CHƯƠNG HAI
Lúc này tôi đang ở Cầu trang. Cầu trang trước kia nay là bảo tàng Nghệ thuật Trà của Chiết Giang, bên trong có một nhà khách mini, với tiện nghi theo kiểu những năm tám mươi thế kỷ trước, dùng chung nhà vệ sinh và phòng tắm, muốn dùng nước sôi tự xách phích xuống phòng đun nước để lấy. Phòng khách có hai loại phòng ba người và phòng hai người. Tôi thuê một phòng hai người, mỗi đêm một trăm đồng. Đây là lần thứ năm tôi đến Cầu trang, trước đây chỉ là tới ngắm, còn thuê phòng để ở thì mới lần đầu tiên.
Như được Tây Hồ che chở, Cầu trang đã tránh được bom đạn chiến tranh và những lần phá bỏ qua các thời kỳ khác nhau, đến nay cơ bản vẫn còn giữ được nguyên khuôn viên và cấu trúc ban đầu, mang kiến trúc của thời Minh Thanh, những cây cổ thụ cao vút, những phiến đá lát đường, những khóm bương xanh tươi thoang thoảng mùi hương, những cây thủy sam vươn lên thẳng tắp... Chỉ có điểm khác trước là những bức tường cao bao quanh đã được thay thế bằng hàng rào sắt thoáng hơn. Đi vòng quanh theo hàng rào, bạn sẽ phải ngưỡng mộ vị trí đắc địa tuyệt vời của Cầu trang, phía Tây giáp miếu Nhạc Phi, phía Đông gần cầu Tây Linh, dựa lưng vào Sơn, mặt trước là Hồ, khiến cho người ta có cảm giác vừa như ở vùng núi xa xôi, vừa như trên mặt hồ mờ sương, vừa lấy hết vẻ đẹp thanh bình của sông núi, vừa lánh xa sự ồn ào náo nhiệt của đô thị... Có thể hình dung, những người sống trong khuôn viên hào hoa sang trọng như vậy, hiển nhiên là những người kiệt xuất.
Nhưng chưa hẳn đã là vậy. Nghe nói, ông chủ cũ của Cầu trang trước đây vốn là một tên thổ phỉ dựa vào vùng núi hiểm trở để cướp bóc. Đầu thế kỷ trước, khi chiến tranh bùng nổ ở vùng Giang Tô và Chiết Giang, thành Hàng Châu loạn lạc do chiến tranh, lão thừa cơ xuống núi, cướp của mua đất, dựng lên cái ổ đáng giá ngàn vàng này. Người có khả năng dựng lên được một khu trang viên như vậy, không cớ gì không mua được một chức quan? Chuyện vặt.
Thế là lão "lắc thân hô biến", đội lên đầu chiếc mũ quan. Trên danh nghĩa là quan, ăn lương làm quan, những lão vẫn ngấm ngầm câu kết với bọn xã hội đen thuộc Thanh bang, giết người cướp của, trộm cướp tài sản. Thổ phỉ vẫn là thổ phỉ, sao có thể thay đổi được bản chất xấu xa của bọn người này. Cứ như vậy, công khai và ngấm ngầm cùng kết hợp, trắng đen cùng câu kết, chẳng mấy chốc lão trở thành một tên ác bá giàu có trong thành Hàng Châu, sống một cuộc sống vô cùng sa đọa và tàn nhẫn độc ác. Sa đọa cũng chẳng là gì, tiền của lão nhiều vô kể, sau khi làm quan ăn trắng ăn đen khỏi cần nói, chỉ cần tiền mà lão xuống núi cướp bóc được cũng đủ cho tám đời nhà lão ăn chơi sa đọa. Nhưng độc ác tàn nhẫn thì khác, những người tàn nhẫn độc ác chưa hẳn muốn là có thứ ấy.
Quả đúng như vậy. Một đêm đầu mùa đông năm 1933, lão cùng vợ, con nhỏ và người hầu, tất cả bốn người đi xem kịch Mai Lan Phương từ Thượng Hải trở về, trên đường lão và cả nhà bị bọn áo đen bịt mặt giết chết hết trong toa xe đã bao riêng, gây kinh động một vùng, các tờ báo của Hàng Châu và Thượng Hải đều đăng tin này trên trang nhất. Nhưng công tác điều tra vụ này, Cục cảnh sát Hàng Châu và Thượng Hải lại đùn đẩy cho nhau, khiến cho hung thủ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Sinh thời chắc chắn lão đã gây ra nhiều vụ giết người dã man, đây có thể coi là sự báo ứng với lão.
Nói là lão chứ thực ra vẫn chưa già, khi bị giết lão mới khoảng năm mươi tuổi, con cái đều còn bé. Lão có tất cả sáu đứa con, ngoài đứa con nhỏ gặp họa, lão vẫn còn lại ba con trai và hai con gái. Con gái lớn đầu lòng, đã lấy chồng, trước khi xảy ra đại họa đã vừa theo chồng sang Nhật Bản, muốn về lo liệu hậu sự cho cha mẹ cũng đành chịu. Con trai cả của lão hai mươi ba tuổi, dáng cao ráo và rất có phong cách đàn ông, nhưng lại thiếu từng trải và kinh nghiệm trường đời, quan hệ còn chưa có, mọi ngóc ngách công việc còn lạ lẫm, xảy ra chuyện lớn như vậy đúng là không lo liệu nổi. Đứa con trai thứ hai là thằng đần ngu dốt, mười hai tuổi rồi mà vẫn không biết đếm trứng gà, không thể trông cậy được gì. Vì vậy, sau vụ này Cầu trang loạn hết cả lên, đám lâu la trong nhà mọc ra hai tên nghịch tặc, chôm hết những bức họa tự và đồ châu báu đáng giá trong nhà bỏ trốn. May mà lão quản gia là người trung thành, giúp đỡ đứa con cả gánh vác việc nhà, ổn định gia cảnh.
Nhưng vấn đề đau đầu của ông chủ Cầu trang mới hiện nay là cha ông ta không gửi một xu nào trong ngân hàng.
Là thổ phỉ, tiền trong mắt hắn là vàng bạc của cải, châu báu đá quý, không phải là tiền giấy. Lão thường nói với mọi người, tiền giấy thời loạn không gọi là tiền, mà gọi là giấy, một mồi lửa là cháy sạch, thành tro bụi bay khắp nơi, không còn nguyên xác. Đây là kiến thức của bọn thổ phỉ, cũng không phải là không có lý. Cho nên, khi còn sống, lão tìm mọi cách đổi tiền giấy thành vàng bạc châu báu. Những người xung quanh lão, là người thân hay người làm, đều từng nhiều lần nhìn thấy lão mang vàng thỏi bạc nén về nhà. Nhưng cuối cùng những thứ này lão cất giấu ở chỗ nào thì chẳng ai biết, những người biết thì chết cả rồi, không kịp để lại bất kỳ lời dặn dò nào.
Làm thế nào? Chỉ còn cách phải tìm!
Đương nhiên, tìm được thì tốt. Ngay cả thằng hai đần độn cũng biết rằng, chỉ cần tìm được nơi cất giấu vàng của cha, bọn chúng vẫn là những người giàu có trong thành Hàng Châu. Hay nói cách khác, thế hệ mới của gia đình họ Cầu muốn quay trở lại sống cuộc sống xa hoa ngày xưa, không có cách gì bằng việc tìm thấy kho báu của cha. Thằng lớn đang suy nghĩ như vậy, trong đầu chỉ ngập tràn suy nghĩ tìm kho báu. Tìm ngày, tìm đêm, tự mình tìm, mời người đến tìm, vậy mà đã mấy năm trôi qua, vẫn chẳng tìm được gì.
Từ trong cả đống tài liệu và những câu chuyện trong dân gian, tôi dễ dàng đưa ra kết luận: Thằng lớn quả thật là không có phúc. Nó có học và có cả mớ kiến thức, nhưng không gặp may và có phúc phận. Nó là nhân vật kiểu bi kịch, tìm kiếm kho báu đã làm lỡ mất cuộc đời của nó. Nhưng cho đến khi giặc Nhật đến chiếm Hàng Châu, chiếm Cầu trang, nó cũng chẳng tìm ra được manh mối gì. Đúng là dã tràng xe cát, của cải vẫn nằm trong bí mật, ở phương xa, trong tưởng tượng, ở phía sau nguyện vọng, ở phía bên kia tấm kính, ở trong không khí mà những con mắt khát khao muốn nhìn thấy...
* * *
Tháng 12 năm 1937, quân Nhật đánh chiếm Hàng Châu. Trước đó, lực lượng phòng thủ đã rút hết, cả thành Hàng Châu được dâng cho giặc. Chiến tranh Thượng Hải đã khiến Tưởng Giới Thạch đau lòng, binh hao tướng tổn, nguyên khí tổn thương, Tưởng Giới Thạch đã không còn dám giáp mặt chống trả nữa. Thế là tìm mọi cách rút lui. Rút lui. Để rút lui thành công, chính quyền quân Tưởng thậm chí không tiếc cho nổ cây cầu lớn bắc qua sông Tiền Đường vừa mới được xây dựng xong chưa lâu.
Ầm! Ầm! Ầm!!!
Đây là tiếng nổ duy nhất nghe thấy kể từ khi giặc Nhật đánh chiếm thành Hàng Châu.
Trước khi giặc vào thành, nhiều chuyện không rõ ràng, do cẩn thận và sợ hãi, những người có tiền nắm được tình hình đều đã bỏ đi. Sau này, những người này "thuận gió chèo thuyền" trở về. Họ rất nhanh nhạy với thông tin, tay chân cũng rất nhanh nhẹn, cần đi sẽ đi, nên về là về. Cho dù chủ nhân không về được, ít nhất cũng sẽ có đầy tớ về, thay chủ nhân trông coi gia sản, tránh tình trạng người đi vườn không nhà trống, bị giặc Nhật bá chiếm. Cầu trang chính là như vậy, khi mấy anh em nó về thì thấy trang viên đã bị bọn giặc Nhật chiếm rồi!
Kỳ thực, khi đó xung quanh Tây Hồ có rất nhiều khuôn viên nhà giàu, nếu nói đến danh phận và hào khí, như Lưu trang, Quách trang, Uông trang, Dương Công quán, Khúc viện, Liễu viên đều trên Cầu trang. Ngay cả Du lầu ở sát bên cạnh, mặc dù không đồ sộ bằng, nhưng nó là khu nghỉ ngơi trong những năm cuối đời của Du Việt, một đại học sĩ cuối đời nhà Thanh, so với Khúc viên ở Tô Châu, có giá trị văn hóa lịch sử hơn, tài sản vô hình lớn hơn. Những hào môn đại viện này, nhờ vào linh khí của trời đất Tây Hồ mà đều tránh được những đợt oanh tạc của máy bay giặc Nhật. Giờ đây, nhiều trang viên đẹp như vậy, tại sao giặc Nhật không chiếm, mà chỉ bá chiếm mỗi Cầu trang?
Tưởng như không thể hình dung nổi. Kỳ thực vấn đề là ở chỗ Cầu trang có báu vật, của cải chưa tìm thấy. Kho báu bị chôn vùi đã lâu, những người trong nhà tham gia tìm kiếm kho báu ngày càng đông, tin tức từ đó mà dần lan rộng. Một đồn mười, mười đồn trăm, sau đó người hơi có chút quen biết dường như cũng biết. Nhiều người biết như vậy, thì làm gì có chuyện bọn giặc Nhật không biết? Có giặc Nhật là có Hán gian, Hán gian tìm cách lấy lòng giặc Nhật. Dù chỉ là lấy lòng, tránh sao được thêm mắm dặm muối, khiến giặc Nhật ngỡ rằng Cầu trang là một mỏ vàng, ngay lập tức phong tỏa Cầu trang. Nói trắng ra, giặc Nhật bá chiếm Cầu trang, chính là muốn tìm kho báu.
Có họa cùng gánh thì đã đành, đằng này lại chỉ ức hiếp mình nhà ta thì chịu sao nổi. Nuốt không nổi cục tức này. Ức hiếp người quá đáng! Thằng lớn bỏ đi, đi tìm chính quyền lâm thời do giặc Nhật dựng lên (Duy trì Hội) để tố cáo. Kết quả, không những tố cáo không thành, còn bị người ta bóc mẽ, khiến nó phải nhục nhã ra về. Bên cạnh bọn giặc Nhật có biết bao nhiêu là Hán gian, lật tẩy bao chuyện thâm cung bí sử của nhà họ Cầu, sau đó hùng hồn đưa ra hai lý do bá chiếm: Một là ông chủ cũ của Cầu trang xuất thân là thổ phỉ, dựa vào cướp bóc để dựng lên Cầu trang, tịch thu là xứng đáng, điều này là theo cái lý cướp của dân phải trả về cho dân; hai là ông chủ mới của Cầu trang không theo con đường chân chính, kinh doanh phi pháp, bại hoại thuần phong mỹ tục của dân, hậu họa khôn lường, cần phải thay thế. Nói đúng thực tế, không thể bác bỏ. Nhất là điểm thứ hai, người Hàng Châu hồi đó đều biết, phố lớn ngõ nhỏ đều bàn tán xôn xao: Cầu trang đang bán thịt. Có nghĩa là làm nhà chứa. Mang danh nhà chứa là rất ô uế, nhưng công bằng mà nói, Cầu trang không đáng phải chịu tội danh này. Cầu trang thực sự tiếp quản nhà chứa cũng chỉ được vài tháng, trái lại nhà chứa đã được mở nhiều năm nay rồi.
Chuyện là như thế này, trong Cầu trang có một quán trà quán rượu, gọi là Trà Tứ tửu lầu, ở sân trước. Ban đầu ông chủ Cầu trang mở quán này với ý đồ không phải bán rượu, mà để trá hình cho lão hành sự phi pháp. Lão lấy đó làm chỗ tụ tập bạn bè, lôi bang kết phái, ám sát những kẻ chống lại mình, giết người cướp của. Trà Tứ tửu lầu chẳng qua chỉ là danh nghĩa, thực chất là nơi chứa chấp bọn cướp. Nhưng dù gì cũng đã rêu rao nhiều năm rồi, bên ngoài biết tiếng, lại nằm ở mặt đường ven hồ, nếu chuyên tâm kinh doanh cũng có thể kiếm ra tiền. Khốn nỗi hai tên người hầu nghịch tặc làm loạn, cuỗm đi không ít đồ, muốn làm ăn trở lại thì phải sắm sửa đồ đạc bổ sung. Tìm kiếm kho báu thất bại, lấy đâu ra tiền nhàn rỗi mà làm ăn? Thêm vào đó là ông chủ mới đã quá mệt mỏi với chuyện tìm kho báu, cũng không còn tâm trí đâu gây dựng lại, đành bỏ mặc đấy. Có người muốn thuê lại, ban đầu trang chủ mới không chịu, vì khi ấy nó còn ôm mộng tìm thấy kho báu. Đương nhiên, chỉ cần tìm thấy được kho báu, người nhà họ Cầu màng chi đến chút ít tiền nhỏ mọn ấy, mất mặt lắm! Sau đó, kho báu vẫn biệt vô âm tín, tài chính trong Cầu trang ngày dần cạn kiệt, thậm chí phải bán cả đồ đạc trong nhà để qua cơn túng thiếu, trang chủ mới chẳng cần giữ thể diện nữa, đồng ý cho người thuê Trà Tứ tửu lầu.
Người thuê họ Tô, cũng là kẻ khố rách, từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông ngoại là đầu bếp ở khách sạn Lầu Ngoại Lầu nuôi dưỡng. Khi mười tuổi còn đang mặc quần xẻ đũng đã chạy đi chạy lại giữa những khu thắng cảnh Tây Hồ, chuyên lừa bịp mà thành ra nổi tiếng, người trong vùng gọi hắn là Tô Tam Bì. Có nghĩa là thằng lưu manh. Tô Tam Bì không thể làm được công việc kinh doanh chân chính, chẳng mấy chốc đã biến Trà Tứ tửu lầu thành một nhà chứa nhộn nhịp, các tầng lớp quan khách lũ lượt kéo về, làm cho đầu đường cuối phố không ai không biết đến. Còn thu hút sự chú ý hơn cả Tô Tiểu Tiểu nằm dưới nấm mồ gần đó! Hồi đó, dân Hàng Châu bảo những người trong đó không gọi là người, vậy gọi là gì? Nữ thì gọi là gà hoang, nam thì gọi là dâm tặc. Một lũ đầu trâu mặt ngựa, nhậu nhẹt chơi bời, chẳng bằng loài cầm thú, khiến Cầu trang đảo lộn, tiếng xấu đồn xa, tiếng xấu đồn càng xa thì người đến càng đông. Kẻ khố rách Tô Tam Bì thấy chuyện làm ăn mỗi ngày phát đạt hơn, bắt đầu để ria, mặc đồ Tây sang trọng, con người thay đổi, khiến mọi người không còn nhớ bộ dạng lưu manh của hắn ngày xưa.
Điều khiến mọi người càng không ngờ đến là, mấy năm nay, Tô Tam Bì bắt đầu nghĩ đến chuyện mua lại cả trang viên ‐ có lẽ cũng muốn tìm kho báu, có thể thấy hắn đã kiếm được bao nhiêu tiền rồi. Việc này trái lại làm cho người nhà họ Cầu tỉnh ra: Tại sao không tự mình mở quán? Liền muốn thu hồi giấy tờ cho thuê. Đâu có thể thu hồi được? Như bây giờ, Tô Tam Bì có tiền có thế, làm sao chịu để cho mấy tên mất hồn các ngươi sai khiến? Nằm mơ! Không cho thuê vẫn cứ thuê, có gan thì đến mà đuổi ta đi!
Thằng cả có gan, nhưng sau khi dò la, đưa ra quyết định là không động đến. Thằng hai thì khỏi phải nói, chỉ là đồ bỏ đi, chẳng được tích sự gì cả. Thằng nhỏ thứ ba thì cũng không trông mong được gì, thằng con trai giả được ma nữ đầu thai, da mềm đến mức có thể véo ra nước, nhát gan đến ngay cả một con gà cũng không dám giết, bảo nó đi đấu với Tô Tam Bì thì cũng chẳng khác gì thằng hai ‐ toàn thứ bỏ đi.
Đấy chính là cái thế của thằng cả, hai thằng em, một thằng thì đần độn, một thằng thì như hàng mã. Xét về thời thế, kinh tế trong nhà liên tiếp trong tình trạng nguy cấp, chỉ dựa vào bán đồ đạc trong nhà mới có thể giữ được thể diện, lấy đâu ra tiền mà đi lôi bè kéo cánh để tạo thế.
Trong hoàn cảnh hòa thế mà nguy cơ rình rập bốn phía ấy, thằng cả đã học được cách nhẫn nhịn và chịu nhục, ngay cả khi đứng trước mặt những kẻ lưu manh vô lại, ánh mắt như ngọn đuốc của nó cũng khó có thể phóng ra tia lửa căm phẫn.
Đâu có biết, thằng ba oắt con lại nghiến răng, mặt đỏ phừng phừng nói với thằng lớn: "Anh à! Chúng ta phải đuổi hắn đi!".
* * *
Trong gia đình họ Cầu, thằng ba là một đứa lạ lùng. Biến giống. Độc ác.
Nghe nói, trên thằng ba vốn còn có một chị hai, lúc ba tuổi mắc bệnh chết. Mọi người đều nói trông nó rất giống người chị hai đã chết, từ nhỏ đã yếu ớt nhiều bệnh, tính tình quái đản, không thích gần gũi với người nhà, suốt ngày thích ở cùng với bọn người hầu, rất thân thiết. Căn bệnh khiến đứa chị chết chính là lây bệnh lao từ một người hầu mắc bệnh. Thằng ba đi theo vết xe đổ của chị nó, thậm chí còn tệ hơn, đến mức sữa của mẹ đẻ nó cũng không thèm bú. Nó không bú sữa mẹ được, bú được chút nào, nôn ngay chút ấy, giống như uống thuốc độc vậy. Vì thế, còn suýt nữa bị chết ‐ chết bởi sữa mẹ! May mà chỉ là thiếu chút nữa, chứ nếu không lại thành chuyện trong thiên hạ. Bất đắc dĩ, chỉ còn cách mời một bà vú nuôi, chuyên cho nó bú. Lại thêm chuyện lạ đời nữa, nó bú sữa của vú nuôi không cai được, làm thế nào cũng không cai được. Xoa ớt lên đầu vú, cay đến mức làm cho mặt nó đỏ như hòn than, lưỡi sưng vù, nó vẫn không chịu cai sữa; vẽ lên hai vú của vú nuôi hình ma mặt quỷ rùng rợn, nó sợ kêu ầm lên, mơ thấy ác mộng, nhưng đói bụng rồi thì vẫn cứ phải bú, cứ như là nước sôi lửa bỏng nó cũng không ngại. Ép nó cai sữa, cai một lần, đổ bệnh một lần, hễ đổ bệnh là như muốn chết, sốt cao, nổi mẩn, nôn ra mật vàng. Cứ như vậy, không thể cai sữa cho nó được, đến tận sáu, bảy tuổi rồi vẫn phải cho nó bú hàng ngày. Nó lớn lên rồi, vú nuôi không bế nổi nữa thì nó đứng bú, kéo đôi bầu vú trắng như hoa của vú nuôi dài ra như cái túi đeo trước ngực, ai nhìn thấy cũng đều phì cười. Tám tuổi nó vào thành học, lại trốn về nhà, vì không rời được vú nuôi. Gần như nó không học tiểu học, sau đó nhảy lên học trung học cơ sở, thành tích tất cả các môn nó đều đội sổ ở trường. Chỉ có vẽ tranh (đây không phải là môn chính thức trong trường), thì lại giỏi hơn hẳn. Phàm những người nhìn thấy nó vẽ, đều nói nó có tố chất họa sĩ bẩm sinh. Thế là nó đi học trường Mỹ thuật. Lúc đó cha nó vẫn còn sống, nghĩ đến chuyện hậu thế của lão có nhà nghệ sĩ vẩy mực vẽ tranh, vẫn thường cười nghiêng ngả. Lão coi thằng ba như một đứa con gái, chẳng hy vọng gì. Có ý là nuôi nó công toi, không nên cơm cháo gì cả.
Vì là nhờ một tay vú nuôi nuôi lớn, nó không thân thiết với người nhà, ngay cả đám người hầu cũng có phân biệt đối xử với nó. Nếu không, sao không gọi là Tam thiếu gia, mà lại gọi là thằng ba chứ? Là có nguyên cớ cả. Khi cha mẹ nó chết, cả nhà ai cũng khóc muốn chết đi sống lại, duy chỉ có nó, mới mười sáu tuổi, nhưng lại tuyệt tình giống như ông già sáu mươi mốt tuổi, không hề rơi một giọt nước mắt nào. Nói là nó hận song thân bạc đãi nó, nhưng vì thế nó lại mọc tóc, mà là mọc tóc thông minh, như là rất thương nhớ song thân. Tóm lại, không thể hiểu nó là như thế nào nữa. Hơn thế, vốn dĩ nó thiếu sự mạnh mẽ của con trai, mọc tóc, chẳng ra nam chẳng ra nữ, càng mọc càng lộ rõ kiểu người chẳng âm mà cũng chẳng dương. Thế nhưng lại rất giống một nhà nghệ sĩ, mái tóc dài bồng bềnh, đôi mắt mơ màng, đeo giá vẽ, luôn hút theo ánh mắt mơ màng các cô gái hiện đại.
Thằng anh cả không muốn thấy bộ dạng nghệ thuật gia của nó, nhìn nó lại thấy phiền lòng, mỗi lần thấy nó là lại trào dịch vị đến tận cổ. Hắn thường nhìn hai thằng em vô tích sự rồi tự than thân trách phận, lại gặp phải con chó chầy bửa Tô Tam Bì, cũng đành tự than thân trách phận, không còn cách nào khác. Hổ lạc đồng bằng, không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận. Đâu ngờ tới, thằng ba lại không chấp nhận, đến gây sự với Tô Tam Bì, muốn đuổi hắn đi, cứ như nó xách trên tay không phải là giá vẽ, mà là một khẩu súng máy.
Thằng anh cả cảm thấy nực cười, nhìn thằng em, không thèm đếm xỉa gì đến nó và bỏ đi. Nói gì bây giờ chứ? Có nói thì cũng chẳng ích gì.
Thằng ba bước lên lên chặn anh lại, nghiến răng: "Anh! Chúng ta nhất định phải đuổi hắn đi!".
Thằng anh cả cố gắng kiềm chế tâm trạng chán ghét, nhẹ nhàng nói: "Đuổi thế nào? Mày vẽ một con hổ giấy đuổi hắn đi nhé?".
Thằng ba bảo: "Em sẽ đi lính".
Thằng anh nhìn mái tóc dài chấm vai gió thổi rối bời của em nó, cuối cùng không nhịn được nữa nổi giận hét lên: "Mày đừng làm phiền tao nữa có được không hả!". Dứt lời phủi áo bỏ đi. Đi được một đoạn xa, ngoảnh lại muốn văng thêm ra một câu khó nghe nữa, nhưng nghĩ thế nào lại thôi không nói gì, cứ thế bước đi.
Cách vài hôm sau, một buổi tối, thằng anh cả gặp thằng ba, bỗng giật thót mình, như gặp ma vậy. Thằng ba đi lính thật, chỉ trong một đêm mái tóc đen dài của nó đã cạo trọc, trên đầu đội mũ vải bạt vành cứng, vũ trang quanh người, hai con người khác nhau hoàn toàn: là người mà cũng là ma. Giống như con ma nửa âm nửa dương! Một mặt là đầu đội trời, có chút khí phách của bọn thổ phỉ và sự hăm hở của tà ma. Mặt khác là đôi mắt ướt át, ánh mắt luôn mơ màng, giống như kẻ tội nghiệp cô đơn bị đẩy tới đường cùng. Càng nguy hiểm hơn là, có lẽ là do hồi còn nhỏ nó ăn quá nhiều sữa, nên da vừa nhẵn vừa trắng, luôn khiến người ta có cảm giác như một thư sinh trắng trẻo. Cảm giác yếu đuối. Cảm giác sẽ hoảng sợ trước cơn nguy. Một người như vậy, cho dù có súng giắt ngang lưng thì thằng anh cả cũng không cảm thấy có một chút sức mạnh và an ủi nào. Hắn chỉ thấy tức giận! Cơn giận đang bốc cháy hừng hực! Cơn giận tưởng gan phổi đang bị nứt ra! Bởi vì mấy năm nay, nhà nó dựa vào bán đồ trang sức châu báu để cho nó ăn học, đến lúc sắp được mở mày mở mặt rồi, tốt nghiệp rồi, là thằng anh cả, hắn đã nhờ người, bỏ tiền, đã kiếm cho nó một công việc, cứ nghĩ như thế cuối cùng đã có thể giải quyết xong được một việc, không ngờ... đúng là loạn!
Đồ phá gia chi tử! Đồ bất hiếu!
Trong cơn thịnh nộ, thằng anh cả tát thằng em một cái bạt tai, mắng: "Sau này chuyện của mày tao mặc kệ!". Tiếng thét vang vọng trong đêm, kinh sợ như đã xảy ra án mạng.
* * *
Phải nói là đi lính rồi, được chu cấp, ăn mặc chẳng phải lo gì nữa, cũng chẳng cần ai trông nom nữa. Chỉ có điều đã làm cho thằng anh cả đau lòng, làm mất hết cả thể diện của người nhà Cầu trang. Người của Cầu trang sao lại đi lính cơ chứ? Nếu muốn thì phải làm sĩ quan ấy. Đừng sốt ruột, thằng ba đã học xong cao đẳng, có cơ hội và vận may thì làm sĩquan không thành vấn đề. Hơn nữa, còn có thằng anh cả, miệng nó mắng là mặc kệ vậy thôi, chứ nào có kệ cho được. Thằng ba trong lực lượng của Tiền Hổ Dực (Sư đoàn dự bị phòng thủ Chiết Giang thuộc Quân Cách mạng Quốc dân) đã lên đến chức Tiểu đội trưởng. Chức quan bé như hạt vừng, nhưng dù gì cũng là quan, đó cái ngưỡng buộc phải bước qua để sau này có thể lên làm đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng.
Nếu là trước đây, làm đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng hay trung đoàn trưởng gì đi chăng nữa, chỉ vài nén vàng hay vài đồng tiền vàng là có thể giải quyết được ngay. Hồi đầu, khi lão thổ phỉ xuống núi, làm quan đã nhận ngay chức Sở trưởng Sở điều tra (tương đương với chức Cục trưởng Cục Công an ngày nay). Nhưng bây giờ không phải là ngày xưa, giờ đây thằng ba muốn có chức quan to hơn một chút, vẫn chẳng có cách gì khả thi, bất đắc dĩ cuối cùng nó đành dùng hạ sách: Giới thiệu đứa cháu gái xinh đẹp của lão quản gia trung thành với Tiền Hổ Dực, làm người đàn bà của Tiền Hổ Dực, mà đổi lại cũng chỉ là chức Đại đội trưởng không hơn, đúng là nghiệt ngã. Nói tóm lại, mấy việc thằng ba làm đều là mất hết thể diện, khiến người ta cảm thấy gia đình họ Cầu thế là đã hết, mưu đã cùng, kế đã cạn. Duy chỉ có thằng khốn đuổi không đi Tô Tam Bì là đang ngấm ngầm cảm thấy một loạt những hành động bất thường, khác biệt của thằng ba như bỏ học đi lính, dâng gái cho cấp trên... là mối nguy cơ hắn sẽ bị đuổi đi.
Quả đúng như vậy, một buổi chiều, thằng ba xuất hiện trước mặt Tô Tam Bì với vũ khí trên người, nói dăm ba câu rồi đi thẳng vào vấn đề, muốn lấy lại quyền thuê Trà Tứ tửu lầu. Tô Tam Bì lúc này đã mua được thế lực của Tiền Hổ Dực, làm gì có chuyện sợ một thằng Đại đội trưởng nhãi nhép? Hắn nói với giọng điệu quái đản: "Thằng nhãi ranh này, nếu muốn xin ít tiền lẻ tiêu vặt thì không hề gì, còn muốn đòi nhà thì đừng hòng. Không tin mày cứ về hỏi ông anh Hổ Dực của chúng ông xem, ông ấy đồng ý hay không đồng ý? Này, mày mới chỉ dâng cho ông ấy được một con đàn bà, ông đây dâng lên cả tá rồi, đủ mười hai thứ, trắng đen gầy béo có đủ, mày nói xem ông ấy liệu có đồng ý không?".
Hắn gọi Sư trưởng Tiền là ông anh Hổ Dực, thế mà hay, khiến cho bản chất lưu manh của Tô Tam Bì thêm uyển chuyển hơn. Tô Tam Bì hôm nay, có tiền có thể sai ma khiến quỷ, không chỉ có thể gọi huynh xưng đệ với Sư trưởng, ăn nói cợt nhả, còn ra chiều văn vẻ.
Tô Tam Bì là một tên nham hiểm, hắn cười mà bung đầy dao, không ngờ thằng ba rút dao ra thật, là một con dao găm hình trăng non. Con dao lôi ra từ đáy cái túi vũ trang đeo sát ngực, thân dao ngắn, sống dao dày, hơi cong giống như ngón tay cái chĩa ra. Thằng ba múa con dao găm trong tay một cách điêu luyện, cuối cùng mũi dao găm với ánh sắc lạnh chĩa về phía Tô Tam Bì.
Tô Tam Bì thấy thế lùi lại một bước, quát: "Mày định làm gì!".
Thằng ba lạnh lùng nói: "Tôi chỉ muốn sự công bằng, trả lại nhà của chúng tôi cho chúng tôi".
Tô Tam Bì hạ giọng chọn một câu dễ nghe nói: "Trả à? Ai cướp của mày đâu! Chẳng phải là tao thuê đó sao? Thuê hết thời hạn, tao khắc trả lại mày".
Thằng ba bảo: "Tôi muốn ông trả ngay bây giờ".
Tô Tam Bì nói: "Nếu không thì sao?".
Thằng ba vung con dao lên: "Vậy thì chỉ còn cách tôi buộc ông phải trả".
Tô Tam Bì nghĩ là thằng ba ra tay thật, vội vàng vớ lấy một cái ghế, chuẩn bị chống đỡ. Thằng ba lại cười bảo hắn không cần phải căng thẳng như thế: "Ông sợ gì chứ? Tôi không làm hại ông đâu. Giờ ông là anh em với Sư trưởng Tiền của chúng tôi, làm sao tôi dám làm hại ông? Ông bị hại rồi, bộ quân phục tôi đang mặc trên người đây chẳng lẽ không bị cởi bỏ sao. Hơn nữa", thằng ba vỗ bao súng, "nếu tôi muốn hại ông thì cần gì phải dùng đến dao, dùng súng nhanh gọn hơn nhiều, rút súng ra, bóp cò một cái, đoàng! Ông sẽ biến ngay thành con mèo chết, dù có vài cái mạng thì cũng phải đi gặp Diêm Vương thôi".
"Mày dám!" Nói đến Tiền Hổ Dực, Tô Tam Bì thấy vững tâm hơn, giọng điệu cũng cứng rắn hơn. "Không dám!" Thằng ba thản nhiên thừa nhận nó không dám. Thế nhưng, tiếp đó nó nói thêm: "Cũng không phải là không dám, chủ yếu không đáng, không đáng phải như vậy". Nó nghiêm túc giải thích với Tô Tam Bì: "Ông nghĩ xem, nếu như tôi giết chết ông, tôi sẽ mang tội giết người, sẽ bị bắn chết, như vậy chẳng phải là cùng ông đi đến chỗ chết hay sao, có đáng không? Chỉ vì một chuyện nhỏ, lấy đi mạng sống của hai người, nói thế nào thì cũng không đáng".
Nói đoạn, thằng ba đưa tay trái ra, thu lại mấy ngón tay ngay trước mặt một cách điệu nghệ, chỉ chừa lại một ngón tay út, nheo mắt nhằm vào ngón tay út nói: "Chuyện vặt vãnh như vậy, đáng lắm cũng chỉ bằng ngón tay út, mà là bằng ngón tay út của tôi, chứ không phải ngón út của ông". Nó thừa nhận cái gì của Tô Tam Bì bây giờ cũng quý giá hơn của nó, ngay cả bãi đờm khạc ra cũng thơm hơn nó, giống như vậy ngón tay út của Tô Tam Bì cũng đáng giá hơn ngón tay út của nó rất nhiều, chuyện vặt vãnh mà nó đến bàn bạc với Tô Tam Bì hôm nay chỉ đáng bằng đầu ngón tay út của nó thôi.
Ngón tay út của nó cô độc vênh mãi lên, để mũi dao nhọn chỉ tới chỉ lui, với bộ dạng châm chọc. Nhưng chẳng ai ngờ rằng, thằng ba lại xử tàn nhẫn với ngón tay út của nó như thế ‐ nó kê ngón tay út của mình lên mép bàn, dùng con dao găm chỉ to như ngón tay cái, gại gại lưỡi dao rồi giống như thái một ngọn măng, chặt đứt một phần ba ngón tay út. Đoạn ngón tay út bị cắt rời ra của nó không hề co giật giống như một số người nói, mà giống như ngọn măng, không hề động đậy, máu cũng chảy rất ít. Thằng ba hình như hơi thất vọng, ánh mắt chán ghét nhìn đoạn ngón tay bị chặt đứt, dùng mũi dao khẽ gẩy đoạn ngón tay như mẩu thuốc lá về phía Tô Tam Bì.
Tô Tam Bì cúi người xuống tránh được. Sắc mặt hắn tái nhợt lộ vẻ sợ hãi, giọng điệu cũng không giữ được bình tĩnh. Hắn kinh sợ hét lên, như một mụ đàn bà đanh đá bị một tên lưu manh bóp vú: "Người đâu! Người đâu mau ra đây!".
Đám người làm rầm rầm chạy lên tầng, nhưng bị thằng ba chặn lại trước, nó giơ ngón tay vừa bị cắt be bét máu lên, nghiêm giọng quát: "Mau mang rượu ra đây!".
Lũ người làm thấy vậy, chẳng biết thế nào, cứ nghĩ là ông chủ của chúng gọi "người đâu" là vì việc này, vội vàng quay ngược xuống lầu, mang lên một bát rượu trắng cực mạnh. Thằng ba nhúng nửa ngón tay đầy máu vào bát rượu, giống như nhúng tay vào chảo dầu sôi, có thể tưởng tượng được đau đớn đến mức nào, trán nó lập tức rịn đầy mồ hôi. Nhưng chỉ có vậy, không còn phản ứng nào khác, không nghiến răng, không kêu đau, không trợn mắt, không nhíu mày, còn cười hì hì trêu bọn người làm: "Tôi muốn cùng với ông chủ Tô các người cắt máu uống rượu kết bạn". Đám người làm ngu ngốc tin đấy là thật, liền thi nhau chúc mừng ông chủ, khiến Tô Tam Bì tức muốn chết, quay sang mắng lũ người làm: "Cút", hắn cũng cất bước, chuẩn bị chuồn.
Thằng ba để cho đám người làm đi rồi chặn ông chủ của bọn chúng lại: "Ông cứ thế mà đi à, vậy thì ngón tay của tôi bị cắt đứt một cách vô nghĩa sao. Lẽ nào ông thực sự nghĩ rằng tôi chỉ biết cắt đứt ngón tay của mình thôi sao?". Tô Tam Bì không chấp, lách qua tìm đường chuồn. Thằng ba liền rút súng ra, nhanh như tên tiến lên một bước, tỳ họng súng vào gáy hắn nghiêm khắc cảnh cáo: "Nếu mày dám bước ra khỏi cánh cửa này, ông đây sẽ bắn què cái chân chó của mày, sau đó khoét đôi con ngươi chó của mày, khiến quãng đời còn lại của mày sống chẳng bằng chết! Không tin mày cứ thử xem!".
Đến đây thì đúng là không thể thử được, hắn đã gặp một thằng điên thật rồi, người điên còn khó đối phó hơn cả chó dại. Tô Tam Bì khựng lại, không dám dấn thêm bước nào về phía trước nữa. Hắn khuyên thằng ba bỏ súng xuống, có gì thì nói chuyện tử tế với nhau. Đợi khi thằng ba bỏ súng xuống thật, thì hắn lại không hề tử tế chút nào, một mực yêu cầu, thuê thêm một thời gian nữa, một năm không được thì nửa năm, nửa năm không được thì ba tháng, ba tháng không được thì một tháng.
Thằng ba nhận định chuyện này để lâu đêm dài lắm mộng, cần phải đánh nhanh thắng nhanh, cho nên nói dứt khoát: Hôm nay phải đi, không đi thì sẽ chết!
Năm nay, thằng ba mười tám tuổi, với người ngoài, dáng nó không cao to, khỏe mạnh, lời nói không có trọng lượng, làm việc cũng chẳng ra làm sao, còn đôi mắt thì lúc nào cũng mơ màng mông lung, giống như một đứa con gái không màng thế sự, lấy đâu ra bản tính ác độc thế này? Không thể, nói thế nào thì cũng không thể. Thế nhưng, lúc này đây, thời khắc này đây, Tô Tam Bì nhìn vào họng súng đen ngòm trên tay của thằng ba, trong lúc hoảng hồn ngỡ rằng lão chủ cũ của Cầu trang đã sống lại. Bọn lưu manh có thể coi công danh là những thứ rác rưởi, nhưng lại vô cùng coi trọng mạng sống. Thằng ba cắt một ngón tay đặt cược với tính mạng của hắn, Tô Tam Bì nghĩ mà cảm thấy sợ. Lưu manh dù gì cũng vẫn là lưu manh, gây rối làm loạn thì chẳng biết sợ chi hết, đến khi thực sự đùa với mạng sống thì lại vô cùng nhát gan. Tối hôm ấy, hắn thu dọn tài sản, ôm theo nỗi nhục, ném lại một rổ những lời khó nghe, ra đi. Hắn đi tìm người anh em Sư trưởng Tiền, cứ ngỡ sẽ có thể quay trở lại được, không ngờ người anh em Sư trưởng Tiền chẳng thèm tiếp. Nói cho cùng, hạng người như Tô Tam Bì là đồ đốn mạt, không ai chấp nhận được, huống hồ bên cạnh Sư trưởng Tiền còn có đứa cháu gái ruột của lão quản gia, dù gì cũng có vai trò nhất định.
Đây là chuyện xảy ra vào tháng Chạp mùa đông năm 1936. Vài cây mai đứng sừng sững trên sườn núi phía sau Cầu trang, trong làn gió lạnh mùa đông, tỏa mùi hương thơm thoang thoảng đắm say lòng người đón mùa xuân mới, và dường như còn mang chút ý nghĩa chúc mừng vì Tô Tam Bì cuối cùng đã thất bại. Sau khi mùa xuân qua đi, cũng là thời kỳ ế ẩm nhất của nghề kinh doanh dịch vụ mua vui, cũng may, người nhà họ Cầu sử dụng thời gian nhàn rỗi này để chuẩn bị cho việc khai trương Trà Tứ tửu lầu. Chờ tới mùa xuân ấm áp, khắp nơi hoa nở, mọi việc đã sẵn sàng, thiên thời địa lợi nhân hòa, tửu quán bên ngoài sẽ lại chăng đèn đỏ, rượu trong, nhộn nhịp khách vào ra, tuy kinh doanh không được tấp nập bằng như hồi Tô Tam Bì còn đấy, nhưng cũng có thể thấy nó đang "nóng" dần sau mỗi đêm, đến mùa hè, độ "nóng" của nó cũng chẳng kém thời của Tô Tam Bì là mấy.
Có thể hình dung, cứ đà này, một Cầu trang suy yếu chắc chắn sẽ được vực dậy ngay thôi. Nhưng cảnh tượng tốt đẹp chẳng kéo dài được bao lâu, khoảng tháng Tám, giặc Nhật tới oanh tạc, ai nấy đều hồn bay phách lạc, làm gì có ma nào dám mò tới nhà chứa mua vui? Chết tiệt! Đến cuối năm, bọn giặc Nhật tiến vào thành, như đã nói ở trên, Cầu trang liền bị giặc Nhật chiếm, mất địa bàn, thì còn gì để nói nữa. Như vậy, thằng ba cắt ngón tay, trên thực tế chỉ đổi lại được có vài tháng tốt đẹp đáng thương, còn nhiều hơn là sự nhục nhã: chịu nhục thay người khác, mất nhà mất cửa, lại còn bị người đời cười chê... nỗi nhục rửa không sạch, nói không hết, khổ sở như thằng câm ngậm bồ hòn. Quả đúng như người đời vẫn nói: Thời vận không đến, dù là hào kiệt cũng chỉ trở thành chó má mà thôi.
Tóm lại, thằng ba cắt ngón tay là uổng công vô ích.
* * *
Sau khi giặc Nhật chiếm Cầu trang, chúng treo cờ của hãng cao dược màu đỏ đến chói mắt, cổng có lính da vàng canh gác. Nhưng trong khuôn viên Cầu trang rộng lớn là vậy lại không có lực lượng nào đóng quân, cũng không có yếu nhân quyền quý nào vào ở. Sống trong đó chỉ có một đôi vợ chồng quyền quý cao sang tuổi trung niên, đem theo vài người hầu hạ Chủ tớ cộng lại cũng chưa đến mười người, thêm cả lính canh cũng chỉ mười mấy người. Họ sống bên trong và ít giao du với bên ngoài, phần đông số họ hầu như chưa bước ra khỏi cổng, duy chỉ có ông chủ thỉnh thoảng dẫn vợ ra ngoài đi dạo, ngắm cảnh quanh Tây Hồ.
Ông chủ khoảng hơn ba mươi tuổi, đeo kính, luôn cầm quạt trên tay, mày thanh mắt tú, khiến mọi người thấy thật nho nhã, gặp ai hắn cũng tỏ ra rất lịch sự, gặp thơ có thể ngâm, thấy hoa có thể bình. Hắn thường đứng trước những câu đối, những bức tranh say mê ngắm, ra chiều thích thú. Có khi tức cảnh sinh tình, đứng bên hồ ngâm thơ thả tình, dáng vẻ thanh cảnh, nghiêm trang rất có phong cách của người xưa, có thể nhìn, có thể ngắm. So sánh một chút, cô vợ trẻ của hắn có phần tác quái, trên đầu luôn đội một chiếc mũ rộng vành, tay dắt con chó hung dữ to gần bằng con lừa, thường lườm người đi đường một cách vô cớ, mũi có vẻ khinh bỉ, đúng là kiểu cách của quân giặc cướp nước, rõ là chẳng có gì tốt đẹp về mụ. Cặp vợ chồng này từ đâu đến, thân phận thế nào, đến ở đây để làm gì ‐ vô vàn những câu hỏi, mà không ai biết, cũng rất khó để tìm hiểu. Bởi vì, người bên ngoài không thể vào được bên trong, bên trong thì lúc nào cũng yên tĩnh, cứ như chưa từng xảy ra chuyện gì, khiến người ta không thể đoán biết được điều gì.
Kỳ thực, trong cái yên tĩnh bề ngoài ấy, Cầu trang đã bị xới tung lên, nhất là khu phía sau, hai căn nhà kiểu Tây đã bị đào bới lung tung. Họ làm gì vậy? Đương nhiên là tìm kho báu rồi! Sở dĩ bọn giặc Nhật chiếm Cầu trang, mục đích cũng là tìm kho báu, có điều chúng cử tên sinh đến làm việc này, là để mọi người không thể ngờ đến. Có lẽ cũng là để bịt tai che mắt mọi người. Thư sinh ‐ tìm kho báu, phu thê ân ái ‐ chồng đạo vợ tặc, yên ắng thanh bình ‐ gà kêu chó sủa: những từ này có vẻ không ăn nhập với nhau, không có khoảng cách nhất định. Nhưng thứ bọn giặc Nhật cần chính là khoảng cách này, để anh không nhìn thấy, không nói được gì. Dù gì thì chuyện Cầu trang có kho báu ai cũng biết, bọn giặc Nhật nếu ngang nhiên ăn cướp, sẽ không có lợi cho cái gọi là chiêu bài thiết lập vành đai Đại Đông Á cùng phồn vinh của chúng.
Vậy mà, ngày lại ngày, tháng qua tháng, chẳng mấy chốc mà đã mấy tháng trôi qua, nhưng những nơi cần tìm đều tìm hết cả rồi, đào sâu ba thước để kiếm, vắt óc ra để tìm, những chỗ có thể đào đều đã đào, những chỗ có thể khoét cũng đều đã khoét: trên dưới mặt đất, trong nhà ngoài sân, giếng này rãnh kia, chân tường gốc cây, trong hang trong khe... chẳng có xó xỉnh nào chưa tìm kiếm, thế mà một sợi lông cũng không tìm thấy. Hình như lão già đã mang theo cả của cải châu báu xuống địa ngục rồi, thậm chí sau đó còn đưa cả mụ vợ đáng ghét của lão cùng xuống địa ngục.
Đó là chuyện sau Tết Đoan Ngọ[1] năm sau, là thời điểm nóng bức nhất, hai vợ chồng hắn thường cơm tối xong là dắt chó đi dạo quanh Tây Hồ, mặt trời lặn thì đi, mặt trăng mọc thì về. Buổi tối hôm ấy, trời nóng nực vô cùng, họ đi hóng gió, đi tới bờ sông Tiền Đường. Trên đường trở về, trời đã tối đen như mực. Đi đến một chỗ, bỗng từ một chiếc thuyền mui đen đang đậu ven hồ bốn tên sát thủ cầm đao xông ra, giơ dao chém liên tiếp về phía hai vợ chồng. Mụ vợ và con chó không kịp kêu đã ngã xuống đất, nhanh chóng trở thành oan hồn dưới lưỡi đao. Không ngờ người chồng, tướng mạo thư sinh nho nhã lịch thiệp, vậy mà với chiếc quạt giấy trên tay, đỡ trái chắn phải, khiến bốn lưỡi đao không thể chém vào thân, rõ ràng là người có võ công. Hắn vừa cố gắng chống đỡ, vừa kêu cứu, khiến cho bốn lưỡi dao càng hoảng không thể chém được hắn. Sau đó, hắn lùi dần đến mép hồ, cơ hội đã đến, hắn tung người lặn mất trong hồ, cuối cùng nhờ đêm tối, hắn đã thoát nạn.
[1] Tết mùng năm tháng năm âm lịch, ngày Tết truyền thống của Trung Quốc.
Sau đó phát hiện, vàng bạc nữ trang đeo trên người mụ vợ không mất thứ gì, chứng tỏ kẻ giết người không phải vì mục đích cướp của. Khám xét điều tra hiện trường, hình như trước khi tẩu thoát hung thủ đã kịp thu dọn hiện trường, không để lại dấu vết gì, chỉ tìm được một mảng da của hung thủ trong miệng con chó đã chết, có thể là ngay cả hung thủ cũng không ngờ tới. Nhưng mảng da không tên không họ, không thông linh tính, vừa không biết nói cũng không biết nghe, làm sao mà phá án được chứ? Không thể nào!
Không phá được án, giống như đang còn nuôi sát thủ, biết đâu sau này sát thủ dùng súng truy sát thì sao? Cho dù là có võ công số một thiên hạ cũng khó thoát thân... Nghĩ vậy, chịu sao nổi, cho dù là biết rõ sẽ tìm thấy khó báu, anh cũng không dám đem tính mạng ra đánh cuộc. Huống hồ mạng sống cũng vừa mới may mắn giữ lại được, nỗi kinh hoàng còn chưa hết, đâu dám thờ ơ. Bỏ! Bỏ! Bỏ! Việc tìm kho báu như vậy đã kết thúc, đám người lặng lẽ rời đi, giống như hồi đầu âm thầm tới.
Sau đó, Cầu trang chỉ còn là nơi nuôi ngựa. Ban đầu khi đám người đến, Cầu trang vẫn còn nào nhà nào vườn, chỗ nào cũng vương vấn hương thơm, còn giờ thì trong nhà ngoài vườn, chỗ nào cũng thấy đào khoét, thương tích đầy mình. Vì thế, tuy giặc Nhật đã bỏ đi rồi, cũng không thấy có người nào đến chiếm Cầu trang. Nhưng người đến xem thì rất đông, toàn là hạng quyền quý trong chính quyền ngụy và giặc Nhật. Nhưng nhìn thấy cảnh hoang tàn như vậy, chẳng ai có hứng thú chiếm Cầu trang làm của riêng cho mình nữa. Cuối cùng, chỉ có mười mấy con ngựa giống của Đại đội kỵ binh được lợi, chúng được sinh con đẻ cái trong một nơi hào hoa phú quý phái như vậy, dường như đồng nghĩa với việc thế hệ sau của chúng đã được định sẵn là phải ra chiến trường cống hiến xương máu.
Ngựa không tìm kho báu, nhưng phải ăn cỏ. Chỉ vài tháng sau, ngựa gặm trụi hoa cỏ trong vườn, thải ra hàng đống phân hôi thối. Từ đó, Cầu trang trở thành nơi ma chê quỷ hờn hôi thối nồng nặc, càng không có người để ý đến, chỉ thấy những chú ngựa đi ra đi vào, khiến người ta khó nhớ nổi sự vinh hoa phú quý của Cầu trang khi xưa.
* * *
Tháng 3 năm 1940, Uông Tinh Vệ thành lập Chính phủ ngụy Quốc dân tại Nam Kinh. Trước đó vài tháng, Tiền Hổ Dực danh nổi như cồn, báo lớn báo nhỏ đều đăng tên và chức vụ của hắn: Tư lệnh Tổng đội tiễu phỉ Hoa Đông. Có điều người Hàng Châu đều gọi hắn là Tiền Cẩu Vĩ. Vì hắn bán nước, mang quân từ trên núi xuống làm chó săn cho bọn giặc Nhật. Ai có thể nhịn được chứ thằng ba thì không. Thằng ba làm phản, nó vừa ăn trộm vừa cho nổ kho đạn của gã Tư lệnh chó má, đem theo hơn chục thân tín trốn mất tăm.
Từng là cấp trên của thằng ba, lại là người anh em của Tô Tam Bì, Tiền Hổ Dực hay Tiền Cẩu Vĩ đương nhiên biết bí mật Cầu trang có cất giữ kho báu, và tự tin có thể tìm thấy, vì hắn còn có Tô Tam Bì. Tiền Hổ Dực làm chó săn cho giặc Nhật, quan binh của hắn bỏ đi quá nửa, hắn dùng người cũng không quá cầu kỳ nữa, phàm là những ai tìm đến, hắn đều nhận hết, kể cả hạng khố rách áo ôm, trộm cắp thành nghề như Tô Tam Bì. Huống hồ, Tô Tam Bì còn vỗ ngực hùng hồn thề với hắn: Nhất định sẽ tìm ra của cải châu báu mà người nhà họ Cầu bí mật cất giấu. Cho nên, Tiền Hổ Dực nhậm chức không lâu liền phá bỏ sân nuôi ngựa, thu hồi Cầu trang về cho Tổng đội quân ngụy, bỏ tiền ra tu sửa, thực chất là để tìm kho báu: Vừa tu sửa vừa tìm kiếm, để tránh miệng lưỡi thế gian.
Kỳ thực, Tô Tam Bì chẳng biết cái chó gì cả, những lời thề thốt của hắn cũng chẳng có giá trị gì! Kho báu mãi chẳng thấy đâu, vì thế công việc tu sửa ngày một mở rộng, sửa toàn diện, sửa triệt để, cuối cùng ngay cả ngói tráng men trên nóc nhà cũng từng viên, từng viên được dỡ xuống, thay hết, cây cối trong vườn cũng nhổ dần từng gốc, nhổ chỗ này trồng chỗ kia: Cây ở sân trước đem trồng ra phía sau, cây ở phía sau đem về sân trước. Tu sửa mới lại hết rồi, không thể bỏ phí không sử dụng. Đương nhiên là sử dụng, phía trước làm nhà khách cho đám sĩ quan của Tổng đội quân ngụy, quán trà quán rượu có đủ cả. Hai căn lầu nhỏ phía sau, viên Tư lệnh quân ngụy chiếm làm của mình: Tây lầu làm nơi ở, cả nhà già trẻ lớn bé ở trong đó. Còn căn phía Đông là sử dụng công tư kết hợp, tầng trên là nơi mấy tay phụ tá Tư lệnh ở, tầng dưới là nơi chúng họp bàn mưu sự cơ mật và hành ác.
Cái gọi là hành ác không ngoài chuyện lộng quyền chơi gái. Lộng quyền rất phức tạp, vì thế phải nuôi phụ tá, còn chơi gái bây giờ là quá dễ dàng, thích lúc nào là được lúc ấy, vì gái sẵn ở nhà khách bên kia.
Trên thực tế, làm nhà khách đúng nơi từng là nhà chứa nổi tiếng một thời, chắc chắn là muốn khơi lại đống tro tàn. Rất nhanh, nơi đây lại có biết bao gái đẹp, tửu sắc ngập ngụa, sự nhơ nhớp của ngày xưa lại quay về. Điều khác với trước đây là hiện nay mang chút ý nghĩa nội bộ, khách làng chơi là những người mặc quân phục, súng giắt ngang lưng, người ngoài thường không dám bước vào, sợ tú tài gặp lính, nói lý lẽ không được ‐ có tiền cũng chẳng xong. Cùng là mặc quân phục, mang theo súng, nhưng cũng chia ra thành hai loại sợ và được sợ: Súng dài sợ súng ngắn, quân ngụy sợ quân Nhật. Quân Nhật thích tới đây, vào ra tấp nập, như vậy kể cả đem sự nhơ bẩn này báo tới tận Nam Kinh cũng chẳng sợ. Thế là, từ một nơi nuôi ngựa hôi hám, bẩn thỉu, trong nháy mắt trở nên nhộn nhịp, tấp nập, trở thành nơi ăn chơi nhảy múa thác loạn. Tiền Cẩu Vĩ thi thoảng cũng đi đi lại lại trong trang viên, ngắm nhìn, vẻ rất hài lòng. Hắn thấy Cầu trang đã mở ra cho hắn tiền đồ hướng về phía trước, bây giờ đã khá lắm rồi, tương lai sao có thể kém đi được?
Không trách thiên, chẳng trách địa, mà chỉ trách gã họ Tiền mạng ngắn như chó, hạng người không có cốt cách, không giữ nổi cái lộc làm quan to, hưởng không hết cái phúc của tuổi thọ. Ngày tháng dễ chịu của hắn vừa mới bắt đầu chưa lâu, nói chính xác là được một trăm hai mươi mốt ngày, cái kết của cuộc đời hắn đã tới tới trong một đêm tối đầy sát khí. Vụ án xảy ra trong đêm tối tại Cầu trang ấy, rất nhiều tư liệu lịch sử của Hàng Châu đều có ghi chép, tôi đã thấy ít nhất là ở mười mấy nơi, nội dung giống nhau đến rợn người. So sánh một chút, ghi chép trong Hàng Châu chí câu từ tinh tế, ngắn gọn mà ý sâu, không hổ danh tài cán của một nhà chép sử, xin trích một đoạn như sau:
Ngày 22 tháng giêng năm 1941, một đêm đông lạnh giá, không trăng không sao gió lạnh ghê người. Phía sau Cầu trang, hai lầu Đông Tây đều bị đột nhập. Chín người già trẻ gái trai nhà Tư lệnh Tiền Hổ Dực, cùng với hai tên phụ tá thân Nhật do Tiền bí mật nuôi dưỡng và ba ả gái điếm vừa được gọi đến phục vụ, tổng cộng mười bốn người, tất cả đều bị ám sát.
Máu của người chết chảy từ tầng trên xuống tầng dưới, chảy theo bậc thềm ra tận bên ngoài, thấm xuống đất, đến nỗi một thời gian dài sau đó, không khí phía sau Cầu trang vẫn còn phảng phất mùi máu tanh nồng hôi thối.
Ai đã gây ra chuyện này?
Trên tường còn có mấy dòng thơ viết bằng máu làm chứng:
Hàng Nhật cầu vinh phải chết Hoang dâm vô liêm sỉ phải chết Giết! Giết! Giết!
Rõ ràng là nhân sĩ chống Nhật phản ngụy thực hiện.
Mấy câu thơ viết trên tường phòng khách ở lầu Đông của viên Tư lệnh quân ngụy, dùng ngay chiếc bút lông trên bàn làm việc của tên Tư lệnh quân ngụy, lấy chính máu của Tư lệnh chó má này để viết. Tường trắng chữ đỏ, nhìn thật bắt mắt. Ngoài Tư lệnh ra, trong phòng còn có thi thể một người đàn bà trần truồng, có thể thấy, đêm ấy, Tư lệnh đang chơi gái ở đây. Một đực, một cái, hai thi thể trần truồng nằm ở hai góc của gian phòng, nhưng máu chảy ra hòa lẫn với nhau, nhìn vào quả thật là có chút vô liêm sỉ. Nếu so sánh, chính những dòng thơ viết bằng máu tươi lại khiến người ta kính nể, không chỉ nội dung chính trực, nét chữ ngay ngắn, thư pháp uyển chuyển, chắc chắn người viết không phải là một người thô tục.
Không biết là ai đã nhận ra, bảo đây là chữ của thằng ba. Thằng ba từ nhỏ đã học vẽ, viết thư pháp đẹp cũng là hợp lý. Thằng ba đã theo nghiệp vẽ tranh bao nhiêu năm nay, vẽ nhiều tranh như vậy, muốn tìm ra nét chữ của nó không phải là chuyện khó. Thế là liền tìm nét chữ của thằng ba, tìm người trong nghề kiểm tra.
Người trong nghề xác nhận, đấy là chữ của thằng ba!
Bỗng chốc, thằng ba danh nổi như cồn, kể cả nghĩa cử ám sát đôi vợ chồng ngoại quốc bên bờ Tây Hồ hai năm trước, cũng được người ta ghi công cho nó. Thế nhưng, không ai biết, thằng ba hiện giờ thân chỗ nào, chí ở đâu. Có người nói, nó đã theo cha nó, lên núi, làm phỉ, vừa nhiễu dân vừa chống Nhật, việc xấu tốt làm hết, mang chút ý nghĩa hỗn thế ma vương. Có người nói, nó kéo theo vài người, lên vùng núi phía Tây tỉnh Chiết Giang làm du kích, chuyên đánh giặc Nhật và quân ngụy ‐ hình tượng của anh hùng hảo hán. Cũng có người nói, nó gia nhập đội quân áo lam của Quốc dân đảng, thường mặc đồng phục màu lam, xuất quỷ nhập thần trên tuyến Hàng Châu ‐ Thượng Hải, chuyên ám sát giặc Nhật và Hán gian ‐ hình tượng của một điệp viên. Lại còn có người nói, nó đã gia nhập tổ chức ngầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc... Tóm lại, mỗi người nói một kiểu, không ai giống ai, có chăng chỉ là một thằng ba thần bí tiếng tăm lẫy lừng.
* * *
Tôi úp úp mở mở, đâu phải đã cao tay, bạn đọc thông minh hay tinh ý chắc đã đoán ra, thằng ba chính là đồng chí Lão Hổ, nếu không tôi viết về ông ấy nhiều như vậy làm gì? Đúng vậy, thằng ba chính là đồng chí Lão Hổ, cũng chính là ông Cận hôm nay, từng là người lãnh đạo tổ chức bí mật ở Hàng Châu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có người thắc mắc, tôi đã để vị lãnh đạo đáng kính của Lý Ninh Ngọc mờ nhạt như một cái bóng, ngay cả khuôn mặt cũng không lộ rõ, như vậy thật không thỏa đáng, không khéo sẽ khiến người ta hiểu nhầm, cho rằng tôi muốn bôi nhọ vai trò của lãnh đạo. Làm gì có chuyện như vậy, chẳng qua tôi chỉ muốn để cốt truyện chặt chẽ, nên phần sau mới nói mà thôi.
Còn Vương Điền Hương nữa, thực ra chính là Tô Tam Bì.
Hai người ấy sau này đều thay tên đổi họ, thằng ba đổi tên là để bảo vệ chính mình và cũng là do yêu cầu của công việc hoạt động bí mật. Tô Tam Bì đổi tên là vì muốn cắt bỏ cái tiếng lưu manh, để người khác quên đi quá khứ nghiệp chướng của hắn, còn đổi thành Vương Điền Hương là vì cái tên này nghe có vẻ giống tên của người Nhật. Hạng người này quả thực là thứ bỏ đi, mất mặt là điều nhãn tiền, hắn không biết rằng cắt bỏ cái đuôi lưu manh, nhưng sau đó lại mọc ra cái đuôi khác còn thậm tệ hơn. Cũng may là hậu thế của hắn thì khác, tôi có cảm giác sống trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn, nhân phẩm, lòng yêu nước là điều ai cũng biết. Con gái của hắn, Vương Mẫn nói với tôi, trong nhà cô đến nay vẫn không có thứ đồ Nhật nào cả, sở dĩ làm như vậy (có phần cực đoan) là muốn thay cha trả nợ. Tôi hỏi cô bé tại sao không đổi lại thành họ Tô, cô bảo chính là muốn khắc sâu nỗi nhục của cha, làm một người Trung Quốc thực thụ. Anh trai của cô lấy tên là Vương Hán Dân, tấm thịnh tình này càng rõ ràng hơn. Năm 1947, Vương Điền Hương bị xử tử vì tội làm Hán gian, nỗi nhục của hắn thực ra không chỉ là của con cái hắn, mà còn là nỗi nhục của tất thảy người Trung Quốc.
Thiết nghĩ độc giả thông minh và tinh ý cũng đã đoán được, cháu gái lão quản gia trung thành của Cầu trang, thật ra chính là đồng chí Lão Hán. Đúng vậy, không sai, có Lão Cận làm chứng, tuyệt đối không thể sai. Năm tháng đã biến một chàng thư sinh với khuôn mặt trắng trẻo, người gầy gò, mái tóc dài bồng bềnh thành một ông già béo, trên đầu không còn một sợi tóc, nhưng ký ức của ông về Lão Hán không rơi rụng chút nào. Ông Cận bảo với tôi, Lão Hán được gả cho Tiền Hổ Dực căn bản không phải là ý của ông và lão quản gia, mà chính là Lão Hán tự quyết định, hồi ấy cô đã là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc rồi, cô được giáo viên trong trường bồi dưỡng và phát triển. Hồi ấy, lực lượng của Tiền Hổ Dực đang vây quét Hồng quân tại vùng rừng núi giáp ranh giữa Chiết Giang và Giang Tây, tình hình hết sức cam go, trên tổ chức rất cần người xâm nhập vào lực lượng của Tiền Hổ Dực, thu thập tin tức tình báo. Trong bối cảnh không tìm được người thích hợp, đồng chí Lão Hán đã tình nguyện xin đi, dùng phương pháp đặc biệt xâm nhập lực lượng của Tiền Hổ Dực, sau này lập kỳ công giúp Hồng quân phá vây, di chuyển thành công. Dựa vào quan hệ của lão quản gia, Lão Hán tiếp xúc với ông Cận khá nhiều, từng có lần động viên lão Cận gia nhập Đảng Cộng sản, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể toại nguyện. Ông Cận bảo rằng, sau khi quân Nhật chiếm Hàng Châu, Tiền Hổ Dực dẫn quân trốn về vùng núi phía Tây Chiết Giang, chiêu binh mãi mã, nói là cần chuẩn bị đợi thời cơ phản kích. Lúc đó ông Cận chỉ nghĩ chiếm lại Hàng Châu, lấy lại gia sản, cho rằng gia nhập Đảng Cộng sản với ông không có ý nghĩa gì cả, cho nên mãi không gia nhập. Không ngờ sau này, Tiền Hổ Dực mang quân đầu hàng chính quyền ngụy của giặc Nhật, ông Cận liền khởi nghĩa, cùng với thân tín của mình bí mật trở về Hàng Châu, lập thành đội quân trừ gian, không đảng phái, một mình một thuyền, chuyên giết Hán gian và giặc Nhật. Đến tận sau khi ông Cận dẫn quân ám sát cả nhà Tiền Hổ Dực, một ngày nọ, Lão Hán tìm ông, sau một hồi bàn việc, đã nhập đội quân của ông vào lực lượng Tân Tứ quân, đồng thời cử ông Cận làm người phụ trách công tác bí mật trong thành Hàng Châu.
Nói đến Lão Hán, ông Cận không khỏi xúc động, cho rằng bà là Lý Ninh Ngọc thứ hai, hai người đều rất trung thành với Đảng, công tác tận tụy, giác ngộ cao, có niềm tin kiên định, không vì lợi riêng, là những tấm gương để những người làm công tác tình báo học tập.
Đương nhiên, Lão Hán là mật danh công tác bí mật của bà, tên thật của bà là Lâm Nghinh Xuân, người Phú Dương tỉnh Chiết Giang, sinh năm 1920, lúc hy sinh mới hai mươi hai tuổi.
Ông Cận năm nay tám mươi chín tuổi rồi, trong suốt cuộc đời ông dùng không biết bao nhiêu là tên, tên ông hiện nay được đặt sau khi kháng chiến thắng lợi, tên đầy đủ là Cận Xuân Sinh. Ông bảo, đây là cái tên được đặt để kỷ niệm đồng chí Lão Hán, ông dùng cách này để mách bảo mọi người, mách bảo chính mình, cuộc đời vinh quang của ông là Lão Hán ban cho. Còn về của cải châu báu mà cha ông cất giấu, ông Cận bảo đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Ông cho rằng, của cải châu báu chắc chắn là có thật, chỉ có điều không biết đã cất giấu ở đâu ‐ điều duy nhất có thể biết bây giờ là chắc chắn của cải châu báu không cất giấu trong Cầu trang, còn cất giấu ở chỗ nào bên ngoài thì chỉ có ông trời mới biết
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top