Cảm nhận Ngô Tử Văn
Trong dòng chảy văn học trung đại Việt Nam, chúng ta biết tới Nguyễn Dữ với tư cách một nhà nho ẩn dật chốn lâm tuyền gần như suốt cả cuộc đời với tác phẩm bất hủ "Truyền kì mạn lục". Như người đời vẫn thường ca ngợi là "Thiên cổ kì bút", "Truyền kì mạn lục" đã giúp ông vượt ra khỏi sự gò bó, khắt khe, đầy hạn chế của ý thức thế hệ đương thời và gửi gắm biết bao nhiêu giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc. Là một trong hai mươi truyện của tác phẩm bất hủ ấy, "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" nổi bật lên với nhân vật Ngô Tử Văn mang những phẩm chất của một kẻ sĩ đầy khảng khái, cương trực quyết tâm chống lại cái xấu, cái ác. Ngô Tử Văn chính là bức chân dung tràn ngập ước mơ về con người trí thức "Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí" của vị thi sĩ họ Nguyễn không chỉ gói gọn ở thời đó mà còn mãi về sau.
Ra đời vào nửa đầu thế kỉ 16 – cái thời kì nhà Lê Sơ suy thoái, nhân dân bất bình với tầng lớp thống trị, nhiều nho sĩ rơi vào hụt hẫng, nuối tiếc cho thời thịnh trị của vua Lê Thánh Tông, "Truyền kì mạn lục" đã thể hiện trọn vẹn cái nhìn chân thực từ ánh mắt của người dân khốn khó dưới hình hài một vị danh nho lỗi lạc. Sống ẩn dật với nhân dân, cùng dân lao động, cùng dân chịu khổ, Nguyễn Dữ càng thấu hiểu được những khó khăn, vất vả trong thời kì đầy biến động ấy. Có lẽ vì vậy, ông đã giãi bài, kết tơ chí hướng trong những áng văn của mình. "Truyền kỳ mạn lục" không phải là truyện ma quái mà chính là truyện con người, không phải là truyện xảy ra trong quá khứ đâu xa mà là truyện của xã hội nước ta trong sự suy yếu của nhà nước lúc bấy giờ. Bóc tách lớp vỏ kì ảo hoang đường, chúng ta sẽ thấy cái lõi hiện thực. Phủi lớp bụi thời gian, chúng ta sẽ càng thấy rõ nét hơn bộ mặt xã hội đương thời và số phận con người qua số phận những người phụ nữ tài đức nhưng bất hạnh, những người tri thức tâm huyết với cuộc đời nhưng bất mãn với thời cuộc. Ngô Tử Văn là đại diện cho tầng lớp nho sinh ấy khi chàng đã không sợ hãi mà đốt đền tà để trừ hại cho dân, cũng không lùi bước trước tên tướng giặc họ Thôi mà sẵn sàng cãi lí trước công đường của Minh Ti để bảo vệ lẽ phải. Chàng chính là công bằng, là nghiêm minh, là ước mơ về cuộc sống nhân dân hạnh phúc mà tác giả vẫn hằng khao khát. Vẻ đẹp tâm hồn của chàng được bộc lộ rõ nét qua từng hành động chính nghĩa đã thổi lửa nhiệt huyết vào bao trái tim con người.
Trước hết, Ngô Tử Văn mang bóng hình của một bậc trí thức cương trực, khảng khái, nỏng nảy. Chàng cương trực khi dám đương đầu với sự ác độc hiện diện của tên tướng giặc họ Thôi, "vung tay không cần gì cả" trong khi mọi người đều "lắc đầu lè lưỡi, lo sợ", dám nói lên sự thật trong khi kẻ giả mạo kia đang chiếm ưu thế, hống hách trên công đường dưới Âm ti. Chàng khảng khái, khi không chịu khuất phục trước những lời hăm dọa "vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ", "vẫn cứ ngồi ngất nga ngất ngưởng tự nhiên". Lời bất bình vừa cay đắng, vừa xót xa "Sao ngài không kiện ở Diêm Vương và tâu lên Thượng đế, lại đi khinh bỏ chức vị, làm một người áo vải nhà quê?" vang lên từ tận đáy lòng của Tử Văn với Thổ thần, kêu lên từ nhịp đập đang hừng hực trong tim đã minh chứng cho sự khảng khái ăn sâu vào máu ấy. Chàng là người nóng nảy khi đã rất tức giận với kẻ tác yêu tác quái chốn trần thế mà đốt đền tà không dè chừng, sợ sệt. Lật lại những trang Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, chúng ta chợt nhớ đến Trương Phi với bản tính nóng nảy, bộc trực nhưng một đời anh hùng vang danh Tam Quốc cứ như vậy ra đi trong tức tưởi cũng vì bản tính ấy. Khác với Trương Phi, nóng nảy đi đôi với sự kiểm soát được cảm xúc không chỉ giúp vị nhà Nho họ Ngô tránh khỏi tai vạ mà còn làm nên đại sự. Những nét tính cách ấy còn được làm nổi bật lên ngay từ mở đầu truyện khi tác giả đã trực tiếp giới thiệu phẩm chất của nhân vật "Chàng khảng khái, nóng nảy, thấy gian tà thì không thể chịu được" và dùng lời nhận xét đầy tính khách quan "vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực" làm điểm chốt. Tử Văn giữ nguyên sự khảng khái, cương trực từ đầu cho tới cuối tác phẩm và là tiền đề cho những hành động quyết liệt của nhân vật này.
Tìm hiểu sâu vào câu chuyện, chúng ta mới thấy được đóa hoa dứt khoát và can đảm, gan dạ nở rộ trong con người Ngô Tử Văn. Đốt đền, mặc cho mọi người có nói gì, chàng vẫn dứt khoát, cương quyết đi theo quyết định của mình mà không lưỡng lự. Trong xã hội phong kiến đầy cổ hủ và mê tín, người ta sợ hãi trước các thế lực tâm linh họ không biết rõ, quỳ gối trước ma quỷ và mặc cho chúng tác quai tác quái mà chẳng dám làm gì. Sống ở thời kì ấy, tất yếu nỗi sợ đã ghim sâu vào đầu óc mỗi người từ bao đời. Điều đặc biệt của Tử Văn ở đây là chàng đã đi ngược lại với số đông, can đảm làm điều mà mình cho là đúng đắn nhất. Dù không biết phía trước phải đối đầu với thế lực gì, chàng vẫn nhất định hy sinh bản thân mình để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân. Đức tính ấy chỉ xuất hiện ở các vị chính nhân quân tử. Phàm đã là bậc chính nhân quân tử thì Trời phải kính Đất phải nể, người tôn vinh. Sự can đảm của Tử Văn còn được bộc lộ rõ nét hơn khi chàng xuống âm ti. Đứng trước không gian đầy tăm tối, ghê rợn: bắc qua con sông lớn ở phía bắc là một cây cầu dài ước hơn nghìn thước, "gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương", "hai bên cầu có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác", người thường thì đã sợ hãi đến độ cứng đờ người, không thể bước đi. Ấy thể mà, không chùn bước, Tử Văn vẫn kêu to: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oang uổng." Sự gan dạ kết tinh từ phẩm chất của ông cha qua bao đời, gắn liền với linh khí của đất trời, được tôi luyện trong nhân cách một vị anh hùng thế nhân. Trái tim hừng hực ngọn lửa căng tràn chính nghĩa, cũng đang cùng đập nhịp phập phồng với sự can đảm của Tử Văn.
Khi nhắc đến Ngô Tử Văn, sự bình tĩnh đã trở thành bản lĩnh ghim sâu vào cốt cách cứng cỏi bất khuất là nét tính cách không thể không nhắc tới của chàng. Tử Văn bình tĩnh khi đã "tắm gội sạch sẽ, khấn trời" trước lúc châm lửa đốt đền tà. Đến đây, chúng ta chợt nhớ đến Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" – cũng là một truyện trong "Truyền kì mạn lục". Trước khi gieo mình xuống sông tự vẫn, nàng đã "tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than", mà khấn. Vũ Nương tắm gội để giữ cho mình trong sạch trước lúc ra đi, than vì thất vọng đến tuột cùng, chẳng thể giãi bày với ai, chỉ cầu xin thần sông chứng giám cho nỗi oan khuất. Còn Tử Văn tắm gội là để tự tin vào hành động chính nghĩa của mình, khấn trời là để tỏ lòng chân thành mong được trời đồng tình, ủng hộ. Họ phải suy nghĩ thấu đáo, kín kẽ, sáng suốt lắm thì mới có thể bình tĩnh tắm gội chay sạch, mới có thể khẩn trời, khấn đất. Những hành động không trong phút nóng nảy, bộc trực nhất thời một lần nữa thể hiện cốt cách sáng tựa ánh sao giữa bầu trời đen tối của Tử Văn. Nguyễn Dữ đã thật tài tình khi lồng ghép chi tiết tuy nhỏ về hành động nhưng lại lớn lao về ý nghĩa để thắp lửa thêm cho vẻ đẹp tâm hồn ở con người kia, mở ra một chiều không gian tư tưởng sâu sắc, thấm thía đậm trong lòng bạn đọc. Sự bình tĩnh ấy đã trở thành bản lĩnh khi Tử Văn "tâu trình đầu đuôi" sự thật như lời Thổ công đã dặn trong lúc tên hung thần còn đang hống hách, dối trời, lừa Diêm vương trắng trợn trước công đường. Bản lĩnh trong Tử Văn trước sau cao hơn cả núi, dài hơn cả sông, vượt qua cả ánh sáng của mặt trời giữa dải thiên hà rộng lớn. Bản lĩnh ấy cùng cốt cách cứng cỏi hòa quyện vào nhau tạo thành một Tử Văn đầy chính nghĩa, đầy bất khuất của nhà văn đất "địa linh nhân kiệt" để rồi giành lấy chiến thắng trước một kẻ hung tàn.
Hình tượng Ngô Tử Văn đẹp không chỉ bởi tính cách cương trực, khảng khái, bản lĩnh, can đảm mà còn bởi lí tưởng sống cao đẹp. Lí tưởng sống của chàng là công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà. Nhờ vào lí tưởng ấy, chàng mới có thể đứng lên đốt đền tà, mới có thể dũng cảm đối đầu với tên hung thần tàn ác kia để giành chiến thắng, giúp dân trừ hại. Niềm tin vào công lí đã chảy trong huyết mạch của những con người đất Việt từ thuở dựng nước, giữ nước và mãi mãi sôi sục. Trái tim Tử Văn cũng như trái tim bao trí thức lúc bấy giờ, vẫn luôn rạo rực cái gọi là công lí và hành động bảo vệ chính nghĩa là minh chứng cho công lí ấy. Thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, Ngô Tử Văn đã nâng lí tưởng sống kia lên một tầng cao, tràn ngập hơi thở của linh hồn công minh. Chính nhờ vào tư tưởng đầy đúng đắn và hành động vô cùng quyết liệt, Tử Văn đã khiến Thổ thần phải xúc động, cảm tạ và giúp đỡ cho chàng. Sự giúp đỡ ấy chính là điểm mấu chốt, giúp Tử Văn giành lấy được chiến thắng vẻ vang.
Ấy nhưng, Tử Văn tốt đẹp như thế, cao cả như thế thì chẳng há chàng là thần tiên không sợ trời, không sợ đất do thượng đế phái xuống trần gian hay sao? Không, chúng ta vẫn phải luôn nhớ rằng Tử Văn là con người áo vải tay cầm cuốc. Chàng xuất phát từ nhân dân mới thấu hiểu được sự thống khổ của nhân dân, mới chính là sứ giả của nhân dân để nói lên ước mơ dám đứng lên bảo vệ lẽ phải. Chi tiết chàng có phần lung lay khi nghe chuyện Thổ công: "Hắn có thực là tên hung hãn, có thể giao vạ cho tôi không?" đã thể hiện cái tính rất người ấy. Nhưng nỗi sợ thật nhỏ bé thôi, đã bị lý tưởng sống luôn hướng về ánh sáng cuối đường hầm làm cho lu mờ và bị vượt bởi tinh thần khảng khái và cương trực từ trái tim thổn thức của chàng. Ngô Tử Văn chính là bậc anh hùng hào kiệt, là bậc chính nhân quân tử muôn đời kính nể, trời đất lưu danh. Chàng là đai diện cho công bằng, là nghiêm minh. Chàng là cái tôi trong Nguyễn Dữ, là cái gốc, là tâm hồn của vị danh nho lỗi lạc được kết tinh từ ý thức thời cuộc, từ dòng máu dân tộc đại Việt qua bao đời. Chức phán sự đền Tản Viên như là một phần thưởng hậu hĩnh cho Tử Văn, để chàng có cơ hội mang lại chính nghĩa cho đời. Đó cũng là cách Nguyễn Dữ bất tử hóa hình tượng con người cương trực, khảng khái. Chẳng thế mà sau khi Tử Văn chết rồi, có người còn nhìn thấy chàng ngồi trên xe, cưỡi gió mà biến mất. Những người như Tử Văn không thể chết mà phải sống mãi mãi để cuộc đời này được yên ổn, để mọi điều tai chướng bị tiêu trừ.
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" lay động đến người đọc không chỉ bởi niềm tin vào công lí, chính nghĩa tác giả gửi gắm đến mà còn bởi nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, tình tiết và diễn biến giàu kịch tính. Nguyễn Dữ đã xây dựng được hình tượng nhân vật một cách sắc nét, đối lập giữa cái xấu và cái tốt để làm nổi bật lên một Tử Văn rất người, rất cương trực, khảng khái. Các chi tiết kì ảo, hoang đường xen kẽ giữa chi tiết thực là tâm điểm của tác phẩm, là điểm nhấn giúp cho văn của Nguyễn Dữ vang danh muôn đời. Truyện của ông là sự chưng cất lí tưởng đẹp của một trái tim luôn hướng về lẽ phải. Từ trong xã hội đầy tăm tối của một nhà nước suy thoái, tâm hồn Nguyễn Dữ vẫn không ngừng ngân vang lên tiếng ca khao khát công bằng. Tâm hồn đáng trân trọng ấy đã hòa vào tâm hồn bao thế hệ để rồi bùng cháy lên rực rỡ giữa nền văn học Việt Nam.
Cuộc chiến đấu không khoan nhượng của Ngô Tử Văn là một tấm gương phản chiếu nhân cách cao đẹp, bản lĩnh cứng cỏi, thái độ kiên quyết chống lại những thế lực đen tối của một kẻ sĩ. Lời bình kết thúc câu chuyện "Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi" cùng với hình tượng Ngô Tử Văn như một lời kêu gọi, một lời động viên, cổ vũ thôi thúc người trí thức hành động quyết liệt để công bằng, chính nghĩa sẽ tồn tại vĩnh hằng, vĩnh cửu ở mọi thời đại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top