Khổ cuối "Tràng Giang"

Đã từ lâu, thiên nhiên trở thành một trong những nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của thi nhân. Có rất nhiều nhà thơ đã sử dụng đề tài này và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Huy Cận - một nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ mới Việt Nam - đã bị vẻ đẹp của dòng sông Hồng quyến rũ. Năm 1939, "Tràng Giang" ra đời chất chứa nhiều tâm sự của tác giả. Có lẽ khổ cuối bài thơ mang cảm xúc da diết nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất với sự kết hợp hài hòa giữa tình và cảnh, giữa cổ điển và hiện đại:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Hai câu đầu khổ khắc họa hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, lớn lao nhưng cũng có phần lạc lõng. Không gian được mở rộng theo chiều cao. Những đám mây "lớp lớp" trên bầu trời tạo thành "núi bạc" gợi trong lòng người đọc sự mĩ lệ, hùng vĩ của thiên nhiên. Mây cứ như những bông hoa trắng xóa nở rộ trên nền trời sông Hồng. Đẹp biết bao! Đối lập với hình ảnh trên, câu thứ hai bỗng xuất hiện bóng dáng của "chim" - một sự vật nhỏ bé, trơ trọi. Phép đối được Huy Cận tinh tế sử dụng, vừa nổi bật cái mênh mông của không gian, đồng thời thể hiện sự nhỏ nhoi của cánh chim. Đặc biệt, dấu hai chấm giữa câu dường như đã gợi cho ta nhiều liên tưởng thú vị. "bóng chiều sa" - ánh nắng của buổi chiều như thể đã làm đôi cánh bé nhỏ của chú chim trở nên nặng trĩu. "Nghiêng" để trút cái nặng ấy. Buổi chiều cũng là lúc chim bay về tổ, là lúc đoàn tụ, nhưng sao nó lẻ loi quá, cô đơn quá! Sự góp mặt "chim" tưởng chừng sẽ đập tan bức tường hiu quạnh của không gian, giúp nó trở nên ấm cúng hơn, nhưng không... cái buồn, cái trơ trọi vẫn bao trùm lấy cảnh vật.

"Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Cảm xúc của Huy Cận có lẽ đã dâng trào mãnh liệt ở hai câu kết đoạn - cũng là hai câu kết thúc bài thơ. "dợn dợn" - từ láy này đã được vận dụng có hiệu quả, nó khiến ta nghĩ tới sự lên xuống của con nước. Ẩn đằng sau đó, "lòng quê" trong tâm hồn Huy Cận cũng như con nước vậy, đang dâng trào khôn nguôi. Thanh bằng liên tiếp ở giữa làm cho câu thơ trở nên nặng trĩu, nao nao, rợn ngợp. "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.", tác giả khéo léo mượn ý thơ cổ cho câu kết, lấy ý từ "Hoàng Hạc lâu" - Thôi Hiệu, được Tản Đà dịch:
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. "
Dù lấy ý thơ nhưng thi sĩ đã vận dụng một cách đầy sáng tạo. Nếu "khói sóng" khiến Thôi Hiệu nhớ quê thì Huy Cận không cần nhìn "khói sóng" hoàng hôn cũng nhớ quê. Không có cái gợi nhớ nhưng vẫn nhớ, thế không phải lòng yêu quê vẫn thường trực, canh cánh trong lòng tác giả hay sao? Cái tài dụng văn thật đáng ngưỡng mộ.

Bằng nghệ thuật sử dụng từ ngữ tài tình cùng khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại. Tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh thiên nhiên hòa lẫn cảm xúc thật của mình trên dòng sông Hồng rộng lớn. Những thi liệu cổ xuất hiện nhiều: "chim", "mây", "núi"... Và đặc biệt là sự sáng tạo có hiệu quả ý thơ Đường đã tạo được cái thú vị, cái ấn tượng cho đoạn thơ nói riêng và cả bài thơ nói chung.

Khổ cuối "Tràng Giang" dường như đã tóm gọn mạch cảm xúc toàn bài. Từ hình ảnh thiên nhiên, Huy Cận đã đưa người đọc đi tới những nỗi buồn cùng tình yêu quê hương thầm kín. Nhớ quê ngay trên quê hương? Tưởng chừng vô lý nhưng lại hợp lý một cách sâu sắc. Điều này càng làm rõ hơn tâm trạng bế tắc của ông trước hoàn cảnh đất nước. Lòng yêu nước của Huy Cận đúng thật đáng quý!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top