PHÍA SAU MỘT CÔ GÁI - P2

                                       PHÍA SAU MỘT CÔ GÁI - P2

2 Xỏ Giày Vào & Chạy

 (Cho tôi và một chiều Bangkok mưa!)

6:30. Đồng hồ nhảy nhót inh ỏi. Tôi vùng dậy, đánh răng, rửa mặt và tắm với một sự tỉnh táo bất ngờ. Tỉnh táo như thể tôi chưa từng ngủ, chưa từng thức dậy, mà đã thao láo một mạch suốt đêm cho đến sáng. Tôi thay vào áo thun sát nách màu trắng và quần nỉ đen hơi rộng. Tôi thoa son dưỡng môi và túm mái tóc màu hạt dẻ lỡ cỡ ngang vai thành cái đuôi gà. Rồi tôi đứng thẳng người, nhìn sâu vào mắt mình trong gương, mỉm cười. Một nụ cười chật căng năng lượng. Cứ như tất cả calories còn sót lại trong cơ thể từ bữa tối qua đã dồn hết vào nụ cười này vậy. Tôi xỏ vào đôi Converse đỏ và đóng cửa ra khỏi phòng. Trước khi đi ngủ tối qua tôi đã nghĩ “sáng nay mình phải chạy”. Sáng nay vừa mở mắt tôi cũng đã nghĩ “chút nữa mình phải chạy”. Trong mơ, tôi cũng thấy một đôi chân mang giày Converse đỏ đang chạy. Sáng nay, tôi muốn chạy trong đôi giày đỏ xinh xắn. Muốn chạy thật nhanh để xả cạn kiệt cái hồ mồ hôi đang chứa đựng trong cơ thể. Muốn chạy thật mệt để làm đơ hết tất cả các neuron.

Và buổi sáng cuối tháng 8 ấy, tôi đã chạy cật lực trên những con phố trung tâm Bangkok.

Đường Khó Đi Ở Bangkok.

Tôi đến Bangkok vào đầu buổi chiều một ngày giữa tháng 6. Trời nắng nhạt. Quang cảnh ướt sũng. Khắp nơi đầy những giọt nước phản chiếu ánh mặt trời bảy màu. Mùi đất ẩm phưng phức và lòng tôi rạo rực. Tôi hăm hở kéo hai chiếc valy to đùng ra khỏi sân bay, vào thành phố tìm phòng trọ. Hết trọn buổi chiều. Cuối cùng, tôi thuê một căn phòng nhỏ nhắn ở tầng 5 một căn nhà trong khu Siam Square, trung tâm Bangkok. Để lên nhà, phải leo trọn 121 bậc cầu thang sắt. Lại tốn một buổi tối để sắp xếp, dọn dẹp. Xong xuôi, tôi ngồi tựa vào một góc phòng, mãn nguyện ngắm nghía “cái tổ” tí hin của mình. Thành tựu đầu tiên ở Bangkok ☺. Tay nắm chặt, tôi đấm mạnh vào không khí: Trước mắt là đường khó đi! Nhưng tôi sẽ đi và sẽ đi rất tốt con đường mình đã chọn từ ba năm trước …

Mùa hè năm thứ nhất khi đang du học tại Mỹ, tôi theo Sar, anh bạn trai gốc Thái Lan, đến Bangkok chơi một tuần. Và tôi đã thích mê Bangkok. Những vật tôi chạm vào, những điều tôi làm khiến toàn thân tê lại với cảm giác đã – từng – có. Tựa hồ như tôi đã từng sống ở đây, cách xa lâu lắm rồi và giờ mới được quay trở lại. Bước chân tôi trên skywalk sang cả, làn không khí nóng hôi hổi tôi hít thở, những tiếng nói nặng và kéo dài tôi nghe. Tôi âu yếm với những điều tầm thường ấy. Nhất cử nhất động của tôi đều leng keng một sự rộn ràng gây thích thú. Tôi thương yêu vô lý cái thành phố mà mới tuần trước, khái niệm về nó chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới.

Rồi tôi rời Bangkok trong ngậm ngùi. Vừa bước vào máy bay là mắt tôi ầng ậng nước. Sar kinh ngạc. Tôi cũng kinh ngạc. Cho tới trước lúc đó, tôi đã luôn ra đi hay rời bỏ với nụ cười trên môi. Với người cũng vậy, với nơi chốn cũng vậy.

Vài tuần sau chuyến đi ấy, Sar biến mất. Đột ngột và sạch boong, như đã bốc hơi vào không khí. Bạn bè ái ngại có, hiếu kỳ có, tức tối dùm tôi cũng có. Chỉ mình tôi bàng quang trước sự biến mất êm ái ấy. Tôi không mấy quan tâm. Hoặc tôi yêu Sar nông cạn. Hoặc cả phần trí và hồn của tôi đều đang mải miết suy tính phải làm thế nào để nhanh chóng trở lại Bangkok.

Đến mùa hè đại học năm thứ ba, sau hàng chục cái đơn gửi đi, cuối cùng tôi lại đến Thái Lan theo một chương trình tình nguyện. Tôi đi qua nhiều tỉnh thành của nước Thái. Chiang Mai ở phía Bắc: tiết trời quanh năm đều như đang giữa mùa thu, nhịp sống êm đềm trong những kiến trúc cổ xưa. Krabi ở phía Nam: nắng vàng, biển xanh, cát trắng, những mái nhà nhỏ xây trên đồi, những con đường lát gạch kiểu cách. Khon Kean ở biên giới với Lào – Campuchia: có rất đông người Việt sinh sống, nắng to và đồ ăn ngon nổi tiếng nhất nhì nước Thái. Nhưng tôi vẫn thiên vị nhất, mê mẩn Bangkok nhất. Lòng tôi bắt đầu nung nấu một ý định.

Ước Mơ Lớn Đầu Tiên Trong Đời, Bạn Có Còn Nhớ?

Tôi luôn nhớ rất rõ. Ngay từ khi bé tí, tôi đã luôn khao khát thay đổi thế giới, thay đổi con người và càng nhiều người càng tốt. Tôi muốn trở thành vĩ đại. Ngày bé, khi thế giới còn mới mẻ và không bị cột chặt bởi các quy tắc, chúng ta tự do mơ mộng hơn. Ước mơ vì thế cũng mạnh mẽ hơn. Trong tưởng tượng thơ bé của tôi, đầu óc con người như một chiếc hũ: có thể dễ dàng lấy khăn chùi sạch những vết bẩn và cất vào trong đấy kẹo ngọt, hạc giấy, hoa khô – những thứ tốt đẹp.

Ước mơ quyền lực ấy đã theo tôi suốt thời thơ ấu, suốt thời thiếu niên. Khi tôi 18, ước mơ ấy đã thôi thúc tôi chọn quảng cáo để theo đuổi. Tôi tin tưởng bướng bỉnh rằng quảng cáo chi phối cuộc sống rất nhiều: Chúng ta lật phần phật vô số trang quảng cáo, click hàng chục web giới thiệu trước khi sắm một cái máy tính; chúng ta mua một loại bánh mới chỉ vì tối hôm trước đã thoáng thấy ai đó khoan khoái ăn nó trên tivi … Quảng cáo, nếu tôi làm tốt thì sẽ khiến rất nhiều người làm theo ý mình. Quảng cáo, nếu tôi làm khéo thì có thể thay đổi cả thế giới. Hay ít nhất cũng thay đổi được hướng đi của tiền trong ví người khác.

Lần thứ hai rời Bangkok, tôi đem theo một niềm tin và một kỳ vọng: Mơ ước của tôi hứa hẹn sáng láng bội phần nếu được thực hiện tại Bangkok. Bangkok là cái nôi của quảng cáo Đông Nam Á, là nơi các ý tưởng, các chiến dịch được lập trình và xuất khẩu sang các nước lân cận. Bangkok là nơi tôi thấy mình được rực rỡ. Dòng năng lượng trong người tôi cuộn mạnh như áp thấp nhiệt đới cấp mười, khi mới chỉ tưởng tượng đến những idea, những chiến dịch sẽ làm. Chỉ cần hình dung thôi, tôi cũng có thể trải nghiệm rõ mồn một cảm giác “biết ngay là nó sẽ tuyệt thế mà”, khi lần đầu nhìn những mẫu quảng cáo chào đời từ các kế hoạch, các phác thảo mà tôi góp công.

Năm học cuối cùng ở Mỹ, tôi lao vào nhiều công việc làm thêm, dành dụm tiền cho một quyết định liều mạng: đến Bangkok tìm việc. Không gia đình, không bạn bè, không sõi tiếng. Bangkok trên thực tế là một nơi xa lạ. Nhưng trong trái tim tôi, đấy lại là một cái tổ ấm áp. Tôi mong ngóng, vẽ ra hàng loạt viễn cảnh nguy nga về những ngày mình sắp sống. Tôi thích thú điên cuồng khi cuối cùng cũng sắp chờ được điều bấy lâu mình khát khao.

Công Việc Đầu Tiên: Phục Vụ Cà Phê.

Trong hai tuần đầu ở Bangkok, tôi gửi CV, gọi điện đến hàng loạt công ty quảng cáo xin một cái hẹn với creative director (1). Lúc ấy là đầu tháng 7, mùa các công ty quảng cáo ngập ngụa trong những chiến dịch. Khi tôi gọi đến, họ đều bận, bận và bận. Các cô thư ký khuyên tôi chờ: vài ngày nữa, tuần sau thì sếp sẽ về, sẽ rảnh, rồi tôi sẽ được xếp lịch phỏng vấn NẾU họ cần người.Chờ. Và cầu nguyện rằng họ đang cần người.

Tôi bắt đầu chuỗi giây – phút – giờ – ngày – tuần phấp phỏng. Ngay cả lúc ngủ, tôi cũng nắm chặt cái di động. Biết đâu có một creative director “điên điên” sẽ đọc CV của tôi vào đêm khuya hay sáng sớm, rồi phấn khích quá mà gọi! Di động rung thì tim tôi cũng rung. Lại có những ngày cái điện thoại bất động, còn trái tim và trí óc tôi vận động kiệt quệ. Tôi thầm khấn niệm rằng đâu đó đang có người bấm số của mình, thông báo một cái hẹn. Rồi tôi sẽ nhảy cẫng lên, hú hét ầm ĩ. Mà cái điện thoại vẫn không nhúc nhích! Chờ. Tôi cảm thấy bất lực, nhỏ bé và yếu ớt, như đang hai tay dâng cuộc sống cho người khác. Bây giờ tôi tiến hay lùi không do chủ ý của mình, mà do một creative director nào đó có hứng thú gặp gỡ một cô gái ngoại quốc non choẹt hay không.

Càng chờ, thời gian càng trôi đủng đỉnh. Không để sự chờ đợi làm bản thân lờ đờ, tôi bắt đầu hành trình city-tour. Điều yên tâm nhất khi sống ở Bangkok là sẽ chẳng bao giờ nhàn rỗi. Bangkok, luôn luôn có chỗ để đi. Mỗi sáng thức dậy tôi túi bụi với những dấu khoanh đỏ trên bản đồ. Tàu điện trên không, tàu điện ngầm, xe buýt, tuk-tuk, taxi, đi bộ … Tôi di chuyển không ngừng trong lòng Bangkok. Tôi tới hết tất cả các phòng triển lãm, phòng tranh, các trung tâm mua sắm, các khu chợ đêm. Qua hết hai tuần, tôi đã có thể vẽ ra cho riêng mình một tấm bản đồ Bangkok: Những địa chỉ dành cho người đam mê sáng tạo hình ảnh và shopping.

Bangkok rất kỳ lạ. Những nhân tố cấu thành đô thị mê ly này đối nhau chan chát, nhưng cũng vì thế mà độc đáo. Nằm cạnh trung tâm mua sắm cao cấp Gaysorn chuyên bán thời trang với giá 150.000 baht/cái (2) là một dọc những bàn gỗ tuềnh toàng của các nghệ nhân đường phố – họ làm và bán trang sức, quần áo, quà lưu niệm với giá chỉ 20-50 baht/cái. (Tôi thích vô cùng những vật phẩm nằm trên những chiếc bàn gỗ đó!) Đối diện đền Erawan linh thiêng tấp nập người khấn vái là một quảng trường chuyên tổ chức những tiệc ngoài trời ầm ĩ, được tài trợ bởi các hãng bia rượu. Nắm tay, khoác vai dập dìu trên phố là những đôi tình nhân đến từ hai quốc gia: chàng trai Âu Mỹ cao lớn, trắng phau như gấu Bắc Cực và cô gái Thái Lan nâu óng, nhỏ nhắn. Bangkok không có sự trung hòa. Bangkok rất thế này và rất thế kia.

Nhưng có những lúc ngay giữa chuyến đi đang thú vị, một niềm bi đát tự dưng kéo đến, khi tôi chợt nghĩ đến cái ước mơ đang mỗi ngày bớt đi một màu sắc và nhiều thêm một mảng xám. Một công ty gọi tôi phỏng vấn, họ nhận tôi, nhưng phút chót lại gặp rắc rối trong khâu visa làm việc. Đã có quá nhiều người nước ngoài ở đó và theo luật pháp thì không thể nhét thêm một người ngoại quốc nào vào nữa.

Tôi buồn bã hết một ngày, thẫn thờ ngồi trong tàu điện trên không đi từ đầu Đông sang đầu Tây Bangkok. Rồi lại từ đầu Tây ngược về đầu Đông. Toàn bộ thần kinh và cảm xúc nhúng sâu trong đắng chát. Tôi nhận ra rằng ước mơ đâu chỉ nằm gọn trong tay mình. Nó chịu sự đưa đẩy của muôn vàn điều kiện khác: luật pháp, chính sách công ty và tiền. Số tiền dành dụm đã bắt đầu không đủ cho các chi phí sống. Những đồng tiền đang siết chặt vòng vây quanh tim tôi, bóp thoi thóp ước mơ. Hết tiền thì tôi sẽ phải rời Bangkok.

Rời chuyến tàu điện cuối ngày, tôi đồng hành cùng sự bất mãn ghê gớm về nhà. Tôi có tài, có ước mơ, nhưng sao không thể có một cơ hội để chứng tỏ? Khởi nghiệp, cần nhất là tự tin. Nhưng niềm tự tin trong tôi đang hư hao dần. Mọi cách vỗ vễ, trấn an đều không kết quả. Không có tiến bộ thì làm gì có niềm tin. Chán chường và cảm thấy bị ruồng bỏ, tôi run rẩy nhìn đôi bàn chân bước và tự hỏi mình sẽ đến đâu. Ngay lúc ấy, mắt tôi lướt qua cái thông báo tuyển người treo ngoài cửa một quán cà phê – một ngôi nhà gỗ kiểu châu Âu xưa. Sáng hôm sau, tôi vào làm phục vụ tại đó.

Cũng không đến nỗi tồi! Ít nhất cũng có một việc để vận động chân tay và một chút tiền để tiếp tục bơm sự sống cho ước mơ – Tôi nhủ thầm với mình như thế trong lần đầu tiên đứng sau quầy cà phê. Sự khởi đầu của công việc tạm bợ này chí ít cũng đem đến cho tôi một niềm hưng phấn nho nhỏ. Ngày ngày, tôi xúng xính trong chiếc tạp dề màu xanh lá, chuyên cần làm việc. Và cái di động lúc nào cũng túc trực trong túi tạp dề. Tôi luôn chờ đợi một cuộc điện thoại có thể thay đổi cục diện đời mình.

Ba tuần chớp mắt trôi qua. Giấc ngủ trở nên đáng yêu vào những đêm thứ sáu và đáng sợ vào những đêm chủ nhật. Đêm thứ sáu: sau đó là hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi chẳng phải phập phồng chờ điện thoại. Đêm chủ nhật: hôm sau là thứ hai, một tuần mới mở ra với những cơn chờ đợi. CHỜ. Công việc dù luôn tay luôn chân nhưng chưa từng làm tôi nhức mỏi. Chỉ những cơn chờ đợi khiến phần hồn của tôi rệu rã thành từng khúc.

Sáng mai lại là một sáng thứ hai.

Người Cũ.

Buổi chiều, có một người khách đặc biệt bước vào quán cà phê: Sar.

Tôi đặt một cốc cappuccino trước mặt Sar. Cappuccino được làm theo cách của riêng anh, rót thêm rất nhiều sữa không béo không đường và rắc một lớp dày bột chocolate trên bề mặt bọt. Tôi làm cho mình một cốc latte và đến ngồi đối diện Sar. Cạnh bên cửa sổ, trời mưa, gần Sar, trong tôi là cảm giác đã – từng – có. Có thể đã từng có một buổi chiều mưa, tôi cùng Sar ngồi bên cửa sổ bay bổng theo hương cà phê và mùi đất ẩm.

Chúng tôi yên lặng, mỗi người đùa chơi với suy nghĩ của riêng mình. Tôi hình dung Sar của mùa hè ba năm trước tại Bangkok … Trái ngược với vẻ hăm hở khám phá của tôi, Sar có thái độ bất hợp tác. Tôi thấy Bangkok đẹp trong chính sự đối nhau chan chát. Sar lại cho là lai căng. Tôi thấy Bangkok lạ với những món thủ công tự chế bán ở lề đường, mộc mạc nhưng bắt mắt. Sar cho chúng là nghèo và bẩn. Tôi học lóm tiếng Thái mọi lúc mọi nơi. Sar luôn chỉ nói tiếng Anh. Tôi ra sức đón nhận. Sar cố gắng chối bỏ.

- Anh đã đi đâu mất?

- Anh bỏ học. Đi khắp nước Mỹ. Về Thái Lan. Đi khắp Thái Lan. Sang châu Âu. Anh cũng đã sang Nam Phi. Rồi về Mỹ. Rồi giờ thì anh ở đây, Bangkok.

- Tại sao lại đi nhiều như vậy?

- Anh muốn đi tìm … đi tìm … Đi tìm một cảm giác rất tuyệt vời giống như em đã nói. Em nói khi ở Bangkok, chỉ cần bước đi, hít thở, mở mắt nhìn, lắng tai nghe, em thấy thứ gì cũng tuyệt vời. Anh chưa bao giờ như vậy khi ở nơi mình sinh ra, hay nơi mình lớn lên, hay bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới.

- … - Tôi chẳng nói gì, nhoẻn cười và bắn thẳng vào mắt Sar ánh nhìn “Anh tiếp tục đi, câu chuyện đang hay.” Khi một chàng trai đang có hứng thú kể chuyện đời mình thì tốt nhất đừng nên cắt lời.

- Nhưng anh nhận ra một điều, nơi sống không quan trọng. Đi đến đâu thì tâm anh cũng chỉ ngập một cảm giác thất lạc, thiếu thốn. Nếu chưa gỡ được cái cảm giác ấy đi, thì ở bất cứ đâu anh cũng sẽ tự hỏi mình đang làm cái quái gì.

Chúng tôi lại rơi vào yên lặng một lúc lâu.

- Ước mơ lớn đầu tiên trong đời, anh có còn nhớ?

- Anh không nhớ rõ nữa. – Sar ngập ngừng – Nhiều lắm. Nhưng không ước mơ nào bền lâu. Anh chưa kịp thực hiện cái này thì đã lại thấy mình đang ước mơ một cái khác. Bây giờ, anh đang muốn trở thành nhà văn, muốn viết một cuốn tiểu thuyết.

- Anh có yêu ước mơ ấy không?

- …

Tôi và Sar chia tay hôm ấy đã không cho nhau số điện thoại hay email. Chúng tôi gặp gỡ thế là đủ. Năm xưa khi anh biến mất, tôi nhẹ tâng. Bây giờ, cũng thái độ nhẹ tâng ấy: Mỗi người bước vào cuộc sống của tôi đều có một vai trò nhất định. Hết vai trò, họ phải đi.

Trong cuộc sống tôi, Sar đóng vai một lời nhắc nhở. Nhờ anh, tôi nhận ra mình may mắn rất nhiều. Tôi có một ước mơ để yêu. Một ước mơ để chuyên tâm và chuyên cần, để không phải rảnh rỗi đấu tranh với đủ loại cảm giác thất lạc, thiếu thốn, đang–làm–cái–quái–gì. Một ước mơ để dù bước một mình, tôi vẫn không cô đơn. Nhất là tôi có toàn quyền với ước mơ của mình, không như với con người – họ muốn đi hay ở thì tôi chẳng cách chi tác động. Sở hữu một ước mơ là lời chúc phúc ngọt ngào nhất của cuộc sống.

Quyết Định Mới.

Đã từng có lúc vừa rửa cốc, vừa hít hà căng tràn hương cà phê đắng dìu dịu, tôi thấy bằng lòng. Tại sao phải gồng mình chen chân vào quảng cáo, cái ngành cạnh tranh nhất nhì Thái Lan? Trong khi bây giờ, ngày ngày tôi có thể thảnh thơi pha cà phê và ngắm thời tiết giao mùa; mỗi cuối tuần tôi được tung tăng ở các phòng tranh, các chợ lề đường. Tôi có thể để ước mơ lớn của mình bé nhỏ dần, kém quan trọng dần rồi trở thành ký ức? Pha và hít thở cà phê, hay bất cứ công việc nhàn nhã không cố gắng nào khác là điều mà tôi muốn nhẫn nại làm đến hết cuộc đời?

Nơi sống không quan trọng, cảm giác là quan trọng – Không rõ điều này đúng được mấy phần và có thể áp dụng được cho bao nhiêu người. Nhưng lúc này, nó đang vận vừa vặn vào hoàn cảnh của tôi. Tôi vui khi được ở Bangkok, nhưng cũng biết rằng đã đến lúc phải đi. Bởi tôi đang bắt đầu ngập ngụa trong bất mãn, nghi ngờ, mất kiên trì. Tôi cần phải tìm lại phiên bản tự tin, kiêu hãnh và hồ hởi sống của mình. Tôi không thể đứng chôn chân trong cuộc sống. Tuyệt đối không!

Tôi thôi việc ở quán cà phê và nán lại Bangkok thêm một tuần. Một tuần cuối cùng để chờ đợi. Tối thứ tư, tôi đang online gửi CV đến các công ty quảng cáo ở Việt Nam và Singapore thì bỗng góc màn hình nhấp nháy, báo hiệu một email mới. 9:10 tối. Một creative director hẹn tôi phỏng vấn vào thứ sáu. Quảng cáo thật là một ngành bận rộn và không có giờ công sở theo đúng nghĩa giấy tờ. Hai ngày nữa, lại thêm một cơ hội. Tôi bước đến cửa sổ, hướng mắt về phía đường tàu điện trên không. Một chuyến tàu điện phóng vụt qua. Ngay lúc ấy, ý nghĩ “sáng mai mình phải chạy” đến trong đầu tôi.

***

Tôi cảm thấy choáng, nên ngừng chạy, đứng chống tay vào một cột đèn. Hai chân hơi khụy, nửa thân trên chúi về phía trước và miệng hồng hộc thở. Tôi ngờ rằng những mạch máu quanh cổ đang trống rỗng. Cũng tốt. Máu ít lên não chừng nào thì tôi càng bớt nghĩ ngợi chừng ấy. Hôm nay, tốt nhất là tôi đừng nên suy nghĩ, nếu không thì sẽ tự dìm chết mình trong những suy toan, giả sử, lạc quan lộn xộn với bi quan. Hôm nay, tôi chỉ muốn chạy đến kiệt sức. Vì ngày mai là ngày hẹn phỏng vấn. Vì tối qua tôi đã nghĩ thấu đáo và hài lòng trọn vẹn với suy nghĩ ấy, không muốn vẽ thêm ra những viễn tưởng tương lai khác. Tôi đã chắc chắn rằng: Nếu Bangkok không dành cho một cơ hội, tôi sẽ đi. Làm mới mình một chút, rèn dũa mình một chút, tích lũy thêm một chút. Thời gian tíc tắc qua. Nếu phải đi, rồi cũng sẽ có một ngày tôi trở về trong lòng Bangkok và được bận rộn phấn đấu trở thành nhà quảng cáo tài ba.

Tôi tiếp tục chạy. Hôm nay, tôi sẽ chạy như con thoi trong lòng Bangkok. Và sẽ có một ngày của rất nhiều năm sau, tôi bắt đầu buổi sáng bằng cách xỏ giày vào và chạy trong lòng Bangkok. Tôi sẽ vừa chạy, vừa nhớ về những ngày đang sống đây: Một cô gái nhỏ với ước mơ lớn, tìm đến Bangkok vì yêu điên cuồng ước mơ ấy.

                                                                --Yêu thương gió bay--

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #gulzin