TRAO DUYÊN
P/s: (1):12 câu đầu
(2):Thuý Kiều trao kỷ vật cho Thuý Vân
(3):8 câu cuối
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc nhưng ông đã sống một cuộc đời đầy bi kịch. Ông sống trong giai đoạn chính trị đầy biến động,đồng tiền làm tha hóa con người. Chứng kiến rất nhiều cảnh đời bất công cũng như sự thối nát của xã hội lúc bấy giờ. Có lẽ chính vì vậy mà ông càng trân trọng và cảm thông sâu sắc đối với người phụ nữ. Nguyễn Du đã viết lên tác phẩm "Đoạn trường tân thành" còn gọị là "Truyện Kiều"để nói lên tiếng khóc xé ruột cho nhân phẩm và số phận con người bị chà đạp, cho số phận đáng thương của người phụ nữ tài sắc. Đoạn trích "Trao Duyên" trích "Truyện Kiều" cuả Nguyễn Du đã nói lên nói lên nỗi đau xót của Thúy Kiều khi phải trao mối tình mặn nồng giữa nàng và Kim Trọng cho Thúy Vân.
(1)Chỉ với mười hai câu thơ đầu của đoạn trích, Nguyễn Du đã thể hiện được tâm trạng đầy chua xót của Thúy Kiều khi thuyết phục em nhận mối duyên này.
(2)Kiều tuy trao duyên nhưng không trao được tình. Đau đớn làm sao tâm trạng của Thúy Kiều khi trao kỉ vật cho Thúy Vân và dặn Vân những chuyện sau này.
(3)Chỉ với tám câu cuối, tâm trạng đau khổ của Kiều đã được đẩy lên đến tận cùng.
Khi gia đình Kiều bị vu oan,cha cùng em trai nàng bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn, Kiều đã bán mình làm vợ lẽ cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha và em, cứu gia đình qua cơn nguy biến. Trong đêm « Trao duyên » Thúy Kiều đã gửi duyên, gửi tình của mình cho Thúy Vân, nhờ Vân chắp nối mối tơ tình dang dở của mình. « Trao Duyên » là đoạn trích đặc sắc nhất về độc thoại nội tâm,là đỉnh cao của nghệ thuật diễn tả tâm trạng nhân vật.
~~~~~
(1)Tâm trạng của Thúy Kiều khi nhờ cậy, thuyết phục Thúy Vân kết duyên cùng Kim Trọng mang đến cho người đọc cảm xúc thương xót cho mối tơ tình của đôi trai tài gái sắc.
« Trao Duyên » là chuyện rất tế nhị, khó nói khó mở lời nhưng bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều mở lời trao duyên một cách rất khôn khéo, tế nhị.
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Bằng bốn từ « cậy, chịu, lạy, thưa » Kiều đã nói được điều khó nói. Ở đây Kiều không nói từ « nhờ »; là bởi từ « cậy » ngoài ý nghĩa nhờ vả còn mang hàm nghĩa gửi gắm, tin tưởng (tin cậy), trông mong cùng hy vọng. Như vậy tất cả niềm tin, hy vọng của Thúy Kiều đều đặt vào Thúy Vân và cũng chỉ có Vân mới có thể giúp Kiều. Hơn nữa, nếu dùng từ « nhờ » thì âm điệu của câu thơ sẽ nhẹ đi, phần nào làm giảm đi sự tha thiết trong lời nói của Thúy Kiều. Từ đó cho thấy từ « cậy » mang đến sắc thái ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không từ nào có thể thay thế được. Kiều cũng không nói « nhận » lời bởi « nhận »có phần nào tự nguyện,có thể nhận mà không làm. Còn « chịu » lời là sự nài ép, bắt buộc phải nhận không nhận được. Khi nói ra điều này, bản thân Kiều cũng hiểu được mình đang làm khó Thúy Vân, nhưng trong hoàn cảnh này, Kiều không còn cách nào khác. Nếu Vân « chịu »lời thì đây cũng là sự hy sinh của Vân.
Đến câu thơ thứ hai, Nguyễn Du dùng hai từ "lạy, thưa" cũng rất đặc biệt. Chị có việc nhờ cậy em là chuyện bình thường thế mà phải lạy, phải thưa. Sự "thay bậc đổi ngôi" giữa hai chị em cho thấy lời nói của Kiều nói với Vân giờ đây đã không còn là lời nói thông thường của chị nói với em mà là thái độ biết ơn, trân trọng của người chịu ơn (Thúy Kiều) và người làm ơn (Thúy Vân).
Qua hai câu thơ đầu ta có thể thấy được tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Du. Cái hay, cái sắc của từ ngữ cũng chính là cái tinh tế trong thế giới nội tâm nhân vật mà ông muốn diễn tả. Từng từ thốt ra đều được Thúy Kiều cân nhắc kĩ càng,chọn lọc cẩn thận. Sự chọn lọc chính xác ấy cho ta thấy Kiều đã suy nghỉ rất nhiều,rất kĩ rồi mới đưa ra quyết định trao mối nhân duyên mà nàng đã từng mong ước « đơm hoa kết trái », sẽ được lâu bền cho Thúy Vân. Tâm trạng của nàng lúc này vô cùng khẩn thiết, hi vọng nhưng cũng đầy đau đớn.
Sau khi mở lời Thúy Kiều đã cố gắng thuyết phục Thúy Vân « chịu lời ».Đầu tiên,Kiều trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình:
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Câu thơ đã cho ta thấy tình cảnh bi đát, dang dở mà Kiều đang gặp phải. Hạnh phúc đang êm đềm, mối tình đầu đẹp đẽ,lãng mạn bỗng chốc vỡ tan, tất cả dở dang. Kiều chỉ còn cách nhờ Thúy Vân nối tiếp đoạn tình cảm ấy. "Gánh tương tư" là của chị, tình cảm sâu nặng là của chị nhưng giờ đây "giữa đường" lại "đứt gánh". "Tơ duyên" là của chị nhưng đến với em nó đã là "tơ thừa". Từ "mặc" ở đây không phải là mặc kệ em, mặc cho ra sao thì ra mà nó còn có nghĩa là Kiều muốn phó thác, giao phó trách nhiệm lại cho Thúy Vân, tin tưởng Vân tuyệt đối.
Để lời nói của mình thêm tuyết phục, để cho Vân hiểu, Vân cảm thông, Vân nhận lời thì ngay lập tức Kiều đã kể cho Vân ngh về mức đọ tình cảm của mình với chàng Kim:
Kể từ khi gặp chàng Kim.
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Từ "khi" được lặp lại ba lần như muốn nhấn mạnh tình cảm sâu đậm mà Kiều dành cho Kim Trọng, nào đâu phải tình cảm một sớm một chiều. Những kỉ niệm đẹp giữa nàng và chàng Kim, như sống lại trong câu thơ "Khi ngày quạt ước, khi dêm chén thề". Câu thơ ẩn chứa tình cảm ngọt ngào. Những niềm vui nhưng cũng vang lên đâu đó tiếng nấc nghẹn ngào của Thúy Kiều. Những kỉ niệm ấy đã kết thúc, chỉ còn lại chuỗi ngày bi thảm phía sau.
Kiều vô cùng xót xa khi nàng nhắc đến nguyên nhân dẫn tới sự tan vỡ cũng như bi kịch cuộc đời nàng:
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Quá khứ tươi đẹp là thế nhưng hiện tại của nàng, từ khi chàng Kim về chịu tang, bao sóng gió bất ngờ ập đến, phá đi tất cả sự bình yên trước đó của nàng. Trước hoàn cảnh gia đình lúc ấy, để cứu cha và em, để làm tròn chữ "hiếu", Kiều đã phụ chữ "tình" bởi chữ "hiếu" là một phạm trù đạo đức đặc biệt quan trọng, là quan niệm, là nguyên tắc ứng xử phổ biến mà bất kì người con gái nào trong hoàn cảnh của Kiều cũng sẽ làm như vậy. Thật đau đớn xiết bao!
Sợ chưa thuyết phục được em, Kiều đã lấy tình máu mủ ruột thịt để tác động vào tình cảm của Vân:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Cái khôn khéo của Kiều là ở chỗ Kiều đã dùng tình máu mủ, một thứ tình ruột thịt thiêng liêng nhất để thuyết phục Vân và cũng chỉ có tình chị em ruột thịt mới giúp Vân thấu hiểu cho Kiều và đồng ý vì chị trả nghĩa cho chàng Kim. Kiều và Vân đều đang ở giai đoạn đẹp nhất của một đời người, đang ở độ tuổi "xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê". Ấy thế mà khoảng thời giân "xuân xanh" đẹp dẽ giữa nàng và chàng Kim nay chỉ còn là những kỉ niệm của quá khứ.
Cuối cùng là một chút an lòng của Thúy Kiều nhưng cũng là lời động viên, an ủi, sự biết ơn của Kiều đối với Vân:
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối, hãy còn thơm lây.
Nguyễn Du đã sử dụng các thành ngữ để giúp nàng Kiều tạo nên sức lay động hết sức mạnh mẽ như « tình máu mủ », « lời nước non », « thịt nát xương mòn », « ngậm cười chín suối », Thúy Kiều nói với Thúy Vân bằng những lời sâu thẳm từ trái tim của một người chị, Kiều còn lấy cả linh hồn của kẻ bạc mệnh để biết ơn em đã thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
~~~~~
(2)Nguyễn Du đã thành công trong việc chuyển biến nội tâm đầy phức tạp của Kiều khi nàng trao kỉ vật cho Thúy Vân, Kiều vẫn muốn giữ lại chút gì đó cho riêng mình.
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ ,vật này của chung
Khi Thúy Kiều trao « chiếc vành với bức tờ mây »cho Thúy Vân thì nàng cũng đau đớn đến tột cùng. Mỗi lời của Kiều tựa ruột đau như cắt,nàng trao duyên, trao cả kỉ vật tình yêu cho em. Đây là những giây phút rất khó khăn đối với Kiều bởi trao kỉ vật tình yêu lại cho em. Đây là những giây phút rất khó khăn đối với Kiều bởi trao kỉ vật tình yêu lại cho Thúy Vân đồng nghĩa với việc nàng phải chấm dứt mối tơ tình này. Ở đây, Thúy Kiều đang mâu thuẩn giữa hành động và lời nói.Kiều trao lại cho Vân những kỉ vật thiêng liêng nhưng nàng lại muốn những kỉ vật ấy vẫn còn thuộc quyền sở hữu cuả mình vẫn muốn nó là « của chung» là cuả Kim Trọng,của Thúy Vân và của nàng.Kiều đã khéo léo đem chữ « duyên » trao cho Vân còn chữ « tình » thì vẫn giữ lại cho mình. Tình cảm của Thúy Kiều và Kim Trọng thật tha thiết.
Không chỉ mâu thuẫn giữa hành động và lời nói mà Kiều còn mâu thuẫn ngay cả trong lí trí và tình cảm của mình.
Dù em nên vợ nên chồng.
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên!
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Thúy Kiều có phần níu kéo khi tưởng tượng Kim Trọng « xót nguyền mệnh bạc,ắt lòng chẳng quên ». Đầy xót xa sầu tủi trong đâu đớn tận cùng,Kiều vẫn muốn giữ lấy cho mình một chút an ủi nhỏ nhoi rằng chàng Kim sẽ chẳng quên mình. « phím đàn với mảnh hương nguyền » đâu phải vật cầm trao,nó là dư âm trong đêm thề nguyền còn đọng lại. Tuy « trao duyên »nhưng Kiều chỉ trao vật chứ không thể trao tình.
Thúy Kiều từ từ trao lại những kỉ vật tình yêu « chiếc vành », « bức tờ mây » rồi đến « phím đàn », « mảnh hương nguyền » cho Thúy Vân. Với Vân, nó có thể là những vật vô tri, nhưng với Kiều mỗi kỉ vật đều gắn bó một kỉ niệm, mang lại một ý nghĩa đặc biệt, là minh chứng cho mối tình đầu đẹp đẽ, hạnh phúc giữa nàng với chàng Kim. Nó gợi cho Thúy Kiều nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến đêm trăng thề nguyền khi Thúy Kiều « xăm xăm băng lối vườn khuya một mình » để sang nhà Kim Trọng. Họ đã cùng nhau nông chén rượu thề nguyền và ước hẹn trăm năm.
Vội vàng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Tình yêu của nàng Kiều và chàng Kim thật nồng nàn sâu sắc. Đoạn thơ là tiếng long chứa đầy tâm trạng của Kiều khi trao kỉ vật, khiến người đọc thật xót xa. Đó cũng là tài năng miêu tả tâm lý độc đáo của đại thi hào Nguyễn Du.
Quá đắng cay cho số phận của mình, thấy rõ là mình bạc mệnh, Thúy Kiều nghĩ đến một mai sau mịt mù,đau thương, nàng nhắn gửi Vân những chuyện sau này.
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió là hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền ghì trúc mai.
Đoạn thơ như một lời chiêu hồn buồn thảm,một hơi thở khác hẳn với lúc bắt đầu "trao duyên". Kiều dặn em sau này em và chàng Kim nên duyên vợ chồng,mỗi lần "đốt lò hương ấy,so tơ phím này" thì hãy nhớ đến Kiều, một người con gái có số phận bất hạnh.
Vẫn là lời tâm sự của Thúy Kiều với Thúy Vân mà sao lời lẽ bất chợt trở nên mù mịt, có phần ma mị như từ cõi bên kia vọng về. Lúc này đây, Kiều vô cùng tuyệt vọng, nàng đã nghĩ đến cái chết, trong lòng nàng giò đây trống trãi vô nghĩa bởi tình yêu không còn mà thực tại thì quá đắng cay. Hàng loạt hình ảnh và từ ngữ trong đoạn thơ đã chỉ ra rằng Kiều thật sự đã nghĩ đến cái chết: "ngọn cỏ lá cây","thấy hiu hiu gió thì hay chị về", "hồn", "dạ đài", "thác oan". Bắt đầu từ đây, Kiều đã thực sự cảm nhận được bi kịch của cuộc đời mình, bi kịch của sự mất mát, bi kịch của nỗi cô đơn.
Kiều trở nên tuyệt vọng, dự cảm được tương lai đầy bất hạnh của chính mình. Thúy Kiều tha thiết dặn em nếu hồn chị trở về hãy rưới một giọt nước làm phép giải oan cho chị
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan
Kiều vẫn tiếp tục đắm chìm trong những mâu thuẩn tâm lí phức tạp. Duyên tình của nàng đã hết, kỉ vật tình yêu cũng đã trao cho em để em và chàng Kim nên duyên vợ chồng nhưng hồn Kiều vẫn còn vương chặt với tiếng tơ trên phím đàn, với mùi hương của mảnh trầm. Những lời dặn dò của Kiều khiến ta có cảm giác mỗi lần Thúy Vân và Kim Trọng "đốt lò hương ấy,so tơ phím này" thì hồn của Kiều sẽ hiện về, hơn thế nữa hồn Kiều khi về còn "mang nặng lời thề", vẫn nguyện "nát thân bồ liễu" để đền trả nợ tình. Ở đây, Kiều thật sự đang mâu thuẩn với chính mình. Chẳng phải khi thuyết phục Thúy Vân, Kiều đã nói
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Nghĩa là nàng đã trả xong món nợ tình, cảm thấy yên lòng vì đã lo chu tất mối lương duyên cho chàng Kim. Dường như đó là chuyện phải làm, mượn lí trí để kìm nén tình cảm. Bởi nếu có chút an lòng thì nó phải thoáng qua rất nhanh. Dù thế nào, Kiều vẫn không nguôi dằn vặt, trái tim nàng vẫn thổn thức, lòng nàng vẫn nhớ thương Kim Trọng, nàng vẫn nghĩ rằng chính mình là người phụ tình Kim Trọng, nghĩ cách trả hết món nợ tình này. Cuộc đời nàng thật sự là bi kịch.
~~~~~
(3)Vậy là Kiều đã hoàn thành những việc trao gửi thậm chí là hình dung cho chuyện mai sau.Giờ đây là lúc Kiều trở về với thực tại đầy đau đớn.
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng
Lúc này, Kiều như quên hẳn Thúy Vân đang ở bên cạnh mình, lời thơ ở đoạn này thực chất là những lời độc thoại nội tâm của Kiều hay lời nàng muốn nói tới Kim Trọng. Kiều nghĩ đến quá khứ với "muôn vàn ái ân" mà đau, nghĩ đến thực tại quá phũ phàng "trâm gãy gương tan" mà đau, nghĩ đến mai sau" dạ đài cach mặt khuất lời" lại càng đau bội phần. Tâm tư nàng như bị vây khốn, chìm ngập giữa bao đau thương.
Trong câu thơ "phận sao phận bạc như vôi", từ "phận" được nhắc đến hai lần như nhấn mạnh số phận bé nhỏ của những con người tài hoa bạc mệnh như khắng định nỗi lòng đau xót của Kiều. Cụm từ "đã đành" đã nói lên cả tâm trạng ngậm ngùi còn mang cả nét buông xuôi,chấp nhận số phận của nàng. Nguyễn Du đã dùng hình ảnh ước lệ cùng những từ ngữ hàm chứa bao bi kịch đời Thúy Kiều, "trâm gãy gương tan", "tơ duyên ngắn ngủi", "phận bạc như vôi", "nước chảy hoa trôi", để thể hiện nỗi đau đột ngột, hạnh phúc bỗng chốc vỡ tan, bao đau kề ập đến với Kiều, hạnh phúc quá mong manh, Kiều chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc thì đã vụt mất. Người đọc càng cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau tê tái xé lòng của Kiều lúc bấy giờ. Đoạn thơ như thấm đẫm cả nước mắt chua chát của chính Kiều.
Trước thực tại đau đớn ấy, Kiều đã bật ra tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Thúy Kiều gọi Kim Trọng là Kim Lang, gọi đến hai lần cùng những thán từ « ôi, hỡi », khiến câu thơ vang lên như một lời than, như tiếng gọi thảng thốt, nghẹn ngào mang theo nhũng lời cuối cùng của Kiều gửi đến chàng Kim trước lúc đi xa. Nhịp thơ 3/3 kết hợp với hai dấu chấm than ngăn cách hai vế câu thơ gợi cho người đọc hình dung về một tiếng khóc nấc đầy đau đớn, tuyệt vọng của Thúy Kiều. Tình duyên dẫu cho có cố tình cắt đứt thì vẫn còn vương chút tơ lòng.
Câu thơ cuối cùng là lời tự trách, tự lên án mình Thúy Kiều. Kiều tự trách mình đã phụ bạc người yêu, phụ lời hẹn ước giữa nàng và Kim Trọng trong đem thề nguyền. Thực ra Kiều không đáng bị trách, bị lên án như điều nàng nói, nàng nghĩ. Bởi xét đến cùng thì nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ này là do hoàn cảnh: ngay khi Kim Trọng trở về Liêu Dương để chịu tang chú thì tai họa đã ập đến gia đình Kiều. Mọi chuyện đều nằm ngoài vòng kiểm soát, trước hoàn cảnh ấy,để làm tròn chữ « hiếu », Kiều đã phụ chữ « tình ». Bởi chữ «hiếu» là phạm trù đạo đức đặc biệt quan trọng, là quan niệm, là nguyên nhân tắc ứng xử phổ biến mà bất kì người con gái nào trong hoàn cảnh của Kiều lúc ấy cũng sẽ làm như vậy. Nàng Kiều khi thốt lên những lời này đã đau biết bao!
~~~~~
Dưới ngòi bút tài hoa sắc sảo của Nguyễn Du, Thúy Kiều hiện lên là một cô gái giàu đức hy sinh, lòng vị tha, sự thủy chung. Trong tình yêu, Kiều luôn sống vì người mình yêu, đặt hạnh phúc người mình yêu lên trên hết. Qua nghệ thuật miêu tả nội tâm tài tình thông qua lời đối thoại và độc thoại, nỗi đau và tâm hồn Kiều càng được thể hiện tinh tế, khắc họa sinh động, sâu sắc và đầy cảm xúc của nàng Kiều khi tình yêu tan vỡ và cuộc đời bất hạnh của nàng.
"Kiều đã trao duyên nhưng không trao tình". Qua đoạn trích «Trao duyên », ta có thể nhận thấy tài năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong việc thấu hiểu từng khía cạnh tinh tế nhất của nội tâm con người. Nàng Kiều vẫn luôn dành trọn tình yêu của mình cho Kim Trọng, làm tất cả những gì có thể để người mình yêu được hạnh phúc, giữ lại những khổ đau cho riêng mình. Đoạn trích "Trao Duyên" trích "Truyện Kiều" đã thể hiện được tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du: nỗi cảm thương sâu sắc đối với những đau khổ và khát vọng tình yêu hạnh phúc của con người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top