phân tích tranh dân gian
đám cưới chuột: Trong một số tranh treo vào những ngày Tết Nguyên đán của chúng ta, bức tranh gây được ấn tượng dai dẳng và được nhiều người ưa thích là bức tranh Đám cưới chuột còn gọi là Trạng chuột vinh quy.
Điều này cũng có lý. Bởi tranh về chuột mà lại giàu tính xã hội, nói lên chuyện con người. Cái thời mà các nghệ sĩ nông dân tài hoa rất mực của làng Mái Đông Hồ vẽ nên bức tranh ấy là cái thời mà ai cũng mong mỏi hai sự việc lớn trong đời. Đó là đại vinh quy tức là thi đỗ làm quan về, tiểu vinh quy là lấy được vợ như ý.
Đám cưới rất trang trọng, mang đậm cái hình ảnh ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chàng xênh xang trong bộ áo gấm xanh. Nàng mặc áo màu gụ. Họ được rước đi, rạng rỡ trên con đường làng màu son nhạt với những vạt cỏ màu mạ. Chuột Trạng hoặc chuột chú rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng có nhiều hoa văn trang trí kiểu cổ. Bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Đám rước còn có biển đỏ, dàn nhạc. Hai chú chuột thổi hai chiếc kèn có cung bậc khác nhau: kèn pha và kèn đại. Trang phục các chú chuột “điểu đóm” là một loại gần như lòe loẹt, tinh nghịch gợi người xem liên tưởng tới kiểu trang phục của các anh hề ở gánh xiếc. Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật, sinh động, rộn lên vẻ đùa giỡn, giễu cợt, trào lộng. Người ta thấy cái quần bó là rất thích hợp với hình dáng của các chú chuột nhanh nhẹn và năng động, phảng phất kiểu dáng của chiếc quần bò ngày nay.
Nhưng, cái hay, cái thú vị lại là ở chỗ có ông Mèo già ngồi đón đường đám rước khiến người ta nghĩ ngay tới câu chuyện về mèo và chuột vốn là hai loài xung khắc, đối lập nhau.
Chuột thuộc âm mà mèo thuộc dương. Cả hai đều phải tuân theo quy luật hài hòa của tạo hóa nên cuộc đấu tranh nào cũng phải có sự nhượng bộ lẫn nhau. Trong việc cư xử cũng vậy. Lúc này đây, nhà chuột đã có lễ biếu ông Mèo. Chuột đi đầu dâng lễ lại là con chuột đặc biệt, vào loại anh chị, đáo để, đã “thân qua bách chiến” đến nỗi cụt cả đuôi. Do đó, ông Mèo già cũng hơi ngán. Tuy vậy, chú rể, cô dâu và cả họ hàng nhà chuột vẫn chưa thật vững tâm. Họ vẫn còn mắt trước mắt sau, e ngại có chuyện gì đó sẽ xảy ra... Chú chuột mang con cá biếu ông Mèo, có dáng điệu khúm núm, sợ sệt khi nhìn thấy kẻ mạnh hơn mình.
Lại nữa, chuột tuy có nhiều điều xấu, tội lỗi và đáng ghét song chuột lại tượng trưng cho sự phồn thực. Đẻ như chuột mà. Ở đâu có chuột là nơi ấy có gạo, có cánh đồng, vựa thóc. Năm nào mèo ăn chuột quá tích cực thì mùa màng hỏng vì có sự hoạt động của nhà có nhiều thóc. Bức tranh còn nói lên rằng nhà chuột cũng rất chịu khó học hành để được đỗ đạt. Chuột cũng chung tình như ai chứ không phải loại (mèo mả gà đồng)...
Bức tranh Trạng Chuột vinh quy hay Đám cưới chuột còn sống mãi với Tết cổ truyền của chúng ta
“Đánh ghen” là một trong những tranh sinh hoạt dí dỏm cũng mang tính giáo dục. Bà vợ xắn váy quai cồng xông tới, cầm kéo đòi cắt tóc (theo tục xưa, bị cắt tóc là một hình thức phạt rất nặng đối với những người phụ nữ lẳng lơ) cô nhân tình hớ hênh (ngực trần), thách thức, chanh chua. Ông chồng thì bị bắt quả tang rõ rành rành nhưng một tay vẫn đặt lên ngực cô nhân tình ra điều không chịu ăn năn hối lỗi, ôm cô nhân tình vào lòng để bảo vệ, còn tay kia thì để hòa hoãn với bà vợ. Đứa bé thì chắp tay van lạy xin những bậc phụ mẫu thôi đừng giằng co. Tranh “Đánh ghen” được khắc họa một cách chắt lọc về đường nét; tỉ lệ hình ước lệ theo một sự hợp lý của bản năng nghệ thuật và cảm thức trong sáng, hồn hậu, dí dỏm…Những quan niệm, mĩ cảm của người nghệ sĩ- nghệ nhân được thoát thai từ hiện thực cuộc sống được đưa vào tranh một cách tài tình và sâu sắc qua bố cục, đường nét của hình thể được khái quát và điển hình hóa nên cái không gian hiện thực trên tranh. Sự bình phẩm hay sự “đưa ra” những cảnh huống trớ trêu xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội xưa cũng nhẹ nhàng mà thâm thúy kín đáo. Tranh “Đánh ghen” với lời đề “Thôi thôi nuốt giận làm lành. Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”, bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ươc lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong…và hình ảnh người vợ cả dữ tợn, cầm kéo xông vào cô vợ trẻ (đang được người chồng ôm ngực bảo vệ) thách thức chìa tóc ra, vênh váo…khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống “chồng chung vợ chạ” trong thực tế thường xảy ra trong các gia đình giàu có, của ăn của để.
tranh gà đại cát:Tranh thể hiện một lời chúc tụng và ước vọng cho một cuộc sống may mắn. Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân. Nội dung trực tiếp của bức tranh là hai chữ “Đại cát”, nhưng nội dung sâu xa của bức tranh lại là con gà trống ở phía dưới. Trong dân gian xưa và nay có không ít các phương pháp dự đoán tương lai và một trong số những phương pháp đó là xem bói. Một trong những phương pháp bói cổ xưa và khá phổ biến là bói bằng mai rùa, bằng chân gà. Nhưng bản văn cổ nhất của nền văn minh Đông phương nói đến bói toán lại liên quan đến hình ảnh con gà. Đó chính là trù thứ 7 trong Hồng phạm cửu trù. Trù này có tên là Kê Nghi, có nghĩa là hỏi gà. Trong các nền văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại còn di sản lưu truyền đến ngày hôm nay, như Ai cập, Ấn Độ, Hi - La và phương Đông… đều tồn tại những phương pháp bói toán. Nhưng chỉ có nền văn hóa phương Đông có hẳn một phương pháp luận cho các phương pháp bói toán này. Đó là thuyết Âm Dương Ngũ hành. Nếu nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại thì từ “bói” gọi nôm na dân dã ấy, có thể gọi là“khả năng dự báo”, “dự đoán”. Nền khoa học hiện đại – bao gồm tất cả mọi ngành khoa học – đã thừa nhận một tiêu chí khoa học là: “Một lí thuyết khoa học chỉ được coi là đúng, nếu nó có khả năng lí giải hầu hết những vấn đề liên quan đến nó”. Và tất nhiên lí thuyết đó phải có khả năng dự báo. Như vậy, xuất phát từ cái nhìn của nền khoa học hiện đại, thì khả năng dự báo chỉ có thể có được sau khi hình thành một lí thuyết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top