Phân tích bài thơ "Sóng" - Xuân Quỳnh
“Chẳng có vị thần nào đẹp bằng vị thần mặt trời, chẳng có gì kì diệu hơn ngọn lửa tình yêu”
(M.Gorki)
Đó là những lời nhận xét rất đúng đắn mà nhà văn nổi tiếng M.Gorki đã dành cho tình yêu. Quả thật, tình yêu chính là yếu tố đã giữ vựng sự tồn tại của xã hội loài người suốt bao thế kỉ qua, tình yêu là động lực mạnh mẽ nhất giúp con người vượt qua mọi khó khăn thử thách… Những khả năng kì diệu ấy của tình yêu cũng đã đi vào nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Viết về tình yêu thì có rất nhiều tác phẩm, nhưng để viết thật hay, thật sâu sắc cũng không dễ dàng. Trong nền văn học Việt Nam, ngoài Xuân Diệu là cây bút nổi trội nhất trong đề tài tình yêu thì Xuân Quỳnh cũng khẳng định tình yêu của mình với khía cạnh của người phụ nữ. Bài thơ “Sóng” chính là một tác phẩm tiêu biểu cho những cảm xúc của Xuân Quỳnh, hay nói cách khác là của người phụ nữ trong tình yêu:
(trích thơ)
Xuân Quỳnh sinh ra ở thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Ngoài vai trò nhà thơ, Xuân Quỳnh còn có đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật khác như diễn viên múa của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, biên tập viên và từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Bà là một trong những nhà thơ tiêu biểu thời chống Mĩ cứu nước và rất đặc trưng ở tiếng thơ cũng chính là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Bài thơ “Sóng” được khai sinh trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền và in trong tập “Hoa dọc chiến hào” với đề tài về tình yêu. Nhà thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn tự do kết hợp với vần giãn cách, khiến cho âm hưởng của bài lúc sôi nổi, lúc trầm lắng dạt dào hệt như sóng biển.
Trước khi đi vào bài thơ, chúng ta cần thiết phải hiểu lí do tại sao mà Xuân Quỳnh lại chọn sóng làm hình tượng nói về tình yêu và người phụ nữ. Trong kho tàng thơ ca tình ái của nhân loại, có thể nói sóng là hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa biểu tượng tình yêu cao nhất và hấp dẫn nhất. Ngày xưa đã có một chàng trai dùng sóng để bộc lộ tình cảm thủy chung của mình:
“Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh
Cù lao bỏ bể anh mới đành bỏ em”
(Ca dao)
Hay với Xuân Diệu trong bài “Biển”, sóng lại diễn tả một tình yêu sôi nổi, mãnh liệt:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi...”
Với “Sóng”, Xuân Quỳnh đã thể hiện một lối đi riêng, bộc lộ tâm trạng đa chiều trong tình yêu của người phụ nữ: sôi nổi, đằm thắm, thủy chung nhưng cũng thật mạnh mẽ và bình dị trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
Bài thơ được mở ra bằng những tiết tấu sôi nổi nhưng nhịp nhàng, diễn tả những tính chất của những cảm xúc trong tình yêu qua tám câu thơ đầu. Khổ thơ thứ nhất được gợi bằng những hình ảnh đối lập của sóng biển:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Xuân Quỳnh đã sử dụng các cặp từ đối “dữ dội” và “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ” để gợi ra những trạng thái khác nhau của sóng biển trong tự nhiên. Biển có lúc êm đềm, tĩnh lặng, có lúc mạnh mẽ, ồn ào cũng giống như cảm xúc của người phụ nữ đang yêu – khi dịu dàng, yếu mềm, khi nồng nàn, say đắm. Ở hai câu tiếp theo, Xuân Quỳnh đã đồng nhất hình tượng sóng với cảm xúc của mình. Nhà thơ mượn quy luật của tự nhiên – mọi con sông đều đổ ra biển cả – để bày tỏ khát vọng của người phụ nữ. Biển chính là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời rộng lớn, bao la. Ở trong sự chật hẹp của sông, con sóng dường như không thể khám pháp bản thân cho nên, nó mong muốn được tìm ra với lòng biển cả, cũng giống như người con gái muốn tìm đến cuộc đời để tìm hiểu chính mình, để ươm mầm, nuôi dưỡng và thử thách sức mạnh tình yêu bên trong. Qua đó, chúng ta cũng nhìn thấy điểm mới mẻ trong quan niệm của nhà thơ về phụ nữ: họ không còn chấp nhận một tình yêu áp đặt, miễn cưỡng mà có ý thức đi tìm hạnh phúc đích thực của mình, khám phá và hoàn thiện bản thân. Xuân Quỳnh tiếp tục mượn hình tượng sóng để nói đến mối liên hệ giữa tình yêu và tuồi trẻ:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Với cặp từ đối lập về thời gian “ngày xưa” và “ngày sau” cùng sự bất biến của quy luật tự nhiên, Xuân Quỳnh đã miêu tả sóng như nhịp đập của biển cả, ngàn năm sau vẫn còn đó chẳng đổi thay. Như một sự so sánh ngầm, nhà thơ qua đó đã khẳng định khát vọng tình yêu trong trái tim của người phụ nữ trẻ luôn dạt dào, cháy bỏng. Giống như biển – một khi có biển ắt sẽ có sóng – thì con người cũng vậy, nếu sức sống căng tràn của tuổi trẻ còn chảy bên trong thì ngọn lửa của khát vọng một tình yêu lâu dài, một hạnh phúc bền vững sẽ luôn bừng cháy. Nói về điều này, “ông hoàng của thơ ca tình yêu” Xuân Diệu cũng từng viết:
“Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”
Đúng là vậy, tuổi trẻ chính là điều kiện để tình yêu được phát triển mạnh mẽ, nhất là đối người phụ nữ thì tâm trạng là càng đa cảm, đằm thắm hơn. Qua hai khổ đầu của bài thơ, Xuân Quỳnh đã phần nào gợi cho bạn đọc sự tương đồng giữa sóng với người phụ nữ, sóng với tình yêu và quan niệm về tình cảm rất đúng đắn của nhà thơ.
Khi đã nhận ra điểm tương đồng giữa sóng biển và bản thân mình, Xuân Quỳnh lại nghĩ đến nơi mà con sóng khai sinh hay cũng là cội nguồn của thứ tình cảm gắn kết con người bao lâu nay:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”
Nếu như ở trên, giọng thơ có phần nhanh chóng, dồn dập như sóng biển ào ạt thì ở đây, giọng thơ lại trầm lắng hơn, nhịp điệp trở nên chậm rãi, phù hợp với việc thể hiện những suy nghĩ rất đỗi sâu sắc của nhà thơ cũng là tâm trạng suy tư, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu. Điệp ngữ “Em nghĩ” kết hợp với biện pháp điệp cấu trúc đã cho thấy sự triền miên, không dứt của những nỗi niềm, suy nghĩ trong tâm hồn. Một lần nữa nhà thơ sử dụng hình ảnh “biển” như một ẩn dụ của cuộc đời. Đâu là nơi cơn sóng được sinh ra ở đâu giữa vùng biển bao la này? Đâu là nơi tình yêu xuất phát trong cuộc đời rộng lớn của chúng ta? Thế là hàng loạt câu hỏi tu từ được đặt ra. “Từ nơi nào sóng lên?”, câu hỏi tưởng chừng không lời giả đáp ấy đã được chính nhà thơ trả lời “Sóng bắt đầu từ gió”. Nhưng không dừng lại tại đó, nhà thơ lại đặt ra “Gió bắt đầu từ đâu” để rồi chẳng thể tìm ra câu trả lời và thốt lên “Khi nào ta yêu nhau?”. Tình yêu quả thật là một điều bí ẩn hay chỉ là một hiện tượng xảy ra rất đỗi tự nhiên đến mức không có lời lí giải cho nó, đến mức nó xảy ra khi nào chúng ta cũng không nhận thức được? Dường như không chỉ Xuân Quỳnh mà cả những nhà văn nhà thơ khác cũng chẳng thể tìm ra lời giải:
“Đừng hỏi vì sao anh yêu em
Hãy hỏi mặt trời vì sao tỏa nắng
Hãy hỏi mặt trăng sao khi khuyết khi đầy
Đêm màu đen và ngày màu trắng”
(“Đừng hỏi vì sao anh yêu em” – Cao Thái Uy)
Lời bỏ ngõ ấy đã gợi ra nhiều suy tư không chỉ của Xuân Quỳnh mà của cả nhân loại về một tình cảm rất đỗi đặc biệt, thiêng liêng ấy. Qua đó, nhà thơ cũng thể hiện được nét tinh tế trong cảm xúc của người đang yêu luôn khát vọng tìm về cội nguồn của tình yêu, nơi bắt đầu của những xúc cảm.
Sóng là những trạng thái xúc cảm khác nhau trong tình yêu. Sóng là nhịp đập của trái tim trong ngực trẻ khao khát tình yêu. Và giờ đây, sóng là biểu tượng cho nỗi nhớ trong tình yêu:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Ở đây, Xuân Quỳnh đã diễn ta nỗi nhớ qua hai cách thức: gián tiếp và trực tiếp. Tác giả sử dụng điệp ngữ “con sóng” kết hợp phép đối lập “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” đã diễn tả nỗi nhớ của tình yêu bao trùm cả một vùng không gian rộng lớn. Nghệ thuật nhân hóa “con sóng nhớ bờ”, “không ngủ được” khiến cho hình tượng sóng trở nên sinh động hơn. Nhà thơ đã mượn quy luật của tự nhiên – sóng dường như không bao giờ ngừng vỗ – để khẳng định nỗi nhớ trong tình yêu là triền miên, là khắc khoải thâu đêm suốt sáng, dằn vặt tâm tư, suy nghĩ của người phụ nữ. Nhưng dường như, cách gián tiếp vẫn chưa đủ bộc lộ hết nỗi nhớ trong lòng để rồi nhà thơ chuyển sang cách bộc lộ trực tiếp. Làm sao có thể thức trong cơn mơ? Câu thơ nghe có vẻ phi lí ấy thực chất rất hợp lí đối với tâm trạng của người phụ nữ. Bản chất của tình yêu là nỗi nhớ. Nỗi nhớ không chỉ trong tâm trí mà đã đi sâu và tiềm thức, vào giấc ngủ của con người. Nói cách khác, nỗi nhớ thường trực suốt ngày suốt đêm, không ngơi nghỉ. Điều đó cũng đã đi vào những trang thơ của Nguyễn Bính:
“Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
(“Tương tư”)
Nếu so sánh với các tác phẩm khác, chúng ta có thể thấy rằng tứ thơ nhớ trong mơ là một điểm rất sáng tạo trong văn phong của nhà thơ Xuân Quỳnh mà vẫn chân thật, chính xác đối với tâm trạng của con người đang yêu.
Trong tình yêu không thể thiếu nỗi nhớ và cũng không thể mất sự thủy chung – thước đo cao nhất của tình yêu. Xuân Quỳnh tiếp tục mượn sóng để nói về điều này:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở”
Điệp từ “dẫu” đặt ra giả thiết kết hợp với cặp từ đối xứng và cách nói ngược “xuôi về phương bắc”, “ngược về phương nam” đã thể hiện sự khẳng định mạnh mẽ trong lời nói của nhà thơ. Nếu như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng bắc thì Xuân Quỳnh hay những người phụ nữ khác cũng vậy, mãi mãi trong cuộc đời họ luôn hướng về một phương duy nhất, đó là nơi có anh, nơi tình yêu của họ đang tồn tại. Không dừng lại ở đó, ý thơ của Xuân Quỳnh còn có thể hiểu rộng hơn, nói đến những người mẹ, người vợ đã kiên nhẫn, thủy chung đợi chờ người cha, người chồng trở về sau những cuộc chinh chiến, li tán. Đó là một phẩm chất rất cao quý và đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam. Và chính sự thủy chung đó, cùng niềm tin vào tình yêu đã dẫn dắt đôi uyên ương đến với nhau. Nếu ở trên tác giả chỉ đề cập đến một con sóng thì ở đây, câu thơ xuất hiện hàng loạt nhiều con sóng, đến mức độ “trăm ngàn”. Điều đó giúp nhà thơ có thể đưa ra sự khái quát cho một chân lí bất diệt: giống như sóng – dù trải qua bao nhiêu cách trở vẫn đến được bến bờ – thì trong tình yêu, miễn là họ còn yêu nhau, còn dành niềm tin cho nhau thì chắc chắn một ngày, họ sẽ đến được với nhau. Đó chính là một tình yêu đích thực, có niềm tin vững bền. Ca dao xưa cũng từng ca ngợi sức mạnh của tình yêu:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua”
Qua khổ thơ, Xuân Quỳnh đã khẳng định khoảng cách thời gian và không gian sẽ là nơi thử thách tình yêu đôi lứa. Để vượt qua được điều đó nhất thiết phải có sự thủy chung và tin tưởng vào nhau, cùng nhau trải qua mọi gian lao.
Sau khi đưa ra những suy nghĩ, quan niệm của mình về tình yêu, nỗi nhớ và sự chung thủy, Xuân Quỳnh khao khát có được một tình yêu vĩnh hằng:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Giọng thơ chợt trở nên trầm lắng lại với một tâm trạng đầy suy tư, trăn trở. Biển cả dẫu rộng dài thế mà chỉ là một chấm thật nhỏ trong vũ trụ bao la. Đối với chúng ta, cuộc đời có lẽ là một khoảng thời gian rất dài nhưng đứng trước dòng chảy vô hạn của thời gian, cuộc đời chỉ dài như một tiếng tích tắc của đồng hồ, thoảng một cái là đã trôi đi mất. Lời thơ thoáng có chút lo âu cho một đời người hữu hạn và một tình yêu mỏng manh, dễ vỡ. Xuân Diệu trong bài thơ “Vội vàng” cũng đã nhận ra quy luật nghiệt ngã này:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
Từ đó, Xuân Quỳnh bỗng đưa ra một lời tự vấn “Làm sao được tan ra”. Vẫn giống như lúc trước, sóng là biểu tượng của tình yêu và biển cả là biểu tượng của cuộc đời. Sóng làm sao có thể tồn tại nếu thiếu đi biển. Vì thế “tan ra” ở đây chính là hành động hòa nhập, tình yêu chỉ có thể vĩnh hằng khi có sự hòa nhập giữa tình yêu cá nhân với tình yêu cộng đồng. Phài biết hi sinh, cống hiến để tình yêu đêm đẹp, thêm vững bền.
Qua bài thơ “Sóng”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện tài năng nghệ thuật của mình khi sử dụng một loạt các hình ảnh biểu trưng sâu sắc như sóng, biển,…, các thủ pháp nghệ thuật đối lập, so sánh, điệp từ, điệp ngữ,... cùng các quy luật bất biến của tự nhiên. Từ đó, nhà thơ đã đưa ra những suy nghĩ sâu sắc, tinh tế của bản thân về tình yêu, về những xúc cảm bên trong tâm hồn của người phụ nữ với trái tim rộn ràng tiếng đập của tình yêu.
Nói tóm lại, bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là một tuyệt tác viết về tình yêu, là một bông hoa với hương thơm độc đáo trong cả một vườn thơ tình yêu đầy sắc và hương. Bài thơ tuy mang những nét rất cổ điển, dân gian của ca dao Viêt Nam nhưng vẫn tràn đầy sắc màu hiện đại, thể hiện tính sáng tạo, cá nhân của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top