Phân tích đoạn trích "Trao Duyên" của Nguyễn Du (2)
Tình duyên đứt đoạn, có lẽ Kiều đã nghĩ tới ngày rời khỏi người thân và gia đình, tương lai cuộc đời mình sẽ chẳng thể tự quyết định, càng không có quyền lựa chọn. Nàng nghĩ đến cái chết "dù thịt nát xương mòn" đây cũng là một dự cảm không tốt về tương lai sau này. Dù có chết vẫn "ngậm cười" nơi "chín suối" tức được an ủi, xoa dịu. Đây cũng chính là một điều kiện, nàng dùng cái chết, để chỉ khi Thúy Vân giúp mình trả duyên cho Kim Trọng thì mình mới có thể được an ủi.
Cả ba lý lẽ trên đều hoàn toàn hợp tình hợp lý, tạo nên sức thuyết phục mạnh mẽ đối với Thúy Vân. Từ đó một lần nữa khẳng định tài sắc của Thúy Kiều "mười phân vẹn mười", khéo léo và luôn mang một tấm chân tình, thủy chung không hề phôi phai.
Có câu: "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên", trao duyên dù đau đớn, Kiều vẫn để lý trí điều khiển cảm xúc của mình. Nàng vẫn bình tĩnh nêu lên những lý lẽ, bộc bạch nỗi lòng, cất tiếng thuyết phục Vân một cách tài tình, hợp tình hợp lý, để em thấu hiểu nỗi lòng của mình.
"Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh, ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa. "
Trong tình yêu, những kỉ vật trở thành minh chứng của tình cảm, là kỉ vật thiêng liêng nơi lưu giữ và cất giấu biết bao nỗi niềm nhung nhớ, biết bao kỉ niệm lứa đôi. Kỉ vật không chỉ là thứ gắn kết tình cảm mà chính nó cũng thể hiện tình cảm, nhắn gửi tâm tư, giữa Kiều và Kim Trọng cũng tồn tại những kỉ vật như thế. Đó là "phím đàn" và "mảnh hương nguyền" - minh chứng cho đêm thề nguyền. Trong khi gia đình đi vắng, Kiều đã "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đến tìm gặp Kim Trọng để tự tình. Cả hai cùng quỳ xuống, nâng chén rượu thề, cùng hướng nhìn trời cao...
"Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. "
Còn "chiếc vành" và "bức tờ mây" là những kỉ vật đính ước trong đêm thề nguyền. Từ quá khứ đến hiện tại kỉ vật thuộc quyền sở hữu của Kim - Kiều, vậy nên lần này Kiều trao lại mối duyên đã ràng buộc lấy họ là duyên là phận. "Trao" là thế, nhưng không có nghĩa là trao cả những kỉ niệm, những hồi ức đẹp đẽ kia được, có chăng cũng chỉ là những kỉ vật, những sự vật như "chiếc vành", "bức tờ mây". Thế nên mới có câu: "Duyên này thì giữ vật này của chung." Hay nói cách khác : trao duyên chằng thể trao tình!
Ở đây, ta thấy cái tài tình của Tố Như, khi không để những kỉ vật vào cùng một câu thơ mà viết ở hai câu tách rời ở vị trí cách xa nhau. Nói như Pauxtopxki: "Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm." Thật vậy, chỉ ngắn ngủi mấy dòng thơ, vài con chữ Tố Như qua những "bụi vàng" ấy đã thể hiện được nỗi đau đớn, sự luyến tiếc của Thúy Kiều khi tự tay trao từng kỉ vật cho Vân. Thế mới thấy cái tâm cái tài ở Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Trao duyên, trao kỉ vật, Kiều cất lời dặn dò Vân.
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh, ắt lòng chẳng quên.
Qua từng câu thơ, ta như nhìn thấy trước mắt là một nàng Kiều đang ở thế giới khác, đã chẳng thể trở về, hòa nhập với thế giới đang hiện hữu nơi đây. Phải chăng những lời dặn dò ấy là những lời cuối cùng? Hẳn vậy, Kiều dặn dò như lời của người chị bạc mệnh với đứa em của mình về chuyến đi đến đây không phải xa cách về không gian mà có thể chính là sinh ly tử biệt, âm dương cách biệt. Mong Vân cũng như chàng Kim đừng quên mình "xót người bạc mệnh, ắt lòng chẳng quên".
Qua đó ta bắt gặp ở Kiều một nỗi mâu thuẫn, nó như một vòng luẩn quẩn dày dò Kiều. Về mặt lý trí nàng muốn Vân có cuộc sống êm ấm "nên vợ nên chồng", song về mặt tình cảm, vào giây phút này, tiếng nói của con tim được cất lên, nàng muốn được đồng sở hữu "Duyên" - "Giữ", "vậy" - "của chung" bao gồm cả Kim, Vân và Kiều. Thấy được tình cảm đã bắt đầu lấn át lý trí của nàng.
Xót thương cho chính mình, trao duyên xong, Kiều gần như đã chìm đắm trong nỗi bi thương ấy, nàng độc thoại với chính mình và dường như cũng đang đối thoại với Kim Trọng.
"Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây."
"Phận" ở đây là số phận, thân phận, lại được ví "bạc như vôi" đau đớn đến thế, lần này ra đi Kiều giống như con thuyền trước thác nước cuồn cuộn, dường như cũng đã phó mặc cho dòng nước kia, chẳng thể "êm đềm trướng rủ màn che" nữa. Đồng thời bước trên con đường mờ mịt ấy dường như có thứ gì đó đang ở phía trước chờ đợi nàng, là sự mờ mịt về chính số phận mà mình chẳng thể biết sẽ đi đâu, về đâu.
"Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
"Nước chảy", "hoa trôi" những hình ảnh hết sức quen thuộc, từng hiện hữu nhiều trong các tác phẩm nói về mối tình éo le, nhiều trắc trở. Với sự vùi dập, đầy cay nghiệt nơi xã hội ngoài kia đã làm đóa hoa tan vỡ, úa tan để rồi cuối cùng chỉ có thể phó mặc trong dòng nước lỡ làng… Tiếng lòng của Kiều, cũng là tiếng than của biết bao cô gái cùng cảnh ngộ trong xã hội phong kiến bạc bẽo không tiếc chà đạp, vùi dập ngoài kia.
Cuối cùng khi trao duyên đã trọn vẹn, khi lý trí đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, giờ đây lý trí đã lui xuống để tình cảm dâng lên, nó ồ ạt ập đến. Dường như Kiều đang mê man trong chính nỗi niềm của mình, nàng tự trách mình. Dẫu vì chữ hiếu mới phải phụ bạc tình "quân" song trái tim Kiều vẫn không ngừng quặn thắt, không ngừng đau đớn. Một câu thơ sáu chữ lại xuất hiện đến hai từ Kim Lang: "Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!"
Với dấu cảm thán "!" giữa và cuối câu ta như nghe thấy tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng gọi thất thanh đầy thê lương và nuối tiếc của Kiều: "Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây."
Yêu khắc cốt ghi tâm là thế song vì tình thế bắt buộc dồn Kiều vào bước đường cùng đầy bế tắc, nàng yêu Kim Lang, nhưng lúc này cũng chính nàng là người phụ lại Kim Lang. Nỗi chua xót, giằng xé tim can ấy phải dùng gì mới có thể đong đếm, mới có thể đo lường đây? Kiều nhận lỗi về mình, dù khổ trăm bề vẫn nghĩ đến chàng Kim, chính điều này đã khắc họa nên bức chân dung về nàng Kiều tài sắc lại mang phẩm hạnh cao đẹp, luôn biết nghĩ cho người khác. Có thể nói rằng với những dòng thơ cuối, Kiều đã tự đối thoại với chính mình, cảm xúc lên ngôi đã hoàn toàn chiếm lĩnh dày vò cả thể xác lẫn tinh thần của Kiều.
Như vậy, nhìn lại chặng đường diễn biến tâm lý nhân vật từ lúc Kiều đối thoại với Thúy Vân mang sự biết ơn, chân thành, yên tâm và thanh thản vì mâu thuẫn đã dần được giải quyết, đến độc thoại với chính mình lại là tâm trạng giằng xé đầy mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm, giữa trí não và con tim, đau đớn tột cùng. Để rồi cuối cùng khi đối thoại với Kim Trọng ta thấy nỗi khát vọng tình yêu mãnh liệt với hiện thực phũ phàng, nàng tự khóc than, tự đau đớn. Điều tạo nên thành công của đoạn trích chính là ở nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật đã đạt đến mức "bậc thầy" - minh chứng cho sự tài hoa của Đại thi hào dân tộc - Nguyễn Du, với ngòi bút không ngừng thôi "ai oán" cho kiếp người. Cùng nghệ thuật sử dụng điển tích điển hình để thể hiện nỗi đau đớn, xót xa của Thúy Kiều.
Đoạn trích "Trao Duyên " chính là tiếng lòng thổn thức, cảm thương của Tố Như, là tiếng khóc nghẹn ngào của nàng Kiều và cuối cùng chính là lời tố cáo xã hội phong kiến đương thời mục nát lúc bấy giờ, khi mà đồng tiền lên ngôi quyết định số mệnh của cả một đời người. Song bên cạnh đó "Trao Duyên" cũng là khúc ca ca ngợi phẩm chất của Thúy Kiều một cô gái giàu lòng vị tha. Đáng ra trong thời khắc ấy thứ khiến nàng khóc than nhiều nhất phải là chính mình, khiến nàng đau đớn, bi thương cuối cùng lại là nhận ra bản thân mình đã phụ lại Kim Trọng, phụ lại lời thề nguyền "chữ Đồng song song", là cha mẹ, là em…
Khép lại đoạn trích, những dòng thơ con chữ dường như vẫn còn vang vọng đâu đây. Ta nghe thấy tiếng khóc thê lương của Kiều, cũng nghe thấy lời tố cáo cho một xã hội bất công chà đạp lên người phụ nữ tài hoa bạc mệnh ấy. Ai đó từng nói: "Văn học được ví như cánh diều, cần có một cái dây để nó bay cao, cũng để níu nó lại." Nguyễn Du qua ngòi bút cùng trái tim thổn thức trước kiếp người, đã vô cùng thành công khi tạo nên một chủ đề xuyên suốt đoạn trích ấy là "cái dây đem cánh diều" ấy bay cao trên khoảng trời văn học mênh mông. Góp vào mảnh đất văn chương một tác phẩm sống mãi với thời gian, trong trái tim bao người người yêu văn chương nghệ thuật.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top