Phân tích nhân vật Tràng - Vợ Nhặt

Cách làm bài phân tích nhân vật:

- Vị trí của nhân vật trong tác phẩm

- Lai lịch, nguồn gốc

- Ngoại hình

- Tính cách (qua tình huống, tâm trạng...)

- Thái độ, tình cẩm của nhà văn dành cho nhân vật

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với những thuần hậu nguyên thủy của đời sống nông thôn Việt Nam. Ông là một con người đã gắn bó sâu sắc đồng thời chan chứa biết bao tình cảm với nơi ấy. Chính vì vậy, ông thấu hiểu cái ngột ngạt của cuộc sống những người nông dân vào những năm trước cách mạng tháng Tám. Sự thấu hiểu ấy được bộc lộ rõ nét ở trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là trong truyện ngắn Vợ Nhặt với tiêu biểu ở nhân vật Tràng.

Tràng là nhân vật chính của tác phẩm, góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng và màu sắc của câu chuyện. 

Kim Lân để Tràng xuất hiện trong một bối cảnh đặc biệt : nạn đói năm 1945. Nạn đói ở đây không chỉ là đói làng mà là đói nửa nước, từ Bắc Trung Bộ trở ra, từ thu - đông 1944 - 1945. Chỉ với vài nét phác họa, Kim Lân đã vẽ nên một bức tranh mùa đói thật hãi hùng. Ở đó ta chỉ nhìn thấy những thây xác nằm la liệt, những đàn quạ sà xuống xác người chết; thành tiếng: tiếng thê thiết của quạ trên những cây gạo, tiếng hờ khóc của những gia đình có người chết văng vẳng như từ dưới âm ti; thành mùi: người sống thì "lũ lượt dắt díu bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma", người chết như ngả rạ, không một sáng nào người ta không thấy ba bốn cái thây nằm còng queo ngoài đường. Cuộc sống quá cơ cực đến mức đã hiển hiện ở đó những hồn người, những cái bóng của thần chết đang rình rập. Nhưng giữa lúc đó, Tràng đã dẫn về một cô vợ.

Tràng xuất thân là một người dân ngụ cư nghèo, làm nghề đẩy xe thuê, nuôi mẹ già. Nhấn thêm vào hoàn cảnh của Tràng đó là "ngôi nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn đống cỏ dại".

Tràng mang tên một thứ đồ vật của nghê mộc: cái tràng (còn cô gái đã mất là cái Đục). Tràng là một nhân vật được hóa công gọt đẽo quá sơ sài: hai con mắt gà gà nhỏ tí, hai bên quai hàm bạnh ra, bộ mặt thô kệch, mặt lên cười hềnh hệch, cái đầu trọc nhẵn, lưng to rộng như lưng gấu, chiếc áo tàng vắt ở một bên vai. Qua cách miêu tả của tác giả, ta có thể thấy Tràng mang một dáng vẻ xấu xí, đậm chất thiên nhiên, thô mộc.

Ở bên trong con người đó còn ẩn chứa nhiều tính cách. Tính cách của Tràng có thể được thấy qua tình huống nhặt vợ. Thoạt nhìn, việc đưa người đàn bà về nhà trong bối cảnh đói kém có vẻ bốc đồng, song điều đó lại ẩn chứa một lòng thương người sâu sắc. Khi gặp thị ở chợ tỉnh, Tràng không nhận ra thị vì thị gầy sọp hẳn đi, rách quá, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày hốc hác, quần áo rách bợp. Thấy người đàn bà đói rách, Tràng đã bộc lộ một sự hào phóng đến lạ lùng. Anh không chỉ cho thị ăn, mà còn cho ăn nhiều (một chập bốn bát bánh đúc). Đó hoàn toàn là hành động hào hiệp của Tràng trước những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, không hề có ý chòng ghẹo.

Trước việc người đàn bà theo không mình về làm vợ, Tràng không tránh khỏi việc nghĩ về bản thân: "thóc gạo này không biết có nuôi nổi mình không lại còn đèo bòng". Tuy nhiên chỉ một cái chậc lưỡi đã bỏ qua cái khó khăn đồng thời thách thức cái đói, một mối hiểm nguy mà đáng ra con người ta thường hay lo sợ.

Xét cho cùng, hành động nhặt vợ của Tràng là hoàn toàn xuất phát từ khát khao hạnh phúc sâu thẳm. Có thể người ta biết cái đói không sớm hay muộn rồi cũng sẽ đến, có thể người ta biết rằng người đàn bà kia theo mình cũng là vì miếng ăn, song khát vọng hạnh phúc của Tràng vẫn thẳm sâu trong tâm tưởng để rồi làm anh đi đến quyết định ấy mà không cần suy nghĩ nhiều. Tràng chấp nhận cuộc chơi với những thử thách mà mình sắp phải đối mặt, nhưng ở đâu đó vẫn là một tư tưởng lạc quan mà hiếm người nào có được giữa bối cảnh lúc đó.

Sự hào phóng của Tràng còn được thể hiện ở việc xa xỉ mua hai hào dầu. Đó là một sự hao phí quá mức giữa lúc đói kém. Nhưng trong lúc khó khăn như vậy, người đàn ông ấy vẫn gắng gượng mang chút ánh sáng cần thiết cho đêm tân hôn, thắp lên ngọn lửa niềm tin cho con người và cho chính bản thân anh giữa bốn bề tăm tối của cuộc sống, của những tiếng quạ kêu và của tiếng khóc.

Vẻ đẹp tâm hồn của Tràng còn được thể hiện một cách rất sinh động qua diễn biến tâm trạng. Ban đầu, tâm trạng ấy đi từ ngạc nhiên với quyết định liều lĩnh, tầm phào với cuộc hôn nhân của chính mình. Có thể với Tràng, câu nói bâng quơ dở đùa dở thật ấy là vô thưởng vô phạt, nhưng với thị, câu nói ấy lại là một cơ hội trăm năm có một. Tràng thấy "ngờ ngợ..." vì không tin nổi mình đã có vợ, vì có lẽ, anh chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện đấy. Một người thô kệch, nghèo túng, giờ đây đã làm một con người hoàn toàn khác.

Tình yêu hạnh phúc đã khiến Tràng có một niềm vui, hạnh phúc thật lớn lao. Không giống với cái cúi mặt đi về thường ngày thì hôm nay "mặt hắn có vẻ gì phởn phơ khác thường...Hắn tủm tỉm cười một mình, hai mắt sáng lên lấp lánh". Tình yêu biến Tràng thành kẻ say kì là. Hắn thấy "trong người êm ái lơ lửng như từ trong giấc mơ đi ra". Hạnh phúc còn tràn ra da thịt :"một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở một người đàn ông nghèo khổ ấy. Nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa như có bàn tay vuốt nhẹ khắp sống lưng". Nhà văn Kim Lân đã miêu tả rất thực, rất tinh tế tâm trạng của Tràng lúc ấy. Qua đó tác giả muốn nói: khát vọng hạnh phúc, tình yêu là khát vọng rất đẹp, rất con người, mạnh hơn cái đói, cái chết.

Tuy nhiên, hạnh phúc còn khơi dậy ý thức bổn phận ở trong con người Tràng. Có thể thấy đối với người vợ nhặt, khi đưa vợ về Tràng dường như quên hết những khổ cực của cuộc sống (trong lòng hắn chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên). Người đàn bà ấy nghèo khổ, bám chặt lấy Tràng để kiếm miếng ăn, chạy theo gót chân mình để chạy trốn cái đói. Nhưng với Tràng, đó tuyệt nhiên không phải là người vợ nhặt, mà đó là một người vợ thực sự. Vì thế, dù nghèo khổ, Tràng vẫn sắm cái thúng mới, xa xỉ mua hai hào dầu.

Không chỉ với người vợ nhặt, Tràng còn bộc lộ ý thức bổn phận của mình với gia đình. Trong buổi sáng hôm sau, Tràng thấy một điều mới mẻ đó là nhà cửa đều được dọn dẹp, quét tước bởi mẹ và vợ: "Nhà cửa sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn...". Đó là một không khí mới, một luồng sinh khí mà lần đầu tiên Tràng cảm nhận được. Trước hạnh phúc Tràng như lột xác. Lần đầu tiên hắn rưng rưng cảm xúc rất con người: "Bỗng nhiên hắn thấy yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng...Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng...Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người". Hai chữ "nên người" được hạ xuống thật đắt giá. Hạnh phúc đã hồi sinh tâm hồn Tràng, khơi dậy ý thức bổn phận. Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ, cảm xúc, ngay lập tức Tràng muốn biến tất cả thành hành động cụ thể: "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì đó để dự phần tu sửa lại căn nhà". Hai chữ "xăm xăm" diễn tả thật chính xác sự hăm hở, háo hức của Tràng trong bước chân vun vén hạnh phúc.

Hạnh phúc ấy thậm chí còn được vun vén thêm bằng một hi vọng và ước mơ đổi đời. Trong lúc miếng cháo cám nghẹn bứ trong miệng, tiếng trống thúc thuế kêu lên báo hiệu cuộc sống chuẩn bị bước đến bờ vực của cái đói thì trong đầu Tràng lóe lên một tia hi vọng. Ấy chính là là cờ đỏ sao vàng. Tất cả những hi vọng giờ đây được dồn vào một tương lai tươi sáng của ngọn cờ trước mắt, gợi mở sự giải thoát với những thân phận như Tràng. Kết thúc này thể hiện một sự tích cực của Kim Lân so với những nhà văn khác dưới cái nhìn hiện thực của cách mạng.

Qua việc xây dựng nhân vật Tràng, Kim Lân đã thể hiện sự xót thương đối với những số phận nghèo khổ, khó khăn, đặc biệt là với nhân dân lao động. Thêm vào đó là tố cáo thực dân Pháp và Phát xít Nhật đã đẩy cuộc sống nhân dân vào bước đường cùng, đến mức mất cả nhân hình lẫn nhân tính. Nhưng cũng đồng thời thể hiện một niềm tin vào nhân dân lao động và sức mạnh tiềm tàng trong họ có thể mang đến sự đổi đời cho chính họ. Sức mạnh đó được biểu hiện bằng lá cờ được dương lên, báo hiệu ngọn cờ của sự sống, của tự do đang đến rất gần. Đây cũng chính là cái mới trong chủ nghĩa nhân đạo của Kim Lân đó là nhìn thấy khả năng đổi đời ở nhân dân lao động. Nhà văn cũng khắc họa bức tranh nhân dân bằng một ngòi bút nghệ thuật đặc sắc. Trong đó đặc biệt nhất đó là nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật, xây dựng tình huống truyện và sử dụng những ngôn ngữ đời thường nhưng vẫn sáng lên sự sang trọng.

Truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân đã thể hiện một sự tài hoa trong việc miêu tả hoàn cảnh của nhân dân lao động trong những năm trước cách mạng tháng Tám. Nhà văn không chỉ bộc lộ niềm xót thương sâu sắc, mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự đổi đời của họ, những số phận mà đáng lẽ ra phải được hưởng tự do. Truyện ngắn khẳng định một tư tưởng rất nhân đạo: không thể tiêu diệt được cái đói, nhưng cái đói cũng không thể dập tắt được khát vọng của con người, khát vọng ấy có thể bất chấp tất cả để vươn lên. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: