Phân tích bài thơ Đàn ghita của Lorca

Trên thế giới đã có biết bao nhiêu nhà thơ đi vào lịch sử. Họ là những người nghệ sĩ không chỉ góp phần làm phong phú thơ văn, đời sống con người mà còn là những người đóng góp cho cả sự tự do của nhân loại. Có lẽ các tác phẩm mà họ để lại rất nhiều, nhưng những bài thơ cảm nhận về con người họ lại rất ít. Nhưng những bài thơ đó đều là những thi phẩm rất sâu sắc trong cảm nhận về danh nhân. Một trong số các bài thơ đó là bài "Đàn ghita của Lorca" của Thanh Thảo. Ông đã tìm thấy được một cảm hứng đặc biệt về con người và chất thơ trong người nghệ sĩ người Tây Ban Nha vĩ đại.

Thanh Thảo vốn là một nhà thơ cách tân. Thơ ông giàu chất suy tư, triết luận, song không gò bó mà vượt ra ngoài những khuôn khổ thông thường về cấu trúc ngôn từ và tư duy nghệ thuật. Thơ ông ngoài ra sử dụng những câu thơ tự do. Hệ thông hình ảnh và ngôn từ độc đáo, nhiều thủ pháp kĩ thuật tân kì của chủ nghĩa siêu thực trên nền cấu trúc thơ linh hoạt, tạo cho người đọc khoảng không gian tự do khám phá. Một trong những khám phá mà nhà thơ dẫn người đọc đến đó chính là nhà thơ Lorca được thể hiện qua tác phẩm "Đàn ghita của Lorca". Tác phẩm được rút trong tập "Khối vuông rubic", xuất bản năm 1985. Đây là tập thơ tiêu biểu cho kiểu tư duy của Thanh Thảo. Dù là nhà thơ thời chiến nhưng Thanh Thảo đã bước được chân sang thơ hiện đại. Bài thơ được lấy cảm hứng trực tiếp từ giây phút bi tráng nhất của nhà thơ Tây Ban Nha Lorca (1898 - 1936). Đó là một tài năng sáng chói của văn học Tây Ban Nha thế kỉ XX (là con chim họa mi vàng của xứ sở Tây Ban Nha). Ông là nhà thơ ham cách tân, sáng tác của ông hướng về dòng nhạc dương An-đa Lucia. Ngoài ra Lorca còn trình tấu ghita rất điệu nghệ. Ông quả là một người nghệ sĩ đa tài. Không chỉ vậy, Lorca còn là một chiến sĩ kiên cường, đấu tranh không mệt mỏi vì tự do của nhân dân Tây Ban Nha. Bởi lúc đó sự có mặt của Lorca và nhiều tài năng khác lúc bấy giờ khiến đời sống tinh thân của Tây Ban Nha và một vùng rộng lớn của khu vực Tây Âu sôi động. Nhưng hoảng sợ trước sự ảnh hưởng của Lorca, năm 1936 bọn phát xít đã bắt và bắn chết. Cái chết của Lorca đã làm dâng lên một làn sóng mạnh mẽ trên thế giới phản đối bè lũ Phranco. Tên tuổi của Lorca trở thành lá cờ tập hợp các nhà văn hóa Tây Ban Nha và thế giới chiến đấu chống phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.

"Đàn ghita của Lorca". Nhan đề giản dị song mang ý nghĩa sâu sắc. Nhan đề gợi sự gắn kết giữa hai yếu tố "ghita" và "Lorca". Đàn ghita là một nhạc cụ nổi tiếng của Tây Ban Nha, cho nên người ta còn gọi đất nước này là xứ sở Tây Ban cầm. Còn Lorca là một người nghệ sĩ đa tài (nhà thơ, nhạc sĩ, nhà cách tân nghệ thuật). Ông không chỉ trình tấu ghita điệu nghệ mà còn có những bài thơ nổi tiếng về cây đàn ghita: "Ghi nhớ", "Đàn ghita". Thông qua sự gắn kết giữa ghita và Lorca, Thanh Thảo đã định hướng cho nhận thức người đọc rằng: những sáng tạo nghệ thuật của Lorca luôn hướng về dòng nhạc dân gian Tây Ban Nha, đồng thời bộc lộ tình yêu tha thiết của Lorca với cây đàn, với nghệ thuật, với đất nước, con người Tây Ban Nha. Lorca từng viết: "Khi tôi chết hãy chôn tôn với cây đàn". Ngoài ra, việc gắn tiếng đàn ghita - một nhạc cụ khẳng định sự vĩ đại trong tiếng đàn, trong sáng tác của Lorca. Sáng tác của Lorca là khúc hát tự do, dân chủ của nhân dân Tây Ban Nha. Thêm vào đó, đây là một nhan đề gợi nhạc tính. Toàn bài thơ giống như một khúc ca, hình thức này phù hợp với việc xây dựng hình ảnh Lorca - nhà thơ kiêm nhạc sĩ.

Trong ba khổ thơ đầu của bài thơ, Lorca hiện lên trên nền văn hóa Tây Ban Nha với ba hình ảnh: tiếng đàn, áo choàng đỏ gắt, lila-lila mang đầm hồn cốt xứ xở Tây Ban Nha. Thanh Thảo đã mở đầu bài thơ bằng tiếng đàn truyền cảm mà mong manh:

"Những tiếng đàn bọt nước"

Tiếng đàn ấy mở ra trong lòng người đọc về một đất nước tươi đẹp với tiếng đàn ghita mê đắm lòng người, với những vũ nữ Digan với làn da rám nắng và vũ khúc flamenco cháy bỏng. Tiếng đàn ghita từ lâu đã trở thành linh hồn, thành tiếng nói của nhân dân Tây Ban Nha yêu đời, yêu tự do và rất đỗi mộng mơ. Đó là một sự trùng hợp, Lorca đến với cuộc đời trước hết bằng cây đàn ghita, biết truyền cảm những khúc hát nơi đồng quê An-đa-lu-xi-a. Tiếng đàn là hoán dụ cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác và số phận của Lorca. Sự chuyển đổi cảm giác từ thính giác đến thị giác tạo nên tiếng đàn "bọt nước" đấy biến ảo, khi tròn to, trong trẻo, khi phập phồng, thổn thức, khi vỡ òa tức tưởi như một thiên bạc mệnh có tính dự báo về những chông gai, trắc trở mà người nghệ sĩ phải đón nhận phía trước.

Tiếp sau hình ảnh tiếng đàn là hình ảnh áo choàng với sắc màu máu lửa, gợi lên những trường đấu bò tót sinh tử. Trên trường đấu ấy, các chú bò tót thể hiện tài năng, dũng khí của mình. Sắc đỏ của áo choàng tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Tây Ban Nha. Nhưng đấu trường bò tót trong sự chuyển gam của Thanh Thảo đã chuyển thành đấu trường chính trị khổng lồ, căng thẳng, ngột ngạt, đẫm máu của Tây Ban Nha bấy giờ. Màu áo của kiếm sĩ đỏ gắt là lúc biểu tượng cho nền độc tài chính trị thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ và kìm hãm sự phát triển của một nên nghệ thuật đang già cỗi. Đây là một trận chiến lớn và Lorca đã trở thành người dũng sĩ.

Giữa bầu không khí sôi sục của bạo lực, của máu, tiếng đàn ghita cất lên du dương, êm đềm "lila lila lila" ngân dài như mở đầu một khúc ca tình tứ, như xoa dị, trấn an con người, góp phần xua đi sự hiện diện của bảo tàn, tội ác. Sắc tím và hương thơm dìu dịu của lila - tử đinh hương, loài hoa yêu thích của nhân dân Tây Ban Nha, đem lại sức sống, sự hạnh phúc nơi tội ác đang ngự trị. Vậy là chỉ một dòng thơ "lila lila lila" Thanh Thảo đã kết hợp âm thanh và màu sắc, mở ra một không gian thơ mộng để người nghệ sĩ xuất hiện.

Trên nền văn hóa Tây Ban Nha, Lorca hiện lên là một người nghệ sĩ tự do, cô đơn và kiên cường. Lorca được coi là nghệ sĩ trác tuyệt của những khúc ca đồng quê đậm màu sắc dân gian. Cùng với cây đàn ghita, cùng với vầng trăng chếnh choáng, Lorca cất lời đắm say hát về tình yêu với An-đa-lu-xia, miền quê thơm nồng sắc nắng, rạng rỡ mây trời cỏ hoa, miền quê của những con người phóng khoáng, tự do như thảo nguyên cuồng say như con quay gió, biết yêu thương và giận hờn hết mình. Giữa mênh mông đồng ruộng và thảo nguyên xanh, Lorca cất lên tiếng hát ngợi ca dân chủ, tự do. 

Bởi vậy, qua cách nhìn của Thanh Thảo, Lorca hiện lên như một người nghệ sĩ lãng du, cô đơn với ba kênh hình ảnh: "đi lang thang về miền đơn độc" cùng vầng trăng "trên yên ngựa". Đây là hệ thống thi ảnh thường gặp trong thơ Lorca - chàng kị sĩ một mình trên lưng, "con ngựa đen vầng trăng đỏ" với những bản đàn ghita phiêu bồng cùng giấc mơ tranh đấu. Thêm vào đó ở câu một với hình ảnh "đi lang thang về miền đơn độc" cùng miên man những thanh bằng, mở ra một không gian mênh mông bát ngát, đem đến cảm giác về những miền đất xa xôi chưa có dấu chân người. Đây là biểu tượng cho con đường cách tân nghệ thuật đầy gian khó. Trên con đường ấy ta bắt gặp một người nghệ sĩ cô đơn mà vẫn khao khát kiếm tìm những đổi mới, cách tân. Từ láy "đơn độc" có lẽ không bổ nghĩa cho không gian mà chủ yếu miêu tả hình ảnh con người trong không gian ấy - con người vừa cô đơn vừa dũng cảm, dấn thân trên con đường mình lựa chọn. 

Ở câu hai, hình ảnh "vầng trăng chếnh choáng" lại nghiêng về miêu tả trạng thái xuất thần của người nghệ sĩ. Vầng trăng xô lệch, ngả nghiêng theo nhịp chân ngựa giống như giây phút xuất thần, đắm say cùng nghệ thuật của Lorca. Đây không phải là cái say của cốc rượu vang đỏ mà là say trong tranh đấu, trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng hình ảnh người nghệ sĩ lang thang đơn độc chưa dừng lại ở đó, nó còn được trải dài theo thời gian: "trên yên ngựa mỏi mòn". Một lần nữa yếu tố ngôn ngữ siêu thực lại xuất hiện khi từ láy "mòn mỏi" không để miêu tả yên ngựa mà để miêu tả cảm nhận của người trên yên ngựa, miêu tả thời gian của con đường khai phá gian nan, một thời gian dài dằng dặc với những khắc khoải mong chờ. Trên con đường chông gai ấy, Lorca trở thành người nghệ sĩ kiên cường. Vậy là ba câu thơ đã đem đến cho người đọc cảm nhận về một hành trình khó khăn khắc nghiệt của người nghệ sĩ - chiến sĩ Lorca trên con đường đấu tranh vì một nền nghệ thuật tiến bộ, vì khát vọng tự do dân chủ của nhân dân Tây Ban Nha.

Nhưng người nghệ sĩ cô đơn ấy chẳng mấy chốc đã phải đối diện với những bi kịch. Thanh Thảo đã dựng lên cái chết đầy bi phẫn của người anh hùng bằng thủ pháp đối lập giữa Tây Ban Nha hát nghêu ngao với áo choàng bê bết đỏ. Ở trong đó là hình ảnh người nghệ sĩ yêu đời, yêu tự do với nghệ thuật hoán dụ (thay vì viết "Lorca - hát nghêu ngao" tác giả viết "Tây Ban Nha - hát nghêu ngao") đã nâng tầm ý nghĩa cho tiếng hát của người nghệ sĩ vĩ đại. Tiếng hát của Lorca trở thành linh hồn, sông núi Tây Ban Nha. Dập dềnh trên yên ngựa, Lorcxa đã góp sắc bạc của vầng trăng, màu vàng của nắng, hương thơm của những đóa tử đinh hương, sự dữ dội của vũ điệu flamenco, cái da diết, đắm say của những khúc hát dân gian An-đa-lu-xi-a...gửi vào cây đàn ghita huyền diệu. Tiếng hát ấy vì thế mà tràn ngập tình yêu đối với mảnh đất và con người Tây Ban Nha, là tiếng hát về cuộc đời và khát vọng của người dân Tây Ban Nha. Từ láy "nghêu ngao" đã xóa mờ những đường nét sang trọng, tô đậm vẻ tự do phóng túng, ngẫu hứng cho những sáng tác của Lorca. Lorca hiện tên tựa như một chàng ca sĩ hát rong, một mình một ngựa với tiếng đàn tha thiết ngân vang. Chàng hát cho mình, cho cuộc đời, cho đất nước Tây Ban Nha tươi đẹp.

Nhưng rồi cái tài ấy bỗng đã trở thành điều làm cho Lorca chết một cách bất ngờ, tức tưởi:

"bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ"

Đối với Lorca, anh luôn dự cảm về cái chết. Anh đã từng thốt lên: "Tôi không muốn nhìn thấy máu !". Nhưng Lorca cũng không thể ngờ rằng cái chết lại đến với mình nhanh như thế. Cụm từ "bỗng kinh hoàng" miêu tả cái chết đột ngột, đem lại cảm giác bất ngờ cho nhân dân Tây Ban Nha và nhân dân thế giới tiến bộ. Ngoài ra, cái chết của Lorca còn được miêu tả qua hình ảnh đậm yếu tố tượng trưng: "áo choàng bê bết đỏ". Áo choàng - màu đỏ, áo choàng của các kiếm sĩ, "bê bết đỏ" - màu đỏ của máu người chiến sĩ. Đây là hình ảnh phũ phàng gợi cảnh bị hành hình của Lorca. Từ láy "bê bết" như điệp dày thêm sắc đỏ của máu, đem lại ấn tượng về cái chết thê thảm cũng như sự căm phẫn của người đọc về tội ác của kẻ thù.

Tác giả đã nói về những giây phút cuối đời của Lorca ở hai câu tiếp bằng những hình ảnh thơ cụ thể để miêu tả giây phút cuối đời đầy bi phẫn của Lorca. Hai câu thơ có kết cấu lạ. Câu đầu là câu có kết cấu bị động miêu tả cảnh Lorca bị bọn phát xít bắt hành hình một cách lén lút và quăng xác ông xuống giếng. Còn câu thứ hai khắc họa tư thế chủ động: mặc dù đến với cái chết đột ngột, kinh hoàng song Lorca vẫn mang phong thái lãng mạn của người nghệ sĩ: "chàng đi như người mộng du". Tâm hồn chàng vẫn đắm say cùng quê hương, đất nước, với bầu trời và những thảo nguyên xanh...Tất cả như dìu Lorca vào cõi vĩnh hằng, hư vô. Vậy là đến giờ phút cuối đời Lorca vẫn hiện lên trong một tư thế đẹp: người nghệ sĩ say mê trong sáng tạo nghệ thuật, người chiến sĩ kiên cương trong tranh đấu.

Nhưng cho dù cái chết bi thảm là vậy, đến sáu câu cuối nhà thơ đã miêu tả cái chết thông qua cảm nhận về tiếng đàn một cách rất độc đáo, đặc biệt là về hình thức thơ:

"tiếng ghita nâu bầu trời cô gái ấy

tiếng ghita lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy"

Điệp ngữ "tiếng ghita" liên tiếp tạo ra tiết tấu dồn dập giống như cao trài của một bản nhạc, như những va đập mạnh mẽ của âm thanh vừa say vừa bi thiết, tạo cảm giác tiếng đàn thanh mầu chuyển gam rất lẹ, biến hóa khôn lường, sinh sôi nảy nở, giọt này vỡ đi, giọt kia lại trào ra không dứt, đau đớn hóa thành máu và nước mắt, thành màu sắc, hình khối và đường nét.

Thêm vào những dòng thơ của mình, Thanh Thảo đã sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác hết sức tinh tế, mang tới hình ảnh tượng trưng cho tiếng đàn. Trước hết tiếng đàn mang màu sắc biến ảo: màu nâu xuất hiện suy tư, trầm tĩnh đến lạ thường, không chỉ đêm đến sự xao xuyến cho âm thành mà còn mở ra một trường liên tưởng phong phú cho người đọc. Đó có thể là màu nâu của cây đàn của xứ xở Tây Ban Nha, có thể là màu nâu của đất đai, có thể là màu nâu của làn da rám nắng trên thân hình những vũ nữ Digan bốc lửa, có thể là màu nâu của mắt, của mái tóc người con gái ấy - Anna Maria, người yêu của Lorca. Với từ "nâu" trong phép chuyển nghĩa, câu thơ đã cho thấy tình yêu của Lorca qua tiếng đàn huyền thoại: tình yêu với nghệ thuật, với cây đàn, với quê hương đất nước, với người con gái yêu dấu. 

Đối lập với màu nâu trầm tĩnh là màu xanh của "tiếng ghi ta lá xanh biết mấy". Màu xanh là ẩn dụ của sự sống, của mùa xuân và tuổi trẻ. Tiếng đàn của Lorca đã thổi sự tươi non vào màu xanh của những vườn cam, của những thảo nguyên, của những rặng ôliu, của những hàng bạch dương...Tiếng hát của Lorca như cây đời mãi mãi xanh tươi thổi sự sinh tồn vào vạn vật. Hai tiếng "biết mấy" đặt ở cuối câu vừa thể hiện sự tha thiết trong tình cảm của người nghệ sĩ Thanh Thảo, vừa để tôn thêm vẻ đẹp trường tồn, bất tử cho những sáng tạo nghệ thuật của Lorca, vừa tạo nên tương phản xót xa: nghệ thuật thì bất tử, nghệ sĩ thì đoản mệnh.

Song bi đát là vậy, người nghệ sĩ vẫn sống hết mình với cái đẹp. Đó chính là nghệ thuật, là tiếng đàn đã được nhân hóa lên một cách ấn tượng. Tiếng đàn mang hình khối, đường nét như hình hài của sinh mệnh, cũng biết tức tưởi, vỡ òa, cũng biết nói tiếng nói của sự căm phẫn, bạo tàn:

"tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy"

"Tiếng ghi ta tròn" gợi hình ảnh "tiếng đàn bọt nước" ở những câu trên, đồng thời cũng gợi hình ảnh của những giọt âm thanh trong trẻo, thanh cao, tươi sáng song cũng thật mong manh, dễ vỡ: "bọt nước vỡ tan". Hai tiếng "vỡ tan" vừa miêu tả sự vỡ ra của bọt nước, vừa miêu tả sự phập phồng, thổn thức của tiếng đàn. Nó cất lên lời ca tranh đấu, lên án bè lũ phát xít đã phá hủy cái tài, cái đẹp. Tuy nhiên nhức nhối, đau đớn nhất là hình ảnh: "Tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy". Nghệ thuật nhân hóa cũng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã đem đến một cảm nhận thấm thía: tiếng đàn như một sinh mệnh có số phận, có linh hồn, có thân thể, oằn mình chịu cùng nỗi đau của người nghệ sĩ (Thanh Thảo đã thật đúng đắn khi nói rằng: "Thơ chính là cuộc đời của nhà thơ". Tâm hồn của nhà thơ đều hóa thành thơ). Cùng với đó, từ láy "ròng ròng" và động từ "chảy" khiến nỗi đau mang hình khối, đường nét hiện hình, cựa quậy trong một sinh thể sống. Ở trên tiếng đàn trong trẻo, huyền diệu, biểu tượng cho cái đẹp bất tử thoắt cái đã trở thành giọt đau đớn, giọt bi phẫn, "một cung gió thảm mây sầu - bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay". Qua đó ta có thể thấy Thanh Thảo đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cái chết của Lorca qua một hình ảnh thơ nhức nhối, vừa có khả năng khơi gợi cảm xúc xót thương vừa đánh thức sự căm phẫn trong lòng người đọc. Đoạn thơ vậy là đã thực sự thành công trong việc sử dụng những hình ảnh mang đậm chất tượng trưng siêu thực.

Sau khi miêu tả Lorca, Thanh Thảo đã nói những suy nghĩ của mình và sự ra đi của nhà thơ Tây Ban Nha ở đoạn thơ thứ ba. 

"không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng"

Với những hình ảnh mang đậm màu sắc tượng trưng, Thanh Thảo đã gợi trong lòng người đọc nhiều suy tư về sự bất diệt của Lorca. Ở đâu thơ đầu tiên nhắc lại nội dung của lời đề từ. Lorca đã từng mong muốn "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn". Di chúc này là chìa khóa ngầm để giãi mã bài thơ. Song sự thực sức sống, sức ảnh hưởng trong những sáng tác của Lorca quá lớn lao nên không có một sức mạnh thù địch nào có thể chôn vùi được. Lorca ra đi nhưng những tác phẩm của ông - những sản phẩm kết tinh từ hương sắc cuộc đời của người nghệ sĩ vẫn giản dị, kiên cường, bền bỉ, cổ vũ con người đấu tranh. Mặt khác sự ra đi của Lorca đã đem đến những mất mát to lớn cho nghệ thuật. Từ đây sẽ không có ai mở đường, nghệ thuật sẽ như "cỏ mọc hoang". Ai sẽ hát khúc ngợi ca tự cho dân chủ còn dang dở ? Cũng có thể hiểu theo một cách khác: sự ngưỡng mộ của hậu thế quá lớn khiến họ không dám chôn vùi ước mơ, khát vọng của Lorca. Ở câu sau là hình ảnh "giọt nước mắt vâng trăng". "Giọt nước mắt" biểu tượng cho nỗi đau của Lorca, nhân dân Tây Ban Nha, người đời sau..."Vầng trăng" biểu tượng cho sự vĩnh hằng, sự bất tử. Việc đặt hai hình ảnh này cạnh nhau đã tạo nên những cặp quan hệ thú vị. Đầu tiên đó là giọt nước mắt và vầng trăng thể hiện nỗi đau và sự vĩnh hằng (nối đau đẹp). Cách hai đó là giọt nước mắt của vầng trăng. Đó là đất trời khóc thương cho cái chết của Lorca. Cách ba là giọt nước mắt như vầng trăng thể hiện nỗi đau đớn của Lorca và người đời trước cái chết của ông đã hóa thành giọt nước mắt khổng lồ tựa như vầng trăng. Dù ở khía cạnh nào thì Thanh Thảo đều nhấn mạnh tới sự vĩnh hằng của Lorca. Cuộc đời Lorca là một nỗi đau lớn còn mãi với đất nước nhưng là nỗi đau đẹp. Nhân dân Tây Ban Nha và toàn thế giới sẽ mãi ngồi khóc than cho đứa con xấu số. Những sáng tác nghệ thuật của Lorca vẫn mãi là viên ngọc lập lánh mang hình hài tinh khiết. Bất ngờ thay, nơi đáy giếng tối tăm lạnh lẽo, nơi phát xít ngỡ tưởng có thể giết chết được thể xác và linh hồn Lorca thì lại là nơi tâm hồn Lorca tỏa sáng.

Sự đối lập còn được thể hiện trong chín câu tiếp của bài thơ. Một loạt những hình ảnh tương phản nói lên sự ngắn nủi hữu hạn của cuộc đời con người trong dòng thời gian dằng dặc, sự nhỏ bé của kiếp người giữa cõi thế mênh mông, sự cay đắng của định mệnh phũ phàng đối với một con người cao quý vô cùng của Tây Ban Nha. Thanh Thảo đã suy nghĩ về sự giã từ của Lorca qua một số hình ảnh thơ mang tính biểu tượng.

"đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghi ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la..."

Hình ảnh "bơi sang ngang" để vượt qua "dòng sông rộng vô cùng" thể hiện một cái chết đầy bi thiết thảm khốc của Lorca bỗng trở thành sự ra đi hết sức nhẹ nhàng. "bơi sang ngang", vượt qua "dòng sông rộng vô cùng" - dòng sông cuộc đời, dòng sông số phận, dòng sông là đường ranh giới ngàn cách giữa sự sống và cái chết. Đó cũng là hành trình của cuộc giải thoát thanh thản để từ bỏ cái hữu hạn và đến với cái vô cùng, từ bỏ sự sống để đến với bến bờ bất tử. Và trong giây phút giã từ ấy Lorca vẫn rất nghệ sĩ, rất lãng du: "bơi sang ngang - trên chiếc ghita màu bạc". "Chiếc ghita màu bạc" biểu tượng cho những sáng tác của Lorca cho nghệ thuật dân gian Tây Ban Nha, cho tình yêu của Lorca đối với quê hương, đất nước, cho nên giây phút bi thiết cuối đời của Lorca qua con mắt Thanh Thảo bỗng trở thành giây phút đắm say của người nghệ sĩ cùng nghệ thuật. Hay nói khác đi Lorca đã dùng cây đàn ghita chở cả sự sống của mình vượt qua sự băng hoại, trôi chảy của thời gian. Lorca đã bất từ mình bằng chính những sáng tạo nghệ thuật của mình. Ánh bạc của cây đàn như biểu tượng cho sự bất tử của nghệ thuật của Lorca. Sự bất tử dần chuyển thành sự kiêu hãnh, chủ động ngay cả khi chết qua hai hành động: "ném là bùa...vào xoáy nước", "ném trái tim mình - vào lặng yên bất chợt". Đó là sự từ bỏ đầy dứt khoát của Lorca để rời khỏi thời gian đầy tục lụy, đa đoan. Trước cái chết Lorca đã hoàn toàn chủ động, không chỉ chiến thắng bọn phát xít mà còn chiến thắng được cả định mệnh. Đó vừa là thực tế, vừa là niềm tin tuyệt đối vào sự bất tử của Lorca của Thanh Thảo

Bài thơ kết thúc bằng lặp lại điệp khúc "lila..." ở khổ đầu, vừa gợi nhớ đến hương thơm của loài hoa tử đinh hương, đồng thời cho ta nghĩ đến cú vê ghita rất điệu nghệ mà Lorca là người trình tấu xuất sắc. Sự lặp lại hô ứng của âm điệu "lila..." mở ra sự ngẫm suy trong lòng người đọc những âm thanh của tiếng đàn những ngân vang, những sáng tạo nghệ thuật của Lorca cứ vọng mãi trong không gian, thời gian và trong lòng người.

Bài thơ đã tạo dựng hình ảnh Lorca chân thực và gợi cảm, đồng thời giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn, tính cách đậm chất Tây Ban Nha của Lorca một cách sâu sắc. Bài thơ là tiếng nói tri ân của người nghệ sĩ đối với người nghệ sĩ. Sự đồng cảm của Thanh Thảo đối với Lorca vừa cho người đọc hiểu về Lorca, vừa giúp người đọc có cái nhìn trọn vẹn hơn về con người Thanh Thảo. Bài thơ cũng ẩn chứa nhiều triết lí về nghệ thuật sâu sắc: mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, về sự bất diệt của nghệ thuật. Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của băng hoại, nó không đồng hành cùng số phận con người, chỉ mình nó chối bỏ sự hủy diệt. Bài thơ không chỉ vậy còn mang trong mình rất nhiều các biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Thanh Thảo đã chọn một cấu trúc độc đáo:  nhập cấu trúc ca khúc trong lòng vào bài thơ, khảm thêm tiếng nhạc vào lời thơ. Ông đã phỏng theo chuỗi âm thanh của tiếng đàn lila...lặp lại ở đầu và cuối tựa như cú vê ghita của nhạc công. Tiếng lila mở đầu đành dấu khoảng ngắt cho người hát bắt đầu trình diễn rỗi khép lại bài ca bằng tiếng đàn cuối cùng tạo dư âm. Không những vậy, bài thơ không có câu nào viết hoa đầu dòng tạo sự liền mạch như dòng chảy cũng không có điểm dừng. Từ đó bài thơ liên tiếp gợi những âm thanh của một nhạc phẩm: hát nghêu ngao, tiếng ghita nâu/xanh/tròn bọt nước/ròng ròng...tạo nhịp điệu luyến láy giữa các câu thơ tựa như một bản nhạc, làm nền cho hiện tượng người nghệ sĩ say sưa trong khúc ca yêu đời, yêu tự do. Để làm được điều đó nhà thơ cũng sử dụng các điệp từ, điệp ngữ, ngắt nhịp cũng tạo nên chất nhạc cho bài thơ. Ta có thể thấy Thanh Thảo đã viết về một người nghệ sĩ và dùng hình thức ca khúc khiến hình tượng Lorca hiện lên mang đậm tính ngoài đời: người nghệ sĩ kiêm nhạc sĩ. Chất nhạc này cũng tạo nên một hình tượng khác cho bài thơ: hình tượng cây đàn. Cây đàn đã trở thành biểu tượng cho cuộc đời, số phận của Lorca. Hơn thế còn là biểu tượng cho hình ảnh người nghệ sĩ tự do, yêu đời, bất tử trong lòng nhân dân Tây Ban Nha. Nghệ thuật của bài thơ còn có thể thấy ở hình ảnh mang màu sắc tượng trưng siêu thực. Để giải mã được sự súc tích trong những hình ảnh đó chúng ta phải luôn chú ý rằng bài thơ là sự tích hợp những xúc cảm, thấu hiểu của Thanh Thảo về cuộc đời của người nghệ sĩ Tây Ban Nha. Những hình ảnh trên còn được đan dệt bằng sự am hiểu lịch sử, về truyền thống, văn hóa của vùng đất đã sinh ra Lorca. Ngôn ngữ được sử dụng cũng mới mẻ, hiện đại. Để miêu tả âm thanh của tiếng đàn, tác giả đã sử dụng liên tục các biện pháp chuyển đổi cảm giác hết sức tinh vi. Ngôn ngữ thơ còn gắn với những cảm xúc suy tưởng: áo choàng đỏ gắt, bê bết đỏ, giọt nước mắt...; sử dụng biến hóa các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, sự lắp ghép hình ảnh tinh tế gợi nhiều liên tưởng. Bài thơ đã thể hiện nỗ lực của Thanh Thảo trong việc thử nghiệm một phong cách thơ gần với trường phái thơ tượng trưng siêu thực.

Tác phẩm "Đàn ghita của Lorca" đã thể hiện rất chân thực cuộc đời và số phận Lorca - một nhà thơ vĩ đại. Nghệ thuật của ông không chỉ là tiếng lòng của một tâm hồn đẹp đẽ, mà còn là vũ khí để chiến đấu cho sự tự do của nhân dân. Đó chính là những giá trị cao cả mà người đời sẽ mãi nhắc đến, sẽ mãi tôn thờ của một nhà thơ đã đi vào lịch sử nhân loại.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: