Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị

Tô Hoài là một nhà văn luôn trăn trở về số phận con người trong những trang viết của mình. Các sáng tác của ông không chỉ khơi sâu nỗi đau của con người trong những năm tháng cách mạng mà còn nhén lên ngọn lửa của một tương lai tươi sáng. "Vợ chồng A Phủ" là một trong những tác phẩm như vậy. Tác phẩm là niềm thương nỗi nhớ mà Tô Hoài gửi gắm vào miền đất Tây Bắc - một Tây Bắc anh dũng, kiên cường và là nơi đã diễn ra bao cuộc chiến đấu đã đi vào lịch sử. Nỗi niềm ấy được gửi vào cảnh vật, vào những số phận con người nơi đây. Với tấm lòng yêu thương con người, nhà văn đã xây dựng được những hình tượng nhân vật thật đặc sắc. Mị chính là một trong số những nhân vật đó, thể hiện sức sống tiềm tàng của người dân Tây Bắc.

Trước hết, ta hãy giải thích khái niệm "sức sống tiềm tàng". "Tiềm tàng" ở bập bùng, ở bên trong. "Sức sống tiềm tàng" là một nghị lực sống đang cháy âm ỉ trong người, chỉ cần một tác động nhỏ là nó sẽ bật ra ngay. Sức sống tiềm tàng của Mị chính là những gì mà nhà văn muốn nói đến trong tác phẩm. Đó là một ngọn lửa sống dường như là vĩnh cửu. Đọc tác phẩm ta thấy dường như cuộc đời Mị đã bị dập tắt hết niềm tin vào cuộc sống này. Nhưng với ngòi bút nhân đạo và giàu tình thương, Mị hiện lên thật giàu tinh thần sống. Tô Hoài đã nhìn thấy được sức mạnh tiềm ẩn bên trong Mị.

Mị đã thể hiện sức sống tiềm tàng của mình qua rất nhiều các biểu hiện khác nhau. Trước hết ta có thể thấy việc Mị phản ứng khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Mị biết rằng cuộc sống khi về đó sẽ là cuộc sống của "con trâu con ngựa", một cuộc sống sống không ra sống. Mị biết thừa cái bản chất ác ôn của lũ cầm quyền, chúng sẽ đè bẹp cuộc sống của cô. Cô lại càng biết rằng chúng lấy Mị về không phải vì tình yêu, mà chúng sẽ coi mị như là một người ở, một món đồ chơi trong nhà. Nhưng nhìn lại Mị thì sao ? Ấy là một cô gái xinh đẹp, hiền hậu, có tài uốn lá thổi sáo. Một người con gái như vậy liệu có chấp nhận sống một cuộc sống địa ngục như vậy ? Không thể như vậy được ! Mị nghĩ đến việc tự tử bằng nắm lá ngón. Phải chăng thoạt đầu khi đọc đến đây, ta sẽ nghĩ rằng Mị đã đánh mất đi sức sống của mình ? Nhưng không phải vậy, đó lại chính là một biểu hiện mãnh liệt của lòng khát sống. Một cuộc sống địa ngục trần gian không lối thoát đang chờ đón Mị, sống còn khổ hơn chết. Mị chết đi, chính là tự giải thoát mình khỏi nơi chốn này, để bắt đầu một cuộc sống ở một thế giới khác. Đó chính là biểu hiện đầu tiên của sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị.

Sức sống tiềm tàng ở Mị còn được thể hiện ở việc tự nguyện quay trở lại nhà thống lí Pá Tra. Nhìn bề ngoài, ta ngỡ Mị đã chịu đầu hàng, nhưng thật ra lại không phải như vậy. Khi Mị quay về thăm cha, cha Mị đã bảo rằng: "Mày chết nhưng nợ của tao thì vẫn còn, quan lại nó bắt tao trả nợ". Mị đứng trước hai lựa chọn: một là giải thoát cho mình, hai là giữ trọn chữ hiếu với cha. Và thế là Mị đã quyết định chọn con đường báo hiếu cho cha. Mị không nghĩ ích kỉ cho riêng bản thân mình, mà đó là vì người đã giành bao công sức để nuôi nấng mình nên người. Người cha còn đó, không thể chỉ vì ích kỉ mà bỏ mặc được. Chính vì vậy, Mị đã giữ trọn chữ "hiếu" với cha. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện của sức sống tiềm tàng của Mị.

Chữ "hiếu" ấy chính là đường dẫn Mị vào con đường khó khăn. Đó là nơi chất chứa bao nhiêu nỗi khổ khi phải làm con dâu nhà thống lí. Đầu tiên là nỗi khổ về thể xác. Mị bị tước đoạt sức lao động. Ngày qua ngày, cô như trở thành một cỗ máy biết suy nghĩ vậy. Tết đến lên núi hái thuốc phiện, giữa năm gặt đay, xay đay, đến mùa lên bẻ bắp; bất kể khi nào, ở đâu, trong tay đều có bó đay để tước thành sợi. Chỉ vì món nợ truyền kiếp mà cha mẹ để lại mà Mị phải trả giá bằng cả tuổi thanh xuân của mình. Con trâu, con ngựa làm còn có lúc đêm để nghỉ chân, gãi chân, nhai cỏ; còn đời Mị ở nhà thống lí phải làm bất kể ngày đêm. 

Nhưng đau khổ về thể xác đâu chỉ có vậy, Mị còn bị đánh đập dã man: cậy quyền là con trai nhà thống lí, A Sử coi Mị như một món đồ chơi trong nhà, ngứa tay thì đánh, ngứa chân thì đạp. Hắn trói hai tay Mị bằng thắt lưng, trói đứng Mị vào cột bằng cả thúng sợi đay, cuốn tóc Mị vào cột và khiến đầu Mị không cử động được. Thâc xác này, rồi trước sau cũng phải chịu thêm nhiều đòn roi của chúng. Có lẽ, Mị đã dần quên mất mình là con người.

Chúng hủy diệt Mị về thân xác, rồi sau đó lại đến lượt tinh thần. Cướp được Mị về, A Sử đem Mị ra cúng trình ma nhà hắn, nhanh nhẹn như quẳng một món đồ vật vào hòm nhờ thần linh cất giữ và khóa chặt. Từ đó Mị luôn bị ám ảnh mình đã là một bóng ma nhà hắn: "Ta là phận đàn bà, nó đã đem về cúng trình ma nhà nó rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi". Cuộc sống cứ như vậy, bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần, sức sống trong Mị có những lúc tưởng như đã bị rơi xuống đáy của địa ngục. Mị quên mất rằng mình là con người. Mị không còn ý niệm về thời gian không gian xung quanh mình nữa. Cô chỉ thấy rằng mình là một con ma rúc ở trong nhà. Ngòi bút cực tả của nhà văn Tô Hoài đã diễn tả được cuộc sống đau khổ của Mị, đặc biệt là thứ ngục thất tinh thần đã giam tuổi thanh xuân của Mị lại. Với tất cả niềm thương xót, nhà văn đã thấu hiểu nhân vật, và nhà văn đã hạ bút: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi.".

Trọng tâm của tác phẩm không phải là cái tối tăm, im lìm của cuộc đời Mị. Nhà văn đã giành những trang viết đẹp đẽ nhất để nói về sự hồi xuân của Mị với những kỉ niệm, hình ảnh thật đáng nhớ. Đó chính là biểu hiện rõ nhất của lòng khát sống, của khát khao hạnh phúc. Tô Hoài đã tìm đến tận cùng của ý thức nhân vật để khơi dậy lòng tin vào cuộc sống này. Diễn biến tâm lí của Mị được đặt vào một hoàn cảnh điển hình, đó là mùa xuân về trên rẻo cao: hoa thuốc phiện nở trắng rồi đổi thay sang màu đỏ âu, đỏ thậm, màu tím man mát, chiếc váy của những cô gái Mèo như những con bướm sặc sỡ. Những hình ảnh ấy đã tác động vào tâm hồn Mị nhưng nhiều nhất là tiếng sáo. Tô Hoài đã dụng công miêu tả tiếng sáo.

Tiếng sáo rủ bạn ngoài đầu núi, tuy còn ở rất xa nhưng nó đã đưa Mị vượt ra khỏi sự câm lặng của mình để cất lên thành tiếng nói - dẫu chỉ là những tiếng nhẩm thầm. Ngày tết Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, "uống ừng ực từng bát", rồi say, say đến "lịm người". Cách Mị uống rượu như đang uống cay cực, cái sầu tủi vào bên trong. Chỉ với một chi tiết nhỏ, Tô Hoài đã cho thấy sức sống của nhân vật bắt đầu hồi sinh.

Tiếng sáo đã đến gần hơn, văng vẳng gọi bạn. Nó đưa Mị đến gần hơn với những kỉ niệm đã qua. Ngày xưa Mị thổi sáo giỏi lắm, thổi lá hay như thổi sáo. Mị dậy lại những kí ức của quá khứ, của một thời sẽ không bao giờ quên của mình. Nhưng rồi khi lòng ham sống lại đến: "Nếu có nắm là ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay". Điều này đối lập với sự hồi sinh mới nảy nở, nhưng đó lại chính là biểu hiện của sự khát sống đối lập với thực tại mà Mị đang ngày ngày trải qua. Chết đi cũng là biểu hiện sức sống, của việc không chấp nhận cuộc sống trâu ngựa.

 Nhưng may thay, tiếng sáo lơ lửng ngoài đường đã đưa Mị trở về thực tại:

"Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi mất rồi"

Lúc này, tiếng sáo không còn ở bên ngoài nữa mà dường như nó đã thâm nhập vào trong trí óc của Mị, thôi thúc Mị hành động. Mị đến góc nhà xắn một miếng mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Đây là một hành động rất có ý nghĩa. Việc xắn mỡ bỏ vào đèn chính là để thắp sáng lên tia hi vọng, thắp sáng lên tương lai của chính ngục đời của Mị. Mị đã lấy lại được niềm lạc quan và muốn được như bao người khác. Mị sắp đi chơi: Mị lấy cái váy hoa, cuốn lại tóc để đi chơi Tết. 

Nhưng đau đớn thay, ngọn lửa hi vọng vừa mới được thắp lên thì đã bị vùi dập một cách tàn nhẫn. A Sử sử xuất hiện lầm lì trói Mị vào cốt bằng thắt lưng và chính tóc của Mị. Nhưng Tô Hoài thật tinh tế khi khắc họa tâm lí nhân vật. A Sử có thể trói được thể xác nhưng lại không thể trói được tâm hồn của Mị. Mị vẫn sẽ thả hồn theo tiếng sáo, vẫn cứ đi theo theo tiếng gọi của bạn tình. Mị "vùng bước đi" nhưng đi sao được. Mị thổn thức nghĩ: "Mình không bằng con ngựa".Có hai hình ảnh được Tô Hoài nhắc đi nhắc lại nhiều lần: tiếng sáo và dây trói. Dây trói đại diện cho thế lực cường quyền, độc ác. Còn tiếng sáo là đại diện cho lòng ham sống, cho tình yêu vào cuộc đời, cho niềm tin vào một tương lai mới, dù thế lực có tàn bạo đến đâu cũng không thể dập tắt được. Chính tình yêu thương con người sâu sắc đã khiến Tô Hoài nhận ra được tâm hồn, lòng khát sống của của Mị. Trong đống tro tàn của cuộc đời Mị, Tô Hoài vẫn tìm thấy được những hòn than đang cháy âm ỉ; bên trong cái vẻ ủ rũ lại một trái tim khao khát được đập những nhịp đập của tình yêu cuộc sống, khao khát yêu, chỉ cần có cơ hội nó sẽ bùng lên mạnh mẽ.

Sau lần bị A Sử trói đứng, ngỡ tưởng Mị đã bị dập tắt đi mất ngọn lửa của sự sống thì bỗng dưng một kiện xuất hiện đã làm thay đổi cuộc đời Mị. Đó chính là sự xuất hiện của A Phủ - người làm công trong nhà thống lí Pá Tra. Ngòi bút của Tô Hoài đã thể hiện tài năng của mình khi ông dụng công miêu tả tâm lí nhân vật một cách kĩ càng.

Đầu tiên đó chính là tâm trạng thờ ơ, vô cảm. Nhìn thấy đôi mắt mở trừng của A Phủ, Mị dường nhuwcoi đó là một việc rất đỗi bình thường, thậm chí còn thản nhiên làm tiếp công việc mình đang giở. Tô Hoài đã rất tinh tế trong việc diễn tả tâm lí nhân vật Mị, qua đó tố cáo bọn cường quyền đã tước đoạt mất con người Mị. Chúng đã làm cô trở thành một người mất cảm giác với cuộc sống xung quanh mình. Với cô, người ta có ra sao đi nữa, thì đó cũng chỉ là thứ bình thường đi ngang qua cuộc đời cô mà thôi.

Thế nhưng, khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ bò xuống hai hõm má đã sạm đen lại, trái tim đầy thương tích của Mị đã hồi sinh. Trong văn chương, chúng ta đã thấy giọt nước mắt của Chí Phèo, giọt nước mắt xót xa của nhân vật Hộ. Còn ở đây là giọt nước mắt của một người đàn ông mạnh mẽ nhưng bất lực trước hoàn cảnh. Giọt nước mắt ấy đã "đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ". Cô nhớ lại những lần mình cũng bị trói thế kia, nước mắt cô chảy xuống miệng mặn chát mà không lau được. Từ thương mình, Mị thấy thương cho A Phủ.

Mị mơ hồ nghĩ và nhận thấy một điều rằng: "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi, nhưng người kia sao lại phải chết ?". Mị bắt đầu thấy bất bình, câu hỏi trên như là một sự khởi đầu của tính cách nổi loạn. Mị hoài nghi về những gì xung quanh mình, và thực sự nó đã đưa Mị từ một người đàn bà câm lặng trở thành một người can đảm, mạnh mẽ.

Nhưng đến đây Mị vẫn chưa đủ sức mạnh để cởi trói cho A Phủ. Chỉ đến khi Mị nghĩ đến chuyện cởi trói cho A Phủ rồi mình sẽ bị nhà thống lí đổ tội, trói mình vào cột rồi chết trên cái cọc thì Mị mới thấy sợ. Nhưng cứ mỗi khi sợ chết,lòng khát sống của Mị lại trỗi dậy mạnh mẽ. Nó thôi thúc Mị cắt đứt dây cởi trói cho A Phủ. Chính tình người đã thôi thúc Mị, cho Mị lòng can đảm và sức mạnh.

Từ tất cả những điều trên, ta có thể thấy cuộc đời và số phận của nhân vật Mị chính là điển hình cho số phận của những người dân miền núi trong những năm kháng chiến nói chung, của người phụ nữ nói riêng: nỗi khổ bị nô lệ hóa. Tô Hoài cũng từ đây thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào con người. Dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, con người ta vẫn luôn có một lòng yêu cuộc sống được làm người, được sống cho ra người, được hạnh phúc. Ngoài ra tác giả còn ngợi ca, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người và thương xót cho những số kiếp người đau khổ. Đấy chính là minh chứng để tố cáo bọn thực dân đã đẩy cuộc sống người dân đến bước đường cùng của sự sống.

Nhân vật Mị là một nhân vật được gửi gắm nhiều ý niệm của nhà văn Tô Hoài. Có thể thấy qua cách miêu tả, đặc biệt là với diễn biến tâm trạng nhân vật, tác giả đã khắc họa được một Mị thật xinh đẹp, đau khổ nhưng lại hiện lên với niềm tin vào cuộc sống một cách mạnh mẽ. Cô thực sự đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc, và ta có thể hiểu được thông điệp mà Mị muốn truyền tải tới mọi người, hay chính là nhà văn  Tô Hoài muốn nói với người đọc: "Con người còn một phút sống vẫn chờ đợi, vẫn mong, vẫn tin vào một ngày bình yên, yên vui của tình yêu và của đất nước".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: