Phân tích bài thơ "Chiều tối"
"Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình"
Đã từng nghe, thơ văn là tấm gương soi lòng người viết. Một bài văn, một vần thơ hay sao có thể thiếu được mảnh tâm hồn tác giả cất giữ bên trong? Ai đã từng đọc qua thơ Bác mà chưa bắt gặp cái chất thép và chất tình. Cái cứng rắn lạc quan, yêu đời của một vị lãnh tụ tài ba và cái tôi trữ tình dạt dào xúc cảm ẩn giấu sau từng câu chữ. Tất cả những điều ấy, hòa quyện lại và kết thành tập "Ngục trung nhật kí" và nổi bật hơn cả trong đó là bài thơ "Chiều tối" (Mộ) được Bác viết trên đường áp lao
"Quyện điểu quy lâm tầm thúc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng."
Hai câu đầu của bài thơ tứ tuyệt vừa là bức tranh ngoại cảnh vừa là bức tranh tâm cảnh của tác giả. Mới tuyệt bút làm sao khi cả hai câu này cũng như toàn bộ bài thơ không hề có một chữ "tối", ấy thế mà cảnh vật vẫn hiện ra mồn một trong sắc đỏ trầm lặng của ráng chiều
"Quyện điểu quy lâm tầm thúc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không"
Cũng như bao bài thơ cổ trước đó, cảnh chiều muộn nào có thể hạ xuống trong câu thơ nếu thiếu một cánh chim mỏi mệt, một chòm mây lững lờ. Như cụ Nguyễn làng Tiên Điền đã từng viết về chiều hôm:
"Chim hôm thoi thót về rừng"
Hay Bà Huyện Thanh Quan cũng từng góp vài nét bút:
"Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn"
Và cả thi thánh Lí Bạch của đất Trung Hoa
"Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn"
Song đằng sau cái khuôn mẫu thơ Đường ấy ta lại bắt gặp một tâm hồn thi nhân rất trẻ. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cánh chim kia được nhà thơ nhân hóa trở nên mỏi mệt bởi người lao tù đã mang tâm cảm mình đặt lên cánh chim trĩu nặng. Nhưng trong tâm trạng buồn bã cô liêu, điểm nhìn của nhà thơ lại là đỉnh trời – một cái ngước đầu đầy kiêu hãnh. Vùng trời vì xuất hiện cánh chim mà càng thêm cao rộng, vì một chòm mây trôi lững lờ mà cáng thêm thoáng đãng. Song dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa ta vẫn bắt gặp ở Người một tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên rất mực tha thiết. Bác lo lắng cho cánh chim bé nhỏ kia, liệu có sớm tìm được chốn ngủ về rừng, lại bâng khuâng cho chòm mây trôi dạt đến bao giờ mới hết kiếp lang thang. Tâm hồn người như vượt ra khỏi gông cùm, xiềng xích; theo ánh mắt mà hòa vào khung trời chiều rộng, cao vô tận. Đây cũng chính là cái chất tình trong thơ Bác, như Tố Hữu đã nói về Người:
"Nâng niu tất cả chỉ quên mình"
Tả cảnh ngụ tình, bức tranh chiều tàn chỉ được Người gợi lên một vài nét đơn sơ, cũng đủ để trở thành tuyệt tác. Nhưng nếu xét riêng về bản dịch thơ của Nam Trân:
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"
Dường như đã đánh mất đi phần nào ý của vần thơ, khi bản dịch lạc mất đi dáng vẻ cô liêu, lang bạt của chòm mây lơ lững bằng cách lược bỏ đi chữ "cô" trong "cô vân". Ý thơ như bị nhẹ hóa đi, khi "mạn mạn" được dịch thành "trôi nhẹ", nghe mới thanh thản trước bản gốc gợi buồn. Bởi chiều tà, những gam màu cam đỏ trộn vào nhau vạch ra ranh giới tranh chấp giữa ánh sáng và bóng tối, sắc buồn man mác bao phủ cả nền trời, rơi vào lòng người vẽ nên một chòm mây "mạn mạn" lững lờ trôi. Và đến hai câu thơ sau, bản dịch lại tiếp tục bộc lộ sự thiếu xót hơn nữa khi hai câu:
" Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"
Được dịch thành:
"Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng"
Ở bản gốc của bài thơ có sử dụng phép điệp vòng khi ba chữ cuối của câu trước lại trở thành nhịp cầu nối kết cho câu cuối "ma bao túc" – "bao túc ma hoàn". Thêm nữa, ở đây bản dịch thơ lại thêm vào chữ "tối" dường như đã đánh mất phong vị của Đường thi "Ý tại ngôn ngoại" – "Ngôn tận nhi ý bất tận". Bài thơ của Bác xuyên suốt không dùng một chữ "tối" nào, mà bóng đêm, từ hai câu đầu chỉ mới chập choạng, giờ đã bao trùm khắp đất trời. Thời gian trong câu thơ có sự vận động từ chiều sang tối. Bức tranh thiên nhiên hữu tình nay đã nhuốm màu sinh khí lao động của con người. Bác dùng ánh sáng để gợi tả bóng tối, bởi sở dĩ màn đêm hiện lên rõ nét và choáng ngợp đến như vậy là do ánh lửa bập bùng của lò than hồng rực. Ánh lửa ấy sẽ không ngời sáng đến thế khi nắng chiều còn chưa tắt hết, ngọn lửa cháy bùng lên rực rỡ trong đêm tối, thu hút ánh nhìn người đi đường. Bếp lửa và mái nhà quây quần, mới ấm cúng biết bao song giờ đây, với thân phận tù đày, những thứ đó với thi nhân thật là một món quà quá xa xỉ. Nhưng những chiếc gông nặng trĩu kia chỉ có thể giam cầm thể xác nhưng tuyệt nhiên chẳng thể xiềng xích một tâm hồn thi nhân lạc quan, yêu đời mãnh liệt. Nhà thơ như hòa vào làm một với bức tranh sinh hoạt ấy, đến bên cạnh ánh lửa sum vầy và chia sẻ niềm vui lao động với người thôn nữ xay ngô. Thi sĩ như quên đi nỗi lòng trĩu nặng với cảnh lao ải tù đày, bỏ qua một bên nỗi lo toan vì chưa thành nghiệp lớn để sẻ chia cái niềm vui được lao động đơn sơ và bình dị
"Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"
Chữ "hồng" chấm dừng bài thơ song nó không khép lại một cách êm đềm, nhã nhặn như thanh bằng của nó. "Hồng" - một chữ sáng bừng lên rực rỡ, nó đã trở thành thi nhãn (chữ có mắt) của cả bài thơ. Như Hoàng Trung Thông đã từng nhận xét: "Chữ "hồng" cân lại, chỉ một chữ thôi với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng cách mấy đi chăng nữa". Sắc hồng của ánh lửa ấm áp đi qua lăng kính nghệ thuật của thi nhân, một chữ giản đơn bình dị mà đầy ấn tượng, dư ba. Gam màu ấy như tràn vào mắt người đọc, mang theo hơi ấm của một trái tim yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên, cuộc sống mãnh liệt vô bờ. Vượt khoảng cách không gian để đến với cánh chim, chòm mây, vượt cả rào cản ngôn ngữ, dân tộc để san sẻ cùng niềm vui lao động. Tấm lòng thi nhân phải bao dung và sâu sắc nhường nào mới đạt đến được những điều ấy, thậm chí quên đi thân mình, cảnh ngộ mà nở một nụ cười lạc quan.
Những vần thơ mang khuôn mẫu thơ Đường song lại ẩn chứa sự bứt phá của lối thi pháp hiện đại khi: Thơ xưa thường tĩnh song thơ Bác lại nổi lên sự vận động của không gian và thời gian, từ chiều sang tối, vòng quay vận động của chiếc cối xay ngô. Tự khi nào mà "Chiều tối" đã sớm trở thành một tuyệt tác: vận dụng thể thơ chữ Hán cổ nhưng không đi vào lối mòn, vẽ nên một bức tranh ngoại cảnh và tâm cảnh bằng những biện pháp nghệ thuật độc đáo như tả cảnh ngụ tình, nhân hóa, phép điệp vòng và sự vận động của hình ảnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không chỉ xuất sắc trong vai trò một lãnh đạo, mà trong cả ngòi bút cũng để lại trong lòng người đọc những dư vị sắc sâu. "Chiều tối" bài thơ tựa như một cái chạm tay khẽ nhẹ thôi nhưng cũng đủ để tâm hồn những con người yêu
thơ khắc sâu cái tên Hồ Chủ Tịch.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top