Phan tich TNDL

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP- HỒ CHÍ MINH

TRẦN ĐÌNH SỬ

Trong lịch sử dân tộc có những văn kiện vừa có tầm vóc lịch sử vĩ đại, vừa có giá trị văn học. Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn cũng như Đại cáo là thể văn chính luận được viết vào thời điểm có sự kiện chính trị trọng đại, nhằm tuyên bố thắng lợi, khẳng định chủ quyền, đề ra những nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho con người, nhân dân, dân tộc. Trên thế giới đã có những bản Tuyên ngôn nổi tiếng như Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngày 2-9-1945 không chỉ mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam sau 80 năm bị giặc Pháp đô hộ và sau một nghìn năm chế độ phong kiến, mà còn khởi đầu cho sự tan rã của hệ thống thuộc địa trên thế giới.

Để hiểu ý nghĩa lịch sử của bản Tuyên ngôn ta hãy ôn lại đôi nét tình hình chính trị lúc ấy. Năm 1945, khi quân phát xít sắp thua, quân Đồng minh sắp thắng, nhiều đế quốc nhòm ngó Đông Dương, thuộc địa cũ của Pháp đã mất về tay Nhật. Không đếm xỉa đến chủ quyền của Việt Nam, hội nghị Pốtxđam tháng 7-1945 quyết định quân Anh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, còn quân Tưởng Giới Thạch vào từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tướng Đờ Gôn thì tuyên bố sẽ tổ chức Đông Dương thành liên bang gồm năm "nước tự trị": ngoài Lào, Campuchia còn có ba "nước" Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, tất cả đặt dưới sự lãnh đạo của quan toàn quyền Pháp! Để chống lại âm mưu đế quốc, bảo vệ chủ quyền độc lập của mình, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh (do Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo) nhân dân ta tranh thủ thời cơ Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Nhật ngày 15/8/1945, đã đứng lên khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8, ở Huế ngày 23/8 và ở Nam Bộ ngày 25/8. Chỉ trong vòng một tuần lễ, nhân dân cả nước đã giành được chính quyền, một tuần lễ sau, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân và Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, trước khi quân Anh và quân Tưởng tràn vào Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam mà còn có vai trò đánh đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Việt Nam của Thực dân Pháp và âm mưu can thiệp vào Việt Nam của các đế quốc khác, tranh thủ sự đồng tình rộng rãi của dư luận quốc tế. Tình thế và nhiệm vụ đó đã quy định nội dung và lời lẽ của Bản Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và được tập thể thường vụ Trung ương Đảng thông qua. Là người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp năm 1925, Hồ Chí Minh cảm thấy "sảng khoái nhất" khi cầm bút viết những lời kết thúc cho chế độ thực dân Pháp và khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa tại Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập có hai phần lớn. Phần một: Triệt để phủ nhận quyền dính líu tới Việt Nam của thực dân Pháp. Phần hai: Tuyên ngôn thành lập chính phủ, khẳng định quyền độc lập và bày tỏ quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền độc lập đó. Chúng ta hãy phân tích theo bố cục này.

I. a) Một bản Tuyên ngôn Độc lập của thời đại dân chủ cộng hòa thì không thể xuất phát từ các nguyên tắc "thay trời hành đạo", "quy định của sách trời" của thời đại phong kiến, mà phải xuất phát từ nguyên tắc mới do chính các nước tư bản về đế quốc công nhận, đặc biệt là từ các nước đang thuộc phe Đồng Minh. Chính vì lẽ đó bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh được mở đầu bằng hai câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1971 của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do." Và khẳng định "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Ở đây chú ý mấy điểm:

- Hồ Chí Minh trích dẫn lời của hai bản Tuyên ngôn nhưng không dừng lại với nội dung của hai bản đó, mà suy rộng ra về quyền độc lập dân tộc, những quyền mà hai bản ấy chưa nói đến. Các bản ấy tập trung vào quyền con người, quyền của người dân mà chưa nói đến quyền độc lập của dân tộc. Nhưng đây mới là điểm then chốt đối với vận mệnh của nước ta. Các nước tư bản và đế quốc cho đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa hề có tuyên bố về việc tôn trọng chủ quyền độc lập dân tộc. Năm 1917, tại Đại hội Xô Viết toàn Nga, Lênin cho thông qua Pháp lệnh về hoà bình, tuyên bố tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc nhược tiểu như một chính sách đối ngoại. Hiến chương Liên hiệp quốc thừa nhận quyền bình đẳng của các nước ký ở Cựu Kim Sơn trong cuộc họp từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, đến ngày 24/10/1945 mới có hiệu lực. Như vậy Tuyên ngôn Độc lập đã nêu quyền độc lập, tự do của dân tộc như một lẽ phải trong quan hệ quốc tế để khẳng định quyền độc lập của một dân tộc thuộc địa, chưa được các nước lớn thừa nhận.

- Câu "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được" đã cho thấy đó chưa phải là lẽ phải được các nước công nhận. Phải trải qua chiến đấu hy sinh, quyền ấy mới được công nhận.

- Việc viện dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp có tác dụng thể hiện sự tôn trọng thành quả văn hoá nhân loại, vừa có tác dụng chiến đấu, khiến các cường quốc không dễ nuốt lời, chối bỏ quyền độc lập chính đáng của Việt Nam.

b) Sau khi nêu lẽ phải không thể chối cãi, Hồ Chí Minh lập tức chuyển sang tố cáo tội ác của thực dân Pháp, bất chấp lẽ phải, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta trong hơn 80 năm. Tác giả vạch ra năm tội ác về chính trị, bốn tội ác về kinh tế của chúng.

Quan trọng hơn là Bản Tuyên Ngôn Độc lập đã vạch rõ bộ mặt phản bội của thực dân Pháp. Từ năm 1940 Pháp đã dâng Đông Dương cho Nhật, làm cho dân ta chịu hai tầng xiềng xích. Đến ngày 9/3/1945 Nhật tước khí giới Pháp, quân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Chúng chẳng những không "bảo hộ" được ta, trái lại trong năm năm chúng bán nước ta hai lần cho Nhật. Tồi tệ hơn, chúng đã không hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh để hợp tác chống Nhật, mà lại còn đê hèn sát hại tù chính trị của chúng ta!

Vậy là trên thực tế Pháp đã từ bỏ quyền lợi của họ ở Việt Nam, từ chối chiến đấu cùng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của họ. Thực tế là Pháp đã không còn chủ quyền nào ở Việt Nam từ sau ngày 9/3/1945! Trong điều kiện đó, Việt Minh là chủ nhân duy nhất là đoàn thể đã đánh và giúp đỡ Nhật và giúp đỡ nhiều người Pháp gặp nạn.

Bằng cách đó bản Tuyên Ngôn khẳng định mạnh mẽ một sự thật lịch sử:

Sự thật là từ mùa thu năm 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải của Pháp nữa ...

Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải tay Pháp. Đó là sự thực không thể chối cãi. Sự thực này được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn có ý nghĩa quan trọng. Nó đập tan cái ảo tưởng về mối quan hệ thuộc địa với Pháp còn đè nặng trong đầu óc thực dân Pháp, nó công bố cho thế giới thấy thực chất quan hệ Pháp - Việt trong năm năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Mà nguyên tắc giải quyết quan hệ quốc tế là phải dựa vào sự thực lịch sử.

Cuối cùng tác giả khẳng định thực tế của nền độc lập của Việt Nam hiện tại bằng ba câu văn:

"Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa".

Câu một xác định sự hết thời của các lực lượng thực dân, phát xít, phong kiến. Câu hai khẳng định nền độc lập, câu ba khẳng định chính thể mới.

II. Phần còn lại là tuyên bố lập trường của nước Việt Nam mới

a. Điều quan trọng nhất, dễ bị hiểu lầm nhất là quan hệ với Pháp. Có thể có người nghĩ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, bị phát xít Nhật chiếm, nay Nhật hàng, thì Pháp trở lại Việt Nam. Chính lúc đó tướng Đờ Gôn, người đã giải phóng nước Pháp, đã tuyên bố "Chúng ta sẽ trở lại Đông Dương, vì chúng ta mạnh hơn, Hà Nội, chặng đường giải phóng cuối cùng...". Do đó điều tuyên bố quan trọng nhất là tuyên bố về quan hệ với Pháp. Tuyên ngôn độc lập là tuyên bố độc lập với thực dân Pháp:

- Tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả những đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam

- Toàn dân Việt Nam kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

b. Tiếp theo là ràng buộc các nước Đồng Minh vào việc công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Lý do thứ nhất là: Họ đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng thì không thể không công nhận quyền độc lập của Việt Nam. Lý do thứ hai là một dân tộc đã chống ách thực dân và đã đứng về phe Đồng Minh chống phát xít thì nhất định: "Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc phải được độc lập!".

Cho đến đây, Tuyên ngôn Độc lập đã dùng lẽ phải và sự thật thực tế để khẳng định nền độc lập của Việt Nam. Lời tuyên bố trịnh trọng cuối cùng đối với thế giới là lời khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình. Nó có ý vị của một lời thề:

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Như vậy là, bằng lý lẽ, bằng sự thật, bằng chính nghĩa, bằng ý chí và quyết tâm, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền hưởng độc lập và thực tế độc lập của nước ta.

Hiểu bài văn không đơn giản là hiểu bài có mấy nội dung 1, 2, 3, 4 ... mà phải hiểu, như nhà thơ Chế Lan Viên nói: "Vì sao văn viết thế này chứ không phải viết thế kia, văn nói cái này mà không nói cái khác". Đó chính là nghệ thuật bài văn. Xét về mặt này ta thấy:

- Bài văn rất ngắn gọn. Nó không bắt đầu từ "Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây độc lập" mà bắt đầu từ việc thực dân Pháp chà đạp quyền độc lập của dân tộc ta. Bởi vì độc lập đây là độc lập với ách thực dân của Pháp.

- Lập luận nhất quán và sắc bén. Trước sau bài Tuyên ngôn chỉ xoáy vào một vấn đề là quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam.

- Bài Tuyên ngôn sử dụng các trích dẫn trong các Tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp, cũng như nguyên tắc dân tộc bình đẳng của các nước Đồng Minh làm cho họ không thể chối từ quyền độc lập của Việt Nam.

- Bài Tuyên ngôn viện dẫn thực tế, bác bỏ quyền trở lại Việt Nam của Pháp.

- Bài văn dùng ngôn ngữ súc tích, chính xác, giàu sức biểu cảm. Nói về Pháp, tác giả dùng những từ đầy sức mạnh tố cáo và mai mỉa. Ví dụ câu "Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào" thì hai chữ tuyệt đối có tác dụng nhấn mạnh, chính xác hơn ý văn. Câu "Bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật", hai chữ quỳ gối và rước đã vẽ lên tư thế nô lệ đê hèn của Pháp, hoặc: "Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật". Thì chữ bảo hộ đầy châm biếm chữ bán nước ta hai lần đã vạch rõ bộ mặt xấu xa của chúng.

Chính vì vậy, ngày nay đọc lại, bài văn vẫn xúc động lòng người.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: