Phòng ngừa rủi ro tỷ giá và nỗi sợ trách nhiệm
Khi Ngân hàng Nhà nước cấm quyền chọn VND với ngoại tệ thì vẫn còn nhiều công cụ khác như hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ chéo mà doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng để bảo hiểm rủi ro tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã cùng nhau loại bỏ khỏi thị trường một công cụ bảo hiểm tỷ giá hữu ích
Bất cập quản lý, ngại tốn kém, sợ truy cứu trách nhiệm, nên dù đã có công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “đầu trần đội mưa”.
Số phận của “quyền chọn Đô - Đồng”
Trước tháng 3/2009, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại triển khai một số nghiệp vụ phái sinh như hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ chéo, tương lai, quyền chọn…
Giữa lúc nghiệp vụ “quyền chọn Đô - Đồng” đang nhộn nhịp thì đến ngày 18/3/2009, Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 1820/NHNN - QLNH, yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại kể từ 23/3/2009 phải dừng thực hiện nghiệp vụ này. Vì sao vậy?
Quyền chọn (option) ngoại tệ với VND được hiểu là giao dịch giữa bên mua quyền và bên bán quyền. Bên mua quyền có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua/bán số lượng ngoại tệ nhất định ở một mức tỷ giá xác định trong một khoảng thời gian thỏa thuận trước. Nhưng, nếu bên mua quyền thực hiện quyền của mình thì bên bán quyền có nghĩa vụ bán hoặc mua lượng ngoại tệ trong hợp đồng theo tỷ giá và thời gian thỏa thuận trước.
Có hai loại quyền chọn: Mỹ và châu Âu. Nếu áp dụng “quyền chọn châu Âu” thì đến ngày đáo hạn mới xem xét có thực hiện quyền hay không, còn “quyền chọn Mỹ” thì có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Vấn đề bắt đầu từ đây. Năm 2009 được coi là năm thị trường ngoại hối không ổn định, tỷ giá liên tục tăng cao và khoảng cách chênh lệch tỷ giá giữa trong và ngoài hệ thống có lúc lên tới mấy nghìn đồng mỗi USD. Nhiều doanh nghiệp dưới sự “tư vấn” của ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng quyền chọn mua/bán ngoại tệ dưới hình thức “quyền chọn Mỹ”.
Trong các hợp đồng này, hai bên ký với nhau giá mong muốn, cộng với phí và không chờ đến thời điểm đáo hạn, họ tất toán luôn.
Nhờ đó, hai bên thoải mái giao dịch với nhau với mức giá như “chợ đen” nhưng vẫn “qua mắt” được Ngân hàng Nhà nước, và lúc đó, tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước bỗng trỏ thành… danh nghĩa. Ví dụ, tỷ giá kịch trần của Ngân hàng Nhà nước là 18.700 VND/USD, giá tự do là 19.700 VND/USD thì hợp đồng vẫn ký là 18.700 VND/USD nhưng doanh nghiệp phải trả thêm mức phí “quyền chọn” là 1.000 VND/USD và tất toán hợp đồng.
Tất nhiên, kết cục của câu chuyện này cũng giống như “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” và sự ra đời của Văn bản 1820 là vì thế. Ở vào địa vị Ngân hàng Nhà nước, cũng khó làm khác bởi chính các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có thừa lý do để biện minh, ví như: “Giá mua bán giống niêm yết đã đành nhưng “phí quyền chọn” không lẽ ép buộc ngân hàng chỉ thu bằng này mà không được thu bằng kia? Đây không phải là sản phẩm thanh toán nên đã nói đến phí thì phụ thuộc vào biến động tỷ giá; tỷ giá tăng, ngân hàng thương mại phải “chặt” phí nhiều, tỷ giá giảm thì thu phí thấp!”.
Vì thế đến nay, nghiệp vụ quyền chọn giữa VND và ngoại tệ biến mất hoàn toàn trên thị trường.
Được thì không sao…
“Vắng trăng đã có sao”. Khi Ngân hàng Nhà nước cấm quyền chọn VND với ngoại tệ thì vẫn còn nhiều công cụ khác như hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ chéo mà doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp có giao dịch ngoại tệ vẫn chưa tiếp cận với công cụ này.
Mặc dù phân tích về giá trị các công cụ phái sinh trong giao dịch ngoại tệ, bà Võ Diệu Thúy, cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, chúng mang lại ba lợi ích: doanh nghiệp được phòng ngừa rủi ro tỷ giá, chốt được chi phí đầu vào cho một kế hoạch tài chính dài hơi và trong trường hợp thị trường tốt còn có lãi. Và dĩ nhiên, cái giá ở đây là doanh nghiệp phải trả trước một khoản chi phí.
“Được” nhiều như vậy, sao doanh nghiệp lại không mua bảo hiểm? Hóa ra, lý do đầu tiên lại là nỗi sợ trách nhiệm, thậm chí sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước.
Một cán bộ tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nói: “Doanh nghiệp nhà nước rất khó quyết định việc này. Có thể bộ phận kế toán, tài chính nhận thấy ích lợi, nhưng ban điều hành khó thuyết phục vì chi phí ban đầu cao. Trong trường hợp hiệu quả phương án không diễn ra như tính toán trước đó thì có thể bị quy "tội", nhưng nếu lợi hơn cũng chẳng được gì”.
Lời của ông này cũng không phải không có lý, khi nhìn lại một câu chuyện tương tự lỗ lãi của một doanh nghiệp hàng không. Theo tài liệu ban đầu của cơ quan chức năng, tính đến tháng 10/2008, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tới 55 triệu USD. Điều đáng nói, trong đó có 30 triệu USD được xác định là do doanh nghiệp này sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu tăng (hedging). Doanh nghiệp này đã chốt và trả trước giá xăng ở mức cao nhưng sau đó, giá xăng dầu giảm mạnh và bị quy trách nhiệm làm lỗ.
Vì thế, cán bộ một ngân hàng cho rằng, khi cơ quan chức năng xác định chuyện làm ăn lỗ lãi của doanh nghiệp thì nên bóc tách từng khoản mục. Trong trường hợp lỗ do giá hàng hóa dịch vụ biến động tại thời điểm kiểm tra thì chí ít, doanh nghiệp vẫn “được” chứ không hoàn toàn “mất”. Bởi lẽ, họ đã biết trước chi phí và chốt được các yếu tố đầu vào của một kế hoạch tài chính trước khi tung giá bán hàng hóa ra thị trường. “Trong trường hợp này, lỗ là do doanh số bán hàng thấp, do quản lý yếu kém, chứ không nên đổ cho việc mua phái sinh!”, ông này nói.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước cho rằng, mua phái sinh gây tốn kém, góp phần làm giảm lãi. Theo họ, “thà đến đâu hay đấy, còn hơn phải trả trước một khoản chi phí”.
Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước ngại tốn kém hoặc rủi ro trách nhiệm thì doanh nghiệp tư nhân lại khá mặn mà với công cụ phòng ngừa tỷ giá. Những cán bộ hoạt động nghiệp vụ phái sinh ở BIDV, Vietcombank, VietinBank… đều cho biết, tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân sử dụng phái sinh lớn hơn doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, là vấn đề quản lý. Trở lại với Văn bản 1820, lúc Ngân hàng Nhà nước cấm nghiệp vụ “quyền chọn Đô - Đồng” nhưng kết cục, thị trường vẫn bất chấp và “cơ chế hai giá” (thông qua hạch toán vòng vèo hay trả thẳng tiền mặt chênh lệch tỷ giá) vẫn tồn tại. Điều đáng nói là phía bên kia của việc “cấm”, người ta nhìn thấy cả ba chủ thể là Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã cùng nhau loại bỏ khỏi thị trường một công cụ bảo hiểm tỷ giá hữu ích, khiến cho những doanh nghiệp có nhu cầu không biết bao giờ mới được sử dụng trở lại.
Như vậy, với những gì đang diễn ra trên thị trường các sản phẩm phái sinh hiện nay, có lẽ còn lâu chúng mới trở thành công cụ phổ biến để bảo hiểm rủi ro tỷ giá, lãi suất cho doanh nghiệp. Điều này không những góp phần làm cho tỷ giá thêm căng thẳng do áp lực tâm lý, mà về phía doanh nghiệp, mong muốn có một kế hoạch tài chính ổn định là điều không thể, bởi lúc nào cũng nơm nớp lo tỷ giá leo thang.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top