Phần cuối

[Phụ Bản 1]

Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta)

Tôi có nghe như vầy:

Vào một thời nọ Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) của Trưởng Giả Anathapindika [2] (Cấp Cô Độc), gần thành Savatthi (Xá Vệ) [3].

Lúc bấy giờ, đêm về khuya, có một vị Trời hào quang chiếu diệu sáng tỏa toàn khu Kỳ Viên, đến hầu Phật, lại gần nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên. Khi đã đứng yên, vị Trời cung kính bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ [4]:

1. Chư Thiên và nhân loại đều cầu mong được an lành, và ai cũng suy tìm hạnh phúc. Kính Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy chúng con về Phúc Lành Cao Thượng Nhất. [5]

2. Không kết giao với người ác, thân cận với bậc hiền trí, và tôn kính bậc đáng kính - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

3. Cư ngụ nơi thích nghi [6], đã có tạo công đức trong quá khứ, và hướng tâm về chánh đạo [7] - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

4. Học nhiều hiểu rộng [8], lão luyện tinh thông thủ công nghiệp [9], giới hạnh thuần thục trang nghiêm [10], có lời nói thanh nhã - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

5. Hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, thương yêu tiếp độ vợ con, và hành nghề an lạc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

6. Rộng lượng bố thí, tâm tánh trực giác, giúp đỡ họ hàng, và tạo nghiệp chân chánh - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

7. Loại trừ và ngăn ngừa nghiệp ác [11], thận trọng kiêng cữ các chất say, vững vàng giữ gìn phẩm hạnh - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

8. Đức hạnh biết tôn kính [12], khiêm tốn, biết đủ, biết ơn và đúng lúc, lắng nghe Giáo Pháp (Dhamma) [13] - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

9. Nhẫn nhục, biết vâng lời, thường gặp gỡ bậc Sa Môn (Samanas) [14] và tùy thời, luận đàm về Giáo Pháp - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

10. Tự kiểm soát, sống đời Thánh Thiện, quán tri Tứ Đế, liễu ngộ Niết Bàn - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

11. Người mà tâm không giao động khi tiếp xúc với thế gian pháp [15], Không Sầu Muộn, Vô Nhiễm và An Toàn [16] - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

12. Đối với những ai đã viên mãn hoàn thành các pháp trên [17], ở mọi nơi đều không thể bị thất bại, đi khắp nơi đều được hạnh phúc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất [18].

-oOo-

Chú Giải Hạnh Phúc Kinh

[1] So sánh với Túc Sanh Truyện Mahamangala Jakata (số 453). Bài kinh này được ghi trong bộ Sutta Nipata và Khuddaka Nikaya.

[2] Anathapindika, theo nghĩa trắng là "Người cho ăn đến kẻ cô đơn không được giúp đỡ" hoặc "Nuôi sống những người bị bỏ rơi", ta thường gọi là Cấp Cô Độc. Tên thật của ông là Sudatta. Sau khi quy y trở thành Phật tử, ông mua một khu rừng tươi tốt của Ông Hoàng Jeta (Kỳ Đà) và xây dựng một ngôi đạo tràng có tên là Jetavanarama (Kỳ Viên Tịnh Xá). Nơi đây Đức Phật cư ngụ phần lớn đời Ngài.

Muốn có nhiều chi tiết về Sudatta, đọc Kindred Sayings, phần I, trang 27; và Vinaya Text, tập iii, trang 179.

[3] Savathi, tên ngày nay là Sahet-Mahet.

[4] Bản Chú Giải ghi nhận rằng ngày kia có một cuộc bàn thảo sôi nổi xảy ra trong "Hội Trường" nhằm tìm hiểu thế nào là phúc lành cao thượng nhất.

Đông người, mỗi người có một ý kiến riêng. Có người chủ trương rằng sáng sớm ra đường thấy một điềm lành (như gặp một người mẹ bồng con, một em bé, một con bò trắng, v.v...) là phúc lành.

Những người có ý kiến khác nhau chia làm ba nhóm, mạnh mẽ bênh vực ý kiến của nhóm mình, và cuộc bàn cãi sôi nổi lan tràn đến cảnh giới chư thiên. Các vị Trời cũng không đồng ý với nhau, không thỏa mãn được với những cuộc tranh luận, đem câu chuyện lên đến Vua Trời Sakka (Đế Thích).

Sau cùng, Vua Trời Sakka đề cử một vị Trời đại diện đến hầu Phật và cung thỉnh tôn ý Ngài. Chính vị Trời ấy đến gần Đức Thế Tôn và bạch hỏi bằng câu kệ.

[5] Phúc Lành Cao Thượng Nhất. Theo Bản Chú Giải, Mangala có nghĩa là những gì dẫn đến hạnh phúc và thịnh vượng. Theo các nhà ngữ nguyên học, danh từ này chia làm ba phần: "Man" là trạng thái khốn khổ, "ga" là đưa đến và "la" là cắt đứt. Các Ngài gộp chung ba phần lại và giải thích "Mangala" là "cái gì chặn đứng con đường đưa đến trạng thái khốn khổ".

[6] Cư ngụ nơi thích nghi. Tức là nơi nào Tứ Chúng (chư vị Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Cận Nam và Tín Nữ) thường cư trú, thường có những người tâm đạo nhiệt thành thực hành thập thiện nghiệp, và nơi mà Giáo Pháp được xem là quy tắc của đời sống. (Bản Chú Giải).

[7] Hướng tâm về chánh đạo. Tức là hướng cái tâm đồi bại vô luân về đạo đức chân chánh, tâm mất đức tin về niềm tin chân chánh và tâm ích kỷ vị ngã về lòng quảng đại vị tha. (Bản Chú Giải).

[8] Học nhiều hiểu rộng. Bahusutta, theo nghĩa trắng là "người có nghe nhiều", đa văn. Danh từ này hàm ý là người có học vấn uyên bác thâm sâu. Vào thời xưa không có sách vở, vì lẽ ấy, người nhớ nhiều giáo huấn của thầy được xem là học rộng, hiểu sâu. Nơi đây học rộng, hay "nghe nhiều" có nghĩa là người thông hiểu Giáo Pháp (Dhamma) một cách sâu xa.

[9] Bản Chú Giải đề cập đến hai loại công ăn việc làm: nghề không làm tổn hại đến ai của người sống tại gia, như thợ bạc, thợ rèn v.v... và nghề của người xuất gia như vá y v.v...

[10] Vinaya, tức giới hạnh trang nghiêm trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Bản Chú Giải đề cập đến hai loại giới hạnh: giới của người tại gia, tức không vi phạm thập bất thiện nghiệp và giới hạnh của hàng xuất gia như bảy loại vi phạm được kể trong Giới Bổn (Patimokkha), hoặc nghiêm trì Tứ Thanh Tịnh Giới.

[11] Hoàn toàn lánh xa ác nghiệp, không phải chỉ tiết chế chừng mực.

[12] Tức tôn kính Đức Phật và các môn đệ của Ngài, tôn kính Thầy, cha, mẹ, bậc trưởng thượng v.v... (Bản Chú Giải).

[13] Thí dụ như lúc ta bị những tư tưởng ô nhiễm ám ảnh, khuấy động.

[14] Những người đã đè nén khát vọng của mình.

[15] Thế gian pháp (lokadhamma), gồm có tám là: được và thua, danh thơm và tiếng xấu, tán dương và khiển trách, đau khổ và hạnh phúc (xem Chương 43).

[16] Asokam, Virajam và Khemam. Mỗi danh từ trong ba Phạn ngữ này đều hàm xúc tâm của một vị A La Hán. Asoka là không sầu não, phiền muộn. Virajam là không có những ô nhiễm tham ái, sân hận và si mê. Khema là an toàn không bị trói buộc trong những thằng thúc tham dục (Kama), trở thành, hữu (Bhava), tà kiến (Ditthi) và vô minh (Avijja) -- (dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu và vô minh lậu).

[17] Tức ba mươi tám Phúc Lành kể trên. (Bản Chú Giải).

[18] So bản dịch trong quyển "Buddhism" trang 125 của Rhys David và "Some Sayings of the Buddha" của Woodward, trang 56.

[Phụ Bản 2]

Kinh Suy Đồi (Parabhava Sutta)

Tôi có nghe như vầy:

Vào một thời nọ Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), của Trưởng Giả Anathapindika (Cấp Cô Độc), gần thành Savatthi (Xá Vệ).

Lúc bấy giờ, đêm về khuya, có một vị Trời hào quang chiếu diệu sáng tỏa toàn khu Kỳ Viên, đến hầu Phật, lại gần nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên. Khi đã đứng yên, vị Trời cung kính bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ:

1. Con xin đến đây hầu Đức Thế Tôn và bạch hỏi Ngài về con người suy đồi. Kính xin Đức Gotama (Cồ Đàm) mở lượng từ bi, hoan hỷ chỉ dạy chúng con vì nguyên nhân nào người ta suy đồi.

2. Tình trạng tiến bộ dễ hiểu biết, tình trạng suy đồi dễ hiểu biết. Người biết thương Giáo Pháp (Dhamma) là tiến bộ. Ghét bỏ Giáo Pháp là suy đồi.

3. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân đầu tiên làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ nhì đưa con người đến tình trạng suy đồi.

4. Thân thiện với kẻ hư hèn, không thấy gì tốt nơi người đạo đức, người thật lòng vui thú với thói hư tật xấu - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

5. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ thì làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ ba đưa con người đến tình trạng suy đồi.

6. Người dể duôi dã dượi, ham vui ở chỗ đông người, không chuyên cần, biếng nhác và nóng nảy - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

7. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ ba làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ tư đưa con người đến tình trạng suy đồi.

8. Người giàu có mà không cấp dưỡng cha mẹ già đã quá tuổi xuân xanh - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

9. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ tư làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ năm đưa con người đến tình trạng suy đồi.

10. Người giả dối, gạt gẫm một vị Bà La Môn, một vị đạo sĩ ẩn dật hay một đạo sĩ du phương hành khất - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

11. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ năm làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ sáu đưa con người đến tình trạng suy đồi.

12. Người có tiền của dồi dào, nhiều vàng, lắm vật thực, nhưng chỉ thọ hưởng riêng mình - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

13. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ sáu làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ bảy đưa con người đến tình trạng suy đồi.

14. Người kiêu căng, tự phụ với dòng dõi, với tài sản sự nghiệp hoặc giai cấp mình và khinh khi những người khác - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

15. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ bảy làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ tám đưa con người đến tình trạng suy đồi.

16. Người trụy lạc, say sưa rượu chè và phung phí tài sản - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

17. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ tám làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ chín đưa con người đến tình trạng suy đồi.

18. Không biết an phận với chính vợ nhà, ăn ở với gái giang hồ và vợ người khác - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

19. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ chín làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ mười đưa con người đến tình trạng suy đồi.

20. Người đã quá tuổi xuân xanh, cưới về bà vợ quá trẻ và ăn ở sống chung không phải vì tình thương chăm sóc - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

21. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ mười làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ mười một đưa con người đến tình trạng suy đồi.

22. Người tự đặt mình dưới quyền một người đàn bà hay một người đàn ông phung phí, vô độ lượng - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

23. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ mười một làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ mười hai đưa con người đến tình trạng suy đồi.

24. Người có ít phương tiện mà nhiều tham vọng, dòng dõi chiến sĩ mà khát khao cần quyền tối thượng - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

25. Thấu rõ những nguyên nhân đưa đên tình trạng suy đồi trên thế gian, bậc Hiền Trí Cao Thượng sống với trí tuệ trong cảnh giới nhàn lạc.

Chú thích

[1] Sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng thời Pháp đề cập đến những điều kiện dẫn đến hạnh phúc và thịnh vượng, các vị Trời muốn nghe Ngài giảng về những gì có khuynh hướng dẫn đến tình trạng suy đồi. Do đó các Ngài đến hầu Phật và bạch hỏi.

[Phụ Bản 3]

Kinh Hạng Cùng Đinh (Vasala Sutta)

Tôi có nghe như vầy:

Vào một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa của Trưởng Giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) trong khu rừng Jeta (Kỳ Viên). Sáng hôm nọ Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Savatthi (Xá Vệ) để trì bình.

Lúc bấy giờ trong nhà của Aggika Bharadvaja, một người theo đạo Bà La Môn cũng chuẩn bị để dâng cúng vật thực. Đức Thế Tôn ôm bát đi từ nhà này sang nhà khác trong thành Savatthi và đến gần nhà của vị bà la môn. Thấy Đức Phật từ xa đến, vị bà la môn nói:

"Hãy đứng lại, này ông thầy tu! Hãy dừng lại, này ông đạo bần tiện đê hèn! Hãy đứng lại đó, này người cùng đinh khốn khổ !" [1]

Khi nghe như vậy thì Đức Thế Tôn ôn tồn nói: Nầy ông bà la môn, ông có biết người cùng đinh là thế nào, hay cái gì làm cho người ta cùng đinh không?

- Không, quả thật tôi không biết. Nầy Đức Gotama (Cồ Đàm), tôi không hiểu cùng đinh là thế nào và những gì làm cho ta là cùng đinh. Xin Đức Gotama hoan hỷ tuyên ngôn chỉ dạy Giáo Pháp giúp tôi có thể hiểu biết thế nào là cùng đinh và những gì làm cho người ta trở thành cùng đinh.

- Hãy nghe đây, này ông bà la môn! Như Lai nói đây, và hãy nhớ lấy nằm lòng.

- Tốt lắm, này Đức Gotama, tôi nghe đây, ông bà la môn trả lời.

Đức Thế Tôn mở lời tuyên ngôn như sau: [2]

1. Con người dễ nóng giận, hay hiềm thù, có nhiều thói hư tật xấu, tánh ưa phỉ báng gièm pha [3], người có quan kiến sai lầm và bẩm tánh giả dối ưa gạt gẫm phỉnh lừa - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

2. Người nào trên thế gian này làm tổn thương những chúng sanh "sanh một lần" hay những chúng sanh "sanh hai lần" [4], người không có lòng bi mẫn đối với chúng sanh - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

3. Người nào tiêu diệt, vây hãm thôn xóm và được gọi là người áp chế chinh phục - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

4. Dầu trong xóm làng hay trong rừng hoang, người nào trộm cắp hoặc sang đoạt sở hữu của người khác mà không được cho đến mình - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

5. Người nào mang nợ, bỏ trốn, và khi được hỏi, lại nói ngược, "Nào tôi có thiếu nợ gì đâu" - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

6. Người nào vì lòng tham, giết bạn cùng đồng hành với mình trên đường đi để cướp giật - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

7. Người nào được mời ra làm nhân chứng, nói lời giả dối vì lợi riêng của mình, hay vì lợi ích của ai khác, hoặc vì để thâu đoạt tài sản - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

8. Người nào dùng áp lực hãm hiếp hay dụ dỗ vợ bạn hay họ hàng - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

9. Người nào giàu có mà không phụng dưỡng cha mẹ già đã quá tuổi xuân xanh - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

10. Người nào đánh đập hay nói lời phiền nhiễu cha, mẹ, anh, chị, hay nhạc mẫu, nhạc phụ - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

11. Người nào mà khi được hỏi về điều phải, khuyên dạy về điều sai lầm và dạy mà còn giấu kín giữ bí mật - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

12. Người nào đã làm điều ác mà muốn không ai biết, và giấu nhẹm giữ kín - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

13. Người nào, khi đến nhà người được đãi đằng với những món ngon vật lạ, đến lượt mình, khi khách đến nhà lại không tiếp đón phải lẽ - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

14. Người nào giả dối lường gạt một vị Bà La Môn , một đạo sĩ ẩn dật, hay một tu sĩ du phương hành khất - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

15. Người nào bằng lời nói, phiền nhiễu một vị Bà La Môn hay một đạo sĩ ẩn dật vào lúc thọ thực, và không dâng cúng (vật thực) - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

16. Người nào trên thế gian này, bị mịt mù che lấp trong vô minh, lại bày điều tiên đoán việc không có, để cầu mong được gì - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

17. Người nào tự tâng bốc mình, khinh rẻ người khác, và trở nên đê hèn vì tánh tự phụ của mình - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

18. Người nào có tánh ưa khuấy nhiễu, tham lam quá độ, ham muốn đê hèn, ích kỷ, lưu manh, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

19. Người nào nguyền rủa, mắng chửi Đức Phật hay một vị đệ tử của Phật, dù là hàng xuất gia hay cư sĩ tại gia - hãy biết rằng người ấy là cùng đinh.

20. Người nào không phải là một vị A La Hán mà mạo nhận, tự xưng mình là A La Hán, là kẻ trộm của toàn thể vũ trụ [6], người ấy là hạng cùng đinh thấp hèn nhất.

Như vậy, những hạng người mà Như Lai mô tả trên đây quả thật đáng gọi là cùng đinh [7].

21. Không [8] phải do sanh trưởng là cùng đinh [9], không phải do sanh trưởng là Bà La Môn. Do hành vi là cùng đinh, do hành vi là Bà La Môn. [10]

22. Hãy biết như vậy do câu chuyện này: [11] Thuở ấy có Matanga, con một người cùng đinh, người "nấu thịt chó". [12]

23. Người con tên Matanga này thành đạt mức vinh quang tuyệt đỉnh rất khó thành đạt, và được nhiều người thuộc giai cấp chiến sĩ và Bà La Môn hỗ trợ.

24. Đi đến cảnh giới Phạm Thiên bằng chiếc "xe của thiên đình" [13] trên con đường "xa lộ không dục vọng" [14], Matanga hiện thân lên [15] cảnh Phạm Thiên, lánh xa mọi hình thức tham ái. Trạng thái sanh trưởng (trong cảnh cùng đinh) không gây trở ngại cho sự tái sanh vào cảnh Phạm Thiên.

25. Có những vị Phạm Thiên tái sanh vào gia đình truyền giáo [16] quen thuộc với kinh kệ (Veda). Những vị này lắm khi cũng có những hành vi xấu xa tội lỗi.

26. Trong kiếp này các vị ấy bị khinh khi, kiếp sống tới họ sẽ bị lâm vào cảnh khổ. Sanh trưởng không giúp họ tránh khỏi phải trái sanh vào khổ cảnh hay gặt hái quả dữ.

27. Do sanh trưởng, người ta không trở thành cùng đinh, do sanh trưởng, người ta không trở thành Bà La Môn. Trở thành cùng đinh do hành vi, trở thành Bà La Môn do hành vi.

Khi Đức Thế Tôn dạy như vậy vị Bà La Môn Aggika Bharadvaja nói:

"Lành thay, Bạch Đức Gotama! Lành thay, Bạch Đức Gotama! Cũng như người kia dựng lại ngay ngắn một vật đã bị lật đổ, hay khám phá ra một vật đã được giấu kín, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc bước, hay cầm đèn soi sáng trong đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy, Giáo Pháp mà Đức Gotama giảng dạy bằng nhiều phương cách dường thế ấy.

"Bạch Đức Thế Tôn, nay con xin quay về nương tựa nơi (quy y với) Đức Gotama, nơi Giáo Pháp và nơi Giáo Hội Các Vị Đệ Tử của Ngài. Kính xin Đức Gotama từ bi chấp nhận con vào hàng môn đệ ngay từ ngày này đến giờ phút cuối cùng của đời con".

-oOo-

Chú Giải Bài Kinh Vasala Sutta

[1] "Những lời lẽ nặng nề, khiếm nhã của vị Bà La Môn lúc bấy giờ rất trái ngược với thái độ tôn nghiêm kính cẩn về sau đáng nên được có một lời giải thích. Bản Chú Giải ghi rằng vào buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, Đức Phật dùng oai lực thần thông siêu phàm nhìn quanh thế gian thì thấy vị Bà La Môn này đủ thuần thục để quy y Tam bảo và thọ trì Giới Hạnh. Ngài ra đi đặc biệt để gặp ông. Vị Bà La Môn sáng hôm ấy cũng vừa cúng thần Brahma (Brahma-Puja) xong, tìm một điềm tốt, tức một dấu hiệu may mắn, thì mắt vị ấy thấy một ông "thầy tu trọc đầu" và một vị "Sa môn" (Samana), cả hai đều là điềm không may, là dấu hiệu bất tường, theo sự tin tưởng của người giữ đạo Bà La Môn. Vì lẽ ấy khi thấy Đức Phật từ xa đến thì ông ta nổi giận, tuôn ra những lời lẽ cộc cằn thô lỗ.

Sau khi nghe những lời hoà nhã êm dịu của Đức Thế Tôn, được thốt ra với một giọng nói hiền từ, và nhìn thấy phong độ trầm tĩnh đầy bi mẫn của Đức Bổn Sư thì vị Bà La Môn cảm nghe thẹn thùng và những lời của ông về sau biểu lộ nỗi niềm ăn năn hối hận." -- (Kassapa Thero).

[2]Vị Bà La Môn nổi cơn phẫn nộ vì cái mà ông cho là điềm xấu. Đó là mới sáng sớm đã thấy một "thầy tu trọc đầu". Ông cho đó là điềm bất tường nên nói lên những lời cộc cằn khiếm nhã.

Đức Phật không bao giờ trả thù mà lễ độ và trầm tĩnh trả lời, không làm giảm giá trị ông Bà La Môn và cũng không tự tâng bốc khen ngợi mình. Ngài không nói rằng người nóng nảy lỗ mãng, ăn nói thô lỗ cộc cằn, quả thật là "cùng đinh" - Vasala - theo đúng định nghĩa của danh từ, mặc dù người ấy có thể được sanh ra từ trong đầu của thần Brahma.

Câu trả lời của Đức Thế Tôn làm cho ông Bà La Môn cảm thấy rằng chính Đức Phật là một vị Bà La Môn trong khi ông - người được gọi là Bà La Môn - đúng thật là cùng đinh.

[3] Makkha - thường được dịch là "đạo đức giả", "ngụy thiện", giả dối. Đúng theo ngữ nguyên là "bôi bỏ cái tốt của người khác".

[4] Nơi đây Đức Thế Tôn dùng danh dừ "sanh hai lần", theo văn thể thường dùng trong kinh sách Bà La Môn.

Ekajam-Dvijam, những chúng sanh "sanh một lần", tức tất cả chúng sanh, loại trừ loại noãn sanh, như chim chóc hay những loài được sanh ra từ trong trứng. "Sanh hai lần", một lần trong trứng và một lần nữa trong trứng sanh ra.

[5] A La Hán. Một vị thánh toàn thiện đã tận diệt mọi ô nhiễm.

[6] "Sabrahmake loke" theo nghĩa trắng là: trong thế gian cùng với chư Phạm Thiên, tức toàn thể vũ trụ (Bản Chú Giải).

[7] Trong 20 câu, Đức Phật kể ra ba mươi bốn loại điều kiện làm cho con người trở thành cùng đinh.

Câu đầu tiên Ngài đề cập đến sáu loại điều kiện như sân hận v.v...; trong câu thứ nhì, Ngài đề cập đến sự kiện làm tổn thương chúng sanh khác; thứ ba, đến sự áp bức, chinh phục; thứ tư, đến sự trộm cắp; thứ năm, đến sự gian lận, nợ nần; thứ sáu, đến sự cướp giựt; thứ bảy, đến sự làm chứng gian để vụ lợi; thứ tám, đến tánh nết giả dối phản bội; thứ chín, đến sự không biết ơn cha mẹ; thứ mười, đến sự đánh đập và quấy rầy những người sống quanh; thứ mười một, đến sự tự lừa dối, lường gạt mình; thứ mười hai, đến sự gây tội ác và giấu nhẹm, giữ kín trong lòng; thứ mười ba, đến tánh vô ân bạc nghĩa; thứ mười bốn, đến sự giả dối lường gạt; thứ mười lăm, đến sự nguyền rủa chửi mắng người tu hành; thứ mười sáu, đến sự gian lận; thứ mười bảy, đến tánh tự cao, tự đại và khinh rẻ người khác; thứ mười tám, đến bảy điều kiện như chửi mắng v.v...; thứ mười chín, đến việc xử tồi tệ với Đức Phật và chư vị đệ tử; thứ hai mươi, giả dối tự xưng mình là bậc A La Hán.

Không xét đoán người qua sự sanh trưởng mà qua hành vi, bậc Thánh Nhân gọi ba mươi bốn loại người ấy là hạng người cùng đinh.

[8] Đức Phật nói lên câu này nhằm đánh tan quan kiến sai lầm mà vị Bà La Môn khư khư cố chấp.

[9] Theo Bản Chú Giải, "Vasala", cùng đinh, là người bị những đám mưa (vassanto) làm cho hành động bị ô nhiễm, và Bà La Môn là người quét sạch, đánh tan (bahento) mọi ô nhiễm bằng những hành động trong sạch. Trong bản dịch này danh từ "Brahmana" ám chỉ các bậc A La Hán, danh từ "brahmin" thì chỉ những người trong giai cấp Bà La Môn.

[10] Comp: "Sự sanh trưởng không làm cho con người thuộc về giai cấp Bà La Môn, cũng không làm cho con người không phải ở trong giai cấp Bà La Môn.

"Chính đời sống và hành vi uốn nắn, làm cho con người trở nên thật sự là Bà La Môn.

Cuộc sống uốn nắn làm cho con người trở nên nông dân, thương gia, nô bộc ;

Cuộc sống uốn nắn làm cho con người trở nên kẻ trộm cắp, chiến sĩ, quan quyền."

[11] Đức Phật muốn nhắc đến một câu chuyện trong tiền kiếp xa xôi của Ngài, khi là con một người cùng đinh. Lúc bấy giờ Ngài tên Matanga, có một cuộc sống đức hạnh phi thường, làm cho mọi người đều khâm phục và sau đó tái sanh vào cảnh Trời Phạm Thiên. Xem Túc Sanh Truyện Matanga Jakata, số 497.

[12] Candala, cùng đinh, có nghĩa là giai cấp thấp hèn; Sopaka có nghĩa là người nấu thịt chó để ăn, ám chỉ một lối sống thấp kém; và Matanga là tên của con người cùng đinh ấy (Bản Chú Giải).

[13] Chiếc xe của thiên đình. Tức là Bát Chánh Đạo, có tác dụng đưa chúng sanh đến cảnh giới Phạm Thiên (Brahma realm).

[14] Con đường "xa lộ không dục vọng" là con đường mà các bậc vĩ nhân như Đức Phật v.v... đã đi trên đó.

[15] Sau khi cơ thể tan rã.

[16] Những vị hằng ngày dấn thân trong việc học kinh Phệ Đà (Veda).

[Phụ Bản 4]

Tam Bảo Kinh (Ratana Sutta)

1. Bất luận ai tụ hội nơi đây, hoặc chúng sanh trên địa cầu hoặc chúng sanh ở cảnh Trời, ngưỡng mong tất cả đều an lành hạnh phúc! Tất cả hãy chăm chú lắng nghe những lời này [1].

2. Tất cả hãy chú tâm suy niệm; hãy biểu lộ lòng từ ái đối với chúng sanh trong cảnh người; ngày đêm hằng dâng cúng [2]. Hãy tận tình hộ trì những người ấy.

3. Dù kho tàng quý giá nào trên đời hay trong một cảnh giới khác, dù châu báu [3] trong những cảnh Trời [4], không có gì sánh bằng Đức Thế Tôn.

Đúng vậy, Đức Phật là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

4. Bậc Thiện Trí [5] dòng Sakya (Thích Ca) đã viên mãn Chấm Dứt phiền não, Ly Dục và thành đạt trạng thái Vô Sanh Bất Tử Vô Thượng. Không có gì sánh bằng Giáo Pháp (Dhamma).

Đúng vậy, Giáo Pháp là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc.

5. Các bậc Thánh Nhân mà Đức Phật Tối Thượng tán dương, được mô tả là "tâm an trụ không gián đoạn" [6]. Không có gì như tâm an trụ ấy.

Đúng vậy, Giáo Pháp là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

6. Tám Vị Thánh ấy [7], hợp thành bốn đôi, được bậc thiện trí tán dương; Các Ngài là những bậc đáng được cúng dường, là đệ tử của Đấng Thiện Thệ - vật dâng cúng đến các Ngài sẽ đem lại quả phúc dồi dào.

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

7. Với ý chí kiên trì vững chắc, sống trọn vẹn trong Giáo Huấn của Đức Gotana, không ái dục, các Ngài đã thành đạt những gì cần thành đạt [8] và thể nhập quả vị Bất Tử, các Ngài an nhàn thọ hưởng cảnh Thanh Bình An Lạc.

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

8. Như trụ cột [9] chôn sâu trong lòng đất không thể bị gió bốn phương lay chuyển, cùng thế ấy, Như Lai tuyên ngôn, con người chánh trực đã chứng ngộ Tứ Thánh Đế cũng như vậy.

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

9. Những bậc đã thấu đạt rõ ràng các Thánh Đế mà bậc Trí Tuệ thậm thâm đã giáo truyền, dầu dể duôi phóng dật, vẫn không tái sanh đến lần thứ tám [10].

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

10. Người chứng ngộ Minh Sát [11], ba điều kiện [12] nếu còn, sẽ được loại trừ , đó là - thân kiến [13], hoài nghi [14], và giới cấm thủ. Không bao giờ sa đọa vào bốn khổ cảnh [15] và không còn có thể vi phạm sáu trọng nghiệp bất thiện [16].

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

11. Bất luận hành động nào mình đã làm bằng thân, khẩu hay ý, bậc Thánh Nhân không thể giấu; bởi vì người đã thấy Con Đường không thể còn phạm lỗi.

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

12. Cũng dường như cây trong rừng [17] đua nhau đâm chồi nở mọng trên ngọn [18] khi mùa hè bắt đầu ấm nóng [19], Giáo Pháp Tối Thượng dẫn đến Niết Bàn đã được giáo truyền vì Lợi Ích Tối Thượng cũng cùng thế ấy.

Đúng vậy, Giáo Pháp là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

13. Đức Thế Tôn Vô Thượng, bậc Toàn Giác, bậc Thánh Nhân đã ban bố, bậc đã Đem Đến và Giáo Truyền Pháp Cao Siêu Tối Thượng.

Đúng vậy, Đức Phật là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

14. Quá khứ đã chấm dứt, vị lai không còn nữa, tâm không dính mắc trong một kiếp tái sanh vị lai, tham ái không khởi sanh [20] - các bậc trí tuệ ấy siêu thoát như ngọn đèn kia chợt tắt [21].

Đúng vậy, Tăng Già là châu báu thù diệu.

Do sự thật này, ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

15. Chúng ta tụ hội nơi đây, dù là chúng sanh ở địa cầu hay thiên giới, hãy đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc được chư Thiên và nhân loại kỉnh mộ tôn vinh. Ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

16. Chúng ta tụ hội nơi đây, dù là chúng sanh ở địa cầu hay thiên giới, hãy đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc được chư Thiên và nhân loại kỉnh mộ tôn vinh. Ngưỡng mong được an lành hạnh phúc!

17. Chúng ta tụ hội nơi đây, dù là chúng sanh ở địa cầu hay thiên giới, hãy đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc được chư Thiên và nhân loại kỉnh mộ tôn vinh. Ngưỡng mong được an lành hạnh phúc! [22]

-oOo-

Chú Giải Tam Bảo Kinh

[1] Bản Chú Giải mô tả trường hợp Đức Thế Tôn giảng bài Kinh này như sau:

Vào một lúc nọ dân chúng trong thị trấn Vesali trù phú cùng một lúc gặp phải ba thiên tai - nạn chết đói, nạn bị ma quái phá rầy và nạn dịch hạch. Trước tiên, vì mùa màng thất thoát, những người nghèo không đủ ăn, phải chết đói. Xác chết nằm la liệt, mùi hôi thúi thu hút cảnh âm bất thiện, và sau cùng bệnh dịch hạch truyền nhiễm tai hại.

Trước những tai trời ách nước vô cùng nguy hiểm này, trong lúc dân chúng đang xôn xao bấn loạn thì bỗng nhiên họ nảy sanh ý nghĩ cung thỉnh Đức Phật, lúc ấy đang lưu ngụ tại thành Rajagaha (Vương Xá) gần đó.

Hai vị quý tộc dòng Licchavi hướng dẫn một phái đoàn hùng hậu liền lên đường sang Rajagaha hầu Phật và thuật lại tình trạng đau thương vô cùng tuyệt vọng của họ. Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu và cùng Đức Ananda và đông đảo chư Tăng rời Rajagaha sang sông Ganges, đến Vesali.

Khi Đức Phật vừa đến thành Vesali một trận mưa tầm tã ào xuống, quét sạch thành phố và thanh lọc ô nhiễm trong không khí. Khi ấy Đức Phật giảng bài Ratana Sutta (Tam Bảo Kinh) cho Ngài Ananda, rồi dạy Ngài cùng với chư Tăng và đông đảo dân chúng vừa đi khắp thị trấn vừa đọc tụng Kinh này. Ngài Ananda ôm theo bình bát của chính Đức Phật, đựng nước trong đó, và rải nước có đọc kinh cùng khắp. Bản Chú Giải ghi rằng khi chư Tăng vừa đọc những chữ "yam kinci", thì các chúng sanh bất thiện trong cõi âm hoảng sợ rút lui. Bệnh dịch hạch cũng dần dần tan biến. Sau khi chư Tăng đọc kinh để bảo vệ dân chúng trong thành phố xong thì trở về Hội Trường, có Đức Phật chờ nơi đó.

Nhân cơ hội, Đức Phật giảng giải bài Ratana Sutta (Tam Bảo Kinh) cho toàn thể đám đông.

[2] Bản Chú Giải ghi rằng người ta vẽ hình chư Thiên, hoặc đục khắc trên gỗ, rồi làm những bàn thờ nhỏ treo trên cây và hằng ngày đem lễ vật đến cúng.

[3] Danh từ Ratana có nghĩa là trân châu bảo ngọc quý giá. Nơi đây danh từ Ratana, bảo vật, hàm ý là Tam Bảo: Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Già. Theo đúng ngữ nguyên, danh từ "ratana" gồm ba âm - ra, ta và na. "Ra" là thu hút, "ta" là vượt xuyên qua và "na" là dẫn đến. Phật, Pháp, Tăng gọi chung là Ratana, châu báu, bởi vì Tam Bảo có đức hạnh thu hút tâm của bậc thiện trí; là phương tiện đưa chúng sanh vượt qua đại dương của vòng luân hồi (Samsara); và dẫn đến các cảnh Trời và Niết Bàn cho những ai tìm nương tựa nơi Tam bảo.

[4] Danh từ cảnh Trời ở đây bao gồm luôn cả những cảnh Phạm Thiên (Brahma) từ thấp nhất đến cao nhất - Akanittha (Bản Chú Giải).

[5] Gọi như vậy vì Ngài đã hoàn toàn tận diệt mọi ái dục (Bản Chú Giải).

[6] Magga (Đạo) được gọi là Anantarika Samadhi, tâm định liên tục, không gián đoạn, bởi vì Phala (Quả) theo sau tức khắc không có thời gian gián đoạn.

[7] Tám vị Thánh Nhân ấy là: (i) Vị đã chứng đắc Sotapatti, Tu Đà Huờn Đạo, và (ii) Tu Đà Huờn Quả; (iii) vị đã chứng đắc Sakadagami, Tư Đà Hàm Đạo, và (iv) Tư Đà Hàm Quả; (v) vị đã chứng đắc Anagami, A Na Hàm Đạo, và (vi) A Ha Hàm Quả, (vii) vị đã chứng đắc Arahant, A La Hán Đạo, và (viii) A La Hán Quả.

Như vậy tính từng cá nhân thì có tám vị, tính cặp thì có bốn đôi.

[8] Tức A La Hán Quả.

[9] Indakhila-Inda, có nghĩa Sakka, Vua Trời Đế Thích. Danh từ Indakhila có nghĩa là trụ cột đã được vững chắc chôn sâu trong lòng đất, vừa cao vừa vững như trụ cột của Vua Trời Sakka.

Bản Chú Giải ghi rằng những Indakhila (trụ cột) này được trồng bên trong thành phố để làm đẹp, hoặc bên ngoài như một dấu hiệu bảo vệ. Thông thường những trụ cột này, hình bát giác, được xây lên bằng gạch hoặc bằng gỗ tốt. Phân nửa cây trụ được chôn sâu dưới đất - do đó có thành ngữ: vững chắc như trụ cột Indakhila.

l10] Người đã thành đạt tầng Thánh đầu tiên (Sotapatti, Tu Đà Huờn) chỉ còn tái sanh nhiều lắm là bảy lần.

[11] Tức lần đầu tiên nhoáng thấy Niết Bàn.

[12] Trong mười Samyojana, thằng thúc (kiết sử), tức mười dây trói buộc cột chặt chúng sanh vào vòng luân hồi, ba thằng thúc đầu được loại trừ.

[13] Thân Kiến, Sakkayaditthi - sự tin tưởng cho rằng thân này hiện hữu, tức quan niệm có một linh hồn hay tự ngã thường còn. Đây là một trong ba "Mannana", hay ý niệm, phát sanh liên quan đến thân. Hai ý niệm kia là Tanha (ái dục) và Mana (ngã mạn) -- Bản Chú Giải. Buddhist Psychology, trang 257.

[14] Lòng hoài nghi (i) Buddha, Đức Phật; (ii) Dhamma, Giáo Pháp; (iii) Sangha, Tăng Già; (iv) Giới Luật; (v) quá khứ,;(vi) vị lai; (vii) quá khứ và vị lại; (viii) Paticca Samuppada, Định Luật Phát Sanh Tùy Thuộc. Xem Buddhist Psychology, trang 260.

[15] Bốn khổ cảnh là: địa ngục (niraya), cảnh thú, cảnh ngạ quỷ (Peta) và A-tu-la (Asura).

[16] Abhithanani, sáu trọng nghiệp bất thiện là: (i) giết mẹ, (ii) giết cha, (iii) giết một vị A La Hán, (iv) làm chảy máu Đức Phật (v) chia rẽ Tăng Già và (vi) khư khư chấp thủ tà kiến (Niyata Miccha Ditthi).

[17] Vanappagumbe. Bản Chú Giải giải thích rằng danh từ này do hai thành phần họp lại, Vane pagumbo, chồi cây trong rừng. Nơi đây định sở cách (locative) được dùng trong ý nghĩa của chỉ chủ cách (nominative).

[18] Đây cũng vậy, định sở cách được dùng trong ý nghĩa chỉ chủ cách.

[19] Cũng như vào lúc đầu mùa Hạ cây cối đâm ở mọng xinh tươi sáng sủa, Giáo Pháp (Dhamma) với nhiều lời dạy quý báu, được Đức Phật ban truyền rộng rãi, cũng tươi sáng vinh quang cùng thế ấy.

[20] Một vị A La Hán không còn tái sanh vì đã tạo nghiệp trong quá khứ. Những hành động của các Ngài được gọi là Kiriya (hành) không tạo nghiệp vì đã không còn mảy may ô nhiễm tham ái.

[21] Chỉ ngọn đèn được thắp lên để cúng dường chư Thiên trong thành phố, ngay lúc ấy vừa tắt.

[22] Khi Đức Bổn Sư chấm dứt thời Pháp thoại và ban rải những tư tưởng an lành hạnh phúc đến dân chúng thành Vesali, Vua Trời Sakka (Đế Thích) đọc tụng ba câu kệ cuối cùng và bái từ Đức Phật, cùng với đoàn tùy tùng ra về.

Bản Chú Giải ghi rằng Đức Thế Tôn thuyết giảng bài Kinh này liên tiếp bảy ngày tại Vesali.

[Phụ Bản 5]

Từ Bi Kinh (Metta Sutta)

1. Người khôn khéo mưu tìm lợi ích cho mình và có ước nguyện thành đạt trạng thái Vắng Lặng [2] nên có hành động (như thế này):

Người ấy phải có khả năng, phải chánh trực, hoàn toàn chánh trực [3].

2. Tri túc, dễ nuôi (sống giản dị, để cho người thiện tín dễ dàng hộ trì), có ít nhiệm vụ (ít bị ràng buộc), sống dễ dàng (không nhiều nhu cầu), thu thúc lục căn, kín đáo, tế nhị, không luyến ái gia đình.

3. Người ấy khác nên vi phạm lỗi lầm nhỏ bé nào mà bậc thiện trí có thể khiển trách. Ước mong tất cả chúng sanh được an vui và châu toàn! Ước mong tất cả đều có tâm hoàn toàn trong sạch.

4. Bất luận chúng sanh ấy như thế nào: - yếu đuối hay khỏe mạnh, cao lớn mập mạp hay tầm vóc bình thường, lùn thấp bé nhỏ, hữu hình hay vô hình, những chúng sanh ở gần hay những chúng sanh ở xa, những chúng sanh đã ra đời hoặc những chúng sanh chưa sanh - Ước mong tất cả chúng sanh, không loại trừ bất luận ai, đều có tâm an lành hạnh phúc.

5. Không ai làm cho ai thất vọng, không ai khinh bỉ ai, dù người như thế nào hoặc ở nơi đâu. Trong cơn giận dữ hay lúc oán hờn, không nên mong điều bất hạnh đến với người khác.

6. Cũng như bà từ mẫu hết lòng bảo bọc đứa con duy nhất của bà dù có hiểm nguy đến tính mạng, cùng thế ấy người kia trau giồi tâm Từ vô lượng vô biên, rải khắp mọi chúng sanh.

7. Hãy để những tư tưởng từ aí vô biên bao trùm toàn thể thế gian: - bên trên, phía dưới, bốn phương tám hướng, không để cho điều gì làm trở ngại, không mảy may nóng giận, không chút hiềm thù.

8. Dù người ấy đứng, đi, ngồi hay nằm, giây phút nào còn thức (không ngủ) thì nên phát triển tâm niệm. Đó là Phúc Lành Cao Thượng Nhất. [4]

9. Không để rơi vào những Lầm Lạc [5], đức hạnh trong sạch và viên mãn Giác Ngộ [6], người ấy lánh xa mọi hình thức ái dục. Đúng như vậy, người ấy không còn trở lại vào bào thai [7].

-oOo-

Chú Giải Từ Bi Kinh

[1] Vào lúc ấy mùa mưa sắp đến, sau khi được Đức Phật ban dạy những đề mục hành thiền, một nhóm tỳ khưu ra đi, tìm nơi thích hợp để thực hành. Trong cuộc đi bất định ấy các Ngài đến một địa điểm vắng vẻ yên tĩnh và quyết định ở lại đó hành thiền nhằm mục tiêu giải thoát.

Các vị thọ thần sống trên cây cảm thấy bất tiện nên tìm cách làm cho chư tỳ khưu không còn ở được và phải ra đi. Đêm đêm các vị thọ thần làm đủ cách để phá khuấy không cho chư tăng ở yên hành thiền.

Chư vị tỳ khưu thấy khó mà an trụ tâm trong tình trạng như vậy nên trở về cbùa bạch lại tự sự với Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy chư Tăng bài Kinh Metta Sutta (kinh về tâm Từ) và khuyên các vị này trở lại ngay địa điểm trước rồi cùng đọc lên bài Kinh này khi vào rừng. Chư Tăng làm theo lời dạy.

Những tư tưởng Từ ái an lành được ban rải ra, thấm nhuần bầu không khí trong toàn khu rừng. Các vị thọ thần ở khắp nơi trong rừng nghe Kinh cảm thấy thanh bình an lạc, phát tâm kỉnh mộ chư Tăng, và kể từ đó thay vì khuấy nhiễu làm trở ngại, tận tình hộ trì và nâng đỡ chư Tăng.

Trong thời đại ba tháng an cư kiết hạ, Vassana, tất cả chư vị tỳ khưu trong nhóm đều chứng đắc Đạo Quả A La Hán.

Bài Kinh Metta Sutta này vừa có tánh cách bảo hộ, vừa là một đề mục hành thiền. Phần đầu bài Kinh mô tả những phẩm hạnh mà người mong tìm tình trạng an lành cho mình cần nên trau giồi, và phần sau là phương pháp thực hành tâm Từ, được giải thích cặn kẽ.

[2] Tức Niết Bàn.

[3] Uju và Suju. Chữ Uju hàm ý đặc tánh chánh trực trong lời nói và hành động - tức thân khẩu chánh trực. Chữ Suju là tâm chánh trực (Bản Chú Giải).

[4] Đó là thực hành Tứ Vô Lượng Tâm (Brahma Vihara).

[5] "Lầm lạc" ở đây có nghĩa Sakkayaditthi (thân kiến).

[6] Tức nhoáng thấy Niết Bàn lần đầu tiên.

[7] Khi đã chứng đắc tầng Anagami (A Na Hàm) thì tái sanh vào cảnh giới Suddhavasa (Cảnh Giới Trong Sạch) và không cần tái sanh vào cảnh người.

[Phụ Bản 6]

Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta)

Lời Mở Đầu

Kinh Niệm Xứ, Satipattthana Sutta, là một bài kinh vô cùng quan trọng vì kinh này đề cập đến những đề mục hành thiền nhằm phát triển cả hai, tâm Vắng Lặng (Samatha) và trí tuệ Minh Sát (Vipassana).

Danh từ Satipatthana gồm có hai phần: "sati" và "patthana", hoặc "sati" và "upatthana".

Sati là sự chú niệm, sự hay biết hoặc sự chú tâm. Patthana là sự thiết lập, nền tảng, căn bản, đề tài hay sự chuyên chú. Như vậy, Satipatthana có nghĩa "Nền Tảng của sự Chú Niệm" hay "Những Đề Mục Chánh Yếu của sự Chú Niệm".

Satipatthana cũng có thể được hiểu là sự kết hợp của hai phần: sati và upatthana. Upatthana là sự phát sanh, hay sự áp đặt, gắn vào. Như vậy, Satipatthana có nghĩa là "Áp Đặt tâm Chú Niệm Lên", hoặc sự "Phát Sanh của tâm Niệm".

Một cách đơn giản, có thể hiểu Satipatthana là "Nền Tảng của tâm Niệm", hay "những Đề Mục Chánh Yếu để Áp Đặt tâm Niệm vào". Ta thường gọi Satipatthana Sutta là Kinh Tứ Niệm Xứ, tức là bài kinh đề cập đến bốn "xứ", hay bốn nơi chốn, bốn điểm, hoặc bốn đề mục để ta đặt sự chú niệm vào.

Trong bài kinh này có bốn đề mục quán niệm (anupassana) để thích ứng với những tâm tánh và những cá nhân khác nhau.

I. Đầu tiên là Kayanupassana, Thân Quán Niệm Xứ, hay Niệm Thân, nhằm gội bỏ ý niệm sai lầm về cái thường được xem là sắc đẹp hay tánh cách đáng được ưa thích của thân. Quán niệm về mục này giúp hành giả hiểu biết chân chánh rằng không có một "người" làm chuyện này hay chuyện kia, mà chỉ có "sự làm" chuyện này hay chuyện kia; không có "người" hành động mà chỉ có "hành động". Chừng đó hành giả nhận thức rằng không có cái gì gọi là "Ta".

Pháp Niệm Thân biết bằng sự chú niệm vào hơi thở vào và thở ra (anapanasati) nhằm đạt đến trạng thái tâm nhất điểm (ekaggata, tâm gom vào một điểm). Tâm nhất điểm đưa đến các tầng Thiền (Jhana) và cuối cùng đến Đạo Quả A La Hán.

Thật khó mà kiểm soát được cái tâm vô hình, thành phần tối quan trọng trong guồng máy phức tạp của con người. Nó luôn luôn di động, không ngừng phóng nhảy đó đây. Chuyên chú giữ tâm nhất điểm vào một đề mục riêng biệt, dầu trong khoảnh khắc, cũng khó như đặt một hột cải trên đầu mũi kim và giữ cho nó đừng rơi. Tuy là khó, nhưng đây là một việc có thể làm được bằng cách thường xuyên thực tập, bởi vì Tâm Nhất Điểm là một loại tâm sở luôn luôn ngủ ngầm bên trong mọi người. Khi tâm nhất điểm này nằm trong một loại tâm bất thiện (akusala citta) thì nó là bất thiện. Khi nó phát hiện trong một loại tâm thiện (kusala citta) thì nó là thiện. Tâm ở nhất điểm này có thể được phát triển để trở thành một chi Thiền. Cũng tâm nhất điểm này, nếu được trau giồi đúng mức, có thể được nâng cao đến mức độ có thể trở thành một, trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ (Bojjhanga, Thất Giác Chi, hay Thất Bồ Đề Phần, hay Bảy Pháp Trợ Đạo), một trong tám chi của Bát Chánh Đạo. Đó là lý do tại sao Phật Giáo dạy rằng bên trong mỗi người đều có tiềm tàng những mầm mống mà nếu vun quén đắp bồi đúng mức, có thể làm cho mình trở nên toàn thiện, một bậc vĩ nhân.

Đã đắc được các tầng Thiền (Jhana) bằng cách vững chắc trụ tâm vào một điểm, hành giả gia công tiến đến Đạo Quả A La Hán. Hành giả xuất ra khỏi Thiền và chú tâm "định" vào ba đặc tướng của đời sống: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Sau khi đã tận lực tinh tấn và thành đạt Quả A La Hán, hành giả đã hoàn toàn thoát ra khỏi mọi hình thức ái dục (tanha) và vô minh (avijja) và tuyệt nhiên không còn luyến ái hay bám níu vào bất luận gì trong thế gian.

Phần đề cập đến những oai nghi - đi, đứng, nằm, ngồi - cũng đưa đến tâm định và tâm tự hay biết mình. Như thế, giữ tâm chú niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng đưa đến tình trạng thái hiểu biết thấu đáo và tận tường rằng không có một "người" mà chỉ có "những cử động" sanh khởi do nhân duyên tạo điều kiện.

Đoạn kinh đề cập đến tánh cách ô trược của ba mươi hai bộ phận trong cơ thể, bốn nguyên tố chánh yếu (Tứ Đại) hợp thành cái gọi là thân, và cuối cùng, mười hình thể của xác chết (Mười Đề Mục về Tử Thi) - tức là: 1. Tử thi sình (udhumataka), 2. Tử thi đã đổi màu sắc (vinilaka), 3. Tử thi đang lở loét, chảy nước (vipubbaka), 4. Tử thi bị đứt đoạn (vicchiddaka), 5. Tử thi bị đục khoét, rời ra từng mảnh (vikkhayika), 6. Từng mảnh nhỏ của tử thi văng tách rời ra (vikkhittaka), 7. Tử thi rã rời từng mảnh (hatavikkhittaka), 8. Tử thi bị đẩm máu (lohitaka), 9. Tử thi bị lằn, giòi loi nhoi đục khoét rã rời (pulavaka), 10. Tử thi chỉ còn bộ xương (atthika) - nhằm diệt trừ lòng tham ái ích kỷ, bám níu vào cái thân tạm bợ phù du này.

II. Pháp thứ nhì, Thọ Quán Niệm Xứ, hay Niệm Thọ, Vedananupassana, liên quan đến bất cứ loại cảm giác (thọ) nào - vật chất hay tinh thần - có thể phát sanh đến ta. Pháp này nhằm giúp hành giả phá tan ý niệm lầm lạc (sukhavipallasa), xem hạnh phúc ảo huyền của thế gian là chính thực và vững bền.

Trong cuộc sống, ta chứng nghiệm những cảm giác vui sướng, khổ đau và không vui không khổ. Tất cả những cảm giác ấy đều tạm bợ nhất thời. Do đó không thể có hạnh phúc thật sự vững bền trong những cảm giác ấy. Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng. Đó là hạnh phúc giải thoát, hạnh phúc đã vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau phiền lụy.

III. Pháp thứ ba, Tâm Quán Niệm Xứ, hay Niệm Tâm, Cittanupassana, liên quan đến các trạng thái tâm khác nhau. Pháp này có khuynh hướng loại trừ ý niệm sai lạc, xem những gì tạm bợ vô thường là trường tồn vĩnh cửu (niccavipallasa).

Tâm hay thức, phát sanh và hoại diệt trong từng khoảnh khắc, mau như chớp nhoáng, còn nhanh chóng hơn sự đổi thay của những đơn vị căn bản vật chất. Trong từng khoảnh khắc, chúng ta có những chập tư tưởng thiện hoặc bất thiện.

Trong phần này của bài kinh, các loại tâm được kể ra theo từng cặp.

IV. Pháp thứ tư là Pháp Quán Niệm Xứ, hay Niệm Pháp, Dhammanupassana. Phạn ngữ "dhamma", được phiên dịch ở đây là "pháp", là một danh từ rất khó chuyển ngữ một cách chính xác bởi vì theo từng đoạn văn, danh từ này hàm xúc ý nghĩa khác nhau.

Ở đây, Dhamma (Pháp) bao gồm năm pháp Triền Cái (Nivarana, năm chướng ngại tinh thần), Thất Giác Chi (Bojjhanga, tức bảy yếu tố đưa hành giả đến giác ngộ), Ngũ Uẩn Thủ (Upadanakkhandha, năm nhóm làm đối tượng cho sự bám níu), Lục Căn (Salayatana), và Tứ Diệu Đế (Ariyasacca). Do đó, ta được khuyên nên giữ nguyên vẹn danh từ Pali.

Pháp quán niệm này nhằm loại trừ ý niệm sai lạc (Attabhavavipallasa), khư khư chấp có một linh hồn vĩnh cửu, trường tồn bất biến.

-oOo-

Ta có thể chọn bất luận đề mục (xứ) nào trong bốn đề mục kể trên - tức thân, thọ, tâm hay pháp - và gia công trau dồi, phát triển tâm cho đến khi thành đạt Đạo Quả A La Hán; hoặc nữa, để thuận tiện thực hành, có thể thay đổi và hành xen kẻ nhau cũng được, thí dụ như lúc này niệm thân, lúc khác niệm thọ, lúc khác nữa niệm tâm v.v... không phải theo một thứ tự nào.

Để thành đạt các tầng Thiền (Jhana), tốt hơn nên chọn một đề mục thích ứng với tâm tánh mình. Chẳng hạn như người có khuynh hướng tham dục sẽ chọn đề mục quán niệm về tánh cách ô trược của thân, hoặc quán niệm về bốn nguyên tố chánh yếu (Tứ Đại) cấu thành cơ thể này, hoặc những đề mục về tử thi. Tuy nhiên, không có định luật nhất định hoặc cứng rắn hay nhanh chóng nào để chọn một đề mục quán niệm thích hợp.

Chính ta là người quán xét tâm tánh của ta dễ dàng nhất.

Một nơi yên tịnh vắng vẻ sẽ thích nghi cho công trình hành thiền. Một cụm rừng xa xóm làng quả thật vô cùng thích hợp, nhưng không phải là một điều kiện tốt phải có. Ta có thể hành thiền trong căn phòng của mình nếu ở đó không bị ngoại cảnh phiền nhiễu. Cảnh vắng lặng ở ngay trong tâm mỗi ngày. Nếu tâm không an, dù ở giữa rừng sâu tịch mịch cũng không thích hợp. Nhưng nếu tâm không giao động thì ở ngay trung tâm thành phố rộn rịp cũng được. Khung cảnh chung quanh tác động một cách gián tiếp để giúp tâm an trụ.

Điều kế đó mà hành giả phải quyết định là giờ giấc, lúc mà chính hành giả và khung cảnh chung quanh có nhiều điều kiện thuận tiện nhất để hành thiền. Sáng sớm, tâm trí còn tươi tỉnh hoặc tối, trước khi đi ngủ, nếu không quá mệt, thường là lúc thích hợp nhất để hành thiền. Tuy nhiên, dù thì giờ nào mà ta đã chọn, nên cố giữ đúng giờ ấy mỗi ngày để tập cho tâm được quen, có ảnh hưởng tốt đẹp đến pháp hành.

Cách ngồi cũng có thể giúp nhiều cho việc gom tâm. Người phương Đông thường ngồi tréo chân, chân mặt đặt trên vế trái và chân trái đặt trên vế mặt, thân mình ngay thẳng. Đó là lối ngồi Kiết Già, nếu không quen ắt thấy khó ngồi như thế. Nhiều người ngồi Bán Già dễ ngồi hơn, chỉ để chân mặt trên vế trái, còn chân trái thì để luôn phái dưới, khỏi phải tréo lên. Khi ngồi theo điệu tam giác ấy thì thân mình vững vàng.

Tay mặt đặt lên tay trái, cổ ngay, giữ mũi nằm trên đường thẳng góc với rún, quần áo ngay ngắn và lưng quần không nên thắt chặt lắm. Vài người chịu nhắm kín mắt lại để không còn thấy gì nữa. Nhắm kín mắt cũng có lợi nhưng thường làm buồn ngủ. Đến lúc muốn ngủ rồi thì hành giả không còn kiểm soát tâm được nữa. Những tư tưởng định phát sanh, không còn ngồi ngay ngắn, vô tình mở miệng, chảy nước vãi và gục đầu.

Chư Phật thường ngồi Kiết Già, hình đóa sen búp, mắt nhắm phân nửa, nhìn theo chót mũi đến chí đất, không xa hơn lối một thước hai.

Người nào thấy lối ngồi ngồi kiết già khó khăn có thể thuận tiện ngồi trên ghế hay ngồi chỗ nào khác, vừa đủ cao để hai bàn chân gác trên mặt đất. Thế ngồi không quan trọng lắm. Hành giả tùy thích, ngồi thế nào miễn nghe thoải mái và dễ dàng.

Hành giả phải kiên trì cố gắng trong pháp hành để chế ngự những khát vọng tham ái và sân hận, không nên trông đợi kết quả nhanh chóng. Ta có thể thâu hoạch thành quả trong nhiều tháng, nhiều năm, hay chỉ trong một ngày. Nhưng dù sao, chớ nên nản lòng. Điều thiết yếu là phải thực hành đều đặn.

Tình trạng cố gắng phải được phối hợp với sự hiểu biết rõ ràng và thấu đáo thực tướng của vạn pháp. Trí tuệ, đỉnh cao cùng tột của Phật Giáo, quả thật tuyệt đối cần thiết để thanh lọc tâm. Học vấn cổ truyền trong thế gian là một điểm lợi nhưng để giải thoát, điều tối quan trọng là hiểu biết chân chánh thực tướng của chính mình, là thấu triệt tường tận chính mình, đúng như thật sự mình là vậy. Để đạt đến sự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau, van vái nguyện cầu không có một vai trò nào trong Phật Giáo. Chuyên cần chú niệm cũng thiết yếu như tinh tấn và trí tuệ.

Đã có được ba yếu tố thiết yếu tối quan trọng ấy - chuyên cần chú niệm, nỗ lực tinh tấn và trí tuệ - hành giả phải gia công tạm thời chế ngự năm Pháp Triền Cái, vốn ngăn trở tiến bộ tinh thần của mình.

Hành giả phải nỗ lực khắc phục mọi luyến ái bám víu vào dục vọng. Điều này không có nghĩa là phải hoàn toàn từ bỏ mọi thú vui vật chất. Nhưng không nên làm nô lệ cho các lạc thú trần tục ấy.

Sân hận, hay oán ghét, cũng có năng lực phá hoại hùng mạnh, không kém gì tham ái. Cả hai, tham ái và sân hận, là hai ngọn lửa vô cùng nguy hại thiêu đốt chính ta và những người khác.

Đúng thật rằng chí đến khi chứng đắc Đạo Quả A Na Hàm (Anagami, Bất Lai), tầng thứ ba trong bốn tầng Thánh, hành giả mới tận diệt được tham và sân. Nhưng ta phải luôn luôn tận lực gắng để khắc phục dần hai loại tâm bất thiện ấy.

Luôn luôn cảnh giác, không lo âu sợ sệt vô ích, giữ tâm bình luận, và tin chắc vào mục tiêu mong mỏi, tất cả những yếu tố ấy đều cần thiết để thành công trong công trình quán niệm tối quan trọng này.

Đối tượng tối hậu của những phương pháp quán niệm trên là hoàn toàn giải thoát ra khỏi vô minh (avijja) và ái dục (tanha) bằng cách đắc Quả A La Hán. Sau đó, hành giả không còn ham muốn hay đeo níu vào bất luận cái gì trên thế gian.

Để kết luận bài Pháp cao siêu này, Đức Phật dạy rằng hành giả nhất định có thể thành công trong cố gắng cao quý của mình không phải trong bảy năm, mà chỉ trong bảy ngày.

-oOo-

Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta)

Lúc ấy tôi có nghe như thế này:

Đức Phật tuyên ngôn như sau:

Này chư Tỳ Khưu, có con đường duy nhất [2] để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ [3], để thành đạt trí tuệ, và để chứng ngộ Niết Bàn - đó là Tứ Niệm Xứ. Bốn đó là gì?

Nơi đây, người đệ tử [4] sống :

I. Quán niệm thân (Kayanupassana) trong thân [5], nhiệt tâm (atapi), hiểu biết rõ ràng (sampajano), giữ chánh niệm (satima), dứt bỏ [6] tham ái (abhijjha) và sầu khổ (domanassa) [7] trong thế gian (loke) này.

II. Quán niệm thọ (vedananupassana);

III. Quán niệm tâm (cittanupassana);

IV. Quán niệm pháp (dhammanupassana).

I. Niệm Thân (Kayanupassana)

Người đệ tử quán niệm thân như thế nào?

1. Niệm Hơi Thở (anapana sati)

Vị đệ tử rút ẩn dật vào rừng [8] hay dưới một cội cây, hoặc một nơi vắng vẻ, ngồi kiết già [9], thân người ngay thẳng, chuyên chú an trú trong chánh niệm. Chú tâm hay biết (sato), vị ấy thở vô; hay biết, vị ấy thở ra. Thở vô một hơi dài, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở vô một hơi dài". Thở ra một hơi dài, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở ra một hơi dài". Thở vô một hơi ngắn, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở vô một hơi ngắn". Thở ra một hơi ngắn, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở ra một hơi ngắn".

Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình [10] (của hơi thở), (sabakayapatisamvedi): "Tôi sẽ thở vô", vị ấy luyện tập như vậy.

Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình (của hơi thở): "Tôi sẽ thở ra", vị ấy luyện tập như vậy.

Làm lắng dịu tiến trình của hơi thở (passambhayam kayasamkharam): "Tôi sẽ thở vô", vị ấy luyện tập như vậy.

Làm lắng dịu tiến trình của hơi thở: "Tôi sẽ thở ra", vị ấy luyện tập như vậy.

Cũng như người thợ tiện chuyên nghiệp, hay người đang học nghề làm thợ tiện, khi kéo sợi dây của bàn tiện một đoạn dài thì biết: "Tôi đang kéo một đoạn dài", khi kéo một đoạn ngắn, biết: "Tôi đang kéo một đoạn ngắn", cùng thế ấy, vị đệ tử thở vô dài thì biết: "Tôi đang thở vô một hơi dài", thở vô ngắn, biết: "Tôi đang thở vô một hơi ngắn".

Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình... (lặp lại như trên)... vị ấy luyện tập như vậy.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân, hay niệm thân ngoài thân, hoặc cả hai, niệm thân trong thân và niệm thân ngoài thân [11]. Vị ấy sống quán niệm bản chất sanh khởi [12] (samudayadhamma) của tiến trình hơi thở, bản chất hoại diệt [13] (vayadhamma), bản chất khởi sanh và hoại diệt của tiến trình hơi thở.

Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết, "chỉ có một cơ thể" [14], trong mức độ cần thiết để phát triển trí tuệ, để phát triển chánh niệm. Vị ấy sống độc lập [15], không bám níu vào bất luận gì trong thế gian [16] này.

Như thế ấy, vị đệ tử sống niệm thân.

2. Quán Niệm Những Oai Nghi Của Thân (Iriyapatha).

Trong khi đi [17], vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang đi"; khi đứng, hiểu biết: "Tôi đang đứng"; khi ngồi, hiểu biết: "Tôi đang ngồi"; khi nằm, hiểu biết: "Tôi đang nằm". Vị ấy hiểu biết mọi oai nghi (thế cử động) của thân mình.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân, thân ngoài thân, hoặc quán niệm cả hai, trong thân và ngoài thân.

Vị ấy quán niệm bản chất sanh khởi của thân, hay bản chất hoại diệt của thân. Lúc bấy phát sanh đến hành giả sự hay biết, "chỉ có một cơ thể", trong mức độ... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

3. Quán Niệm Sự Hay Biết (Catusampajanna).

Vị đệ tử hoàn toàn hay biết khi đi tới, đi lui, khi nhìn về phía trước hay nhìn quanh, khi co tay, co chân vào hay duỗi ra, khi đắp y, mang bát, khi ăn, uống, nhai, nếm, khi đi đại tiện hay tiểu tiện, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi ngủ, khi thức, khi nói và khi giữ im lặng.

Như thế ấy vị đệ tử quán niệm thân... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

4. Quán Tưởng Tánh Cách Ô Trược Của Thân (Patikkulamanasikara). [18]

Vị đệ tử quán tưởng đến cơ thể của chính mình, từ bàn chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc trong một lớp da và chứa đầy các loại uế trược khác nhau.

Trong thân này có: tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng phổi, lá lách, phổi, bao tử, ruột, ruột non, phẩn, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu, nước miếng, nước mũi, nước nhớt ở các khớp xương và nước tiểu.

Cũng giống như có một cái bao trống hai đầu, chứa đựng đầy những loại mể cốc như gạo, lúa, đậu xanh, đậu váng, mè và trấu; người kia dở miệng bao lấy ra từng món và quán tưởng: đây là gạo, đây là lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu váng, đây là mè, đây là trấu, cùng thế ấy, vị đệ tử quán tưởng đến tánh chất ô trược khác nhau của từng bộ phận trong thân mình.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

5. Quán Tưởng Về Tứ Đại (Dhatumanasikara). [19]

Vị đệ tử quán tưởng đến các nguyên tố cấu thành thân này của chính mình. Trong thân này có thành phần đất (địa đại, nguyên tố có đặc tánh cứng hay mềm, chiếm không gian, nới rộng, duỗi ra), thành phần nước (thủy đại, nguyên tố có đặc tánh lỏng, làm dính liền lại), thành phần lửa (hỏa đại, nguyên tố có đặc tánh nóng hay lạnh) và thành phần gió (phong đại, nguyên tố có đặc tánh di động).

Cũng như người đồ tể thiện xão, hay người đang học nghề làm đồ tể, khi hạ một con bò và cắt ra thành từng phần rồi ngồi tại ngã ba đường, bày các phần thịt ấy ra (hiểu biết đây là đùi, đây là vai, đây là sườn v.v...), cùng thế ấy, vị đệ tử quán tưởng đến các thành phần cấu thành cơ thể mình.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

6. Quán Tưởng Chín Loại Tử Thi (Navasivathikapabba)

a. Vị đệ tử nhìn thấy một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma, của người chết được một ngày, hai ngày, hay đã chết ba ngày, sình lên, bầm tím và chảy nước hôi thúi. Lúc bấy giờ vị đệ tử liên tưởng đến thân của chính mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy, cũng trở thành như vậy và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

b. Vị đệ tử nhìn thấy một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma bị quạ, diều, kên kên, chó nhà hoặc chó rừng cấu xé để ăn thịt, hay các loại giòi tửa hoặc côn trùng đục khoét. Vị ấy liên tưởng đến thân mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."

Như thế ấy vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

c. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn chút ít thịt và máu...

d. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn lem luốc máu, mà thịt đã hết...

e. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương trơ trọi, dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, thịt và máu đã hết ...

f. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn là những khúc xương rời rạc nằm ngổn ngang: xương bàn tay, xương bàn chân, xương ống quyển, xương đùi, xương mông, xương sống, sọ...

g. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn những khúc xương trắng phao như vỏ sò, vỏ ốc (bỏ lâu ngày ngoài mưa nắng)...

h. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma của người đã chết hơn một năm, chỉ còn một đống xương...

i. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn những lóng xương thâm đen, đang dần dần tan rã thành cát bụi. Vị đệ tử liên tưởng đến thân mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy, cũng trở thành như vậy, và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."

Như thế ấy vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

II. Niệm Thọ (Vedananupassana)

Khi chứng nghiệm thọ lạc, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc".

Khi chứng nghiệm thọ khổ, vị đŒ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ khổ".

Khi chứng nghiệm thọ vô ký (không lạc, không khổ), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ vô ký".

Khi chứng nghiệm thọ trần tục (samisa, thuộc về thế gian), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc trần tục".

Khi chứng nghiệm thọ lạc phi trần tục (niramisa, không thuộc về thế gian), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc phi trần tục".

Khi chứng nghiệm thọ khổ phi trần tục, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ khổ phi trần tục".

Khi chứng nghiệm thọ vô ký phi trần tục, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ vô ký phi trần tục".

Như thế ấy, vị đệ tử sống niệm thọ trong thọ, hay thọ ngoài thọ, hoặc cả hai, bên trong và bên ngoài.

Vịấy sống quán niệm bản chất sanh khởi, bản chất hoại diệt, bản chất sanh khởi và hoại diệt của những thọ cảm.

Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết: "chỉ có những thọ cảm" trong mức độ cần thiết... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

III. Niệm Tâm (Cittanupassana)

Khi tâm có tham (raga), vị đệ tử hay biết rằng tâm có tham. Khi tâm không có tham, hay biết không có tham.

Khi tâm có sân (dosa), vị ấy hay biết rằng tâm có tham. Khi tâm không có sân, hay biết rằng không có sân.

Khi tâm có si (moha), vị ấy hay biết rằng tâm có si. Khi tâm không có si, hay biết rằng không có si.

Khi tâm uể oải (samkhitta, tức liên hệ đến dã dượi hôn trầm), hay biết tâm uể oải.

Khi tâm loạn động (vikkhitta, tức liên hệ đến uddhaca, danh từ gọi chung các loài tâm thuộc Sắc Giới hay Vô Sắc Giới), vị ấy hay biết rằng có tâm phát triển cao thượng.

Khi có tâm không phát triển cao thượng (amahaggata, tức các loại tâm thuộc Dục Giới, kamavacara), hay biết có tâm không phát triển cao thượng.

Khi có tâm hữu hạn [20] (sanuttara, còn có thể hơn được, tức là các loại tâm thuộc Dục Giới hay Sắc Giới, vì các loại tâm nầy còn có thể được phát triển cao hơn, đến tâm Vô Sắc Giới), vị ấy hay biết rằng có tâm hữu hạn.

Khi có tâm vô thượng (anuttara, không thể hơn được nữa), vị ấy hay biết có tâm vô thượng.

Khi có tâm tâm định (samahita, an trụ vững vàng), vị ấy hay biết có tâm định.

Khi có tâm tâm không định (asamahita,), vị ấy hay biết có tâm không định.

Khi có tâm giải thoát (vimutta, tự do), vị ấy hay biết có tâm (tạm thời) giải thoát.

Khi có tâm tâm không giải thoát (avimutta), vị ấy hay biết có tâm không giải thoát.

Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm tâm trong tâm, hay quán niệm tâm ngoài tâm, hay quán niệm tâm trong và tâm ngoài.

Vị ấy sống quán niệm bản chất sanh khởi của các trạng thái tâm, bản chất hoại diệt của các trạng thái tâm, bản chất khởi sanh và hoại diệt của các trạng thái tâm. Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hiểu biết, "chỉ có những trạng thái tâm" trong mức độ cần thiết ... (như trên) ... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy.

IV. Niệm Pháp (Dhammanupassana) [21]

1. Năm Pháp Triền Cái (Ninarana)

Vị đệ tử quán niệm về các pháp có liên quan đến Năm Chướng Ngại Tinh Thần.

Khi có tham dục (kamacchanda) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có tham dục", hoặc khi không có tham dục trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi không có tham dục". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có tham dục, nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ tham dục đã phát sanh, vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại, trong tương lai, của tâm tham dục đã dứt bỏ.

Khi oán ghét (vyapada) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có oán ghét", hoặc khi không có oán ghét, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi không có oán ghét". Vị ấy hiểu biết rõ ràng cái tâm mà trước kia không có oán ghét nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hay biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ oán ghét đã phát sanh; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm oán ghét đã dứt bỏ.

Khi có hôn trầm dã dượi (thina-middha) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có hôn trầm dã dượi" hoặc khi không có hôn trầm dã dượi, vị ấy nhận thức rõ ràng "Tôi không có hôn trầm dã dượi". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có hôn trầm dã dượi nay khởi sanh như thế nào, vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ hôn trầm dã dượi đã phát sanh; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm hồn hôn trầm dã dượi đã dứt bỏ.

Khi có phóng dật lo âu (uddhacca kukkucca) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có phóng dật lo âu", hoặc khi không có phóng dật lo âu, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi không có phóng dật lo âu". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có phóng dật lo âu nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm phóng dật lo âu đã dứt bỏ.

Khi có hoài nghi (vicikiccha, tâm bất định, không nhất quyết) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rằng: "Tôi có hoài nghi", hoặc khi không có hoài nghi, vị ấy nhận thức rõ ràng:"Tôi không có hoài nghi". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có hoài nghi nay sanh khởi như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ hoài nghi đã phát sanh; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm hoài nghi đã dứt bỏ.

Như thế ấy, vị đệ tử quán niệm các pháp liên quan đến Năm Chướng ngại Tinh thần.

2. Ngũ Uẩn Thủ (Upadanakkhandha)

Vị đệ tử suy tư: "Như thế nầy là sắc (rupa, hình thể vật chất), như thế nầy là sự khởi sanh của sắc, như thế nầy là là sự hoại diệt của sắc. Như thế nầy là thọ (vedana, cảm giác), như thế nầy là sự khởi sanh của thọ, như thế nầy là sự hoại diệt của thọ. Như thế nầy là tưởng (sanna, tri giác), như thế nầy là sự khởi sanh của tưởng, như thế nầy là sự hoại diệt của tưởng. Như thế nầy là hành (sankhara, hoạt động của các tâm sở, trừ hai tâm sở thọ và tưởng), như thế nầy là sự khởi sanh của hành, như thế nầy là sự hoại diệt của hành. Như thế nầy là thức (vinnana), như thế nầy là sự khởi sanh của thức, như thế nầy là sự hoại diệt của thức.

Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm các pháp (dhamma) có liên quan đến Ngũ Uẩn Thủ (sự bám níu chặt chẽ vào năm uẩn).

3. Sáu Nội và Ngoại Xứ (Salayatana)

Vị đệ tử nhận thức rõ ràng mắt (nhãn), hình thế vật chất (sắc), và dây trói buộc phát sanh do nhãn và sắc tạo duyên. Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không bị thằng thúc trói buộc, nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ những thằng thúc đã khởi sanh; vi ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của các thằng thúc đã dứt bỏ. Cùng một thế ấy, vị đệ tử nhận thức rõ ràng tai (nhĩ) và tiếng động (thinh), mũi (tỷ) và mùi (hương), lưỡi (thiệt) và vị, thân và sự xúc chạm (xúc), tâm (ý) và các đối tượng của tâm (pháp), và các thằng thúc phát sanh do các căn và các trần ấy tạo duyên. Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không bị thằng thúc trói buộc nay khởi sanh như thế nào, và sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của các thằng thúc đã dứt bỏ như thế nào.

Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm các pháp có liên quan đến sáu căn và sáu trần (nội và ngoại xứ).

4. Thất Giác Chi (Bojjhanga)

Khi có "niệm giác chi" (sati, chi niệm của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có niệm giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "niệm" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "niệm giác chi" như thế nào .

Khi có "trạch pháp giác chi" (dhammavicaya, chi trạch pháp của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có trạch pháp giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác tri "trạch pháp", nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "trạch pháp giác chi" như thế nào.

Khi có "tinh tấn giác chi" (viriya, chi tinh tấn của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có tinh tấn giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết tận tường rằng mình không có, vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "tinh tấn", nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "tinh tấn giác chi" như thế nào.

Khi có "phỉ giác chi" (piti, chi phỉ của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có phỉ giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "phỉ" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "phỉ giác chi" như thế nào.

Khi có "an giác chi" (passadhi, chi an của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có an giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết tận tường rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tườnhg cái tâm mà trước kia không có giác chi "an" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "an giác chi" như thế nào.

Khi có "định giác chi" (samadhi, chi định của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng : "Tôi có định giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "định" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "định giác chi" như thế nào.

Khi có "xả giác chi" (upekkha, chi xả của ,sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có xả giác chi", hoặc khi không có , vị ấy hiểu biết tận tường rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "xả" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "xả giác chi" như thế nào.

Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm pháp trong pháp ... (như trên) ... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy. Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm pháp có liênn quan đến Thất Giác chi (bảy yếu tố của sự giác ngộ).

5. Tứ Diệu Đế (Ariyasacca)

Vị đệ tử hay biết trọn vẹn, đúng như thật sự vậy, "đây là đau khổ", "đây là nguyên nhân của đau khổ", "đây là sự chấm dứt đau khổ", "đây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ".

Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm pháp trong pháp, quán niệm pháp ngoàipháp, hoặc cả hai, quán niệm pháp trong pháp và pháp ngoài pháp. Vị ấy quán niệm bản chất khởi sanh của các pháp, hoặc bản chất hoại diệt của các pháp, hoặc cả hai, bản chất khởi sanh và hoại diệt của các pháp.

Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết, "chỉ có các pháp", trong mức độ cần thiết để phát triển trí tuệ, để phát triển chánh niệm. Độc lập, vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy. Như thế ấy, vị đệ tử quán niệm các pháp có liên quan đến bốn Chân Lý Thâm Diệu.

Đúng thật vậy, người trau giồi Tứ Niệm Xứ đúng theo đường lối nầy trong bảy năm sẽ thành Đạo Quả A La Hán tại đây, và trong kiếp sống hiện tiền, hoặc Đạo Quả A Na Hàm (Anagami, Bất Lai), nếu còn chút luyến ái nào.

Cũng không phải vậy, người trau giồi đúng mực trong sáu năm ... năm năm ,,,bốn năm ... ba năm ... hai năm .. một năm ... bảy tháng ... sáu tháng ... năm tháng ... bốn tháng ... ba tháng ... hai tháng ... một tháng ... nữa tháng ... một tuần .. người ấy sẽ thành Đạo Quả A La Hán, hoặc Quả Bất Lai (Anagami), nếu còn chút luyến ái nào, chính trong kiếp sống hiện tiền.

Vì lẽ ấy Như Lai tuyên ngôn:

Có con đường duy nhất để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ, và để chứng ngộ Niết Bàn.

Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị đệ tử lấy làm hoan hỷ thỏa thích.

-oOo-

Chú Giải Kinh Niệm Xứ

[1] a. (Sati = niệm) + (patthana = sự thiết lập, nền tảng, căn bản, đối tượng, hay đề mục hành thiền, chuyên chú gom tâm vào).

b. (Sati = niệm) + ( upatthana = sự phát sanh, chuyên chú gom tâm).

Satipatthana sutta là bài kinh đề cập đến những đề mục chánh yếu để chuyên chú gom tâm vào.

[2] Ekayana = con đường duy nhất, chỉ có một con đường v.v...

[3] Đau khổ. Bản văn ghi: Sầu muộn, than thở, đau đớn và bất mãn. Đau khổ bao gồm tất cả bốn sắc tố ấy.

[4] Người đệ tử. Bất luận ai - dầu là hàng xuất gia hay tại gia cư sĩ - có nguyện vọng thóat ra khỏi mọi khổ đau đều có thể thực hành các đề mục hành thiền nầy.

[5] Kaye kayanupassana, theo sát nghĩa từng chữ, là "niệm thân trong thân", tức hạn chế chú niệm của mình chỉ trong thân mà thôi. Không quán niệm thọ, niệm tâm hay niệm pháp. Các niệm xứ kia cũng phải được hiểu cùng một thế ấy.

[6] Tạm thời dứt bỏ tham ái và sầu muộn trong thời gian hành thiền. Một cách chính xác, hành giả tạm thời khắc phục tâm tham ái khi đắc thiền (Jhana) và hoàn toàn tận diệt khi đắc Quả A La Hán.

[7] Sầu khổ (domanassa), bao hàm ý nghĩa bất toại nguyện, thuộc tâm sân. Tham ái và sầu khổ là hai trong năm chướng ngại tinh thần (triền cái).

Nơi đây hai chướng ngại chánh nầy hàm xúc cả năm pháp Triền Cái (Nivarana).

[8] Vào rừng, hàm ý bất cứ nơi nào vắng vẽ yên tĩnh, ở nhà cũng được.

[9] Ngồi kiết già. Đây là thế ngồi lý tưởng để thực hành. Nếu thấy không thuận tiện, hành giả có thể ngồi lại cho thoải mái. Cũng có thể ngồi trên ghế.

[10] Tiến trình hơi thở, sabbakayapatisamveda. Nơi đây danh từ "kaya" có nghĩa là "toàn thân", tức trọn vẹn tiến trình. Hành giả thở vào, thở ra, nhận thức rõ ràng hơi thở từ lúc khởi đầu, đoạn giữa và đến lúc chấm dứt toàn thể tiến trình hơi thở.

[11] Thông thường, hành giả niệm thân trong thân.

[12] Bản chất khởi sanh. Vì có thân, có mũi, và có thức nên có hơi thở khởi sanh.

[13] Bản chất hoại diệt. Hơi thở hoại diệt (tức chấm dứt) khi thân, mũi và thức chấm dứt.

[14] Chỉ có một cơ thể. Hàm ý không có một chúng sanh, một cá nhân hay một người nam hay người nữ, không có linh hồn, không có "Tôi" hay "Của Tôi".

[15] Vị ấy sống độc lập. Anissito, độc lập, tức không có sự hỗ trợ của ái dục (tanha) và tà kiến (dittha).

[16] Vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian. Khi gia công quán niệm hơi-thở-vào-thở-ra, đến một giai đoạn nào hành giả có thể tạm thời khắc phục năm chướng ngại tinh thần (năm pháp Triền Cái) và đắc Sơ Thiền (Jhana), trọn vẹn hoàn tất các chi thiền: tầm (vitakka), sát (vicara), phỉ (piti), lạc (sukha) và nhất điểm tâm (ekaggata).

Thiền, Jhana, theo đúng ngữ nguyên của danh từ Pali nầy, là quán niệm bám sát vào đề mục, hoặc có nghĩa là thiêu đốt các chướng ngại làm ngăn trở sự tiến bộ tinh thần. Đây không phải là trạng thái tâm mê sảng mà là tâm trạng trong sạch, một chứng nghiệm có tánh cách đạo đức.

Hành giả xuất Thiền và chú tâm quán niệm ba đặc tướng - vô thường (anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anatta) - và thành đạt các Thành Quả. Kể từ đó hành giả hoàn toàn "giải thoát" (anissito) vì đã thoát ra khỏi mọi hình thức ái dục và tà kiến, và không còn bám níu vào bất luận gì trong thế gian, vì không còn những tư tưởng lầm lạc liên quan đến cái "Ta" và "Của Ta".

Đối tượng cùng tột của pháp niệm hơi thở, anapana sati, trước tiên là chứng đắc các tầng Thiền (Jhana) và từ đó, phát triển bốn Thánh Đạo và Thánh Quả. Đó là lý do tại sao bài kinh khởi đầu bằng đoạn " ...để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ và để chứng ngộ Niết Bàn."

[17] Hiểu biết mọi oai nghi của mình. Loài thú cũng hay biết mọi oai nghi của nó. Nơi đây, đối tượng được hàm xúc không phải chỉ là sự hay biết suông. Trong khi đi, hành giả hiểu biết chân chánh rằng, "chỉ có sự đi" một cách chính xác, không có "một người" hay một "cá nhân chủ thể" đang đi. Nói cách khác, chỉ có hành động, không có "người" hành động, có "việc làm" mà không có "người" làm việc đó. Khi hiểu biết tận tường như vậy, không thể có quan niệm lầm lạc về một linh hồn trường cửu.

[18] Quán tưởng tánh cách ô trược của thân. Hầu hết các vị tỳ khưu đều thực hành đề mục nầy, và đây là đề mục hành thiền được Ngài Ananda ưa thích nhất.

Đề mục nầy thích hợp với người có tâm tham ái vì chính đề mục nầy giúp hành giả dứt bỏ, không luyến ái cái được gọi là tấm thân đẹp đẽ nầy. Vài người có thể thích quán tưởng các khả năng tiềm tàng ngủ ngầm của con người hơn.

[19] Tứ Đại. Bốn nguyến tố chánh yếu cấu thành vật thể con người. Bốn nguyên tố ấy là: Pathavi, Apo, Tejo và Vaja, thường được gọi là Đất, Nước, Lửa, Gió. Không nên hiểu rằng đây là đất, nước, lửa và gió như ta thường hiểu.

Đất, Pathavi, là thành phần vật chất có đặc tánh nở ra, duỗi ra, là thể chất của sắc. Không có thành phần nầy, vật chất không thể chiếm không gian. Tánh chất cứng hay mềm - thuần túy tương đối - là hai thể khác nhau của nguyên tố nầy.

Nước, Apo, là nguyên tố có đặc tánh làm dính liền lại. Không giống như thành phần Đất mà ta có thể tiếp xúc bằng giác quan như sờ đụng, hửi mùi v.v... ta không thể tiếp xúc với thành phần nước bằng ngũ quan. Chính nguyên tố Nước (Apo) nầy làm cho các phần tử rời rạc của vật chất dính liền lại và cho ta một ý niệm về một cơ thể. Khi một cơ thể đặc - tức trong ấy thành phần Đất trội hơn - chảy ra, thành phần nước trở thành trội hơn trong thể lỏng. Hai nguyên tố Đất và Nước nầy tương quan với nhau mật thiết đến độ khi thành phần nầy chấm dứt, thành phần kia cũng tan biến.

Lửa, Tejo, là nguyên tố có đặc tánh nóng. Lạnh cũng là một hình thức nóng. Cả hai, lạnh và nóng, đều được bao gồm trong Tejo, bởi vì cả hai đều có năng lực bảo tồn và tiêu diệt sự sống. Không giống như ba nguyên tố kia, thành phần Lửa (Tejo) có khả năng làm cho vật chất tự tạo trở lại.

Luôn luôn dính liền với Tejo (Lửa) là Vajo (Gió), thành phần của vật chất có đặc tánh di động. Có cử động, hay di chuyển, là do nguyên tố nầy. Sự di động được xem là năng lực, hay động cơ, phát nhiệt. Di động và nhiệt, thành phần Gió và Lửa, trong phạm vi vật chất, cũng giống như Tâm và Nghiệp trong lãnh vực tinh thần đạo đức.

Bốn nguyên tố Đất, Nước, Lửa và Gió, luôn luôn đi chung với nhau trong vật chất, nhưng trong một loại vật chất, thành phần nầy có thể trội hơn thành phần kia. Thí dụ như trong đất thì thành phần Đất (Pathavi) trội hơn, trong nước thì thành phần Nước (Apo) trội hơn, v.v...

[20] Tâm vô thượng, anuttara =(an +uttara) là không có gì cao hơn nữa, cao hơn hết, không còn thua ai. Sanuttara là còn có thể trội hơn, hữu hạn. Các loại tâm thuộc Dục Giới và Vô Sắc Giới là anuttara, vô thượng, không thể trội hơn được nữa. Ở đây không đề cập đến các loại tâm siêu thế.

[21] Niệm Pháp (Dhammanupassana). Ở đây, chữ Dhamma không có nghĩa là Giáo Pháp, tức những lời dạy của Đức Phật. Nơi đây, danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả những gì tại thế và siêu thế. Riêng trong bài kinh nầy Dhamma - Pháp bao gồm: năm Pháp Triền Cái, bảy Giác Chi, năm Uẩn Thủ, sáu Nội và Ngoại Xứ, và Tứ Diệu Đế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #songlytri