Phân tích nhân vật Tnú - Rừng xà nu

Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó máu thịt với mảnh đất Tây Nguyên. Các sáng tác của ông chủ yếu gắn bó với nơi này và có thể thấy, các sáng tác ấy đều rất đặc sắc, mang đậm tính sử thi đặc biệt là trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân. Một trong những tác phẩm tiêu biểu ấy có thể kể đến đó là "Rừng xà nu". Câu chuyện đã bộc lộ được vẻ đẹp của người dân vùng đất với tinh thần dũng cảm, ý chí quật cường, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập, đồng thời cũng mang một lòng thương người, thương làng sâu sắc. Nhân vật Tnú trong câu chuyện chính là kết tinh cho vẻ đẹp ấy.

Tác phẩm được in lần đầu tiên vào năm 1965 trên tạp chí Văn nghệ, sau đó được in trong tập "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc". Tác phẩm được viết vào những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, đế quốc Mĩ đổ quân ào ạt lê máy chém khắp miền nam. Ở miền bắc chúng tiền hành chiến tranh phá hoại. Ở hoàn cảnh hẹp hơn, theo lời kể của Nguyễn Trung Thành, tạp chí Văn nghệ có yêu cầu ông viết một truyện ngắn về đồng bằng, nhưng ông không thể tìm được cảm hứng cũng như đủ vốn sống để viết theo yêu cầu nên ông đã quay về đề tài Tây Nguyên. Khi đặt bút viết, ông chưa có một cốt truyện, một nhân vật mà hình ảnh hiện lên trong đầu ông là hình ảnh cây xà nu bởi ông từng gặp gỡ loài cây này khi tiễn bạn ra chiến trường.

Nhân vật chính trong bài là Tnú. Nguyên mẫu nhân vật được lấy từ anh Đề - người dân tộc Xơ Đăng ở Tây Nguyên. Năm 1959, anh Đề cùng mười người con trai trong bản giết toàn bộ tiểu đội lính Diệm, bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang. Sở dĩ trong Rừng xà nu Nguyễn Trung Thành phải lấy tên khác vì "lấy tên Đề người Kinh quá. Gọi bằng Tnú không khí hơn nhiều, Tây Nguyên hơn nhiều."

Tnú được đặt giữa không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên với những cánh rừng xà nu bạt ngàn, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho cuộc đời và số phận nhân vật. Cuộc đời và số phận của Tnú được cụ Mết kể vào một đêm bếp lửa ở nhà ưng, trước toàn thể dân làng. Cuộc đời Tnú giống như cuộc đời của một anh hùng trong sử thi. Giọng kể trầm lắng, uy nghiêm đã dẫn dắt người đọc vào một không gian sử thi.

Tnú là nhân vật tư tưởng - nhân vật chịu trách nhiệm cho việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Tư tưởng của Nguyễn Trung Thành trong tác phẩm này đó là tư tưởng bạo lực cách mạng. Cho nên mọi chi tiết miêu tả Tnú đều chứng minh cho đặc điểm này. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh nhân vật Tnú nhưng không được nhìn dưới cái nhìn đời tư mà được nhìn dưới góc nhìn của toàn dân. Chính vì thế Tnú có thể coi là bản lí lịch của toàn thể dân tộc trong những năm tháng kháng chiến.

Tnú mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh là con của dân làng Xô Man, được dân làng đùm bọc, nuôi dưỡng. Mồ côi cha mẹ là một niềm bất hạnh lớn đối với nhân vật, nhưng vượt lên trên cả điều ấy, Tnú lại là con của đại gia đình lớn đó chính là toàn dân làng, ai cũng quý Tnú. Cụ Mết kể "nó là người Strá, cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó". Điều quan trọng Tnú mang đầy đủ phẩm chất của một người cách mạng, của một người con của dân làng với tấm lòng trong vắt như nước suối, ý chí sừng sững như non cao. Thế nên bắt đầu câu chuyện về Tnú, cụ Mết đã tự hào khẳng định: "đời nó khổ những bụng nó sạch như nước suối làng ta".

Ngay từ nhỏ Tnú đã là một tiểu anh hùng. Tnú không sống một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác mà là một tuổi thơ đầy ắp những chiến công. Từ lúc còn bé, Tnú đã nuôi cán bộ cách mạng. Khi Mĩ Diệm còn đang làm chủ núi rừng theo kiểu chủ của loại thú dữ: "không bữa nào nó không đi lùng, không ngày nào chó của nó, súng của nó không sủa vang cả núi rừng". Chúng tàn sát dã man những người đi nuôi cán bộ cách mạng (treo cổ anh Xút, chặt đầu bà Nhan...). Song Tnú và Mai vẫn là những đứa trẻ hăng hái nhất, thay thanh niên, người già đi nuôi cán bộ.

Không những thế, Tnú còn tiếp tế lương thực cho cán bộ, làm liên lạc cho cán bộ từ xã đến huyện. Những lúc đó Tnú bộc lộ một trí tưởng tượng sắc sảo và dũng cảm hơn người: không bao giờ đi đường mòn mà xé rừng mà đi, còn khi lội suối nó "không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi" bởi theo Tnú chỗ nước êm bọn Mĩ Diệm nó hay phục, qua chỗ nước mạnh nó không ngờ.

Nhưng những phẩm chất tốt đẹp của Tnú không chỉ được thể hiện ở lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí mà còn được thể hiện ở lòng trung thành với cách mạng. "Tấm lưng ngang dọc những vết dao chém, máu ứa ra như nhựa xà nu". Khi bị giặc bắt, Tnú không thốt lên một lời khai, thậm chí còn chỉ vào bụng mình mà trả lời giặc "Cộng sản ở đây này". Lòng trung thành với cách mạng của anh đã được nung nấu từ thuở nhỏ. Nói đúng hơn, dòng máu anh hùng từ Đăm Săn, Xinh Nhã đã chảy trong huyết quản của Tnú làm nên một con người rắn rỏi như vậy. Sau bao năm bị đày ở ngục Kon Tum, Tnú vượt ngục trở về. Tnú trở thành một chàng trai như "những cây xà nu vượt cao hơn đầu người...dạn đại bác không giết nổi chúng", thật cường tráng với hai cánh tay chắc như hai cây lim. Anh vẫn giữ lòng trung thành với cách mạng. Tnú chuẩn bị cho dân làng Xô Man nổi dậy khởi nghĩa. Qua đó, hình ảnh Tnú hiện lên thật dũng cảm, mang đậm khí phách anh hùng. Cuộc đời Tnú sẽ trở thành một lịch sử bi tráng của làng Xô Man.

Tuy nhiên, mặc dù Tnú có những phẩm chất tốt đẹp như vậy nhưng Tnú lại có một số phận đau thương. Tnú có một tình yêu tuyệt đẹp với Mai, tình yêu ấy đã ban cho anh một đứa con đầu lòng. Nhưng bi kịch đã xảy ra với Tnú. Ấy chính là âm mưu của giặc. Nghe tin dân làng Xô Man chuẩn bị giáo mác để nổi dậy, bọn giặc đứng đằng sau là thằng Dục ác ôn kéo về làng với mục tiêu bắt Tnú: "Lại thằng Tnú chứ không ai hết. Con cọp đó không giết sớm, nay nó làm loạn núi rừng". Tnú cùng cụ Mết chỉ kịp dẫn thanh niên vào rừng. Trong làng chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Chúng không chừa một ai, đến đâu chúng cũng đánh đạp dã man. Rồi chúng cũng dùng đến đòn thâm hiểm cuối cùng, đó là bắt mẹ con Mai. Chúng đã tra tấn mẹ con Mai thật độc ác, đứa con trên lưng chưa đầy tháng đã phải chịu những đòn roi khát máu của giặc. Tnú đã chứng kiến cảnh đó trong đau khổ, anh đã bứt mấy chục quả vả mà không hề hay biết, hai con mắt anh thành hai cục lửa lớn. Tnú xông ra, nhưng không kịp nữa, máu anh quặn thắt, lòng căm thù giặc sôi sục lên. Tác giả đã để cụ Mết nói tới bốn lần: "Tnú không cứu sống được mẹ con Mai", như một điệp khúc của bản trường ca bi tráng, như muốn khắc cốt ghi xương vào mọi dân làng Xô Man: Tnú không cứu được mẹ conMai vì anh đấu tay không với chúng. Thậm chí Tnú không cứu được chính mình. Chúng bắt anh trói lại, dùng những đòn tra tấn rất đỗi tàn nhẫn. Chúng quấn dẻ tẩm nhựa xà nu phủ vào mười đầu ngón tay anh rồi đốt...nửa đốt...một đốt cứ cháy dần. Mười đầu ngón tay đang cháy ấy dần trở thành mười ngọn đuốc thiêu đốt cả gan ruột anh:"Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặc chát ở đầu lưỡi". Vậy là mười đầu ngón tay ấy đã trở thành chứng tích đau thương cho tội ác hủy diệt của kẻ thù.Mười đầu ngón tay, mười ngọn đuốc đã thể hiện ý chí quật cường của Tnú. Ý chí ấy chuyển thành lửa cháy trong lồng ngực. Đó chính là ngọn lửa đấu tranh sắp vỡ ra với một sức mạnh cực kỳ lớn, sức mạnh của cả niềm tin và chiến đấu. Qua đây ta thấy một triết lí sâu sắc mà tác giả muốn nói tới xuất phát từ nguyên nhân phải chịu bi kịch của Tnú. Tnú đã chiến đấu tay không với lũ giặc, chúng đã làm dân ta phải chịu khổ cực với vũ khí mà chúng cầm trong tay. Chúng ta phải đứng dậy, cầm vũ khí lên đấu tranh, phải chiến đấu đến tận cùng, "chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo".

Phẩm chất tốt đẹp của Tnú còn được thể hiện ở một trái tim giàu tình yêu thương. Trước hết đó là với Mai, anh với Mai gắn bó với nhau từ thuở nhỏ nên tình cảm anh dành cho mai rất lớn. Khi Tnú vượt ngục trở về, trái tim anh bồi hồi, xúc động trước ánh mắt dịu dàng của người phụ nữ: "Tnú gặp lại Mai đã thấy Mai lớn không ngờ". Còn Mai cầm tay anh trong tâm trạng xao xuyến, đôi tay lúc ấy còn lành lặn, nhưng đó dường như đang cứa vào lòng Tnú vậy. Và rồi chính tình yêu thắm thiết ấy đã khiến Tnú nhảy xô vào che chở cho mẹ con Mai khi bị bọn giặc đánh. Nhưng mọi việc đã quá muộn, làm thành một vết thương không bao giờ lành được trong lòng Tnú.

Tnú cũng mang trong mình một trái tim yêu làng sâu lắng. Trên đường đi chiến đấu anh không quên nổi những kỉ ức về nơi mình sinh ra. Tnú nhớ như in âm thanh và cả dáng đứng giã gạo của những người phụ nữ như là một dáng hình quen thuộc nhất. Đối với anh, âm thanh giã gạo vang vọng trong tâm tưởng anh như đi dọc theo chiến trường, là linh hồn của con người anh. Khi trở về, anh thuộc từng khuôn mặt, nhớ từng gốc cây...Những tình cảm yêu thương gắn bó ấy đã lamfcho hình ảnh Tnú hiện lên sâu sắc hơn.

Nguyễn Trung Thành đã xây dựng nhân vật Tnú bằng cảm hứng sử thi: câu chuyện Tnú được lồng trong số phận của cả cộng đồng. Cái chung đã nâng đỡ cái riêng lên tầm vóc cộng đồng, cái riêng là biểu hiện cụ thể của cái chung. Giọng điệu sử thi được kể qua người kể là cụ Mết - người già làng, đại diện cho cả cộng đồng, mỗi lời cụ nói ra là triết lí, là mệnh lệnh mà những người nghe nó chỉ có trách nhiệm thực hành.Nhà văn đã tạo ra không khí sử thi bằng việc đặt bối cảnh kể chuyện trong một không gian đặc biệt: ngoài xa là rừng đại ngàn, trong nhà ưng bên ánh lửa bập bùng, dân làng đông đảo im lặng lắng nghe. Ngoài ra, tác giả cũng tạo độ căng cho câu chuyện: câu chuyện về đời người về một giai đoạn lịch sử được kể trong một ngày một đêm Tnú về thăm làng. Điều này tạo nên độ căng, sự hàm súc cho câu chuyện được kể. Thêm vào đó ta có thể thấy Nguyễn Trung Thành đặc biệt thành công trong việc xây dựng chi tiết đôi bàn tay Tnú. Nhìn vào đó ta không những có thể thấy được cuộc đời mà còn thấy được cả tính cách, số phận nhân vật. Về nội dung, qua câu chuyện về Tnú ta thấy được một giai đoạn lịch sử bi thương của cách mạng Việt Nam, từ lúc bị đàn áp đến lúc cầm vũ khí giết giặc. Cuộc đời Tnú được miêu tả như cuộc đời của một người anh hùng trong sử thi. Cách miêu tả ấy làm ngợi ca, tôn vinh cuộc đời đấu tranh của người dân Tây Nguyên nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Qua đó thể hiện một triết lí sâu sắc: phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, đó là con đường duy nhất và có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam.

Cũng như nhiều nhân vật văn học thời chống Mĩ, Tnú được xây dựng bằng ngòi bút lãng mạn giàu lí tưởng. Tnú mang trong chất anh hùng sử thi Tây Nguyên và chính là tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu của toàn quân,toàn dân tộc. Thông qua nhân vật, Nguyễn Trung Thành đã làm nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đấu của vùng đất Tây Nguyên, xa hơn đó chính là cuộc chiến đấu của cách mạng miền nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: