Phân tích Vội vàng (13 câu đầu+13 câu cuối)


   Văn hào Ostrovsky đã từng viết rằng: "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa vì những năm tháng đã sống hoài sống phí..." "Sống trọn vẹn" từ lâu đã luôn là nỗi niềm trăn trở xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học. Nhưng thật lạ làm sao khi giữa âm hưởng trầm buồn cô đơn, giữa những khát khao vượt thoát của các nhà thơ Mới đương thời lại sáng lên một hồn thơ đắm say lạ thường của Xuân Diệu với cuộc đời. Và qua 13 câu đầu bài thơ "Vội vàng", người đọc lại có dịp cảm nhận sâu sắc hơn về quan niệm nhân sinh mới mẻ của nhà thơ.

      Xuân Diệu tên Ngô Xuân Diệu và là thành viên của "Tự lực văn đoàn". Ông ghi dấu sâu đậm với tiếng thơ trữ tình cùng những cách tân nghệ thuật độc đáo phản ánh suốt sự nghiệp văn học phong phú. Dù luôn vươn tới cái hoàn mỹ, tuyệt đích nhưng thực tế cuộc đời của một trí thức nô lệ không đáp ứng được cái tôi người nghệ sĩ nên trước CMTT, hai tâm trạng thiết tha mà cô đơn, tưởng chừng như trái ngược lại dào dạt chảy trôi trong những dòng thơ của Xuân Diệu. Và "Vội Vàng" là một mạch thơ dào dạt, nhuần nhị như vậy, cuốn theo bao hình ảnh, bao dư vị cuộc sống thân yêu. Được in trong tập "Thơ thơ", bài thơ là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất làm nên tên tuổi thi nhân họ Ngô.

"Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất.

Không có chi bè bạn nổi cùng ta."

         Nhiều lần trong những vần thơ của Ông hoàng thơ tình, ta bắt gặp cái tôi đầy cá tính và bản lĩnh mà ở đây là một ước mơ phi lý của một niềm yêu:

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi"

4 câu thơ đầu với thể ngũ ngôn cùng phép điệp cấu trúc cú pháp "tôi muốn.." đã thâu tóm ước muốn rất thật, rất chân thành của tác giả. Khác với nhiều nhà thơ cùng thời, Xuân Diệu không đem cái tôi của mình đối lập và tìm cách thoát ly với cuộc sống này; trái lại, ông muốn khẳng định nó theo nghĩa hiện thực nhất là con người, là trời đất, hoa lá, cỏ cây ở quanh đây. Càng đắm say vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống, Xuân Diệu lại càng cảm nhận rõ nỗi vô thường của thời gian. Chính sự cộng hưởng từ ý thức về cái đẹp và cái tôi cá nhân đã tạo cho ông khát khao được đoạt quyền của tạo hóa để bất tử cái đẹp. Được thể hiện từ những đối tượng cụ thể như "màu" và "hương" đến lối nói quá cái ước mơ "tắt nắng" và "buộc gió" cản lại quy luật của vũ trụ, việc lấy cái hữu tình để chống chọi với cái vô tình tưởng như vô nghĩa nhưng lại là cốt lõi của triết lý sống "Vội vàng" nơi XD, mà như Lê Huy Bắc nhận xét là "Nói sự vô tình của tạo hóa cũng có nghĩa là nói sự vô tình của không ít con người trước cuộc đời."

Nếu ngay từ những dòng thơ đầu tiên, cây bút chủ lực của phong trào Thơ mới khẳng định niềm trân trọng cuộc sống vô cùng thì ở 7 câu tiếp theo, ông đã đặc tả vẻ đẹp của bữa tiệc trần gian bằng sự căng nhọn của mọi giác quan:

" Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

"Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng Giêng ngon như 1 cặp môi gần;"

Cách ngắt nhịp trong đoạn thơ đầy linh hoạt từ 3/2/3 đến 3/5. "Của", vốn là một từ chỉ sự sở hữu góp phần tạo mới liên kết để ý thơ, hình tượng thơ thêm liền mạch, được tác giả kết hợp điêu luyện cùng điệp ngữ "này đây" theo lối song trùng không chỉ nhấn mạnh sự giàu có của thiên nhiên mà còn tạo nên tính nhạc điệu đặc biệt, tựa như chính lời reo vui xôn xao hân hoan mãi trong trong cõi lòng ông. Lúc này đây, bức tranh vườn trần hiện mới lên đầy đủ về cả thời gian lẫn không gian, chan chứa tình xuân tựa như một thiên đường trên mặt đất. Thực ra khung cảnh tươi đẹp này đâu phải bây giờ mới có và nhà thơ cũng không tạo ra thế giới mới, nhưng có con mắt mới. Dưới "cặp mắt non xanh biếc rờn" thoát khỏi hệ thống ước lệ phi ngã của văn chương cổ, những, "ong", "bướm, "hoa", "yến anh" và "đồng nội" lần lượt xuất hiện gắn với các tính từ đậm nhạt khác nhau diễn tả cụ thể, đủ đầy hình thái căng tràn của sự sống, cái gì cũng đẹp, cũng non tươi, cũng đáng say, có đôi có cặp như quy luật tìm đôi bao đời của nhân gian. Bên cạnh đấy còn có sự xuất hiện của "thần Vui", vốn chưa bao giờ xuất hiện trong quan niệm tín ngưỡng nay cũng được Xuân Diệu thần thánh hóa để mỗi ngày không ngừng mang đến niềm vui cho nhân loại. Thế nhưng đối với XD, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất là vì có con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Khác với thơ xưa cũng hướng đến cái toàn mỹ nhưng lấy thiên nhiên làm chủ đạo, con người dưới góc nhìn của Xuân Diệu mới là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trên thế gian. Hình ảnh nhân hóa "ánh sáng chớp hàng mi" mang giá trị nghệ thuật và tính liên tưởng cao mà sau này lần nữa được Xuân Diệu tận dụng ở "Trường ca": "Mi của ánh sáng thật dày, tia của ánh sáng thật đượm...Đôi mắt của điện quang thấu suốt muôn trùng". Và tư tưởng mĩ học ấy đồng thời đã giúp nhà thơ chắp bút nên những hình ảnh rất Xuân Diệu: "tháng Giêng ngon như một cặp môi gần". Sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác và phép tương giao, cặp môi gần là hình ảnh nhục cảm, nóng bỏng đầy khao khát.

Từ bức tranh vườn trần, hai câu thơ tiếp theo là sự chuyển tiếp cho mạch suy tưởng của Xuân Diệu:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

Một cách vô cùng trực tiếp, tác giả đã áng ngữ cảm xúc cá nhân ngay ở đầu. Câu thơ ngắn, như thể chính là sự dồn nén và tiếc nuối mạch cảm xúc đẹp mà ngắn ngủi đang dần bị thay thế bởi mối suy tư về thời gian và rằng cũng như màu và hương, thời gian của con người không là mãi mãi. Cảm xúc ấy càng được nhấn mạnh thêm bởi từ tương phản "nhưng" và dấu chấm câu. Tượng như một bản lề khép mở, dấu chấm vắt giữa dòng là khoảng lặng đặc biệt chưa từng có tiền lệ trong thi ca Việt Nam chuyển đổi hai dòng tâm trạng để rồi mở đường cho sự trỗi dậy của phương châm sống Vội vàng. Đó là một triết lý hiện sinh về cả hành động và thái độ tận hưởng tận hiến hết mình, không phí hoài dù chỉ một khoảnh khắc.

--------------------------------------------------------------------------------------

Nếu những dòng thơ trước là nặng trĩu nỗi ưu sầu của người tác giả họ Ngô trước bước đi của thời gian thì đoạn tiếp theo dường như chính là sự bừng tỉnh đc tái hiện dưới dòng chảy cảm xúc dào dạt và cuồng nhiệt:

" Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm"

Vốn là một câu cầu khiến, "Mau đi thôi!" mở đầu như một lời giục giã bừng tỉnh khỏi cơn mê để hướng đến một cao trào cảm xúc mới, một triết lý nhân sinh thâu tóm toàn bộ tinh thần đoạn thơ. "Mùa", là một phần thời gian của năm, lại đứng cùng cụm từ "chiều hôm" diễn tả thời gian một ngày. Điều tưởng chừng phi lý ấy lại phản ánh rõ ràng chuyển biến tinh thần của cây đại thụ thi ca Việt Nam. Nhiều lần trong những vần thơ của Ông hoàng thơ tình, ta bắt gặp nỗi ám ảnh về bước đi của thời gian:

"Cái bay không đợi cái trôi,

Từ tôi phút ấy sang tôi phút này"

Có thể nói rằng, Xuân Diệu biết sống với hiện tại và coi trọng hiện tại. Đây là một đặc sắc tách biệt ông khỏi các thi sĩ cùng thời cũng như là sự chuyển mình khỏi văn chương cổ điển, khi thời gian là xoay vần thì phút giây mong manh hiện tại là vô nghĩa. Với niềm trân trọng ấy, câu thơ vô hình trung mang dáng điệu tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau đến độ gói một quý vào thời gian của ngày để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ.

"Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta say cánh bướm cùng tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;"

Hình thức trình bày câu thơ rất đặc biệt, thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả với ba chữ "ta muốn ôm" đc đặt giữa dòng thơ như mô phỏng hình ảnh nhân vật trữ tình dang rộng vòng tay ôm lấy mọi sự sống trên đời. Đó là bức chân dung của cái ham hố, tham lam của người nghệ sĩ đứng giữa dòng đời để siết hết cho thỏa cái mong muốn được giao hòa với vạn vật, cuộc đời; một khát khao vô biên, tuyệt đích tiêu biểu cho cảm xúc thơ Xuân Diệu. Đến đây, tấm lòng tác giả dường như lần nữa hướng về ước muốn bảo trì cái đẹp nhưng dễ dàng nhận ra rằng đại từ nhân xưng đã có sự thay đổi: Từ "tôi muốn" của cái tôi đơn lẻ lúc đầu thành những điệp ngữ "ta muốn", biểu thị sự trưởng thành hơn để hòa nhập cùng tập thể chung.

Khác với nhiều nhà thơ cùng thời, Xuân Diệu không đem cái tôi của mình đối lập và tìm cách thoát ly với cuộc sống này; trái lại, ông muốn khẳng định nó trong quan hệ gắn bó với đời hiểu theo nghĩa hiện thực nhất là con người, là mây gió, cánh bướm, tình yêu ở quanh ta đây. Bên cạnh đó, thơ Xuân Diệu còn là một sự thèm khát sống. Không chỉ là ngợi các khách thể của cuộc đời mà thơ ông còn đầy những động tác. Điệp từ "muốn" diễn tả trạng thái yêu đương mỗi lúc một nồng nàn như cơn lũ cảm xúc: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu thể hiện tâm trạng si mê đến cuồng nhiệt. Nhà thơ họ Ngô cũng đồng thời vô cùng tinh tế trong cách sử dụng từ "một cái hôn nhiều" để diễn tả cái hôn đắm đuối, mê say đồng thời là nhân hóa cuộc đời. Đặc biệt trong một câu thơ mà có đến ba lần điệp từ "và" liệt kê hết ước muốn này đến ước muốn khác như thể chăng là muốn nói cùng tận cảm xúc để đặc tả cái nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt để nắm bắt mọi khoảnh khắc của cuộc đời.

Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống. Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc và tận hưởng cuộc đời chính là có được cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu gọi cái ước muốn tận hưởng cuộc sống ấy là "no nê", "chuếnh choáng", "đã đầy", toàn những từ láy gợi hình đủ để tô đậm khát khao của ông. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

"-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!"

Câu thơ được trình bày như một lời thoại cầu khiến với nét đẹp của cuộc đời và tình người. Một lần nữa thị giác nhà thơ căng nhọn để bắt gặp gam màu hồng tươi mới, tích nhưng gợi sự mong manh đòi hỏi việc nâng niu như chính bước đi một qua không trở lại của thời gian. Không chỉ sử dụng phép ẩn dụng chuyển đổi cảm giác, ta dễ dàng chú ý "cắn" như một nhãn tự của bài thơ cho những nhục cảm mà nó mang lại, biểu thị mạnh mẽ mong muốn chinh phục của nhân vật trữ tình trước khi kết lại bản tuyên ngôn về lẽ sống "Vội vàng".

    "Vội vàng" là lời giục giã của nhà thơ hãy sống mãnh liệt, sống hết mình cho hết kích thước cuộc sống, nhất là năm tháng tuổi trẻ. Tư tưởng đó được cụ thể hóa bằng những hình ảnh sáng tạo và ngôn từ đầy sức sống, giọng điệu say mê cùng mạch luân lý hòa hợp với mạch cảm xúc, chứng minh cho tài năng đỉnh cao của cây đại thụ nền thi ca Việt Nam.

       Những dòng văn, câu thơ, suốt ngàn đời, bám trụ ngòi viết của mình giữa quy luật "băng hoại" đầy khắc nghiệt của không gian và thời gian. "Vội vàng" của Xuân Diệu không chỉ là niềm say mê bất tận với cuộc đời mà hơn hết, nó còn là một sự đổi mình liên tục cho phù hợp với thực tại như Hoài Thanh đã từng nhận định rằng: "Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ mới"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top