phat huy noi luc

Phát huy nội lực - bài học từ Cách mạng Tháng Tám

61 năm đã qua kể từ mùa Thu Cách mạng 1945, cùng với dòng chảy lịch sử, chúng ta suy ngẫm và nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị lớn lao và bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám chính ở chỗ cách mạng đã khơi dậy và phát huy cao độ nội lực của toàn dân tộc, làm cho cách mạng thật sự trở thành ngày hội của quần chúng.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng vĩ đại "đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập"; đồng thời "đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa", góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới ở thế kỷ 20.

61 năm đã qua kể từ mùa Thu Cách mạng 1945, cùng với dòng chảy lịch sử, chúng ta suy ngẫm và nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị lớn lao và bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám chính ở chỗ cách mạng đã khơi dậy và phát huy cao độ nội lực của toàn dân tộc, làm cho cách mạng thật sự trở thành ngày hội của quần chúng. Và hoàn toàn có thể khẳng định, đó là một nhân tố quyết định thành công của Cách mạng tháng Tám trước đây và sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc ngày nay.

Cách mạng Tháng Tám, trước hết đã thức tỉnh và quy tụ được sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam. Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ 20, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấu tính cách mạng, sức mạnh vô bờ bến của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng. Xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, nhất là sự thống trị bóc lột dã man, tàn bạo của thực dân, phong kiến "đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi". Người tin tưởng cách mạng ở châu Á, cũng như ở Đông Dương nhất định sẽ bùng nổ: "Ngày mà hàng triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn". Từ đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau này, Đảng ta đã không ngừng tuyên truyền, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng nhân dân với những nội dung, hình thức, phương pháp thích hợp trong từng giai đoạn, từng bước hướng họ vào cuộc đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là quá trình vận động cách mạng sâu rộng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta, mà nhờ vậy, khi thời cơ chín muồi nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy "đem sức ta mà giải phóng cho ta", đưa đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Do đó, sức mạnh của cách mạng, về bản chất, là sức mạnh của quần chúng nhân dân được tổ chức chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đánh bại kẻ thù xâm lược, thống trị, bóc lột, giành thắng lợi và bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã tập hợp, tổ chức quần chúng thành lực lượng chính trị rộng khắp, dựa trên nền tảng liên minh công nông vững chắc. Lực lượng chính trị được tôi luyện qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945, không ngừng phát triển. Đảng ta đồng thời từng bước tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tiến tới "một lực lượng vũ trang toàn quốc", làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang toàn dân. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng nhân dân được tổ chức thành lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang với hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa hai lực lượng và hai hình thức đấu tranh ấy. Điều đó đã tạo ra sức mạnh vô địch của lực lượng cách mạng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Đó còn là sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cách mạng, các hình thức đấu tranh nhạy bén, sáng tạo, phù hợp điều kiện lịch sử cụ thể và được phát huy hiệu quả cao độ. Khi tình thế và thời cơ cách mạng chưa chín muồi, Đảng chủ trương đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp các hình thức hợp pháp và không hợp pháp, có vũ trang quần chúng làm chỗ dựa nhằm tôi luyện và xây dựng lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh. Theo sát sự phát triển của tình thế, thời cơ cách mạng, Đảng đã kịp thời lãnh đạo chuyển hình thức đấu tranh từ thấp lên cao, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đồng thời phát động chiến tranh du kích, kết hợp đấu tranh ở nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến lên chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám cũng quy tụ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ năm 1926, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: "Lực lượng dân tộc cách mệnh là ở về toàn quốc dân nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mệnh to lớn chừng ấy. Nhưng trong quốc dân có nhiều thứ người mà thứ người nào cách mệnh cũng là muốn tranh giữ quyền lợi cho thứ người ấy, ví như công nông vì sưu thuế nặng nề, làm ăn khổ sở nên phải cách mệnh, học trò và trí thức vì bị ngăn cấm không được bình đẳng, tự do nên phải cách mệnh, nhà tư bản cũ vì tư bản đế quốc chủ nghĩa xâm lấn, buôn thua bán lỗ, vốn liếng mất dần nên phải cách mệnh, nhà quyền quý cũ vì đế quốc chủ nghĩa khinh rẻ, quyền thế mất hết nên phải cách mệnh...". Chính vì vậy, cách mạng cần tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân tộc, "biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được", "Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại". Thực tiễn sinh động của quá trình vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã chứng tỏ: Đảng ta, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo qua tổ chức mặt trận (như Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh,...) và các đoàn thể cứu quốc của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ,... đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, lực lượng dân tộc, do đó tạo ra được sức mạnh to lớn nhất, cả vật chất và tinh thần, để giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn, trong điều kiện, khó khăn, phức tạp và thử thách nghiệt ngã lúc đó.

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám trước hết là thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn do lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta vạch ra, từ đó giác ngộ, tổ chức, xây dựng, phát triển các lực lượng cách mạng từ yếu đến mạnh, từ nhỏ đến lớn..., khơi dậy và phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng kẻ thù, đưa cách mạng đến thắng lợi. Thắng lợi đó cũng khẳng định sức mạnh vô địch của nhân dân trong cách mạng. Bài học về việc khơi dậy và phát huy cao độ nội lực - nhân tố quyết định thành công của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Nhân tố ấy đã và đang quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã rút ra bài học: "Phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Phát huy nội lực, xem đó là nhân tố quyết định đối với sự phát triển; đồng thời coi trọng huy động các nguồn ngoại lực, thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát huy nội lực mạnh hơn, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, để phát huy cao độ nội lực, trước hết cần ý thức sâu sắc hơn nữa quan điểm: dân là gốc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là ngày hội của nhân dân. Trên cơ sở đó, trong toàn Đảng, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, trong mọi suy nghĩ và hành động đều phải thật sự dựa vào dân và phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, sức mạnh nội lực.

Hai là, tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. "Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Vì vậy, thực hiện đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và bằng nhiều hình thức, biện pháp hữu hiệu.

Ba là, phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường và giữ nghiêm kỷ cương phép nước, kiên quyết đấu tranh chống các khuynh hướng tư tưởng sai trái, phòng chống quan liêu, vi phạm dân chủ, tham nhũng, lãng phí...

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, với nhiều hình thức, phương pháp tập hợp, tổ chức quần chúng hành động cách mạng, phát huy cao độ mọi tiềm năng và thế mạnh ở họ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: