phchat dao duc HCM

Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh - đó là : Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đạo đức này thống nhất trong đạo đức mỗi con người.

1. Trung với nước, hiếu với dân:

Nếu như lòng yêu nước là nhận thức và tình cảm đạo đức thì "trung với nước, hiếu với dân" là hành vi đạo đức. Nhận thức, tình cảm đạo đức là cơ sở của hành vi đạo đức. Với người cách mạng, đây là phẩm chất, là chuẩn mực hàng đầu.

Dưới thời phong kiến, trung là với vua, hiếu là với cha mẹ. Hồ Chí Minh bàn đến "trung" và "hiếu" cũng với ý nghĩa là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của con người nhưng đã gạt bỏ nội hàm hạn hẹp của quan niệm cũ, gạt bỏ những hạn chế trong tư tưởng đạo đức của Nho giáo và đưa vào những nội dung đạo đức mới.

Cụ thể, "trung với nước, hiếu với dân" là: Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết; phải quyết tâm đấu tranh cho sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân; phải tin tưởng ở sức mạnh ở quần chúng nhân dân, khẳng định và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ; phải gương mẫu và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...

2. Yêu thương con người:

Hồ Chí Minh vừa là con người của tư tưởng, vừa là con người của hoạt động thực tiễn. Lòng yêu thương con người của Bác vừa bao la biển trời, lại vừa gần gũi với từng số phận con người.

Lòng yêu thương con người, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ - mỗi con người chúng ta đều hơn một lần cảm nhận được. Mỗi người sống trong xã hội ai cũng hướng tới hạnh phúc, hướng tới những điều tốt đẹp. Điều thực sự đáng sợ là khi ta không thể cảm thông, chia sẻ đối với người khác. Bởi cuộc sống đâu chỉ toàn những điều vui. Như thế yêu thương là hạnh phúc của con người. Lòng thương yêu con người là cơ sở của những hành vi xã hội đẹp.

Yêu thương con người là bản chất của nhân dân lao động, là nét đẹp của chủ nghĩa xã hội.

3. Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư:

Hồ Chí Minh đề cập đến "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" một cách thường xuyên. Vì đó là ý thức và hành vi đạo đức của mỗi người với chính mình, với công việc. Đó là vấn đề hàng ngày hàng giờ và suốt quá trình đấu tranh cách mạng. Đó là biểu hiện và minh chứng cho phẩm chất đạo đức "trung với nước, hiếu với dân".

- Cần kiệm: "Cần" yêu cầu con người có ý thức và hành vi lao động nghiêm túc, đạt năng suất cao; làm tốt công việc mà xã hội đã giao phó; không lười biếng; không gian dối, lừa đảo. "Kiệm" yêu cầu tiêu dùng đúng mức, phù hợp với khả năng tài chính và vật chất mà con người có được, không xa hoa, lãng phí; "kiệm" cũng không có nghĩa là bủn xỉn, "vắt cổ chày ra nước" dẫn đến những hạn chế trong công việc và đời sống.

- Liêm chính:

Liêm: Nói đến "liêm" là nói đến sự trong sạch trong đạo đức. Với người dân bình thường, "liêm" yêu cầu không gian dối, trộm cắp. Đối với những người làm chức việc cho nhà nước thì "liêm" nghĩa là không tham ô, tham nhũng.

Chính: là nói đến sự ngay thẳng, trung thực chính mình và với người khác. Mình có chính trực thì mới yêu cầu người khác chính trực được.

- Chí công vô tư: đó là hết lòng vì công việc, vì sự công bằng, không thiên vị, không chạy theo lợi ích cá nhân mà phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của tập thể lên trước.

Hồ Chí Minh cho rằng giữa các khái niệm "cần" - "kiệm" - "liêm" - "chính" - "chí công" - "vô tư" có sự liên hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Đó là phẩm chất đạo đức của mỗi người. Và đặc biệt quan trọng với Đảng viên, với cán bộ, quan chức Nhà nước, bởi trong công cuộc cách mạng, trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách, các dự án kinh tế, nếu thiếu "cần"- "kiệm"- "liêm"- "chính"- "chí công"- "vô tư" họ sẽ thành hủ bại, sâu mọt đục khoét của nhân dân. Thực tế ngày nay, chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, hoang phí, nạn tham ô, tham nhũng hết sức trầm trọng - thực sự là nguy cơ lớn đối với công cuộc cách mạng , đòi hỏi sự đấu tranh phải quyết liệt.

4. Tinh thần quốc tế trong sáng:

Thế giới chúng ta đang sống gồm nhiều quốc gia. Bên cạnh những mối quan hệ trong nội bộ quốc gia, luôn tồn tại các mối quan hệ giữa các quốc gia. Nếu những quan hệ quốc gia và lòng nhân ái giữa người trong nước với nhau làm nảy sinh lòng yêu nước thì những quan hệ quốc tế và lòng nhân ái giữa người nước này với nguời nước khác là nền tảng nảy sinh tinh thần quốc tế.

Khi nói "tinh thần quốc tế", ta nói đến ý thức và tình cảm đạo đức cao đẹp. Khi nói "chủ nghĩa quốc tế", ta nói đến nguyên tắc cơ bản của hệ tư tưởng giai cấp công nhân các nước - đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. "Chủ nghĩa quốc tế" đối lập với "chủ nghĩa dân tộc" - một trong những nguyên tắc của hệ tư tưởng tư sản - đề cao quyền lợi vị kỉ dân tộc, quốc gia mình, chà đạp lên các dân tộc, quốc gia khác.

Dưới góc độ đạo đức, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: " Trên thế giới này chỉ có hai giống người: bóc lột và bị bóc lột. Những người bị bóc lột dù màu da, tiếng nói, chúng tộc có khác nhau vẫn có thể thương yêu nhau như anh em một nhà, vẫn có thể đại đoàn kết, đại hoà hợp. Trên thế giới chỉ có tình hữu ái thực sự là tình hữu ái vô sản".

Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề đoàn kết với nhân dân tiến bộ toàn thế giới, với giai cấp công nhân thế giới, với các dân tộc bị áp bức. Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới; coi việc ủng hộ và giúp đỡ cách mạng thế giới đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội là bổn phận, nghĩa vụ của người cách mạng.

Trong công cuộc cách mạng ngày nay, quan điểm của Đảng và nhân dân ta là: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bình đẳng hợp tác cùng có lợi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top