Hồi 43: Văn Thái Sư thất trận cầu Tiên giúp
Hồi 43: Văn Thái Sư thất trận cầu Tiên giúp
Ðêm ấy Tử Nha điều khiển các tướng cướp dinh.
Na Tra và Hoàng Thiên Hóa xông vào cửa trước Văn Thái Sư cỡi kỳ lân vung roi trống giao phong, phía đỡ giáo Na Tra, phần đỡ song chùy Hoàng Thiên Hóa, Kim Tra, Mộc Tra cầm gươm trợ chiến. Hoàng Ðộc Long, Tiết Ất Hồ cũng vung kiếm xông vào, sáu tướng hùm phủ vây một mình Thái Sư Văn Trọng.
Bên tả, cha con, anh em Hoàng Phi Hổ áp vào, Trương Tiết, Ðặng Trung đồng ra cự chiến.
Bên hữu, Nam Cung Hoát, Tân Giáp, Tân Miễn lướt tới.
Tân Hoàn, Ðào Vinh hiệp lực đón ngăn.
Ba phía dinh đều có tướng binh hổn chiến.
Còn Dương Tiển đi bọc hậu ra sau dinh, dùng tam muội nhơn hỏa là lửa phép trong mình, biến thành một con muỗi, bay thẳng đến kho lương. Tại đó có Dư Khánh và Tiết Lộc, song hai người nầy làm sao thấy nổi phép thần thông của Dương Tiển.
Kho lương bốc cháy, lửa dậy trùng trùng, làm đỏ rực cả bầu trời.
Bấy giờ Văn Trọng một mình đang đánh với sáu tướng, thấy kho lương cháy bừng như một hòn núi lửa, biết không thể nào thủ thắng được nữa, nên đỡ gạt cầm chừng, chờ cơ hội rút quân.
Bỗng đâu Tử Nha cỡi Tứ Bất Tướng lướt tới, quăng roi Ðả Thần Tiên lên, Văn Thái Sư bị một roi, thất kinh giốc thú bỏ chạy phía tả, cha con anh em Hoàng Phi Hổ đánh với Ðặng Trung, Trương Tiết.
Hai tướng nầy thấy Văn Thái Sư bại tẩu liền bỏ chạy theo để hộ vệ.
Bên hữu, Nam Cung Hoát, Tân Giáp, Tân Miễn đang đánh với Tân Hoàn, Ðào Vinh, xảy có Dư Khánh và Tiết Lộc đến tiếp chiến.
Hai tướng nầy giữ kho lương thảo, bị Dương Tiển đốt cháy, không biết làm sao phải qua dinh hữu trợ lực.
Tuy vậy, Ðào Vinh, Dư Khánh, Tiết Lộc thấy Văn Thái Sư đã chạy thì không còn lòng nào giao tranh nữa, vội chém bậy một nhát rồi quất ngựa chạy theo.
Tân Hoàn một mình không đương cự nổi cũng quạt cánh bay bổng lên trời.
Thế là dinh trại binh Thương bị tan vỡ, binh sĩ lớp chết lớp đầu hàng, còn một số đông bỏ chạy vào rừng hợp nhau thành nhóm để chờ tin chủ tướng.
Bấy giờ tại núi Chung Nam, động Ngọc Trụ. Vân Trung Tử đang ngồi trên giường Bích Du, bỗng nhớ đến việc Văn Thái Sư đang kéo binh chinh phạt Tây Kỳ, lúc nầy cũng nên sai Lôi Chấn Tử xuống lập công đền nợ nước liền gọi Kim Hà đồng tử bảo:
- Ngươi đòi sư huynh ngươi ra cho ta bảo.
Kim Hà đồng tử vâng lệnh ra vườn gọi Lôi Chấn Tử vào.
Vân Trung Tử thấy Lôi Chấn Tử vào quỳ trước mặt, liền nói:
- Ngươi hãy xuống Tây Kỳ ra mắt Võ vương Cơ Phát và sư thúc Khương Tử Nha để phò Châu diệt Trụ, chớ nên trễ nải. Nếu ngươi đi đọc đường, gặp người có cánh, thì phải đánh nó mà lập công đầu.
Lôi Chấn Tử tuân lệnh lạy thầy giã bạn, cầm búa vàng ra khỏi động, vỗ cánh bay cao.
Bay tới địa phận Tây Kỳ, xa xa trông thấy binh Thương bại tẩu.
Lôi Chấn Tử mừng rỡ nghĩ thầm:
- Gặp dịp nầy may lắm! Ta trổ tài một trận thần oai.
Nghĩ rồi đón đầu binh tướng Văn Thái Sư mà đánh.
Văn Thái Sư đang chạy với các tướng, bỗng thấy một người có cánh bay nửa lừng trời, tóc đỏ, mắt vàng, mắt xanh, nanh bạc liền kêu Tân Hoàn nói:
- Ta xem người có cánh kia rất dữ, đang chú ý bay về phía chúng ta.
Văn Trọng nói chưa dứt lời Lôi Chấn Tử đã bay đến hét lớn:
- Có ta đến đây!
Nói rồi vung búa đánh liền.
Tân Hoàn lấy lưỡi tầm sét ta đỡ.
Hai tướng giao phong giữa không trung, bốn cánh quạt gió ầm ầm.
Tân Hoàn đánh không lại Lôi Chấn Tử, thất kinh bay qua núi Tây Kỳ.
Lôi Chấn Tử nghĩ thầm;
- Không cần đuổi nó làm gì, ta đi ra mắt sư thúc và Hoàng huynh trước đã, sau nầy sẽ còn gặp nó.
Nghĩ rồi vỗ cánh bay thẳng đến thành Tây Kỳ.
Lúc nầy Tử Nha trọn thắng, thâu binh vào thành khao thưởng tướng sĩ.
Tử Nha nói:
- Chúng ta thắng được trận nay là nhờ hồng phước chúa công, và cũng như công của các tướng.
Các tướng đều thưa:
- Ấy là hồng phước của quân vương và tôi ước của Thừa Tướng, khiến xui Văn Trọng hơ hỏng.
Bỗng có quân vào báo:
- Có đạo đồng xin ra mắt Thừa Tướng.
Tử Nha truyền mời vào. Lôi Chấn Tử bước đến làm lễ.
Tử Nha hỏi:
- Ngươi là đệ tử động nào?
Lôi Chấn Tử thưa:
- Ðệ tử ở núi Chung Nam, động Ngọc Trụ, học trò Vân Trung Tử. Nay vâng lệnh đến hầu sư thúc, và ra mắt Hoàng huynh.
Tử Nha hỏi:
- Hoàng huynh ngươi là ai?
Lôi Chấn Tử thưa:
- Hoàng huynh tôi là Võ vương.
Các tướng nghe nói đều lấy làm lạ.
Tử Nha gọi các vị điện hạ đứng hai bên, hỏi:
- Có ai biết mặt Lôi Chấn Tử hay không?
Các điện hạ đều nói:
- Chúng tôi đều không biết người nầy.
Lôi Chấn Tử nói:
- Tôi là Lôi Chấn Tử ở tại núi Yên Sơn. Hồi bảy tuổi tôi có đưa cha tôi là Văn vương qua khỏi năm ải.
Tử Nha sực nhớ lại, nói với các tướng:
- Phải rồi! Tiên vương thường nói Lôi Chấn Tử có cứu người qua khỏi ngũ quan. Nay Chấn Tử về đến đây thật là hồng phước của chúa công.
Nói rồi đưa Lôi Chấn Tử vào cung để ra mắt Võ vương.
Quan chấp điện vào tâu:
- Có Thừa Tướng xin ra mắt.
Võ Vương cho vào.
Tử Nha đến trước long sàng làm lễ và tâu:
- Có Ngự đệ của Ðại vương xin vào hầu.
Võ vương hỏi:
- Ngự đệ ta là ai?
Tử Nha tâu:
- Năm trước tiên vương đi qua núi Yên Sơn, thâu được Lôi Chấn Tử, cho đi học tại núi Chung Nam, nay người ấy về đây bệ kiến.
Võ vương cho mời vào.
Lôi Chấn Tử bước đến làm lễ, Võ Vương nói:
- Thôi, Ngự đệ hãy đứng dậy. Việc nầy ta đã có nghe tiên vương thuật lại mấy năm trước, nhớ công Ngự đệ đưa tiên vương qua khỏi ngũ quan. Nay anh em ta gặp mặt, còn gì vui hơn.
Tuy thâm tình, nhưng Võ vương thấy Lôi Chấn Tử hình tượng kỳ dị, không dám cho vào lạy mẹ, sợ bà Thái Cơ kinh hãi, mà lỗi đạo làm con, bèn truyền lệnh cho Tử Nha:
- Thượng phụ thay mặt ta đãi yến Ngự đệ.
Tử Nha tâu:
- Lôi Chấn Tử không dám ăn mặn, xin đại vương cho ở với tôi thì tiện hơn.
Võ Vương y tấu, Lôi Chấn Tử và Thừa Tướng từ tạ về dinh.
Nói về Văn Thái Sư bại binh chạy cách núi Kỳ Sơn bảy mươi dặm mới đám dừng lại kiểm điểm tàn quân, thấy binh sĩ hao quá hai muôn.
Văn Thái Sư than:
- Ta đánh giặc đã lâu năm, chưa hề bại binh. Nay tình thế như vầy, ta muốn triệu tướng khác đem binh tiếp cứu, ngặt vì sai tướng thì không lấy ai trấn ải.
Giận quá, Văn Thái Sư trợn con mắt giữa hào quang sáng lòa.
Kiết Lộc thưa:
- Xin Thái Sư chớ lo, đạo hữu trong núi non còn rất nhiều, tài năng mưu trí không ai có thể lường được, chúng ta chỉ cứ thỉnh một vài vị đến trợ chiến thì có thể thành công.
Văn Thái Sư ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
- Ngươi tính điều ấy rất phải.
Nói rồi truyền Ðặng Trung, Tân Hoàn giữ trại, một mình cỡi hắc kỳ lân bay thẳng ra biển Ðông, tìm đến Kim Ngao đảo.
Văn Thái Sư bay một hồi thấy non cao cảnh lạ, biển rộng, rừng xanh, lòng già lại mến miền yên tịnh, liền cất tiếng than:
- Ta chịu ơn Tiên vương phó thác, hằng lo việc nước, biết ngày nào thanh bình để trở về núi non ngồi trên bàn thạch, tụng kinh huỳnh đình cho thỏa lòng ao ước.
Văn Thái Sư đến Kim Ngao đảo, bước xuống Kỳ lân, không thấy bóng một ngươi nào qua lại, các cửa động đều đóng chặt và vắng tanh.
Cảnh hoang vu ấy làm cho Văn Thái Sư ngao ngán, không hiểu vì cớ nào chốn tu hành lại thay đổi?
Trầm ngâm một lúc Văn Thái Sư định sang núi khác, nhưng mới vừa bước lên lưng kỳ lân, bỗng nghe cô tiếng người ở sau lưng kêu lớn:
- Ðạo huynh đi đâu vậy?
Văn Thái Sư nhìn lại thấy Ham Chi tiên cô liền bái dài và hỏi:
- Sao tiên cô có mặt nơi đây? Chốn nầy tại sao lại trở thành hoang vu như vậy?
Ham Chi tiên cô mỉm cười, nói:
- Cũng vì đạo huynh mà các đạo hữu đều bỏ động hết.
Văn Thái Sư ngạc nhiên, trố mắt hỏi:
- Tại sao vậy?
Ham Chi tiên cô nói:
- Hiện nay các Ðạo hữu quyết lòng theo giúp đạo huynh, nên bỏ động cùng nhau đến tại Bạch Lộc đảo tập luyện trận đồ. Trước đây, Thân Công Báo có đến thỉnh chúng tôi, và tin cho tất cả giáo phái của chúng ta đồng biết. Các giáo phái của chúng ta đã họp mặt và đồng ý qua Tây Kỳ giúp đạo huynh.
Văn Trọng nghe nói mừng rỡ, nói:
- Thế thì hiện giờ tất cả các đạo hữu đang có mặt tại Bạch Lộc đảo sao?
Ham Chi tiên cô nói:
- Ðúng vậy! Ðạo huynh đến đó thì gặp.
Văn Trọng lại hỏi:
- Còn Tiên cô sao lại ở đây?
Ham Chi tiên cô nói:
- Tôi bây giờ đang luyện một phép trong lò bát quái chưa xong, ít hôm nữa tôi cũng qua đó.
Văn Thái Sư mừng rỡ từ giã Ham Chi tiên cô thẳng đến Bạch Lộc đảo quả thấy một số đông đạo sĩ, kẻ bịt khăn chữ nhật, người chừa vá âm dương, kẻ đội mão bạc, mão vàng, bao đánh xanh, người đội mão đuôi cá ngồi trên bàn thạch nói chuyện với nhau.
Văn Thái Sư kêu lớn:
- Các đạo huynh thật thanh nhàn lắm!
Các đạo sĩ thấy Văn Thái Sư đến, đồng đứng dậy chào hỏi:
Tân Hoàn đừng trước, lên tiếng:
- Chúng tôi biết Văn đạo huynh kéo binh chinh phạt Tây Kỳ có lòng lo. Vì trước đây Thân Công Báo có đến thỉnh anh em chúng tôi trợ chiến. Thân Công Báo lại tổ chức một cuộc họp mặt các quần tiên, non một ngàn người trong giáo phái đều đồng ý ra tài. Riêng chúng tôi có mười người ở Kim Ngao đảo họp nhau luyện trận Thập Tuyệt, để sau nầy dùng đến. Hôm nay trận tập đã xong, thì may mắn gặp được đại huynh.
Văn Thái Sư hỏi:
- Trận Thập Tuyệt ý nghĩa làm sao?
Tân Hoàn nói:
- Thập Tuyệt gồm có mười trận, do mười chúng tôi lập ra. Những cái huyền diệu không thể nói hết được. Nay mai tới Tây Kỳ anh sẽ thấy.
Văn Thái Sư hỏi:
- Sao ở đây có chín anh em, còn một người nữa đâu vắng.
Tân Hoàn nói:
- Còn Kim Quang Thánh mẫu hiện đi qua Bạch Vân đảo luyện trận Kim Quang, vậy nên không đủ số.
Ðồng Toàn nói:
- Trận Thập Tuyệt chúng ta đã tập xong, vậy thì chúng ta cứ đi trước sang Tây Kỳ, để Văn Thái Sư ở lại đây đợi Kim Quang Thánh mẫu về, rồi đi sau cũng được.
Văn Thái Sư nói:
- Như quí vị đạo huynh có lòng thương tôi như vậy tôi rất cảm ơn.
Chín vị đạo sĩ giã từ Văn Thái Sư, đồng độn thủy qua Tây Kỳ một lượt.
Có bài thơ rằng:
Dạo khắp bầu trời nội nửa trăng
Ðông Tây Nam Bắc dễ ai bằng
Phép tiên độn thủy nhanh như chớp
Giết tướng thâu thành khó cản ngăn.
Chín vị tiên đi rồi, Văn Thái Sư ngồi trên bàn thạch đợi không đầy một giờ, đã thấy một vị tiên cô cỡi ngựa có vằn, đầu đội mão đuôi cá, mình mặc áo bát quái đỏ, lưng nịt dây tơ, vai mang túi của beo, tay cầm song kiếm từ phía Nam phi ngựa tới như gió, thẳng đến hướng Bạch Lộc.
Gần đến nơi, tiên cô không thấy bọn mình, lại thấy đạo sĩ râu mọc năm chồm, có ba con mắt da mặt vàng ngoắt, mặc áo đỏ ngòm, tiên cô xem rõ biết là Thái Sư Văn Trọng, vội xuống ngựa chào mừng.
Văn Thái Sư đáp lễ và nói:
- Kính mừng Kim Quang Thánh mẫu. Tôi đợi Thánh mẫu ở đây đã lâu.
Kim Quang Thánh mẫu nói:
- Chín vị đạo huynh ở đây đi đâu hết?
Văn Thái Sư đáp:
- Chín vị ấy đã đi trước sang Tây Kỳ, đặn tôi ở nán lại đây chờ Thánh mẫu.
Kim Quang Thánh mẫu nói:
- Thế thì chúng ta cũng đi cho kịp.
Nói rồi kẻ cỡi ngựa, người cỡi kỳ lân thẳng đến Tây Kỳ lập tức.
Chẳng bao lâu Văn Trọng và Kim Quang Thánh mẫu cũng theo kịp quý vị đạo sư về trước trại.
Kiết Lộc và các tướng hay tin đồng ra khỏi dinh nghênh tiếp.
Tân Hoàn hỏi Văn Trọng:
- Thành Tây Kỳ cách đây bao xa?
Văn Trọng nói:
- Bởi hôm trước tôi bại binh nên phải chạy đến chốn này đồn trú. Nơi ấy là núi Tây Kỳ, cách đây bảy mươi dặm.
Các đạo sĩ đều nói:
- Vậy thì chúng ta đồng kéo binh đến bên thành để áp đảo địch quân.
Văn Thái Sư theo lời, truyền Ðặng Trung đi tiền đạo. Phát pháo tấn binh đến trước thành Tây Kỳ hạ trại.
Bấy giờ Tử Nha đang vui đắc thắng, cùng các tướng chuyện trò bỗng nghe quân tướng ó vang trời, Tử Nha nói:
- Chắc là Văn Thái Sư viện được binh các ải, kéo đến báo thù.
Dương Tiển thưa:
- Văn Thái Sư bại trận đã nửa tháng nay, bây giờ lại hăm hở kéo tới, tôi nghe Văn Thái Sư là người Triệt Giáo, thế nào cũng thỉnh Tà đạo bàng môn đến trợ giúp. Xin Thừa Tướng đề phòng.
Tử Nha nghe nói cũng nghi ngờ, đồng kéo lên mặt thành xem thử. Quả nhiên thấy dinh trại Thái Sư khác xưa nhiều lắm, hào quang sáng rực, gió dữ rạt rào, khí bốc trùng trùng, mây giăng mịt mịt lại có khói đen mười ngọn, lên thấu nửa lừng.
Tử Nha xem thấy kinh hãi, các tướng đều cau mặt làm thinh.
Ai nấy lặng lẽ xuống dinh, không nói với nhau một lời nào nữa.
Lúc này Văn Thái Sư ngồi nơi đại trại, cùng với mười vị đạo sĩ bàn kế phá Tây Kỳ.
Viên Giác nói:
- Tôi nghe Tử Nha là học trò ông Nguyên Thỉ, ở núi Côn Lôn. Nhưng dù tu đạo nào cũng gồm vào một lý. Trước đây hội quần tiên, Thân Công Báo có nói cung Ngọc Hư ỷ mình Xiển Giáo, chê Triệt Giáo chúng ta là Tà đạo, có ý tìm cách áp chế để sai khiến, lấy quyền phép của mình làm xáo trộn thế gian, rồi bảo đó là lý số trời đất. Xét ra lời nói đó chỉ là một ngụy biện để giành ảnh hưởng cho giáo hội mình, mà Triệt Giáo chúng ta không thể nào cúi đầu tuân theo mệnh lệnh của họ được. Ðã là kẻ tu hành sao lại có chân tu và tà tu. Sao lại có đạo cao đạo thấp? Sao lại có đạo nầy muốn sai khiến đạo khác? Nay chúng ta đã sẵn có mười trận này thì cứ cùng nhau đấu phép, xem cái chính đạo của Xiển Giáo lợi hại đến bực nào cho biết.
Văn Thái Sư khen phải, liền khiến Ðặng Trung giàn binh bố trận theo kế hoạch đã định.
Rạng ngày, Văn Thái Sư cỡi Ngọc kỳ lân, đến trước cửa thành, mời Tử Nha ra nói chuyện.
Quân vào báo, Tử Nha dẫn tướng kéo binh hai ngàn, cờ chia năm sắc, ra khỏi cửa thành, thấy Văn Trọng cầm roi vàng đứng trước, chín vị đạo sĩ theo sau, trong đó có một vị đạo cô mặt đẹp như hoa, mắt sáng ngời ngồi trên lưng ngựa. Còn tám vị đạo sĩ kia kẻ mặt xanh, mặt đỏ, người mặt vàng, tướng mạo phi thường, đều ngồi trên lưng quái thú.
Tân Hoàn giục hươu tới, dùng lễ xá Tử Nha một cái và hỏi:
- Chúng tôi xin chào đạo huynh.
Tử Nha cũng trả lễ và hỏi:
- Chẳng hay các vị đạo huynh ở núi nào, động nào mới đến?
Tân Hoàn nói:
- Tôi là Tân Hoàn và tám anh em chúng tôi đồng ở Kim Ngao đảo, và ông là người Côn Lôn, đệ tử cung Ngọc Hư, thuộc về Xiển Giáo, lấy đạo đức mà răn lòng, lấy chính lý mà tu nguyện, tại sao các ông lại khinh Triệt Giáo của chúng tôi là tà đạo, muốn dùng quyền lực mà sai khiến chúng tôi, tưởng như vậy có thể gọi là chánh đạo được không?
Khương Tử Nha nói:
- Chúng tôi đã làm gì mà các ông gọi là khi dễ?
Tân Hoàn nói:
- Không cần chối cãi. Thân Công Báo đi khắp năm non bốn bể, kể rõ tư tưởng của Xiển Giáo khinh dễ Triệt Giáo của chúng tôi, giáo hội chúng tôi ai nấy đều ngậm hờn, uất hận. Vừa rồi đạo huynh lại giết bốn dòng họ Ma ở Giai Mộng, và bốn vị đạo sĩ của phái chúng tôi ở Cửu Long đảo, có phải là các ông đã khiêu khích chúng tôi hay không? Giáo phái các ông cho mình là chính đạo, thế mà cho người gây việc đao binh, hại mạng sinh linh, gây nhiều ác sát. Chúng tôi bị các ông chê là tà đạo, nhưng không bao giờ chủ trương gây khổ ải cho nhân loại như vậy. Nếu các ông có tài thì cứ cũng chúng tôi tranh phép thuật, không cần dụng đến đao binh. Hãy để riêng những người trần thế ra, họ không tội gì mà bắt họ phải chết vì chúng ta vô ích.
Khương Tử Nha nói:
- Ðạo huynh phép mầu, đức trọng, học rộng, trí dày, lẽ nào không thông hiểu huyền cơ vũ trụ. Nay Trụ vương lỗi đạo bỏ việc kỷ cang, khí số Thành Thang mờ mịt, còn Võ vương là vua Thánh Tây Kỳ phước đức chói ngời, lẽ nào lập không hướng phần vinh hiển. Chúng tôi thuận theo lòng trời, thuận theo lòng người, phò Châu diệt Trụ đó là chính lý. Còn Ma gia tứ tướng và bốn vị đạo sĩ Cửu Long đảo đi nghịch với lý số trời đất, nên phải diệt vong.
Tân Hoàn nói:
- Cái mà các ông gọi là lý số trời đất chẳng qua là một tấm chiêu bài để các ông dùng nó sai khiến kẻ khác, làm xáo trộn nhân gian. Chúng tôi thừa nhận vua Châu nhân đạo, vua Trụ bạo tàn. Nhân đạo bao giờ cũng thắng bạo tàn. Nhưng trừng trị kẻ bạo tàn không phải dùng chiêu bài của mình làm cho nhân gian chịu tai biến. Các ông lấy đạo đức răn mình, mà trị một ông vua bạo tàn, các ông gây thành binh biến, chém giết sinh linh không biết bao nhiêu mà kể. Sinh linh nào có tội gì? Họ đã khổ vì một ông vua mà còn khổ vì hành động gây rối của các ông nữa. Chủ trương như vậy, các ông dám tự cho mình là chân chính sao?
Tử Nha nói:
- Máy tạo nhiệm mầu, làm sao nói cho hết được. Thuận theo khí số của trời đất, chẳng những một ông vua tàn bạo bị tiêu trừ, mà tất cả những ai chống lại chính lý đều phải bị tiêu trừ như vậy cả. Mọi trầm luân khổ ải, mọi sinh diệt trong trời đất đều phát sinh ở chính lý mà ra. Tôi vâng lệnh cung Ngọc Hư không thể làm khác hơn được.
Tân Hoàn nói:
- Thôi, dầu các ông có cho chúng tôi là tà đạo nghịch thiên nghịch địa gì cũng được, chúng tôi không cãi làm gì, và chúng tôi cũng không muốn cuộc đua tài giữa chúng tôi với các ông tổn thương đến sinh mạng của muôn dân. Chúng tôi có mười trận pháp, sẽ lập cho các ông xem, nếu các ông liệu phá được thì phá, không phá nổi thì nói cho chúng tôi biết, đừng bắt người trần tục phải liều mình thác oan.
Tử Nha nói:
- Quý vị đã nói như vậy, chúng tôi đâu dám cãi.
Mười vị đạo sĩ nghe Tử Nha thuận tình phá trận đồng lui về bố trí một hồi xong xuôi.
Tân Hoàn lại giục hươu đến trước cửa thành gọi Tử Nha nói:
- Bần đạo lập trận rồi, đạo hữu hãy đến xem thử.
Tử Nha liền dắt Na Tra, Hoàng Thiên Hóa, Lôi Chấn Tử, Dương Tiển đồng đến xem trận.
Bấy giờ Thái Sư Văn Trọng đứng ngoài cửa trận để xem thái độ của Tử Nha.
Dương Tiển gọi Tân Hoàn nói:
- Chúng tôi vào xem trận, các ông chớ nên dùng phép báu mà hại chúng tôi. Như vậy mới đúng trượng phu.
Tân Hoàn nói:
- Mặc dầu các ông cho chúng tôi là Bàng môn tả đạo, chúng tôi vẫn không bao giờ có hành động tiểu nhân như vậy đâu. Ðừng quá khinh người, và cũng đừng sợ hãi một cách vô ích như vậy
Na Tra thấy Tân Hoàn khéo miệng như vậy tức giận xen vào:
- Lời nói chẳng ai tin, hành động sẽ chứng tỏ ai là quân tử.
Bốn tướng phò Tử Nha vào xem đủ mười trận, thấy mỗi trận đều treo một tấm bản để ba chữ:
1. Thiên Tuyệt trận.
2. Ðịa Liệt trận.
3. Phong Hầu trận.
4. Hàn Băng trận.
5. Kim Quang trận.
6. Hỏa Huyết trận.
7. Li Diệm trận.
8. Lạc Hồn trận.
9. Hồng Thủy trận.
10. Hồng Sa trận.
Tử Nha và bốn tướng cạnh xem khắp nơi, rồi kéo nhau ra ngoài.
Tân Hoàn hỏi:
- Tử Nha biết mười trận ấy không?
Tử Nha nói:
- Mười trận quí vị vừa lặp tôi đã rõ hết.
Tân Hoàn hỏi:
- Tuy đã biết rõ mà liệu dám phá trận không?
Tử Nha nói:
- Chúng tôi cũng học phép tiên, lẽ nào không phá được?
Viên Giác đứng sau xen vào hỏi:
- Chừng nào đạo huynh mới phá trận?
Tử Nha nói:
- Mười trận ấy chỉ mới là hình thức, chưa được hoàn thành. Ðợi chừng nào quí vị lập xong, tôi sẽ đến phá. Bây giờ xin giã biệt.
Dứt lời, Tử Nha dẫn bốn tướng vào thành, còn mười vị đạo sĩ cũng dẫn nhau vào dinh.
Tử Nha vào thành ngồi ôm đầu buồn bã, Dương Tiển thấy vậy bước đến hỏi:
- Khi nãy sư thúc xem các trận ấy thế nào?
Tử Nha nói:
- Mười trận ấy do Triệt Giáo chế ra phép màu báu lạ, ta chưa từng thấy bao giờ.
Dương Tiển nói:
- Sao sư thúc nói với chúng nó là sư thúc đã rõ hết, và hẹn ngày phá trận.
Tử Nha nói:
- Tuy không biết, song ta không thể để mất thể diện Xiển Giáo chúng ta trước mặt mọi người.
Dương Tiển ngồi làm thinh.
Tử Nha ngồi chau mày rầu rĩ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top