Bức tranh thiên nhiên nổi bật cái tôi trữ tình
Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Ông nổi tiếng với hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại đau đớn, giằng xé giữa thể xác và tâm hồn. "Đây thôn vĩ dạ" là một bài thơ tiêu biểu cho thơ ông. Cảm hứng thơ được khơi nguồn từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với một cô gái ở thôn Vĩ tên là Hoàng Thị Kim Cúc. Bài thơ là bức tranh đẹp tuyệt vời về cảnh sắc thiên nhiên và hình ảnh con người xứ Huế. Đặc biệt, bức tranh ấy đã làm nổi bật cái tôi trữ tình đau thương và luôn khao khát hướng về sự sống của Hàn Mặc Tử.
Vĩ Dạ là chốn quê của Hoàng Cúc, là chốn cũ nơi Hàn Mặc Tử đã từng đặt chân. Đó là một thôn nhỏ ven sông Hương, cạnh cố đô Huế. Có thể nói, thần thái của thôn Vĩ là những vườn cây bao quanh nhà, gắn bó với ngôi nhà thành một cấu trúc xinh xắn. Và đó cũng chính là nơi thức dậy những tiếng lòng đầy uẩn khúc của tác giả.
"Sao anh không về chơi thôn vĩ"
Bài thơ được mở đầu bằng một câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái ý nghĩa: giống như lời trách móc của cô gái với người thương, cũng giống như lời mời gọi tha thiết, lại càng giống như sự phân thân của tác giả khi tự hỏi, tự giãi bày, tự trách chính mình. Câu thơ chất chứa bao nhiêu tâm trạng, ẩn giấu bao nhiêu nỗi niềm của thi nhân mà ẩn sâu trong đó là nỗi băn khoăn trăn trở của tác giả: liệu có còn kịp quay lại thôn Vĩ nữa hay không? Tự sâu thẳm trong lòng, hẳn Hàn Mặc Tử vẫn tha thiết, khát khao được trở lại thôn Vĩ một lần. Ước muốn ấy tưởng chừng như đơn giản vô cùng nhưng lại rất xa vời đối với nhà thơ. Nhớ đến thôn Vĩ, nhà thơ liền nhớ đến cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ:
"Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?"
Cau là loài cây cao nhất trong vườn, là loài cây được đón ánh nắng ban mai sớm nhất trong ngày. Cho nên, hình ảnh "nắng hàng cau" là một hình ảnh vô cùng tinh khôi, trong trẻo, ấm áp, trong lành, làm bừng sáng một thôn Vĩ tươi đẹp trong kí ức nhà thơ. Câu thơ tiếp theo giống như một tiếng reo mừng đầy thích thú và ngỡ ngàng: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc". Tác giả so sánh màu sắc của vườn cây là "xanh như ngọc", để thể hiện một màu xanh trong suốt, tinh khôi, để tô đậm vẻ đẹp của khu vườn. Cảnh thôn Vĩ được Hàn Mặc Tử miêu tả chỉ qua một vài nét, song, ta vẫn thấy toát lên được sự yêu mến, say đắm của nhà thơ. Và trong bức tranh cảnh đó, ta cũng thấy hình ảnh người con gái xứ Huế hiện lên với khuôn mặt chữ điền. Theo quan niệm, mặt "chữ điền" tượng trưng cho phẩm chất ngay thẳng và trung hậu. Hình ảnh "lá trúc che ngang" gợi nên vẻ đẹp kín đáo của người con gái ấy, tạo nên sự cân xứng, hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Đó cũng chính là hình ảnh mà tác giả hằng mộng ước. Câu thơ vừa mang vẻ đẹp tạo hình đơn thuần, vừa mang tính tượng trưng đầy thi vị. Có thể nói khổ thơ đầu mang nặng những hồi ức và kỉ niệm của tác giả, phảng phất nỗi ngậm ngùi tiếc nuối nhưng nhanh chóng chìm đi khi tâm hồn thi nhân bị cuốn vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Khổ thơ thứ hai miêu tả khung cảnh xứ Huế trong đêm trăng huyền ảo. Tuy nhiên, ta lại thấy cảnh vật không còn êm ái mà nhuốm màu chia li, tan tác:
"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"
"Gió" và "mây" trên thực tế vốn là hai hiện tượng thiên nhiên luôn đi liền với nhau: gió thổi mây trôi. Và trong văn học, "gió" và "mây" cũng là hai hình ảnh lãng mạn song hành. Thế nhưng, trong khổ thơ, chúng lại đi ngược với quy luật của đất trời mà chia lìa, phân cách. Có lẽ, gió và mây ở đây chính là gió và mây trong tâm cảnh của nhà thơ, nó mang tâm trạng của người trong cảnh. Hàn Mặc Tử nhớ Vĩ Dạ, tha thiết ước ao được một lần trở về nơi ấy nhưng không thể, cho nên sự bất lực ấy, nỗi buồn ấy mới lan ra cả cảnh vật. "Dòng nước buồn thiu" là vì thấm màu buồn của tâm cảnh hay vì nhuốm nỗi buồn của ngoại cảnh? Từ "buồn thiu" đã được tác giả sử dụng rất có chủ ý với nghệ thuật nhân hoá, biến dòng sông thành một thực thể có hồn, có tâm trạng. Cảnh buồn còn được cảm nhận qua động từ "lay". Dường như chữ "lay" của Hàn Mặc Tử mang nỗi buồn từ ca dao dân ca:
"Ai về giồng dứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em"
Thiên nhiên vẫn đẹp nhưng cũng thật lạnh lẽo, nó mang đầy tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước sự xa cách, thờ ơ của cuộc đời đối với mình.
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"
Dù buồn nhưng tâm hồn thơ của tác giả vẫn chan chứa tình yêu. Hai câu thơ cuối khổ gợi cho ta một không gian vừa thực lại vừa huyền ảo với ánh trăng tràn ngập: thuyền trăng, bến trăng, sông trăng. Hình ảnh con thuyền gợi cho ta liên tưởng nhiều chiều. "Thuyền" ở đây có thể là thuyền của người thôn Vĩ, cũng có thể là con thuyền của chính tác giả. Thuyền trăng có thể là con thuyền chở đầy ánh trăng, cũn có thể là vầng trăng cong cong giống như con thuyền. Đặc biệt, hình ảnh "bến sông trăng" gợi cho ta một liên tưởng kì thú: trăng soi bóng nước, chảy thành dòng, dát vàng mặt nước, gọi là sông trăng. Rõ ràng, dòng sông đã chảy từ cõi thực vào cõi mộng, tuy thực mà huyền ảo, rồi lại huyền ảo đến siêu thực. Câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ gợi cho ta một nỗi mong chờ, một niềm cô đơn, một sự thấp thỏm lo âu của tác giả. Tại sao lại là "kịp tối nay" mà không phải các tối khác? Dường như nếu không phải ngay "tối nay" thì mọi khát khao, mọi hi vọng của nhà thơ đều sẽ bị dập tắt. Có lẽ, "trăng" không chỉ là một hình ảnh gợi nhớ, một hình ảnh mang hi vọng mà còn là tri âm tri kỉ của nhà thơ. Ta cảm nhận được tâm trạng của thi nhân: quằn quại trong bệnh tật nhưng vẫn không ngừng hi vọng được giao cảm với đời. Chính vì vậy, đây là khổ thơ hay nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với người đọc.
Nếu hai khổ thơ đầu Hàn Mặc Tử thiên về cảnh vật thì khổ thơ cuối chính là tâm sự của nhà thơ khi giọng thơ đã từ gấp gáp, khẩn khoản chuyển sang khắc khoải thông qua nhịp điệu câu thơ.
"Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra"
Từ "mơ" đặt ở đầu khổ thơ có thể được hiểu là "ước mơ", cũng có thể là "giấc mơ". Phải chăng Hàn Mặc Tử luôn đặt bóng hình người con gái ấy trong tim, trong hồn để đến nỗi còn theo cả vào giấc mơ, hay là nỗi nhớ quá da diết khiến thi nhân luôn mơ về? Thế nhưng, dù là mơ thì cũng chia lìa, xa cách. "Khách đường xa" thậm chí còn xa lạ hơn cả đại từ "ai", xa lạ rất nhiều so với câu hỏi mở đầu bài thơ. Ấy thế mà "khách đường xa" được tác giả điệp đến 2 lần, giống như đang phá vỡ một giấc mơ, nó gợi nên một bóng hình đang rời bước xa dần, không thể níu kéo lại được. Bóng người ấy đi xa, chỉ để lại một màu áo trắng đến mờ ảo, trắng đến nhạt nhoà. Màu trắng tượng trưng cho hình ảnh chiếc áo dài của người con gái. Phải chăng tác giả cũng muốn nhắc đến sự tinh khôi, trong sáng, thánh thiện của người con gái ấy, một vẻ đẹp luôn khắc sâu trong tim ông?
"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà"
Phải chăng sương khói xứ Huế đã khiến bóng hình ai nhạt nhoà hay "sương khói" ở đây là chỉ những chông gai, biến cố của cuộc đời khiến con người ta mờ mắt? Giữa nhân gian đầy bụi bặm, liệu người có còn ghi tạc tình xưa? Câu thơ cuối là một câu hỏi nghi vấn nhưng thực ra là tan vỡ hi vọng về một mối tình trong tâm tưởng: "Ai biết tình ai có đậm đà". Ta không rõ nhà thơ đang hỏi người phương xa hay tự vấn chính mình. Câu hỏi cũng như tiếng than đầy thắt ruột của một con người có cuộc đời dang dở mà tình yêu cũng dang dở.
Nếu khổ thơ đầu là khu vườn đẹp, khổ thơ thứ hai là ánh trăng đẹp thì đến khổ thơ cuối là hình bóng đẹp. Thế nhưng tất cả những hình ảnh đẹp ấy đều nằm ngoài tầm tay của Hàn Mặc Tử. Cái tôi trữ tình trong bài thơ tồn tại mãnh liệt nhưng quằn quại đau đớn. Đó là cái tôi của một con người đầy bi kịch, cái tôi của nỗi buồn đau chia ly nhưng cũng là cái tôi của sự khát khao sống, yêu đời, yêu hạnh phúc mãnh liệt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top