới bức tranh. Thế là tôi cẩn thận xem lại bức tranh nhiều lần, hy vọng có thể phát hiện ra điều gì từ trong bức tranh. Nhưng tôi nhìn ngắm như thế nào, xem đi xem lại, ngắm tái ngắm hồi ra sao, cũng không phát hiện ra được điều gì."

Bức tranh lúc ấy được treo trong thư phòng của cụ Phan và đã dùng vải lụa phủ lên, được đóng trong một khung kính màu nâu. Xem phong cách của bức tranh, nói là vẽ, nhưng thực ra là vẽ mà cố như viết, cành cây và tán cây đều dùng những nét thô để vẽ, chỉ là vẽ phác hình dáng, cỏ dại lại càng đơn giản, chỉ cần một nét bút đã xong, rất sơ sài. Không cần dùng kính lúp, chỉ bằng mắt thường, tôi dám khẳng định trên bức tranh không thể giấu được tin tức tình báo gì.

Nhưng cụ Phan nói tin tức tình báo đúng là được giấu trong bức tranh ấy và bảo tôi đoán.

Thoạt đầu, tôi thấy giấy vẽ tương đối dày, có lẽ có thể bóc tách ở giữa được, vì thế tôi nghi là có thể được kẹp ở trong. Tiếp đến, tôi thấy hình dáng của hai tán cây giống với bản đồ dẫn đường nào đó, bụng nghĩ bí mật liệu có nằm trong đó. Sau đó, tôi lại đoán trong câu Lý Ninh Ngọc dặn cho hai con có nội dung gì đó. Năm lần bảy lượt, đều bị cụ Phan bác bỏ. Sau cùng xem chừng tôi không thể có được ý tưởng nào khác, cụ Phan mới nhắc tôi:

"Cậu để ý xem đám cỏ dại kia, có đặc điểm gì không?"

Đám cỏ ấy tôi đã xem đi xem lại nhiều lần, một hàng dài, cao thấp khác nhau, một nửa ở dưới đất, một nửa trên mặt đất, độ dày đều nhau, mà cũng không đều nhau, xem ra vẽ rất cẩu thả, đa số là bằng một nét bút. Nếu như phải nói có đặc điểm gì, thì chính là được vẽ một cách tùy tiện, không thể nào giấu được gì trong đó.

Cụ Phan cười nói: "Hướng tư duy của cậu như vậy là không đúng, cậu chỉ nghĩ trên bức tranh có thể trực tiếp thấy được điều gì, làm sao mà như thế được chứ? Hoàn cảnh của Lý Ninh Ngọc lúc ấy làm sao có thể trực tiếp nói với chúng tôi điều gì? Tất cả những đồ đạc đem ra theo, đều được kiểm tra kĩ càng năm lần bảy lượt, anh thấy được kẻ thù đương nhiên cũng thấy được, như vậy sao được. Cậu nên nghĩ rằng cô ấy nhất định sẽ giấu tin tức tình báo ở nơi mà chỉ có tôi mới có thể phát hiện được, vậy tôi khác người khác ở điểm nào? Tôi đâu có hỏa nhãn kim tinh? Tôi vừa nói với cậu rồi, tôi là một nhân viên báo vụ, lúc đó điện đài liên lạc vô tuyến giữa tổ chức bí mật ở Hàng Châu và Tân Tứ quân do tôi phụ trách, còn bản thân Lý Ninh Ngọc là nhân viên dịch điện chuyên trách, vì thế rất tinh thông mật mã Morce".

Nói đến đây, cụ Phan dừng lại, hỏi tôi có hiểu về mật mã Morce không.

Tất nhiên là tôi hiểu. Nếu tôi không hiểu mật mã Morce, thì làm sao tôi có thể viết Lắng nghe trong gió? Nhân vật A Bỉnh trong Lắng nghe trong gió là một cao thủ, là chuyên gia trong lĩnh vực dò nghe mật mã. Bây giờ có rất nhiều người còn bảo tôi đã từng làm việc tại cơ quan bí mật tương tự như thế, thậm chí còn đồn đại, bảo tôi do viết Giải mật và Lắng nghe trong gió nên đã bị tổ chức hữu quan khai trừ. Với những chuyện này, tôi chẳng có gì để nói, bởi vì tôi không biết nên nói thế nào. Không nói là xong. Tôi luôn cho rằng, tôi quan trọng đối với mọi người không phải là vì thứ gì đó của tôi, mà là con chữ, là tác phẩm. Tôi cũng không quan tâm ‐ không để ý ‐ bị tổ chức khai trừ hay trọng dụng. Sở dĩ tôi không suy nghĩ là vì tôi có ý định khác: Viết ra tác phẩm hay, khiến cho người đọc thích tôi, để những ai đọc tác phẩm của tôi đều có một không gian sống mới. Hay nói cách khác, cái tôi quan tâm là đừng để độc giả bỏ rơi, khai trừ. Tôi thấy cái này không dễ làm được như nhiều người vẫn nói, nói là dễ có lẽ chỉ là ngôn từ một mặt giản đơn, không để tham khảo.

* * *

Thôi, quay lại câu chuyện của chúng ta, nói về mật mã Morce.

Tôi thấy Morce thật sự vĩ đại, đã phát minh ra một dạng ngôn ngữ đơn giản đến vậy. Trong dạng ngôn ngữ này, chỉ có hai âm thanh: tạch và I; chỉ có hai nét bút: chấm (.) và gạch (‐). Quan hệ của chấm và gạch, hay là tạch và tè là một với ba. Ba chấm liền nhau chính là một gạch. Nói rõ hơn, chỉ một nét chấm đã có thể dung nạp tất cả mọi dạng ngôn ngữ trên thế giới vào trong đó. Kênh chuyển tải nó là không gian, là các đám mây, là tầng khí quyển. Chỉ cần bạn ở dưới bầu trời này, thì đều có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu này. Ba mươi năm trước, khi tôi còn là cậu học sinh lớp hai tiểu học, có một hôm mẹ chồng của cô tôi mất, con trai bà đang công tác ở Bắc Kinh, muốn báo gấp để chú kịp về dự tang lễ. Bố đưa tôi đến bưu điện, người phụ trách máy điện báo là người nhà tôi, khiến tôi có được may mắn lần đầu tiên được nhìn thấy máy điện báo và cả quá trình phát điện báo. Tôi nhìn thấy người họ hàng ngồi trước bàn điện báo, ngón giữa của bàn tay phải liên tiếp nhấp nhấp trên một phím, cùng lúc trong phòng đầy ắp tiếng tạch tạch tè tè. Không đến năm phút, người họ hàng bảo là chú ấy đã gửi yêu cầu của chúng tôi cho đồng chí ở Bắc Kinh rồi, đầu bên kia (ở Bắc Kinh) đã nhận được. Tôi cảm thấy không thể lý giải được, còn nghi ngờ chú ấy giả vờ, đang lừa chúng tôi nữa. Thế nhưng đến tối, người họ hàng nhà tôi đem đến nhà tôi một bức điện báo, nói con trai của cô tôi đang trên tàu từ Bắc Kinh về nhà, bảo chúng tôi bất luận thế nào cũng phải đợi cậu ấy trở về mới được mai táng. Tôi lúc ấy đã đọc được khá nhiều chữ, nên đem bức điện báo ra đọc, nhưng tôi nhìn thấy chỉ toàn là con số, từng nhóm từng nhóm, mỗi nhóm có bốn số. Tôi hỏi người họ hàng sao có thể hiểu bức nội dung bức điện báo, chú bảo có một quyển sách để tra, do quyển sách ấy chú dùng thường xuyên, nên đã thuộc, không cần tra cũng biết được nội dung điện báo.

Thực ra, đấy chính là cuốn giải mã. Đến bưu điện gửi điện báo, bạn sẽ thấy trên bàn của nhân viên làm việc đều có một cuốn như thế, khổ rộng 16 cm, khá dầy, giống như quyển đại tự điển Anh ‐ Hán mà ta vẫn thấy. Trong cuốn giải mã này, tất cả chữ Hán và ký hiệu hay dấu, đều biến thành con số, ví dụ Trung Quốc, biến thành: 0022 0948; Mỹ sẽ biến thành: 5019 0948; dấu phẩy biến thành: 9976, vân vân đều như vậy. Đến tay nhân viên báo vụ, những thứ này còn phải biến tiếp, biến thành âm thanh tạch tè, ví dụ 1 biến thành tạch tè, 2 biến thành tạch tạch tè. Gọi là một chút kiến thức, tôi mạn phép liệt kê một vài ví dụ như sau:

1: tạch tè 

2: tạch tạch tè 

3: tạch tạch tạch tè tè 

4: tạch tạch tạch tạch tè

5: tạch tạch tạch tạch tạch

6: tè tạch tạch tạch tạch

7: tè tè tạch tạch tạch

8: tè tạch tạch

9: tè tạch

0: tè 

Đây là âm thanh, nghe thì như vậy. Nếu biến thành nét bút, thì như sau:

1: . ‐

2: . . ‐

3: . . . ‐ ‐

4: . . . . ‐

5: . . . . .

6: ‐ . . . .

7: ‐ ‐ . . .

8: ‐ . .

9: ‐ .

0: ‐

Nếu chúng ta dựng âm tè (‐) đứng lên (/) thì thế nào? Có thể thấy, 1234567890, theo phương thức mật mã morce để viết ra, thì là:

. / .. / . . . / / . . . . / . . . . . / . . . . / / . . . / . . / . /

Đây là in ấn, nhìn rất là quy củ, ngay ngắn, có lẽ không thể khiến bạn liên tưởng tới cỏ dại. Nhưng, chúng ta đều biết, phía trên đã nói rồi, quan hệ tạch tè là một với ba, nói chung là một ngắn một dài. Còn cỏ dại vốn trời sinh đã là cái dài cái ngắn, như lời cụ Phan nói: Mười ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, huống hồ là cỏ dại.

Cụ Phan chỉ đám cỏ dại trong bức tranh, xúc động nói với tôi: "Bây giờ thì cậu đã hiểu rồi chứ, đây không phải là cỏ dại, thực ra đây là một bức điện báo, là mật mã Morce, cỏ cao là đại diện cho tè (‐), cỏ thấp đại diện cho tạch (.)."

Tất nhiên là tôi đã hiểu rồi, không cần phải giải thích nhiều, hơn nữa với kiến thức chuyên ngành của mình, tôi có thể dễ dàng chuyển đổi cỏ dại trong tranh thành mật mã Morce, cụ thể như sau:

6643 1032 9976 0523 1801 0648 3194 5028 5391 2585 9982

Là một chuyên gia báo vụ hoạt động ngầm, năng lực nghiệp vụ của cụ Phan vượt xa người họ hàng làm báo vụ của gia đình tôi. Được biết, yêu cầu làm việc của một nhân viên báo vụ thông thường ở bưu điện là phải nhớ và viết thạo năm trăm chữ thường dùng, còn cụ Phan bảo hồi trẻ cụ đã nhớ được hơn hai nghìn năm trăm chữ rồi. Cho nên, căn bản cụ không cần phải tra cuốn giải mã, mà nhận ra ngay tại chỗ, nội dung của bức điện báo là:

Cấp báo, cần phải hủy ngay Quần Anh hội!

Theo tôi biết, ba mươi năm trước, mỗi lần ra bưu điện gửi điện báo, một chữ là 7 xu, mỗi ký hiệu và dấu tính là một chữ. Như bức điện này, tính luôn cả phí thủ tục cũng chỉ hết có hơn một đồng. Nhưng Lý Ninh Ngọc vì chuyển bức điện này ra ngoài, đã phải trả bằng cả tính mạng của mình. Đương nhiên, bức điện là vô giá.

Đến nay, cụ Phan đã không còn nhớ rõ ngày tháng cụ thể nữa, nhưng trong cuốn Bầu trời dưới lòng đất do cụ kể lại nhiều năm trước, Giáo sư Hà Đại Thảo biên soạn, Nhà xuất bản Thanh Thành, Thành Đô xuất bản tháng 7 năm 1995 có ghi lại, là đêm mùng 2 tháng 5 năm 1941, tức bốn ngày sau so với thời gian đã định, Đặc sứ của Chu Ân Lai, Lão K đã triệu tập cuộc họp tương tự tại nhà một người dân ở số 108 đường Vũ Lâm thành phố Hàng Châu. Trước giờ họp, tất cả các đồng chí tham dự bỏ mũ để một phút mặc niệm Lý Ninh Ngọc, bày tỏ lòng tôn kính tiếc thương đối với tinh thần cách mạng cao cả, mưu trí dũng cảm xem thường cái chết của cô!

* * *

Cuối cùng, hãy nói về đám người của Kawa Hihara.

Kawa Hihara tất nhiên không biết được những gì ở trên đã viết. Có thể tưởng tượng, khi Kawa Hihara đứng trước khu nhà trống, không một bóng người ở nhà khách Văn Hiên Các, hắn nhất định không thể tin vào sự thật trước mắt: hành động bắt bớ đã thất bại! Hay nói cách khác, Lão Quỷ đã chuyển được tin tình báo ra ngoài rồi! Nhưng ai là Lão Quỷ? Tin tức tình báo được chuyển ra theo cách nào? Kawa Hihara lúc đó đã không còn tâm tư để tìm hiểu nữa, tâm tư của hắn dồn hết vào bức mật thư do Tổng Tư lệnh Matsui trao cho hắn trước khi đi. Đây cũng là một bức mật điện, và chìa khóa để giải mã chính là thời gian, khi thời gian chưa đến chỉ có thể đoán, thời gian đến rồi mới có thể xem. Kawa Hihara mở bức mật thư ra xem, bên trong chỉ có một câu:

Giết nhầm là sai nhỏ, bỏ sót là lỗi lớn.

Tức là nói, ai thuộc diện tình nghi đều giết hết, miễn bàn luận.  Không có chứng cứ xác thực chứng tỏ rốt cuộc Kawa Hihara đã giết ai, nhưng theo tư liệu hồi ức của lính canh A nói, đêm hôm ấy Kawa Hihara đã rút hết lính gác và nhân viên trực ban, bố trí họ trở về doanh trại ngay trong đêm. Trước khi họ đi, thấy Tư lệnh Trương lặng lẽ đến ăn đêm cùng với Kawa Hihara. Lính canh A bảo khi anh ta trở về doanh trại thì phát hiện không thấy ví tiền đâu, nghi là để quên ở trong phòng, cho nên sáng sớm ngày hôm sau vội quay lại Cầu trang tìm ví, nhưng thấy cả hai Đông lầu và Tây lầu đều không một bóng người. Họ đi lúc nào, đi đâu, không ai biết. Sau này, ngoại trừ Cố Tiểu Mộng và Vương Điền Hương quay trở lại doanh trại ra, còn những người khác như Tư lệnh Trương, Kim Sinh Hỏa, Thư ký Bạch, Tham mưu Trương (béo) và một chiến sĩ phụ trách nghe trộm đều đi đâu không biết, giống như bốc hơi khỏi thế gian này. Tên lính canh A cho rằng, những người ấy đều đã bị Kawa Hihara giết hết, anh ta còn suy đoán sau đó Kawa Hihara cũng bị ám sát, có thể là thân hữu của những người bị Kawa Hihara giết hại đã ám sát hắn.

Cụ Phan thừa nhận không biết nhiều về Kawa Hihara, nhưng khi nói đến chuyện Kawa Hihara bị ám sát, mắt cụ vằn lên lòng căm hận, hùng hồn nói với tôi: "Mùa đông năm ấy, trong thành Hàng Châu thường xuyên xuất hiện tin đồn liên quan đến Kawa Hihara, đầu tiên là nói có người đã bỏ ra mười vạn đồng bạc (đồng tiền của Trung Quốc ngày xưa), mời lực lượng trừ gian ám sát hắn, lại có người nói treo thưởng là hai mươi vạn đồng bạc. Có một hôm, tất cả các tờ báo ở Hàng Châu đều đăng tin Kawa Hihara bị ám sát ở Tây Hồ, thi thể vứt trước cửa miếu Nhạc Phi, chân tay bị cắt rời, mắt bị khoét, bị giết hết sức thế thảm, hả hê lòng người."

Còn về chuyện ai giết thì có rất nhiều cách nói, có người thì nói là do đồng chí hoạt động bí mật của ta giết, có người nói là do đội trừ gian Trùng Khánh giết, có người bảo là do cấp dưới của Tư lệnh Trương và Ngô Chí Quốc giết, có người còn bảo là do Cố Tiểu Mộng bỏ tiền thuê sát thủ chuyên nghiệp giết, nói chung là loạn hết cả nên, không giống nhau nhưng cũng đủ loại giả thiết. Cho nên, câu chuyện Kawa Hihara bị giết, do quá sinh động li kỳ nên giống như một truyền thuyết, vượt qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian Hàng Châu.

Tôi rất tiếc vẫn chưa tìm được Cố Tiểu Mộng. Nghe nói cô ấy vẫn sống, đang ở Đài Loan, con cái rất khá. Trong đó, có một con trai là tỷ phú nổi tiếng Hồng Kông, vào những năm 90 của thế kỷ trước thường xuyên hoạt động tại Đại Lục, đầu tư rất nhiều tiền của, có quan hệ rất tốt đẹp với các quan chức cấp cao. Tôi cũng từng có lần qua sự giúp đỡ của bạn bè, liên lạc với thư ký của cậu ấy, hy vọng có thể đến Đài Loan gặp Cố Tiểu Mộng một lần. Thư ký của cậu ấy chưa hỏi tôi vì sao đã dập máy, thái độ rất dứt  khoát nên tôi biết mình chẳng còn hy vọng. Theo tư liệu tôi có để suy đoán, Cố Tiểu Mộng năm tới sẽ làm lễ thượng thọ 85 tuổi, thôi thì ở phương trời xa xôi kính chúc bà sống lâu trăm tuổi, hưởng phúc dài lâu!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #phongthanh