Phân tích nhân vật Huấn Cao
Nguyễn Tuân là một tác giả xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng, sự nghiệp sáng tác của ông tập trung ở ba đề tài: Vang bóng một thời - Xê dịch - Trụy lạc. Trong đó đề tài Vang bóng một thời là một đề tài thành công hơn cả. Trong đề tài đó, tác phẩm "Chữ người tử tù" là một truyện ngắn xuất sắc nhất. Huấn Cao là linh hồn, là trung tâm của truyện ngắn, hội tụ vẻ đẹp tài hoa, khí phách thiên liêng, thể hiện rõ tài năng, tâm huyết của Nguyễn Tuân.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân được chia làm hai giai đoạn. Trước cách mạng, trong ba đề tài đã kể trên sáng lên vẻ đẹp vang bóng một thời với tập truyện ngắn "Vang bóng một thời". Văn phẩm gần đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ (Vũ Ngọc Phan). Tập truyện gồm mười một truyện ngắn ra đời năm 1940. Nhân vật trong "Vang bóng một thời" chủ yếu là những nhà nho cuối mùa tài hoa nhưng thất thế gặp giữa buổi tây tàu nhố nhăng tìm về vẻ đẹp xưa cũ để phổ biến tài năng, di dưỡng tinh thần coi như một sự chống đối với trật tự xã hội. Thông qua tập truyện ngắn Nguyễn Tuân đã gửi gắm niềm yêu nước thầm kím của mình với những giá trị văn học cổ truyền dân tộc đang bị phai nhạt theo năm tháng. Đồng thời, Nguyễn Tuân đã thể hiện ý thức bất mãn, thái độ chống đối ngầm với xã hội lúc bấy giờ. "Chữ người tử tù" trích trong "Vang bóng một thời" là một kiệt tác của Nguyễn Tuân trong giai đoạn sáng tác trước cách mạng. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: "Tôi không tin Nguyễn Tuân viết "Chữ người tử tù" cũng như không tin Kim Lân viết "Vợ nhặt". Đó không phải là người viết mà là thần viết.".
Truyện ngắn Chữ người tủ tù kể lại cuộc gặp gỡ éo le cảm động giữa Huấn Cao (tên tử tù có tài viết chữ đẹp) và viên quan coi ngục (người yêu chữ). Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ra "khing bạc đến điều" nhưng sau khi hiểu được "tấm lòng biệt nhỡn liên tài" của quản ngục, Huấn Cao quyết định cho chữ ngục quan vào đêm trước ngày ra pháp trường. Chọn tình huống éo le kì lạ, Nguyễn Tuân đã tập trung thể hiện vẻ đẹp tài hoa, khí phách thiên lương của Huấn Cao.
Nguyên mẫu nhân vật ngoài thực được xây dựng từ hình tượng Cao Bá Quát. Cao Bá Quát là người anh hùng nổi tiếng của thế kỉ mười tám, từng cầm đầu quân nổi loạn chống lại triều đình. Cao Bá Quát cũng nổi tiếng với tài văn chương hơn người, "văn như Siêu Quát vô tiền hán". Đồng thời đây cũng là người có một quan niệm sống cao đẹp, "nhất sinh đê thủ bái mai hoa". Được xây dựng từ nguyên mẫu Cao Bá Quát, Huấn Cao đã trở thành con người đại diện cho cái đẹp. Từ cái tài viết chữ đẹp của một nho sĩ đến cái cốt cách ngạo nghễ của anh hùng và tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài cái đẹp, Huấn Cao dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân đã trở thành một biểu tượng. Huấn cao còn được Nguyễn Tuân miêu tả theo lối lí tưởng hóa của cảm hứng lãng mạn nên vẻ đẹp ở Huấn Cao được thăng hoa một cách phi thường.
Tài hoa khác thường của Huấn Cao được thể hiện ở tài viết chữ nhanh và đẹp - nét chữ mang khát vọng tung hoành của một đời người. Viết chữ đẹp là một nghệ thuật thư pháp. Chữ trong tác phẩm thư pháp không phải là sản phẩm của sự khéo tay hay thạo nghề của một người thợ. Mỗi lần đặt bút đối với nhà thư pháp là một lần tài hoa sáng tạo và mỗi nét bút là sự kết tụ của người nghệ sĩ. Tài hoa của Huấn Cao còn ở mục độ đặc biệt được Nguyễn Tuân tôn xưng lên tầm báu vật "Có được chữ Huấn Cao là một báu vật của đời. Tài hoa quý hiếm ấy khiến Nguyễn Tuân phải buông bút thốt lên trong niềm say mê của quản ngục "Chữ ông Huấn Cao vuông lắm, đẹp lắm".
Tài năng của Huấn Cao còn được giới thiệu một cách gián tiếp giữ cuộc nói chuyện của quán ngục - thầy thơ lại. Trong cuộc nói chuyện ấy, Huấn Cao là một kẻ danh bất hư truyền "đều khen viết chữ nhanh và đẹp". Như vậy, tài hoa của Huấn Cao không chỉ được thể hiện ở những con chữ mà còn trở thành một sinh thể nghệ thuật được truyền lại trong lòng hậu thế. Ngoài ra, tài năng của Huấn Cao còn được thể hiện qua sự sùng kính của viên quản ngục. Là một viên quan coi tù, nhưng quản ngục có tâm hồn nghệ sĩ vì thế từ lúc gặp Huấn Cao, quản ngục quên mất vị thế chức trách của mình, chỉ đau đáu một sở nguyện cao quý là xin được chữ của Huấn Cao. Thậm chí, quản ngục còn sẵn sàng hi sinh cả tính mạng mình để có chữ của Huấn Cao. Vậy là ta thấy thái độ này tạo ra hai điều khác thường, đó chính là tài năng của Huấn Cao khác thường, và cả sự khác thường ở niềm đam mê của quản ngục.
Ngoài tài viết chữ đẹp, Huấn Cao còn được biết đến với cái tài bẻ khóa hơn người. Với cái tài này, Huấn Cao đã thể hiện niềm khao khát tự do, sự phóng khoáng trong tính cách. Nói tóm lại, mỗi tài năng này của Huấn Cao đã làm nên một Huấn Cao có tầm vóc lớn lao, đi vào lòng độc giả như một người anh hùng, một đấng trượng phu, vượt lên trên những cái tầm thường.
Không những vậy, Huấn Cao còn thể hiện một khí phách hiên ngang. Trước hết điều đó biểu hiện ở tầm vóc lí tưởng. Huấn Cao dám từ bỏ công danh, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn cầm đầu quân nổi loạn chống lại triều đình để bảo vệ chính nghĩa và người dân, trở thành tử tù, quân phản nghịch. Sau đó, nó biểu hiện ở tư thế bất khuất, hiên ngang. Bước vào nhà ngục với án chém đầu, Huấn Cao vẫn giữ cho mình tư thế hiên ngang. Để khắc họa tính cách này, Nguyễn Tuân đã huy động một vài chi tiết mà chi tiết nào cũng gai góc làm nổi bật lên cái ngông cô trang anh hùng giữa tối tăm ngục thất "lạnh lùng chúc mũi gông năng khom mình thúc mạnh đầu ngang gông xuống nên đá tảng đánh thuỳnh một cái". Âm thanh dỡ gông như một đòn giáng trả mãnh liệt vào không gian nhà ngục - đại diện cho trật tự xã hội. Sống trong nhà ngục, Huấn Cao vẫn thoái mái nhâm thịt rượulúc sinh bình. Ông nhìn bọn tù giống như một lũ tiểu nhân với câu nói coi thường: "Ta chỉ muốn một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây". Con người ấy đã dẫu trong cảnh ngộ nào vẫn toát lên cốt cách của một trượng phu: "đầu đội trời chân đạp đất". Khí phách của Huấn Cao khiến quyền lực cũng phải khiếp nể. Bị Huấn Cao sỉ nhục, quản ngục vẫn ngưỡng mộ và cho rằng Huấn Cao là "kẻ trọc trời khuấy nước". Cái nhìn ấy nâng Huấn Cao lên tầm vóc của kẻ anh hùng. Tóm lại, Huấn Cao là người anh hùng bị đẩy vào chỗ xa cơ nhưng vẫn toát lên khí phách phi thường, lẫm liệt, tỏa sáng giữa ngục tù. Trước khi vào tù, Huấn Cao là người anh hùng - vào nhà ngục, Huấn Cao vẫn trong tư thế anh hùng.
Nhưng con người ông không chỉ có như vậy, ông còn mang một thiên lương đặc biệt. Cái tâm trong sáng thuần khiết đằng sau vẻ ngoài kiêu bạc. Huấn Cao có một quan niệm nhân sinh đầy kiêu hãnh: "Ta vốn sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ, cả đời ta cũng mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường". Chỉ một chi tiết thôi nhưng Huấn Cao xứng đáng là một nhân cách lớn và là một nghệ sĩ chân chính vì đã biết đặt cái đẹp lên trên tiền bạc và quyền lực, biết gắn cái đẹp với cái thiện. Huấn Cao còn biết trân trọng những tấm lòng trong thiên hạ khi hiểu rõ sở nguyện cao quý của quản ngục, ông đã hối hận chân thành: "Thiếu một chút nữa là ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ". Câu nói ấy của Huấn Cao đã hé mở một nhân cách lớn: đằng sau vẻ bề ngoài gan góc là một tấm lòng trong sáng, biết yêu thương, quý trọng những con người có nhân cách. Sự biệt đãi về vật chất, sự chăm sóc chu đáo đã không làm trái tim sắt đá kia mềm lòng. Chính tấm lòng chân thành của quản ngục đã thuyết phục được huấn cao và được Huấn Cao nâng lên thành tri kỉ.
Vẻ đẹp tài hoa, khí phách, thiên lương của Huấn Cao còn được thể hiện qua cảnh cho chữ. Cảnh cho chữ là một cuộc kì ngộ - một cuộc gặp lạ giữa những tâm hồn yêu cái đẹp. Huấn Cao - người tử tù có tài viết chữ đẹp vì cảm mến tấm lòng trong thiên hạ của quản ngục mà quyết định tặng chữ. Cho nên việc cho chữ là một việc đền đáp tấm lòng trong thiên hạ - là tấm lòng của kẻ tri ân dành cho người tri kỉ. Người ta thấy ở đây cái tài đang phụng sự cái tâm, cái tâm điều khiển cái tài. Cái tài và cái tâm hóa quyện với nhau.
Nguyễn Tuân đã huy động hệ thống từ ngữ giàu hình ảnh và hàng loạt những nét vẽ tương phản và khắc họa phông nền đặc biệt của cảnh cho chữ với tương phản kép. Trước hết, cảnh cho chữ diễn ra thật khác biệt so với cảnh cho chữ thông thường. Đó là không gian đêm tối yên tĩnh "vỏng tiếng mõ" và trong một buồng "chật hẹp, ẩm ướt , đầy mạng nhện, đất đầy phân chuột phân gián" - không gian tăm tối, bẩn thịu, nơi ngự trị của những xấu xa, thấp hèn. Đây là môi trường đặc biệt để cái đẹp chào đời. Sau đó, đối lập với không gian của nhà ngục tăm tối bẩn thịu là ánh sáng của bó đuốc, là ánh sáng trắng tinh khiết của tấm lụa bạch, là mùi thơm thuần khiết của thoi mục. Những thứ ấy đang làm nên một không gian trong nhà ngục - thế giới tài hoa, khí phách thiên lương. Chính tại nơi đây, ánh sáng của lương tri, của sự tiến bộ, của niềm tin bất diện của cái đẹp đang dần đẩy lùi bóng đêm đen tăm tối của nhà ngục. Tức là cái đẹp được khai sinh từ bóng tối , từ sào huyệt của cái ác nhưng nó đang tự vươn lên tỏa sáng.
Trong lúc đó, hình ảnh Huấn Cao hiện lên lồng lộng giữa chốn ngục tù. Huấn Cao - người nghệ sĩ đang tự do sáng tạo cái đẹp, "một người tù đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa" trong đêm cuối cùng của cuộc đời mình. Người tử tù ấy, không mảy may nghĩ đến cái án tử ngày mai mà dồn hết tâm lực của mình vào từng ô chữ, "nét chữ vuông tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người". Người đọc có cảm giác nét bút kia không chỉ chứa tài hoa tuyệt bích, thiên lương cao cả mà còn chứa cả khí phách anh hùng. Người tử tù đã thực sự trở thành người nghệ sĩ tự do sáng tạo cái đẹp. Huấn Cao đã trở thành ngôi sao sáng bừng tỉnh cái không gian u tối, phá vỡ màn đêm ngự trị ngàn đời ở đây. Huấn Cao đã đem đến cho nơi này một không gian khác không gian văn hóa, một không gian của cái đẹp.
Thêm vào đó, Huấn Cao đã trở thành hình tượng trung tâm làm chủ chốn ngục tù vì đang nắm trong tay quyền uy của cái đẹp. Ấn tượng nhất là tư thế hiên ngang đĩnh đạc của Huấn Cao khi đậm tô nét chữ khi đối lập với tư thế "khúm núm" cất những đồng tiền kẽm của quản ngục, cái "run run" của thầy thơ lại. Từ đấy, trong nhà ngục lúc này có sự thay đổi ngôi vị: kẻ đáng lẽ phải cúi đầu lại đầy khí phách, kẻ nắm trong tay quyền lực lại tỏ ra khúm núm. Tất cả để nói lên một sự thật lãng mạn: Cái đẹp đang thăng hoa và đăng quang trong không gian nhà ngục. Người tù đã trở thành người chiến thắng phi thường.
Vẻ đẹp nhân cách của Huấn Cao còn được thể hiện qua lời khuyên cho quản ngục tựa như một lời di huấn: "thầy quản nên thay chốn đi [...] thầy quản nên tìm về quê mà ở [...] Ta bảo thực thầy đấy". Lời khuyên vừa thiêng liêng vừa chân thành. Đồng thời bộc lộ quan điểm thẩm mĩ của Huấn Cao hay chính là của Nguyễn Tuân:
Cái đẹp phải gắn liền với cái thiện
Cái đẹp không thể chung sống với cái ác
Cái đẹp chỉ nảy nở trong một môi trường mang tính thiện
Sự chân thành ở Huấn Cao khiến quản ngục vái người tù một vái và nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Đây là cái cúi mình cao đẹp trước vẻ đẹp tài hoa khí phách thiên lương, đó là cái cúi mình thức tỉnh của con người một ngửa đời đi trong bóng tối mới tìm thấy ánh sáng của đời mình. Vì vậy, việc Huấn Cao cho chữ quản ngục giống như một cuộc chuẩn giao nhân cách, cái đẹp để nhân cách vời vợi của Huấn Cao và tai năng mang tầm báu vật của ông mãi mãi sinh sôi nảy nở và bất tử. Vậy nên, Huấn Cao đã kịp bất tử hóa tài năng của mình.
Thông qua nhân vật Huấn Cao ta có thể thấy được tài năng của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân vốn có cái nhìn cực đoan về cuộc đời, cái đẹp và cái ác. Cái đẹp thì cao cả thánh thiện mà cái xấu đê tiện thấp hèn. Huấn Cao là nhân vật hiện thân cho nhân cách cao đẹp thánh thiện mà Nguyễn Tuân tôn thờ. Thông qua nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân cũng bộc lộ quan niệm của mình về cái đẹp gồm thiện, cảm hóa và bất tử. Vì thế quan điểm cho rằng Nguyễn Tuân là nhà văn duy mĩ hẳn chưa hoàn toàn chính xác. Bởi ông tôn thờ cái đẹp nhưng đó là cái đẹp hữu ích, có nhân cách, cái đẹp phụng sự cho cuộc đời. Qua hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân thể hiện kín đáo niềm phẫn nộ của đời mình với xã hội và lòng yêu nước thầm kím (một đặc trưng của văn học lãng mạn khi đề cập đến lòng yêu nước). Về nghệ thuật, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện éo le, giàu kịch tính. Từ đó vẻ đẹp của các nhân vật được ngời sáng. Thêm vào đó là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, khả năng sử dụng ngôn ngữ hàm súc giàu hình ảnh mang đậm yếu tố phục cổ, và sử dụng bút pháp đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn: lí tưởng hóa nhân vật, tương phản.
Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm kiếm và ngưỡng vọng cái đẹp. Hội tụ của tài hoa, khí phách, thiên lương ra đời từ niềm say mê ấy. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, có sự thống nhất ở trước và sau cách mạng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top