Chuyện pháp y thiếu nữ giao gà
"Ma trận" lời khai các nghi phạm trong vụ án sát hại thiếu nữ giao gà ở Điện Biên chỉ được kiểm chứng khi bác sĩ pháp y phân tích dấu vết thi thể.
11h ngày 7/2/2019 (mùng 3 Tết), thi thể cô gái với phần mặt úp mũ bảo hiểm được phát hiện ở ngôi nhà hoang tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Nhà chức trách xác định nạn nhân là nữ sinh 21 tuổi mất tích từ tối 30 Tết (4/2/2019).
Manh mối ban đầu thể hiện, chiều 30 Tết, thiếu nữ phụ giúp người thân bán gà tại chợ huyện thì một người đàn ông đến hỏi mua, hẹn giao hàng và xin số điện thoại. Đến 18h, người khách gọi điện thoại đặt 13 con gà và yêu cầu giao đến khu vực chợ C13 (cũ) ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.
30 phút sau, thiếu nữ 21 tuổi chở gà đến địa chỉ đã hẹn và gọi điện thoại về nhà báo không thấy người ra nhận. Cuộc gọi cuối cùng, cô cho hay khách hẹn giao tại địa chỉ khác và cô đi tiếp. Không thấy con về, điện thoại không thể liên lạc, gia đình trình báo công an.
Một ngày trước khi phát hiện thi thể, lực lượng điều tra tìm thấy chiếc xe máy của nạn nhân ở nơi khác nên nhận định nữ sinh bị sát hại. Hung thủ là người am hiểu địa hình, lừa nữ sinh đến khu vực vắng để gây án.
Ngày 10/2/2019, nghi can đầu tiên bị bắt là Vương Văn Hùng - kẻ có 3 tiền án, sống lang thang. Nhưng lời khai của anh ta mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan pháp y địa phương, hơn nữa lại thay đổi liên tục. Lúc bị bắt, hắn khai sát hại nạn nhân vào mùng 2 Tết, sau lại khai vào tối giao thừa ngay sau khi lừa, khống chế được cô.
Thời điểm này, ban chuyên án chỉ xác định được nạn nhân chết do bị siết cổ. Gần 1.000 người nằm trong diện quản lý thuộc thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đã được rà soát.
6 ngày sau khi tìm thấy thi thể, Công an tỉnh Điện Biên khởi tố vụ án về hai tội: Giết người, Cướp tài sản.
Ban chuyên án nghi nạn nhân có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, nhưng đến lúc bắt Hùng vẫn chưa có căn cứ về điều này. Mọi việc phải chờ kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
Ngoài Hùng cảnh sát cũng tạm giữ Bùi Văn Công - chủ của ngôi nhà cách hiện trường phát hiện thi thể nạn nhân chừng 100 mét. Quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện trên thùng xe tải 1,25 tấn của anh ta có hai vết máu của nạn nhân.
Khúc mắc lớn nhất của cơ quan điều tra là việc xác định thời gian nạn nhân bị sát hại để xác định hướng điều tra. Trung tâm Giám định pháp y, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) được giao tiếp cận hồ sơ vụ án.
Nhìn qua ảnh chụp thi thể lúc khám nghiệm, đại tá, tiến sĩ Đào Quốc Tuấn (cựu giám đốc Trung tâm) bị thu hút ngay vào vết hoen trên thi thể. Trong nghề pháp y dựa vào vết hoen là một trong những cách xác định thời gian chết của nạn nhân.
Khi một người chết đi, tim không đập nữa, máu sẽ ngừng lưu thông trong vòng tuần hoàn nhưng lại có xu hướng dồn xuống chỗ thấp. Những chỗ thấp ứ máu tạo thành vết sậm màu thành vết hoen. Vết này hình thành và biến đổi theo thời gian, từ giai đoạn chưa cố định (ấn tay vào, thả ra vết hoen sẽ mất), đến bán cố định (ấn tay vào mờ đi nhưng vẫn còn vết), rồi cố định (ấn tay vào bỏ ra chỉ có vết hằn, màu sắc không đổi).
Ở vụ án này, vết hằn của nan chiếu nơi đặt tử thi lên vết hoen có sự đổi màu so với chỗ không bị ép nén. Từ màu sắc vết hoen trên ảnh chụp, bác sĩ Tuấn phát hiện vết hằn của nan chiếu làm vết hoen mất màu, từ đó xác định thời gian chết của cô gái chỉ có thể trong 8-12 tiếng, không như nhận định ban đầu trong khoảng 48 tiếng. Ông đánh giá lời khai của Hùng về việc sát hại nạn nhân trong tối 30 Tết là không đúng.
Ban chuyên án lúc này cho rằng vụ án có đồng phạm song vẫn còn nhiều tình tiết phức tạp. Hai nghi phạm khai rất ít và nội dung mâu thuẫn nên công tác điều tra gặp khó khăn.
Ông Tuấn cùng đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường, tham gia họp án và khai quật tử thi, để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề liên quan. Cùng với việc tiếp cận hồ sơ cũng như đánh giá các dấu vết trên tử thi, trong thùng xe, kết hợp tài liệu giám định trước đó, ông đoán: Nạn nhân chết do bị siết cổ.
Để ý kỹ hơn, ông thấy vết hằn siết cổ này tương đối đặc biệt. Nó không đồng đều trên suốt chiều dài, có chỗ không liên tục, bên trái có chỗ hình oval sậm màu, láng bóng, bên phải có chỗ tím nhạt với lớp thượng bì bong tróc hướng từ dưới lên trên, từ trước ra sau. Vì khi thi thể được tìm thấy trong tình trạng mặt bị úp vào mũ bảo hiểm, tổ pháp y ban đầu đã nghi vấn hung thủ siết cổ nạn nhân bằng quai mũ.
Nhưng giả thiết này bị loại trừ bởi cấu tạo quai mũ không phù hợp với đặc điểm của vết hằn siết cổ. Các chuyên gia pháp y xác định hình vật dùng để siết là vật có diện tiếp xúc không đồng đều, cả về độ lồi lõm.
Khi khai quật tử thi, dấu vết của việc nạn nhân bị siết cổ lần đầu vào đêm 30 Tết vẫn còn được giữ lại với vùng da bị khô. Nạn nhân được an táng tại vùng trũng, cơ thể đã phân huỷ nặng nhưng vùng da cổ bị siết vẫn còn. Kết quả xét nghiệm vi thể sau đó cũng cho thấy, cấu trúc mô và tế bào vùng đó bị phân hủy chậm hơn.
Cùng với các đặc điểm mờ nhạt, không đặc trưng của vết hoen tử thi, bác sĩ pháp y xác định nạn nhân chết dù lực siết không mạnh. Điều đó làm dấy lên nhiều hoài nghi.
Suy đoán nạn nhân quá yếu khi bị siết cổ hoặc đồng thời bị tác động bởi chất độc, ông đề nghị cho giám định tìm độc chất trên các mẫu phủ tạng nhưng không thấy. Từ đó, giả thiết "nạn nhân quá yếu khi bị siết cổ lần hai" được củng cố. Điều này giúp kiểm chứng lời khai của các nghi can rằng đúng như vậy.
Kết hợp với phân tích bức ảnh chụp thi thể khi mới phát hiện, bác sĩ Tuấn nhận định nạn nhân bị bắt giữ trong nhiều ngày nên tâm lý hoảng loạn, mất ngủ, mặt hốc hác.
Những vết xây xát rất nhỏ trên mặt cô gái cho thấy đã có sự va chạm, chà xát mặt với vật có bề mặt nhẵn nhưng có những hạt sạn. Từ đó, cơ quan điều tra phán đoán chiếc xe tải của Công bị tình nghi là nơi nạn nhân bị sát hại hoặc là phương tiện di chuyển thi thể.
Khi càng nhiều căn cứ được đưa ra, nhóm nghi phạm lại càng khai báo "nhỏ giọt". Thấy cơ quan điều tra biết đến đâu, chúng mới khai đến đó. Một trong những chi tiết các nghi phạm khai khớp với nhau nhất là nạn nhân bị xâm hại nhiều lần. Tuy nhiên, trong kết quả khám nghiệm ban đầu, nhà chức trách không ghi nhận dấu vết đó.
Giải thích điều này, chuyên gia pháp y cho hay có thể do một vài lý do. Thứ nhất, nạn nhân sợ nên chấp thuận để giữ an toàn bản thân. Dấu vết để lại trong các vụ hiếp dâm chỉ lộ rõ trong trường hợp có chống cự. Thứ hai, có thể do sức khỏe quá yếu, nạn nhân không còn khả năng chống cự. Thứ ba, nạn nhân còn khỏe nhưng bị giữ chặt tay chân. Khả năng cuối cùng sau đó bị loại bỏ vì các dấu vết trên tử thi không thể hiện điều đó. Đây là căn cứ giúp cơ quan điều tra đấu tranh với nhóm nghi phạm và chúng phải thừa nhận đã xâm hại nạn nhân nhiều lần, trong tình trạng cơ thể đã rất yếu.
Chỉ sau một ngày tử thi được khai quật, đến 18/2/2019, Công an tỉnh Điện Biên đã bắt tiếp 3 nghi phạm với cáo buộc Giết người, Cướp tài sản, Hiếp dâm, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Bắt giữ người trái pháp luật.
Cuối tháng 3/2019, công an bắt thêm Vì Văn Toán (38 tuổi) cùng ba người. Qua nhiều tháng, cơ quan điều tra xác định chủ mưu là Toán.
Kết quả điều tra xác định đầu tháng 2/2019, không có tiền tiêu Tết, Toán nhờ Vương Văn Hùng và Bùi Văn Công đòi tiền nợ ma tuý của mẹ nạn nhân là bà Trần Thị Hiền. Toán hứa trả 50 triệu đồng cho Hùng và Công nếu đòi thành công.
Nhóm này lên kế hoạch bắt cóc con gái 21 tuổi của bà Hiền. Trong khi Vương Văn Hùng, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Bùi Văn Công thực hiện việc bắt cóc nạn nhân, Toán bí mật đi theo. Tối 30 Tết, nhóm này gọi cho mẹ nạn nhân uy hiếp đòi tiền song bị bà Hiền dọa lại "sẽ không trả tiền, báo công an". Từ đêm 4/2/2019 (30 Tết) đến tối 6/2/2019 (mùng 2 Tết), thiếu nữ bị nhốt trong nhà Công...
Trong phiên toà sơ thẩm mở cuối năm 2019, 6 người phải nhận hình phạt tử hình gồm: Vì Văn Toán, Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm. Ba người còn lại phải nhận mức án 3-10 năm tù về tội Hiếp dâm, Không tố giác tội phạm.
Sau phiên sơ thẩm nhiều bị cáo kêu oan, đang chờ phiên tòa phúc thẩm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top