Giáo Dục đào tạo


Thiết chế giáo dục là hệ thống các cách thức, các quy tắc, các chuẩn mực chính thức và phi chính thức quy định và điều chỉnh hành vi, hoạt động của các cá nhân và tổ chức trong quá trình lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội.

Dưới góc độ tiếp cận của chuyên ngành xã hội học, thiết chế giáo dục chính là cách thức tổ chức hành vi, hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Trong mỗi điều kiện lịch sử thì thiết chế giáo dục lại đảm nhiệm những vị trí, vai trò và chức năng khác nhau.

Ví dụ: Trong xã hội phong kiến, hệ thống đào tạo và chế độ thi cử rất khắt khe. Cá nhân phải trải qua quá trình học tập, tu dưỡng đạo đức lâu dài, lấy nội dung tư tưởng Nho giáo làm trọng tâm: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", muốn làm quan thì phải đỗ các kì thi hương, thi hội, thi đình...Nhưng ở xã hội Việt Nam hiện nay, tất cả những trẻ em đều có quyền được học tập, xã hội đào tạo và giúp cá nhân hoàn thiện những giá trị: "chân, thiện, mỹ", lấy mục tiêu giáo dục là hoàn thiện "đức, trí, thể, mỹ" cho mỗi cá nhân. Về bản chất là không khác nhau trong bối cảnh lịch sử nhưng những thiết chế giáo dục này đã dần biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Không chỉ vậy, thiết chế giáo dục được thiết lập nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Ví dụ: thiết chế giáo dục của Việt Nam được quy định thông qua các văn bản pháp luật như: Luật giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật bình đẳng giáo dục...hay thông qua các quy tắc bất thành văn: "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ hậu học văn"... Nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục, khuyến khích cá nhân không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hiện nay, hệ thống giáo dục Việt Nam đang được đổi mới, cải cách mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn trong vai trò của thiết chế giáo dục đối với đời sống xã hội và cá nhân. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Đào tạo, hầu hết các sinh viên ra trường đều có được việc làm nhưng tỷ lệ người có được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo dưới 20%. Chính vì thế, hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp thường phải được đào tạo lại tại nơi mà họ được tuyển dụng từ 6 tháng tới 1 năm. Tất nhiên, cũng có một số (nhưng rất ít) người không cần đào tạo lại vẫn làm việc tốt. Cái mà giáo dục đại học cần hướng tới đó là đại đa số sinh viên ra trường đều có thể bắt tay vào công việc được đào tạo, đáp ứng cơ bản những yêu cầu của công việc đó. Việc phải đào tạo lại sinh viên mới tốt nghiệp đã tạo một sức ép lớn lên các doanh nghiệp trong việc sử dụng những người được coi là đã được đào tạo nhưng lại không hiểu vai trò, trách nhiệm và công việc của mình tại nơi làm việc. Có thể khẳng định rằng, đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng. Các quy định, quy tắc về hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam chưa đảm bảo phát huy hết hiệu quả và hơn lúc nào hết, thiết chế giáo dục cần thay đổi và nhanh chóng giải quyết tình trạng trên.

Riêng đối với cá nhân, mục tiêu hàng đầu của thiết chế giáo dục là làm cho cá nhân nhận thức, thái độ và cách ứng xử phù hợp. Điều đó có nghĩa là thiết chế giáo dục có chức năng hình thành và phát triển khuôn mẫu hành vi, những kĩ năng mà nền kinh tế đòi hỏi và tạo ra các giá trị chuẩn mực mà xã hội cần có ở mỗi cá nhân.

Ví dụ: Hiện nay, sự bùng phát của nạn bạo lực học đường tại Việt Nam đang là một đề tài thời sự nóng bỏng, và tương lai của đề tài này sẽ còn kéo dài vì sự gia tăng bạo lực mỗi ngày ở các trường học, nhất là trong các trường học ở thành thị. Theo số liệu được đưa ra tại "Hội thảo giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/07/2010 thì trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến ngày diễn ra hội thảo, các trường trên toàn quốc đã xử lý kỷ luật, khiển trách gần 900 học sinh, buộc thôi học hơn 730 học sinh và cảnh cáo gần 1.600 học sinh do tham gia vào các vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Nhìn những con số "ấn tượng" trên đây, chắc nhiều người sẽ hình dung ra bức tranh về bạo lực học đường tại Việt Nam hiện nay "tối" đến mức nào. Bất chấp những lời cảnh báo của các cơ quan chức năng, của những người làm công tác giáo dục... nạn bạo lực học đường vẫn không hề suy giảm mà càng ngày càng diễn biến phức tạp. Do vậy, thiết chế giáo dục cần đề ra những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa đồng thời kết hợp với thiết chế gia đình, nhà trường để giải quyết những bất cập trên.

Thiết chế giáo dục quy định hành vi, hoạt động của toàn bộ hệ thống tổ chức giáo dục bao gồm các cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng...

Ví dụ: Có lẽ xem xét cách tổ chức đào tạo và giáo dục trong xã hội hiện đại sẽ thấy rõ quy mô đồ sộ và phức tạp, thu hút sự quan tâm của xã hội như hoạt động tuyển sinh vào cao đẳng, đại học ở Việt Nam. Để đảm bảo được tính hiệu quả của hoạt động này, thiết chế giáo dục luôn phải đề ra những quy tắc nghiêm ngặt, chính sách đúng đắn, thay đổi phù hợp với bối cảnh xã hội.

Nói tóm lại, thiết chế giáo dục luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển đời sống xã hội nói chung và cá nhân nói riêng, luôn luôn hoàn thiện và không ngừng phát huy vai trò đặc biệt đó.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: