Thương Vợ
Tú Xương là một trong những nhà thơ có cảm quan nhạy cảm trước sự đổi thay của nhân tình thế thái. Xã hội thời Tú Xương sống là xã hội đang bị đảo lộn về tất cả ngay cả giá trị thiêng liêng nhất là tình thương cũng bị mai một, tình người với người chỉ còn là tình cảm hời hợt bán mua đổi chác quá ư dễ dàng. Giữa xã hội nhố nhăng ấy nhà thơ giữ lại cho mình tình cảm cao quý nhất là tình yêu đối với vợ. Thương vợ là bài thơ hay, ghi lại tình yêu chân thành của nhà thơ dành cho vợ, vừa có sự cảm thông, chia sẻ, biết ơn vừa là lời tự than, tự trách bản thân về trách nhiệm của người chồng.
Mở đầu bài thơ Tú Xương gợi cho ta hiểu về công việc của bà Tú:
"Quanh năm buôn bán ở mom song"
Không gian được nêu đến trong bài thơ là ở mom sông, không phải là bến hay bờ song. Mom sông chỉ là chỗ đất nhô ra ở bờ sông, đó là một thế đất rất chênh vênh, cheo leo không vững vàng, sẵn sàng đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Mom sông ấy hiện là nơi mà bà Tú đang làm việc, bà buôn bán ở trên mom sông để có thêm thu nhập, phận đàn bà buôn bán ở những nơi như thế thật nguy hiểm biết bao. Quanh năm, một năm có mười hai tháng, mười hai tháng ấy bà Tú buôn bán ở trên cái chỗ đất nhô ra không kể sự nguy hiểm đến bản thân. Thời gian cứ trôi qua, năm này qua năm khác chứ đâu phải ngày một ngày hai. Thời gian thì vẫn cứ trôi, vẫn cứ đổi thay nhưng công việc buôn bán của bà Tú cũng chẳng hề thay đổi.
"Nuôi đủ năm con với một chồng"
Hóa ra lý do cho việc bà Tú tần tảo, ngược xuôi quanh năm buôn bán ở cái mom sông đó là để lo cho chồng, cho con. Ông Tú đi thi tám lần thì cả tám lần chỉ đỗ tú tài. Theo quan niệm của Nho giáo ông Tú là một nhà nho, một người có học thì không được động tay động chân vào công việc lao động nặng nhọc, kể cả việc nhẹ nhàng nhất vì nếu như vậy thì không đúng với tư chất của một nhà Nho cho nên ngày ngày ông chỉ có đọc sách, đi chơi, nghe hát và tất cả công việc đều phó mặc cho một mình bà Tú. Nuôi đủ là vừa đủ nuôi, không thừa mà cũng chẳng thiếu. Bà Tú tất tả làm việc cũng đủ để nuôi năm con với một ông chồng. Vậy mới thấy bà Tú hẳn phải rất lam lũ, phải rất cần cù thì mới có thể nuôi đủ cho sáu miệng ăn mà chưa tính cả bà. Cách đếm năm con với một chồng thật lạ. Tú Xương đã đặt mình ngang hang như những đứa con, ông cũng bé bỏng như một đứa trẻ nên phải đong đếm một miệng ăn rồi hai miệng ăn. Từ "với" như tách biệt năm đứa con và ông Tú, từ "với" là kèm, ké, rõ là ông Tú đã ăn theo lũ con, ông không khác gì một kẻ ăn bám vợ. Cái gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai của bà Tú khiến cho bà Tú – con gái nhà dòng dõi phải quanh năm lam lũ, tần tảo. Người phụ nữ như bà đáng lẽ chỉ cần làm việc nâng khăn sửa túi cho chồng còn đâu việc làm ăn để cho chồng lo hết vậy mà bà Tú phải bứt ra khỏi cuộc sống êm ả bước vào dòng đời xô bồ, làm công việc buôn bán, gặp đủ loại người. Một mình bà Tú phải thay ông Tú làm việc để nuôi sáu miệng ăn mà riêng ông Tú thôi cũng đã bằng năm cái miệng ăn của mấy đứa con. Ta có thể thấy bà Tú hiện lên là một người phụ nữ tần tảo, giàu đức hí sinh vì chồng vì con mà lam lũ, đồng thời thông qua đó còn thấy được sự vất vả, cực nhọc để nuôi gia đình của bà Tú. Nhưng đằng sau sự vất vả cực nhọc của bà Tú cũng là những tình cảm chân thành nhất của ông Tú với vợ mình, vừa biết ơn, tự hào về vợ đồng thời tự thấy hổ thẹn trách bản thân vô tích sự.
Công việc và tính chất công việc của bà Tú được làm nổi bật rõ nét hơn trong hai câu thơ tiếp theo:
"Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông"
Công việc của bà Tú hiện lên thật rõ và cụ thể. Lặn lội là đi xa và vất vả. Một mình bà Tú phải lặn lội. một mình vượt đường xa khi quãng vắng mà không có sự trợ giúp của ông Tú. Lặn lội và eo sèo thể hiện tính chất gay go của cuộc buôn bán. Thương trường là chiến trường, đâu dễ gì nhường nhịn cho nhau miếng ăn, té ra bà Tú cũng va chạm lời qua tiếng lại gây cảnh eo sèo nhốn nháo trên sông. Quãng vắng và buổi đò đông thể hiện tính chất của công việc. Quãng vắng gợi sự heo hút, vắng lặng, đò đông gợi sự đông đúc nhưng chất chứa đầy rẫy nhưng hiểm nguy.
"Con ơi nhớ lấy câu này
Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua."
Nghệ thuật đối khi quãng vắng buổi đò đông nhưng cùng bổ sung ý nghĩa cho nhau làm nổi bật lên sự vất vả gian truân của bà Tú bươn bả trong cảnh chen chúc làm ăn. Hình ảnh con cò thường được thấy trong ca dao xưa cũng xuất hiện trong câu thơ của Tú Xương. Ca dao:
"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non"
Con cò đại diện cho thân phận bé nhỏ côi cút, biểu tượng cho cảnh ngộ của người nông dân và đặc biệt là người phụ nữ. Nhưng hình ảnh con cò trong ca dao và trong thơ Tú Xương có sự khác biệt, trong ca dao thì đó là cái cò còn trong thơ Tú Xương đó là thân cò. Thân cò liệu có phải chỉ thân của bà Tú, bà Tú cũng gầy gò, lêu khêu, một thân một mình không khác gì con cò. Ca dao dùng hình ảnh con cò lặn lội bờ sông gợi lên khung cảnh mênh mông heo hút, có khi đến rợn ngợp còn thân cò trong thơ Tú Xương không chỉ có rợn ngợp về không gian mà còn có cả rợn ngợp về thời gian. Cái cò trong ca dao lặn lội bờ sông cất tiếng khóc nỉ non còn cái thân cò của bà Tú lại lặng lẽ cam chị, không hé nửa lời than vãn. Từ hai câu thực không chỉ làm rõ công việc làm ăn nguy hiểm, sự vật lộn kiếm ăn của bà Tú mà còn làm hiện rõ thân phận bà Tú, thân phận người phụ nữ phải ngược xuôi lo cho chồng con, con người nhỏ bé nhưng phải gồng mình để sống. Đằng sau những khổ cực của bà Tú là tình cảm thương yêu vợ của ông Tú, tuy ông không thể đỡ đần cho vợ nhưng ông vẫn cố gắng hiểu, ông rất thương vợ mình ngày ngày bươn chải kiếm sống nhưng ông đâu thể giúp gì được.
Kế tiếp đó là những lời thơ mộc mạc như một lời than thân trách phận nhưng đây đâu phải lời than của bà Tú mà đó là những lời bộc bạch sâu sắc, đầy tình cảm của Tú Xương. Thấu hiểu cho sự khổ cực của vợ mình mà Tú Xương đã phải cất lời than thay vợ:
"Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công"
Tú Xương đã dùng lối nói dân gian vợ chồng là duyên và nợ. Duyên là quan hệ vợ chồng do trời định, nợ ở đây là gánh nặng phải chịu theo quan niệm dân gian. Người xưa cho rằng vợ chồng lấy nhau nếu hòa thuận thì là duyên trái lại là nợ. Âu đành là thôi đành do số phận. Cuộc đời bà Tú vừa là duyên vừa là nợ. Duyên là gặp được ông Tú, cũng là một người có học. Nhưng duyên thì chỉ có một mà nợ những tận hai, hạnh phúc thì ít mà cực nhọc thì nhiều. Một duyên hai nợ phải chăng cũng chỉ số phận đen đủi của bà Tú. Nhưng dù cho duyên ít nợ nhiều thì đó cũng là do trời sắp đặt bà Tú đâu thể than vãn, đâu thể trách móc mà đành chấp nhận. Âu đành phận mang thanh trắc đặt ở cuối câu thể hiện sự chán nản, bất lực trước hoàn cảnh. Có lẽ bà Tú đã không ít lần bực dọc, trách móc ông Tú, thấy cuộc đời bất công, muốn phản kháng nhưng rồi lại thôi, lại chấp nhận, im lặng, nhận nhục. Câu thơ như chứa đựng cảm xúc dồn nén, tâm trạng u uất của bà Tú. "Một duyện hai nợ", "năm nắng mười mưa" có thể thấy các số đếm một, hai, năm, mười không chỉ là số đếm mà còn là số nhân, gấp hai lần. Một duyên thì kèm với hai nợ, năm nắng thì cũng phải mười mưa, bà Tú đã khổ, đã cực nhọc giờ lại còn gấp đôi khổ cực, cực nhọc ấy lên. Cái "lặn lội thân cò" ở câu trên đến đây đã được nâng lên thành vất vả, cực nhọc của cả một đời, cả một số phận, là định mệnh của cả một kiếp người. "Âu" có nghĩa là cam, đành cũng có nghĩa là cam, một câu mà những hai lần cam chịu, dám quản công cho thấy sự khiêm nhường, nhận nhịn của một bậc hiền phụ một đời tần tảo, đảm đang. Tấm lòng nhẫn nhịn của bà Tú càng được khắc họa rõ nét hơn, chân thật hơn. Cuộc đời của một người phụ nữ một đời gian khó, gian truân được tái hiện lên sâu sắc qua tấm lòng yêu thương, thấu hiểu của chồng. Tú Xương rất thương vợ mình mới có thể thấu hiểu hết được tất cả khó nhọc mà vợ đang trải qua, thấu hiểu rồi ông lại thấy hổ thẹn về bản thân, thấy ghét cái thân chỉ biết ăn bám vợ, không nên trò trống gì, thân nam nhi mà phải để cho vợ lam lũ, khổ cả một đời. Nhưng Tú Xương cũng có cái nỗi khổ riêng của bản thân. Sống trong thời buổi Hán học suy tàn, phận nhà Nho như ông càng thấm thía nỗi nhục của nô lệ vì vậy cuộc đời ông gắn liền với những bi kịch, đó không chỉ là bi kịch thi cử khi tám lần thi thì cả tám lần chỉ đỗ Tú tài, bi kịch cá nhân khi chỉ biết ăn bám không đỡ đần được gì cho vợ, bi kịch thời đại, một con người tưởng chừng như không khổ đau nhưng sâu thẳm trong thâm tâm cũng đang phải gánh chịu những bi kịch. Trước những bi kịch ấy Tú Xương đã cất lên tiếng chửi.
"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không"
Cha mẹ ở đây không phải là đang chửi cha mẹ mình hay cha mẹ vợ mà đó là câu chửi cất lên khi người ta quá bực tức với mọi thứ mà ở đây là xã hội phong kiến và chính bản thân ông. Giống như ông cũng có những nhà thơ cất lên tiếng chửi cái xã hội đầy bất công, cái xã hội thối nát.
"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung"
(Hồ Xuân Hương)
Thói là những nếp quen xấu đáng chê trách, vậy nếp quen đó là gì? Phải chăng Tú Xương đang chửi vào lề lối của xã hội với những tập tục phong kiến, định kiến cổ hủ đã ăn sâu vào nề nếp hằng ngày. Đó là xã hội phong kiến với định kiến chèn ép người phụ nữ "xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", đó là xã hội phong kiến khi mà Hán học suy tàn chèn ép lên những người có tài như ông Tú, với cái sĩ diện của nhà Nho khiến ông Tú không thể đỡ đần vợ nhưng ông Tú đã tự hạ mình, bỏ qua cái sĩ của bản thân và đó chính là sự dũng cảm chấp nhận đồng thời đó còn là biện pháp nghệ thuật đòn bẩy làm nổi bật vẻ đẹp của bà Tú. Lấy bản thân mình, Tú Xương khái quát lên đặc trưng của xã hội thời bấy giờ, vạch rõ bản chất xấu xa của xã hội coi nhẹ tình cảm, trọng sĩ diện danh vọng, tiền tài và đó không chỉ là tiếng lòng của mình Tú Xương mà đó còn là tiếng lòng của rất nhiều người giống như Tú Xương
Khép lại bài thơ ta thấy được một tấm lòng yêu vợ chân thành của Tú Xương, ta cảm phục, cảm thông trước sự gian lao vất vả của bà Tú. Phải yêu thương vợ đến mức sâu sắc Tú Xương mới có thể viết nên một bài thơ giàu cảm xúc chân thật như vậy. Chất trữ tình và trào phúng hòa quyện đưa người đọc qua nhiều cung bậc tình cảm, khi nhẹ nhàng, khi đắng cay chua xót, khi bình dị mạnh mẽ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top