Bình giảng đoạn thơ cuối trong bài "Tràng Giang"

Huy Cận viết Tràng giang khi tuổi đời mới tròn 21. Nỗi buồn tràng giang như một nỗi ám ảnh lan tỏa khắp không gian vũ trụ, hoàn toàn vắng bóng giai nhân mà chỉ đơn độc một nỗi niềm của một người “sống trên quê hương nhưng luôn cảm thấy thiếu quê hương”. Chỉ đến khổ thơ cuối, tâm hồn của chàng trai Huy Cận mới tìm thấy chốn neo đậu:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà 

Khi tác giả viết Tràng giang, Thơ Mới đã đi được một chặng đường khá dài và khẳng định sự chiến thắng tuyệt đối của cái tôi cá nhân cá thể theo nghĩa tuyệt đối của nó. Nhiều phong cách thơ đã định hình những diện mạo riêng, nhưng chính Huy Cận đã gom tất cả những nỗi niềm riêng ấy hội tụ trong một sắc thái tâm tình đặc trưng của thơ lãng mạn Việt Nam, đúng như Hoài Thanh – Hoài Chân nhận xét trong bài viết "Một thời đại trong thi" ca của cuốn Thi nhân Việt Nam: “…động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận“. Trong sự yếm thế, bế tắc trên hành trình Thơ Mới, tất yếu các nhà thơ lãng mạn muốn giữ chút trong sạch thánh thiện tuyệt đối cho tâm hồn cũng hành xử như các nhà thơ xưa: tìm về thiên nhiên như chốn trú ẩn dung dưỡng cho tâm hồn. Huy Cận có hẳn một vũ trụ sầu, như tổng hòa nỗi sầu xưa và nay, cổ điển và lãng mạn, với tâm tư riêng của người trí thức tiểu tư sản hoang mang trước thời cuộc và cả nỗi niềm chung của một dân tộc mang nỗi hờn vong quốc nô! Hoài Thanh đã có lý khi cho rằng Huy Cận “đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á, đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”.

Muốn hiểu thực chất nỗi buồn Huy Cận, có lẽ cũng cần điểm lại sắc thái nỗi buồn trong ba khổ thơ trước: nỗi buồn của sóng nước, bãi bờ, của “sầu trăm ngả”, của “thuyền xuôi mái”, của “bến cô liêu”. Cảnh vật khắc họa tâm trạng con người bơ vơ, lạc lõng, héo hắt như “củi một cành khô”. Đi tìm mà chẳng thấy “gợi chút niềm thân mật”, đắm mình trong cái lặng lẽ nghìn trùng của con nước tràng giang. Sầu cho thân phận vô dụng lạc loài, sầu cho nhân thế mây trôi “bèo dạt”, sầu cho quê hương “lặng lẽ”, “đìu hiu”. Ta như nghe vọng nỗi niềm Bạch Cư Dị đời Đường “Yên ba sầu sát nhân” (khói sóng sầu thương chết người) trong nỗi sầu đậm đặc của Huy Cận.

Mà như thế thì có khác nào Huy Cận đi lại lối mòn thơ cũ, khi hòa tâm trạng vào với thiên nhiên lại cảm thấy sự cô đơn rợn ngợp dâng lên trong lòng mình? Đỉnh điểm nỗi sầu kết đọng thành tứ thơ kết, bắt đầu bằng cảm nhận bao quát toàn cảnh tràng giang:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Câu thơ tả thực rất chính xác khung cảnh cuối hè, khi nhìn lên bầu trời thường gặp hiện tượng mây dồn cả về phía mặt trời lặn khi chiều xuống. Sự kết hợp giữa ánh hoàng hôn và những dải mây sẽ tạo thành vẻ đẹp lạ lùng tráng lệ. Nếu không hiểu hiện tượng này dễ liên tưởng hình ảnh kết hợp “mây – núi” thông thường, và như vậy câu thơ sẽ chẳng có gì đặc sắc. Các nhà địa vật lý gọi đó là mây thành, tầng tầng lớp lớp những đám mây tích điện, có thể tạo ra những tiếng sấm ầm ì. Với những tâm hồn giàu liên tưởng, ngắm ánh hào quang xuyên tỏa sắc bạc qua những đám mây, ngỡ như cuộc tụ hội của thiên binh thiên tướng!!! Trong một lần trả lời phỏng vấn, Huy Cận từng nói ông học được từ “đùn” của thơ Đỗ Phủ trong Thu hứng với hình ảnh “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Có lẽ nhà thơ đã có chút nhầm lẫn vì chính xác đây là hình ảnh dịch phóng khoáng của cụ Nguyễn Công Trứ cho câu thơ : “Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (trên cửa ải những đám mây sa sầm xuống sát mặt đất). Nguyễn Công Trứ khi dịch đã đem đến cách hiểu khác hẳn, để ta cảm nhận những đám mây mang sức sống mãnh liệt của thiên nhiên “đùn” lên từ mặt đất bao bọc cửa ải xa. Huy Cận tiếp thu tinh thần này, để diễn tả mây dựng nên “núi bạc” – một khung cảnh hoành tráng diễm lệ nhưng cũng chất ngất nỗi buồn. Bởi ánh nhìn đã bị giới hạn bởi bức thành sầu mây dựng kia!

Đến câu thơ tiếp theo, ta lại nhận ra thủ pháp đối lập quen thuộc đậm chất cổ điển: một bên là “chim nghiêng cánh nhỏ”, một bên là “bóng chiều sa”. Cái nhỏ bé hữu hạn của một sinh linh đối lập với cái mênh mông vô hạn của vũ trụ khi chiều xuống. Dấu hai chấm giữa dòng thơ như một sự giải thích rõ ràng: vì bóng chiều “sa” khiến cho sức nặng của bầu trời đè nặng lên đôi cánh chim, không mang nổi nên khiến “chim nghiêng cánh nhỏ”. Không gian chuyển đổi như báo hiệu bóng tối sắp thay thế ánh sáng, khiến lòng người sầu càng sầu thêm! Trong câu thơ, ta bắt gặp biểu tượng lãng mạn trong hình ảnh “cánh chim” – mang nỗi khát vọng vượt thoát khỏi không gian, giới hạn của vũ trụ. Không còn nữa cái khát khao hăm hở muốn ôm cả bầu trời như thơ Xuân Diệu: “Chim nghe trời rộng giang thêm cánh” (Thơ Duyên) gắn với niềm vui hội ngộ. Cũng chẳng thể ngẩn ngơ tiếc nuối vì “Mây vẩn tầng không chim bay đi” (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu) mà cánh chim trong thơ Huy Cận chới với, chao đảo, trĩu nặng bao buồn thương trước viễn cảnh những vẻ đẹp sắp chìm khuất trong bóng tối. Khi khát vọng vượt thoát không thể thực hiện, chỉ còn quay lại với chính mình trong nỗi buồn sâu thẳm.

Lạ thay, chính lúc ấy nhà thơ đã tìm thấy được cứu cánh, lắng nghe trong cái thinh lặng của không gian để hiểu lòng mình rõ nhất:

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Những suy tưởng miên man giữa những ám ảnh Đường thi khiến nhà thơ một lần nữa phải mượn người xưa mà chuyển tải bức thông điệp của lòng mình. Nhưng cũng chính ở hai câu thơ này, ta gặp tinh thần lãng mạn thấm đẫm. Con nước tràng giang dợn dợn nỗi buồn, hay lòng quê “dợn dợn” khiến tâm tư con người khôn nguôi niềm tưởng vọng? Nhà thơ sử dụng một điệp từ “dợn dợn” đã hòa điệu giữa ngoại cảnh và tâm tư trong một cảm giác miên man gửi vào sóng nước. Câu thơ gợi một hình dung về tư thế con người bất động trước thiên nhiên rộng lớn, gửi ánh mắt vọng về cố hương. Một chữ “vời” như khiến không gian trở nên rộng hơn, trống vắng hơn nhưng cũng ắp đầy tâm trạng hơn. Tâm trạng nhà thơ gợi nhắc một tứ thơ cổ điển : “Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?”. Tâm trạng bơ vơ trước thiên nhiên rộng lớn khiến con người muốn tìm một điểm tựa tinh thần. Chính vào thời khắc ấy, Huy Cận đã gặp nỗi niềm của Thôi Hiệu thuở xưa: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Tuy nhiên, nỗi niềm của chàng trai Huy Cận đã có sự chuyển đổi, khác với người xưa. Ta nhận ra “sự cách biệt của hơn một nghìn năm và của hai thế giới” (mượn ý Hoài Thanh). Nỗi niềm Huy Cận đã vượt thoát khỏi sự chi phối của không gian ngoại cảnh để bộc lộ trực tiếp tâm tư. Cũng từ đây, ta nhận ra nguyên nhân sâu xa của nỗi buồn đậm chất lãng mạn: đó cũng là nỗi niềm chung của bao người dân mất nước, đọng lại thành nỗi quan hoài, gửi vào sóng nước mênh mông.

Bài thơ khép lại với con nước tràng giang dợn dợn tình quê, để lại bao niềm đồng cảm cho những người nặng tình non nước. Phải chăng, đó cũng là tâm thế của người thanh niên thời đại lúc bấy giờ, hoặc khao khát về một cuộc viễn du thỏa chí tang bồng, hoặc ôm ấp mối tình quê để giữ lòng mình không vẩn đục? Khổ thơ kết đẹp không phải vì khung cảnh mà ta gặp được một tấm lòng. Thật đáng quý!




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca