Giá trị nhân đạo


Tô Hoài là một nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam, các sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường với lối viết giản dị, gần gũi, thông tục. Truyện ngắn " Vợ chồng A Phủ" in trong tập "Truyện Tây Bắc" là một tác phẩm tiêu biểu, sau hơn nửa thế kỉ, đến nay vẫn giữ nguyên vẹn sức hút với nhiều thế hệ người đọc. Có được thành công như vậy là vì truyện ngắn không chỉ mang giá trị hiện thực sâu sắc mà còn thể hiện rõ giá trị nhân đạo cao cả.

Giá trị nhân đạo là một thuật ngữ, chỉ một giá trị của tác phẩm văn học. Một tác phẩm mang giá trị nhân đạo là một tác phẩm thể hiện sâu sắc giá trị con người, tình yêu thương, sự đồng cảm, ca ngợi những phẩm chất và bảo vệ quyền con người. Giá trị ấy được thể hiện trên nhiều phương diện như đề tài, chủ đề các tình huống, chi tiết trong tác phẩm.

   Đối với tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", giá trị nhân đạo được thể hiện ngay từ đề tài, chủ đề của tác phẩm. Ngay nhan đề "Vợ chồng A Phủ", tác giả đã thể hiện tư tưởng cốt lõi, chủ đạp của truyện. Đọc nhan đề, ta có thể hình dung ra ngay cuộc đời của một đôi vợ chồng người Mèo vùng núi trước cách mạng tháng tám, chịu bóc lột dưới ách thống trị của bọn phong kiến, thực dân đồng thời ca ngợi sự đổi đời của họ khi cách mạng về.

Tác phẩm còn thể hiện sâu sắc sự đồng cảm, tình thương yêu của nhà văn đối với con người. Tô Hoài đồng cảm với số phận của những người phụ nữ qua nhân vật Mị. Trong tác phẩm, Mị là một cô gái xinh đẹp nhất vùng, bao chàng trai theo đuổi, chăm chỉ lao động, tràn đầy sức sống và khát vọng tự do. Nàng còn là một người con hiếu thảo khi chấp nhận gả cho nhà thống lý Pá Tra để trả nợ cho cha và cũng vì hiếu thảo nên dù có uất ức đến mức trốn chạy và định ăn lá ngón tự tử thì khi nhìn thấy người cha già không co khả năng trả nợ nàng lại không đành lòng ra đi. Cuộc sống của nàng trên danh nghĩa là con dâu nhưng thực chất là người ở của nhà giàu ấy cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và khổ cực. Hằng ngày nàng làm đi làm lại những công việc như giặt đay, xe đay, lên nương bẻ bắp, hái củi, bung ngô,... Và mấy năm trôi qua, cái cuộc sống khốn khổ ấy đã giết chết cuộc đời của một cô gái trẻ " ở lâu trong cái khổ, Mị đã quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị cũng tưởng mình là con trâu, mình là con ngựa, là con ngựa phải đổi từ cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi" và Mị đã trở thành " lùi lũi như con rùa nuôi nơi xó cửa". Nhưng thân phận nàng trong cái gia đình này có khi còn chẳng bằng những loài động vật ấy, Tô Hoài so sánh đầy chua chát " con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà, con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày". Không chỉ Mị, A Phủ cũng là một người mang số phận bất hạnh. A Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ và anh em đều đã mất trong một trận dịch, tuổi thơ thì bị bắt đem bán, lớn lên thì đi làm thuê khắp nơi. Tuy là một chàng trai mạnh khỏe, giỏi giang, chăm chỉ được nhiều cô gái ngưỡng mộ nhưng A Phủ không thể lấy vợ vì không có cha mẹ, không có ruộng, không có bạc. Vì đánh nhau với A Sử trong đám chơi xuân, A Phủ đã bị bắt về nhà thống lí, bị đánh đập dã man phạt vạ 100 đồng bạc trắng và từ đó con người yêu tự do đã trở thành đứa ở gạt nợ cho nhà thống lý. Và vì làm mất bò của nhà thống lý, A Phủ bị trói vào cột, bị bỏ đói, bỏ khát cho đến chết thì thôi . những tưởng số phận của A Phủ đến đây là kết thúc nhưng không, A Phủ được Mị cứu và hai người cùng chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

   Giá trị nhân đạo còn được thể hiện khi nhà văn đã phát hiện, trân trọng và ngợi ca những nét đẹp tâm hồn của người nghèo miền núi. Đó là vẻ đẹp phẩm chất và sức sống của Mi. Mị là một người con hiếu thảo và cũng là một người con gái khát khao tự do. Dù trong hoàn cảnh tù túng, bị bóc lột, bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần, dù nhìn bề ngoài tưởng Mị chỉ còn là cái xác không hồn thì bên trong Mị một ngọn lửa phản kháng vẫn đang cháy âm ỉ, chỉ chờ ngày bộc phát. Trong đem hội mùa xuân, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, nàng muốn đi chơi. Đó là kết quả của men rượu và tiếng sáo thôi thúc trong lòng, của quá khứ tươi đẹp của mình. Mị nhân ra mình vẫn còn trẻ và cô lại muốn sắm sửa quần áo để bước ra ngoài hòa vào không khi hội xuân. Chỉ là trong suy nghĩ và chưa đi đến kết quả, nhưng chỉ một ý niệm ấy thôi của Mị cũng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của cô chưa bao giờ tắt và nó đang cháy rực lên trong lòng. Tuy nhiên, khi chồng cô, A Sử về hắn đã trói cô lại, cuộc phản kháng bị ngăn cản. Nhưng nó không hề tắt, nó chỉ tạm thời bị lớp tro tàn vùi lại, chờ ngày gió thổi qua để cháy lên. Và trong đêm mùa đông, khi nhìn thấy dòng nước mắt bò trên má của A Sử, cảm xúc bấy lâu tưởng như đã mất của cô lại ùa về. Cô nhớ về người đàn bà trước đây chết trong nhà, cô nhớ ngày năm trước cô cũng bị trói đứng thế này, nhiều lần khóc mà không lau đi được. Cô thương A Phủ, cô thương bản thân mình phải sống kiếp trâu ngựa. Từ thương người cho đến thương mình, cô chợt nhận thứ ra điều bất công trong cuộc sống "vì sao người này phải chết?" và cô sẵn sàng hi sinh bản thân mình để cứu chàng trai vô tội ấy. Tình thương đã khiến cô có hành động vô cùng dũng cảm là cắt trói cho A Phủ để anh chạy trốn. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, khi sức sống mãnh liệt trỗi dậy, cô đã chạy trốn theo A Phủ để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn mà mình đáng được nhận.

"Vợ chồng A Phủ" là một tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thống trị miền núi. Chúng dùng hình thức cho vay nặng lãi để chi phối số phận con người. Chúng cướp đi quyền sống, quyền tự do của những người dân lao động như A Phủ, như Mị. Chúng đối xử với con người chẳng khác gì con trâu, con ngựa, chúng bóc lột sức lao động bắt những người dưới quyền chúng làm việc quanh năm suốt tháng, không một ngày nào được nghỉ ngơi. Không chỉ về thể xác và vật chất, chúng còn cướp đi quyền hạnh phúc của con người khi cướp vợ, chia cách Mị và người yêu, chia cách gia đình người khác.

Đồng thời, tác phẩm còn ca ngợi quá trình đấu tranh, tự giải phóng, giác ngộ cách mạng của những con người lao động nghèo khổ vùng núi Tây Bắc. Mị và A Phủ đã đấu tranh cho tự do và hạnh phúc khi Mị cắt dây trói, giải cứu cho A Phủ cũng như đồng thời giải thoát cho chính mình, hai người đã cùng nhau chạy trốn, chấp nhận việc nếu bị bắt thì cả hai sẽ phải chết. Vì sau khi chạy trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa, Mị và A phủ đã được giác ngộ cách mạng, tham gia vào du kích bảo vệ bản làng, bảo vệ quê hương. Quá trình vợ chồng A Phủ đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ nô lệ đến cuộc sống làm người tự do, đó cũng chính là nhà văn đã mở ra một hướng giải thoát cho số phận con người. Đây là điểm mới của giá trị nhân đạo trong các tác phẩm văn học sau cách mạng tháng tám so với văn học hiện thực trước đây.

Qua việc miêu tả số phận của hai nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã làm sống lại trước mắt người đọc cả quãng đời tăm tối, cơ cực của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn quan lại, chúa đất phong kiến. Quá trình giác ngộ cách mạng của vợ chồng A Phủ tiêu biểu cho con đường đến với Đảng, với cách mạng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Qua các hình tượng văn học trong tác phẩm, tác giả gián tiếp khẳng định chỉ có cách mạng mới giải phóng con người ra khỏi ách thống trị đầy áp bức bất công, giúp con người vươn tới cuộc sống tự do, hạnh phúc. Đó chính là giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn của tác phẩm. Giá trị này giúp truyện đứng vững trước thử thách của thời gian và vẫn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca