Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

Bén duyên cùng với núi rừng Tây Nguyên, Nguyễn Trung Thành đã nổi tiếng với tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" viết về những năm tháng kháng chiến ở đây. Sau này, cũng với tình yêu đó, nhà văn đã lại làm nên một cảm hứng mới với truyện ngắn "Rừng xà nu". Với một tình cảm lớn với mảnh đất Tây Nguyên ấy, tác phẩm đã bộc lộ một hình ảnh đầy kiên cương bất khuất của con người trong bối cảnh mới, đó là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Tác phẩm lần đầu tiên được in trên tạp chí Văn nghệ năm 1965, sau này được xuất bản trong tập "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc". Bối cảnh lúc bấy giờ đó là lúc chính quyền Sài Gòn lê máy chém khắp miền Nam, còn tại miền Bắc, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại. Thực ra ban đầu, ông được yêu cầu viết một truyện ngắn về đồng bằng, song nhà văn lại không thể tìm được cảm hứng với vùng đất đó nên ông đã quay trở về đề tài Tây Nguyên, một nơi mà ông đã nhiều năm gắn bó sâu nặng. Lúc mới viết ông không có một ý tưởng hay một cốt truyện nào, nhưng thay vào đó hình ảnh cây xà nu dần lan tỏa trong ông và xuyên suốt từ nhan đề cho đến nội dung truyện ngắn. Nguyễn Trung Thành từng gặp loài cây này ở biên giới Việt Lào khi ông tiễn bạn mình ra chiến trường. Ông lập tức bị cuốn hút bởi loài cây "hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi thân cây đều cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông". Những cây xà nu này đã trở thành nguonf cảm hứng đầu tiên với Nguyễn Trung Thành để ông viết tuyệt bút "Rừng xà nu".

Hình tượng cây xà nu đã chiếm vị trí then chốt trong toàn tác phẩm từ nhan đề cho đến kết thúc. Trong bài không dưới 20 lần tác giả nhắc tới hình tượng xà nu: khói xà nu, câu xà nu, nhựa xà nu, lửa xà nu,...những hình ảnh xà nu được nhắc đến trong bài đã mang đến chất sử thi cho tác phẩm. Một mặt, cây xà nu chính là một trong những loài cây tiêu biểu cho phong cảnh cũng như đời sống bao đời của người dân vùng núi. Mặt khác, đó là biểu tượng của sức mạnh bất diệt cháy trong lòng mỗi con người trước cuộc kháng chiến trường kỳ của toàn dân.

Không chỉ có vậy, cây xà nu đã được miêu tả trong sự gắn bó với toàn dân, và lịch sử hào hùng. Xà nu tham gia vào mọi biến cố và mọi chuyển động của dân làng. Từng hình ảnh cây xà nu xuất hiện trong bài đã vẽ nên được bức tranh của một thân thể cây mạnh mẽ với sức mạnh được khai thác một cách triệt để  và đã lập nên được nhiều chiến công lớn. Thêm vào đó, cây xà nu cũng chính là biểu tượng cho các thế hệ dân làng. Trước tiên, thế hệ cụ Mết được so sánh với cây xà nu cổ thụ. Đó là những cây tuổi đã cao, nhưng nó đã "ướn tấm ngực mình ra che cho dân làng". Cây xà nu ấy dường như không mất đi sức mạnh theo tuổi tác, trái lại nó lại làm nên một sức mạnh to lớn hơn nhiều những gì mà bọn Mĩ - Diệm nghĩ. Nhưng góp phần vào đó, thế hệ Tnú, Mai được so sánh với cây xà nu trưởng thành. Sức trẻ, nhiệt huyết trong từng cây đó đã lãnh đạo dân làng đứng lên trong từng cuộc chiến đấu. Những cây xà nu trưởng thành có thể đạn pháo làm bị thương, nhưng "những vết thương của chúng chóng lành như một thân thể cường tráng". Và những búp non của những cây xà nu mới mọc như bé Heng, "cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên thẳng lên bầu trời". Đấy chính là những thế hệ sẽ nối tiếp truyền thống cách mạng của dân tộc để cầm chắc tay súng đứng lên chống giặc ngoại xâm. Từ đấy, nhựa sống và sức mạnh của cây xà nu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những cây cổ thụ tiếp lửa cho cây con cây cháu, làm nên sự vĩnh cửu. Cây xà nu đã trở thành "chủ âm", thành khúc tráng ca trong truyện ngắn này.

Cũng từ đây, xà nu đã là một biểu tượng nghệ thuật nhiều ẩn chứa. Ý nghĩa biểu tượng của cây xà nu trước hết biểu tượng bằng ý nghĩa hiện thực. Đấy là một thiên nhiên đẹp đẽ của vùng đất Tây Nguyên. Khó có loài cây nào có thể diễn tả được cái đẹp, cái hùng vĩ của mảnh đất nơi đây được như cây xà nu. "Đứng trên ngọn đồi trông ra xa chỉ toàn là những cây xà nu thẳng chạy tắp tới tận chân trời". Ấy là một sự vô tận của đất rừng, của mây trời nơi đây. Tây Nguyên hiện lên thật to lớn và hùng vĩ trước mắt. Đọc câu chuyện, ta còn cảm nhận được những hạt phấn vàng của cây xà nu, hay hương thơm của những tán cây từ "nắng trên cao rọi xuống". Đó chính là vẻ đẹp đặc trưng, một gia vị cho cuộc sống đầy hương vị của miền đất hùng vĩ.

Song hình tượng cây xà nu không chỉ xuất hiện với ý nghĩa hiện thực mà còn mang ý nghĩa biểu tượng. Đầu tiên, đó là biểu tượng cho đau thương mất mát. Ngay từ đầu câu chuyện, Nguyễn Trung Thành đã nói tới những trận đại bác của giặc dội xuống những tấm cây nơi đây "làng ở trong tầm đại bác của giặc, chúng nó bắn, đã thành lệ". Dữ dội hơn "Hầu hết đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn". Đó là điệp khúc bi tráng của bom đạn, của đấu tranh khốc liệt. Nhà văn đã sử dụng một hệ thống các hình ảnh thiên nhiên, đặc biệt là biện pháp nhân hóa để tô đậm ấn tượng về một khu rừng bị tàn phá nặng nề tới mức "hàng vạn cây không cây nào không bị thương". Nhìn vào góc rừng nào tao cũng thấy dáng vẻ đau thương "có những cây bị chặt đứt ngay nửa thân mình, đổ ào như một trận bão". Có những vết thương trên thân cây "nhựa ứa ra...bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn". Có những cây con "nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm sau thì cây chết". Qua cách miêu tả của Nguyễn Trung Thành, ta có thể thấy được những đau thương đến tột cùng của người dân. Trong đó là bao nhiêu mất mát về vật chất, về tinh thần và đặc biệt là cả về con người: "Chúng nó treo cổ bà Nhan, anh Xút lên thân cây vả. Rồi chúng nó còn đánh chết mẹ con Mai khi đứa bé còn chưa được đầy tháng, Tnú bị đốt mười đầu ngón tay, mỗi ngón chỉ còn hai đốt. Những câu văn của Nguyễn Trung Thành rưng rưng nỗi niềm thương cảm xót xa đối với những mất mát ấy, những sự mất mát đã thấm vào đến máu xương của con người.

Hình tượng xà nu còn tượng trưng cho sức mạnh bất diệt của dân làng Xô Man. Điệp khúc của bom đạn không thể tiêu diệt được màu xanh của những cây xà nu nên "Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên" để thay thế những cây đã ngã xuống. Thậm chí nhiều cây mình đầy thương tích nhưng tán vẫn xum xuê, "vết thương của cây chóng lành như một thân thể cường tráng". Cho nên bất chấp hàng loạt đại bác dội xuống, rừng xà nu vẫn hừng hực như những tráng sĩ trong thiên sử thi Tây Nguyên, "ước tấm ngực của mình ra che chở cho dân làng". Sức sống mãnh liệt của cây xà nu đan dệt làm màu xanh bất diệt ngút ngàn như đại dương xanh: "nối tiếp nhau tới chân trời". Điệp khúc của sức sống ấy đang thách thức bom đạn của chiến tranh.

Sức sống mãnh liệt cũng chính là phẩm chất đặc trưng cho những con người của vùng đất Tây Nguyên. Những cây già ngã xuống, cây khác mọc lên "nối tiếp nhau tới chân trời". Cụ Mết không còn thì còn anh Quyết, anh mất thì Tnú và Mai sẽ đứng lên, rồi Tnú sẽ lại thấy mình trong bé Heng nối dài ngọn súng chiến đấu với giặc. Sức sống mãnh liệt ấy không có giới hạn, bởi đó chính là một dòng máu muôn đời sẽ mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nhưng ngoài sức sống mãnh liệt, cây xà nu còn là biểu tượng cho khát vọng tự do của người dân Xô Man. Trong rừng xà nu, cây nào cũng có dáng đứng thẳng, cao mạnh mẽ ,"hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời". Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến như thế: "nó phóng lên nhanh để tiếp lấy ánh nắng". Mặc cho bom đạn tàn phá, những cây xà nu vẫn đứng thẳng, vẫn đủ sức chiến đấu với ngoại cảnh. Nó đang thách thức bom đạn dội xuống, cố gắng vươn cao lên để đón lấy ánh nắng tinh khôi của bầu trời. Đó cũng chính là hình ảnh của dân làng Xô Man. Họ mang trong mình một sự nghiệp to lớn. Dẫu kẻ thù hăm dọa, Tnú vẫn đi bộ đội, Dít vẫn thay Mai làm sự nghiệp cách mạng dở dang. Khát vọng sống, khát vọng tự do như một phẩm chất vĩnh cửu trong mỗi người dân nơi đây.

Nội dung của tác phẩm đã được nhà văn Nguyễn Trung Thành tô điểm bằng một bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Nhà văn đã kết hợp miêu tả bao quát và cụ thể bằng thủ pháp điệp ảnh. Ống kính của Nguyễn Trung Thành lúc quay ra xa để bao quát toàn cảnh, lúc lại gần để miêu tả vóc dáng đau thương mà kiêu hãnh của từng cây giúp người đọc có cái nhìn vừa bao quát, vừa cụ thể. Để làm được điểu đó, ông đã sử dụng nhiều giác quan để miêu tả : khứu giác, vị giác (thân cây mỡ màng) và thị giác. Từ đây ta có được một cái nhìn đa chiều dưới nhiều góc độ về hình ảnh cây xà nu. Thêm vào đó là thủ pháp nghệ thuật so sánh thường xuyên để đối chiếu thiên nhiên với con người "Cứ thế hai ba năm nay RXN ưỡn tấm ngực lớn...". Cũng có khi Nguyễn Trung Thành so sánh con người với cây xà nu. Câu văn cũng bộc lộ sự thiết tha, biểu cảm, đặc biệt là nghệ thuật, trùng điệp (đoạn văn mở đầu và kết thúc trùng điệp hình cảnh xà nu).

Hình tượng cây xà nu là một thành công của Nguyễn Trung Thành. Bằng một cảm hứng lãng mạn và giàu hình ảnh, nhà văn đã thể hiện được một hình tượng cây xà nu mạnh mẽ, bi tráng, bất diệt đồng thời so sánh nó với con người. Hình tượng xà nu đi đôi với hình ảnh dân làng Xô Man, cũng là biểu tượng cho con người cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ. Với ngòi bút văn chương được thể hiện qua truyện ngắn rừng xà nu, tác giả quả thật đã biến chính ngòi bút đó thành ngòi bút của một họa sĩ rất thành công với hình tượng "cây xà nu". 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: